Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 05

18/10/201320:18(Xem: 11156)
Phần 05

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 2
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần 05:

21/ Giao du cần chọn bạn
22/ Tiếng đàn vi diệu
23/ Hy sinh
24/ Bớ người ta: “Ăn cướp”
25/ Làm vua trong 7 ngày

Giao du cần chọn bạn

Trong Tuyết Sơn có một khu rừng cây cối um tùm, có đủ thứ quả thơm ngon, lại ở về phía mặt trời soi luôn, được thêm phần ấm áp.

Có đủ thứ chim tụ họp, một hôm chúng bàn với nhau rằng: Chúng ta ở đây với nhau được đông đúc như thế này, kể cũng là một sự quý hoá. Xong cũng cần nên có một con đứng đầu để trông coi giữ gìn chật tự, mong khỏi xảy ra những sự đáng tiếc về sau. 

Chúng đều cho là phải, lập tức chiệu tập hội họp cùng nhau, bầu lên một con làm vua, cầm quyền thống trị cho chúng.

Khi hội bàn cãi hồi lâu, bắt đầu bầu chim Hạc.

Có con phản đối nói: Không thể được, vì chim Hạc chân cao mỏ dài, bầu lên một khi con nào không may có lỗi sẽ bị mổ vỡ óc.

Phần đông cho là phải, Hạc bị bác.

Thứ hai đề cử chim Ngan.

Lại có con phản đối nói: Chim Ngan tuy lông trắng mỏ đỏ mình đẹp, ai trông thấy cũng yêu thật, xong vì cổ dài lạy hay ngoẹo, vậy cổ mình đã vênh, cử lên làm gương chính cho cả chúng ta thế nào được.

Ngan bị bác.

Thứ ba cử chim Công, chúng cho chỉ chim Công là xứng đáng, vì lông cánh đầu đuôi đều có vẻ, vậy có thể làm vua được.

Lại phái phản đối nói: Vẫn biết chim Công đẹp, xong chỉ tốt mã bề ngoài, không phải là loài biết liêm xỉ, mỗi khi múa là xù ngay hình ra thực rất khó coi.

Công cũng bị bác. Chông đi chông lại thấy chim Cú, chúng cho là Cú ban ngày thích yên tĩnh, ban đêm hay rình mò, như thế có thể trông coi cho chúng được mọi xự yên ổn, cả đàn vỗ cánh ưng thuận.

Cú được đại đa số tán thành.

Bấy giờ chim Vẹt đứng ngoài nghĩ rằng: Phàm như phép làm chim, ban đêm cần yên tĩnh để ban ngày đi kiếm ăn, nay bầu Cú lên, ban đêm thì hắn lần mò, chúng mình phải chầu chực, ban ngày hắn nghĩ ngơi, mình phải kiếm ăn như thế là cả chúng ta bị vất vả khổ sở suốt đêm ngày. Nay nếu ta tất bị hắn giận có thể sẽ bị hắn vặt lông và mổ chết. Nhưng nếu nay ta bỏ đi thì tất cả đàn cùng khổ.

Cuối cùng Vẹt lại nghĩ rằng: Thà là mình bị khổ, xong khổ để bênh vực lẽ phải cho công chúng được nhờ, còn hơn là yên phận sống lấy một mình.

Vì thế, Vẹt giữ một thái độ rất bình tĩnh và cương quyết ra nói với công chúng rằng: Cứ theo thiển ý của tôi thì không nên bầu Cú làm vua. Vì lúc vui vẻ trông mặt hắn khó coi, huống chi khi hắn cáu lên, thì còn ai giám nhìn nữa. Vả lại ban ngày thì hắn nằm dài ra, ban đêm lần mò đến sáng, thì còn ai chịu được, đó là lòng thành thực của tôi xin bày tỏ. 

Cả chúng đều tỉnh ngộ cho Vẹt nói là đúng đều nhận Vẹt là chí tuệ, nhanh nhẹn sáng xuốt nhất, kết cuộc bầu Vẹt lên làm vua.

Trí Hải

Bạn bè có 3 pháp yếu:

- Một là thấy lỗi liền chỉ rõ can gián.

- Hai là thấy làm việc hay hết sức tùy hỉ.

- Ba là khi gặp tai nạn không rời bỏ nhau.

Tiếng đàn vi diệu

Trong một đêm trăng sáng, trời trong xanh hiền lành như một tâm hồn giải thoát. Trong Kỳ Hoàn tịnh xá, Ðức Phật trang nghiêm ngồi trên Bửu tọa, hào quang ngũ sắc tỏa khắp quang Ngài ánh sáng chói ngời làm tăng thêm vẻ uy nghi của một đấng Thế Tôn.

Ðêm càng về khuya, khí trời càng thêm mát dịu, gió nhẹ mơn man đem muôn vàn hương lạ từ Hy Mã Lạp Sơn về luồn qua kẽ lá của rừng cây, len vào trong Tịnh xá, hòa hợp tạo nên một hương vị đậm đà mùi đạo vị.

Giữa sự vắng lặng của đêm khuya, các vị Tỳ kheo đều ngồi quanh trong Tịnh xá, trầm tư mặc tưởng, cố công tu luyện tìm rõ cội gốc nghiệp chướng của con người, để diệt trừ mọi dây oan nghiệt hầu trở nên con người lành mạnh hữu ích cho thế nhân. Với tâm niệm bao la, với tâm hồn phóng khoáng, các vị Tỳ kheo tùy theo căn cơ tùy theo sở thích của mình, đều một lòng tinh tấn tu tập theo phương pháp của mình lựa chọn không ngừng.

Nhưng trong đêm nay một trong hàng ngàn vị Tỳ kheo đương tu tập có một vị mới được thọ giới Tỳ kheo vì chí bồng bột muốn mình sớm đắc đạo liền, đã tụng kinh Di giáo của Ðức Phật Ca Diếp suốt đêm, cầu nguyện Ngài gia hộ để mau chứng Thánh quả. Nhưng đêm càng về khuya, thân thể của vị Tỳ kheo ấy càng thêm mệt mỏi, mà nhìn lại bản thân và nội tâm của mình vẫn chưa giác ngộ được điều gì. Vì thế, sau một hồi suy nghĩ chưa thấu đáo, vị Tỳ kheo ấy sinh tâm buồn chán, có ý định muốn thối lui trốn tất cả bạn đồng tu để về sống lại cuộc đời trần tục.

Ý định của vị Tỳ kheo kia vừa khởi Ðức Phật biết được. Ngài cho vị Tỳ kheo thị giả gọi ngay vị tỳ kheo sắp thoái chí kia đến. Thoáng qua nét mặt ưu tư, với lòng Từ bi cao cả Ðức Phật liền dịu dàng hỏi:

- Khi còn ở thế gian, con thích chơi thứ gì?

- Bạch Ðức Thế Tôn, con thích chơi đàn cầm.

- Dây chùng thì thế nào?

- Bạch Ngài đàn không ra tiếng.

- Dây căng quá thì sao?

- Bạch Thế Tôn, mọi tiếng đều bứt.

- Còn dây lên vừa vừa thì thế nào?

- Bạch Thế Tôn, tiếng đàn vi diệu, vang ngân đó đây.

- Cũng vậy con ạ! Người học đạo không tinh tiến thì không hiểu đạo, mà tinh tấn quá cũng không đem lại kết quả nào. Nếu muốn có kết quả tốt đẹp, con cần phải tu tập vừa phải, tinh tiến đều đặn. Ðừng nên thái quá rồi bất cập, sanh tâm chán nản, như con vừa có ý định thoái lui.

Nghe Phật dạy xong, vị Tỳ kheo kia liền tỉnh ngộ. Thấy sự tu tập của mình quá khờ dại, ý định trở về trần tục thật điên rồ, nên đã thành thật ăn năn sám hối, đảnh lễ Phật và nguyện vâng lời chỉ dạy của Ngài, cố công tu tập vừa phải, tinh tiến không ngừng trên đường đạo.

Sau khi lễ Phật trở về phòng riêng của mình vị Tỳ kheo thoái chí kia vẫn còn nghe văng vẳng lời Phật dạy, trong lòng thấy khoan khoái và mãn nguyện lắm. Vì không có gì quý giá hơn, khi vị Tỳ kheo ấy thấy rõ hướng đi của mình trên đường tu tập không khác gì chiếc thuyền sau bao ngày lênh đênh lạc hướng giữa bể cả, vừa tìm thấy được lối về quê hương bến cũ.

Chuông trong Tịnh xá nhẹ nhàng, khoan thai điểm từng tiếng một, báo hiệu một đêm đã tàn. Ánh sáng ban mai hòa hợp với không khí trong lành của Tịnh xá, tạo thành một sớm bình minh vô cùng tươi sáng. Chim trong vườn tỉnh dậy, cất tiếng hát líu lo hòa theo tiếng gió, tạo nên một bản nhạc trầm hùng của vũ trụ.

Chư thiên khắp nơi, từ những phương trời xa thẳm vượt qua giới hạn của không gian, rộn ràng bay về trong Tịnh xá, và mang theo vô số hoa lạ của ngàn phương về cúng dường Ðức Phật, làm cho buổi sáng của Tịnh xá, và mang theo vô số hoa lạ của ngàn phương về cúng dường Ðức Phật, làm cho buổi sáng của Tịnh xá đã linh động lại tưng bừng và càng linh động thêm. Nhưng có bình minh nào trong lành tươi sáng, có cảnh nào tưng bừng linh động bằng tâm hồn của vị Tỳ kheo kia, khi vị ấy nhận rõ được đường lối tu tập của đời mình qua một đêm dài đen tối của cõi lòng…

Trúc Ti

Trên đường đạo nhiều khi ta khổ sở,

Một lòng hăng hái tiến không thôi,

Dù cho non nước có đổi dời,

Ta cũng nguyện muôn đòi tinh tiến mãi.

Hy sinh

Ngày xưa, có một ngưòi lái buôn nhân đức và hiền hậu, một ngày kia, chàng cùng năm người khách khác vượt trùng dương chèo thuyền qua xứ lạ để mua các thực phẩm và châu báu. Mua xong, mọi người đều vui vẻ dong buồm trở về xứ.

Khi ra đi thì trời quang mây tạnh, gió thuận buồm xuôi, nhưng khi thuyền ra khơi, thì thời tiết bỗng thay đổi, gió xoay chiều, từng đám mây đen ùn ùn kéo đến dần dần lan tỏa khắp cả bầu trời. Những lằn chớp rạch từng luồng sóng quằn quèo giữa vùng trời mây gió. Tiếng sấm vang dậy, mưa ào ào đổ xuống. Gió mỗi phút mỗi mạnh, sóng mỗi lúc mỗi to, tiếng gầm thét dữ dội và nhào lộn như điên cuồng. Chiếc thuyền nhỏ, lên xuống theo với đợt sóng nổi chìm. Ðược một lúc thì lái gãy, buồm đứt, chiếc thuyền lảo đảo quay tít mấy vòng như chiếc lá vàng, giữa cơn gió lốc, bỗng bị úp lại và chìm hẳn.

Cuống quít hãi hùng và lo sợ, những người trong thuyền đều bị sóng cuốn ra giữa bể. Trong khi ấy người lái buôn bám vào được cột buồm, còn năm người bạn đồng hành không bám vào đâu được cả và sắp bị chìm sâu vào đáy bể. Họ kêu cầu rên la rất thảm thiết. Ai đã từng chứng kiến tiếng khóc não lòng của một kẻ sắp lìa trần mà không động lòng đau xót? Cũng chính vì tiếng khóc ấy, đã khơi dậy ở lòng người thương gia một tình thương vô hạn, một sự hy sinh cao cả mà trừ phi những bậc Thánh nhân thì ít người làm được.

Chàng ta quay mũi cột buồm lại, rồi bơi đến vớt từng người một, khi cả năm người bạn đều níu vào cột buồm chàng mới hơi yên lòng, nhưng vì cột buồm nhỏ, không thể chịu đựng được sức nặng của sáu người. Kể cả người lái buôn kia nữa, nên bị chìm dần xuống nước. Người lái buôn tự nghĩ: Nếu ta ham sống cứ níu vào cột buồm này, thì không những một mình ta chết mà năm người kia cũng không tài nào thoát khỏi. Nếu ta dùng sức mạnh mà gạt bớt một người ra khỏi cột buồm thì có lẽ cứu được thân ta và bốn người kia nữa. Nhưng việc ác đức ấy ta không nỡ và không thể làm. Chi bằng ta hy sinh ta để cứu những người khốn nạn ấy.

Nghĩ như thế nên người lái buôn thả cột buồm và bị sóng đánh chìm nghỉm. Cột buồm bấy giờ được nhẹ bớt, từ từ nổi lên lại. Năm người kia nhờ thế mà được an toàn, trở về quê hương sum họp với gia đình họ.

Người lái buôn nhân đức và hiền hậu ấy là tiền thân của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Thiện Châu

Cứu một người bị nạn hơn bố thí tất cả.

Các sao tuy có sáng, chẳng bằng sức sáng của mặt trăng.

Bớ người ta! Ăn cướp!

Thuở xưa, lúc Ðức Xá Lợi xuất gia, Ngài còn một người em trai và một người em gái. Mẹ ngài là người tà kiến, không tin theo Phật giáo, nên Ngài có căn dặn Chư Tăng, khi nào em trai Ngài có xin xuất gia thì cứ tự tiện cho, không cần chờ sự ưng thuận của mẹ Ngài.

Bà mẹ thấy con trai lớn của bà là Ngài Xá Lợi Phất xuất gia, bà sợ con trai út cũng xuất gia theo anh nên bà lo đi cưới vợ cho con. Ngày làm lễ rước dâu, theo phong tục thời ấy thì phải chọn một người rất già mà còn đủ vợ chồng đến xối nước trên tay cô dâu và chú rể.

Trong khi ấy chọn được bà ngoại của cô dâu là người có đủ điều kiện. Khi làm lễ bà ngoại vợ lại nắm tay đôi tân nhân rồi xối nước và nói rằng: “Bà cầu chúc cho hai con được ăn ở với nhau cho đến đầu bạc răng long như bà vậy”.

Em của Ngài Xá Lợi Phất nhìn vợ thật là đẹp, nhưng khi day qua nhìn bà ngoại già nua, miệng thì móm mém, da nhăn tóc bạc, thật là xấu xí. Chàng ta mới có cảm tưởng rằng: “Bà ngoại vợ ta trước kia chắc cũng đẹp lắm mà hôm nay cái đẹp ấy không còn, thì sau này vợ ta cũng phải chịu cái cảnh già nua chi phối, vậy thì sắc đẹp đâu có tồn tại mãi được.

Trên đời không có gì trường tồn bền vững. Khi mà sắc đẹp của vợ ta phai lạt với thời gian, thì còn thú vị gì nữa. Thảo nào mà anh cả ta lại không đi tìm đường giải thoát!”.

Suy sét đến đó, chàng phát tâm chán nản mùi giàu sang, vợ đẹp, ý chàng muốn xuất gia theo gương của anh, chàng mới nghĩ ra một kế, khi rước dâu theo đường chàng làm bộ đau bụng cứ đòi xuống đi sông mãi.

Nhiều lần như vậy, bà mẹ tưởng con mình bị bệnh kiết nên không để ý, để cho chàng tự do và cho xe rước dâu về trước, để chàng đi sau. Dịp may đã đến, chàng bèn đi thẳng vào Chùa ở gần đấy, xin Chư Tăng cho phép xuất gia.

Chư Tăng nói;

- Nhà ngươi đã được sự ưng thuận của cha mẹ chưa?

- Bạch chư Ðại Ðức, chưa!

Chư Tăng không dám cho xuất gia, vì theo luật Ðức Thế Tôn cấm không cho người xuất gia trong khi cha mẹ không cho phép.

Khi hết sức yêu cầu Chư Tăng mà quý Ngài không bằng lòng cho xuất gia, chàng mới la lên rằng: “Bớ người ta! Ăn cướp nó cướp của tôi đây này!”.

Chư Tăng lấy làm lạ mới hỏi: 

- Gã kia! Ngươi đã điên rồi chăng? tại sao ở giữa chúng Tăng mà ngươi lại la lên như thế? Ai cướp của nhà ngươi?

Chàng đáp: 

- Bạch Chư Tăng! Ðệ tử là em của Ngài Xá Lợi Phất. Chư Tăng mới sực nhớ đến lời dặn của Ngài Xá Lợi Phất, nên cho em Ngài xuất gia…

Thông Kham

Trí tuệ là gốc của muôn hạnh loài.

Ngu si là nguồn tội lỗi.

Làm vua trong 7 ngày

Hoàng đệ Vi Ta gò cương ngựa, quay sang lão tướng Kiên Ðà:

-Ta muốn đi tản bộ để được cùng lão tướng đến cạnh các đạo sĩ tu khổ hạnh trong rừng già này.

Ðội ngựa dừng lại ngoan ngoãn, hai người cùng nhảy xuống đất. Trong khi chờ đợi vị lão tướng của mình buộc xong ngựa vào gốc cây, Hoàng đệ Vi Ta đưa mắt nhìn theo con đường mòn sâu thẳm, mơ màng suy tưởng đến những cảnh trí mình sắp được trông thấy: “Dưới tàn cây, hốc đá của rừng xanh vắng lặng, thân đạo sĩ uy nghi như thần tượng.

Ðiệu nhạc thoảng lên từ hơi gió ngàn phương, thanh tịnh vô cùng như nâng hồn người thoát tục cao thêm mãi tận hư vô. Thật là huyền diệu”.

- Xin mời Ngài đăng trình.

Vi Ta bỗng quay lạ, nhìn lão tướng Kiên Ðà và nói với giọng u buồn:

- Lão tướng ạ! Lâu nay ta ôm ấp một mối băn khoăn khó giải. Ta tưởng đến một hướng đi cho cuộc đời. Phải chọn một trong hai con đường: Một là bằng mọi cách, chiếm đoạt tất cả những gì mình ao ước để tạo được hạnh phúc hiện tiền, hai là ép buộc thân xác vào cảnh thiếu thốn, khổ hạnh để hủy diệt thân này mà được hạnh phúc trong tương lai. Ta không tán thành cách tu tập của các vị Sa môn theo đạo Phật, vẫn ăn uống đầy đủ mà luyện tâm thanh tịnh. 

Lão tướng có hiểu được ta chăng! 

Ta buồn vì anh ta Hoàng Ðế A Dục, một bậc trí tuệ, một vị anh hùng cái thế lừng danh của Ðại quốc Magada này lại bị cám dỗ bởi những lời đường mật của hàng đệ tử của Phật. Nhưng mà thôi, ta không nên nhắc chuyện ấy lại làm chi, lão tướng hãy dẫn ta vào tận núi thẳm rừng sâu để ta được chiêm ngưỡng các đạo sĩ tu khổ hạnh.

Lão tướng Kiên Ðà đăm chiêu nghĩ ngợi, lão vẫn giữ im lặng khi bước đi bên cạnh ông Hoàng. Nhưng bỗng vị cận thận chỉ về hốc đá, cung kính:

- Tâu Hoàng đệ, dưới hốc đá, một bóng hình đạo sĩ.

Ông Hoàng tiến nhanh về phía hốc đá. Dưới tàn cây rậm rạp, một đạo sĩ gầy như một bộ xương khô. Ðôi mắt sâu như hai vực thẳm, và cái đầu tóc, tóc dài quanh rối ghê gớm, phủ kín cả đôi vai, tỏa xuống bộ sườn trần trụi. Thân thể đạo sĩ ở trong tình trạng gần như chết hẳn, chỉ còn cái lưng vẫn giữ thẳng, lồng ngực hồi lâu thấp thỏm.

Hoàng đệ Vi Ta đến bên cạnh đạo sĩ:

- Bạch Ðại Ðức, Ngài tu hành khổ đạo đã bao năm rồi mà thân xác ốm yếu như thế này? Thật đệ tử lấy làm bái phục.

Ðạo sĩ vẫn nhắm nghiền đôi mắt trả lời:

- Ðã mười hai năm rồi, mười hai năm mong giải thoát chiếc thân uế trược này để linh hồn siêu thoát.

- Bạch Ðại Ðức, Ngài dùng món chi để nuôi mạng qua ngày?

- Bần đạo ăn rễ rau và trái cây thôi.

- Bạch Ðại Ðức, Ngài ăn nghỉ ở đâu?

Ðạo sĩ chỉ đồng cỏ khô bên cạnh:

- Bần đạo nằm nghỉ trên đống cỏ khô này.

- Bạch Ðại Ðức, trên đường tu học Thiên Ma bách chiếc, những chướng ngại nào làm tâm hồn Ngài không an tịnh?

Ðạo sĩ lắc đầu tỏ vẻ chán nản:

- Ðiều làm cho bần đạo khổ công và tốn nhiều công phu nhất là nhìn thầy những đôi chim trời, thú rừng “nhảy nhót” với nhau.

Hoàng đệ Vi Ta buồn than:

- Ngài đã thấy chân đích của sự tu hành sắp đạt đến chưa?

Ðạo sĩ yên lặng giây lâu, Ngài khẽ lắc đầu rung rinh mớ tóc dày:

- Họa may khi thân xác này tàn rụi!

Ông Hoàng đứng dậy nét mặt buồn rười rượi. Mười hai năm khổ hạnh hành hạ thân xác đến cùng kiệt mà vẫn chưa diệt hết được dục tình, dục ác! Phải đợi đến khi cái thân này hủi diệt, các giác quan không còn cảm xúc, cái biết hoàn toàn vô năng lực thì mới tin rằng có thể đạt được chân lý?

Lão tướng Kiên Ðà đến bên cạnh góp lời:

- Xin Ngài chớ khá bận tâm! Chúng ta còn viếng thăm đôi vị danh tiếng nữa rồi Ngài được tận mắt tỏ tường, sức chịu đựng khổ đau vô cùng tận để mong cho cuộc đời riêng thoát khỏi khổ đau của kiếp người.

Hoàng đệ Vi Ta khua tay:

- Ta hiểu đủ rõ lão tướng ạ! Chúng ta sắp sửa về đi thôi.

Chiều đã xuống bóng cây đổ dài trên đường. Trước khi lên ngựa ông Hoàng quay lại vị cận thần nói:

- Kiên Ðà ạ! Sự tu hành của vị Ðạo sĩ kia khó khăn biết là bao mà chưa thoát được ước muốn tầm thường. Thế các vị Sa môn tu theo Ðạo Phật ở trong các chùa viện, tuy sống trong chay tịnh đạm bạc nhưng no ấm, thì làm sao mà thành tựu được đạo quả. Ấy thế mà Hoàng huynh ta vẫn mãi cung kính, cúng dường cho họ.

Lão tướng Kiên Ðà không trả lời. Và trên đường về hai người lặng lẽ cho ngựa chạy chậm chậm. Trong tâm trí mỗi người đều nặng một nỗi suy tư.

- Kìa lão tướng Kiên Ðà và cả Ðại thần Châu Ðàn nữa. Các Ngài làm gì ở đây?

Ðại thần Châu Ðàn cung kính trả lời Hoàng đệ Vi Ta:

- Tâu Ngài, trời hè nóng bức, Hoàng đế tắm ở trong cung, cho nên chúng tôi đứng đây giữ long bào và mão ngọc.

Ông Hoàng Vi Ta nhìn đăm đăm vào chiếc vương miện trên tay Châu Ðàn. Vị Ðại thần biết ý, đưa chiếc vương miện lên trước mặt hoàng đệ Vi Ta:

- Thưa Hoàng đệ, đây quả thật là một chiếc mão vô giá và đẹp nhất kinh thành. Nó kết bằng một trăm hạt xích châu, hai trăm hạt lưu ly và năm mươi hạt mã não. Lót bên trong là gấm quý xứ Ty La và ở ngoài bọc vàng Ðề Bạt.

Ông Hoàng tỏ ý thèm thuồng :

- Thật là một chiếc vương niệm quý giá và đẹp đẽ vô cùng ước gì ta sẽ được một chiếc nhỉ!

Lão tướng Kiên Ðà nhìn Vi Ta, mỉm cười :

- Thưa Hoàng đệ, với dung mạo đẹp đẽ uy nghi và gương mặt khôi ngô của Ngài, nếu Ngài đội chiếc vương miện quý giá này thì hạ thần sẽ tưởng đến một vị trời Ðế Thích vừa giáng hạ.

Vi Ta khoái chí, cầm chiếc vương niệm mân mê.

Ðại thần Châu Ðàn liếc nhanh về phía ông hoàng:

- Lão tướng Kiên Ðà nói đúng đấy. Thưa Hoàng Ðệ, Ngài hãy đội thử để chúng tôi chiêm ngưỡng dung nhan.

Hoàng đệ mỉm cười nhìn quanh:

- Nhưng ta ngại…

Châu đoàn cướp lời:

- Thưa không, Hoàng đế mới đi tắm. Vả lại, Ngài là Hoàng đế tương lai kia mà. Chiếc vương miện này sẽ là của Ngài.

Kiên Ðà phụ hoạ :

- Vâng, Ngài sẽ là Hoàng đế. Ngài hãy đội thử tý thôi.

Hoàng đệ Vi Ta không còn tự chủ được lòng ham muốn. Ngài trịnh trọng đặt chiếc vương miện lên đầu và dang ra xa:

- Các khanh ngắm ta có đẹp không nào?

Bổng cửa phòng vụt mở và Hoàng đế A Dục đã bước ra khỏi phòng.

Vi Ta hốt hoảng đứng ngây người chiếc vương miện vẫn còn mang trên đầu.

Nghiêm nghị Hoàng đế A Dục phán:

Ngự đệ Vi Ta! Hành động của ngươi tố cáo một tham muốn cuồng loạn.

Ông Hoàng Vi Ta quỳ xuống run run van xin:

- Em khờ dại lầm lỗi. Xin Hoàng huynh mở lượng bao dung. Thật tình em không có lòng bội phản chỉ một phút…

Hoàng Ðế A Dục cắt nganh lời:

- Pháp luật nghiêm minh của triều đình không cho phép ta dung tha, dù tội phạm chính là em ruột ta.

Rồi đổi sắc mặt Ngài truyền lệnh:

- Lực sĩ đâu. Hãy dẫn phạm nhân ra pháp trường.

Vi Ta sụp xuống chân vua, nức nở khóc. Các cận thần cũng lạy lục, xin vua thương tình, giảm tội. Hoàng đế A Dục hạ giọng và chậm rãi, Ngài nói:

- Ta niệm tình các khanh! Và để thỏa lòng ước muốn của em ta, ta sẽ cho Vi Ta làm vua trong bảy ngày, nhưng…

Ngài dừng lại một lát, rồi nhìn thẳng vào Hoàng đệ Vi Ta, ngài tiếp:

- Nhưng sau bảy ngày làm Hoàng đế, ngươi sẽ phải chịu y luật tử hình.

Hoàng đế A Dục đỡ Vi Ta dậy, truyền khoác thêm áo cẩm bào và bảo các quan đón rước Vi Ta về cung điện đặt lên ngôi cao cả.

Trước sân rồng, Hoàng đế Vi Ta tiều tuỵ, rũ rượi trong bộ áo cẩm bào, phủ phục dưới bệ. Hoàng đế A Dục nghiêm nghị:

- Ngự đệ Vi Ta!

- Dạ !

- Bảy ngày đã qua! Trong bảy ngày trên ngôi vàng điện ngọc, say sưa bên cung nữ yêu kiều, có trong tay muôn vạn quyền lực, hẳn em đã được sung sướng rồi chứ?

Hoàng đệ Vi Ta ê chề, chán nản:

- Tâu Hoàng huynh, em khổ lắm Hoàng huynh! Ngồi trên nệm gấm vương giả, chung quanh dìu dặt tiếng nhạc, tiếng ca của những cung tần mỹ nữ, nhưng lòng em không thể nào vui được khi trí em mãi nghĩ đến lưỡi gươm sáng quắc của tên đao phủ, đến dòng máu đào phun giọt từ cổ em sau khi chiếc đầu em lăn lóc. Trời ơi! Lại thêm nỗi, mỗi khi hoàng hôn vừa tắt, bốn tên lực sĩ Chiên Ðà La đứng bốn góc Hoàng cung, tay cầm gươm trần, tay nắm xích sắt, khua lổn cổn hô to: “Một ngày qua. Một…còn sáu ngày nữa, tân vương sẽ bị chặt đầu. Cái chết của Ngài đang đi tới… một ngày qua…”

Hoàng đệ Vi Ta buông tiếng thở dài não nuột, rồi tiếp:

- Tâu Hoàng huynh, mỗi tiếng nói của họ là mỗi lưỡi gươm nhọn đâm vào tim em. Suốt cả bảy ngày, em sống trong phập phồng lo sợ. Ngai vàng điện ngọc, cung phi mỹ nữ, quyền lực danh vị nào có nghĩa lý gì đâu khi tâm em đang đau khổ, Hoàng huynh ạ! Rồi Vi Ta bưng mặt khóc nức nở. Ðôi vai run run trong chiếc cẩm bào rộng. Bá quan đều cảm động.

Vua A Dục từ từ bước xuống ngai vàng, đến bên cạnh đỡ em Ngài dậy, dịu dàng an ủi:

- Vi Ta em! Trong cái danh vị cao cả nhất của người đời, em chỉ sợ sệt, lo âu chết mất một thân này, một kiếp này mà cảm thấy thống khổ đến như thế.

Vậy em hãy nghị lại, các vị Sa môn tu theo đạo Phật, họ luôn luôn nghĩ đến cảnh sanh, già, bệnh, chết của hết thảy con người, trong vô lượng kiếp, qua nhiều cảnh giới đau thương khốn nạn như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thì thử hỏi ăn một đôi bữa trong ngày, khoác hài gai áo vải, có gì là sung sướng đâu em!

Hoàng đệ Vi Ta trầm ngâm nghĩ ngợi, Ngài nhớ lại những băn khoăn trước đây của mình mà đã có lần Ngài thổ lộ với lão tướng Kiên Ðà.

- Tâu Hoàng Thượng…

Vua A Dục không để em nói hết lời:

- Ta đã hiểu hết những thắc mắc của em. Có phải em đã cho rằng cần phải tu hành ép xác, làm tê liệt giác quan mới có thể tạo được tâm thanh tịnh. Và sự thật đã trả lời cho em như thế nào. Vi Ta ạ! Ðức Phật có dạy: Chẳng phải đi chân không, chẳng phải để tóc bồm sồm, chẳng phải xoa cho đất vào người mình, chẳng phải tuyệt thực, chẳng phải nằm trên đất, cũng chẳng phải ngồi mãi mà người ta có thể trở thành thanh tịnh nếu không tiêu diệt dục vọng tự tâm mình.

Và Ðức Phật cũng đã dạy: “Có hai cực đoan mà kẻ cầu đạo phải lẩn tránh. Cực đoan thứ nhất là sống cuộc đời buông lung theo dục vọng để mưu cầu những thọ hưởng ích kỉ, ti tiện, xấu xa. Cực đoan thứ hai là sống đời sống khổ hạnh, hành thân hoại thể mình một cách khả ố, ghê tởm. Cả hai cực đoan kia đều không có lợi ích gì để đưa đến cứu cách giải thoát. Phải đi trên con đường trung đạo. Chỉ có con đường trung đạo mới đưa hành giả đến chánh tri kiến, đến thanh tịnh yên vui. Ðến đại giác ngộ, và cứu cánh “Niết Bàn”. Em đã nghe rõ chưa?

Mắt sâu hóm của Hoàng đệ Vi Ta khô dần, mặt Ngà tươi tỉnh. Ngước lên nhìn Hoàng đế A Dục, Ngài nói:

- Tâu Hoàng huynh. Em đã hiểu rồi! Những nỗi băn khoăn lâu nay của em đã được cởi mở. Em đã thấy được con đường tu tập chân chính. Em đã thấy lòng nhẹ nhõm dù bây giờ em phải bị tội tử hình.

Hoàng đế A Dục nắm lấy tay em cảm động:

- Không! Không! Em không còn có tội lỗi gì nữa. Nếu như trước đây, lòng ước vọng cuồng loạn của em đã gây nên tội lỗi thì bây giờ chính sự giác ngộ của em đã tự nó xóa được hết cả lỗi lầm của em rồi! Hoàng đệ Vi Ta nắm lấy tay anh nói qua ánh mắt trìu mến kính yêu:

- Hoành huynh, hoàng huynh thương em đến ngần ấy sao! Hoàng huynh đã chỉ cho em con đường giải thoát. Em đã thấy rõ rồi và em nguyện sẽ đi theo con đường sáng suốt của Ðức Phật.

Hai anh em ôm nhau. Tình thương yêu chan hòa trong đôi tim đồng điệu thông cảm, giác ngộ.

Ngoài vườn ngự, con chim hoành anh chuốt lưỡi tung một tràng nhạc mừng vầng dương lên mang ánh sáng đến loài người.

Quảng Huệ

Nghĩ đến cái chết, đến cái đời mơ hồ, không biết mình sống bao lâu và không biết thời thế nó xảy ra cho mình như thế nào, nghĩ như vậy khiến mình sống theo chân lý.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/08/2011(Xem: 12131)
Kinh Phạm Võng dạy rằng “Người Phật tử nếu lấy tâm từ mà làm việc phóng sinh thì thấy tất cả người nam đều là cha mình, tất cả người nữ đều là mẹ mình.
03/08/2011(Xem: 8212)
Thưa các vị Thanh thiếu niên: Mấy hôm trước một cơn mưa to ập đến, con đê vừa mới đắp để ngăn chặn dòng suối ở phía Tây đã sạt lỡ rất nguy hiểm, các vị pháp sư trong học viện đích thân dẫn đại chúng đến đó để sửa sang lại. Việc công quả trong Phật giáo cũng là một pháp tu, cũng là một thời khóa, tham gia công việc khiến cho chúng ta có thể hiểu rõ sự thánh thiện của việc làm, sự vĩ đại của việc phục vụ, từ công việc chúng ta có thể nhận thức được mình là người hữu dụng.
02/08/2011(Xem: 19290)
Cần tảo Già lam địa Thời thời phước huệ sanh Tuy vô tân khách chí Diệc hữu thánh nhơn hành. Dịch nghĩa: Siêng năng quét sạch đất chùa Để cho trí huệ bốn mùa phát sanh Tuy ngày không có khách lành Thánh nhơn thường đến kinh hành nơi đây.
02/08/2011(Xem: 6973)
Giáo lý của đạo Phật tuy rất sâu xa mầu nhiệm nhưng cũng vô cùng thiết thực, gần gũi; tuy nói tánh không, giải thoát, nhưng cũng không rời sự sống của muôn loài; tuy nói hành thiền, quán tịnh, nhưng nhất cử nhất động cũng đều vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Bậc chân tu giác ngộ từ xưa nay chưa từng nghĩ đến việc lìa khỏi chúng sinh phiền não để riêng mình được phần giải thoát. Chính đức Phật Thích-ca cũng từng thị hiện trải qua biết bao khó nhọc, suốt bốn mươi chín năm không một phút nghỉ ngơi để rộng truyền Chánh pháp khắp nơi.
02/08/2011(Xem: 6289)
Tiếp nối mạch chương trình Bố tát, Quá đường tập trung và sinh hoạt thảo luận của Chư Tăng tại Thừa Thiên Huế. Chiều ngày 30.6. Tân Mão (30.7.2011) tại Văn phòng Ban Trị sự GHPG tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra buổi hội thảo, tọa đàm lần thứ 5 mùa an cư 2011 với vấn đề đưa ra thảo luận lài “Cảnh giác mọi âm mưa chia rẻ nội bộ Phật giáo và xâm thực Phật giáo”
01/08/2011(Xem: 13763)
Đã có một thời tôi không biết Phật pháp là gì? Trong ký ức tuổi thơ của mình, Phật pháp là những quyển sách ố vàng, vằn vện những chữ tôi không đọc được, hoặc có đọc được vẫn là những âm tự bí ẩn, xa lạ. Tôi không hề có hứng thú để tìm hiểu về Phật giáo cũng vì những lẽ đó. Nhưng rồi do duyên lành, tôi được những đạo hữu quen và không quen giới thiệu những quyển sách đọc được về Phật pháp. Những quyển sách đã khai tâm cho tôi, đã dẫn tôi những bước chập chững đến với kho tàng Phật pháp. Tôi hiểu ra rằng, Đức Phật đã có đến hàng vạn pháp cho mọi người tùy theo căn cơ của mỗi người.
31/07/2011(Xem: 12476)
Mùa Vu Lan lại về, tôi bồi hồi xúc động. Ai cũng có một người mẹ trong trái tim. Sương mù và mưa ngâu. Nhớ thương và xót xa một cái gì đã mất.
30/07/2011(Xem: 16860)
Tiếng chuông chùa mãi ngân vang, vào lúc buổi bình minh vừa thức giấc hay lúc chiều về, đem theo âm thanh ấm cúng, chan chứa tâm tình, lan rộng ra khắp không gian. Từ bao đời qua, tiếng chuông chùa trở thành nề nếp đẹp của văn hoá tâm linh cho mọi người, với nhịp khoan thai, nhịp nhàng, trong âm vang như chứa những niềm vui, hỷ lạc, một tấm lòng nào đó, khó diễn tả được.
27/07/2011(Xem: 10616)
Tiếp theo hai tập, Nhận thức và Không tánh (2001) và Tánh khởi và Duyên khởi (2003), sách Nhân quả đồng thời lần này thu góp các bài học Phật luận cứu các vấn đề Tồn tại và Thời gian, Ngôn ngữ, Giáo nghĩa, và Giải hành liên quan đến nguyên lý Duyên khởi mà Bồ tát Long Thọ nêu lên trong bài tụng tán khởi của Trung luận, bản tiếng Phạn. Các vấn đề này được tiếp cận từ hai phía, bản thể luận và triết học ngôn ngữ, và được trình bày trong ba Phần: (1) Vô thường, Duyên khởi, và Không tánh, (2) Phân biệt, Ngôn ngữ, và Tu chứng, (3) Tín, Giải, Hành, Chứng trong Hoa nghiêm. Toàn bộ bản văn quyển sách để in PDF (7,1 MB)
27/07/2011(Xem: 8988)
Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn của Đại Sư Thật Hiền, Thật Hiền tôi là kẻ phàm phu Tăng bất tiếu ngu hèn, khóc ra lệ máu cúi đầu kính lạy, đau buồn khẩn thiết thưa với chư đại chúng hiện tiền, cùng với chư thiện nam tín nữ có đức tin trong sạch trong hiện đời. Cúi mong quý vị thương xót, lưu ý một chút mà nghe và xét cho.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]