Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Cuộc Sống Vợ Chồng

14/05/201107:52(Xem: 6742)
4. Cuộc Sống Vợ Chồng

Tấm lòng rộng mở
THUẦN HÓA TÂM HỒN
Nguyên tác: Taming the Monkey Mind
Tác giả: Thupten Chodron - Dịch giả: Thích Minh Thành

Phần Một

NHỮNG MỐI QUAN HỆ CỦA CHÚNG TA

IV. CUỘC SỐNG VỢ CHỒNG

Giúp nhau phát triển

Tất cả những điều đã được nói ở chương trước về việc chọn bạn và cách thức cư xử với bạn cũng là cách thức mà bạn trai và bạn gái, chồng và vợ đối xử với nhau trong chương này. Tình bạn và những cái cùng lo cùng hưởng chung là những yếu tố chủ yếu để xây dựng nền tảng vững chắc cho mối quan hệ nam nữ. Thay vì tạo ra một mối quan hệ dựa trên nhục dục hay vật chất thì vợ chồng có thể tạo ra một mối quan hệ lâu bền và chín chắn hơn. Đó là mối quan hệ bạn bè cật ruột, tin tưởng, khích lệ và kiên nhẫn đối với nhau.

Cần nói thêm rằng không phải tất cả mọi người đều muốn lập gia đình. Đây là một chọn lựa của từng cá nhân tùy theo cá tính và những yếu tố khác. Nếu một vài người nào đó muốn sống độc thân thì sống độc thân có thể là cách tốt nhất để cho người đó được hạnh phúc và làm được nhiều việc nhất. Đời sống hôn nhân không phải dành cho tất cả mọi người.

Phim ảnh và âm nhạc hiện đại đem đến cho chúng ta những kiểu mẫu lý tưởng của những mối quan hệ giữa nam và nữ. Nếu xem đó là chuẩn mực thì đúng là rắc rối vì chúng ta sẽ tìm kiếm con người hoàn hảo như được diễn xuất. Lòng chấp thủ đã khiến cho chúng ta phóng chiếu những phẩm tính tốt đẹp vào một người nào đó hoặc đánh giá quá cao những phẩm tính mà người đó đang có để rồi chúng ta bị cuốn theo những tình cảm phấn khích và lãng mạn.

Cuối cùng thì sự thật cũng được phơi bày, hình ảnh mà chúng ta xây dựng sụp đổ. Điều này xảy ra không phải vì chúng ta hay người kia có làm điều gì sai lầm mà chỉ vì chúng ta đã xây những ảo vọng và đã không bao giờ nghĩ về người kia theo đúng bản chất của họ. Hoặc là chúng ta đã mơ mộng về một mối quan hệ hoàn hảo trong đó không hề có những bất đồng hay mâu thuẫn. Những ảo vọng sai lầm như vậy dễ đưa chúng ta đến chỗ bị thất vọng về đối tượng của mình mà thôi.

Tốt hơn hết là nên ý thức rằng người kia có cả những phẩm tính tốt đẹp lẫn những khuyết điểm và hiểu rằng mối quan hệ mà chúng ta xây dựng sẽ có những thăng trầm của nó. Có khi hai người vô cùng khắng khít nhưng cũng lúc có độ khắng khít giảm dần. Như thế là thuận theo tự nhiên và chúng ta nên xem đó là quy luật của cuộc sống.

Không người nào có thể làm thỏa mãn mọi yêu cầu của chúng ta một cách hoàn hảo. Tại sao vậy? Vì người nào cũng có những giới hạn riêng của người đó; vả lại, tâm ý của chúng ta cũng luôn luôn thay đổi, rồi những điều mà chúng ta đòi hỏi nơi người kia cũng thay đổi theo.

Cũng vậy, không có một người nào có thể giải quyết tất cả những vấn đề và những bất an của chúng ta. Chỉ có tự thân chúng ta mới có thể giải quyết những vấn đề trong cuộc sống bằng cách tu tập những pháp môn đối trọng thích đáng để tự giải phóng chúng ta khỏi sự sân hận và tham ái, hẹp lượng và ganh tỵ, tự ty và ngã mạn. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ rèn lòng kiên nhẫn, tâm tương kính và tấm lòng bao dung, để có thể làm cho mối quan hệ tiếp tục phát triển một cách tốt đẹp.

Khi hai người bắt đầu làm vợ chồng với ý định là thỏa mãn những ham muốn của bản thân mình thì mỗi người sẽ xem những ý muốn và những yêu cầu của mình là quan trọng hơn những ý muốn và những yêu cầu của người kia. Đó là mở màn cho một bi kịch, nguyên nhân của tất cả những cuộc cãi vã. Thái độ ích kỷ này tất nhiên là sẽ đưa đến tình trạng bế tắc. Mỗi người đều không chịu tự mình dẹp bỏ những ham muốn của bản thân. Công việc cần làm lúc này là chế ngự thái độ tự cưng quý bản thân của mình chớ không phải là đòi hỏi, bắt buộc người ấy phải làm như thế này hay thế kia theo ý mình.

Đời sống vợ chồng là một điều kiện tốt để thực tập cách biết quý trọng người kia hơn là chìu chuộng bản thân. Mối quan hệ vợ chồng sẽ trở nên vững vàng và bền bỉ nếu cả hai người đều nghĩ rằng mục đích của việc sống chung là để giúp đỡ nhau và giúp đỡ những người khác. Nếu một người cảm thấy phiền não vì một tâm thái nhiễu loạn thì người kia nên an ủi và khuyến khích người bạn đời của mình hãy nhìn lại việc đó theo một quan điểm khác. Nếu hai người đều có thói quen yên lặng tĩnh tọa nhưng sau đó một người bị phân tán và có nguy cơ buông bỏ việc tĩnh tọa thì người kia nên nhẹ nhàng khích lệ người này hãy cố gắng tập trung trở lại để phát triển tâm linh. Việc ủng hộ và khích lệ nhau sẽ làm cho tình nghĩa vợ chồng càng ngày càng gắn bó và bền vững hơn.

Kính trọng lẫn nhau là mấu chốt của đời sống hôn nhân. Sự kính trọng này phải được biểu lộ qua cách nói chuyện và cách xử sự mà hai vợ chồng dành cho nhau. Cách nói thiếu chân thực hay có tính trách mắng không bao giờ mang lại sự hòa thuận cho hai vợ chồng, nói gì đến việc hành động thô bạo đối với nhau. Nếu chúng ta cảm thấy bực bội và đổ trút sự bực bội đó lên những người thân thì chúng ta đã làm cho những người thân phải khốn khổ. Đối với những vấn đề cần xử sự tế nhị mà lại xử sự thô bạo hay có thái độ biếm nhẻ, hạ cấp thì chính chúng ta đã phá hoại hạnh phúc của gia đình mình.

Nếu chúng ta muốn thể hiện sự tôn trọng đối với bản thân mình và đối với người bạn đời của mình thì trước khi nói một lời nào, một chuyện gì, chúng ta hãy đắn đo suy nghĩ đến tác dụng của lời nói đó, của chuyện đó, đối với người bạn đời của mình. Chúng ta cũng biểu lộ sự tôn trọng của chúng ta qua việc ý tứ đối với tài sản chung của hai người và cả tài sản riêng của cá nhân từng người. Nếu người bạn đời của chúng ta có những thú vui riêng và những việc sinh hoạt riêng mà chúng ta không tham dự vào, chúng ta cũng đừng nên phiền lòng. Hãy biết nhận thức rằng người vợ hay người chồng không phải là một loại của cải hay chỉ là vật sở hữu của chúng ta. Người ấy là một sinh thể có tánh linh, người ấy muốn tiến bộ về mọi phương diện.

Việc tôn trọng gia quyến của người bạn đời cũng rất quan trọng. Dầu cho chúng ta có ưa thích bà con của người bạn đời hay không, chúng ta cũng phải ăn nói và xử sự tử tế với những người ấy. Điều này không có nghĩa là chúng ta để họ điều khiển cuộc đời của chúng ta. Họ có những quan điểm và khuynh hướng khác với chúng ta. Chúng ta vẫn lắng tai nghe lời khuyên của những người đó và cám ơn họ đã khuyên bảo nhưng có làm theo hay không là chuyện khác. Cộc cằn với những người bên vợ hay bên chồng sẽ làm cho vợ chồng không hòa thuận, trái lại tôn trọng và xem họ là những người có tánh linh thì rất tốt cho cuộc sống vợ chồng. Khi thấy vợ hay chồng của chúng ta thương yêu cha mẹ, anh em ruột bên ấy mà chúng ta tỏ ra ganh tức thì chúng ta chỉ làm cho không khí trong gia đình căng thẳng. Tốt hơn, chúng ta nên tôn trọng việc họ thương yêu săn sóc cho nhau.

Tin yêu lẫn nhau là điều rất là quan trọng, hai vợ chồng đều phải góp phần xây dựng sự tin yêu lẫn nhau qua thái độ quan tâm và có trách nhiệm trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Trong một xã hội mà vai trò của người nam và người nữ đã có nhiều biến chuyển, hiện nay mỗi cặp vợ chồng cần phải phân chia bổn phận trong gia đình một cách đồng đều, làm cho mỗi người đều có thể vui vẻ chấp nhận. Mỗi người hoàn thành tốt phần trách nhiệm của mình và như vậy sẽ làm gia tăng sự tin yêu lẫn nhau.

Niềm tin yêu còn được xây dựng qua việc luôn luôn thành thật với người bạn đời. Muốn thành thật thì chúng ta nên tránh làm những việc gì mà sau đó chúng ta phải nói dối để che giấu. Nếu chúng ta phạm sai lầm thì cứ can đảm thẳng thắn xin lỗi. Ngược lại nếu người bạn đời xin lỗi thì chúng ta nên tha thứ và cố gắng đừng để vướng lại một cảm giác tổn thương nào hay một ý muốn trả đũa nào cả.

Thêm một cách để duy trì và cũng cố lòng tin yêu là trung thành và tiết hạnh. Nếu chúng ta không cảm thấy thỏa mãn và muốn có thêm một bạn tình khác, chúng ta nên xem xét lại nguồn gốc của việc này. Phải chăng có điều gì bất ổn trong mối quan hệ vợ chồng và chúng ta cần phải thảo luận với người bạn đời để giải tỏa? Hay chỉ vì những cảm giác thô thiển, cảm giác nhàm chán, hay chúng ta vọng tưởng quá độ? Trong trường hợp này, chúng ta có thể tự nhắc nhở mình rằng đối với tình trạng này nếu chúng ta hành động nông nổi thì chúng ta chỉ tạo ra không khí u ám và đau khổ cho chính chúng ta, cho người bạn đời của chúng ta, cho con cái chúng ta và cho cả người thứ ba kia nữa. Điều quan trọng mà chúng ta phải nhớ là hành động nông nổi của chúng ta sẽ ảnh hưởng tệ hại như thế nào đối với những người khác. Hãy quan tâm đến trạng thái an vui trong tâm hồn của những người thân và xem nhẹ đi những tập khí trái khoáy của bản thân, chúng ta sẽ không có những quan hệ bất chính ngoài hôn nhân.

Lòng tin yêu cũng phải được bồi đắp qua việc điều tiết tài chánh của gia đình. Mỗi cặp vợ chồng nên bàn thảo và quyết định phương cách xử lý tiền bạc. Bất cứ điều gì đã được hai vợ chồng thỏa thuận thì chúng ta phải sắp xếp để tuân theo sự thỏa thuận đó. Phung phí tiền bạc của gia đình cho những vui thú cá nhân hay cờ bạc, hoặc là tiêu xài nhiều hơn khả năng tài chánh của gia đình đều làm tổn thương lòng tin yêu đối với nhau và tạo nên tình trạng khốn khổ về tài chánh. Vì vậy người khôn ngoan có trí sẽ tham khảo ý kiến của người bạn đời trước khi quyết định một chi tiêu lớn và nếu người bạn đời nhất thời chưa chịu quyết định thì bạn hãy chờ đợi. Nếu chúng ta thật lòng yêu thương và tôn trọng người bạn đời của chúng ta thì chúng ta sẽ không lấy việc tiêu tiền để biểu thị rằng quyền của ta lớn hơn quyền của người bạn đời; và chúng ta cũng không tiêu tiền để thỏa mãn sự ham thích vị kỷ của chúng ta.

Chúng ta có lập gia đình hay không là quyền của chúng ta. Theo Phật giáo, việc lập gia đình không phải là một việc thiêng liêng, một bổn phận cần phải thực hiện. Việc có con hay không có con của hai vợ chồng cũng vậy, trong Phật giáo không hề có sự bắt buộc nào cả. Một cặp vợ chồng có thể muốn có nhiều thì giờ hơn để thực tập giáo pháp hoặc để tham gia vào các chương trình xã hội thì hai vợ chồng có thể thỏa thuận với nhau là không có con. Những cặp vợ chồng khác lại thấy rằng việc có con trong một mái ấm gia đình là rất quan trọng. Có con hay không có con, có bao nhiêu người con, tất cả việc ấy là quyền cá nhân của từng người.

Khi cả cha lẫn mẹ đều có một quan điểm chung về phương thức nuôi dạy con cái thì những đứa con sẽ không bị mù mờ về những gì được phép làm và những gì không được phép làm. Trẻ con rất cần được cha mẹ hướng dẫn một cách nhất quán. Trẻ con cảm thấy rất là lù mù rối óc nếu hành động của người cha hay người mẹ lúc thì thế này lúc thì thế khác. Trẻ con sẽ không biết nghe theo ai nếu cha dạy một đàng mẹ dạy một nẻo; cha thì làm thế này mẹ lại làm thế kia. Làm như thế sẽ dẫn đến việc gây gổ giữa hai vợ chồng. Vợ chồng thường xuyên thảo luận và nói chuyện với nhau một cách thân thiện sẽ có tác dụng phòng ngừa và giải tỏa những khó khăn trên.

Cũng có thể là vợ chồng đã cố gắng giải tỏa sự xung đột trong một thời gian nhưng họ không thành công và cảm thấy việc sống với nhau thật là khó khăn. Việc hôn nhân đối với Phật giáo là việc của thế tục, và vì vậy việc ly thân hay ly dị cũng là việc thế tục. Phật giáo không hề có một giáo điều nào ngăn cấm việc kết hôn hay ly hôn. Và nếu vợ hay chồng sau khi ly hôn muốn tái giá thì đó cũng là quyền chọn lựa của riêng họ.

Tuy vậy, Phật giáo khuyến khích người ta hợp tác và hòa hợp với nhau, Phật giáo cũng khuyến khích nhẫn nại và bao dung đối với những bất đồng và những hành động gây đau khổ. Những người đã lập gia đình thì nên cố gắng tối đa để có thể ý thức và ý tứ đối với những cảm xúc vui buồn của người bạn đời của mình. Chạy từ người này đến người khác, từ tình cảnh này đến tình cảnh khác để tìm kiếm hạnh phúc là một hành động vô ích, hành động đó chỉ có thể tạo thêm sự khao khát không thể thỏa mãn mà thôi. Vì vậy mà vợ chồng hãy ra sức hóa giải những khó khăn trong đời sống hôn nhân, đặc biệt vì lòng thương tưởng những đứa con.

Đức Đạt-lai Lạt-ma đã có lời khuyên về vấn đề này trong tác phẩm Lòng Từ, Sự Sáng Suốt và Trí Tuệnhư sau:

Nếu đã có gia đình mà chỉ nghĩ đến tình cảm và niềm vui thú riêng của bản thân mình thì không đủ. Bạn còn có một nhiệm vụ thiêng liêng là nghĩ đến những đứa con. Nếu bạn ly dị thì con của bạn bắt đầu phải đau khổ, đó không phải là một nỗi đau khổ nhất thời phút chốc mà là một nỗi đau khổ cho đến hết đời này. Người con lấy mẫu cuộc đời này từ cha mẹ. Nếu cha mẹ thường xuyên tranh chấp với nhau và cuối cùng là ly dị thì tôi nghĩ rằng một cách vô thức, trong tận cùng sâu thẳm, tâm hồn của người con bị ảnh hưởng tồi tệ và mang những vết hằn đen tối. Quả là thảm kịch của cuộc đời. Vì vậy mà tôi có lời khuyên: muốn có một hôn nhân đích thực thì nên từ từ, trải qua từng giai đoạn trước hôn nhân một cách thận trọng và chỉ lấy nhau khi đã đạt được một sự hiểu biết thích đáng đối với nhau, khi đó thì bạn sẽ có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Hạnh phúc trong gia đình sẽ dẫn đến hạnh phúc trên thế giới.

Nếu người ta tiến tới hôn nhân với một thái độ thiết thực, chân thành, khiêm tốn, nhẫn nại, tôn trọng và thật lòng săn sóc cho người kia thì cả hai người càng ngày càng hiểu biết hơn và càng tiến triển hơn. Để đạt được những phẩm chất này, chúng ta cần phải quay lại quán sát những hành động của chúng ta, cải thiện những cảm nghĩ và những việc làm có hại và tu tập những phẩm chất cao thượng và thánh thiện.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/11/2021(Xem: 14981)
Đây chỉ là chiếc thuyền nan, chưa tới bờ bên kia, vẫn còn đầy ảo tưởng chèo ra biển cả. Thân con kiến, chưa gột sạch đất cát, bò dưới chân Hy Mã Lạp Sơn, nghe tiếng vỗ của một bàn tay trên đỉnh cao. Chúng sinh mù, nếm nước biển, ngỡ bát canh riêu cá, Thế gian cháy, mải vui chơi, quên cảnh trí đại viên. Nắm vạt áo vàng tưởng như nắm lấy diệu quang, bay lên muôn cõi, theo tiếng nhạc Càn Thát Bà réo gọi về Tịnh Độ, ngửi mùi trầm Hương Tích, an thần phóng thoát. Con bướm mơ trăng Cực Lạc, con cá ngụp lặn dưới nước đuôi vàng như áo cà sa quẫy trong bể khổ, chờ thiên thủ thiên nhãn nghe tiếng sóng trầm luân vớt lên cõi Thanh văn Duyên giác. Những trang sách còn sở tri chướng của kẻ sĩ loanh quanh thềm chùa Tiêu Sơn tìm bóng Vạn Hạnh, mơ tiên Long Giáng lào xào bàn tay chú tiểu Lan trên đồi sắn.
08/11/2021(Xem: 10830)
Hiền Như Bụt là tác phẩm biên khảo về Phật Giáo, bút ký pha lẫn văn chương nhưng không phải do một tu sĩ hay một nhà nghiên cứu Phật học sáng tác mà do một trí thức khoa bảng yêu mến và quý trọng Đạo Phật viết ra. Nó là sản phẩm của 20 năm, từ 1992-2012. Hạ Long Bụt Sĩ tên thật là Lưu Văn Vịnh. Ông là một dược sĩ & Cao Học Dược, Cao Học Triết Học Tây Phương -nguyên giảng sư về các bộ môn Triết Học, Tâm Lý Học tại Đại Học Văn Khoa, Vạn Hạnh và Minh Đức. Ông đã xuất bản khoảng 11 tập thơ trong đó có dịch thơ Ả Rập và Thơ Thiền cùng một số sách nghiên cứu lịch sử và triết học. Hiền Như Bụt dày 444 trang xuất bản năm 2020, bao gồm một chương Tổng Quát và sáu chương với những chủ đề: Phật Pháp Trị Liệu Pháp, Đạo Bụt và Khoa Học Vật Lý, Bóng Phật Trong Văn Học, Tư Tưởng Tam Giáo, Đạo Bụt Canh Tân và Chuỗi Ngọc Kinh Phật.
07/11/2021(Xem: 4414)
Phần này bàn về cách dùng đã, đã đã, đã tật và làm đã, đã làm vào thời LM de Rhodes đến truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ). Ngoài các bản Nôm của LM Maiorica ghi ở đoạn sau, tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false.
04/11/2021(Xem: 7262)
Sau đây là bản Việt dịch bài giảng pháp của Đại Sư Mahasi Sayadaw (1904-1982) trước các thiền gia trong buổi lễ khai thị ở trung tâm thiền tập Mahasi Meditation Center, Rangoon, Miến Điện. Bài này được dịch từ tiếng Miến sang Anh ngữ bởi Unyi Nyi, và sửa chữa lại năm 1997 bởi Đại Sư Pesala.
29/10/2021(Xem: 3631)
Cựu Ngoại trưởng Mỹ, Phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ, Hillary Rodham Clinton cho biết bà thường thực tập thiền định vào các khoảng thời gian giải lao trong suốt phiên điều trần ứng viên Tổng thống kéo dài 10 giờ liền.
16/10/2021(Xem: 6891)
Được sự thương tưởng và hỗ trợ của quí vị chúng con, chúng tôi vừa thực hiện xong 14 giếng cần giục (Well hand-pump) cho những ngôi làng nghèo lân cận vùng núi Khổ Hạnh Lâm - Bồ Đề Đạo Tràng & vùng Kê Túc Sơn tiểu bang Bihar India. Đây là Public Well Hand-pump nên cả làng có thể xài chung, người dân nghèo bớt đi rất nhiều nỗi nhọc nhằn trong mùa Hạ vì phải đi lấy nước ngoài sông xa. Kính mời quí vị xem qua một số hình ảnh tường trình. (09 Oct 2021)
10/10/2021(Xem: 8914)
Hơn hai năm qua, từ khi phát hiện mình bị cao huyết áp (Hypertension ), tôi thường xuyên đến bệnh viện tái khám và nhận thuốc theo định kỳ của bác sĩ đều trị. Nơi đó là bệnh viện địa phương theo tuyến Quận đã đăng ký trong thẻ Bảo Hiểm Y Tế.
09/10/2021(Xem: 5349)
Trong cuộc sống con người chúng ta thường có nhiều hơn nỗi sợ tồn tại cùng một lúc: sợ thay đổi, sợ thất bại, sợ sai lầm,sợ ma, sợ tình người vô cảm, sợ bị từ chối,… Có thể nói ...sợ hãi là một trong những trạng thái tinh thần tiêu cực gắn với nét tâm lý hoang mang, lo sợ của con người. Trạng thái này xuất hiện như một phản xạ tự nhiên khi chúng ta nhận ra mối nguy hại ảnh hưởng tiêu cực và đe dọa, gây ra sự nguy hiểm. Khác với sự lo lắng thông thường, nỗi sợ hãi thường khiến con người không giữ được bình tĩnh, run sợ không dám đối diện và vượt qua. Có những nỗi sợ hãi do tác động từ yếu tố khách quan bên ngoài, tuy nhiên cũng có những nỗi sợ vô hình in sâu trong tâm lý, tiềm thức của con người, chỉ cần một tác động nhỏ của ngoại lực, sự sợ hãi sẽ bộc phát và gây ảnh hưởng xấu đến cảm xúc, hành vi của con người. Nỗi sợ thường xuất phát từ những áp lực ràng buộc con người
07/10/2021(Xem: 7761)
Mặc dù tình hình Dịch Covid tại Ấn Độ đã lắng dịu khá nhiều so với thời điểm nguy hiểm cách đây 3 tháng trước nhưng sự vân hành của nền kinh tế quốc gia vẫn còn đang tắc nghẽn, trì trệ do ảnh hưởng chung của nạn dịch toàn cầu. Trong tâm tình Hộ trì Tăng Bảo, san sẻ với chư Tăng tu hành nơi xứ Phật trong lúc còn nhiều khó khăn, vào sáng Chủ Nhật 03 Oct 2021 vừa qua chúng con, chúng tôi đã thực hiện một buổi cúng dường chư Tăng thuộc các truyền thống Phật giáo tại Bangladesh Monastery thuộc khu vực Bồ Đề Đạo Tràng Bodhgaya India với sự bảo trợ của chư tôn đức Ni và chư Phật tử 4 phương...
07/10/2021(Xem: 6031)
Dù tại gia hay xuất gia, chúng ta đến với đạo Phật nhưng chỉ biết những hình thức cúng kiến, lễ lạy, cầu nguyện mà thôi, không chịu tìm hiểu xem Đức Phật dạy những gì để áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, tìm hiểu xem đâu là chánh pháp, điều gì là Chánh kiến thì khổ đau vẫn hoàn đau khổ, theo đạo Phật như thế thì không lợi lạc gì bao nhiêu và.. có khác chi bao người không biết đến Phật Pháp?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]