Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phải có con mắt trạch pháp

13/08/201306:37(Xem: 9652)
Phải có con mắt trạch pháp
ht-thien-sieuKhi dịch xong kinh Trường A-hàm năm 1962 tôi cảm thấy có một vài thắc mắc tuy thông thường nhưng sẽ không tránh khỏi xuất hiện một cách mau lẹ đến ít nhiều quý vị đọc kinh này. Để giải thích phần nào những thắc mắc đó hầu tránh khỏi cái nạn vì nghẹn bỏ ăn, ở đây xin nêu vài ý kiến theo trường hợp này:

1. Thuyết pháp độ sanh là bản hoài của Phật, vậy tại sao khi Thành Đạo rồi Ngài lại không muốn thuyết pháp, đợi đến khi Phạm vương thưa thỉnh, Ngài mới thuyết?

- Xin thưa: Như kinh đã nói đến, không phải Phật nhất định không muốn thuyết pháp, song Ngài còn ngần ngại giữa một bên là giáo lý giác ngộ quá cao siêu, một bên căn tính chúng sanh quá thấp kém, sợ đem giáo pháp ấy nói cho chúng sanh ấy có hại hơn có lợi. Trong lúc Phật đang quán xét phải thuyết pháp cách nào mới đưa đến nhiều lợi ích, thì Phạm vương đến thưa thỉnh. Như vậy việc thưa thỉnh này chỉ đáng xem là một việc làm đúng lúc chớ không phải một quyết định tối hậu, mở đầu cuộc thuyết pháp của Phật. Vả lại, thời bấy giờ dân Ấn Độ tin thờ Phạm thiên vương là chúa tể. Nay thấy Phạm thiên vương thỉnh Phật thuyết pháp như vậy thì họ sẽ tôn kính Phật mà lắng tai nghe, trừ bỏ lòng tự tôn vào giáo pháp của Bà-la-môn xưa nay. (Muốn hiểu rộng hơn xin xem Luận Đại Trí Độ quyển 7).

2. A Nan không thỉnh Phật ở đời lâu thêm vì tâm trí bị Ma vương ám. Nhưng sau đó Ngài nhận lời Ma vương nhập Niết-bàn, như thế phải chăng Phật thiên vị Ma vương?

- Xin thưa: Phàm ở đời việc gì đến nó phải đến. Khi cơ duyên hóa độ đã mãn tất nhiên Phật vào Niết-bàn, dù khi đó có hay không có Ma vương thưa thỉnh. Trái lại, khi cơ duyên hóa độ chưa mãn, lúc Ngài ở bên sông Ni-liên-thuyền, lúc Ngài vừa Thành Đạo, dù Ma vương có đến thỉnh Phật vẫn không vào Niết-bàn. Vậy việc Phật nói với Ma vương sau ba tháng sẽ vào Niết-bàn chỉ là một dịp Phật thổ lộ ý định của mình mà thôi.

3. Phật là bậc tự tại tự chủ, sao Ngài không duy trì xác thân ở đời mãi mãi để làm lợi ích cho chúng sanh? Nếu Phật còn phải chịu sự sống chết như mọi người, thì sao gọi Phật là tự tại tự chủ?

- Xin thưa: Chân lý muôn đời của vũ trụ là hễ có sinh thì có diệt, có hiệp thì có ly, không một ai có thể làm cho khác đi được. Nhưng chúng sanh vì vô minh thường có tham vọng đi ngược lại chân lý nên phải đau khổ đời đời. Trái lại chư Phật Bồ -tát giác ngộ, thể nhập chân lý nên thường được tự tại như chân lý, một sự tự tại siêu tuyệt: Ở nơi sinh mà bất sinh, ở nơi diệt mà bất diệt; bất sinh bất diệt tức giải thoát tự tại ngoài vòng chi phối của bất cứ điều gì, dù là sinh là tử. Cho nên cùng một hình thức sinh tử, ta thấy về xác thân mà ở nơi chúng sanh thì là luân hồi đau khổ, ở nơi Phật thì lại tự tại giải thoát.

Còn sự lợi sự hại theo Phật thì chúng sanh lắm lúc không đồng nhau. Cùng một chuyện chúng sanh thấy lợi, Phật thấy không lợi, chúng sanh thấy hại, Phật thấy không hại. Do đó, dù Phật diệt độ mà Ngài vẫn thấy chúng sanh còn được nhờ giáo pháp Phật để lại, để nổ lực tu hành mà không sanh tâm ỷ lại vào sự tế độ của Phật. Mỗi người phải lo tự giác ngộ chứ không ai giác ngộ thế cho ai được. Hễ ai giác ngộ được, người đó hết đau khổ, dù Phật còn ở đời, mà chúng sanh không chịu tự lo giác ngộ theo phương pháp Phật chỉ dạy cũng không ích gì.

Một câu chuyện tương tự dưới đây, tuy đơn giản nhưng có thể làm một tiêu chuẩn cho ta suy nghiệm đến đường lối cứu đời của Phật khác xa thường tình nghĩ tưởng: Lúc Phật còn tại thế, có một người đàn bà không may phải làm dâu trong một gia đình ác độc, bà ta bị hất hủi, bạc đãi đủ điều, nên chỉ còn biết đặt hy vọng vào đứa con độc nhất của mình. Nhưng cũng rủi luôn cho bà, đứa con ấy vừa lên ba thì mệnh yểu. Bà đau khổ điên cuồng ôm thây con đến mấy vị bác sĩ, nhờ cứu chữa. Bác sĩ, lương y nào cũng lắc đầu bó tay. Cuối cùng có người vẽ cho bà tìm đến đức Thế Tôn, may ra Ngài có thể cứu được con bà. Một tia hy vọng cuối cùng lại vụt sáng giữa lúc tâm thần đang bối rối đau khổ, bà ôm xác con chạy gấp đến chỗ Phật, sau khi vái chào, bà liền cầu xin Phật cho đứa con bà sống lại, Phật dạy: Được, Bà hãy đi kiếm cho Ta một nắm hạt cải ở nhà nào từ xưa nay không có người chết, đem về đây Ta sẽ cứu cho". Bà mừng rỡ lật đật chạy đi kiếm.

Khi bà đến nhà thứ nhất, được người đem cho nắm hạt cải. Bà liền hỏi chủ nhà: "Nhà này xưa nay có ai chết không?" Chủ nhà trả lời: "đã có mấy người chết". Bà ta nói đức Thế Tôn dặn kiếm thứ hạt cải ở nhà nào xưa nay không có người chết, nên bà ta đem trả lại nắm hạt cải. Bà ta cũng hỏi và cũng không nhận như nhà trước. Cứ như thế bà ta đi từ nhà nọ đến nhà kia khắp vùng mà vẫn không kiếm ra một nắm hạt cải đúng như lời Phật dặn. Bỗng nhiên một giây phút tỉnh ngộ, lý vô thường bật sáng trong tâm bà, phá tan bao điều sầu khổ, u ám, bà lặng lẽ đem con đi chôn rồi trở lại tinh xá bạch Thế Tôn: "Việc Ngài dạy con đã làm xong". Rồi bà đảnh lễ Phật xin quy y làm đệ tử.

Khi đọc chuyện này, không khéo lại có người đặt lời phê phán: "Thế Phật có hơn gì mấy ông bác sĩ, lương y? Phật còn không bằng các đạo sĩ, giáo chủ khác dùng phép lạ cứu người chết rồi sống lại? Tình thương của Phật như thế tỏ ra một tình thương quá lạt lẽo đến phũ phàng, một tình thương không thực tế! "Nhưng không, nếu cứ ôn tồn suy nghĩ chắc người ta sẽ không phê phán một cách quá nông nổi và sai lầm đối với lòng từ bi quá thâm thúy và thiết thực như trên của Phật. Đối với Phật, Ngài đã thấy rõ, sở dĩ chúng sanh đau khổ chỉ vì không giác ngộ được chân lý thực tại vô thường, lại muốn bám chặt vào những mảnh vô thường và nhận chắc đó là ta và của ta, vì vậy tình thương của Ngài là cốt làm thế nào phá trừ vô minh đưa chúng sanh đến nơi giác ngộ tức hết đau khổ, nếu không như vậy, dù có làm cách nào, cũng chỉ là cách cứu chữa tạm thời, đôi khi còn vì nó gây thêm đậm nét đau khổ là khác. Ví dụ như ông thầy thuốc không chịu tìm chữa từ bịnh căn, chỉ nghe con bịnh nói đau mắt, đau đầu bừa, không tìm nguyên nhân thì không bao giờ hết bịnh, vì bịnh căn là mầm mống chưa trừ.

Như vậy đến đây, ta hiểu được rằng tại sao Phật không dùng phép lạ cứu sống đứa con người đàn bà kia. Chúng ta cũng biết rõ rằng dù Phật có cứu sống đứa nhỏ bằng phép lạ đi nữa rồi một ngày kia nó cũng vẫn già, vẫn bịnh, vẫn chết và người đàn bà mẹ nó, cũng vẫn đau khổ như từ bao giờ không hơn không kém, nếu bà không một lần tỉnh ngộ như trong khi đi xin hạt cải: chết sống không phải là khổ mà khổ vì không giác ngộ lẽ chết sống.

4. Chúng sanh đau khổ nhưng kém hèn không tự cứu lấy mình được mới chạy đến Phật cầu cứu. Thay vì phải soi sáng, cứu độ cho họ, Phật lại dạy: "Các ngươi hãy tự thắp đuốc lên mà đi". Như thế nghĩa là sao? Nếu chúng sanh tự thắp đuốc lên mà đi được thì phỏng có lợi ích gì mà họ phải chạy đến Phật?

- Xin thưa: Phật dạy mỗi người phải tự giác ngộ lấy mình chớ không ai giác ngộ thế cho được, đó là lời dạy chí lý hiển nhiên đúng thật không thể chối cãi được, và câu "Các ngươi hãy tự thắp đuốc lên mà đi" đã nằm trong ý nghĩa tự giác ngộ đó. Tuy nhiên, nếu suốt một đời giáo hóa của Phật, thỉ chung Ngài chỉ dạy có một câu ấy bất cứ đối với ai và bất cứ lúc nào, thì cũng đáng cho ta sự thắc mắc trên, bởi nếu như vậy, chúng ta sẽ không hiểu gì là cái đuốc. Tại sao phải tự thắp, làm thế nào để thắp và đi về đâu. Nhưng đằng này khác hẳn, sau giáo pháp Phật đã dạy, giáo pháp đó không ích lợi gì cả nếu chúng sanh không chịu khó học hỏi kinh nghiệm thực hành, nương giáo pháp để tự tạo lấy sự giác ngộ chính trong lòng mình. Phật vì thương chúng sanh cho nên Ngài lại phải nhắc nhở chúng sanh lo thực hành với lời dạy trên.

Giáo pháp như ngón tay chỉ, chân lý ví như mặt trăng, Phật truyền dạy giáo pháp khác nào như Phật đã đưa tay chỉ mặt trăng (đây là Phật khai hóa cứu độ cho chúng sanh), người muốn thấy mặt trăng, tất phải định thần mở mắt nhìn theo hướng tay chỉ, không phải chờ ai nhìn thế mà cho thấy được. Nếu Phật có nhìn thấy hay người khác có nhìn thấy, cũng chỉ là Phật thấy, mấy người kia thấy, chớ không phải mình thấy. Giáo pháp lại có thể ví như những điều kiện bên ngoài để tạo ra hạnh phúc chân thật bên trong; khi một người có đủ các điều kiện ấy mà vẫn thấy mình chưa đủ hạnh phúc thì họ phải lo tự tạo lấy hạnh phúc cho họ, chớ không ai bên ngoài xen vào hay mang lại một hạnh phúc chân thật trong lòng họ được.

Để hiểu rõ hơn, ta cần xác nhận thời gian tính lời dạy trên trong quá trình thuyết giáo của Phật. Theo như trong kinh này thì câu "Các ngươi hãy tự thắp đuốc lên mà đi" đã được Phật dạy vào lúc sắp nhập Niết-bàn và lúc nhiều giáo pháp đã được Phật nói ra. Như thế có theo Phật ta mới hiểu rõ đường lối tu hành, mới thoát khỏi các ý nghĩ ỷ lại sai lầm rằng ta có thể nhờ người khác đem lại giác ngộ và hạnh phúc chân thật cho ta, và mới hiểu tại sao phải tự thắp đuốc lên mà đi và thắp bằng cách nào để khỏi bị ở mãi trong chốn tối tăm đau khổ.

5. Đạo Phật chủ trương lý trí, chú trọng thực tiễn, tại sao trong kinh còn có những chỗ nói đến các vị thần, như thiên thần, lâm thần, thọ thần v.v... Như thế Phật giáo cũng tin có quỷ thần, mơ hồ? Phật giáo cũng là một đa thần giáo?

- Xin thưa: Phật giáo không hề lấy việc tin quỷ thần, cầu khấn, thầm làm phương châm giải khổ, nhưng Phật giáo quan niệm giữa vũ trụ có vô lượng thế giới và vô số chúng sanh xuất hiện dưới vô số hình thức sai khác, lớn có, bé có, ở hư không có, ở dưới biển có, hữu hình có, vô hình có, tùy theo căn thức và nghiệp cảm. Mỗi chúng sanh cũng chỉ là mỗi chúng sanh, không chúng sanh nào có thể sáng tạo và cai quản chúng sanh nào, ngoại trừ tánh cách tương quan hổ thành theo luật nhân duyên nhân quả. Do đó, Phật không bao giờ khuyên dạy người ta cầu xin phúc họa nơi quỷ thần, mà dạy người ta lo cầu xin họa phúc ngay nơi mình. Khác với đa số người thế gian và đa thần giáo xem quỷ thần như những vị sáng tạo và có quyền phép ban phước giáng họa và người ta cần đến đó cầu xin hoặc sợ sệt kính lễ, trong khi Phật giáo dù nói đến thần này thần kia chỉ có nghĩa tại chỗ kia chỗ nọ mà thôi, có với không có nó không là việc bận rộn đến tinh thần của những Phật tử chân chánh.

6. Người ta nói "Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách", một thường dân còn có bổn phận đối với quốc gia xứ sở, huống những người cầm quyền trị vì, thế nhưng trong kinh có đoạn kể chuyện vua tôi nước nọ đều xuất gia cả. Xuất gia như thế có hại cho quốc gia không? Có thụ động, trốn trách nhiệm không?

- Xin thưa: giá trị của sự xuất gia ở chỗ khác đã có nói nhiều, ở đây xin tóm tắt rằng sự xuất gia chân chính bao gồm một ý nghĩa từ bỏ dục vọng, tham lam, ngã chấp, để khuôn mình trong lối sống đạo đức với chí hướng cầu chân thiện mỹ và ban phát chân thiện mỹ. Xuất gia như thế đâu phải là một hành vi thụ động, trốn đời, hại đời? Và đâu dễ có mấy người xuất gia, khiến đến nỗi quốc gia phải suy yếu vì họ? Vả chăng việc nước là việc chung, không người này còn người khác, một số rất nhỏ người xuất gia có thấm vào đâu với đại đa số dân chúng. Một điều mà thiết tưởng ai cũng thấy rõ, nước mạnh không nhất thiết phải dân đông nhưng cốt phải muôn dân nhất trí, và muốn cho muôn dân nhất trí là phải có đạo đức, hy sinh, công chính. Mọi người dân trong khi cố công kiến thiết, họ cũng phải cố công xây dựng ở họ, ở người khác một sức mạnh đạo đức, biết hy sinh, không ích kỷ, không cố vị tham quyền mới duy trì được nền an lạc chung.

Như thế suy đến chuyện xuất gia của vua tôi nước nọ, thay vì nói đó là yếm thế, trốn trách nhiệm, ta hãy nói đó là một cử chỉ cao thượng hiếm có, đã nêu một gương sáng không tham cố quyền lợi, không cố thủ địa vị là điều xưa nay thật khó tìm thấy ở trong bao nhiêu người có địa vị trong tay. Tuy vậy, thật ra việc xuất gia như trên rất hiếm có trong lịch sử và giả sử có ta cũng thấy rõ đâu có làm hại cho quốc gia, xã hội bằng những con người bất nhân vô đạo, cố vị tham quyền kết tụ lại trong quốc gia hay thế giới, mà xưa nay đâu đâu cũng có. Cứ xem nhân loại ngày nay ta cũng đủ thấy là hiện đang đau khổ vì dục vọng hay những lời dạy ly dục và sự xuất gia như trên?

Tóm lại, trong khi xem kinh, nên có con mắt trạch pháp để nhận định những lời nào Phật quyền thuyết, những lời nào Phật thật thuyết, những lời nào là chính yếu, những lời nào là phụ yếu, và suy nghiệm lối thuyết pháp tất đàn của Phật mới mong học được những chỗ đáng học, nắm được chỗ chính yếu của giáo lý để khỏi kẹt vào những thắc mắc không trọng hệ nhưng lắm lúc làm trở ngại những giáo lý trọng hệ cần được chú tâm suy tầm tu niệm nhiều hơn.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/10/2020(Xem: 5368)
Người vợ chuẩn bị đâu vào đó ngăn nắp bài bản phần tịnh tài để người chồng mang đi theo đoàn "hành hương thập tự" (lễ bái cúng dường mười chùa). Mười phong bì. Mỗi phong bì có 3 tờ tiền polymer mệnh giá 200 nghìn đồng, vị chi là sáu trăm nghìn, mười chùa tổng cộng sáu triệu đồng. Người chồng vui mừng, hí hửng đến điểm tập trung tại chùa từ sáng sớm, lòng rất nôn nao háo hức vì là lần đầu tiên ông được tham dự chuyến hành hương bái Phật lễ Tăng, vãng cảnh chùa chiền, lại còn được bà xã đồng thuận bằng sự hoan hỷ chân thành, khuyến khích chồng gieo duyên với Tam Bảo đặng học tu hướng thiện, tạo phước tích đức.
06/10/2020(Xem: 4900)
Khi đã trải qua những cuộc đua tranh đấu đá đầy hứng khởi và háo hức đến nỗi tưởng là không bao giờ mệt mỏi chán nhàm suốt một quãng đời cầm bút nắm cọ vung văng tung tác thì bất chợt một khoảnh khắc đất trời như bất động với một màn sương mờ u ám giăng trùm rồi ngay sau đó bừng lên sáng lòa và chao nghiêng cùng hàng trăm tinh tú nhảy múa theo nhịp điệu thật dịu dàng mà vô cùng trật tự trong bài bản bình an.
06/10/2020(Xem: 5899)
Hòa thượng Telo Tulku, Thượng thủ Giáo hội Phật giáo Cộng hòa Phật giáo Kalmykia (thuộc Liên bang Nga) và đại diện danh dự của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Nga và Mông Cổ, cùng các thành viên của Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, đã gặp các học giả từ nước Cộng hòa Phật giáo Kalmykia vào ngày 30 tháng 9 vừa qua, để thảo luận về khả năng thành lập một trung tâm giáo dục Đại học Phật giáo. Vào đầu thế kỷ 20, có một số trung tâm cao học Phật giáo tại Kalmykia, được gọi là Tsannid Chöra (Viện Triết học Phật giáo), trước đây đã bị phá hủy bởi Đảng Cộng sản vô thần cực đoan thời Xô Viết.
05/10/2020(Xem: 5451)
Các nguồn tin từ Tây Tạng cho biết, trong một lĩnh vực việc làm vốn đã bị đánh dấu bởi hạn chế cơ hội, các bạn Tây Tạng trẻ tuổi đang tìm kiếm nhân viên chính phủ, đang được yêu cầu kết nạp Đảng cầm quyền Cộng sản Trung Quốc, và nghiên cứu kỹ lưỡng tư tưởng chính trị của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Chủ tịch Quân Trung ương Trung Quốc, Tập Cận Bình.
03/10/2020(Xem: 7820)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Sáng hôm Rằm Trung Thu vừa qua chúng con, chúng tôi lại có dịp lên đường gieo hạt tình thương. Nơi đã đến phát quà là 2 ngôi làng có tên Sudhapur và Aditya Village, hai ngôi làng nghèo này nằm trên lộ trình từ Bodhgaya hướng về Rajgir Thành Vương Xá. Cách Bồ đề Đạo Tràng chừng 27 cây số. - Buổi phát chẩn đã thực hiện cho 302 hộ nghèo. Xin mời chư vị xem qua một vài hình ảnh tường trình..
03/10/2020(Xem: 5995)
Matxcova: “Ba chuyến quang lâm của Đức Đạt Lai Lạt Ma”, một cuộc triển lãm hình ảnh lưu động được khai mạc vào ngày 2/10/2020 tại ngôi đại già lam Phật Thích Ca Mâu Ni (Buddha Shakyamuni) tọa lạc tại Elista, thủ đô của nước Cộng hoà Kalmykia, một quốc gia cộng hòa thuộc Nga, nằm ở phía Nam Liên bang Nga, khu vực rìa Đông của châu Âu. Triển lãm được tổ chức nhân kỷ niệm 15 năm “Trụ trì ngôi đại già lam Phật Thích Ca Mâu Ni”.
03/10/2020(Xem: 6336)
Ngưỡng bạch Giác Linh Hòa Thượng Ân Sư, Quạnh hiu trên bến sông buồn, Sa Giang nước chảy về nguồn nhớ thương, Bao nhiêu nước chảy bấy nhiêu buồn; Thầy ơi ! Trăng nước còn xót xa. Mỗi độ Xuân về, trong ký ức chúng con lại miên man với bao kỷ niệm thiêng liêng cùng vị Ân sư mà chúng con có phúc duyên được học luật và hầu bên cạnh Ngài trong những giờ phút cuối đời. Đó là Trưởng lão Luật sư Thích Huệ Hưng.
03/10/2020(Xem: 6582)
Cư sĩ Chhimey Rigzen, Đại diện Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Trung và Đông Âu và Chính quyền Trương ương lưu vong Tây Tạng, và nữ cư sĩ Thinlay Chukki, người được Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) và và Chính quyền Trương ương lưu vong Tây Tạng (CTA) bổ nhiệm đặc biệt về Nhân quyền tại Văn phòng CTA tại Genèva cùng với Đại sứ Andrew Bremberg, đại diện thường trực của Hoa Kỳ tại Văn phòng Liên Hợp Quốc và Tổ chức Quốc tế khác tại Genèva, Thụy Sỹ ngày 30 tháng 9 năm 2020.
03/10/2020(Xem: 5910)
Hôm nay trời nhẹ lên cao. Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn.[1] Mỹ Ngư cất tiếng hát nho nhỏ. Nàng buồn như tâm trạng câu thơ, chỉ man mác, vu vơ không rõ nguyên do. Nếu quay ngược được thời gian trở lại bốn chục năm về trước khi nàng là thiếu nữ thì còn hiểu được, nhưng đằng này... Lòng buồn suy nghĩ mông lung, bỗng nàng nhớ lại lời Phật dạy; phàm việc gì cũng phải do “duyên khởi“. Cái duyên của nàng bắt đầu là một giấc mơ, một giấc mơ kỳ lạ!
02/10/2020(Xem: 5363)
Cuộc họp chung đầu tiên được tổ chức bởi Hiệp hội các nhà Lãnh đạo Thiền phái Phật giáo Hàn Quốc, tổ chức hàng đầu việc việc giữ gìn và phát huy pháp môn Tham thiền Công án, Thoại đầu (간화선, 看話禪), một thực hành truyền thống của Phật giáo Hàn Quốc. Hiệp hội các nhà Lãnh đạo Thiền phái Phật giáo Hàn Quốc (Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Thượng tọa Uijeong (의정스님), Chủ tịch Thượng tọa Gaksan (각산스님) đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất tại Tham Phật Thiền Viện (참불선원-參佛禪院), vào ngày 14 tháng 9 năm 2020 tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc và cam kết sẽ “Nỗ lực Phổ biến và Toàn cầu hóa Tham thiền”
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]