Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 04

18/10/201320:12(Xem: 11204)
Phần 04


Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 2
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần 04:

16/ Nàng kỹ nữ Phệ Sa
17/ Vàng ngọc phải chăng là hạnh phúc
18/ Oanh vũ cứu đàn
19/ Tinh tấn vì đạo hay là Tôn Giả Phú Lâu Na
20/ Công chúa Ly Cấu

Nàng kỹ nữ Phệ Sa

Ở thành Ma Ðồ La, có nàng kỹ nữ sắc đẹp tuyệt trần tên là Phệ Sa. Nàng thường để ý đứa thị tỳ của nàng, khi nào đi mua phấn sáp gì thì cứ đến nhà một người lái buôn trẻ tuổi tên là Ưu Bà Cấp Da.

Một hôm nàng kêu hòi:

- Ngươi có tình ý với chàng làm sao, mà mua gì cũng đến đấy cả?

Ðứa Thị tỳ thưa:

- Chàng người phong nhã, tánh tình thuần hậu, lại là người chí thành theo đạo Phật, mọi người đều kính mến.

Nàng Phệ Sa nghe nói liền sai thị tỳ đến mời chàng đến chơi.

Chàng bảo về trả lời:

- Bây giờ chưa phải lúc gặp tôi.

Nàng nghĩ sợ chàng hiểu lầm phải có tiền, nên sai đến nói lại. Chàng cũng vẫn trả lời:

- Bây giờ chưa phải lúc gặp tôi.

Cách ít lâu, nàng Phệ Sa muốn bán mình cho một nhà buôn giàu bèn mưu giết người nhân nghĩa cũ. Việc tiết lộ, bị vua Na Ðồ La truyền bắt, cắt tay, cắt mũi rồi đày ra ở ngoài bãi tha ma.

Chàng Ưu Bà Cấp Da biết đầu đuôi câu chuyện nghĩ bụng rằng: Khi nàng còn đẹp đẽ sung sướng thì người tu đạo không nên đến làm chi. Nay nàng đã bị cụt tay, cụt chân, đau đớn khổ sở, chính là lúc ta phải đến thăm nàng. Nghĩ xong chàng cùng người hầu cận đi đến thăm. Ðứa thị tỳ nay vẫn không rời bỏ nàng, trông thấy chàng đến, liền hốt hoảng vào tin. Nàng Phệ Sa vội lấy miếng vải khoác trên thân, khóc lóc tủi thẹn mà nói rằng:

- Thưa chàng, khi người thiếp thơm đẹp như đóa sen báu thì chàng không đoái hoài đến. Nay thiếp thân tàn ma dại như thế này, chàng còn đến làm gì cho tủi cực lòng thiếp.

Chàng đáp:

- Trước kia tôi không đến vì tôi không có tà tâm, ngày nay nàng bị nạn, tôi đến để thăm nàng và chỉ cho nàng rõ những thảm trạng của sự khoái lạc gây ra ở trong đời. Rồi chàng đem đạo Phật nói cho nàng nghe, chỉ rõ nhân quả tội phước, khuyến hóa an ủi nàng.

Nàng Phệ Sa tự biết tội lỗi của mình, phát lòng sám hối, tâm được an vui nhẹ nhàng. Và từ đó, chí thành cải hóa theo lời Phật dạy, nàng luôn luôn làm điều lành, tránh điều ác, mở rộng thân tâm, quên nỗi đau khổ của mình, nghĩ đến đau khổ của người.

Minh Châu

“Người say mê sắc dục như cá nuốt lưỡi câu, như tằm kén tơ, như thiêu thân bay vào đèn, tự dấn thân vào chỗ chết mà không hay biết.”

Vàng ngọc phải chăng là hạnh phúc

Thời Phật tại thế, có một vị Quốc vương tên là Ða Vị Tả kính thờ cả 69 dòng ngoại đạo. Bỗng một ngày vua phát thiện tâm muốn bố thí rất nhiều, bao nhiêu của báu chất đấy như núi, rao rằng hễ ai đến xin đều cho bốc đi một nắm.

Vì số người đến xin đã dài ngày mà núi báu vẫn chưa suy suyển.

Ðức Phật biết Quốc vương có nhiều phước duyên về trước có thể hóa độ, liền hóa làm một vị Phạm Chí đến thăm. Vua rất mừng rỡ, làm lễ xong hỏi rằng:

- Ngài muốn cần dùng gì xin cho tôi biết? Tôi vui lòng cúng dường.

Vị Phạm Chí đáp:

- Tôi từ xa đến đây, cốt xin nhà vua ngọc báu để đổi lấy vật liệu làm nhà ở.

Vua đáp:

- Tôi rất vui lòng xin Ngài bốc lấy một nắm.

Vị Phạm Chí bốc một nắm, đi bảy bước, trở lại trả chỗ cũ.

Vua hỏi:

- Cớ sao Ngài không lấy?

- Với số báu ấy thật đủ làm nhà, nhưng khốn cho tôi về sau còn phải cưới vợ nữa, thì không đủ dùng, nên tôi không lấy.

- Thôi, Ngài lấy thêm ba nắm.

Vị Phạm Chí bốc ba nắm, đi bảy bước trở lại trả chỗ cũ.

- Sao Ngài lại thế?

- Với số báu vật ấy thật đủ cả cưới vợ, nhưng lấy gì sắm ruộng đất, đầy tớ, trâu ngựa, tôi tính không đủ, nên thôi là hơn.

- Thôi, Ngài lấy thêm bảy nắm.

Vị Phạm Chí lấy xong, đi bảy bước lại trở lại trả chỗ cũ.

- Cớ gì Ngài vẫn chưa vừa ý?

Nếu tôi có con cái phải lo cưới gả, sắm sửa, lại còn việc nhà đám kỵ, giao tiếp thân bằng, tôi tính vẫn cứ thiếu, nên không lấy.

- Tôi vui lòng cúng tất cả, Ngài lấy về dùng cho đủ!

Vị Phạm Chí bước lên núi báu rồi trở xuống không nhận.

Nhà vua rất quái lạ thưa rằng:

- Ý Ngài thế nào, tôi thật không hiểu.

- Bản ý tôi đến xin Ngài để mưu cầu sự sống. Xong tôi xét lại mạng con ngưòi sống chẳng bao lâu, muôn vật cũng không thường sáng còn tối mất, khó giữ lâu bền.

Dầu tôi được cả núi báu, vị tất đã lợi ích hoàn toàn cho bản thân. Lo toan tham muốn bao nhiêu, luống công nhọc nhằn bấy nhiêu, chẳng bằng dứt bỏ dục vọng, cầu đạo giải thoát, rèn luyện các đức tính tốt cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội, đều hướng về mục đích từ bi, trí tuệ là hơn, nên tôi không lấy.

Khi đó nhà vua tỉnh ngộ, tâm ý sáng suốt cầu được nghe pháp.

Vị Phạm Chí liền nói bài kệ rằng:

Tuy được núi vàng báu

Chất cao đến trời xanh.

Thế gian nhiều như thế

Chẳng bằng thấy nguồn đạo.

Ðời không lành tưởng lành,

Ưa mà thấy như ghét

Lấy khổ dùng làm vui,

Cuồng phi bị tai hại.

Nói bài kệ xong, Ngài đã hiện Phật thân phóng hào quang sáng rực rỡ, vua và quần thần vui mừng hớn hở xin thọ ngũ giới, chứng quả Tu Ðà Hoàn.

Viên Minh

“Ðời người ngắn ngủi lắm, thoáng qua lẹ làng như bóng chớp. Không ai sống mãi mà khỏi chết, thì con người có trường thọ được đâu. Vậy nên ta diệt lòng tham lam và bố thí cho kẻ nghèo. Sự giàu sang phong phú không phải thuộc về ta mãi mà thường thường vì nó mà ta lụy thân.”

Oanh Vũ cứu đàn

Ngày xưa, bên một sườn núi cao là cụm rừng hoang, lá xanh bao phủ độ vài mươi mẫu đất, đấy là nơi trú ngụ của hàng vạn gia đình hươu, nai và chim chóc.

Một buổi trưa hè, vạn vật như bị tê liệt dưới sức nóng của những tia lửa mặt trời thiêu đốt. Chim thú uể oải gần như chết ngạt trong bầu không khí nặng nề oi bức. Tiếp theo đó những ngọn lửa hồng khe khắt bừng cháy từ góc rừng này qua góc rừng khác. Ngọn lửa độc ác cứ lên cao, lan rộng, bao vây dồn lần thú rừng, chim chóc vào những cụm rừng chưa kịp cháy…

Ảo não thay! Những tiếng kêu la thảm thiết, tuyệt vọng vang động một góc trời…

Trước cảnh bi thương, nhìn thấy sự chết chóc đau đớn của đồng loại, một chiếc chim bé nhỏ trong đoàn oanh vũ vụt bay qua làn khói đen nghi ngút làm cho đàn ngạc nhiên và hoảng sợ.

Thì sau đó vài phút, cũng chiếc chim nhỏ bé ấy trở về với một thân hình ướt đẫm, rồi đập mạnh đôi cánh và vung văng cho nước tưới vào lửa.

Chiếc oanh vũ ấy bay đi bay lại nhiều lần như thế. Với nắm thân bé nhỏ, với sức lực không bao nhiêu, oanh vũ mệt nhoài, không bay được nữa. Nhưng một lát sau người ta thấy oanh vũ lại làm công việc đã làm…

Cũng khi ấy đứng chợi trên đồi cao, một chủ trại vô tình trông thấy nghĩa cử của oanh vũ vô cùng thương xót, đem tâm cảm phục, bèn sai người nhà ra cứu lửa và kết quả ngọn lửa bạo tàn kia bị dập tắt. 

Khi lửa đã tàn, thú rừng chim chóc kêu nhau trở về nơi quê hương tổ ấm sum họp trong cuộc sống an lành của gia đình thân mến.

Chim Oanh Vũ ấy là tiền thân của Ðức Phật Thích Ca.

Thiện Châu

“Trước khi làm phước tứ phương, hãy giúp đỡ cho ngay người ở gần mình đi đã.”

Tinh Tấn vì đạo hay là Tôn Giả Phú Lâu Na

Mùa Ðông đã tàn, khí trời dần dần ấm áp. Dưới ánh sánh bình minh, muôn cánh hoa đang vươn mình phô sắc. Trên cành, chim chóc đã rời tổ cất tiếng hát trong trẻo, như để chào mừng ánh sáng đã trở về, hay để tiễn chân nhà Ðạo sĩ sắp lên đường quên mình vì Ðạo.

Trong thành Ba La Nại ngôi Tịnh xá Trúc Lâm kiến trúc trên một canh đồi rộng rãi, cây cối um tùm tĩnh mịch dần dần hiện rõ trong đám sương mù.

Lúc bây giờ Ðức Thế Tôn đang an tọa trong Tịnh xá Trúc Lâm, dùng đạo nhãn thấy dân chúng ở nước Rô Na Ba Răn Ta đang chịu nhiều điều thống khổ dưới quyền thống trị của nhà cầm quyền Kê Hoa Ðà người Bà La Môn giáo. Người ấy đã dùng bạo thế lực sẵn có trong tay, ép buộc dân chúng phải tôn thờ Phạm Thiên và ngược đãi bắt bớ những người chống đối lại.

Trước hành động bạo ác và bất công ấy, Ðức Thế Tôn thương hại cho Kê Hoa Ðà là một nhà trí thức mà hiện tại không có người hướng dẫn sáng suốt tương lai không tránh khỏi ác báo trong ba đường.

Bấy giờ Ðức Thế Tôn thấy trong hàng đệ tử, chỉ có Tôn giả Phú Lâu Na là người có thiện duyên với Kê Hoa Ðà và dân chúng xứ ấy nên sai đến đó để giáo hóa.

Ðức Thế Tôn biết rằng: Trên con đường truyền bá Chánh Pháp dắt người trở về con đường tươi sáng của ánh đạo Từ bi, tôn giả Phú lâu Na sẽ gặp nhiều trở ngại thử thách của đối thủ.

Biết vậy, nên Ðức Thế Tôn gọi Tôn giả Phú lâu Na đến dạy rằng:

- Dân xứ ấy và Kê Hoa Ðà độc ác lắm, ta sợ ngươi không đủ can đảm để chịu đựng.

- Bạch Thế Tôn, con nguyện đem hết năng lực để làm tròn sứ mạng.

- Nếu đến đó bị chửi mắng, thì ngươi nghĩ sao?

- Con nghĩ: Những lời chửi mắng kia cũng như những tặng phẩm nếu họ đem đến tặng cho con, con không nhận, họ sẽ mang về, và con nghĩ rằng: Những người ấy còn hiền từ lắm, vì họ chỉ chửi mắng mà không nhận nước con.

- Nếu họ đem nhận nước ngươi?

- Con nghĩ rằng: Họ là những người tối dạ, và chỉ nhận nước mà không lấy đá ném vào đầu con.

- Nếu họ dùng đá ném vào đầu ngươi?

- Con nghĩ rằng: Họ rất tốt vì chỉ lấy đá ném vào đầu mà không dùng gậy đập con.

- Nếu họ dùng gậy đập ngươi:

- Con nghĩ rằng: Họ rất hiền từ vì chỉ dùng gậy đập mà không giam cầm, ngăn cản bước đường truyền đạo của con.

- Nếu họ giam cầm ngươi?

- Con nghĩ rằng: Những người ấy rất tử tế, vì họ giúp con có thời gian tịnh dưỡng tinh thần để nung luyện thêm ý chí, mà không dùng gươm đâm chém con.

- Nếu họ lấy gươm đâm chém ngươi?

- Con nghĩ rằng: Họ rất tốt dạ, vì chỉ đâm chém mà không giết chết con.

- Nếu họ giết chết ngươi?

- Bạch Thế Tôn, con rất vui mừng, vì những người kia đã dùng tâm từ bi giúp cho con sớm thoát khỏi tấm thân giả tạm đau khổ này, để chóng thành quả vị Vô Thượng Giác.

Ðức Thế Tôn dạy: Hay thay! Hay thay! Phú Lâu Na ngươi đã có một ý chí mạnh mẽ. Ngươi đã biết khinh thường thân mạng để phụng sự chân lý. Ngươi thật là một người đệ tử trung kiên của ta, đáng thay ta đến xứ ấy truyền bá Chánh pháp hướng mọi người trở về con đường sáng đầy an lạc và giải thoát.

Tôn giả Phú Lâu Na đảnh lễ, vâng lời Phật dạy rồi từ giã lên đường sang xứ Rô Na Ba Răn Ta.

Thiện Bình

“Chúng sanh cần con đến

Ðạo pháp cần con đi

Không nề gian lao,

không từ khó nhọc,

Quyết tâm làm tròn nhiệm vụ của vị NHƯ LAI SỨ GIẢ”

Công chúa Ly Cấu

- Em cài thêm hoa lên mái tóc cho ta.

- Chà Công chúa đẹp quá!

Hoa Nô thốt ra câu nói ấy trong khi nàng cúi xuống cài đôi chim sẻ nạm toàn kim cương lên đôi cẩm hài của Công chúa.

Trước điện Quỳnh La 50 vị Phạm Chí đã túc trực sẵn sàng, hai hàng Ngự lâm quân đứng nghiêm như tượng, mấy chục nàng cung nữ xiêm y rực rỡ, tiếng lục lạc vàng dưới mấy chục chân tròn trắng cùng tiếng xao xuyến chạm vào nhau hòa thành một điệu nhạc lạ mà hay.

Tất cả đang chờ Công chúa. Bỗng tiếng vọi thổi lên để dẹp đường, người ta đều đổ dồn đôi mắt vào chính điện. Bức rèm nhung tơ màu hồng lạt thêu đôi phụng hoàng bằng kim tuyến lay động. Công chúa, một con người ngọc đài các bước ra.

Những ai đứng sau xa phải kiễng chân lên mới nhìn rõ Công chúa để mà thì thầm khen ngợi cái sắc đẹp đoan trang lộng lẫy của nàng, cũng như thầm phục đức khiêm tốn của con người đẹp khi đi ngang qua hàng Ngự lâm quân người đã cúi đầu kính cẩn đáp lễ.

Ðây là một buổi lễ hành hương của Công chúa Ly Cấu con vua Ưu Ðiền.

Cũng giờ phút ấy, trong ngày hôm ấy, ở Tịnh xá Trúc Lâm các vị đại đệ tử của Ðức Thế Tôn sau thời thanh đán xả thuyền định rồi. Các Ngài phân phó nhau đi khất thực theo lệ thường.

Trước khi ra đi, Trưởng lão Xá Lợi Phất bắt đầu chú nguyện: Tôi nguyện cho tất cả chúng sanh đều thâm hiểu pháp tứ đế, y theo tu hành và thành tựu quả vô sanh, Ðại đức Mục Kiền Liên: Tôi nguyện tất cả chúng sanh đều tránh khỏi sự ma chướng, phát tâm bồ đề cầu đạo vô thượng, Tôn giả Ðại Ca Diếp: Tôi nguyện cho tất cả chúng sanh đều phát thiện tâm, tu hành giải thoát hưởng phước vô lượng, thành tựu đạo quả, Thánh giả Tu Bồ Ðề: Tôi nguyện cho tất cả chúng sanh thâm hiểu vạn pháp như huyễn trừ sạch tâm chấp trước, cầu chứng quả Niết bàn, Tôn giả A Nan: Tôi nguyện cho tất cả chúng sanh bỏ dữ làm lành, đầy đủ phước đức hiện sống tâm hồn ly dục, khi thác được sanh về các cõi an vui… cho đến Ngài A Nan Luật Ðà, ngài Phú Lâu Na, La Hầu La… mỗi Ngài đều có chú nguyện cho chúng sanh trước khi ra đi.

Xe giá Công chúa vừa ra khỏi cửa thành phía Bắc thình lình nghe tiếng hô lớn: “Dừng xe”, bọn Phạm Chí và tất cả tùy tùng đều kinh ngạc, có một vị Trưởng lão trong bọn Phạm Chí ra thưa: “Tôi thấy xa xa ở bên cửa phía đông có một đoàn đệ tử của Cù Ðàm (chỉ Ðức Phật) đương hướng về ngã này, nếu chúng ta gặp những người ấy chắc là có việc không hay xin công chúa hãy truyền cho lui xe về ngã khác”. Nghe tâu, Công chúa để ý ngó xa quả thấy những vị tu hành ấy khoan thai trong chiếc áp vàng, đĩnh đạc và giải thoát làm sao, lòng nàng bỗng nhiên kính mến lạ: Sự thông cảm đến với Công chúa một cách đột ngột, nên chẳng những nàng không cho lui xe mà còn truyền xe giá ngừng hẳn lại, rồi Công chúa xuống kiệu để chờ đón đoàn người đức hạnh kia.

Bọn Phạm Chí và tất cả tùy tùng như bộ máy bị phanh, không một lời thưa lại.

Ðoàn người ly dục đương từ từ đi đến, bước đi thong thả nhẹ nhàng trong im lặng, phải chăng ý niệm của người đương mải chú nguyện cho chúng sinh và cử chỉ oai nghi ấy còn ham lo ái hộ loài sâu kiến.

Ðầu đoàn là Trưởng lão Xá Lợi Phất vừa đến nơi thì Công chúa quỳ sụp xuống cúi đầu đảnh lễ, tất cả bọn tùy tùng bất giác cũng sụp xuống quỳ theo.

Ðoàn người cao khiết ấy, cứ im lặng đi qua, cho đến khi Công chúa ngẩng lên và nhìn theo chỉ còn thấy những tà áo vàng bay nhè nhẹ.

- Ủa, Công chúa hành hương ở miếu Kỳ Bà sao mãi đến bây giờ vẫn chưa về? Trẫm phiền khanh truyền người xuống điện Quỳnh La xem thử.

Buổi hành hương của Công chúa bị về trễ, vua Ưu Ðiền ở nhà lo ngại.

Từ khi Hoàng hậu Băng Sa thăng hà, để lại cho nhà vua một nỗi nhớ nhung vô hạn và một người con gái yêu quý vô cùng. Vua cha đã cô đọng tình thương con cả cha lẫn mẹ, thêm vào đó những đức hạnh cao quý của Công chúa, nên đức Vua để ý lo cho con từng cử chỉ.

Ngoài cái việc làm người con hiếu, Công chúa còn giúp vua cha nhiều ý kiến lành mạnh để trị nước an dân, nhờ vậy mà các nịnh thần tham quan ô lại không mọc lên, nên nhà vua tận hưởng thái bình, mà dân chúng thời ấy thật đã sống đúng nghĩa an cư lạc nghiệp. Vì thế nhà vua đối với Công chúa chẳng những yêu quý mà còn kính nể như một ngườ bạn vậy.

Nhà vua đã ngoài 60 tuổi, không có con trai, Ngài vẫn canh cánh bên lòng ước ao được người rể quý để ký thác non sông lúc tuổi già. Nhưng Công chúa không bao giờ nghĩ đến chuyện trăm năm, nên mặc dù đã 19 tuổi mà vua cha cũng không dám đá động đến lương duyên của con.

Sau buổi lễ hành hương hôm ấy, Công chúa trở về thâm cung chí xuất gia bỗng manh nha trong lòng người đẹp.

Thời ấy có bà Ðại Ái Ðạo là Ma Ha Ba Xà Ba Ðề, Di Mẫu của Ðức Thế Tôn đã xuất gia lãnh đạo một đoàn thể Ni Lưu (phái nữ tu sĩ) hiện an trú tại Kiều Ðàm Tịnh Xá.

Công chúa xin phép vua cha được thường thường đến hỏi đạo với Ngài.

Một hôm Công chúa đem ý nguyện cầu xuất gia thưa với Di Mẫu nhưng Công chúa đã thất vọng, vì theo qui luật nhà Phật thì phải có sự thỏa thuận của gia đình, việc ấy Công chúa chắc chắn không bao giờ được vua cha cho phép.

Chí cầu giải thoát, lòng thương cha già đương phân tranh, thì Di mẫu đã tìm cho nàng một giải pháp vẹn toàn là có thể thực hiện hạnh xuất gia của bực Thượng Nhân (nghĩa là thân gia, tâm cầu xuất gia tam giới).

Vâng lời Di Mẫu, Công chúa như phăng được mối tơ lòng, nàng liền thực hành theo hạnh Bồ Tát tại gia.

Công chúa ngày nay không còn trang điểm như xưa, nàng ăn mặc thô sơ theo lối tu hành. Ðồng thời nàng đã tìm nhiều phương tiện đưa vua đến yết kiến Ðức Thế Tôn, nhờ vậy mà vua Ưu Ðiền cũng trở thành một Phật tử chân chánh và tận lực phục vụ đạo. Vả chăng cao hạnh của người ai lại phủ nhận?

Vì vậy, cung điện Quỳnh La nay đã biến thành một tịnh thất trang nghiêm thuyền vị, mỗi tháng cứ đến ngày trai Công chúa lại thỉnh Di Mẫu vào cung truyền giới “Bát quan trai” và dĩ nhiên tất cả cung nữ đều thừa nhận theo tu tập thuần thành.

Mấy kho châu báu là tư sản của vua cha cho để chờ ngày xuất giá, Công chúa đã đem ra bố thí cho dân nghèo. Nàng tâu vua cha mở mang nền kinh tế, dạy dân nghề nghiệp thiện, Công chúa đứng lên mở các trường huấn luyện đạo đức cho phái phụ nữ, nhất là người khéo áp dụng Phật pháp vào lối sống của dân chúng. Công chúa chủ trương các viện dưỡng lão, tế bần và lập một bệnh viện mà nàng phát nguyện tự thân săn sóc bệnh nhân.

Công chúa Ly Cấu là người đầu tiên tham gia công việc xã hội ở nước Ấn Ðộ thời ấy vậy.

Nàng vui với đạo say với việc làm: Năm năm qua đều đều như thế. Một hôm, người ta khệ nệ khiêng đến một bệnh nhân bệnh tình trầm trọng, người bệnh phung lác lở cùng cả mình, một chứng bệnh khốc liệt đã ăn cụt mười ngón tay chân, còn chảy nước cùng mình, mặt mày lở loét trông rất dễ sợ.

Bệnh nhân rên la thảm thiết, mới thoạt trông thấy con người đáng thương kia. Công chúa phải rung mình nghĩ đến khi tay mình đụng nhằm để tắm rửa săn sóc. Nhưng lòng từ bi cứu khổ đã thắng, đôi bàn tay tròn thuôn thuôn như ngọc chuốt từ từ khoát nước nhẹ nhẹ rửa cho bệnh nhân, tay Công chúa lầy lụa nước ghẻ, bệnh nhân thì giẫy giụa quằn quại nàng phải ôm đỡ bệnh nhân và không nhẫn tâm được, Công chúa đã tràn đầy đôi mắt lệ, nàng phải nhắm lại để rơi hai giọt nước mắt từ bi.

Nhưng khi mở mắt, thì lạ thay bệnh nhân đâu mất mà trước mắt nàng ánh sáng chói lòa Ðức Như Lai uy nghi đứng như pho tượng độc tôn. Công chúa sung sướng quá nàng sụp xuống đảnh lễ Phật. Tất cả nhân dân trong bệnh viện lúc bấy giờ tâm hồn nhẹ nhàng, bao bệnh nhân đều thoát khỏi bệnh khổ.

Ðức Như Lai tán thán công hạnh của Công chúa và thuyết lý “Tứ Diệu Ðế” cha nàng nghe, Công chúa liền chứng quả Tu Ðà Hoàn và tất cả chúng hội nghe pháp đều chứng được ly dục.

Thể Quán

“Dẫu xây chín đợt phù đồ,

Không bằng làm phúc cứu cho một người”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/12/2022(Xem: 3025)
Loạt bài "Tiếng Việt từ TK 17" đã đề cập đến một số cách dùng Hán Việt đặc biệt như sinh thì (~qua đời, chết), Kinh Tại Thiên, Kinh Tin Kính, Kinh Thiên Chúa, lịch sự, thượng hoà hạ mục, thượng phụ, trung phụ, hạ phụ, thượng đế, thiên chủ/chúa2 ...v.v…Phần 37 này bàn thêm về cách dùng một số từ Hán Việt thời LM de Rhodes đến truyền đạo: sự (~thờ) 事, thửa (~ sở) 所, kì 其, giao cảm 交感, tinh thần 星晨, đang/đương thì 當時, củ thủ 糾手, thiểu ngữ 少語. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ). Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&
25/11/2022(Xem: 3198)
Lời mở đầu của người chuyển ngữ Bài kinh Kevaṭṭa-Sutta là một bài kinh dài giảng cho một người thế tục trẻ tuổi tên là Kevaṭṭa khi người này đến xin Đức Phật chỉ định một vị tỳ-kheo trong Tăng đoàn thực thi các phép lạ để thu phục được nhiều người hơn. Thế nhưng Đức Phật khẳng định là Ngài không hề dạy các tỳ-kheo của mình làm phép lạ, mà chỉ giảng dạy họ phải làm thế nào để biến mình từ một con người bình dị trở thành một con người cao quý hơn, đưa mình đến sự Giải thoát cuối cùng và sự Giác ngộ tối thượng. Sự giảng và học hỏi đó tự nó cũng đã là một phép lạ. Đấy là nội dung của toàn bộ bài kinh, và cũng là "kim chỉ nam" giúp chúng ta theo dõi bài kinh rất phong phú, khúc triết, nhưng cũng rất phức tạp này.
25/11/2022(Xem: 6875)
Hành Hương Thắp Sáng Tâm Đăng và Cảm niệm Thâm Ân Đức Thế Tôn VỊ THẦY VĨ ĐẠI BẬC NHẤT CỦA NHÂN LOẠI. Suốt tuổi vị thành niên ưu tư, trăn trở, đến tuổi lập gia đình thấy mọi niềm vui, khoái lạc đều phù du, trống rỗng; tháng năm dài tìm cách giúp vua, cứu nước, Thái Tử Siddhārtha Gotama luôn cảm thấy mình làm cái việc của con dã tràng xe cát - vì không giải mã được hố thẳm của lòng người (nguyên nhân của khổ uẩn). Với ý chí kiên định, ngài thoát ly gia đình, vợ con, vương vị, quyết tìm ra con đường thoát khổ, giải trình giá trị và ý nghĩa vĩnh cửu cho kiếp nhân sinh.
22/10/2022(Xem: 4215)
Chia sẻ hình ảnh của Khóa tu nhân Lễ Vía Đức Bồ Tát Quan Âm tại Chùa Pháp Hoa Seattle Washington State do Ni Sư Thích Hạnh Nguyện và chư Đạo hữu Tịnh Thanh, Trí Tín tổ chức. Xin thành tâm cảm niệm tất cả chư Tôn Đức Tăng Ni, chư thiện hữu, Phật tử đã nhiệt tâm hỗ trợ cho Khóa tu được thành tựu viên mãn và giai đại hoan hỷ...
12/10/2022(Xem: 2705)
Xin có lời tâm sự, rằng trong lòng tôi vẫn luôn luôn là một đứa trẻ rất mực ngây thơ, nghĩa là, chưa bao giờ lớn cả. Nói cho đúng, tôi đã lớn dậy giữa rừng văn học cổ tích quê nhà, đã say mê đọc truyện cổ về những vị Bụt bay tới khi có ai đó gặp nạn và ngồi than khóc, đã miệt mài với những thần thoại tuyệt vời trong Kinh Phật… Và rồi, tôi tin rằng Đức Phật không bao giờ rời bỏ chúng sinh.
30/09/2022(Xem: 4771)
Nam Mô Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát Kính quý thiện hữu ''Sứ giả Từ Bi'' Đạo Tràng Kim Đài - CA Xin tường trình cùng Đại chúng. Tánh Tuệ vừa hoàn tất 8 giếng nước do quí Thiện hữu bố thí cho dân nghèo xứ Phật và vẫn Continue hoàn tất những giếng nước khác do quí thiện hữu phat tâm.
25/09/2022(Xem: 6880)
Thấm thoát đã đến Giỗ Trăm Ngày Cố Sa Di Ni Bồ Tát Giới Thích Nữ Hoa Khai danh Không Ngại Thân mẫu Trụ Trì tại Quan Âm
21/09/2022(Xem: 4043)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Chân Tâm chính là gia bảo Tâm, chẳng lẽ không quý trọng hơn tiền tài, vật chất sao? Bởi không có tâm thì ai đặt lên vật chất những giá trị? Tâm là bà mẹ sinh ra những đứa con (vật chất), nhưng phần nhiều con người ta thà vì tiền tài danh lợi mà phụ rẫy bản tâm, mà khiến cho tâm tổn thương chảy máu. - Quả báo của tất cả hạnh phúc, xuất phát từ Tâm. Sự trừng phạt của tất cả khổ đau, cũng bắt nguồn từ Tâm.
20/09/2022(Xem: 7772)
Kinh Tiểu Bộ Diễn Nghĩa Kệ Bāhiya Sutta (Thể song thất lục song bát) * Lê Huy Trứ
20/09/2022(Xem: 3631)
"Bài kinh giảng cho Girimānanda" / Girimānanda Sutta (AN 10.60) là một bài kinh ngắn nhưng thuyết giảng về một phép luyện tập thiền định thật quan trọng, thiết thực và cụ thể, giúp người đau ốm mượn hơi thở để trở về với chính mình, làm lắng dịu các sự đau đớn trên thân thể và mọi lo lắng trong tâm thần. Ở các cấp bậc lắng sâu hơn, phép luyện tập này cũng có thể làm cho căn bệnh hoàn toàn chấm dứt, mang lại một niềm hân hoan và thanh thoát thật sâu xa.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]