Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

01. Thành Ca Tỳ La Vệ

14/07/201112:28(Xem: 8703)
01. Thành Ca Tỳ La Vệ

THÀNH CA TỲ LA VỆ (KAPILAVASTU)

QUÊ HƯƠNG CỦA ÐỨC PHẬT

I. CA TỲ LA VỆ THỜI ĐỨC PHẬT

A. NGUỒN GỐC VÀ SỰ THÀNH LẬP

Ca Tỳ La Vệ (P: Kapilavatthu; Skt.: Kapilavastu), ngày nay có tên là Padaria, vào thời đức Phật tại thế, là thủ đô của vương quốc thuộc dòng họ Thích Ca (Sakyas), dưới quyền trị vì của vua Tịnh Phạn (P: Suddhodana). Ca Tỳ La Vệ, vào thời ấy, là một thuộc quốc của nước Kiều Tát La (Kosala). Nhà vua bấy giờ cai trị Kosala là Ba Tư Nặc (P: Pasenadi; Skt.: Prasenajit), có kinh đô đóng tại thành Xá Vệ (Skt.: Sravasti), miền đông bắc Ấn Độ.

Theo sử liệu ghi chép trong các kinh sách, vị thủy tổ của dòng họ Thích Ca (Sakyans) và sáng lập vương quốc Thích Ca là vua Okkaka thuộc triều đại Solar (Thái Dương). Vua Okkaka bấy giờ đóng đô tại Saketa (có thuyết cho rằng Saketa là cựu kinh đô trước kia của xứ Kosala). Về sau, vua Okkaka, vì sủng ái nàng thứ phi nên đã âm mưu với bà này, lưu đày các hoàng tử và công chúa, con của hoàng hậu, vợ chánh của nhà vua.

Theo tục truyền, một hôm, bốn hoàng tử con vua Okkaka là Ukkamukha, Karakanda, Hatthinika và Nipura, trong cuộc lưu đày, đi về hướng Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya), mong tìm địa điểm để thành lập một tiểu quốc mới. Họ đến gặp hiền sĩ Kapila, có tài tiên tri, và vị này bảo cho họ biết rằng, bất cứ kinh thành nào được thiết lập nơi vùng đất ông ta đang ẩn tu, sau này vương quốc và chủng tộc đó sẽ phồn thịnh, phú cường. Nghe theo lời chỉ giáo của đạo sĩ Kapila, các hoàng tử con vua Okkaka bèn lập kinh thành tại đó, và dùng tên vị ẩn sĩ Kapila để đặt cho vương quốc mới của họ là Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ).

Về sau, ba trong bốn hoàng tử nói trên qua đời, vị hoàng tử thứ tư còn sống, một mình lãnh đạo nước Ca Tỳ La Vệ. Con của nhà vua này là Kuru. Thái tử con vua Kuru là Sinhahanu (Sư Tử Giáp). Vua Sinhahanu có năm hoàng tử, trong đó Tịnh Phạn (Suddhodana) là con trưởng, bốn người kia là Dhotodana, Sakkodana, Sukkodana và Amitodana, với hai công chúa là Amita và Pamita. Sau khi vua Sinhahanu từ trần, Tịnh Phạn được dân chúng bầu lên làm vua, trị vì vương quốc Thích Ca. Thái tử, con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Gia (Maha Maya) là Tất Đạt Đa (P: Siddhattha), người sau này đã xuất gia, đi tu thành Phật.

B. LÃNH THỔ VÀ DÂN SỐ

Về vị trí địa dư, chúng ta biết rằng xưa kia, tiểu quốc Thích Ca nằm dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya), hướng đông giáp hai vương quốc Ly Xa (Licchavis) và Ma Kiệt Ðà (Magadha); hướng tây giáp nước Kiều Tát La (Kosala) và phía bắc là sông Rohini, làm ranh giới ngăn chia thành Ca Tỳ La Vệ với thị tộc Câu Ly (Koliya) nằm ở bờ bên kia. Về dân số, theo sử liệu ghi chép của nhà đại luận sư Buddhaghosa (Phật Minh), người Ấn Độ cho biết vào thời đó, đức Phật có chừng 80.000 gia đình thân quyến bên nội, và khoảng bằng con số đó gia đình thân tộc bên ngoại. Theo Dr. Rhys Davids, nếu mỗi gia đình có 6 hoặc 7 người, thì tính ra tổng dân số của thị tộc Thích Ca ở thành Ca Tỳ La Vệ bấy giờ, có thể lên tới khoảng một triệu người.

C. CHÍNH TRỊ VÀ KINH TẾ

Về tổ chức chính trị, vào thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch, bộ tộc Thích Ca (Sakyas) ở Ca Tỳ La Vệ theo chính thể Cộng Hòa (Republic) như các thị tộc Vajjans vàLyXa (Licchavis) ở thành TỳLy(Vaisali) hay bộ tộc Mạt La (Mallas) ở thành Câu Thi Na (Kusinagara). Dân chúng bầu lên một vị trưởng tộc, tiếng Ấn Độ gọi là “Ràjà” (Vua) để lãnh đạo trong nước. Mọi việc hành chánh và pháp luật của thứ dân đều được mang ra bàn cải và thảo luận ở đại hội, với sự tham dự của mọi giới trẻ cũng như già tại một nơi gọi là “Hội Trường”, được dựng lên thường chỉ có mái che ở trên, còn bốn phía để trống, chứ không có tường vách.

Hội trường này được xem như tòa nhà Quốc Hội hay nghị viện của chế độ dân chủ chúng ta ngày nay. Chính tại Hội Trường này, dân chúng đã họp bầu Tịnh Phạn (Suddhodana) lên làm vua, lãnh đạo vương quốc Thích Ca, sau khi vua cha Sư Tử Giáp (Sinhahanu) băng hà. Cũng tại nơi đây, vấn đề vua Ba Tư Nặc, bấy giờ muốn cầu hôn, cưới làm hoàng hậu một công chúa của bộ tộc Thích Ca, đã được đem ra bàn cãi, thảo luận với dân chúng. Người chủ tọa các buổi đại hội này, thường là vị Trưởng Tộc, tức là nhà vua (Ràjà), do dân chúng tín nhiệm bầu lên.

Về phương diện kinh tế, người dân Ca Tỳ La Vệ phần đông sống bằng nghề nông và nuôi gia súc. Họ thiết lập làng này cách làng kia bởi một khu rừng. Các nông dân thường sống tụ tập chung quanh gần ruộng lúa của họ, còn những người chuyên sống với nghề nuôi gia súc thì đến lập nghiệp ở các miền núi xa xôi. Trong mỗi làng cũng có các thợ thủ công, không thuộc vương tộc Thích Ca (Sakayas) chung sống. Một số người làm các nghề đặc biệt như thợ mộc, thợ rèn, thợ gốm, sống tại những ngôi làng riêng của họ. Cũng có chợ búa với vài cửa tiệm nhỏ, nhưng chúng ta không nghe nói gì về các thương gia hay chủ ngân hàng, như thường thấy xuất hiện tại nhiều thành phố lớn ở các vương quốc Ấn Độ khác. Trong gia đình, khi người dân có việc ma chay, cưới hỏi, do sự thỉnh cầu, các thầy Bà La Môn (Brahmins) sẽ giúp đỡ cho họ.

D. ĐỨC PHẬT TRỞ VỀ THĂM CA TỲ LA VỆ.

Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhattha) từ khi rời bỏ cung điện, vượt thành Ca Tỳ La Vệ xuất gia, tu hành thành Phật, chúng ta biết rằng sau này, Ngài có trở về thăm quê hương, nhưng bao nhiêu lần thì theo các học giả, không ai có thể xác định rõ. Tuy nhiên, dưới đây là những lần, được kinh sách ghi chép, đáng cho chúng ta ghi nhớ:

1. Lần thứ nhất

Sau 9 lượt vua Tịnh Phạn cho sứ thần đến cung thỉnh nhưng thất bại; lần chót, đức vua phái ngài Ca Lưu Ðà Di (Kaludayi) đi triệu thỉnh; đức Phật, vào năm đầu tiên, sau khi Ngài chứng Đạo, lần thứ nhất, đã trở về thăm Ca Tỳ La Vệ, trong lúc Ngài đang an cư kiết hạ tại thành Vương Xá (Rajagaha). Vương xá cách xa Ca Tỳ La Vệ 180 dặm (miles), đức Phật cùng với 20.000 đệ tử của Ngài, đã chứng quả A La Hán, đi mất hai tháng mới đến quê nhà. Vua Tịnh Phạn đón tiếp đức Phật tại huê viên Ni Câu Ðà (Nigrodha). Để cảm hóa và khắc phục tánh ngạo mạn của các vị cao niên dòng họ Thích Ca không đảnh lễ khi gặp đức Phật, Ngài liền hóa phép thần thông bay lên hư không, làm cho nước và lửa cùng một lúc phát sanh ra từ lổ chân lông. Vua Tịnh Phạn cùng với các hoàng thân khác, trước oai lực thần thông của đức Phật, tất cả đều đến kính lễ Ngài. Đây là lần thứ ba, vua Tịnh Phạn đảnh lễ con của mình.

Trong lần trở về thăm Ca Tỳ La Vệ đầu tiên này, đức Phật đã thuyết pháp tại vương cung nhiều lần, và nhờ nghe pháp, vua Tịnh Phạn đã chứng đắc ba quả (trong bốn quả Thánh): Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, và A Na Hàm; còn hoàng hậu Ma Ha Ba Xà Ba Đề (P: Pajapati Gotami), mẹ nuôi của đức Phật, thì đắc sơ quả Tu Đà Hoàn (quả đầu tiên trong bốn quả Thánh). Ngày thứ hai, đức Phật ghé thăm tư thất của công chúa Da Du Đà La (vợ của đức Phật khi Ngài còn là thái tử Tất Đạt Đa). Sau khi công chúa đảnh lễ đức Phật, Ngài đã thuật cho nàng nghe mẫu chuyện tiền thân Candakinnara, nhắc lại mối liên hệ giữa Ngài và công chúa trong kiếp quá khứ để an ủi bà ta. Ba ngày sau, đức Phật đến thăm hoàng tử Nan Đà (Nanda), con bà di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề, em cùng cha khác mẹ với đức Phật, trong lúc Nan Đà đang tổ chức lễ thành hôn. Đức Phật thuyết giảng giáo lý cho Nan Đà nghe, và sau cùng, ông ta đã giác ngộ, theo Ngài xuất gia làm đệ tử. Một tuần sau, đức Phật lại tế độ cho con của Ngài là La Hầu La (Rahula), mới lên 7 tuổi, xuất gia.

2. Lần thứ hai

Vào hạ thứ năm, đức Phật đang an cư tại tịnh xá Đại Lâm (Mahavana), gần thành Tỳ Xá Ly (Vaisali), khi được tin vua Tịnh Phạn lâm bệnh nặng, lần thứ hai, Ngài trở về Ca Tỳ La Vệ, đến tận phòng để thăm và thuyết pháp cho vua cha nghe. Đức vua sau đó, đã chứng đắc quả A La Hán (quả thứ tư cao nhất trong bốn quả Thánh), nhập định trong 7 ngày và viên tịch luôn. Sau khi làm lễ hỏa táng vua Tịnh Phạn xong, bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề, đến đảnh lễ đức Phật, bấy giờ đang ngự tại chùa Nigrodha, và thỉnh cầu Ngài hoan hỷ cho phép hàng nữ giới được xuất gia, nhưng đức Phật đã một mực từ chối. Cũng trong chuyến về thăm quê nhà lần này, đức Phật đã dàn xếp giúp đỡ cho hai thân tộc Thích Ca (Sakyas) và Câu Ly (Koliya) tránh được một cuộc giao tranh, vì hai bên giành nước tưới ruộng từ con sông Rohini. Cảm phục ân đức hòa giải của đức Phật, vào lúc ấy, cả hai họ tộc mỗi bên đã khuyến khích cho phép 250 thanh niên, gồm tổng số 500 người theo đức Phật đi tu, gia nhập đoàn thể Tăng già.

3. Lần thứ ba.

Để ngăn chận vua Tỳ Lưu Ly (P: Vidudabha; Skt.:Virudhaka), con vua Ba Tư Nặc, nước Kiều Tất La (Kosala), vì cừu oán xưa, đem quân quyết tiêu diệt dòng họ Thích Ca (Sakyas) nên lần thứ ba, đức Phật trở về thăm quê nhà. Kinh sách ghi chép rằng, ba lần xuất quân, ba lần Tỳ Lưu Ly gặp đức Phật xuất hiện ở bên ngoài thành Ca Tỳ La Vệ để ngăn cản, khiến Tỳ Lưu Ly phải rút quân về. Nhưng đến lần thứ tư, vì biết nghiệp nhân quá khứ của dòng họ Thích Ca quá nặng, không cách gì ngăn tránh quả báo được nữa, nên đức Phật đã không can thiệp vào, và cuối cùng, phần lớn dòng họ Thích Ca ở thành Ca Tỳ La Vệ đã bị Tỳ Lưu Ly mang quân xâm lăng sát hại.

II. CA TỲ LA VỆ QUA KÝ SỰ CỦA CÁC NHÀ HÀNH HƯƠNG TRUNG QUỐC

A. KÝ SỰ CỦA NGÀI PHÁP HIỂN (FA-HIEN) 399-414.

Ngài Pháp Hiển (Fa-Hien), danh tăng Trung Hoa đến chiêm bái Ca Tỳ La Vệ vào năm 403 tây lịch, đã diễn tả thành này như sau:

“… Đi về hướng đông khoảng một yojana hay do tuần (bằng 7 dặm), du khách sẽ đến thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu). Trong hoàng thành không có vua, cũng chẳng thấy người. Toàn cảnh chỉ là dấu vết của sự đổ nát, hoang tàn, và những mô đất không có người ở. Chúng tôi gặp một vài nhà sư, và khoảng vài chục gia đình nông dân… Khắp thành Ca Tỳ La Vệ đều hoang vắng, dân chúng rất ít và sống thưa thớt. Trên đường đi, du khách phải cẩn thận đề phòng chống lại mấy con bạch tượng và sư tử...”

Trích “Fa-Hien’s Record of Buddhistic Kingdoms”,translated of Chinese Text, by James Legge (“Ký Sự về các Vương Quốc Phật Giáo”của Ngài Pháp Hiển) Chương 21, trang 64; Chương 22, trang 68.

B. KÝ SỰ CỦA NGÀI HUYỀN TRANG (HIUEN TSIANG) 629-645.

Qua ký sự của Ngài Huyền Trang dưới đây chúng ta thấy có nhiều sự diễn tả sai khác về thành Ca Tỳ La Vệ, giữa hai nhà hành hương, Huyền Trang và Pháp Hiển, lý do bởi vì, theo học giả Vincent A. Smith, ngài Pháp Hiển xác định vị trí Ca Tỳ La Vệ nằm cách vườn Lâm Tỳ Ni (nơi đức Phật giáng sanh) khoảng 9 dặm (miles) về hướng tây; trong khi ngài Huyền Trang lại bảo rằng từ 15 đến 16 dặm (1 mile: 1 km 609). Và điều này có nghĩa là, đối với hai danh Tăng Trung Hoa nói trên, có hai nơi khác nhau được xem như là thành Ca Tỳ La Vệ.

Ngài Huyền Trang đến thăm Ca Tỳ La Vệ vào năm 636 tây lịch, sau ngài Pháp Hiển (Fa-Hien) khoảng 233 năm, đã ghi chép trong tập ký sự “Tây Du Ký” (SiYuKi) của Ngài như sau:

“…Từ thành Xá Vệ (Sravasti) đi về hướng đông nam khoảng 500 lý (tiếng Tàu: Li) hay hơn 166 dặm (1 lý: 1 phần 3 dặm), chúng tôi đến thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu). Chu vi của vương quốc này rộng chừng 4.000 lý (hơn 1.333 dặm). Tại đây hiện còn độ 10 thành phố hoang sơ, hầu hết vắng vẻ và điêu tàn. Kinh đô đã bị phá hủy và trong cảnh đổ nát. Chu vi của nó không thể biết rộng bao nhiêu. Khu vực hoàng cung ở trong thành rộng vào khoảng 14 hay 15 lý (5 dặm). Tất cả thành xây bằng gạch. Nền của thành đang còn rắn chắc và cao. Các làng dân chúng đều thưa thớt và hoang vắng.

Không có nhà cầm quyền tối cao. Mỗi thành phố bầu lên vị lãnh đạo riêng của họ. Đất đai màu mỡ, phì nhiêu, và trồng trọt theo từng mùa. Khí hậu đồng nhất, tánh tình dân chúng hiền lành và ưa giúp đỡ. Có khoảng hơn 1.000 di tích các ngôi chùa đổ nát còn lại, bên cạnh khu vực của hoàng gia thấy có một ngôi chùa với chừng 30 tín đồ đang học hỏi giáo phái Chánh Lượng Bộ (Sammatiya) của Tiểu Thừa. Trong khu vực hoàng cung thấy có những khu nền của các tường thành đổ nát; đây chính là di tích cung điện của vua Tịnh Phạn, trên đó người ta xây cất một ngôi chùa, bên trong tôn trí một pho tượng của đức vua. Không xa nơi này là một cái nền đổ nát khác, di tích cung điện nghỉ ngơi của hoàng hậu Ma Gia (vợ vua Tịnh Phạn); trên đó, dân làng xây dựng một ngôi chùa, bên trong đặt một pho tượng của hoàng hậu….

“…Tại khu vực đông nam của thành Ca Tỳ La Vệ là một ngôi chùa, bên trong tôn trí hình tượng của thái tử (Tất Đạt Đa), đang cởi trên lưng ngựa trắng, ghi dấu nơi thái tử đã rời hoàng thành. Bên ngoài trước mỗi một trong 4 cửa thành, người ta dựng một ngôi chùa, bên trong mỗi chùa bài trí một ảnh tượng trong 4 cảnh sau đây: người già, người bệnh, người chết và một vị Sa Môn. Đây là những nơi ghi dấu xưa kia thái tử đi xe ra dạo chơi ngoài thành, tiếp xúc với mọi cảnh khổ của dân chúng, khiến thái tử đâm buồn chán, không còn ham thích thú vui trần thế, và đã bảo tên hầu cận (Xa Nặc) quay xe trở lại hoàng cung….

“…Về hướng tây bắc của kinh thành, thấy có hàng trăm và hàng ngàn ngọn tháp, ghi dấu những nơi xưa kia các thân tộc của dòng họ Thích Ca đã bị quân của Tỳ Lưu Ly (Virudhaka) tắm máu. Vua Tỳ Lưu Ly, vì hận thù ngày trước, sau khi xâm lăng đánh bại quân của hoàng tộc Thích Ca, đã bắt vô số dân chúng Ca Tỳ La Vệ lên đến 9.999 người và ra lệnh cho tàn sát hết. Xác người chết chất chồng như rạ, và máu lai láng chảy thành hồ….”.

Trích “Buddhist Records of the Western World”, translated from the Chinese of Hiuen Tsiang, by Samuel Beal (“Tây Du Ký” của Ngài Huyền Trang), Quyển VI, trang 13,14,15,18 và 20.

III. CA TỲ LA VỆ NGÀY NAY.

Theo sự nghiên cứu của các học giả Vincent A. Smith, Dr. Vost, Dr. Rhys Davids, P.C. Mukherji và Nundo Lal Dey, cho chúng ta biết rằng, thành Ca Tỳ La Vệ của vua Tịnh Phạn ngày xưa, hiện nay nằm trên bờ phía đông của sông Banganga, bao gồm các làng Chitra-Dei Ramghat, Sandwa và Tilaurakota (thuộc xứ Nepal), trong đó Tilaurakota được các nhà khảo cổ xác nhận như là thành lũy và cung điện trước kia của vua Tịnh Phạn. Tilaurakota hiện nằm ở địa hạt Terai trong vùng biên giới của hai nước Nepal - Ấn Độ, xa chợ Taulihawa một dặm rưởi. Chợ này cách khoảng 12 dặm về hướng bắc và đông bắc của ga Shoharatgarh, nằm trên tuyến đường hỏa xa đông bắc Ấn Độ (North-Eastern Railway). Con đường 12 dặm từ nhà ga này đến chợ Taulihawa, phương tiện giao thông duy nhất là chúng ta chỉ có thể đi bộ, dùng xe bò hay xe ngựa, vì đường xe hơi lúc bấy giờ chưa thiết lập.

Toàn khu vực rộng lớn xung quanh chợ Taulihawa hiện nay đang còn trông vẻ cổ kính của thành Ca Tỳ La Vệ ngày xưa. Trải qua hàng chục thế kỷ cả vùng này cũng như các miền chung quanh làng Tilaurakota đều hoang vắng, ít người ở; và ngày nay nó mới chỉ được các nhà nghiên cứu, khảo cổ khám phá, biết rõ một phần nào mà thôi. Dân chúng thỉnh thoảng đào đất và bất chợt tìm thấy rải rác tại đây các pho tượng, đồ đất nung, và những đồng tiền bằng kim loại; đôi khi gặp cả tiền vàng và chuổi tiền đồng v.v... Gần 20 năm trước, kể từ khi giáo hội Tăng Già Phật Giáo Nepal thành lập, các Thượng tọa như Bhadanta Dhammaloka, Aniruddha và nhiều đại đức khác trong giáo hội, đã nghĩ đến việc tìm cách duy trì và bảo vệ thánh tích Ca Tỳ La Vệ thiêng liêng này. Trong thời gian đó, chính phủ Nepal cũng đã ủy thác cho Nha Khảo Cổ (Archaeological Department) trùng tu, chăm sóc các Phật tích trong vùng Terai, gần biên giới Nepal và Ấn Độ. Đặc biệt với sự tài trợ, giúp đỡ của Nha Khảo Cổ, đại học Mahendra tại Kathmandu (Nepal), trong nhiều năm qua, đã thu được vô số thành quả tốt đẹp trong công tác khai quật, khám phá tại vùng Tilaurakota, Piparahawa và các nơi khác, để mong tìm thấy thêm các chứng tích lịch sử về thành Ca Tỳ La Vệ.

IV. CÁC DI TÍCH TẠI THÀNH CA TỲ LA VỆ.

Dưới đây là các di tích hiện còn tại Ca Tỳ La Vệ mà du khách hành hương có thể chiêm bái tại chỗ khi đến viếng thánh tích này.

1. Kudàna

Kudana là một ngôi làng cách chợ Taulihawà khoảng hơn hai cây số về hướng nam. Tại đây có hai mô đất (ngọn tháp) lớn bằng gạch và bằng đất; dân địa phương gọi là Lori-Ki-Kudana. Người ta tin có thể chỗ này là nơi đản sanh của đức Phật quá khứ Krakucchanda (Câu Lưu Tôn) và thân phụ của Ngài. Krakucchanda (P: Kakusandha) là đức Phật thứ nhất trong đời Hiền Kiếp (Bhadra-Kalpa) này, và là đức Phật thứ tư trong 7 vị cổ Phật (thất Phật). Theo kinh sách ghi chép, Ngài là con của Aggidatta, theo đạo Bà La Môn; và mẹ là Visakha. Ngài viên tịch, hưởng thọ 40.000 tuổi. Có thuyết cho rằng Kudana là nơi xưa kia đức Phật Thích Ca, sau khi đắc đạo, về thăm Ca Tỳ La Vệ, gặp đức vua Tịnh Phạn, và là chỗ 500 người dòng họ Thích Ca (Sakyas) quy y Tam Bảo; cũng chính tại nơi này, đức Phật thuyết pháp cho hàng chư thiên.

Ngài Huyền Trang, trong tập “TâyDuKý”, đã ghi lại cảnh trí ở đây như sau:

“...Từ hướng nam của thành Ca Tỳ La Vệ, đi chừng 50 lý (hơn 16 dặm), chúng tôi đến một thành phố xưa, nơi đây thấy có xây một ngọn tháp, ghi dấu chỗ đản sanh của đức Phật Câu Lưu Tôn (Krakucchanda) trong đời Hiền Kiếp, lúc ấy con người sống đến 60.000 tuổi thọ...”

Trích “TâyDu” của Ngài Huyền Trang, bản dịch tiếng Anh của Samuel Beal, quyển VI, trang 18.

Ngài Pháp Hiển (Fa-Hien) cũng có ghi lại trong tập Ký Sự, khi ngài đến viếng nơi này:

“…Từ thành Xá Vệ (Sravasti) đi về hướng đông nam chừng 12 do tuần (bằng 84 dặm), du khách đến một thành phố, được xem là nơi đản sanh của đức Phật Câu Lưu Tôn (Krakucchanda). Tại nơi Ngài gặp thân phụ của Ngài và chỗ Ngài nhập Niết Bàn, đều có xây dựng trụ đá…”

Trích “Ký Sự về các Vương Quốc Phật Giáo” của Ngài Pháp Hiển, bản dịch tiếng Anh của James Legge, Chương 21, trang 64.

2. Nigalhawà

Nigalihawa là tên một ngôi làng, cách chợ Taulihawa 4 dặm về hướng bắc. Đây là nơi ghi dấu chỗ ra đời của đức Phật quá khứ Câu Na Hàm Mâu Ni, (P: Konagamana; Skt.: Kanakamuni). Kanakamuni là đức Phật thứ năm trong bảy vị cổ Phật (thất Phật), và là đức Phật thứ nhì trong đời Hiền Kiếp (Bhadra-Kalpa) này. Theo Đại Sử (Mahavamsa) của Tích Lan, đức Phật Kanakamuni sinh trong một gia đình Bà La Môn. Thân phụ của Ngài là Yannadatta, và mẹ là Uttara. Ngài nhập diệt, hưởng thọ 3.000 tuổi.

Gần làng Nigalihawa có một cái hồ lớn, dân chúng địa phương gọi là hồ Nigali. Vào năm 1899, người ta đào thấy ở đây một trụ đá bị gãy đôi của vua A Dục, phần trên dài gần năm thước, bị lấp trong lùm cây cạnh bờ hồ, và phần dưới dài gần một thước, nằm trên mặt đất. Phần trên của trụ đá có ghi hàng chữ Tây Tạng, với câu chú: “OM MANI PADME HUNG” (Án Ma Ni Bát Di Hồng) và trên dòng chữ này có khắc hình hai con công. Phần nửa trụ đá dưới có khắc hàng chữ Brahmi (tiếng Ấn Độ thời cổ), ghi lại chuyến đến thăm Ca Tỳ La Vệ của vua A Dục (Asoka), khi Ngài từ vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) trở về, như sau:

Devanam piyena Piyadasina lajina chodasavasa (bhisi) tena

Budhasa Kranaka manas thube dutiyam baddhite (Bisa-tiva)

Sabhistena cha atana agacha mahiyite (Sila thube cha us)

Papite…

Phỏng dịch: “Hoàng đế A Dục (Piyadasina) vào năm thứ 14 triều đại vua này, đã mở rộng lần thứ hai, tháp của đức Phật Câu Na Hàm (Kanaka), và đến năm thứ 20 triều đại của Ngài, nhà vua đã đích thân đến đây để lễ bái và cho xây dựng trụ đá”.

Trong tập “Tây Du Ký”, ngài Huyền Trang cũng có ghi chép về chỗ này:

“…Từ thành phố của đức Phật Câu Lưu Tôn (Krakucchanda), đi khoảng 30 lý (10 dặm) về hướng đông bắc, chúng tôi đến một kinh thành cổ, trong đó có một ngọn tháp (Stupa). Tháp này là nơi kỷ niệm, đánh dấu trong đời Hiền Kiếp, vào lúc con người sống đến 40.000 tuổi thọ, đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni (Kanakamuni) đã ra đời tại đây…

“Xa hơn về phía bắc có một ngọn tháp thờ xá lợi (xương tro) của đức Phật Kanakamuni, phía trước ngôi tháp, vua A Dục cho dựng một trụ đá cao 20 feet (độ hơn 6 thước tây), trên chóp có khắc hình con sư tử. Trên mặt trụ đá ghi khắc biến cố ngày nhập Niết Bàn của Ngài….”

Trích tập “Tây Du Ký”của Ngài Huyền Trang, bản dịch tiếng Anh của Samuel Beal, quyển VI, trang 19.

3. Tháp Piparahawà

Theo học giả V.A. Smith, tháp Piparahawà nằm cách làng Tilaurakota 10 dặm về hướng bắc và tây bắc, trong khi nhà khảo cứu J. Fleet xác định vùng này cách xa khoảng 10 dặm thành phố Nowgarh trong quận Basti của Ấn Độ. Ông V.A. Smith cho rằng đây là ngôi tháp danh tiếng và ý nghĩa nhất trong vùng. Ông cũng tin rằng có thể các di tích tìm thấy ở vùng Piparahawà đại diện cho thành Ca Tỳ La Vệ của ngài Pháp Hiển (Fa-Hien); còn những di tích khám phá tìm ra ở Tilaurakota là Ca Tỳ La Vệ của ngài Huyền Trang (Hiuen Tsiang).

Dr. Rhys Davids lại bảo có thể di tích ở Tilauràkota là thành Ca Tỳ La Vệ củ thời vua Tịnh Phạn, còn tại Piparahawà là thành mới được xây cất sau khi thành Ca Tỳ La Vệ xưa bị quân của vua Tỳ Lưu Ly tàn phá, hũy diệt. Nhưng lý thuyết về hai Ca Tỳ La Vệ đã bị Dr. Hoey và Dr. W. Vost hoàn toàn bác bỏ trong bài khảo cứu của hai học giả này đăng ở “Journal of the Royal Asiatic Society”(Tạp chí của Hội Hoàng Gia Á Châu) ấn hành năm 1906 tại Luân Đôn (London), Anh Quốc, trang 453 và 553.

Trở lại tháp Piparahawà, có thuyết cho rằng đây là nơi đã xảy ra cuộc tắm máu dòng họ Thích Ca của quân vua Tỳ Lưu Ly, khi qua xâm lăng Ca Tỳ La Vệ. Ngôi tháp tại làng Piparahawà này, theo tài liệu của Dr. Buhler cho biết, lần đầu tiên do ông W.C. Peppé khám phá ra vào tháng giêng năm 1898. Theo J.F. Fleet, ngọn tháp có thể được xây cất khoảng vào năm 482 B.C. (trước Tây lịch). Trong tháp người ta tìm thấy một cái hòm lớn bằng sa thạch (sandstone), trong đựng năm cái bình (vessels) xá lợi (relics), gồm có ba cái bình bằng đá, một cái hộp nhỏ bằng đá và một cái bát bằng thủy tinh có tay cầm. Năm bình xá lợi này, theo hai nhà khảo cứu J.F. Fleet và Edward J. Thomas cho biết, chứa đựng đủ thứ: chuổi tràng bằng đá và đất sét, chuổi hột, đồ trang sức bằng vàng, hơn 1.000 mẫu hình vuông và ngôi sao bằng vàng lá có khắc hình con sư tử, nhiều đá quý và xá lợi v.v… Quanh vành nắp của một trong những bình xá lợi bằng đá nói trên có khắc các dòng chữ tiếng Brahmi, thời cổ Ấn Độ, giống ở các trụ đá vua A Dục, như sau:

Sukiti bhatinam sabhaginikanam saputadalanam

Iyam salita nidhane Budhasa bhagavate sakiyanam

mà theo các học giả A. Barth, Dr. Buhler, Dr. Rhys Davids, và R. Pischel, có nghĩa là:

“Đây là xá lợi của đức Phật, đấng Thế Tôn, được chôn cất bởi thân tộc của dòng họ Thích Ca, với những người chị, con, và chồng của họ”.

4. Saharawà

Chỗ này xa làng Tilauràkota hai dặm về hướng bắc và cách chợ Taulihawà một dặm rưởi về hướng tây nam. Ông V.A. Smith cho biết, do kết quả khai quật của nhà khảo cổ A. Fuhrer, 17 ngôi tháp nhỏ được tìm thấy tại đây vào tháng giêng năm 1898, có thể là nơi ghi dấu hoàng tộc Thích Ca bị quân Tỳ Lưu Ly tàn sát. Ông V.A. Smith viết:“Trên mặt nền của mỗi ngọn tháp, ở lớp đất thấp nhất có 9, 7 và 5 viên gạch - ở giữa mỗi tấm gạch có khắc các mẩuhình hoa sen nở lớn, dưới là những hộp xá lợi, được chôn gắn vào lòng đất. Trên mặt của những viên gạch ở lớp đất khác, có khắc hình tượng của những vũ khí như cái chùy, rìu, đinh ba (tridents) và các vũ khí thời cổ khác, chứng tỏ rằng những ngôi tháp này được xây lên để tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Ca Tỳ La Vệ, đã thần thánh hy sinh vì đại cuộc.”

Có thuyết cho rằng, sau cuộc tắm máu của quân Tỳ Lưu Ly, đức Phật đã phóng quang tiếp dẫn hương linh các nạn nhân dòng họ Thích Ca, có thiện nghiệp bị giết hại, được vãng sanh về cõi An Lạc.

5. Vardahawà và Hồ Nước Kunàun

Làng Vardahawà nằm cách Kudàna (nơi đức Phật Câu Lưu Tôn đản sanh) một dặm rưởi về hướng đông. Gần chỗ này hiện còn một số di tích đổ nát và tượng của một con bò đực bằng đá mà người ta tin rằng có thể là nơi ghi dấu chỗ xưa kia xây cất ngôi tháp thờ xá lợi của đức Phật. Giữa Vardahawà và Kudàna có một cái hồ, dân địa phương gọi là hồ Kunaùn. Người ta tin rằng đây là nơi mũi tên của thái tử Tất Đạt Đa, trong cuộc thi bắn cung ngày xưa, để cưới công chúa Da Du Đà La, rớt xuống đất, tạo thành một ngọn suối, mà dân chúng địa phương thời đó gọi là “Sarakupa” có nghĩa là “suối mũi tên” (arrow fountain); và suối này đã trở thành hồ nước Kunaùn còn đến ngày nay.

Trong tập “Tây Du Ký”, ngài Huyền Trang khi đến chiêm bái ở đây, đã viết:

“... Ngoài cửa thành phía nam, trên đường bên tay trái là ngọn tháp ghi dấu nơi thái tử thi tài võ nghệ với các vương tử dòng họ Thích Ca, và làm xuyên thủng tấm bia bằng sắt với mũi tên của người. Từ đây đi về hướng đông nam 30 lý (10 dặm), chúng tôi thấy một ngôi tháp nhỏ, nơi này có một ngọn suối, nước trong như gương. Chính tại đây trong cuộc đấu võ, mũi tên của thái tử, sau khi xuyên thủng tấm bia, đã rớt xuống và chôn sâu vào đất, tạo nên một dòng suối nước trong chảy ra. Tục truyền người ta gọi đây là “Sarakupa” hay “suối nước mũi tên”. Những người đau ốm uống nước suối này, phần đông đều khỏi bệnh; do đó, người ở xa thường đến đây lấy nước với ít bùn, mang về đắp lên chổ bị đau, tức thì họ lành bệnh...”

Trích “Tây Du Ký”của Ngài Huyền Trang, bản dịch tiếng Anh của Samuel Beal, quyển VI, trang 23, 24.

Trong tập ký sự, ngài Pháp Hiển, sau khi đến thăm nơi này, đã ghi chép:

“... Đây là nơi thái tử bắn mũi tên về hướng đông nam, mũi tên bay đi xa 30 lý (10 dặm) rơi xuống đất, tạo nên một dòng nước phun ra, mà sau này người ta đã biến thành một suối nước, du khách có thể dùng để uống...”

Trích tập “Ký Sự về các Vương Quốc Phật Giáo”của Ngài Pháp Hiển, bản dịch tiếng Anh của James Legge, Chương 22, trang 65, 66.

V. CHÚNG TÔI ĐẾN THĂM CA TỲ LA VỆ

Sau khi hoàn tất chương trình Tiến Sĩ (Ph.D.) tại đại học Magadha (Ma Kiệt Đà), thuộc tiểu bang Bihar, Ấn Độ, vào tháng 4 năm 1976; khoảng 5, 6 tháng sau trong năm đó, nhân chuyến đi thăm đại học Mahendra tại Kathmandu ở vương quốc Nepal, để sưu tầm tài liệu viết về các thánh tích Phật Giáo Ấn Độ, chúng tôi đã đến chiêm bái Ca Tỳ La Vệ; và trong chuyến hành hương này, chúng tôi chỉ đi một mình. Vì biết rõ lúc bấy giờ, chưa có phương tiện giao thong tiện lợi, đường bộ cũng như xe lửa, giữa thủ đô Kathmandu với Ca Tỳ La Vệ, gần vùng biên giới Nepal-Ấn Độ; cho nên, để thuận đường đi, chúng tôi buộc lòng phải ghé thăm Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) trước khi đến viếng Kathmandu. Đại Học Ma Kiệt Đà, chúng tôi đang ở, cách Buddha Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), nơi đức Phật Thành Đạo xưa kia, non hai cây số. Từ Buddha Gaya, chúng tôi đi xe buýt (bus) đến Gaya, xa độ 6 dặm, mất chừng nửa giờ. Tại Gaya, chúng tôi đi xe lửa về Patna, thủ đô của tiểu bang Bihar, để từ Patna, chúng tôi đáp tàu lửa, trên tuyến đường hỏa xa Đông Bắc Ấn Độ (North-Eastern Railway) đi Shoharatgarh, một thành phố nằm sát biên giới Ấn Độ và Nepal.

Muốn đến chiêm bái thánh tích Ca Tỳ La Vệ, ga Shoharatgarh là địa điểm thuận lợi nhất, có đường bộ cho du khách hành hương đến Ca Tỳ La Vệ. Không biết lúc này chính phủ Ấn Độ đã thiết lập đường xe hơi chưa? Chứ khi chúng tôi đi (vào năm 1976) thì phương tiện duy nhất từ Shoharatgarh đến Ca Tỳ La Vệ là dùng xe bò hay xe ngựa mà thôi. Chúng tôi đến ga Shoharatgarh lúc trời gần tối. Sau khi đi tìm khách sạn gửi hành lý để ngủ lại đêm, vì ở đây không có chùa Phật Giáo; việc đầu tiên của chúng tôi là đi thuê trước một chiếc xe ngựa (khứ hồi cả đi lẩn về), để sáng mai lên đường sớm. Năm giờ sáng hôm sau, chúng tôi đã bắt đầu rời khách sạn để đi xe ngựa đến Ca Tỳ La vệ, vì chúng tôi muốn đi thật sớm để kịp thì giờ trở về trong ngày. Từ Shoharatgarh, nơi đầu tiên chúng tôi đến là chợ Taulihawà (tiếng địa phương gọi là “Taulihawà bazàr”, bazàr nghĩa là chợ. Chúng tôi ghi nguyên danh từ dân bản xứ gọi, để sau này có dịp qua Ấn Độ chiêm bái Phật tích, quý vị có thể tự mình hỏi đường mà đi, không khó khăn gì).

Shoharatgarh cách chợ Taulihawà khoảng 12 dặm (gần 20 cây số), xe ngựa đi mất gần 3 tiếng rưởi đồng hồ mới tới, vì đường đi chật hẹp, quanh co, gồ ghề. Có nhiều đoạn chúng tôi phải xuống xe đi bộ. Đến chợ Taulihawà khoảng trước 9 giờ sáng, sau khi nghỉ ngơi giây lát, chúng tôi hỏi thăm nhờ người địa phương ở đây hướng dẩn đến làng Tilauràkota, cách chợ Taulihawà chừng 2 cây số rưởi, để thăm thành Ca Tỳ La Vệ. Khúc đường này, chúng tôi đi bộ chứ không đi xe ngựa được. Như trước chúng tôi đã nói, theo các học giả Dr. Rhys Davids, V.A. Smith, Dr. Vost v.v…, Tilauràkota ngày nay, chính là thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) của vua Tịnh Phạn ngày xưa. Sau khi viếng thăm khắp nơi trong thành, chúng tôi đi viếng thăm một vài di tích gần đó như Kudàna, hồ nước Kunaùn và Sagarahawà; còn các nơi khác quá xa, thì giờ lại eo hẹp, nên chúng tôi rất tiếc đã không đến viếng được.

Ngôi Chùa Phật Giáo Tại Ca Tỳ La Vệ

Ngoài những di tích vừa kể chúng tôi có đến thăm ngôi chùa Phật Giáo do các gia đình trong thân tộc Thích Ca (Sakyas) kiến lập nên tại chợ Taulihawà, bên ngoài thành Ca Tỳ La Vệ.

Chúng tôi đến đây vào lúc gần 3 giờ chiều, và may mắn được gặp một số Phật tử đang đến chùa lễ Phật. Nhờ trong đó có vài vị bà con với dòng họ Thích Ca, nói rành tiếng Anh, chúng tôi hỏi thăm mới biết chùa này bắt đầu xây cất vào năm 1962, đến nay (1976) được gần 14 năm, phần lớn do sự đóng góp, tài trợ của các Phật tử địa phương. Chùa tuy không to lớn, đồ sộ, nhưng khá đẹp và trang nghiêm, xung quanh bốn phía có thành. Chúng tôi hỏi thăm về hiện tình dòng họ Thích Ca và được họ cho biết hiện nay còn độ dưới 40 gia đình, và gần 100 người thuộc dòng họ Thích Ca; nhưng ở tại thành Ca Tỳ La Vệ chỉ còn 4 hay 5 gia đình, phần đông đi lập nghiệp sinh sống ở phương xa, nhất là tại Kathmandu và các thành phố lớn khác trong xứ Nepal. Trời càng về chiều, ánh nắng vàng yếu ớt chiếu qua núi đồi, câu chuyện giữa chúng tôi và các Phật tử dòng họ Thích Ca càng thêm vui vẻ, đậm đà; nhất là khi quý vị này biết chúng tôi, những người đệ tử Phật xuất gia, cùng mang tên dòng họ “Thích” (Sakya) như họ.

Chúng tôi không rõ chúng tôi là nhà sư Việt Nam thứ mấy có phước duyên được đến thăm quê hương đức Phật, nhưng theo các Phật tử ở đây cho biết, hằng năm số người ngoại quốc đến viếng thăm thánh địa này rất ít, vì Ca Tỳ La Vệ ở quá xa, đường đi trở ngại khó khăn, phương tiện giao thông lại thiếu. Sau hơn nửa giờ ghé thăm chùa, chúng tôi sửa soạn trở về, vì trời cũng đã chiều. Trước khi từ giã, chúng tôi không quên gửi cúng dường chùa 100 rúp-pi (rupees) tiền Ấn (bằng khoảng 12 mỹ kim). Các Phật tử đưa chúng tôi ra xe, với nét mặt thoáng buồn diệu vợi. Mới gặp nhau lần đầu, nhưng qua đạo tình thắm thiết của người con Phật, chúng tôi cảm thấy như đã quen thân nhau từ trước; nên không khỏi bùi ngùi luyến tiếc lúc chia tay. Những Phật tử thành Ca Tỳ La chấp tay cung kính vái chào chúng tôi lần cuối, tôi leo lên xe. Chiếc xe ngựa bắt đầu chuyển bánh, lăn từ từ xa lần, trong lúc lòng kẻ ở người đi, đôi bên đều mang nặng nỗi buồn man mác.

Trên đường trở về, hình ảnh một Ca Tỳ La Vệ điêu tàn, sau hơn 7 tiếng đồng hồ viếng thăm, cứ mãi hiện ra trong óc, khiến chúng tôi không khỏi hồi tưởng, nhớ đến thành Ca Tỳ La Vệ ngày xưa thời Phật còn tại thế, ghi lại qua kinh sách, với cung điện nguy nga, lâu đài tráng lệ, cửa nhà đông đúc, dân nước phú cường, mà lòng mãi nhớ tiếc không nguôi. Rồi chúng tôi tự tìm nguồn an ủi qua lời Phật dạy:

“Cuộc đời vô thường, vạn vật có sanh tất có diệt”. Thực vậy, mặc dù Ca Tỳ La Vệ ngày nay không còn huy hoàng như xưa, nhưng thành Ca Tỳ La, quê hương của đức Phật với giáo pháp cao siêu của Ngài, đã đi vào lịch sử, ánh đạo vàng ngàn đời rạng chiếu khắp năm châu. Ca Tỳ La Vệ sẽ sống mãi trong lòng thành kính của hàng trăm triệu Phật giáo đồ trên toàn thế giới.

Mãi nghĩ ngợi về sự thịnh suy của thành Ca Tỳ La Vệ, chúng tôi quên cả khoảng đường xa trở về, và thời gian hơn 3 giờ trôi qua thật nhanh, chúng tôi đã về tới Shoharatgarh lúc nào không biết, nhìn đồng hồ thấy hơn 7 giờ tối. Chúng tôi nghỉ lại một đêm nữa tại thành phố nhỏ miền biên giới này để sáng mai lên đường, tiếp tục cuộc hành trình đi thăm đại học Mahendra tại Kathmandu, thủ đô vương quốc Nepal, nằm cạnh chân núi Hy Mã Lạp Sơn Á Châu ngất cao hùng vĩ.

Ôi! Xa rồi cổ thành Ca Tỳ La ngày nay điêu tàn xơ xác, nhưng tinh thần Ca Tỳ La, quê hương của đức Phật, với ánh hào quang chiếu sáng, ngàn đời chúng tôi nhớ mãi không quên. Xa rồi, dân chúng thành Ca Tỳ La tuy nghèo, nhưng lòng người Phật tử Ca Tỳ La hiền lành chất phát, đạo tình thắm thiết, đoàn kết thương yêu, trọn niềm chung thủy, ngàn năm chúng tôi giữ mãi trong tim.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/02/2021(Xem: 4526)
Myanmar, đất nước chùa tháp, đang khổ đau. Hưởng ứng lời hiệu triệu kêu gọi của chư tôn tịnh đức tăng già Phật giáo “vì dân, do dân và của dân”, hàng triệu người dân trong mọi tầng lớp đã đổ ra đường phố ở các thị trấn và thành phố trên khắp đất nước Phật giáo Myanmar để phản đối cuộc đảo chính của chế độ độc tài quân sự Myanmar, đã lật đổ Chính phủ dân cử của nhà vô địch dân chủ kỳ cựu, nữ cư sĩ Phật tử Aung San Suu Kyi, Cố vấn nhà nước Myanmar, Chủ tịch và Tổng Bí thư Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) vào ngày 1 tháng 2 vừa qua.
25/02/2021(Xem: 7348)
Phần này bàn về cụm danh từ "khoa học" trong tiếng Việt từ thời bình minh của chữ quốc ngữ đến nay. Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là cuốn "The Emergence of the Modern Sino-Japnese Lexicon – Seven Studies" (chủ biên/dịch giả Joshua A. Fogel – NXB Brill – Leiden/London 2015), và bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false.
25/02/2021(Xem: 4752)
Vào hôm thứ ba, ngày 16 tháng 2 vừa qua, Đoàn thể Phật giáo Myanmar đã Tuần hành phản kháng chế độ độc tài quân sự Myanmar, tham gia chiến dịch chấm dứt chế độ độc tài quân sự Myanmar dưới sự cai trị hung hãn của các tướng lĩnh quân đội, và trả tự do cho các nhà lãnh đạo bị giam giữ của Chính phủ dân cử bị lật đổ, bao gồm cả nữ cư sĩ Phật tử Aung San Suu Kyi, Cố vấn nhà nước Myanmar, Chủ tịch và Tổng Bí thư Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD).
23/02/2021(Xem: 4859)
Ngày càng có thêm nhiều bằng chứng về việc xây dựng Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) và các cơ sở dân sự ở các khu vực khác ngoài Ladakh, một khu vực ở bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ. Nó kéo dài từ Siachen Glacier trong phạm vi Karakoram đến Himalaya ở phía nam và có người gốc các dân tộc Ấn-Arya và Tây Tạng, chẳng hạn như dọc theo biên giới tranh chấp ở Vương quốc Phật giáo Bhutan và Arunachal Pradesh, một trong hai mươi chín bang của Ấn Độ.
23/02/2021(Xem: 5278)
Phật Giáo Việt Nam kể từ khi lập quốc (970) đến nay đã đóng góp rất lớn cho nền Văn Học Việt Nam qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần..v..v.. nhưng không có một Quốc Sử Việt Nam nào ghi nhận cả, điều đó thật là đau buồn, mặc dù Phật Giáo Việt Nam thời bấy giờ và cho đến bây giờ không cần ai quan tâm đến. Phật Giáo Việt Nam nếu như không có công gì với núi sông thì đâu được vua Đinh Tiên Hoàng phong Thiền sư Ngô Chân Lưu đến chức Khuông Việt Thái Sư và chức Tăng Thống Phật Giáo Việt Nam vào năm Thái Bình thứ 2 (971). Cho đến các Thiền sư như Pháp Thuận, Vạn Hạnh,v..v.... đều là những bậc long tượng trong trụ cột quốc gia của thời bấy giờ, thế mà cũng không thấy một Quốc Sử Việt Nam nào ghi lại đậm nét những vết son cao quý của họ.
23/02/2021(Xem: 10247)
Văn học thời Trần là giai đoạn văn học Việt Nam trong thời kỳ lịch sử của nhà Trần (1225 – 1400). Văn học thời Trần tiếp tục và có nhiều bước tiến bộ rõ rệt hơn so với văn học thời Lý (1010 – 1225). Văn học thời Trần chịu ảnh hưởng của Phật giáo và Nho giáo. Tư tưởng Phật giáo chủ yếu trong văn học thời Trần là tư tưởng thiền học.
23/02/2021(Xem: 8996)
Trong nội dung của ấn bản lần thứ hai của quyển “Tư tưởng Phật giáo trong Văn học thời Lý”, chúng tôi vẫn giữ những điểm chính quan trọng của ấn bản lần thứ nhất. Tuy nhiên, chúng tôi đã sửa chữa và bổ sung một vài nơi. Chúng tôi đánh giá cao sự góp ý và phê bình của: GS Lưu Khôn (Cựu GS tại trường ĐHVK Saigon và Cần Thơ), GS Khiếu Đức Long (Cựu GS tại ĐH Vạn Hạnh), Ô. Nguyễn Kim Quang (Cựu học sinh Lycée Petrus Ký 1953-1960), cố Kỹ Sư Nguyễn Thành Danh (Vancouver, Canada). Trong khi viết quyển sách này lần thứ nhất vào năm 1995, chúng tôi đã được sự giúp đỡ và góp ý của các thân hữu: cố Hoà Thượng Thích Nguyên Tịnh (Cựu Trú trì Chùa Thiền Tôn, Vancouver, Canada), cố GS Nguyễn Bình Tưởng (Cựu Hiệu Trưởng trường Trung Học Vĩnh Bình, và Cựu Giám Học trường Trung Học Nguyễn An Ninh, Saigon), chúng tôi chân thành cám ơn quý vị này.
20/02/2021(Xem: 6065)
Thơ tụng tranh chăn trâu của thiền sư Phổ Minh gồm tất cả mười bài thơ “tứ tuyệt” cho mười bức tranh chăn trâu với các đề mục sau đây: 1. Vị mục: chưa chăn 2. Sơ điều: mới chăn 3. Thọ chế: chịu phép 4. Hồi thủ: quay đầu 5. Tuần phục: thuần phục 6. Vô ngại: không vướng 7. Nhiệm vận: theo phận 8. Tương vong: cùng quên 9. Độc chiếu: soi riêng 10. Song mẫn: cùng vắng
20/02/2021(Xem: 8764)
Kinh Hoa Nghiêm được giải thích là kinh đầu tiên khi Phật đạt chánh đẵng chánh giác sau 49 ngày thiền định. Sau đó người giảng kinh Hoa Nghiêm cho chư thiên và bồ tát là giảng bằng thiền định tâm truyền tâm nên im lặng suốt 21 ngày. Kinh Hoa Nghiêm nói về Tâm. Kế đến Kinh Lăng Già Phật cũng giảng cho Ma vương và ma quỷ sống trong hang động ở đỉnh núi Lăng Già. Phật giảng bằng tâm truyền tâm ấn nên không có nói bằng lời và giảng về Thức vì Ma vương không còn uẩn sắc nữa mà chỉ còn là tâm thức. Kinh Lăng già là giảng về Duy Thức Luận. (bài viết của cư sĩ Phổ Tấn)
20/02/2021(Xem: 4957)
Washington: Theo báo cáo của The Economist, Trong nỗ lực mới nhất nhằm thắt chặt vòng vây Tây Tạng, Trung Cộng đang buộc người Tây Tạng ít quan tâm đến tôn giáo của họ hơn, và thể hiện nhiệt tình hơn đối với chế độ độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc do Tập Cận Bình lãnh đạo tối cao. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực phủ nhận vai trò của Đức Đạt Lai Lạt Ma ra khỏi đời sống tôn giáo của người dân Tây Tạng để xóa bỏ danh tính của họ. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cưỡng chiếm Tây Tạng vào giữa thế kỷ 20 sau thập niên 1950, và kể từ đó đã kiểm soát khu vực cao nguyên tại Trung Quốc, Ấn Độ, Bhutan, Nepal, và Pakistan tại châu Á, ở phía bắc-đông của dãy Himalaya..
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]