Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

29. Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta

17/03/201408:47(Xem: 31854)
29. Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta
blank
Tuệ Phân Tích
Của Tôn Giả Sāriputta

Thánh y Jīvaka đi vắng, ông thường bận chăm sóc sức khỏe cho đức vua Bimbisāra và chư tăng ở Veḷuvanārāma tịnh xá. Tuy không có mặt gia chủ cư sĩ hiền thiện, nhưng đèn đuốc đây đó đã được thắp sáng lên khi chư tăng bổn xứ hay biết đức Thế Tôn cùng chư vị đại trưởng lão ghé thăm. Những ghè nước rửa chân, những chiếc khăn chùi chân, những chiếc khăn thơm lau mặt, những chỗ ngồi cũng đã được sắp đặt tươm tất đây đó.

Không cần nghỉ ngơi, sau khi an tọa, đức Phật nói:

- Bây giờ, ba vị trưởng lão Mahā Moggallāna, Ānanda, Upāli hãy thay nhau thuyết lại buổi pháp thoại ở trên đỉnh Linh Thứu, xoay quanh ba nội dung: Một, là mười trí lực của một bậc Chánh Đẳng Giác; hai là những đức tánh cần có trong tâm của một bậc trưởng lão; ba là nói đến tấm y cà-sa với từng ô, từng ô như là ruộng phước của chư thiên và loài người. Sau đó, con trai trưởng của Như Lai (Sāriputta) phải có nhiệm vụ vừa đúc kết vừa triển khai rộng thêm về những đề tài ấy.

Vâng lời đức Vô Thượng, tôn giả Mahā Moggallāna thuyết về mười Như Lai lực rất rõ ràng, mạch lạc, thỉnh thỏang dừng lại giải thích một số thuật ngữ như uẩn, xứ, giới làm cho thính chúng rất hài lòng. Đến phiên tôn giả Ānanda, ngài nói về mười hai pháp cần có trong tâm của một bậc trưởng lão, y như lần trước. Tuy nhiên, lần này tôn giả nói lại càng trôi chảy hơn, lưu loát hơn, ai cũng hoan hỷ. Riêng tôn giả Upāli thì kể lại buổi pháp thoại trên núi Linh Thứu, nói về những mảnh ruộng với từng ô, về áo cà-sa, về ruộng phước của chư thiên và loài người. Tôn giả cũng giải thích rõ ràng, tại sao những tỳ-khưu hư hỏng, khuyết tật về giới nhưng còn tăng tướng, phẩm mạo sa-môn vẫn là mảnh ruộng phước. Tôn giả cũng giải thích rộng và chi tiết về Tăng Bảo ba đời cho hội chúng nghe nữa.

Ba vị tôn giả thuyết xong, hội chúng rần rần tán thán “sādhu, lành thay”, âm ba dao động khu vườn tĩnh mịch. Một số vị tỳ-khưu còn phàm, thường hay hổ thẹn về giới của mình cảm thấy vô cùng an ủi; họ tự hứa sẽ tu tập tốt hơn, thu thúc nghiêm cẩn hơn để xứng đáng với tăng tướng, phẩm mạo sa-môn, xứng đáng ở trong Tăng Bảo ba đời.

Để kết luận, tôn giả Sāriputta nói:

- Chư vị biết không? Mười Như Lai lực mà tôn giả Mahā Moggallāna vừa thuyết lại, nó có công năng tối thắng, nó vượt trội, nó là chiếc búa kim cương đập vỡ tất cả mọi lực, mọi sức mạnh trên đời này. Nó đập vỡ quân binh lực, danh vọng lực, quyền uy lực, vua chúa lực, thế gian lực, chư thiên lực, phạm thiên lực, ma vương lực, tử thần lực, tử sanh lực, vô minh lực, ngũ dục lực, pháp hành lực, phiền não lực... Nó lại còn như tiếng rống của sư vương trên đỉnh cao Linh Thứu, lay thức tất cả giáo chủ, đạo sư, chân sư với những chủ thuyết, tư tưởng, ý hệ trên mọi ngõ ngách nhân sinh tối tăm và thống luỵ trên đời này. Đấy còn là bài ca thiên thu, mở phơi thang âm một thế giới ở ngoài, ở trên tất cả giá trị huyên náo và ồn ã của thế gian... Vậy, chư vị hãy thọ trì, phụng hành để xứng đáng là hạt bụi nhỏ bám theo bàn chân trần của đức Đại Giác – ngài có mười trí lực thì chúng ta cũng phải ráng mà thành tựu hai, ba phần!

Chư vị biết không? Tiếp theo, mười hai pháp cần có trong tâm của một bậc trưởng lão mà tôn giả Ānanda vừa thuyết lại, nó không đơn thuần là mười hai điều nhất định như vậy đâu; nếu cộng thêm đức Tôn Sư thuyết giảng đó đây, cộng thêm góp ý của chư trưởng lão thì thành bốn mươi điều cả thảy, nhưng rất cô đọng, hãy nghe, hãy khéo tác ý và chú tâm, tôi sẽ nói đây:

Một, yêu mến nơi vắng lặng.

Hai, hạnh tĩnh cư, độc cư.

Ba, tu chỉ tịnh hay quán minh.

Bốn, thỏa thích trong giáo pháp.

Năm, hành những pháp thanh cao.

Sáu, hoan hỷ với những pháp thanh cao.

Bảy, thu thúc, giữ gìn mắt tai mũi lưỡi thân ý.

Tám, nghiêm túc học giới đã thọ trì.

Chín, hỷ hoan trong học giới.

Mười, chân thật thân khẩu ý.

Mười một, biết nhẫn nại trong mọi hoàn cảnh.

Mười hai, có tàm (biết hổ thẹn lúc làm việc xấu ác).

Mười ba, có quý (biết sợ hãi miệng tiếng chê cười).

Mười bốn, tinh cần, tinh tấn.

Mười lăm, học hỏi giáo pháp.

Mười sáu, trau dồi giáo pháp.

Mười bảy, tu tập tứ vô lượng tâm.

Mười tám, niệm, tỉnh giác ngày đêm.

Mười chín, rành thông pháp và luật.

Hai mươi, thuyết giảng Phật ngôn.

Hai mươi mốt, dị giản, dễ ăn, dễ ở.

Hai mươi hai, biết vừa lòng trong mọi hoàn cảnh.

Hai mươi ba, lúc nào cũng biết đủ, biết dừng.

Hai mươi bốn, không tư hữu, cất chứa cho dù cây kim, sợi chỉ, hạt muối.

Hai mươi lăm, chỉ dùng ba y, một bát.

Hai mươi sáu, thành tựu một thắng trí của bậc thượng nhân đến năm thắng trí của bậc thượng nhân.

Hai mươi bảy, thọ trì khổ hạnh bậc thượng, bậc trung hay bậc hạ.

Hai mươi tám, chứng ngộ từ Sơ quả đến Tứ quả.

Hai mươi chín, sống lục hòa.

Ba mươi, sống theo tứ nhiếp độ.

Ba mươi mốt, có tâm giáo huấn môn đồ.

Ba mươi hai, hằng an ủi, khuyên lơn, sách tấn đệ tử.

Ba mươi ba, biết chia sẻ tứ sự.

Ba mươi bốn, giữ lễ nghi sám hối theo từng kỳ nhất định.

Ba mươi năm, thường hành Tăng sự.

Ba mươi sáu, cho giới đến hàng tại gia cư sĩ.

Ba mươi bảy, truyền giới cho sa-di, tỳ-khưu.

Ba mươi tám, hòa giải mọi cuộc xung đột trong tăng chúng.

Ba mươi chín, hằng trau dồi ngôn ngữ.

Bốn mươi, thường xuyên học hỏi phương tiện trí.

Tôn giả Sāriputta ngưng nói. Cả hội chúng rợn ngợp về tuệ phân tích kỳ vĩ, sắc bén và toàn hảo của tôn giả. Hội chúng toát mồ hôi. Tảng đá cũng toát mồ hôi. Một bậc trưởng lão thanh tịnh phải cần hội đủ bốn mươi phẩm chất ấy ư? Những phẩm chất ở đâu trên chín tầng trời cao sáng, vô trần, vô nhiễm và thanh khiết đến lạnh mình?

Khu vườn xoài, trong đêm, vốn đã yên lặng lại càng yên lặng hơn. Tôn giả Ānanda hoàn toàn tâm phục, khẩu phục vị sư huynh khả kính của mình, xứng đáng là bậc đệ nhất đại trí tuệ. Nghe xong, bốn mươi điều hoàn hảo ấy, các vị tôn giả khác mới thấy rõ khả năng thâm uyên về pháp, về ngôn ngữ, về tuệ trạch pháp của tôn giả ấy, quả thật, không ai có thể so sánh bằng.

Những tiếng nói đâu đó thốt lên:

- Quả thật là tuyệt vời!

- Không, trên cả tuyệt vời!

Bây giờ mới nghe những lời bàn luận nhỏ nhỏ, những tiếng cười nho nhỏ hân hoan và sung sướng.

Đức Phật gật gật đầu ý nhị.

Tôn giả Sāriputta thưa:

- Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử mạo muội đúc kết thành bốn mươi điều, là pháp cần và đủ trong tâm trí của một bậc trưởng lão, để xứng đáng danh xưng của bậc trưởng lão thanh tịnh; xin đức Tôn Sư chỉ giáo thêm bởi kiến thức thô lậu và khuyết lõm của đệ tử!

- Ừ, được rồi, toàn mãn rồi, đại chúng cứ như vậy mà thọ trì, phụng hành; vì nếu Như Lai có thuyết thì cũng chỉ thuyết được như vậy, không hơn thế được. Thuyết ngôn của Như Lai là hải triều âm, mà thuyết ngôn của Sāriputta cũng là hải triều âm vậy.

Đức Phật mà nói như thế thì còn hơn cả triệu triệu lời khen. Hội chúng vang lên:

- Sādhu, lành thay! Sādhu, lành thay!

Sau đó, cũng không khách sáo gì, tôn giả Sāriputta đi sang phần ba, về ruộng phước:

- Này chư vị! Không dễ gì mà giữ gìn được tăng tướng và phẩm mạo sa-môn. Có tăng tướng và phẩm mạo sa-môn đúng là ruộng phước cho chư thiên và loài người. Cho dẫu hư mất giới học, hư mất tâm học, hư mất trí học nhưng còn tăng tướng và phẩm mạo sa-môn thì vẫn còn là ruộng phước cho chư thiên và loài người. Nhưng hãy dè chừng! Ôm bình bát đi khất thực thì bát ấy là lửa nóng mà vật thực cũng là lửa nóng. Mang tấm y cà-sa đi khất thực, đi đây đi đó thì tấm y ấy cũng là lửa nóng. Là lửa của địa ngục, của ngạ quỷ, của súc sanh đấy! Tàm và quý - hổ thẹn xấu ác và sợ hãi xấu ác là hai pháp quan trọng đệ nhất, cần có trong tâm của bất cứ vị tỳ-khưu nào. Có tàm và quý là đi lên, là hướng thượng, không có tàm và quý là đi xuống, là thối đoạ. Không ai cứu được ai! Mỗi người hãy tự cứu mình!

Buổi thuyết ngôn vậy là trời đã khuya, đức Tôn Sư và chư vị trưởng lão cần phải tịnh chỉ. Tôn giả Upāli biết vậy, nhưng muốn cho đại chúng hiểu rộng hơn nhiều vấn đề liên hệ nữa, nên ngài đưa ra câu hỏi với tôn giả Sāriputta:

- Ví dụ, cúng dường cho ba vị tỳ-khưu, vị có giới đức, vị có định đức, vị có tuệ đức thì quả phước sẽ khác nhau ra sao; nói cách khác, cúng dường cho vị nào thì phước báu thù thắng hơn, thưa tôn giả Sāriputta?

- Có giới mới có định, có định mới có tuệ. Riêng người có tuệ thì họ đã có định và có giới rồi. Cứ suy luận ra khắc hiểu, thưa tôn giả quý mến!

- Như vậy là bậc Tướng quân chánh pháp xác định cúng dường cho vị tỳ-khưu có tuệ đức thì ruộng phước ấy trổ sanh thù thắng nhất, tiếp theo là định đức, tiếp đến nữa là giới đức?

- Đúng vậy!

- Riêng vị chỉ có giới đức mà chưa có định đức, có nghĩa là chưa có tuệ đức – thì ruộng phước kia không được màu mỡ cho lắm?

- Phải vậy!

- Nói tóm lại, phẩm chất tâm, phẩm chất trí cao thượng hơn sẽ xác định, quyết định phước báu thù thắng hơn?

- Không sai!

- Tôi đã thông tỏ rồi, cảm ơn tôn giả.

Ngẫm ngợi giây lâu, tôn giả lại thưa tiếp:

- Suy ra trong cảnh giới chúng sanh, khi một người cận sự bố thí đến cho một người lành, tốt thì chắc quả trổ sanh sẽ hơn hẳn làm phước đến cho một người xấu, ác; phải vậy không, thưa tôn giả!

- Vậy là đúng nhân, đúng quả. Bố thí đến người có giới, quả phước sẽ thù thắng hơn đến người không có giới. Bố thí cho người ít tham, sân, si quả báu sẽ lớn hơn khi bố thí cho hằng trăm người nhiều tham sân si. Bố thí cho hằng chục người đói khổ không bằng cúng dường cho một tỳ-khưu, một sa-di dù giới luật khuyết thủng nhưng còn tăng tướng và phẩm mạo sa-môn.

- Thưa, tôi hiểu. Suy luận thêm một chút nữa, bố thí cho một chúng sanh có thức tánh cao, chắc hẳn phước báu sẽ lớn hơn so với bố thí cho chúng sanh có thức tánh thấp?

- Không sai! Ví dụ như bố thí đến người, dù xấu ác – nhưng phước báu cũng sẽ nhiều hơn khi bố thí cho trâu, heo, bò, gà, vịt... vì người có thức tánh cao hơn. Bố thí cho một con khỉ (có thức tánh cao) thì quả phước sẽ lớn hơn khi bố thí cho một con kiến (thức tánh thấp)... Và cứ như thế mà suy rộng ra, thưa tôn giả!

Sự triển khai chiều sâu và chiều rộng nội dung buổi pháp thoại của tôn giả Sāriputta hôm ấy làm cho ai ai cũng hân hoan, thoả mãn.

Đức Phật lặng lẽ mỉm cười, rời bảo tọa đi vào hương phòng, không nói gì, tức là ngài ngầm xác nhận thuyết ngôn của tôn giả Sāriputta không hai, không khác với Phật ngôn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/03/2016(Xem: 6602)
Trong bài này tôi không bàn chuyện cao viễn mà nói chuyện thực tế của đời sống. Chư tổ nói rằng, “Phật pháp bất ly thế gian pháp”. Điều đó có nghĩa là giáo lý nhà Phật gắn chặt với cuộc sống của con người. Gắn chặt với cuộc sống nhưng phải hữu ích cho con người.
22/03/2016(Xem: 7622)
Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa (sa. saddharmapuṇḍarīka-sūtra), hay Pháp Hoa, Phật ám chỉ ba cỗ xe (Tam Thừa) cũng chỉ là thành phần của một cỗ xe, là Nhất Thừa (sa. ekayāna) và kinh chỉ dạy tuỳ theo khả năng tâm trí, tiếp thu bất đồng của mỗi Phật Tử.
19/03/2016(Xem: 9309)
Vào đầu thế kỷ 12, quân Hồi giáo đã xâm chiếm Ấn-độ, với bản chất tàn bạo họ đã tàn sát các Tăng Ni, Phật tử, đốt sạch các Kinh điển Phật giáo, phá hoại các đền chùa Phật, họ cũng cướp bóc tài sản và tàn phá những gì không thuộc Hồi giáo. Phật giáo đã bị tiêu diệt nơi xứ Phật. Nhưng may mắn thay cho đạo Phật, dưới triều đại vua Asoka vào thế kỷ thứ 3 trưóc. CN, Phật giáo đã được truyền qua xứ Sri Lanka/Tích Lan, Miến điện ...
19/03/2016(Xem: 10102)
Ngoài ra lại cần phải hiểu rằng: tất cả chúng sanh đều có đủ đức tướng trí huệ của Như Lai, nhưng vì bị nghiệp hoặc che lấp tánh diệu minh nên chìm đắm vào hàng dị loại, chỉ biết tìm cầu món ăn, tránh sợ cái chết mà thôi.
19/03/2016(Xem: 9603)
Sống, theo tính chất duyên sinh, là sống với, liên hệ với; không ai sống mà không có mối tương quan với người khác. Bản chất của xã hội là các mối quan hệ. Một người sống trong xã hội có rất nhiều mối quan hệ, như quan hệ cha con, anh em, vợ chồng, bạn bè, đồng nghiệp, dòng họ, thôn xóm…
16/03/2016(Xem: 10252)
Qua các thời kỳ thật xa xưa, kể cả thời đại khi Đức Phật còn tại thế, nhiều phụ nữ cũng đã đạt được chánh quả và trở thành arhat/A-la-hán (kinh Therigatha/Tăng lão ni kệ). Tuy nhiên, qua dòng lịch sử lâu dài của Phật giáo người nữ tu sĩ luôn bị thiệt thòi, không mấy khi có dịp, hoặc tạo được các điều kiện thuận lợi hầu giúp mình lưu lại kinh nghiệm và các sự thành đạt của mình. Họ chỉ là những người tu tập trong âm thầm để rồi chìm vào quên lãng, không mấy ai biết đến
12/03/2016(Xem: 8104)
Để tưởng niệm công đức khai sơn Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam của Tổ sư Minh Đăng Quang, Nhân ngày kỷ niệm 62 năm Tổ Sư vắng bóng ngày 1 tháng 2 năm 1954 - 1 tháng 2/2016, Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới thành kính tưởng niệm 62 năm Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng tại Tổ Đình Minh Đăng Quang, thành phố Santa Ana, California, USA.
11/03/2016(Xem: 7421)
Tượng Phật là đối tượng sùng kính lễ bái của giáo đồ Phật giáo, nên việc tạo ra những hình tượng Phật góp phần không nhỏ cho sự nghiệp hoằng dương giáo lý Phật giáo; đó chính là tài năng sáng tạo nghệ thuật và thành quả lao động của những nhà nghệ thuật dân gian kiệt xuất.
10/03/2016(Xem: 7915)
Kính thưa chư Pháp hữu & chư vị Phật tử hảo tâm. Xứ Ấn đã qua mùa Đông lạnh lẽo, thời điểm này khí hậu đang nóng lên từng ngày. Được sự thương tưởng của quí vị thiện hữu, chúng tôi vừa thực hiện thêm một số giếng cần giục (Well hand-pump) cho những ngôi làng nghèo lân cận khu vực Bồ Đề Đạo Tràng & Nalanda tiểu bang Bihar India.
09/03/2016(Xem: 10094)
Trước tiên xin được có đôi lời cảm ơn đến những vị quan tâm,có điện thư thăm hỏi sau khi đọc bài viết “Nén nhang muộn màng kính viếng nghệ sĩ Đoàn Yên Linh” . Thật tình mục đích bài viết ấy được đưa lên trước hết để những bạn bè thâm hữu xa gần nếu có kỷ niệm gì với nghệ sĩ Đoàn Yên Linh (Anh) đóng góp, bổ sung cho nhau hầu có thể sau này sẽ hoản thiện một bản lý lịch cũng như quá trình hoạt động nghệ thuật, trong đó có công đức cúng dường cho văn hóa Phật giáo của một người nghệ sĩ tận tâm như Anh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]