Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

8. Thay lời kết

27/08/201113:21(Xem: 10123)
8. Thay lời kết

CHẮP TAY LẠY NGƯỜI
Nguyên Minh

Thay lời kết

chaptaylaynguoi-bia2Trong xã hội bon chen hiện nay, khi mà mỗi một cá nhân muốn giành được chỗ đứng đều phải vất vả cạnh tranh, không ngừng đối phó với những cá nhân khác, thì việc nêu ra ý tưởng vô ngã tưởng chừng như không được thích hợp cho lắm! Để có được một chỗ làm ổn định hay một địa vị tốt trong xã hội, dường như chúng ta phải luôn tự đề cao mình, khẳng định mình là có gì đó vượt trội, nổi bật hơn người khác. Đó là một đòi hỏi thực tế. Như vậy, liệu chúng ta có thể làm được những điều đó trên tinh thần vô ngã hay chăng? Liệu chúng ta có thể gạt bỏ được quan niệm chấp ngã mà vẫn đưa cái “bản ngã không thật” của mình vượt lên trên so với người khác? Và liệu chúng ta có thể nào vẫn tham gia cuộc đọ sức bon chen để đảm bảo nhu cầu tồn tại của bản thân và gia đình nhưng vẫn nhìn đời bằng nhãn quan vô ngã? Những câu hỏi như thế chắc chắn có thể đến với bất cứ ai trong chúng ta ngay khi bắt đầu bước vào con đường thực hành giáo pháp vô ngã.

Nền kinh tế thị trường hiện nay đang chi phối hầu hết các quốc gia trên thế giới. Mọi xã hội từ Đông sang Tây đều đang phát triển dựa trên cơ chế thị trường. Sự phát triển của mỗi cá nhân trong một xã hội như thế luôn tùy thuộc vào sự biểu hiện năng lực của cá nhân đó trong mối quan hệ so sánh với những cá nhân khác. Và như vậy, trong những xã hội này tất yếu phải hình thành những quan điểm sống nhấn mạnh vào vai trò của cá nhân như là trung tâm điểm của xã hội. Đây cũng chính là biểu hiện rõ nét nhất của quan niệm chấp ngã.

Điều này không có gì khó hiểu. Kinh tế thị trường và những quy luật cạnh tranh khách quan đến lạnh lùng của nó có nguồn gốc từ nền văn hóa phương Tây, vốn luôn nhấn mạnh vào vai trò của cá nhân trong cộng đồng xã hội. Vì thế, đây chính là môi trường hết sức thuận lợi để nuôi lớn quan niệm chấp ngã. Nhìn từ góc độ xã hội thì đây có thể ví như một con dao hai lưỡi. Một mặt, nó kích thích sự phát triển tối đa của mỗi cá nhân, và do đó tạo động lực hết sức mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của toàn xã hội. Điều này được biểu lộ qua sự phát triển hết sức nhanh chóng về mặt vật chất của thế giới phương Tây trong suốt nhiều thập kỷ gần đây. Nhưng mặt khác thì nguy cơ gây rối loạn xã hội từ những cá nhân có sự phát triển lệch hướng cũng tăng cao và đòi hỏi các nhà quản lý xã hội phải không ngừng tìm ra các biện pháp để đối phó, khống chế. Điều này cũng được thấy rõ qua các loại hình tội phạm thường xuyên phát triển ngày càng nghiêm trọng hơn, cũng như qua sự suy thoái chung về các chuẩn mực đạo đức, tâm linh trong xã hội theo chiều hướng tỷ lệ nghịch với sự phát triển về vật chất. Dấu hiệu rõ nét nhất của hiện tượng này là càng vươn lên sung túc về vật chất thì người ta lại càng cảm thấy hụt hẫng nhiều hơn về mặt tinh thần. Sự hình thành các trung tâm tu tập Phật giáo tại phương Tây trong những năm gần đây với số lượng người tham gia ngày càng đông đảo hơn đã cho thấy rõ điều đó. Người ta bắt đầu nhận ra rằng họ không thể sống tốt chỉ với bánh mì và bơ sữa, và nhu cầu về sự cải thiện đời sống tâm linh đang ngày được quan tâm nhiều hơn.

Và người ta đã thực hành những gì khi đến với các trung tâm tu tập? Chính là sự buông bỏ khái niệm chấp ngã, xóa dần đi vai trò độc tôn của cá nhân trong cộng đồng xã hội. Thay vào đó, những người tu tập sẽ biết cách nhìn nhận thực tại đời sống một cách toàn diện hơn trong mối tương quan chặt chẽ và chi phối lẫn nhau giữa các thành viên trong xã hội. Điều đó giúp họ có một cái nhìn đúng thật hơn về bản ngã cũng như về thế giới chung quanh. Và đó mới chính là tiền đề cho một cuộc sống thực sự an vui và hạnh phúc.

Xã hội phương Đông từ xa xưa vốn chưa từng phát triển theo khuynh hướng của phương Tây. Thay vì nhấn mạnh vào vai trò của cá nhân, các xã hội phương Đông luôn được xây dựng dựa trên sự phát triển của toàn xã hội. Nhà chính trị lý thuyết tiêu biểu của phương Đông là Khổng tử đã hình thành học thuyết về quản lý xã hội của ông dựa trên những khuôn mẫu xã hội lý tưởng chứ không phải là những cá nhân lý tưởng!

Sự khác biệt chính là ở điểm này. Xã hội phương Tây được xây dựng dựa trên yêu cầu tôn trọng và tạo điều kiện tối ưu cho sự phát triển của từng cá nhân, và vì thế mà những khuôn mẫu cá nhân lý tưởng được nêu ra trước, rồi sau đó thì mọi quy luật ứng xử trong xã hội phải được hình thành theo khuynh hướng đào tạo ra những cá nhân lý tưởng như thế. Ngược lại, các nhà quản lý xã hội ở phương Đông lại hình thành những khuôn mẫu xã hội lý tưởng trước, rồi từ đó mới đưa ra mọi quy luật ứng xử để điều chỉnh hành vi ứng xử của mọi cá nhân sao cho tất cả các cá nhân trong xã hội đều thích ứng với khuôn mẫu xã hội lý tưởng đó.

Ta có thể lấy ví dụ so sánh từ một khác biệt nổi bật nhất là quan điểm về vấn đề tình dục. Đối với phương Tây, tình dục là một nhu cầu của cá nhân, và điều đó cần được tôn trọng. Do đó, trong xã hội phương Tây thì việc tự do quan hệ tình dục là chuyện hết sức bình thường và không ai được phép ngăn cấm, miễn là điều đó có sự tự nguyện của đôi bên. Ngược lại, dưới mắt nhìn của các nhà quản lý xã hội phương Đông thì trong một xã hội lý tưởng không thể có chuyện quan hệ tình dục bừa bãi, vì gia đình chỉ có thể hạnh phúc khi có sự chung thủy một vợ một chồng, và gia đình có hạnh phúc thì xã hội mới tốt đẹp. Như vậy, mọi cá nhân trong xã hội sẽ phải chấp nhận sự điều chỉnh của quy luật ứng xử sao cho phù hợp với khuôn mẫu lý tưởng đó. Do đó, mỗi thành viên trong xã hội đều được giáo dục, đào tạo từ nhỏ để biết sống thích hợp với khuôn mẫu chung của toàn xã hội. Điều này dẫn đến kết quả là xã hội phương Đông không chấp nhận các hình thức tự do quan hệ tình dục, mà nhất thiết phải được đặt trong khuôn phép của lễ giáo.

Ta có thể suy rộng ra và dễ dàng tìm thấy rất nhiều ví dụ tương tự trong những sự khác biệt về quan điểm ứng xử giữa các xã hội phương Đông và phương Tây.

Chính sự khác biệt về quan điểm như trên đã tạo ra những khuynh hướng sống khác nhau. Và nếu quay lại với những phân tích về giáo lý vô ngã mà ta vừa tìm hiểu, ta có thể dễ dàng nhận ra ngay là môi trường xã hội phương Đông luôn tỏ ra thích hợp hơn với sự thực hành giáo lý vô ngã.

Vấn đề nảy sinh ở đây là, cùng với kinh tế thị trường, nền văn hóa và lối sống của phương Tây cũng đang lan rộng sang các nước phương Đông. Trong khoảng một thập kỷ vừa qua, nhiều bạn trẻ Việt Nam đã dần dần trở nên quen thuộc hơn với lối sống phương Tây và nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc đang dần đổi thay, phai nhạt. Điều này là tốt hay xấu? Liệu chúng ta có thực sự đang tiếp thu những điều tốt đẹp và vươn lên hoàn thiện, hay đang đánh mất dần đi những điều quý giá đang sẵn có? Câu trả lời có thể còn tùy thuộc vào nhận thức khác nhau của mỗi người, nhưng ở đây chúng ta sẽ giới hạn vấn đề bằng cách nhìn từ quan điểm vô ngã mà ta đang tìm hiểu.

Từ xa xưa, Lão tử đã từng nói trong Đạo đức kinh rằng: “Đặt mình ra sau mà đến trước; đặt mình ra ngoài mà không mất.” Như vậy, theo quan niệm của ông thì rõ ràng việc bon chen sát phạt để giành được chỗ đứng tốt hơn trong xã hội chưa hẳn đã là điều tốt. Mỗi người vẫn có thể sống tốt trong cương vị của mình thì tự nhiên xã hội đó sẽ có sự phát triển tốt đẹp, và mỗi thành viên trong xã hội rồi cũng sẽ được hưởng sự tốt đẹp đó.

Như đã nói, xã hội phương Tây lại theo quan điểm khác. Sự cạnh tranh mạnh mẽ, thậm chí là khốc liệt, giữa các cá nhân được cho là động lực chính để thúc đẩy xã hội phát triển. Như vậy, quan điểm này xem sự phát triển xã hội - mà chủ yếu là kinh tế - như mục đích chính. Ngược lại, các hiền triết phương Đông đều chỉ xem đó như một phương tiện để đạt đến cuộc sống ổn định cho mọi người, và sự tốt đẹp của xã hội không được đánh giá dựa trên mức độ phát triển kinh tế hay hưởng thụ vật chất, nhưng được xét từ sự an vui hạnh phúc mà mỗi cá nhân trong xã hội đó có thể tận hưởng.

Và đây cũng chính là điểm then chốt mà giáo lý vô ngã sẽ phát huy tác dụng. Trong khi sự phát triển đơn thuần về mặt vật chất chỉ là một trong những điều kiện nhưng không hề đảm bảo cho ta một cuộc sống thực sự hạnh phúc, thì giáo lý vô ngã lại trang bị cho ta một khả năng kỳ diệu giúp ta hầu như có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống, và do đó chắc chắn sẽ tìm được nguồn hạnh phúc chân thật mà không phải phụ thuộc nhiều vào ngoại cảnh.

Như vậy, nhìn từ góc độ đi tìm một cuộc sống thực sự hạnh phúc thì rõ ràng là chúng ta hoàn toàn có thể và nên thực hành giáo pháp vô ngã ngay trong cuộc sống bon chen này. Bởi khi đem so sánh giữa “được” và “mất” thì chắc chắn chúng ta sẽ “được” những cái đáng giá hơn - niềm an vui trong cuộc sống - và chỉ có thể “mất” đi một phần nào đó những giá trị vật chất, điều mà ta có thể chấp nhận được. Nhiều người bạn của tôi đang làm công việc kinh doanh thường than phiền về những áp lực căng thẳng mà họ phải chịu đựng liên tục trong công việc. Sự phát triển về kinh tế của xã hội, và gần gũi hơn là kinh tế gia đình, dường như đang phải đánh đổi bằng sự vắt kiệt sức lực của mỗi chúng ta trong từng ngày, từng giờ. Và như thế, những thành tựu vật chất mà ta có được quả thật không thể bù đắp cho sự mất mát về mặt tinh thần mà ta phải gánh chịu khi chạy đuổi theo sự cuốn hút của những nhu cầu vật chất.

Một khi quay nhìn lại chính mình và thế giới chung quanh với quan điểm vô ngã, chúng ta sẽ có thể lập tức giảm nhẹ được những áp lực căng thẳng đang đè nặng lên cuộc sống của mình nhờ vào sự thay đổi khuynh hướng sống. Chúng ta sẽ không còn mải mê chạy đuổi theo những giá trị không thực sự cần thiết, sẽ nhận ra được những giá trị đích thực của đời sống, và sẽ có những quyết định sáng suốt dẫn đến những tư tưởng lời nói và hành vi mang lại hạnh phúc cho bản thân ta và mọi người quanh ta. Tất cả những điều này đều xuất phát từ việc điều chỉnh nhận thức sai lầm về bản thân ta và thế giới quanh ta, và nhờ đó mà ta không còn phải chịu sự tác động, xô đẩy quá nhiều từ ngoại cảnh.

Qua tất cả những gì chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu trong tập sách này, có thể thấy rằng thực hành vô ngã không phải là một lý thuyết cao siêu không tưởng, mà chính là một phương thức thiết thực giúp ta tìm lại được chính mình trong dòng chảy xô bồ của cuộc sống hôm nay. Chính vì vậy, tập sách này đã ra đời như một nỗ lực của người viết muốn chia sẻ cùng người đọc những lợi ích thiết thực của sự thực hành vô ngã, một phương pháp đã được đức Phật chỉ dạy từ cách đây hơn 25 thế kỷ nhưng đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị trong xã hội hiện đại. Những ai đã có sự thực hành trong một chừng mực nhất định nào đó đều có thể xác quyết điều này.

Mặc dù vậy, việc trình bày một vấn đề quá lớn lao và phức tạp trong một tập sách nhỏ không phải là việc dễ dàng, và những kinh nghiệm cũng như hiểu biết của người viết là hết sức nhỏ nhoi, hạn chế. Vì vậy, người viết tin chắc rằng sẽ không thể tránh khỏi ít nhiều sai sót trong quá trình hình thành tập sách. Một lần nữa, chúng tôi xin chân thành đón nhận và biết ơn mọi sự góp ý chỉ dạy từ các bậc cao minh cũng như quý độc giả gần xa để nội dung sách trong những lần tái bản sẽ được hoàn thiện hơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/03/2020(Xem: 8928)
Cho đến hôm nay, đã hơn một ngày tuần sơ thất của cố ca sĩ Thái Thanh ( 1934 – 2020 ). Bà tên thật là Phạm Thị Băng Thanh( Để gần gũihơn xin phép được gọi bằng Bà), sinh ngày 5/8/1934, từ trần ngày 17/3/2020 tại Quận Cam, California, Hoa kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Tiếc rằng trong cáo phó của gia đình không có thông tin ngày giờ tẩn liệm và nơi an táng hoặc hỏa táng. Dù biết rằng bà ra đi giữa cơn đại dịch Covid 19, gia đình cũng tùy thuận miễn phúng viếng, nhưng những chi tiết đó giúp cho những người ái mộ phương xa có đủ thông tin để tưởng niệm và nhất tâm cầu nguyện cùng gia đình. Bài viết này cũng cố trông đợi cho đến ngày sơ thất hôm nay ( nếu gia đình có tổ chức cúng theo nghi thức PG ) mới có thể nói lên một vài cảm nhận về tiếng hát của bà, đặc biệt có ít nhiều liên quan đến Phật giáo chúng ta.
22/03/2020(Xem: 6679)
Kiểm soát cảm xúc là cách chúng ta xử lý những trãi nghiệm cảm xúc qua từng giây, từng phút để có cuộc sống khỏe mạnh, xây dựng các mối quan hệ tích cực và đạt được mục tiêu mong muốn. Khi chúng ta cảm thấy thất vọng hay vui tươi, lo lắng hoặc thích thú, chúng ta làm gì để kéo dài hoặc thu ngắn những cảm xúc này? Chúng ta làm gì để giữ lại những cảm xúc này hay chuyển đến một cảm xúc khác? Quan trọng là, từ góc nhìn của trí thông minh cảm xúc (emotional intelligence), việc kiểm soát cảm giác liên quan đến việc chấp nhận rằng cảm giác đó đến và sẽ đi một cách tự nhiên, mà hầu như tất cả các cảm xúc đều như vậy. Vì thế chúng ta sẽ không cố níu giữ, phản ứng hoặc bị cuốn vào những cảm xúc đó.
21/03/2020(Xem: 5695)
Nam Mô Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát Kính gửi chư Tôn Đức và quý vị hảo tâm Từ thiện. Được sự thương tưởng và hỗ trợ của quí vị chúng tôi vừa thực hiện xong 14 giếng cần giục (Well hand-pump) cho những ngôi làng nghèo lân cận khu vực Bồ Đề Đạo Tràng & Nalanda tiểu bang Bihar India. Đây là Public Well Hand-pump nên cả làng có thể xài chung, người dân nghèo bớt đi rất nhiều nỗi nhọc nhằn trong mùa hạ vì phải đi lấy nước ngoài sông xa. Kính mời quí vị xem qua một số hình ảnh tường trình.
21/03/2020(Xem: 5748)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm . Thêm lần nữa, được sự thương tưởng của quý chư Tôn đức, Phật tử thiện hữu, tuần lễ vừa qua (15/3 2020) chúng tôi lại có dịp lên đường gieo hạt Từ tâm. Dẫu biết rằng việc làm của chúng ta cũng chỉ là việc ''lấy muối bỏ bể'' trong nỗi nghèo khó mênh mông của xứ này, nhưng thiết nghĩ điều đó không quan trọng, quan trọng là Tấm lòng san sẻ mà thôi.
20/03/2020(Xem: 7703)
Bát Chánh Đạo chỉ là một phần trong giáo lý của Đức Phật. Chỉ cần áp dụng tám bước này vào đời sống sẽ mang đến cho ta và mọi người được hạnh phúc. Qua bài Chuyển Pháp Luân của Đức Phật giảng tại vườn nai cho năm anh em ông Kiều Trần Như nghe. Trong đó Bát Chánh Đạo là chủ đề đầu tiên mà Đức Phật mở bài. Từ sự quan sát cuộc đời của Ngài qua những kinh nghiêm sống trong hai giai đoạn: Hưởng thụ lợi lạc, đam mê ái dục, danh lợi, quyền lực, trong cung điện. Sáu năm tu khổ hạnh mà không thấy kết quả gì.
05/03/2020(Xem: 8942)
“Tham” là tham lam. Ham muốn thái quá. Đắm say, thích thú muốn có nhiều những thứ mình ưa thích như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng v.v… Lòng ham đó chẳng hề biết chán, càng được thời càng ham. Tham cho mình, rồi tham cho cả bà con quyến thuộc, quốc gia, xã hội của mình. Cũng vì lòng tham, mà nhân loại tranh giành giết hại lẫn nhau. Kẻ tham hay ghen ghét những người thành tựu.
01/03/2020(Xem: 8785)
Với nhiều lý do đó tôi đã rất hân hoan đi mời các bạn tham dự buổi tiệc chay này từ trước một tháng ngay vừa khi thông báo lên . Thế nhưng đâu ai có thể đoán được mọi chuyện gì trong tương lai có thể xảy đến ...dù chỉ vài ngày trước đó nên chi tôi chỉ cầu nguyện thầm cho buổi lễ thật thành công hầu đem lại niềm khích lệ cho những bậc trưởng thượng đang ra sức dựng xây Đạo Pháp nơi hải ngoại . Hy vọng ai ai cũng đều nghĩ đó là duyên phước như tôi thì ngày hôm đó theo tôi nghĩ ......sẽ có rất nhiều người tham dự, vì thực đơn tiệc chay hôm ấy quá tuyệt vời mà các chị trong ban trai soạn vừa bật mí như sau:
29/02/2020(Xem: 6489)
Ngày nay, chúng ta sống ở trên thế gian này hoàn cảnh rất không tốt, rất không bình thường. Ngày qua tháng lại chúng ta điều trải qua ba bữa ăn đắng uống độc trong thịt, trong rau…có rất nhiều độc tố.
27/02/2020(Xem: 6425)
Ai cũng biết cuộc đời ngắn ngủi, thời gian không chờ đợi một ai bao giờ. Là một Tăng Ni trẻ phải biết tận dụng thời gian để học tập, quyết không để thời gian trôi qua một cách lãng phí vô ích. Tăng Ni trẻ phải biết tận dụng thời gian trong việc tu học, nâng cao đời sống tâm linh. Quỹ thời gian của một đời người không nhiều, phải nỗ lực nuôi dưỡng và gieo hạt giống từ bi rộng rãi trên toàn xã hội.
27/02/2020(Xem: 6392)
Xã hội hiện đại này là một loại hình xã hội cần đến sự cập nhật kiến thức liên tục vì tốc độ tăng trưởng thật nhanh . Do đó con đường tốt nhất là đọc sách và học tập suốt đời dù ở bất cứ tuổi nào . Tuy nhiên nếu không có được sự tu tập để tìm được sự bình thản tĩnh lặng trong tâm thì sẽ không nhận được điều gì xảy ra và để nhân thấy được Sự Huyền Diệu của cuộc đời . Khi chúng ta không có tĩnh lặng( những giờ phút riêng tư ) dù phải chịu cảnh cô đơn hay cô độc thì sẽ chẳng bao giờ có thể thấy được sự huyên diệu ấy. Một tâm trí khỏe mạnh là đã loại trừ được những suy nghĩ tiêu cực nhờ vào những suy nghĩ bình tĩnh , biết tập trung để thanh lọc những nỗi sợ hãi, buồn đau khi gặp phải vấn đề rắc rối .
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]