Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 22: Cô Đơn Giữa Mọi Người

14/11/201215:24(Xem: 9759)
Chương 22: Cô Đơn Giữa Mọi Người

Susan Moon

THẾ LÀ GIÀ!
Thiền Quán Về Tuổi Già Với Chút Tự Trào Và Tự Hào
This Is Getting Old
Zen Thoughts on Aging with Humor and Dignity
Chuyển Ngữ:
Diệu Liên Lý Thu Linh, Diệu Ngộ Mỹ Thanh, Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam

Phần III:
Trong Cõi Tâm Linh

Chương 22: Cô Đơn Giữa Mọi Người

Suốt cuộc đời tôi luôn phải đấu tranh với cô đơn và nỗi sợ phải cô đơn. Với công phu tu tập theo Phật giáo, tôi dần đi đến chỗ hiểu biết rằng tôi không cô độc, ngay cả khi tôi một mình, ít nhất trên lý thuyết là thế.

Năm hơn sáu mươi tuổi, khi tôi được kỳ nghỉ không phải làm việc, tôi được có cơ hội đó. Cuối cùng tôi cảm thấy sẵn sàng để chuyển lý thuyết thành thực hành. Tôi quyết định sống một mình trong rừng suốt một tháng - trong một căn nhà gỗ nhỏ xây theo cách của dân bụi đời, trên một miếng đất do tôi và hai gia đình khác nữa làm chủ ở hạt Mendocino. Hai mươi lăm năm nay, tôi vẫn thường lên đó. Đó là một nơi rất thú vị để đến với người yêu của mình, nhưng tôi không bao giờ thích đi đến đó một mình vì nó quá vắng vẻ, và tôi luôn sợ phải đối mặt với sự cô đơn. Nhưng giờ thì tôi đã sẵn sàng. Tôi muốn khám phá ra ai có mặt khi không có ai ở đó trừ bản thân tôi.

Làm thế nào bạn thực sự biết mình đang sống, rằng bạn là một con người nếu không có ai ở chung quanh để nói, “Ừ, tôi biết ý anh là gì!” Hay hơn thế nữa, “Này! Bạn đang dẫm lên chân tôi đấy!” Vì thế đây là câu hỏi cốt lõi của tôi. Nếu một thân cây ngã đổ trong rừng, và không có ai nghe thấy nó...? Nếu một phụ nữ ngồi trong hiên nhà trong rừng sâu, và không ai thấy cô...?

Phải đi hơn ba cây số trên con đường đất dốc cao lên núi mới tới được căn ca-bin. Ở đó không có điện, không điện thoại, không kết nối di động, không tủ lạnh. Có một lò đốt củi để sửu ấm, và một lò đốt khí pro-pan để nấu nướng. Khung cảnh bên ngoài thật tuyệt vời. Người hàng xóm gần nhất cũng ở cách đây khoảng một cây số phía trên cao và làm việc tại thị trấn Willits, khoảng nửa giờ lái xe.

Chủ tâm của tôi là không gặp hay nói chuyện với ai suốt cả tháng. Có bao nhiêu lần, dù chỉ trong một ngày bạn có thể không gặp gỡ hay trò chuyện với người khác? Chuyện đó gần như không bao giờ xảy ra. Nhiều người thân không hiểu tôi đang giở trò gì. Phản ứng đầu tiên của mẹ tôi là, “Con muốn làm thế để làm chi?” Ngay chính trong pháp hành của Thiền Tào Động, chúng tôi cũng không có truyền thống độc cư, như trong Phật giáo Tây Tạng.

Tôi đã chuẩn bị cho sự trải nghiệm này rất cẩn thận. Tôi đã nhờ người hàng xóm ở phía trên đường mang cho tôi ít thực phẩm tươi hai lần trong tháng đó, nhưng đa phần tôi ăn yến mạch, gạo, đậu, củ dền và khoai tây. Tôi cũng đã sắp xếp với Norman Fischer, đạo hữu, và cũng là cố vấn của tôi, làm đầu mối liên lạc cho tôi. Mỗi tuần một lần, để bản thân không cảm thấy hoàn toàn cô lập, và để gia đình biết là tôi đã không bị sư tử núi vồ chết, tôi sẽ lái xe hai mươi phút xuống đường và gọi cho Norman từ điện thoại công cộng ở trạm dừng chân trên Xa Lộ 101. Đó là thời điểm duy nhất tôi sử dụng xe và thời điểm duy nhất tôi trao đổi với một con người khác.

Em gái tôi đã tử tế để tôi mượn chú chó chân dài ngoan hiền, Satchmo, cho có bạn. Chú chó giống như một con nai, nhất là khi nó phóng trên sườn đồi qua những buội cây manzanita. Tôi cần con chó với tôi vì có một chú gấu đã quẩn quanh căn ca-bin cả năm nay hay lâu hơn nữa; nó đã phá cửa vào nhà mấy lần, và ngốn hết tất cả thực phẩm, có lần con trai tôi đã bắt gặp nó khi đang trên đường ra nhà vệ sinh giữa đêm khuya. Nó kể rằng nó đã chiếu đèn phin thẳng vào mặt gấu, nên nó quay lưng, lẩn đi, nhưng tôi không thể hình dung mình có thể làm thế. Tôi sợ con gấu này dù nó không phải là loại gấu ăn thịt người. Tôi nghĩ là có Satchmo, tôi sẽ cảm thấy yên dạ hơn - và thực sự là thế. Quan trọng hơn nữa, nó còn là người bạn hiền lành, luôn ở cạnh tôi. Chúng tôi luôn tiếp xúc với nhau. Nhưng tôi vẫn còn phải chấp nhận sự thật rằng mình là một sinh vật nói tiếng Anh duy nhất ở quanh đây.

Tôi không mang theo đồng hồ, vì tôi muốn khám phá thời gian một cách khác. Tôi muốn được ở trong giây phút hiện tại càng nhiều càng tốt. Tôi đang được xa rời thời khóa biểu hằng tuần trước mắt, xa rời cuộc sống luôn chạy từ cái hẹn này đến cái hẹn khác, lo lắng sợ trễ hẹn. Tôi muốn được trải nghiệm việc thức dậy khi tôi muốn, ăn khi tôi đói, và vào giường khi tôi bùn ngủ. Tôi không muốn biết thời gian qua chiếc đồng hồ.

Tôi đã phát triển một thông lệ. Tôi thức dậy, và dẫn Satchmo đi bộ. Sau đó tôi hành thiền độ tàn một cây nhang. Tôi ăn sáng, rồi trải qua buổi sáng đọc sách và viết lách. Tôi có mang máy vi tính cá nhân theo, cùng với linh kiện để nạp pin từ bình điện xe bằng cách cắm nó vào chỗ đốt hột quẹt. Khi bụng tôi báo cho tôi biết đã đến giờ ăn trưa thì tôi ăn trưa, và vào các buổi chiều tôi làm một ít việc khác. Tôi ngạc nhiên khám phá ra mình thích cưa các bảng gỗ làm giá sách, dọn dẹp đường sá, sửa chữa băng ghế, chất gỗ đốt lò sưởi. Sau khi mệt nhoài, tôi sẽ ngồi ở hàng hiên ca-bin, uống một tách trà đen với mật và sữa bột.

Hàng hiên này là buồng lái của con thuyền của tôi, ngó ra một thung lũng đến những dãy núi ở phía bờ bên kia, từ nơi đó tôi chống chọi, lèo lái để đi qua đến tháng Chín. Thời tiết thật hoàn hảo cho cuộc hành trình: ban ngày ấm nhưng không quá nóng, ban đêm mát mẻ nhưng không quá lạnh. Sau khi uống trà, tôi và Satchmo lại thực hiện cuộc đi bộ buổi chiều.

Xế chiều, tôi trở về lại chỗ ngồi ngoài hàng hiên đọc sách cho đến khi trời tối không còn thấy chữ nữa, thì tôi vào nhà và ngồi thiền đến tàn một cây nhang khác nữa. Sau đó tôi ăn tối.

Nhưng sau buổi ăn tối tôi không biết phải làm gì. Đôi khi tôi đọc sách hay đan móc, hay tự học đàn ghi-ta bốn dây của Hạ Uy Di. Tôi có một số công việc phải làm. Nhưng thực sự, tôi thấy mấy cây đèn dầu không tạo ra được sự năng động trong tôi để tôi có thể bắt tay làm việc gì đó một cách hứng thú. Tôi để buổi tối qua đi. Trời thật tối và có nhiều âm thanh lạ - tiếng cào trên mái nhà, hay tiếng Satchmo gầm gừ gì đó. Nên tôi đành đi ngủ.

Tôi cũng biết tự chăm sóc bản thân. Tôi thu nhặt củi và chặt củi để dành khi trời lạnh. Tôi phải chỉnh mực nước đúng lúc khi bồn nước bị rỉ, nên tôi rất tự hào về bản thân vì đã tìm ra cách làm điều này. Mỗi ngày tôi chuẩn bị ba bữa ăn cho mình, vì tôi sử dụng loại thực phẩm phải được nấu, nên khi tôi làm món súp đậu lăng đen thật hấp dẫn, tôi suy nghĩ, “Chắc là phải có ai đó ở đây, nếu không tại sao tôi nấu món súp đậu lăng đen này cho bà ta?” Tôi là con người. Tôi cần được ấm. Tôi cần có nước. Tôi cần ăn. Tôi đã quen chăm sóc người khác, nhưng không ngờ công việc chăm sóc bản thân cũng không tồi, tuồng như có một du học sinh, đó là tôi, đã đến ở với tôi một tháng. Tôi nhận ra là cô ta đáng được chăm sóc, có thể hơn cả tháng cũng được.

Thời gian khó chịu nhất đối với tôi là mỗi ngày lúc trời chạng vạng tối. Kể từ khi còn bé, tôi đã cảm thấy cô đơn lúc trời chạng vạng. Có một điều gì đó về khoảng thời gian giao thoa này, khi không còn là ngày nữa nhưng cũng chưa là đêm. Ngày đang trên giường chờ chết - tôi đã quan sát khi nó nằm xuống trên những dãy đồi nâu. Và ở trên đó, một mình, đó là cái mà tôi gọi là căn bệnh chạng vạng đã trùm phủ lấy tôi. Tại sao tôi chỉ có một mình? Tôi không kiểm soát được mình; cảm giác đó ùa đến như một vị khách không mời. Dầu chúng khác nhau về mức độ nhưng luôn có vị đắng cay lúc cuối ngày. Các loại côn trùng cất tiếng - châu chấu? dế mèn?- để tiễn ngày qua; chào đón, bóng đêm. Tôi cố gắng để nắm bắt giây phút đó khi chúng bắt đầu dàn nhạc klezmer[1]của chúng nhưng tôi luôn lỡ dịp. Khi tôi bắt đầu nghe chúng, thì chúng đã cất tiếng ca rồi, giống như ngôi sao đầu tiên, luôn đã chói sáng. Tôi không có ai ở bên cạnh “lúc ngày tàn” như người ta thường nói. Tôi cũng đã có thể cố gắng tránh căn bệnh chạng vạng đó, đã có thể lên dây chiếc radio, lắng nghe đài KMUD ở Garberville, nơi những người dân quê phản văn hóa luôn chống đối Bush[2], nên cũng có thể mang đến chút ấm lòng. Nhưng khi chiếc radio-lên-dây đã tê liệt - nó chỉ là một phương tiện để lấp chỗ trống. Nên tôi đành ngồi xuống trên chiếc ghế tròn đen trên gác xếp để đối mặt với chạng vạng. Tôi nhất quyết sẽ ngồi đó cho đến tối. Qua cửa sổ lớn, tôi ngắm nhìn ngày chịu thua bóng đêm. Nơi bầu trời giáp đường dãy núi Yolla Bolla, tôi nhìn thấy một màu sắc không thể đặt tên, giữa xanh và hồng. Người tôi rũ xuống khi ánh sáng mặt trời đã tắt, và cuộc đời của tôi dường như cũng phai mờ theo với ngày qua - tất cả những gì tôi yêu thương đã không còn; tất cả những gì tôi làm đều hư hoại. Bóng đêm bao trùm cây cối, từng chiếc lá một. Và tôi vẫn còn ngồi đó, soi rọi tâm mình. Tôi đã chọn lựa để đến Shimmins Ridge một mình, giống như một tăng sĩ trong sách Trung Hoa. “Cái gì thế này?” tôi gào lên. “Cái gì đây?”

Cuối cùng thì thời khắc chạng vạng cũng qua đi. Tôi trèo xuống trên những bậc thang dốc, đốt đèn lên, ăn cơm, đậu ở thời điểm không còn là lưng chừng, thời điểm đơn giản chỉ là đêm.

Chiều này sang chiều khác, tôi đã ngồi đó với ngạ quỷ của tôi, thốt lên câu hỏi: Cái gì đây? Cuối cùng, tôi nhận ra nó không là gì cả. Nó bình thường. Tôi bắt đầu tin rằng mình đang ở trong vòng tay của Phật.

Khi những ngày yên ắng qua đi, và tôi bắt đầu quen với khung cảnh chung quanh, thiên nhiên đã giúp tôi hiểu rằng tôi không chỉ một mình. Dơi, chim cút, chim gõ mõ, nai luôn ở chung quanh. Khi các chú dế hòa ca và cây lá thầm thì, bạn cảm nhận được nhịp đập của cuộc sống đang lướt qua bạn. Ngay cả chú rắn chuông đang cuộn mình trên mặt sàn tắm ngoài trời dưới ánh nắng mặt trời cũng mang chút hơi hám thân thiện khi nó đe dọa tôi trước khi lẩn mình trốn vào đống củi. 

Một buổi chiều khi tôi đang ở ngoài hàng hiên tập yoga. Tôi đang cảm thấy mạnh mẽ, sảng khoái, an lạc một mình, nhưng tiếng máy bay ồn ào cứ gầm rú trên đầu. Tôi rất yêu thích sự tĩnh lặng của nơi này, và tôi bực bội với những sự khuấy phá bất thường. Khi cuối cùng tôi ngước lên quan sát, tôi thấy có một cột khói khổng lồ đang tạt về hướng tôi từ thung lũng bên dưới. Tôi sững sờ nhận ra rằng có một đám cháy rừng ở gần bên, và đó là những chiếc phản lực cứu hỏa.

Tôi không thể đoán đám cháy ở đâu vì cây rừng, nhưng dường như khói từ thung lũng nhỏ bé ngay dưới con đường đất bay lên. Tôi cảm thấy lo ngại. Nếu đám cháy ở dưới đường Covelo, nó có thể xé đường lên núi qua đám cây khô trong nháy mắt, và tôi và Satchmo sẽ tàn đời. Vì thế chúng tôi leo lên xe để chạy xuống đồi, xem tình hình. Nhưng chiếc xe không chịu khởi động - bình điện xe đã chết! Giá mà tôi đậu xe trên dốc thì tôi đã có thể cho nó vào số hai, rồi đổ dốc cho đến khi máy xe khởi động, nhưng tôi lại đậu xe vào một chỗ khuất xa đường.

Lúc đó tôi hoảng loạn. Tôi nhớ đến đám cháy Oakland, nơi nhiều người chết vì không thể đi xuống khỏi đồi Oakland. Tôi đã nghĩ: gia đình và bạn bè sẽ rất bực tức nếu tôi bị chết cháy vì tôi đã làm tiêu hao bình điện xe vì cái máy tính cá nhân!

Biết là người hàng xóm ở trên dốc đường làm việc dưới thị trấn, nên Satchmo và tôi đi bộ đến nhà của người hàng xóm gần nhất kế tiếp, khoảng một cây số rưỡi dưới đường, nhưng ông ấy cũng không có ở nhà. Có lẽ tôi là người duy nhất sống ở Shimmins Ridge. Chúng tôi tiếp tục đi hơn cây số nữa xuống tận cùng con đường đất, và lúc đó thì nhìn đám khói, tôi biết rằng đám cháy ở phía bên kia đồi. Hú hồn! Tận cuối đường, trên con đường tráng nhựa, tôi thấy một số hàng xóm có mặt ở nhà - ở thôn quê, hàng xóm cách xa nhau ba, bốn cây số - và những người hàng xóm không có mặt ở nhà cũng có mặt ở đây, tất cả họ đang ngồi uống bia vào một buổi trưa trong tuần.

Họ bảo tôi đừng lo về vụ cháy - họ đã lên internet xem và biết là nó ở phía bên kia xa lộ. Tôi nói với họ bình điện xe tôi bị cạn, nên một trong mấy người thanh niên đó nói sẽ cho tôi quá giang trên chiếc xe hàng của anh ta lên đồi và giúp tôi khởi động lại xe. Họ mời tôi uống nước, và chúng tôi ngồi trò chuyện khoảng nửa tiếng đồng hồ, không ai nhắc gì đến chuyện cho tôi quá giang xe. Tôi cũng không hỏi, “Khi nào ông có thể giúp tôi khởi động xe?” Tôi không vội vã. Mà dường như ai cũng thế. Tôi chưa bao giờ thấy chim ruồi nhiều như thế ở một chỗ, bay vần vũ quanh mấy chục người cho chim ăn, nên tôi đã quán sát họ. Cả hai tuần nay tôi không tiếp chuyện với ai, nên dầu gì tôi cũng ở trong một trạng thái khác. Tôi bằng lòng chờ đợi. Nhưng tôi ngạc nhiên bởi việc, nếu ai đó trong thành phố, ở Berkeley chẳng hạn, nếu họ nói sẽ giúp đẩy xe cho bạn, họ sẽ không ngồi đó chuyện vãn gần nửa tiếng đồng hồ như chưa hề nói sẽ giúp bạn. Cuối cùng người thanh niên nói, “Thôi, đi thôi”, rồi anh ta chở tôi và Satchmo lên đường trong chiếc xe hàng, và khởi động xe cho tôi.

Một trải nghiệm đáng xấu hổ. Tôi đang cảm thấy quá đỗi tự hào về việc mình là người phụ nữ tiên phong khi có thể tự chăm sóc trong chốn hoang vu. Tôi đã rất bực bội với mấy chiếc máy bay - những biểu thị của sự ô nhiễm công nghệ này. Rồi bỗng nhiên mọi thứ đảo lộn, và tôi nhận ra rằng ngay khi ẩn tu trong rừng, tôi cũng hoàn toàn bị đan xen vào trong tấm thảm của xã hội loài người. Tôi cảm thấy hàm ơn việc Bộ Kiểm Lâm có các máy bay để dập tắt những cuộc cháy rừng, và việc có những người thân thiện sống cuối con đường đã giúp tôi khởi động lại xe, và tôi thấy rằng cả việc ẩn tu của tôi cũng dựa trên nền tảng của lòng tử tế của con người và xã hội loài người.

Gần cuối cuộc tạm trú của mình, tôi lại rơi vào những cơn cô đơn trầm trọng. Khi điều đó xảy ra, tôi bỏ ca-bin trong một ngày rưỡi để đi dự lễ truy điệu của một người bạn thân với gia đình. Tôi trả Satchmo về nhà em gái ở Berkeley, rồi cùng với người thân đến viếng người đàn ông đã cống hiến cả cuộc đời dài của mình cho nghệ thuật và gia đình. Sau đó, tôi lại lái xe về phương bắc, lần này không có chú chó, để hoàn thành tuần lễ cuối cùng trong chuyến ẩn tu của mình.

Khi trở về lại căn ca-bin buổi chiều đó, tôi hoàn toàn sụp đổ. Tôi lại chỉ có một mình, không có cả chú chó Satchmo làm bạn. Trời chạng vạng tối, và tôi đã quên tôi đang làm gì ở đó. Tôi so sánh cuộc đời mình với người bạn vừa mất - ông luôn sáng tạo nghệ thuật, luôn yêu thương và gắn bó với gia đình. Tất cả những nỗi sợ hãi tồi tệ nhất và tất cả những ân hận của tôi về việc chỉ có một mình lại bùng lên trong tôi, và tôi đã nghĩ chắc là tôi không thể vượt qua tuần lễ cuối cùng này. Tôi ngồi xuống tọa thiền, và tôi đã khóc. Sáng hôm sau, vẫn còn khóc, tôi đã đi bộ, tôi đã thiền, tôi đã nấu súp đậu lăng, và dọn dẹp mấy bụi cây. Khi tôi ngồi trong lúc chạng vạng của buổi chiều hôm ấy, nhìn ra cây sồi sáng chói trong ánh nắng cuối cùng, tôi tự nhắc nhở mình về những gì Norman đã nói trong cuộc trò chuyện cuối cùng qua điện thoại. Người ta cảm thấy buồn bã khi ngày qua đi là điều tự nhiên, và khi phải chia lìa với người thân thương người ta buồn bả cũng là điều tự nhiên. Vô thường là khổ, nhưng khi tôi tự dằn vặt mình với sự tiếc nuối, là tôi tự đánh cắp cuộc sống mà tôi đang sống ngay hiện tại: đám rêu trên cành cây sồi, tiếng dế kêu, mùi súp đậu lăng đang nấu trên lò. Tôi cảm thấy... một chuyển động, một nhấc bổng, một tiếng lách cách vào khớp. Những ngày sau đó, cơn sốt cô đơn của tôi vỡ òa, và tôi trở lại là tôi lần nữa.

Một buổi sáng khi tôi vừa trở về từ một cuộc đi bộ khá xa, tôi nhìn lên trời và kia là mảnh trăng khuyết, vừa vơi đầy, với một bên bị thời gian qua đi gặm dần bớt, đang lơ lửng trong bầu trời xanh sáng trên những cây thông. Bỗng nhiên tôi nhận thấy đó là mặt trăng đẹp nhất mà tôi từng thấy. Tôi cảm thấy dường như trăng đang mở hội và đang mời tôi đến dự.

Giờ tôi tin là tôi bình thường trong cái cách mà trước đây tôi không tin là như thế. Giờ khi cơn bệnh chạng vạng lại đến, và tôi chắc là nó sẽ còn đến, tôi hy vọng là tôi sẽ biết, dầu trong nỗi buồn đau đó, rằng tôi cô đơn giữa mọi người.

* * *



[1]Một loại dụng cụ âm nhạc truyền thống của người Do Thái.

[2]Bush: Tổng Thống Mỹ lúc bấy giờ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 7273)
Đây là bộ Kinh mà ACE chúng tôi đã “nghe danh” từ những năm 60, khi mới “ra nghề” huynh trưởng mà mãi đến nay (1) hơn 20 năm sau mới được học ! như vậy đủ biết chúng tôi nao nức như thế nào!
10/04/2013(Xem: 8807)
Ðây là phẩm mong đợi của ACE chúng tôi, cũng là của mọi người học Kinh DMC , vì sao?- Vì trong phẩm này ngài Văn Thù Sư Lợi chịu đi thăm bệnh ông Duy Ma Cật.
10/04/2013(Xem: 7918)
Từ thời xa xưa lắm rồi, khi nói “dâu trăm họ”, lập tức người ta nghĩ ngay đến những vị thầy trụ trì ở các chùa. (Xin hiểu chữ trụ trì như là danh từ chuyên môn rất phổ thông để chỉ các vị sư, tăng hay ni.
10/04/2013(Xem: 6765)
Chúng ta thường nghe nói về ‘Cái Dũng của nguời quân tử’ ‘Cái Dũng của phàm phu’, ‘Cái Dũng của Thánh nhân’ v..v... nhưng chúng ta chưa thực sự thực tập hạnh này với tư cách là một Phật tử.
10/04/2013(Xem: 12512)
Hôm nay là ngày 20 tháng 6 năm 2001 nhằm ngày 29 tháng 4 nhuần năm Tân Tỵ, tôi chắp bút bắt đầu viết quyển sách thứ 32 nầy trong mùa An Cư Kiết Hạ của năm nay. Hôm nay cũng là ngày rất đẹp trời. Vì mấy tháng nay, mặc dầu đã vào hạ; nhưng bầu trời vẫn vần vũ bóng mây, như dọa nạt thế nhân là ánh sáng của thái dương sẽ không bao giờ chan hòa đến quả địa cầu nầy nữa.
10/04/2013(Xem: 9275)
Sau 30 năm sinh hoạt Phật sự tại Đức, tôi ngồi tính sổ lại thời gian, nhân duyên, cơ hội cũng như những phạm trù khác để gởi đến quý Phật Tử xa gần, với những người lâu nay hằng hộ trì cho Phật pháp tại Đức nói riêng và các nơi khác tại Âu Châu cũng như trên thế giới nói chung với tinh thần của người con Phật và với tư cách là một Trưởng Tử của Như Lai.
10/04/2013(Xem: 6455)
Khác hơn mọi hôm, trưa nay khung cảnh núi đồi Đa Bảo-Campbelltown toát ra một mùi hương thoang thoảng mát dịu nhẹ nhàng, so với mấy ngày trước đây khí trời còn oai bức như thiêu đốt con người, vạn vật giữa mùa hạ Sydney-Úc Đại Lợi.
10/04/2013(Xem: 7754)
Những thảm họa vừa mới xảy ra do những cơn sóng thủy triều như hàng đàn quái vật khổng lồ cuốn phăng tất cả mọi người mọi vật ở vùng duyên hải Đông Nam Châu Á làm loài người trên toàn cầu hoang mang lo sợ, thúc đẩy chúng tôi diễn giải vấn đề nầy theo quan điểm Phật giáo . Khi thiên nhiên bất bình, như chúng tôi đã trình bày ở trên, ảnh hưởng đến mạng sống của con người trên trái đất này ở bất cứ địa hạt nào, bất phân giai cấp, chủng tộc, tôn giáo cũng như đạo đức luân lý nào.
10/04/2013(Xem: 6998)
Mùa thu lãng đãng trở về đưa theo từng cơn gió nhẹ, dịu mát. Cả bầu trời như trở mình sống lại, để chuyển rơi rụng những chiếc lá vàng. Tôi không ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]