Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

7. Tâm bi: Phát triển con tim cứu khổ

24/03/201103:34(Xem: 12544)
7. Tâm bi: Phát triển con tim cứu khổ

SỐNG VỚI TÂM TỪ
Sharon Salzberg, Nguyễn Duy Nhiên dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

Tâm bi: Phát triển con tim cứu khổ

Ta dạy có một điều và chỉ mỗi một điều mà thôi: đó là khổ đau và sự chấm dứt khổ đau.
− Lời Phật dạy

Nhiều năm trước đây, khi tôi sống ở Ấn Độ và thực hành thiền tập tại Bồ-đề Đạo tràng, tôi có đi với một người bạn sang Calcutta vài hôm. Đến giờ trở về, chúng tôi mới biết là mình sắp trễ giờ xe lửa. Chỉ có một cách duy nhất để ra ga kịp giờ là tìm một chiếc xe kéo. Xe kéo là một loại xe rất thông dụng ở Ấn Độ. Tại những thành phố khác, xe kéo thường được kéo bằng xe đạp hoặc xe gắn máy, nhưng ở Calcutta xe được kéo bằng người chạy bộ. Mặc dù chúng tôi không thích ngồi trên xe để cho người khác kéo, nhưng vì sợ trễ giờ nên chúng tôi không còn chọn lựa nào khác hơn.

Người phu kéo xe đưa chúng tôi băng ngang qua những ngõ tắt, xuyên qua các hẻm vắng tối om. Đột nhiên, một người đàn ông to lớn từ đâu xuất hiện, tiến đến chỗ người phu kéo và chận đứng chiếc xe lại. Hắn nhìn thấy tôi, nắm lấy tôi và cố lôi tôi ra khỏi xe. Tôi nhìn chung quanh tìm người cứu giúp. Chung quanh tôi đâu đâu cũng có người, nhưng tôi không thấy được gương mặt nào thân thiện.

Tôi tự nhủ: “Trời ơi, tên này sẽ lôi mình xuống và làm hại mình đây. Sau đó hắn sẽ giết mình mà không một ai cứu giúp hết.” Nhưng người bạn tôi ngồi cạnh bên trên xe, cố giúp tôi xô được tên say rượu ra xa, và bảo người phu xe chạy nhanh đi. Chúng tôi thoát được nguy hiểm ấy và đến trạm xe lửa đúng giờ.

Về đến Bồ-đề Đạo Tràng tôi vẫn còn cảm thấy run rẩy và tức giận. Tôi kể cho vị thầy tôi nghe, ngài Munindra, về chuyện đã xảy ra. Ông nhìn tôi và nói: “Sharon, với tất cả tâm từ bi của cô, đáng lẽ cô phải lấy cây dù của cô, dùng hết sức mình mà đập lên đầu hắn mấy cái!”

Đôi khi chúng ta nghĩ, khi ta có một tâm bi, có một con tim rộng mở, nghĩa là ta sẽ trở nên thụ động, cho phép người khác lợi dụng mình. Ta lúc nào cũng nở nụ cười và mặc cho người khác muốn làm gì ta cũng được. Nhưng tâm bi không phải là vậy. Ngược lại, tâm bi không hề có nghĩa là yếu đuối. Nó là một sức mạnh phát sinh khi ta nhìn thấy được tự tánh khổ đau của cuộc đời. Tâm bi cho phép ta nhìn thẳng vào khổ đau, dù là trong ta hay trong người khác, không chút sợ hãi. Nó cho phép ta lên án những bất công không chút do dự, và hành xử thích ứng với khả năng của mình. Muốn phát triển tâm bi, tâm thứ hai trong Tứ vô lượng tâm, đức Phật dạy ta phải biết sống với lòng thương xót đối với tất cả mọi người, mọi loài, không phân biệt.

Nhưng cảm xúc của tâm bi rất dễ bị hiểu lầm. Lần đầu tiên tôi đến dạy thiền tập ở Nga, tôi đề cập đến tâm bi rất nhiều. Khi những câu nói của tôi được dịch sang tiếng Nga, tôi có một cảm giác kỳ quặc chúng đã không được chuyển đạt đúng nghĩa. Cuối cùng, tôi quay sang hỏi người thông dịch: “Khi tôi nói ‘tâm bi’, anh dịch như thế nào?” Anh ta đáp: “Ồ, tôi diễn tả một trạng thái bị chế ngự bởi khổ đau của người khác, như là bị ai lấy dao đâm vào tim mình, và ta phải gánh vác cái đau của người khác như là nỗi đau của chính mình vậy.” Tôi ngồi đó và nghĩ thầm: “Thôi chết rồi!”

Nhưng lầm lẫn ấy thật ra cũng tự nhiên thôi. Ta rất dễ hiểu lầm rằng tâm bi có nghĩa là chịu đựng khổ đau của người khác!

Khi được dịch từ tiếng Phạn, chữ karuna, tâm bi, có nghĩa là sự run rẩy, rúng động của con tim trước nỗi đau của người khác. Nhưng nó không có nghĩa bạc nhược như cách diễn tả của người thông dịch. Khi ta bị chế ngự bởi một nỗi đau, điều đó có thể đưa đến sự thất vọng, phiền muộn, chán nản, và đôi khi là tức giận. Nhưng đó không phải là tâm bi. Ram Dass và Paul Gorman trong quyển Tôi có thể giúp bằng cách nào? có viết: “... đem con tim ra cởi mở và tiếp xúc là một chuyện, và để cho con tim mình bị tan vỡ và chế ngự là một chuyện khác. Sự khác biệt của khổ đau nằm ở chỗ đó.” Nếu ta cảm thấy con tim mình sẽ bị tan vỡ, ta sẽ bị đè bẹp, không chịu đựng nổi sự việc xảy ra, thì ta không thể cởi mở trước nỗi đau được - thế nhưng đó cũng chính là nền tảng của tâm bi.

Bước đầu tiên để phát triển một tâm bi là biết cởi mở và nhận diện được sự có mặt của khổ đau trong cuộc đời. Ở khắp mọi nơi, bất cứ đâu, bằng cách này hay cách khác, mọi loài đang khổ đau. Có những khổ đau to lớn và bi đát, có những khổ đau nhỏ nhoi và thinh lặng.

W. H. Auden viết:

Về chuyện khổ đau họ chưa bao giờ sai,
Những vị Thầy xưa, đã hiểu quá nhiều
Chúng là số phận của con người;
Khổ đau xảy ra như thế nào
Khi một người đang ăn,
khi một người đang mở cánh cửa sổ,
khi một người đang đi lang thang...

Mặc dù cuộc đời không phải chỉ có toàn khổ đau mà thôi, nhưng nếu muốn phát triển một tâm bi, ta cần phải biết nhận diện được sự có mặt của chúng.

Chỉ cần nhìn lại kinh nghiệm của chính mình, chúng ta chắc cũng không ai lạ gì chuyện khổ đau. Chúng ta ai cũng có những thăng trầm, những được thua, những mất mát, đau đớn và buồn khổ. Có lúc ta không đạt được những gì mình muốn, hoặc có nhưng rồi lại mất đi, hoặc cuối cùng khám phá rằng đó không phải là những gì mình muốn. Trong chúng ta, ai không từng trải qua những kinh nghiệm ấy! Nhưng thật ra, chấp nhận sự có mặt của chúng sẽ mang lại cho ta ít khổ đau hơn là tìm cách lẫn tránh chúng.

Chúng ta lớn lên với một quan niệm rằng khổ đau là sai trái và ta phải tránh né chúng. Ta nghĩ khổ đau như một cái gì ghê gớm lắm, không nên đối diện. Và rồi, chúng ta cùng nhau xây dựng một xã hội có thể cung ứng cho ta nhu cầu che đậy những dấu vết của khổ đau. Chúng ta tiêu thụ thật nhiều, và dùng mọi thứ thuốc gây mê để tránh né, quên đi khổ đau. Chúng ta loại bỏ những người nào khác biệt với mình, những người có vấn đề, những người già, những người hấp hối, vào những nơi riêng biệt, để ta khỏi phải nhìn thấy họ. Mặc dù chúng ta đều chia sẻ chung những hình thái khổ đau này, Nhưng dường như trong cái già, cái bệnh và cái chết có tàng chứa sự gì nhục nhã, xấu hổ, khiến ta luôn muốn che giấu nỗi đau của riêng mình.

Có một câu chuyện trong bài trường thi anh hùng ca của Ấn Độ giáo, Mahabharata, minh họa được cái động lực chối bỏ này của loài người. Khi Yudhistara được hỏi: “Trên thế giới này có điều gì kỳ lạ nhất?” Ông trả lời: “Điều kỳ lạ nhất trên cuộc đời này là quanh ta mọi người ai cũng sẽ chết, nhưng ta không bao giờ tin rằng điều ấy sẽ xảy đến cho chính mình.”

Chúng ta sống như thể là cái chết chỉ “đột nhiên” xảy đến mà ta không ngờ trước. Có nhiều lần tôi đi siêu thị, trong khi đứng xếp hàng chờ trả tiền, tôi đọc những tờ báo lá cải chuyên đăng tin giật gân với những bản tin như Elvis Presley vẫn còn sống, có người gặp anh ở nơi này hoặc nơi nọ... Có khi là ở Florida, có khi lại là ở California, và có lần tôi còn đọc thấy là ở Hỏa tinh nữa! Tại sao Elvis không thể chết? Con người ai cũng chết. Tại sao người ta lại không chấp nhận được sự thật ấy chứ!

Mỗi khi chúng ta chối bỏ kinh nghiệm của mình, là ta đang buông bỏ một cái thật để nắm bắt cái giả tạo. Và sống theo những gì không thật, ảo tưởng, bao giờ cũng chỉ gây hại cho ta mà thôi. Chân lý có lẽ khó chấp nhận, nhưng sẽ không bao giờ mang lại sự thiệt thòi cho ta. Nếu chúng ta có thể thật sự cởi mở và thẳng thắn nói rằng: “Khổ đau có mặt trên cuộc đời này.” Mọi việc sẽ được phô bày ra trước mặt. Không có sự giả vờ, không trốn tránh, không đùa chơi. Chấp nhận được sự thật về khổ đau sẽ giúp ta cảm thấy đồng nhất với người khác. Mục đích của sự tu tập là để hiểu, để thấy được chân tánh của sự sống, thấy được những gì đang thật sự xảy ra. Khả năng thấy và hiểu này là bước đầu tiên của sự phát triển tâm bi.

Nhưng nhận thấy được nỗi đau cũng còn là việc dễ, cởi mở được với nó mới là khó hơn. Và đây là bước thứ nhì của sự phát triển tâm bi: cởi mở với nỗi đau và thiết lập mối tương quan với nó. Chuyện ấy không phải dễ. Đôi khi muốn thật sự cởi mở với cơn đau, ta cần phải tiến từng bước nhỏ. Còn nếu như sự cởi mở của ta chỉ là một thủ đoạn hoặc bị bó buộc, thì mục đích tu tập sẽ trở thành vô nghĩa, sẽ tan biến thành mây khói.

Đôi khi, lúc mới bắt đầu cởi mở với khổ đau, ta lại có cảm tưởng như mình có thể kiểm soát nó được, như là khổ đau có thể vặn lên và tắt xuống được vậy. Có lẽ điều này giải thích lý do vì sao người ta hay tìm đọc những chuyện bạo động, tang thương trên báo chí, hoặc xem ti vi và phim ảnh. Chúng ta xem những khổ đau xảy ra với hy vọng có thể điều khiển chúng dễ dàng, chỉ bằng cách đổi băng tần hoặc là tắt máy đi.

Và khi chúng ta cảm thấy mình không làm chủ được khổ đau, ta đâm ra tức giận, sợ hãi, hoặc là buồn chán. Tâm lý học Phật giáo gọi đó là những “kẻ thù gần” của tâm bi, vì chúng có thể dễ dàng hóa trang thành tâm bi. Kẻ thù xa của tâm bi là sự tàn bạo, nó chỉ có thể ở xa mà thôi vì bị nhận diện quá dễ dàng. Còn như sự bất mãn, ta khó phân biệt nó hơn. Ta có thể cảm thấy tức giận trước những bất công, hoặc cảm thấy bất mãn khi nghe tin về những tệ đoan trong gia đình, ngoài xã hội hay trên chính trường. Chúng ta có thể cảm thấy sợ hãi khi đối diện với những nỗi sợ của người khác. Chúng ta có thể cảm thấy nản lòng trước những mất mát và khổ đau của người khác. Tất cả những cảm xúc ấy rất gần gũi với tâm bi, vì chúng cũng là những “rung động của con tim”! Nhưng thật ra, tâm bi lại hoàn toàn khác, nó không phải là sự tức giận, sợ hãi hay là phiền muộn, vì những trạng thái này có thể làm ta mệt mỏi, và đôi khi còn hủy hoại chính mình nữa. Thật ra tôi không nói những cảm xúc này là sai. Nhưng chúng ta phải có khả năng nhìn thẳng vào chúng một cách thành thật, và thấy được những phản ứng cũng như hậu quả của chúng.

Có lần tôi nói chuyện về sự khác biệt giữa thái độ bất mãn và tâm bi. Sau đó có một người đến gặp tôi, anh ta có vẻ rất bực tức. Anh ta kể cho tôi nghe về người chị của anh bị chấn thương não rất nặng, phải sống trong một viện dưỡng bệnh dành cho người già, và mức độ chăm sóc ở nơi này lại rất thấp. Anh ta nhấn mạnh rằng nhờ có sự can thiệp mạnh bạo và nhiều lần của anh mà bà ta mới còn có thể sống trong nơi ấy. Khi kể chuyện cho tôi nghe, cả người anh run lên. Sau một hồi, tôi hỏi anh: “Bên trong anh bây giờ đang cảm thấy như thế nào?” Anh đáp: “Tôi đang giãy chết đây. Cơn giận này đang hành hạ và giết tôi!” Lẽ dĩ nhiên, trên cuộc đời này sẽ có những bất công cần phải phản đối, những hoàn cảnh thù nghịch cần phải thay đổi... Nhưng chúng ta có thể thực hiện những việc ấy mà không cần phải hủy hoại chính mình vì sợ hãi, vì tức giận.

Trạng thái của tâm bi, một sự rung động của con tim, bao giờ cũng có mặt cùng với sự tĩnh lặng. Bạn có thể tưởng tượng một tâm thức không có sự thù hằn, bực tức, phê phán và trách cứ chính mình hay người khác. Tâm thức này không nhìn cuộc đời qua những sự đối đãi như là đúng và sai, tốt và xấu, thiện và ác... Nó chỉ thấy có một điều và mỗi một điều mà thôi, đó là “khổ đau và sự chấm dứt của khổ đau”. Chúng ta cũng có thể nhìn lại đời mình bằng ánh mắt không phê phán ấy. Ta sẽ thấy có những việc mang lại khổ đau và có những việc đem đến hạnh phúc, nhưng không có một sự sợ hãi, một mặc cảm tội lỗi, hay là một sự chối bỏ nào. Khi chúng ta có thể nhìn thấy chỉ có khổ đau và sự chấm dứt khổ đau, lòng bi sẽ có mặt. Và chừng ấy, ta có thể hành động bằng tất cả nghị lực và sự cương quyết của mình, nhưng vẫn không bị hao mòn và tiêu hủy bởi năng lượng của sân hận.

Ta có thể hành động rất cương quyết mà không cần đến sự thù hằn hoặc bất mãn. Khi chúng ta nhìn thấy một em bé đang vói tay lên một nồi nước sôi bắc trên lò, ta lập tức ra tay ngay! Hành động của ta phát sinh từ một lòng bi: ta lao tới để kéo em bé ra khỏi sự nguy hiểm. Ta đâu cần có một sự bất mãn hay giận ghét nào đâu!

Có tâm bi nghĩa là ta mong ước cho một người nào, hoặc tất cả mọi người, được thoát khỏi khổ đau. Có tâm bi tức là ta có thể thật sự cảm nhận được những gì người khác đang kinh nghiệm. Tôi có kinh nghiệm này vào ngày cuối trong lần đầu tiên đến Nga. Ở phi trường, khi tôi sửa soạn đi về, tôi phải đi ngang qua nơi soát giấy thông hành. Sự khám xét nơi đây rất kỹ lưỡng, tôi nghĩ, có lẽ chánh quyền Nga không muốn những người dân Nga xuất ngoại bằng cách sử dụng thông hành giả. Nên việc bị soát thông hành là cả một thử thách. Tôi mỉm cười trao giấy thông hành của tôi cho một nhân viên mặc quân phục. Ông ta nhìn tấm hình, rồi nhìn tôi, lại nhìn tấm hình, rồi nhìn tôi, cúi xuống nhìn tấm hình, rồi lại ngước lên nhìn tôi. Cái nhìn của ông đối với tôi, tôi có cảm tưởng là một cái nhìn thù nghịch nhất trên đời, chưa từng có ai nhìn tôi với ánh mắt như thế. Một thứ thù nghịch lạnh như băng. Lần đó cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi kinh nghiệm một năng lượng như thế trực tiếp hướng đến cá nhân tôi. Tôi chỉ biết đứng đó, sửng sốt. Cuối cùng, sau một thời gian rất lâu, ông ta trả lại tôi tờ thông hành và bảo tôi đi.

Tôi đi lên phòng đợi trong phi trường, gặp lại một số bạn đồng hành đang chờ tôi. Tôi cảm thấy bực tức. Tôi có cảm tưởng như năng lượng của ông đã làm nhiễm độc con người tôi vậy. Tôi đã tiếp nhận sự thù hằn của ông ta và phản ứng rất mãnh liệt. Nhưng, chỉ trong giây phút, mọi sự thay đổi hết. Tôi nghĩ: “Nếu như tôi chỉ mới cảm nhận năng lượng ấy trong mười phút thôi mà còn cảm thấy mệt mỏi đến như vậy, nếu phải sống với năng lượng ấy trong tâm suốt đời thì còn như thế nào nữa?” Tôi biết rằng người đàn ông ấy thức dậy mỗi sáng, đi làm cả ngày, và tối về ngủ, cũng cùng với một trạng thái tâm thức mà tôi mới vừa kinh nghiệm đó. Tự nhiên tôi có một lòng thương rất lớn đối với ông ta. Đối với tôi, ông không còn là một kẻ thù đe dọa nữa, mà là một người đang rất khổ đau.

Muốn nhìn cuộc đời bằng đôi mắt thương yêu, chúng ta phải thấy được những gì đang xảy ra cùng với những điều kiện đã làm cho nó phát sinh. Thay vì chỉ nhìn thấy kết quả cuối cùng mà thôi, ta cần phải thấy được mọi yếu tố cấu tạo nên nó. Giáo pháp của đức Phật có thể được gom lại trong tuệ giác này: mọi việc xảy ra trong cuộc đời đều do nhân duyên. Bạn có bao giờ giận một người nào đó, và rồi thấy được những nguyên nhân trong quá khứ của người ấy đã khiến họ phải hành động như vậy? Bạn đột nhiên hiểu được nhân duyên đưa đến tình trạng ấy, thay vì chỉ cố chấp vào kết quả cuối cùng.

Tôi có biết hai người kia, cả hai đều có một quá khứ rất khổ đau vì bị xúc phạm và hành hạ khi còn nhỏ. Một người là đàn bà, chị ta lớn lên trong một nỗi sợ sệt, và người kia là đàn ông, anh ta lớn lên với sự thù hằn, nóng tánh. Cả hai lại có dịp làm việc chung với nhau. Cô ta không ưa anh ta đến nỗi tìm đủ mọi cách để anh bị cho nghỉ việc. Nhưng khi cô biết được quá khứ của anh, biết rằng anh ta cũng đã có những khổ đau giống mình, cô thốt lên: “Đây là người anh em của tôi mà!”

Thái độ này không có nghĩa là chúng ta sẽ bỏ qua hoặc chấp nhận những điều sai quấy của người khác. Nhưng chúng ta thấy được tất cả những yếu tố đã làm thành cuộc sống của người ấy, và hiểu được tình trạng bị hoàn cảnh đưa đẩy của họ. Ý thức được như vậy, ta sẽ dễ tha thứ và có một tâm bi với mọi người hơn.

Có tâm bi nghĩa là ta biết chú ý hơn đến tất cả những điều kiện, những thành tố, của bất cứ một sự việc nào. Chúng ta phải có khả năng nhìn được sự việc như nó đang xảy ra trong giờ phút hiện tại. Chúng ta cần phải có sự cởi mở và một không gian để thấy được những điều kiện tạo nên, cũng như ý nghĩa toàn vẹn của nó. Ví dụ, chúng ta có thể tuyên bố rằng: “Thuốc phiện rất nguy hiểm.” Điều ấy đúng, không ai nghi ngờ gì cả. Nhưng nó có thật sự đúng đối với những người bị bệnh nan y không, khi họ đang bị dày xé bởi những cơn đau đớn cực kỳ? Thứ thuốc ấy có thể làm giảm cơn đau kịch liệt của họ! Cái ý nghĩa toàn vẹn của thực tại trong giờ phút ấy là gì? Nếu chúng ta biết nhìn theo cách ấy, ta sẽ không bị bó buộc trong những khuôn khổ khô cứng, khiến ta trở nên câu chấp và không còn nhìn đời bằng con mắt của tâm bi nữa.

Và làm thế nào để chúng ta đem tâm bi vào cuộc đời? Đức Phật dạy rằng, được sinh làm người là một điều rất may mắn và hiếm có. Trong vũ trụ mênh mông có vô số cảnh giới, được sinh ra trong cõi người là một cơ duyên rất lớn. Vì trong cõi người có một sự quân bình giữa hạnh phúc và khổ đau, giúp ta dễ thăng tiến trên con đường tu tập. Nếu như cuộc sống có quá nhiều đau khổ, ta sẽ bị đè bẹp, ta chỉ còn biết gắng sức cho sự sinh tồn của chính mình mà thôi. Và nếu như cuộc sống chỉ toàn hạnh phúc, ta sẽ trở nên dễ duôi, lười biếng, không có gì để thúc đẩy sự tiến tới.

Đức Phật cũng dạy rằng, chúng ta có hai cách để duy dưỡng tâm bi. Thứ nhất, chúng ta có thể cố gắng gầy dựng cho tất cả mọi người có được một môi trường tu tập thuận tiện, giúp họ có thể tìm được chân lý và hạnh phúc, vượt ra ngoài mọi ý niệm về thân và tâm. Thứ hai, nếu ta tiếp xúc với con người, dù trong hoàn cảnh nào, dù họ có hoang phí cuộc sống nhiệm mầu nhưng ngắn ngủi này đến đâu, ta vẫn có một lòng thương.

Sống theo phương cách ấy, mỗi giây phút của cuộc đời ta là một cơ hội để phát triển tâm bi. Mỗi hành động, cho dù nhỏ nhoi đến đâu, cũng có thể là biểu hiện của con tim biết thương xót. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng, muốn thể hiện tâm bi ta phải giống như Mẹ Teresa. Nhưng thật ra chỉ cần nhìn vào những việc làm nhỏ nhặt của mình trong đời sống hằng ngày, ta sẽ thấy: Chúng nói gì về phản ứng của ta đối với khổ đau? Chúng có phản ảnh được sự hiểu biết về khổ đau không? Chúng ta có thấy được những điều kiện tạo nên hoàn cảnh ấy không, và ta có hiểu được ý nghĩa trọn vẹn của nó không?

Bạn nên nhớ, cho dù một hành động nhỏ nhoi đến đâu cũng có thể đem lại một sự thay đổi lớn. Có thể chúng ta không mang đi được khối khổ đau của người khác, nhưng ta có thể có mặt ở đó với họ. Hành động có mặt của ta, tuy nhỏ nhoi, nhưng nó giúp người khác cảm thấy không cô đơn, lẻ loi trong nỗi khổ của mình, và bấy nhiêu thôi cũng đã là một sự cung hiến rất lớn lao rồi.

Vào cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, tôi bị một tai nạn xe cộ khá nặng. Lần ấy tôi phải chống nạng để đến hướng dẫn một khóa tu nhiều ngày ở trung tâm Insight Meditation Society. Sự đi đứng của tôi vô cùng khó khăn. Năm đó cũng là năm đức Đạt-lai Lạt-ma ghé sang thăm trung tâm. Vấn đề tổ chức chuẩn bị cho sự viếng thăm của ngài rất chu đáo và tỉ mỉ. Chúng tôi phải lo an ninh chặt chẽ cho một vị tăng sĩ cũng được xem là vị nguyên thủ của một quốc gia. Một trung tâm ở ngoại ô êm ả bỗng trở nên một thành trì kiên cố. Những con đường chung quanh đều bị ngăn lại, cảnh sát mang súng đi tuần trên những nóc nhà. Máy ghi hình được đặt khắp nơi. Mọi người ai cũng bận rộn. Chỉ có tôi là cảm thấy hơi buồn tủi với đôi nạng, nhất là khi phải đứng phía sau hết trong đám đông chờ đón ngài Đạt-lai Lạt-ma.

Cuối cùng, chiếc xe chở ngài đến được dàn chào bởi những máy quay phim, đám đông và cảnh sát bảo vệ an ninh. Đức Đạt-lai Lạt-ma bước xuống xe, ngài nhìn chung quanh và thấy tôi đứng tận phía sau đám đông, tựa người trên đôi nạng. Ngài băng qua đám đông và đi thẳng đến chỗ tôi, như tìm đến một người khổ đau nhất trong hoàn cảnh này vậy. Ngài nắm tay tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi: “Chuyện gì xảy ra cho cô vậy?”

Giây phút ấy đẹp tuyệt vời! Tôi đang cảm thấy mình bị bỏ rơi. Bây giờ, đột nhiên tôi cảm thấy mình là người được cưng chìu nhất. Đức Đạt-lai Lạt-ma đâu cần phải làm cho nỗi đau của tôi biến mất! Và thật ra, ngài cũng không có khả năng ấy. Nhưng sự có mặt của ngài, sự nhận biết và cởi mở của ngài, khiến tôi cảm thấy mình được quan tâm. Mỗi hành động của ta đều có thể biểu hiện được giá trị sâu xa nhất của mình.

Cho dù có việc gì xảy đến trong cuộc đời ta, phản ứng của ta vẫn có thể là một biểu hiện của tâm bi. Cho dù có ai nói với ta những lời chân thật, dễ thương hoặc lường gạt, mắng nhiếc, chúng ta vẫn có thể đáp trả bằng tình thương. Và đó cũng là một phương pháp đem tâm bi vào cuộc đời.

Đức Phật đã biểu hiện tâm bi qua nhiều cách khác nhau. Tâm bi của ngài vô biên, bao trùm từ những việc tầm thường, nhỏ nhặt cho đến những gì là lớn lao, tuyệt đối nhất. Ngài phục vụ chúng sinh đủ mọi cách, từ sự chăm sóc người ốm đau, cho đến chỉ dạy cho mọi người con đường giải thoát. Đối với ngài, cả hai không khác biệt gì nhau.

Có một vị đệ tử Phật bị mắc chứng bệnh ghẻ lở, trông rất gớm ghiếc. Trong kinh kể rằng, vị này có những vết thương chảy mủ nhìn rất kinh tởm và hôi thối khiến không một ai dám đến gần. Vị thầy này nằm liệt trên giường, chờ đợi cái chết, mà không một ai dám lại gần chăm sóc. Khi đức Phật biết chuyện, ngài đích thân đến chỗ của vị thầy bị bệnh, tự tay tắm và lau rửa những vết thương cho ông, và an ủi cũng như chỉ dạy cho ông phương pháp tu tập.

Sau đó, đức Phật dạy toàn thể tăng chúng rằng, nếu như có người nào muốn phục vụ đức Phật, thì hãy lo chăm sóc những người ốm đau. Phục vụ những người bệnh cũng như phục vụ chính đức Phật vậy.

Theo lời Phật dạy, tâm bi cần phải được phát triển trên mọi bình diện của con người: cá nhân, xã hội và chính trị. Có lần đức Phật kể câu chuyện về một vị vua muốn truyền ngôi cho con mình. Vua cha dặn dò vị vua mới phải biết giữ sự chánh trực và đức rộng lượng. Thời gian trôi qua, vị vua mới lên ngôi duy trì được sự chánh trực nhưng không nghĩ gì đến đức rộng lượng. Dân chúng trong nước trở nên nghèo đói, nạn trộm cướp xảy ra thường xuyên. Vị vua phải đặt ra thêm những hình phạt mới để trừng trị tội phạm. Nhận xét về câu chuyện này, đức Phật nói, những hình phạt đặt ra thêm không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Đức Phật dạy, muốn tội phạm giảm xuống, ta cần phải nâng cao tình trạng kinh tế, mức sống của con người lên. Ngài đưa ra những giải pháp như là cung cấp hạt giống, phương tiện trồng trọt cho nông dân, cho thương gia mượn vốn, và trả lương đầy đủ cho nhân công.

Thay vì giải quyết những vấn đề xã hội bằng cách tăng thuế hoặc hình phạt, đức Phật khuyên ta nên nhìn sâu sắc để thấy được những điều kiện nào đã tạo nên môi trường dẫn đến lối hành xử của dân chúng. Và từ đó ta có thể thay đổi những điều kiện ấy. Trong kinh nói, sự nghèo đói là nguồn gốc của nạn trộm cướp và bạo động, và vị vua phải nhìn sâu vào nguyên nhân ấy mới thấy được ảnh hưởng của chúng. Nếu như ta có đầy đủ mọi thứ, thì sống một đời lương thiện đâu có gì là khó! Nhưng giả sử như khi con ta đói khát, cha mẹ ta bệnh hoạn, thiếu thốn, chuyện trộm cắp sẽ rất khó tránh được. Vì vậy, vấn đề là làm sao chúng ta có thể tạo nên những điều kiện thuận lợi, giúp mọi người dễ dàng sống trong sạch. Giáo pháp của đức Phật vô cùng cụ thể, nó phản ảnh được tấm lòng từ bi vô biên của ngài.

“Phật pháp bất ly thế gian pháp.” Giáo lý của đạo Phật không bao giờ rời xa cuộc đời. Trong đó chứa đầy tình người. Đức Phật nói rằng, cả cuộc đời ngài là vì hạnh phúc và an lạc của mọi chúng sinh, vì tình thương đối với tất cả mọi sự sống, không phân biệt. Và ngài khuyên chúng ta cũng nên phát nguyện như thế, đem cuộc sống của mình làm phương tiện để mang hạnh phúc và an lạc đến cho tất cả mọi người, mọi loài.

Giáo lý này không bắt buộc ta phải biểu hiện tâm bi theo một đường lối nhất định nào. Bạn có thể cầm cây dù của bạn, với tất cả tâm bi của mình, đập xuống đầu một người nào đó mấy cái thật mạnh. Hay bạn có thể từ bỏ tất cả và chọn đời sống xuất gia. Có nhiều sự chọn lựa khác nhau. Một hành động của tâm bi không cần phải là một cái gì vĩ đại, to tát. Những hành động nhỏ nhặt nhưng bày tỏ tình thương, sự cởi mở, như là tặng thức ăn cho người đói, chào đón, hỏi thăm một người nào, hoặc chính sự có mặt để chia sẻ - tất cả những điều đó đều là những biểu hiện rất hùng tráng của tâm bi. Tâm bi giúp ta mở lòng ra và tiếp xúc với nỗi đau, và tuệ giác chỉ cho ta biết cách hành xử cho thích hợp. Với tâm bi, sự sống của bạn sẽ là hiện thân của tình thương và sự hiểu biết.

Sự tu tập tâm bi không chỉ là chiếc áo lý tưởng khoác bên ngoài. Tâm bi phát khởi khi ta biết cởi mở và tiếp xúc với khổ đau. Nó đem lại cho cuộc đời ta một ý nghĩa và hạnh nguyện lớn lao. Cho dù có biến cố gì, hay trong hoàn cảnh nào, mục đích và ước mong của ta trong giây phút ấy vẫn là biểu hiện tình thương chân thật nhất. Khả năng thương yêu sẵn có của ta không bao giờ có thể bị tiêu diệt. Cũng như trái đất này không thể bị tan vỡ vì một người nào đó tự quăng mình xuống mặt đất, tâm bi không bao giờ bị suy suyển vì những nghịch cảnh. Bằng sự tu tập tâm bi, một trong Bốn thiên trú, hay Tứ vô lượng tâm, tâm ta sẽ trở nên mênh mông và không còn chút dấu vết của hận thù. Tình thương ấy vô biên và hoàn toàn vô điều kiện.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/02/2023(Xem: 3470)
Sống ở đời ai cũng mong cầu được hạnh phúc. Hạnh phúc là gì? Các nhà tâm lý học ngày nay mô tả hạnh phúc là một trạng thái tâm lý tích cực của con người được thể hiện bởi cảm giác vui vẻ, thích thú, hài lòng trước những đầy đủ về vật chất và thoải mái về tinh thần. Nó khiến bản thân người ta cảm thấy yêu đời hơn.
16/02/2023(Xem: 4884)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Kính thưa chư Tôn đức, chư vị thiện tâm, pháp hữu ... Trong tâm niệm: ''Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người vơi bớt khổ''. Nhận được sự thương tưởng của chư Tôn đưc và Phật tử cùng các thiện hữu hảo tâm, tuần lễ vừa qua chúng con, chúng tôi đã thực hiện một chuyến đi thăm trại cùi Gaya-(cách Bồ Đề Đạo Tràng 14 cây số) để trợ giúp ít nhiều cho những người cùi bất hạnh nơi này.. - Thành phần quà tặng cho 268 bịnh nhân, một nửa là người đã phát bịnh cùi , một nửa là người chưa phát bịnh. Quà cho mỗi bịnh nhân gồm có: 12 ký Gạo và bột Chapati, 1 bộ áo Sari (cho nữ giới), đường, dầu ăn, bánh ngọt, và tặng thêm 30.00Rupees tiền mặt cho Hội người cùi Gaya để mua gạo và như yếu phẩm cho những bịnh nhân không có khả năng lao động.
12/02/2023(Xem: 5365)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Kính thưa chư Tôn Đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Mùa Xuân Quý Mão năm nay, những ngày đầu năm cũng là thời điểm Pháp hội Ninh Mã (Nyingmapa) khai hội tu tập & cầu nguyện cho: ''Thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc'' tại Bồ Đề Đạo Tràng. Nhân cơ duyên này (chúng con) chúng tôi đã được quí vị pháp hữu, thiện hữu phát tâm lành cúng dường gieo duyên cùng Pháp hội và chư Đại tăng trong thời gian 10 ngày pháp hội diễn ra.
01/02/2023(Xem: 3585)
Kính thưa chư Tôn đức, chư vị thiện tâm và pháp hữu . Với tâm nguyện san sẻ và kết duyên lành với chúng sanh đầu Xuân mới, vào sáng ngày 28 Jan 23 (mùng 7 tết) chúng con, chúng tôi đã đến thăm & phát quà tại làng Rajsapur Gaya gần núi Khổ Hạnh Lâm (Bihar India), đây là thiện sự đầu tiên trong mùa Xuân Quý Mão, chúng tôi thật hoan hỉ khi thấy dân nghèo nơi đây vô cùng mừng rỡ và hạnh phúc khi được nhận quà. Nhờ vào sự hộ trì của chư Thiên, Hộ Pháp, mặc dù dân chúng đến rất đông nhưng buổi phát quà đã diễn ra trong trật tự và viên mãn .
27/01/2023(Xem: 10726)
Lời mở đầu của người chuyển ngữ Phương pháp phát triển cá nhân mà nhà sư Sangharakshita nói đến trong bài này là phép thiền định của Phật giáo, một phép luyện tập nhằm biến cải một con người bình dị trở thành một con người đạo đức, sáng suốt và cao quý hơn, và ở một cấp bậc sâu xa hơn nữa còn có thể giúp con người đạo đức, sáng suốt và cao quý ấy thoát ra khỏi thế giới hiện tượng luôn trong tình trạng chuyển động và khổ đau này.
27/01/2023(Xem: 2580)
Phần này bàn về cách dùng đặc biệt "vợ lẻ" từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. Cụm danh từ này - cũng như một nhóm từ vựng liên hệ như vợ chính, chính thê, vợ cả, vợ lớn, thiếp, vợ bé, vợ mọn - vợ nhỏ phản ánh truyền thống đa thê của các nước Á Châu từ xa xưa. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ). Không phải ngẫu nhiên mà các giáo sĩ đều ghi nhận quan sát cá nhân và nhận xét của mình về truyền thống này khi sang Á Đông,
26/01/2023(Xem: 5547)
Lời mở đầu của người chuyển ngữ Chúng ta có thói quen nhìn vào Phật giáo xuyên qua các phương tiện thiện xảo cùng các ảnh hưởng văn hóa, phong tục, và cả các phương pháp tu tập đại chúng của Trung quốc, thế nhưng dường như chúng ta không mấy khi ý thức được đúng mức về điều đó. Chúng ta cứ nghĩ rằng Phật giáo là như vậy. Thế nhưng Giáo huấn của Đức Phật sau khi được đưa vào Trung quốc qua các con đường tơ lụa, đã bị biến đổi rất nhiều qua hàng ngàn năm thích ứng với nền văn minh của đế quốc này, một nền văn minh hoàn toàn khác biệt với nền văn minh trong thung lũng sông Hằng, nhất là trên phương diện tư tưởng, ngôn ngữ và chữ viết.
16/12/2022(Xem: 3706)
Được sự thương tưởng và hỗ trợ của chư Tôn đức và quí vị thiện hữu hảo tâm, chúng con, chúng tôi vừa thực hiện xong 9 giếng cần giục (Well hand-pump) cho những ngôi làng nghèo lân cận vùng núi Khổ Hạnh Lâm & các làng ven quốc lộ từ Bodhgaya đi Varanasi, tiểu bang Bihar India .
10/12/2022(Xem: 6626)
Kính chia sẻ cùng chư Tôn Đức, chư pháp lữ, và quí thiện hữu một số hình ảnh trong mùa Tipitaka (Đại Tạng Kinh PaLi) khai hội tại Bồ Đề Đạo Tràng. Đây là lần thứ 17 trùng tụng Tipitaka theo thông lệ hàng năm. Lễ hội quan trọng năm 2022 này do Phật Giáo Việt Nam đăng cai tổ chức nên tất cả mọi trần thiết, trang hoàng đều do Ban tổ chức Hội trùng tụng Kinh tạng Pali VN thực hiện, nổi bật nhất là cổng chào với hình ảnh hoa tươi rực rỡ “Lưỡng Long chầu Pháp Luân” rất đẹp mắt, khiến ai ai cũng trầm trồ ngợi khen và tán dương công đức. Lễ hội trùng tụng Tipitaka năm nay có các nước Phật Giáo tham gia trùng tụng Đại Tạng như: Nepal, Sri-Lanka, Lao, Campuchia, ThaiLand, Myanmar, Việt Nam, Bangladesh, India, International...Chương trình được khai mạc trang trọng vào ngày 2 tháng 12 cho đến ngày 12/12/2022 là bế mạc, với gần 5000 người tham dự . Nguyện cầu tiếng kinh này vang vọng đến ba ngàn thế giới khiến chúng sanh vạn loài thảy đều nghe ba nghiệp từ đó được thanh tịnh. Và xin nguyện
03/12/2022(Xem: 3186)
Loạt bài "Tiếng Việt từ TK 17" đã đề cập đến một số cách dùng Hán Việt đặc biệt như sinh thì (~qua đời, chết), Kinh Tại Thiên, Kinh Tin Kính, Kinh Thiên Chúa, lịch sự, thượng hoà hạ mục, thượng phụ, trung phụ, hạ phụ, thượng đế, thiên chủ/chúa2 ...v.v…Phần 37 này bàn thêm về cách dùng một số từ Hán Việt thời LM de Rhodes đến truyền đạo: sự (~thờ) 事, thửa (~ sở) 所, kì 其, giao cảm 交感, tinh thần 星晨, đang/đương thì 當時, củ thủ 糾手, thiểu ngữ 少語. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ). Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]