Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Con cái đối với cha mẹ

23/02/201115:19(Xem: 7136)
Con cái đối với cha mẹ

SỐNG ĐẸP GIỮA DÒNG ĐỜI
Nguyên Minh

CHƯƠNG III: SỐNG ĐẸP TRONG GIA ĐÌNH

Con cái đối với cha mẹ

Tính độc lập của con cái trong gia đình ngày nay cao hơn nhiều so với trước đây, điều đó có lẽ không sao phủ nhận được. Ngay cả khi con cái còn đang cắp sách đến trường, chúng vẫn có những khía cạnh riêng tư mà cha mẹ buộc phải tôn trọng. Còn cho đến tuổi trưởng thành thì khỏi cần phải nói, quyền quyết định cuộc đời mình khi đã trưởng thành có khi còn được cả pháp luật bảo vệ nữa, nói gì đến chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” như ngày xưa!

Trong bối cảnh thay đổi khá nhanh chóng đó, một số người đã không giữ được các nề nếp truyền thống tốt đẹp của ngày xưa trong việc hiếu kính cha mẹ. Đối với thế hệ lớn tuổi trước đây, điều này rất hiếm khi xảy ra. Người ta được dạy dỗ rằng “cha mẹ là trời biển” từ những ngày còn tấm bé. Ngày nay, tuy quan điểm ấy thật ra chẳng hề thay đổi, nhưng sự lạm dụng “chủ nghĩa bình đẳng” và “tự do” nhiều khi đã đẩy lùi cả những nếp nghĩ đã ăn sâu từ nhiều đời trước.

Thật ra, con cái trong thời đại này cũng không cần thiết phải nhất nhất cúi đầu vâng theo các cụ. Có những điều mà các cụ nếu bảo thủ sẽ không sao hiểu được, hoặc có hiểu cũng không chấp nhận được, nhưng nó đã trở thành có thật trong thời đại mới rồi. Tuy nhiên, điều này nhất định không thể đưa ra làm một lý do chính đáng để con cái có thể coi thường các đấng sinh thành.

Trong một chừng mực nào đó, sự tôn kính đối với cha mẹ là một yêu cầu đến nay vẫn không thay đổi trong nền văn hoá dân tộc ta, loại trừ những kẻ mất gốc. Tuy nhiên, một nhận thức mới về điều này cần được nêu ra. Đôi khi, việc không nghe theo lời các cụ không có nghĩa là đánh mất đi sự tôn kính. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta phải giải thích như thế nào hoặc hành xử khéo léo ra sao để cho các cụ có thể cảm thông được với lý do buộc chúng ta phải quyết định làm như thế.

Chẳng hạn, một khi bạn đã suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng mọi yếu tố và quyết định mở một cửa hiệu vào thời điểm thuận lợi. Nếu người mẹ già của bạn khăng khăng không chịu đồng ý chỉ vì lý do “năm nay không hạp tuổi”, có lẽ bạn cũng không thể vì thế mà bỏ lỡ thời cơ thực hiện quyết định của mình. Tuy nhiên, bạn cần tôn trọng sự phản đối đó. Hãy làm hết sức mình để giải thích những “quan điểm mới” cho bà cụ hiểu. Sự khéo léo của bạn là làm thế nào đó mà bà cụ không hiểu vấn đề theo cách là “nó đã lớn nên chẳng cần nghe lời cha mẹ”.

Từ khi bạn bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành, tự mình chịu trách nhiệm về những hành vi của mình, thì việc đối xử với cha mẹ như thế nào là một trong những vấn đề quan trọng mà bạn sẽ phải hối tiếc rất nhiều về sau nếu không quan tâm đúng mức. Tôi phải cảnh giác bạn điều này vì về mặt tâm lý có một sự thật là, tuy sống với cha mẹ từ bé đến lớn, bạn chắc chắn chưa hoàn toàn hiểu hết các cụ đâu!

Tôi có thể đơn cử một ví dụ mà thật ra cũng chẳng mới mẻ gì. Ca dao ta có câu:

“Lên non mới biết non cao,

Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.”

Vâng, nếu bạn lập một gia đình của riêng mình và có con cái. Ngay vào cái đêm đầu tiên khi mà bạn thức trắng với tiếng khóc của trẻ con, có lẽ là lúc bạn mới bất ngờ bắt đầu nhận ra mình đã chưa hiểu hết những nỗi nhọc nhằn của cha mẹ khi xưa. Và đó chỉ là điểm khởi đầu thôi, vì bạn cũng chỉ mới bắt đầu “lên non” thôi mà. Hãy đợi đấy, khi bạn thực sự đã “biết non cao” rồi, tôi tin là bạn không còn nghĩ về cha mẹ mình một cách giản đơn như trước đây.

Vấn đề đặt ra ở chỗ là, đã quá muộn hay chưa? Nếu bạn có đủ may mắn để nói “chưa”, tôi xin chúc mừng bạn. Bởi vì không ít người đã phải ôm lòng ray rứt suốt quãng đời còn lại chỉ vì khi “hiểu ra thì sự đã rồi”.

Việc tôn kính cha mẹ là một nguyên tắc sống đẹp chẳng những thể hiện lòng biết ơn đối với những bậc đã sinh ra và dưỡng dục chúng ta nên người, mà nó còn là một trong các chìa khoá để thu phục lòng người. Tôi nói điều này có lẽ một số người sẽ lấy làm lạ. Tuy nhiên, thực tế là như vậy. Bởi vì chúng ta đang sống trong một xã hội mà những truyền thống văn hoá dân tộc luôn được tôn trọng, cộng đồng xã hội luôn tán thành với những nét đẹp trong truyền thống văn hoá của cha ông. Trong một xã hội như thế, một người có lòng hiếu kính với cha mẹ dễ có được thiện cảm từ những người khác là điều tất nhiên, không có gì lạ. Thậm chí, đã có nhiều nhà chính trị xưa kia lợi dụng yếu tố này để thu phục lòng người. Chúng ta không có những dụng tâm giả tạo như họ, nhưng tác động thực tế của vấn đề là không thể phủ nhận. Hãy tự trả lời câu hỏi này: Nếu bạn đến chơi nhà một người bạn và tình cờ chứng kiến sự hiếu kính chân thành của người ấy đối với cha mẹ, bạn sẽ có ấn tượng như thế nào? Vâng, tôi tin là nhiều người khác cũng giống như bạn thôi.

Nếu bạn vẫn còn được sống chung với cha mẹ khi đã trưởng thành, đó là một điều cực kỳ may mắn. Đa số trong chúng ta không có được may mắn đó. Như đã nói trong một phần trước đây, ngày nay hiếm khi có những đại gia đình mà ông bà, cha mẹ và con cái cùng chung sống. Hầu hết chúng ta phải sống riêng một cách độc lập ngay sau khi lập gia đình.

Phần lớn những người được sống chung với cha mẹ sau khi đã lập gia đình riêng phải là con trưởng hoặc con út. Phải có những lý do đặc biệt nào đó thì các cụ mới sống chung với một trong những người con khác.

Nếu bạn sống chung với cha mẹ, chỉ cần bạn nhận thức đúng được vấn đề, bạn sẽ có thể biết được mình phải làm gì. Nhưng nếu bạn không có may mắn đó – mà đa số chúng ta đều kém may mắn – bạn cần biết cách hiếu kính cha mẹ cho dù mình không sống chung cùng các vị.

Ca dao ta có câu:

“Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng,

Con nuôi cha mẹ con tính tháng tính ngày.”

Tuy nghe có vẻ thật chua chát, nhưng thật không may là điều này lại hoàn toàn đúng với một số khá đông người. Tôi mong là bạn không nằm trong số đó.

Trong số những người mà tôi quen biết, rất ít người nghĩ đến việc mình phải làm một cái gì đó để báo đáp, hoặc ít ra cũng là để bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ. Có nhiều lý do dẫn đến điều đó trong thời đại này.

Trước hết, cuộc sống ngày nay quá bận rộn đến nỗi người ta hầu như không có thời gian dành cho những việc không cần thiết. Và thật không may là nhiều người xem việc đi thăm viếng cha mẹ hoặc mua sắm cho các cụ dăm ba món đồ... là việc không cần thiết! Đôi khi, họ suy nghĩ một cách đơn giản như: “Anh Hai lo được việc ấy mà.”, hoặc “Nhà chú Út có thiếu thốn thứ gì đâu...” Và với những cách nghĩ ấy, họ không xem việc dành thời gian cho cha mẹ là cần thiết. Đáng buồn thay cho những người này đã “lên non” mà vẫn còn chưa “biết non cao”.

Những cách suy nghĩ này còn xuất phát từ một đặc điểm của xã hội trong thời đại mới. Chuẩn mực sống ngày nay đã lên khá cao so với trước đây, đến nỗi cơm gạo để nuôi cha mẹ thật ra chẳng phải là vấn đề đáng kể đối với nhiều người. Mức chi tiêu thường ngày của nhiều gia đình rơi vào những khoản tiện nghi khác lớn hơn nhiều so với là “cơm ăn áo mặc” như ngày xưa. Vì vậy, mỗi người con thường thấy không cần thiết phải đóng góp năm mười ký gạo hoặc chút phí tổn nào đó vào việc nuôi dưỡng cha mẹ.

Một nguyên nhân khác nữa là khả năng tài chánh của các cụ. Một số cha mẹ thời nay không cần đến sự nuôi dưỡng về mặt vật chất của con cái. Các vị đã tính trước mọi điều từ khi còn làm việc được, và ngoài việc lo cho con cái, các vị còn tích luỹ đủ để an hưởng tuổi già mà không cần con cái phải quan tâm. Trong trường hợp này, nếu con cái không có một nhận thức đúng đắn thì rất dễ quên đi trách nhiệm hiếu kính của mình.

Trong mọi trường hợp, vấn đề ở đây không phải là nuôi dưỡng cha mẹ bằng cơm gạo. Có hai khía cạnh mà chúng ta cần phải nhận thức đúng trong vấn đề này.

Thứ nhất, trong tuổi già cha mẹ luôn cần đến con cái không phải chỉ là vấn đề nuôi dưỡng mà còn là yếu tố tình cảm. Dù không cần gì về vật chất, cha mẹ vẫn rất cần con cái mang lại niềm vui cho mình bằng những cử chỉ hiếu kính. Nhiều cụ ông hoặc cụ bà còn trở tính hờn dỗi với con cái khi chúng không quan tâm đúng mức đến mình. Tục ngữ nói lên hiện tượng tâm lý này bằng câu: “Một già một trẻ bằng nhau.” Ý nói tính khí của người già thường quay trở lại giống như trẻ con.

Thứ hai, quan tâm đến cha mẹ là một yêu cầu xuất phát từ tự thân chúng ta. Có thể các cụ cần hay không cần, nhưng bản thân chúng ta nhất định phải làm điều đó nếu thực sự muốn “nên người”.

Ngoài ra, một vấn đề thiết thực cũng cần phải đề cập đến nữa. Sự hiếu kính của bạn đối với cha mẹ chính là tấm gương dạy dỗ con cái của chính mình. Có câu chuyện xưa nói lên ý nghĩa này như sau:

Có người con nuôi dưỡng ông cha già bệnh tật quá lâu mà không chết. Lâu ngày chày tháng đâm ra nản lòng không chịu đựng nổi được nữa, anh ta mua một chiếc xe kéo, đặt người cha lên đó rồi bảo đứa con trai phụ với mình để kéo cha lên tận trên núi cao mà bỏ. Khi quay về, đi một đoạn anh không thấy đứa con trai đâu cả, liền dừng lại để chờ. Lát sau, đứa con lững thững lôi chiếc xe không trở về theo kịp anh ta. Anh quát thằng bé: “Mày mang chiếc xe ấy về làm gì?” Thằng bé tròn xoe mắt nhìn anh rồi nói: “Xe mới, còn tốt lắm. Có thể để dành sau này con dùng để kéo cha được mà!”

Ngày nay, hoặc thậm chí cả ngày xưa, chắc là không có một câu chuyện như thế thực sự xảy ra. Nhưng ý nghĩa trong câu chuyện thì không ai phủ nhận được, thậm chí nó vẫn còn rất chính xác khi vận dụng vào ngày nay. Những gì bạn làm cho cha mẹ, tất yếu sẽ là những gì bạn nhận được từ con cái.

Có nhiều cách để bạn bày tỏ sự hiếu kính của mình đối với cha mẹ. Điều quan trọng nhất là bạn phải thực sự muốn làm điều đó vì nhận ra tính đúng đắn và sự cần thiết của nó.

Bạn có thể bắt đầu bằng cách dành ra một khoảng thời gian tối thiểu nào đó cho cha mẹ trong thời biểu thường xuyên của mình. Đừng cho rằng chỉ cần làm điều đó vào lúc rảnh rỗi. Sẽ không có lúc đó đâu. Nếu bạn đã dành những thời gian nhất định cho con cái, thì bạn cũng cần phải dành ra những khoản thời gian nhất định cho cha mẹ. Tôi không biết là bạn có thể dành ra được bao nhiêu thời gian, hoặc sẽ sử dụng thời gian đó như thế nào. Điều đó tuỳ nơi bạn, nhưng phải xem đây là việc thường xuyên, quan trọng, không thể tuỳ tiện làm hay không làm.

Ngân sách gia đình cũng cần phải dành ra một khoản thích hợp cho cha mẹ. Có thể là cha mẹ không hề cần đến, như tôi đã nói ở một đoạn trên, nhưng niềm vui mà cha mẹ có được khi nhận một món quà nào đó của bạn là có thật. Hơn thế nữa, việc làm ấy nhằm biểu lộ sự hiếu kính của bạn một cách cụ thể, hơn là xuất phát từ nhu cầu cần thiết hay không của cha mẹ. Bạn có thể dùng khoản tiền ấy một cách sáng tạo như thế nào để “mua vui” cho cha mẹ cũng tốt, nếu như các vị không cần đến nó như một nhu cầu sống.

Khi cha mẹ có đông con cái, điều quan trọng là không nên nhìn vào cách ứng xử của những người con khác để quyết định việc làm của mình. Các anh, chị hoặc em bạn có thể có hoặc không có sự hiếu kính đối với cha mẹ, nhưng đó là chuyện của họ. Không nên lấy đó làm lý do ảnh hưởng đến thái độ của bạn.

Một khi cha mẹ có bệnh tật hoặc quá suy yếu, vấn đề này càng dễ bộc lộ rõ hơn. Hãy đối xử với cha mẹ bằng một tinh thần trách nhiệm cao của riêng mình, đừng chú ý đến thái độ của các anh chị em khác.

Một điều nữa cần bàn thêm ở đây là cách đối xử với cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng. Trong thời đại ngày nay, nhận thức về vấn đề này đã thay đổi rất xa so với trước đây. Khi quan hệ vợ chồng trở nên bình đẳng hơn trước và chủ trương nam nữ bình quyền được tôn trọng, thì tất nhiên người con gái cũng không còn bị xem là “nữ nhân ngoại tộc” như xưa kia nữa. Như vậy, liệu người con gái đã lập gia đình còn có trách nhiệm với cha mẹ tương đương như người con trai hay không?

Ở đây chúng ta có thể là đang đề cập đến một vấn đề còn mang tính lý thuyết, tuy nhiên là một lý thuyết tích cực và hợp lý hơn. Từ góc độ đó, việc đối xử với cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng của mình nên được xem giống như với cha mẹ ruột. Điều này chẳng những thể hiện một nét đẹp trong cuộc sống mà chắc chắn còn góp phần vào việc củng cố quan hệ hôn nhân vững chắc hơn, đồng thời cũng giáo dục con cái một cách thiết thực hơn.

Sở dĩ tôi nói đây là vấn đề mang tính lý thuyết, bởi vì trong thực tế thì sự “bình quyền nam nữ” hoặc quan hệ “bình đẳng” giữa vợ chồng vẫn còn rất nhiều giới hạn, và quan niệm cũ vẫn còn ăn sâu trong suy nghĩ của rất nhiều người. Tuy nhiên, theo đà phát triển của xã hội văn minh ngày nay thì có lẽ không bao lâu rồi lý thuyết cũng sẽ hoàn toàn trở thành hiện thực.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/04/2016(Xem: 8082)
Bình bát cơm ngàn nhà Thân chơi muôn dặm xa Mắt xanh xem người thế Mây trắng hỏi đường qua
22/04/2016(Xem: 11266)
Jimmy Phạm thừa nhận anh từng cảm thấy xấu hổ với nguồn gốc Việt của mình, và luôn khẳng định mình là người Úc khi ai đó hỏi anh đến từ đâu. Nhưng giờ đây, mặc cảm ấy biến mất, nhường chỗ cho sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp xã hội Koto, nơi đổi thay cuộc đời hơn 1000 trẻ bụi đời Việt Nam.
18/04/2016(Xem: 6034)
Đức Phật dạy chúng ta trí tuệ và yêu thương. Học là một chuyện còn ứng dụng lại là một chuyện khác. Có khi chúng ta đọc làu làu kinh Phật nhưng thực hành chưa được là bao. Chuyện là chúng tôi có Vườn Yêu Thương. Triết lý cũng rất giản đơn và do thầy Hùng - người lập ra công ty sách Thái Hà của chúng tôi đưa ra: “Chút điều xấu cùng ngăn cùng giữ. Chút điều lành cùng thử cùng làm”.
16/04/2016(Xem: 8202)
Rohith Vemula không bao giờ có thể thoát ra khỏi những sự trói buộc của nhóm “sinh đẻ hạ cấp" của mình. Anh đã là một "Dalit" - một thuật ngữ dịch nôm na là giới "bị đổ vỡ, hư hỏng vứt đi" - một nhóm của những tầng lớp thấp nhất được gọi là "Hạ tiện". Những điều ghi chép trong nhật ký cá nhân và các cuộc phỏng vấn với bạn bè của anh ta đã mở ra cho thấy một cuộc sống đầy ngập những khó khăn của việc lớn lên trong sự nghèo khó, và những phấn đấu với một xã hội mà, đối với anh, dường như chống lại sự tiến bộ của một sinh viên như anh. Cái đòn sau cùng làm anh gục ngã là khi trường đại học Hyderabad Central University thu hồi lại học bổng rất khó khăn mới đạt được của anh sau khi có một nhóm những sinh viên khác, phần lớn thuộc đẳng cấp cao, báo cáo là anh đang tham dự trong những hoạt động "phản quốc" - - như trường hợp, biểu tình phản đối việc xử tử hình một tên khủng bố mà anh đã tin là bị xử oan .
07/04/2016(Xem: 7666)
Từ nhỏ tôi đã được gieo vào não câu nói “Một người làm quan - Cả họ được nhờ”. Nghe cũng có lý. Bởi bác A gần nhà tôi là một quan chức và bác ấy lôi vào nhà nước rất nhiều người họ hàng. Họ làm rất nhàn, toàn chơi, mà bổng lộc rất nhiều, tiền nong rủng rỉnh, đi đâu cũng khoe, tự hào ra mặt. Mẹ tôi bảo “Đấy con phải học đi, học thật giỏi vào để sau này cả họ được nhờ như nhà bác ấy”.
04/04/2016(Xem: 7906)
Mở bất kỳ Kinh Nhật Tụng nào trong các chùa Bắc Tông, chúng ta đều thấy có các nghi thức cầu an, cầu siêu. Nhiều người nghĩ rằng các pháp đều có nhân quả, phải tự mình mình tu, chớ nên cầu xin bất kỳ ai, vì có ai cho phước mình đâu. Về lý luận, nói như thế có phần tích cực là khuyến tu, nhưng Kinh Phật sơ thời cũng vẫn có các lời dạy cầu an, cầu siêu – tuy là nhiều dị biệt với thời chúng ta.
04/04/2016(Xem: 9031)
Dòng đời cứ cuồn cuộn hay lặng lẽ mãi miết TRÔI, và mọi cảm nhận tiếp thụ của con người vẫn cứ lan CHẢY bất tận theo thời gian, tưởng chừng chẳng phút giây dừng nghỉ, và nếu có chăng thì chỉ trong một thoáng xa xôi mơ hồ đâu đó, rồi cũng lao vào vòng xoay của bao ý niệm trong cuộc sống đầy vật vã, tranh đấu, bon chen, toan tính.v.v... như bánh xe càng đi tới là càng quay tròn trở lại.
31/03/2016(Xem: 9951)
Bài này tôi muốn tặng Phật-tử Xuân Trường và các bạn đồng tu là những người đã trải nghiệm cuộc đời khi tu hành ở Tây Tạng và phật-tử Phạm Oanh đang muốn kiểm nghiệm cuộc tu hành qua Kinh Diệu-Pháp Liên-Hoa cùng các bạn đồng tu ở Làng Phổ-Đà Liên-Hoa Tịnh-Độ thành phố Hải phòng và các bạn đồng tu xa gần.
31/03/2016(Xem: 8399)
Ngày đức Phật Thích Ca đản sinh là một ngày lễ trọng đại đối với một số quốc gia ở Châu Á có đông dân theo đạo Phật. Đón mừng Phật Đản, khắp nơi có những lễ hội được tổ chức rất trọng thể trang nghiêm, những hoạt động Phật sự tăng cường ráo riết, và các chương trình văn hoá -văn nghệ cũng diễn ra hết sức sôi nổi với sự đầu tư công phu và hoành tráng. Ngành Bưu chính của các nước này cũng không chịu thõng tay đứng bên lề để ngắm nhìn ngày hội lớn của tăng ni Phật giáo đồ, mà từ nhiều năm qua cứ đến những dịp đón ngày Rằm tháng Tư âm lịch là các bộ tem về đề tài “Kính Mừng Phật Đản” được phát hành rộng rãi làm náo nức bao người tôn Phật -kính Pháp- trọng Tăng.
31/03/2016(Xem: 7957)
Ông có xem biến cố mà chúng ta hiện nay thường gọi là "11 tháng 9" là chưa từng có không, một sự kiện đã làm thay đổi triệt để sự hiểu biết của chúng ta không? Trước tiên, xin bà cho phép tôi nói là tôi sẽ trả lời câu hỏi này của bà trong ba tháng sau biến cố[1]. Tuy thế, khi đề cập đến những kinh nghiệm của tôi liên hệ đến biến cố này, có lẽ cũng là điều hữu ich.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]