Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lợi ích Của Sự Phát Triển Thất Giác Chi

24/07/201208:03(Xem: 7867)
Lợi ích Của Sự Phát Triển Thất Giác Chi

NGAY TRONG KIẾP SỐNG NÀY
Tác giả: Sayadaw U. Pandita
Dịch giả: Khánh Hỷ

Bảy Pháp Trợ Bồ Ðề

oo0oo

Lợi ích Của Sự Phát Triển Thất Giác Chi

Tất cả các yếu tố giác ngộ hay thất giác chi đều đem lại lợi ích kỳ diệu. Một khi các yếu tố này được phát triển đầy đủ sẽ có năng lực chấm dứt đau khổ. Ðức Phật đã thường xuyên nhắc nhở như thế. Ðiều này có nghĩa là cái vòng luẩn quẩn sanh tử, tử sanh tạo bởi danh sắc sẽ hoàn toàn dừng nghỉ khi bảy yếu tố giác ngộ phát triển đầy đủ.

Bảy yếu tố giác ngộ cũng có khả năng tiêu diệt mười đạo binh ma. Bao lâu những đạo binh ma này còn hiện diện thì chúng ta còn bị luẩn quẩn trong vòng đau khổ và tái sanh. Ðức Phật và những vị giác ngộ đã phát triển đầy đủ thất giác chi, đã thoát khỏi khổ đau trong vòng tam giới: Dục giới, sắc giới và vô sắc giới.

Bạn có thể thắc mắc rằng ta sẽ đi đâu nếu ra khỏi tam giới này. Có thể nói đó là Niết Bàn, thoát khỏi mọi hình thức tái sinh, vì Niết Bàn là sự chấm dứt sanh và tử. Từ sanh, chúng ta có đời sống, rồi già, bệnh, và cuối cùng là chết. Sinh, già, đau, chết, đó là những bộ mặt khác nhau của đau khổ. Thoát khỏi mọi khổ đau tức là thoát khỏi sự sanh. Mà không có sanh thì sẽ không có già, đau, chết. Như vậy, Niết Bàn là thoát khỏi sanh và tử.

Bảy yếu tố giác ngộ được phát triển tròn đủ sẽ dẫn thiền sinh đến Niết Bàn. Bởi thế, bảy yếu tố giác ngộ này được xem là một linh dược, chúng tạo sức mạnh cho tâm chịu đựng được mọi thăng trầm vinh nhục của cuộc sống. Thêm vào đó, bảy yếu tố giác ngộ này cũng thường chữa trị được cả thân bệnh và tâm bệnh nữa. Trên thực tế, nhiều người nhờ hành thiền mà được lành bệnh, ngay cả những bệnh nan y.

Thanh Lọc Tâm, Chữa Lành Tâm Bệnh

Tâm bệnh là những bệnh tham lam, sân hận, si mê, hoài nghi, đố kỵ, ngã mạn, bỏn xẻn, v.v... Khi bị mắc các chứng bệnh này thì tâm bị mê mờ, u ám, không thanh tịnh, không sáng suốt. Chính tâm bệnh tạo thân bệnh. Thay vì có một tâm hoàn toàn, trong sáng, thanh tịnh, bạn lại bị đám mây mờ phiền não chi phối, do đó, bạn trở nên thiếu sáng suốt, buồn rầu, bệnh hoạn chẳng khác nào bạn hít thở không khí ô nhiễm. Tuy nhiên, nếu bạn nỗ lực hành thiền, tinh tấn, chánh niệm, quán sát đối tượng liên tục từ sát na này sang sát na khác, tâm hoàn toàn ở trên đề mục không bị tán loạn, tâm định phát triển thì một thời gian sau, tâm sẽ được thanh lọc khỏi mọi phiền não trên. Lúc bấy giờ, trí tuệ sẽ bắt đầu hiển bày. Khi trí tuệ hiển bày, tâm sẽ trong sáng thanh khiết trở lại chẳng khác nào người được hít thở lại không khí trong lành sau khi thoát ra khỏi vùng ô nhiễm.

Niệm, tinh tấn và trạch pháp giác chi dẫn đến định và huệ. Những trí tuệ mới mẻ liên tục phát triển chẳng khác nào không khí trong lành giúp cho tâm bạn sáng suốt, định tỉnh. Tuệ giác thấy được sự sinh diệt của các hiện tượng là tuệ giác đầu tiên do sự thực hành thâm sâu và tốt đẹp đem lại. Lúc bấy giờ, xả giác chi sẽ bắt đầu ổn cố trong tâm bạn, và chánh niệm trở nên càng lúc càng sâu hơn. Sự sinh diệt của các đối tượng sẽ được thấy một cách rất rõ ràng, bản chất thật sự của sự vật hiển bày. Dần dần, việc hành thiền trở nên thâm sâu, thiện xảo và sự tinh tấn trở nên đều đặn, quân bình, tinh tấn lực gia tăng một cách tự nhiên, không cần thúc đẩy. Thiền sinh thấy dường như không có ai tạo nên sự tinh tấn này. Lúc bấy giờ, hỉ lạc sẽ phát sinh nhờ ở sự thấy rõ một cách trực tiếp bản chất thực sự của các tiến trình thân tâm. Tiếp theo sau hỉ lạc là một sự an lạc thanh tịnh, trong sáng, trí tuệ, không còn lo âu, thắc mắc, phiền muộn, nghi ngờ. Trong sự an lạc tĩnh lặng này, bạn càng thấy rõ ràng và sâu sắc bản chất của các hiện tượng giới hơn, và chánh định cũng nhờ thế mà thâm sâu hơn vì không còn sự quấy nhiễu nào nữa. Khi việc hành thiền ở vào mức thâm sâu như vậy, tâm thiền sinh sẽ thực sự quân bình. Lúc bấy giờ, hỉ lạc cũng không làm cho tâm thiền sinh xao động, dù cho đó là những hỉ lạc cao độ đến đâu. Cũng vậy, mọi cảm giác hay đối tượng không hài lòng cũng không ảnh hưởng đến tâm thiền sinh. Tóm lại, ở trạng thái này thì không đau khổ hay hạnh phúc nào có thể chi phối được tâm thiền sinh.

Diệt Trừ Thân Bệnh

Khi bảy yếu tố giác ngộ được phát triển thì thân tâm sẽ được thanh lọc. Thân và tâm có một sự liên hệ khá chặt chẽ và phức tạp. Khi tâm thực sự trong sạch và các yếu tố giác ngộ sung mãn thì sẽ đem lại hiệu quả lớn lao đối với hệ tuần hoàn trong cơ thể. Khí huyết sẽ thay đổi điều hoà và sẽ trong sạch hơn. Khí huyết này thấm nhuần toàn thể cơ thể. Lục phủ ngũ tạng được gội rửa và trở nên trong sạch. Mắt sẽ sáng và tinh tường. Một số thiền sinh có thể thấy ánh sáng phát ra từ thân thể mình. Ánh sáng còn có thể tràn ngập khắp phòng vào ban đêm. Tâm cũng tràn ngập ánh sáng. Ðó là sự trong sáng của đức tin. Ðức tin này được gia tăng và củng cố khiến mọi hoài nghi trước kia bị loại trừ. Tâm trở nên nhẹ nhàng và linh hoạt. Thân cũng khinh khoái, thư thái, nhẹ nhỏm và dễ chịu. Nhiều thiền sinh cảm thấy mình nhẹ nhàng như lơ lửng trong không gian. Thông thường khi cơ thể nhẹ nhàng thanh thoát thì thiền sinh không còn cảm nhận gì về thân thể nữa. Nhờ thế thiền sinh có thể ngồi nhiều giờ mà không cảm thấy đau nhức gì cả.

Do sức mạnh kỳ diệu của bảy yếu tố giác ngộ, đặc biệt là khi các yếu tố giác ngộ này phát triển đến độ cao thì có thể chữa trị được nhiều chứng bệnh nan y. ở thiền viện Rangoon nhiều người nhờ hành thiền mà được lành bệnh một cách kỳ diệu. Nếu muốn kể hết thì phải mất cả một cuốn sách dày. Tôi chỉ nêu ra đây một vài trường hợp điển hình.

Trường hợp thứ nhất là chữa lành bệnh lao. Có một người đàn ông bị khổ sở vì bệnh lao nhiều năm, đã dùng nhiều loại thuốc tây để chữa trị, và đã trải qua một thời gian điều trị tại bệnh viện bài lao trung ương ở Rangoon, Miến Ðiện, nhưng vẫn không khỏi. Chán nản và không hy vọng gì được lành bệnh, ông chỉ còn biết trông cậy vào việc hành thiền. Ðến trường thiền, ông vẫn che dấu tình trạng sức khỏe của mình vì sợ không được tiếp nhận. Hai tuần đầu hành thiền, bệnh lao hoành hành dữ dội làm ông đau đớn không sao chịu thấu. Thường khi hành thiền đến một giai đoạn tiến bộ nào đó thì các sự đau nhức sẽ hiển lộ một cách rõ rệt. Ðau đớn cực kỳ, cái đau cứ đày đọa cắn rứt ông khiến ông không ngủ được và ho suốt đêm. Một đêm, đang nằm trong cốc, nghe tiếng ho dữ dội của ông, tôi bèn choàng dậy đem đến cho ông một ít thuốc ho vì nghĩ rằng ông ta bị cảm xoàng hay bị cúm gì đó. Ðến nơi, tôi thấy ông ta nằm sóng soài trong phòng. Ông quá mệt đến nỗi không thể nói được một lời nào. Ông ta ho ra toàn những máu là máu. Tôi hỏi ông ta có cần thuốc không. Ông mệt nhọc lắc đầu và cuối cùng thú nhận và xin lỗi vì đã cố ý dấu diếm bệnh tình của mình. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là không biết mình có bị hít phải vi trùng lao không?

Ông ta tiếp tục phân trần vì chuyện che dấu bệnh tình của mình, nhưng cũng cố nài nỉ xin được ở lại trung tâm để hành thiền. Ông ta mếu máo thưa, "Bạch Ngài, Ngài rộng lòng từ bi. Nếu con rời nơi này chắc con chỉ có nước chết mà thôi". Nói xong ông khóc rống lên trông rất thảm thương. Tôi bèn trấn an ông và sửa soạn cho ông một chỗ ở riêng để khỏi truyền bệnh cho người khác. Thế rồi tôi tiếp tục chỉ dẫn cho ông.

Chỉ trong vòng một tháng, bệnh của ông đã chấm dứt hoàn toàn nhờ sự tiến bộ cực kỳ nhanh chóng trong thời gian hành thiền. Ba năm sau, ông trở lại thăm trường thiền trong chiếc áo nhà sư. Lúc bấy giờ, trông thấy vị sư, tôi bèn nói: "Bây giờ trông sư hoàn toàn khác hẳn trước đây. Căn bệnh quái ác ấy chắc là không còn hành hạ sư nữa chứ?". Nhà sư hân hoan đáp: "Bạch Ngài, bệnh lao của con đã dứt hẳn. Những khi cổ ngứa muốn ho, con chánh niệm, tức thời cơn ho bị chặn đứng. Giáo pháp thật là kỳ diệu phi thường. Con đã uống được linh dược là giáo pháp nên bệnh con đã hoàn toàn khỏi hẳn".

Một trường hợp khác xảy ra cách đây non hai mươi năm, năm 1964. Một phụ nữ sống trong thiền viện. Cô ta là bà con của một nhân viên trong ban điều hành. Cô đau khổ vì bệnh cao áp huyết đã nhiều năm và thường xuyên đem theo thuốc bên mình. Thỉnh thoảng cô đến gặp tôi. Tôi khuyến khích cô hành thiền và khuyên cô rằng: "Dầu cô có chết trong lúc hành thiền đi chăng nữa, cô vẫn được hưởng phước báu trong kiếp tới". Mỗi lần như vậy, cô đều xin lỗi và từ chối rồi tiếp tục dùng thuốc theo lời chỉ dẫn của bác sĩ.

Cuối cùng, tôi nói với cô rằng: "Nhiều người ở những nơi rất xa, ngay cả ở ngoại quốc cũng đến đây để hành thiền. Việc hành thiền của họ rất tiến bộ, thâm sâu, và họ đã đạt được nhiều điều kỳ diệu. Còn cô, cô ở ngay sát đây mà cô chẳng chịu hành thiền. Cô chẳng khác nào những con sư tử đá canh giữ dưới chân bảo tháp. Mặt chúng hướng ra ngoài, lưng xây về phía bảo tháp nên không thể nào đảnh lễ bảo tháp được". Nghe tôi nói thế cô đồng ý hành thiền.

Chỉ trong một thời gian ngắn, việc hành thiền của cô đạt đến chỗ thấy sự đau đớn tột cùng. Cái đau của cơn bệnh, cộng với cái đau do sự tiến triển trong giáo pháp, khiến cô mất ăn mất ngủ vì cơn đau tàn bạo, khủng khiếp hành hạ cô. Thân quyến của cô cũng sống trong thiền viện bắt đầu lo sợ cho sức khỏe của cô. Họ yêu cầu cô về chỗ ở của mình để được người thân chăm sóc. Tôi không đồng ý và khuyến khích cô nên tiếp tục việc hành thiền. Gia đình của cô cứ đến xin cho cô về hoài còn tôi thì một mực từ chối và khuyến khích cô tiếp tục hành thiền. Ðây quả thật là một trận chiến đấu quyết liệt của cô ta, nhưng cô ta là một người đầy nghị lực và rất cương quyết. Cô kiên trì chịu đựng đau khổ để hành thiền với quyết tâm thấy được giáo pháp, dầu cho có phải chết đi nữa, cô cũng không chùn bước.

Ðầu cô nhức kinh khủng, dường như muốn vỡ ra từng mảnh. Mọi mạch máu trong đầu cô nén lại, bung ra rồi nện thình thịch như búa bổ, kéo lui kéo tới nhiều lần. Cô đau đớn tận cùng, nhưng cô vẫn kiên nhẫn chịu đựng và cố gắng theo dõi biến chuyển của sự đau. Cái đau lên đến tột cùng của sự đau, nhưng cô vẫn chú tâm chánh niệm, chú tâm xuyên thấu, ghim chặt vào trong cơn đau. Lúc ấy, tâm cô như có những mạch rẽ, phân nhánh, len lỏi vào trong từng ngóc ngách, hẻm hóc của cái đau, như con dao mổ sắc bén đang được một bác sĩ với đôi tay khéo léo, tinh luyện mổ những mạch máu nhỏ. Lúc đó cô có cảm tưởng đây là cái đau của ai chớ không phải của mình. Cái đau như nằm ngoài mình. Chẳng bao lâu sau, toàn thân cô nóng bừng. Dường như cả thân thể đều phát hỏa. Cái nóng lên đến tận cùng, nhưng cô đã chế ngự được tất cả những cảm giác kinh khủng, dữ dội đó. Ðột nhiên, cái đau, cái nóng trở nên dịu đi. Thân tâm cô bấy giờ trở nên mát mẻ, an lạc. Cô đã chiến thắng vẻ vang. Cô hoàn toàn lành bệnh.

Tôi đã chứng kiến nhiều bệnh tật khác đã được chữa lành, như là nghẽn ruột, ung nhọt, đau tim, bướu dạ dày, ung thư và nhiều căn bệnh khác. Tôi không dám bảo đảm là tất cả mọi bệnh đều được lành hẳn, nhưng tôi hy vọng rằng những câu chuyện trên có thể tạo nơi bạn đức tin và sự hứng khởi để hành thiền. Tuy nhiên, việc chữa lành bệnh hay không phần lớn tùy thuộc ở thiền sinh. Nếu thiền sinh nỗ lực tinh tấn, kiên trì chịu đựng, can đảm và đầy nghị lực, tinh tấn chánh niệm vào cảm giác đau đớn phát sinh từ bệnh tật hay những vết thương cũ, thì thiền sinh sẽ được khỏi bệnh một cách kỳ diệu. Sự dũng mãnh tinh tấn sẽ đem lại thành quả lớn lao.

Thiền Minh Sát cũng có thể chữa trị được bệnh ung thư. Ung thư là một bệnh khủng khiếp. Người mắc bệnh này đau khổ cả thân lẫn tâm. Những người hành Thiền Minh Sát có thể chữa trị bệnh này bằng cách chú tâm vào sự đau dầu cho cái đau có tàn khốc đến đâu đi nữa. Nếu không lành bệnh thì người hành Thiền Minh Sát cũng chết một cách bình an tĩnh lặng. Tâm hoàn toàn trong sáng, tập trung vào sự đau, quán sát nó như quán sát một cái gì ở ngoài mình. Chết như vậy thật là tốt đẹp và thánh thiện.

Cầu mong các bạn thâu thập được nhiều lợi ích trong khi tìm hiểu bảy yếu tố giác ngộ được trình bày ở trên. Cầu mong các bạn vun bồi và phát triển tròn đủ mỗi và mọi yếu tố này, khởi đầu là sự chánh niệm và cuối cùng là với tâm xả để được giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi khổ đau.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/06/2013(Xem: 12107)
Mục đích có được thân người quý báu này không phải chỉ để tạo hạnh phúc cho chính mình, mà còn để làm vơi bớt khổ đau, đem lại hạnh phúc cho người. Đó là mục đích đời sống.
08/06/2013(Xem: 15112)
Mục đích có được thân người quý báu này không phải chỉ để tạo hạnh phúc cho chính mình, mà còn để làm vơi bớt khổ đau, đem lại hạnh phúc cho người. Đó là mục đích đời sống. Bạn có cái thân quý báu thoát được tám nạn[1] và có đủ mười tiện nghi để phục vụ kẻ khác. Ai cũng mong hạnh phúc, không ai muốn đau khổ. Hạnh phúc mà ta cần không chỉ là hạnh phúc tạm thời, mà là hạnh phúc tuyệt đối, thứ hạnh phúc tối thượng của giác ngộ. Khi đi phố chẳng hạn, người ta mua những thứ tốt nhất, bền nhất; cũng vậy, ai cũng muốn có hạnh phúc lâu dài nhất, cao quý nhất. Tùy theo sự hiểu biết của mình và mức hạnh phúc có thể đạt đến, người ta cố gắng đạt hạnh phúc tối thượng theo quan điểm mình.
07/06/2013(Xem: 11640)
Tháng 12 năm 2004, một cơn động đất dữ dội kéo theo những ngọn sóng thần khủng khiếp đã tàn phá không biết bao nhà cửa và giết chết khoảng hai trăm (200) ngàn người dọc theo bờ biển các nước Thái Lan, Nam Dương và Tích Lan. Ngoài vô số người chết và bị thương, thiệt hại về tài sản và hoa màu cũng không phải nhỏ; và cho đến giờ này các nước vẫn còn đang tái thiết những thiệt hại của 10 năm về trước. Chưa hết, mùa thu năm 2005, cơn bão Katrina đã tàn phá nhiều thành phố dọc theo vịnh Mễ Tây Cơ của Hoa Kỳ và chính cơn bão nầy cũng giết chết và làm bị thương rất nhiều người mà cho đến ngày nay chính phủ Hoa Kỳ vẫn chưa thể tái thiết trở lại. Trước những tai họa chung đó, nhà Phật gọi chúng là cộng nghiệp
05/06/2013(Xem: 9803)
Kiêu mạn (Màna) hay tâm lý kiêu căng tự mãn thường xem nhẹ người khác là một chứng bệnh của những con người nông nổi, ham thích danh vọng, nặng về cái tôi, ít rung cảm hay đồng cảm trước những cảm nhận khó khăn của người khác.
05/06/2013(Xem: 19084)
Từ “Công văn” trước đây được dùng trong công việc hành chánh của nhà nước gồm những văn kiện của các Bộ, Ty, Sở đối với chính quyền thuộc địa, hay dưới các chế độ quân chủ chuyên chế. Cho tới ngày nay không ai rõ từ này đã ảnh hưởng vào trong sinh hoạt Phật giáo từ lúc nào.
05/06/2013(Xem: 8034)
Như chúng ta biết, theo Thiền tông, khi gần nhập Niết Bàn, Đức Phật truyền y bát cho Tôn giả Đại Ca Diếp người chuyên tu hạnh đầu đà. Có phải chăng qua việc này, Đức Phật muốn khẳng định rằng ...
05/06/2013(Xem: 8297)
Mới đó mà đã mười năm! Tôi nhớ lại khoảng tháng 8 năm 2000, trong một buổi Trai Tăng tại nhà Mai, em họ tôi, Thầy Tâm Phương đã nói với tôi: “ Cuộc sống của con hiện ra sao ? nếu có thời gian, con phát tâm về Chùa phụ với Ban Trai Soạn lo cho Chư Tôn Đức trong ngày lễ khai móng xây cất chánh điện vào ngày 10 tháng 12 tới”. Tôi đã nhận lời mời của Thầy.
05/06/2013(Xem: 16171)
Tôi vẫn thích thú và nhớ mãi cái thuở mới chân ướt chân ráo vào Chùa sinh hoạt, nhận lãnh công việc “gõ đầu trẻ” cho đám học sinh trường Việt ngữ Bồ Đề của Tu Viện Quảng Đức do Thầy Tâm Phương thành lập ...
05/06/2013(Xem: 12907)
Gần 1.000 suất quà đã được chuyển tới cho các trẻ nghèo ở xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên để giúp các em chống chọi với cái giá lạnh vùng cao đang chuẩn bị tràn về. Chúng tôi tới thăm các em nhỏ Điện Biên vào một ngày đầu tháng 11, khi cái nắng hanh hao cuối thu ở đồng bằng đang dần lụi tắt cũng là lúc cái giá lạnh vùng cao đang lăm le xâm chiếm và chế ngự khắp các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Nghĩ tới đó thôi, trước mắt chúng tôi đã hiện ra hình ảnh những đứa trẻ nhỏ cởi trần hoặc áo đứt cúc, dép tổ ong sờn rách hoặc đi chân đất… hay một nhóm nhỏ vài ba em cùng nhau quay quần quanh những niêu cơm đen đen, bé xíu, lạnh tanh và đạm bạc.
01/06/2013(Xem: 8094)
Theo truyền thống Phật giáo Theravāda, Vesak là lễ kỷ niệm ba sự kiện trọng đại gắn liền với cuộc đời Đức Phật: ngày Đức Phật Đản sinh, ngày Đức Phật Thành đạo, và ngày Đức Phật nhập Niết-bàn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]