Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Bồ Đề Đạo Tràng

14/07/201112:28(Xem: 5898)
03. Bồ Đề Đạo Tràng

BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG (BODH GAYA)

NƠIĐỨC PHẬT THÀNH ĐẠO

Bồ Đề Đạo Tràng, kể từ sau ngày đức Phật thành đạo dưới cội Bồ Đề, đã trở thành một thánh địa thiêng liêng nhất của Phật Giáo. Ngày nay, Bồ Đề Đạo Tràng, không những là một trung tâm hành hương của Phật tử trên toàn thế giới, mà còn là nơi hằng năm thu hút hàng chục ngàn du khách, các nhà khảo cứu, nghệ thuật, sử gia, khắp bốn phương trời Âu, Á tìm đến để nghiên cứu về ngành cổ học, và nghệ thuật Phật Giáo, như điêu khắc, chạm trỗ trên đá v.v…

I. NGUỒN GỐC ĐỊA DANH VÀ VỊ TRÍ CỦA BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG

Buddha Gaya hay Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), tên gọi ngày nay chỉ nơi xưa kia, Bồ Tát Cồ Đàm (Gotama) đã tu hành thành Phật. Bồ Đề Đạo Tràng, nay thuộc làng Bodh Gaya, nằm cách 6 dặm đường bộ thị trấn Gaya; đông giáp sông Lilajan (tên cũ P.: Neranjana; Skt.: Nairanjana), tức sông Ni Liên Thuyền, thời đức Phật còn tại thế; tây giáp các làng Mastipur, Dhandowa, Bhalua và Turi; nam giáp Rampur, và bắc giáp làng Haripur, trong quận Gaya, tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn Độ.

Trong kinh điển Phật Giáo Nguyên Thủy (Nam Tông) tiếng Pali, người ta không thấy có địa danh “Buddha Gaya” (Bồ Đề Đạo Tràng), mà chỉ thấy các tên như Bodhimandala, Bodhirukkhahay Gayathường được dùng để chỉ nơi đức Phật trước kia đã tu hành, chứng đắc đạo quả Vô Thượng. Theo các học giả Ấn Độ, từ chử “Bodhimanda” đầu tiên dùng chỉ cây Bồ Đề (Bodhi Tree), về sau nó đã biến đổi tạo thành những từ ngữ mới như Buddha Gaya,Bodhi Gaya, rồi Bodh Gayav.v... (N.K. Sahu, Buddhism in Orissa, Uktal, 1958, trang 5).

Đại đức Anagarika Dharmapala, nhà đại phục hưng Phật Giáo Tích Lan, từng tranh đấu để giành Buddha Gaya thoát khỏi sự chiếm hữu của ông Mahant theo Ấn Độ Giáo, trong tập nói về thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng, đã viết: “Bodhimanda là từ ngữ được dùng bởi các Phật tử thời xưa, và theo bộ Mahavamsa (Đại Sử) của Tích Lan thì ngày xưa, Phật tích này có tên gọi là Gaya…Ngài Pháp Hiển (Fa Hien), danh tăng Trung Hoa, cũng dùng tiếng ‘Gaya’, kể cả ngài Buddhaghosa (Phật Minh), nhà đại luận sư Ấn Độ đến viếng Tích Lan năm 412 sau Tây Lịch, dưới triều vua Mahanama, vẫn gọi là Gaya. Vì danh từ ‘Bodhimanda’ không được rõ và phổ biến, nên chữ Buddha Gaya đã được chọn dùng”

(A. Guruge, Return to Righteousness, Ceylon, 1965, trang 587).

II. BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG THỜI ÐỨC PHẬT

Vào thời đức Phật còn tại thế, Bồ Đề Đạo Tràng (BuddhaGaya) có tên tiếng Phạn (Sanskrit)Uruvela, cũng gọi làUruvilva(Tàu dịch: Ưu Lâu Tần Loa), một thị trấn của vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha), dưới quyền trị vì của vua Tần Bà Xa La (Bimbisara: 543-491 trước Tây Lịch), có kinh đô đóng tại thành Vương Xá (Rajagriha). Ngày nay Uruvela tức là làng Urel, cách xa 6 dặm thị trấn Gaya (thuộc quận Gaya, tiểu bang Bihar). Còn xứ Ma Kiệt Đà (Magadha) thời xưa, theo ngài Huyền Trang (Hiuen Tsiang), có chu vi rộng 5.000 lý (bằng 1.666 dặm) với 80.000 ngôi làng (theo tài liệu ghi chép trong Luật Tạng – Vinaya Pitaka). Ngày nay, Ma Kiệt Đà bao gồm trong hai quận Patna và Gaya, thuộc miền nam tiểu bang Bihar, phía đông bắc Ấn Độ. Trước khi thành Đạo, đức Phật đã trải qua 6 năm tu khổ hạnh tại Uruvela. Ngài đã diễn tả cảnh trí ở đây qua kinh Ariyapariyesana(Trung Bộ Kinh, kinh thứ 26, đức Phật thuyết tại Kỳ Viên Tịnh Xá, thành Xá Vệ) như sau:

“… Rồi, này hỡi chư Tỳ Kheo, Như Lai tiếp tục đi khắp xứ Ma Kiệt Đà để mong tìm ra sự an lạc cao siêu nhất. Như Lai đã đến ngôi làng Senani, trong thị xã Uruvela (Ưu Lâu Tần Loa). Tại đây, Như Lai chứng kiến một vùng đất trải dài trông thích thú với nhiều khu rừng yên tĩnh, cạnh dòng sông Ni Liên Thuyền (Neranjara), nước cạn và chảy trong vắt. Gần đó là một ngôi làng Như Lai có thể đi vào khất thực... Thực vậy, đây là nơi rất tốt cho người đạo sĩ trẻ ở lại tu hành. Cho nên, này hỡi các Tỳ Kheo, Như Lai đã dừng lại, ngồi xuống và suy nghĩ: Đây là nơi thích hợp nhất cho ta thường trú để tu tập”.

Cũng chính tại Uruvela này, Bồ Tát Cồ Đàm, sau nhiều ngày ngồi tu khổ hạnh, thiền định dưới cây cổ thụ Ajapala, trước ngày sắp thành Phật, nàng Sujata (Tu Xà Đề), con gái của một điền chủ trong làng Senani, vào buổi sáng, đã mang cháo sữa đến cúng dường Ngài. Sau khi dùng xong thức ăn, Bồ Tát xuống tắm ở sông Ni Liên Thuyền, và đến chiều Ngài đi đến cây Pipal (Tất Bát La) gần đó, phát lời thệ nguyện:“Dù thịt nát, xương tan, máu huyết khô cạn, Ta nhất quyết không rời nơi này, nếu chưa đắc thành đạo quả Chánh giác”.Tại đây, Bồ Tát đã dùng cỏ cát tường “Kusa”, do tín hữu Sotthiya dâng cúng, trải ở gốc cây làm tọa cụ, để ngồi kiết già tiếp tục thiền định. Hôm sau, vào ngày trăng tròn tháng Vesakha (tháng 5 dương lịch), Bồ Tát Cồ Đàm, sau khi chiến thắng Ma Vương lần cuối cùng, đã chứng đắc Phật quả Vô thượng, vào năm Ngài đúng 35 tuổi. Từ đó cây Pipal này (Ficus Religiosus) được gọi là cây Bồ Đề (hay Bodhi: tiếng P. và Skt.); cũng gọi là cây Giác Ngộ (Tree of Enlightenment), vì “Bodhi” có nghĩa là “Giác Ngộ”.

III. BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG THỜI VUA A DỤC (ASOKA) CỦA

ẤN ĐỘ (273-232 TRƯỚC T.L.)

Theo sử liệu ghi chép trên các bia ký của vua A Dục (Asokan pillars) cho biết, đức vua lần đầu tiên đến chiêm bái Bồ Đề Đạo Tràng, vào năm thứ 10 triều đại A Dục, tức năm 260 trước Tây Lịch. Sau đó, theo Dr. Walpola Rahula (nhà sư và học giả Tích Lan), vua A Dục đã phái công chúa con gái mình, tức Ni cô Sanghamitta, chiết một nhánh từ cây Bồ Đề gốc ở Bồ Đề Đạo Tràng, cùng với giáo đoàn 11 Ni Cô khác, mang qua tặng cho vị vua Phật tử Tích Lan Devanampiya Tissa (trị vì 247-207 trước T.L.) trồng ở công viên Mahamegha tại thị trấn Anuradhapura, cựu kinh đô của Tích Lan (Sri Lanka). Đây là cây Bồ Đề có lịch sử 2.200 năm, xưa nhất thế giới, và hiện nay vẫn còn xanh tốt. Chúng tôi đã có dịp đến viếng cây Bồ Đề này, nhân chuyến đi tham dự đại hội: “Các nhà Lãnh Đạo và Học Giả Phật Giáo Thế Giới” (Conference of the World Buddhist Leaders and Scholars) tổ chức tại Colombo, thủ đô Tích Lan từ ngày 01 đến 09 tháng 06 năm 1982.

IV. BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG VỚI NGÔI CHÙA ĐẠI GIÁC

(MAHA BODHI) ÐẦU TIÊN

Khi bàn về lịch sử của ngôi chùa đầu tiên được xây cất vào thời kỳ nào, đến nay vẫn chưa có chứng tích rõ ràng để xác định được. Tuy nhiên, theo nhiều giả thuyết của một số học giả, tin rằng chùa Đại Giác có thể do vua A Dục (Asoka) kiến lập vào thế kỷ thứ 3 trước Tây Lịch, tiếc rằng thiếu bia ký để chứng thực. Bởi lẽ, nhiều vị vua khác sau đó, theo sử liệu cho biết cũng đã dựng nên tại Bồ Đề Đạo Tràng các chùa, tháp để kỹ niệm; cho nên công nghiệp của vua A Dục bị lu mờ bớt đi chăng. Cũng có thể di tích ngôi chùa đầu tiên đã bị vua Sasanka (606 T.L.) xứ Bengal, theo Ấn Độ giáo và rất thù ghét Phật giáo, tàn phá. Còn ngôi chùa Đại Giác, mà chúng ta thấy hiện nay, theo các nhà khảo cổ Đông lẫn Tây Phương, có thể nó được xây cất vào thế kỷ thứ 2 sau tây lịch.

Dù chúng ta không có đầy đủ sử liệu chính xác về ngôi chùa đầu tiên trong thời cổ, nhưng ít ra, qua những tài liệu đã khám phá được của các học giả từ trước nay, cho thấy rằng ngôi chùa đầu tiên đã do Phật tử xây dựng và duy trì từ thế kỷ thứ 3 trước tây lịch cho đến khi giặc Hồi giáo đến xâm lăng tàn phá vào thế kỷ thứ 12 sau T.L. Sau đó, ngôi chùa trải qua bao biến cố thăng trầm, đã được sửa chữa, trùng tu nhiều lần; không phải chỉ do các Phật tử Ấn độ, mà những Phật tử Tích Lan, Miến điện, và các quốc gia khác cũng có góp phần.

V. BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG QUA KÝ SỰ CỦA CÁC NHÀ

HÀNH HƯƠNG TRUNG QUỐC

Sau vua A Dục, các danh tăng Trung Hoa đã đến chiêm bái thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng là ngài Pháp Hiển (Fa Hien), Huyền Trang (Hiuen Tsiang) và Nghĩa Tịnh (I-Tsing).

A. KÝ SỰ CỦA NGÀI PHÁP HIỂN (FA HIEN)

Ngài Pháp Hiển đến Ấn Độ vào những năm 399-414 T.L. Ngài tới thăm Bồ Đề Đạo Tràng năm 409 sau T.L., đã ghi lại trong tập ký sự của ngài về cảnh trí ở thánh địa này lúc bấy giờ như sau:

“…Từ thành Vương Xá, sau khi đi về hướng tây 4 yojana hay do tuần (bằng 28 dặm), chúng tôi đến thị trấn Gaya, nhưng thấy trong thành tất cả đều trống trải và điêu tàn. Tiếp tục đi về phía nam khoảng 20 lý (gần 7 dặm), chúng tôi đến nơi đức Bồ Tát (đạo sĩ Cồ Đàm) tu khổ hạnh trong 6 năm. Xung quanh toàn là rừng rậm…Cách nơi này chưa đầy nửa do tuần (gần bằng 3 dặm rưởi), chúng tôi đến cây Pippala hay Tất Bát La (Bồ Đề), nơi các đức Phật trong quá khứ và tương lai đều ngồi tham thiền để chứng đạo giác ngộ. Cách xa nơi nầy độ 50 feet (30 paces), là nơi vị Thiên thần (Deva) dâng cúng đức Bồ Tát loại cỏ Kusa (Cát tường). Ngài nhận cỏ đến trải ở gốc cây Pippala, và ngồi xuống trên đó, mặt quay về hướng đông để thiền định….

“Tại các nơi đức Bồ Tát tu khổ hạnh trong 6 năm, sau này người ta dựng nên tháp và tượng, mà hiện nay vẫn còn tồn tại…Tại nơi đức Phật thành Đạo, có 3 ngôi chùa, trong đó có chư Tăng đang ở. Những gia đình dân chúng xung quanh cúng dường mọi thứ cần thiết cho các vị sư này, nên họ không thiếu thốn gì. Luật giới được chư Tăng bấy giờ thọ trì rất nghiêm chỉnh…”

Trích “Fa Hien’s Record of Buddhistic Kingdom”; translated of Chinese Text by Jame Legg, San Francisco, 1975 (“Ký Sự về các Vương Quốc Phật Giáo” của Ngài Pháp Hiển), Chương 31, trang 87, 88, 89.

B. KÝ SỰ CỦA NGÀI HUYỀN TRANG (HIUEN TSIANG)

Ngài Huyền Trang sang Ấn Độ vào những năm 629-645, và đến chiêm bái Bồ Đề Đạo Tràng năm 637 sau T.L. đã ghi lại trong tập “Tây Du Ký” (Si Yu Ki) của Ngài khá đầy đủ chi tiết về thánh tích này như sau:

“…Từ núi Pragbodhi (Tiên Chánh Giác) đi về hướng tây nam khoảng 14 hay 15 lý (bằng 5 dặm), chúng tôi đến cây Bồ Đề, được bao bọc xung quanh bởi một tường gạch cao và chắc, có chu vi dài chừng 1.250 feet (500 paces)… Chúng tôi thấy đây đó, có những ngôi tháp và chùa, được các vua chúa, hoàng tử khắp nơi trong cõi Diêm Phù Đề (Ấn Độ) quý kính đức Phật, xây dựng nên để tưởng niệm Ngài.

Về hướng đông của cây Bồ Đề, có một ngôi tháp cao từ 160 đến 170 feet, nền tháp rộng 50 feet vuông (20 paces), tường xây bằng gạch xanh với vôi đá nung; các khám tường nơi những tầng tháp đều có tôn trí các tượng bằng vàng. Xung quanh bốn phía tháp được trang trí bởi những hình tượng điêu khắc rất đẹp; nơi này là hình ảnh của những chuỗi ngọc, chỗ kia là các vị Tiên. Mặt hướng đông của tháp nối liền với lầu đưa ra, phía trên có 3 cái phòng, với những mái hiên, cột trụ, cây đà, cửa lớn, cửa sổ đều được trang hoàng bởi các hình tượng bằng vàng hay bạc, với những ngọc ngà và kim cương nạm gắn vào các kẻ hở. Những gian buồng mờ tối và các phòng huyền bí nơi 3 tầng lầu đều có cửa lớn. Hai bên phải và trái của cửa chính bên ngoài là những cái khám trông như gian buồng nhỏ; phía trái tôn trí hình tượng đức Bồ Tát Quán Thế Âm, và bên phải hình tượng đức Bồ Tát Di Lặc. Những tường này làm bằng bạc, và cao độ 10 feet. Tại chỗ ngôi tháp hiện tại, vua A Dục đầu tiên cho xây một ngôi chùa nhỏ, về sau có một người Bà La Môn kiến lập lại một ngôi khác to lớn hơn…

... Không xa về hướng nam cây Bồ Đề là một ngọn tháp cao 100 feet, do vua A Dục truyền dựng nên, ghi dấu nơi đức Bồ Tát xưa kia, sau khi xuống tắm ở sông Ni Liên Thuyền, Ngài hướng tiến về phía cây Bồ Đề. Rồi Ngài suy nghĩ: ‘Ta phải dọn sửa chỗ ngồi ra sao? Hừng đông ta sẽ đi tìm một ít cây lác sạch’. Tức thì, vua trời Đế Thích liền cải dạng làm người cắt cỏ, mang cỏ trên lưng đi dọc theo con đường. Đức Bồ Tát bảo ông ta: ‘Ngươi có thể cho ta xin bó cỏ ngươi đang mang đó không?’. Đáp lời thỉnh cầu, vua Đế Thích cải trang, cúng dường cỏ cho đức Bồ Tát với lòng tôn kính. Đức Bồ Tát nhận cỏ, tiếp tục đi về hướng cây Bồ Đề…”.

Trích “Buddhist Records of the Western World”;translated from the Chinese of Hiuen Tsiang, by Samuel Beal, Delhi, 1969 (“Tây Du Ký” của Ngài Huyền Trang), Quyển VIII, trang 115, 118, 119, 123 và 124.

C. KÝ SỰ CỦA NGÀI NGHĨA TỊNH (I-TSING).

Ngài Nghĩa Tịnh, danh Tăng Trung Hoa thứ ba qua chiêm bái Phật tích Ấn Độ vào những năm 671-695, khi đến viếng Bồ Đề Đạo Tràng, đã viết trong ký sự của Ngài như sau:

“…Sau đó, tôi đến thăm chùa Đại Giác (Maha Bodhi) và đảnh lễ pho tượng Phật, Tôi lấy vải lụa dày và đẹp, do các vị sư và cư sĩ ở Sơn Đông (Shan Tung) cúng cho tôi, làm một chiếc áo màu vàng bằng cở tượng đức Như Lai, và tôi đích thân dâng cúng áo này lên pho tượng…Xong, tôi quỳ lạy dài trên nền đất với tâm an tịnh, chân thành và tôn kính. Trước hết, tôi cầu nguyện cho mọi chúng sanh trong pháp giới đều được an lành, và tôi bày tỏ ước nguyện mong được diện kiến đức Phật Di Lặc ở cội Long Hoa để nghe chánh pháp, chứng đạo giác ngộ, thoát vòng sinh tử luân hồi. Rồi tôi đi vòng hành lễ khắp nơi trong thánh địa này…”

Trích “A Record of the Buddhist Religion As Practised in India, and The Malay Archipelago”; Translated from the Chinese of I-Tsing by J. Takakusu, Delhi, 1966 (“Ký Sự Về Sinh Hoạt Phật Giáo tại Ấn Độ và các đảo ở Đông Nam Thái Bình Dương”của Ngài Nghĩa Tịnh), trang32, 33.

VI. BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG VỚI TÍCH LAN

Tích Lan (Sri Lanka) là nước Phật giáo đầu tiên có liên quan mật thiết với Bồ Đề Đạo Tràng rất sớm. Ngoài sự kiện lịch sử vua A Dục vào thế kỷ thứ 3 trước T.L., đã đề cử Sư cô Sanghamitta mang nhánh cây Bồ Đề qua tặng vua Tích Lan Devanampiya Tissa (247-207 trước T.L.), kinh sách còn cho chúng ta biết thêm rằng vào thế kỷ thứ 4 sau Tây Lịch, do lời thỉnh cầu của vua Tích Lan Meghavanna (352-379), vua Samudragupta (335-376) thuộc triều đại Gupta (320-510) của Ấn Độ, đã cho phép Tích Lan thành lập tại Bồ Đề Đạo Tràng một ngôi chùa, nhằm giúp chư Tăng Tích Lan và khách thập phương có nơi trú ngụ khi đến chiêm bái thánh tích này. Vài thế kỷ sau, năm 588-589 Đại đức Mahanama của Tích Lan cũng đã cúng dường để xây cất một ngôi tháp tại đây.

VII. BỒ ÐỀ ĐẠO TRÀNG VỚI MIẾN ĐIỆN

Ngoài Tích Lan và Trung Hoa, trong quá khứ Miến Điện (Burma) cũng là quốc gia có nhiều liên hệ chặt chẽ với Bồ Đề Đạo Tràng. Theo Dr. Dipak K. Barua, vua Kyanzittha (1084-1112) xứ Pagan, miền Thượng Miến (UpperBurma) đã góp phần thực hiện công tác trùng tu chùa Ðại Giác ở Bồ Đề Đạo Tràng. Nhà vua đã gửi bằng thuyền nhiều loại ngọc quý sang cúng giúp trong việc xây cất, sửa sang và thắp đèn sáng lâu dài cho ngôi chùa.

Sau đó, do lời yêu cầu của vua Miến Alaungsithu (1112-1167), nhà cầm quyền tiểu quốc Arakan (Miến Điện), vua Letyaminnam cũng đã giúp đở trùng tu các chùa tháp tại thánh địa này. Đến thế kỷ 15 sau tây lịch, vua Dhammazedi (1472-1492) xứ Pegu, lại gửi một phái đoàn từ vùng Hạ Miến (Lower Burma) qua Bồ Đề Đạo Tràng vẽ bản đồ chùa Ðại Giác và cây Bồ Đề mang về để mô phỏng theo đó, xây cất chùa tại Pegu.

VIII. BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG TỪ THẾ KỶ 12 ĐẾN 15 TÂY LỊCH

Qua các bia ký tìm thấy được, chúng ta biết rằng trong thời gian từ năm 1100 đến 1200, do sự cúng giúp tài trợ của vua Asokaballa xứ Sapadalaksha (nay là thị trấn Shambhar ở miền đông Rajputana của Ấn Độ), nhiều công tác trùng tu các chùa tháp tại Bồ Đề Đạo Tràng đã được thực hiện dưới sự chăm sóc của nhà sư Ấn Độ nhiệt tâm Dharmarakshita. Một tấm bia ký khác đề năm 1200 sau T.L. đào thấy tại Janibigha, thuộc tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn Độ, ghi chép rằng: “Hoàng tử Jayasena, một Phật tử thuần thành, con vua Buddhasena xứ Ma Kiệt Đà (Magadha), đã hiến cúng một ngôi làng dành riêng cho việc sửa sang, bảo trì các chùa tháp tại Kim Cang tòa ở Bồ Đề Đạo Tràng, cùng giúp cho vị Sư Tích Lan thông bác Mangalasvami bấy giờ đang thường trú tại chùa Đại Giác (Maha Bodhi)”.

A. QUÂN HỒI GIÁO CỦA IKHTIYAR UD-DIN MUHAMMAD XÂM CHIẾM BIHAR, TÀN PHÁ BỐ ÐỀ ÐẠO TRÀNG.

Mùa đông năm 1190-1191, sau khi đánh chiếm các tiểu bang miền bắc Ấn, quân Hồi Giáo của Ikhtiyar Ud-Din Muhammad tiến xuống xâm lăng bang Bengal và Bihar, miền đông Ấn Độ. Năm 1192, ông đánh chiếm Bihar, đốt phá chùa tháp và sát hại nhiều vị Tăng tại Đại Học Viện Phật Giáo Odantapuri (nay thuộc quận Patna, tiểu bang Bihar), được thành lập do các vua Phật tử triều đại Palas (750-1155). Chính trong thời kỳ đen tối này, Bồ Đề Đạo Tràng cũng không thoát khỏi gót giày xâm lược của quân Hồi giáo bạo tàn. Nhà sư và học giả Tây Tạng Dharmasvamin đến thăm thánh địa này vào năm 1234 đã cho biết như sau:

“…Bấy giờ cảnh Bồ Đề Đạo Tràng thật hoang vắng, trong chùa Đại Giác (Maha Bodhi) chỉ còn 4 nhà sư đang ở. Một vị Tăng nói: ‘Khổ quá, các thầy sợ quân Hồi Giáo, chạy trốn hết’. Họ (các sư) đã lấy gạch xây bít kín cửa trước chùa Đại Giác, trong đó có thờ pho tượng Phật. Họ cũng phong tỏa luôn cửa bên ngoài chùa”.

(G. Roerich and A.S. Altekar, Biography of Dharmasvamin, Patna, 1959, trang 64).

Vào thời gian đó, chính Dharmasvamin, cùng với nhiều vị sư Ấn Độ khác cũng đã phải đi ẩn trốn. Sau khi quân Hồi Giáo đi xa rồi, đại đức Dharmasvamin có đến yết kiến vua Buddhasena (đã nói trên), nhà cầm quyền xứ Ma Kiệt Đà (Magadha) đương thời. Là một Phật tử nhiệt thành, đức vua bấy giờ đã cúng giúp nhiều vị sư Tích Lan và Đại Đức Dharmarakshita trong công tác sửa sang chùa tháp ở Bồ Đề Đạo Tràng. Nhà sư Dharmasvamin (Tây Tạng) còn cho biết thêm rằng, khi đến thăm Bồ Đề Đạo Tràng, Đại Đức thấy vào lúc ấy, có độ 12 ngôi chùa tháp, trong mỗi chùa có chừng từ 6, 7, 10 đến 15 tu sĩ. Các vách tường chùa sơn màu trắng sáng…

B. BỒ ÐỀ ÐẠO TRÀNG SAU NGÀY QUÂN HỒI GIÁO TÀN PHÁ

Theo sử liệu khắc ghi trên các bia ký tìm thấy ở Bồ Đề Đạo Tràng chứng tỏ rằng sinh hoạt tại thánh tích này, vẫn còn được duy trì mãi đến thế kỷ 14, sau khi quân Hồi Giáo xâm lăng Bihar. Và không lâu sau đó, theo Pag Sam Jon Zang, vị nữ hoàng của xứ Bengal (người đã giúp sửa sang chùa Đại Giác) cho biết Bồ Đề Đạo Tràng bắt đầu suy tàn kể từ giữa thế kỷ thứ 15 sau tây lịch.

IX. BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG TỪ THẾ KỶ 16 ĐẾN CUỐI THẾ KỶ 19

A. TU SĨ ẤN ÐỘ GIÁO CHIẾM HỮU CHÙA ÐẠI GIÁC (MAHA BODHI)

Vào năm 1590, một tu sĩ theo Ấn Độ Giáo, ông Gosain Ghamandi Gir đến Bồ Đề Đạo Tràng. Vì thấy cảnh trí đây yên tỉnh, thích hợp cho sự tu hành, nên ông quyết định muốn ở lại thường trú lâu dài. Ông thiết lập một ngôi đền nhỏ gần chùa Đại Giác, và quy tụ được một số tín đồ. Vài thế kỷ sau, ngôi đền của ông dần dần phát triển lớn mạnh trở thành ngôi chùa lớn. Ông Mahant hiện nay là người kế vị thứ 14 từ đời ông Ghamadi Gir. Chính trong thời ông Mahant Lal Gir, mà ngôi chùa Ấn giáo này được mở rộng thêm nhiều. Ông được vua Hồi Giáo ở Delhi cung cấp cho hai làng Mastipur và Taradih để phát triển cơ sở. Tuy nhiên, không có chứng cớ gì cho thấy chùa Đại Giác bấy giờ nằm trong sự kiểm soát của các ông Mahants (theo Ấn Giáo) này, bởi lẽ lúc ấy, ngôi chùa đang trong tình trạng đổ nát, không ai chăm sóc tu bổ. Lại nữa, chùa Đại Giác thuộc làng Bodh Gaya, chứ không nằm trong làng Taradih.

B. CÁC VUA MIẾN ÐIỆN VỚI CÔNG TÁC TRÙNG TU BỒ ÐỀ

ÐẠO TRÀNG

Một sự kiện đáng ghi nhớ là vào năm 1810, vua Bodawpaya (1781- 1819) của triều đại Alaungpaya (1782-1885) ở Miến Điện, gửi một phái đoàn đến thăm Bồ Đề Đạo Tràng. Và thánh tích này được trùng tu lần cuối cùng do chính vua Bodawpaya hoặc các vị trước vua Thibaw (1878-1885) của Miến Điện. Năm 1811, vua Bodawpaya sang chiêm bái Bồ Đề Đạo Tràng, và sau đó, một vị vua Miến Điện khác, đóng kinh đô ở Ava qua tham khảo tìm lại di tích của Bồ Đề Đạo Tràng, và những nơi khác, với sự giúp đỡ, chỉ dẫn trong các kinh điển Phật giáo.

Năm 1811 (hay 1812), Dr. Buchanan Hamilton, nhà khảo cổ trứ danh, đến viếng Bồ Đề Đạo Tràng, thấy ngôi chùa Đại Giác hoàn toàn bị tàn phá; chứng tỏ rằng các vị Mahants (Ấn Giáo) từ trước nay, không chút gì lưu tâm đến việc chăm sóc thánh địa này.

Năm 1823, vua Miến Bagyidaw (1819-1837) gửi một phái đoàn qua cúng dường chùa Đại Giác. Năm 1833, vị đại sứ Miến Mengy Maha Chesu, cùng với các nhân viên tùy tùng, lại đến thăm Bồ Đề đạo tràng. Tuy nhiên, trong khi ấy, chủ quyền của ngôi chùa Đại Giác, với các tài sản trực thuộc, đã bí mật chuyển lần qua tay của vị Mahant (Ấn Giáo) mà lâu nay, ông ta vẫn mặc nhiên xem ngôi chùa và đất đai xung quanh, như là tài sản riêng của ông. Những ông Mahant kế vị, cũng tiếp tục đi theo con đường đó.

Điều lạ lùng là chính quyền Anh quốc bấy giờ lại thừa nhận chủ quyền của ông Mahant đối với thánh tích này. Bằng chứng là năm 1874, vua Miến Mindon Min (1853-1878) gửi một phái đoàn với nhiều lễ vật quý giá sang yêu cầu chính phủ Ấn Độ, tìm mọi cách giúp đỡ cho các đại biểu, thay mặt đức vua, được đến chiêm bái Bồ Đề đạo tràng. Ông Palmer, thẩm phán quận Gaya vào lúc ấy, liền gửi thư bảo ông Mahant nên chấp nhận lời thỉnh cầu của vua Miến. Trong thư, ông Palmer trình bày rằng: “Vua Miến tỏ ý muốn sửa sang lại xung quanh cây Bồ Đề, và cử hai nhân viên ở gần cây đó. Nhà vua cũng mong mỗi năm, một hay hai lần, dân chúng Miến Điện được phép đến cúng lễ tại cây Bồ Đề”.Ông Mahant đồng ý. Phái đoàn đã đến cây Bồ Đề hành lễ, và dâng cúng nhiều phẩm vật bằng vàng bạc, trị giá tới 60,000 Rupees tiền Ấn (bằng khoảng 8,000 mỹ kim theo hối suất chính thức năm 1975: US. $1.00 =7,50 Rupees).

Sau khi phái đoàn trở về nước, ngày 18-08-1875, ông Bộ Trưởng Ngoại Giao chính phủ Miến Điện gửi thư cho ông toàn quyền bày tỏ ý của vua Miến muốn được phép tu bổ khu vực chung quanh cây Bồ Đề, sửa sang lại ngôi tháp do vua A Dục lập nên nơi chỗ Kim Cang tòa, những đền tháp đổ nát; xây cất một ngôi chùa gần cây Bồ Đề, có thể lưu trú được 20 Tăng Sĩ để lo việc hành lễ như thắp đèn, dâng hoa, nước cúng; dựng tường bao quanh ngôi chùa ấy, mướn người ở lại để trông coi và giúp đỡ các điều cần thiết cho chùa; lập nên một ngôi tháp để lưu trữ những lễ vật của vua dâng cúng cho cây Bồ Đề.

Ông Mahant thỏa thuận các đề nghị trên, ngoại trừ một điều là không được phá bỏ hay động chạm đến các hình tượng Ấn Độ giáo trong khuôn viên chùa Đại Giác. Vua Miến đã chi phí một số tiền khá lớn cho chương trình này, và công tác dự trù sẽ bắt đầu vào năm 1877. Nhưng tiếc rằng, dự án sửa chữa nói trên của vua Miến, vì một vài lý do, đã không thể tiến hành khả quan được. Cho nên chính phủ Ấn Độ phải đề cử nhà khảo cổ trứ danh, ông Alexander Cunningham (1814-1893) và bác sĩ Rajentra Lala Mitra đứng ra lo việc trùng tu. Vào lúc ấy, chiến tranh giữa Anh Quốc và Miến Điện bùng nổ, và các nhân viên đại diện vua Miến Điện buộc phải rời Ấn Độ. Vì thế, công việc tu bổ thánh tích Bồ Đề đạo tràng đáng lý ra phải đăt dưới sự kiểm soát của các đại diện vua Miến, giờ đây lại đặt dưới quyền quản đốc của các ông Mahants (theo Ấn Giáo) và chính phủ Ấn Độ.

Chính phủ Ấn Độ đứng ra lo sửa chữa ngôi chùa Đại Giác và hoàn tất với tổn phí 100,000 Rupees (13,333 mỹ kim theo hối suất năm 1975). Trong lúc tu bổ này, không may khiến cây Bồ Đề chính xưa kia bị gãy ngả. Người ta đã phải chiết nhánh thành hai cây bồ đề con, một trồng lại nơi gốc cây Bồ Đề cũ trước kia ở phía tây chùa Đại Giác, còn một cây nữa trồng nơi phía bắc của ngôi chùa này. Có tài liệu lại bảo rằng cây Bồ Đề đã bị gãy do trận bão năm 1876 gây ra (xem phần cây Bồ Đề ở sau).

Ngày 25-07-1889, ông A. Grierson, thẩm phán quận Gaya, bổ nhiệm ông Maddox làm quản đốc trông coi Bồ Đề đạo tràng; mỗi tháng phải đến thăm một lần, để xem các tháp xung quanh có gì hư hoại cần sữa chữa, và giữ gìn các pho tượng và đá khỏi bị người ta lấy cắp đi. Tuy nhiên, một số pháp khí ở đây (các tượng, đá quý, đồ thờ cúng v..v..) vẫn bị dân địa phương đến lấy lén mang về xây cất, làm đồ dùng trong nhà hay kỹ niệm vật bán cho du khách. Điều này, một lần nữa, chứng tỏ các ông Mahants (Ấn Giáo) không lưu tâm gì hết đến việc duy trì các di tích lịch sử ở Bồ Đề đạo tràng. Về sau, bộ Công Chánh Ấn Độ đứng ra trông coi thánh địa này cho đến ngày nay. “Đạo luật chùa Đại Giác”ra đời, được chính phủ của tiểu bang Bihar thông qua vào năm 1949, lấy lại chủ quyền ngôi chùa này cho các Phật tử.

C. ÐẠI THI HÀO EDWIN ARNOLD VỚI BỒ ÐỀ ÐẠO TRÀNG

Vào lúc đó, người Anh đầu tiên quan tâm đến việc phục hồi chủ quyền ngôi chùa Đại Giác cho các Phật tử là ông Edwin Arnold (1832-1904), tác giả thi phẩm nối tiếng“The Light of Asia”(Ánh sáng của Á Châu), diễn tả về cuộc đời và giáo lý đức Phật, xuất bản năm 1879. Ông đến viếng Bồ Đề đạo tràng trong lúc chùa Đại Giác đang được sửa chữa. Lúc ấy, ông kêu gọi chính phủ Ấn Độ và chính quyền Anh Quốc nên tìm cách giáo trả ngôi chùa trên cho Phật tử, là những người có quyền làm chủ hợp pháp ngôi chùa đó. Ông cũng viết thư kêu gọi các quốc gia Phật giáo tham gia với ông trong công tác lịch sử này. Nhưng tiếc rằng lời kêu gọi của ông không được chính phủ Ấn Độ, Anh Quốc và các Phật tử chú ý tới cho đến khi cố Đại Đức Anagarika Dharmapala, nhà sư Tích Lan, đứng ra đảm trách Phật sự trọng đại này vào năm 1891

.

X. BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG TỪ CUỐI THẾ KỶ 19 ĐẾN NGÀY NAY

A. ÐẠI ĐỨC A. DHARMAPALA VỚI CÔNG CUỘC TRANH ÐẤU

GIÀNH LẠI CHỦ QUYỀN CHÙA ÐẠI GIÁC (MAHA BODHI).

Đại Đức Anagarika Dharmapala, tên thực là David Hewavitharne, sinh tại Tích Lan (Sri Lanka) ngày 17-09-1864 và mất vào tháng 04 năm 1933. Lớn lên trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa; lúc nhỏ, ông theo học tại trường Thánh Thomas gần Colombo, thủ đô của Tích Lan. Năm 18 tuổi (1884), ông gia nhập Hội Thông Thiên Học Tích Lan (TheosophicalSocietyofCeylon), và do sự khuyến khích của bà H. P. Blavatsky (1831-1891), một Phật tử người Nga, ông bắt đầu nghiên cứu kinh điển Phật giáo Nam Tông (tiếng Pali). Từ năm 1885 đến 1889, ông dành hết thì giờ cho công cuộc chấn hưng Phật giáo tại Tích Lan.

Ngày 21-01-1891, lần đầu tiên, ông đến viếng Bồ Đề Đạo Tràng. Hôm sau, 22-01-1891, trong nhật ký ông viết: “Chúng tôi đi với ông Durga Babu và bác sĩ Haridas Chatterjee ở Gaya, đến chiêm bái Bồ Đề Đạo Tràng (Buddha Gaya), một nơi thiêng liêng nhất của người Phật tử. Sau khi lái xe 6 dặm đường, chúng tôi đến thánh địa này. Trong vòng một dặm, chúng tôi có thể thấy các tượng của đức Từ Phụ chúng ta bị bể gãy v.v... nằm lăn lóc đó đây. Tại ngõ vào ngôi đền Ấn Độ giáo của ông Mahant, hai bên cửa tôi thấy có các pho tượng của đức Thế Tôn trong thế ngồi thiền định hay đang thuyết pháp.

Ôi! Tôn kính làm sao! Ngôi chùa thiêng liêng, đức Bổn Sư đang ngự trên pháp tòa, và sự tôn nghiêm tỏa khắp bao phủ xung quanh, khiến lòng những người đệ tử chí thành, phát khóc … Ôi, an lạc biết bao, khi vầng trán của tôi chạm vào Kim Cang tòa (Vajrasana), một ý nghĩ hiện ra trong tâm trí tôi. Ý tưởng ấy khiến tôi dừng lại nơi đây để giữ gìn thánh tích thiêng liêng này; thiêng liêng đến nỗi không vật gì trên thế gian có thể sánh bằng, vì đây là nơi thái tử Tất Đạt Đa, đã chứng đạo giác ngộ dưới cội Bồ Đề.

Tôi lượm một vài chiếc lá, và một ngọn lá có hình dáng rất đặc biệt. Khi một ý niệm bất chợt đến với tôi, tôi hỏi vị sư Nhật Kozen bên cạnh, có bằng lòng hợp tác với tôi không. Ông vui vẻ tán đồng, và hơn thế nữa, vị này cũng nghĩ như tôi. Cả hai chúng tôi trịnh trọng phát nguyện rằng chúng tôi sẽ ở lại đây cho tới khi nào có vài nhà sư đến trông nom thánh tích này…”.

Thật là hạnh nguyện của một Bồ Tát khi Ngài Dharmapala phát tâm dâng hiến trọn đời mình cho đạo nghiệp quyết tâm tranh đấu lấy lại chủ quyền ngôi chùa Đại Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng cho hàng Phật tử; và hoằng pháp chấn hưng nền Phật giáo đang suy đồi tại Ấn Độ. Dù rằng, Đại Đức chưa đạt được hoàn toàn nguyện ước khi còn sống, nhưng điều ai cũng thấy rõ là, chính đại đức là người đã tiên phong khởi xướng, nhắc nhở cho người Phật tử ý thức được trách nhiệm của mình trong sự nghiệp cao cả này; mà kết quả dẫn đến, ít nhiều thật khích lệ, là vào năm 1949, chính phủ tiểu bang Bihar của Ấn Độ, đã phải thông qua đạo luật chùa Đại Giác, quyết định chuyển giao chủ quyền ngôi chùa trên cho một ban quản trị trông nom gồm có 4 Phật tử và 4 người Ấn Độ giáo, với ông thẩm phám tòa án Gaya làm chủ tịch.

Trở lại công cuộc tranh đấu của đại đức Dharmapala. Sau khi từ Ấn Độ trở về Tích Lan, Đại Đức liền triệu tập một đại hội công cộng vào ngày 31-05-1891, dưới quyền chủ tọa của ngài H. Sumangala, một vị tăng, học giả Tích Lan và là giám đốc Phật Học Viện Vidyodaya Pirivena bấy giờ. Tại buổi họp này, Hội Ma Ha Bồ Đề (Maha Bodhi Society) chính thức tuyên bố thành lập, với mục đích lấy lại chùa Đại Giác và truyền bá giáo pháp tại Ấn Độ. Thượng tọa Sumangala được bầu làm chủ tịch, và Đại đức Dharmapala làm tổng thư ký. Với nỗ lực đặc biệt, Đại đức Dharmapala (lúc ấy còn là đạo hữu H. Dharmapala) bắt đầu xúc tiến Phật sự của Hội, mà về sau nó đã trở thành một trong những tổ chức Phật giáo lãnh đạo trên thế giới.

Đến tháng 07 năm 1891, Đại đức Dharmapala trở lại Bồ Đề Đạo Tràng cùng với 4 tu sĩ Phật giáo, và để 4 vị này thường trú tại đây. Ông Hem Narayan Gir, vị Mahant lúc đó, có cảm tình với Đại đức Dharmapala, nên ông cầu chúc công việc của Ngài sớm được thành công. Về sau, vị Mahant này bất đắc dĩ đã cúng cho Đại đức Dharmapala một lô đất nhỏ để Ngài lập nên một ngôi nhà tạm trú cho khách hành hương. Không may sau đó, vị Mahant này qua đời, và ông Krishna Dayal Gir lên thay thế vào ngày 04-02-1892. Vị Mahant mới không có thiện cảm với công việc của Đại đức Dharmapala, và đã trở nên thù nghịch với Ngài.

Vào năm 1893, sau khi tham dự xong đại hội Tôn giáo ở Chicago, Đại đức Dharmapala có mang về một pho tượng Phật rất đẹp. Tượng này do các Phật tử Nhật Bản dâng cúng, và họ muốn Ngài tôn trí thờ tượng đó nơi tầng trên của chùa Đại Giác ở Bồ Đề Đạo Tràng. Đại đức Dharmapala có bày tỏ ý định ấy với ông thẩm phán quận Gaya bấy giờ, để ông thảo luận trước với ông Mahant. Ban đầu, ông Mahant tán đồng. Sau đó, ông ta lại đổi ý.

Tuy nhiên, ngày 25-02-1895, Đại đức Dharmapala, cùng với vài Phật tử thân tín, đã thỉnh tượng Phật lên tầng trên của ngôi chùa. Sau khi an vị tượng Phật xong, Ngài hành lễ và tham thiền. Vào lúc ấy, những người của ông Mahant đến, lấy bức tượng đó quăng xuống. Các đạo hữu đang dự lễ bị nhóm tín đồ Ấn Giáo hành hung, và có vài Phật tử bị đánh trọng thương. Chính Đại đức Dharmapala cũng bị những người của ông Mahant tấn công. Biến cố này dẫn đến vụ kiện giữa Ngài Dharmapala và ông Mahant kéo dài trong nhiều năm. Tại tòa án sơ thẩm, Đại đức Dharmapala thắng kiện, nhưng khi đưa lên tòa Thượng thẩm ở Calcutta (nay là thủ đô của bang West Bengal, miền đông Ấn Độ), ông Mahant lại thắng.

Tại đây, một trong hai vị quan tòa thượng thẩm, ông Mc Pherson, sau khi nghe lời khai đã tuyên bố: “Chúng ta phải công nhận rằng chùa Đại Giác là một ngôi chùa cổ kính, và rất tôn quý đối với người Phật tử. Nó là một ngôi chùa Phật giáo. Dù ngôi chùa thuộc quyền sở hữu của các ông Mahant, ngôi chùa ấy vẫn không bao giờ có thể biến thành một ngôi đền Ấn Độ giáo; nghĩa là các thần tượng Ấn giáo được thờ trong đó, hay các nghi lễ chính thống Ấn Độ giáo được cử hành tại nơi ấy. Mà từ trước nay, các Phật tử hành hương đều có quyền tự do đến ngôi chùa này lễ bái”.

Mặc dù Đại đức Dharmapala thất kiên, nhưng sự thất bại đó đã giúp Ngài có dịp báo động cho Phật tử toàn thế giới biết rõ được tình trạng nguy kịch của thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng, nơi thiêng liêng nhất của người Phật tử. Bản án được đăng trên các báo và vấn đề chủ quyền Bồ Đề Đạo Tràng, vào lúc ấy, đã trở thành một đề tài hết sức sôi động, được bàn tán khắp Ấn Độ, Miến Điện, Tích Lan, và nhiều nước khác. Dư luận báo chí và quần chúng bấy giờ tỏ ra có phần thiện cảm với Phật giáo. Nhưng Đại đức Dharmapala không có đủ tiền để đưa vấn đề này lên Cơ Mật Viện (Private Council).

Đến năm 1902, một nhà sư Nhật Bản tên Okakura đến Bồ Đề Đạo Tràng và bắt đầu điều đình với ông Mahant để xây dựng một ngôi chùa Bắc tông lập tại đó. Chính phủ Ấn Độ nghi ngờ sợ có ẩn ý chính trị nên chương trình của ông ta không thực hiện được. Dự tính của vị sư Nhật mang lại kết quả tai hại cho Phật sự của Đại đức Dharmapala, vì chính quyền Ấn Độ trước kia có cảm tình với việc làm của Ngài, nay vì sợ những khó khăn do Nhật Bản can thiệp vào gây ra, nên chính quyền giờ đây trở thành đối lập chống lại các Phật tử. Nhận biết chính phủ Ấn Độ thay đổi thái độ, năm 1906, ông Mahant lại đưa đơn kiện cương quyết đòi trục xuất đại đức Dharmapala ra khỏi tịnh xá Miến Điện, mà từ trước nay, Ngài vẫn sống yên ổn. Ông Mahant lại thắng kiện lần nữa, và như vậy, là cuối cùng các Phật tử bị trục xuất hẳn ra khỏi thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng, nơi thiêng liêng nhất của họ.

Đại đức Dharmapala tuy dù thất bại nơi tòa án, nhưng ngài vẫn không lùi bước, quyết tâm tiếp tục tranh đấu. Ngài bèn xoay qua dùng báo chí làm phương tiện tuyên truyền, kêu gọi dân chúng và công luận can thiệp. Nhờ vậy, những nhà trí thức, trong đó có nhiều người theo Ấn Độ Giáo, lên tiếng ũng hộ việc làm chính đáng của đại đức Dharmapala. Chúng ta hãy đọc ý kiến của nhà đại thi hào nổi tiếng Ấn Độ, ông Rabindranath Tagore (1861-1941), được giải văn chương Nobel năm 1912, đã phát biểu về vấn đề này như sau:

“Tôi tin chắc những người tín đồ chân chính theo Ấn Độ giáo sẽ nhận thấy rằng, thật là một sự sai lầm không thể tha thứ trong việc cho phép một ngôi đền Ấn Giáo được xây cất tại nơi mà đức Phật đã chứng đạo giác ngộ; và đặt nó dưới sự kiểm soát của một tôn phái (Ấn giáo) thù nghịch, không có chút hiểu biết hay cảm tình gì đối với Phật Giáo, và nghi thức cúng lễ của đạo giáo này…Tôi nghĩ rằng bổn phận thiêng liêng của tất cả mọi người còn tin vào lý tưởng tự do và công bằng, là nên giúp đỡ để lấy lại thánh tích lịch sử này cho cộng đồng các Phật tử”. Và ông C. R. Das (1870-1925), một luật sư và chính trị gia Ấn Độ danh tiếng, đã ghi nhận: “Theo ý tôi, chùa Đại Giác là của các Phật tử”.

Nhà báo ngoại quốc trứ danh, ông Charles Moore bấy giờ, cũng đã phát biểu: “…Để kết luận, tôi chỉ cần nói thêm rằng, không bao giờ một ngôi chùa Phật Giáo có thể biến thành một ngôi đền Ấn Độ Giáo, hay chịu để rơi vào tay của những tín đồ Ấn giáo. Những kẻ hiện nay tự nhận là chủ nhân hay có quyền chiếm hữu chùa Đại Giác, đã không thể chứng minh cho thấy hiện có bất cứ một tượng thần Ấn Độ Giáo nào được thờ cúng tại nơi đó. Họ chiếm giữ chỉ vì lý do danh lợi mà ngôi chùa có thể mang lại; và chắc không tới 10 người tin rằng, sự xâm chiếm ngôi chùa Phật giáo của các ông Mahant (theo Ấn Độ Giáo) là đúng”.

Và thánh M. K. Gandhi (1869-1948), vị cha già và lãnh tụ tôn kính nhất của dân tộc Ấn Độ, khi bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề chùa Đại Giác, đã trả lời với Đại đức Dharmapala như sau: “Tôi rất muốn giúp Đại Đức, nhưng tôi không thể trực tiếp hành động được gì trong lúc này. Vấn đề Đại Đức nêu lên chỉ có thể giải quyết khi Ấn Độ hoàn toàn độc lập”; và trong tạp chí “Young India” (Ấn Độ trẻ trung), Thánh Gandhi đã viết: “…Tại đại hội sẽ nhóm tại Coconada (1923), Bác Sĩ Rajendra Prasad (1884-1963), đã được ủy nhiệm cho điều tra nội vụ để báo cáo. Ông ta không thể làm được gì cho đến ngày đại hội nhóm…Chắc chắn rằng chủ quyền ngôi chùa sẽ thuộc về các Phật tử. Có thể có những khó khăn về pháp luật. Nhưng họ (Phật tử) cần phải khắc phục, vượt qua. Nếu sự báo cáo đúng là có thú vật bị giết (bởi người Ấn Giáo) để cúng lễ trong chùa, thì thực là một hành động xúc phạm. Và cũng là một điều phỉ báng, nếu nghi lễ Ấn Độ giáo được cử hành tại đó, vì như thế là đã có mưu toan, gây tổn thương đến tình cảm tôn giáo của người Phật tử…”.

Về sau, vấn đề chùa Đại Giác, được đem ra thảo luận tại Đại Hội Quốc Gia Ấn Độ (Indian National Congress) họp tại Gaya, Belgaon, Coconada và nhiều thành phố khác. Vấn đề cũng được mang ra bàn cải tại Hội Nghị Hindu Maha Sabha (của Ấn Giáo) tại Muzaffarpur (tiểu bang Bihar), có Đại Đức Dharmapala tham dự, và tại Cawnpore (tiểu bang Uttar Pradesh) với sự tham gia của số đông đại biểu Phật Giáo. Đảng Quốc Ðại Ấn Độ (National Congress) đề cử một ban do Bác Sĩ Rajendra Prasad làm chủ tịch để cứu xét vấn đề này. Sau khi nghiên cứu kỹ càng, ban này đệ trình một bản báo cáo đầy đủ mọi khía cạnh, và đề nghị nên thành lập một Hội Đồng chung gồm các Phật tử và tín đồ Ấn Độ Giáo để quản lý ngôi chùa Đại Giác. Hội nghị Maha Sabha họp tại Cawnpore đề cử một ban khác với ông Bhai Paramananda làm chủ tịch. Ban này nghiên cứu vấn đề cẫn thận, và cũng đưa ra đề nghị giống như ban trước. Tuy nhiên, cả hai đề nghị trên đã không thi hành được, vì ông Mahant, và các cố vấn của ông, chống đối.

Như chúng ta thấy ở trên, mọi giải pháp đưa ra của những nhà trí thức, chính khách Ấn Độ bấy giờ nhằm giải quyết thân thiện vấn đề chùa Đại Giác đều thất bại, bởi do sự ngoan cố chiếm hữu thánh tích này của các ông Mahant theo Ấn Độ Giáo. Cho nên, Đại Đức Dharmapala, cũng như các Phật tử đạo tâm khác nghĩ rằng vấn đề chỉ có thể thực sự được giải quyết bởi một Hội Đồng Lập Pháp của chính phủ.

B. ĐẠO LUẬT CHÙA ÐẠI GIÁC

Sau nhiều năm kiên trì vận động, trực tiếp cũng như gián tiếp, của chư Tăng, các học giả, chính khách Phật tử trí thức tại Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, và nhiều quốc gia khác; cùng với sự ủng hộ của thánh Gandhi, Bác Sĩ Rajendra Prasad (Tổng Thống đầu tiên của Ấn Độ vào năm 1952); nhất là của Bác Sĩ Srikrishna Sinha, thủ tướng chính phủ tiểu bang Bihar bấy giờ; cuối cùng, Đạo Luật chùa Đại Giác (Bodh Gaya Temple Act) đã được Hội Đồng Lập Pháp (LegislativeAssembly) của chính phủ Bihar thông qua vào năm 1949. Giá trị căn bản của đạo luật này là giúp Phật tử giành lại chủ quyền đối với ngôi chùa Đại Giác, mà hàng mấy thế kỷ qua đã rơi vào tay các ông Mahant theo Ấn Độ Giáo.

Theo đạo luật trên, một Hội Đồng Quản Lý chùa Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya Temple Management Committee) sẽ do chính phủ Bihar thành lập. Hội Đồng gồm có một vị chủ tịch với 8 thành viên, 4 Phật tử và 4 tín đồ Ấn Độ giáo (kể cả ông Mahant của đền Ấn giáo tại Bồ Đề Đạo Tràng). Tất cả những hội viên phải là công dân Ấn Độ và do chính phủ Bihar chỉ định. Ông quận trưởng Gaya sẽ giữ chức chủ tịch của Hội Đồng, và một trong các hội viên nói trên sẽ được chính phủ Bihar chọn cử làm tổng thư ký. Nhiệm kỳ của các hội viên trong Hội Đồng là 3 năm. Văn phòng của Hội Đồng đặt tại Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya). Nhiệm vụ chính của Hội Đồng này là:

1. Bảo trì, sửa sang ngôi chùa, chăm sóc đến quyền lợi và sự an toàn của du khách hành hương; sắp đặt tổ chức các khóa lễ tại chùa Đại Giác.

2. Ngăn ngừa hành động gây tổn hại cho ngôi chùa, và các tượng Phật, pháp khí khác.

3. Lo việc thu nhận tài vật khách thập phương cúng dường cho chùa, giữ gìn sổ sách kế toán, giấy tờ quan trọng của chùa hay đất chùa; bảo vệ các tài sản, gửi tiền ngân hàng và đầu tư làm lợi cho ngân quỹ của chùa.

Một đại hội chính thức đầu tiên của Hội Đồng Quản Lý chùa Đại Giác được tổ chức tại Gaya ngày 26-04-1953. Trong buổi họp này nhiều quyết định quan trọng đã được Hội Đồng thông qua, trong đó có việc đề cử người thường trực trông coi công việc ở chùa. Hội Đồng cũng đã tuyển chọn hai vị sư để hướng dẫn hành lễ tại chùa; đặt một thùng phước sương trong chùa, và thực hiện công tác dọn dẹp sạch sẽ tại chùa và các vùng xung quanh trong khuôn viên chùa.

Ngoài ra, nhằm thực thi một vài điều khoản ghi trong đạo luật chùa Bồ Đề Đạo Tràng, một Hội Đồng Cố Vấn đã được thành lập. Số hội viên trong hội đồng sẽ không quá 20 vị, hơn 2/3 tổng số các hội viên là Phật tử, và ít nhất nửa số các Phật tử này là người ngoại quốc. Tất cả thành viên của hội đồng sẽ do chính phủ Bihar đề cử. Nhiệm kỳ của hội viên trong hội đồng là 2 năm, kể từ ngày thành lập Hội Đồng. Các hội viên trong hội đồng sẽ chọn bầu một vị làm chủ tịch. Ông đại biểu chính phủ khu vực Patna (tiểu bang Bihar) sẽ giữ chức Tổng Thư Ký của Hội Đồng. Chính phủ Bihar có thể đề cử bất cứ một nhân viên nào của chính phủ làm Phó Tổng Thư Ký cho Hội Đồng, để phụ giúp vị tổng thư ký.

Một buổi họp của Hội Đồng Cố Vấn đã được tổ chức tại Bồ Đề Đạo Tràng ngày 23-11-1968. Tại phiên họp này, Hội Đồng đã thảo luận các vấn đề như xây cất một bức tường xung quanh khu vực chùa, trồng cây, mở mang đường sá, làm bãi đậu xe v.v... Tháng 01 năm 1971, một Hội Đồng Cố Vấn khác đã được thành lập với nhiệm kỳ 2 năm, có 21 hội viên gồm quý vị Đại Sứ, Tổng Lãnh Sự, và Đệ Nhất Tham Vụ của những tòa đại sứ, lãnh sự các quốc gia như Miến Điện, Tích Lan, Nhật Bản, Thái Lan, Lào Quốc, Cam Bốt, Nepal, Bhutan và Sikkim v.v... Trong phiên họp này, Hội Đồng đã đưa ra đề nghị yêu cầu chính phủ Bihar và chính phủ trung ương Ấn Độ giúp đở phát triển Bồ Đề Đạo Tràng trong tương lai.

Ngày 17-04-1973, một Hội Đồng Cố Vấn mới đã được thành lập. Trong phiên họp này, Hội Đồng thảo luận về công tác khai quật, đào bới ngôi nhà cổ của nàng Sujata (Tu Xà Đề), một tín nữ xưa kia, đã cúng dường Phật bát cháo sữa. Đây là một di tích lịch sử, cách xa chùa Đại Giác độ 3 dặm. Hội đồng cũng đã thành lập một ban gồm năm chuyên viên kỹ thuật để cứu xét bàn đến việc cung cấp đất đai cho các quốc gia Phật giáo để họ xây cất chùa tháp tại Bồ Đề Đạo Tràng theo họa đồ, kiểu mẫu của nước họ.

XI. CHÚNG TÔI ĐẾN CHIÊM BÁI BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG

Trong thời gian gần 12 năm tu học ở Ấn Độ, chúng tôi có dịp đến viếng Bồ Đề Đạo Tràng rất nhiều lần. Lần đầu tiên chúng tôi đến thăm Phật tích này vào năm 1967, khoảng một năm sau ngày chúng tôi tới Ấn Độ. Những năm 1969 -1971, khi chúng tôi theo học chương trình M.A tại Đại Học Viện Phật Giáo Nalanda, hằng năm, vào dịp hè, hay nghỉ lễ của Ấn Độ, chúng tôi thường đến Bồ Đề Đạo Tràng để tụng kinh cầu nguyện; vì Nalanda cách Bồ Đề Đạo Tràng chỉ có 55 dặm (miles), xe buýt chạy mất hơn hai tiếng đồng hồ.

Đặc biệt, thời gian từ cuối năm 1971 đến giữa năm 1976, chúng tôi soạn viết luận án tiến sĩ (Ph.D.) tại đại học Magadha (Ma Kiệt Đà); hằng ngày, từ phòng chúng tôi ở tầng lầu ba của ký túc xá nam sinh viên mở cửa nhìn ra hướng Bồ Đề Đạo Tràng, chúng tôi có thể thấy rất rõ cây Bồ Đề và ngọn tháp cao của chùa Đại Giác. Và cứ mỗi hai ngày là chúng tôi đạp xe đạp đi chợ Bồ Đề Đạo Tràng mua thực phẩm: gạo, muối, dầu, rau cải, trái cây v.v…để về tự nấu thức ăn chay lấy. Đại học Magadha cách Bồ Đề Đạo Tràng chưa đầy hai dặm, chúng tôi đi xe đạp mất độ 15 phút. Mỗi lần đi chợ như thế, chúng tôi được dịp vào chùa Đại Giác (Maha Bodhi) lễ Phật; hoặc đôi lúc rảnh rỗi, chúng tôi thả bộ đi vòng xung quanh khuôn viên chùa, nhìn các đoàn người đông đảo du khách và Phật tử hành hương, với mọi lứa tuổi và thành phần, đủ màu sắc dân tộc và giáo phái, đến từ bốn phương trời Âu, Á, Úc Châu, để chiêm bái thánh tích này.

Vào các ngày cuối tuần, sau những giờ nghiên cứu học tập, đầu óc mệt mỏi, chúng tôi thường ra ngồi tĩnh lặng, tọa thiền hàng giờ bên cội Bồ Đề lịch sử để tìm lại sự yên tĩnh cho tâm hồn, hay quên đi nỗi buồn của người dân Việt xa quê mất nước. Có những Phật tử Tây Tạng chí thành đến chùa từ sáng sớm, mỗi người mang theo một tấm ván gỗ mỏng dài độ hơn hai thước, rộng chừng tám tấc tây. Họ đặt tấm ván xuống trước sân hướng vào chánh điện của chùa hay cạnh gốc cây Bồ Đề, để lạy Phật trong tư thế nằm dài, đầu cuối sát xuống tấm ván, với hai tay duỗi thẳng về phía trước, và miệng luôn luôn niệm, hay đọc thần chú của Phật. Họ lạy hàng giờ như thế, lạy nọ tiếp nối lạy kia, từ sáng sớm đến trưa, chiều và tối, tính có đến hàng trăm, hay ngàn lạy Phật mỗi ngày. Nhiều Phật tử Ấn Độ, hay Âu Mỹ theo giáo phái Tây Tạng khác, tay lần chuỗi tràng, miệng thầm niệm Phật, đi nhiễu quanh gốc cây Bồ Đề. Thỉnh thoảng, họ dừng lại, cúi đầu chạm trán rất lâu vào bao lơn bằng đá cổ kính, được dựng lên bao quanh cây Bồ Đề từ nhiều thế kỷ trước, với lòng hết sức thành kính thiết tha.

Ôi! Cảm động biết bao, khi quý vị đến chiêm bái và chứng kiến các cảnh tượng lễ lạy thành tâm như thế tại Bồ Đề Đạo Tràng. Có người Phật tử nào, lần đầu tiên đến viếng thánh địa thiêng liêng nhất này mà lòng không cảm thấy xúc động, và sung sướng đến chảy nước mắt, với nguồn an lạc vô biên trong tâm hồn, khi chính mắt mình được nhìn thấy cội Bồ Đề tôn quý, nơi xưa kia đức Từ Phụ của chúng ta đã tọa thiền, chiến thắng Ma Vương, đắc thành Phật quả.

XII. CÁC DI TÍCH TẠI BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG.

Giờ đây chúng tôi xin mời quý vị cùng chúng tôi đến viếng các di tích lịch sử tại Bồ Đề Đạo Tràng.

PHƯƠNG CÁCH ĐẾN BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG.

Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) cách đường bộ thành phố Gaya 6 dặm, và thủ đô Patna (của tiểu bang Bihar) 110 dặm. Muốn đến chiêm bái Phật tích này, Gaya là địa điểm thuận lợi nhất có đường bộ đi Bồ Đề Đạo Tràng. Nếu quý vị tới Ấn độ đầu tiên tại phi trường quốc tế Calcutta (thủ phủ tiểu bang West Bengal) ở miền đông, hay New Delhi (thủ đô của Ấn Độ) về phía bắc; quý vị có thể đáp tàu lửa từ ga Howrah (Calcutta) hay ga New Delhi (Tân Đề Li) để đi Gaya. Sau khi tới Gaya, quý vị đến bến xe buýt (xa độ 3 dặm) bằng Rickshaw (giống xích lô đạp Việt Nam) hay taxi, để từ đây quý vị đi xe buýt lên Bồ Đề Đạo Tràng (mất 30 phút). Hoặc từ ga Gaya, quý vị có thể dùng taxi đi thẳng Bồ Đề Đạo Tràng. Từ Calcutta hay New Delhi, quý vị đáp tàu lửa đi Gaya rất tiện, vì Gaya nằm trên tuyến đường hỏa xa chính Calcutta - Gaya - New Delhi và ngược lại New Delhi - Gaya - Calcutta. Khoảng đường Calcutta - Gaya (285 miles), tàu tốc hành Express (chạy hơn một đêm) gần hơn New Delhi - Gaya (611 miles) đi mất một đêm một ngày mới tới. Nếu muốn, quý vị có thể đáp máy bay từ Calcutta hay New Delhi đi Gaya cũng được.

Dưới đây là các di tích chính mà du khách hành hương có thể chiêm bái tại chỗ, khi đến viếng Bồ đề Đạo Tràng:

1. CHÙA ĐẠI GIÁC(MAHA BODHI TEMPLE)

Chùa Đại Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) là một trong những di tích Phật giáo độc đáo và mỹ thuật nhất tại Ấn Độ. Thực vậy, nghệ thuật kiến trúc của nó đã được chọn làm khuôn mẫu để xây cất nhiều ngôi chùa (tháp) tương tợ tại Ấn Độ, và các quốc gia khác như Miến Điện, Thái Lan, Nepal và Bangladesh (trước kia là Đông Hồi - East Pakistan). Đây là di tích quan trọng thứ hai (sau cây Bồ Đề) tại Bồ Đề Đạo Tràng.

Về lịch sử ngôi chùa đầu tiên tại Bồ Đề Đạo Tràng được xây cất vào lúc nào, như trước chúng tôi đã trình bày là đến nay vẫn chưa có đủ tài liệu đích xác để biết rõ. Theo truyền thuyết, người ta tin rằng vua A Dục (Asoka), sống vào thế kỷ thứ 3 (273 - 232 trước tây lịch) là người đã lập nên ngôi chùa đầu tiên. Một tấm bia ký tiếng Pali (thánh ngữ Phật giáo) viết âm theo lối chữ Miến Điện, không đề tên tác giả, được tìm thấy tại Bồ Đề Đạo Tràng năm 1833, cũng cho biết ngôi chùa đầu tiên do vua A Dục thiết lập, nhưng tiếc là không có chứng tích gì lưu lại, ngoại trừ một đoạn trong ký sự của ngài Huyền Trang (Hiuen Tsiang) ghi chép rằng:“…Tại vị trí của ngôi chùa hiện nay, vua A Dục đầu tiên đã xây cất một ngôi chùa nhỏ (small vihara); sau đó có một người Bà la môn tái thiết lại thành ngôi chùa lớn…”, và ngôi chùa này còn tồn tại cho đến khi ngài Huyền Trang đến viếng Bồ Đề Đạo Tràng vào năm 637 sau tây lịch.

NGÔI CHÙA ÐẠI GIÁC HIỆN TẠI

Ngôi chùa Đại Giác (Maha Bodhi)với ngọn tháp hình tứ giác phía trên, đo từ nền đất lên cao khoảng 170 feet và nền chùa rộng 48 feet vuông, mà quý vị trong thấy hiện nay; các học giả Ấn độ lẫn Tây phương cho rằng nó được kiến lập vào thế kỷ thứ 2 sau tây lịch. Và theo ông Alexander Cunningham (1814 - 1893), nhà khảo cổ trứ danh người Anh, ngôi tháp cao 170 feet mà ngài Huyền Trang miêu tả (đã nói ở trước), chính là ngôi chùa Đại Giác hiện tại, không có gì phải nghi ngờ, mặc dù có thay đổi và sửa chữa (Cunningham’s Maha Bodhi, trang 18).Nền chùa có hình vuông, nhưng càng lên cao tháp chùa thu hẹp lần, cho tới đỉnh thì có hình trụ tròn. Ngõ chính vào chùa từ hướng đông.

Trước khi đến cửa dẫn vào điện Phật, quý vị phải đi ngang qua một chiếc cổng bằng đá, trang trí với những nét chạm trổ rất đẹp. Chánh điện của chùa nằm ở tầng dưới, vì không có cửa sổ nên hơi tối; và ánh sáng chỉ vào được từ cửa chính. Trên bệ đá nơi chánh điện tôn trí một pho tượng Phật lớn ngồi kiết già, sơn son thếp vàng rất mỹ thuật; với diện Ngài nhìn về hướng đông, đúng như vị thế đức Phật xưa kia, ngồi lưng dựa vào cội Bồ Đề, trong đêm cuối cùng trước khi Ngài thành đạo. Ngôi chùa có một tầng lầu, được dẫn lên bởi hai cầu thang bằng đá nằm ngay hai bên cửa chính đi vào chánh điện.

Vừa lên tới tầng nhất, quý vị thấy liền ngọn tháp chính cao hình tứ giác của ngôi chùa xây bằng gạch ngay ở giữa. Tại bốn góc có bốn ngọn tháp hình tứ giác nhỏ hơn. Bên trong hai ngôi tháp phía tây có tôn trí các pho tượng Bồ tát; và hai ngôi tháp phía đông có cầu thang đi xuống. Cũng tại lầu nhất này, ở dưới ngọn tháp chính là một điện thờ rộng, bên trong đặt thờ các tượng đức Bồ tát, tượng Phật gỗ đàn hương Nhật Bản của ngài Dharmapala (đã nói trước), và một bộ tạng kinh tiếng Tây Tạng do đức Đạt Lai Lạt Ma dâng cúng. Nơi tầng dưới, trên bức tường bên ngoài quanh ba phía tây, nam và bắc của ngôi chùa có nhiều khám thờ các tượng Phật bằng đá, do những Phật tử Tây Tạng sơn son thếp vàng rất đẹp.

2. CÂY BỒ ĐỀ (BODHI TREE)

Đây là di tích lịch sử thiêng liêng nhất và là trung tâm hành lễ của các Phật tử khi đến chiêm bái Bồ đề đạo tràng. Tên thật của nó là Pipal (Tất Bát La); và được gọi là cây “Bồ Đề” (Ficus Religiosa), kể từ sau ngày đức Phật ngồi tham thiền, chứng đạo giác ngộ tại đây, vì Bồ Đề (Bodhi)có nghĩa là “Giác Ngộ”. Cây Bồ Đề hiện nay nằm về hướng tây của chùa Đại Giác, và cao khoảng 100 feet. Theo truyền thuyết, người ta tin rằng nó được mọc lên ngay đúng vào ngày đức Phật đản sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini), và sẽ tồn tại nhiều thế kỷ về sau để các Phật tử hành hương chiêm bái.

Theo tài liệu ghi chép trong tập “Tây Du Ký” (Si Yu Ki)của ngài Huyền Trang (Hiuen Tsiang): “Cây Bồ Đề vào thời Phật còn tại thế, cao đến vài trăm feet, mặc dù bị chặt ngã nhiều lần, hiện nó vẫn còn cao từ 40 đến 50 feet… Màu của vỏ cây trắng vàng, lá và nhánh con có màu xanh đậm. Vào mùa thu cũng như đông, lá không héo úa, mà quanh năm luôn xanh tươi và chói sáng không thay đổi. Những ngày sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, lá héo tàn và rụng, sau đó lại tươi tốt như trước…”

Trích“Buddhist Records of the Western World”;Translated from the Chinese of Hiuen Tsiang by Samuel Beal, Delhi 1969 (“Tây Du Ký” của ngài Huyền Trang), quyển VIII, trang 116, 117.

Tưởng nên biết rằng cây Bồ Đề hiện nay quý vị trông thấy khi đến viếng Bồ Đề Đạo Tràng, không phải là cây Bồ Đề gốc, mà theo nhà khảo cổ A.Cunningham, cây con của nó đã được trồng đi trồng lại, ít nhất có đến 20 lần, kể từ thời đại vua A Dục (thế kỷ thứ 3 trước tây lịch) đến nay.

CÁC VỊ VUA ẤN ÐỘ ÐÃ TRIỆT HẠ CÂY BỒ ÐỀ

Vì thiếu sử liệu, chúng ta không thể biết được cây Bồ Đề đầu tiên đã bị hủy diệt đến bao nhiêu lần trải qua lịch sử lâu dài hàng nghìn năm tồn tại của nó. Nhưng qua ký sự của ngài Huyền Trang dưới đây cho thấy, nó đã bị vua A Dục (trước khi Ngài quy y theo Phật giáo), hoàng hậu Tishyarakshita, vợ của nhà vua và vua Sasanka (606 sau tây lịch) theo Ấn Độ giáo, phá hủy nhiều lần:

“…Vua A Dục khi mới lên ngôi, không tin Phật pháp, muốn phá hủy dấu vết của đức Phật, nên Ngài đã hướng dẫn quân lính đến đây (Bồ Đề Đạo Tràng), với mục đích triệt hạ cây Bồ Đề. Nhà vua ra lệnh cho đốn gốc; chặt nhỏ thân, nhành và lá cây, dồn đống chúng lại một nơi cách đó về hướng tây độ 50 feet (20 paces). Sau đó, đức vua truyền một vị Bà La Môn (Brahma) châm lửa đốt cháy tất cả… Khi đám khói vừa tan, từ trong ngọn lửa mọc lên một cây Bồ Đề kép… Vua A Dục nhìn thấy phép thần diệu này, liền ăn năn tội lỗi của mình. Đức vua bèn truyền lấy nước sữa thơm tưới bón vào những rễ của cây Bồ Đề cũ, tức thì, vào sáng hôm sau, cây Bồ Đề mọc lại như trước.

Nhà vua thấy điềm kỳ lạ, vô cùng xúc động; Ngài đích thân dâng cúng lễ vật, và hết sức vui mừng đến nỗi đức vua quên cả việc trở về hoàng cung. Hoàng hậu, một tín đồ theo tôn giáo khác bực mình, đã bí mật sai người vào ban đêm đến chặt phá hủy cây Bồ Đề lần nữa. Sáng mai, vua A Dục trở lại cây Bồ Đề hành lễ, chỉ thấy thân cây bị cắt, Ngài rất buồn khổ. Với lòng thành thiết tha cầu nguyện, nhà vua cho tưới nước sữa thơm vào rễ cây, và không đầy một ngày sau, cây Bồ Đề sống trở lại. Đức vua cảm động trước phép mầu nhiệm, truyền cho xây quanh cây Bồ Đề một bức tường gạch cao 10 feet, mà đến nay vẫn còn thấy.

“Thời gian sau, vua Sasanka (606 sau tây lịch), theo Ấn Độ giáo, phỉ báng đạo Phật, ra lệnh đốn cây Bồ Đề, đào sâu xuống đất tới nước, nhưng vẫn không bứng hết rễ được. Đức vua bèn truyền đem lửa đốt, và tưới nước mía lên, mong tiêu diệt cây hoàn toàn, không còn để lại dấu vết. Vài tháng sau, vua Purnavarma xứ Ma Kiệt Đà (Magadha), vị vua cuối cùng của dòng họ A Dục, nghe tin thở dài và than: Ánh sáng của trí tuệ đã được xiển dương, không còn gì lưu lại, ngoại trừ cây Bồ Đề, nay nó bị hủy diệt, nguồn sống tinh thần (tâm linh) đâu còn gì nữa! Đức vua bèn xót xa quỳ lạy trên đất, với nước sữa của 1,000 con bò, Ngài cho tưới vào rễ cây và trong đêm ấy, cây sống lại lần nữa, mọc cao đến 10 feet. Nhà vua sợ cây Bồ Đề lại bị chặt đốn nên đã cho xây bao quanh một bức tường bằng đá cao 24 feet”.

Trích tập “Tây Du Ký” của ngài Huyền Trang (sách đã dẫn), quyển VIII, trang 117, 118.

Sử liệu ghi chép, vua Sasanka, sau khi hủy diệt cây Bồ Đề vào năm 620 sau tây lịch, không lâu sau đó, nhà vua đã bị chết vì mụt nhọt. Theo ông A.Cunningham, vua Mihiragula (lên ngôi năm 500 sau tây lịch) của triều đại Gupta (320 - 510) có thể cũng là vị vua đã triệt hạ cây Bồ Đề. Nhà khảo cổ này cũng bảo rằng, công việc cứu sống và xây dựng bức tường xung quanh để bảo vệ cây Bồ Đề của vua Purnavarma (ngài Huyền Trang nói trên), xảy ra vào những năm 600 - 620 sau tây lịch, và cây Bồ Đề này đã tồn tại đến triều đại Phật giáo của các vua Palas (813 sau T. L.). Năm 1811, Dr.Buchanan Hamilton đến viếng cây Bồ Đề, thấy cây vẫn còn xanh tốt, và ông phỏng chừng nó đã sống qua 100 năm.

Ông A.Cunningham đến thăm Bồ Đề Đạo Tràng năm 1861, và sau đó năm 1871, cho biết trong vòng 10 năm, các nhánh chính và thân cây Bồ Đề đã bị hư hoại, mục nát nhanh chóng. Vào năm 1876, một trận bão lớn đã làm cây Bồ Đề gảy ngã, và tại nơi cây Bồ Đề cũ, người ta trồng lại một cây mới mà nó đã sống từ ngày ấy cho đến nay. Như vậy, cây Bồ Đề quý vị hiện thấy tại Bồ Đề Đạo Tràng đã có tuổi thọ 110 năm.

3. VAJRASANA(KIM CANG TÒA)

Vajrasana (tiếng Sanskrit) hay Kim Cang Tòa, nằm giữa cây Bồ Đề và chùa Đại Giác, là nơi hành lễ thiêng liêng thứ ba tại Bồ Đề Đạo Tràng, Kinh sách ghi chép rằng, đây là chỗ chư Phật trong ba đời-quá khứ, hiện tại và vị lai đều ngồi để chứng đạo giác ngộ. Không có vật gì ở thế gian có thể chịu đựng nỗi sức nặng của một vị đã chứng đắc đạo quả Bồ Đề, và cũng không một ai, kể cả vua Trời Đế Thích có thể bay ngang trên Kim Cang tòa.

Trong tập ký sự, ngài Huyền Trang đã miêu tả chỗ này như sau:

“…Ở giữa bên trong gần cây Bồ Đề là một Kim Cang tòa(Vajrasana) có chu vi 250 feet (100 paces). Trên tòa này, một nghìn đức Phật trong đời Hiền Kiếp (Bhadra-Kalpa) đã ngồi và nhập Kim Cang định (Diamond Samadhi) cho nên gọi nó làKimCang đài. Đây là chỗ chư Phật ngồi để chứng đắc đạo quả Bồ Đề… Khi mặt đất rung chuyển, chỗ này vẫn đứng yên. Vì thế, lúc đức Phật sắp đắc đạo, Ngài lần lượt đi đến bốn góc xung quanh nơi đây, mặt đất lung lay, chuyển động; sau đó Ngài trở về, thấy Kim Cang tòa vẫn yên tĩnh… Vào thời kỳ mạt pháp, giáo lý của đức Phật bị tiêu diệt, đất bụi sẽ phủ lấp tòa Kim Cang này, và nó sẽ không còn trông thấy nữa…”.

Trích “Tây Du Ký”của ngài Huyền Trang, bản dịch tiếng Anh (Sách đã dẫn), quyển VIII, trang 116.

Tòa Kim cang hiện thấy tại Bồ Đề Đạo Tràng làm bằng sa thạch, chạm trổ mỹ thuật dài 7 feet 10 inches, rộng 4 feet 7,5 inches. Theo các nhà khảo cổ, tòa này có thể được kiến tạo từ thời vua A Dục (thế kỷ thứ 3 trước tây lịch). Trên bề mặt của nó có khắc những đường hình học, và xung quanh bốn phía ngoài đều có chạm trổ rất đẹp. Tòa Kim Cang nói trên do ông A.Cunningham đào thấy ở nơi hầm trong ngôi tháp của vua A Dục truyền dựng nên xung quanh cây Bồ Đề trước kia.

4. BẢY TUẦN THẤT ĐỨC PHẬT NGỒI THAM THIỀN SAU KHI CHỨNG ĐẠO.

Trong Kinh chép rằng, sau khi chứng đạo thành Phật, Ngài đã trải qua bảy tuần ngồi thiền, mỗi tuần một chỗ để suy tưởng về sự an lạc mà Ngài đã đạt được. Sau đây là bảy nơi ấy:

Tuần thứ nhất.

CỘI CÂY BỒ ÐỀ: Ngài đã ngồi tĩnh lặng ở đây bảy ngày nữa để cảm nhận sự an lạc có được nhờ giác ngộ.

Tuần thứ hai.

THÁP ANIMISALOCANA: Đây là ngôi tháp bằng gạch do vua A Dục lập nên để ghi dấu nơi đức Phật, trong tuần lễ thứ nhì, đứng nhìn chăm chú cây Bồ Đề, bày tỏ lòng tri ân nó đã che mưa đỡ nắng giúp Ngài thành tựu đạo quả giác ngộ. Ngài Huyền Trang, trong ký sự, đã diễn tả ngôi tháp này như sau:

“… Về phía trái của con đường…là một tảng đá lớn, trên đó có một ngôi tháp, bên trong tôn trí một pho tượng Phật… Đây là chỗ xưa kia đức Phật đã ngồi suốt bảy ngày, suy tưởng đến cây Bồ Đề. Trong thời gian này, mắt Ngài chăm chú nhìn nơi đó, nhằm bày tỏ lòng tri ân đối với cây Bồ Đề…”

Trích “Tây Du Ký” của ngài Huyền Trang, (Sách đã dẫn), quyển VIII, trang 123.

Ngôi tháp hiện còn quý vị có thể chiêm bái, được xây trên một mô đất nằm về phía đông bắc chùa Ðại Giác, cao 55 feet; với cửa chính vào từ hướng đông, dẫn đến một phòng nhỏ rộng 6 feet vuông, tại đây có tôn trí thờ một pho tượng đức Bồ tát Quán Thế Âm thuộc thế kỷ thứ 10 sau tây lịch. Ngọn tháp đã được chính phủ Ấn Độ trùng tu năm 1956 nhân kỷ niệm đại lễ Phật Đản P. L. 2500.

Tuần thứ ba.

CANKAMANA(Đường kinh hành quý báu):Vì thấy đức Phật sau khi thành đạo vẫn còn quanh quẩn nơi cội Bồ Đề, nên chư Thiên bấy giờ nghi ngờ không rõ Ngài đã chứng đắc đạo quả giác ngộ chưa. Nhận biết điều ấy, Ngài bèn dùng oai lực thần thông tạo nên đường kinh hành quý báu để suốt trong tuần lễ thứ ba, Ngài đi lên đi xuống tại nơi đây. Ngài Huyền Trang, trong ký sự có ghi lại chỗ này như sau:

“… Về hướng bắc của cây Bồ Đề là nơi đức Phật đã kinh hành, đi lên và đi xuống. Sau khi chứng đạo, đức Phật không rời Kim Cang tòa, nhưng Ngài đã ngồi lại thiền định yên tĩnh trong một tuần lễ. Rồi đức Phật đứng dậy đi qua, đi lại ở phía bắc cây Bồ Đề trong suốt bảy ngày, từ đông sang tây một đoạn dài độ 25 feet (10 paces). Khoảng 18 chiếc hoa huyền diệu đã mọc lên tại nơi có dấu chân của Ngài. Về sau, nơi này được bao bọc bởi một bức tường gạch cao 3 feet…”

Trích“Tây Du Ký”của ngài Huyền Trang, (Sách đã dẫn), Quyển VIII, trang 122.

Vào thế kỷ thứ nhất trước tây lịch, hoàng hậu Kurangi đã cho xây một bệ đá với các hoa sen chạm nổi tại những nơi có bàn chân của đức Phật bước đi, để ghi dấu đường kinh hành quý báu này.

Bệ đá ngày nay còn trông thấy tại Bồ Đề Đạo Tràng, dài 60 feet, cao 3 feet, trên mặt có khắc những hình hoa sen, nằm dọc theo bức tường phía bắc của chùa Ðại Giác. Đường kinh hành này đã được tu bổ năm 1956.

Tuần thứ tư.

RATANAGHARA (Bảo Cung): Đây là ngôi tháp nhỏ nằm ở góc hướng tây bắc chùa Đại Giác, tiếng Pali gọi là Ratanaghara hay “Bảo Cung” (phòng bằng ngọc). Đức Phật đã ngồi tại nơi này, trong tuần lễ thứ tư, sau khi chứng Đạo, để suy niệm về những giáo lý vi diệu tối thắng trong tạng luận(Abhidhamma Pitaka).Vào lúc đó, từ kim thân Ngài phóng ra hào quang 6 màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, da cam và màu tổng hợp của năm màu vừa kể. Đại tá Henry Steel Olcott (1832 - 1907), một Phật tử Hoa Kỳ đã phỏng theo 6 màu hào quang này, đầu tiên phát họa ra mẩu cờ Phật giáo quốc tế, mà hiện được dùng tại các nước theo Phật giáo khắp nơi trên thế giới. Ngài Huyền Trang, trong ký sự đã mô tả ngọn tháp trên như sau:

“… Không xa về hướng tây cây Bồ Đề là một ngôi chùa lớn, bên trong tôn trí một tượng Phật bằng đồng, trang sức với những châu báu quý; Ngài đứng với mắt nhìn về hướng đông. Phía trước chùa này là một phiến đá xanh, trên đó có khắc vẽ những đường nét kỳ lạ độc đáo. Đây là nơi đức Phật đã ngồi trên ngôi tòa bảy báu, do vua Trời làm ra; trong khi đức Phạm Thiên xây dựng cho Ngài một gian phòng bằng thất bảo, sau ngày đức Phật chứng đắc đạo quả vô thượng. Trong thời gian bảy ngày đức Thế Tôn ngồi thiền ở đây, hào quang từ nơi kim thân Ngài phóng ra rực sáng đến cây Bồ Đề. Từ lúc đức Phật còn tại thế mãi đến hôm nay, vì thời gian quá dài lâu, cho nên các ngọc ngà châu báu này đã biến thành đá…”

Trích “Tây Du Ký”của ngài Huyền Trang, (Sách đã dẫn), quyển VIII, trang 123.

Hiện nay, di tích mà quý vị có thể trông thấy tại nơi này là một ngọn tháp chỉ còn bốn bức tường bằng gạch, không có mái, dài 14 feet, rộng 11 feet.

Tuần thứ năm.

AJAPALA NIGRODHA: Đây là cây đa trứ danh, thường thấy ghi chép nhắc đến trong kinh tạng Phật giáo Pali của Nam Tông hay Tiểu Thừa (Hinayana). Đức Phật, vào tuần lễ thứ năm, sau khi chứng Đạo đã ngồi dưới cây đa (banyan) Ajapalanày để chứng nghiệm về “Hạnh phúc giải thoát” (Vimuttisukha). Theo tập Bổn Sanh Kinh (Jataka), trong tuần lễ này, các con gái của Ma Vương (Mara) đến tìm cách quyến rũ đức Phật, nhưng thất bại. (Jataka,Ed.Fausboll,5 Vols.,i.16,69). Tài liệu ghi chép ở Luật Tạng (Vinaya Pitaka)lại cho biết, sau khi đắc Đạo, đức Phật đã ngồi thiền ở đây trong tuần lễ thứ ba; vào lúc ấy, đấng Phạm Thiên (Brahma) Sahampati hiện ra thỉnh cầu Ngài, nên vì chúng sanh, truyền bá giáo pháp cho thế gian (Vinaya Pitaka,Ed.Oldenberg,5 Vols.,i.5-7).

Nhưng vị trí đích xác của cây này, hiện chưa được các nhà khảo cổ tìm thấy. Tuy nhiên, một vài học giả Ấn Độ tin rằng, đó là cây đa, xưa kia nằm cạnh bờ sông Ni Liên Thuyền (Neranjara),nay là sôngLilajan,trong thị xã Ưu Lâu Tần Loa - Uruvela(nay tức là làng Urel, cách xa 6 dặm thành phố Gaya, tiểu bang Bihar). Chính tại đây, trước khi thành Đạo, đức Phật đã ngồi và nhận bát cháo sữa do nàng Tu Xà Đề (Sujata) dâng cúng, một ngày trước khi Ngài đến tọa thiền ở cội Bồ Đề, để sáng hôm sau, chứng đắc Phật quả.

Ngài Huyền Trang, trong ký sự, có nhắc đến cây Ajapala này như sau:

“… Về hướng đông nam của cây Bồ Đề, cạnh cây (Ajapala) Nyagrodha là một ngọn tháp. Ngoài ra, chỗ ấy còn thấy một ngôi chùa có tượng Phật ngồi tôn trí thờ bên trong. Đây là nơi đấng Phạm Thiên (Brahmadeva) đã thỉnh cầu đức Phật, sau khi Ngài thành Đạo, nên chuyển Pháp Luân (giảng truyền chánh pháp)…”

Trích “Tây Du Ký”của ngài Huyền Trang, (sách đã dẫn) 1969, quyển VIII, trang 126.

Hiện nay, chỗ này đến chiêm bái, quý vị còn trông thấy một ngọn tháp. Thời gian học ở đại học Magadha, thỉnh thoảng chúng tôi có đến viếng và hành lễ tại đây.

Tuần thứ sáu.

HỒ MUCALINDA: Hồ nằm cách một dặm về hướng nam chùa Đại Giác. Trong tuần lễ thứ sáu, đức Phật đã ngồi thiền tại đây. Vào lúc ấy, một trận bão to xảy ra, vị Long Vương(Naga)của hồ này xuất hiện, quấn nhiều vòng bao quanh kim thân đức Phật để chống lại mưa gió, che chở cho Ngài. Ngài Huyền Trang, khi đến viếng cảnh hồ này, đã diễn tả trong ký sự của ngài như sau:

“… Nước hồ có màu xanh đậm, mùi vị ngọt và ngon, nơi bờ hồ phía tây có một ngôi chùa nhỏ, bên trong tôn trí thờ một pho tượng Phật. Xưa kia, sau khi chứng Đạo, đức Như Lai đã ngồi thiền bảy ngày nơi đây. Rồi vị Long Vương Mucalinda đã bảo vệ cho đức Thế Tôn, quấn bảy vòng quanh mình Ngài, biến hóa ra nhiều đầu, làm thành chiếc dù để che cho đức Phật…”

Trích “Tây Du Ký”của ngài Huyền Trang, (sách đã dẫn), quyển VIII, trang 128.

Hiện nay hồ này vẫn còn, dân địa phương gọi là hồ“Mucharin”,và hàng năm có rất đông du khách Phật tử hành hương ngoại quốc đến viếng nơi đây, vì cảnh hồ rất đẹp và yên tĩnh.

Tuần thứ bảy.

CÂY RAJAYATANA: Đức Phật đã trải qua tuần lễ thứ bảy tại gốc cây này để chứng nghiệm về đạo quả của sự giải thoát. Kinh sách chép rằng bấy giờ từ mặt đất ở đây hiện ra một ngôi pháp tòa bằng đá và Ngài đã tọa thiền trên đó. Vị trí chính xác của nó, các nhà khảo cổ chưa biết rõ ở đâu. Tuy nhiên một vài học giả cho rằng cây này có thể cũng nằm trong khuôn viên gần chùa Đại Giác. Theo tài liệu ghi chép trong Luật Tạng(Vinaya Pitaka), chính tại đây đức Phật đã gặp và nhận bánh gạo cùng mật ong do hai thương gia Miến ĐiệnTapussa Bhallika cúng dường, trên đường họ đi từ Ukkala (nay là tiểu bang Orissa, miền đông Ấn Độ) trở về nhà. Hai vị sau đó đã xin quy y đức Phật và Pháp (Nhị Bảo), và trở thành thiện tín đầu tiên của Ngài. Bản chú giải Túc Sanh Truyện (Jataka Commentary)ghi rằng hai thương gia lúc ấy muốn xin đức Phật một kỷ vật gì để mang về nước thờ, Ngài liền nhổ trên đầu tám sợi tóc đưa cho họ. Khi hai người về đến nơi, xá lợi này được dân chúng trong nước tổ chức nhiều ngày lễ rước, cung nghinh trọng thể. Từ đó, nó trở thành quốc bảo, và được tôn trí thờ tại đại kim tháp Shwedagon (Hòa Bình), kiến tạo trên đồi Singuttara ở Ngưỡng Quang (Rangoon), thủ đô Miến Điện. Ngôi tháp được trùng tu năm 1774, xây cao đến 326 feet dưới triều vua Miến Hsinbyushin (1763 - 1776). Ngày nay, chùa Shwedagon là một trong những trung tâm hành hương Phật giáo nổi tiếng nhất trên thế giới.

4. HỒ NƯỚC VÀ TRỤ ĐÁ VUA A DỤC(LARGE TANK AND ASOKAN PILLAR).

Về hướng nam không xa chùa Ðại Giác, quý vị sẽ thấy trụ đá của vua A Dục, và gần đó là một hồ nước lớn, vào mùa hè hoa sen nở thơm ngát. Cạnh hồ, phía bắc, có một số phòng nhỏ dành cho chư Tăng để y áo, khi họ ra đây tắm. Hồ nước đã được chính phủ Ấn Độ trùng tu năm 1956, nhân kỷ niệm đại lễ Phật Đản năm 2500.

Ngài Huyền Trang, trong ký sự có viết về hồ nước này như sau: “… Phía nam cây Bồ Đề là một hồ nước, nơi xưa kia, đức Phật ngay sau khi chứng Đạo, muốn tắm; lúc ấy, đức Đế Thích, vua của Thiên Thần, liền tạo ra hồ nước để cúng dường cho Ngài…”.

Trích “Tây Du Ký”của ngài Huyền Trang (sách đã dẫn), quyển VIII, trang 127.

5. HÀNG RÀO BẰNG ĐÁ (STONE RAILING)XUNG QUANH CHÙA.

Bốn phía xung quanh chùa Đại Giác hiện còn thấy nhiều trụ hàng rào bằng đá (sa thạch) hình tứ giác được trang trí trên mặt với những hình tượng, bông hoa chạm trỗ rất đẹp, cùng ghi khắc tên họ của người hỷ cúng bằng tiếng Brahmi (cổ ngữ Ấn Độ). Trụ đá của hàng rào cao khoảng 8 feet, phần lớn được kiến tạo vào thời vua A Dục (thế kỷ thứ 3 trước T. L.), một số thuộc triều đại Sunga (185 - 73 trước T. L.), và các thời đại sau này. Dãy hàng rào phía tây và nam, tương đối còn được bảo trì tốt đẹp, trong khi dãy ở phía đông và bắc thì bị hư hại khá nhiều. Đặc biệt những trụ hàng rào xây dựng vào thời vua A Dục, bốn phía mặt đá để trơn và đánh rất láng; còn những cột hàng rào thiết lập vào triều đại của những vị vua sau đó, đã ít được đánh bóng, nhưng trên mặt lại chạm khắc nhiều hình ảnh, bông hoa v.v…

6. NHỮNG NGÔI THÁP LỄ TẠ BẰNG ĐÁ (VOTIVE STUPAS)

Chung quanh và trong khuôn viên chùa, quý vị thấy có hàng trăm ngôi tháp bằng đá cao thấp, lớn nhỏ đủ loại, trên đó có chạm khắc, hay tạc những hình tượng Phật, Bồ tát rất mỹ thuật. Những ngọn tháp này do thiện nam tín nữ chí thành khắp nơi, trải qua nhiều thế kỷ, đã dâng cúng, tôn trí tại chùa để tạ ơn Phật, sau khi lời cầu nguyện của họ (cho gia quyến bình an, thân nhân lành bệnh v.v….) được thành tựu. Ngoài ra, tại hướng đông nam trong sân chùa, chúng tôi còn thấy hai ngôi tháp lớn bằng đá khác, do Phật tử thời xưa kiến lập nên để tôn trí thờ xá lợi (relics) của các Thánh Tăng.

7. NỀN CŨ NGÔI CHÙA TÍCH LAN (FOUNDATION OF A MONASTERY)

Về hướng tây nam chùa Đại Giác, quý vị sẽ thấy di tích một cái nền bằng đá hình chữ nhật của ngôi chùa, do vua Tích Lan Meghavarma (352 - 379) kiến tạo vào thế kỷ thứ 4 sau tây lịch, nhằm giúp chư Tăng và Phật tử Tích Lan có nơi lưu trú khi họ đến chiêm bái thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng. Ngài Huyền Trang, trong ký sự đã diễn tả về ngôi chùa này như sau:

“… Ngôi chùa (Sangharama) được xây cất do sự cúng dường của vua Tích Lan, gồm có 6 phòng lớn, với ngọn tháp ba tầng. Xung quanh chùa có tường bao bọc cao từ 30 đến 40 feet. Nghệ thuật kiến trúc rất tuyệt vời, với lối trang hoàng màu sắc rực rỡ (đỏ và xanh). Tượng Phật làm bằng vàng và bạc, được nạm gắn những ngọc ngà và đá quý…”.

Trích “Tây Du Ký”của ngài Huyền Trang, bản dịch tiếng Anh (sách đã dẫn), quyển VIII, trang 133.

8. SÔNG NI LIÊN THUYỀN (NERANJARA RIVER)

Theo Dr.B.C.Law, sông Ni Liên Thuyền (Pali:Neranjara), ngày nay có tên gọi “Lilajana”, bắt nguồn gần vùng Simeria trong quận Hazaribad, thuộc tiểu bang Bihar (miền đông bắc Ấn Độ), chảy qua làng Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng; và ngang trước chùa Đại Giác (hướng đông) chỉ một đoạn dài gần 1/8 dặm (200 yards). Đây là con sông lịch sử, thường thấy nhắc đến trong các kinh điển Phật giáo Nguyên Thỉ (Nam tông). Dòng sông rộng khoảng 3/4 dặm, gần như khô cạn quanh năm, biến thành một bãi cát trắng dài trong mùa hè và đông; chỉ đầy nước vào mùa mưa. Chính tại đây, đức Bồ tát Cồ Đàm (Gautama), sau khi xuống tắm, dùng bát cháo sữa của tín nữ Tu Xà Đa (Sujata) dâng cúng, Ngài đã quăng bình bát xuống sông với lời nguyện rằng: “Ta sẽ trở thành bậc Chánh Giác, nếu chiếc bát trôi ngược dòng sông”. Và đúng y như vậy, chiếc bát của đức Bồ tát vừa ném xuống, đã trôi lên ngược dòng; và ngày hôm sau, Ngài đã chứng đắc đạo quả vô thượng dưới cội Bồ Đề.

9. DI TÍCH NGÔI NHÀ CỦA TÍN NỮ TU XÀ ĐỀ (SUJATAKUTI)

Tu Xà Đề (Sujata) là con gái của một điền chủ giàu có ở làng Senani, gần thị trấn Uruvela (Ưu Lâu Tần Loa) thuộc vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha) thời Phật còn tại thế. Nàng là tín nữ đã cúng dường đức Phật bát cháo sữa, vào lúc Ngài đang bị kiệt sức sau nhiều năm tu ép xác khổ hạnh. Hiện nay, cách bờ (tả ngạn) sông Ni Liên Thuyền độ một dặm rưỡi, quý vị còn thấy một gò đất cao với nhiều lùm cây, được các học giả xác nhận như là di tích ngôi nhà cũ hơn 25 thế kỷ trước của nàng Tu Xà Đề.

Thời gian chúng tôi theo học tại đại học Magadha ở Bồ Đề Đạo Tràng trước 1977, chúng tôi được biết thỉnh thoảng người ta đã đào thấy tại di tích nói trên nhiều đồ dùng, kỷ niệm vật của nàng Tu Xà Đề ngày xưa như chén, bát, nồi niêu, đồ trang sức v.v…; và công cuộc đào bới, khảo cứu của các nhân viên nha khảo cổ Ấn Độ vẫn đang còn tiếp tục.

10. NÚI PRAG BODHI HAY KHỔ HẠNH LÂM

Núi Prag Bodhi (Tàu dịch: Tiên Chánh Giác) ngày nay dân chúng địa phương gọi tên là Mora Pahar, nằm cách Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) khoảng ba dặm về hướng đông bắc. Đức Phật, trước khi thành Đạo, đã trải qua 6 năm tu khổ hạnh ở đây. Muốn đến chiêm bái nơi này, quý vị phải vượt qua sông Ni Liên Thuyền, đi ngang hai làng Manjhowli và Sahaipura. Đường lên núi dốc đứng và cao. Nhiều rặng núi có hình răng cưa với những tảng đá lớn cheo leo rải rác khắp nơi, đòi hỏi du khách hành hương phải có nhiều kiên nhẫn, quyết tâm mới tiến lên được; như ngài Milarepa (1040 - 1123), vị đại sư kiêm thi sĩ Tây Tạng, thường mặc áo vải, đã diễn tả: “Trên núi có con đường bằng đá, nơi đó bạn có thể đánh đổi sự luân hồi náo loạn với hạnh phúc an tịnh vô biên”.

Giữa đường từ chân lên đỉnh núi là động đá Dungsiri, nơi xưa kia đức Phật đã vào trú ẩn để tu khổ hạnh. Thời gian còn ở Ấn Độ, chúng tôi đã có dịp vào thăm động này nhiều lần. Trong động ngày nay đã biến thành một khám thờ chạm trổ theo lối Phật giáo Tây Tạng rất mỹ thuật. Cạnh đó là một ngôi chùa Tây Tạng nhỏ, vách tường sơn màu đỏ, xây dựng cheo leo ngang sườn núi trông như tổ chim, được trang hoàng với những lá cờ có in kinh chú bằng chữ màu vàng, các bảng khắc câu “OM MANI PADME HUM” (Án Ma Ni Bát Di Hồng); và những lò lửa quét vôi trắng để khách thập phương đốt trầm hương, thật tràn đầy không khí giải thoát. Năm 1972, trở lại thăm nơi này, chúng tôi nhớ vào lúc ấy có khoảng ba nhà sư Tây Tạng đang sống tu ở đây.

Ngài Pháp Hiển và Huyền Trang trong ký sự có diễn tả về cảnh núi Prag Bodhi(Tiên Chánh Giác) như sau:

“… Từ thành phố Gaya…tiếp tục đi 20 lý (gần 7 dặm) về hướng nam, chúng tôi đến nơi đức Phật đã tu khổ hạnh trong 6 năm. Xung quanh toàn là rừng…”.

Trích “Fa Hien’s Record of Buddhistic Kingdom”;Translated of Chinese Text by Jame Legg, San Francisco, 1975 (“Ký sự về các vương quốc Phật giáo”của ngài Pháp Hiển), chương 31, trang 87.

“…Chúng tôi đến một ngọn núi gọi là Prag Bodhi. Đức Phật, sau 6 năm kiên trì tầm đạo, vẫn chưa chứng đắc trí tuệ vô thượng, Ngài liền từ bỏ phương pháp tu khổ hạnh… Khi đi về hướng đông bắc, đức Phật gặp dãy núi này, trông vắng vẻ và u tịch; Ngài muốn dừng lại nơi đây, tìm đạo giác ngộ. Leo theo sườn núi đông bắc, Ngài lên tới đỉnh, mặt đất liền rung rinh và ngọn núi chuyển động, trong khi đó một vị Sơn Thần hiện ra hốt hoảng thưa với đức Bồ tát rằng: ‘Đây không phải là nơi thuận lợi cho sự tu chứng đạo quả giải thoát. Nếu Ngài dừng lại chỗ này và nhập Kim Cang Định, mặt đất sẽ chuyển rung, mở rộng và ngọn núi sẽ sụp đổ trên Ngài’.

Rồi đức Bồ tát đi xuống, ngừng lại giữa đường trên sườn núi tây bắc… Tại đó, Ngài thấy có một hang đá lớn. Ngài vào trong ngồi kiết già. Lần nữa, đất bằng chuyển động và núi đồi rung rinh. Rồi một vị Thiên Thần hiện ra thưa lớn tiếng giữa hư không: ‘Đây không phải là nơi cho đức Như Lai thành tựu quả vị chánh đẳng chánh giác’… Đức Bồ tát liền nhận biết rõ chỗ này không thể hoàn thành được mục đích giác ngộ của mình, Ngài bèn đứng dậy rời bỏ…tiếp tục đi về hướng cây Bồ Đề…”.

Trích “Tây Du Ký”của ngài Huyền Trang, (sách đã dẫn), quyển VIII, trang 114-115.

Tại Bồ Đề Đạo Tràng, ngoài các di tích lịch sử quan trọng kể trên, quý vị còn có thể đến viếng những ngôi chùa danh tiếng và lữ quán sau đây:

11. LỮ QUÁN HỘI ÐẠI GIÁC(THE MAHA BODHI REST HOUSE)

Cách không xa (độ 400 mét) chùa Đại Giác về hướng tây, lữ quán hai tầng lầu này, gồm có bảy phòng nhỏ và một hội trường lớn do hội Ðại Giác ở Ấn Độ xây cất vào năm 1901, với sự đóng góp tài trợ của các Phật tử Miến Điện và Tích Lan, nhằm làm nơi lưu trú cho du khách Phật tử hành hương (ở được khoảng 100 người). Vị quản lý trông coi lữ quán thường là nhà sư Tích Lan, do hội Ðại Giác (The Maha Bodhi Society) tại Ấn Độ bổ nhiệm. Không rõ bây giờ ra sao, chứ thời gian trước 1977, các Phật tử hành hương có thể đến ở lại lữ quán miễn phí trong ba ngày đầu, sau đó quý vị mới phải cúng giúp cho Hội tiền phòng chút đỉnh.

12. CHÙA TÂY TẠNG (TIBETAN MONASTERY)

Chùa do vị Lạt ma Ngawang Samden kiến tạo đầu tiên trong khoảnh đất của lữ quán hội Ma Ha Bồ Đề vào năm 1938, và ngày nay chùa được chia cách với lữ quán bởi một bức tường gạch. Chùa theo giáo phái Gelukpa (Mũ Vàng) của Tây Tạng, kiến trúc hai tầng, vách tường sơn màu đỏ, có thể lưu trú khoảng 150 nhà sư. Chánh điện thiết lập nơi lầu trên, với tượng đức Phật Di Lặc (Maitreya)rất lớn tôn trí thờ chính giữa và nhiều pho tượng Bồ tát thờ hai bên. Các tượng này đều sơn son thếp vàng rất đẹp. Ngoài ra, tại đây còn tàng trữ thờ đại tạng kinh tiếng Tây Tạng, xung quanh được trang trí với những hình ảnh, tranh vẽ, bích họa có màu sắc rực rỡ; cùng nhiều pháp khí kỳ dị khác.

Nổi bật nhất là bức tranh vẽ bánh xe luân hồi. Ở trục bánh xe có vẽ một con gà, một con rắn và một con heo, tượng trưng cho tham, sân, si. Con vật này cắn đuôi con kia, tạo thành một vòng tròn luân hồi bất tận. Vành xe chia làm 12 khoảng, diễn tả lý 12 nhân duyên: Một người đàn bà mù chỉ cho Vô Minh; một người làm đồ gốm đang nhồi đất sét, chỉ cho Hành; một con vượn đang giữ cái ghế, chỉ cho Thức; người ngồi trong chiếc thuyền chỉ cho Danh Sắc; cái nhà với sáu cửa sổ là Lục Nhập; cặp trai gái ôm nhau chỉ cho Xúc; một người rút ra mũi tên đâm vào mắt là Thọ; một kẻ không ngừng uống rượu chỉ cho Ái; một con khỉ đang bẻ trái cây tượng trưng cho Thủ; một hình ảnh làm tình là Sanh; một ông già chống gậy chỉ cho Lão; và Tử là một số người đang mang thây chết. Một con quái vật tượng trưng cho Ma Vương (Mara) đang nhe nanh cắn chặt vòng bánh xe; và quay bánh xe ấy chạy vòng tròn bởi móng vuốt của hai tay và hai chân. Phía mặt, đức Phật Thích Ca đứng thẳng, đưa tay chỉ Ma Vương và bánh xe.

Ở tầng dưới, quý vị sẽ trông thấy một gian phòng cầu nguyện, bên trong tôn trí thờ một bánh xe Pháp Luân khổng lồ bằng đồng nặng 20 tấn. Trên tường được trang trí bởi những bức họa vẽ các đức Phật, Bồ tát, Thiên Thần và những vị Lạt Ma giáo chủ các tông phái Phật giáo Tây Tạng thời cổ v.v…

Chùa có khoảng 20 phòng đôi (double rooms) dành cho du khách hành hương thuê ở trên lầu, tiền phòng (năm 1975) mỗi ngày trả 1.50 Rupees (tính ra Mỹ kim bằng 20 cents); tầng dưới mỗi ngày là 0,75 Rupee (10 cents tiền Mỹ).

13. CHÙA TÀU(CHINESE TEMPLE)

Chùa nằm về hướng tây chùa Đại Giác, rất gần chùa Tây Tạng, xây cất theo lối Trung Hoa vào năm 1945, do sự đóng góp của một số Phật tử người Tàu theo phái Tịnh Độ. Từ đường cái vào chùa, quý vị phải đi ngang qua một chiếc cầu gỗ ngắn và hẹp. Bên trong chánh điện chùa thờ một pho tượng Phật bằng đá đen tạc theo kiểu Ấn Độ; và một tượng Phật đứng khác bằng đá cẩm thạch đen làm theo mẫu Trung Hoa.

14. CHÙA THÁI LAN (WAT THÁI)

Chùa nằm về hướng tây và cách chùa Đại Giác khoảng gần một cây số. Chùa kiến tạo vào năm 1956, hoàn toàn giống kiểu mẫu ngôi chùa đá cẩm thạch (Marble Temple) danh tiếng ở Bangkok (Thái Lan), do sự giúp đỡ tài trợ của nhà vua và chính phủ Thái Lan khoảng 1 triệu Rupees tiền Ấn (bằng 135.000 mỹ kim). Chùa được xây cất ở giữa một khu đất rộng, hai bên tả hữu có hai tháp chuông cao; và trong chánh điện tôn trí thờ độc nhất một pho tượng Phật Thích Ca lớn bằng đồng thỉnh từ Thái Lan. Mặt tiền chùa có dựng hàng rào sắt, với hai cổng lớn đi vào hai bên. Đàng sau và phía trái chùa là hai dãy nhà ở, một dành cho chư Tăng, và dãy kia cho du khách Phật tử hành hương.

15. CHÙA MIẾN ĐIỆN (BURMESE TEMPLE)

Do sự giúp đỡ của các Phật tử Miến, chùa được thiết lập trên con đường chính từ thị trấn Gaya đi Bồ Đề Đạo Tràng, cách chùa Đại Giác độ nửa cây số về hướng đông bắc, gần trạm cảnh sát. Tại đây cũng có một số phòng dành cho du khách Phật tử lưu trú.

16. CHÙA NHẬT BẢN (JAPANESE TEMPLE)

Ngôi chùa được khởi đầu xây cất vào năm 1970, nằm phía sau chùa Thái Lan, do sự đóng góp tài trợ của các Phật tử Nhật. Chùa kiến trúc theo lối các ngôi chùa tại Nhật Bản. Cạnh chùa có thiết lập một lữ quán (Rest House) làm nơi nghỉ ngơi cho khách thập phương đến chiêm bái Bồ Đề Đạo Tràng.

17. BẢO TÀNG VIỆN(ARCHAEOLOGICAL MUSEUM)

Bảo Tàng Viện do chính phủ tiểu bang Bihar xây cất năm 1956 nằm về hướng đông chùa Thái, nhằm sưu tập, tàng trữ, bảo trì những xá lợi, tượng Phật và pháp khí thuộc các thời đại cổ được khai quật, đào thấy tại chùa Đại Giác và rải rác khắp nơi ở Bồ Đề Đạo Tràng. Trong Bảo Tàng Viện hiện còn giữ nhiều tượng Phật được tạo tác vào các thế kỷ từ thứ 9 đến 11 sau tây lịch, có một vài pháp khí rất xưa, thuộc thế kỷ thứ 2 trước tây lịch v.v…

Tài liệu tham khảo

1. The Glory Of Buddha Gaya by Bikkhu Rastrapal, Siliguri, India, 1967.

2. Bodh Gayaby J.Vijayatunga, Ministry of Information, Delhi, India, 1956.

3. The Land Of Enlightenmentby R.B.Prasad, Gaya, India, 1970.

4. Guide To Buddha Gayaby Vevapriya Valisinha, Calcutta, India, 1960.

5. Buddha Gaya Temple, Its Historyby Dipak K.Barua, Buddha Gaya, 1975.

6. Buddhist Shrines In Indiaby Ministry of Information, Delhi, 1968.

7. Buddhism In Modern India by Dr.D.C.Ahir, New Delhi, India, 1972.

8. Buddhist Remains In India by Dr.A.C.Sen, New Delhi, 1956.

9. Geography Of Early Buddhismby B.C.Law, New Delhi, 1979.

10. Buddhist Monuments by Debala Mitra, Calcutta, 1971.

11. Buddhist Centres in Ancient India by B.Nath Chaudhury, Calcutta, 1969.

12. A Dictionary Of India Historyby S.Bhattacharya, University of Calcutta, Calcutta, 1967.

13. A Dictionary Of Buddhism by T.O.Ling, New York, 1972.

14. A History Of South East Asia by D.G.E.Hall, New York, 1968.

15. Encyclopaedia Of Buddhism, Vol.III, Edited by Dr.G.P.Malalasekera, Government of Ceylon, Ceylon 1972.

16. A Record Of Buddhistic Kingdoms, Translated from the Chinese of Fa Hien by James Legg, San Francisco, 1975.

17. Buddhist Records Of The Western World(Si Yu Ki), Translated from the Chinese of Hiuen Tsiang by Samuel Beal. Delhi, 1969.

18. A Record Of The Buddhist Religion As Practised In India And The Malay

Archipelago, Translated from the Chinese of I-Tsing by J.Takakusu, Delhi, 1966.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/07/2021(Xem: 5884)
Những “Tôn Giáo với lòng nhân từ” không thuộc về Thiên Chúa Giáo đã sớm được những nhà khoa học về Tôn Giáo của phương Tây chú ý theo dõi, đặc biệt vì song song với việc cải cách tư duy của Sola Gratia (chỉ cần nhân ái) và Sola Fide (chỉ qua niềm tin), được đặc biệt đáng chú ý. Cũng như vậy, Rudolf Otto trong quyển sách của ông ta nhan đề là “Tôn Giáo với lòng nhân từ của Ấn Độ và Thiên Chúa Giáo” (Gotha xuất bản năm 1930) theo chiều hướng của Ấn Độ Giáo, lòng nhân từ là điểm chính đã được đề cập đến, mà còn được xem là “sự cạnh tranh trọng yếu” của Thiên Chúa Giáo. Ngay cả học trò của Otto là Gustav Mensching cũng đã sẵn sàng dựa vào đó để tạo thành tác phẩm Tôn Giáo về hiện tượng Tôn Giáo.
11/07/2021(Xem: 6642)
Tháng vừa rồi, tôi dành thời gian để đọc và suy ngẫm về cuốn sách “Tìm bình yên trong gia đình”. Đơn giản bởi tôi và nhiều chúng ta đã dành quá nhiều thời gian hướng ngoại và đôi khi quên mất gia đình. Đôi khi giật mình, đã không đầu tư đủ thời gian cho ngôi nhà của mình, đã không biết cách để bình yên luôn có trong ngôi nhà thân thương của mình. Cảm quan về tựa đề sách và trang bìa của cuốn sách khiến tôi có cảm giác như được bước vào một thế giới với những trang sách tràn ngập nội dung bình yên, giúp tôi được bồng bềnh nhẹ tựa mây. Đọc sách, tôi giật mình: Những bước chân trên cuộc hành trình TÌM BÌNH YÊN TRONG GIA ĐÌNH trong cuốn sách thực sự không hẳn êm đềm như những gì tôi tưởng tượng. Sau khi đọc hết một nửa chương sách. Mình đã phải dừng lại hồi lâu. Bởi vì quá xúc động!
10/07/2021(Xem: 4758)
Nhà nước Trung Quốc đang bơm tiền cho chiến lược Nhất Đới Nhất Lộ, còn gọi là Con Đường Tơ Lụa Mới, ra sức đầu tư để ảnh hưởng vào gần 70 quốc gia và tổ chức quốc tế. Tiếng Anh gọi chiến lược gây ảnh hưởng này là "Belt and Road Initiative" và tiếng Việt gọi là "Một vành đai, Một con đường" -- trong đó, Phật Giáo là một phần tiếp cận để chinh phục nhân tâm. Đó là nhận định của tác giả P. Stobdan trên các báo Ấn Độ.
09/07/2021(Xem: 5269)
Soi sáng lời dạy của đức Phật là tựa đề tác phẩm tập hợp nội dung các bài giảng, các bài pháp thoại của Hòa thượng Pháp Tông trong những buổi giảng kinh ở một số khóa tu học Xuất gia gieo duyên những năm trở lại đây, hoặc trong các buổi giảng dạy định kì ở chương trình cùng tên vào mỗi sáng thứ bảy tuần thứ nhất và tuần thứ ba trong tháng.
09/07/2021(Xem: 5137)
Vào ngày Thứ Ba (June 22) vừa qua, được sự cho phép của chính quyền địa phương làng Krisna và Pawanpur Village Bihar India, nhóm Từ thiện Bodhgaya Heart chúng con, chúng tôi đã tiếp tục hành trình cứu trợ thực phẩm cho dân nghèo mùa Dịch covid. Xin mời chư vị xem qua một vài hình ảnh tường trình.. Buổi phát quà cứu trợ cho 354 căn hộ tại 2 ngôi làng cách Bồ đề Đạo Tràng chừng 36 cây số.
07/07/2021(Xem: 4443)
Tâm Kinh nói rằng: “Sắc tức là không, không tức là sắc.” Sắc sao lại là không? Không sao lại là sắc? Vấn đề nầy khiến cho mọi người luôn luôn cảm thấy có phần nào khó hiểu; hình như đây là hai đối tượng, đều biến thành cực đoan, làm sao có thể hợp nhau lại thành một được? Nguyên vì chúng ta thường đem vấn đề Sắc trực tiếp tiến hành khảo sát thì có quan điểm để giải thích, còn đem vấn đề Không trực tiếp tiến hành khảo sát thì không có quan điểm để lý giải.
06/07/2021(Xem: 5727)
- Kính thưa chư Tôn đức, chư Thiện hữu & quí vị hảo tâm. Vào ngày Thứ 7 (July 03) vừa qua, chúng con chúng tôi đã thực hiện một buổi phát chẩn tại 2 ngôi Làng Kusa & Niranjan Village. Làng Kusa chính là ngôi làng có ngôi đền Kusa Temple cách Bồ đề Đạo Tràng chừng 6 cây số, đánh dấu nơi ngàn xưa Thế Tôn đã thọ nhận 8 bó cỏ của người nông phu, rồi từ địa điểm đó Ngài đã mang cỏ về trải làm toạ cụ dưới Cội Bồ Đề và tu hành chứng Đạo. Hiện nay dân chúng nơi đây nói riêng và nhiều nơi trên xứ Ấn nói chung vẫn khổ sở vì Dịch Covid còn kéo dài lê thê, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nên kinh tế của xứ này
06/07/2021(Xem: 5828)
Bài viết này có chủ đề về các pháp thực dụng cho người bệnh nặng, hay đang nằm trên giường cận tử. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều nơi tại Việt Nam đang phong tỏa và cách ly. Riêng tại Sài Gòn vào đầu tháng 7/2021 đã có 636 điểm phong tỏa, nghĩa là cả nước có cả ngàn điểm phong tỏa để khoanh vùng chống dịch. Do vậy, câu hỏi dễ gặp là: người cư sĩ nên nói gì với một cư sĩ khác đang nằm bệnh hay đang hấp hối? Và nhiều trường hợp khác, tương tự. Một số pháp ghi lại nơi đây thích nghi với cả hàng cư sĩ, trong đó có kinh dạy cho người cư sĩ cách hướng dẫn các pháp quán để người cận tử có thể giải thoát ngay khi lìa đời.
03/07/2021(Xem: 4498)
- Kính thưa chư Tôn đức, chư Thiện hữu & quí vị hảo tâm. Vào ngày Thứ Bảy (June 12) vừa qua, được sự cho phép của chính quyền địa phương làng Durgagar và Armoba Village Bihar India, nhóm Từ thiện Bodhgaya Heart chúng con, chúng tôi đã tiếp tục hành trình cứu trợ thực phẩm cho dân nghèo mùa Dịch covid. Xin mời chư vị xem qua một vài hình ảnh tường trình.. Buổi phát quà cứu trợ cho 358 căn hộ tại 2 ngôi làng cách Bồ đề Đạo Tràng chừng 9 cây số.
03/07/2021(Xem: 5539)
Kính lễ đạo sư và đấng bảo hộ của chúng con, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát! Sự thông tuệ của ngài chiếu soi như mặt trời, không bị che mờ bởi vọng tưởng hay dấu vết của si mê, Ngài giữ trong tim một bộ kinh biểu tượng của việc thấy tất cả mọi thứ như chúng là, Người dạy trong sáu mươi cách, với lòng từ bi yêu thương của một từ thân với đứa con duy nhất, Đến tất cả các tạo vật bị giam trong tù ngục của luân hồi, Bối rối trong bóng tối của si mê, tràn ngập bởi khổ đau của họ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]