Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 05: Xương Già

14/11/201215:24(Xem: 9049)
Chương 05: Xương Già

Susan Moon

THẾ LÀ GIÀ!
Thiền Quán Về Tuổi Già Với Chút Tự Trào Và Tự Hào
This Is Getting Old
Zen Thoughts on Aging with Humor and Dignity
Chuyển Ngữ:
Diệu Liên Lý Thu Linh, Diệu Ngộ Mỹ Thanh, Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam

Phần I:
Những Vết Rạn Trên Thân Tâm

Chương 5: Xương Già

Tôi dẫn đứa cháu nội gần ba tuổi ra chơi công viên, và cô bé bò lên cầu trượt trên hai tay và đầu gối.

“Giờ Nộilàm đi, Nội”, nó nói.

Nộikhông làm được”, tôi nói với cô bé. “Đầu gối Nội già rồi, không trèo lên cầu trượt được”.

“Cố lên Nội! Nội làm thử đi mà!”

Nhưng tôi không thử. “Nội xin lỗi Paloma, nhưng gối Nội yếu lắm”.

Ngày hôm sau tôi dẫn Paloma lên lầu để tắm. “Bồng con đi, Nội, được không?” cô bé nài nỉ.

Tôi không thấy khỏe. “Con đi được mà”, tôi nói. “Nội sẽ nắm tay con”.

“Con không đi được”, nó nói. “Chân con già rồi!”

Càng lớn tuổi, xương cốt tôi cũng già đi, yếu đi. Tôi bị loãng xương ở phía dưới lưng. Chứng bệnh đó di truyền trong gia đình tôi. Mẹ tôi bị lùn đi khoảng năm tấc vì bệnh đó, và tôi đã bị mất gần hai tấc, nhưng tôi không bị đau đớn gì, nên nếu không đi làm xét nghiệm xương thì tôi không thể biết về điều đó.

Bệnh khớp ở gối và hai ngón tay cái thì gây khó chịu hơn. Ít nhất là tôi không thể mở các chai lọ dễ dàng nữa vì bị đau khớp các ngón tay. Và điều này có thể gây trở ngại khi tôi chỉ có một mình với hũ mứt dâu đã được hút chân không chặt kín. Một người bạn đã tặng tôi một thứ rất diệu kỳ mà tôi không biết gọi là gì, giống như cái đồ đựng nồi, một bên cạnh bọc cao su, rất có công hiệu trong việc mở các chai lọ, nhưng đôi khi nó cũng thất bại, mà nếu lúc đó không có ai khác ở nhà, thì tôi đành ăn sáng mà không có mứt dâu. Còn đầu gối tôi thì chúng không thích đi lên hay xuống dốc, chúng không thích tôi tập yoga trong tư thế của một chiến binh (warrior pose), và tôi không còn có thể ngồi chồm hổm nữa, khiến cho đôi khi cần, tôi không thể ngồi xuống tiểu trong rừng cây. Còn nhảy lò cò thì không cần phải nói nữa rồi.

Cũng có thể nói, cuộc sống dường như thú vị hơn khi có những vấn đề nho nhỏ như thế này để quan tâm. Việc chăm sóc bản thân trở nên là một công việc phức tạp hơn, nên nó giúp ta mài dũa các khả năng giải quyết vấn đề. Hai đầu gối lên tiếng là tôi phải đáp ứng ngay. Mấy lóng xương già dường như mang lại cho tôi chút tình cảm thân thuộc. Không phải là tôi cần những thứ như tay nắm, hay những cột vịn đi bộ, mà là hai đầu gối của tôi; tôi phải lo cho chúng, vì chúng tôi là người trong gia đình mà.

Suốt đời chưa bao giờ tìm hiểu về xương trên mạng, nên giờ tôi phải cố gắng tập làm cách nào để chăm sóc nó. Nhiều năm nay, tôi uống thuốc để giúp xương phát triển. Nhưng hơn một năm nay tôi đã thôi dùng thuốc, vì có những ảnh hưởng phụ nguy hiểm, và tôi đã tự hứa là sẽ chăm sóc xương tốt nhất bằng cách uống calci, vitamin D, và mỗi ngày, hay gần như mỗi ngày, tập thể lực - trong trường hợp của tôi, đó là đi bộ hay tập thể dục ở trung tâm Y. Sau một năm theo chương trình này, tôi đi xét nghiệm xương lại. Tôi rất hài lòng về mình khi kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng loãng xương của tôi không phát triển xấu thêm. Tôi là chương trình thử nghiệm của chính mình.

Trước đây tôi xem thường xương cốt mình, nhưng giờ tôi quan tâm đến chúng hơn. Tôi thấy chúng đúng là một sáng tạo tuyệt vời. Thí dụ, khi xương những người trẻ đang tăng trưởng, các tế bào bồi đắp bên ngoài dọc theo các lóng xương, trong khi đó các tế bào bên trong bị loại trừ bớt, để mở rộng ống xương chứa tủy, theo một hoạch đồ thiết kế phức tạp. Năm tôi khoảng mười hai tuổi, xương chân tôi tăng trưởng quá nhanh đến độ tôi đau chân kinh khủng. Mẹ tôi gọi chúng là “những nỗi đau để lớn”. Cả hai con trai của tôi đều bị đau chân trong thời kỳ phát triển tuổi thiếu niên.

Nhưng giờ tôi co rút lại. Dưới lớp thịt nhão, xương cốt tôi co ngắn hơn, nhẹ hơn, nhiều lỗ hổng hơn trước đây, với những sự tăng trưởng ở chỗ này, chỗ kia, không theo đúng hoạch đồ đầu tiên. Nhưng dầu gì chúng cũng là xương chắc, tốt - những khớp và hốc, hốc mắt và dây chằn. Tôi thích những tên gọi khoa học của chúng: humerus (xương tay), tibia (xương chân), scapula (xương bả vai), fibula (xương mác).

Có lần khi Sandy, con trai tôi, đang ở tuổi thiếu niên, nó và tôi cùng đi dọc theo những con đường sắt hoang phế ở vùng quê và chúng tôi thấy ít xương khô - các đốt sống rời rạc của một động vật lớn nào đó. Có thể là nai - nằm giữa những thanh sắt. Chúng tôi lượm hết bỏ vào túi và mang về ca-bin nơi chúng tôi đang ở cuối tuần. Chúng tôi trải chúng ra trên bàn giống như những mảnh của trò chơi ghép hình. Các mảnh xương rỗng tròn có những nhánh chân nhỏ và những cánh vươn ra, và chúng kết nối lại với nhau một cách toàn hảo, giống như những chiếc ghế xếp chồng lên nhau. Chúng tôi thật thán phục kiểu mẫu, hình dáng thanh thoát của chúng, và chúng tôi có thể phân biệt được các phần khác nhau của xương sống nhờ vào kích thước của các cánh, và vào việc chúng có các vây lưng hay không. Thiếu một số xương. Chúng tôi lấy dây nhợ, kéo và biến những đốt xương này thành một chuỗi xương sống năng động, hài hòa trên một cây đinh sắt rỉ của đường ray xe lửa. Chúng tôi treo nó trong ca-bin của người bạn, sung sướng nhìn các đốt xương già lắc lư dưới ánh mặt trời. Bộ xương người trong phòng tập yoga chỗ tôi học thì không thiếu sót mảnh xương nào. Nó hoàn hảo đến độ giống như nó được làm từ một bộ dụng cụ học tập để giúp cho phương tiện nghe nhìn ở một lớp yoga, đến nỗi thật khó nhớ là nó đã từng đi đứng ở bên trong một con người nào đó. Tôi không biết là ai.

Trên bằng lái xe, dầu bạn có gạch chữ hiến xác, thì cũng không có nghĩa là bạn muốn hiến xương cốt mình cho một phòng tập yoga. Lúc đó đúng là bạn trần trụi giữa đám đông. Tuy nhiên, không ai biết đó là bạn trừ khi có tấm bảng bằng đồng nhỏ dán trên xương chậu có ghi tên bạn. Không ai có thể nhận ra bộ xương của bạn, dầu đó có là người bạn thân thiết nhất, dầu đó có là người tình suốt bao nhiêu năm tháng của bạn. 

Cũng lạ là bộ xương và đầu lâu là tượng trưng của thần chết, nhưng người sống cũng mang bộ xương đó trong người, và nó giúp chúng ta đứng vững suốt cuộc sống dài. Không có nó, chúng ta chỉ là một vũng nước trên sàn nhà. Tôi đoán bộ xương có nghĩa là chết vì ta không thể nhìn thấy bộ xương cho đến khi người ta chết, và da thịt đã rã tan.

Vào ngày lễ dành cho người chết ở Oaxaca, tôi nhìn thấy những bộ xương nhảy múa, những bộ xương bên bàn máy may, máy đánh chữ, những bộ xương cắt tóc các bộ xương khác trong một tiệm hớt tóc. Tôi mang về nhà hình cảnh một bộ xương bác sĩ đang hộ sinh một em bé, bộ xương từ người mẹ, bộ xương trong khi một bộ xương y tá đứng cạnh sẵn sàng giúp đỡ.

Bạn biết mình sẽ chết, nhưng không biết điều gì sẽ xảy ra cho bạn sau đó. Bạn cũng không biết điều gì sẽ xảy ra cho mình trước đó, ở tuổi già, và bạn cũng không thể kiểm soát điều đó. Một người bạn trẻ của tôi trong ngành y được dạy rằng tuổi sáu mươi là một bước ngoặt, và rằng cơ thể con người bình thường ở tuổi đó đang bước qua một lằn ranh, để bắt đầu thực sự hư hoại. Dĩ nhiên là các bác sĩ không nói điều này với bệnh nhân của họ, và dĩ nhiên ở mỗi cá nhân một khác, nhưng nói chung, tuổi sáu mươi có nhiều biến đổi quan trọng.

Hai con trai của tôi đã hứa đưa tôi đi dã ngoại ở Sierra như món quà cho sinh nhật tuổi sáu mươi của tôi. Khi hai đứa còn nhỏ, tôi thường đưa chúng đi cắm trại và dã ngoại, lần này thì chúng là người chu cấp và hướng dẫn của tôi. Chỉ lời hứa thôi cũng là một trong những món quà tốt đẹp nhất mà tôi từng nhận lãnh, nói chi đến chuyến đi thực sự. Mấy tháng trước khi đi, tôi tập luyện thêm thật nhiều ở phòng tập thể dục. Tôi sắp đặt một số buổi tập với huấn luyện viên cá nhân, người bắt tôi tập leo những bước thang trồi sụt theo từng bước chân một cách không thương xót, rồi bước lên bước xuống những chiếc thùng plastic màu tím để giúp bắp chân tôi cứng chắc mà trèo núi.

Hai cậu con trai của tôi đã vẽ đường đi, xin giấy phép, mướn lều, dự tính thực đơn và mua thức ăn. Đến ngày đã hẹn, Sandy và tôi cùng lái xe từ vùng Bay Area[1], còn Noah thì lái từ Los Angeles[2]để gặp nhau tại điểm hẹn trong thị trấn Bishop, phía đông của Sierra. Tôi rất phấn khởi khi quẹo xe vào chỗ đậu của hạt kiểm lâm và thấy chiếc Toyota màu xanh của Noah lung linh dưới sức nóng của tháng Tám. Chúng tôi gặp Noah ở bên trong, cậu ta cũng vừa đến khoảng mười lăm phút trước, và đang xem những quyển sách về hoa. Chúng tôi lấy giấy phép đốt lửa trại và mướn những ống xi-lanh đựng đồ ăn chống gấu, và ở giây phút cuối cùng đó, trước khi dấn bước theo những lối mòn nhỏ, tôi nghe theo lời gợi ý của Sandy nên mua một cặp gậy leo núi. Tôi cũng mua, một cách bốc đồng, một cuốn sách nhỏ về Hiến Pháp của Mỹ được xếp đặt một cách đập mắt ngay cạnh quầy tính tiền. Khoảng thời gian này thuộc thời tổng thống George W.Bush, khi Hiến pháp đang được sửa chữa, nên tôi nghĩ biết đâu nó sẽ có ích sau này, nếu không phải bây giờ ở High Sierra đây.

Lúc ban đầu chân tôi rất khỏe. Chúng tôi trèo dốc cao và mỗi ngày đều chuyển lều đi một chỗ khác. Tôi bước chậm và tự tạo ra những khúc quanh ngắn khi đường khá dốc. Đôi khi sau một lúc trèo dốc, các cơ bắp tôi như nhũn ra, nhưng tôi cũng bám trụ được. Hai đứa con trai cao lớn của tôi đeo các túi nặng và tử tế đi chậm bước chờ tôi, nói rằng chúng cũng muốn đi như thế. Dọc đường, chúng tôi bơi lội trong những hồ nước nhỏ, thưởng thức hoa cỏ, và ngắm những đám mây lướt nhanh qua các ngọn núi. Chúng tôi hầu như không thấy ai khác; hầu hết thời gian con đường như chỉ dành cho ba chúng tôi. Mà không chỉ có con đường. Chúng tôi còn có cả vũ trụ, mênh mông ngút mắt nhìn, thật bát ngát, và giờ này tôi không còn muốn có ai bên cạnh. 

Các cơ bắp đã được nắn gân đưa tôi với ba-lô lên cao tận đèo Paiute, ở độ cao hơn ba ngàn sáu trăm mét so với mực nước biển. Vào ngày thứ ba chúng tôi tìm được một cánh đồng đầy cây núi nhỏ giả, được che chắn khỏi gió bởi những phiến đá gra-nít, cạnh hạ nguồn hồ Desolation. Sau khi căng lều, Noah và Sandy đi khám phá phía thượng nguồn của hồ Desolation, còn tôi ở lại, ngã lưng trên cỏ, bao quanh là những cây hoa kim sa vàng rực, để cho ánh nắng mặt trời buổi chiều thấm vào hai đầu gối đau buốt của tôi. Tiếng kêu kỳ lạ của con mam-muốt (mammot) dội vào vách núi ở phía trên. Cả ngày nay tôi đã vận dụng xương cốt chống lại trọng lực, giờ chúng được nằm dài trên núi; những lóng xương dài thẳng đứng giờ nằm ngang, và trọng lực dễ dàng đón nhận chúng. Tôi ngủ một giấc ngắn.

Hôm sau đó chúng tôi quay về lại đèo Paiute. Chúng tôi dừng chân để ngoái nhìn lại mặt hồ, màu xám thiếc dưới bầu trời đe dọa một cơn mưa, tôi tranh thủ đặt máy hình ngay ngắn trên một phiến đá để chụp cả ba chúng tôi, tươi cười, bá vai nhau, choáng váng trong không gian bao la đó. Trước khi chúng tôi quay về, tôi nhìn thật kỹ cái chỗ trũng rộng lớn mà các ngọn núi tạo thành, ghi hình ảnh đó vào trong tâm, thứ hình ảnh mà bạn không thể ghi lại bằng máy ảnh, thứ hình ảnh có mùi của gió trong đó, và sự nhẹ nhõm của đôi vai khi bạn giải thoát chúng khỏi gánh nặng của túi đeo. Tôi biết là có thể tôi chẳng bao giờ được nhìn lại cảnh này nữa.

Tôi rất biết ơn hai cây gậy chống - hai đầu gối tôi cần tất cả mọi sự trợ giúp mà chúng có thể có vì giờ là lúc chúng tôi bắt đầu xuống dốc. Noah và Sandy đã lấy bớt từ túi đeo của tôi những thứ đồ lỉnh kỉnh mà tôi vẫn còn mang theo, cùng với máy ảnh, thuốc chống nắng và pin dự trữ của đèn bấm. Ba-lô của tên nào cũng nặng gấp đôi của tôi. 

Xế chiều, khi chúng tôi vẫn còn đi xuống con dốc đá sâu thẳm, tuyết bắt đầu rơi. Không có chỗ nào bằng phẳng để dựng lều, nên chúng tôi phải tiếp tục đi xuống, trong khi tuyết lạnh vẫn rơi, và bầu trời trở nên tối đen. Chúng tôi vội vã một cách chậm chạp - những bước chân của tôi cũng ngắn lại vì hai đầu gối tôi đau hơn, và lối đi trở nên trơn trợt. Tôi khiến hai đứa con phải chậm lại, nhưng chúng không làm tôi phải áy náy; vì chúng rất kiên nhẫn, chốc chốc lại hỏi tôi có làm sao không. Ngoài ra chúng tôi hầu như im lặng, dốc hết sự chú tâm vào con đường đi. Chúng tôi nôn nóng dựng được lều trước khi trời tối. 

May thay ngay trước hoàng hôn, chúng tôi đến một cánh đồng đá, và với những ngón tay tê cóng, chúng tôi dựng lều trên một khoảnh đất bằng không có quá nhiều đá cục chỏi vào lưng. Lúc lều được dựng xong thì chúng tôi cũng đã ướt lạnh và đói, trời sắp tối hẳn mà tuyết vẫn rơi. Chúng tôi mang túi xách vào trong lều, thay đồ khô, nhưng sau đó chúng tôi cảm thấy nước bì bõm dưới chân. Thì ra chỗ chúng tôi dựng lều không có nơi thoát nước, nên giờ nó đã giống như một cái hồ nhỏ chứa nước tuyết tan. Tất cả chúng tôi lại phải chui ra khỏi lều, trong khi Noah đào một rãnh nhỏ chung quanh lều với cái bay bằng plastic mà chúng tôi mang theo để đào những hố đi vệ sinh. Còn Sandy thì đi tìm một chỗ che chắn nào đó mà nó có thể nghĩ ra dưới những lùm cây thông gần đó để đun nước nóng cho món nui phô-mai đã đông cứng của chúng tôi. Tôi thì cầm đèn bấm để soi cho nó.

Tôi suy nghĩ: Không biết chúng tôi sẽ phải làm gì nếu gió bão giữa khuya thổi căn lều bay đi, và chúng tôi phải chết vì bị giảm thân nhiệt? Hoặc bão tuyết sẽ dày đến độ chúng tôi không thể đi ra ngoài mấy ngày trời? Hay là chúng tôi không thể tìm được đường xuống trong tuyết và đi lạc? Nhưng tôi không nói lên điều mình suy nghĩ.

“Buổi tối đã sẵn sàng”, Sandy nói. “Con đã đặt một bàn tiệc cho ba người”.

Không thể nói là chúng tôi ăn buổi tối ngon lành, nhưng chúng tôi đã cùng đứng bên nhau dưới các lùm cây, hăm hở múc những muỗng súp nóng ra khỏi mấy cái ly Sierra của mình - đây chính là những chiếc ly vẫn còn vết khắc mấy cái tên Dân Tộc Da đỏ Yahi trong chuyến đi cắm trại do trường tổ chức năm Noah học lớp Năm, hai mươi lăm năm về trước, và tôi đi với tư cách phụ tá các phụ huynh - với hai đầu gối vẫn còn có thể bò trườn trên cát đá với lũ trẻ - và Sandy đi với tư cách là em trai. Theo trên ly, thì chúng tôi có tên là Tetna, Siwin và Wakara: nghĩa là Gấu, Thông, và Trăng Tròn.

Sau buổi tối, chúng tôi chỉ còn mỗi việc là chui tọt vào lều, chun vô mấy chiếc túi ngủ, và cố giữ cho ấm. Lúc đó là tám giờ tối, giữa tháng Tám, và đêm sẽ rất dài trước khi trời sáng. Giá mà chúng tôi có mang theo bộ bài để chơi, nhưng chúng tôi không tiên liệu được hoàn cảnh của mình. Chúng tôi chỉ có một thứ có thể dùng để giải trí trong lều là bảng Hiến Pháp Mỹ, nên trong khi bên ngoài tuyết vẫn rơi, vẫn chảy xuống bên hông lều, thì chúng tôi đố nhau về luật Quyền Con Người.

Ngày hôm sau lúc chúng tôi trở xuống xe cũng là lúc đầu gối phải của tôi kêu đau trong từng bước chân, và cả hai bàn chân đều đau đớn do phồng rợp. Nhưng tôi hoàn toàn hạnh phúc.

Từ bấy đến nay đã hơn năm năm, và đó đúng là chuyến phiêu lưu cuối cùng trong cuộc đời tôi. Những mũi thuốc cortisone chữa lành được hai gót chân phồng của tôi, còn bệnh khớp của gối ngày càng tệ hơn. Nhưng bệnh khớp thì thường là thế. Mà tại sao không là thế chứ? Khi công việc của chúng thật nặng nhọc nào là mang người ta đi lên, đi xuống núi, lên xuống thang lầu trong bao năm tháng. Ít nhất là tôi đã chấm dứt những ngày đi dã ngoại của mình một cách vinh quang, hơn nữa tôi vẫn còn có thể xuống núi bằng cách cưỡi lừa hoặc bằng dây cáp treo.

Quá trình lão hóa đó luôn tiếp diễn, vì thế hãy buông bỏ những gì bạn không còn có thể làm được, và hướng đến việc làm những gì bạn còn có thể. Năm sáu mươi ba tuổi, tôi đã dự một lớp nhảy hip-hop ở câu lạc bộ Y, dành cho người mới bắt đầu. Cũng có đôi ba học viên đầu bạc khác trong lớp, nhưng tôi nghĩ mình là kẻ đầu bạc nhiều nhất. Lớp đó thật khó cho tôi, cả về thể lực lẫn tâm thần, và tôi có thể gần như cảm nhận được có những chuỗi phản ứng sinh hóa xuất hiện trong não bộ khi chúng tôi chuyển từ thế dậm chân sang quay tròn xoay tít.

Một ngày kia, ông thầy bảo chúng tôi chạy khắp phòng bằng những bước lướt dẫn dắt nhau. Lúc đứng ở cuối hàng tôi nghĩ là tôi ổn thôi, nhưng khi ông bảo chúng tôi xoay ngược lại, vậy là bỗng nhiên tôi lại thành đứng hàng đầu. Tôi lướt như điên nhưng cũng không thể dẫn dắt - tôi cản trở, làm cả hàng phải chậm lại. Ông thầy dẫn tôi đến một vị trí khác, đổi chỗ với một chàng thanh niên trẻ khỏe khác.

“Tốt nhất là bà đứng ở chỗ này”, thầy nói với tôi. Rồi, trước cả lớp học, ông nói, “Bà ấy nhảy giống như thế này!” và ông bắt chước tôi ngã sấp ngã ngửa trên sàn nhảy.

Lý ra tôi phải nói, “Này, ông đang nói đến người đã thắng giải phóng lao từ năm lớp bốn đấy!” Nhưng lạ lùng làm sao, tôi không hề để tâm đến sự chọc ghẹo của ông. Trong khoảng khắc tôi dường như bay ra khỏi thân thể khô cứng của mình, và trôi bồng bềnh bên ngoài trên những cánh cửa sổ cao của lớp học. Tôi nhìn xuống với lòng yêu thương cái xác sáu mươi ba tuổi, đang cố gắng học nhảy hip-hop, và tôi nhận thấy có điều gì đó thật buồn cười trong nỗ lực để khiến hai chân bắt chéo nhau nhanh chóng. Tôi tự an ủi mình đã cố gắng, nhưng sau đó tôi không trở lại lớp hip-hop đó nữa. Đã đến lúc phải buông bỏ điều đó.

Tôi vẫn còn sử dụng chính hai đầu gối già của mình, và cảm thấy trung thành với chúng, nhưng sau này tôi có thể cũng phải thay đầu gối mới, và tôi cảm ơn là tôi có được sự lựa chọn đó khi cần. Hiện tại thì dường như tôi vẫn có thể tiếp tục tham gia vào lớp học yoga thêm một thời gian nữa, và tôi với các cây gậy chống để đi vẫn còn tung tăng trên các ngọn đồi Berkeley. 

Mới đây Paloma cũng bắt chước tôi, dầu không phải là để chọc ghẹo như ông thầy hip-hop; mà qua giọng nói của cháu, tôi biết là cháu chỉ biểu lộ một sự quan sát thân thiện. Chúng tôi đang cùng đi dạo quẩn quanh để bắt mấy con bọ rùa, bỗng cháu nói, “Nội nhìn nè, con đang đi giống Nội nè”. Cháu làm điều bộ đi với chân thẳng đơ, hoàn toàn không cong đầu gối lại, giống như những con búp-bê gỗ vùng Appalachia đang đi xuống trên tấm ván nghiêng. Tôi khựng lại. Không lẽ cái dáng đi cứng đơ già nua của tôi lại lộ liễu như thế? Nhưng đối với Paloma thì không có gì sai với dáng đi đó; mà đó chỉ là cách tôi đi đứng.

* * *



[1]Bay Area: thuộc bắc tiểu bang California.

[2]Los Angeles: thành phố thuộc nam California.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/10/2014(Xem: 7556)
Có những gì cần phải sửa trong Kinh Phật hay không? Có những gì cần phải cắt bớt khỏi Kinh Phật, hay cần phải bổ túc thêm cho Kinh Phật hay không? Câu trả lời tất nhiên không dễ. Vì người xưa đã nói, nếu chấp vào nghĩa từng chữ một, có thể sẽ hiểu nhầm ý của Phật; nhưng nếu rời kinh một chữ, lại hệt như lời ma nói. Nguyên văn: Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan; ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết.
26/10/2014(Xem: 9053)
Gió mùa thu năm nay, trở nên khô khốc, ảnh hưởng bởi nạn hạn hán trầm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua ở xứ này. Nhưng đâu đó trên hành tinh, mưa thu lất phất bay, và gió thu se sắt gợi buồn; cũng có nơi mưa ngập cả các con lộ chính của thành phố lớn để người và xe cộ phải lội bì bõm trong giòng nước ngầu đục. Và chỗ nọ, chỗ kia, làn gió dân chủ, hòa bình, khơi niềm hứng cảm cho sự vươn dậy của ý thức tự do, khai phóng.
24/10/2014(Xem: 14222)
Một kỷ nguyên mới canh tân kỹ thuật đang lan tràn khắp thế giới và đang tiến đến trưởng thành, đó là mạng lưới thông tin toàn cầu internet (world wide web), một hệ thống truyền thông và môi trường học có sức mạnh. Không nên xem Internet chỉ là một phương tiện mới để truyền bá Giáo Pháp với một hình thức mới, mà Internet còn có tiềm năng là một căn cứ cho một cộng đồng Phật Giáo trên mạng (online) cống hiến những giá trị xã hội và tâm linh cho mọi người.
24/10/2014(Xem: 8153)
Chuyện kinh Phật kể rằng, tự ngàn xửa ngàn xưa, hằng hà sa kiếp trước, có con thỏ ngọc nọ thấy bầy đàn đang lúc giá rét cuối đông, chẳng kiếm được chút rau cỏ gì cho nguôi cơn đói bụng ; thỏ nọ liền “hưng khởi đại bi tâm” nhảy vào đám lửa đang cháy rực hồng, tự biến thân mình thành thịt nướng cho bầy đàn ăn đỡ đói. Khi bầy đàn thỏ no nê thì cũng là khi thân thỏ nọ chỉ còn sót lại mấy miểng xương đen. Phật biết đại bi tâm của thỏ từ đầu, bèn nhặt xương thỏ đem về cung quảng, phục sinh và đặt tên cho thỏ là NGỌC THỐ - có nghĩa là Thỏ Ngọc, một sinh thể có đại bi tâm quý như ngọc; thứ ngọc Phật từng nói đến trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Bấy giờ, cuộc đời thỏ ngọc ngày đêm yên ả nơi cung trăng, tự thân sớm hôm trau dồi công dung ngôn hạnh khiến biết bao người chung quanh nâng niu, thương yêu chiều chuộng.
23/10/2014(Xem: 12807)
“Phật pháp trong đời sống” của cư sĩ Tâm Diệu là tuyển tập về mười hai chuyên đề Phật học gắn liền với đời sống của người tại gia. Tuyển tập các bài viết này gồm ba mục đích chính: (i) Xóa bỏ mê tín dị đoan và các tập tục hủ lậu, (ii) Giới thiệu Phật pháp căn bản, giúp người đọc hiểu rõ các giá trị thiết thực của đạo Phật, (iii) Đính chính các ngộ nhận về các khái niệm thầy tu, giải thoát, giá trị trị liệu của thiền và bản chất hạnh phúc trong hiện tại. Dầu được viết trong nhiều thời điểm khác nhau cho nhiều đối tượng độc giả, tác giả chú trọng đến việc giới thiệu về hình thái đạo Phật nguyên chất, xây dựng niềm tin bằng lý trí, giới thiệu đạo Phật từ góc độ ứng dụng trong đời sống, so sánh những điểm dị biệt và sự vượt trội của đạo Phật đối với các truyền thống và tín ngưỡng khác.
23/10/2014(Xem: 8444)
Bằng cách này hay cách khác, Đức Phật luôn gợi nhắc cho chúng ta rằng mỗi người chúng ta đều sở hữu các khả năng và phẩm chất tốt đẹp, cần phải biết vận dụng và phát huy để làm cho cuộc sống trở nên giàu sang hiền thiện, tránh mọi khổ đau và để thực nghiệm hạnh phúc an lạc. Trong bài kinh Nghèo khổ thuộc Tăng Chi Bộ, Ngài đơn cử câu chuyện một người nghèo túng về của cải vật chất nhưng không biết cách nỗ lực khắc phục tình trạng nghèo khó của mình nên phải liên tiếp rơi vào các cảnh ngộ khó khăn để nhắc nhở chúng ta về các tai họa khổ đau mà chúng ta sẽ phải đối diện, nếu không biết nỗ lực nuôi dưỡng và phát huy các phẩm chất đạo đức và trí tuệ của mình.
23/10/2014(Xem: 10009)
Tục lệ, hay những lễ nghi đã trở thành thói quen, là văn hóa được ước định của một dân tộc. Sự hình thành tục lệ thường chịu ảnh hưởng của phong tục tập quán trong dân gian, hoặc do sự thực hành các tín ngưỡng tôn giáo lâu ngày của một cộng đồng. Sau khi truyền vào Trung Quốc, Phật giáo không chỉ đi sâu vào dân gian, hòa nhập với đời sống, từng bước hình thành nên một bộ quy phạm lễ nghi về “hôn táng hỷ khánh” (dựng vợ gả chồng, chôn cất người chết, thể hiện niềm vui, bày tỏ việc mừng); mà còn có tác dụng thay đổi phong tục đối với các thói quen dân gian mang đậm màu sắc mê tín trong các việc như: tổ chức hôn lễ rườm rà; đoán số mệnh dựa trên bát tự(1); miễn cưỡng tổ chức việc vui trong lúc gia đạo đang gặp rắc rối với mong muốn giải trừ vận xui, tà khí, chuyển nguy thành an, gọi là xung hỷ; thực hành tục minh hôn(2); duy trì lối khóc mộ; xem phong thủy…
23/10/2014(Xem: 9339)
Từ Thiện chỉ là Tu Phước, đó là cành lá hoa trái, nhưng Tu Huệ là gốc rễ , có chăm sóc cội gốc thì cây Bồ-Đề mới xanh tươi, đó là Phước Huệ song tu, là Tâm Hạnh của một vị Bồ-Tát, Một vị Phật tương lai, hiện tại phải Hành Bồ-Tát Đạo, Phục vụ chúng sinh là cúng dường Chư Phật, Bồ-Tát Giới thì cũng có Xuất gia và Tại Gia, Người con Phật phải luôn tưởng nhớ đến Tánh Phật vốn sẵn nơi chính Thân Tâm Ngũ Uẩn nầy, Người Tu Phật phải luôn nhìn lại chính mình, nếu hiểu được chính Thân Tâm mình, thì sẽ hiểu được người khác, (Tức Quán một Pháp thông, thì tất cả các Pháp đều thông) Người Giác Ngộ đối với Thân Tâm này, chỉ thấy là như hạt bụi, rời hơi thở rồi thì thiêu đốt thành tro, Muốn giải thoát Luân Hồi Sanh Tử, thì sống chấp nhận trả Nghiệp quá khứ, mà không tạo thêm Nghiệp tương lai, Bằng cách, nếu có người phiền não Ta, hay tức giận Ta, thì liền xin lỗi, đó là chấp nhận trả Nghiệp cũ, mà không tạo thêm nghiệp mới,
22/10/2014(Xem: 8330)
Tôi thường đeo một xâu chuỗi nhỏ ở tay, cũng nhiều năm rồi, như một sở thích, như một thói quen. Nhiều người thấy lạ thường hỏi, mang xâu chuỗi chi vậy? Tu hả? Cầu xin gì hả? Thường thì tôi chỉ cười thay câu trả lời vì cũng hơi rắc rối để giải thích.
21/10/2014(Xem: 8690)
Tôi may mắn có mặt trong buổi tối quý giá mà đông đảo Phật tử và thanh niên Hà Nội đã được học hỏi từ Sư bà Thích Nữ Giác Liên, một vị ni sư có 2 dòng máu Ấn – Việt, và là tác giả của cuốn “Đường về xứ Ấn”, tại nhà sách Thái Hà (119 C5 phố Tô Hiệu, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Sư bà Thích Nữ Giác Liên sống ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ đã 7 năm, đã đi giảng Pháp tại nhiều nước trên thế giới. Sư bà cũng là tác giả của nhiều bản đạo ca nổi tiếng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]