Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đoạn 5

05/07/201209:19(Xem: 9499)
Đoạn 5

TRUYỀN TÂM PHÁP YẾU GIẢNG GIẢI

HT Thích Thanh Từ

ĐOẠN 5

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Thế nào là đạo? Tu hành thế nào?

Đáp: Đạo là vật gì mà ông muốn tu hành?

Hỏi: Các nơi tông sư truyền nhau tham thiền học đạo là thế nào?

Đáp: Lời tiếp dẫn kẻ độn căn, chưa có thể y cứ.

Hỏi: Đây là lời tiếp dẫn kẻ độn căn, chưa biết tiếp dẫn người thượng căn lại nói pháp gì?

Đáp: Nếu là người thượng căn, tại sao lại đến người khác mà tìm, tự mình còn không thể được huống là riêng có pháp xứng tình. Không thấy trong kinh nói: “pháp pháp hình trạng gì”?

GIẢNG:

Câu hỏi thứ nhất: Thế nào là đạo? Tu hành thế nào?Thông thường ai cũng hay hỏi câu này. Đáp: Đạo là vật gì mà ông muốn tu hành?Ở đây cần phải hiểu chữ đạo cho thật tường tận. Nhiều người cho rằng đạo là phương pháp là con đường. Nhưng sự thật, chữ đạo trong nhà Thiền là chỉ cho tâm chân thật của chính mình. Thấy được, nhận được tâm chân thật gọi là thấy đạo hay đạt đạo. Tâm chân thật vốn của mình, đâu phải vật gì bên ngoài mà muốn tu hành. Tu là tu những thứ tạm bợ, giả dối. Nên Tổ trả lời “Đạo là vật gì mà ông muốn tu hành”. Như vậy chữ đạo ở đây chỉ cho tâm thể chân thật của chúng ta, nó sẵn có, chỉ đừng bị vọng duyên, ngoại cảnh lôi cuốn thì đạo hiện tiền. Tu hành chẳng qua dẹp duyên là đủ.

Hỏi:Các nơi tông sư truyền nhau tham thiền học đạo là thế nào?Đáp: Lời tiếp dẫn kẻ độn căn, chưa có thể y cứ.Lâu nay chúng ta nói học đạo, nói thiền là nói với người nào? Nói với người độn căn. Độn căn là người không sáng. Vì vậy chúng ta đừng lấy đó làm chỗ y cứ.

Hỏi:Đây là lời tiếp dẫn kẻ độn căn, chưa biết tiếp dẫn người thượng căn lại nói pháp gì?”Những câu nói tham thiền học đạo là tiếp dẫn kẻ độn căn, người thượng căn phải dạy làm sao?

Đáp:Nếu là người thượng căn, tại sao lại đến người khác mà tìm, tự mình còn không thể được huống là riêng có pháp xứng tình.Nếu người thượng căn thì không cần đến người khác tìm. Tại sao? Bởi vì thượng căn thì nhận ngay nơi tánh mình, tâm mình là chỗ y cứ, là chỗ chân thật. Đã có chỗ y cứ còn đi tìm đâu nữa. Chính mình nhận ra còn không có sở đắc, huống nữa có pháp để mình được. Đối với người thượng căn, thượng trí tu là trở lại với tâm tánh sẵn có của mình, đã là sẵn có thì còn tìm đâu nữa. Không tìm thì không có được. Sở dĩ nói được là do tìm, tìm cái bên ngoài chớ không phải cái của mình, vì vậy nói tự mình còn không có thể được huống là riêng có pháp xứng tình.Xứng tình là hợp với mong muốn của mình.Không thấy trong kinh nói: “pháp pháp hình trạng gì”?Tổ dẫn kinh để xác chứng ý này.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Nếu như vậy hoàn toàn không cần tìm kiếm?

Đáp: Nếu mài tới cùng thì sức tâm tỉnh giác.

Hỏi: Như thế thì lẫn thành đoạn tuyệt, không thể là không?

Đáp: Ai dạy kia không? Kia là cái gì ông nghĩ tìm kia?

Hỏi: Đã không cho tìm, cớ sao lại nói “chớ đoạn kia”?

Đáp: Nếu không tìm liền thôi, ai dạy ông đoạn? Ông thấy hư không ở trước mắt, làm thế nào để đoạn nó?

GIẢNG:

Hỏi:Nếu như vậy hoàn toàn không cần tìm kiếm?Đáp: Nếu mài tới cùng thì sức tâm tỉnh giác. Từ này nghe thật khó hiểu. Nếu mài tới cùng thì sức tâm tỉnh giác nghĩa là sao? Chỗ đó không phải tìm kiếm bên ngoài, nhưng biết mài biết giũa thì tâm tỉnh giác càng sáng. Vậy cái gì mài, cái gì giũa? Thật ra chúng ta không có gì để dụng công, nhưng trên thực tế vẫn hằng dụng công. Nghe như mâu thuẫn. Tại sao? Bởi vì nếu có dụng công, tất nhiên người dụng công và cái bị dụng công khác. Còn ở đây mình tự tỉnh, tự giác. Tất cả vọng tưởng phiền não dấy khởi, mình buông đi không theo, lúc đó dường như thấy có buông bỏ phiền não, mà thật ra phiền não không thật, cái thấy phiền não cũng không thật. Như vậy cả hai đều không thật. Do chúng ta tự tỉnh thấy nó không thật nên buông bỏ, chớ không phải thấy thật rồi cố mài giũa cho nó sạch.

Trong giai đoạn tu phải dụng công như thế, không thể nói tâm mình sẵn thanh tịnh là ta sống thanh tịnh được. Rõ ràng bây giờ nó không chịu thanh tịnh, luôn nghĩ bậy nghĩ bạ đây. Nếu chúng ta để y nguyên như thế, thì nó nghĩ hoài làm sao dẹp được, nên phương tiện dùng sức tỉnh giác mài giũa nó. Khi nó lặng thì cái tỉnh giác cũng lặng theo. Vì vậy nói “nếu mài tới cùng thì sức tâm tỉnh giác”.

Hỏi: Như thế thì lẫn thành đoạn tuyệt, không thể là không?Câu hỏi này rất có ý. Chúng ta mài giũa tới khi cả hai mòn hết, thì thành đoạn tuyệt, chẳng lẽ tu tới không ngơ?

Đáp: Ai dạy kia không? Kia là cái gì ông nghĩ tìm kia?

Ai dạy kia không,nghĩa là dạy tới chỗ cuối cùng là không. Kia là cái gì ông nghĩ tìm kia?Đó là cái thật của chính mình, chúng ta không thấy, không nhận là do vọng tưởng điên đảo mờ ám che đậy, buộc lòng phải mài giũa. Mài giũa nó tiêu mòn dần, cái thật hiện ra, đâu nói là không được.

Hỏi: Đã không cho tìm, cớ sao lại nói “chớ đoạn kia”?Đáp: Nếu không tìm liền thôi, ai dạy ông đoạn? Ông thấy hư không ở trước mắt, làm thế nào để đoạn nó?

Ở đây hỏi đã không cho tìm, cớ sao lại nói “chớ đoạn kia”, tức là chớ đoạn nó. Đáp nếu không tìm liền thôi, ai dạy ông đoạn?Ngừng tâm đuổi tìm là được, chớ nói gì đoạn. Vì thể tâm chân thật không tướng trạng nên dùng hình thức hư không để ví dụ. Hư không không có hình tướng làm sao đoạn, thể tâm cũng thế, làm sao đoạn được.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Pháp này có thể đồng với hư không chăng?

Đáp: Hư không sớm chiều đến, ông nói có đồng có khác với ta chăng? Chỉ tạm nói như thế, ông bèn nhắm vào nó mà sanh hiểu.

Hỏi: Lý ưng cùng người sanh hiểu chăng?

Đáp: Tôi không từng chướng ông, cốt cái hiểu thuộc về tình, tình sanh thì trí cách.

Hỏi: Ở trong đó chớ sanh tình phải chăng?

Đáp: Nếu không sanh tình ai nói là phải?

GIẢNG:

Hỏi: Pháp này có thể đồng với hư không chăng?

Đáp: Hư không sớm chiều đến, ông nói có đồng có khác với ta chăng? Chỉ tạm nói như thế, ông bèn nhắm vào nó mà sanh hiểu.

Trong hư không buổi sáng mặt trời lên thì thấy sáng, buổi chiều mặt trời lặn thì thấy tối, sáng tối là cảnh bên ngoài. Hư không không sáng tối, như vậy đồng khác với ta chăng? Hư không là vô tri, tánh giác là thường tri. Cái vô tri với cái thường tri mà hỏi đồng hỏi khác là sao? Đây chẳng qua tạm dùng hư không để thí dụ, ông bèn nhằm vào nó sanh hiểu, tưởng chỗ chân thật giống như hư không. Như vậy không đúng.

Hỏi: Lý ưng cùng người sanh hiểu chăng?Như vậy cho người sanh hiểu chăng?

Đáp: Tôi không từng chướng ông, cốt cái hiểu thuộc về tình, tình sanh thì trí cách.

Câu này đáp rất rõ ràng. Hỏi “như vậy cho sanh hiểu không”, Ngài đáp tôi không từng chướng, không ngăn, không che ông, ông tự muốn hiểu thì cứ hiểu, nhưng cái hiểu thuộc về tình. Cho nên khi các Thiền sư hỏi “hội không” thường đáp “chẳng hội”. Chẳng hội mà được, còn nói hội thì ăn đòn. Chẳng hội là chẳng hiểu, bị vì hiểu tức là tình, mà tình sanh thì trí cách, không còn trí chân thật hiện tiền.

Chúng ta sống thường dùng tình nhiều hơn trí. Cái gì cũng đặt thức tình tìm hiểu, càng tìm hiểu thì trí chân thật càng lặn mất. Tu được định trí chân thật mới hiện ra. Đã định thì tình còn không? Tình hết. Tình hết trí mới hiện. Tìm hiểu thuộc về tình, càng hiểu tình càng sâu nên nói tình sanh thì trí cách.

Hỏi: Ở trong đó chớ sanh tình phải chăng? Đáp: Nếu không sanh tình ai nói là phải?Hỏi có phải không sanh tình chăng? Nếu còn thấy phải thấy quấy là còn tình. Nếu không sanh tình thì đừng nói phải quấy. Đây là chỗ đặc biệt.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Vừa nhằm chỗ Hòa thượng nói ra, là tại sao lại rơi vào nói năng?

Đáp: Ông tự là người không hiểu lời nói, có cái gì là rơi vào?

Hỏi: Từ trên đến đây nói nhiều như thế đều là lời phản lại, hoàn toàn chưa từng chỉ bày thật pháp cho người?

Đáp: Thật pháp không điên đảo, nay chỗ hỏi của ông tự sanh điên đảo, tìm thật pháp chỗ nào?

Hỏi: Đã là chỗ hỏi tự sanh điên đảo thì chỗ đáp của Hòa thượng thế nào?

Đáp: Ông hãy tự lấy gương soi mặt mình, chớ xem xét người khác. Chỉ giống như con chó ngu thấy có tiếng động là sủa, không phân biệt gió thổi hay cây cỏ động.

GIẢNG:

Hỏi: Vừa nhằm chỗ Hòa thượng nói ra, là tại sao lại rơi vào nói năng?Hòa thượng vừa mới nói, người nghe lập lại, tại sao lại rơi vào chỗ nói năng?

Đáp: Ông tự là người không hiểu lời nói, có cái gì là rơi vào?Ông không hiểu lời nói, chớ có gì rơi vào, chẳng qua là thấy với chưa thấy thôi, không có gì rơi vào hết.

Hỏi: Từ trên đến đây nói nhiều như thế đều là lời phản lại, hoàn toàn chưa từng chỉ bày thật pháp cho người?Đáp: Thật pháp không điên đảo, nay chỗ hỏi của ông tự sanh điên đảo, tìm thật pháp chỗ nào?Thật pháp là không điên đảo mà ông hỏi quanh hỏi co, hỏi phải hỏi quấy, đó là tự điên đảo rồi, làm sao thấy thật pháp.

Hỏi: Đã là chỗ hỏi tự sanh điên đảo thì chỗ đáp của Hòa thượng thế nào?Hỏi điên đảo thì chẳng lẽ Hoà thượng đáp cũng điên đảo luôn sao.

Đáp: Ông hãy tự lấy gương soi mặt mình, chớ xem xét người khác. Chỉ giống như con chó ngu thấy có tiếng động là sủa, không phân biệt gió thổi hay cây cỏ động.Ở đây Ngài dạy, ông hãy tự lấy gương soi mặt mình, đừng chạy theo lời nói, mạch văn của người. Nếu chạy theo người ta thì giống như con chó ngu thấy tiếng động là sủa, không biết gió hay cây.

CHÁNH VĂN:

Về Thiền tông tôi đây từ các bậc tiền bối trao truyền đến nay, không từng dạy người cầu hiểu cầu biết, chỉ nói “học đạo” là lời để tiếp dẫn. Nhưng, đạo cũng không thể học, còn nghĩ học hiểu trở thành mê đạo. Đạo không có chỗ nơi gọi tâm Đại thừa. Tâm này không ở trong, ngoài, chặng giữa, thật không có chỗ nơi, hay nhất là không được khởi hiểu biết.

GIẢNG:

Đứng về mặt Thiền tông, các bậc tiền bối trao truyền từ trước đến giờ, không từng dạy người cầu hiểu cầu biết, chỉ dạy người nhận ra, thấy liền thấy, không thấy thì thôi, chớ không cho cầu hiểu biết. Học đạo là lời nói để tiếp dẫn người sau thôi. Nhưng đạo cũng không thể học. Còn nghĩ học hiểu trở thành mê đạo. Tại sao? Lẽ ra học hiểu thì thông đạo, tại sao mê đạo? Vì càng học, càng hiểu càng trở thành trí suy luận, so sánh, đối chiếu. Mà so sánh đối chiếu thì xa đạo rồi.

Đạo không có chỗ nơi gọi tâm Đại thừa. Vì đạo không có chỗ nơi nên đạo chỉ cho tâm Đại thừa, tâm thênh thang rộng lớn của mình.

Tâm này không ở trong, ngoài, chặng giữa, thật không có chỗ nơi, hay nhất là không được khởi hiểu biết.Tâm này không có chỗ nơi và đặc biệt muốn thấy, muốn gần nó là đừng khởi hiểu biết. Vừa khởi hiểu biết liền cách xa.

Ngài nói đi nói lại, rốt cuộc cũng chỉ cho chúng ta thấy nơi mọi người có tâm thể chân thật, không cho suy luận hiểu biết để mình nhận ra tâm ấy. Bởi vì phải lặng dừng tất cả suy luận tâm ấy mới hiện. Vì vậy chúng ta tu muốn tâm chân thật hiển hiện phải dừng tất cả niệm lăng xăng, đối đãi, phân biệt.

CHÁNH VĂN:

Chỉ nói với ông chỗ tình lượng hiện nay, tình lượng nếu hết thì tâm không chỗ nơi. Đạo thiên chân này vốn không danh tự. Bởi vì thế gian không biết, mê ở trong tình. Cho nên chư Phật ra đời nói để phá việc này, sợ e các ông không rõ, quyền lập tên “Đạo”. Không thể nhận tên sanh hiểu, nên nói “được cá quên nôm”. Thân tâm tự nhiên đạt đạo, biết tâm, đạt nguồn cội hiệu là Sa-môn.

GIẢNG:

Chỉ nói với ông chỗ tình lượng hiện nay, tình lượng nếu hết thì tâm không chỗ nơi.Tình lượng tức là tâm suy luận hiểu biết. Nếu hết tâm suy luận hiểu biết thì tâm chân thật trùm khắp. Tâm suy lượng hiểu biết luôn đặt trên danh tướng. Khi chúng ta phân biệt tên đó, chữ đó, nghĩa đó… là danh. Phân biệt hình này, tướng kia đẹp xấu… là tướng. Tất cả tình lượng phân biệt đều nằm trên danh tướng. Nếu danh tướng tình lượng lặng thì tâm thênh thang bủa khắp, đó là đạo.

Cho nên ở đây dùng chữ “đạo thiên chân” này vốn không danh tự. Tại sao nói đạo thiên chân? Thiên chân có hai cách hiểu. Thứ nhất, thiên chân là cái chân nghiêng một bên. Thường thường nói thiên chân là chỗ đạt được của Nhị thừa, chỉ mới có một bên, chưa viên mãn. Thứ hai, thiên chân ở đây là cái chân thật sẵn có. Đạo sẵn có chân thật này vốn không danh tự. Nên đạo thiên chân tức là đạo sẵn có chân thật. Người thế gian không hiểu nên mê trong tình.

Cho nên chư Phật ra đời thì nói để phá việc này, sợ e các ông không rõ quyền lập tên đạo. Chúng ta sẵn có đạo chân thật, không tên tuổi, không danh tự, người thế gian không biết mê lầm trong tình chấp. Cho nên chư Phật ra đời để phá chấp này, quyền lập tên “đạo”. Không thể nhận tên sanh hiểu, nên nói “được cá quên nôm”.Chúng ta tu phải nhận ra chỗ chân thật, không nên sanh thêm hiểu biết phân biệt nào, vì vậy nói “được cá quên nôm”. Như người cầm nôm đi nôm, cốt được cá chớ không phải được nôm. Cho nên khi được cá thì quên nôm. Chúng ta cũng vậy, nhận ra đạo thì quên hết danh tự, dù danh tự đạo cũng không còn. Nếu còn bám vào danh tự là còn giữ nôm mà không giữ cá.

Thân tâm tự nhiên đạt đạo, biết tâm đạt nguồn cộihiệulà Sa-môn. Sa-môn là gì? “Thức tâm đạt bản nguyên danh vi Sa-môn.” Hiểu được tâm, đạt được nguồn cội gọi là Sa-môn. Người tu mà không hiểu tâm, không thấu suốt được nguồn cội thì chưa xứng là người tu. Vì vậy Tổ dẫn kinh Tứ Thập Nhị Chương nhắc câu này.

CHÁNH VĂN:

Quả Sa-môn là dứt duyên lự mà thành, không phải từ học mà được.

GIẢNG:

Quả của Sa-môn có nhiều bậc. Thí dụ như Tứ quả Sa-môn là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Riêng quả Sa-môn ở đây là quả đạt đạo tuyệt cao, không phải do tâm phân biệt so sánh đối đãi mà thành. Cho nên nói không phải học mà được.

CHÁNH VĂN:

Ông nay đem tâm cầu tâm, bên cạnh nhà người chỉ toan học lấy, có khi nào được.

GIẢNG:

Nếu đem tâm cầu tâm, có khi nào được. Muốn được tâm chân thật tự mình phải buông hết mọi thứ phân biệt vọng lự, thì tâm chân thật hiện tiền. Bên cạnh nhà người chỉ toan học lấylà đến nhà các bậc thầy cầu mong chỉ dạy, như thế trọn chẳng thể được.

CHÁNH VĂN:

Người xưa tâm lanh lợi vừa nghe một câu bèn dứt học, cho nên nói là “tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân”.

GIẢNG:

Người xưa nghe một câu bèn dứt học, gọi là tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân.Ngài Huyền Giác nói câu này để nhắc chúng ta đến chỗ chân thật rồi không còn học là tuyệt học, vô vi là không còn mọi động tác, mọi suy luận. Được như thế gọi là nhàn đạo nhân, đạo nhân thảnh thơi không còn bận bịu việc gì.

CHÁNH VĂN:

Người thời nay chỉ muốn được biết nhiều hiểu rộng, rộng cầu văn nghĩa, bảo là tu hành, không biết biết nhiều hiểu rộng trở thành bít lấp.

GIẢNG:

Tại sao biết nhiều, hiểu rộng lại trở thành bít lấp? Bởi vì chúng ta học nhiều, nhớ nhiều thì càng che cái chân thật của chính mình, cho nên gọi là bít lấp. Nếu tâm trống rỗng không còn gì che đậy, tâm chân thật sẽ hiện ra.

CHÁNH VĂN:

Chỉ cần biết nhiều sánh với trẻ con ăn tô ăn sữa, trọn không biết tiêu cùng chẳng tiêu.

GIẢNG:

Người muốn biết thật nhiều, thuộc lòng Tam Tạng kinh điển, giống như mấy đứa bé thích ăn bơ, ăn sữa. Nó không biết ăn nhiều không tiêu sẽ thành bệnh. Chúng ta cũng vậy, cứ ngỡ rằng học nhiều, hiểu rộng là hay, không ngờ chính học nhiều hiểu rộng lại trở thành bít lấp.

CHÁNH VĂN:

Người học đạo tam thừa đều giống như thế, chung gọi là ăn không tiêu. Nên nói “hiểu biết không tiêu đều là thuốc độc”. Hoàn toàn nhằm trong sanh diệt mà lấy, trong chân như trọn không có việc này. Nên nói “trong kho vua của ta không có đạo như thế”. Từ trước có tất cả chỗ hiểu biết cần phải dẹp sạch, khiến không, lại không phân biệt tức là Không Như Lai Tạng.

GIẢNG:

Người học đạo tam thừa đều giống như thế, chung gọi là ăn không tiêu,học nhiều quá tiêu hóa không nổi gọi là ăn không tiêu. Nên nói “hiểu biết không tiêu đều là thuốc độc”,tất cả hiểu biết nhiều mà không tiêu hóa nổi thì trở thành thuốc độc.

Hoàn toàn nhằm trong sanh diệt mà lấy, trong chân như trọn không có việc này, học hiểu tìm kiếm phân biệt… tất cả những thứ ấy đều nằm trong sanh diệt, không phải thể chân như.

Nên nói “trong kho vua của ta không có đạo như thế”,trong kho vua không có đạo như thế, không có học lăng xăng như vậy.

Từ trước có tất cả chỗ hiểu biết cần phải dẹp sạch, khiến không, lại không phân biệt tức là Không Như Lai Tạng. Sao gọi là Như Lai Tạng? Sao gọi là Không Như Lai Tạng? Khi không còn dính chấp, không còn khởi phân biệt gọi là Không Như Lai Tạng. Như Lai là Phật, Tạng là kho. Như Lai Tạng là kho của Phật. Kho của Phật chứa gì? Kho của Phật trống rỗng thênh thang, cho nên gọi là Không Như Lai Tạng.

Còn kho chúng ta chứa gì? Chứa đủ thứ bá nạp, tốt xấu hay dở không thiếu thứ gì. Bởi vậy nên gọi là tạng hay tàng thức. Tàng thức đối với Duy Thức học gọi là thức thứ tám, chứa tất cả chủng tử thiện ác, đó là những thứ phân biệt nên gọi là thức. Khi ta dẹp hết tất cả chủng tử thiện ác rồi gọi đó là Không Như Lai Tạng.

CHÁNH VĂN:

Như Lai Tạng lại không một mảy bụi có thể có, tức là vị Pháp vương phá hữu xuất hiện ở thế gian, cũng nói rằng: “Ta ở chỗ Phật Nhiên Đăng không có một chút pháp có thể được.”

GIẢNG:

Như Lai Tạng không một mảy bụi có thể có, nghĩa là không còn một mảy bụi mới gọi là Như Lai Tạng. Nếu không còn một mảy bụi thì gọi là vị Pháp vương phá hữu xuất hiện ở thế gian.Pháp vương phá hữu là gì? Là ông vua pháp dẹp hết những cái có ở thế gian. Cũng nói rằng “Ta ở chỗ Phật Nhiên Đăng không có một chút pháp có thể được”,đây dẫn kinh Kim Cang để nói đức Phật là vị Pháp Vương Phá Hữu xuất hiện ở thế gian.

CHÁNH VĂN:

Lời nói này chỉ là không. Tình lượng hiểu biết của ông cần được tiêu dung, trong ngoài tình hết, trọn không y chấp là người vô sự.

GIẢNG:

Những lời dẫn từ trước đến đây, cốt chỉ cho chúng ta thấy là không, không một pháp, như vậy tất cả tình lượng, hiểu biết cần phải tiêu dung. Tiêu dung là dọn dẹp tiêu hoá hết, không còn gì lợn cợn nữa. Trong ngoài tình hết,ở trong ở ngoài đều không còn tình chấp. Trọn không y chấp là người vô sự,tức không có gì để dính mắc nữa là người vô sự. Người vô sự là người thế nào? Chắp tay ra sau đi tới đi lui thong thả, ngó trời ngó mây là người vô sự chăng? Ngó trời ngó mây mà trong đầu lăng xăng, có phải vô sự chưa? Thân thì thấy như vô sự mà thực tâm chưa vô sự. Vô sự là tất cả tình chấp không còn, trong ngoài đều dứt sạch, chính chỗ đối cảnh vô tâm mới là người vô sự.

CHÁNH VĂN:

Cương yếu giáo lý tam thừa chỉ là thứ thuốc hợp cơ, tùy nghi nói ra, tạm thời lập bày, mỗi mỗi không đồng, chỉ cần rõ biết thì không bị mê hoặc là hay bậc nhất. Không được bên một cơ, một giáo chấp văn nhận hiểu. Tại sao như thế? Thật không có pháp nhất định Như Lai có thể nói.

GIẢNG:

Ở đây Ngài muốn nói cho chúng ta hiểu, sở dĩ Phật giảng dạy có chia ra tam thừa Phật giáo, hoặc ngũ thừa Phật giáo là vì đối bệnh cho thuốc, chớ chưa phải chỗ cứu kính. Bởi hợp cơ cho nên tùy nghi nói ra, tạm thời lập bày, mỗi mỗi không đồng nên pháp này khác pháp kia. Chỉ cần rõ biết thì không mê hoặc,chúng ta cần biết những pháp ấy Phật phương tiện tùy cơ mà thuyết. Biết rành rẽ như vậy, không lầm lẫn là hay bậc nhất.

Gần đây tôi có một cái nhìn, như hàng Thanh văn lấy pháp Bát chánh đạo làm căn bản, Duyên giác lấy Mười hai nhân duyên làm căn bản. Trong Bát chánh đạo thứ nhất là Chánh kiến, kế đến là Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, tới Chánh định thì dừng. Còn Đại thừa lấy Lục độ làm căn bản. Lục độ gồm Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Nhẫn nhục, Thiền định, Trí tuệ. Như vậy hai bên khác nhau chỗ nào?

Theo Thanh văn, bước đầu là Chánh kiến, nhận định đúng với Chánh pháp, đúng với lý Tứ đế. Muốn thế phải có trí tuệ mới Chánh kiến được. Trí tuệ ở đâu ra? Phật dạy “các ngươi hãy thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp”. Trí tuệ đó từ học mà được. Các hàng Thanh văn nhờ nghe, nhờ học kinh Phật mà có nhận định đúng, thành ra trí đó là trí hữu học. Từ trí hữu học đi lần lần lên thấy đúng, nghĩ đúng, nói đúng, làm đúng, sống đúng, tu hành đúng tới chánh định thì dừng. Tại sao? Bởi vì Thanh văn tu muốn cầu Niết-bàn, cứu kính Niết-bàn của Thanh văn là Diệt tận định, cho nên dừng lại ở định.

Bồ-tát bắt đầu từ Bố thí, kế đến là Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ. Với tinh thần Đại thừa, trước hết dùng lòng Từ bi, do dùng Từ bi nên bố thí. Bố thí dẹp cái gì? Dẹp tham. Kế đến Trì giới là bảo vệ cho chúng ta tránh những lỗi lầm. Nhẫn nhục để trừ sân. Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ diệt hết si. Như vậy trí tuệ của Lục độ từ đâu ra? Từ Thiền định mà được, nên trí tuệ đó là trí tuệ vô sư. Bồ-tát ban đầu đi từ tâm từ bi, lần lần tới diệt tham, sân, si, cuối cùng trí tuệ chân thật hiện. Phân biệt sự khác nhau trên pháp tu của hai bên Thanh văn và Bồ-tát, chúng ta mới thấy hai giáo lý sai biệt nhau ở mục đích cứu kính.

Người tu Bồ-tát đạo khi được trí tuệ rồi, biết trí tuệ ấy đâu phải riêng mình có, ai cũng sẵn vì nó là trí vô sư. Do đó mọi người đều có khả năng thành Phật, vì vậy các ngài không nhập Niết-bàn mà chấp nhận đi trong sanh tử để độ chúng sanh. Còn các vị Thanh văn tu học từ Tứ đế được Diệt tận định, nên muốn ra khỏi sanh tử nhập Niết-bàn. Một bên hết duyên nhập Niết-bàn. Một bên nhận ra trí tuệ vô sư, lăn lóc vào đời độ chúng sanh. Đó là chỗ khác biệt giữa Tiểu thừa và Đại thừa.

Hiểu vậy mới thấy giáo lý của Phật có từng chặng, nên nói giáo lý Tam thừa chỉ là phương pháp khế cơ thôi. Ở đây chỉ thẳng cho chúng ta biết tới chỗ cuối cùng không còn tất cả những suy nghĩ luận bàn. Nên nói “thật không có pháp nhất định Như Lai có thể nói”,chẳng qua chỉ là phương tiện.

CHÁNH VĂN:

Tông môn của tôi đây chẳng bàn việc này, chỉ biết dứt tâm liền thôi, không cần suy trước tính sau.

GIẢNG:

Tổ bảo tông môn của Ngài chỉ cần dứt tâm, không cần suy trước tính sau. Chỗ này đơn giản mà khó. Ví dụ như người bị bệnh ái nặng, Phật dạy họ quán thân bất tịnh. Quán đến khi nào gớm nó thì bớt ái, như vậy dễ trừ. Còn ở đây không nói bệnh gì hết, miễn niệm dấy lên liền bỏ. Chúng ta bỏ hoài mà không thấy hết nên nói khó. Càng đơn giản càng khó. Cũng thế, chân lý rất đơn giản cho nên khó tìm. Cái gì màu sắc hoa hòe tô điểm bên ngoài, dễ tìm nên người ta thích, nhưng nó không phải chân lý. Chân lý là lẽ thật, rất đơn giản. Hiểu vậy chúng ta thấy lối tu chỉ biết dứt tâm liền thôi là quá đơn giản, vì thế nên khó. Đó là con đường tắt. Khó mà bền chí tu cũng sẽ thành tựu. Còn dễ là con đường quanh, đi không khéo lòng vòng mãi không biết bao giờ mới về đến nhà. Như người leo núi, đi thẳng lên khó, còn đi vòng vòng dễ hơn. Việc tu của chúng ta cũng giống như vậy. Hiểu rồi mới bền chí, mới quyết tâm tu. Nếu không hiểu thì tu lâu thấy mệt mỏi sanh ra chán ngán. Người khéo tu biết buông bỏ những gì dính mắc, che lấp thì tự sáng thôi.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Từ trước đến nay đều nói “tức tâm là Phật”, chưa biết tức tâm nào là Phật?

Đáp: Ông có bao nhiêu thứ tâm?

Hỏi: Tức tâm phàm là Phật hay tức tâm Thánh là Phật?

Đáp: Ông chỗ nào có tâm phàm thánh?

Hỏi: Nay trong tam thừa nói có phàm thánh, Hoà thượng đâu được nói không?

Đáp: Trong tam thừa rõ ràng nói với ông “tâm phàm thánh là vọng”, nay ông không hiểu trở lại chấp là có, đem không làm thật, đâu không phải là vọng, vọng nên mê tâm. Ông chỉ trừ dẹp tình phàm cảnh thánh, ngoài tâm không có Phật khác, Tổ sư từ Ấn Độ đến, chỉ thẳng mọi người toàn thể là Phật. Nay ông không biết chấp phàm chấp thánh, nhằm ngoài chạy tìm, trở lại mê tâm mình, vì thế nên đến ông nói “tức tâm là Phật”. Một niệm tình sanh liền sa vào cõi khác, từ vô thủy đến giờ không khác ngày nay. Không có pháp khác nên gọi thành Đẳng Chánh Giác.

GIẢNG:

Hỏi: Từ trước đến nay đều nói “tức tâm là Phật”, chưa biết tức tâm nào là Phật?

Đáp: Ông có bao nhiêu thứ tâm?Hỏi tâm nào là Phật, Ngài hỏi lại ông có bao nhiêu thứ tâm?

Hỏi: Tức tâm phàm là Phật hay tức tâm Thánh là Phật?

Đáp:Ông chỗ nào có tâm phàm thánh?

Hỏi: Nay trong tam thừa nói có phàm thánh, Hoà thượng đâu được nói không?Tam thừa nói rõ ràng có phàm thánh, nếu người tu Thiền từ Sơ thiền tới Tứ thiền thuộc về Phàm phu thiền. Từ Tứ thiền trở lên bước qua Thánh quả, có phàm có thánh. Còn Bồ-tát từ thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng thuộc về Hiền, từ sơ địa cho tới thập địa… thuộc về Thánh. Rõ ràng từ giáo lý Nhị thừa tới giáo lý Đại thừa đều nói có phàm thánh. Tại sao Ngài nói không phàm thánh.

Đáp: Trong tam thừa rõ ràng nói với ông “tâm phàm thánh là vọng”,trong tam thừa giáo lý cũng nói tâm phân biệt phàm, tâm phân biệt thánh là tâm vọng. Nay ông không hiểu trở lại chấp là có, đem không làm thật, đâu không phải là vọng, vọng nên mê tâm.Vì ông còn chấp hai bên phàm thánh, đó là vọng nên còn mê tâm. Ông chỉ trừ dẹp tình phàm cảnh thánh, ngoài tâm không có Phật khác,bây giờ hai bên phàm thánh đều dẹp hết. Nói dẹp phải quấy hơn thua thì dễ, chớ dẹp phàm thánh hơi khó. Dẹp được phải quấy hơn thua cũng là hạng khá, huống nữa là dẹp tình phàm cảnh thánh. Nếu dẹp được tình phàm cảnh thánh thì không còn Phật nào khác nữa, đó là Phật rồi. Cho nên nói ngoài tâm chân thật không có Phật khác.

Tổ sư từ Ấn Độ đến, chỉ thẳng mọi người toàn thể là Phật. Nay ông không biết chấp phàm chấp thánh, nhằm ngoài chạy tìm, trở lại mê tâm mình, vì thế nên đến ông nói “tức tâm là Phật”.Ở đây dẫn lời của Tổ Đạt-ma chỉ dạy. Ngài chỉ thẳng mọi người toàn thể là Phật. Nay ông không biết chấp phàm chấp thánh, nhằm ngoài chạy tìm tức chạy ra ngoài tìm phàm tìm thánh, trở lại mê tâm mình tức quên tâm, vì thế buộc lòng phải nói với ông “tức tâm là Phật”. Nói thế để nhớ tâm mình là Phật, không thể bỏ nó tìm Phật bên ngoài được.

Một niệm tình sanh liền sa vào cõi khác, từ vô thủy đến giờ không khác ngày nay, thể chân thật hay tâm Phật của mình từ xưa đến giờ không đổi thay tí nào hết. Nếu người có niệm phân biệt suy tính liền rơi vào cõi khác.

Không có pháp khác nên gọi thành Đẳng Chánh Giác.Đẳng là ngang nhau, được Chánh giác bằng nhau chớ không có cao thấp riêng khác.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Hoà Thượng nói “tức” là đạo lý gì?

Đáp: Tìm đạo lý gì? Vừa có đạo lý bèn tức tâm khác.

Hỏi: Trên nói “từ vô thủy đến giờ không khác ngày nay”, lý này thế nào?

Đáp: Chỉ vì tìm nên ông tự khác người, ông nếu không tìm thì chỗ nào có khác?

Hỏi: Đã là không khác sao lại phải nói “tức”?

Đáp: Ông nếu không nhận phàm thánh thì ai đến ông nói “tức”? Tức như không tức, tâm cũng chẳng tâm, nên trong ấy tâm tức đều quên, người nào lại nghĩ, nhằm chỗ nào tìm?

GIẢNG:

Hỏi: Hoà Thượng nói “tức” là đạo lý gì?

Đáp: Tìm đạo lý gì? Vừa có đạo lý bèn tức tâm khác. Vừa thấy có đạo lý là tâm khác, chớ không còn tức tâm là Phật nữa.

Hỏi: Trên nói “từ vô thủy đến giờ không khác ngày nay”, lý này thế nào?

Đáp: Chỉ vì tìm nên ông tự khác người, ông nếu không tìm thì chỗ nào có khác?Vì chúng ta chạy tìm nên thành khác. Nếu không tìm kiếm thì có gì khác.

Hỏi: Đã là không khác sao lại phải nói “tức”?

Đáp: Ông nếu không nhận phàm thánh thì ai đến ông nói “tức”?Tại ông nói tâm này là phàm, tâm kia là thánh, nên nói tức phàm là thánh.

Tức như không tức, tâm cũng chẳng tâm, nên trong ấy tâm tức đều quên, người nào lại nghĩ, nhằm chỗ nào tìm?Tới chỗ cuối cùng chữ tức cũng phải buông, chữ tâm cũng phải bỏ, cả hai đều hết. Như vậy không cần tìm kiếm ở đâu.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Vọng hay chướng tâm mình, chưa biết nay nên lấy cái gì dẹp vọng?

Đáp: Khởi vọng dẹp vọng cũng thành vọng. Vọng vốn không gốc, chỉ nhân phân biệt mà có, ông chỉ nên đối hai chỗ phàm thánh tình chấp hết, tự nhiên không vọng. Nếu vì dẹp nó trọn không được có một mảy y chấp, gọi là “ta bỏ hai cánh tay ắt sẽ được Phật”.

Hỏi: Đã không y chấp thì truyền trao thế nào?

Đáp: Lấy tâm truyền tâm.

Hỏi: Nếu tâm truyền nhau tại sao nói tâm cũng không?

Đáp: Không được một pháp gọi là truyền tâm, nếu rõ tâm này tức là không tâm không pháp.

GIẢNG:

Hỏi: Vọng hay chướng tâm mình, chưa biết nay nên lấy cái gì dẹp vọng?

Đáp: Khởi vọng dẹp vọng cũng thành vọng. Vọng vốn không gốc, chỉ nhân phân biệt mà có, ông chỉ nên đối hai chỗ phàm thánh tình chấp hết, tự nhiên không vọng. Nếu vì dẹp nó trọn không được có một mảy y chấp, gọi là “ta bỏ hai cánh tay ắt sẽ được Phật”.Nói khởi vọng dẹp vọng cũng thành vọng. Vừa thấy vọng chúng ta khởi dẹp nó, như vậy cái khởi dẹp cũng là vọng. Nhưng nếu vọng khởi mình không dấy niệm bỏ, làm sao nó hết, cho nên giai đoạn đầu phải phương tiện dùng cái này bỏ cái kia.

Nhưng khi chúng ta tu sâu rồi, vọng vừa dấy mình nhìn nó mất. Quí vị đừng cố đè, đừng cố dẹp, chỉ thấy nó buông thôi, đừng theo là được. Tại sao đừng đè đừng dẹp? Bởi vì nó có thật đâu mà đè, có thật đâu mà dẹp, chẳng qua biết nó hư dối không theo là được rồi. Vọng vốn không gốc, không thật, chỉ nhân phân biệt mà có. Cho nên Tổ dạy ông chỉ nên đối hai chỗ phàm thánh tình chấp hết, tự nhiên không vọng.Tất cả hai bên: phải quấy, hơn thua, tốt xấu, đúng sai, phàm thánh… đều không dính bên nào thì vọng tự hết. Ngược lại, nếu kẹt một bên, bên này hoặc bên nọ thì vọng không bao giờ hết.

Nếu vì dẹp nó trọn không được có một mảy y chấp, gọi là “ta bỏ hai cánh tay ắt sẽ được Phật”.Tổ dẫn hình ảnh Bồ-tát chặt hai cánh tay để cúng dường, đây là để nói ý bỏ hai bên. Hai bên không còn dính, không còn kẹt, không còn chấp, đó là Phật. Có người bảo khởi nghĩ là vọng, dừng nghĩ là chân, cho nên bỏ vọng cầu chân. Bỏ vọng cầu chân thì còn hai bên hay một bên? Cũng là hai bên. Nói vọng nói chân là phương tiện, chớ không phải thật. Chỉ vọng lặng hết tự nó là chân, cái chân cũng không còn chân, vì đối với vọng nên gọi chân. Vọng hết thì còn gọi là gì? Nó là tâm thể chân thật hiện tiền, không nói vọng, nói chân gì hết.

Cúng dường hai cánh tay là bỏ chấp hai bên. Kinh Đại thừa có những hình ảnh người ta dễ hiểu lầm. Nói Bồ-tát bố thí hai cánh tay, ta tưởng đâu bỏ hai cánh tay được Phật thọ ký. Thích quá hôm nào ta cũng chặt tay để được Phật thọ ký. Nhưng mình chặt tay rồi thì thành người cụt tay, chớ không ai thọ ký cho đâu.

Hỏi: Đã không y chấp thì truyền trao thế nào?

Đáp: Lấy tâm truyền tâm.

Hỏi: Nếu tâm truyền nhau tại sao nói tâm cũng không?

Đáp: Không được một pháp gọi là truyền tâm, nếu rõ tâm này tức là không tâm không pháp.

Truyền tâm là người không còn dính chấp nào, tâm thể hiện tiền, nghe người kia trình bày chỗ không còn dính mắc của họ, hai bên thông cảm nhau gọi là lấy tâm truyền tâm. Tổ Đạt-ma truyền pháp cho Tổ Huệ Khả. Tổ Huệ Khả nói “ngày nay con dứt hết các duyên”, nghĩa là không còn chút dính mắc nào. Tổ Đạt-ma sợ dứt hết các duyên lại chấp không, nên nói “coi chừng rơi vào không”. Tổ Huệ Khả nói “rõ ràng thường biết, làm sao không được”. Dứt hết các duyên mà tâm vẫn rõ ràng thường biết, làm sao không. Tổ Đạt-ma nói “ông như thế, ta như thế, chư Phật cũng như thế”, đó là truyền tâm. Như vậy có truyền gì không? Thường nói truyền trao là đem gậy, đem bát, đem y trao cho gọi là truyền. Còn ở đây ông thấy như vậy đúng với cái thấy của ta, ta thấy đúng với cái thấy của Phật. Đó là thừa nhận chỗ hợp nhau, gọi là truyền, chớ không phải đem cái gì ra truyền cho người.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Nếu không tâm không pháp, thế nào là truyền?

Đáp: Ông nghe nói truyền tâm bèn cho là có khả đắc. Sở dĩ Tổ sư nói: “Khi nhận được tâm tánh nên nói không nghĩ bàn, rõ ràng không sở đắc, khi được không nói biết.”Việc này nếu đem dạy, ông đâu kham lãnh hội.

Hỏi: Như hư không ở trước mắt, thật không phải cảnh, sao không chỉ cảnh để thấy được tâm?

Đáp: Tâm gì mà dạy ông nhằm trên cảnh thấy? Giả sử ông thấy được chỉ là cái tâm chiếu cảnh. Như người dùng gương soi mặt, cho dù thấy được mày mắt rõ ràng, nhưng thật ra chỉ là bóng dáng, đâu quan hệ gì việc của ông?

Hỏi: Nếu không nhân chiếu khi nào được thấy?

Đáp: Nếu vậy liên hệ đến nhân thường phải nhờ vật, có khi nào được liễu ngộ. Ông không thấy người đến ông nói: “buông tay tợ người không một vật, luống công dối nói mấy ngàn điều”.

Hỏi: Nếu người hiểu rồi chiếu cũng không vật sao?

Đáp: Nếu là không vật thì cần gì phải chiếu, ông nếu mở mắt thì nói hết ngủ.

GIẢNG:

Hỏi: Nếu không tâm không pháp, thế nào là truyền?

Đáp: Ông nghe nói truyền tâm bèn cho là có khả đắc. Sở dĩ Tổ sư nói: “Khi nhận được tâm tánh nên nói không nghĩ bàn, rõ ràng không sở đắc, khi được không nói biết.” Việc này nếu đem dạy ông, đâu kham lãnh hội.

Nói truyền tâm là sao? Ngài dẫn Tổ sư nói khi nhận được tâm tánh nên nói không nghĩ bàn,nhận được chỗ không còn nghĩ bàn, rõ ràng không sở đắc, khi được không nói biết.Khi được cũng không nói tôi biết nó, vì nó rõ ràng hằng biết, đâu thể nói biết được nó. Nếu biết nó thì nó là vật bị biết. Việc này nếu đem dạy ông, đâu kham lãnh hội. Tôi có dạy ông cũng không lãnh hội được.

Hỏi: Như hư không ở trước mắt, thật không phải cảnh, sao không chỉ cảnh để thấy được tâm?

Đáp: Tâm gì mà dạy ông nhằm trên cảnh thấy? Giả sử ông thấy được chỉ là cái tâm chiếu cảnh. Như người dùng gương soi mặt, cho dù thấy được mày mắt rõ ràng, nhưng thật ra chỉ là bóng dáng, đâu quan hệ gì việc của ông?

Người hỏi nói rằng như hư không ở trước mắt, thật không phải cảnh, sao không chỉ cảnh để thấy được tâm. Như hư không ở trước mắt, ta có thể nhìn biết, sao không lấy đó mà chỉ? Ngài nói tâm gì mà dạy ông nhằm trên cảnh thấy?Tâm đó không phải ngoài cảnh mà có, nó có ngay nơi ông. Giả sử mình thấy được nó, chỉ là thấy tâm chiếu cảnh, chớ không phải thấy tâm thật. Như lấy gương soi mặt, mặt mày trong gương chúng ta thấy được là cái bóng, chớ không phải mặt mày thật. Mặt mày thật không thể thấy, như con mắt không thể thấy con mắt. Vì vậy những gì chúng ta tìm thấy chỉ là bóng dáng thôi, không phải cái chân thật.

Hỏi: Nếu không nhân chiếu khi nào được thấy?

Đáp: Nếu vậy liên hệ đến nhân thường phải nhờ vật, có khi nào được liễu ngộ. Ông không thấy người đến ông nói: “buông tay tợ người không một vật, luống công dối nói mấy ngàn điều”. Ở đây hỏinếu nói không nhân chiếu khi nào được thấy? Ngài đáp nếu vậy liên hệ đến nhân thường phải nhờ vật, nhân tức là nhân chiếu. Muốn chiếu thì phải có vật mới chiếu được, như vậy chừng nào liễu ngộ. Đây dẫn lời các Tổ nói ông thấy người đến ông nói: “buông tay tợ người không một vật, luống công dối nói mấy ngàn điều”,dù nói mấy ngàn điều chỉ là chuyện luống công, chớ gốc là buông tay không dính một vật. Đó là chủ yếu, còn nói đông nói tây chỉ phương tiện thôi.

Hỏi: Nếu người hiểu rồi chiếu cũng không vật sao?

Đáp: Nếu là không vật thì cần gì phải chiếu, ông nếu mở mắt thì nói hết ngủ.

Đơn giản vô cùng. Hỏi “nếu người hiểu rồi chiếu soi cũng không vật sao”, Ngài đáp “nếu là không vật thì cần gì phải chiếu”. Vì chiếu là soi lại, mà cái ấy không có, lấy gì soi. Bây giờ chỉ nói nếu ông hết mê tức là giác, giống như người mở mắt thì không ngủ. Thức ngủ khác nhau ở chỗ mở mắt với nhắm mắt thôi, sáng tối khác nhau ở chỗ tỉnh hay mê thôi.

CHÁNH VĂN:

Ngài thượng đường bảo:

Biết nhiều trăm thứ, chẳng bằng không cầu, tột bậc nhất vậy. Đạo nhân là người vô sự, thật không có những tâm nhiều ấy, cũng không có đạo lý gì có thể nói. Vô sự giải tán đi.

GIẢNG:

Ngài bảo “biết nhiều trăm thứ chẳng bằng không cầu, tột bậc nhất vậy”, chỗ không cầu là tột bậc nhất, còn biết nhiều trăm thứ không phải là hay.

Đạo nhân là người vô sự,thật không có những tâm nhiều ấy,cùng sự không có đạo lý gì có thể nói, nói đạo nhân là chỉ cho những người vô sự, vô sự thì không có tâm lăng xăng lộn xộn, chỗ tột cùng sự không còn đạo lý gì để nói nữa. Cuối cùng Ngài nói một câu dễ dàng nhất: Vô sự giải tán đi,không còn chuyện gì nữa thì giải tán đi, học nhiều làm chi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/06/2017(Xem: 9383)
Theunis Botha (51 tuổi), một thợ săn chuyên nghiệp người Nam Phi đã mất mạng sau khi bị con voi đè lên người trong chuyến đi săn ở Gwai, Zimbabwe. Ngày 19-5, nhóm của Theunis Botha đang đi săn ở Gwai, Zimbabwe thì bắt gặp đàn voi 4 con, các thành viên trong đoàn đã nhanh chóng rút súng ra bắn. Tuy nhiên, hành động này đã khiến đàn voi nổi giận và chúng bắt đầu đuổi theo nhóm thợ săn. Sau khi Botha bắn vào 3 con voi, con thứ 4 trong đàn đã dùng vòi nhấc Botha lên cao. Đúng lúc đó, con voi này bị một thợ săn khác bắn chết, nhưng không ngờ thi thể của nó đổ sụp xuống người Botha, đè anh thiệt mạng. Được biết con voi thứ 4 là một con voi cái.
10/06/2017(Xem: 24888)
Trong cuộc sống chúng ta thường xuyên chứng kiến một số người nóng vội, bởi vì một chút việc nhỏ mà nổi trận lôi đình. Hoặc bởi vì một câu nói của người khác không hợp ý mình mà buông lời nhục mạ. Nhưng cũng có khi lại thấy một số người, mỗi ngày đều là dùng tâm thái bình tĩnh để xử lý vấn đề, không sợ hãi trước vinh nhục, đó là bởi họ giữ được “tâm tĩnh như nước”.
08/06/2017(Xem: 10197)
Mẹ tôi mỗi khi sinh con đều ghi lại rõ ràng ngày, giờ, tháng đẻ, năm sinh của từng đứa một và nhờ tướng số sủ quẻ cho từng người. Tám anh em chúng tôi chỉ có hai người là quẻ tốt, tôi và thầy Nhật Từ. Tôi thuộc hạng người thông minh và ma mãnh nên từ bé đã bon chen vào đời rất sớm. Trong quẻ nói tôi sau này sẽ làm v
08/06/2017(Xem: 11318)
Đứng trước dòng thác lũ cuộc đời với vô vàn cám dỗ như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều, chúng ta khó mà vượt qua những nhu cầu cần thiết đó vì nó có sức hấp dẫn lạ thường, hay lôi cuốn, chi phối con người vào chỗ đam mê, say đắm. Cho nên, lúc nào ta cũng sống với hai tâm trạng vui-buồn lẫn lộn bởi tốt-xấu, hơn-thua, nên-hư, thành-bại, được-mất trong cuộc đời mà đón nhận kết quả khổ đau hay hạnh phúc.
04/06/2017(Xem: 9203)
Có một bộ Kinh rất nổi tiếng mà các Phật tử đều biết là “Kinh Kim cương”. Tên tiếng Phạn của Kinh là Vajracchedika-prajñaparamita-sutra, trong đó Vajra có hai nghĩa là kim cương và sấm sét, còn Chedika có nghĩa là cắt đứt, đoạn diệt.
02/06/2017(Xem: 6322)
Đạo đức là chân lý sống, là tấm gương sáng để người lãnh đạo Phật giáo thể hiện tinh thần bao dung và hòa hợp trong các tông phái tu học của đạo Phật. Trách nhiệm Giáo hội trong thời hiện đại khoa học phát triển một cách nhanh chóng với những văn minh tiến bộ rõ nét. Ngày nay một tu sĩ thuần thành với vai trò lãnh đạo Giáo hội các cấp, ngoài việc tu học khép mình trong chốn thiền môn, mà còn là người mang nặng trọng trách của một nhà truyền đạo đức làm người đối với quý Phật tử gần xa và xã hội.
01/06/2017(Xem: 17731)
Trong cuộc sống, việc bất bình thường không phải ít; có khi bị thần kinh, có khi bị ảo giác, hay hoang tưởng, có khi bị chấn thương đưa đến bất thường, có lúc tu tập không có Minh sư hướng dẫn, hành giả không đọc kỹ kinh Lăng Nghiêm… Cũng có khi sở đắc một khía cạnh nào đó rồi cứ ngỡ là toàn giác.
31/05/2017(Xem: 8779)
Thế là đã nửa năm trôi qua kể từ ngày Tết Chay lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của 44 đơn vị uy tín trong lĩnh vực chay. Tết Chay được tổ chức tại Hà Nội nửa năm trước đã gây ra được tiếng vang lớn. Rất nhiều cơ quan, nhà chùa, doanh nghiệp liên tục liên lạc với Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm TGĐ công ty sách Thái Hà ,đề nghị tổ chức Tết Chay lần thứ 2, thứ 3,…
28/05/2017(Xem: 7313)
Từ vụ Đại Bùng nổ (Big Bang) đến kỷ nguyên gọi là “Bùng nổ Thông tin” (the Information Explosion) cách nhau khoảng 15 tỉ năm. Vũ trụ theo lý thuyết Big Bang đã theo thời gian giãn nở, bành trướng không cùng tận. Ngày nay chúng ta thấy sự bùng nổ thông tin cũng trong tiến trình khuếch trương, mở rộng, không giới hạn. Nhưng thế giới loài người trên hành tinh nầy, chỉ là một hạt bụi nhỏ trong hàng tỉ tỉ định tinh và hành tinh trong vô số thiên hà…
25/05/2017(Xem: 10234)
Hoặc đóng cửa khép kín với thế giới bên ngoài như Bắc Triều Tiên. Hoặc mở cửa sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế như Việt Nam. Bhutan lại chọn chiến lược, “Cánh cửa mở hé”!. “Mở hé” trong ngoại giao, kinh tế, văn hóa - giáo dục.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]