Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

48. Thu Phục Rồng Chúa Nandopananda(1)

17/03/201409:42(Xem: 28600)
48. Thu Phục Rồng Chúa Nandopananda(1)
blank
Thu Phục Rồng Chúa
Nandopananda(1)

Hôm ấy, trưởng giả Ānathapiṇḍika sau khi nghe xong thời pháp tại Kỳ Viên, ông rất hoan hỷ về quả báu của sự cúng dường Tam Bảo nên cung kính đảnh lễ đức Phật rồi thưa rằng:

- Bạch đức Thế Tôn! Con muốn làm phước sự không mệt mỏi, vậy thì ngày mai, kính thỉnh đức Thế Tôn cùng với Tăng chúng tỳ-khưu năm trăm vị, đến tư gia để cho gia đình con được đặt bát cúng dường!

Đức Thế Tôn im lặng nhận lời.

Vào canh chót đêm ấy, như lệ thường, đức Phật nhập đại bi định, xuống cận hành định rồi quán xét khắp thế gian, xem có chúng sanh nào hữu duyên có thể hóa độ chăng? Trong vùng ánh sáng trong suốt của tâm trí thuần tịnh, rồng chúa Nandopananda hiện ra; đức Phật biết rằng nó có đủ duyên lành, mặc dầu là loài rồng rất hung dữ, đặc đầy tà kiến, không có đức tin, lại nhiều năng lực thần thông; nhưng cuối cùng, nó cũng biết tìm về nương tựa nơi ba ngôi báu! Vậy ai là người có khả năng thu phục được rồng chúa này? Đức Phật biết rằng, Mahā Moggallāna là người có năng lực kỳ diệu đó.

Trời vừa hửng sáng, lúc chim muôn reo hót líu lo trên cành, khi sương mù ban mai lành lạnh len vào cửa sổ; đức Thế Tôn hé mở hương phòng, gọi người thị giả trung tín:

- Này Ānanda! Ông hãy cho người thông báo tập trung năm trăm vị tỳ-khưu có thần thông, đặc biệt là phải có Mahā Moggallāna để cùng với Như Lai đi chơi một cõi xa!

Đức Ānanda ngạc nhiên:

- Đức Thế Tôn đi vân du chốn nào?

- Trên đường đến Tam Thập Tam Thiên!

- Thế thì lời cung thỉnh đặt bát cúng dường trưa nay của trưởng giả Ānathapiṇḍika phải trả lời làm sao, bạch đức Tôn Sư?

Đức Phật mỉm cười:

- Như Lai có quên lời hứa ấy đâu!

Biết là mọi việc đã được sắp xếp trong vừng trán sáng ngời của bậc siêu nhân ấy, tôn giả Ānanda không dám hỏi gì nữa, cúi đầu lui ra, lặng lẽ đi lo nhiệm vụ của mình.

Cũng vào sáng hôm ấy, tại giang sơn riêng, long vương Nandopanandatổ chức cuộc vui chơi linh đình, cao sang và xa xỉ nhất. Rồng chúa ỷ thế có nhiều oai lực, đã tự biến hóa ra một cung điện nguy nga tráng lệ, ngự giữa sông nước, với lâu các điệp trùng, với lưu ly, xà cừ, hổ phách lấp lánh!

Rồng chúa ngồi trên ngai có lọng trắng che, phủ bằng diềm kim tuyến, đoanh vây xung quanh hầu thiếp, thị nữ sắc đẹp nõn nường. Xa về phía đối diện, thấp hơn là bá quan văn võ, cũng áo mũ cân đai y như một tiểu triều đình ở cõi người. Tất cả bọn chúng ở trên bửu đài kết thành hình móng ngựa. Thị vệ, thị nữ diêm dúa và lòe loẹt xiêm y lượn lờ tới lui bưng hầu thức ăn, nước uống, tất cả đều là mỹ vị, thượng phẩm của chốn long cung! Vua tôi ai nấy đều hể hả nói cười, nhai nuốt ngồm ngoàm, ngôn lời như vỡ chợ. Trong lúc ấy, ở giữa, dựng một khán đài lộ thiên để những nghệ sĩ, nghệ nhân ưu tú trổ tài biểu diễn cho tôi chúa cùng xem. Những thanh niên rồng làm nhạc công, sử dụng những nhạc khí hình cá sấu, hình cua, hình thuồng luồng... tạo nên những âm thanh lạ lùng, quái dị! Những thiếu nữ rồng là những vũ công kỳ tài, trổ ngón nghề thiện xảo, uốn éo những vũ điệu rong rêu trao tình gì đó mà thế gian không ai có thể tưởng tượng ra được! Thế nhưng, tất cả đều say mê lắng nghe, thưởng thức đến xuất thần hồn!

Ngay lúc ấy, đức Phật cùng với năm trăm vị tỳ-khưu đầy oai lực của giáo hội, đang bay qua khoảng không gian phía trên địa phận cung điện của rồng chúa như một dải mây vàng vắt trên nền trời! Một long dân trông thấy hiện tượng lạ lùng, chỉ trỏ rồi la toáng lên:

- Coi kìa! Coi kìa! Một chúa hoàng long vĩ đại của cõi giới nào xuất hiện giữa trời kìa!

Rồng chúa Nandopananda nhiều kiến thức hơn, trông thấy, biết ngay đấy là ai! Hình ảnh ấy như chọc tức, như khiêu khích làm cho nó nổi cơn thịnh nộ, đứng dậy, hét như sấm nổ:

- Hay cho bọn sa-môn đầu trọc dám xâm phạm lãnh thổ của ta!

Rồi y hùng hổ, ngạo mạn nói với bọn bầy tôi thuộc hạ:

- Chẳng phải hoàng long, hoàng “liếc” gì đâu! Lũ sa-môn ông Gotama đấy! Không biết chúng có việc gì mà đang dùng thần thông bay đến cõi Tam Thập Tam Thiên của ông Đế Thích nhát như thỏ đế kia! Quả thật bọn hèn hạ đê tiện này như đang đâm vào mắt ta! Chúng đã dám làm rớt bụi trên đầu ta và cung điện huy hoàng của ta! Được rồi! Hãy chống mắt mà xem oai lực của ta! Ta sẽ làm cho chúng mịt mờ, chẳng thấy đâu là cõi trời ấy, chẳng thấy đâu là đường đi lối về!

Nói thế xong, rồng chúa Nandopananda bỏ dở buổi tiệc, trổ thần lực đến ngay chân núi Sineru (Tu Di), biến thân mình to lớn và dài bao quanh núi, cuộn tròn cả ngọn núi, chồng lên nhau bảy vòng; rồi phồng mang che luôn cả chóp núi, trùm luôn cả cung trời Đao Lợi ở bên trong. Thế là từ xa, chẳng ai còn nhìn thấy gì nữa, đất trời như một khoảng mông lung mây khói.

Không gian chợt nhiên như tối lại. Nhìn hiện tượng bất ngờ ấy, Tôn giả Raṭṭhapāla thưa:

- Bạch đức Thế Tôn! Trước kia, mỗi lần lên ngang đây, con đều nhìn thấy đỉnh Sirenu, nhìn thấy cung trời Tam Thập Tam; nhìn thấy cả cung điện Vejayañtapasāda của Sakka thiên chủ cùng lá cờ trên đỉnh tháp ấy! Nhưng nay thì không nhìn thấy gì nữa cả, trước mặt dường như bị sương khói bít lại! Nhân duyên là bởi đâu hở ngài?

Đức Phật nói:

- Này Raṭṭhapāla! Rồng chúa Nandopananda nổi giận đấy! Hắn dã dùng thần thông, hóa hình to dài bao trùm núi Sineru đến bảy vòng, bao trùm luôn cả những gì mà trước đây ngươi nhìn thấy!

Tôn giả Raṭṭhapāla tâu:

- Hắn có tài thế ư, bạch đức Thế Tôn?

- Không những ỷ mình nhiều thần lực mà hắn còn mạt sát “lũ sa-môn đầu trọc” chúng ta làm rớt bụi trên đầu hắn!

- Thế thì nên giáo hóa hắn, cho hắn biết thần thông kia chỉ là con ngáo ộp! Xin đức Thế Tôn cho phép con dạy hắn bớt cái tánh kiêu căng, ngã mạn ấy đi!

- Như Lai biết con làm được việc ấy, nhưng người đầy đủ duyên lành làm việc ấy không phải là con!

Rồi lần lượt chư vị tôn giả Mahā Kassapa, Bhaddiya, Upāli... vị nào cũng muốn ra oai trị tội rồng chúa phạm thượng, nhưng đức Thế Tôn đều không chuẩn y. Chỉ đến khi tôn giả Mahā Moggallāna bước ra xin phép, đức Phật mới gật đầu:

- Phải rồi! Chính ông mới là người có đủ duyên với rồng chúa, ông có biết tại sao không?

- Con mong được Thế Tôn chỉ giáo!

Đức Phật nói với đại chúng:

- Trong nhiều kiếp, Mahā Moggallāna đã từng gặp gỡ rồng chúa, và rồng chúa thường kính nể, sợ oai Mahā Moggallāna. Ngoài ra, Mahā Moggallāna đã nhiều tiền kiếp làm long vương, làm ma vương nên rất hiểu tâm lý lẫn những phương pháp làm cho long vương nể phục. Đấy là chưa nói đến Mahā Moggallāna là bậc có thần thông đệ nhất trong hàng Thinh Văn đệ tử của Như Lai. Hội đủ các yếu tố ấy, dẫu ương ngạnh, kiêu mạn, hung ác, ngoan cố thế nào thì long vương cũng phải tâm phục, khẩu phục!

Chư tỳ-khưu thọ trì lời đức Thế Tôn dạy, ai ai cũng hoan hỷ về sự dụng tâm chu đáo của ngài.

Thế rồi, sau đó, tôn giả Mahā Moggallāna bèn trổ thần thông, biến thành một con rồng to lớn và dài hơn cả rồng chúa Nandopananda. Rồng này da, vảy cứng hơn cả sắt nguội, lần lượt cuộn lấy và bao quanh thân rồng chúa đến mười bốn vòng; phồng cái mang to nặng như quả núi đè lên mang của rồng chúa rồi dùng thần lực từ từ siết chặt lại! Rồng chúa cảm nghe thân thể, gân cốt của mình như sắp bị vỡ ra. Hốt hoảng, sợ hãi, đau đớn, rồng chúa hỏi:

- Ngươi là ai, vô duyên vô cớ lại đến đây hại mạng ta?

Tôn giả Mahā Moggallāna đáp:

- Chẳng phải vô duyên vô cớ đâu, này Nandopananda! Ta là Mahā Moggallāna đến đây trị tội ngươi đã vô lễ với đức Thế Tôn!

Rồng chúa Nandopananda cảm thấy xương cốt như sắp bị gãy vụn ra từng khúc, nhưng vẫn cứng đầu, ương ngạnh nói:

- Đức Thế Tôn ấy là ai, ta không biết. Ta không phục.

- Rồi ngươi phải phục thôi. Ta sẽ không nương tay cho đến khi cái tâm của ngươi mềm như bùn nhão.

Nói xong, ngài gia tăng thần lực. Rồng chúa đau đớn quá, tức giận, hóa ra một luồng khói độc, cuồn cuộn tuôn chảy ra bên ngoài cốt hại mạng ngài cho bằng được. Tôn giả Mahā Moggallāna cũng hóa ra một luồng khói độc lớn hơn, cuốn trọn luồng khói độc của rồng chúa rồi từ từ tuôn đổ vào mắt, vào mũi của nó, làm cho nó khó chịu vô cùng.

Nước mắt, nước mũi cay xè, rồng chúa thổi ra một luồng lửa nóng bỏng tan sắt, chảy đá... Tôn giả Mahā Moggallāna bèn hóa ra một luồng lửa lớn hơn, đẩy bật luồng lửa của rồng chúa, rồi cứ tìm mắt mũi của nó mà tuôn vào!

Một phần thân thể bị siết chặt đau điếng, co rúm lại, một phần thì bị lửa và khói thiêu đốt; rồng chúa thét lên be be, thở hổn hển, nước mắt nước mũi tuôn chảy dầm dề. Dùng kế, nó giả vờ cất giọng năn nỉ:

- Thôi ông sa-môn! Tôi thua rồi! Tôi phục rồi! Xin ông sa-môn từ bi hiện hình ra! Tôi không dám lếu láo thế nữa đâu. Xin ông hãy tha cho!

Biết rồng chúa mưu mô xảo quyệt, chưa thật tâm cải hối, nhưng tôn giả Mahā Moggallāna vẫn thâu thần lực. Rồng chúa đột nhiên thấy toàn thân nhẹ hẫng, khoan khoái vô cùng. Nó tự nghĩ: “Hễ vừa thấy bóng dáng của tên sa-môn đáng ghét, ta sẽ chộp nhanh lấy và nhai nuốt ngấu nghiến ngay!” Nhưng bóng vị sa-môn vừa xuất hiện đã vội mất ngay như tia chớp, rồi trong lỗ tai của rồng chúa cảm nghe đau buốt tận xương tủy.

Hóa ra, tôn giả Mahā Moggallāna biết được ý nghĩ độc ác của rồng chúa. Lại nữa, tâm địa của loài rồng này ngài không lạ lùng gì, nên đã sử dụng một loại thần thông thật cao siêu: Ngài không hề nhỏ lại mà lỗ tai của rồng chúa cũng không hề lớn ra! Thế rồi, ngài tạo một đường kinh hành, đi xuyên qua từ tai phải qua tai trái, rồi từ tai trái qua tai phải của rồng chúa!

Rồng chúa đau đớn, giãy dụa, kêu gào nhưng ngài cũng chưa chịu tha cho! Hết đường kinh hành ấy, ngài tạo con đường khác là đi từ lỗ mũi bên trái sang lỗ mũi bên phải, rồi từ lỗ mũi bên phải sang lỗ mũi bên trái!

Đến đây thì rồng chúa dường như không còn chịu đựng được nữa, nó van vỉ:

- Xin tha cho! Xin tha cho! Tôi sợ rồi!

Và, quả thật nó đã sợ hãi tài thần thông kinh khiếp của ngài. Nhưng tôn giả Mahā Moggallāna biết rõ nó, hễ có cơ hội là bị nó ăn tươi nuốt sống ngay, nên ngài cười ha hả, nói:

- Này Nandopananda! Ta còn đọc được ý nghĩ trong óc của ngươi kìa! Đừng hòng mà qua mặt ta. Nhưng xem đây, ta sẽ đi ra đây!

Đã hết đau đớn, rồng chúa thở một hơi dài. Tuy nhiên, chỉ được một lát sau, trong bụng rồng chúa như có một mũi dùi nung đỏ đâm xuyên từ hướng này sang hướng kia! Hóa ra, khi rồng chúa vừa mở miệng, ngài đã đi thẳng vào bụng hắn, mở một đường kinh hành từ hướng tây sang hướng đông, từ hướng nam qua hướng bắc...

Đức Thế Tôn thấy rồng chúa đau đớn quá, ngài cũng động lòng, nhưng quá biết rõ sự hung ác của rồng chúa, nếu không làm vậy thì nó không sợ oai, nên ngài chỉ mở lời nhắc nhở:

- Hãy nên thận trọng, này Mahā Moggallāna! Rồng chúa Nandopananda có thần thông rất lợi hại. Hãy coi chừng tâm địa của hắn!

- Bạch đức Thế Tôn! Tôn giả Mahā Moggallāna nói vọng ra – đệ tử đã luyện iddhipāda (Tứ thần túc) đi đến chỗ tinh thục như ý muốn. Xin ngài đừng lo cho đệ tử!Còn tâm địa của hắn, đệ tử biết rất rõ như đang đi trong lục phủ ngũ tạng của hắn đây! Dẫu cho hằng trăm hằng ngàn rồng chúa oai lực và cứng đầu, con cũng làm cho chúng mềm xương, huống hồ chỉ một rồng chúa tép riu này!

Rồng chúa vô cùng kinh sợ, không rõ ngài vào bụng hắn lúc nào! Ruột thì đau đến độ không còn chịu nổi mà tâm trí rồng chúa lại nghĩ: “Ngươi đi vô, có lúc ngươi phải đi ra ngang đường cửa miệng, và hễ chỉ một tí xíu động cựa tợ mảy lông là ta sẽ nghiền nát ngươi ra như bột mới hả được cơn giận này!”

Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng rồng chúa cất giọng rất khẩn thiết, rất chân tình:

- Bạch ngài sa-môn! Tôi đã hoàn toàn khuất phục rồi! Chính oai lực của ngài đã làm tôi tán đởm kinh hồn! Từ rày tôi không dám hỗn hào với đức Thế Tôn kia nữa, xin trời cao chứng giám cho!

Tôn giả Mahā Moggallāna hỏi:

- Ngươi biết đức Thế Tôn ư?

- Dạ biết!

- Do đâu ngươi biết?

- Danh tiếng đức Thế Tôn đã chấn động hoàn vũ, nhất là khi ngài chứng quả vị Phật!

- Sao hồi nãy ngươi nói, ngươi không biết đức Thế Tôn ấy là ai?

Rồng chúa bối rối:

- Dạ, dạ... tôi đã nói dối!

Tôn giả Mahā Moggallāna nói:

- Cái tội nói dối ấy, ta trị ngươi như vậy, ngươi đã tâm phục, khẩu phục chưa?

- Dạ phục rồi!

- Vậy ta tha cho đó. Biết phục thiện là tốt. Hãy xem, ta sẽ đi ra đây!

Rồi tức khắc, chẳng động cựa mảy lông, tôn giả Mahā Moggallāna không biết đi ra lúc nào, đã đứng ngay trước mặt hắn với tướng mạo trang nghiêm, thần oai khiếp vía!

Nhanh như điện, từ hai lỗ mũi, rồng chúa phun ra hai luồng gió độc cực kỳ uy mãnh, như sấm sét, như vũ bão để giết hại tôn giả Mahā Moggallāna! Vốn đã biết được ý định của rồng chúa nên ngài đã an nhiên trú định tứ thiền! Hai luồng gió độc hung hăng, kinh khiếp tưởng sẽ thổi ngài tan xác tận bể Đông; nhưng rồng chúa đã lầm, ngay chính đầu mảy lông của ngài cũng không hề lay động!

Rồng chúa thấy rất rõ về điều ấy, thất sắc, bàng hoàng, nhưng nó quyết chiến đấu đến cùng, không dễ gì đầu hàng được.

Đến nước này thì tôn giả Mahā Moggallāna không thể nương tay được nữa, ngài quyết tung ra đòn cân não, thật sự đe dọa tính mạng của nó, nó mới phục cho! Thế rồi, ngài biến hóa thành điểu vương Gadura to lớn, lừng lững cả một khoảng trời làm cho thiên hôn, địa ám! Điểu vương quạt hai cánh lớn rộng phành phạch giữa không gian làm cho núi Sineru dường như phải chao đảo! Từ trên cao, điểu vương lao nhanh xuống, lấy hai chân cắm phập, quặp vào đầu và thân rồng chúa, siết chặt như hai gọng kềm, rồi nhấc bổng lên cao!

Rồng chúa nghe buốt đau đến tận xương tủy, máu chảy thành suối, biết rằng mọi thần thông, phép lạ, oai lực của nó – đối với vị sa-môn này, quả thật là hạt cát mà thôi!

“- Ôi! Nó than dài! Hóa ra trời cao còn có trời cao hơn! Chỉ một đệ tử của ông sa-môn Gotama mà đã làm cho ta phải sống dở chết dở như thế này, huống nữa là chính ông ta?”

Nghĩ đến ngang đây, bao nhiêu kiêu căng, tự phụ, hống hách, ngang tàng, tự mãn, cao ngạo, hung dữ... của rồng chúa chợt tiêu tan như hạt tuyết phơi giữa nắng mặt trời! Nó gục đầu, cắn răng chịu đựng cơn đau, rồi nói:

- Bạch ngài sa-môn! Thật không còn lý do gì để tôi tỏ vẻ cứng đầu, ngoan cố được nữa. Ngài có thể dễ dàng chấm dứt sanh mạng của tôi như phủi một hạt bụi, nhưng ngài đã không làm thế! Sự nhẹ tay của ngài cũng là vì lòng bi mẫn, ngài chỉ mong muốn tôi bỏ bớt những tánh hư, tật ác mà thôi!

Thâu thần thông lực trở lại, tôn giả Mahā Moggallāna gật đầu, chậm rãi nói:

- Quả vậy, này Nandopananda! Ngươi đã hiểu được ý ta! Việc giết ngươi, đối với ta chỉ cần thời gian một sát-na, không hơn không kém. Nhưng ta đã không làm vậy. Mới làm ngươi khổ tí chút, lòng ta đã áy náy lắm rồi! Tuy nhiên, còn biết sao hơn, khi chúa loài rồng chỉ biết tâm phục, khẩu phục những ai tài cao hơn mình? Chúa loài rồng dẫu cho đầu và thân thể sắp bị nghiền nát như cám vụn, cái tâm tranh chiến, quyết thắng vẫn chưa chịu từ bỏ! Có phải vậy không Nandopananda?

Rồng chúa hiện hình thành đứa trẻ, quì sụp xuống:

- Đúng là như thế! Cái tánh của tôi là như thế! Tôi ngạc nghiên không hiểu làm sao, ngài có thể biết được tâm địa của rồng chúa, dường như còn tường tận hơn cả tôi nữa?

- Có gì lạ đâu, này Nandopananda! Vì đã nhiều kiếp làm rồng chúa, nên ta biết! Ta cũng đã nhiều đời làm ma vương nên sự lường láo, phản trắc, tráo trở, hung ác, xảo trá, thủ đoạn... của ngươi bây giờ, thật chưa bằng một phần mười sáu của ta thuở xưa đâu!

- Hóa ra là như vậy! Hèn gì tôi không thể qua mắt ngài được, dẫu là tí chút!

Rồng chúa thốt thế xong, y lạnh mình, suy nghĩ: “Người ta như thế mà đã dụng tâm tu tập để trở thành một vị thánh hiền thiện! Còn ta là gì mà cứ mãi mải mê trên con đường độc ác, tự cao?”

Rồi rồng chúa đảnh lễ dưới chân ngài:

- Xin ngài hãy cho tôi nương tựa! Hãy cho tôi được cơ hội cải tà qui chánh. Từ rày về sau cho đến trọn đời, tôi sẽ cố gắng chừa bỏ những ác tánh, ác tật ở trong tâm!

Tôn giả Mahā Moggallāna cất giọng dịu dàng:

- Ta tin ngươi làm được việc đó. Ta cũng tin sự cải hối của ngươi bây giờ là chân thật! Nhưng này Nandopananda! đức Thế Tôn đang ở kia, ngài chính là đức Đạo Sư, là bậc thầy vĩ đại của ta và còn của cả tam giới nữa. Vì lợi ích và hạnh phúc lâu dài cho ngươi, ngươi hãy đến đấy mà qui giáo với đức Thế Tôn!

Sau đó, với vài lời vắn tắt, đức Phật nói sơ về ân đức và uy lực của ba ngôi báu; sự nguy hại, bất hạnh cùng những quả khổ dài lâu do những ác tâm, ác hạnh không chịu hối quá! Khi thấy rồng chúa đã trở nên nhu thuận, tín phục, đức Phật bèn cho rồng chúa qui y Tam Bảo làm nơi nương tựa hướng thượng cho đến trọn đời!

Duyên hóa độ rồng chúa Nandopananda thế là đã chu toàn, mỹ mãn, đức Phật cùng năm trăm vị tỳ-khưu liền vân hành trở về lại Sāvatthi, ghé nhà trưởng giả Ānathapiṇḍika để thọ nhận sự cúng dường!

Vị trưởng giả đại thí chủ hoan hỷ ra nghinh đón với nụ cười nở trên môi:

- Bạch đức Thế Tôn! Ông nói – Vì nguyên nhân nào mà đức Thế Tôn và tăng chúng đến trễ như thế này?

- Này Anāthapiṅdīka! Như Lai cùng chư tăng trên đường đến Tam Thập Tam Thiên, ngang qua cung điện của rồng chúa Nandopananda; và Như Lai đã cho phép Mahā Moggallāna, con trai của Như Lai dùng thần thông để nhiếp phục Long vương hung dữ ấy!

- Kết quả như thế nào bạch đức Thế Tôn?

- Thần thông của trưởng tử Như Lai là đệ nhất, là tuyệt hảo. Rồng chúa nhiều oai lực kia đã qui phục, đã nhu thuận, đã có đức tin và đã qui y Tam Bảo!

Nghe vậy, vị đại phú hộ vô cùng vui mừng, hớn hở chắp tay lên đỉnh trán:

- Thật là quí hóa! Thật là điều đáng hoan hỷ! Vậy đệ tử xin cung thỉnh được đặt bát cúng dường đức Thế Tôn và đại chúng tỳ-khưu tại tư gia, không phải một ngày, mà là suốt bảy ngày như thế để chia vui, cùng chúc mừng tôn giả Mahā Moggallāna đã làm nên một kỳ tích hy hữu!



- Hết tập 5 -




Mot_Cuoc_Doi_01Mot_Cuoc_Doi_2Mot_Cuoc_Doi_3










Mot_Cuoc_Doi_4Mot_Cuoc_Doi_5Mot_Cuoc_Doi_6


Chân thành cảm ơn Hòa Thượng Giới Đức Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Đạo Hữu Chánh Trí và Đạo Hữu Viên Hướng đã gởi tặng
trang nhà Quảng Đức phiên bản điện tử và CD-MP3 của tập sách này (Thích Nguyên Tạng, 11-2013)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/02/2021(Xem: 4984)
Nhà thiền có danh từ Tọa Xuân Phong để diễn tả hạnh phúc khi thầy trò, đồng môn, được ngồi yên với nhau, không cần làm gì, nói gì mà như đang cho nhau rất đầy, rất đẹp. Danh từ đó, tạm dịch là “Ngồi Giữa Gió Xuân” Mùa Xuân chẳng phải là mùa tiêu biểu cho những gì hạnh phúc nhất trong bốn mùa ư? Hạ vàng nắng cháy, vui chơi hối hả như đàn ve sầu ca hát suốt mùa để cuối mùa kiệt lực! Thu êm ả hơn, nhưng nhìn mây xám giăng ngang, lá vàng lả tả, tâm- động nào mà không bùi ngùi tưởng tới kiếp nhân sinh?
07/02/2021(Xem: 5214)
Chú mục đồng chậm rãi bước xuống sông. Bên cạnh chú, con trâu lớn nhất đàn ngoan ngoãn xuống theo. Đôi mắt hiền lành của nó nhìn chú như mỉm cười, tin tưởng và thuần phục. Những con trâu bé hơn lại nhìn bước đi vững chãi, an lạc của con trâu đầu đàn mà nối nhau, cùng thong thả qua sông. Đây là khúc sông cạn mà chú đã dọ dẫm kỹ lắm. Đáy sông lại không có những đá nhọn lởm chởm có thể làm chân trâu bị thương. Bên kia sông, qua khu rừng có những cội bồ đề râm mát là tới đồng cỏ rộng. Mùa này, sau những cơn mưa, cỏ non vươn lên xanh mướt, đàn trâu gồm bẩy con mà chú có bổn phận chăm sóc tha hồ ăn uống no nê sau những giờ cực nhọc cầy bừa ngoài đồng lúa.
07/02/2021(Xem: 7995)
Khi những cơn bảo và áp thấp nhiệt đới hung hãn nhất vừa tạm qua đi, khí trời phương Nam cũng trở buồn se lạnh. Nhiều người cho đó là hoàn lưu của những cơn bão miền Trung mà tất cả con dân “bầu bí chung dàn” vẫn còn đang hướng về chia sẻ, nhưng ít người nhận ra rằng đó chính là cái se lạnh của mùa đông phương Nam, báo hiệu mùa xuân sắp đến nơi ngưỡng cửa của bộn bề lo toan hằng năm.
06/02/2021(Xem: 6138)
Mười bức “Tranh Chăn Trâu” trong phần này là của họa sư Nhật Bản Gyokusei Jikihara Sensei, vẽ vào năm 1982 nhân một cuộc thăm viếng thiền viện Zen Mountain Monastery ở Mount Tremper, New York, (Hoa Kỳ). Họa sư vẽ để tặng thiền viện. Các bài thơ tụng thời nguyên gốc của thiền sư Quách Am viết vào thế kỷ thứ 12. Thơ tụng được chuyển dịch ở đây bởi Kazuaki Tanahashi và John Daido Loori, sau đó được nhuận sắc bởi Daido Loori để mong tạo lập ra những hình ảnh và ẩn dụ cho thêm giống với phong cảnh núi sông ở quanh thiền viện Zen Mountain Monastery. Thiền sư Daido Loori là người lãnh đạo tinh thần và là tu viện trưởng của thiền viện này.
04/02/2021(Xem: 5619)
Hôm qua mình có giới thiệu cuốn sách Buddhism in America (Phật Giáo Mỹ) của Richard Hughes Seager. Có bạn hỏi thêm muốn tìm hiểu Phật Giáo Mỹ nên nhờ mình giới thiệu vài cuốn. Nghĩ rằng đây là câu hỏi hay nên mình xin viết giới thiệu 7 cuốn sách để nhiều người lợi lạc. 1. Cuốn The Faces of Buddhism in America (Diện Mạo của Phật Giáo ở Mỹ) do Charles Prebish 2. Buddhist Faith in America (Đức Tin Phật Giáo ở Mỹ) tác giả Michael Burgan 3. Buddhism in America của Richard Huges Seager (1999, tái bản 2012) 4. Buddhism in America của Scott Mitchell 5. Altered Traits: Science Reveals How Meditation Changes Your Mind, Brain, and Body, 2017 6. A Mindful Nation: How a Simple Practice Can Help Us Reduce Stress, Improve Performance, and Recapture the American Spirit, 2012, 7: American Dharma: Buddhism Beyond Modernity
01/02/2021(Xem: 4255)
Tại các nước nông nghiệp hình ảnh con trâu với đứa trẻ chăn trâu ngồi trên lưng trâu thổi sáo là một hình ảnh quen thuộc thường gắn liền với đời sống của người dân. Tại Việt Nam, từ lâu hình ảnh này đã đi vào tâm thức mọi người và không chỉ có giá trị trong đời sống lao động thực tiễn mà còn nghiễm nhiên đi vào lãnh vực văn học nghệ thuật nữa. Trong văn học Phật giáo nói chung và văn học Thiền tông nói riêng thời hình ảnh con trâu với trẻ mục đồng đã trở thành thi liệu, biểu tượng, thủ pháp nghệ thuật. Những hình ảnh này hiển hiện trong truyền thống kinh điển cũng như được đề cập đến nhiều lần trong những thời pháp của đức Phật khi Ngài còn tại thế.
01/02/2021(Xem: 9151)
Vào thời thái cổ, theo truyền thuyết Đế Minh là cháu bốn đời của vua Thần Nông đi tuần thú phương Nam đến núi Ngủ Lĩnh ( nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung quốc ). Vua Đế Minh đã dừng chân tại nơi nầy, ngài cưới Vu Tiên nữ con vua Động Đình Hồ làm vợ. Đế Minh sinh được một trai tư chất thông minh ngài đặt tên Lộc Tục. Vào năm 2879 trước tây lịch ( khoảng thế kỷ thứ 7 TCN ) Đế Minh phong cho con làm vua ở phương Nam. Lộc Tục lên ngôi xưng đế hiệu Kinh Dương Vương đặt tên nước là Xích Quỷ ngài đóng đô tại Phong châu.
01/02/2021(Xem: 5709)
Kinh Phật đầu tiên là kinh Hoa Nghiêm, kinh Phật cuối cùng là kinh Đại Bát Niết Bàn. Chúng ta học hai kinh nầy để nắm trọn lịch trình của đạo Phật. Kinh Đại Bát Niết Bàn thường gọi là Niết Bàn là kinh vừa kể lại lịch sử đức Phật trước khi nhập diệt vừa là kinh nói về lời giáo huấn cuối cùng của ngài. Vừa tâm lý tình cảm vừa là lời nhắn nhủ sau cùng của Phật cho đạo tràng như người cha trăn trối cho con tiếp tục theo đường đi của ngài. Đời thế gian của Đức Phật khi sinh ra vì bào thai to lớn quá phải giải phẩu bụng của mẹ ngài nên mất máu mà mất sớm, ngài sống qua sự nuôi dưỡng của người dì em của mẹ.
01/02/2021(Xem: 7019)
Phần này bàn về các danh từ gọi dụng cụ gắp cơm và đưa vào miệng (ăn cơm) như đũa hay trợ, khoái, giáp cùng các dạng âm cổ của chúng. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), TQ (Trung Quốc), ĐNA (Đông Nam Á), HT (hài thanh), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), VBL (tự điển Việt Bồ La/1651) ĐNQATV (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị/1895).
29/01/2021(Xem: 5741)
Ở đời không phải ai cũng chấp nhận sự chân thành của bạn. Những người quanh ta luôn công nhận việc tốt mà ta đã và đang làm, trở thành đương nhiên như thế… và đến một ngày kia bạn quá mệt mỏi liệu có ai bên cạnh bạn và cảm thông với bạn không? Vì trong suy nghĩ của họ bạn là người tự nguyện cho đi..., trong hoàn cảnh như thế liệu bạn có tiếp tục cho đi nữa hay không? Tất nhiên là có, chúng ta hãy tiếp tục sống tốt nhưng phải là người tốt thông minh. Hãy tin rằng không có nỗ lực nào là uổng phí, hãy có quan điểm và lý tưởng của chính mình, luật nhân quả luôn đền bù cho bạn xứng đáng. Nhà Phật dạy có Luân Hồi-Ngiệp Báo. Không ai phủ nhận rằng quan tâm chăm sóc người khác là tốt, nhường nhịn người khác đều là tốt, tuy nhiên quan tâm quá, họ sẽ làm khó ta vạn lần, nhiệt tình quá họ sẽ đâm ra nghi ngờ, thậm chí khiến bạn bị tổn thương …
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]