Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Những Ðiều Kiện Hỗ Trợ

24/07/201208:03(Xem: 7428)
04. Những Ðiều Kiện Hỗ Trợ

NGAY TRONG KIẾP SỐNG NÀY
Tác giả: Sayadaw U. Pandita
Dịch giả: Khánh Hỷ

Các Yếu Tố Trợ Giúp Ngũ Căn Bén Nhạy

oo0oo

Yếu tố thứ tư: Những Ðiều Kiện Hỗ Trợ

Yếu tố thứ tư làm cho ngũ lực phát triển là phải có những điều kiện thuận lợi giúp cho trí tuệ hiển lộ. Có bảy điều kiện thuận lợi cho việc hành thiền minh sát.

1. Nơi chốn thích hợp: Nơi hành thiền cũng như những khu vực gần đó phải có phương tiện đầy đủ (chẳng hạn như có đủ nước dùng, có điều kiện vệ sinh tốt, có an ninh, không nhiều muỗi mòng, thú dữ, v.v..,) một nơi có thể giúp đạt tuệ giác một cách tốt đẹp.

2. Ði lại thích hợp: Ðiều này nói đến việc đi khất thực hằng ngày. Chỗ ở của chư tăng hành thiền đừng gần làng xóm quá, vì gần làng xóm quá sẽ ồn ào và dễ bị phóng tâm. Cũng đừng xa làng xóm quá, vì chư tăng phải sống nhờ vào thực phẩm dâng cúng của dân làng qua việc khất thực hàng ngày. Ðối với thiền sinh cư sĩ, đồ ăn phải được cung cấp đầy đủ và thường xuyên. Dĩ nhiên là cũng vừa phải, đừng để bị phân tâm vì thức ăn. Nên tránh những nơi có thể làm cho sự định tâm của mình bị sút kém, nghĩa là những nơi có quá nhiều hoạt động và bận rộn làm cho tâm bị tán loạn, khó tập trung vào đề mục. Tóm lại, nơi ở cần có sự yên tịnh tối thiểu, nhưng đừng quá xa làng xóm, vì ở nơi quá xa làng xóm thì thiếu phương tiện sống nên cũng trở ngại cho việc hành thiền.

3. Ngôn ngữ thích hợp: Trong khóa thiền, lời nói được giới hạn. Không nên nói quá dài dòng, chỉ nói những vấn đề quan trọng và cần thiết. Chú giải có ghi rõ: Nghe pháp là ngôn ngữ thích hợp. Chúng ta có thể kể vào đây việc trình pháp với thiền sư. Khi có điều gì trở ngại trong việc hành thiền thì nên hỏi ý kiến thiền sư để thiền sư điều chỉnh giúp chúng ta dễ dàng tiến bước trên đường thiền.

Nhưng nên nhớ, cái gì quá nhiều thì không tốt. Như có lần tôi dạy ở một nơi có những cây kiểng. Người thị giả của tôi tưới nước quá nhiều nên lá cây bị rụng hết. Tương tự như vậy, trong khi hành thiền mà bạn bàn luận giáo pháp quá nhiều thì sự định tâm của bạn cũng bị phá vỡ. Ngay cả những bài pháp của thiền sư cũng cần được thẩm định xem có đem lại lợi ích cho sự định tâm của mình không. Một bài pháp thuyết cho thiền sinh cần phải được xét xem có đem lại lợi ích cho họ về hai điểm sau đây hay không? Thứ nhất là sau khi nghe bài pháp này tâm định đã có, có được phát triển thêm không? Thứ hai là sau khi nghe bài pháp này, tâm định chưa có, có được phát sinh lên không? Nếu sau khi xem xét mà thấy không có được hai điểm thuận lợi trên thì tránh đi. Ngoài những giờ trình pháp thường xuyên, nếu thấy những giờ trình pháp bổ túc làm cản trở việc định tâm thì cũng nên tránh đi.

Thiền sinh trong một khóa thiền tích cực nên tránh nói chuyện. Tránh nói chuyện được càng nhiều càng tốt, nhất là nói chuyện thế sự. Ngay cả việc bàn luận giáo pháp một cách nghiêm túc cũng không thích hợp trong lúc hành thiền tích cực. Nên tránh tranh luận về giáo pháp giữa các thiền sinh trong khóa thiền. Trong khóa thiền cũng không nên nói chuyện hay bàn thảo về thức ăn, chỗ ở, công việc, chính trị, kinh tế, v.v... Ðây là những lời nói vô bổ. Mục đích của sự cấm đoán này là để ngăn ngừa sự phóng tâm. Ðức Phật với tình thương sâu xa đã dạy: Thiền sinh hành thiền tích cực thì phải thận trọng giữ gìn lời nói; nói chuyện thường xuyên sẽ bị phóng tâm nhiều.

Dĩ nhiên khi có chuyện thật sự cần thiết thì nên nói, nhưng cũng không nên vượt quá những gì cần nói. Bạn cũng phải chánh niệm vào tiến trình nói nữa. Trước tiên là ý muốn nói. Tư tưởng sẽ khởi sanh trong tâm về những gì cần nói và phải nói như thế nào. Bạn nên ghi nhận và nên niệm thầm mọi tư tưởng khởi sinh, tâm chuẩn bị nói, và sau đó, tác động nói bao gồm những chuyển động vật chất. Sự chuyển động của môi và mặt, những cử chỉ đi kèm đều là đề mục để chánh niệm.

Vài năm trước đây, ở Miến Ðiện, có một ông công chức cao cấp vừa mới về hưu là một Phật tử rất hăng say. Ông đã đọc nhiều kinh điển và văn chương qua những bản dịch sang tiếng Miến, và cũng đã bỏ ra một ít thời gian để hành thiền. Việc hành thiền của ông không khá lắm, nhưng ông có nhiều kiến thức tổng quát và muốn dạy. Bởi thế, ông trở thành một vị thầy.

Một hôm, ông đến thiền viện ở Rangoon để hành thiền. Khi hướng dẫn thiền sinh, tôi thường giảng giải việc thực hành, và sau đó so sánh những điều tôi hướng dẫn với kinh điển, cố gắng giải thích và dung hoà những điểm có vẻ khác nhau. Vị cựu công chức này bắt đầu hỏi tôi: "Bạch ngài, những điều ngài trích dẫn ở trên là do từ kinh sách nào vậy?" Tôi nhã nhặn khuyên ông ta nên bỏ qua những chi tiết đó đi, và hãy tiếp tục hành thiền. Nhưng ông không quên được. Ba ngày liên tiếp ông đều làm như vậy trong mỗi lần nghe hướng dẫn.

Cuối cùng, tôi hỏi ông ta: "Tại sao ông đến đây? Ông đến đây để học, hay để dạy tôi?". Ðối với tôi, hình như ông ta đến đây để khoe kiến thức tổng quát của ông chứ không phải để hành thiền.

Ông ta trả lời yếu đuối: "Tôi đến đây để học, và ngài là thầy".

Tôi nói: "Tôi đã cố gắng nhỏ nhẹ bảo cho ông biết điều này từ ba hôm nay, nhưng bây giờ tôi phải nói thẳng với ông. Ông giống như một mục sư, nhiệm vụ chính là đứng làm đám cưới cho cô dâu và chú rể. Một hôm, đến lượt ông mục sư cưới vợ. Thay vì đứng vào chỗ chàng rể đứng, ông lại lên bục thờ và hướng dẫn lễ cưới trước sự ngạc nhiên của khách tham dự".Nghe xong, ông cựu công chức nhận ra khuyết điểm của mình, ông xin lỗi và từ đó trở thành một thiền sinh chăm chỉ và biết vâng lời.

Một thiền sinh muốn thấy giáo pháp không nên có thái độ như vị công chức trên. Thực vậy, kinh điển có dạy rằng, dù bạn học hành giỏi dắn và kinh nghiệm đến đâu, nhưng trong thời gian hành thiền phải có thái độ như mình không thông hiểu gì về lãnh vực sở trường của mình mà phải luôn luôn vâng lời thiền sư. Trong chiều hướng này, tôi muốn chia xẻ với các bạn một thái độ mà tôi đã cố gắng tập luyện ngay từ lúc còn nhỏ. Khi tôi không rành về lãnh vực nào, thì tôi không xen vào. Ngay cả khi tôi thành thạo, có thẩm quyền cũng như từng trải về một lãnh vực nào đó, nhưng nếu không có lời yêu cầu thì tôi cũng không xen vào.

4. Người thích hợp: Người thích hợp, phần lớn liên quan đến thiền sư. Nếu một vị thiền sư có khả năng hướng dẫn giúp thiền sinh tiến bộ, phát triển được định tâm đã có, hay tạo nên định tâm chưa phát sinh, thì đó là một thiền sư thích hợp.

Hai khía cạnh khác về người thích hợp là sự hỗ trợ của cộng đồng giúp cho thiền sinh, và thái độ của thiền sinh đối với các vị đã hỗ trợ mình. Trong một khóa thiền tích cực, thiền sinh phải cần có nhiều hỗ trợ để dễ dàng phát triển chánh niệm và định tâm. Thiền sinh tránh xa mọi việc thế sự. Bởi thế, thiền sinh cần có những người bạn có thể làm giúp cho họ những công việc như đi sắm sửa vật dụng, thức ăn; sửa soạn chỗ ở, v.v... Vì nếu để thiền sinh làm những công việc này trong khi đang hành thiền tích cực thì tâm thiền sinh sẽ tán loạn. Về phần thiền sinh, khi đã sống chung với một tập thể đông người, thì cũng phải xét xem những hành động của mình có ảnh hưởng bất lợi đến việc hành thiền của những người khác không. Cử chỉ thô tháo, hay gây tiếng động, có thể quấy rầy người khác. Ðiều mà thiền sinh cần nhớ nằm lòng là nên nghĩ đến người khác, tôn trọng người khác.

5. Thực phẩm: Thức ăn thích hợp là một sự hỗ trợ lớn lao cho sự tiến bộ của thiền sinh. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng không phải dễ dàng thỏa mãn điều này. Bởi vì thiền sinh quá đông, thực phẩm nấu chung cho mọi người, không phải cho riêng từng cá nhân nên dầu sao cũng không thể nào thích hợp cho từng người được. Vì vậy, tốt nhất là thiền sinh phải có thái độ thích ứng với hoàn cảnh là có cái gì, ăn cái nấy. Không đòi hỏi gì cả. Nếu việc hành thiền thực sự bị quấy động vì việc ăn uống không hợp khẩu vị, thì cũng nên kịp thời điều chỉnh.

Câu Chuyện Matikamata

Một lần nọ có sáu mươi vị sư hành thiền trong rừng. Bà thiện tín hộ độ cho các thầy là bà Matikamata, một thiện tín nhiệt thành. Bà cố gắng tìm hiểu các vị sư thích ăn gì và hằng ngày nấu đầy đủ thức ăn cho các thầy. Một hôm, Matikamata hỏi các nhà sư là liệu các cư sĩ có thể hành thiền như các thầy được không. Các nhà sư trả lời "được," và dạy cho bà cách hành thiền. Bà mừng rỡ và về nhà bắt đầu hành thiền. Bà duy trì việc hành thiền ngay cả lúc bà nấu ăn và làm công việc nhà. Cuối cùng, bà đắc quả thánh A-Na-Hàm. Nhờ phước báu tích tụ từ các kiếp trước, bà có thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông và tha tâm thông. Nghĩa là bà có thể nghe, thấy xa ngàn dặm và có thể hiểu được tâm người khác.

Rất thỏa thích về kết quả mình đã đạt được và lấy làm biết ơn các vị sư đã chỉ dẫn cho mình, bà Matikamata tự nhủ: "Pháp bảo ta chứng ngộ thật là kỳ diệu. Mặc dầu ta là một người bận rộn, phải làm các công việc trong nhà và nấu thức ăn cho các nhà sư hàng ngày, nhưng ta vẫn có thể thấy pháp bảo thì các nhà sư chắc chắn tiến bộ hơn ta nhiều". Với thần thông bà xem xét sự tiến triển về thiền của sáu mươi vị sư. Bà ngạc nhiên thấy rằng chẳng có thầy nào đạt được một chút tiến bộ trong Thiền Minh Sát.

Bà Matikamata dùng thần thông để tìm hiểu lý do và thấy rằng không phải do chỗ ở hay vì các thầy không thể sống chung với nhau, mà vì không có đồ ăn thích hợp nên các thầy không tiến bộ. Vài thầy thích chua; các thầy khác thích mặn; một số thích ớt; một số thích bánh và một số lại thích rau trái. Nhớ ơn các nhà sư đã chỉ dẫn cho mình cách hành thiền đạt được kết quả, bà Matikamata bắt đầu nấu thức ăn thích hợp với khẩu vị của từng thầy. Kết quả là tất cả sáu mươi vị đều đắc quả A la hán trong một thời gian ngắn sau đó.

Việc đắc đạo nhanh chóng và sâu xa cũng như sự biết ơn của bà Matikamata đã mang lại cho ta một gương tốt đẹp cho cha mẹ cũng như những người đã bỏ công ra giúp đỡ cho người hành thiền. Mặc dầu phải bỏ công sức ra giúp đỡ người khác, nhưng cũng không cần phải bỏ việc hành thiền của mình. Trong khi giúp đỡ người khác, ta vẫn có thể hành thiền để đạt được những kết quả cao sâu hơn.

Trong phần nói về thực phẩm này, tôi muốn đề cập đến vấn đề ăn chay. Nhiều người cho rằng chỉ ăn rau trái mới hợp đạo đức. Trong Phật giáo không hề có quan niệm ăn chay sẽ dễ giải thoát. Ðức Phật không hề cấm đoán việc ăn cá thịt. Ðức Phật chỉ quy định một vài điều kiện về việc ăn thịt cá. Ngài qui định phải ăn theo tam tịnh nhục: Tức là không thấy con vật bị giết, không nghe tiếng kêu của con vật bị giết, không nghi con vật bị giết với mục đích giành riêng cho mình ăn. Ngoài ra Tỳ khưu phải cử ăn mười loại thịt như: thịt chó, thịt cọp, thịt rắn, thịt người v.v... điều này cho thấy Ðức Phật không cấm Tỳ khưu ăn thịt cá. Ðề-Bà-Ðạt-Ða có yêu cầu Ðức Phật đặt ra luật cấm ăn thịt cá, nhưng Ðức Phật sau khi thẩm định đã từ chối lời yêu cầu.

Vào thời kỳ Ðức Phật cũng như ngày nay, phần đông ăn cá thịt và rau trái hỗn hợp. Chỉ có những người bà la môn, hay những người thuộc giai cấp cao trong xã hội Ấn Ðộ là ăn chay. Khi nhà sư đi khất thực để sống, nhà sư phải nhận mọi thứ thực phẩm của các giai cấp thí chủ khác nhau mà không được phân biệt, nhận của người này và từ chối người kia. Nếu phân biệt thức ăn chay, mặn thì trái với tinh thần khất thực này. Hơn nữa, để cho những người bà la môn và những người thuộc giai cấp khác đều có thể gia nhập tăng hay ni đoàn và không còn chấp trước vào thực phẩm nên Ðức Phật để ý đến sự kiện này khi quyết định vấn đề chay mặn. Như vậy, không cần phải tự thúc buộc mình vào việc ăn chay khi thực hành Thiền Minh Sát. Dĩ nhiên, có sự quân bình về rau trái và cá thịt sẽ có lợi cho sức khoẻ. Nếu bạn muốn ăn chay vì lòng từ bi thì đó cũng là một điều thiện. Mặt khác, nếu vì lý do sức khoẻ, nhất là cần phải có những chất bổ dinh dưỡng chỉ có trong thịt, cá, thì cũng cần nên ăn cá, thịt. Không có vấn đề tội lỗi trong việc ăn cá thịt; ăn cá thịt cũng chẳng làm hại hay cản trở gì trong việc hành Thiền Minh Sát.

6. Khí hậu thích hợp: Con người có khả năng kỳ diệu để chịu đựng với mọi hoàn cảnh và thời tiết. Vấn đề lạnh nóng chẳng là một trở ngại. Trong mọi thời tiết, ta đều có phương cách thích ứng và tạo ra sự thoải mái cho mình. Chính cơ thể chúng ta cũng có những phản ứng để điều hoà và thích nghi với thời tiết nóng lạnh. Khi thời tiết quá khắc nghiệt, vượt ngoài khả năng thích ứng và điều hoà của cơ thể, nhất là vượt quá khả năng chịu đựng của hành giả và trở ngại cho việc hành thiền, thì nên dùng khả năng nhân tạo để biến đổi hoàn cảnh, như dùng quạt máy, dùng máy điều hoà không khí, dùng máy sưởi v.v... nếu không có đủ phương tiện thì phải di chuyển đến nơi thích hợp. Không thể kham nhẫn thì viễn ly vậy.

7. Tư thế thích hợp: Ðó là bốn tư thế thông thường (tứ oai nghi): đi, đứng, ngồi, nằm. Ngồi là tư thế tốt nhất trong thiền chỉ hay thiền vắng lặng. Trong Thiền Minh Sát thì hai tư thế ngồi và đi được hành thường xuyên. Khi việc hành thiền đã vững mạnh và tiến triển tốt đẹp thì tư thế không thành vấn đề; tư thế nào cũng đều thích hợp cả.

Thiền sinh mới nên tránh tư thế đứng hay nằm. Tư thế đứng có thể đem lại sự mệt mỏi và đau nhức nơi chân trong một thời gian ngắn khiến việc hành thiền bị gián đoạn. Tư thế nằm dễ sanh ra buồn ngủ. Khi hành thiền ở tư thế nằm thiền sinh không có nhiều tinh tấn vì không cần phải cố gắng để duy trì tư thế, và tư thế nằm cũng quá thoải mái nên dễ sinh ra buồn ngủ.

Hãy tự kiểm xét xem bạn có đủ bảy yếu tố thuận lợi trên hay không. Nếu không đủ, hãy cải thiện dần dần để việc hành thiền được tiến triển tốt đẹp. Nếu có những điều cần phải thực hiện nhằm đem lại sự tiến bộ trong việc hành thiền, thì phải thực hiện, đừng ngại ngùng cho rằng đó là đòi hỏi quá đáng, v.v...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/08/2020(Xem: 5507)
Cư sĩ Julian Bound và nữ cư sĩ Ann Lachieze, họa sĩ minh họa sách nổi tiếng rất quý mến thân thiện với nhau khi tuổi còn ấu thơ, không ngờ nửa thế kỷ sau họ cùng hợp tác để xuất bản sách mới về Phật giáo. Tác phẩm này là một truyện về thiếu nhi Phật tử, với tựa đề “The Little Monk who loved his Noodles” (Chú tiểu yêu thích món mì) được viết bởi cư sĩ Julian Bound và minh họa bởi cư sĩ Ann Lachieze.
23/08/2020(Xem: 6245)
Thời nay mà còn nói đến chữ “hiếu” sẽ có người cho là cổ hủ, lỗi thời. Kỳ thực, đạo hiếu, đạo làm con (1) thời xưa đã bị chê là lỗi thời theo sự xuống trào, mất ảnh hưởng của Việt-Nho từ giữa thế kỷ 19 rồi, không phải đợi đến ngày nay.
21/08/2020(Xem: 5100)
Trên vách hai bên tả hữu mặt tiền của chánh điện An Tường Ni Tự (phường Vĩnh Phước- Nha Trang), khi đứng ngắm nghía để chụp hình, tôi thấy có hai bản thư pháp tiếng Hán, tạm gọi là vậy, được chạm nổi và được sơn màu nâu trên nền màu vàng nhạt, rất ấn tượng. Là người dốt đặc tiếng Hán, nên tôi không hiểu chút xíu xiu mảy may nào về ý nghĩa của hai bản thư pháp này, nhưng nhìn cách trình bày theo "ngũ ngôn tứ cú" thì tôi cũng đoán ra được đó có lẽ là hai bài... thơ, mà nếu đang được chạm nổi trên vách của chánh điện chùa thì dám chắc luôn phải là hai bài... Kệ.
21/08/2020(Xem: 6392)
Xem như từ cuối năm 2019, dịch Corona khởi phát từ Vũ Hán đến tháng 3/2020 đã trở thành “đại dịch” Covid-19, đang lan tràn khắp toàn cầu, đến nay đã 215 quốc gia và vùng lãnh thổ bị lây nhiễm với số liệu tính đến ngày 20/8/2020 theo iHS VIET NAM như sau: người mắc: 22.454.505 điều trị khỏi: 15.169.811 người tử vong: 787.385
21/08/2020(Xem: 5521)
Vào hôm thứ Hai, ngày 27 tháng 7 năm 2020, một cuộc họp trực tuyến (online) của nội các do bà Sheikh Hasina, Thủ tướng Chính phủ Bangladesh chủ trì, đã thông qua dự thảo thỏa thuận giữa Tổ chức Lumbini Development Trust of Nepal và Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Bangladesh về việc xây dựng tu viện Phật giáo Bangladesh. Tu viện Phật giáo được đề xuất sẽ được xây dựng tại Lâm Tỳ Ni, nơi Đản sinh của Đức Phật lịch sử. Việc xây dựng được bắt đầu với lợi ích cá nhân, và kế hoạch của Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Bangladesh tại Nepal, Mashfee Binte Shams, và Bí thư thứ nhất, Asit Baran Sarkar.
20/08/2020(Xem: 6752)
Kinh Kim Cang Bát Nhã được ngài Cưu Ma La Thập (344-413) dịch từ tiếng Phạn sang Hán văn, và được thái tử Chiêu Minh (499-529) chia bố cục ra 32 chương. Đây là một trong những bộ kinh quan yếu nhất của Thiền Tông Trung Hoa đặc biệt từ thời Lục Tổ Huệ Năng (638- 713), người đã ngộ đạo, kiến tánh qua câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" trong lời khai thị từ Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (601-674). Cụm từ "Ưng Vô Sở Trụ" được nhắc đến hai lần trong kinh: lần 1st ở chương 4 ("Diệu Hạnh Vô Trụ") và lần 2nd ở chương 10th ("Trang Nghiêm Tịnh Độ). Đây không là sự trùng lặp mà mà là sự tiến triển vi diệu về ý nghĩa của cụm từ này với rất nhiều hàm tàng đặc sắc và quan trọng trong phân biệt nhận thức theo Duy Thức Học cùng hành trì tu tập Phật đạo.
17/08/2020(Xem: 12232)
Năm 2020 những chương trình tu học Phật pháp như Phật Đản,Vu Lan, Khoá Tu Học Bắc Mỹ, Khoá an cư của Giáo Hội.v.v...khắp toàn cầu đều phải tạm ngưng vì nạn dịch COVID-19. Tại Mỹ và một số các nước, tất cả học đường phải đóng cửa và chuyển qua online. Giáo sư và sinh viên phải chật vật vì một hệ thống mới hoàn toàn. Sự thay đổi đó làm tất cả mọi người xôn xao và lo lắng, bất an...Bản thân chúng con, lịch giảng của các bang được sắp xếp vào năm trước-2019 phải huỷ bỏ. Phật tử khắp nơi gọi đến thăm hỏi và mong ước có được một lớp học Phật pháp bằng một phương tiện nào đó để tâm được an, thân được nhẹ từ lời giảng dạy trực tiếp của Chư Tăng-Ni. Đây cũng là điều mà chúng con trăn trở và tham vấn ý kiến của Chư tôn đức để chúng con có thể mở ra một chương trình tu học online miễn phí cho tất cả quý Phật tử khắp nơi trên thế giới.
16/08/2020(Xem: 8740)
Người giải thoát giống như một bánh xe quay tròn đều, không bị mắc kẹt, vướng bận, thanh thoát, thông suốt. Họ không còn ý niệm “tôi là như thế này, tôi là như thế nọ, tôi là đây, tôi là kia”. Người tu nhẫn nhục mà thấy ta đang nhẫn nhục là mắc kẹt rồi. Càng nhẫn nhục chừng nào thì CÁI TA càng lớn chừng đó. Nhẫn nhục mà không thấy ta nhẫn nhục thì mới thông suốt. Người tu hạnh khiêm cung mà thấy mình khiêm cung là mà mắc kẹt rồi. Càng khiêm cung chừng nào, thì CÁI TA càng lớn chừng đó. Tu riết như vậy lâu ngày thành bịnh, hết thuốc chữa vì kẹt lâu ngày, bánh xe không quay tròn đều được, thậm chí không thể chuyển động được vì các bộ phận bị ô-xy hóa, bị rỉ sét do chấp pháp, chấp tướng lâu ngày, thành thử bệnh nặng.
16/08/2020(Xem: 5892)
Một pho tượng Phật, được phát hiện trong khi đào móng cho một ngôi nhà tại Mardan, Mardan là một thành phố thuộc Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan, hôm thứ Bảy, ngày 18 tháng 7 vừa qua, đã bị công nhân xây dựng địa phương đập vỡ thành nhiều mảnh bởi họ không tôn trọng thánh tích Phật giáo, khiến chính quyền địa phương phẫn nộ và lo lắng.
16/08/2020(Xem: 6145)
Cư sĩ Milton Glaser, người Mỹ, nhà Thiết kế Đồ họa hiện đại, với nhiều công trình nổi tiếng và bền bỉ. Ông đã từ giã trần gian và đã để lại ấn tượng những hình ảnh Phật giáo. Cư sĩ Milton Glaser, người Mỹ, nhà Thiết kế Đồ họa hiện đại đã mãn báo thân, trút hơi thở cuối cùng tại quận Manhattan, thành phố New York, Hoa Kỳ vào ngày 26 tháng 6 vừa qua, vào ngày Sinh nhật lần thứ 91 của ông.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]