Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 03: Rời khỏi vị thế Hoa Sen

14/11/201215:24(Xem: 9456)
Chương 03: Rời khỏi vị thế Hoa Sen

Susan Moon

THẾ LÀ GIÀ!
Thiền Quán Về Tuổi Già Với Chút Tự Trào Và Tự Hào
This Is Getting Old
Zen Thoughts on Aging with Humor and Dignity
Chuyển Ngữ:
Diệu Liên Lý Thu Linh, Diệu Ngộ Mỹ Thanh, Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam

Phần I:
Những Vết Rạn Trên Thân Tâm

Chương 3: Rời khỏi vị thế Hoa Sen


Tôi ngồi trên ghế. Vâng, dĩ nhiên rồi, nhưng ý tôi muốn nói là tôi ngồi thiền trên ghế. Zazenlà hành thiền, và trong tiếng Anh chúng tôi gọi đó là sitting(ngồi), chỉ ngồi. Tọa thiền trên ghế là một phát triển mới đây thôi cho tôi, chắc chắn là phát khởi từ mạng lưới của nghiệp nhân quả, nhưng nhân chính là bệnh viêm khớp gối mãn tính của tôi.

Ai cũng biết là thiền sinh thật sự phải dốc tâm ngồi bắt tréo chân (kiết già) trên sàn. Đức Phật đã ngồi trong tư thế kiết già khi Ngài giác ngộ dưới cây bồ đề hai ngàn năm trăm năm trước, và đã có hàng triệu tượng Phật cho ta thấy rõ điều đó - ngồi kiết già trên các điện thờ hay trên các kệ sách ở khắp nơi trên thế giới. Trong nhà tôi cũng có vài tượng Phật như thế.

Hình ảnh đức Phật ngồi tọa thiền là biểu tượng chủ yếu của Phật giáo. Và tám trăm năm trước, Thiền sư Dogen, vị sáng lập ra Thiền Tào Động (Soto) ở Nhật Bản, đã dạy đệ tử phải “ngồi trong tư thế kiết già (hoa sen) hay bán già (nửa hoa sen)”. Đó là những tư thế yoga cổ xưa, những tư thế linh thiêng (asanas) - có sự hậu thuẫn, đảm bảo đằng sau đó. Khi chân tay tôi còn dẻo dai, tôi đã tin rằng nếu tôi ngồi đủ lâu trong tư thế bán già trên chiếc tọa cụ đen (zafu), tôi sẽ chứng đắc. Giờ tôi mới thấy điều đó không hợp lý như thế nào nếu chỉ có những người ngồi theo các tư thế đó mới vượt qua được bờ bên kia.

Những ngày này ngồi tréo chân làm tôi đau hơn cái đau người ta thường diễn tả. Ai cũng biết rằng không chạy trốn cái đau là điều trọng yếu khi hành thiền, kể cả cái đau ở đầu gối. Sesshins (những khóa tu thiền dài ngày) là một cơ hội để ngồi qua cơn đau. Khi đau ở gối, nếu tôi có thể coi đó không là gì hơn là cái đau ở gối, thì tôi sẽ là người hạnh phúc với cái đau ở gối. Đó là những điều tôi đã được dạy, trong suốt hơn ba mươi năm hành thiền.

Vài năm về trước, khi tôi vẫn còn ngồi được trên sàn, một bạn đồng tu đã phải dời sang ngồi ghế sau phẫu thuật ở gối. (Chứng cứ có tính cách giai thoại của tôi là số đông những người hành thiền phải phẫu thuật đầu gối). Tôi hỏi anh có thích như thế không, và anh trả lời là anh nhớ những cơn đau vì bây giờ anh ‘khó tập trung’ trong khi hành thiền. Câu trả lời làm tôi bối rối. Tôi cũng nhận thấy rằng cái đau khiến tâm tập trung, nhưng nó tập trung tâm vào cái gì? Cái đau! Điều đó có ích lợi sao?

Một người bạn khác của tôi được chứng thiền. Anh bị đau, nhưng tự nguyện sẽ ngồi yên cho đến khi hết thời khóa, dầu cho bất cứ chuyện gì xảy ra. Cái đau càng lúc càng khủng khiếp, nhưng anh vẫn ngồi yên, mắt dán vào bức tường trước mặt, và chỉ vài phút trước khi thời thiền chấm dứt, cả vũ trụ mở ra và anh nhìn thấy vạn pháp là vạn pháp. “Không chịu khổ, không thể đạt được gì”, anh giải thích, khi anh mô tả lại cho tôi nghe về trải nghiệm của mình sau đó. Tuy nhiên, điều đó chẳng bao giờ xảy đến cho tôi.

Một vị thầy cũng từng nói với tôi, “Nếu cô trốn tránh cái đau ngay trước mắt, thì sau này khi cô già, cô bệnh, và phải chịu đựng những cơn đau không thể tránh, thì cô xoay trở làm sao? Không lẽ cô không muốn tập sống với cái đau?” Tôi quyết định không chấp nhận điều đó khi nó xảy ra cho tôi. Tôi lý luận rằng đời tôi đã có quá nhiều nỗi đau, tại sao tôi phải gánh thêm nỗi đau này?

Tôi học được đôi điều về cái đau khi tọa thiền. Nếu tôi thay đổi thế ngồi quá sớm, cái đau dường như đuổi theo tôi mọi lúc mọi nơi, nhưng nếu tôi cứ ngồi yên lúc cái đau khởi lên, thì cái đau thường tự nó qua đi, hay lắng xuống. Loại đau này giống như một đứa trẻ muốn được chú ý, nuông chiều, nhưng nếu ta cứ phớt lờ đi thì nó cũng bỏ cuộc. Sự huân tập để không ngọ nguậy, cử động này cũng có nhiều ứng dụng trong đời sống thế tục bên ngoài thiền đường, thí dụ ở chỗ hòa nhạc thính phòng, trong các buổi họp hành nơi cơ quan, hay khi nằm chụp MRI (Magnetic Resonance Imaging)[1].

Trong quá trình hành thiền, tôi cũng biết có những thời điểm khi cái đau đến đỉnh và sẽ khônglắng xuống - nó chỉ càng tệ hơn thôi, cho đến khi tôi nổi cơn thịnh nộ với nó, và với cách tu tập khiến tôi phải đau thế này. Suy cho cùng, cái đau là một hệ thống biển báo sinh học được hình thành để giúp ta ngăn ngừa việc tự làm tổn thương bản thân. Tại sao ta thấy đau khi chạm vào bếp nóng là để ta không làm phỏng tay mình.

Cái đau cũng là một yếu tố quan trọng trong nghi lễ của một số truyền thống tôn giáo: những kẻ sám hối đánh lưng họ đến rướm máu trong lễ Holy Week; một số người hành hương leo lên các bậc thang đá bằng đầu gối để đến các điện thờ linh hiển; những người Mỹ Da Đỏ trong cuộc truy tìm trí tuệ, sẽ khỏa thân đứng yên dưới sức nóng cháy bỏng của mặt trời. Nhưng đây là những nghi lễ ở một thời điểm nào đó, không phải là việc thực tập hằng ngày.

Tôi đang ở giai đoạn thối chuyển trong việc hành thiền trong tư thế ngồi tréo chân. Tôi bắt đầu hành thiền năm tôi ba mươi hai, theo tư thế bán già với những cái đau vừa phải, có thể chịu đựng được. Trong các khóa tu dài ngày, chân tôi bị đau, nhưng tôi biết đó là cái giá phải trả. Giờ ở tuổi sáu mươi, tôi bị đau khớp gối. Tôi có thể ngồi tréo chân một chút, nếu tôi kê thêm gối để giúp tôi ngồi thẳng, nhưng chỉ sau khoảng mười lăm phút là cái đau bắt đầu tấn công. Năm ngoái khi tôi đến nhờ bác sĩ khoa chỉnh hình tư vấn về vấn đề của đầu gối, tôi có nói đến việc hành thiền, và ông rầy vì thế ngồi bán già của tôi. Giờ bác sĩ ra lệnh tôi phải ngồi trên ghế. Lý ra tôi phải nhờ ông viết giấy cho sư phụ của tôi, nhưng không cần thiết phải làm vậy, vì may mắn thay, hiện nay tất cả các thiền sư mà tôi biết đều chấp nhận việc cho thiền sinh ngồi ghế. Được phép, chứ không phải là bị bắt buộc. Chính là ông thầy ở bên trong tôi mới làm khó tôi.

Nên đây là bước ngoặt của tôi, khi tôi phải dẹp tự ái để lần đầu tiên ngồi hành thiền trên ghế trong một khóa tu dài ngày. Có một số thiền sinh khác cũng ngồi ghế, nên tôi không cảm thấy lẻ loi trong khóa tu chuyên sâu hơn này, không cảm thấy chỉ có cái đầu của tôi nhô lên ở trên mây giống như một ngón tay đau. Trời ạ, đây là lần đầu tiên trong bao năm tháng, tôi không tự dày vò mình trong một khóa tu dài ngày bằng cách tự vấn - tại sao tôi lại làm việc này?Tôi trầm lắng xuống. Đây là khóa thiền đầu tiên trong đó tôi chưa một lần cầu mong cho kẻng chuông mau đổ để chấm dứt thời khóa. Tôi đã có thể có mặt ngay trong giờ phút hiện tại - hay đúng hơn, lúc viết lại điều này, phải nói là giây phút đó. Tôi tán thán cái ghế là một dụng cụ tâm linh. Ghế là dụng cụ để ngồi, một món quà được phát minh và chế tạo bởi con người dành cho con người. Thân này biết làm thế nào để ngồi trong ghế. Có một sự cân bằng hình học trong tư thế ngồi ghế của con người, với chân, bàn tọa và lưng song song với chân, chỗ ngồi, và lưng ghế, trong một hình chữ chi ghép, biểu hiện sự trùng khớp của các góc cạnh.

Đôi khi tôi cũng thèm được ngồi xuống sàn - cảm giác tự tại được an vị, được ngồi xuống. Vì thế tôi phải tự nhắc nhở mình: tôi đang ngồi trên ghế, và ghế đang nằm trên sàn, như thế cũng là tôi đang ngồi trên sàn. Ngoài ra, việc có thể đứng dậy lại sau kẻng chuông cũng là điều quan trọng. Có hai phần trong việc hành thiền: ngồi xuống và đứng dậy, và đối với tôi, việc đứng lên khỏi sàn nhà làm mất quá nhiều thì giờ của hoạt động kế tiếp. Tôi không muốn để lỡ cơ hội có thể sử dụng nhà vệ sinh trước khi thời khóa thiền khác bắt đầu.

Trong một khóa tu thiền dài ngày gần đây ở một trung tâm thiền truyền thống, lần thứ hai tôi ngồi ghế, và tôi là người duy nhất ngồi ghế, dầu tôi không phải là người lớn tuổi nhất. Điều này khiến tôi khựng lại. Tôi là người duy nhất vì tôi là người trong đầu gối có ít sụn nhất, hay vì tôi là người yếu đuối nhất, hay là người chẳng quan tâm đến người khác nói gì? Tôi nhận thấy, trong lúc ngồi trên ghế, rằng không có gì đáng quan tâm. Câu hỏi thật sự duy nhất tôi cần hỏi, và luôn luôn hỏi là: tôi đã cố gắng hết sức mình chưa? Nếu ngồi trên ghế mà tôi đã cố gắng hết sức mình, thì là tôi đã tọa thiền một cách hoàn hảo.

Ngồi thiền trên ghế cũng có bao khó khăn, nên đừng lo ngại rằng vậy là quá dễ - bạn vẫn có thể cảm thấy khó chịu, khổ đau. Năm chướng ngại của tham, sân, trạo cử, hôn trầm thụy miên, và nghi vẫn tấn công tôi dễ dàng khi tôi ngồi trên ghế cũng như khi tôi tọa sàn. Thỉnh thoảng vẫn có những cơn đau nhói buốt, nóng rát giữa hai bả vai, nhưng tôi biết cái đau đó không thể làm tổn thương tôi, nên rồi nó qua đi.

Ngồi thiền trên ghế, tôi cảm thấy hàm ân phương cách hành thiền này. Tôi tận hưởng cảm giác được ngồi thẳng lưng. Tôi tận hưởng hơi thở ra vào của mình. Tôi không phải canh chừng cái đau, và không phải tranh đấu với bản thân vì là người yếu đuối. Tôi không phải luôn ngã giá với bản thân, như là: mười hơi thở nữa, rồi tôi sẽ cho phép mìnhđược đổi tư thế. Tôi quán sát tư thế của mình: tôi cảm thấy chân tôi đặt vững chải trên mặt sàn nhà, tôi cảm nhận được sống lưng thẳng đứng, tôi cảm nhận được xương chậu chạm trên mặt ghế ngồi. Tôi gần gũi với các thiền sinh khác trong phòng; dầu họ ngồi trên mặt sàn nhà hay trên ghế, chúng tôi đang hành thiền cùng với nhau, gắn bó với nhau bằng chính sự lặng thinh.

Tiếp đến là gì? Có lẽ tôi sẽ hành thiền trên võng nằm chăng, hay ngồi thiền trong những chiếc ghế trải dài, bên cạnh hồ bơi. Tôi sẽ báo cho bạn biết cảm giác thế nào khi tôi đến độ đó.

* * *



[1]Theo Wikipedia, MRI: một loại xét nghiệm sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để chụp ảnh các bộ phận trong cơ thể.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/03/2016(Xem: 6545)
Trong bài này tôi không bàn chuyện cao viễn mà nói chuyện thực tế của đời sống. Chư tổ nói rằng, “Phật pháp bất ly thế gian pháp”. Điều đó có nghĩa là giáo lý nhà Phật gắn chặt với cuộc sống của con người. Gắn chặt với cuộc sống nhưng phải hữu ích cho con người.
22/03/2016(Xem: 7571)
Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa (sa. saddharmapuṇḍarīka-sūtra), hay Pháp Hoa, Phật ám chỉ ba cỗ xe (Tam Thừa) cũng chỉ là thành phần của một cỗ xe, là Nhất Thừa (sa. ekayāna) và kinh chỉ dạy tuỳ theo khả năng tâm trí, tiếp thu bất đồng của mỗi Phật Tử.
19/03/2016(Xem: 9259)
Vào đầu thế kỷ 12, quân Hồi giáo đã xâm chiếm Ấn-độ, với bản chất tàn bạo họ đã tàn sát các Tăng Ni, Phật tử, đốt sạch các Kinh điển Phật giáo, phá hoại các đền chùa Phật, họ cũng cướp bóc tài sản và tàn phá những gì không thuộc Hồi giáo. Phật giáo đã bị tiêu diệt nơi xứ Phật. Nhưng may mắn thay cho đạo Phật, dưới triều đại vua Asoka vào thế kỷ thứ 3 trưóc. CN, Phật giáo đã được truyền qua xứ Sri Lanka/Tích Lan, Miến điện ...
19/03/2016(Xem: 10042)
Ngoài ra lại cần phải hiểu rằng: tất cả chúng sanh đều có đủ đức tướng trí huệ của Như Lai, nhưng vì bị nghiệp hoặc che lấp tánh diệu minh nên chìm đắm vào hàng dị loại, chỉ biết tìm cầu món ăn, tránh sợ cái chết mà thôi.
19/03/2016(Xem: 9550)
Sống, theo tính chất duyên sinh, là sống với, liên hệ với; không ai sống mà không có mối tương quan với người khác. Bản chất của xã hội là các mối quan hệ. Một người sống trong xã hội có rất nhiều mối quan hệ, như quan hệ cha con, anh em, vợ chồng, bạn bè, đồng nghiệp, dòng họ, thôn xóm…
16/03/2016(Xem: 10203)
Qua các thời kỳ thật xa xưa, kể cả thời đại khi Đức Phật còn tại thế, nhiều phụ nữ cũng đã đạt được chánh quả và trở thành arhat/A-la-hán (kinh Therigatha/Tăng lão ni kệ). Tuy nhiên, qua dòng lịch sử lâu dài của Phật giáo người nữ tu sĩ luôn bị thiệt thòi, không mấy khi có dịp, hoặc tạo được các điều kiện thuận lợi hầu giúp mình lưu lại kinh nghiệm và các sự thành đạt của mình. Họ chỉ là những người tu tập trong âm thầm để rồi chìm vào quên lãng, không mấy ai biết đến
12/03/2016(Xem: 8052)
Để tưởng niệm công đức khai sơn Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam của Tổ sư Minh Đăng Quang, Nhân ngày kỷ niệm 62 năm Tổ Sư vắng bóng ngày 1 tháng 2 năm 1954 - 1 tháng 2/2016, Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới thành kính tưởng niệm 62 năm Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng tại Tổ Đình Minh Đăng Quang, thành phố Santa Ana, California, USA.
11/03/2016(Xem: 7370)
Tượng Phật là đối tượng sùng kính lễ bái của giáo đồ Phật giáo, nên việc tạo ra những hình tượng Phật góp phần không nhỏ cho sự nghiệp hoằng dương giáo lý Phật giáo; đó chính là tài năng sáng tạo nghệ thuật và thành quả lao động của những nhà nghệ thuật dân gian kiệt xuất.
10/03/2016(Xem: 7868)
Kính thưa chư Pháp hữu & chư vị Phật tử hảo tâm. Xứ Ấn đã qua mùa Đông lạnh lẽo, thời điểm này khí hậu đang nóng lên từng ngày. Được sự thương tưởng của quí vị thiện hữu, chúng tôi vừa thực hiện thêm một số giếng cần giục (Well hand-pump) cho những ngôi làng nghèo lân cận khu vực Bồ Đề Đạo Tràng & Nalanda tiểu bang Bihar India.
09/03/2016(Xem: 10041)
Trước tiên xin được có đôi lời cảm ơn đến những vị quan tâm,có điện thư thăm hỏi sau khi đọc bài viết “Nén nhang muộn màng kính viếng nghệ sĩ Đoàn Yên Linh” . Thật tình mục đích bài viết ấy được đưa lên trước hết để những bạn bè thâm hữu xa gần nếu có kỷ niệm gì với nghệ sĩ Đoàn Yên Linh (Anh) đóng góp, bổ sung cho nhau hầu có thể sau này sẽ hoản thiện một bản lý lịch cũng như quá trình hoạt động nghệ thuật, trong đó có công đức cúng dường cho văn hóa Phật giáo của một người nghệ sĩ tận tâm như Anh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]