Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Duyên Phật (tường thuật khóa tu)

13/03/201406:31(Xem: 9122)
Duyên Phật (tường thuật khóa tu)

Ngay_2_khoa_tu_AuChau (31)Ngay_2_khoa_tu_AuChau (30)khoatu_auchau_7a-khoatuauchau_dot_3 (24)
Duyên Phật

(ờng thuật về khóa tu học Phật Pháp Châu Âu thứ 13 tại Thụy Điển)

—Trần Bảo Toàn

Mùa hạ, mùa tốt đẹp nhất trong năm tại Châu Âu. Cây lá xanh tươi, mặt trời ấm áp mang lại sinh khí cho vạn vật. Các hãng xưởng, công ty giảm mức sản xuất xuống thấp nhất để cho nhân viên được đi nghỉ ngơi dưỡng sức, sau những ngày tháng quần quật vất vả với công việc. Nhưng cũng chính trong những ngày này, bà con Phật tử Việt Nam tại Châu Âu cả Châu Mỹ, Châu Á và Châu Phi cũng rộn ràng khăn gói lên đường để tham dự khóa tu học Phật Pháp Châu Âu, lần thứ 13, được tổ chức tại Vương Quốc Thụy Điển.

Thật ra tôi đã nghe rất nhiều về khóa tu học vì hai lần tổ chức tại Thụy Sĩ, nơi gia đình tôi định cư và ba mẹ tôi thường xuyên tham dự. Riêng bản thân tôi, dù muốn, nhưng việc học, việc làm dồn dập tôi rất ít thời gian hay nói rõ hơn duyên chưa khởi nên tôi chưa có dịp gần gũi Chánh Pháp.

Năm nay, nhìn lịch trình làm việc, tôi rảnh được ba ngày, cộng hai ngày cuối tuần, vé máy bay đặt có ngay, mọi thiện duyên hội đủ, tôi khăn gói đi... tu, dù chỉ là gieo duyên tu thử.

Máy bay của tôi đáp xuống phi trường Göteborg vào chiều thứ bảy, giữa khóa. Một chú trong Ban Tổ Chức đón tôi.

Cũng như Thụy Sĩ, Đức, Hòa Lan, Đan Mạch, Na Uy, Bỉ, Lục Xâm Bảo... Cảnh trí Thụy Điển thật bình an, phố sá sạch sẽ, ngăn nắp.

Dọc hai bên đường về trại, những rừng thông lá thấp thoai thoải trên những ngọn đồi. Mặt trời Thụy Điển dường như dịu đi bởi những làn gió biển mơn man thổi về. Trên bầu trời trong xanh, vài con hải âu bay lượn, thỉnh thoảng kêu lên oang oác tạo nên một khung cảnh sinh động với âm thanh đặc biệt.

Nửa tiếng sau, xe ngừng trước một ngôi trường trung học. Lá cờ Phật Giáo ngũ sắc luôn tung bay trong gió. Ngoài sân các anh chị em trẻ đang chơi bóng rổ, cầu lông, bóng chuyền. Các vị lớn tuổi đang thảnh thơi đi dạo qua lại. Mặt mày tất cả thật bình thản an lạc.

Sau bữa cơm chiều, tôi còn đang bỡ ngỡ với không khí trong trại, mẹ yêu quý của tôi - tham dự trước tôi vài hôm - níu vai áo của tôi rồi đưa tôi tờ chương trình văn nghệ do bà chịu trách nhiệm: "Giúp mami làm M.C. văn nghệ tối nay nhé". Tôi lắc đầu nguầy nguậy: "Con còn lạ lẫm lắm. Mami nên chọn ai khác đi". "Không còn ai khác nữa vì các anh em trong Gia Đình Phật Tử tối nay bận chương trình riêng". Tôi vẫn lắc đầu: "Con còn lạ quá mà!". "Trước lạ sau quen. Đây là cái duyên tạo cơ hội cho con thân thiện gần gũi với mọi người. Đứng không, con sẽ chán lắm đấy". Thấy mẹ... năn nỉ, vì mẹ, tôi bất đắc dĩ nhận lời.

Buổi văn nghệ khá thành công. Dù các anh em "nghệ sĩ" thuộc "cây nhà lá vườn" nhưng ai nấy đều hăng say đóng góp với đầy đủ tiết mục: ngâm thơ, vọng cổ, ca vũ nhạc và kịch khiến mọi người cười vui thoải mái. Không khí thật thản nhiên, cởi mở. Các vị Tu sĩ khả kính cũng lần lượt được mời lên sân khấu. Niềm vui trong tôi chợt dâng trào. Cái cảm giác bỡ ngỡ lạ lẫm ban đầu không còn nữa thay vào một thứ tình cảm nhẹ nhàng thanh thoát đang tỏa ra từ tôi và những con người đang hiện diện nơi đây. Trong phút chốc tôi có cảm tưởng hồn tôi mở rộng quyện với mọi người. Đứng trên sân khấu lộ thiên, tôi đảo mắt một vòng, qua ánh sáng mặt trời đã nhá nhem của 10 giờ đêm, tôi vẫn nhận ra những gương mặt thanh thản, an bình xuất ra từ thiện tâm mà hơn 12 năm qua lăn lộn với cuộc sống trên xứ người, tôi ít khi nào thấy được. Nơi đây, đã không còn những nét đăm chiêu, tư lự, quạu quọ bởi thời gian thúc bách đẩy con người lao vào cuộc bon chen, tranh giành, đố kỵ... nơi trần thế. Ôi, phải chăng đây là lẽ nhiệm mầu của đời sống tâm linh ?

Sáng hôm sau, vì mới đến và tham dự lần đầu, Ban Tổ Chức bố trí tôi làm việc trong Ban Hành Đường (tiếp tân) mà cô em họ 14 tuổi không rành tiếng Việt của tôi dịch nôm na "đi hầu". Tôi lờ mờ nghe mẹ tôi giải thích, hướng dẫn, ai đến đây cũng đều có công tác để làm, chả ai "hầu" ai, hoặc hôm nay mình "hầu" người thì hôm khác người "hầu" lại. Nghe cũng có lý. Cũng được thôi. Nhưng công việc "hành đường": dọn bàn, bưng thức ăn, rót nước, rửa chén và nhất là trong khi mọi người xì xụp ăn uống vui vẻ thì những người trong Ban Hành Đường như tôi phải đứng xớ rớ ở một góc nào đó chờ thiên hạ... sai bảo !

Công việc này thật ngượng ngùng đối với tôi. Vì trong cuộc sống thực tế, với nghề nghiệp của tôi: Chuyên dự các cuộc họp báo, thuyết trình, đọc và phân tích các tin tức kinh tế tài chính... tôi luôn được người "hầu", chiêu đãi, tiếp tân một cách trang trọng.

Thế mà tại đây, tôi bị nghiệp quả nào (có lẽ nghiệp tự tại) phải trả làm việc đó ? Tôi hơi bất mãn, không vui, và cảm thấy danh dự bị xúc phạm, tổn thương. Nhưng cái cảm giác khó chịu này chỉ trong thoáng chốc tan biến nhanh khi nhìn thấy sự bình thản, an nhiên, vui vẻ của những người "đồng nghiệp" hành đường (trong đó có cô em họ 14 tuổi) khi làm việc và sau vài buổi nghe Phật Pháp, tụng kinh, được sự ủng hộ của Bát Nhã Tâm Kinh: "Bất sinh, bất diệt, bất tăng, bất giảm... và... bất cao, bất thấp" tôi vùng tỉnh ngộ. à thì ra, tôi đã thường đặt "cái tôi" của mình quá cao. Chính cái tôi tối thượng đó tạo cho ta thái độ cao ngạo, tâm phân biệt giàu nghèo sang hèn để ta không bắt được pháp thân tự chuốc lấy phiền não, khó chịu, không vui. Anh giàu thì anh hiến Kỳ Viên để Phật thuyết pháp. Tôi nghèo thì tôi cúng bát sữa, dâng nắm cỏ để Phật ngồi. Tuy giá trị vật chất trần thế khác nhau, song giá trị tâm linh, tâm bố thí công đức đều giống nhau. Suy luận như vậy, tôi thấy lòng thanh thản, an vui.

Những ngày hôm sau, tới phiên. Bưng các món chay, chạy lăng xăng xếp đặt từ bàn này tới bàn kia cho non 600 người, tôi vui vẻ... đi hầu, miệng vừa hát nho nhỏ: (sửa lời hát "Giọt nước mắt cho ngàn sau" của nhạc sĩ Từ Công Phụng). "Một mai anh đi tu, người cho anh tạ lỗi. Vì kiếp sống anh tương chao rồi! Nhìn nỗi khổ chúng sinh, lệ đẫm trái tim anh. Dĩa xào này anh bưng đến bàn... em!".

Thì ra tu không hẳn là gõ mõ, tụng kinh, trì chú, thiền định. Tu, chính là cách nghĩ đúng, làm đúng trong công việc hàng ngày.

Từ đó, nơi đây, lòng tôi tìm được sự an lạc, sau những tháng ngày ngụp lặn trong bể vô minh. Tôi đã tự làm khổ mình và làm đau người khác. Khi ngồi nghe kinh trong chánh điện, hồn tôi như chơi vơi giữa bóng tối và ánh sáng. Những hiểu biết về Phật Pháp qua sách vở, qua cái nhìn của nhà khoa học, chỉ là "tu ngoài da", theo lời của Cư sĩ Trần Hữu Lễ. Lẽ huyền vi của tâm linh, không chỉ là mớ kiến thức của trần thế, nhà Phật gọi thứ này là "trí thế biện thông". Trí thế biện thông không những không giúp cho việc giác ngộ, mà lại còn làm trợ lực và bao bọc vô mình nữa. Lời thầy giảng, lời khai phóng thân tâm,lời dẫn dắt cái tâm hoang đàng của chúng sinh về với chánh giác, cao thâm tuyệt diệu vô cùng. Tôi phát nguyện sẽ đến với Phật Pháp thường hơn. Ta cứ nghĩ Phật tại tâm, nhưng tâm ta ở đâu ta không hề rõ, Phật cũng đã xa lắm rồi vậy.

Nhưng có lẽ kỳ diệu nhất trong lần tu học này là có duyên gặp gỡ với những người con Phật. Tâm tôi đã rung động mãnh liệt khi nghe câu chuyện của anh Đào Quang Vinh, pháp danh Thiện Hiển, đến với đạo Phật và nhìn thấy các em nhỏ Tô Hiến Hào 3 tuổi, Đồng Hoàng Việt -Thiện An 9 tuổi và Nguyễn Tống Julia Đại 13 tuổi. Tôi xin trình bày lần lượt sau đây.

Để đóng góp cho chương trình văn nghệ bế mạc khóa tu học, Ban Hành Đường chúng tôi cũng có vở kịch hài. Tất cả đều được chuẩn bị đầy đủ, cốt chuyện đã có, kịch bản đã viết, diễn viên đã tập... chỉ còn thiếu mỗi vai chánh! Vai chánh phải là một người nói tiếng Bắc ròng không pha trộn, thì vở kịch mới thành công được. Tôi chợt nghĩ đến em Quang Minh, em 10 tuổi, bạn thân của cậu bé kỳ diệu Thiện An. Quang Minh tốt tướng như Đức Phật Di Lặc, luôn cười và nói tiếng Bắc đặc sệt. Cậu bé ăn chay trường, lúc nào cũng tíu tít vui vẻ. Em cho biết em đến khóa tu học với bố em. Vậy bố em cũng phải nói tiếng Bắc. Tôi nhờ Quang Minh dắt tới làm quen. Anh Quang Vinh, thân phụ Quang Minh) có gương mặt rất hiền, đẹp trai, có nét trầm tư và phảng phất gợn buồn. Anh đắp y và mặc áo tràng, nên anh càng thánh thiện. Cái nhìn đầu tiên, tôi hơi thất vọng. Không thể nào ngờ một người thế này diễn tuồng hài được. Anh Quang Minh đạo mạo quá, từ tốn quá, trong khi nhân vật chánh của vở hài phải biểu lộ được vẻ hôn hỗn, lấc cấc một chút mới ăn tiền. Bắt tay anh, qua vài câu chào hỏi, anh nói tiếng Bắc rất... nguyên chất. Tôi trình bày vấn đề, mời anh cộng tác. Quang Vinh bày tỏ thiện chí đóng góp, song anh cũng ngại mình có gương mặt không được hài cho lắm. Sau khi đọc kịch bản, anh đồng ý diễn thử. Cởi bỏ y và áo tràng, nhìn anh có vẻ... khả quan hơn.

Chúng tôi vô cùng mừng rỡ, khi Quang Vinh diễn xuất xuất sắc hơn những mong chờ. Vai chánh là một anh chàng lấc xấc, nhanh nhẹn, nóng nảy... nhưng với Quang Vinh nhân vật này trở nên hợm hĩnh, học làm sang, vô minh quái đản! Tôi lấy làm lạ, anh chàng trông rất ngoan đạo, hiền lành thánh thiện mà sao khi diễn vai đời lại xuất sắc như thế? Nét trầm tư, vài nét rất đời trên gương mặt đạo. Hẳn anh phải có một đời sống thế tục khác thường.

Sau khi tập kịch, chúng tôi thả bộ trong khuôn viên trường học, vì khóa tu học được tổ chức tại một trường Trung Học. Trời nắng đẹp, nhưng dường như cái cảm giác lành lạnh Bắc Âu vẫn quanh quẩn đâu đây. Có người bảo, gió lạnh từ Bắc Cực thổi xuống, người lại nói gió lạnh từ những khe núi thổi về. Trên những vách núi cao ở Na Uy, Thụy Điển quanh năm đóng băng. Buổi trưa nắng, băng tan chút đỉnh, nước chảy tí tách, chiều về chúng lại đóng băng. Cái biến đổi trạng thái của nước từ lỏng thành băng, băng thành lỏng ở miền Bắc Âu giống như vòng luân hồi của kiếp chúng sinh. Tôi hỏi anh Quang Vinh có đi tu học thường không ? Chúng tôi nói chuyện rất tương đắc về nhiều lãnh vực, đời sống thế tục và đời sống tâm linh. Anh cho rằng nhiều người sinh ra là có đủ cả vật chất lẫn đời sống tâm linh. Có người chả có thứ gì, cái gì cũng phải tìm phải tạo! Anh vui vẻ kể cho tôi con đường tìm đến Đạo Phật của anh.

Quang Vinh sinh ra tại Hà Nội, sang Đông Đức theo diện Lao Động Hữu Nghị XHCN. Sau ngày chế độ Cộng Sản tại Đông Đức nói riêng và Đông Âu nói chung sụp đổ, anh và gia đình ở lại định cư tại thành phố Leipzig. Ngày đó, anh không hề có chút hiểu biết gì về Đạo Phật. Sự thờ cúng ông bà, đình miếu, chùa chiền, anh lờ mờ hiểu đó là đời sống tâm linh. Cuộc sống thế tục quay cuồng, đối với anh bấy giờ là cuộc sống duy nhất, Quang Vinh bận rộn bươn chải với đời.

Mới 29 tuổi, anh đã tạo dựng được một tài sản khá lớn. Tiếng tăm của anh được nhiều bà con Việt Nam tại Đông Âu biết đến. Anh là người đầu tiên thành lập khu Thương Xá cho người Việt buôn bán tại Đông Đức. Tiền bạc rủng rỉnh, hợp với tính hiếu khách và vui vẻ, anh trở thành cái gạch nối cho bà con ngoại kiều giữa hai thế giới Đông Tây. Các thương gia, nghệ sĩ từ Mỹ, Tây Đức, Thụy Sĩ, Anh Quốc, Nhật, Việt Nam v.v... khi đến Đông Âu để tìm cơ hội làm ăn, đầu tư, tìm hiểu đời sống xã hội... thường lấy nhà anh làm trạm dừng chân.

Thế rồi vô thường tìm đến! Anh bị người xấu đâm thọc. Cả hệ thống Thương Xá, nhà hàng, công ty dịch vụ của anh theo nhau đổ xuống như những quân cờ Domino. Chẳng những, nhà cửa tài sản riêng bị niêm phong, tịch thu - gia đình anh Quang Vinh còn mang một món nợ kếch sù. Trong những ngày tối tăm nhất của cuộc đời, anh Vinh tìm đọc các sách về tướng số, phong thủy để tự tìm hiểu nguyên nhân thất bại của mình và coi tướng những người cộng sự sau này. Anh có tâm nguyện rất thiết thực: "Nếu tôi có được sự hiểu biết về những môn học thuật này, tôi sẽ nguyện giúp đỡ những người khác, để họ khỏi đi vào con đường khốn khổ của tôi nữa!".

Trong các môn Bói Toán, Tướng, Phong Thủy đều đề cập đến chữ Phước Đức, đến Nghiệp và Quả. Để tìm hiểu sâu xa về những vấn đề này, anh đã đọc và nghiên cứu về Đạo Phật. Càng đi sâu vào nghiên cứu, anh càng thấy Đạo Phật thâm sâu và khoa học. Từ đó anh phát nguyện tìm Thầy Bổn Sư và xin quy y Tam Bảo. Sau 3 năm ròng rã tìm kiếm, anh đã bái Thượng Tọa Thích Như Điển, Viện chủ chùa Viên Giác làm Thầy Bổn Sư. Thầy cho anh pháp danh Thiện Hiển. Anh vô cùng hoan hỉ, với pháp danh này, anh thấy được ý nghĩa đời sống Cư Sĩ. Muốn Hiển Vinh thì phải Hướng Thiện! Sau 6 năm quần quật làm việc ngày đêm, anh đã trả được gần hết nợ nần. Cuộc đời an lạc thong dong trở lại, anh để thêm thời gian trau giồi Đạo Pháp và phát tâm nguyện giúp đỡ hướng dẫn những người xung quanh có được đời sống tâm linh an lạc. Anh tâm sự: "Nếu Quang Minh có đủ duyên để xuất gia, vợ chồng tôi rất hoan hỉ chấp thuận. Nhưng cháu nó phải lớn khôn hơn chút nữa và tự quyết định".

Chúc gia đình anh an lạc.

Tất cả các học viên trong khóa tu học tại Thụy Điển, không ai không biết đến cô bé "phiền não" Thị giả Nguyễn Tống Julia Đại. Em 13 tuổi, rất thánh thiện và xinh đẹp. Mỗi sáng, cô bé dậy vào lúc 5 giờ 30 phút. Cô đi rung chuông đánh thức mọi người, vệ sinh sớm để chuẩn bị cho thời công phu sáng. 11 giờ khuya cô là người đi ngủ sau cùng, sau khi bắt mọi người phải trở về phòng an nghỉ, để sáng mai dậy sớm. Giờ điểm tâm, quá ngọ, cơm chiều, giờ kinh cầu công phu, giờ giáo lý, giờ ăn chè trưa... đều có tiếng chuông của cô nhắc nhở. Nhiều bạn trẻ đang chơi thể thao, nói chuyện vui vẻ, bị tiếng chuông hối thúc vào đời sống theo quy luật trại, bèn đặt cho cô cái tên "Thị Giả Phiền Não" !

Julia Đại, có gương mặt thánh thiện, thanh tú, mắt sáng, mày dài, trên môi luôn nở nụ cười an lạc. Cô nàng xin xuống tóc tu gieo duyên. Hỏi cô tại sao cô bé lại tu gieo duyên. Cô cho biết vì bà ngoại, ông nội của cô bị bệnh, cô phát nguyện làm việc thiện để cầu phước cho ông bà. Khi nói về cảm nghĩ của cô sau khóa tu học. Cô hơi buồn và cho biết: "Em sẽ nhớ bạn, nhớ Thầy lắm. Ở đây, thiếu ngủ, hơi mệt nhưng thật vui!". Hỏi cô về ước muốn trong tương lai: "Em muốn đi tu để cầu phước và an lạc cho tất cả mọi người, cùng tất cả chúng sinh". Ôi cố bé 13 tuổi, cái tuổi của ô-mai và mơ mộng đây mà, sao lòng cô đã biết những đạo hạnh của Bồ Tát vậy? Chắc tôi sẽ nhớ mãi cô bé vừa thánh thiện, vừa dễ thương, tay rung chuông, miệng luôn cười, thấy tôi là kêu lên: "Má anh kêu anh đi ăn, đi ngủ hay đi học kìa!".

Trong những ngày tu học tại Thụy Điển, lòng tôi tìm lại được sự thanh thản, an vui, sau bao tháng ngày sống quay cuồng, vất vả cùng cuộc sống. Nhưng có một lần trong những ngày này, tôi thấy mình muốn khóc. Khóc không phải vì đau buồn, mà vì cảm động. Thượng Tọa Như Điển, chùa Viên Giác, có một chú Thị giả Thiện An 9 tuổi. Trong một buổi giảng, Thầy cho gọi chú đến trước đại chúng. Chú cúi đầu đảnh lễ và Thầy hỏi đại chúng muốn nghe Kinh gì ?

Đại chúng bảo Kinh Lăng Nghiêm, chú đọc Kinh Lăng Nghiêm. Đại chúng bảo Chú Đại Bi, chú đọc Chú Đại Bi. Đại chúng bảo nói Bát Nhã Ba La Mật, chú đọc Bát Nhã Ba La Mật.

Chao ơi, những câu chú câu kinh bằng Phạn ngữ khó khăn làm sao. Trong những buổi công phu, tay tôi cầm sách, dồn hết tinh thần vào những dòng chữ, mà miệng đọc theo không kịp. Những câu kinh thật dài, thật khó và không hiểu nghĩa là gì, làm sao có thể học thuộc lòng được đây?

Khi Thượng Tọa Viện Chủ chùa Viên Giác hỏi: Sau này lớn lên con làm gì?

- "Mô Phật, con đi tu!". Chú đáp.

- Con đi tu để làm gì? Thầy hỏi thêm.

- "Mô Phật, ccon đi tu để cứu độ chúng sinh!"

Lòng tôi xúc động mạnh, xưa nay tôi chỉ tìm hiểu Đạo Phật trên phương diện khoa học. Tất cả các nghi lễ trong đạo, tôi đều đặt chúng trên một cơ sở logic tâm lý. Vậy hiện tượng của chú Hoàng Việt pháp danh Thiện An, 9 tuổi này phải giải thích sao đây? Có phải chú là một vị Thiền Sư tiền kiếp nào tái sanh chăng? Những ngày ở trại, tôi lân la làm quen và đi chơi với chú. Chú là cậu bé rất đặc biệt, tinh tế, thông minh, vui vẻ và đặc biệt chăm học.

Ngay_2_khoa_tu_AuChau (32)

Có một Bác hỏi cậu ăn chay hay ăn mặn, cậu trả lời là cậu ăn chay. Bác lại hỏi cậu ăn chay bao lâu rồi? Cậu trả lời: "Con được 9 tuổi rưỡi". Bác ấy bảo "Bác hỏi con ăn chay được bao lâu rồi, chứ đâu có hỏi con mấy tuổi đâu?". Cậu trả lời: "Thưa Bác, con chưa bao giờ ăn thịt!". Tôi hỏi: "Tại sao Thiện An lại ăn chay trường?". Cậu bé bảo: "Vì như vậy không nợ chúng sinh!".

Mẹ của Thiện An là người đàn bà hiền hậu, chị chỉ phát nguyện được sống trong chánh pháp và làm tất cả cho con chị được trọn đạo tu hành, cứu khổ chúng sinh. Chị xin Sư Bà cho thí phát, để cầu cho con chị được chư Phật đoái thương, độ trì nhanh tinh tiến trên con đường tu học. Mong chị được toại lòng.

Một buổi, sau giờ kinh chiều. Từ chánh điện đi xuống, tôi gặp một hiện tượng lạ. Cậu bé con, chân chưa đủ dài để bước lên các bậc thang, cậu dùng hai tay vịn lên bậc thang trên để đu lên. Hình ảnh thật ngộ nghĩnh: Cậu ta bò lên chánh điện. Tôi cúi xuống ẵm cậu lên và hỏi: "Con đi đâu đây? Con tìm mẹ hả? Cậu muốn tụt xuống để có thể tự bò lên chánh điện một mình. Tôi không buông tay, cậu rối rít: "Mô Phật, con đi tu tâm! Mô Phật con đi tu tâm!". Giọng của cậu còn ngọng líu lô, tôi không hiểu, hỏi lại: "con đi đâu?". "Mô Phật, con đi tu tâm". Tôi lại hỏi "Tâm ở đâu?". "Tâm ở trong tâm". Phật ôi, tôi sợ quá! Người ta bảo đất lành chim đậu, chắc đây là đất Phật, nên "Phật con" xuất hiện nhiều quá! Tôi ẵm cậu bé xuống dưới sân trở lại, cậu ta có nụ cười của hoa Vô Ưu. Tôi chưa bao giờ thấy hoa Vô Ưu (có sách cho rằng là hoa Sung. Sung thuộc lại hoa nở trong bọc, thế thành ra chẳng ai thấy nó nở bao giờ), nhưng khi đọc kinh Phật, tôi có tưởng tượng rằng hoa ấy rất đẹp, rất tươi và rất quý. Thì đây, tôi bắt gặp nụ cười của cậu bé Nick Tô Hiến Hào, 3 tuổi. Hỏi rằng: Con tên gì? Con tên Nick. Nick mấy tuổi? Nick 3 tuổi. Tuổi con gì? Tuổi con Cọp. Cọp ăn gì? Cọp ăn chay. Nick con ai? Nick con Phật A Di Đà.

Cậu bé có ngũ quan đoan chính, tam đình rõ ràng nở nang, đầu tròn lớn, nụ cười Vô Ưu. Tôi thầm nghĩ, nếu cậu bé đi tu, cậu sẽ đắc thành chánh quả. Tôi gặp ba má của bé, anh chị là người Phật tử thuần thành. Khi thụ thai cháu, chị thường đi chùa lạy Phật, cúng dường chư Tăng. Sanh ra cháu rất dễ nuôi và rất thích ăn chay.

Những ngày tu học qua thật nhanh. Năm ngày đã hết, tôi lên máy bay trở về trú quốc trước ngày bế mạc. Lòng bịn rịn rộn ràng. Nhìn những nụ cười rạng rỡ, những khuôn mặt thanh thản, những sự dấn thân công tác Phật sự để cúng dường Tam Bảo, để phục vụ đồng bào, tôi chợt hiểu, ngoài đời sống chụp giật bên ngoài, người ta còn cần có đời sống tâm linh. Tâm bình, thế giới bình là thế. Giã từ khóa tu học, tôi nguyện với lòng, sẽ trở lại hằng năm. Phật tại tâm, nhưng tâm ta lạc lõng, Phật cũng lạc loài lắm vậy.

(Thụy Sĩ, mùa Vu Lan 2001)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/12/2020(Xem: 5225)
Thơ thiền Nhật bản là cả một thế giới thi ca độc đáo, tiêu biểu cho tư tưởng và chủ trương tu tập của thiền học Zen, nhất là qua một thể thơ cực ngắn gọi là haiku. Điểm đáng lưu ý và cần nêu lên trước nhất là thơ thiền Nhật bản khác hẳn với thơ Đường của Trung quốc. Một số học giả, kể cả các học giả Tây phương, dường như đôi khi không nhận thấy được sự khác biệt này khi mang ra phân tích và tìm hiểu tinh thần Phật giáo chung cho cả hai thế giới thi ca trên đây.
28/12/2020(Xem: 4973)
Moscow: Thuật ngữ “Tukdam, ཐུགས་ དམ་” mô tả một dạng thiền cao cấp trong truyền thống Kim Cương thừa, thường được thực hành bởi các tu sĩ Phật giáo trong trạng thái quá độ sang sự chết, được gọi là trung hữu – bardo (chìa khóa để giải mã những Bí mật của Nghệ thuật sinh tử). Trạng thái nhập thiền định Phật giáo Mật tông hiếm có được gọi là “Tukdam, ཐུགས་ དམ་” đã được các nhà khoa học phương Tây nghiên cứu Và Tìm hiểu trong nhiều năm, với sự lãnh đạo của Tiến sĩ ngành tâm lý và tâm thần học - Richard Davidson thuộc Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ), người sáng lập và Chủ tịch Trung tâm Tâm Trí Lực (Center for Healthy Minds).
28/12/2020(Xem: 4999)
Phật giáo đồ các quốc gia Đông Á, thường Kỷ niệm ngày Đức Phật Nhập Niết bàn vào tháng 2 Âm lịch. Nhưng tại địa phương tôi, Trung tâm Thiền miền Bắc Carolina (the North Carolina Zen Center) lại tổ chức Kỷ niệm ngày Đức Phật Thành đạo vào tháng 12 Âm lịch, với một buổi chia sẻ Pháp thoại với Thanh thiếu niên Phật tử, một buổi lễ thắp nến lung linh, tỏa sáng ánh đạo vàng từ bi, trí tuệ, và một bữa ăn tối sau lễ Kỷ niệm.
24/12/2020(Xem: 5423)
Đức Đạt Lai Lạt Ma và nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển về biến đổi khí hậu, thiếu nữ (17 tuổi) Greta Thunberg sẽ hội thảo cùng với các nhà khoa học hàng đầu vào ngày 9 tháng 1 tới, về mối quan tâm ngày càng tăng, đối với phản ứng các bên về “khủng hoảng khí hậu: những biến đổi do con người gây ra trong môi trường làm tăng tốc độ nóng lên toàn cầu”. Cuộc thảo luận sẽ được tổ chức bởi Viện Tâm trí và Đời sống (Mind and Life Institute), rút ra từ cuốn sách mới nhất của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Chủ nghĩa hoạt động của nàng thiếu nữ (17 tuổi) Greta Thunberg, nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển về biến đổi khí hậu và một loạt phim giáo dục mới về biến đổi khí hậu.
24/12/2020(Xem: 4852)
Trung tâm Phật giáo Somapura (Somapura Mahavihara, সোমপুর মহাবিহার, Shompur Môhabihar) được kiến tạo vào thế kỷ thứ 8, tọa lạc tại Paharpur, Badalgachhi Upazila, Naogaon, Tây Bắc Bangladesh, một ngôi Già lam Cổ tự lớn thứ hai phía Nam dãy Hymalaya, một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất Nam Á, thành tựu nghệ thuật độc đáo, ảnh hưởng đến nhiều trung tâm Phật giáo lớn khác trên thế giới.
24/12/2020(Xem: 4154)
Hoàng đế Phật tử ltan Khan, vị Đại hộ pháp, triều đại của Ngài đã đánh dấu thời đại Phật giáo Mông Cổ Cực thịnh, Ngài là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn và là lãnh tụ của bộ tộc Tümed của Mông Cổ. Vào giữa thế kỷ 16, năm 1578 Ngài bệ kiến Sonam Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 3 và ban cho Ngài tước hiệu “Đại Dương”, “ám chỉ Hoàng đế Phật tử ltan Khan, vị Đại hộ pháp Trí tuệ Siêu phàm như Biển” Tước hiệu Đạt Lai Lạt Ma cũng được ban cho hai vị Giáo chủ tiền nhiệm của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 3, và tước hiệu này trở thành thông dụng cho tất cả những người kế nhiệm Đức Đạt Lai Lạt Ma Sonam Gyatso về sau này.
21/12/2020(Xem: 7399)
Thơ là chữ viết, nhưng thơ cũng là giữa những dòng chữ. Thơ là lời nói ra, nhưng thơ cũng là giữa những lời nói ra, hiển lộ cả trước và sau lời nói ra. Thơ là ngôn ngữ và thơ cũng là vô ngôn, là tịch lặng. Và là bên kia của chữ viết, bên kia của lời nói. Khi đọc xong một bài thơ hay, khi không còn chữ nào trên trang giấy để đọc nữa, chúng ta sẽ thấy thơ là một cái gì như sương khói, mơ hồ, lung linh, bay lơ lửng quanh trang giấy. Cũng như thế, Kinh Phật là thơ, là lời nói, là tịch lặng, là bên kia ngôn ngữ. Khi bài Tâm Kinh đọc xong, khắp thân tâm và toàn bộ ba cõi sáu đường đều mát rượi, ngấm được cái đẹp của tịch lặng ẩn hiện bên kia những chữ vừa đọc xong. Cội nguồn thơ, cũng là cội nguồn Kinh Phật, đó là nơi của vô cùng tịch lặng, một vẻ đẹp như sương khói phả lên những gì chúng ta nhìn, nghe, cảm xúc và hay biết.
20/12/2020(Xem: 5980)
Trong một thời khắc lịch sử, cả nước đã chứng kiến sự hội tụ của quá khứ, hiện tại và tương lai khi ba thế hệ của triều đại Wangchuck, Vương quốc Phật giáo Buhtan đến viếng thăm khu đất của Pungthang Dewachhenpoi Phodrang vào ngày hôm 16 vừa qua. Lễ Kỷ niệm 113 năm Quốc khánh Vương quốc Bhutan, được tổ chức bên trong Punakha Dzong “Cung điện Hạnh Phúc”, từng là nơi ngự của Lama Zhabdrung Ngawang Namgyel đáng tôn kính hơn 400 năm trước, người đã có công thống nhất Bhutan và làm nền tảng để đất nước này phát triển an bình, thịnh vượng cho đến ngày nay.
20/12/2020(Xem: 5387)
Matxcơva, ngày 15 tháng 12: Hội nghị Bàn tròn trực tuyến với chủ đề “Đối thoại các Tôn giáo trong Thế giới hiện đại, Dialogue of Religions in Modern World“ do Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Liên bang Nga, Viện Nghiên cứu Học thuật về Cơ đốc giáo phương Đông (INaSEC) đồng tổ chức tại Khoa Tôn giáo và Thần học (FRT) thuộc Đại học Vrije Amsterdam và Đại học Chính thống Cơ đốc giáo, Nga nhân danh Thánh John Divine.
19/12/2020(Xem: 6150)
Cơ quan Chính quyền Trung ương Tây Tạng lưu vong (CTA) cho biết, Tôn giả Geshe Tenpa Gyaltsen, vị học giả Phật giáo Tây Tạng đã viên tịch, xả báo thân tại tu viện Gaden Jangtse, miền nam Ấn Độ, theo truyền thông cho hay, Ngài đã “Chết lâm sàng” đến nay gần 1 tháng (26 ngày), nhưng thi thể vẫn không phân hủy. Theo báo cáo của Ban Tôn giáo và Văn hóa thuộc (CTA) cho thấy rằng, Tôn giả Geshe Tenpa Gyaltsen đã đi vào trạng thái nhập thiền định Phật giáo Mật tông hiếm có được gọi là thukdam (Tib: ཐུགས་ དམ་).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]