Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương mười lăm

14/10/201311:24(Xem: 12309)
Chương mười lăm
coitroi2


Chương mười lăm

Kỳ thăm nuôi giữa tháng 6 năm 1986 nhằm vào ngày chủ nhật. Thiện Chí đã về sáu ngày trước, và tôi tin anh sẽ nhắn gởi gì đó trong đợt thăm nuôi này. Tôi hồi hộp chờ đợi. Tôi biết tôi sẽ không được phép gặp mặt gia đình để nghe được lời nhắn của Thiện Chí–vì từ hơn sáu tháng nay, kể từ lúc Phương gặp ông thầy già rồi đốt trại và trốn đi, tự dưng tôi bị “cúp” gặp mặt, chỉ cho gởi quà thăm nuôi thôi; quản giáo chẳng giải thích gì chuyện “cúp” này cả–nhưng tôi hy vọng là có thư từ và lọ thuốc đỏ, hay một thứ thức ăn nào có nhét bọc thuốc ngủ, gởi theo giỏ quà thăm nuôi.

Khoảng 11 giờ trưa, anh nuôi mang giỏ quà của tôi vào. Tôi lục soạn để xem có thư từ gì giấu trong bột ngũ cốc hay các món thức ăn không. Quả nhiên trong món kho mặn khổ qua nhồi tàu hủ, tôi tìm thấy một lá thư nhỏ bọc ni lông. Thư viết ngắn. Nét chữ của chị Thuần.

“Khang ơi,

Thầy Thiện Chí có đến nhà thăm, kể chuyện sinh hoạt trong trại cũng như chuyện của Khang cho gia đình nghe. Thầy cũng có gởi theo đây một ít quà biếu Khang nữa đó. Riêng về mấy thứ thuốc mà Khang dặn gởi vào, gia đình không thể gởi được vì bác sĩ nói những thứ thuốc ấy mạnh lắm, Khang không dùng được đâu.

Cả nhà đều mong Khang giữ gìn sức khỏe, bảo toàn thân mệnh, sớm muộn gì cũng được về, đừng làm chuyện gì bất thường. Mẹ nghe được lo lắm. Các bạn bè của Khang đều gởi lời thăm. Thương, Thuần.”

Vậy là xong. Không có chuyện át-xít hay thuốc ngủ gì hết.

Trong bữa ăn chung với nhóm tù chính trị, tôi nói riêng với Quái và Dưỡng:

“Thầy Thiện Chí có ghé nhà tôi, dặn tìm và gởi mấy thứ mình cần nhưng gia đình tôi ngại, không dám, viết thư ngăn. Chắc phải tìm cách khác.”

Quái nói:

“Vậy để tôi nói bà xã tôi gởi vào một lưỡi cưa sắt nhỏ, nhét trong ruột bánh mì. Lưỡi cưa tốt thì mình chỉ cần hai tiếng đồng hồ là bay một song sắt. Một song là đủ để chui ra rồi. Thôi, thầy Khang yên tâm đi, kỳ thăm nuôi tới tôi dặn bà xã tôi, há. Phải chi hồi nãy biết sớm tôi đã nói với bà ấy luôn rồi!”

Chưa kịp tới kỳ thăm nuôi kế tiếp, chẳng rõ vì lý do gì, tự dưng Khoa đến phòng giam, gọi Sang ra ngoài làm việc hơn hai giờ đồng hồ mới thấy trả về. Trong thời gian Sang bị gọi đi, Quái nói riêng với tôi:

“Thầy Khang à, không biết chuyện mình bàn lâu nay có lọt vào tai thằng ăng-ten nào trong phòng này không. Thấy thằng Sang theo quản giáo đi lâu như vầy tôi nghi quá.”

Dưỡng ngồi gần đó, vừa nói vừa cười:

“Biết đâu chính thằng Sang lại là ăng-ten?”

Tôi nói:

“Không có đâu. Đừng có nghi ngờ bậy bạ với nhau vừa mất tình bạn vừa hư chuyện hết.”

Trở về, Sang lầm lầm lì lì, chẳng nói gì với ai. Đến chiều, nhân lúc sắp bàn cờ tướng ra, rủ tôi đánh, Sang mới nói nhỏ:

“Thầy Khang cẩn thận nghe.”

Tôi nhìn Sang, dọ hỏi. Sang nhìn xuống bàn cờ, nói tiếp:

“Tôi đoán được nước cờ của thầy thì khó đánh thắng lắm đó.”

Tôi chỉ im lặng, không nói gì. Đánh cờ mà lòng suy nghĩ mông lung. Biết Sang đang ở trong tình trạng phải giữ gìn, không dám nói chuyện nhiều với tôi, tôi ngại không dám hỏi thêm gì, sợ sinh phiền cho anh. Sang không dám nói thẳng mà quanh co, bóng gió như vậy thì ắt là anh ấy biết rằng trong phòng giam này hãy còn ít nhất là một cây “ăng-ten” nào đó. Anh đề phòng thủ thế thì tôi cũng đề phòng, không gợi chuyện.

Ngay chiều hôm đó, Khoa đến phòng, gọi Sang mang hết đồ đạc cá nhân theo, chuyển sang phòng khác. Mối thân tình bằng hữu giữa chúng tôi trong một thời gian khá dài bị cắt đứt một cách nhanh, gọn. Không kịp nói gì với nhau nữa. Sang mang đồ đạc ra ngoài rồi, vừa bước theo Khoa, vừa đưa một tay lên vẫy, chào chung cả phòng.

Qua ngày hôm sau, Khoa lại đến phòng gọi Tân ra làm việc. Tân rời phòng khá lâu không thấy trở về. Dưỡng trờ tới chỗ tôi, nói nhỏ:

“Hình như chuyện tụi mình bàn bị bể rồi thầy Khang ơi. Hôm qua gọi thằng Sang bây giờ lại gọi thằng Tân… tôi nghi quá.”

“Tôi chưa nói chuyện gì với Tân cả,” tôi nói.

“Tôi cũng đâu có nói, nhưng không biết thằng Sang hay thằng Quái có nói gì chưa. Tôi đã nói trước rồi, cả thằng Sang và thằng Tân, hai thằng đều khả nghi hết. Nói rồi mà thằng Quái không chịu nghe, cứ rủ. Nói thiệt, tôi chỉ tin thầy Khang với thằng Quái thôi, ngoài ra chẳng tin ai hết. Đánh mấy cú này càng gọn càng ít thì càng dễ thành công, rủ chi cho nhiều.”

“Tôi không nghi Sang đâu. Lâu nay Sang vẫn tốt với anh em mà.”

“Tốt thì sao chứ. Ai mà biết được nó ra ngoài nói gì với quản giáo. Thầy Khang à, chuyện tụi mình chỉ mới bàn với nhau thôi, chưa có chứng cớ gì hết, nhất định là không chịu nhận nghe, cho dù thằng Sang hay thằng Tân có tố cáo hay là tụi nó tự nhận, thầy Khang cũng đừng nhận nghe. Lỡ mà có bể thiệt thì để tôi hay thằng Quái nhận cho, thầy Khang đừng nhận há. Mẹ kiếp! Mấy thằng đó mà tố bậy bạ là tui đục tụi nó liền. Cho bị biệt giam kỷ luật cũng đếch sợ!”

“Tôi nghĩ không có gì đâu, yên tâm đi. Còn như bị lộ thiệt thì để tôi chịu. Bởi vì trên thực tế tôi là người nêu cái chuyện đó ra trước tiên mà.”

“Biết là vậy, nhưng… thầy Khang yếu lắm, tụi nó quần cho một trận rồi bắt nhốt vô biệt giam, chịu không nổi đâu.”

“Biệt giam thì có gì ghê lắm đâu. Tôi có ở biệt giam hơn một tháng ở T20 Sài Gòn rồi.”

“Ê, thầy Khang à, ở Sài Gòn khác, ở đây khác. Theo cách thầy kể thì biệt giam Sài Gòn sướng thấy mồ. Ở đây, thầy biết không, ngộp lắm, vào đó một tuần, bước ra giống như con ma đói, xanh lè xanh lét, chân tê bại bước không nổi. Có cùm chân nữa chứ không phải được thảnh thơi như thầy bị biệt giam ở Sài Gòn đâu. Đã vậy cơm đưa vô mỗi buổi có nửa chén thôi, lại cúp thăm nuôi nữa chớ!”

Ngồi một lúc thì Quái xáp tới, vừa vấn thuốc rê vừa nói:

“Chuẩn bị tư tưởng nghe, hai thằng kia có nói gì thì nói, bọn mình nhất định không chịu nhận… Còn chuyện mà bữa giờ thầy trò mình bàn với nhau, tạm gác lại đi há, sau này hãy tính, phải không thầy Khang?”

Tôi gật đầu. Dưỡng cằn nhằn Quái rồi lại đề nghị là nếu lộ chuyện thì hai người chịu nhận, không để tôi bị liên can. Tôi nghe vậy thì cố gắng can, nhưng cũng vừa cảm động tấm chân tình của họ.

Hai người nói qua nói lại một lúc thì thấy Khoa đưa Tân trở về phòng. Tân lạnh lùng bước vào, không nhìn chúng tôi, lặng lẽ ôm đồ đạc cá nhân bước ra, theo Khoa chuyển qua phòng giam khác. Không vẫy tay chào bất cứ ai trong phòng. Vốn là tên cướp từng giết người và lãnh án nặng, Tân sống liều mạng chẳng sợ gì ai. Tánh anh nóng nảy, cộc cằn, thường gây sự đánh lộn với những người chung phòng giam. Tân đến phòng giam nào là muốn làm chúa phòng giam đó. Từ phòng số 3 chuyển vào phòng 7, Tân cũng nghinh ngang ăn hiếp mấy người yếu thế trong phòng thì bị Quái và Dưỡng đập cho một trận ngất ngư. Khoa bắt hai anh Tàu Nùng đi biệt giam kỷ luật. Quái và Dưỡng vừa trở về phòng sau khi hết hạn kỷ luật là Tân đến nài nỉ xin lỗi ngay. Quái và Dưỡng bỏ qua không đánh Tân nữa mà còn giúp thức ăn, thuốc hút. Từ đó, Tân qui phục. Mà qui phục hai anh Tàu Nùng kia thì cũng qui phục cả tôi, bởi vì ai vào phòng cũng có thể thấy được rằng Quái và Dưỡng quấn quít quanh tôi, thân cận giúp đỡ tôi như hai cánh tay, hai đệ tử. (Thậm chí mấy người mới nhập phòng giam còn tưởng tôi là “đại ca” của phòng nữa. Khi biết tôi là ai rồi, họ mới kể tôi nghe cảm giác và suy nghĩ của họ ban đầu: thấy cả phòng ai nấy đều gọi tôi bằng “thầy” và lại có cái vẻ cung kính trọng vọng khác thường trong khi hình thức bề ngoài của tôi thì chỉ là một thanh niên trẻ, đầu có tóc, mình trần mặc quần cụt y như mọi người, chẳng có gì đặc biệt, họ hơi sợ; nhưng hỏi ra mới biết “đại ca” này là một thầy tu, hiền khô, chẳng hại ai mà còn có thể làm bạn với tất cả mọi người. Đến lúc đó họ mới yên tâm.)

Sau khi Tân đi, chúng tôi chờ đợi một cái gì đó xảy ra, nhưng chẳng thấy gì cả. Một ngày, hai ngày, ba ngày… yên tĩnh. Ngày thứ tư, Khoa đến gọi Nhiều, anh trưởng phòng, ra làm việc đâu chừng hơn một giờ đồng hồ. Trở về, Nhiều tìm cách nói riêng với tôi:

“Ông Khoa có hỏi thăm tôi về thầy đó.”

“Hỏi về chuyện gì?”

“Chuyện thầy giao du thân mật với mấy người Tàu trong phòng.”

“Ai lại chẳng thân mật với họ, ai lại chẳng thân mật với nhau, trong phòng giam này!”

“Dĩ nhiên là ai cũng có chơi thân với một người nào đó cùng chung phòng giam. Nhưng không phải chỉ riêng ông Khoa đâu, trong con mắt của những cán bộ quản giáo thì chuyện thầy Khang chơi thân với đám người Tàu không phải là chuyện đơn giản.”

Tôi phì cười:

“Cái gì cũng đáng nghi ngờ đối với họ. Vậy anh nói sao với ông ấy?”

“Tôi mới hé miệng nói một câu ổng đã xì nẹt cho một hơi. Tôi nói, ‘quản giáo đừng lo, anh Khang ảnh hiền khô à, chẳng có âm mưu hay tổ chức gì đâu.’ Ổng trợn mắt nói, ‘Anh binh cho anh ấy nữa à! Anh nói anh ấy hiền? Hiền mà đi phản cách mạng sao! Anh liệu hồn anh, cứ ỷ y người ta hiền rồi chểnh mảng không chịu đề cao cảnh giác, có ngày anh và cả tôi nữa cũng đi tù luôn đó. Anh có biết anh Khang thuộc diện gì không? Diện tử hình đó.’ Tôi nghe vậy thì giựt mình, chẳng nói tiếng nào nữa. Ngưng một chặp, ông ấy tiếp, nói nhỏ: ‘Mà kể ra thì nhìn tướng anh Khang thấy cũng hiền đó chớ. Chẳng hiểu sao lại đi phản cách mạng…’ Thầy Khang à, bộ vụ của thầy nặng đến độ tử hình sao?”

“Tôi chẳng hiểu họ đánh giá tôi thế nào, chứ tôi tự thấy tôi tuy chống đối nhà nước nhưng cũng chưa làm được trò trống gì quan trọng. Kệ, họ kết án gì cũng được.”

“Ông Khoa nói có thể một ngày nào đó sẽ có lệnh đem thầy Khang đi biệt giam đó. Không phải chỉ biệt giam vì án tử hình đâu, chuyện đó khi nào ra tòa rồi mới tính, còn biệt giam bây giờ là biệt giam vì ngoan cố không chịu khai đầy đủ về những người đồng loã, nhất là vụ ông Lương; thứ hai là chơi thân với người Tàu… có ý đồ cấu kết, móc nối với gián điệp Trung Quốc.”

“Trời đất! Nghi vậy mà cũng nghi được à!”

“Chứ sao, người ta chủ trương cứ nghi ngờ, cứ bắt lầm, còn hơn là bỏ sót.”

“Ố mà cũng được thôi, kết án tử hình tôi còn chịu được nói chi cái chuyện biệt giam, có sao đâu. Họ muốn nghi gì đó thì nghi. Ổng chỉ nói chuyện thôi hả, còn chuyện gì khác không?”

“Tình hình bên ngoài có cái gì đó lộn xộn thì phải. Hình như có đảo chánh hụt hay là một vụ nổi dậy của nhóm nào đó ở Sài Gòn.”

“Bộ ông Khoa dám nói cho anh nghe những tin ấy à?” tôi ngạc nhiên hỏi.

Nhiều cười:

“Ổng sợ gì mà không nói. Có điều là chỉ hé hé một chút thôi chứ không bao giờ nói rõ hết. Bộ thầy Khang quên rằng hồi trước tôi cũng là bộ đội cán bộ nhà nước sao.”

“Vậy ông ấy nói sao về vụ đảo chánh hụt?”

“Đại khái là cánh miền Nam–xuất thân là dân kháng chiến Nam bộ chống Pháp trước 1954 hoặc thuộc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chống Mỹ sau 1960–cánh này muốn ly khai, muốn được tự trị thì phải. Họ muốn miền Nam phải theo đuổi một chính sách khác với miền Bắc, cũng là xã hội chủ nghĩa, nhưng theo cách của miền Nam, không thể rập khuôn miền Bắc. Cái này thì ông Khoa rất chịu vì ông ấy là dân miền Nam mà. Tôi cũng rất tán đồng. Tôi nghĩ đa phần dân miền Nam cũng muốn vậy. Đất miền Nam của dân miền Nam, không thể có cái chuyện thống nhất và cai trị đất nước theo kiểu phong kiến xa xưa là một nhóm nhỏ ở triều đình tuốt đâu ngoài Bắc, kiểm soát và bắt toàn dân khắp miền Nam nai lưng ra làm việc để triều cống. Thầy Khang có đồng ý với tôi không?”

Tôi cười, không trả lời thẳng mà hỏi tiếp:

“Vậy cánh miền Nam đã làm gì mà nói là đảo chánh hụt?”

“Một vài tướng tá của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, hình như có ông Trần Văn Trà, đang vận động kết hợp thành phần cán bộ miền Nam để tách miền Nam ra khỏi sự kiểm soát của miền Bắc. Nhưng mấy ổng thất bại rồi.”

“Thất bại rồi?”

“Ừ, hình như nhóm họ vừa mới kết tụ hồi đầu năm nay thì bị cánh miền Bắc tìm cách triệt liền.”

“Bằng cách nào?”

“Chặt vây cánh, kiểm soát các cơ sở kinh tài, giết chết vài mạng bằng cách tạo ra một vụ tai nạn xe cộ để dằn mặt. Nhưng họ chỉ mới dằn mặt sơ sơ thôi chứ không dám làm động ổ cánh miền Nam, sợ có loạn.”

“Ghê quá hả! Vậy mà tôi cứ tưởng cộng sản Nam hay Bắc gì cũng một thứ thôi chứ. Sao lại có chuyện chống báng nhau nữa kìa.”

“Khác chứ sao mà giống được, thầy Khang. Là một cựu cán bộ miền Nam, tôi có thể nói với thầy Khang điều này: miền Nam chẳng có cộng sản. Thực đó, không có cộng sản gì hết trọi. Người dân miền Nam chúng tôi không hề có giấc mộng biến ruộng vườn của mình thành của công mà ngược lại, ai cũng muốn mỗi người có một mảnh vườn, một mảnh ruộng, một mảnh đât, một mái nhà riêng…”

“Tôi hiểu. Anh cũng có nói với tôi rồi. Các anh chạy theo Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam vì bị tuyên truyền là miền Nam đã bị Mỹ xâm lược. Các anh theo mặt trận đó để chống Mỹ chứ không phải là để theo chủ nghĩa cộng sản, phải vậy không? Điều đó đã quá rõ ràng, cho nên sau 1975, các anh thức tỉnh và muốn chống lại, muốn ly khai… Nhưng, nếu ly khai chủ nghĩa cộng sản, từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, thì là điều đáng mừng cho dân tộc; tôi chỉ sợ là ly khai cộng sản miền Bắc để củng cố cộng sản miền Nam thì cũng chẳng thay đổi được gì lắm đâu, bởi vì cái mầm của sai lầm và tàn ác có nằm ở miền Bắc hay miền Nam thì cũng nẩy sinh ra hoa trái của sai lầm và tàn ác mà thôi. Phải từ bỏ cái mầm sai lầm và tàn ác đó chứ không phải chỉ sửa đổi, cải biến nó thành một thứ na ná hạt mầm tốt. Làm ruộng, làm rẫy, anh đã có kinh nghiệm chọn giống rồi, phải không anh Nhiều? Anh luôn luôn chọn giống tốt để gieo xuống mảnh đất của anh. Không thể chọn giống xấu được. Không ai ép buộc anh phải diệt trừ các loại giống mà anh không thích. Nhưng chính anh, người chủ vườn, có bổn phận và có quyền quyết định chọn lấy loại giống tốt và thích hợp cho đất mình.”

“Tôi đã nói với thầy Khang rồi, miền Nam không có cộng sản thì đâu cần phải củng cố hay từ bỏ cộng sản. Phải nói là từ chối chấp nhận chủ nghĩa cộng sản lan tràn trên mảnh đất của mình, vậy thôi.”

“Và anh tin rằng những thành viên cũ của Mặt Trận sẽ tái lập lực lượng này để thực hiện công việc đó?”

“Ngoài Mặt Trận ra, thế lực nào có thể lấy lại được miền Nam này chớ? Thầy không thấy rằng nhờ Mặt trận mà miền Bắc thành công chiếm trọn miền Nam năm 1975 đó sao? Không có cái Mặt trận này thì miền Bắc chẳng làm quái gì được miền Nam. Đúng ra thì Mặt trận đã chiến thắng vào mùa xuân 1975 chứ chẳng phải ai vô đó.”

Tôi cười:

“Chiến thắng nhưng lại thua đậm. Chiến thắng thì phải lấy, phải chiếm, phải giành được cái gì đó, phải không? 30-4-1975, cho là Mặt trận đã chiến thắng ở miền Nam đi, nhưng rồi có giữ được miền Nam, có kiểm soát được miền Nam đâu. Dâng luôn cả nửa phần đất nước cho miền Bắc, đó là cái công của Mặt trận. Mà thực tế còn cho thấy là ngay cả cái gọi là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam và lý tưởng chống Mỹ cứu nước, đều chỉ là chiêu bài của Cộng sản Bắc Việt đẻ ra cả. Anh không thấy rằng Mặt trận cũng chỉ là một lực lượng ngoại vi của Đảng Cộng sản thôi à? Cho nên chưa đầy một năm sau ngày 30-4-1975 thì Mặt trận bị Đảng giải thể. Chẳng có lý do gì để từ chối việc giải thể ấy cả. Đất nước thống nhất, quân thù xâm lược đã rút–họ nói vậy–cần gì Mặt trận Giải phóng nữa! Đảng và chính quyền mới là thực lực, còn Mặt trận đâu có thực. Giống như nước và sóng vậy đó. Nước mới là thực lực, còn sóng thì chỉ là cái manh động của cảm tính mà thôi. Cho nên, nếu cần gầy dựng một lực lượng để đối đầu với cộng sản thì không thể lấy cái Mặt trận con đẻ của cộng sản ra mà xài lại được. Nhân sự cũ với lực lượng mới thì may ra. Bởi vì bây giờ mà nghe đến cái tên Mặt trận hay những người cũ của Mặt trận đứng ra làm cách mạng, nhân dân miền Nam đã chán ngấy và tự dưng phải nghĩ đó lại là một thứ chiêu bài gì đây của cộng sản… nếu không như vậy thì cũng là một cố gắng để tranh thủ quyền bính của nhóm này hoặc nhóm kia trong Đảng mà thôi. Mà Đảng viên Cộng sản nắm quyền thì người Nam kẻ Bắc, kẻ thượng tầng cho đến người hạ tầng, cứ thử hoán chuyển vị trí lãnh đạo thử xem, sẽ thấy rằng chẳng có gì thay đổi bao nhiêu. Không phải vậy sao? Tôi nghĩ là cho mấy ông như Lê Đức Thọ, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh… xuống đây làm quản giáo trại giam, còn ông Sáu, ông Khoa, ông Hón… thì cho lên nắm quyền lực ở trung ương Chính trị bộ, thì đất nước cũng cứ một nhịp là đà ì ạch đó mà bước lui thôi, chẳng có gì khác biệt lắm đâu. Trở lại chuyện nhân sự Mặt trận, tôi nghĩ họ đã đánh mất niềm tin ở nhân dân miền Nam lại bị thực lực Đảng ở miền Bắc khống chế thì còn làm gì được nữa.”

“Thầy Khang có vẻ trách cứ, đổ tội cho Mặt trận dữ há?”

“Không, đã nói là Mặt trận không có thực thì đổ tội cho nó làm gì. Nó, thực ra là những người tham gia nó, là nạn nhân của một trò lừa dối. Tuổi trẻ miền Nam trước đây, theo hoặc không theo Mặt trận, đều đã phung phí thì giờ và sinh mệnh của mình để bảo vệ hoặc chống lại một cái bóng, một cái hình ảnh phù phiếm của trò chơi chính trị. Rốt cuộc chẳng được gì cả. Chỉ có cái thế lực quỉ quái ở bên trong, ở đàng sau kia, mới nắm được tất cả. Kẻ lên đồng tưởng rằng mình điều khiển thế lực ma quỉ, mà thực ra nhiệm vụ của con đồng chỉ là quên mình đi để thế lực ma quỉ vận hành sai sử. Họ chỉ có cái xác thôi. Múa may quay cuồng dữ lắm, điệu võ dương oai ghê lắm, nhưng khi thế lực ma quỉ rút đi thì chẳng còn gì cả, ngoài cái thân xác mỏi mệt đờ đẫn.”

“Vậy chứ thầy Khang nghĩ… chúng ta phải làm gì để thay đổi đất nước?”

Tôi cười buồn:

“Chúng ta? Chúng ta làm gì nữa đây? Ngồi đây mà bàn mà nói mà tán chuyện xã hội bên ngoài làm gì chứ! Ở tù rồi tức là đã chấp nhận bàn giao việc nước, việc xã hội cho thiên hạ lo chứ còn muốn làm gì nữa!”

Rồi cả hai chúng tôi cùng cười. Từ góc phòng, chúng tôi ngồi cạnh nhau, im lặng đốt thuốc nhìn đám tù lăng xăng. Miệng tôi nói bi quan thế nhưng trong tôi, một nỗi gì đó rất phấn khích, động đậy. Tôi muốn ra tù. Mặc dù người ta đã mớm ý cho tôi biết cái án tử hình sẽ treo trên đầu tôi, tôi vẫn chưa muốn thúc thủ, chưa muốn thua cuộc trước cái ác. Tự dưng niềm tin vô lý trước đây của tôi bỗng quay trở lại, ngay lúc này, và nó khiến tôi tự tin, không hãi sợ chút nào cái án tử hình mà Khoa đem dọa trước qua miệng của anh trưởng phòng. Tôi nói với Nhiều:

“Nếu ra được, tôi sẽ tiếp tục chứ chưa bỏ cuộc đâu.”

“Thầy vẫn tin thầy được về sao?”

“Đến lúc nào họ đem bắn tôi, tôi mới tin là tôi chết, không còn cố gắng đấu tranh được gì nữa.”

“Vậy nếu ra được, tôi sẽ tìm thầy Khang. Tôi cũng muốn theo thầy để làm một cái gì đó cho quê hương. Sống cùng phòng giam nhiều tháng qua, tôi và nhiều anh em bạn tù trong này, đều cảm nhận được cái thiện ở nơi thầy. Cái thiện đó chưa biết có đủ sức để thắng được những thế lực ma lanh quỉ quyệt đầy quyền lực hay không, nhưng điều chắc chắn là khi người ta chọn cái thiện, người ta tin rằng sẽ ở về phía chính nghĩa, không sợ sai lầm. Thầy Khang biết không, rừng Tân Phú sâu lắm, có thể ăn thông với rừng Sát và nối liền với chiến khu D. Mặc dù lực lượng Nghĩa quân Phục quốc của chúng tôi bị bể ở cánh Tân Phú, nhưng tôi nghĩ là nếu ra được, có thể dùng lại chiến khu Tân Phú đó.”

“Thời thế loạn ly, biết cơn sóng dữ sẽ đẩy mình tới đâu mà tính chuyện chiến khu chung với nhau… Làm sao mà hẹn gặp đây hả?”

“Tôi còn năm năm nữa thôi. Năm năm cũng một chớp mắt thôi mà. Tôi đã đi nửa đoạn đường tù tội rồi. Ra trước tôi sẽ chờ thầy, thăm dò tin tức của thầy mỗi tháng để biết thầy về chưa. Vậy thì sẽ gặp lại, khó khăn gì.”

“Ừ, thì cùng bày keo khác, chắc nhé. Nhưng dù sao, tôi cũng muốn nói với anh một điều, để lỡ mai này không còn gặp lại nhau… không đến nỗi ân hận. Điều này tôi muốn nói với anh và cũng muốn nói chung với những người chủ trương nhuộm đỏ đất nước này. Nếu có dịp nói chuyện với ai đó, cộng sản hay không cộng sản, anh nói cho họ nghe điều này: tổ tiên chúng ta khi theo chân đoàn quân Nam tiến từ thời chúa Nguyễn để lấn đất Chiêm Thành, trong đầu chỉ mang ước vọng đơn giản là mỗi người đều được tư hữu đất đai ruộng vườn trù phú trên mảnh đất miền Nam này. Việc binh bị là việc của quân đội, còn nhân dân, chỉ có mỗi việc là lo khai phá đất rừng để mở mang ruộng vườn mà canh tác. Vào được miền Nam, xua được dân Chiêm Thành, ước vọng của tổ tiên ta đã thành sự thực, tổ tiên ta yêu quí đất đai mà mỗi người tự gầy dựng được, không muốn bị đánh mất, không muốn bị xâm tổn. Cái óc tư hữu từ đó ngày càng được bồi đắp dày thêm, dày thêm, từ đời này đến đời kia… cho nên, chủ nghĩa cộng sản không thể nào thích hợp với người dân miền Nam và mảnh đất miền Nam. Mà suy cho cùng, không phải chỉ đối với miền Nam không thôi; đối với miền Trung và miền Bắc, toàn cõi Việt Nam này, đều như vậy cả: không thể thích hợp để áp dụng chủ nghĩa cộng sản đâu. Thứ chủ nghĩa hoang tưởng này nếu có thích hợp được với một quốc gia nào đó ở châu Âu hay ở đâu đó vào thời đại của Karl Marx thì cũng không thể vì vậy mà cứ khăng khăng cho rằng nó cũng phải thích hợp với Việt Nam. Không cần phải bàn nhiều về chuyện chủ trương Tam vôrất trái nghịch với dân tộc tính của mình; chỉ cần nhìn ở khía cạnh mô thức kinh tế và xã hội cũng đủ thấy là Việt Nam không cần chủ nghĩa cộng sản. Nước ta là một nước lấy nông nghiệp làm nền tảng kinh tế. Xã hội nông nghiệp vốn đã mang hình thái tư hữu, tư sản; dân ta từ hiện thực đến tâm thức, đều là những người hữu sản, muốn có tư hữu, và họ chỉ khác nhau ở chỗ có tài sản nhiều hoặc ít chứ không có thành phần gọi là vô sản; xã hội Việt Nam cũng có người giàu kẻ nghèo như bất cứ quốc gia nào, nhưng không có cái gọi là giai cấp giàu-nghèo. Nếu viện dẫn những người ăn xin như thành phần vô sản, Việt Nam cũng có ăn mày ăn xin như bất cứ quốc gia giàu mạnh nào trên thế giới, nhưng số hành khất quá ít này không thể tính kể được như một giai cấp. Còn tư bản đó hả, hừm, Việt Nam mình có tư bản không? Những tên tài phiệt giàu có kết bè kết đảng với nhau, chia chác quyền lợi với nhau, thao túng và chiếm lĩnh thị trường kinh tế quốc gia, ảnh hưởng lên cả chính sách nhà nước. Xã hội Việt Nam trước khi ông Hồ đem chủ nghĩa cộng sản vào có thành phần đó không? Miền Nam Việt Nam trước 30-4-1975 có thành phần đó không? Nếu có thì chỉ có một số rất ít hiếm hoi, mà số ít đó chỉ là một vài hiện tượng nổi lên từ kẽ hở của những chính quyền độc tài thối nát, rất dễ bị xã hội lật nhào, không thể coi như là một thành phần giai cấp. Tóm lại, bày ra cái trò cách mạng vô sản, đấu tranh tiêu diệt giai cấp tư bản trên đất nước này thực chẳng khác gì đánh lộn với quân thù trong giấc chiêm bao. Không có tư bản, không có vô sản, ai đánh ai, tranh đấu cái gì, giành nhau cái gì? Chỉ có thể nói được rằng, kể từ khi chủ nghĩa cộng sản chính thức áp đặt lên đất nước, xã hội Việt Nam đã bắt đầu tạo ra vấn đề giai cấp: giai cấp cầm quyền của Đảng và giai cấp nhân dân không đảng. Đó, cái hậu quả của đấu tranh giai cấp là đẻ ra giai cấp, tạo sự phân ly bền chắc giữa các thành phần xã hội. Và nếu chúng ta có thể làm được gì cho quê hương thì trước tiên phải tự biết rằng tất cả chúng ta đều là nạn nhân của một thứ ảo vọng tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới: cộng sản.”

“Suỵt, nói nhỏ một xuống một chút thầy Khang ơi, coi chừng…”

Nhìn bộ dạng lo sợ và khuôn mặt tái mét của Nhiều, tôi thấy vừa buồn cười, vừa tội nghiệp. Tôi nói tình cảm với anh:

“Bữa nay tôi nổi hứng nói nhiều quá hả. Có lẽ vì có dấu hiệu sắp chia tay với anh một ngày nào đó rất gần.”

Nhiều im một lúc rồi ngậm ngùi nói:

“Thầy Khang ơi, mai này về được, nếu có thể làm được gì để cứu thầy ra khỏi đây, tôi sẵn sàng. Nhưng điều trước tiên, nếu bị kết án tử hình… thầy nhớ xin chống án nghe, đừng làm thinh chấp nhận hoặc nói điều gì cứng rắn quá chọc tức họ… Thầy phải sống, thầy Khang ạ.”

Lại thêm một lần tôi được người khác yêu cầu sống, yêu cầu tự vệ và đừng quá cứng rắn trước phán quyết của cường quyền. Hình như những người thân, những người bạn của tôi, cũ hoặc mới, Nam hay Bắc, đều đoán biết, nghe nói hoặc cảm nhận được là có mối nguy hiểm nặng nề nào đó đang treo trên đầu tôi. Nhưng tôi vẫn cứ bướng bỉnh tin rằng, tôi không thể chết sớm như vậy. Tôi phải sống. Không phải vì kẻ khác đã yêu cầu hoặc chính tôi tự cho là tôi mang một sứ mệnh trọng đại thiêng liêng nào đó nên cần phải sống. Nhưng chỉ vì tôi không thể chết một cách dễ dàng, vậy thôi. Dù cho cuộc đời này không còn chút vui tươi nào, không còn chút thân mật nào, không còn chút cao đẹp nào, không còn chút thơ mộng nào, không còn chút tình yêu nào, không còn chút hy vọng nào… tôi cũng phải sống. Tôi phải sống cho đến tận cùng cái hơi thở héo úa tàn phai nhất để thể nghiệm trọn vẹn với tôi, với chính niềm tin trong tôi rằng, tôi không thể nào bị huỷ diệt bởi cái vô minh và tàn ác.

***

Xe chạy từ từ trên đường Lê Lợi. Mới sáng sớm đã thấy nhộn nhịp. Các hàng quán cà phê mở nhạc ngoại quốc vang dội từ lề đường này vọng tới lề đường bên kia. Xe chúng tôi chạy trên đường như chui qua cái hầm giao hưởng của những luồng âm thanh cực mạnh phóng vào nhau.

“Anh nghĩ gì mà im lặng quá vậy? Nói gì cho em nghe đi, kể tiếp chuyện của anh đi. Rồi về sau này, người ta có còn điều tra hay làm khó gì anh về chuyện cô Phương không? Có bao giờ họ tra tấn hành hạ, đánh đập anh không?”

“Đánh đập thì không, nhưng cố ý hành hạ thì có, để vào quán rồi anh kể cho nghe. Kìa, đến góc Nguyễn Huệ, quẹo phải. Đúng rồi, tiệm nằm phía bên phải, chạy tới một chút, chậm chậm. Đây rồi, hình như quán này, ngừng ở đây đi.”

Nàng dừng xe trên lề đường, gần chỗ gốc cây muồng trâu, khóa lại cẩn thận rồi cùng tôi bước vào quán.

Tôi rung động nhìn lại cảnh cũ của hơn hai năm trước. Quán khá vắng và còn nhiều bàn trống đã cho tôi cơ hội để chọn đúng cái bàn ở gần cửa kiếng ngó ra đường, nơi tôi đã cùng Mộng Huyền ngồi uống cà phê, nghe nhạc gần hết một buổi sáng sau khi vượt biên thất bại.

Nhưng khi đã chọn thức ăn thức uống rồi, nhìn lại thực tế trước mắt tôi với vẻ tươi trẻ trong sáng của thiếu nữ đối diện, tôi mới gạt bỏ đi hình ảnh của Mộng Huyền. Nàng không ngồi cùng một phía với tôi như Mộng Huyền mà ngồi phía đối diện, quay lưng ra đường. Tôi nhìn ngắm nàng. Nàng biết vậy nên hơi e lệ cúi xuống, tay vân vê cái kẹp tóc vừa tháo ra để xổ tung những lọn tóc đen nhánh óng ả.

“Anh thường uống cà phê ở đây trước khi vào tù hở?”

“Không, chỉ một lần thôi. Đây cũng thuộc loại quán đắt tiền mà lại xa xôi, anh đâu có bỏ công tìm đến dữ vậy! Nhà em thì khá gần chỗ này nên mới đến thôi.”

“Nhà chị Mộng Huyền cũng gần đây chứ đâu có xa lắm. Chắc là chị ấy rủ anh đến đây chứ anh đâu có tự tìm đến?”

Tôi cười. Nàng cũng cười một nụ cười khó hiểu, rồi tiếp, giọng buồn buồn:

“Anh đến đây để ôn lại kỷ niệm cũ hở?”

Tôi ấp úng một lúc rồi trả lời:

“Ban đầu thì có ý như vậy, nhưng sau đó, ngồi nhìn em, anh đã trở về với cái thực tại bây giờ, ở đây.”

“Một nghệ sĩ nói vậy thì em không tin lắm đâu, nhưng một nhà tu thì em tin. Anh là nhà tu hay nghệ sĩ?”

“Anh không rõ. Dường như trong anh có đủ cả hai.”

“Em thích vậy.”

“Thật à? Sao vậy?”

“Thầy tu thì khắc khổ, nghiêm chỉnh, co rút, sống lúc nào cũng giữ gìn thứ này thứ nọ… Nghệ sĩ thì lãng mạn, phóng khoáng, đôi khi bừa bãi, hoang nghịch. Hai mẫu người ấy hòa nhập với nhau làm một thì thành một mẫu trung dung, khá lý tưởng, dễ chịu hơn. Tội nghiệp chị Mộng Huyền quá hở. Theo cách anh kể, em thấy chị ấy nhí nhảnh, dễ thương. Nếu anh chung sống với Mộng Huyền, chắc là có hạnh phúc. Đây ly cà phê này, mình tưởng nhớ đến chị ấy, cầu nguyện cho chị ấy.”

Tôi nghe nàng, nhìn nàng, chưa thực sự hiểu được có ẩn ý gì trong câu nói của nàng không. Một lúc, tôi nói:

“Lúc ấy anh không hề nghĩ đến chuyện chung sống…”

“Nhưng anh có yêu chứ?”

“Phải, có yêu.”

“Có yêu là tốt rồi. Ít ra trước khi chị ấy nằm xuống cũng ngầm cảm nhận được tình yêu của anh. Với lại, con người sống ở đời rất cần tình yêu, không phải chỉ được yêu mà còn phải yêu nữa; sống mà trơ ra như gỗ đá thì cũng mệt lắm.”

Vẫn còn ngờ ngợ với những ý tưởng của nàng, tôi im. Nàng nhìn tôi, mỉm cười. Nét mặt nàng lúc ấy khoan dung, thánh thiện thế nào ấy. Tôi nghĩ nàng đã nói những lời trung thực, không phải ghen tuông nhỏ mọn. Và tôi càng yêu quí nàng nhiều hơn. Để tránh làn ánh sáng chói lòa từ ngoài chiếu vào, tầm mắt tôi dán vào hình bóng mờ ảo dịu dàng của nàng… Tôi ngắm nàng, say đắm.

“Nếu anh quên Mộng Huyền thật nhanh thì anh cũng sẽ quên người khác thật nhanh. Chính sự tưởng nhớ của anh đối với Mộng Huyền chứng tỏ tình cảm của anh ra sao. Anh chung tình như vậy thì tốt, thực đó. Người nào đến với anh sau Mộng Huyền, sẽ không bao giờ mong đợi anh là người vô tình, phải vậy không?”

Tôi gật đầu, hoang mang. Nàng khuyến khích tôi kể lại câu chuyện giữa tôi với Mộng Huyền hai năm trước. Tôi kể vắn tắt, cố giữ giọng bình thản, vô tư, nhưng rồi xúc cảm cũng dâng lên ngập trong lòng một lúc. Nàng đưa ly trà nóng cho tôi uống. Uống xong, tôi thấy nhẹ nhõm, như thể câu chuyện của tôi và Mộng Huyền kể từ giờ phút này, mới bắt đầu khép lại thực sự trong đáy sâu của kho tàng kỷ niệm.

“Cám ơn em,” tôi nói. “Thôi bây giờ để anh quay trở lại thời gian ở trại B5 nghe, để em biết sơ về chuyện người ta tống anh vào biệt giam, buồn cười lắm.”

***

Quả nhiên ngày hôm sau, như Nhiều có nói trước, Khoa đến phòng giam, gọi tên tôi ra ngoài làm việc.

Ở hai cái bàn gỗ dài sơn đỏ dưới tàng cây trứng cá, một tốp công an chừng bảy, tám người, mặc đồng phục ngồi sẵn ở đó. Trước đây họ đã đón chờ tôi hai lần như vậy. Nhưng lần này khác hơn, vì khi tôi theo Khoa gần đến nơi, cả tốp công an cùng lục tục đứng dậy hết; rồi theo lệnh của viên quản giáo chỉ huy mập mạp (tức Sáu, cháng cán bộ trung niên từng một thời theo đuổi Phương), tốp công an tẻ thành hai hàng, có vẻ chờ đợi Khoa đưa tôi đến gần. Khoa nói với tôi:

“Anh cứ việc đi theo quản giáo Sáu.”

Rồi Sáu đi trước, tôi đi kế, Khoa cùng tốp công an kia bước theo, hai bên và phía sau tôi. Họ đưa tôi đến một dãy phòng, tôi đoán là nằm phía bên trái của dãy bệnh xá, vì thấp thoáng phía bên phải, tôi có thể nhìn thấy những nhánh phượng của bệnh xá vươn khỏi dãy nhà quét vôi vàng ẩn hiện sau hàng dâm bụt. Tôi chưa quên là bên dưới những nhánh phượng gợi đầy kỷ niệm học trò đó, đã có một thời xảy ra lịch sử trốn trại kỳ thú của Phương và dị nhân Hoàng Ngọc Chân–cuộc trốn trại mà đáng ra tôi nên tham gia, an toàn hơn là cần đến một lọ thuốc đỏ và một bịch thuốc ngủ.

Trong bóng tối của một căn phòng khá rộng đóng kín cửa sổ, tôi thấy ở giữa có đặt một chiếc ghế đẩu vuông. Sát với vách bên trong, có vài chiếc ghế dựa, có một người nào đó đã ngồi sẵn ở đó, chỉ thấy áo trắng, quần dài đen, không thấy rõ mặt. Sáu bảo tôi ngồi vào ghế đẩu, còn anh thì ngồi vào một trong những chiếc ghế dựa đối diện, bên cạnh nhân vật ngồi sẵn kia. Một vài người trong số công an đi theo bước vào, số còn lại đứng bên ngoài. Số công an bước vào đóng chặt cửa chính làm cho căn phòng tối mịt, không còn thấy được dạng người nữa. Bất thình lình một ngọn đèn từ phía trên, chỗ Sáu ngồi, được bật lên, chiếu một luồng sáng vàng nhắm thẳng vào mặt tôi. Với luồng sáng hội tụ này, dĩ nhiên chỉ có họ đứng trong bóng tối mới thấy rõ tôi, còn tôi chỉ thấy chóa và nhức mắt, tránh luồng sáng thì chỉ thấy một vùng tối đen chung quanh.

“Mở mắt ra, nhìn thẳng về hướng này,” giọng của Sáu vang lên.

“Ngồi im, không được nhúc nhích,” một giọng khác tiếp theo lời Sáu, tôi đoán là của nhân vật bí mật kia–giọng Bắc của một người khá lớn tuổi, nói với vẻ hăm doạ.

Hai mắt hơi nheo lại, tôi phải cố gắng lắm mới nhìn thẳng được về phía đối diện, chờ đợi xem họ giở trò gì. Chắc là một màn tra tấn khủng bố tinh thần. Tôi tự nghĩ, sao đến bây giờ họ mới áp dụng màn tra tấn này mà không phải là từ lúc mới bắt đầu vấn cung. Hồ sơ thẩm cung của tôi đã kết thúc từ lâu rồi mà!

“Anh Khang, anh có biết anh phạm tội gì không?” giọng Bắc khàn khàn bẳn gắt của người lớn tuổi khi nãy lại cất lên.

“Hỗ trợ lực lượng Phục quốc,” tôi nói.

“Đó là cái tội nguyên ủy mà anh bị bắt vào đây, còn cái tội mới đây, thuộc phạm vi sinh hoạt trại giam, anh có biết tội gì không?”

“Không,” tôi mạnh dạn nói, nhưng trong lòng hơi hồ nghi, tự nghĩ “Lẽ nào họ biết chuyện mình dự tính vượt trại?”

“Không? Anh thực không biết à?”

“Không,” tôi khẳng định.

“Thế không phải anh đã móc nối với các bị can người Tàu để cung cấp bí mật quốc gia cho gián điệp Trung quốc sao?”

“Không, làm gì có chuyện đó. Các anh chỉ tưởng tượng thôi.”

“Tưởng tượng, anh dám nói với chúng tôi ngang ngược bố láo như thế à?”

“Tôi chỉ nói sự thực chứ có nói gì đâu mà gọi là ngang ngược bố láo.”

“Im! Anh chỉ được quyền trả lời các câu hỏi của chúng tôi thôi, không được nói vòng vo ngoài lề.”

“Tôi xin đi vào trong lề: các anh chỉ tưởng tượng cái chuyện móc nối với gián điệp Trung quốc. Thực ra không làm gì có chuyện đó.”

“Thế tại sao ở phòng giam anh làm gì mà cứ xầm xì to nhỏ với mấy người Tàu, từ mấy người Tàu Chợ Lớn vượt biên như Thai, Vinh, Soái, đến mấy người Tàu Nùng như Sang, Dưỡng, Quái, Dần… Chẳng phải là anh đang tổ chức kết hợp bọn Tàu để làm nội gián cho Trung quốc đánh chiếm nước ta hay sao?”

“Không bao giờ có chuyện đó.”

“Thế thì trả lời đi, anh nói chuyện gì với mấy người Tàu?”

“Chuyện gì à? Làm sao mà nhớ được.”

“Phải nhớ lại hết, thành thực mà cung khai. Anh đã nói những chuyện gì với họ?”

“Hừm, chuyện gì à? Thì chuyện học hành, sách vở, buôn bán, gia đình, bạn bè, cảnh đẹp…”

“Đấy, đấy, những thứ ấy đều liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị và xã hội nước ta, gián điệp Trung quốc có thể dựa vào đó mà nắm vững tình hình. Đấy chẳng phải là tiết lộ bí mật quốc gia sao chứ!”

“Thiệt là nhảm! Vậy chứ ở trong tù phải câm miệng đi à?”

“Anh nói cái gì, anh nói ai nhảm?”

“Đấm bỏ mẹ nó đi,” một giọng nào đó phụ hoạ.

Rồi tất cả chìm vào im lặng trong một lúc. Có tiếng chiếc ghế dựa rục rịch một chút, nhưng rồi cũng im.

“Anh không được quyền chơi thân với mấy người Tàu trong phòng giam,” ông già người Bắc lên tiếng trở lại.

“Nội qui trại không có điều nào nói về khoản này,” tôi nói.

“Cái đó cũng thuộc về bí mật quốc gia, làm sao mà ghi vào nội qui được, anh phải hiểu chứ.”

“Đó là hình thức phân biệt đối xử, đi ngược với tinh thần hòa hợp dân tộc, đi ngược lại với hiến pháp.”

“Hiến pháp? Anh cũng xài hiến pháp nữa à? Hiến pháp của nhà nước xã hội chủ nghĩa đâu phải là luật lệ chung chung mà ai cũng xài được, nhất là hạng người phản động sẵn sàng bán nước cho ngoại bang như anh!”

“Tôi không bán nước.”

“Vậy anh ghi ghi gạch gạch cái gì cho mấy thằng Tàu học tới học lui?”

“Thì ghi chữ Tàu chứ ghi cái gì.”

“Chữ Tàu, ai lại chẳng biết anh ghi chữ Tàu, thế nhưng chữ Tàu đó nói cái gì chứ? Chẳng phải anh ghi những ám số mật mã, bí mật quốc phòng cho bọn Tàu học thuộc lòng rồi chúng đem ra nhắn với gia đình, gia đình đem đi nhắn cho bọn gián điệp Trung quốc sao?”

“Không. Mấy anh Tàu Nùng không biết chữ Tàu, chỉ biết nói thôi. Họ yêu cầu tôi dạy chữ Tàu cho họ.”

“Thế ông Thai, thằng Vinh và thằng Soái là Tàu Chợ Lón, Bạc Liêu, họ đều biết chữ cả mà sao anh cũng ghi ghi gạch gạch chữ Tàu với họ?”

“Tôi học cách đọc chữ Hán theo giọng Quảng của Vinh, giọng Tiều của Soái và Phổ thông của ông Thai.”

“Anh học nói tiếng Tàu làm quái gì cơ chứ?”

“Tôi có biết chút ít chữ Hán mà lại không biết nói, nhân có họ thì cũng học nói cho vui, có hại gì ai đâu mà không học. Vả lại, trong tù ở không làm gì mà chẳng chịu học! Đâu thấy nội qui cấm đoán gì chuyện đó.”

“Nội qui không cấm chuyện học và viết, nhưng cấm đem gạch, đá, sỏi, bút, giấy, mực, dao, cây, mũi nhọn, dây… vào phòng giam. Vậy chứ anh lấy thứ gì để viết mấy chữ Tàu xuống nền, hả? Anh lấy gạch để viết, đừng có chối. Lấy gạch đem vào phòng giam là phạm nội qui rồi, phải không?”

“Phải, tôi có đem gạch vào phòng giam, một viên gạch nhỏ xíu bằng đầu ngón tay út.”

“Nhỏ xíu cũng là gạch.”

“Thì tôi nhận, tôi có chối đâu. Tôi đem một viên gạch nhỏ vào phòng giam: tôi phạm nội qui trại giam.”

“Không phải chỉ phạm nội qui: anh còn phạm vào chuyện tiết lộ bí mật quốc phòng của nhà nước ta nữa.”

“Tôi hoàn toàn không tiết lộ gì với họ về quốc phòng, mà họ cũng chỉ là những người Hoa vượt biên, muốn ra khỏi nước để làm ăn buôn bán dễ hơn, chẳng có ý đồ làm gián điệp hay chính trị gì cả.”

“Sao anh biết họ không phải là gián điệp Trung quốc?”

“Thì… nói chuyện vui chơi với nhau nhiều ngày, có bao giờ tôi thấy họ đá động gì đến chính trị đâu. Chỉ nói toàn chuyện gia đình vợ con…”

“Có nghĩa là anh có chờ đợi họ nói chuyện chính trị nhưng chẳng bao giờ thấy họ đá động đến?”

“Tôi không bao giờ chờ đợi gì ở họ cả. Tôi giao tiếp với họ như bao nhiêu bạn tù khác trong phòng giam. Tất cả những câu chuyện nói với nhau chỉ là thăm hỏi xã giao bình thường.”

“Bình thường như những bạn tù người Việt khác, thế sao anh không dạy chữ Việt cho người Việt lại đi dạy chữ Tàu cho người Tàu, nghĩa làm sao? Anh phải có ý đồ tuyên truyền văn hóa gì đấy chứ!”

“Trong phòng giam có ai yêu cầu tôi dạy tiếng Việt đâu mà dạy. Nếu có người yêu cầu thì tôi cũng sẵn sàng thôi.”

“Thế trong mắt anh, anh có phân biệt những người trong phòng giam, ai là người Tàu, ai là người Việt không?”

“Ừm… mấy người Tàu họ biết nói tiếng Tàu nên phải biết rằng họ là người Tàu, mấy người Việt chỉ nói tiếng Việt, chẳng bao giờ nói tiếng Tàu nên biết họ là người Việt. Cái đó ai mà chẳng phân biệt được, đâu phải chỉ mình tôi. Nhưng trong thâm tâm, tôi coi người Việt hay Tàu gì cũng như nhau cả, vì tất cả đều cùng sinh ra và lớn lên trên đất nước này.”

“Đấy, đấy là lời anh nói nhé: Việt hay Tàu gì cũng như nhau cả. Anh lập lại ý anh một lần nữa xem nào!”

“Sinh ra trên cùng một đất nước, nói cùng một ngôn ngữ, sống chung trong một chế độ, bị tù chung trong một trại giam, tôi thấy giữa mấy người Tàu đó và những người Việt trên đất nước này, đều như nhau cả.”

“Thế thì khi đất nước này bị Trung quốc xâm chiếm, đặt quyền thống trị, anh thấy cũng thế thôi, người Tàu hay người Việt cũng chẳng có gì khác biệt, phải thế không?”

“Đó lại là chuyện khác. Tôi đã nói rồi: những người Tàu cùng sinh ra và trưởng thành trên đất nước này! Các anh đừng bỏ chữ vào miệng tôi. Hơn nữa, cái chuyện ở tù chung với nhau, làm bạn với nhau, khác với chuyện từ ngoài đánh vào xâm chiếm và cai trị đất nước chứ!”

“Bây giờ thì Trung quốc đã bị quân đội ta dạy cho một bài học nên thân rồi, chẳng làm quái gì được nước ta nên chưa biết thái độ anh như thế nào, nhưng điều rõ ràng trước mắt là khi Đảng lãnh đạo đất nước thì anh chống đến kỳ cùng, chống hăng say, không biết mỏi mệt. Chẳng phải anh phân biệt, khinh bên này trọng bên kia sao? Anh họ Vĩnh, phải không? Người Việt ta đâu có họ Vĩnh. Vĩnh là họ Tàu mà. Nếu anh không phải người Tàu thì tổ tiên gì đó của anh cũng người Tàu… cho nên bây giờ anh mới có hứng thú học chữ Tàu, học nói tiếng Tàu, phải thế không?”

“Không. Vĩnh chẳng phải họ của tôi. Họ của tôi là Nguyễn Phúc. Tên viết đầy đủ của tôi là Nguyễn Phúc Vĩnh Khang. Ông tổ của tôi húy là Nguyễn Phúc Ánh, chẳng liên can gì đến Tàu cả.”

“Họ của anh là Nguyễn Phúc, thế sao lâu nay anh chỉ khai tên anh là Vĩnh Khang? Có điều gì ám muội trong việc che giấu này chăng? Tại sao không để là Nguyễn Phúc Vĩnh Khang mà chỉ để là Vĩnh Khang? Hẳn là anh muốn lấy một cái tên gì cho nó ra vẻ Tàu vì anh có cảm tình với Tàu! Hừm, Vĩnh Khang, đọc lên nghe như tên một hiệu thuốc Bắc nào đó của mấy ông thầy Tàu Chợ Lớn. Rõ ràng là anh có ý đồ. Này này, anh cười gì cơ chứ! Ai cho phép anh cười?”

Tôi không nói.

“Anh có nghe tôi hỏi không? Anh cười cái gì? Sao không trả lời tôi?”

“Tôi biết các anh đang cố tình gán ép cho tôi một trọng tội gì đó để có cớ mà trừng phạt trả thù nặng đối với tôi, nên cứ chăm chăm moi móc hết kẽ hở này đến kẽ hở khác… Hừ, thực ra đâu cần phải mất công dữ vậy. Các anh muốn tống tôi vào biệt giam ư? Thì cứ việc cho vào biệt giam. Muốn đem tử hình ư? Thì cứ việc tử hình. Đó là quyền của các anh. Nhưng các anh không buộc tội tôi được đâu. Các anh không có bất cứ bằng chứng nào để kết tội tôi cấu kết với Trung quốc đâu. Các anh biết rõ điều đó rồi mà giả đò đó thôi. Còn chuyện tôi chống đối đó hả, tôi xin thưa: bất kỳ người Tàu, người Pháp, người Nhật, người Mỹ, người ngoại quốc hay ngay cả người Việt Nam nào xâm chiếm nước tôi, áp bức dân tôi, tước đoạt tự do của dân tôi, tôi đều quyết đem thân mạng này ra mà chống lại họ cho đến cùng. Tôi không có bất kỳ một tham vọng chính trị nào, tôi không cần bất cứ một cái ghế chính quyền nào từ cấp trung ương cho đến hạ tầng. Tôi chỉ nói, chỉ làm cái ý nguyện thiêng liêng của toàn dân. Ý nguyện được sống an bình, tự do. Vậy thôi.”

“Ừ, anh gan lắm, anh oai hùng lắm, nhưng anh chẳng hiểu gì tài lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cả. Anh chưa phân biệt được cái hay, cái dở, cái đúng, cái sai. Anh chỉ nói, chỉ hành động búa xua theo cảm tính của anh hoặc theo sự xúi giục của ngoại nhân mà thôi. Tốt, tốt, anh dám nói anh chống Đảng và Nhà nước. Vậy đủ rồi. Cho anh vào biệt giam để anh tự suy nghiệm lại những sai lầm của anh. Đưa nó vào đi.”

Hai người đến cặp nách tôi, kéo tôi đứng dậy, đưa tôi bước về phía cửa. Ở ngoài, Khoa và vài viên công an đứng chờ, thấy cửa mở thì xúm tới. Sáu bước ra trước, nói:

“Cho về phòng 7 lấy đồ đạc cá nhân rồi đưa vào biệt giam kín.”

Một vài công an cùng Khoa đưa tôi đến khu trại. Từ đây, họ quay đi để Khoa một mình đưa tôi vào phòng giam số 7. Khoa vừa đi vừa nói nhỏ với tôi:

“Sao mặt anh hiền lành mà anh lại hành động với ăn nói cứng cỏi quá! Chỉ tổ hại thân thôi anh Khang ạ.”

Tôi cười, tính nói một câu gì với Khoa, những nghĩ sao lại thôi. Mặt trời đã chìm khuất ở phương tây nhưng trời hãy còn ửng đỏ, ửng tím, hắt bóng chiều về phía phòng giam. Khoa mở cửa sắt cho tôi bước vào phòng giam rồi khóa lại ngay. Khoa nói anh đi qua phòng giam số 8 rồi sẽ trở lại đưa tôi đi. Có lẽ anh muốn cho tôi cơ hội để từ giã bạn bè trong phòng.

Tôi đến chỗ của mình lấy cái giỏ xách. Nhiều, Quái, Dưỡng và một số bạn tù xúm đến, hỏi:

“Sao thầy Khang, thầy đi biệt giam hả?”

Tôi gật đầu. Cả phòng giam xôn xao lên. Chỉ có Nhiều là bình tĩnh, tranh thủ dúi vào giỏ xách của tôi một vài món quà gì đó, rồi nói:

“Thầy Khang giữ sức khỏe nghe. Chúc bình an. Có gói bột này, thầy đem theo cầm cự khi đói.”

Quái với Dưỡng cũng dúi thêm mì và miến khô cho tôi. Mấy người Tàu, cho đến bao nhiêu bạn bè già trẻ đều xúm xít dúi quà vào giỏ xách của tôi. Tôi đưa một tay lên cám ơn và vẫy chào tất cả, và tự dưng tôi xúc động đến rưng lệ như thể tôi sẽ không còn cơ hội nào để gặp lại họ nữa.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/08/2018(Xem: 6836)
Chưa bao giờ mà quyền lực mềm mang tên nhà bếp tại đa số các chùa lại lên ngôi đến vậy. Nó dần trở thành điểm đen nhạy cảm nhất tại các chùa khi Phật tử luôn được cảnh báo trước về những bất cập cho những ai đang có ý định phát tâm ở lại công phu, công quả lâu dài.
03/08/2018(Xem: 11578)
Tiệc Chay Văn Nghệ Gây Quỹ Xây Dựng Tu Viện Từ Ân, Victoria, Úc Châu (Thứ Sáu, 28-9-2018) tại Nhà Hàng Maxim Sàigòn, Springvale, Victoria, Australia
30/07/2018(Xem: 7094)
Hôm nay, chúng tôi hẹn nhau đi ăn cơm chay vì đang là ngày 14 âm lịch. Nhưng cuối cùng, chúng tôi không vào các nhà hàng bán đồ chay trong vùng hay đi đâu xa mà cùng mang đồ ăn, trái cây đến thăm một người anh em huynh trưởng Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ đang lâm trọng bệnh: Huynh trưởng Quảng Quý Huỳnh Kim Lân (HKL). Tôi và anh Bạch Xuân Khỏe đến thăm anh Quảng Quý Huỳnh Kim Lân khi nghe tin bệnh tình anh đã đến giai đoạn cuối, khó lòng qua khỏi.
30/07/2018(Xem: 7477)
Trang Nghiêm Lễ Xuất Gia Của Đội Bóng Bị Mắc Kẹt Trong Hang Động Ở Thái Lan, Các chú bé vừa được cứu thoát khỏi hang động ở Thái Lan đầu tháng này, một sứ mệnh quốc tế thu hút cả thế giới đã xuất gia gieo duyên nhằm tưởng nhớ đến người thợ lặn tình nguyện đã chết trong thử thách đầy đau khổ giải cứu các chú.
30/07/2018(Xem: 8735)
Một vị cư sĩ hỏi vị Sư: - Bạch Thầy cho con hỏi vì sao có người tu thì an lạc, có người tu lại chẳng an lạc? Vị Sư không đáp mà thủng thẳng hỏi: Chẳng hay tâm của Đạo hữu đang an hay chẳng an? Cư sĩ: Bạch thầy tâm con vừa an, vừa bất an. Vị Sư: Cho tôi hỏi đôi điều, Đạo hữu nghĩ sao cứ thẳng thắn mà đáp. Khi nào Đạo hữu thấy an?
28/07/2018(Xem: 5666)
CHÙA NHỎ MIỀN QUÊ Tôi đứng lặng im trước bức thư pháp đề thơ lộng khung kính treo trên vách của ngôi điện im ắng. Thư pháp của chính Thầy trú trì. Thi phẩm bất hủ của Trương Kế, đã được truyền tụng nhiều đời, đưa tiếng chuông của một ngôi chùa ngân vọng giữa thinh không, rung động xuyên suốt cả không gian và thời gian, khiến cho nhân tâm đang lăng xăng phóng túng phải quay về với thinh thinh lắng đọng.
28/07/2018(Xem: 8817)
Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, còn gọi là Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, có khi còn gọi là Đức Phật Quan Âm, được Phật tử nhiều quốc gia Châu Á thờ phượng vì hạnh nguyện hóa hiện nhiều thân tướng để cứu độ chúng sanh. Riêng đối với Nhật Bản, nơi nhiều tông phái Tịnh Độ thịnh hành, hình tượng Đức Quan Âm hiện diện trong rất nhiều chùa, trong các tuyến hành hương, và trong văn học. Bạn chỉ cần đi vào bất kỳ ngôi chùa nào tại Nhật Bản, nhiều phần là bạn sẽ gặp tượng Đức Quan Âm, hoặc là nghìn tay nghìn mắt gọi là Senju Kannon (Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Âm), hoặc là một hóa thân của ngài là tượng Đức Chuẩn Đề 18 tay, nhưng thường gặp nhất là tượng Quan Âm Nam Hải trong bộ áo trắng. Chúng ta có thể đọc trong thơ của Basho (1644-1694) hình ảnh nhà thơ đứng nơi gác chuông Chùa Kannon (Quan Âm Tự) nhìn xuống núi, thấy mái ngói chùa trôi nổi trong các chùm mây hoa anh đào: Mái ngói Chùa Quan Âm trôi dạt xa trong mây của các chùm hoa anh đào.
27/07/2018(Xem: 6943)
Chúng tôi được Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch công ty sách Thái Hà thông báo về khóa tu tại chùa Cự Linh, tỉnh Hải Dương Thầy là khách mời của khóa tu trong buổi sáng và buổi chiều sẽ hướng dẫn thiền. Khóa tu có đến 600 bạn trẻ mà chủ yếu là học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tôi là một trong số các bạn may mắn nhất của CLB yêu sách Thái Hà được đi cùng thầy Hùng. Thầy Hùng lái xe đưa chúng tôi đến một chương trình quá đặc biệt làm tôi vô cùng ấn tượng. “Khóa tu mùa hè.” Tại sao lại là mùa hè nhỉ? Câu hỏi này luôn vấn vương trong đầu tôi. Tại sao bây giờ ở rất nhiều chùa, các quý thầy, quý sư cô đều tổ chức khóa tu cho các bạn học sinh, sinh viên nhỉ? Tôi được biết, riêng thầy Hùng đã có hơn chục khóa tu mùa hè mời đến chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình và hướng dẫn thiền cho các bạn tu sinh rồi. Tôi giật mình nghĩ rằng mùa hè là mùa có nhiều ánh sáng mặt trời nhất, là mùa mà bắt đầu có nhiều loại cây bắt đầu kết trái, bởi thế nó mang lại nhiều năng lượn
27/07/2018(Xem: 10284)
Người không hiểu đặt câu hỏi “Tại sao cá đã bắt lên rồi lại đem thả, như thế có giả tạo không?; “Sao không đem tiền cho người nghèo mà đi cứu mấy con cá?” Chúng tôi xin phép được giải thích rõ hơn cho hành động Phóng Sinh: Cũng có những người thiếu hiểu biết và rất tiêu cực còn chê người là ngu vì họ nghĩ nên dùng tiền mua cá để đem cho nhà mồ côi, viện dưỡng lão, trại phong cùi hay người nghèo Phi Châu thì thực tế hơn v.v. Ngư phủ đi bắt cá lên bờ để bán cho người mua về giết rồi ăn thịt chúng. Nhưng thực tế có bán và ăn hết những thuỷ sản bị bắt lên bờ không, hay là sẽ còn thừa bị chết vì bắt lên nhiều quá làm cho một phần thặng dư chúng sanh sống trong nước bị chết uổng phí và chẳng được đóng góp thân thể của chúng để nuôi cho loài người được sống hạnh phúc; Hay chúng bị thúi rữa rồi đem bỏ?
26/07/2018(Xem: 7529)
Sự sợ hãi là tập tính của con người khi mà những gì bất lợi xảy ra thì kéo theo sự sợ hãi bị ảnh hưởng liên lụy tác động đến mình. Nhưng sợ hãi có mặt tích cực của nó trong vấn đề tu tập hành trì đạo pháp mà không phải ai cũng biết, sợ hãi là nếp tốt là đạo hạnh của sự lương thiện trong tâm hồn cao thượng. Vậy sự sợ hãi trong tu tập hành đạo như thế nào?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]