Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

54. Bát Cháo, Mảnh Vải Thù Thắng

15/03/201409:10(Xem: 31533)
54. Bát Cháo, Mảnh Vải Thù Thắng
blank
Bát Cháo,
Mảnh Vải Thù Thắng


Xế trưa hôm ấy, tại Jetavana, chư tăng bàn tán không ngớt về một thiếu phụ xinh đẹp, không phải là tỳ-khưu-ni mà tự động đắp y, mang bát đến ngồi giữa vườn cây, chỗ chư tăng thường độ thực. Nghe chuyện lạ, tôn giả Sāriputta bước ra thăm hỏi thì thiếu phụ cho biết là từ khi mang thai, đứa bé trong bụng khiến nàng chỉ thích mặc y, mang bát; và muốn ăn món cháo dư thừa của chư tăng mà thôi!

Tôn giả Sāriputta mỉm cười:

- Vậy thì tốt! chư tăng có lẽ họ cũng sẵn lòng thôi! Thế còn gì nữa không?

- Ngay ngày mai, con muốn cung thỉnh năm trăm thầy tỳ-khưu, với tôn giả là vị cầm đầu đến tư gia để con được cúng dường món cháo sữa đặc biệt cùng với mật ong, đề hồ và cả cơm nữa!

Người thiếu phụ ấy không những một lần thích ăn cháo thừa của chư tăng mà đã nhiều lần như thế. Không phải chỉ một lần nàng mời tôn giả Sāriputta cùng năm trăm tỳ-khưu đệ tử về nhà để đặt cháo, sữa, mật ong, cơm mà cũng đã nhiều lần như thế. Ðến ngày lâm bồn, buổi lễ trai tăng lại càng đặc biệt trân trọng. Ðứa bé xinh như con trời được tắm bằng nước thơm, mặc y phục bằng lụa thơm, đặt trên một cái giường lộng lẫy, được phủ bằng một “tấm mền gấm nhẹ như bông trị giá cả trăm ngàn đồng tiền vàng”.

Họ bồng trẻ ra mắt tôn giả. Ðứa bé ngước mắt lên nhìn tôn giả, mỉm cười hân hoan và nghĩ thầm trong tâm: “Ðây là vị thầy cao quý của ta, cũng nhờ cúng dường thầy ta mà ta được quả phước hôm nay. Bây giờ ta lại muốn cúng dường thầy ta cái gì đó nữa”.

Tôn giả đặt bàn tay lên đầu đứa bé đọc một bài kệ chúc phúc ngắn rồi cầu nguyện cho nó sau này trở về nương tựa nơi Ba Ngôi Báu. Khi tôn giả đang đọc kinh, đứa bé quấn tay trong chiếc mền gấm và làm cho nó rơi xuống, phủ lên chân của ngài.

Người mẹ dường như tâm ý linh thông với con nên bạch với tôn giả:

- Xin ngài hoan hỷ thọ nhận chiếc mền gấm mà con của con đã cúng dường.

Tôn giả Sāriputta đã hiểu mọi sự nhưng ngài chỉ im lặng. Thiếu phụ xinh đẹp, mẹ của đứa bé lại thưa tiếp:

- Bạch ngài, xin ngài đặt tên cho trẻ.

- Sẽ đặt tên như thế nào nhỉ?

Thiếu phụ lại nói:

- Bạch ngài, con muốn ngài trao cho nó cái tên thuở ngài mới sinh ra.

- Ồ! Vậy à? Vậy thì tên nó là Upatissa!

Người thiếu phụ hoan hỷ:

- Lành thay! Con của con đã là Upatissa! Vậy con của con mai sau sẽ nối gót ngài, học được chút ít gì từ trí tuệ của ngài là quý báu lắm rồi.

Thế rồi, không những là lễ đặt tên, mà còn lễ xâu lỗ tai, lễ nhận tấm vải thánh, lễ tắm rửa cạo đầu, thiếu phụ và con trai đều cung thỉnh trai tăng đến tôn giả Sāriputta và chư vị tỳ-khưu đệ tử của ngài.

Chư tăng trẻ thấy chuyện lạ lùng, vây quanh tôn giả Sāriputta để hỏi nguyên do. Ngài chỉ tay sang đức Moggallāna:

- Khi có bậc đệ nhất đại thần thông ở đây thì ta nào dám nói chuyện quá khứ, vị lai? Nào dám múa rìu qua mắt thợ? Các ngươi hãy đảnh lễ tôn giả rồi tôn giả sẽ nói cho mà nghe.

Ðức Moggallāna chẳng khách sáo gì, kể cho chư tăng trẻ nghe, chuyện cách đây mấy năm thôi, tại kinh thành Rājagaha:

- Ở một góc phố tối tăm, tồi tàn tại thành Vương Xá, có một lão bà-la-môn rất nghèo khổ, tên là Mahāsena; ông ta vốn là bạn thân của thân sinh tôn giả Sāriputta. Hôm kia, vị đệ nhất đại đệ tử vào sáng sớm, sau khi xuất định, hướng tâm đến người bà-la-môn nên đã đắp y, mang bát ra đi. Thấy tôn giả đi đến từ xa, lão bà-la-môn tự nghĩ: “Con trai của bạn ta sẽ đến đây để khất thực, thật xấu hổ khi ta không còn bất cứ một vật gì”. Thế là ông Mahāsena lẻn ra ngả sau trốn mất. Lần thứ hai, tôn giả kiên nhẫn đến nữa, ông ta cũng trốn như vậy.

Hôm kia nhờ một đám cúng tụng, lễ vật có được là một “bát cháo đầy ngon thơm” và “một mảnh vải quý”; không dám ăn, không dám mặc, lão bà-la-môn tội nghiệp này mong ngóng bước chân khất thực của con trai bạn mình. Không phụ lòng chân tình ấy, hướng tâm là biết, tôn giả đắp y, mang bát đến ngay. Người bà-la-môn đã đợi sẵn, sớt cháo vào bát của ngài. Khi vừa một nửa số cháo, tôn giả bèn đưa tay ngăn lại:

- Thôi được rồi, đủ rồi, thí chủ! Cả chiều và đêm hôm qua ông đã nhịn đói. Cả ngày hôm nay lại cũng muốn nhịn đói nữa sao?

- Chẳng sao cả, thưa ngài sa-môn! Ðói một tuần là chuyện bình thường của tôi. Ðược để bát một cách trọn vẹn cho người mà tôi yêu kính là chuyện hiếm có trên đời này. Tôi chọn cái lợi to lớn hơn vậy.

Sau khi nhận đầy bát, muốn để lão bà-la-môn hoan hỷ, tôn giả Sāriputta ngồi xuống và độ thực ngay tại chỗ. Ngài dùng xong, lão bà-la-môn dâng cúng luôn tấm vải quý, mặc dù ông ta đang mặc áo rách.

Tôn giả Sāriputta tự nghĩ: “Cúng dường một cách trọn vẹn, không để dành lại, thà mình nhịn đói, sẽ mang đến quả phước vật thực một cách trọn vẹn và thù thắng. Cúng dường vải vóc quý giá, dù mình mặc áo rách, sẽ mang đến quả phước về y phục một cách viên mãn và thù thắng”. Rồi ngài hỏi:

- Thí chủ có ước nguyện gì?

- Xin cho tôi được xuất gia trong giáo pháp chơn chánh của đức Thế Tôn!

- Thí chủ sẽ được như nguyện!

- Y áo, vật thực tôi hằng có đủ, ngoài ra sẽ được dư dật để san sẻ cho bạn đồng tu!

- Thí chủ sẽ được như nguyện!

Từ đó, tâm hồn của lão bà-la-môn thanh thản, mãn nguyện; sau khi thân hoại mạng chung, từ thành Vương Xá ông ta sinh vào bào thai một thiếu phụ xinh đẹp, trong một gia đình hào phú ở Sāvatthi. Khi còn trong bụng mẹ, đứa bé xui khiến cho mẹ mình mặc y, mang bát và ăn cháo thừa của chư tăng. Ðứa bé lại có hảo cảm đặc biệt với ngài Sāriputta, là thầy tế độ cho mình trong quá khứ nên xúi mẹ tổ chức nhiều buổi trai tăng, cúng dường cháo. Bây giờ nó lại muốn dâng chiếc mền gấm cho tôn giả Sāriputta nữa. Trong tương lai, đứa bé này sẽ xuất gia và thầy của nó chính là bậc tướng quân chánh pháp đây chứ không thể là ai khác!

Chư tăng trẻ nghe xong, cảm thán thốt lên:

- Thật là kỳ diệu!

Quả đúng như tiên tri của tôn giả Moggallāna, đúng bảy tuổi, bé Upatissa nói với mẹ:

- Thưa mẹ! Con muốn xuất gia sống đời sa-môn dưới chân trưởng lão của con!

- Tốt lắm con ạ, mẹ rất hoan hỷ về điều đó.

Rồi người mẹ thỉnh tôn giả Sāriputta đến, dâng cúng vật thực và trình bày ý nguyện của con. Buổi chiều, cả hai mẹ con đến Kỳ Viên tịnh xá quỳ xuống chân trưởng lão. Tôn giả nói với Upatissa:

- Con này, đời sống xuất gia rất kham khổ, rất khó khăn, con có biết vậy không?

- Dạ con biết!

- Người xuất gia khi muốn ấm thì phải chấp nhận cái lạnh, khi muốn mát phải chấp nhận cái nóng! Con có chịu đựng được điều đó không?

- Con chịu đựng được!

- Một sa-môn thường phải sống đời không nhà không cửa, đầu không có nón che, chân không có dép đỡ; lại còn phải ôm bát đi xin ăn, người ta cho gì ăn nấy, chẳng dễ dàng lựa chọn được miếng ngon ngọt, béo bùi đâu. Con có kham nhẫn được đời sống ấy không?

- Bạch tôn giả! Con sẽ kham nhẫn được hết. Con sẽ thực hành bất kỳ những gì mà ngài chỉ dạy.

- Tốt lắm!

Thế rồi tôn giả truyền cho chú bé Upatissa mười giới, tập sự làm sa-di, dạy thêm phép quán năm chi tiết trong ba mươi hai thể trược tức là tóc, lông, móng, răng, da..

Ðể tôn vinh cho việc xuất gia của con, cha mẹ Upatissa cúng dường cháo thập cẩm ngon bổ cho chư tăng ở tịnh xá Kỳ Viên có đức Phật dẫn đầu, suốt cả bảy ngày. Ngày thứ tám, sa-di Upatissa ôm bát đi cuối cùng đoàn tỳ-khưu do tôn giả Sāriputta dẫn đầu vào thành Sāvatthi để khất thực.

Dân chúng ở Sāvatthi mấy ngày nay đã nghe chú bé bảy tuổi xuất gia. Cả hàng chục gia đình thân quyến, bạn bè của cha mẹ Upatissa hân hoan chuẩn bị vật thực để bát cúng dường cho chú sa-di tí hon.

Khi đoàn sa-môn đi qua, người ta cung kính cúng dường vật thực đầy đủ; đến chú sa-di cuối cùng, đẹp đẽ và dễ thương như một thiên thần, thiên hạ đổ xô lại, vây quanh. Không những chỉ để đầy một bát mà họ còn sắm sẵn bát mới, có cả lưới bát, đế bát và chứa vật thực đầy ở bên trong đúng năm trăm bát như thế, cùng với năm trăm bộ y để cúng dường cho sa-di Upatissa .

Ðoàn tỳ-khưu đã đi về hết mà sa-di Upatissa còn loay hoay không biết làm sao với sự cúng dường ấy.

Một cụ già bên đường góp ý:

- Chú sa-di hãy về đi kẻo thầy và chư tăng mong. Lát nữa thôi, vật thực và y áo này sẽ được đưa đến Kỳ Viên tịnh xá với năm chiếc xe và mười con bò kéo!

Hôm sau, những người chưa được cúng dường trong thành phố, họ tự động thuê bò kéo đến chùa, cúng dường thêm cho sa-di Upatissa năm trăm bát thực phẩm và năm trăm bộ y nữa.

Upatissa vòng tay thưa bạch với tôn giả Sāriputta:

- Y và bát hôm qua và hôm nay con đã cúng dường tất cả cho một ngàn vị đại đức. Con làm như vậy có đúng chăng?

- Tốt lắm con ạ! Tâm nguyện xưa của con ra sao thì quả hôm nay là vậy.

Sáng sớm hôm kia trời trở lạnh, sa-di Upatissa theo gương thầy, dậy thật sớm đi một vòng quanh tịnh xá để quét rác và thu dọn chỗ này chỗ kia cho sạch sẽ. Chú thấy chư tăng lớn tuổi đang ngồi tụm năm tụm ba bên những đống lửa; sa-di Upatissa hỏi:

- Bạch chư đại đức! Tại sao chư đại đức lại phải hơ lửa như vậy?

- Chúng tôi già rồi, chú bé sa-môn! Tuổi già thì xương cốt rã rời, khí huyết khô cạn thường không chịu được lạnh chú bé ạ!

- Bạch chư đại đức! Ðêm xuống thì trời sẽ lạnh hơn. Vậy khi ngủ nghỉ, chư đại đức nhớ đắp mền ấm cho dày để ngăn lạnh.

- Chú sa-di có nhiều phước nên có mền ấm còn chúng tôi thiếu phước, đào đâu ra tấm chăn đây?

- Vậy thì ngày mai, thưa chư đại đức, vị nào cần mền đắp thì đi với con vào thành Sāvatthi.

Thế là ngày hôm sau, Upatissa đi quyên được cả một ngàn cái chăn ấm để dâng cho một ngàn vị tỳ-khưu. Chuyện kể rằng hễ ai gặp mặt được Upatissa là phát tâm hoan hỷ, thích làm phước. Cho chí một thương gia nọ, nghe người ta đồn đãi, bèn giấu mấy cái mền quý đi, nhưng khi Upatissa đến, ông ta lại hoan hỷ biếu tặng tất cả.

Mấy ngày hôm sau, những cậu bé bạn cũ rủ nhau đến thăm Upatissa, rồi những ngày sau nữa chú phải bận rộn tiếp đón nên không có thì giờ để tham thiền. Thế là chú đi xin đức Phật đề mục thiền định rồi rút vào rừng sâu tu tập. Dân làng quanh vùng yêu mến chú vô cùng, họ cúng dường vật thực hết lòng. Nhưng chú bé chưa biết pháp, khi nhận vật thực, bất cứ ai, ngày này qua tháng nọ, vị sa-di chỉ có một câu phúc chúc duy nhất: Mong thí chủ được an vui, hạnh phúc. Mong thí chủ thoát khỏi mọi đau khổ.

Chỉ ở rừng hai tháng, với quyết tâm tu tập thiền quán, Upatissa đã đắc quả A-la-hán. Hướng tâm đến, tôn giả Sāriputta biết điều ấy bèn vào đảnh lễ đức Phật xin được đi thăm sa-di Upatissa. Ðức Thế Tôn y lời, tôn giả Sāriputta lại qua rủ thêm tôn giả Moggallāna. Rồi chốc sau lại có thêm các vị trưởng lão khác, như ngài Mahākassapa, ngài Anuruddha, ngài Upāli, ngài Puṇṇā(1)cùng những vị khác nữa. Các vị trưởng lão này lại còn dẫn thêm đệ tử tùy tùng, người thì với năm trăm đệ tử tỳ-khưu, người thì với ba trăm đệ tử tỳ-khưu... nên tổng số người đi thăm sa-di Upatissa lên đến mấy ngàn vị.

Dân chúng trong làng thấy cả một đoàn thánh chúng trưởng lão và cả mấy ngàn vị tỳ-khưu đến nơi xa xôi hẻo lánh này, họ vô cùng ngạc nhiên, tiếp đón nồng nhiệt, quỳ lạy bên chân tôn giả Sāriputta vang danh thiên hạ, và xin ngài ban cho họ một thời pháp.

- Ta cùng với phái đoàn hôm nay đến thăm sa-di Upatissa!

Nghe nói vậy họ càng ngạc nhiên hơn nữa: “Chú bé tí hon mà chúng ta hộ độ bấy lâu nay quan trọng như vậy sao?”

Ðược tin, Upatissa từ rừng đi xuống làng, đảnh lễ thầy là ngài Sāriputta rồi sau đó làm bổn phận của một đệ tử đối với các bậc trưởng thượng đầy uy đức của mình.

Chỗ nghỉ ngơi đã được dân chúng sắp xếp chu đáo. Ðèn đuốc đây đó cũng được đốt lên. Mấy khi mà được dịp hy hữu như thế này, dân chúng tha thiết thỉnh cầu được nghe pháp.

Tôn giả Sāriputta nói:

- Vậy thì hãy thông báo cho mọi người gần xa cùng đến nghe.

Khi đâu đó đã được chuẩn bị sẵn sàng, tôn giả nói với Upatissa:

- Này con! Các thí chủ của con ở trong ngôi làng này họ muốn thính pháp, vậy con hãy thuyết cho họ nghe đi!

Dân làng đồng thanh thưa:

- Thưa tôn giả! Vị đại đức của chúng con không biết gì ráo! Vị đại đức của chúng con ngày này qua ngày nọ chỉ thuộc lòng một câu duy nhất: Mong cho thí chủ được an vui hạnh phúc, mong cho thí chủ thoát khỏi mọi đau khổ. Vậy xin tôn giả đề cử cho một vị cao Tăng trưởng lão!

Tôn giả mỉm cười, quay sang hỏi Upatissa:

- Này Upatissa! Cầu mong cho thí chủ được an vui hạnh phúc, nhưng làm sao để được an vui hạnh phúc? Cầu mong cho thí chủ thoát khỏi đau khổ thì phương cách để giải thoát khỏi đau khổ ấy ra làm sao? Con hãy giải thích rộng hai câu ấy là thành một đề tài giáo pháp trọn hảo!

Upatissa chăm chú lắng nghe, suy nghĩ một lát rồi nói:

- Thưa vâng, con sẽ làm như vậy.

Thế rồi Upatissa thăng tòa, giảng như nước chảy mây trôi về khổ đế, về nguyên nhân khổ, về Niết-bàn và về con đường Bát Thánh đưa đến nơi giải thoát... Rồi Upatissa kết luận:

- Thưa chư đạo hữu! Chúng sanh bị những khổ ách nên lê tấm thân trôi dạt giữa biển đời sanh tử, vậy muốn thoát khỏi mọi khổ ách phải biết tu theo Tứ Diệu Ðế. Và khi đắc được quả vị A-la-hán rồi, chúng ta sẽ được hạnh phúc, an vui vĩnh viễn!

Tôn giả Sāriputta tán thán:

- Lành thay, này sa-di! Con đã khéo giảng, khéo thuyết về Con Ðường Diệt Khổ vậy!

Nghe xong thời pháp, dân chúng thảy đều ngạc nhiên. Một nhóm thì hân hoan vui mừng vì lâu nay đã được cúng dường cho một bậc Trí Tuệ. Riêng có một nhóm thì khởi tâm bất bình: “Hóa ra lâu nay vị đại đức này khinh thường chúng ta. Vị đại đức đã biết rành rẽ về giáo pháp mà lại giả bộ ngây ngô, miệng câm như hến, chẳng thèm dạy bảo cho chúng ta một lời, một chữ”.

Tại Kỳ Viên tịnh xá, vào sáng sớm, đức Thế Tôn biết rõ chuyện ấy, sợ rằng nhóm người bất bình với vị thánh A-la-hán sẽ đắc tội, nên ngài đắp y, mang bát, với thời gian như viên lực sĩ duỗi cánh tay, ngài đã có mặt tại ngôi làng với hào quang chói rạng.

- Ðức Chánh Ðẳng Giác đã đến!

Từ đầu làng đến cuối làng mọi người hớn hở, xôn xao, vui mừng. Thật là một sự kiện trọng đại. Có bao giờ mà một bậc Chánh Ðẳng Giác, lại luôn cả mấy mươi vị đại trưởng lão đồng xuất hiện và đi thăm một sa-di nhỏ bé như thế này? Dân chúng bừng bừng hoan hỷ tổ chức buổi lễ trai Tăng thịnh soạn cúng dường đức Phật và Tăng chúng.

Sau khi độ thực xong, đức Thế Tôn nói với dân làng như xác nhận vai trò của vị sa-di:

- Này hai hàng cận sự nam nữ! Thật là hạnh phúc thay cho mọi người là nhờ vị sa-di này mà ai cũng được trông thấy Như Lai, hai vị đại đệ tử cùng mấy mươi vị đại trưởng lão. Quả thật, chỉ vì một sa-di bé nhỏ này mà hôm nay Như Lai đến đây, các ngươi nên hiểu như vậy để lợi ích lâu dài cho mình về sau.

Khi biết rằng nội tâm của những người bất bình đã trở nên yên lặng, đã biết tầm quan trọng của vị đại đức tí hon, đức Phật giờ quay sang Upatissa:

- Này con trai! Hãy dẫn Như Lai đi thăm một vòng quanh trú xứ này!

Nói xong, đức Phật nắm tay Upatissa, từ giã mọi người, khuất cuối con đường, đi lên một ngọn núi cao. Ðức Chánh Đẳng Giác còn vài lời giáo giới đến vị A-la-hán sa-di ấy.



(1)Có hai vị mà tàu âm là Phú-lâu-na, vị này khác vị ẩn tu trong rừng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/07/2021(Xem: 16013)
Vào thời đại khủng hoảng niềm tin của tất cả tôn giáo, lòng người càng lúc hồi hộp bất an, giáo lý đức Thích Ca Mâu Ni như mặt trời chiều xuống bóng hoàng hôn ,Mật Tông Kim Cang Thừa như ngọn đèn sắp tắt, chỉ còn lại những bộ đại tạng kinh phủ đầy bụi trên những kệ kinh, nằm bất tỉnh không ai hỏi thăm trong những tu viên,viện bảo tàng cô đơn thiếu bóng người. Cuốn sách Mật Tông Kim Cang Thừa Chú Giải Toàn Thư Tập Hai, là sự trình bày và phô diễn mật nghĩa thậm thâm của Đại Phật Đảnh Lăng Nghiêm đà la ni , Bát Đại Kim Cang Thần Kinh và các phụ bản vô thượng du già. Là sự trợ duyên cho những ai, đã có gieo hạt giống pháp môn này, có thể khai hoa kết trái thành tựu sự tu tập giải thoát. Linh Quang từ nhỏ xuất gia tu học , tầm sư học đạo, và đi du học nhiều nước, nên trong đầu nhiều ngôn ngữ lộn qua lộn lại, bây giờ Tiếng Việt cũng quên dần,chính tả viết sai nhiều lắm, nên quý vị thông cảm bỏ qua những lỗi lầm về câu văn từ ngữ.
01/07/2021(Xem: 3702)
Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa, đã được chính Đức Thế Tôn tuyên dương là Bổn Kinh Thượng Thừa, bao gồm những bí yếu cực kỳ nhiệm mầu, vi diệu mà Chư Phật trao truyền lại cho những ai đủ tín tâm thọ nhận. Pháp-bảo được lưu truyền đến nay, vẫn sáng ngời toả rạng lưu ly qua bao thăng trầm của thế sự vô thường, với tâm nguyện hoằng truyền Chánh Pháp của các bậc minh sư, tuỳ căn cơ chúng sanh mỗi thời mà soạn dịch. Một, trong những bổn kinh Diệu Pháp Liên Hoa thường được trì tụng tại các tự viện là bổn cố đại lão Hoà Thượng Thích Trí Tịnh biên soạn, hoàn tất với 557 trang, gồm 7 quyển, chia thành 28 phẩm , mỗi phẩm đầy đủ văn kinh và thi kệ. Cũng do nhu cầu và phương tiện tu học của Phật tử mà Hoà Thượng Thích Trí Quảng cũng đã lược soạn Diệu Pháp Liên Hoa Kinh thành Bổn Môn Pháp Hoa Kinh để Phật tử tại các Đạo Tràng Pháp Hoa có thể hàng ngày trì tụng mà không bị gián đoạn vì không đủ thời gian. Bổn Môn Pháp Hoa Kinh được Hoà Thượng trân trọng biên soạn, cô đ
29/06/2021(Xem: 6072)
Kính Pháp Sư Sướng Hoài, tôi tu sĩ Thích Thắng Hoan đọc qua tác phẩm PHẬT HỌC VĂN TẬP của ngài viết nhận thấy ngài một nhà bác học uyên thâm Phật giáo nắm vững mọi tư tưởng cao siêu của cácphái, các tông giáo cả trong đạo lẫn ngoài đời. Toàn bộ tác phẩm của ngài đều xây dựng vững chắc trên lãnh vực biện chứng pháp của Nhân Minh Luận. Nội dung tác phẩm trong đó, mỗi một chủ đề ngài biện chứng bằng những lãnh vực mặt phải mặt trái, chiều sâu chiều cạn, mặt phủ định, mặt xác định,cuối cùng để làm sáng tỏ vấn đề bằng kết luận. Tôi vô cùng kính nể kiến thức của ngài.
29/06/2021(Xem: 6264)
Phật giáo dùng từ bi làm căn bản, xem trọng giới sát nên thực hành phóngs anh.Từ nghĩa là trao cho khoái lạc; Bi nghĩa là san bằng khổ não. Người đời rất quý mến thân mạng, chồng vợ con cháu, tiền của, nhưng từ chối mỗi người không thể che chở bao gồm chung cả. Giả như nếu bất hạnh gặp gian nguy, vì cứu thân mình, thà bỏ tất cả vật ngoài thân, để cầu được sinh tồn riêng mình.Con người đã tham sống sợ chết, sanh mạng con vật nhỏ bé như con muỗi, con ve, sâu bọ, kiến mối, còn biết tránh chạy cái chết cầu mong được sống, thì các động vật khác chúng nó sao lại không như thế?
28/06/2021(Xem: 3970)
Trước khi nói đến tinh thần Trung đạo của Phật giáo, thiết nghĩ cần phân biệt sự khác nhau giữa tinh thần “Trung dung” và “Trung đạo.” “Trung dung” là những thiên trong Kinh Lễ. Sách Trung Dung do Tử Tư làm ra Mục đích của sách Trung Dung là giúp con người hiểu được đạo “Trung dung” để đạt đến một trình độ đạo đức cao hơn. Khổng Tử nói về đạo "trung dung", tức là nói về cách giữ cho ý nghĩ và việc làm luôn luôn ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập và phải cố gắng ở đời theo nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cho thành người quân tử. Cũng theo tinh thần “Trung dung” như thế, không thể có một thái độ “Trung dung” cố định; tùy thời tùy thế mà linh hoạt. “Trung dung” với ý nghĩa trên là dung hợp, quân bình giữa thái quá và bất cập. Ví dụ : thuyết Duy Vật chủ trương tranh đấu; thuyết Duy Tâm của Đức Khổng Tử, chủ trương điều hòa hai yếu tố cực đoan bằng lẽ Trung Dung.
27/06/2021(Xem: 8307)
Pháp Học và Pháp Hành Khi đề cập đến những người tu trong Phật Giáo, thì chúng ta thấy có phân ra hai khuynh hướng tu học, một số vị thì nghiêng về pháp học, còn số vị khác lại chuyên về pháp hành. Vậy pháp học là gì ? Là cả đời tu chỉ chuyên về việc nghiên cứu, học tập kinh điển, xem các luận bản... để biết được hết Tam tạng kinh điển ( Kinh, Luật, Luận ), nhiều vị còn phiên dịch kinh điển, hay viết ra nhiều bộ luận dựa trên kiến thức, sự hiểu biết đã tích lũy. Nhưng tâm thật sự chứng ngộ, hay đạt đạo thì có thể chưa, chỉ hiểu, chứ chưa thực chứng. ( Còn số vị mà chuyên về pháp học nhưng tâm đã giác ngộ thì rất hiếm có, thời nay càng vô cùng hiếm ).
27/06/2021(Xem: 5590)
- Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Với tâm niệm hộ trì chư Tôn đức Tăng già, các bậc tu hành nơi đất Phật trong lúc nhiều khó khăn do Dịch covid đang nhiễu nhương, chúng con, chúng tôi đã thực hiện hai buổi cúng dường tịnh tài, tịnh vật và một ít nhu yếu phẩm đến chư Tăng Ni thuộc truyền thống Phật giáo Kim Cương Thừa Tibet tại Dharamsala, các vị Ẩn sỹ trên đỉnh Triund Himachal, cũng như các vị Tăng Ni VN hiện đang theo học PG Mật Tông tại Dharamsala India (19 vị). Sư cô Thích nữ Huệ Thảo đã thừa hành Phật sự này và đã cúng dường tất cả là 245 vị tu sỹ, trong đó có 19 vị tránh tiếp xúc đám đông nên đã nhận chuyển vào tài khoản cá nhân từ Sư cô Huệ Thảo, một số vị vì bịnh trạng đã nhờ bạn đồng tu nhận dùm, mỗi vị thọ nhận 1500INR kèm với một số tịnh vật cúng dường.
26/06/2021(Xem: 15575)
LỜI GIỚI THIỆU “Chết đi về đâu” là tuyển tập các bài pháp thoại của thầy Nhật Từ tại Hoa Kỳ, Úc châu và Việt Nam. Dựa vào kinh điển Phật giáo thuộc các truyền thống khác nhau, thầy Nhật Từ đã phân tích những trở ngại về tâm lí trước cái chết thường làm cho cái chết diễn ra sớm hơn và đau đớn hơn. Nếu chết được hiểu là tiến trình tự nhiên mà mỗi hữu thể đều phải trải qua thì nỗi sợ hãi về cái chết sẽ trở thành nỗi ám ảnh, trước nhất là từ hữu thức sau đó là từ vô thức, làm cho cuộc sống con người trở nên tẻ nhạt và đáng sợ.
26/06/2021(Xem: 10809)
LỜI NÓI ĐẦU Tác phẩm “Thế giới Cực Lạc” là tuyển tập các bài giảng của thầy Nhật Từ về nội dung của kinh A-di-đà. Với cách diễn tả và phân tích đơn giản và đi thẳng vào mọi vấn đề, thầy Nhật Từ đã giới thiệu về bản chất Tịnh độ Tây phương gắn liền với xã hội con người. Để có được kết quả vãng sanh Tây phương, mỗi hành giả cần hội đủ năm điều kiện tiên quyết.
25/06/2021(Xem: 7900)
Lời Nói Đầu Nam Mô Đại Từ Đại Bi Tầm Thanh Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát. Kính bạch chư Tôn Đức Tăng Ni, Kính thưa quý Phật tử, Trong thời gian cả thế giới đang bị dịch Covid-19, Sa di Thông Đạo đã dày công nghiên cứu Ngũ Bách Danh - Quán Thế Âm Bồ Tát. Đến nay đã hoàn thành bằng ba ngôn ngữ khác nhau: chữ Việt Nam, chữ Anh, chữ Hán. Bất cứ nơi nào có đạo Phật, chắc chắn có tu sĩ, có Phật tử sinh hoạt chung với nhau. Theo truyền thống Bắc tông, hằng năm các chùa đều tổ chức lễ tưởng niệm Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ba lần vào những ngày 19 tháng Hai, 19 tháng Sáu, và 19 tháng Chín Âm lịch.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]