Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những Quan Niệm Về Số Mệnh

12/12/201317:32(Xem: 9427)
Những Quan Niệm Về Số Mệnh

Buddha1
Những Quan Niệm Về Số Mệnh


Đức Phật trả lời: “Tất cả chúng sinh đều mang theo nghiệp của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa. Chính vì nghiệp riêng của mỗi người mỗi khác nên mới có cảnh dị đồng giữa các chúng sinh” (Kinh Trung A Hàm)

Số mệnh hay số phận là thân phận, địa vị, những điều may rủi, họa phúc, khổ vui, sang hèn, vinh nhục…đã được định sẵn cho cuộc đời của mỗi người. Tin rằng con người sinh ra với thân phận gì, ở nơi đâu, vào lúc nào, sống trong cảnh giàu sang hay bần cùng, sung sướng hạnh phúc hay bất hạnh khổ đau, thời gian nào, bao nhiêu tuổi thì trở nên như thế nào, gặp phải những sự việc gì, tất cả đều đã được định trước, đó là niềm tin vào số mệnh.

Từ ngàn xưa đã có nhiều quan niệm về số mệnh. Số mệnh hay số phận là quan niệm của Túc mệnh luận, Định mệnh luận và Thiên mệnh luận, Thần ý luận. 

Túc mệnh luậncho rằng mỗi người có một số mệnh do quá khứ an bài. Định mệnh luận tương tự như Túc mệnh luận, cho rằng mỗi người có một số mệnh đã định sẵn, khẳng định tuyệt đối con người bất khả kháng số mệnh, mọi nỗ lực thay đổi số mệnh của con người đều vô ích. 

Thiên mệnh luận cho rằng số mệnh của con người được ông Trời (Thiên) định sẵn, đó gọi là mệnh Trời, con người không thể nào làm khác được. Thần ý luậntương tự như Thiên mệnh luận, cho rằng số mệnh của con người do Thượng Đế hoặc các thần linh quyết định, mọi thành bại, được mất, vinh nhục, khổ vui… đều do ý của Thượng Đế hoặc các thần linh (cũng như người Trung Hoa gọi là ý Trời-Thiên ý). Các luận thuyết này đều phủ nhận vai trò tự thân của con người, phủ nhận vai trò của con người đối với cuộc đời và thế giới mình đang sống.

Ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ VI trước Công nguyên có Nigantha Nàtaputta chủ trương thuyết tiền nghiệp, cho rằng mọi sự khổ vui, họa phúc của con người đều do tiền nghiệp quyết định, con người cần phải tu hành khổ hạnh (để trả nghiệp), khi nào hết nghiệp quá khứ là giải thoát. Thuyết tiền nghiệp này cũng thuộc Túc mệnh luận. Ngoài ra còn có Makkhali Gosala lãnh đạo giáo phái chủ trương tất cả đều là định mệnh có sẵn, không do Thượng Đế, thần linh an bài, cũng không do con người quyết định. Makkhali Gosala tuyên bố: “Sau vòng luân hồi sinh tử 8.400.000 kiếp, người hiền trí cũng như kẻ ngu si đều chấm dứt khổ ưu. Hạnh phúc hay bất hạnh khổ đau đều được định phần và không thể có tăng hay giảm vòng luân hồi sinh tử 8.400.000 kiếp”. Một trong những bài kệ mà các đệ tử giáo phái này tụng đọc là:

“Không đường lên thiên giới (cõi trời)

Cứ sống hết phận mình

Mọi buồn vui xảy tới

Đều do số phận dành.

Vòng luân hồi chung cuộc (8.400.000 kiếp)

Khiến mọi người tịnh thanh.

Đừng nóng lòng muốn biết

Những việc sắp hình thành”

(The Historical Buddha – H.W.Schumann, Trần Phương Lan dịch)

Khoảng 700 năm trước Công nguyên, ở Ấn Độ thịnh hành quan niệm “tất cả những gì con người thọ lãnh dù hạnh phúc hay đau khổ đều do một Đấng Tối Cao tạo nên, Đấng Tối Cao ấy là Brahma (Phạm Thiên). Kinh Mundaka Upanishad của Bà la môn giáo hay Ấn Độ giáo, đạo Hindu ngày nay có viết: “Phạm Thiên đệ nhất chư thần xuất sinh, sáng tạo tất cả, trì hộ thế gian”.Đạo Bà la môn ở Ấn Độ ra đời trên cơ sở triết lý của kinh Upanishad (Áo Nghĩa Thư-xuất hiện khoảng từ năm 800tr.CN đến năm 500tr.CN), tôn thờ Brahma (Phạm Thiên) được xem là thần sáng tạo và chi phối vũ trụ vạn vật.

Ngoài ra Bà la môn giáo còn tin vào yếu tố Nghiệp (hành động, tạo tác), cho rằng thân phận con người giàu sang hay nghèo khó, cao quý hay thấp hèn, thuộc tầng lớp nào trong xã hội, có địa vị xã hội hay không…), điều kiện bản thân như thế nào (đời sống, sức khỏe, tuổi thọ, tương lai, vận mệnh, quan hệ vợ chồng, con cái, bạn bè, những người thân…) đều do nghiệp quá khứ quyết định sẵn. Tuy nhiên Đấng Sáng Tạo Tối Cao Brahma-Phạm Thiên và thần Vishnu-thần bảo vệ, thần Shiva (có nơi viết Civa)-thần hủy diệt (ba vị này tuy ba mà là một, được gọi là Tam vị nhất thể) có khả năng quyết định số phận của con người dù người đó tạo nghiệp như thế nào. Quan niệm về Nghiệp trong Upanishad (Áo Nghĩa Thư) của Bà la môn giáo cho rằng: “Con người sẽ trở nên tốt vì hành động tốt và trở nên xấu vì hành động xấu”, “Những người có hành vi tốt đẹp sẽ đầu thai vào kiếp tốt đẹp, thành Bà la môn hoặc thành người quý tộc, thương nhân; những kẻ có hành vi xấu xa sẽ phải đầu thai vào những kiếp xấu xa như kiếp nô lệ, tôi tớ, cùng đinh hạ tiện hoặc kiếp chó, lợn…” 

Người Trung Quốc từ ngàn xưa cũng đã tin vào định mệnh, cho rằng: “Một miếng uống, một miếng ăn chẳng phải chẳng do tiền định-định trước, an bài sẵn” (Nhất ẩm, nhất trác mạc phi tiền định), định mệnh đó là do ông Trời an bài, sắp đặt, nên gọi là Thiên mệnh (mệnh Trời).Tử Hạ thời Xuân Thu (722tr.CN-481tr.CN), học trò của Đức Khổng Tử nói: “Sống chết có mệnh, giàu sang bởi trời”(Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên). Liệt Tử (Liệt Ngự Khấu), triết gia thời Chiến Quốc (từ khoảng thế kỷ thứ V trước Công nguyên đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc năm 221 trước Công nguyên) nói: “Ngu si, điếc, ngọng, câm mà nhà giàu có; trí tuệ, thông minh mà lại chịu nghèo; Năm tháng, ngày giờ đều ghi chép định rõ, tính ra do mệnh, chẳng do người”(Si lung ấm á gia hào phú; trí tuệ thông minh khước thụ bần; Niên nguyệt nhật thời giai tải định, toán lai do mệnh bất do nhân).

Người Trung Hoa cổ đại đã xếp ngôi thứ trong vụ trụ là Trời, quỷ thần, con người và vạn vật, trong đó Trời ở vị trí tối cao. Đức Khổng Tử là nhà tư tưởng, nhà giáo dục lớn của Trung Quốc, được xem là ông Thánh của Nho giáo đã từng nói: “Không hiểu mệnh trời thì không thể là người quân tử”(Bất tri thiên mệnh vô dĩ vi quân tử giả-Luận Ngữ, Nghiêu viết). Khổng Minh Gia Cát Lượng, một bậc mưu lược kỳ tài thời Tam Quốc cũng từng thốt lên: “Mưu việc ở người, nên việc ở trời. Người muốn như vậy như vậy, lẽ trời chưa như thế, chưa như thế(Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Nhân nguyện như thử như thử, thiên lý vị nhiên vị nhiên). 

Đề cập đến vấn đề định mệnh con người do Đấng Tạo Hóa an bài sắp đặt như quan niệm của một số học thuyết, giáo phái đương thời, Đức Phật nói trong kinh Trung Bộ (Majjhima Nikàya) như sau: “Nếu cho rằng do ý muốn và sự tác tạo của Đấng Tối Cao (Phạm Thiên, Đấng Tạo Hóa) mà con người trở thành sát nhân, trộm cắp, tà dâm, giả dối, ngu si, ngớ ngẩn, kiêu căng, thô lỗ, tham muốn, khát khao, tàn ác, hiểm độc, tinh quái và hiểu biết sai lầm, hoặc nếu thần linh nào đó là nguồn gốc của tất cả những điều đó, thì con người sẽ không còn ý muốn, sẽ không cố gắng, cũng không thấy có sự cần thiết để làm, hoặc tránh không làm những hành động (xấu ác) đó”.

Và trong Túc Sanh Truyện Bhùridatta Jàkata, Đức Phật khi còn là một vị Bồ tát đang trên bước đường tu hành cũng đã từng đặt những câu hỏi về Phạm Thiên, nhân vật lúc đầu chỉ nghe truyền tụng, về sau được nói đến trong sách vở mà người đương thời tin là Đấng Sáng Tạo, Đấng Tối Cao, đấng tạo hóa muôn loài vạn vật, cầm cán cân công lý của vũ trụ: “Người có mắt ắt thấy cảnh đau thương của đời sống. Nếu oai lực của Phạm Thiên (Brahma, Đấng Tạo Hóa) là vô hạn, tại sao Ngài không tạo một vũ trụ tốt đẹp? Tại sao Ngài không nâng tay lên để ban phước lành? Tại sao muôn loài do chính Ngài tạo ra lại phải bị đọa đài trong cảnh khổ? Tại sao Ngài không ban hạnh phúc cho tất cả?

Tại sao đời sống lại đầy dẫy những xấu xa? Tại sao gian tham, giả dối, lừa đảo lại thắng, còn chân thật và công lý lại thất bại nặng nề? Ta liệt Phạm Thiên (Brahma, Đấng Tạo Hóa) vào hạng bất công đã tạo nên một thế gian hư hỏng”. Nếu bảo rằng con người là tạo vật hoàn hảo của Phạm Thiên (Brahma, Đấng Sáng Tạo, Đấng Tối Cao) thì tại sao lại có người câm điếc, kẻ mù lòa, người bị dị tật bẩm sinh, kẻ là quái thai còn trong bụng mẹ? Tại sao có người thông minh, kẻ đần độn; người chết yểu, kẻ sống lâu; người giàu sang, kẻ bần cùng?

Nếu bảo rằng thế gian là tạo vật của một đấng tối cao có đầy đủ oai lực, toàn năng, toàn trí thì tại sao thế gian không hoàn mỹ? Tại sao thế gian lại bất đồng, thế gian có thiên hình vạn trạng và luôn mâu thuẫn, xung đột? Loài vật ăn tươi nuốt sống lẫn nhau, con người tàn hại lẫn nhau cũng do ý chí của đấng tối cao sao? Cũng là con người nhưng tại sao lại có người hiền người dữ? Những con người hung ác bạo tàn cũng là do đấng tối cao tạo ra ư? Chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên diễn ra, nếu thế gian là tạo vật của Đấng Tối Cao, lẽ nào Đấng Tối Cao lại điên rồ đến mức sáng tạo ra thế gian rồi lại làm hư hỏng thế gian?

Nếu bảo nhân loại được sinh ra từ ý chí của Đấng Tối Cao, là tạo vật của Đấng Tối Cao thì tại sao có người kính tin Đấng Tối Cao nhưng lại có người không kính tin Đấng Tối Cao? Tại sao có người luôn hướng về Đấng Tối Cao nhưng không được Đấng Tối Cao che chở, bảo vệ, họ phải tuyệt vọng trong bất hạnh khổ đau? Có người không hướng về Đấng Tối Cao, không kính tin Đấng Tối Cao lại có đời sống tốt đẹp an lành?

Nếu muôn loài vạn vật là do Đấng Tối Cao tạo ra thì con người cần gì phải học tập, lao động, sáng tạo để làm ra của cải vật chất, những sản phẩm vật chất, tinh thần; loài vật cần gì tìm kiếm thức ăn và môi trường sống, cần gì tranh giành cấu xé lẫn nhau để được sinh tồn? Muôn loài phải vất vả nhọc nhằn để sinh tồn, để tạo dựng cuộc sống, có nhiều mảnh đời quằn quại trong bất hạnh khổ đau, nếu đó là do Đấng Tối Cao tạo ra thì Đấng Tối Cao là một kẻ độc ác đầy tội lỗi chứ không phải là kẻ nhân từ, chí thiện! Từ đó cho thấy Đấng Tạo Vật, Đấng Tối Cao Sáng Tạo, Đấng Tạo Hóa chỉ là nhân vật giả định hay sản phẩm của trí tưởng tượng khi con người chưa tìm ra được lời giải đáp cho những thắc mắc về các hiện tượng trong đời sống, nguồn gốc của con người, nguyên nhân của vũ trụ.

Theo quan điểm của Đức Phật, con người và thế giới được hình thành từ vô số điều kiện, nhân duyên, không do một đấng tối cao hay một thần linh nào tạo ra cả. Cũng không có số mệnh, định mệnh buộc con người phải phục tùng, khiếp sợ. Lịch sử nhân loại luôn thay đổi, thế giới luôn thay đổi theo định luật vô thường, con người có thể chuyển biến từ xấu thành tốt, từ phàm phu thành thánh hiền, thì làm gì có số mệnh định sẵn. Nếu con người không nỗ lực học tập, nghiên cứu, trau giồi, rèn luyện, tu dưỡng thì không thể tiến bộ, không trở thành gì cả, làm sao có thể ngồi chờ số mệnh an bài? Thái độ sống thụ động, thả trôi thả nổi cuộc đời là thái độ tiêu cực có hại cho bản thân và xã hội.

Theo Đức Phật, những gì con người lầm tưởng là số mệnh đều là Nghiệp nhân và Nghiệp quả của mình tạo ra trong hiện tại và quá khứ. Quan niệm về Nghiệp (karma-sanskrit hay kamma-Pàli) của đạo Phật khác với quan niệm về Nghiệp của đạo Bà la môn hay đạo Hindu. Nghiệp là suy nghĩ, lời nói, hành động cố ý, có chủ tâm, có ý muốn, ý định, gọi là tác ý. Trong kinh Tăng Nhứt A Hàm, Đức Phật nói: “Này hỡi các tỳ kheo, Như Lai xác nhận rằng chính tác ý là nghiệp”.Suy nghĩ, lời nói, hành động, việc làm có chủ tâm, có ý muốn, ý định là nghiệp nhân và kết quả của nó là nghiệp quả. Những suy nghĩ, lời nói, hành động có tác ý tạo thành kinh nghiệm, thói quen và xây dựng nên tính cách, cá tính của con người, tạo ra cái mà người ta cho là số phận. Do nghiệp nhân trong quá khứ mà con người phải sinh ra trong hoàn cảnh như thế nào, ở đâu, vào lúc nào; Do nghiệp nhân trong quá khứ với nghiệp nhân hiện tại tạo nên thân phận, đời sống con người, giàu sang, nghèo khó, hạnh phúc hoặc khổ đau v.v..

Trong Trung Bộ kinh (Majjhima Nikàya), Đức Phật cho biết: “Với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhiên, vượt tri kiến phàm tục, ta thấy cách chúng hữu tình sinh tử như thế nào. Ta thấy rõ cao quý hay hạ liệt, thông minh hay ngu đần, mỗi chúng sinh được tái sinh cõi lành hay cõi dữ tùy theo hạnh nghiệp của mình”. Một số cuộc đối đáp giữa Đức Phật và các ngoại đạo sư hoặc những người đi tìm cầu chân lý được ghi lại trong kinh Phật giúp người ta hiểu rõ hơn về Nghiệp theo quan niệm của đạo Phật:

Có một người tên Sudha hỏi Đức Phật rằng: “Do nguyên nhân nào trên thế gian có quá nhiều sự chênh lệch, bất đồng, như: người chết yểu, người sống thọ; người bệnh hoạn, người khỏe mạnh; người xấu xí, người xinh đẹp; hạng người làm gì cũng không ai ủng hộ, không ai làm theo, nói gì cũng không ai nghe; hạng người làm gì cũng có người ủng hộ, cũng có người làm theo, nói gì cũng có người nghe; người nghèo khổ, người giàu sang; người sinh ra trong gia đình bần cùng, người sinh ra trong dòng dõi cao quý; người khôn, kẻ đần…”. Đức Phật trả lời: “Tất cả chúng sinh đều mang theo nghiệp của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa. Chính vì nghiệp riêng của mỗi người mỗi khác nên mới có cảnh dị đồng giữa các chúng sinh”(Kinh Trung A Hàm)

Đức Phật nói với một đệ tử của đạo sư Mahàvìra (phái lõa thể); “Như Lai kịch liệt chỉ trích sát sinh, lấy của không cho (trộm cướp), tà hạnh trong các dục, nói láo. Vị đệ tử đặt lòng tin vào đạo sư, bèn suy nghĩ: “Nay ta đã sát sinh, việc ấy là không đúng, như vậy là không tốt. Phải luôn ghi nhớ rằng hành động ác kia ta đã lỡ làm, nay ta hãy ăn năn hối cải”. Và do suy nghĩ như vậy, vị ấy từ bỏ sát sinh, và bằng cách này vị ấy vượt qua ác nghiệp” (Kinh Tương Ưng IV). Ở đây Đức Phật cho biết nghiệp quả của một hành động xấu ác có thể được khắc phục nhờ ăn năn hối cải và sửa đổi hành vi, lối sống, tu tập đạo đức (đạo Phật gọi là chuyển nghiêp). Điều này cũng có nghĩa là Nghiệp không phải bất di bất dịch, con người có thể làm thay đổi nghiệp.

Con người có thể làm chủ nghiệp nhân (tùy ý lựa chọn suy nghĩ, lời nói, hành động của mình) và có thể thay đổi nghiệp quả (khắc phục hậu quả, làm giảm hiệu năng kết quả của suy nghĩ, lời nói, hành động). Trong Anguttara Nikàya (Kinh Tăng Chi Bộ , tương đương với kinh Tăng Nhất A Hàm), Đức Phật có nói vấn đề này như sau: Này các tỳ kheo, một người không biết khép mình vào nền nếp, kỷ cương của thân, của đạo lý, của tâm, của trí tuệ, người kém đạo đức, kém giới hạnh, người đó sẽ sống đau khổ. Dù một hành động tầm thường của người đó cũng đủ tạo quả (nghiệp quả) đưa vào cảnh khổ. Nhưng một người có nếp sống kỷ cương về phương diện vật chất cũng như về phương diện tinh thần, đạo đức, trí tuệ, người có đạo đức cao thượng, biết làm điều thiện, lấy tâm từ vô lượng đối xử với tất cả mọi chúng sinh, người như thế dù có một hành động lầm lạc tầm thường, hành động ấy không tạo quả (nghiệp quả) trong hiện tại hay trong kiếp vị lai”.

Ví như có người kia sớt một muỗng muối vào bát nước. Này hỡi các tỳ kheo, các thầy nghĩ như thế nào? Nước trong bát có trở nên mặn và khó uống không? Bạch Đức Thế Tôn, nước trở nên mặn và khó uống. Vì nước trong bát ít nên sẽ mặn khi cho muỗng muối vào. Đúng vậy. Bây giờ, này các tỳ kheo, ví như người kia đổ muỗng muối ấy xuống sông Hằng (Ganges), các thầy nghĩ sao? Nước sông Hằng có vì muối ấy mà trở nên mặn và khó uống không? Bạch Đức Thế Tôn, nước sông Hằng không vì muỗng muối ấy mà mặn, vì sông Hằng rộng lớn, nước nhiều, chỉ bấy nhiêu muối ấy không đủ làm mặn nước sông Hằng. Cũng như thế, có trường hợp người kia vì phạm một lỗi nhỏ mà chịu cảnh khổ. Người khác cũng tạo một lỗi tương tự nhưng gặt quả (nghiệp quả) nhẹ hơn, và sau khi chết quả kia (nghiệp quả) không trổ sinh nữa dù chỉ trổ một cách nhẹ nhàng. 

Theo Đức Phật, chính vì mỗi người có thể cải thiện, xây dựng con người mình (hay nói cách khác là thay đổi số phận, làm nên số phận) mà kẻ xấu có thể trở thành người tốt, kẻ dở trở thành người hay, kẻ ngu trở thành người trí, kẻ phàm thành bậc thánh nhân. Trong vô số kiếp, con người đã tạo biết bao nghiệp lành, dữ, thiện, ác, nếu không thể chuyển nghiệp thì làm sao có hiện tượng những bậc hiền trí, thánh nhân xuất hiện trên đời.

Nguon: daophatngaynay.com/vn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31/05/2020(Xem: 7832)
Đôi khi một nụ cười lả lơi, một liếc mắt say đắm, một lần nắm tay bất chợt cũng có thể dẫn tới một tai họa vô cùng lớn lao. Cũng y hệt một tia lửa nhỏ có thể làm phựt cháy cả một khu rừng khổng lồ. Một thí dụ rất cụ thể: nếu ngài Anan sa ngã, số lượng kinh Phật có thể sẽ chỉ còn có phân nửa. Trí nhớ của ngài Anan rất mực siêu đẳng, nhớ hơn 10,000 Kinh Phật trong Tạng Pali.
29/05/2020(Xem: 12629)
Trưởng lão cư sĩ Hứa Triết (許哲, Teresa Hsu Chih, 7/7/1897-7/12/2011), trước danh Cư sĩ, danh tự tiếng Anh là “(Teresa, tiếng Trung: 德蕾莎)” tên tiếng Phạn là “Prema, (愛人)”, chào đời tại Sán Đầu, thành phố ven biển thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Sinh thời, bà đến lớp tiểu học năm lên 27 tuổi, học Y khoa chuyên ngành Điều dưỡng ở tuổi 47, thành lập một Viện Dưỡng lão độc lập ở tuổi 67, học Yoga (瑜伽) ở tuổi 69, học Phật ở tuổi 90, dụng công học tiếng Trung ở tuổi 100, và 101 tuổi quy y Phật môn.
29/05/2020(Xem: 6576)
Tâm thế gian là tâm tràn đầy ham muốn ích kỷ, những ai luôn sống với tâm này sẽ huân tập nhiều tập khí, lậu hoặc gọi chung là nghiệp. Nghiệp thì có nghiệp xấu và nghiệptốt. Nhưng đa phần người ta dính nhiều với nghiệp xấu hơn là nghiệp tốt. Đã tạo nghiệp, thì phải chịu luân hồi sinh tử để thọ quả báo.
27/05/2020(Xem: 6457)
Bài viết, kỷ niệm 50 ngày thành lập Cộng đồng đa dạng văn hóa tín ngưỡng gồm 10 quốc gia ASEAN!
27/05/2020(Xem: 5156)
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 40 năm, kể từ khi Khánh thành Bảo tàng Khảo cổ Thung lũng Bujang (the Bujang Valley Archaeological Museum), tọa lạc tại Merbok, Kedah, một bang phía tây bắc của Bán đảo Malaysia.
27/05/2020(Xem: 7530)
Người Phật tử tu hạnh Bồ Tát ngoài mười điều thiện, phải tu tập pháp “Lục Độ Ba La Mật”. Lục là sáu. Độ là vượt qua. Ba la mật nguyên âm tiếng Phạn là Paramita, người Trung hoa dịch nghĩa là “bỉ ngạn đáo”, nói theo tiếng Việt là “đến bờ bên kia”. Đây là sáu món tu tập có công năng như một chiếc thuyền, đưa mình từ bờ bên này, bờ vô minh của thế gian, vượt sang bờ bên kia, bờ giác ngộ của chư Phật. Kẻ tu hành muốn đến bờ giải thoát hoàn toàn, cần phải tu cả phước lẫn tuệ. Tu phước gồm có: “bố thí, trì giới, tinh tấn và nhẫn nhục”. Tu tuệ là “thiền định và trí tuệ”.
26/05/2020(Xem: 7112)
Nhà lãnh đạo tinh thần nhân dân Tây Tạng, cùng hòa điệu với các nhà khoa học nổi tiếng trong một bộ phim tài liệu với chủ đề tuyệt diệu đầy quyến rũ.
26/05/2020(Xem: 8026)
Nước ta ở vào địa thế phía Đông là biển cả bao la, phía Tây là dãy Trường Sơn trùng điệp, còn phương Bắc thì tiếp giáp với Trung Hoa, một quốc gia rộng lớn, hùng mạnh đã biết bao phen xâm chiếm nước ta, vì vậy dân tộc ta không còn sự chọn lựa nào khác hơn là phải nỗ lực tiến về Nam để tồn tại và phát triển. Trong các đợt mang gươm đi mở cõi, tộc Phạm có nhiều vị tướng tài giỏi, những nhà cai trị lỗi lạc đã giúp các vương triều hoàn thành sứ mạng lịch sử vĩ đại này.
26/05/2020(Xem: 9699)
Đàn chim bay ngang phố. Xao xác tiếng cánh vỗ. Con quạ già trên nhánh cây hè phố ngước nhìn một lúc, rồi im lặng sà xuống đất, nhảy lò cò vài bước với một chân bị què, tiếp tục kiếm ăn. Phố im lạ thường. Những con đường vắng xe đã vơi mùi khói xăng từ những ngày trước. Lan tỏa đâu đây hương bạch đàn hòa lẫn với mùi nước cống vẫn ngày đêm chảy ngầm dưới lòng đất. Thỉnh thoảng có tiếng còi hụ của xe cứu thương băng ngang góc phố xa. Khách bộ hành mang khẩu trang chỉ chừa lại hai mắt ngầu đục sau gọng kiếng râm, không sao nhìn ra được vẻ đẹp tráng lệ của một bình minh tràn ngập nắng tàn xuân. Gió mai lành lạnh trong công viên thành phố. Ông già ngồi phơi nắng trên chiếc ghế gấp mang theo từ nhà. Hai vợ chồng trẻ khoác áo gió dắt chó đi bộ quanh bãi cỏ xanh. Một cơn gió mạnh thổi qua làm cho những hàng cây rùng mình buông lá úa. Giờ không phải mùa thu, cũng chưa vào hạ, mà lá vàng vẫn rơi lác đác, trông như những cánh bướm cải nhởn nhơ trong gió. Nhưng không, chỉ trong thoáng chốc, n
25/05/2020(Xem: 12547)
Trưởng lão Cư sĩ David Robert Loy (sinh năm 1947), vị học giả người Mỹ, Giáo sư, tác gia, Giáo thọ Thiền Phật giáo thuộc Tam Bảo giáo (Sanbō Kyōdan, 三寶教), truyền thống Phật giáo Nhật Bản. Trưởng lão Cư sĩ David Robert chào đời tại Panama, khu vực kênh đào, (Đại bản doanh của Bộ Tư lệnh Phương Nam của quân đội Mỹ). Thân phụ của ông trong đơn vị Hải Quân Hoa Kỳ nên gia đình được đi du lịch rất nhiều. Thuở nhỏ, ông học trường Carleton College, Minnesota, một tiểu bang vùng Trung Tây của Hoa Kỳ, và sau đó du học khoa triết học tại trường King's College London (informally King's or KCL), Vương quốc Anh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]