Susan Moon
THẾ LÀ GIÀ!
Thiền Quán Về Tuổi Già Với Chút Tự Trào Và Tự Hào
This Is Getting Old
Zen Thoughts on Aging with Humor and Dignity
Chuyển Ngữ:
Diệu Liên Lý Thu Linh, Diệu Ngộ Mỹ Thanh, Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam
Phần I:
Những Vết Rạn Trên Thân Tâm
Chương 4: Ống Thở
Vào một buổi chiều Chủ nhật, cuối tháng Chín, Alice, bà mẹ tám-mươi-tư tuổi của tôi, đi chơi với một người bạn già, mà bà thường gọi đùa là ‘bạn trai’, người thường đưa bà đi đây đi đó, sau khi bà không còn tự lái xe được nữa. Đi về hướng bắc phía ngoại thành của Chicago, xe họ lên dốc, đụng vào một chiếc xe chết máy đang đậu giữa đường.
Tuần Thứ Nhất
Khi tôi cúi xuống hôn mẹ ở bệnh viện, tôi thấy hai bàn tay bà sưng to để xuôi theo hai bên hông. Hơi thở bà hôi hám. Nhưng điều tệ hại nhất là một ống thở được thọc sâu trong cổ bà, là điều tôi biết bà không bao giờ thích. Cái ống thở màu xanh, bằng plastic, nhìn thật to rồng rắn từ máy thở, vào trong cái miệng bị buộc phải luôn mở. Vì cái ống đó, bà không thể nói được, nhưng bà nhìn tôi với một bên mắt mở, nhấp nháy như chào. Mắt còn lại, với mí mắt rũ xuống, giờ không hiểu tại sao, hoàn toàn không mở lên được. Chiếc áo ngủ xanh trắng của bệnh viện trễ xuống một bên vai, làm lộ một phần ngực, như thể là bà đã bỏ chạy và người đuổi theo đã nắm áo kéo lại. Tôi kéo áo lại cho mẹ, vén quanh vai bà.
Ở bên ngoài hành lang của phòng chăm sóc đặc biệt, Bác sĩ M. trao đổi với các chị em tôi - tất cả chúng tôi đều từ xa bay về. Bác sĩ M. khoảng tuổi bốn mươi, tóc đỏ, giọng ông ôn tồn dường như để mang lại sự bình lặng cho một hoàn cảnh không bình lặng chút nào. Chính ông là người đã lấy ra những mảnh xương gãy cho mẹ tôi khi bà được xe cấp cứu chở đến. Bác sĩ kể rằng khi vào phòng cấp cứu, mẹ tôi không những vẫn còn tỉnh mà còn tỏ ra rất khó chịu, và chúng tôi coi đó là một dấu hiệu tốt. Vị bác sĩ giải thích rằng mẹ tôi bị gãy mấy xương sườn, nứt xương đòn, xương cổ và một bên phổi bị dập nặng. Ông bảo nếu mẹ tôi còn trẻ và có sức khỏe thì bà có thể lành bệnh dễ dàng, nhưng vì tuổi tác và thêm nữa là phổi bà trước đó đã tổn thương, nên trước mắt bà phải gặp nhiều khó khăn.
Người lái xe, bạn mẹ tôi, khá khủng hoảng nhưng không bị thương nặng, ông đã được bệnh viện cho về, với cái nẹp cổ. Bác sĩ M. nói, “Chúng tôi cũng định tháo ống thở cho bà sớm khi có thể, nhưng phải để lá phổi bị dập lành trước đã”.
Chúng tôi thấy rõ là mẹ rất muốn được tháo ống thở ra. Hai cổ tay bà bị buộc vào thanh giường để bà khỏi rút ống thở ra, nhưng bà cứ đưa một ngón tay về hướng miệng một cách giận dữ. Một cái chụp bằng plastic được quấn quanh mặt để giữ cho ống thở không tụt ra. Miếng plastic được buộc chặt qua môi trên, dưới mũi, làm phần thịt đỏ của môi bà sưng lên bên dưới đó giống như một cái bong bóng.
Dầu thức hay ngủ, mẹ tôi cũng chỉ có một mắt mở, một mắt nhắm, như thể để cùng lúc nhìn ngắm thế giới mộng mơ và thế giới của ICU (Intense Care Unit-Phòng Chăm Sóc Đặc biệt). Bà bị mê nhiều, nhưng khi cô y tá bảo bà cọ quậy mấy ngón chân, thì bà cọ quậy chúng. Chúng tôi đứng quanh giường và hát, sợ phải dừng lại. Chúng tôi không biết phải làm gì nếu không hát. Chúng tôi hát những bài hát mà cha tôi vẫn thường hát khi chúng tôi còn nhỏ. Dường như bài hát nào cũng về cái chết, nhưng mẹ tôi đâu có để ý đến lời bài hát. Dường như nhịp tim bà chậm lại khi chúng tôi hát: “Người đã ra đi mãi mãi, thật rất đau lòng, Clementine ơi!”
Khi bài hát chấm dứt, tôi hỏi: “Mẹ có muốn con bóp chân không?”. Mẹ gật đầu. Hai tay tôi cầm chân bà, vuốt ve làn da mịn màng ở phía trên, lướt trên những đốt xương đến mấy ngón chân. Tôi có thể đoán qua sức nặng chân bà tỳ lên tôi là bà rất thích động tác đó. Dĩ nhiên tôi biết chân mẹ tôi thon đẹp thế nào, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ trong đầu: Mẹ tôi có đôi chân tuyệt đẹp. Mà tôi cũng chưa bao giờ bóp chân cho bà. Phải đợi đến khi bà vào ICU, tôi mới gần gũi với bà như bà vẫn hằng mong đợi. Mẹ tôi đã viết di chúc lúc sống, khẳng định rằng bà không muốn được hỗ trợ máy thở để sống nếu bà bị rơi vào tình trạng hôn mê, và bà đã gửi di chúc này đến chúng tôi nhiều năm trước đó. Vài ngày sau khi tai nạn xảy ra, chúng tôi lại tìm thấy một chứng từ khác trong căn hộ của bà - tờ giấy không đề ngày tháng, nhưng đúng là chữ viết của mẹ tôi, “Đừng có bỏ ống thở vào cổ tôi để giúp tôi thở”. Nét bút đè mạnh như thể ra lệnh; tôi như nghe được giọng nói của mẹ tôi. Quá bức xúc, tôi đưa mảnh giấy cho bác sĩ M. xem. Ông nói, “Nhưng trường hợp này khác. Bà bị tai nạn xe - đâu phải là chúng ta giữ bà sống khi bà trong tình trạng thực vật. Tôi biết sự lo lắng của bà, nhưng mẹ bà đang hồi phục!”
“Thường bệnh nhân phải sử dụng ống thở trong bao lâu,” chúng tôi hỏi. “Không lâu hơn hai tuần,” bác sĩ trả lời. “Lúc đó, nếu bệnh nhân vẫn chưa tự thở được, chúng tôi sẽ yêu cầu mổ khí quản. Nhưng điều đó khó xảy ra trong trường hợp của mẹ bà. Tôi hy vọng sẽ tháo ống thở cho bà ấy trong vài ngày tới”.
Được, chúng tôi có thể đợi “trong vài ngày tới”.
Chúng tôi ngủ, hay cố gắng để ngủ, trong căn hộ của mẹ tôi ở đầu kia của thành phố, và ở cả ngày dài trong bệnh viện. Chúng tôi thay phiên ở bên mẹ, canh chừng máy động đồ, gọi y tá nâng hay hạ giường xuống, hoặc rơ miệng bà bằng miếng băng gạc ướt, hết mình chăm sóc bà với một sự buông xả chưa từng có. Căn phòng ngổn ngang những máy móc, dụng cụ y khoa lại có thể quét sạch một cách diệu kỳ tất cả những chướng ngại thường cản trở chúng tôi bày tỏ tình thương yêu; thí dụ, tôi không quan tâm đến việc mẹ sẽ nghĩ thế nào về tóc tai của tôi.
“Cái chụp đó quá chặt ở môi”, tôi nói với cô y tá.
“Phải chặt vậy mẹ cô mới không rứt nó ra”, cô y tá trả lời.
Mẹ tôi dường như muốn nói điều gì: bà lúc lắc cánh tay, bà chồm tới trước, lắc đầu trong tuyệt vọng, rồi ngã trở xuống gối, mệt mỏi. Cô y tá mang cây bút lông và một bảng trắng đến. Chúng tôi buộc cây bút quanh mấy ngón tay bà, nhưng nét viết quá nghệch ngoặc đến nỗi chúng tôi không thể đoán ra điều gì, và rồi cây bút rơi khỏi tay bà. Kế tiếp chúng tôi đưa cho bà một bảng chữ cái, để bà lướt tay trên mặt bảng thẳng lì giống như mũi tên chỉ trên bảng Ouija, nhưng thật khó biết là bà chỉ chữ nào, hay bà đang trên đà đi tiếp tới chữ sau. Chúng tôi cứ đoán trật các chữ, cho đến khi bà đẩy tấm bảng đi với một cái nhún vai chán nản.
Chúng tôi đoán là bà đang cố gắng nói điều gì đó về cái ống thở. “Mẹ, tụi con biết là mẹ không thích để ống thở, nhưng tụi con hứa là sẽ lấy nó ra, lúc đó mẹ có thể nói bất cứ điều gì mẹ muốn!”
Vài ngày nữa lại trôi qua - đã một tuần rồi - nhưng chúng tôi được báo là mẹ bị viêm phổi, có lẽ vì bà phải thở ống thở và phải uống quá nhiều thuốc kháng sinh. Đúng là một chướng ngại lớn trên đường đi. Họ sẽ khó thể bỏ ống thở ra cho đến khi bệnh viêm phổi của bà thuyên giảm.
Tuần Thứ Hai
Mỗi ngày một chuyên viên về hô hấp lại đến để hút đàm dãy cho mẹ tôi - một quy trình đáng sợ. Anh ta đẩy một cái ống kích cỡ như cái ống hút chúng ta thường dùng vào trong ống thở rộng hơn, thọc sâu từng chút một, vào phổi của mẹ tôi, lúc đó mắt trái của bà mở càng lúc càng to trong cảnh giác, ngay cả mắt phải với mi mắt nặng nề cũng hé đủ cho ta thấy tròng mắt. Tôi đưa tay cho mẹ, và bà nắm chặt lấy nó. Tiếp đến còn tệ hơn nữa, khi người chuyên viên kéo cái ống trở ra, tạo một sức hút. Có âm thanh rột rạc trong đôi giây phút, giống như âm thanh ống hút tạo ra khi ta uống đến cạn ly sữa sinh tố, mẹ tôi run người, khi chúng tôi nhìn thấy những dãy đờm vàng được kéo lên qua cái ống plastic trong veo.
“Cảm ơn, Alice”, người chuyên viên nói một cách vui vẻ. Mẹ tôi vươn những ngón tay khẳng khiu lên, kéo theo sợi dây kim loại gắn chặt vào ngón tay trỏ của bà, và bàn tay của bà chỉ cách ống thở trong gang tấc trước khi nó bị sợi dây cột ở cổ tay trì lại.
Em trai và tôi bỏ xuống căn-tin bệnh viện một lát. Nhưng không có cách gì thoát khỏi hoàn cảnh này - dẫu tôi đi đâu nó vẫn theo tôi. Dầu vậy, chúng tôi cũng thấy nhẹ đôi chút khi ngồi trong quán cà-phê, khi quanh tôi xôn xao giọng nói của những người xa lạ, và tiếng mâm dĩa đồ ăn chạm nhau. “Chị có cảm giác như mình đã sống trong bệnh viện này cả đời rồi”, tôi nói.
“Đúng vậy, dường như thời gian đã dừng lại”, em tôi đáp. Da trên khuôn mặt mệt mỏi của nó giống như miếng vải mềm.
“Thì một là mẹ bớt hơn, hai là tệ hơn”, tôi nói. Một ý nghĩ an ủi dị thường.
Một sáng kia khi chúng tôi bước vào phòng, cái ống thở được dán băng keo dính vào cằm của mẹ, còn môi trên bà dán băng. Cô y tá nói, “Tin xấu rồi - cái chụp thở làm rách da môi bà. Tôi rất xin lỗi. Tôi đã gọi xuống phòng giải phẫu - họ sẽ cho người đến khám vết thương - tôi không nghĩ nó sẽ ảnh hưởng nặng đến làm biến dạng môi đâu”. Cô ta giở cái băng lên để cho chúng tôi thấy một vết thương cỡ bằng đồng tiền trên môi mẹ tôi - giống như một cửa sổ với khung bằng máu, qua đó tôi có thể thể nhìn thấy nướu và răng của mẹ. Cô y tá nói thêm, “Bà đang bị mê nhiều, nên chắc không đến nỗi đau như ta nghĩ”.
Đến buổi sáng thứ chín, một ngày thứ Ba, mẹ tôi trông xanh hơn và xa vắng hơn bao giờ hết. Quá thất vọng, chúng tôi báo với bác sĩ M. rằng không biết chúng tôi còn có thể để mẹ chịu đựng trong bao lâu nữa. “Chúng tôi đang định nhờ bác sĩ tháo ống thở ra, dầu tình trạng mẹ tôi có như thế nào”.
Ông bác sĩ biết là chúng tôi đã quyết tâm. “Tôi hiểu là ông bà rất muốn thuận theo ý mẹ, và tôi tôn trọng điều đó. Tôi không cản trở dầu ông bà có quyết định thế nào. Nhưng tôi nghĩ là bà nhà vẫn còn có cơ hội”. Ông bác sĩ sửa thế ngồi thẳng lại và nói với vẻ tràn đầy năng lực. “Hãy cho tôi đến thứ sáu này! Tôi quyết sẽ tháo ống thở ra cho bà thứ sáu này”. Sự quyết liệt trong lời hứa hẹn mới của ông bác sĩ khiến chúng tôi an tâm hơn, nên chúng tôi bằng lòng chờ đợi thêm ba ngày nữa.
Đồng thời với sự hỗ trợ của bác sĩ M., chúng tôi cũng gặp bác sĩ Z. ở phòng chăm sóc giảm đau để được tư vấn, trong trường hợp chúng tôi quyết định ngưng máy trợ thở cho mẹ. Ốm và cao lều khều, ông bác sĩ trong màu áo trắng, trông giống như một thiên thần của cõi chết. Để trả lời những câu hỏi của chúng tôi, ông vạch ra một số trường hợp có thể xảy ra, nhưng thật khó để thâu nhận các thông tin này - vì tất cả chỉ là giả định. “Gọi cho tôi bất cứ khi nào quý vị cần”, ông nói khi bắt tay tất cả mọi người đứng quanh. “Bổn phận của tôi là giúp đỡ quý vị tùy theo quyết định của quý vị, chứ không phải để thuyết phục quý vị nên làm theo cách này hay cách khác”.
Tinh thần của mẹ tôi lúc trồi, lúc sụt, và chúng tôi cũng thế. Tất cả đều là người trưởng thành ở lứa tuổi 50, 60 cả rồi, bản thân ai cũng đều đã làm cha, làm mẹ, vậy mà tinh thần, tâm trạng của chúng tôi tùy thuộc vào việc mẹ có chớp mắt nhìn khi chúng tôi nói chuyện với bà. Tôi mang theo máy tính cá nhân vào bệnh viện, cố gắng giải quyết một số công việc, nhưng tôi không thể chú tâm vào bất cứ thứ gì ở thế giới giả tạm bên ngoài bệnh viện. Vì thế tôi ngồi móc một chiếc khăn choàng cho mẹ - những sọc xanh biển và xanh cây dọc ngang, là những màu sắc mẹ tôi rất thích.
Đến thứ sáu, ống thở vẫn còn đút sâu trong cổ mẹ. Bà mở mắt nhìn trân không chớp khi tôi bước vào phòng, và bà cũng không co duỗi các ngón chân khi cô y tá bảo bà làm thế. Bà vẫn còn bị viêm phổi, và các con số trên màn hình không cho thấy một sự tiến triển nào. Cả buổi sáng đó chúng tôi không gặp được bác sĩ M.. Rõ ràng đây không phải là ngày mẹ tôi được giải thoát khỏi cái ống thở.
Bốn chị em chúng tôi hẹn nhau trong một căn phòng nhỏ, không có cửa sổ, ở cuối hành lang, được gọi là Phòng Họp Mặt Gia đình. “Chắc chắn đây không phải là điều mẹ muốn xảy ra,” em gái tôi nói.
“Bác sĩ cứ bảo chờ thêm vài ngày nữa,” một cô em khác nói, “rồi vài ngày nữa qua đi, mẹ chỉ nặng thêm, nhưng thế nào rồi ông cũng bảo cho ông thêm vài ngày nữa”.
Em trai tôi nói, “Mẹ bị tróitrên giường - mấy người có hiểu tôi nói gì không?” Giọng em lạc đi. “Chúng ta là con của mẹ, vậy mà chúng ta quyết địnhđể mẹ phải chịu đựng cảnh này sao?”.
Tụ họp nhau lại trong căn phòng ngộp thở này, với tâm trạng mệt mỏi hết sức chịu đựng, tất cả chúng tôi đều đồng ý đã đến lúc phải để mẹ ra đi. Chúng tôi để tin nhắn lại cho bác sĩ M.. Chúng tôi điện thoại cho các con - các cháu của mẹ. “Chúng ta phải để bà ra đi”, chúng tôi hát, giống như những thủy thủ đang tháo dây buộc thuyền để thả nó xuống dòng nước mặn.
Con trai lớn của tôi, cháu đầu của bà, đang ở tận bang Texas, nói, “Con tưởng bà đã khỏe hơn. Hôm qua mẹ nói bà đã đỡ hơn rồi mà”. Tôi cuộn người trên sàn nhà dưới cái điện thoại công cộng trong phòng đợi.
“Mọi người đều tưởng như thế”, tôi nói, “nhưng hôm nay bà trở nặng hơn. Nếu con mà nhìn thấy bà, người đầy các ống, tay bị trói chặt, chỉ trân một mắt nhìn… Bà đã yêu cầu chúng ta đừng gắn ống thở vào cổ bà. Bà đã tin tưởng chúng ta”.
“Nhưng có thể các thuốc kháng sinh cần thời gian để chữa lành bệnh viêm phổi”, nó nói.
“Mẹ sẽ hỏi bác sĩ về điều đó”, tôi hứa hẹn. Cuối cùng bác sĩ M. cũng xuất hiện. Chúng tôi bước ra hành lang để trao đổi. Khi chúng tôi báo cho ông biết rằng đã đến lúc để mẹ tôi ra đi, ông có vẻ ngạc nhiên. “Tại sao lại là hôm nay?” ông hỏi.
“Thì hôm nay là thứ sáu rồi”, tôi nói. “Ông đã hứa sẽ tháo ống thở ra cho mẹ tôi thứ sáu này”.
“Nhưng bà đang ổn định mà”, ông nói. “Tôi cũng muốn hạ mức hỗ trợ khí cho bà xuống khoảng bốn mươi phần trăm, nhưng tình trạng phổi của bà khiến chúng tôi phải chậm lại tiến trình”.
“Tới hôm nay, thuốc kháng sinh cũng chưa trị dứt được bệnh viêm phổi sao?” em trai tôi hỏi.
“Tôi muốn để thêm vài ngày nữa cho thuốc có hiệu lực. Tôi biết quý vị lo lắng vì bà phải mang máy trợ thở, tôi thông cảm điều đó. Nhưng như tôi đã thông báo, tôi sẽ không để tình trạng này kéo dài hơn hai tuần, nhưng đến thứ hai này mới được hai tuần”.
Chúng tôi lại phải đồng ý cho gia hạn lần thứ ba.
Khi chúng tôi trở về phòng, mẹ tôi ngồi dậy trong giường, và đây là lần đầu tiên sau tai nạn, bà giãn miệng ra như một nụ cười quanh cái ống tuýp màu xanh. Chúng tôi nhìn nhau kinh ngạc. Lẽ nào bà đã đoán được điều chúng tôi bàn thảo ngoài hành lang?
Chúng tôi gọi lại các cháu. Chúng tôi không thể tin chỉ vài giờ trước đây, chúng tôi đã quyết định hôm nay sẽ là ngày cuối cùng mẹ còn ở trên thế gian.
Tuần Thứ Ba
Chúng tôi muốn giúp bà tới thứ hai này là hồi phục lại sức khỏe. Tôi gọi con trai, Noah, từ Texas về để cho bà vui, và ngay sáng hôm sau, nó đã bước vào phòng bệnh viện. Bà tươi tỉnh ngay và rướn hai bàn tay bị cột chặt về hướng nó. Noah là một thanh niên cao ráo, nên nó phải cúi xuống thật sâu để bà có thể đặt tay lên vai nó, và bà kéo nó xuống các mớ ống tuýp để tặng cho nó một cái hôn vụng về của chú ngựa bị buộc dây cương. Nó đưa ra trước con mắt mở của bà hình đứa con gái hai tháng tuổi của nó, đứa chắt đầu tiên của bà, và bà nhìn tấm ảnh thật lâu.
Thứ hai, sau một vòng khám buổi sáng, bác sĩ M. gọi chúng tôi ra hành lang bên ngoài phòng của mẹ. “Có lẽ hôm nay là ngày tốt để tháo ống thở cho bà!” ông nói.
Có khá đông các thành viên trong gia đình và nhân viên y tế tựu lại trong phòng để chứng kiến sự kiện trọng đại này, kể cả bác sĩ Z., người thường giúp các bệnh nhân ra đi; sự có mặt của ông khiến tôi lo lắng.
“Chào bà Alice”, bác sĩ M. nói, “Chắc bà vui lắm vì hôm nay chúng tôi sẽ tháo máy trợ thở ra. Bà có sẵn sàng chưa nào?” Mẹ tôi sốt sắng gật đầu.
Hóa ra việc đó quá dễ làm. Cô chuyên viên khoa hô hấp kéo cái ống ra dễ như nhổ cỏ có rễ dài, và mẹ tôi tự thở. Cô lại mang cho bà một mặt nạ oxy để giúp bà chút đỉnh trong quá trình chuyển biến. Mặt nạ được quấn quanh đầu bằng một sợi dây thun, giống như mặt nạ Hallowen. Cuối cùng họ tháo dây buộc cổ tay bà ra.
Bác sĩ M. cảnh báo có thể bà không nói chuyện được ngay vì dây thanh âm bị viêm, nhưng bà đã dỡ mặt nạ ra và nhấp nháy đôi môi, cố tìm lại tiếng nói sau mấy tuần dài câm lặng. Bà giống như một cô diva, và chúng tôi, những khán giả trung thành, đang ngóng cổ lên nghe. Âm thanh bật ra từ tiếng một, khàn và bực bội: “Chùi cằm cho mẹ!”
Bác sĩ M. rất hài lòng về mẹ, ông dẫn một số bác sĩ tập sự vào phòng để khoe về bà. Ai cũng vui vẻ, hồ hởi.
“Alice, bà biết đang ở đâu không?” bác sĩ M. hỏi.
“Tôi không chắc lắm,” bà trả lời. “Tôi đang ở trong nhà bếp phải không?” Ông bác sĩ nói bà đang ở bệnh viện. “Bà có bao nhiêu cháu rồi?”
“Chín”, bà nói một cách hãnh diện. “Tôi có chín đứa cháu”.
Bác sĩ M. nhìn tôi. “Đúng vậy,” tôi nói.
“Bà có nhớ”, Noah hỏi bà, “bà đã có chắt gái rồi không?”
“Có chứ”, bà nói một cách hãnh diện. “Chắc chắn là bà nhớ điều đórồi!”
Noah thấy bà mình đã hồi phục, nên anh nói lời chia tay. “Ngoại ơi, bà đã khỏe rồi! Đến mùa xuân, con sẽ về lại Chicago, và con sẽ mang chắt gái của bà về thăm bà!”
“Bà sẽ đợi”, mẹ tôi nói. “Lúc đó sẽ hạnh phúc lắm”.
Một ngày sau khi ống thở được tháo ra, ngày thứ ba, mẹ tôi bảo cô y tá giúp bà nằm nghiêng, nên cô y tá làm như thế.
“Để chuẩn bị cho em bé đó mà”, mẹ giải thích.
“Mẹ, mẹ đâu có em bé”, tôi nói.
“Mẹ biết điều đómà!” mẹ tôi nói, vẻ bực bội vì sự chậm hiểu của tôi. “Mẹ phải chuẩn bị cho cháu chắt của mẹ. Mẹ phải xếp đặt chỗ cho nó”. Bà cuộn người lại, và xếp một cái ổ hình bán nguyệt trong giường để dành chỗ cho cháu chắt được nằm kế bên bà. Bà ve vuốt chỗ nằm đó.
“Còn mấy tháng nữa mẹ mới gặp nó mà”, tôi nói.
Bác sĩ M. bảo chúng tôi đừng lo lắng về việc mẹ tôi đôi khi có lẫn lộn. Ông bảo điều đó bình thường đối với bệnh nhân phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt một thời gian. Rồi nó sẽ qua đi, ông nói.
Sáng hôm sau, mẹ tôi ở trong trạng thái thật hưng phấn. Tôi đang ngồi đan móc ở một góc phòng khi bà vẫy tay về mảng trần phía trên giường nằm. “Mẹ cho con cái đó làm quà”, bà nói với em gái tôi.
“Miếng gạch lát đó hả mẹ?” em gái tôi hỏi, chỉ tay vào một trong những tấm gạch lát cách âm vuông có cạnh sáu tấc, phía trên đầu mẹ. Tôi thật ngạc nhiên khi em gái tôi hiểu mẹ muốn nói gì ngay.
“Đúng rồi”, mẹ tôi nói, và rồi quay qua tôi, bà tiếp tục, “còn miếng đó cho con, và miếng kia...” Bà cho từng đứa con của mình món quà gạch lát. Bà không có gì khác để cho.
Ngày thứ tư, ba ngày sau khi tháo ống thở, mẹ tôi có vẻ yếu đi. “Chuyện gì xảy ra, thưa bác sĩ?” chúng tôi hỏi bác sĩ M. “Tôi không biết”, ông nói. “Chúng tôi truyền tối đa khí oxy cho bà qua mặt nạ, mà bà chỉ nắm níu”. Ông dừng lại, như để trấn an bản thân, rồi nói, “Quý vị cần nghĩ đến việc phải làm gì khi bà không thể trụ được nếu không có sự giúp đỡ của máy móc. Quý vị có muốn chúng tôi phẫu thuật khí quản cho bà?”
Một khi đã tháo ống thở ra, chúng tôi không nỡ đặt nó lại, hơn nữa đã có lời dặn của mẹ tôi. Tuy nhiên, ai cũng có thể đổi ý, hơn nữa giờ mẹ đã có thể nói chuyện, nên chúng tôi quyết định hỏi ý bà.
Chúng tôi chờ đợi một trong những giây phút ngắn ngủi lúc bà tỉnh táo. Bác sĩ Z., vị bác sĩ chuyên lo cho người chết, bước vào phòng để hỗ trợ chúng tôi. Ông kéo ghế ngồi cạnh giường, để mắt ông ngang tầm nhìn của mẹ. Còn chúng tôi thì đứng quanh giường, và em gái tôi hỏi đi hỏi lại câu hỏi đáng sợ đó: “Mẹ có muốn chúng con đặt lại máy thở cho mẹ, nếu mẹ không đủ sức thở một mình?” Cô hỏi bằng nhiều cách khác nhau, và mẹ tôi không nói gì. Chúng tôi ngỡ là bà không hiểu. Lúc đó bác sĩ Z. xen vào để giúp chúng tôi. “Alice, bà có phản đối việc chúng tôi đặt lại máy trợ thở cho bà không?”
“Có, tôi sẽ phản đối”, bà nói nhỏ nhẹ.
“Bà nghe cho kỹ nhé. Nếu bà cần máy giúp thở để sống mà chúng tôi không đặt máy trở lại thì bà có thể chết. Nếu vậy, chúng tôi sẽ giúp bà ra đi nhẹ nhàng. Bà cảm thấy thế nào về việc đó?”
Đột nhiên mẹ tôi ngồi bật dậy, la lên, “Trời ơi! Có điên không mà hỏi như thế lúc này!” Rồi như để giải thích cho thiếu kiềm chế của mình, bà nói thêm giọng nhẹ nhàng hơn, “Tôi đã bàn việc này với các con tôi rồi”.
Sáng thứ năm mẹ khỏe lên chút đỉnh - mẹ còn có thể khá hơn thế nữa mà. Một đứa cháu gái, trên đường đi học về ghé thăm, mang cả đàn violin vào phòng. “Bà có muốn con dạo cho bà nghe một bản nhạc không?”, nó hỏi.
“Ừ, dạo bản nào vui vui đó”, mẹ tôi nói.
Vậy là cháu gái tôi dạo một bản nhạc Tô Cách Lan có tên “Thuyền đang ra khơi”, và mẹ tôi gõ gõ những ngón tay trên giường theo điệu nhạc, để biểu lộ sự thích thú.
Nhưng chiều hôm đó bà trở nên bồn chồn, bức bối, lắc vai, vẫy tay, co qua duỗi lại đôi chân. Hơi thở của bà trở nên nhanh hơn và cạn hơn. “Thở chậm và nhẹ thôi mẹ, chậm và nhẹ”, tôi nói, và dầu những lời nói của tôi không thể bơm thêm oxy vào phổi bà, chúng khiến cho cả hai chúng tôi bình tĩnh hơn trong giây phút đó.
Bác sĩ M. đã chuyển mẹ qua làm bệnh nhân của bác sĩ Z., người đã cho truyền morphine để làm giảm cảm giác thiếu oxy của bà. Bác sĩ Z. nói mẹ tôi sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong khu chăm sóc giảm đau, mà các chị em chúng tôi cũng đã sẵn sàng chấp nhận sự chuyển đổi này. “Nhưng không có nghĩa là mẹ tôi đã hết hy vọng?” tôi hỏi.
Bác sĩ Z. nói rằng họ sẽ làm tất cả để giúp mẹ sống, họ có thể làm tất cả những gì ở phân khoa trên đã làm cho mẹ, nhưng ở đây bà sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Vì thế tôi đồng ý, tự nhủ rằng cũng chưa hoàn toàn hết hy vọng là bà sẽ khỏe hơn.
Hôm sau, ngày thứ sáu, đã có một chiếc giường trống trong khu chăm sóc giảm đau - tôi đoán điều đó có nghĩa là, ai đó đã ra đi - và chiều hôm đó mẹ tôi được chuyển vào một phòng giống như phòng khách sạn trên tầng thứ mười sáu, phòng tận cùng của bệnh viện, gần với thiên đàng nhất, với màn cửa bằng vải, và những chiếc ghế có tay bọc nệm. Mẹ tôi vẫn trân trọng những gì tốt đẹp trong cuộc đời, nên dù chất morphine đã dìm bà vào giấc ngủ, và dường như bà không thấy gì qua con mắt còn mở, chúng tôi vẫn xoay giường để bà có thể hướng mặt về khung cửa sổ hướng đông, ngó ra những tháp đá và những mái nhà thiếc của Chicago đến tận khoảng không gian đen tối mênh mông của Hồ Michigan.
Bác sĩ Z. bảo rằng bà có thể ra đi trong vài giờ hay vài ngày nữa. Thật là nhẹ nhõm khi đem được mẹ ra khỏi những đống dây nhợ máy móc của phòng chăm sóc đặc biệt, dầu cái máy đo máu vẫn còn gắn chặt theo bà, và tôi vẫn còn theo dõi nó, như thế nó vẫn còn có một ý nghĩa gì đó.
Bước ra hành lang, tôi nói với bác sĩ Z., “Mức đo oxy của bà đã xuống đến tám mươi”.
Ông đặt tay lên cánh tay tôi. “Mẹ sắp ra đi”, ông nói với tôi bằng giọng của một thầy giáo trường mầm non. “Giờ là lúc chúng ta phải làm cho bà được thoải mái”. Tôi biết ông đang cố gắng tử tế, nhưng tôi quay lưng và đi thẳng về phòng - bà đâu phải là mẹ của ông.Nhưng điều khiến tôi bực bội không phải là vì ông dùng tiếng Mẹ; mà chính là những lời còn lại.
Trong phòng có sáu thành viên trong gia đình - con và cháu - khi cô y tá phòng chăm sóc giảm đau tháo mặt nạ dưỡng khí ra thay bằng cái ống thông dò ở mũi, cô nói: “Để bà được thoải mái hơn”. Tôi nhìn qua lại từ mặt mẹ đến cái máy biểu đồ, và tôi thấy những con số rớt xuống như thang máy - rớt xuống bảy mươi, sáu mươi, năm mươi. Sandy, con trai tôi, đang ngồi trên chiếc ghế bành giữa phòng. “Bà đang ra đi”, tôi nghe mình nói, và nó nhảy lên đến đứng bên giường với chúng tôi. Tuyệt vọng, chúng tôi đứng nhìn ức bà nhô lên và xẹp xuống giống như mũi thuyền trong cơn bão biển; tuyệt vọng, chúng tôi đứng nhìn gương mặt bà đổi trắng khi máu đỏ cạn chảy ra khỏi mao quản.
Chưa đầy hai phút sau bà ngưng thở. Chúng tôi đứng đó, chờ đợi một điều gì đó xảy ra, chờ đợi mẹ sẽ bảo chúng tôi làm gì tiếp theo. Nhưng bà đã ra khỏi phòng. Tôi không biết mẹ làm sao thực hiện việc biến mất đó - tôi không thấy mẹ ngồi dậy và đi, tôi luôn ở bên cạnh bà. Sau phút ngưng đọng, tất cả sáu người chúng tôi òa khóc. Lúc đó là mười giờ tối thứ sáu.
Khi chúng tôi khóc, cô y tá bước ra ngoài, và sau khoảng mười phút vắng mặt vì lịch sự, cô trở lại với những giấy tờ để chúng tôi ký tên. “Quý vị có thể ở đây với bà khoảng hai tiếng”, cô nói. “Sau đó chúng tôi phải mang xác đi”. Thời gian quay vòng, đánh vụt vào tường. Làm sao mà bỗng nhiên bệnh nhân của cô giờ thành xác chết. Giờ khi mà mẹ tôi thật sự thoải mái, thì công việc của cô y tá cũng hoàn thành.
Chúng tôi tháo cái băng cổ cho mẹ - có một vệt đỏ bầm bên dưới, chỗ cái băng cọ xát với xương cổ của bà. Chúng tôi hát bài “Dona Nobis Pacem” và “Row Row Row Your Boat”. Tôi tụng một bài kinh Phật giáo dành cho người chết, và những âm thành xưa cũ mà chúng tôi không hiểu dường như mang chúng tôi lại gần nhau hơn: nen nen fu ri shin.Các em gái và tôi lấy quần áo bà ra khỏi cái bao plastic, những quần áo bà mặc khi xảy ra tai nạn. Cũng hơi lạ, nhưng thật nhẹ nhõm, là không có vết máu nào trên quần áo đó. Chúng tôi cùng nhau cởi bộ quần áo ngủ của bệnh viện ra cho bà, và kéo chiếc quần jean đen bạc màu lên khỏi hai bên hông lạnh của bà, mặc cho bà chiếc áo giả chemise màu xanh, và để chân trần cho bà. Hình như gương mặt bà bỗng thóp lại, da mặt chảy xệ xuống gối. Chúng tôi cố khép miệng bà lại, nhưng nó không ở yên một chỗ. Bên con mắt mở của bà cũng thế. Chúng tôi xếp hai tay bà trên ngực, và tôi phủ tấm khăn choàng mới xong phân nửa với những sọc xanh biển và xanh dương ngang dọc lên chân của bà.
* * *