Lại Thế Luyện
CHƯƠNG 2: GIẢN DỊ TRONG SUY NGHĨ VÀ DIỄN ĐẠT
Biết chọn hướng nghiên cứu chính
Ngày nay, lượng thông tin khoa học – kỹ thuật của nhân loại ngày càng tăng nhanh với tốc độ chóng mặt. Theo tính toán của các nhà khoa học, trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng trên bốn triệu bài báo khoa học và hàng vạn đầu sách mới được xuất bản – chưa kể lượng thông tin khổng lồ mỗi ngày trên mạng internet. Sự phổ biến càng rộng rãi thì
mỗi chúng ta càng có điều kiện để tiếp xúc với những góc cạnh mới mẻ của văn hóa-xã hội, khoa học-kỹ thuật,...
Mạng internet ra đời đã làm thay đổi hẳn cuộc sống của nhân loại. Tuy
nhiên, bất kỳ sự phát triển nào cũng có mặt trái của nó. Quá nhiều tài
liệu lại không phải là điều tốt, quá nhiều thông tin cũng không phải là
điều hay! Cuộc sống quanh ta đầy những thông tin vừa tuyệt vời mới mẻ,
nhưng có khi cũng rất mâu thuẫn, lộn xộn.
Với mạng internet, bất cứ ai cũng có thể suy nghĩ và viết lách. Bất cứ ai, dù ở phương trời nào, cũng đều có thể phổ biến những gì mình biết, mình thích, mình muốn nói cho người khác biết... Thực tế cho thấy, bên cạnh những con người có lương tri, biết tận dụng những ưu thế
của truyền thông để nhân bản hóa xã hội, phục vụ cho văn minh, tiến bộ
của nhân loại, thì cũng không thiếu những kẻ thiếu lương tri đã triệt để lợi dụng những ưu thế của truyền thông để không ngừng gieo rắc những điều phản khoa học, phi nhân bản, vô cùng độc hại.
Chưa hết, thực tế còn cho thấy đã có những người lợi dụng ưu thế phổ biến nhanh, rộng của internet để đơm đặt, bịa chuyện, nói xấu người khác vì nhiều động cơ khác nhau... Khi đó, những gì là sự thật đã bị họ
làm cho biến dạng, méo mó đi, khiến nhiều khi chúng ta không còn biết đâu mà lần nữa!
Giả sử bạn đang muốn tìm hiểu về một đề tài cụ thể nào đó, bạn bỏ thời gian đến thư viện tìm đọc sách báo, tìm kiếm trên mạng và xem những băng video liên quan đến đề tài của mình. Tuy nhiên, sau mấy tuần lễ miệt mài, bạn phát hiện ra: những sách báo, phim ảnh nói về đề tài này không có sự thống nhất gì cả! Đủ thứ thông tin phức tạp, lộn xộn, có khi trái ngược nhau! Như vậy có thể khiến chúng ta bối rối, bị mất phương hướng. Trước tình hình đó, chúng ta phải ứng xử sao đây?
Để khỏi bị mất phương hướng trong biển thông tin tràn ngập ngày nay, bạn hãy biết tỉnh táo chọn lọc, hãy biết theo đuổi một chủ đề chuyên sâu nào đó mà mình yêu thích. Biết cách chọn lọc, biết bỏ đi những gì không chính xác, không cần thiết, thì chúng ta sẽ học hỏi được nhiều điều hữu ích hơn. Nói cách khác, mỗi người phải biết khoanh vùng chuyên
môn và xác định phạm vi lĩnh vực sở trường của bản thân. Bạn có để ý đến điều này không? Một khi được học những gì mình thật sự thích thú, bạn sẽ cảm nhận được nhiều niềm vui và hứng thú hơn để tự học.
Tuy nhiên, để chọn lọc được những gì cần chuyên sâu cũng không phải là điều dễ dàng gì! Phải có một vốn liếng học vấn căn bản, tương đối vững vàng, thì mới có thể bước đầu biết lựa chọn. Ngoài ra, chúng ta phải có một vốn sống thực tế tương đối phong phú, một vốn kinh nghiệm từng trải, thì mới tỉnh táo phân biệt được tốt, xấu, hay, dở, để từ đó mà chọn lọc.
Càng biết chọn lọc thông tin, càng nỗ lực đi sâu vào một chủ đề, bạn
càng có cơ hội phát hiện ra nhiều điều sâu sắc, mới mẻ, chắt lọc được tinh hoa và càng ham thích tìm hiểu nó. Bề dày tri thức quý giá của bạn sẽ được tích lũy dần theo thời gian. Về lâu dài, bạn sẽ có một vốn hiểu
biết sâu sắc, độc đáo về chủ đề của mình mà người khác không có được. Điều này vừa là một hứng thú rất lớn, vừa là một ưu thế giúp bạn tiến xa hơn rất nhiều, thậm chí có thể vươn lên tầm xuất sắc trong công việc và phục vụ cuộc sống.
Hiện nay có nhiều sách của những tác giả dạy cách tự học, cách tư duy
sáng tạo... nhưng xét đến cùng, những sách này chỉ có tác dụng như những ý tưởng gợi mở cho bạn trên con đường tự học mà thôi! Điều quan trọng là bạn phải có nghệ thuật chọn lựa, vận dụng những phương pháp đó
như thế nào cho phù hợp với đặc điểm cá nhân của riêng bạn, để vừa tiết kiệm được thời gian vừa học được nhiều điều hữu ích, mở mang trí tuệ. Đọc người khác không phải chỉ là để học hỏi từ người khác, mà quan
trọng hơn, còn là để tự phát hiện mình!
Mỗi ngày đều là một cơ hội để chúng ta học hỏi những điều phong phú, mới mẻ. Vấn đề là ta có sẵn lòng đón nhận những sự phong phú, mới mẻ đó
hay không? Con người chúng ta thường hay chủ quan, tưởng rằng mình hiểu biết điều này điều nọ. Nhưng thật ra, có rất nhiều điều ta nhìn
thấyhằng ngày nhưng chưa chắc đã hiểu biếtđược nó. Ẩn đằng sau những sự việc khác nhau xảy ra hằng ngày đều có thể là một bài
học hoặc một kinh nghiệm sống sâu sắc mà ta có thể tích lũy.