Susan Moon
THẾ LÀ GIÀ!
Thiền Quán Về Tuổi Già Với Chút Tự Trào Và Tự Hào
This Is Getting Old
Zen Thoughts on Aging with Humor and Dignity
Chuyển Ngữ:
Diệu Liên Lý Thu Linh, Diệu Ngộ Mỹ Thanh, Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam
Phần III:
Trong Cõi Tâm Linh
Chương 17: Tôi Chẳng Là Tôi Nữa
Tôi muốn chia sẻ với quý vị về sự đổ vỡ, sự muốn được chết đi, để cuối cùng quay về với bản ngã, và về việc tu tập theo Phật giáo đã vừa giúp tôi, vừa cản trở tôi trong cuộc hành trình khúc khuỷu này.
Dầu bị trầm cảm nặng, tôi đã không nhận mình có bệnh này trong suốt thời gian lúc bệnh, lúc khỏi. Tôi đã nghĩ bệnh trầm cảm chỉ dành để gọi những người đã hết sinh lực, suốt ngày chỉ nằm trong giường. Nhưng nỗi đau của tôi sắc nhọn như dao. Bức rứt cùng cực, tôi vật vã tìm một lối thoát. Nguyên nhân gần có thể là do sự chấm dứt đầy khó khăn, mệt mỏi của một mối quan hệ. Nguyên nhân sâu xa hơn, khó thấy được là những nỗi đau buồn, sợ hãi trong quá khứ, và những lý do khác mà tôi không biết được. Ở tuổi năm mươi mấy, tôi lại rơi vào hoàn cảnh bế tắc, không phải của người trưởng thành, mà vào sự vô vọng của một đứa trẻ hai tuổi.
Trầm cảm là một chứng bệnh cấm kỵ. Do đó, khi cảm thấy rất mệt mỏi, trầm uất, tôi vẫn đi làm, dầu hầu như không làm được gì cả. Trái lại, nếu như bị cảm cúm, đau đớn chỉ một phần nhỏ so với cái đau tôi đang chịu đựng, thì tôi đã cáo bệnh nghỉ ở nhà. Nhưng tôi không thể cáo bệnh khi “bị trầm cảm”. Có lần tôi đã vứt nguyên cả một tờ tạp chí tôi đang biên tập vào sọt rác điện tử, nhưng nghĩ rằng tôi đang lưu trữ nó. Sau đó tôi lại dọn sạch sọt rác đó. Hậu quả là tôi phải mướn một chuyên viên để tìm kiếm lại tạp chí đó trong sọt rác ảo (virtual garbage). Cuối cùng tôi tìm lại được hầu hết các bài vở. Nhưng chính bản thân mới là cái tôi muốn vứt vào sọt rác.
Cái đau nơi thân đã khó diễn tả, thì nỗi đau của tâm lại càng khó giải bày hơn. Tôi phải chịu đau đớn tận cùng trong từng phút giây, và điều tôi mong mỏi nhất là có thể thoát khỏi nó. Nỗi đau là trong tâm tưởng, mà tôi đã không và không thể nhận biết điều đó chỉ là trong tâm tưởng tôi. (Như đức Phật đã nói, “Đối với những ai, suy tưởng biết là suy tưởng, thì người đó được tự do…”) Tiếng nói trong đầu tôi lặp lại cái mà tôi cho là Chân Lý: rằng tôi hoàn toàn đơn độc, rằng tôi sẽ không bao giờ yêu ai hoặc được ai yêu, rằng “tôi” chẳng là gì cả.
Mỗi ngày tôi bỏ bao nhiêu thời gian để nói chuyện điện thoại. Một lần, trên chặng đường bốn mươi lăm phút lái xe từ nhà bạn trai về lại Berkeley, tôi đã phải dừng xe bên đường để gọi cho một người bạn từ điện thoại công cộng, có vậy tôi mới có thể lái tiếp đoạn đường còn lại, dù chỉ còn mười lăm phút nữa là đến nhà. Rất may là bạn tôi có ở nhà. “Tôi mới qua cầu Richmond”, tôi sụt sùi. “Tôi nghĩ là mình không hiện hữu. Thân tôi ở đây, nhưng không có ai trong đó hết”.
“Chị hiện hữu chứ,” cô bạn nói. “Làm thế nào tôi có thể thương yêu chị nếu như chị không hiện hữu? Đến ngay đi, chúng ta có thể đi dạo trên bến tàu Berkeley”.
Tôi đã phần nào hiểu được thế nào là có một chứng bịnh vô hình, giống như “lupus” (ban lặn), hoặc triệu chứng mệt mỏi thường xuyên. Ước gì tôi có thể đeo một tấm bảng ở cổ rằng -“Bề ngoài tôi bình thường, nhưng tôi đang bệnh đó!”- như thế mọi người không đòi hỏi tôi phải năng động. Tôi không ăn được - một triệu chứng phổ biến của bệnh trầm cảm. Vấn đề không chỉ là tôi không thèm ăn, mà ngay cả việc phải nhai cũng là điều không thể chịu đựng. Một mẩu bánh mì cũng đáng sợ vì nó có thể cản trở việc thở, mà chỉ việc thở không đã khó làm rồi. Chất lỏng thì còn dễ một chút. Giờ hình như tôi đã thoái hóa trở về giai đoạn khi tôi chưa mọc răng, khi tôi chỉ có thể ăn bằng cách bú mút. Vì thế giờ tôi uống sữa nóng với mật ong và trà hiệu Earl Grey. Tôi đã xuống ký rất nhiều, là điều tôi vẫn thường cố gắng làm khi tôi ‘bình thường’, nhưng giờ thì tôi quá nản lòng để vui mừng vì việc đó.
Giống như những người trầm cảm khác, tôi rất khó ngủ. Tôi bấu chặt vào gối, cầu cứu với những tấm màn treo cửa. Tôi uống thuốc ngủ - có khi chúng công hiệu, có khi không. Tôi không biết mình sinh hoạt như thế nào qua những đêm mất ngủ (hoặc cả ban ngày không ngủ) vì tôi không thể chống cự với nỗi sợ phải chú tâm vào bất cứ thứ gì.
Mỗi sáng thức dậy là điều kinh khủng nhất. Vì ngay giây phút mà ý thức quay về, thì nỗi đau cũng hiện diện. Trời ạ! Tôi phải sống thêm một ngày nữa.
Tôi không thích đi tắm vì không muốn trực diện với thân xác của mình. Cảm nhận chính da thịt của mình và tưởng tượng rằng chẳng có ai còn xúc chạm đến nó nữa thật là điều khó chấp nhận. Tốt hơn là tôi nên tự quấn mình trong nhiều lớp áo, bất kể là thời tiết thế nào, để da thịt tôi không cảm nhận sự cô đơn. Tôi nhớ đến một cô gái xanh xao sống cạnh nhà tôi vài năm trước. Cô ta bắt đầu mặc rất nhiều lớp quần áo - váy mặc ngoài quần, áo đầm chồng lên váy, sơ-mi dài chồng lên áo đầm, rồi thêm áo len, áo khoác dài, áo choàng, nón-vào giữa thời tiết mùa hè của Berkeley. Cuối cùng ba cô ta đến và mang cô ta vào bệnh viện tâm thần.
Một trong những điều tệ nhất của bệnh trầm cảm là người bệnh trở nên hoàn toàn đắm mình trong tự ngã. Tôi chỉ nghe người khác khi họ nói với tôi về tôi:giới thiệu cho tôi các bài thuốc, giải thích những giấc mơ của tôi, nói rằng họ yêu thương tôi.
Trong thời gian tôi bị trầm uất, một trong hai đứa con trai lớn của tôi bị tai nạn xe đạp nghiêm trọng, và sự lo lắng cho sức khỏe của con đã vực tôi dậy khỏi sự đắm chìm trong tự ngã được năm ngày, thời gian mà con tôi nằm viện.
Cả đêm tôi ngồi trên ghế cạnh giường bệnh của con, canh chừng không mệt mỏi cho con ngủ. Tôi đắp khăn ướt trên trán con. Tôi cầu nguyện với bất cứ ai đang lắng nghe, hứa điều mà tôi không thể thực hiện được: không để bị trầm uất nếu con tôi được bình phục.
Con tôi, với một chân bó kín bột, xuất viện về nhà tôi, vì nó cần được chăm sóc trong một thời gian. Đó là vào mùa hè - nó ngồi ở hiên sau của ngôi nhà nơi nó đã lớn lên, dưới ánh nắng, và tôi cọ lưng cho nó.
Một ngày kia khi tôi bước vào phòng khách nơi nó đang nằm đọc sách trên ghế trường kỷ. Nó buột miệng, “Trời ơi, có chuyện gì vậy? Mẹ nhìn giống như ma vậy!”
Miệng khô đắng với tâm trạng hoảng loạn, tôi thú nhận rằng tôi cần đi gặp bạn trai của mình; chúng tôi phải quyết định ngay lúc ấycó nên chia tay hay không. “Con nghĩ mẹ có nên tiếp tục với ông ta hay không?” Tôi hỏi.
Con trai tôi nhìn tôi với vẻ mặt tôi sẽ không bao giờ quên - cái nhìn trộn lẫn tuyệt vọng và thương yêu. “Con không biết làm thế nào để giúp mẹ nữa,” nó trả lời. “Con nghĩ mẹ không nên lái xe trong tâm trạng như bây giờ. Mẹ không thể ở nhà và chỉ là mẹ của con thôi sao?”
Nhưng tôi không thể. Tôi lái xe đi gặp người đàn ông đó, thôi thúc bởi một cảm giác khẩn trương phi lý, trong khi nét mặt bi thương của con trai vẫn đốt cháy tâm trí tôi.
Tôi từng là một hành giả tu tập thiền Phật giáo trong nhiều năm, và tôi đã nghĩ là công phu tu thiền sẽ giúp tôi được ổn định. Có gì dễ chịu hơn là bốn mươi phút trong thiền đường tĩnh lặng, quen thuộc, với mùi hương của những tấm đệm rơm? Nhưng công phu đó chẳng giúp tôi được gì. Đó là điều tôi muốn nói: đôi khi việc hành thiền còn làm cho mọi việc tệ hơn. Mấy con ma vương trong tâm tôi đã lợi dụng sự im lặng. Chúng không phải là ma quỷ thực sự, nhưng chúng không quan tâm đến việc mình là thật hay giả; chúng vẫn dày vò tôi.
Quý thầy Phật giáo khuyến khích tôi tiếp tục hành thiền. “Chỉ quán sát các vọng tưởng khởi lên”, họ nói, “rồi quán sát chúng biến mất”.
Khi tôi ngồi xuống gối thiền, đúng là các vọng tưởng có khởi lên, nhưng nếu chúng biến mất, thì chỉ để nhường chỗ cho những ý nghĩ đau đớn hơn xuất hiện. Tôi sẽ chết trong cô đơn.Và, như để sát thêm muối vào vết thương: Tôi là thiền sinh tệ nhất từ đó đến giờ.
Khi tôi tâm sự với một trong các vị thầy rằng tôi thất vọng vì việc tọa thiền không làm cho tôi cảm thấy thoải mái hơn, bà thầy nói, “Ta không tọa thiền để đượcđiều gì đó. Ta tọa thiền chỉ để tọa thiền. Nếu ta muốn tọa thiền để có cảm giác thoải mái hơn, điều này không thể xảy ra”. Nhưng chẳng phải đức Phật sáng tạo ra Phật giáo trước tiên là để diệt trừ khổ đau? Chẳng lẽ tất cả mọi người trong thiền đường thực sựra khỏi giường lúc năm giờ sáng mà không vì lý do đặc biệt nào sao?
Dầu vậy, tôi vẫn tiếp tục hành thiền, với hy vọng rằng nếu tôi đủ tinh tấn, tôi sẽ có được sự “đột phá” nào đó. Trong quá khứ, nhiều lúc ngồi trong thiền đường, tôi cũng đã trải nghiệm được việc quan sát thấy các vọng tưởng của tôi biến thành bột khô và bay đi. Vì thế tôi đã ghi tên dự khóa thiền dài ngày rohatsu sesshin, là một khóa tu thiền kéo dài một tuần vào đầu tháng Mười Hai để kỷ niệm ngày đức Phật thành đạo. Ngài đã ngồi dưới cội cây bồ đề và thệ nguyện sẽ không đứng lên cho đến khi Ngài khám phá ra chân lý. Đức Phật đã trải qua bảy ngày đêm. Tôi đã tham dự nhiều khóa thiền trước đó, nhưng lần này biết đâu đó sẽ là bảy ngày đêm của tôi.
Ngày đầu tiên thật khổ. Tôi đã khóc trong âm thầm, vì sợ làm phiền đến người khác. Ngày thứ hai còn tệ hơn nữa. Nước mắt, nước mũi tuôn trào trên mặt chảy xuống ngực. Tôi chán ghét bản thân. Không còn ai khác sẽ yêu thương tôi nữa!
“Hãy chú tâm trở về hơi thở”, quý thầy cô đã khuyên dạy tôi. Điều này cũng giống như nói với người đang trên đường đua, mà đôi cánh tay đã bị tháo rời khỏi khớp vai, đếm hơi thở.
Nhưng tôi đâu có đang ở trên đường đua. Tôi đang ở trong thiền đường quen thuộc. Quanh tôi là các đạo hữu, tay đang bắt ấn rất oai nghi. Còn tôi, để bắt ấn, tôi bấu các móng tay của bàn tay trái vào lòng bàn tay phải, cảm thấy nhẹ nhõm với cái đau thể xác, chứng cứ tạm bợ của sự hiện hữu của tôi.
Vào ngày thứ ba, trong giờ nghỉ, tôi lẻn ra điện thoại công cộng ở cuối đường để gọi cho em gái tôi ở Philadelphia. Trong tiếng nấc nghẹn ngào, tôi nói với em là tôi không biết mình là ai nữa. Cuối cùng dầu những lời khẳng định của em không thực sự thuyết phục tôi, nhưng được nghe giọng nói của em cũng đã phần nào an ủi được tôi.
Ngày thứ tư cũng không khá hơn. Khoảng cách giữa tôi và hai người ngồi bên cạnh dường như vô tận, dầu trong thế ngồi bán già, đầu gối của họ chỉ cách tôi trong gang tấc. Tôi đang nghĩ đến người đàn ông cuối cùng cũng bỏ rơi tôi.
Tôi chẳng là ai cả, tôi nghĩ. Thực sự là chẳng có ai ở đây cả. Tính chất vô ngã được coi là trọng tâm của thiền định, vậy mà không hiểu bằng cách nào đó tôi đã đi sai hướng. Trong khi bao áp lực không tên dồn nén trong tôi, thì mọi người chung quanh vẫn an nhiên tĩnh tọa. Tôi không thể trụ được thêm giây phút nào nữa - tôi đã ra về mà không xin phép qua vị thiền chủ.
Lái xe rời thiền đường, một mình trong xe, tôi đã hét lên: “Đây là ngày tệ hại nhất trong đời tôi!” (Nhưng rồi còn có những ngày khác sau đó, tôi sẽ phải nói: “Không đúng, ngày nàycòn tệ hơn nữa”).
Tôi lái xe đến Công Viên Tilden, đi bách bộ trong rừng, nơi không ai có thể nhìn thấy tôi. Tôi la hét, kéo tóc tai mình. Tôi nằm xuống đất, rồi để mình lăn xuống đồi, mặc cho các bụi rậm đâm móc, cày xước tôi. Tôi thích để các lá cây vương trên tóc tai, áo quần. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình có mặt. Tôi lượm một cành cây gãy từ cây thông đỏ, và bắt đầu tự đánh vào lưng mình. Cái đau thể xác dễ chịu đựng hơn là cái đau tinh thần đang bị nó xô đẩy qua một bên.
Nhưng rồi tôi cảm thấy sợ hãi chính mình. Sao tôi lại bỏ buổi chiều hành thiền mà đến đây tự đánh đập mình với các nhánh cây trong rừng? Làm thế nào mà việc này có thể xảy ra?
Tôi vuốt sạch lá cây trên tóc, rồi trở về nhà. Sáng hôm sau, ngày thứ năm, tôi đã gọi trung tâm Thiền và báo rằng tôi không được khỏe - nếu có sự đánh giá nào, thì đó là lời nói cho nhẹ bớt - và không thể tham dự trong những ngày còn lại của khóa thiền. Tôi đã không hành thiền hàng tháng trời sau đó.
Tôi nghĩ là tôi đã thất bại trong việc tu tập của mình - công phu của hàng chục năm! - và đau xót thất vọng với bản thân. Mãi sau này, sau khi bệnh trầm cảm đã giảm bớt, tôi mới nhìn thấy những tiến bộ của mình. Quyết định không hành thiền là chọn lựa không để bị giáo điều điều khiển mình, là từ bi với bản thân, là tự điều tiết sự tu tập tâm linh của mình.
Phật giáo đã thuyết rằng chúng ta không có “một cái ngã cố định”. Không có gì thường hằng ở nơi tôi. Trong lúc bệnh trầm cảm, tôi thực sự không phải là ‘tôi’. Dường như tôi hoàn toàn không có ngã, dưới một khía cạnh nào đó, điều này có vẻ châm biếm một cách cay độc thuyết lý trọng tâm này của Phật giáo. Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng người ta sẽ không cảm thấy đau đớn khi không có ngã, vì không có ngã, thì ai ở đó để cảm nhận sự đau đớn? Vậy mà nỗi đau vẫn không thể chịu đựng nổi. Giống như một con búp bê đã được lên dây cót, tôi cử động một cách cứng nhắc qua các chuyển động của Sue Moon, nhưng không có ai ở đó, không có sự sống - chỉ có năng lượng của pin đang thải ra.
Tôi trở nên giận dữ đối với Phật giáo: Quý vị đã dạy tôi rằng không có một cái ngã cố định, và tôi tin quý vị, nhưng xem nó đã đưa tôi đến đâu!Tôi chỉ nắm bắt được phần dương (yang) nhưng không có phần âm (yin) - chân lý cân bằng cho rằng không có sự tách biệt. Tôi không thể kéo dài như thế này mãi; tôi đang dằn xé từng sợi đời tôi. Một buổi chiều kia, khi tôi đang khóc lóc với một người bạn trên điện thoại, huyên thuyên về sự điên rồ quen thuộc của tôi, cô bỗng hét lên với tôi: “Dừng lại đi! Chị phải tự cứu đời mình! Chị phải tự làm điều đó! Không ai khác ngoài chị có thể cứu lấy mình. Chị có thểlàm được mà! Chỉ cần chị can đảm lên. Chỉ cần có thế thôi”. Đó là một cú điện thoại quan trọng: người bạn đã thúc đẩy tôi tìm ra nhánh cây can đảm, và tôi đã bấu víu vào đó bằng cách nhắc nhở bản thân về những lời người bạn đã nói.
Tuy nhiên, sự trầm uất vẫn tiếp tục, cuối cùng tôi quyết định dùng đến thuốc chữa. Tôi phải vượt qua rất nhiều chướng ngại. Tôi nghĩ là sự bất hạnh của mình do hai nguyên nhân: những hoàn cảnh tiêu cực ở thế giới bên ngoài, là điều mà thuốc chống trầm cảm rõ ràng không thể chữa trị được, và những quan điểm tiêu cực ở trong đầu, là điều mà tôi nghĩ là tu tập theo Phật giáo sẽ giúp được tôi. Vì suy cho cùng, các tăng sĩ thời xa xưa đã sinh tồn mà không cần đến thuốc chống trầm cảm.
Nhưng tôi phải làm điều gì đó khác hơn để cứu cuộc đời của mình, như bạn tôi đã nói, và thuốc chữa bệnh là thứ mà tôi chưa thử qua. Tôi tham vấn với một nhà tâm lý học, và ông đã kê toa cho tôi một loại thuốc chống trầm cảm thông thường. Tôi uống thuốc được khoảng một tuần, và cảm thấy còn tệ hại hơn, dầu một tuần trước đó tôi đã nghĩ là không thể nào có chuyện tệ hại hơn. Nhà tâm lý học bảo tôi ngưng loại thuốc đó và thử dùng một loại khác. Chỉ sau đôi ngày sử dụng là tôi đã thấy thuốc có công hiệu. Tôi không cảm thấy buồn ngủ; mà cảm thấy như có một lớp sương mù dầy đang nâng tôi lên.
Loại thuốc trầm cảm tôi đang sử dụng nhắm đến những người bị hoang tưởng ám ảnh, và dường như tôi là một trong những người này. Loại thuốc này làm được điều mà thiền không thể làm được - nó làm dịu bớt được những tiếng nói trong đầu tôi rằng: “Tôi thất bại. Tôi không là gì cả”. Dầu nó không hoàn toàn dập tắt được chúng, nhưng chúng không còn la hét, và đôi khi tôi cũng có thể gạt chúng qua một bên.
Đối với các vị tu sĩ thời cổ xưa, giờ tôi tự hỏi không biết có ai trong số họ để cho cuộc sống của mình qua đi trong khốn khổ, và không biết có ai đã rời bỏ tu viện chỉ vì họ không thể chú tâm thiền định. Lịch sử Phật giáo không nói cho chúng ta biết về những người đã tu tập nhưng không thành công, những người bị rối loạn không thể tập trung hay bệnh trầm cảm.
Một ngày kia, một cách tình cờ, tôi ghi tên học lớp chụp ảnh cho người mới bắt đầu, mà không nghĩ chi nhiều về điều đó. Có lẽ một trực giác thâm sâu đã báo với tôi rằng đây có thể là một cánh cửa khác giúp tôi thoát khỏi sự khổ sở của mình. Tôi là một nhà văn, nhưng chữ nghĩa dường như đã bỏ tôi trong những lúc ngặt nghèo. Chụp ảnh đòi hỏi tôi phải nhìn ra bên ngoài. Không cần biết là tôi có cái ngã hay không, đèn chụp ảnh vẫn rực sáng, vẫn nổi bật lên mọi bề mặt, tựa như một tu sĩ Tây Tạng đang nhoài mình lễ lạy. Thế giới như mở ra cho tôi, không một lời, qua máy ảnh của tôi. Tôi như thăng hoa khi bức ảnh đầu tiên của tôi chìm trong ánh sáng đỏ trong phòng tối ở trung tâm nghệ thuật cộng đồng: mấy đứa cháu gái của tôi, một đứa lớn, một đứa nhỏ, đứng ở cửa bếp trong ánh nắng, đang mỉm cười. Tôi không cần phải hiểu bản thân. Tôi không phải làm gì cả. Chiếc máy ảnh dẫn dắt tôi đến với những vẻ đẹp tự nhiên. Học được một khả năng mới khiến tôi cảm thấy như sống lại.
Tôi cũng học tự tin vào bản thân. Sử dụng thuốc chống trầm cảm và ngưng không hành thiền nữa là những hành động tự tin vào bản thân. Cho nên, tôi cũng tập kiến tạo sự thực hành tâm linh cho riêng mình.
Mỗi sáng, ngay khi vừa rời khỏi giường, tôi đốt nến trên chiếc bàn thờ nhỏ của mình, rồi dâng hương. Tôi lễ ba lạy, rồi đứng trước bàn thờ, hai tay chấp vào nhau, tôi đọc to bài kinh nguyện buổi sáng, bắt đầu với một bài cầu kinh của trẻ mà một người bạn Công giáo đã dạy tôi:
Thánh thần, người bảo hộ yêu quý của con,
Qua người, Thượng Đế đã gửi tình thương yêu đến cho tôi,
Cho đến giờ người luôn ở cạnh tôi
Để bảo vệ, trông nom, để dẫn dắt và dạy bảo.
Thật dễ chịu để yêu cầu người khác, ai đó chứ không phải bản thân tôi, giúp tôi. Nghi thức cầu nguyện, theo như tôi biết, là điều mà tôi không thấy trong môn phái Thiền, nên tôi mang từ Công giáo, và các truyền thống Phật giáo khác sang. Tôi cầu nguyện đến ngài Tara, vị nữ thần của lòng từ bi Tây Tạng, để ngài bay từ trên cao xuống, xanh rờn và rực sáng, vào trái tim tôi. Tôi cầu nguyện đến Prajna Paramita (Bát Nhã Ba La Mật), mẹ của tất cả chư Phật, người mà theo kinh Bát Nhã đã dạy chúng ta, “mang ánh sáng đến để ta từ bỏ sự sợ hãi, lo lắng, phá tan bóng tối, sự âm u của ảo tưởng”.
Sau đó tôi lớn tiếng nguyện nương trú vào Phật, Pháp và Tăng, dầu tôi có cảm nhận được gì hay không.
Việc tôi tự sắp xếp cách tu tập này cho bản thân, đem lại cho tôi nhiều tự tin. Khói nhang mỗi sáng sớm, dầu mong manh, bay bổng, cũng tạo cho tôi được cảm giác của sự tiếp nối trong cuộc sống. Suy cho cùng, chúng cũng là những ngày tháng trong cùng một cuộc đời. Cuộc đời của một người - là tôi. Giờ tôi có thể nói điều này: có những lúc trong cuộc sống khi không có gì có thể giúp được bạn, khi bạn chỉ phải cảm thấy khổ sở trong một lúc nào đó thì tất cả những gì bạn có thể làm được là chịu đựng sự đau khổ, cho đến khi nó qua đi. Trong một chừng mực nào đó, khi bạn phải rơi xuống tận vực sâu, thì đó cũng là một món quà, dầu lúc đó bạn sẽ không thể coi đó là món quà. Nếu bạn nằm trên cỏ, thì đó không thể coi là đã rơi xuống.
Trong Thiền có câu nói rằng “hỏi và đáp đi đôi với nhau”. Có lẽ sự cầu nguyện cũng giống như thế đó. Trong sự cầu nguyện đã có sự đáp ứng, vì khi ta hỏi thì dường như câu trả lời đã có ở đâu đó rồi. Cũng không cần thời gian chờ đợi. Ngay giây phút bạn cầu nguyện, bạn đã nhận được sự đáp ứng, dầu có thể đó không phải là sự giúp đỡ mà bạn cần.
Có lần, trong tuyệt vọng, tôi gọi cho thiền sư Reb Anderson, và ông đã đến Berkeley để gặp tôi. Chúng tôi ngồi trên băng ghế trong công viên trong khu vui chơi của trẻ em, và ông đã nói với tôi, “Pháp (universe) đã bảo vệ cho cô rồi”. Tôi đã lặp đi lặp lại câu chú này: “Pháp đã bảo vệ tôi rồi”.
Một bước ngoặt đã xảy ra vào cuối một mùa hè oi nồng khi tôi đang thăm viếng bè bạn ở Cape Cod. Vào một buổi xế chiều tôi một mình, đi chân trần xuống biển, dầm nước biển mặn. Không có ai ở đó, nên tôi đã cởi bỏ đồ tắm để trầm mình xuống tắm. Tôi lội, lội mãi, cảm nhận được làn nước chan hòa trên khắp thân tôi. Tất cả đều ướt đẫm, không có chỗ nào khô ráo. Tôi không còn sợ một mình đối mặt với da thịt của mình, vì tôi không một mình; không có gì, kể cả một tế bào, ở giữa tôi và vũ trụ còn lại. Tôi làm một cú nhào lộn và ngước nhìn lên màn nước sáng chiếu bên trên tôi. Đầu tôi trồi lên trong ánh sáng, tôi hít thở không khí và tôi biết rằng tôi sẽ bình an. Không, không phải là sẽ, mà đã như thế rồi: tôi đã hồi sinh.
Giờ đây, sau nhiều năm thoát khỏi sự cô đơn, tôi vẫn không hiểu tại sao lúc đó tôi phải khổ sở đến vậy, hay tại sao mà tôi dừng lại được. Tôi không trách mình vì sự khổ đau mà cũng không cho mình giỏi vì sự chấm dứt khổ đau.
Tôi ngồi trở lại - ý tôi là tọa thiền - nhưng không nhiều như lúc trước. Tôi cũng thực hành lễ lạy, tụng kinh và cầu nguyện. Tôi đã ngưng không uống thuốc chống trầm cảm nữa, dầu nếu thấy cần, tôi vẫn có thể quay lại dùng nó mà không cảm thấy ái ngại gì.
Tôi thực hành tâm nghi hoặc. Nghi nghe không có vẻ giống như một đặc tính tâm linh mấy, nhưng tôi muốn nó là thế. Sinh ra làm người để làm gì? Thân bọc trong một lớp da riêng biệt có ý nghĩa gì? Có nhiều phương cách để thoát ra khỏi ảo tưởng của sự tách biệt không, ngoài việc có bạn trai - thí dụ như là viết lách, bơi lội. Và còn có các nghiên cứu về cuộc sống của con người. Bạn có thể gọi đó là Phật Pháp (Buddhadharma) hoặc bạn có thể gọi nó bằng một tên khác - điều đó không quan trọng.
Giờ tôi muốn thú nhận rằng tôi đã tọa thiền vì một mục đích: tôi muốn biết tôi là ai, nếu có là ai đó, thì tôi làm sao liên hệ với những người còn lại. Đúng, tôi muốn dừng khổ đau, và tôi muốn giúp người khác cũng dừng khổ đau.
Tôi cũng đã đạt được ít nhiều lòng tự tin vì đã sống sót qua những tháng năm khủng khiếp đó, và càng lớn tuổi, tôi càng thấy dễ dàng để nghe theo một lời khuyên rất hay mà tôi thấy họ dán sau đuôi xe: “Đừng tin vào tất cả những điều bạn nghĩ”.
Đó là sự vững chãi trong tuổi già.
* * *