Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 21: Hiện Tại

14/11/201215:24(Xem: 9966)
Chương 21: Hiện Tại

Susan Moon

THẾ LÀ GIÀ!
Thiền Quán Về Tuổi Già Với Chút Tự Trào Và Tự Hào
This Is Getting Old
Zen Thoughts on Aging with Humor and Dignity
Chuyển Ngữ:
Diệu Liên Lý Thu Linh, Diệu Ngộ Mỹ Thanh, Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam

Phần III:
Trong Cõi Tâm Linh

Chương 21: Hiện Tại

Ngã là thời gian... Đừng nghĩ rằng thời gian chỉ lướt qua

...Nếu thời gian chỉ lướt qua, thì bạn đã bị tách biệt khỏi thời gian.

- Thiền Sư Dogen, “The Time Being”

Năm tôi bốn mươi chín tuổi, và các con tôi ít nhiều đã lớn khôn, tôi đã thực hiện một lời hứa với bản thân là sẽ tham dự một khóa tu dài hạn trước tuổi năm mươi. Tôi sắp xếp để xin nghỉ việc, nhờ người may một ít y, rồi đi dự một khóa ‘tu hành’ ở Trung Tâm Sơn Thiền Tassajara, sâu trong các núi dọc theo bờ biển của California. Suốt ba tháng tôi tuân giữ thời khóa nghiêm ngặt của tu viện: tọa thiền, học giáo lý, và im lặng làm bất cứ công việc gì được giao phó, dầu đó là xắt cà-rốt hay lau mấy cây đèn dầu. Suốt thời gian đó tôi không hề bước chân lên xe hay nghe điện thoại.

Các thiền sinh được báo hiệu giờ đi tọa thiền bằng tiếng gõ của cây han, là một khúc gỗ nặng treo trên một sợi dây ngay lối vào chùa. Người ta dùng chày gõ vào khúc gỗ này theo một nhịp điệu phức tạp trong khoảng mười lăm phút. Ở trung tâm Tassajara, vì ca-bin của các hành giả trải dài dọc theo một thung lũng hẹp, nên một khúc gỗ han thứ hai, được coi là bản gỗ vọng, treo ở khoảng giữa đường, để truyền tín hiệu xuống xa hơn. Bạn có thể biết mình còn khoảng bao nhiêu thời gian để đến chỗ tọa cụ trong thiền đường bằng cách lắng nghe nhịp điệu tiếng gõ .

Tiếng vọng của gỗ trên gỗ chạy nhanh khắp thung lũng. Trên khúc gỗ có mấy dòng thư pháp như sau:

Hãy thức tỉnh!

Cuộc đời là giả tạm

Nhanh chóng qua đi.

Hãy chánh niệm

Việc trọng đại

Chớ lãng phí

Thời gian.

Một buổi tối khoảng giữa khóa tu học, thì đến lượt tôi phải gõ bảng gỗ vọng, từng tiếng từng tiếng. Tôi đứng trên một con đường đất, chày cầm trong tay, giống như một con cóc trên nhánh hoa huệ chờ đợi con mồi. Mặt tôi hướng về khu vườn, nơi ánh nắng mặt trời chiều chiếu xuyên qua các khe núi, đậu trên hai cây đào. Tôi đang ở tư thế sẵn sàng trong khoảng dừng ngắn ngủi giữa những tiếng gõ, chờ đợi, và các tuần lễ của thời gian tu tập vươn dài ra trước tôi và sau tôi để vào cõi vô hạn. Và khi tiếng gõ kế tiếp đến tai tôi, cánh tay cầm chày đưa lên và gõ vào bảng gỗ, hết ga, không kiềm giữ, sau đó là thinh lặng, trong khi ánh sáng vẫn còn trên các cây đào và tôi sẵn sàng cho tiếng gõ kế tiếp.

Vài năm trước đây, khi tôi chỉ còn mấy tháng đến tuổi sáu mươi lăm, tôi dọn hết đồ đạc ở chỗ làm việc. Tôi rất thích công việc mình làm - tôi đã làm công việc này suốt mười bảy năm nay. Nhưng việc biên tập cho một tạp chí ra mỗi quý, có nghĩa là tôi luôn phải chịu áp lực về thời gian. Tôi muốn nghỉ hưu trước khi họ phải nhẹ nhàng mời tôi ra đi, trước khi đầu óc của tôi khô cằn ngay tại bàn làm việc của mình, với một tay cầm điện thoại, một tay cầm chuột máy tính. Tôi muốn có thì giờ dành cho nhiều việc khác trước khi tôi chết - những khoảng thời gian bình lặng, sâu thẳm - dành cho viết lách, dành cho Phật Pháp, gia đình, thân hữu và cho một điều gì đó mới lạ, bí ẩn.

Một phần con người tôi muốn được thả chiếc thùng xuống sâu dưới giếng để kéo lên dòng nước mát lạnh lại bị cản trở bởi một phần khác. Tôi đang trải qua một trạng thái mà một người bạn thiền sinh gọi là “Triệu chứng FOMS” - sợ thiếu sót điều gì đó (Fear Of Missing Something). Đó là một hình thái của tham - sự thôi thúc phải dồn nhiều hoạt động hấp dẫn vào trong một ngày nếu có thể, cộng thêm bản năng ôm đồm tất cả mọi thứ. Nói một cách tích cực, tôi tò mò về tất cả mọi thứ, tất cả mọi người. Vì thế, khi mới vừa nghỉ hưu, cảm thấy có nhiều thời gian, tôi ghi danh cho tất cả mọi loại hoạt động, lớp học và dự án. Mỗi thứ tôi làm đều đáng giá; thí dụ, tôi rất yêu thích lớp học tiếng Tây Ban Nha và lớp chụp ảnh của mình. Sau đó tôi thấy mình còn bận rộn hơn trước nữa. Vậy thời gian dành cho việc tu tập ở đâu? Khi tôi trở nên quá bận rộn thì các thói quen cũ của tâm lại trỗi dậy. Tôi cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách sửa chữa thời khóa biểu của tôi, nhưng chỉ làm cho nó thêm rối. Tôi thay đổi một cuộc hẹn này để có chỗ cho một cuộc hẹn khác. Tôi căng mắt nhìn quyển lịch để tìm một chỗ trống, và khi tôi tìm được, tôi nhảy lên mừng rỡ. À, một mẫu thời gian quý báu! Tôi viết xuống: “2PM- Café Nomad, dự tính hội thảo với Jean”, và khoảng trống trắng trên quyển lịch mất đi. Chết! Không còn thời gian nữa. Lúc đó tôi cảm thấy giống như một con thú quay cuồng trong một chiếc bẫy làm bằng lưới, càng lúc càng bị siết chặt.

Tôi cố gắng đo lường thời gian của mình trước mắt cũng như về sau. Tôi là người thích đong đếm sự vật, giỏi với các con số. Năm sáu mươi sáu, tôi tính là tôi đã đi được khoảng ba phần tư con đường. Đó là nếu tôi sống đển tám mươi tám. Là bao lâu nữa vậy? Tôi đi trở ngược lại hai mươi hai năm, khi tôi đang học tiếng Nga và tôi tham dự chuyến du lịch “công dân ngoại giao” đến Liên bang Xô-Viết. Còn nhớ Liên bang Xô-Viết không? Tôi đoán hai mươi hai năm là một khoảng thời gian khá dài - nhưng giờ tất cả đã qua đi, kể cả tiếng Nga của tôi. Hai mươi hai năm tiếp theo sẽ đi nhanh hơn hai mươi hai năm đã qua, hơn nữa, tôi cũng có thể ra đi sớm hơn thế nữa. Nếu giống như cha tôi, người ra đi ở tuổi bảy mươi ba, thế có nghĩa là tôi đã sống - chờ tí, để tôi làm con tính thử - hết 90 phần trăm cuộc đời mình.

Phải thừa nhận, đôi khi suy nghĩ về thời gian theo cách này cũng phù hợp - dựa theo những bảng thống kê của tâm. Tôi có người bạn già bảy mươi tuổi, bị bệnh tim và một số bệnh mãn tính khác. Bà có khó khăn về tài chánh, nên phải tính toán về nhà ở và chi phí cuộc sống. Bà phải quyết định xem còn bao lâu nữa thì bà vượt mức trần tiền tín dụng thế chấp của căn nhà, hoặc bà có cần phải tiếp tục làm việc bán thời gian nữa không. Bà không ngại ngần hỏi bác sĩ tim mạch phỏng đoán xem bà còn sống bao lâu nữa. Bà bảo bác sĩ là nhẩm tính về tài chánh thì bà có thể trụ tới tuổi tám mươi hai.

“Mấy năm gần đây sức khỏe bà đã tốt hơn rồi”, bác sĩ bảo bà. “Theo thống kê, hơn năm mươi phần trăm cơ hội là bà sẽ sống đến tám mươi bảy”. Bạn tôi trợn mắt, “Nhưng tôi không có khả năng để sống lâu như thế!” Cả hai người cùng cười, và giờ thì bà phải tìm thêm việc bán thời gian để làm.

Dĩ nhiên chúng ta không thể thực sự đo lường được thời gian. Sự tính toán của chúng ta giống như vết mực trên biển. Einstein đã bảo rằng thời gian rất uyển chuyển. Thời gian qua đi khác nhau đối với người đang lưu thông trên đường, với người đang nắn đất sét ướt trên bàn quay làm nồi, hoặc một người đang tiến đến tốc độ ánh sáng trong một chiếc phi thuyền. Một giờ có thể dường như một năm, và một năm dường như một giờ. 

Trong những ngày cuối cùng của cha tôi, ông rất đau đớn vì căn bệnh ung thư. Ông thường hỏi giờ, và bất cứ câu trả lời là gì, ông luôn rên rỉ, nói, “Không thể nào! Chỉ mới giờ đó thôi à?” Tôi đã không hiểu tại sao ông lại muốn thời gian nhanh qua, vì đâu có gì xảy ra, ngoài việc là ông sắp ra đi. Tôi nghĩ sự đau đớn khiến thời gian qua đi một cách chậm chạp, và cha tôi muốn biết là ông đã vượt qua cơn đau, trong từng giờ.

Tôi cũng có những lúc muốn thời gian qua đi nhanh chóng. Nhưng đa phần, thời gian là thứ mà tôi luôn cần nhiều hơn, nhưng khi tôi ngày càng thêm tuổi, thì thời gian ngày càng ít dần lại. Một là thời gian trước mặt không còn nhiều như trước kia. Hai là mỗi năm lại qua đi nhanh hơn năm trước. Ba là tôi không còn một lúc làm được nhiều việc khác nhau nữa - tôi chỉ có thể làm mỗi lúc một việc. Và bốn là giờ mỗi việc tôi làm tốn nhiều thời gian hơn trước. Tuổi tác đã buộc tôi phải chậm lại. Tôi không phải là người duy nhất như thế. Hẳn là vì lý do sinh học mà người già lái xe trên xa lộ rất chậm chạp. Tôi còn thấy một băng rôn dán sau đuôi xe rằng: “Già và Chậm”.

Tôi nhớ lại mình đã quan sát bà một cách bực bội khi bà làm bánh mì bơ đậu với mứt để đi dã ngoại. Bà lấy hũ mứt trên tủ ra, đến đặt trên mặt kệ xanh, rồi quay trở lại lấy bơ đậu cũng từ trong cái tủ ấy. Việc đó gần như bất tận. Mà thật ra, không phải hoàn toàn bất tận, vì cuối cùng bà cũng làm xong bánh mì, và chúng tôi đã ăn chúng khi ngồi trên tấm mền ca-rô ngoài cánh đồng.

Đây mới là điều kỳ diệu: tuổi tác đã trả lại cho tôi giây phút hiện tại. Chỉ có tuyến thời gian là rút ngắn lại, nhưng khi điều đó xảy ra, tôi lại có cơ hội tốt hơn để đi vào thời gian sâu lắng. Chỉ cần vài giây để lướt qua tiếng động giữa hai chày đệm trên bảng gỗ hanmà vào khu vườn của thời gian vô hạn.

Đó là thiền định: thời điểm bước ra khỏi thời gian, đó là dẹp bỏ các hoạt động, chậm lại để hoàn toàn dừng hẳn. Trong khi tọa thiền, dầu tâm vượn của tôi có phóng điên cuồng từ cành nọ sang cành kia, ít nhất là tôi không hoàn thành bất cứ điều gì có ích lợi. Như Tâm Kinhđã dạy, “Không có chứng đắc, cũng không có gì để chứng đắc”.

Khi ngồi thiền rất dễ để không hoàn thành điều gì; thiền sinh ở bất cứ độ tuổi nào cũng làm được. Nhưng giờ khi tôi đã lớn tuổi hơn, tôi tập gần như không hoàn thành điều gì suốt cả ngày nữa. Nếu công phu tu tập này tiếp tục, bà hàng xóm kế bên có thể nghĩ là tôi đang hành thiền đứng trong sân sau trong khi thực sự là tôi đang lượm đồ phơi đem vô nhà.

Tôi thích giấu mặt trong mùi nắng của tấm trải giường treo trên dây trước khi gỡ nó xuống. Tôi thích tiếng cót-két nhỏ của dây phơi đồ chạy qua cái ròng rọc sét rỉ khi tôi kéo thêm một cái áo gối thơm tho khác. 

Tôi không nói rằng tôi đã sẵn sàng để rũ bỏ tất cả. Dầu Tâm Kinh có dạy như thế nào, tôi vẫn còn nhiều việc tôi muốn hoàn thành trên đời hơn là công việc giặt đồ; sau đó tôi muốn tiếp tục làm việc gì đó mới nữa, việc gì đó tôi có thể làm với người khác để giúp thế giới hỗn loạn này. Tôi vẫn muốn tiếp tục làm việc - tôi sử dụng từ làm việc theo nghĩa rộng. Tôi biết là chậm lại, là một phương cách. Tôi phải để tâm đến nhịp độ tự nhiên của mình. Tôi cố gắng để mỗi việc cần bao lâu thời gian thì cứ để như thế, và tôi để cho quyển lịch công việc của tôi còn được những chỗ trắng. Tôi đã đặt ra một quy luật cho riêng mình mà đa phần tôi giữ được: không gặp gỡ, không điện thoại, không thư điện tử trước trưa. Buổi sáng dành cho viết lách và nghiên cứu; buổi trưa tôi có thể xét bảng liệt kê những việc phải làm.

Giờ các tầng lớp thời gian ở trong tôi. Tôi nghĩ đến tầng lớp thời gian này như thời gian theo đường thẳng đứng, khi tất cả mọi thời gian đều đổ về giây phút hiện tại, ngược lại với thời gian theo đường chân trời mà ta thường thấy trên những bức họa đồ treo trên tường lớp học: ở bên trái là bắt đầu của cuộc sống của con người hai chân khi tổ tiên của chúng ta từ trên cây xuống bốn triệu năm về trước trong thời đại Pliocene, rồi sau đó, ở cuối của con đường dài, là thời đại Holocene hiện tại, trong đó loài người chúng ta có thể du hành qua Internet để nhìn xuống tuyết ở các cực đang tan mà chẳng cần phải rời khỏi ghế ngồi. Tất cả đều ở trong tôi, trong giây phút hiện tại. Dầu tôi không nhớ rõ về những ngày thuộc thời đại Pliocene, thì thân này nhớ nó đã trèo từ cây xuống như thế nào, với cánh tay treo lơ lửng trên cành cây thấp nhất, rồi buông bàn tay đầy vết thương, rơi xuống đất cứng giống như một trái banh trong bao tay của người bắt bóng chày.

Khi người già lẫn lộn về các thế hệ, và gọi cháu trai bằng tên của em trai mình, thì không phải là họ sai đâu. Họ đang sống trong thứ thời gian sâu lắng mà Tào Động gọi là “thời điểm hiện tại”. “Mỗi lúc là tất cả có mặt, là toàn thể thế giới. Hãy quán chiếu ngay bây giờ nếu có chúng sanh nào hay thế giới nào không có mặt trong giây phút hiện tại”. 

Tôi nghĩ thời gian giống như cảnh vật khi tôi đi trên tàu hỏa, và tàu hỏa chính là cuộc đời tôi. Tôi chỉ có thể thấy những gì bên ngoài cửa sổ tàu. Hôm qua đó là thành phố Naperville, của bang Illinois; bữa nay là vùng Grand Junction, của Colorado; ngày mai sẽ là Sparks, của Nevada. Tôi chỉ nhìn thấy từng mảnh đóng khung bởi cửa sổ con tàu, nhưng tất cả đều có ở đó ngay tức thì, tất cả những nơi chốn đó, cả châu lục đó.

Tôi đi thăm cháu gái Paloma của tôi lúc sinh nhật ba tuổi của nó; chúng tôi đến hồ bơi trong khu phố và chơi ở chỗ cạn. Cháu đổ những vại đầy nước lên đầu tôi, giả bộ như đang gội đầu cho tôi. Cô bé nhìn giống như cha nó lúc nhỏ, khi tôi ngồi trên nắp bàn toilet trong phòng tắm, trong lúc nó đang tắm, ngắm nó đổ đầy nước vào những chiếc ly nhựa, rồi xếp chúng thành hàng dọc theo bờ bồn tắm để cho Bạch Tuyết và Peter Pan tắm trong đó. Cái tôi ba tuổi cũng ở trong Paloma, khi vào một ngày mùa hè nắng nóng, tôi hứng đầy nước từ vòi nước bơm tay vào trong chiếc thùng cây trong vườn nhà bà tôi để “sơn” mấy chiếc ghế trong vườn. Cùng chơi với Paloma trong hồ tắm, tôi đã không nghĩ đến những kỷ niệm về nước đã rất lâu xa một cách có ý thức; tôi không cần phải làm điều đó. Ngay khi Paloma chổng ngược thùng nước đổ lên đầu tôi, thì thời xa xưa đó biến mất đi, mà những thời thơ ấu khác đó, những mùa hè khác đó, tràn ngập tôi, làm đẫm ướt da tôi.

Trước khi rời hồ tắm, Paloma đến trước người cứu hộ đang ngồi trên chiếc ghế trên cao; nó đưa ba ngón tay lên và gọi, “Chú cứu hộ ơi! Con ba tuổi! Ba tuổi!” Ba tuổi cũng ở trong tôi. Tôi không thể ở nhiều hơn một chỗ trong cùng một lúc, nhưng tôi có thể ở nhiều thời điểm ở cùng một nơi.

Thời gian không phải là thứ tôi sở hữu; nó là thứ tạo ra tôi.

* * *

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/03/2022(Xem: 5824)
Những ngày gần đây, dường như chánh niệm đang lan tỏa khắp mọi nơi. Khi tìm kiếm trên Google mà tôi đã thực hiện vào tháng 1 năm 2022 cho cụm từ "Chánh niệm" (Mindfulness) đã thu được gần 3 tỷ lượt truy cập. Phương pháp tu tập thiền chánh niệm này hiện được áp dụng thường xuyên tại các nơi làm việc, trường học, văn phòng nhà tâm lý học và các bệnh viện trên khắp cả nước Mỹ.
01/03/2022(Xem: 5896)
Hàng trăm đồ tạo tác vật phẩm văn hóa Phật giáo đã bị đánh cắp hoặc phá hủy sau cuộc quân sự Taliban tấn công và tiếp quản Chính quyền Afghanistan ngày 15 tháng 08 năm 2021. Hôm thứ Ba, ngày 22 tháng 02 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, Hợp chúng quốc đã hạn chế các vật phẩm văn hóa Phật giáo và lịch sử từ Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan, với hy vọng ngăn chặn "những kẻ khủng bố" kiếm lợi, nhưng các chuyên gia bày tỏ lo ngại về những hậu quả không mong muốn.
24/02/2022(Xem: 4473)
Nhà kiến tạo hòa bình, nhà tâm lý học, nhà cải cách xã hội học, nhà giáo dục và Phật giáo Dấn thân nổi tiếng, người Mỹ và được trên thế giới kính trọng, Tiến sĩ Phật tử Paula Green sinh vào ngày 16 tháng 12 năm 1937 tại Hoa Kỳ, đã thanh thản trút hơi thở từ giã trần gian vào ngày 21 tháng 2 năm 2022, hưởng thọ 84 tuổi.
24/02/2022(Xem: 4393)
Tôi học mãi Phẩm 6 về “ Người Hiền Trí “trong kinh Pháp Cú và bài thứ tư trong kinh Trung Bộ “ Sợ Hãi và Khiếp Đảm “ mà vẫn không chán vì càng học càng thấy nhiều lợi ích để tu tập và sửa đổi những tật xấu và lỗi lầm của mình trên đường tu học nhất là khi mình được một đại phước duyên gần gũi một bậc hiền trí . Thú thật ….trong những năm tự nhốt mình trong tháp ngà tôi đã nghiên cứu Thiền, Tịnh, Mật, rất cẩn thận từ ghi chép, nghe nhiều pháp thoại, so sánh kinh sách nhiều tông phái …thế nhưng chưa bao giờ như lúc này tôi cảm nghiệm lời dạy Đức Phật lại thâm huyền và siêu việt hơn bao giờ hết khi phối hợp hai phẩm này trong hai bộ kinh căn bản nhất cho những ai bước trên đường Đạo . Trộm nghĩ dù với tuổi nào khi chưa hoàn tất hay gặt hái được mục đích thành tựu của Trí Tuệ ( DUY TUỆ THỊ NGHIÊP) thì chúng ta hãy cứ bước đi mà chẳng nên dừng lại .
24/02/2022(Xem: 8693)
Tác giả tác phẩm này là Tỳ Kheo Sujato, thường được ghi tên là Bhikkhu Sujato, một nhà sư Úc châu uyên bác, đã dịch bốn Tạng Nikaya từ tiếng Pali sang tiếng Anh. Bhikkhu Sujato cũng là Trưởng Ban Biên Tập mạng SuttaCentral.net, nơi lưu trữ Tạng Pali và Tạng A Hàm trong nhiều ngôn ngữ -- các ngôn ngữ Pali, Sanskrit, Tạng ngữ, Hán ngữ, Việt ngữ và vài chục ngôn ngữ khác – trong đó có bản Nikaya Việt ngữ do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch từ Tạng Pali, và bản A-Hàm Việt ngữ do hai Hòa Thượng Tuệ Sỹ và Thích Đức Thắng dịch từ Hán Tạng.
22/02/2022(Xem: 5626)
Trong lịch sử, các đại dịch đã buộc nhân loại phải đoạn tuyệt với quá khứ và hy vọng ở tương lai thế giới mới của họ. Điều này không có gì khác lạ. Nó là một cổng thông tin, một cửa ngõ, giữa thế giới đương đại và thế giới tương lai. Nhà văn, nhà tiểu luận, nhà hoạt động người Ấn Độ Arundhati Roy, Đại dịch là một cổng thông tin
21/02/2022(Xem: 4228)
Bốn Sự Thật Cao Quý được các kinh sách Hán ngữ gọi là Tứ Diệu Đế, là căn bản của toàn bộ Giáo Huấn của Đức Phật và cũng là một đề tài thuyết giảng quen thuộc. Do đó đôi khi chúng ta cũng có cảm tưởng là mình hiểu rõ khái niệm này, thế nhưng thật ra thì ý nghĩa của Bốn Sự Thật Cao Quý rất sâu sắc và thuộc nhiều cấp bậc hiểu biết khác nhau. Bài chuyển ngữ dưới đây đặc biệt nhấn mạnh đến nguồn gốc vô minh tạo ra mọi thứ khổ đau cho con người, đã được nhà sư Tây Tạng Guéshé Lobsang Yésheé thuyết giảng tại chùa Thar Deu Ling, một ngôi chùa tọa lạc tại một vùng ngoại ô thành phố Paris, vào ngày 16 và 30 tháng 9 năm 2004. Bài giảng được chùa Thar Deu Ling in thành một quyển sách nhỏ, ấn bản thứ nhất vào năm 2006.
19/02/2022(Xem: 6422)
Nhân Tết Nhâm Dần, với tâm niệm hộ trì Tam Bảo và mừng tuổi chư Tăng tu hành nơi xứ Phật chúng con, chúng tôi vừa thực hiện một buổi cúng dường Trai Tăng & tịnh tài đến chư Tôn đức Tăng già, các bậc xuất sỹ thường trú tại khu Thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng, nơi đức Thế Tôn thành Đạo..
18/02/2022(Xem: 5311)
Phải công nhận với đà tiến triển kỹ thuật văn minh của vi tính, những gì ta có thể được tiếp xúc, thọ nhận sẽ nhiều hơn ngày trước ngàn lần ... khiến chúng ta đã có thể thay đổi dễ dàng theo sự tiến hóa của nhân loại và mở rộng sự hiểu biết với thế giới bên ngoài, hơn thế nữa ký ức chúng ta cũng được lưu lại dưới dạng hình ảnh, những bài pháp thoại và những trang cập nhật có thể truy cứu trong vài phút ...đó là lý do tôi ao ước được viết lại cảm nghĩ của mình khi nghe lại bài pháp thoại tuyệt vời từ 6 năm về trước tại Tu Viện Quảng Đức. Kính xin niệm ân tất cả nhân duyên đã cho tôi có cơ hội này ....
17/02/2022(Xem: 7044)
Cháu tìm ra chút nhân duyên Trời cao biển rộng ngoại tìm ra không? Non xanh nước biếc phiêu bồng Về già ngoại vẫn đếm đong đi tìm Một đời bay mỏi cánh chim Nghiệp duyên ba nổi bảy chìm xang bang Lên non xuống biển tìm vàng Nhân duyên bắt được chỉ toàn đá rêu
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]