Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11. Giới Luật

14/05/201107:52(Xem: 8760)
11. Giới Luật

Tấm lòng rộng mở
THUẦN HÓA TÂM HỒN
Nguyên tác: Taming the Monkey Mind
Tác giả: Thupten Chodron - Dịch giả: Thích Minh Thành

Phần Hai

CÁI NHÌN BAO QUÁT THẾ GIAN VÀ NẾP SỐNG THEO CHÁNH PHÁP

XI

GIỚI LUẬT

Có định hướng tốt cho nguồn năng lượng của chúng ta

Để giúp chúng ta có được định hướng tốt trong hành động, lời nói và nếp nghĩ, Đức Phật đã phác họa ra 10 loại thiện nghiệp và 10 loại bất thiện nghiệp. Ngoài ra, Đức Phật còn thiết lập bổ sung thêm 3 cấp độ giới phẩm. Cấp độ đầu tiên là những giới điều đưa cá nhân đến bến bờ giải thoát. Những giới điều này giúp chúng ta tránh xa những hành động quấy ác và những lời nói quấy ác. Cấp độ thứ hai là giới phẩm của Bồ Tát nhằm giúp chúng ta chế ngự tâm thái vị kỷ, quá ưu ái bản thân. Giới phẩm Mật Tông là cấp độ thứ ba có tác dụng đoạn trừ ảo tướng và vọng niệm đối với các pháp, xem chúng là thông thường và có thể tự hiện hữu.

Mỗi giới điều đúng nghĩa phải là một niềm an vui chớ không phải là một gánh nặng. Giới điều không phải được thiết lập với mục đích để ngăn cản những phút giây vui sống và khiến cho chúng ta cảm thấy bị tước đoạt tự do. Mục đích của việc thọ giới là làm cho chúng ta tạo nên một sức mạnh nội tâm, giúp cho chúng ta đủ sức không làm những điều mà chúng ta không muốn làm. Một khi biết được rằng việc sát sinh, trộm cắp, lòng vị kỷ... chỉ gây hại cho bản thân chúng ta, cho người khác, trong hiện tại và tương lai thì chúng ta sẽ khởi ý muốn tránh xa những việc đó. Thọ lãnh những giới điều giúp cho chúng ta có thêm sức mạnh và nghị lực. Vì vậy có câu nói rằng giới luật chính là những món trang sức tạo nên uy nghi của người có trí.

Những giới điều đưa cá nhân đến bến bờ giải thoát

Để giúp con người chế ngự được những tâm thái nhiễu loạn và từ bỏ những hành vi quấy ác, Đức Phật đã ban hành 5 giới. Một vị Tỷ-kheo hay một vị Tỷ-kheo-ni có thể cử hành nghi thức truyền giới ngắn và đúng pháp cho cư sĩ tại gia. Nghi thức này giúp cho người cư sĩ chính thức quy y Tam Bảo: Đức Phật, Tôn Pháp và Hiền Thánh Tăng. Không nhất thiết khi quy y người Phật tử phải thọ đủ 5 giới. Tùy theo từng cá nhân một Phật tử tại gia có thể lãnh thọ một, hay vài giới, hay cả 5 giới dành cho cư sĩ tại gia: ưu-bà-tắc (nam cư sĩ) hay ưu-bà-di (nữ cư sĩ).

Năm giới lãnh thọ trọn đời là tránh xa:

1. sát hại sinh mạng,
2. lấy của không cho,
3. tà dâm,
4. nói dối,
5. dùng các chất say, gây nghiện.

Khi làm lễ quy y, một số vị đạo sư chỉ kèm thêm việc truyền ngay giới thứ nhất cấm sát hại sinh mạng và để cho chúng ta quyết định có thọ giới nào hay tất cả 4 giới còn lại hay không. Còn những vị đạo sư khác thì truyền ngay tất cả 5 giới trong lễ quy y cho Phật tử.

Bốn giới đầu đã được miêu tả trong phần, "Tứ thánh đế" [tương ứng với Chánh nghiệp, Chánh ngữ và Chánh mạng thuộc Đạo đế]. Giới thứ năm là từ bỏ rượu và các chất gây nghiện. Những chất này độc hại vì người bị chúng tác động sẽ không còn khả năng phân biệt được nẻo chánh đường tà. Rượu và chất gây nghiện khiến người ta nói những lời dữ dằn và có khi đánh đập vợ con.

Một số người cảm thấy ngần ngại khi thọ giới này vì e rằng sống trong xã hội có những trường hợp mà hầu như ai cũng phải uống chút rượu. Tôi không chắc là có bao nhiêu người thật sự muốn uống trong những bữa tiệc hay trong một buổi sinh hoạt kinh doanh. Nhiều người uống có lẽ chỉ vì nghĩ rằng người ta muốn thế chớ không phải xuất phát từ nhu cầu của chính họ. Hầu như không một ai muốn uống cả! Thật lòng mà nói, từ chối điều này không phải là việc khó. Không phải tất cả mọi người trong bữa tiệc bỗng khựng lại để trố mắt nhìn chúng ta chỉ vì chúng ta không uống đâu! Khi từ chối rượu, chúng ta đã nêu được một gương tốt cho những người quá lệ thuộc vào rượu. Dù gì đi nữa, chúng ta không cần phải cảm thấy xấu hổ khi hành xử theo những nguyên tắc riêng của chúng ta.

Có những cách giải thích khác nhau đối với thuốc lá. Trong Phật giáo Đại Thừa thì 5 giới này bao hàm cả việc cấm hút thuốc, nhưng trong Phật giáo Nguyên Thủy thì lại không cấm.

Trà và cà phê thì có thể được dùng. Tuy có chứa chất kích thích (caffeine) nhưng chúng không làm cho chúng ta bị mê muội. Chúng ta cũng có thể dùng ớt và các hương liệu khác.

Những cư sĩ cũng có thể thọ trì 8 giới điều trong thời gian 24 giờ. Lần đầu tiên thì chúng ta phải thọ giới từ một vị đạo sư đầy đủ giới pháp; tức là người ấy đã được truyền trao giới pháp chính thức từ một vị đạo sư đời trước. Chúng ta có thể truy nguyên nguồn gốc của dòng truyền thừa liên tục này và thấy rằng chính đức Phật là vị đã chế định và truyền dạy các giới điều này.

Đã được thọ lãnh 8 giới này lần đầu tiên từ một vị đạo sư có phẩm hạnh thì về sau chúng ta có thể tự lãnh thọ bằng cách quán tưởng ra rằng chúng ta thọ nhận giới từ chư Phật, Chư Bồ Tát và A-la-hán. Nghi thức thọ thì ngắn gọn và phải được cử hành trước khi bình minh. Giới phẩm đã thọ cũng chấm dứt vào lúc bình minh ngày hôm sau.

Nhiều người thích thọ Bát quan trai giới vào ngày Rằm và 30 của mỗi tháng mặc dầu giới Bát quan trai có thể thọ lãnh bất cứ ngày nào. Năm giới đầu của 8 giới này thì tương tự như 5 giới của cư sĩ nhưng có điểm đặc biệt là giới cấm tà dâm được đổi thành cấm hành dâm vì những giới điều này chỉ cấm trong thời gian một ngày mà thôi.

Giới thứ sáu là tránh dùng nước hoa, đồ trang sức và trang điểm, đồng thời cũng tránh việc ca hát, nhảy múa và âm nhạc. Giới điều này giúp cho chúng ta không bị xao lãng việc tu tập. Không được làm đẹp cho thân thể sẽ thúc đẩy chúng ta tu dưỡng cái đẹp trong tâm hồn, cái đẹp của lòng thương, của từ bi và trí tuệ. Nếu chúng ta ca hát, ngâm nga thì khi ngồi thiền những âm điệu cũng cứ du dương trong tâm của chúng ta.

Giới thứ bảy là không được ngồi hay nằm trên một cái giường hay cái sập cao và đắt tiền vì điều này có thể khiến cho chúng ta khởi tâm kiêu mạn, xem bản thân là cao trọng hơn người khác.

Giới thứ tám là không ăn đoàn thực sau giờ ngọ và chỉ ăn chay mà thôi. Khi truyền giới Bát quan trai, một số vị đạo sư cho phép giới tử ăn một bữa ngọ mà thôi, một số vị khác lại cho phép giới tử dùng bữa điểm tâm và bữa ngọ. Một số vị đạo sư chỉ cho phép uống nước sau giờ ngọ mà thôi, một số vị khác lại cho phép uống trà với tí sữa hay nước ép trái cây.

Mục đích của giới điều này là giảm thiểu tâm vướng mắc vào thức ăn đồng thời làm cho chúng ta tu tập thiền định hiệu quả hơn vào buổi tối vì nếu chúng ta ăn tối phủ phê thì chúng ta sẽ cảm thấy thân thể nặng nề và buồn ngủ.

Thọ trì giới điều thật là lợi lạc. Cứ hình dung ra thế giới quanh ta sẽ như thế nào nếu mọi người đều giữ giới thứ nhất, không bao giờ sát sinh! Thế giới này sẽ trở thành một thế giới hoàn toàn khác chỉ vì một giới điều như vậy. Khi chúng ta sống với giới điều thì những người chung quanh chúng ta được ảnh hưởng mạnh mẽ và tức thời: họ sống một cách an toàn và ổn định vì chúng ta đã quyết không làm hại họ nữa.

Hơn thế nữa, những giới điều khiến cho chúng ta ý thức hơn nữa những hành động, lời nói và những tâm thái của chúng ta. Giới điều khiến cho chúng ta hiểu rõ hơn về bản thân vì chúng ta sẽ trở nên ý thức về những hành vi đã trở thành tập quán của mình.

Cũng vậy, khi đã nhất định từ bỏ một số hành động nào thì chúng ta không cần phải cảm thấy hoang mang khi rơi vào tình thế bị cám dỗ làm một điều gì đó mà khi làm xong chúng ta sẽ hối hận.

Mỗi một phút giây chúng ta không tích cực làm điều gì vi phạm giới điều thì chúng ta đã huân tập những thiện nghiệp ngay cả lúc chúng ta đang ngủ. Chúng ta đã hạ quyết tâm mạnh mẽ là không làm điều đó và chúng ta đã tích cực giữ vững quyết tâm như vậy. Huân tập thiện nghiệp có nghĩa là chúng ta xây dựng nên nền tảng để chúng ta có thể đạt được những quả chứng và tạo nên nguồn năng lực khiến chúng ta mệnh chung an lành và tái sinh vào cảnh giới phúc lạc.

Nếu chúng ta đủ duyên lành và muốn trở nên tỉnh giác hơn đối với hành động và lời nói của mình thì chúng ta có thể xuất gia và thọ giới Sa-di (nếu là người nam) hay Sa-di-ni (nếu là người nữ). Giới phẩm này gồm có 10 điều, truyền thống Tây Tạng còn thêm vào những giới phụ, nâng tổng số lên đến 36.

Sau khi thọ giới Sa-di đó (một thời gian) vị xuất gia ấy có thể thọ giới đầy đủ để trở thành một Tỷ-kheo (nam giới) hay Tỷ-kheo-ni (nữ giới). Những dòng truyền thừa khác nhau thì thường có số lượng giới điều khác nhau. Trong cùng một dòng truyền thừa thì số lượng giới điều của tăng và ni cũng khác nhau.

Theo truyền thống sau khi thọ giới Sa-di-ni và trước khi thọ giới Tỷ-kheo-ni, người nữ phải thọ một giới phẩm trung gian gọi là Thức-xoa-ma-na, giới phẩm này gồm 12 giới điều ngoài những giới điều của một vị sa-di-ni. Sau khi thọ giới Thức-xoa-ma-na trong thời gian 2 năm thì vị ni ấy có thể thọ giới đầy đủ. Dòng truyền thừa của tất cả những giới phẩm ở trên đã được trao truyền giữa thầy và trò, không hề bị gián đoạn kể từ thời của Đức Phật cho đến ngày hôm nay.

Tuy nhiên, trong các nước theo Phật giáo Nguyên Thủy ở Đông Nam Á, dòng truyền thừa của ni bộ đã bị mai một trong nhiều thế kỷ qua. Ngày nay, ở Tích Lan những người nữ thọ 10 giới được gọi là Dasasilmatas. Ở Thái Lan, những người nữ thọ 8 giới được gọi bằng danh hiệu Maejis. Nhưng trong cả hai trường hợp này những giới điều đều được xem là giới cư sĩ mà thôi và những người phụ nữ này không được chính thức công nhận là những vị ni cô có đầy đủ giới phẩm. Tuy nhiên những vị có trách nhiệm đang xem xét việc đưa mạch truyền thừa Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na và Tỷ-kheo-ni từ hệ thống Phật giáo Trung Quốc du nhập vào hệ thống Phật giáo Nguyên Thủy ở trong nước.

Ở Tây Tạng, Phật giáo đã bắt đầu truyền giới Sa-di-ni cho phụ nữ, nhưng giới đàn truyền giới cho Tỷ-kheo-ni vẫn chưa có. Trong khi giới đàn truyền giới cho Sa-di-ni chỉ cần có 4 vị Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni là có thể thực hiện nhưng để lập giới đàn truyền giới cho Tỷ-kheo-ni thì phải cần đến 10 vị Tỷ-kheo-ni hay Tỷ-kheo mới thực hiện được. Vào thời bấy giờ những phụ nữ khó có thể vượt qua được rặng núi Hy-mã-lạp-sơn đầy gian khổ và hiểm nạn để đến những cao nguyên quanh năm tuyết phủ phía Bắc rặng núi này nên đại giới đàn truyền giới cho Tỷ-kheo-ni đã không đến được Tây Tạng.

Phật giáo Trung Quốc tiếp tục duy trì cả hai dòng truyền thừa Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni. Những năm gần đây, một số phụ nữ xuất gia theo truyền thống Tây Tạng và truyền thống Nguyên Thủy đã tìm đến Trung Quốc để thọ giới Tỷ-kheo-ni với những vị đạo sư Trung Quốc. Hiện nay, người ta đang nghĩ đến việc tái lập giới đàn Tỷ-kheo-ni bằng cách đưa dòng truyền thừa này từ Trung Quốc sang nhập vào hệ thống Phật giáo Nguyên Thủy và Phật giáo Tây Tạng.

Thời Minh Trị ở Nhật Bản giữa thế kỷ thứ 19, giới điều của Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni bị biến đổi mạnh vì khuynh hướng của chính quyền lúc ấy là muốn những người xuất gia lập gia đình. Vì thế mà cho đến bây giờ ở Nhật Bản có đủ dạng tu sĩ Phật giáo: có cả tăng lẫn ni, có những vị độc thân lẫn những vị có vợ con gia đình. Những giới điều mà họ lãnh thọ có số lượng sai khác tùy theo những dòng truyền thừa khác nhau.

Chỉ trừ trường hợp 8 giới là được lãnh thọ trong trọn một ngày, tất cả những giới điều khác đều được lãnh thọ trong suốt cuộc đời. Có thể xảy ra trường hợp vì không thấy trước được những hoàn cảnh mà một Tỷ-kheo hay một Tỷ-kheo-ni không còn khả năng kham lãnh giới điều đã lãnh thọ hay có lẽ không còn muốn giữ giới nữa thì vị ấy có thể thưa việc ấy với một vị đạo sư hay chỉ cần nói với một người có đủ trí để xin hoàn trả lại những giới điều mà mình đã lãnh thọ.

Ở Thái Lan có tục lệ là hầu hết những người nam đều trở thành những nhà sư và lãnh thọ giới điều trong thời gian 3 tháng, hay ít nhất là một lần trong đời. Họ thường làm như vậy khi họ là những thanh niên sắp sửa bước vào cuộc đời. Việc này tạo cho họ một nền tảng đạo đức nghiêm cẩn và cũng là một điềm lành lớn cho gia đình của họ. Vào ngày cuối của 3 tháng sống đời tăng sĩ xuất gia, những vị này hoàn trả lại giới điều và trở về cuộc sống trần tục.

Tất cả những giới điều kể trên - những giới điều của nam nữ cư sĩ và những giới điều của các thứ bậc tăng ni khác nhau - đều thuộc về Biệt giải thoát luật nghi, hay những giới điều hướng đến sự giải thoát tự thân. Động cơ căn bản để lãnh thọ những giới điều này là chí nguyện vượt thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Đây là những giới điều có tính phổ thông, chung cho tất cả những truyền thống Phật giáo nhằm điều chỉnh lại những hành động về thân và về lời nói của chúng ta. Không hề có sự sai khác trong việc truyền thọ giới pháp Biệt giải thoát luật nghi dù đó là Nguyên Thủy, Đại Thừa hay Kim Cang Thừa.

Trong truyền thống Đại Thừa có tập tục phát đại nguyện xả thân bố thí của Bồ Tát giới trước rồi mới lãnh thọ Bát quan trai giới sau. Thọ Bát quan trai giới theo cách đó được gọi là "Bát Đại Thừa giới." Những vị tăng ni không lãnh thọ 8 giới điều thông thường trong một ngày vì 8 giới điều đó đã được bao hàm trong giới cụ túc mà họ đang trì giữ thì tăng ni vẫn có thể lãnh thọ Bồ Tát giới này.

Giới điều của Bồ Tát

Trên nền tảng quy y hay một giới phẩm Biệt giải thoát luật nghi mà chúng ta đã thọ lãnh, chúng ta có thể tiến đến việc thọ Bồ Tát giới. Thọ Bồ Tát giới không chỉ với quyết tâm thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi mà còn có quyết tâm theo chí hướng đạt được quả vị Bồ đề để làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Bồ Tát giới có tác dụng đặc biệt là chế ngự tâm thái vị kỷ. Bồ Tát giới không chỉ điều chỉnh những hành động về thân hay về lời nói mà còn tác động tới tư tưởng và tâm thái. Như vậy Bồ Tát giới khó hành trì hơn so với các giới phẩm thuộc Biệt giải thoát luật nghi.

Bồ Tát giới chỉ riêng có trong Phật giáo Đại Thừa mà thôi. Cư sĩ, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni đều có thể thọ Bồ Tát giới. Mặc dầu bản chất của những giới phẩm Bồ Tát là giống nhau nhưng số giới điều trong dị bản của Tây Tạng và Trung Quốc lại khác nhau. Khi thọ lãnh những giới điều này chúng ta phải có quyết tâm hành trì cho đến khi thành chánh quả mới thôi. Nhưng chắc chắn chúng ta cần phải thọ giới lại mỗi khi tái sinh qua một kiếp sống mới!

Trung Quốc có tục lệ đốt liều trên đầu những Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni và đốt liều trên tay của những người cư sĩ vào buổi tối trước khi họ thọ lãnh Bồ Tát giới. Việc đốt liều này để lại những vết sẹo tròn như đầu đũa xếp ngay hàng thẳng trên đầu hay trên tay. Trên đầu có khi là 3 vết thẳng 1 hàng từ trên xuống, có khi là 6 vết xếp thành 2 hàng từ trên xuống, có khi là 9 vết xếp thành 3 hàng từ trên xuống. Đặc biệt chỉ trong truyền thống Phật giáo Trung Quốc mới có tập tục này, những truyền thống Phật giáo khác không có. Việc đốt liều này được thực hiện bằng cách đặt những miếng nhang nhỏ đang cháy trên đầu hay trên cánh tay, rồi để cho chúng cháy sâu vào da. Một số vị muốn đốt nhiều hơn trong khi những vị khác chỉ muốn đốt ít thôi. Nhưng chúng ta nên biết rằng không phải đốt liều nhiều là tu lâu, tu cao; đốt liều ít là người mới tu, hay là tu cấp thấp.

Mặc dầu nghi lễ này có vẻ khủng khiếp đối với một số người nhưng thật sự không ghê gớm như họ nghĩ. Có lẽ vì cả chùa lúc ấy tụng kinh, niệm Phật vang rền và người đang bị đốt cũng không để ý gì đến sự đau đớn của bản thân.

Nghi lễ này có 3 ý nghĩa: Một, vì Bồ Tát giới hướng đến việc chứng được đạo quả Vô Thượng Bồ đề để làm lợi lạc cho tha nhân nên chúng ta phải luyện tập tâm dũng cảm, chịu đựng sự đau đớn trong quá trình làm ích lợi chúng sinh. Rõ ràng đây không phải là một chủ trương hành xác. Không phải chúng ta tìm kiếm cảm giác đau đớn mà đúng hơn là chúng ta thực tập đối mặt với những nghịch cảnh. Trong quá trình giúp ích cho người khác sau khi thọ giới Bồ Tát, tức là giới xả thân bố thí, chúng ta phải có khả năng chịu đựng được đau đớn và khổ sở. Chịu đựng cơn đau do nhang cháy trên da đầu biểu hiện sự dũng cảm và quyết tâm của chúng ta trong việc giúp đỡ cho tất cả người khác bất kể chúng ta phải trả giá như thế nào.

Hai, điều này biểu trưng cho việc chúng ta cúng dường xác thân này lên Đức Phật. Chắc chắn là Đức Phật không xem đó là việc cần phải làm và cũng không yêu cầu chúng ta thực hiện nghi lễ có vẻ đau đớn như vậy để chứng tỏ lòng thành. Ở Trung Hoa nghi lễ này rất phổ biến và biểu thị cho việc chúng ta sẵn sàng xả thân bố thí theo lời dạy của Phật. Thông thường chúng ta rất đắm trước và bảo bọc thân thể của chúng ta. Việc đốt liều biểu trưng ý nghĩa rằng tâm đắm trước và luyến ái đó của chúng ta đã bị đoạn trừ qua việc chúng ta dâng cả thân tâm lên cúng dường Đức Phật.

Ba, ý nghĩa này mang tính thực tiễn. Ngày xưa ở Trung Hoa, chư tăng và các vị ni ít bị ràng buộc theo luật pháp ở thế gian mà bị ràng buộc rất chặt chẽ theo giới luật của nhà Phật và nội quy của Tăng viện. Tuy nhiên, chính quyền cũng như Tăng viện đều không muốn những phạm nhân giả dạng tăng ni để trốn tránh hình phạt của pháp luật. Do vậy, truyền thống đốt liều trên đầu của chư tăng ni đã được thiết lập ở Trung Hoa để cho người ta phân biệt được dễ dàng người xuất gia chân chính và người gian tà giả dạng xuất gia.

Giới điều của Mật Tông

Bộ giới luật thứ ba gồm những giới điều của Mật Tông. Giống như những giới điều của Bồ Tát, những giới điều của Mật Tông cũng giúp cho chúng ta kiểm soát những hành động về thân, về lời nói và về ý tưởng. Giới pháp này chủ yếu nhắm đến việc đoạn trừ những ảo tướng và ảo tưởng. Những cái khiến cho chúng ta thấy các pháp là thông thường, thực hữu và qua đó ngăn cản, không cho chúng ta chứng đạt đạo quả Bồ đề. Hành trì nghiêm nhặt những giới luật của Mật Tông là điều khó thực hiện. Tuy nhiên, lợi lạc do việc hành trì đem lại cũng vô cùng to lớn.

Các giới điều của Mật Tông được truyền thọ thông qua một số lễ nghi nhập môn chỉ có trong truyền thống Mật Tông mà thôi. Để được truyền thọ giới pháp của Mật Tông, trước đó chúng ta phải thọ lãnh một số hay tất cả những giới điều thuộc Biệt giải thoát luật nghi và những giới điều của Bồ Tát. Chúng ta thệ nguyện giữ gìn những giới điều của Mật Tông cho đến khi chúng ta đạt được quả vị giác ngộ hoàn toàn.

Thọ giới

Lãnh thọ bất cứ bộ giới luật nào là việc làm hoàn toàn mang tính tự nguyện. Để thọ giới chúng ta phải nhận thức được những lợi lạc của một đời sống có đạo đức. Có vô số những điều lợi lạc nhưng có thể nói tóm lại rằng sống đời đạo đức đưa chúng ta đến giải thoát, giác ngộ và khiến chúng ta có thể làm lợi ích cho người khác.

Một số người ngần ngại trong việc thọ giới vì cảm thấy rằng khó có thể giữ gìn giới luật một cách hoàn hảo sau khi thọ giới. Chúng ta không nên kỳ vọng rằng chúng ta sẽ trở nên hoàn hảo ngay từ phút đầu. Nếu chúng ta có thể giữ gìn những giới luật hoàn hảo ngay từ phút đầu sau khi thọ giới thì chúng ta không cần thọ giới nữa vì chúng ta đã là một vị A-la-hán hay một vị Phật rồi. Chúng ta thọ lãnh những giới điều chính là vì chúng ta chưa có thể giữ giới một cách hoàn hảo được. Nhưng qua quá trình cố gắng thì những hành động, lời nói và tâm thái của chúng ta sẽ dần dần được uốn nắn theo chiều hướng thanh tịnh.

Ngược lại, chúng ta không nên thọ giới nếu chúng ta hoàn toàn không có khả năng giữ giới. Là một việc làm sai lầm, nếu chúng ta cố cượng thọ giới mà không có chút khả năng gìn giữ! Chúng ta cần có một thái độ cân phân chín chắn. Ví dụ như một đứa bé muốn ăn một miếng dưa hấu nhưng lại không dám vì thấy trái dưa ấy to quá. Không dám nghĩ đến ăn dưa nữa thì đứa bé quả thật đã mất đi một cái gì có ích lợi. Ngược lại nếu đứa bé muốn nhét cả trái dưa to vào miệng ngay tức khắc thì đứa bé sẽ bị nguy hiểm. Nhưng bằng cách đưa vào miệng từng miếng vừa chừng thì đứa bé dần dần được no đủ và khỏe mạnh. Tương tự như vậy, chúng ta nên thọ lãnh dần dần những giới điều tùy theo năng lực tu tập của chúng ta.

Để gìn giữ những giới mà chúng ta đã lãnh thọ, chúng ta cần phải chánh tâm và tỉnh thức. Trường hợp lỡ sai phạm, chúng ta có thể áp dụng 4 sức mạnh đối trị - hối lỗi, quy y và chí hướng xả thân bố thí, lấy công chuộc tội và quyết định không tái phạm - để tẩy sạch những dấu ấn xấu trong dòng chảy tâm thức của chúng ta. Bốn sức mạnh đối trị này đã được miêu tả trong chương trước đây khi thảo luận về vấn đề nghiệp.

Những giới điều được xem là những món trang sức cho một hành giả chân chính. Ngay cả khi chúng ta không muốn thọ giới thì việc từ bỏ 10 bất thiện nghiệp cũng để lại những kết quả tốt đẹp tức thời trong đời sống của chúng ta. Những người xung quanh chúng ta sẽ nhận ra sự khác biệt trong phong cách mà chúng ta hành xử và gia tăng niềm tin và sự kính trọng đối với chúng ta. Tâm hồn của chúng ta sẽ yên tĩnh hơn và dễ tập trung hơn khi chúng ta thiền định. Hành xử đạo đức thật sự là nền tảng cho tất cả những hạnh phúc dù là tạm thời hay miên viễn. Đức Phật đã nói:

Đàn hương cùng với hương trầm,
Hương sen thơm dịu, suốt năm hương lài.
Hương thơm đức hạnh xa bay;
Thơm hơn tất cả, đất trời ngát hương.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/12/2019(Xem: 9370)
Kính bạch Thầy, hơn một tuần qua con ở nhà theo dõi khóa tu thọ trì trọn bộ Kinh Pháp Hoa tại Tu Viện Quảng Đức, nhân dịp này con có dịp ôn lại tất cả bài đã học để vào một cuộc thi sát hạch cuối khoá và con đã đùng hết thì giờ trong ngày để trì tụng trọn bộ kinh Pháp Hoa và đã suy nghiệm như sau . Kính dâng Thày sự học hỏi của con như một sự trình pháp và thương xót cho hoàn cảnh con không thể về dự chung với đạo tràng với các bạn để cùng nhau tu tập. Kính, đệ tử Huệ Hương. Khi nghe được lời phó chúc của Đức Phật trong phẩm Chúc Luỵ ta phải cúi lạy tri ân công đức của Ngài đối với chúng ta biết là dường nào. Vì chỉ có Đức Phật mới ban bố cho chúng sanh 3 thứ trí tuệ mà chỉ có nơi Ngài đó là:
01/12/2019(Xem: 5697)
“Thế Tôn lời dạy tỏ tường Năm điều quán tưởng phải thường xét ra Ta đây phải có sự già Thế nào tránh thoát lúc qua canh tàn Ta đây bệnh tật phải mang Thế nào tránh thoát được an mạnh lành
26/11/2019(Xem: 10471)
Thông thường ở đời chẳng ai muốn gặp phải nghịch cảnh, chướng duyên cả, tâm lý chung của con người vốn là tránh khổ tìm vui, đó là tâm lý tự nhiên muôn đời. Song, với hành giả tu Phật thì nên nhận định rõ rằng có những nỗi khổ trong đời con người ta '' chạy trời
15/11/2019(Xem: 6707)
Cuộc sống của con người và vạn vật chung quanh biến đổi từng giờ từng phút theo không gian và thời gian. Không hề có bất kỳ sự kiện hay sự vật nào tồn tại vĩnh viễn. Giáo lý nhà Phật gọi tình trạng đó là Vô thường.
10/11/2019(Xem: 8801)
Trong những ngày vừa qua, Phật tử xuất gia cũng như tại gia, trong nước cũng như ngoài nước đã mạnh mẽ lên tiếng chống đối, phản biện, lên án, góp ý với một giáo sư trường đại học Khoa Học và Xã Hội Việt Nam tại Sài Gòn về thái độ cùng với lời phát biểu trực tiếp, công khai mạ lỵ và chống báng giới tu sĩ Phật giáo. Nhân vật đối tượng của sự phản đối đó là ông Dương Ngọc Dũng, có học vị tiến sĩ ngành học tôn giáo (Ph.D in Religion) tại trường đại học Boston (Boston University), Hoa Kỳ.
09/11/2019(Xem: 6742)
Kinh A Di Đà nói về pháp môn Niệm Phật. Đây là một pháp môn rất nhiệm mầu, dễ dụng công, rất an ổn, mau thành tựu46. Nhưng kinh A Di Đà rất khó tin, khó hiểu8. Vì vậy tôi đã soạn một số câu kinh, mượn một số lời giảng của các Tổ Tịnh Độ v..v.... để giải thích phần nào những chữ, những câu khó hiểu trong quyển kinh này.
01/11/2019(Xem: 8533)
Phật Giáo Viện Nam tại Mỹ đã không ngừng phát triểnđể duy trì những sinh hoạt tôn giáo của người Việt tại hải ngoại. Tuy nhiên gần đây sinh hoạt của các chùa Việt Nam tại Mỹmỗi ngày phải mỗi thu hẹp lại khi những thế hệ tị nạn lần lần Mỹ hóa; cũng như hầu hết các chùa được thành lập bởi các dân định cư như Trung Hoa, Nhật, Đại Hàn đến Mỹ trước đây đều không còn tồn tại đến ngày nay ngoại trừ những ngôi chùa đã được chuyến hóa để hòa hợp với xã hội Mỹ hoặc đã được thành lập sau này.
31/10/2019(Xem: 8234)
Hòa thượng Thích Như Điển ghé thăm trường đại học Phật Quang - Yilan, Đài Loan ngày 28-29_10_2019
31/10/2019(Xem: 12646)
Hình ảnh Khóa Tu Bát Quan Trai tại Chùa Pháp Quang, Chủ Nhật 27-10-2019, KHÓA TU MỘT NGÀY AN LẠC TẠI CHÙA PHÁP QUANG, BRISBANE (Chủ Nhật 27-10-2019) 7 giờ sáng: Những vị có trách nhiệm đến sớm để chuẩn bị 7:50 Vân tập vào Chánh điện 8 giờ Truyền Giới Bát Quan Trai (HT Hội Chủ Thích Bảo Lạc) 9:30 - 11:00 Nghe Pháp Thoại ( TT Thích Nguyên Tạng) 11:30 - 12:00 Ban Trai Soạn, Ban Hành Đường dọn Quả Đường 12 giờ - 1:00 CÚNG QUẢ ĐƯỜNG & KINH HÀNH NIỆM PHẬT 1 giờ - 1:30 Nghỉ ngơi 1:30 - 2:30 Quý Phật Tử cao niên : Niệm Phật, chấp tác 2:30 - 4:00 Nghe Pháp Thoại ( HT Thích Minh Hiếu) 4:00 - 5:00 Tụng Kinh, Xã giới và hoàn mãn Nghe lời huấn từ của Hòa Thượng Viện Chủ Chùa Pháp Quang:
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]