Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 7: Tầng Thiền Thứ Năm Và Thứ Sáu “Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ”

20/03/201105:12(Xem: 5153)
Chương 7: Tầng Thiền Thứ Năm Và Thứ Sáu “Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ”

TÔI LÀ AI ?
MỘT PHƯƠNG PHÁP HÀNH THIỀN

Tác Giả: Ni Sư Ayya Khema
Chuyển Ngữ: Diệu Liên Lý Thu Linh - Diệu Ngộ Nguyễn Thị Mỹ Thanh 2008
Nhà xuất bản PHƯƠNG ĐÔNG TP. HCM 2010

Chương 7
Tầng Thiền Thứ Năm Và Thứ Sáu

“Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ”

Trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), do Ngài Long Thọ (Buddhaghosa) viết vào thế kỷ thứ năm, đã có những ẩn dụ rất thích hợp với bốn tầng thiền định đầu tiên. [e]

Một kẻ lữ hành đi trong sa mạc, không mang theo nước, và càng lúc thì càng khát. Cuối cùng, anh ta nhìn thấy một hồ nước ở đàng xa, anh ta tràn đầy hân hoan, vui sướng.

Đi lang thang trong sa mạc với cơn khát tượng trưng cho sự khao khát hỷ lạc, và hạnh phúc nội tâm, mà chúng ta đã không thể tìm được ở thế giới bên ngoài. Cảm giác háo hức, hân hoan khi nhìn thấy hồ nước từ đàng xa, giống như cảm giác phát khởi ở tầng thiền định thứ nhất – sự nhận thức được rằng có một cái gì đó, dù còn đang ở “xa tầm tay với”, có thể cuối cùng mang lại cho chúng ta cảm giác thoả mãn hoàn toàn. Biết rằng nó đang ở phía trước, tâm thức sẽ tiến dần đến đó.

Sau đó, người lữ hành đứng ở bờ hồ, tràn đầy niềm vui, vì biết rằng mình đã đến được chỗ có nước để giúp anh hết khát. Đây là sự mô tả về nhị thiền, niềm vui biết rằng chúng ta đã đến bờ của niềm vui nội tại.

Kế tiếp, người lữ hành bước xuống hồ, uống nước, và sau khi uống đã khát, người ấy cảm thấy hài lòng và gần như trở nên một con người khác với kẻ lữ hành lang thang trong sa mạc không có nước trước đây.

Đó là chứng nghiệm của tam thiền. Nếu đã từng bị khát nước một thời gian dài, chúng ta biết cảnh đó khổ sở thế nào, về thể xác lẫn tinh thần. Sự so sánh trên để nói về trạng thái tâm lý và tình cảm thường xảy ra của chúng ta, vì trong khi đang đi tìm kiếm nước, ta luôn bực bội, khó chịu, nhưng một khi ta đã uống “đã khát”, thì lại hoàn toàn khác. Chúng ta cảm thấy tự tại và hạnh phúc. Trạng thái hỷ lạc này không phải là mục đích cuối cùng mà Đức Phật muốn hướng chúng ta đến, nó chỉ là một bước trên con đường. Tuy nhiên, đó là một bước trọng yếu, vì nó cho ta niềm phấn khởi để tiếp tục tiến bước và để đạt tới tuệ giác mới.

Bây giờ người lữ hành nơi sa mạc mới cảm thấy an bình. Trước đó, khi anh tìm kiếm không ngừng nghỉ, anh đã ở trong một hoàn cảnh rất khổ sở, vì nước là nguồn mạch sống của anh. Nhu cầu sinh tồn đã thúc đẩy anh đi khắp tất cả phương hướng. Giờ đã hết khát, anh rời khỏi hồ nước, đến dưới bóng cây, và nằm nghỉ ngơi để lấy lại sức. Cảm giác hoàn toàn thoải mái, tự tại này là trải nghiệm của tứ thiền. Không phải là hành giả rơi vào giấc ngủ tại đó, mà chỉ là để cho tâm được nghỉ ngơi trong sự tĩnh lặng của thiền định.

Những ẩn dụ này mô tả rất đúng những gì mà chúng ta thường trải qua trong cuộc sống, mà không hề ý thức được. Giống như thân không thể sống mà thiếu nước, thì tâm cũng cần có niềm hỷ lạc, định tĩnh mới được thoải mái. Có thể chúng ta cũng không biết mình đang tìm kiếm điều gì. Nó chỉ biểu hiện trong sự lăng xăng, không yên ổn của ta, như khi ta thay đổi chỗ ở, tìm bạn bè mới, tư tưởng lạ, thay đổi công việc, du lịch xứ này, xứ kia. Những gì mà chúng ta theo đuổi chỉ là phản ánh của cơn khát nội tâm, mà ta hy vọng có thể làm dịu cơn khát đó bằng những thứ bên ngoài ta. Cái mà chúng ta đang tìm kiếm đã nằm sẵn bên trong ta, nếu chịu dành thời gian và năng lực cho một cuộc truy tìm nội tâm, chúng ta sẽ tìm thấy sự an bình nhanh hơn, vì đó là nơi duy nhất mà ta có thể tìm được.

Người ta cho rằng tứ thiền như một bệ phóng cho các bậc thiền vô sắc kế tiếp. Tất cả chúng ta đều có khả năng đạt đến các trạng thái tâm thức này; thật ra, ta có thể nói là chúng “không có gì đặc biệt”. Các bậc thiền đó không phải là sự giác ngộ, nhưng chúng là nền tảng và là sự bổ sung cho khả năng của tâm. Giác ngộ tự nó là một điều rất đặc biệt, nó đòi hỏi nhiều sức mạnh tinh thần, vì thế trước tiên chúng ta phải có một nền móng vững chắc. Đạt được các tầng thiền định chỉ là vấn đề thời gian và kiên trì, nhưng trong quá trình tu tập, điều tiên quyết là không được tìm kiếm, mong mỏi bất cứ kết quả hay sự thành tựu nào.

Bốn tầng thiền đầu được gọi là “sắc giới định” vì chúng ta có những trạng thái tương tự trong cuộc sống đời thường, dù không viên mãn và luôn phải lệ thuộc vào những điều kiện bên ngoài. Tuy nhiên, vì lý do đó, ta vẫn có thể liên hệ với các tầng thiền định một cách khá dễ dàng. Tất cả các trạng thái định này đều có sẵn trong ta, nhưng vọng tưởng đã che khuất cái nhìn của chúng ta. Bất cứ vọng tưởng đó là gì, dù là “Tôi phải chú tâm,” hoặc “Tôi phải thực hành điều này,” hoặc “Tôi không muốn làm việc ấy,” đều không quan trọng. Tâm định đã bị những sự suy nghĩ, phản ứng, ý kiến, quan điểm –những thứ rất quen thuộc với chúng ta- che lấp. Khi nhận thấy rằng ta chưa bao giờ hoàn toàn hài lòng với các hoạt động của thân tâm, thì chỉ có một câu trả lời: hãy buông bỏ chúng trong lúc hành thiền và đừng để chúng xen vào tâm thức. Dù “tôi” thích hay không thích vật gì, dù “tôi” muốn hay không muốn đạt được điều gì, không khác gì nhau, khi hành thiền, chúng ta không nên mang chúng vào trong tâm. Khi ta có thể buông bỏ đống hổ lốn này, tâm thức tự động hướng đến các trạng thái tâm khác. Đây là điều mà Đức Phật đã giải thích cho Potthapàda. Tất cả chúng ta đều có ý thức, do đó ta cũng có khả năng đạt được các trạng thái tĩnh thức được biết đến như là thiền định,

Có nhiều ý kiến khác nhau về các tầng thiền định, gây ra nhiều hoang mang. Nếu không có những định kiến về vấn đề này ngăn trở, chúng ta sẽ dễ dàng ngồi xuống hành thiền. Nếu chúng ta có thể buông bỏ vọng tưởng trong tâm thức, thì an định sẽ xảy ra một cách tự nhiên, vì đó là nơi tâm yên tịnh, lắng đọng sẽ hướng về. Nó chẳng còn chỗ nào khác để đến trừ khi nó đạt đến Niết Bàn (Nibbana), lúc đó nó sẽ tiến vào Niết Bàn an lạc. Cho đến lúc đó, các trạng thái tâm khác chỉ là những trạng thái mà hành giả có thể chứng nghiệm được, khi tâm đã buông bỏ mọi vọng tưởng. Chúng ta không cần cả đến sự “đạt” định. Chúng ta chỉ cần buông bỏ mọi nghĩ suy.

Kế tiếp là các tầng thiền định vô sắc (formless meditative absorption). Trong tiếng Pali, bốn tầng thiền đầu được gọi là Sắc giới định (rupa jhana), bốn tầng kế tiếp, Vô Sắc giới định (arupa jhana). Các tầng thiền định này được gọi là vô sắc vì, khi ta sử dụng khả năng tâm một cách bình thường, như trong đời sống hằng ngày, ta sẽ không thể liên hệ với chúng. Thật ra, đối với người không hành thiền, những điều này nghe giống như một chuyện thần tiên. Trái lại đối với các thiền sinh, dầu chưa được trải nghiệm các tầng thiền định này, họ cũng có chút khái niệm về chúng. Như chúng ta đã biết qua trong các chương trước, bốn tầng thiền định đầu tiên liên quan đến cảm giác vật lý và tình cảm. Các ẩn dụ mà Đức Phật đưa ra đều liên quan đến thân: thân ướt đẫm, tràn đầy, trùm phủ. Trái lại, trong các tầng thiền kế tiếp, không có những sự so sánh như thế được đưa ra, không có cảm xúc, và dĩ nhiên là không có cảm giác vật lý nào được nói đến. Các tầng thiền định này hoàn toàn là các trạng thái tâm linh, chúng phát khởi vì tâm, qua sự chứng nghiệm liên tục bốn tầng thiền định đầu tiên đã trở nên dễ uốn nắn, dễ sử dụng, nhu nhuyến đủ để ta có thể trải nghiệm chúng. Tâm không còn cứng nhắc, cố cưỡng, nên giờ nó có thể vươn đến những tầng thiền cao hơn.

Đức Phật mô tả ngũ thiền như sau:

Lại nữa này Potthapàda, với sự vượt thoát mọi sắc tưởng, với sự diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, với sự không tác ý đối với dị tưởng, tỷ-kheo nghĩ rằng: “Hư không là vô biên, chứng và trú Không vô biên xứ . . . . Như vậy do sự học tập, một tưởng khởi lên, cũng do học tập một tưởng diệt trừ”.

Trong tứ thiền chúng ta không còn trải nghiệm các cảm giác về thân, mà chỉ ý thức đến sự tĩnh lặng của tâm, của các cảm giác. Do vậy trong ngũ thiền, việc “vượt thoát mọi sắc tưởng” không phải là việc gì đặc biệt cần phải thực hiện. Mà đúng hơn, chính là ta phải buông bỏ “mọi chướng ngại tưởng”, một cách có chủ đích. Điều này ám chỉ, trước tiên và quan trọng nhất, là đến sự giới hạn của thân mà chúng ta thường biết đến. Chúng ta hình dung rằng có một biên giới rõ rệt: “Chỗ nào không còn da, chỗ đó không còn thân”, và như thế, nơi đó “cái tôi” cũng chấm dứt luôn. Đó rõ ràng là một sự cố cưỡng, một giới hạn mà chúng ta tự đặt ra cho mình. Trong bốn tầng thiền sắc giới, sự giới hạn đó đã phần nào được nới rộng ra hơn. Dầu gì, sự giới hạn đó cũng không hoàn toàn cứng nhắc và bó hẹp như trong cuộc sống hằng ngày, nơi mà chúng ta biết chắc đâu là sự bắt đầu và chấm dứt của mình, hay ít nhất là ta nghĩ mình biết; chúng ta tự coi mình như một khoảng không gian được quy định trước và được lấp đầy.

Khi chúng ta xuất tứ thiền và muốn vươn đến “không vô biên xứ”, chúng ta có thể ghi nhận biên độ của thân, ở bất cứ đâu lúc đó, và bắt đầu đẩy biên độ đó ra xa, xa hơn nữa. Thiền quán về tứ đại, mà chúng ta đã nói đến trước đây, có thể giúp chúng ta khái niệm về tiến trình này.

Đức Phật nói đến “không tác ý với các dị tưởng”. Chúng ta cần vượt thoát ý niệm về sự “độc đáo” của từng cá nhân, từng ngôi nhà, từng cây trái, từng bầu trời, vì chúng ta nhìn biết mọi thứ như tách biệt, như có giới hạn. Khuynh hướng phân biệt này là bản tánh tự nhiên của nhân loại. Trong tiếng Pali, Papanca, có nghĩa là khác biệt, “đa dạng”, và bao gồm thiên nhiên trong đó. Ở trong mỗi loại, có cơ man là “cá biệt”. Con người nằm trong trường hợp này: tất cả chúng ta đều nhìn hơi khác nhau. Chúng ta bị sự khác biệt đó thu hút. Khi ở trong một khu rừng, chúng ta thưởng thức hình dáng của từng loại cây đặc biệt nào đó, đặc điểm của từng cành lá. Tương tự, khi nhìn lên bầu trời, ta xuýt xoa ngắm từng ngôi sao. Với con người cũng thế: ta thích hay không thích những khuôn mặt khác nhau. Do đó, chúng ta phải vượt thoát trên tất cả những thứ đó để có thể tiến đến sự vô hạn định của không gian.

Có hai cách để làm việc đó, và chúng ta có thể sử dụng một hoặc cả hai cách, tùy theo việc thực tập trải rộng tâm có khó hay không. Cách thứ nhất, như đã nói qua, là từ biên độ của thân, bất cứ ở chỗ nào mà ta cảm nhận được, bắt đầu trải rộng ra cho đến khi nó hoàn toàn hòa lẫn vào vô định. Nếu gặp trở ngại như không thể trải rộng thân hơn nữa, hành giả có thể sử dụng khái niệm về khu rừng, đồng cỏ, núi đồi, thung lũng, sông, biển; sau đó trải rộng đến khắp cả trái đất mà ta đang sống; và xa hơn nữa đến bầu trời, và chân trời trên quả địa cầu. Khi đến tận chân trời, chúng ta buông bỏ, và đó là không gian vô tận. Đó là “không tác ý với các dị tưởng”, hoặc là đến ranh giới, mà trong suy nghĩ của chúng ta, khiến tất cả mọi thứ tách biệt.

Thiền quán về những lời dạy này cũng rất hữu ích, hãy tự hỏi và suy nghĩ xem lời Đức Phật dạy có đúng sự thật không; thật ra, có hay chăng một tổng thể hơn là cái vẻ tách biệt mà ta hay để tâm đến? Phải chăng những ranh giới dường như rất thật, chỉ là ảo ảnh thị giác? Dưới khía cạnh khoa học, kiến thức phổ thông cũng cho ta biết rằng không có khối cứng chắc, độc lập nào có thể tìm thấy trong vũ trụ. Chỉ có những phân tử năng lượng, hội tụ rồi tan rã không ngừng nghỉ. Những điều này chúng ta đều nghe qua, nhưng ít khi nhớ đến. Nếu như qua thiền quán, ta nhận biết rằng đó là thực tại của mọi vật, thì ta cũng sẽ nhận ra rằng các ranh giới có thể là vọng tưởng do tâm tạo ra. Tri giác này sẽ giúp chúng ta buông bỏ dính chấp vào sự khác biệt.

Đó là hai cách để tiến vào không vô biên xứ, mà theo Đức Phật, có thể được thực hiện với chủ tâm. Chúng ta không cần phải chờ đợi một ngày nào đó nhờ may mắn lớn mà gặp được nó. Có khả năng nhận thức được một chân lý cơ bản như thế giúp ta mở rộng tâm thức. Đa số không bao giờ suy nghĩ như thế. Họ không có khái niệm gì về một tổng thể. Ngay cả các nhà khoa học, dầu đã khám phá ra chân lý này qua các thí nghiệm và nghiên cứu, họ cũng hiếm khi biến nó thành một phần của quá trình tư duy nội tại của họ. Họ chỉ coi đó là một sự kiện khoa học. Tuy nhiên, nếu đó là chân lý, thì nó liên quan đến chính tâm thức của chúng ta, vì tâm là yếu tố cơ bản của vũ trụ. Đây không phải là một tâm thức riêng lẻ, hạn hẹp mà tất cả chúng ta thường biết đến. Nếu ta dành chút thời gian quán chiếu về tri giác này, ta sẽ thấy mình đủ khả năng để với tới loại tâm triển khai này. Chúng ta càng ít hạn chế tâm, thì tâm càng dễ được triển khai rộng hơn, và càng dễ để nó nhận ra những chân lý tột cùng hơn. Những kiến thức thông thường của chúng ta không liên quan gì đến chân lý tuyệt đối cả; chân lý đó bị bóp méo, cắt xén bởi những giới hạn của bản thân chúng ta. Nếu tâm được khai mở, chúng ta sẽ vượt thoát khỏi các giới hạn này. Tất cả chúng ta đều có tiềm lực này, mà đúng ra, là con người, chúng ta có bổn phận tận dụng hết mức tiềm lực ấy; không phải để ở mãi trong giới hạn hiện tại, mà để khai thông, mở rộng đến hết mức.

Sau khi xả định, nhất là sau các tầng thiền định này, nếu ta hướng tâm đến việc quán sát ‘tuệ tri’ thì rất lợi ích và đáng công.

Trong đoạn văn sau, Đức Phật nói đến những tà kiến về ngã, rất phổ biến trong thời Đức Phật. Mà đúng ra, nó cũng là cách chúng ta suy nghĩ ngày nay.

Một số sa-môn và Bà-la-môn có chủ trương như thế này, có chủ kiến như thế này: vì thân này có sắc, được tạo ra bởi tứ đại, là sản phẩm của cha mẹ, nên khi thân này tan rã, nó bị hủy diệt, biến mất, không còn tồn tại sau khi chết. Và như vậy, cái ngã này cũng bị tiêu diệt .

Từ đoạn kinh này, chúng ta được biết có những người chủ xướng lý thuyết –trong đó có Potthapàda– rằng cái ngã đồng nhất với thân, và như vậy thân này là “ta”. Quan niệm này rất phổ biến trong thời đại của chúng ta, đến nổi không thể đoán biết có bao nhiêu người tin theo. Từ đó nảy sinh ra một tư duy rất phổ biến là nếu thân chúng ta hoàn thiện, thì chúng ta cũng sẽ trở nên hoàn hảo. Nhưng làm sao ta có thể làm cho thân hoàn hảo, mà dầu có được, thì điều đó cũng chẳng tạo ra sự khác biệt thiết yếu nào. Trên phương diện vật lý, có thể ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn vì điều đó, nhưng chỉ có như vậy. Tuy nhiên, quan niệm này có thể tìm thấy trong bất cứ tạp chí về sắc đẹp, thời trang nào hiện nay.

Ngày nay, dầu chúng ta không nói rằng thân do tứ đại tạo thành, nhưng quan niệm thì hoàn toàn giống. Chúng ta nhìn vào gương và tự nhủ “Đó là tôi”. Còn ai khác hơn chứ? Chúng ta thường xuyên soi gương và lúc nào cũng thấy cùng một hình ảnh phản chiếu lại. Thì dĩ nhiên đó phải là “tôi” rồi. Đó là một cái nhìn bị hạn chế và hẹp hòi. Quan điểm này không thể mang đến hạnh phúc cho chúng ta, vì ta không bao giờ có thể hoàn toàn thỏa mãn thân. Nó luôn có những nhu cầu cần được thỏa mãn và những đòi hỏi đôi khi rất vô lý. Nó luôn mang đến cho ta bao vấn đề. Hãy thử tưởng tượng nếu chúng ta có thể ngồi thiền với chỉ tâm, mà không cần có thân, thì sẽ tuyệt vời biết bao. Ta sẽ không bao giờ cảm thấy, “Ôi, tôi không thể chịu đựng thêm nữa rồi”, không bao giờ bị nhức đầu gối, đau lưng, ngứa chỗ này, chỗ kia muốn hắt hơi, vân vân. Dĩ nhiên, chúng ta vẫn phải định tâm khi hành thiền, nhưng sẽ tự do, thoải mái hơn nhiều. Có thân, nói tóm lại, là có phiền toái. Giờ bạn có thấy rằng tự đồng hóa mình với nó là kỳ quặc đến thế nào chưa? Tại sao ta lại nghĩ rằng mình là sự phiền toái? Vậy mà, giống như Potthapàda và bằng hữu của ông, chúng ta cũng thừa nhận giống như thế.

Kế tiếp là quan niệm sai lầm thứ hai về ngã, mà nghe nó rất phô trương:

Người khác lại nói, có một cái ngã như bạn đã nói, tôi không chối bỏ điều này. Nhưng cái ngã đó không bị tiêu diệt hoàn toàn vì còn có một cái ngã khác, có thực chất, thiêng liêng, thuộc về thế giới giác quan, được nuôi dưỡng bằng thực phẩm. Bạn không biết hay không thấy nó, nhưng tôi biết, tôi thấy. Đó là cái ngã lúc thân này hoại (sẽ) tan rả.

Đó là quan niệm xác định có một linh hồn. Quan niệm này cho rằng khi thân hư hoại, con người chúng ta mất đi, nhưng còn có một cái ngã thiêng liêng, thuộc “cõi dục”. Hiện nay, một quan niệm tương tự như thế cũng rất phổ biến. Dựa trên lý trí, có thể ta không tin điều này, nhưng nó đã được rỉ rã bên tai chúng ta quá lâu đến nổi trong ta luôn có nỗi nghi tiềm ẩn; có thể có một cái “ngã” trong linh hồn, hoặc một linh hồn trong ngã –tùy theo ý ta chọn lựa- nhưng nó hoàn toàn khác với cái “tôi” hiện nay mà chúng ta biết. Chúng ta thích nghĩ rằng linh hồn là một khía cạnh thanh cao của ta, và trong linh hồn có ngã. Nó phản ánh một mong ước thầm kín: “Nếu tôi không phải là thân, thì ít ra tôi cũng là linh hồn.” Một khía cạnh khác của hệ thống tư duy này chứa đựng một khái niệm mơ hồ rằng bất kỳ ngã đi đâu sau khi chết, nó cũng sẽ được hạnh phúc.

Quan niệm sai lầm thứ ba là :

Có một cái tự ngã như bạn đã nói, tôi không chối bỏ điều này. Nhưng tự ngã đó không hoàn toàn bị hủy diệt, vì còn có một tự ngã khác thiêng liêng, thực chất, do tâm tạo, viên mãn, không có khiếm khuyết gì ở các căn. Tự ngã này sau khi thân hoại, sẽ biến mất.

Ở đây, chúng ta có một ý tưởng vi tế, do tâm tạo, được đặt vào đây, không phải một linh hồn, mà là một cái ngã cao hơn. Trong Ấn Độ giáo, đây là khái niệm về sự hòa hợp với Phạm Thiên (Atman), “ngã cao tột”, đối nghịch với “ngã thô phù”. Đức Phật nói tất cả những điều này đều sai lầm, vì vậy Đức Phật đã nhắc lại các quan niệm sai lầm khác nhau này. “Ngã do tâm tạo” cũng là dấu hiệu của các tầng thiền cao hơn, mà ta cũng vừa được biết đến là “không vô biên xứ”. Chứng nghiệm một trạng thái tâm như thế đem đến cho ta ý nghĩ rằng nếu “tự ngã” hòa lẫn vào cái không gian đó, thì đó là cách mà tâm đã tạo nên ngã.

Tất cả những khái niệm này xuất hiện vì người ta không thể buông bỏ ý nghĩ rằng, nhất định phải có “ai đó”. Chúng ta tiếp tục tin tưởng như vậy. “Ai đang làm tất cả những việc tôi làm đây?” chúng ta tự nhủ. “Ai đang suy nghĩ tất cả những điều tôi suy nghĩ? Ai đã phản ứng với các xúc chạm giác quan của tôi? Ai đang mong muốn những thứ mà tôi muốn? Tất nhiên phải có một người nào ở đó rồi”. Ngay cả khi chúng ta không còn đồng hóa mình với thân, điều đó không khó làm, chúng ta vẫn bị thúc ép phải xác lập mình với một cái gì đó. Đầu tiên là linh hồn; rồi đến một cái ngã siêu việt hơn, qua các tầng thiền định vô sắc, hay một loại bản ngã nào đó vẫn còn hiện diện trong không gian vô biên hay thức vô biên.

Cuối cùng, quan niệm sai lầm thứ tư là :

Có một tự ngã như bạn đã biết, nhưng có một tự ngã khác, hoàn toàn xa rời các cảm xúc của thân, không còn các phản ứng do xúc chạm, không còn tác ý trên dị tưởng, thấy rằng không gian là vô hạn, đã nhận biết phạm vi vô hạn của không gian. Đây là cái ngã sau khi thân hoại, tan rã.

Đây là “tự ngã trong sự đồng nhất”. Trong tầng thiền định thứ năm, khả năng để bước vào không gian vô định mang đến cho hành giả cảm nghiệm của sự đồng nhất. Chúng ta mất đi sự riêng rẽ, sự tách biệt. Tư duy về một “ý thức đồng nhất”, hiện giờ đang thịnh hành, cũng có chút giá trị. Đó là ý thức rằng chúng ta không phải là người quan sát, đứng riêng rẽ và nhìn mọi thứ diễn ra trước mắt. Khi nào chúng ta còn là người quan sát, chúng ta không thể không có sự yêu ghét, phê bình, đánh giá. Chúng ta bị lòng ái dục vây bủa vì ta muốn có hay không muốn có những thứ mà ta quan sát. Khi chúng ta còn có những suy nghĩ như vậy, thì ta còn tin vào một cái ngã, một linh hồn, hoặc một siêu ngã. Khi trải nghiệm được sự đồng nhất, chúng ta có thể tin rằng mình đã dẹp bỏ được ý thức bản ngã. Đó là ý nghĩ về sự hoà đồng với Thượng đế, hay theo Ấn Độ giáo, với Phạm Thiên (Atman). Tuy nhiên, để đồng nhất, để nối kết với một cái gì, ngụ ý rằng phải có một cái gì đó hoặc có một người nào đó mới có thể nối kết. Lần nữa, Đức Phật đã bác bỏ quan niệm này.

Trong tất cả bốn quan niệm sai lầm, dấu vi tế đến thế nào, vẫn còn ý tưởng về một “cái ngã”. Dĩ nhiên “ý thức đồng nhất” vẫn tốt hơn “ý thức tách biệt”. Nó giúp chúng ta có lòng tử tế và từ bi đối với người khác một cách tự nhiên, không cần cố gắng, vì nếu tất cả là một, ai có thể làm phiền hay chọc giận chúng ta? Nó cũng giúp ta dẹp bỏ lòng sợ hãi. Khi có cảm giác cô lập, chúng ta cảm thấy người khác, thế giới chung quanh và cái chết đe dọa. Khi chúng ta cảm thấy là một với tất cả hiện hữu, dầu ta gọi đó là Thượng đế, Phạm Thiên, hay bất cứ danh hiệu gì, thì nỗi sợ hãi kia cũng được giảm bớt rất nhiều. Tuy nhiên, cái cảm giác có ngã vẫn còn hiện diện, vì chúng ta còn cần nó để hòa hợp với lý tưởng cao hơn.

Ta cũng nên dành thời gian để suy gẫm về bốn quan niệm này và tự hỏi chúng ta tin theo cái nào? Có phải là đồng hóa với thân? Linh hồn? Thượng ngã? Có phải là sự hòa hợp với vũ trụ? Chúng ta thật sự nghĩ mình là ai? Có thể ta chẳng bao giờ đạt được ý thức đồng nhất, nhưng ta có thể quán về nó, và tự hỏi xem ai hoặc là cái gì đồng nhất. Chúng ta có thể xét xem linh hồn có hiện diện bên trong chúng ta và nó có phải là “ngã” không. Chúng ta có thể quán về thượng ngã (higher self) và thân. Thực sự, có cơ sở nào để thấy “cái tôi” trong tất cả những điều này không? Quan điểm của chúng ta đã được in sâu vào tâm thức từ lúc nào, và khi mà tâm thức vẫn còn dính mắc, chưa được uốn nắn hay phát triển, thì nó khó có thể nhìn sự vật như chúng là. Thật khó để chúng ta nhận ra rằng tất cả những quan điểm này đều do tâm tạo để củng cố bản ngã. Khi chúng ta không còn cần hay không muốn củng cố bản ngã, thì ta sẽ dễ dàng nhận ra một thực tại khác hơn. Thực tại này càng rõ ràng, ta càng dễ hành thiền, vì ta bắt đầu hiểu rằng trở ngại duy nhất trên đường tu tập của chúng ta chính là “cái tôi”. Khi chúng ta càng hiểu rõ “cái tôi” này chỉ là một tư duy, thì nó càng ít cản trở con đường tu tập của chúng ta.

Giáo lý của Đức Phật không chỉ là sự hỗ trợ tâm lý cho cuộc sống. Nhưng quan trọng hơn, nó hoán chuyển sự suy nghĩ của ta thành ra tiến bộ hơn, sau khi đã có sự trải nghiệm cấp tiến. Đó là lý do tại sao giáo lý này đã tồn tại hơn hai ngàn năm trăm năm. Tâm lý học có những diễn biến lên xuống, những ý tưởng mới, cũng như những cái dở hơi, nhất thời, nhưng giáo lý của Đức Phật rất căn bản, khó thể thêm điều gì mới vào đó. Trong quá trình tu tập, chúng ta cố gắng nhìn toàn bộ những sự trải nghiệm mà Đức Phật đã chỉ bày cho chúng ta. Đây là nơi mà ta cần đến khả năng quán chiếu và tìm tòi của mình. Khi ta hành thiền, tâm cố gắng trở nên yên tịnh và chú tâm; khi chúng ta quán chiếu, tâm cố gắng nhìn mọi thứ dưới một ánh sáng khác. Cả hai đều phải đi đôi với nhau. Như chúng ta đã thấy trong bản kinh này, lời dạy của Đức Phật, có một sự đồng nhất, trọn vẹn. Chúng ta không thể nào chỉ lấy trong đó ra một phần và thực tập; làm thế không có kết quả. Chúng ta cần đến tất cả: giới hạnh, thủ thúc các giác căn, tự tại, chánh niệm, thiền định, quán chiếu và soi rọi.

Bây giờ chúng ta đến với tầng thiền thứ sáu:

Lại nữa, với sự vượt thoát mọi Không vô biên xứ, tỷ-kheo nghĩ rằng “Thức là vô biên” chứng và trú Thức vô biên xứ. Như vậy do học tập, một tưởng khởi lên, cũng do học tập một tưởng diệt trừ.

Sự giải thích về các tầng thiền vô sắc rất sơ lược, có thể vì Đức Phật biết rằng Potthapàda chưa sẵn sàng để thật sự thực hành chúng, hoặc phần giải thích đó đã bị thất truyền.

Ở tầng thiền thứ năm, khi hành giả chứng nghiệm Không vô biên xứ, để bước vào tầng thiền kế tiếp, hành giả chỉ cần hướng tâm từ không gian đến cái thức đã trải nghiệm Không vô biên xứ. Chỉ có Thức vô biên mới có thể trải nghiệm được Không gian vô biên. Khi xuất khỏi tầng thiền thứ sáu, hành giả tự hỏi “Tôi đã học được gì ở tầng thiền định này?”, hành giả sẽ nhận thấy rằng không có gì là sự xác tính của một cá nhân riêng rẽ, mà chỉ có sự đồng nhất. Khi hành giả biến nhận thức này thành một phần trong quá trình tư duy của mình, thì ý thức đồng nhất (unity-consciousness) sẽ xuất hiện. Trong Không vô biên xứ hay Thức vô biên xứ, không thể tìm thấy một bản ngã riêng lẻ nào đang trải nghiệm tầng thiền định ấy. Nếu hành giả tìm thấy, thì hành giả đã không còn trú tâm vào sự vô định, và người quan sát đã xuất hiện trở lại. Trong tứ thiền, vai trò của người quan sát đã giảm thiểu tối đa, do đó đã góp phần không nhỏ vào việc làm tăng trưởng tâm linh và giác tri. Trong ngũ và lục thiền, người quan sát hiện diện rõ hơn, vì thế khi hành giả xuất thiền, người quan sát biết rõ rằng không có ai, không có gì ngoài trừ sự vô hạn định, và có thể thật sự hấp thụ hoàn toàn tri giác ấy.

Với sự chứng nghiệm về Thức vô biên xứ, hành giả sẽ có được một nhận thức, đồng nghĩa với ý thức vũ trụ hay tâm sở phổ thông (universal consciousness). Khi đã có được tri giác đó, dưới hình thức của một kinh nghiệm tự chứng, hành giả sẽ không bao giờ muốn làm hoen ố tâm sở phổ thông với lời nói, hành động hay tư duy bất thiện. Chúng ta là tất cả, mỗi người chúng ta, là một phần ý thức đó, và khi ý thức của mỗi cá nhân càng thanh tịnh, thì ta càng dễ đạt đến sự thanh tịnh của tâm sở phổ thông. Nơi đó, tất cả mọi thứ đều có thể được tìm thấy. Bất cứ những gì chúng ta tư duy, nói hoặc làm đều chứa đựng trong đó và không biến mất. Đây là một giác tri khác gắn liền với sự trải nghiệm các tầng thiền định.

Chúng ta có thể so sánh ngũ và lục thiền với tầng thiền định thứ nhất và thứ hai. Khi hành giả cảm nhận được hỷ, thì lạc xuất hiện. Hành giả chỉ cần hướng tâm từ cảm giác (sensation) sang cảm xúc (emotion), đã sẵn có mặt ở đó, và chỉ cần hành giả chú tâm đến nó mà thôi. Trong tầng thiền định thứ năm và thứ sáu cũng thế, chỉ là chúng ở mức độ vi tế hơn, vì tâm định đã tiến đến mức sâu sắc, vi diệu hơn. Khi hành giả chứng nghiệm Không vô biên xứ, thì đồng thời Thức vô biên xứ cũng phát khởi. Hành giả chỉ cần hướng tâm từ không gian đến thức đang có mặt ở đó.

Thức vô biên xứ dễ bị hiểu lầm. Nhất là trong truyền thống Ấn Độ giáo, nơi mà ai cũng cho rằng đó là dấu hiệu của sự đạt đạo. Kinh nghiệm đó thực sự cũng đem lại một nhận thức hoàn toàn xác thực, đó là: “Tôi là thế” (I am that), trong tiếng Sanskrit tat tvam asi, diễn tả một ý thức đồng nhất. Meister Eckhart, một nhà thần bí đạo Thiên Chúa thời Trung Cổ, đã nói một điều đại khái như thế: “Thượng đế và tôi giống nhau.” Ông đã xém bị thiêu chết vì câu nói đó. Ông chỉ nói câu đó mà không đưa ra một giải thích gì hơn, tôi đoán rằng có thể ông đã đạt đến các trạng thái thiền định khá cao. Bởi vì không ai có thể nói lên điều đó, và nói như ông, không phải với sự cao ngạo, mà bằng sự khiêm nhường, vì nỗ lực to tác nhất của ông không phải là để “trở thành” một ai đó.

Đây chắc chắn là một sự chứng thực rất cao, rất quan trọng và là một phần của tiến trình thiền định. Với công phu tu tập, chúng ta phát triển quá trình này và biến nó càng ngày càng trở thành một phần thực hành của riêng ta, lúc đó mức độ trong sáng và hiểu biết của tâm thức cũng sẽ xuất hiện. Lúc đó tâm không còn bị giới hạn và gò ép trong phạm vi của “một cá nhân cụ thể” nào. Trong thiền, nó đã đạt đến một chỗ xa hơn cái gọi là “bản ngã tuyệt đối”. Tuy nhiên, dù tâm đã có thể trải nghiệm được cả Không vô biên xứ và Thức vô biên xứ, tâm vẫn biết rằng khi nó xuất khỏi các trạng thái tâm định này, khổ đau vẫn hiện diện và tâm vẫn còn cần phải cố gắng hơn nữa. Khi nào chúng ta còn cảm giác có một cái ngã trong ta, thì cái ngã ấy sẽ còn chịu đau khổ. Đó là lý do tại sao ta cần quán sát xem ta tin tưởng vào “cái ngã” nào, và tự hỏi xem niềm tin ấy có cơ sở hay không. Khi ta thấy nó không có cơ sở, thì ta có thể trải nghiệm một sự chuyển biến lớn lao trong cái nhìn của ta về mọi vật thực sự như thế nào.

[e] Con Đường Thanh Tịnh Hóa (The Path of Purification), do Đại Đức Nannamoli dịch từ tiếng Pali (Kandy, Sri Lanka : The Buddhist Publication Society, 1991).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/01/2022(Xem: 3613)
Vương quốc Phật giáo Campuchia và Nepal đã nhất trí tăng cường quan hệ giao lưu giữa nhân dân trong lĩnh vực Phật giáo và các mối quan hệ khác trong thương mại, an ninh và cải cách địa phương. Hôm thứ Ba, ngày 25 tháng 1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia Samdech Krolahom Sar Kheng đã gặp gỡ tân Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nepal tại Vương quốc Phật giáo Campuchia Genesh Prasad Dhakal để thảo luận về các vấn đề liên quan đến hợp tác giữa hai quốc gia.
27/01/2022(Xem: 7093)
Có người ngoại đạo thuở xưa Tự xưng mình giỏi nên ưa khoe tài Rành quá khứ, biết tương lai Bao điều học vấn trên đời tinh thông Nói ra trôi chảy vô cùng.
27/01/2022(Xem: 6837)
Ngày xưa có vợ chồng rùa Sống trong hang đá bốn mùa thảnh thơi Hang như tổ ấm cuộc đời Bên dòng sông mộng nước trôi xanh mầu. Một ngày rùa vợ ốm đau Chạy thầy, chạy thuốc đã lâu chẳng lành Rùa chồng thương vợ bò quanh Thở dài! Nhìn đám mây xanh than trời.
27/01/2022(Xem: 5265)
Ngày mai đã là giao thừa, nhưng không khí Tết trong nhà gần như bị đóng băng như không khí ngoài trời. Tôi ngồi bên khung cửa sổ nhìn những hạt tuyết rơi lả tả, trắng xóa cả bầu trời. Tuyết vương trên lá, tuyết phủ ngập cả lối đi, những tia nắng ấm vừa sưởi ấm bầu trời vừa tạo nên sắc màu cho khung cảnh thêm thơ mộng. Đã lâu lắm rồi tôi mới cảm nhận được cái đẹp thực sự của mùa đông trên xứ Đức, nơi bị thiên hạ cho là lạnh lẽo lẫn buồn nản và không đáng sống!!!
27/01/2022(Xem: 4012)
Cuộc sống đẹp mang tính cách nghệ thuật Dù thử thách vẫn chờ…đuổi chạy nghiệp duyên Từ bão họa tai …trải nghiệm những lời khuyên Hạnh phúc thay cho ai …thân cận bậc hiền trí !
23/01/2022(Xem: 5139)
Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Gần đây, xứ Ấn dịch Omicron tại bùng phát dữ dội, tuy không gây chết người nhiều như Delta lúc trước nhưng chính phủ Ấn cũng lấy làm lo ngại và ra lệnh LockDown trở lại. Mùa Xuân Nhâm Dần đang về với chúng ta, sự sẻ chia trong lúc hoạn nạn, khó khăn, mãi là điều quý giá nhất trên đời, vào đầu tuần này, Monday (17 Jan 2022) chúng con, chúng tôi đã tiếp tục lên đường cứu trợ thực phẩm cho dân nghèo xứ Phật như mang lại chút hơi ấm cho người nghèo khi Xuân đến ..
23/01/2022(Xem: 5432)
Ngày 17 tháng 1 vừa qua, 36 người đại diện cơ quan Lập pháp, đảng Dân chủ cầm quyền đã đến Tổ đình Tào Khê, trụ sở Trung ương Thiền phái Tào Khê, Phật giáo Hàn Quốc, thủ đô Seoul, trước Đại Hùng Bảo điện trang nghiêm thanh tịnh, tại pháp hội Sám hối Hồng danh chư Phật 108 lạy hòa quyện với các ngọn nến lung linh, khói hương quyện tỏa, Hòa thượng Viên Hạnh, người đứng đầu Thiền phái Tào Khê, một tông phái Phật giáo ảnh hưởng lớn nhất Hàn Quốc cho biết: "Họ ăn năn hối cải vì những nhận xét không phù hợp".
20/01/2022(Xem: 5198)
Hôm nay thứ tư ngày 19/01/2022, TT Thích Tâm Phương đại diện chư Tôn Đức thuộc Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN đã đến tận nơi Xã Xuân Lãnh, Huyện Đồng Xuân, Tỉnh Phú Yên trao tặng 200 quà Xuân Nhâm Dần cho quý đồng bào nghèo, neo đơn, bao gồm gạo, dầu ăn, bánh kẹo, mền, quần áo mới và tiền mặt, mỗi phần trị giá 500 ngàn đồng VN. Thành tâm tán dương và cảm tạ quý Phật tử Tu Viện Quảng Đức đã đóng góp cho quỹ cứu trợ lần này.
18/01/2022(Xem: 4670)
Trong bài viết trước của tôi về Công nghệ Tư duy, chúng tôi bắt đầu khám phá khoa học thần kinh của ý thức, bằng cách xem xét các nghiên cứu hàng đầu. Chúng tôi đã lưu ý cách các phương pháp tiếp cận khoa học để nghiên cứu não bộ, đôi khi có thể khám phá con người và động vật từ góc độ sinh lý học mà không có sự phân biệt và chúng tôi thấy rằng, điều này có thể ảnh hưởng đến những thắc mắc, phương pháp nghiên cứu và cuối cùng là phạm vi kết quả giới hạn.
16/01/2022(Xem: 6087)
Thời gian đầu mới xuất gia La Hầu La quả thật là đáng chê Thân chưa thuần thục mọi bề Lời thời thô thiển người nghe buồn lòng Ý thời ô nhiễm vô cùng Phật Đà hay biết tìm đường giúp thêm Đưa về tịnh xá kề bên Tu tâm, sửa tánh ngài khuyên hàng ngày.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]