Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

01. Có trí tuệ là biết như thật về…

21/01/201205:42(Xem: 11476)
01. Có trí tuệ là biết như thật về…
CÓ TRÍ TUỆ
LÀ BIẾT NHƯ THẬT VỀ…
Chân Hiền Tâm

Phật dạy:

Giới luật, là chuyện thường tình của thế tục.
Thành tựu định lực, cũng là chuyện thường tình của thế tục.
Thần túc phi hành, cũng là chuyện thường tình của thế tục.
Thành tựu trí tuệ, mới là nghĩa đệ nhất.
Kinh Tăng Nhất A Hàm tập 3
Phẩm Thiên Tử Mã Huyết phần 4

Có trí tuệ là biết như thật về …

Khi đức Phật còn ở nước Xá vệ trong vườn Cấp Cô Độc, một thanh niên đã đến và hỏi Phật: “Người tại gia chúng con nên thực hành những gì để cuộc sống được an ổn và vui vẻ trong hiện tại?”.

Phật dạy: Có 4 việc khiến cuộc sống được an ổn và vui vẻ trong hiện tại.

1. Có phương tiện nuôi thân như làm ruộng, buôn bán, làm quan, viết sách, kế toán, hội họa v.v… Với nghề nghiệp đã có thì siêng năng trau dồi.

2. Tiền kiếm được đúng pháp rồi thì khéo gìn giữ không để mất mát.

3. Tiền tài kiếm được, cần biết chi thu cân đối, không thể thu ít mà chi nhiều, cũng không nên thu nhiều mà chi quá ít. Nếu không có mà chi nhiều, tiêu dùng phung phí, là kẻ tham dục không biết nghĩ đến ngày mai. Nếu tiền của đầy ắp mà không dám tiêu dùng thì trở thành kẻ bỏn xẻn, không nên. Thu chi biết chừng mực điều hòa thì cuộc sống an hòa vui vẻ.

4. Sống chừng mực, không buông lung, không giả dối, không hung hiểm v.v… Người như vậy, với những buồn khổ chưa sinh, có thể ngăn ngừa khiến không sinh. Buồn khổ nào đã sinh, có thể tỉnh sáng tháo bỏ. Những an vui nào chưa sinh, có thể làm nó chóng sinh. An vui nào đã sinh, có thể khiến nó không mất.

Đó là những gì mà Phật đã dạy để một người bình thường có cuộc sống hạnh phúc an vui trong hiện tại. Việc đó không khó đối với người đã có nếp sống quân bình. Khi mình có ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, mình tự trở thành kẻ sống chừng mực, không hung hiểm, gian lận, dối trá. Mình không thể rượu chè cờ bạc hay bội phản bạn đời khi thấy việc ấy làm khổ gia đình. Mình cũng không thể tham nhũng hay bán hàng gian hàng giả khi thấy việc đó làm hại cho xã hội. Việc làm chủ bản thân trở thành không khó. Nhưng với người đã quen làm biếng, sống buông lung theo tham dục của riêng mình thì mọi thứ không phải dễ dàng.

Vấn đề là, vì sao có người biết sống chừng mực, có kẻ lại không? Vì hiện tại bị chi phối bởi những nhân của quá khứ, như tương lai bị chi phối bởi những nhân thuộc hiện tại.

Quá khứ đã qua đi, không thể làm gì. Chỉ còn hiện tại và tương lai, nên Phật dạy thêm 4 việc cần làm trong hiện tại, để tương lai có thể được an vui. Thực hành chúng, chính là đang củng cố nhân cách cho chính mình, để thời hiện tại trong tương lai, mình có thể sống chừng mực, không buông lung v.v… Đời sống theo đó mà an vui hạnh phúc.

4 việc đó là:

1. Có niềm tin kính đối với Như Lai. Không bị tà ma ngoại đạo phá hoại.

2. Có giới hạnh đầy đủ: Không sát sinh, trộm cắp, nói dối, tà dâm và uống rượu.

3. Bố thí đầy đủ: Tâm luôn hành bố thí. Thường tự tay mang cho, vui mừng tu hạnh thí xả.

4. Phải có trí tuệ đầy đủ: Phải biết như thật về khổ, tập, diệt, đạo.

Việc đầu tiên là phải có niềm tin đối với Như Lai. Tin Như Lai là tin những gì Như Lai đã nói. Tin Như Lai cũng chính là tin vào lý Nhân duyên Nhân quả. Những gì Như Lai nói không phải từ trên trời rơi xuống, chỉ là giúp ta ý thức hơn về những gì đang xảy ra quanh mình không thông qua cảm xúc và lăng kiến chủ quan. Nếu chịu khó tham cứu Phật pháp, rồi dùng đó quán sát chiêm nghiệm thì sẽ không mấy khó để tin Như Lai. Và niềm tin sẽ được củng cố nếu mình chịu ứng dụng Phật pháp vào đời sống của mình. Không phải một ngày một bữa mà phải dài lâu. Nhờ cái ứng dụng này mà định lực mình có, trí tuệ mình phát triển. Trí tuệ phát triển thì niềm tin mới được củng cố. Không thì thứ gì cũng cứ theo cái thấy của phàm phu mà biện, rồi sinh nghi hối, nghi Phật, nghi pháp, nghi tăng. Nghi kiểu đó thì công phu sẽ đình trệ, tà kiến sẽ xuất hiện.

Đại sư Hám Sơn, chứng nghiệm được chỗ động tịnh không hai «Đứng lên lễ Phật thì thấy thân mình không có tướng lễ xuống hay đứng lên. Nhìn trời, thấy gió thổi lá rơi mà lá không có tướng nào động. Tiêu tiểu nhưng không thấy nước có tướng lưu chuyển», phải nói là bậc long tượng của Phật pháp, nhưng gần cuối đời lại mang cái ách tù tội. Nếu cứ dùng cái trí phàm phu của mình mà biện thì niệm nghi sẽ phát sinh «Chắc tu bậy nên cuối đời mới vậy». Có trí tuệ, hiểu sâu về lý Nhân duyên Nhân quả, hiểu công hạnh Bồ-tát của chư vị cao cả không thể nghĩ bàn, như kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Chịu thay thế khổ nạn cho chúng sinh, lấy đó làm pháp cúng dường chư Phật», thì chẳng có niệm nghi nào phá hoại được niềm tin của ta đối với các bậc trưởng thượng. Bởi có khi vì cứu chúng sinh mà tạo ác nghiệp, nên rồi có quả. Bởi theo nguyện lực mà đi nên dù ở thân tướng nào cũng thành diệu dụng với quần sinh. Vấn đề là mình phải học và hành sao cho sâu sát tương ưng thì mới có thể tin hiểu các hiện tượng không thể nghĩ bàn đó.

Cũng không mấy khó để mình tin theo tà ma ngoại đạo khi tham dục, sân hận và si ám chất đầy trong người. Tà ma ngoại đạo là những tôn giáo mà giáo điều của họ không nói về nhân quả ở thế gian, hoặc có mà nói nhân không đúng với quả, không đưa con người đến chỗ lương thiện. Khi những thất bại hoặc ham muốn v.v… dấy khởi mà mình không làm chủ được nó, thì mình dễ dàng y tựa vào bói toán, bùa ngãi, ông lên bà xuống và những thế lực vô hình khác.

Có một thứ để mình y tựa, đó là 5 giới mà phật tử tại gia đã thọ khi qui y. Thọ để mà giữ, không phải thọ để yên tâm, để được quỉ thần hỗ trợ. Không ai có thể hộ trì cho mình khi mình đã phạm vào cái nhân bất thiện mà không có tâm sửa đổi. Giữ được nhiều thì đời sống an vui nhiều, họa tai ít. Không giữ được thì đầy đủ thần lực như Phật cũng bó tay.

Ngày nay từ «bố thí» hay được hiểu theo nghĩa cho ra pha sự khinh miệt. Thật ra, bố thí chỉ có nghĩa là «tặng cho». Bố thí hay cúng dường là cái nhân của sung túc. Sung túc, là điều ai cũng cần trong cuộc sống này. Ngoại trừ thánh nhân, còn lại sung túc là một trong các duyên khiến mọi người thấy an vui. Bố thí theo cách Phật đã dạy, còn là cái nhân khiến mọi nhân duyên trong đời được tốt đẹp. Mình có những mối quan hệ tốt đẹp trong đời, một phần nhờ vào cái nhân bố thí trong quá khứ. Bố thí còn khiến lòng mình mở rộng, người vui, mình vui. Rất nhiều sự tốt đẹp trong thế giới này bắt nguồn từ cái nhân bố thí. Vì thế, Phật dạy chúng sinh bố thí. Bố thí cho người và cúng dường Tam bảo.

Cúng dường Tam bảo là nhân duyên rất tốt để chúng ta gieo duyên với Phật pháp. Biết Phật pháp, ứng dụng được Phật pháp vào đời sống của mình, đó là phước báu lớn nhất mà mình nhận được trong cuộc đời này. Bởi nhờ đó, mình đi không lầm lẫn. Có lầm lẫn cũng nhờ đó thoát ra.

Cuối cùng là phải có trí tuệ. Trí tuệ Phật nói đây không phải là sự thông thái hay bằng cấp cao, cũng không phải là cái trí có được do học thật giỏi, mà là cái trí thấy được nguồn gốc của «khổ», đó là «tập». Thấy rồi thì y vào các phương cách Phật gọi là « đạo » mà tu tập để được hết khổ. Đó là «diệt».

Phật nói biết như thật, là mình phải thấy «tập» hiện diện chỗ nào trong đời sống của mình, từ cái ăn cho đến cái ngủ, từ quan niệm cho đến định kiến v.v.. Thấy rõ ràng thứ gì là tập của mình để mà trừ bỏ. Không phải chỉ đọc học trên sách vở cho qua ngày đoạn tháng.

Khi chưa khổ, mình sẽ hỏi cần thấy những thứ đó để làm gì? Phải thấy được điều đó, theo đó mà sống thì mới dám chắc hiện tại và tương lai mình không khổ. Còn không, chưa khổ rồi sẽ khổ, khổ rồi càng khổ thêm.

Chỉ bốn từ «khổ, tập, diệt, đạo» nhưng nó xuyên suốt mọi thứ trong đời sống của mình.

Có người nói Phật chỉ dạy thấy «khổ», thấy «tập» v.v… nghĩa là chỉ thấy loanh quanh trong mình, còn ai hỏi về thế giới hay vũ trụ quan bên ngoài, ngài không trả lời được. Lịch sự hơn thì nói ngài không nói. Nói vậy, là vì chưa biết như thậtvề «khổ, tập, diệt, đạo». Nếu biết như thật về khổ, tập, diệt, đạo - biết tận cùng cội nguồn của chúng - ta sẽ thấy vũ trụ và con người từ đâu mà có. Những thứ đó phải tự chứng nghiệm mới không gây tranh cãi vô ích. Muốn chứng nghiệm được điều đó thì trước hết phải biết rõ cái gì là «khổ, tập, diệt, đạo». Biết, để trừ «tập». Trừ rồi, thì chân mới hiển, vọng mới bày. Nói kiến tánh, là nhận ra được cội nguồn vô thủy vô chung của vạn pháp. Cũng chính là chỗ mà từ đó phát sinh thế giới và chúng sinh. Nói «chỗ» mà thật không có chỗ nơi để mà nói.

Rượu, là thứ Phật khuyên mọi người không nên uống, trở thành giới cấm của người phật tử. Có khi mình thọ giới rồi mà không hiểu vì sao Phật lại đặt ra giới đó. Rượu, tác hại của nó trong hiện đời thì ai cũng thấy. Rượu vào lời ra, chân đá tay đấm. Vừa rồi đây, thầy hiệu trưởng của một trường tiểu học đã giết chết hai người bạn là giáo viên cùng trường trong một bữa nhậu. Rượu, một khi mình đã đam mê nó, thì ngoài tác dụng nguy hại trong hiện đời, quả báo của nó không ở ba đường dữ thì cũng là điên loạn. Phật nói « điên loạn », Bồ-tát Long Thọ nói « điên trần truồng ». Nhìn thế gian không đúng với bản chất thật của nó rồi theo đó mà sống, là một dạng của « điên trần truồng ». Ngày nay thế giới đảo điên, tai ương hoạn nạn ngày càng nhiều, là do cái « điên trần truồng » này đây.

Rượu tác hại như thế nhưng vì sao vẫn có người chui vào? Chui vào rồi muốn ra lại không thể ra? Là do «tập». Tập, là sự tích tụ. Thói quen là một dạng của tích tụ. Khi mình uống, mình nghĩ sẽ làm chủ bản thân, không để xảy ra tình trạng nguy hại như thế. Uống chút chút chơi thôi, hại gì! Nhưng mình không biết một điều: Thân tâm mình có tính huân tập. Thứ gì được tích tụ ngày một ít sẽ có lực dẫn mình theo nó.Rượu mỗi ngày uống một ít, sẽ tích tụ thành thói quen. Khi được tích tụ ở một mức nào đó, nó sẽ điều khiển mình, không phải mình điều khiển nó. Đến cơn, chỉ có rượu là thượng đế. Đánh vợ giết con, trở thành không nhân tính vì uống rượu đã thành thói quen. Mình không còn là mình. Chỉ làm sao thỏa mãn những con sâu đang rúc rĩa trong thân, mà chỉ có rượu mới làm nó tạm yên.

Hiểu về «tập», mình cũng sẽ hiểu không có tật xấu nào không thể bỏ. Quan trọng là mình có ý thức, quyết tâm và nhẫn lực để bỏ hay không. Người ta nói xì ke ma túy không thể bỏ, có bỏ cũng nghiện lại. Chẳng qua vì mình chưa có phương pháp đúng đắn sau khi cai nghiện mà thôi. Nếu hiểu về «tập», mình sẽ có thái độ cẩn thận với những gì từng là thói quen của mình. Ý thức rồi, mình phải quyết tâm tránh tới cùng, bằng công việc và bằng những vui chơi lành mạnh. Mọi thứ cần có thời gian để cái «tập» trong mình tróc gốc. «Tập» hết rồi thì những duyên của tập ấy không còn tác động sai khiến mình được.

Đa phần ngày nay, không hiểu về « tập » và « khổ » v.v… nên dễ mất mình cho những thói quen. Bị thói quen mang tính tham dục chi phối thì đầu óc không còn tỉnh sáng. Những thứ đáng làm không làm. Những thứ không đáng làm lại làm. Kết quả là khổ đau. Khi khổ đau lại nghĩ đến chuyện hủy hoại bản thân.

THIỀN ĐẠI THỪA VỚI TỨ ĐẾ

Tu thiền Đại thừa, cũng là đang phá đi cái « tập » này, là phần được nhấn mạnh trong giáo lý Tiểu thừa[1]. Tập đã phá thì « chấp » không còn. Bởi do « tập » mà có « chấp ». Chấp thô chấp tế đã hết thì trở về gốc « vô trụ ».Do đó, trong kinh Thắng Man, không nói đến Tứ thánh đế mà nói đến Bát thánh đế, là muốn nói việc trừ « tập » có cạn sâu.

Thiền Tiểu thừa chỉ cần phá đến Tứ trụ địa vô minh, là có thể nói «Phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong v.v…». Thiền Đại thừa, hướng đến của nó là phải phá đến phần Căn bản vô minh. Nói chính xác là phải soi thấu được cội nguồn của Tứ trụ địa và Căn bản vô minh mới có thể thành Phật. Cho nên, dù là tu pháp môn gì mà không ý thức được việc «trừ tập», thì việc tu của mình khó mà có kết quả tốt đẹp, việc ngộ tánhlại càng xa vời.Thế giới và con người luôn là một bí ẩn đối với cái nhìn của nhân sinh.

Chúng ta tu hành mà có những việc đáng tiếc xảy ra, là do không nắm được cội gốc của việc tu hành nằm ở 4 từ «khổ, tập, diệt, đạo» này. Người tu thiền, nếu không thấy được việc trừ «tập» là cốt lõi của việc tu hành, sẽ chỉ lấy cái tướng ngồi lâu hay mau làm công khóa mà bỏ mặc việc điều tâm khi đối duyên và ngay cả khi ngồi thiền. Còn người niệm Phật thì ngoài thời niệm Phật lại bỏ mặc cho tham sân si dẫn chạy.

Hiểu được mấu chốt nằm ở chữ «tập» thì dù tu thiền hay niệm Phật, tất cả đều có chỗ chung đó là «trừ tập», là cốt lõi chủ yếu của tất cả các pháp môn.



[1] Đây dùng chữ Tiểu thừa, là y theo chư Tổ như Hiền Thủ v.v… mà nói, để dễ phân biệt giáo pháp Phật nói trong các bộ A Hàm với hệ kinh Đại Thừa, không chủ tâm nói đến việc cao thấp.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/03/2017(Xem: 10666)
Mùa xuân, vạn vật sinh trưởng. Ngắm một cây thân mộc hay thân thảo, ta thấy chúng đều đang chuẩn bị sinh lực để phát triển cành nhánh, nảy lộc, đơm hoa rồi kết trái. Con người cũng vậy, bé thơ, thiếu niên rồi thanh niên... Cái cây thì nó phát triển toàn bộ. Con người cũng phát triển toàn bộ cả phần vật chất và phần tinh thần. Thân vật chất thì tương tợ nhau nhưng phần tinh thần thì nó phát triển rất phức tạp. Nhưng nói chung, chúng chạy theo hai khuynh hướng, hướng xấu ác và hướng tốt lành.
20/03/2017(Xem: 8111)
Nhân duyên trong chuyến hành hương Tích Lan tháng 7 năm 2011, một Phật tử trong đoàn đến từ Âu châu, Trần Thị Nhật Hưng, đặc trách tường thuật chuyến đi; Đại Đức Thích Như Tú, một học tăng đến từ Đại Học Delhi - Ấn độ, cùng kết làm thiện hữu tri thức. Vì thế, sau chuyến đi đã có nhã ý viết chung một truyện ngắn với tựa đề “Vườn Đại Uyển”. Ban Biên Tập báo Viên Giác xin trân trọng giới thiệu đến độc giả.
20/03/2017(Xem: 7647)
Kính thưa chư Tôn Đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Trước khi từ biệt Bồ Đề Đạo Tràng, được sự phát tâm lành từ quí vị, chúng tôi đã đến thăm và thực hiện một buổi tặng quà cho các em nhỏ thuộc một trường làng cách Bồ Đề Đạo Tràng chừng 12 cây số. Trường chỉ có 1 lớp học với tất cả là 162 em nhỏ thuộc giai cấp thấp của xã hội India. Xin gửi một vài hình ảnh tường trình thay cho lời tri ân cùng quí vị ân nhân đã bảo trợ cho buổi phát quà :
20/03/2017(Xem: 6321)
Ở đời có hai hạng người mà các bạn cần phải biết! Một hạng người mà sự có mặt của họ là gánh nặng cho người khác và một hạng người khi có mặt trên cuộc đời lại đóng góp rất nhiều lợi ích cho gia đình và xã hội đem lại niềm an vui hạnh phúc cho nhân loại.
18/03/2017(Xem: 16228)
Có người hỏi Thiền sư: “Điều đáng sợ nhất trên cõi đời này là gì?” Thiền sư đáp: “Dục vọng!” Người đó lộ vẻ hoài nghi. Thiền sư nói: “Hãy để tôi kể câu chuyện này cho ông nghe vậy”.
18/03/2017(Xem: 11402)
Bài viết này xin gửi đến những vị hữu duyên bởi thế giới vô hình là một thế giới mà người trần không thể nhìn thấy bằng con mắt xương thịt, và không phải ai cũng có cơ duyên tiếp xúc với người từ bên kia thế giới. Như vị pháp sư người Ai Cập trong Hành Trình Về Phương Đông nói: “Khắp nơi trên thế giới đều có các giai thoại về ma, vì con người thường sợ hãi cái gì mà họ không thể nhận thức bằng các giác quan thông thường nên họ đã phủ nhận nó. Sự phủ nhận này mang đến niềm sợ hãi. Từ đó họ thêu dệt các giai thoại rùng rợn, ly kỳ, không đúng sự thật. Nếu chúng ta chấp nhận ma quỷ hiện hữu như một con voi hay con ngựa thì có lẽ ta sẽ không còn sợ hãi’.
18/03/2017(Xem: 7882)
Từ hơn 25 thế kỷ nay, Phật giáo không chỉ dừng lại là một nền tảng của văn hóa văn minh nhân loại mà còn phát triển song hành cùng lịch sử để phổ cập khắp thế giới. Ngày nay, Phật giáo phát triển khắp các nước Âu Mỹ, sách Phật giáo chiếm số lượng lớn, là một phần không thể thiếu của văn hóa toàn cầu. Đạo Phật đã và đang là một động lực lớn thúc đẩy và hướng dẫn sự tiến hóa của nhân loại.
15/03/2017(Xem: 15886)
Rõ ràng một người trên 18 tuổi không thể ngồi yên chờ thiên hạ bón thức ăn vào miệng mình. Ai cũng phải đi cày để kiếm sống. Nhưng không gì thảm hơn cảnh suốt đời chỉ biết chạy quanh một vòng tròn: Đi làm để sống và sống để đi làm, một ngày lăn đùng ra lạnh ngắt, cứng đơ, vô duyên như một vở kịch dở ẹt !
09/03/2017(Xem: 10582)
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật Gia đình Tang quyến Chúng Con Thành Tâm Đảnh Lễ Cảm Tạ: TT Thích Tâm Phương Viện Chủ Tu Viện Quảng Đức TT Thích Nguyên Tạng Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức TT Thích Nhuận Chơn Trụ Trì Tu Viện Kim Cang ĐĐ Thích Hạnh Phẩm Trụ Trì Tu Viện Từ Ân ĐĐ Thích Tâm Minh Trụ Trì Chùa Hoàng Pháp ĐĐ Thích Chơn Đạt Tịnh Thất Victoria .... ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]