Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

8. Cùng chung cảnh ngộ

21/02/201114:52(Xem: 6241)
8. Cùng chung cảnh ngộ

PHÓNG SINH - CHUYỆN NHỎ KHÓ LÀM
Nguyên Minh

Cùng chung cảnh ngộ

Khi chấp nhận vấn đề nhân quả, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được vì sao đức Phật đã gọi cõi thế giới này là cõi Ta-bà – thế giới của sự nhẫn nại chịu đựng. Do sự tương đồng về nghiệp thức, tất cả chúng ta đã cùng nhau sinh ra trong thế giới này, với một điểm chung là để nhận lãnh những ác nghiệp đã tạo. Không có ác nghiệp, không thể sinh về cõi này, trừ trường hợp đó là sự tự nguyện để cứu độ chúng sinh như Phật và các vị Bồ Tát.

Như vậy, lời giải thích cho những đau khổ triền miên của chúng ta trong đời sống này đã trở nên rõ ràng. Và con đường thoát khổ tất nhiên cũng được mở ra nhờ vào những nhận thức đúng này. Điều đó thật đơn giản: đau khổ đến từ ác nghiệp, vậy muốn chấm dứt đau khổ, chỉ có một cách duy nhất là chấm dứt mọi ác nghiệp.

Thế nào là ác nghiệp? Đức Phật có dạy 10 điều thiện (Thập thiện đạo) được kể ra như sau:

1. Bất sát sinh: Không giết hại, phải làm việc tha thứ, phóng sanh.

2. Bất thâu đạo: Không trộm cắp, phải thường làm việc bố thí.

3. Bất tà dâm: Không tà dâm, phải chung thủy trong cuộc sống một vợ một chồng.

4. Bất vọng ngữ: Không nói dối, nói lời có hại, phải nói lời chân thật.

5. Bất lưỡng thiệt: Không nói hai lưỡi, nói đâm thọc gây chia rẽ, hiểu lầm, phải nói lời đúng thật.

6. Bất ác khẩu: Không nói lời ác độc, gây tổn thương người khác, phải nói lời hòa giải, tạo sự đoàn kết.

7. Bất ỷ ngữ: Không nói lời thêu dệt, vô nghĩa, phải nói lời có ích, hợp đạo lý.

8. Bất tham dục: Không tham lam, mong cầu quá nhiều, phải biết đủ, ít ham muốn, luôn quán xét rằng mọi sự vật là chẳng thật, bất tịnh, vô thường.

9. Bất sân khuể: Không nóng nảy, giận dữ, phải nuôi lòng từ bi, nhẫn nhục.

10. Bất tà kiến: Không tin theo những ý niệm, kiến giải sai lầm, phải luôn giữ chánh kiến sáng suốt.

Mười điều thiện như trên là khuôn thước đầu tiên cho bất cứ ai muốn khởi sự xa lìa ác nghiệp. Làm đúng theo như vậy là tạo ra thiện nghiệp, làm ngược lại là tạo ra ác nghiệp.

Như vậy, chúng ta có thể thấy ngay một điều là, cho dù những lý luận về nhân quả có thể hơi khó nắm bắt đối với một số người, nhưng những chỉ dẫn để hướng đến một đời sống tốt đẹp lại vô cùng cụ thể, dễ hiểu và hết sức thiết thực.

Chỉ cần bạn tự xét lại bản thân mình, đối chiếu mọi hành vi của mình với mười điều thiện vừa nêu trên, bạn sẽ thấy ngay một sự khác biệt giữa những điều thiện và bất thiện. Trong khi những hành vi bất thiện luôn dẫn đến sự bất an, lo lắng, thì những hành vi thiện luôn mang lại sự thanh thản, tự tin và một niềm vui sống.

Vì thế, không cần phải chờ đợi sự chứng nghiệm bởi thời gian. Chỉ cần chúng ta khởi sự làm việc thiện và chấm dứt mọi điều ác, chúng ta sẽ cảm nhận được ngay những thay đổi tích cực trong tâm thức của chính mình.

Mặt khác, điểm chung nhất của tất cả những điều thiện vừa nêu trên là chúng luôn mang lại sự an vui và lợi ích cho mọi người quanh ta. Ngược lại, những điều bất thiện bao giờ cũng gây ra tác hại và làm thương tổn những người khác. Do đặc điểm này, người làm việc thiện luôn tạo ra được thiện cảm, luôn thu hút sự gần gũi và quý mến của tất cả mọi người. Ngược lại, những ai làm điều bất thiện phải luôn sống trong sự bất an và chịu sự ngờ vực, xa lánh của người khác.

Như vậy, có thể nói rằng sự hiện hữu của chúng ta trong cõi thế giới Ta-bà này là một bằng chứng về việc trong quá khứ ta đã từng làm theo những điều bất thiện. Mỗi chúng ta đều mang theo những ác nghiệp nhất định, và sinh ra trong thế giới này để nhận chịu những kết quả của việc làm xấu ác trước đây của mình.

Xét theo ý nghĩa này, thì tất cả chúng ta đều là những phạm nhân trong một trại tù bao la là cõi Ta-bà, bởi vì mỗi người chúng ta đều có một bản án riêng để phải nhận chịu.

Những ác nghiệp riêng biệt của mỗi người được gọi là biệt nghiệp. Những biệt nghiệp này tạo ra những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, không ai giống ai.

Những ác nghiệp chung của nhiều người, dẫn đến những nỗi khổ chung của một cộng đồng, được gọi là cộng nghiệp.

Mỗi người đều có mang trong mình những biệt nghiệp và cộng nghiệp. Vì thế, trong những đau khổ của mỗi chúng ta, luôn có những nỗi khổ gắn bó với mọi người quanh ta cũng như những nỗi khổ chỉ riêng mình ta gánh chịu.

Và trong cái trại tù bao la là cõi Ta-bà này, chúng ta đã thấy xuất hiện khắp nơi những tên “trưởng tù” hung bạo. Họ là những phạm nhân không biết hối cải, nên tương lai của họ chỉ có thể là vĩnh viễn ở trong trại tù này, thậm chí còn có thể sa đọa vào những cảnh giới khắc nghiệt, đau khổ hơn nữa.

Nếu chúng ta có thể chấp nhận mình là người có tội, thì sự hối cải của chúng ta luôn được hoan nghênh, bởi nó sẽ làm dịu bớt đi nỗi đau khổ không chỉ của riêng ta, mà còn cho cả những người quanh ta nữa. Những phạm nhân biết hối cải như thế, chắc chắn sẽ có một ngày được thoát ra khỏi trại tù này.

Đáng buồn thay, có rất nhiều phạm nhân đã không thực sự biết hối cải. Trong cái trại tù bao la này, biết bao người vẫn tiếp tục chạy theo những ham mê danh lợi, chà đạp lên đạo nghĩa. Họ tranh chấp nhau, lừa dối nhau, hãm hại nhau... và thực hiện đủ mọi thủ đoạn để thỏa mãn lòng ham muốn của mình. Và trong khi làm như thế, họ ngày càng lún sâu vào trong đau khổ. Những thành công về vật chất không bao giờ bù đắp lại được những mất mát của họ, không thể mang lại cho họ sự thanh thản hay niềm vui chân thật, bởi vì họ đang tiếp tục tạo thêm rất nhiều ác nghiệp.

Trong kinh Đại thừa Bản sanh Tâm địa quán, Phật dạy rằng: “Ba cõi như ngôi nhà đang cháy.” (Tam giới như hỏa trạch). Nói như vậy là để chỉ rõ tính chất vô thường, khổ não mà tất cả chúng ta đang phải lãnh chịu. Thấy rõ được như vậy là động lực quan trọng giúp chúng ta từ bỏ các hành vi xấu ác, tích cực thực hiện những hành vi tốt lành. Ba tạng kinh điển của Phật thuyết dạy tuy là rất nhiều, nhưng cũng không ngoài mục đích dẫn dắt chúng ta đi đến chỗ bỏ ác, làm thiện. Như trong kinh Đại Bát Niết-bàn, phẩm Phạm hạnh có nói rất rõ như sau:

Không làm các điều ác,
Thành tựu các điều lành.
Giữ tâm ý thanh tịnh,
Chính lời chư Phật dạy.

Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành,
Tự tịnh kỳ ý,
Thị chư Phật giáo

Nói rằng cõi thế giới này là thế giới của sự nhẫn nại chịu đựng, hay như ngôi nhà đang cháy, cũng đều có cùng một ý nghĩa là thừa nhận thực trạng khổ đau mà chúng ta đang phải nhận chịu do ác nghiệp đã làm. Sự thừa nhận này không thể xem là một cách nhìn bi quan về thế giới, mà là sự chấp nhận sự thật để vượt qua.

Nhưng vượt qua như thế nào?

Nói một cách đơn giản, đó là bỏ ác làm lành, để xóa bỏ ác nghiệp và tạo ra thiện nghiệp. Khi ác nghiệp đã dứt và thiện nghiệp được vun bồi, chúng ta sẽ không phải tái sinh trong cõi thế giới này nữa, mà sẽ được sinh về những cõi thế giới tốt đẹp, trong sạch khác, gọi là Tịnh độ. Chẳng hạn như cõi Cực lạc của Phật A-di-đà ở phương tây, cõi Diệu hỷ của Phật A-súc ở phương đông, hay cõi trời Đâu-suất với Bồ Tát Di-lặc hiện đang thuyết pháp...

Nói một cách đầy đủ hơn, đó không chỉ là thực hành theo Thập thiện đạo, mà còn là noi theo và thực hành 8 phương pháp chân chánh trong cuộc sống, gọi là Bát chánh đạo. Thực hành Thập thiện đạo chỉ là một phần trong 8 phương pháp chân chánh ấy. Cụ thể gồm các phương pháp sau đây:

1. Chánh kiến: Nhận thức chân chánh, thấy rõ bản chất thực sự của cuộc đời này.

2. Chánh tư duy: Suy nghĩ, có tư tưởng chân chánh, không nhận thức sai lầm về bản chất cuộc sống.

3. Chánh ngữ: Lời nói chân chánh, không nói ra những lời dối trá hoặc vô bổ, chỉ nói những lời chân thật và có ý nghĩa, mang lại lợi ích cho bản thân mình và người khác.

4. Chánh nghiệp: Việc làm chân chánh hay hành động chân chánh, nghĩa là những hành động có ý nghĩa, mang lại lợi lạc cho bản thân và người khác, cũng như không gây hại cho bất cứ ai.

5. Chánh mạng: Nghề nghiệp chân chánh, nghĩa là chọn những nghề nghiệp để nuôi sống bản thân và gia đình mà không gây hại đến người khác.

6. Chánh tinh tấn: Nỗ lực chân chánh, nghĩa là luôn hướng đến sự thực hành tu tập và làm nhiều việc thiện, xa lìa và dứt bỏ những việc xấu ác, bất thiện.

7. Chánh niệm: Luôn duy trì sự tỉnh thức đối với ba nghiệp thân, khẩu, ý, không để chạy theo tham dục, tà kiến.

8. Chánh định: Tu tập thiền định để có định lực chân chánh, nghĩa là tập trung tâm ý không lúc nào buông thả.

Khi chúng ta không nhận thức đúng được về bản chất của thế giới này, không nhận biết được mình là những người “có tội” đang phải sống trong một thế giới như ngôi nhà đang cháy, như vậy không thể gọi là có chánh kiến.

Trong thế giới của chúng ta, ngoài những “phạm nhân” không biết hối cải, vẫn ngày đêm tạo thêm ác nghiệp, và ngoài những người thực sự biết hối cải, đang ngày đêm nỗ lực để bỏ ác làm lành, vẫn còn có một hạng người khác nữa. Đó là những người không có đủ chánh kiến.

Tuy họ không đến nỗi sa vào việc tiếp tục tạo ác, tuy họ vẫn có những nỗ lực nhất định trong việc làm lành, nhưng họ lại quên đi một điều là họ vẫn còn đang sống trong một “ngôi nhà đang cháy”, một thế giới đầy đau khổ phải luôn nhẫn nại chịu đựng. Họ có tin và làm theo một vài pháp môn do Phật dạy, chẳng hạn như thực hành chánh niệm, và nhờ đó họ có được sự an ổn và thanh thản. Rồi họ hài lòng với những kết quả đó. Họ cho rằng mình đang có thể “sống an vui” ngay trong giây phút hiện tại này.

Nhưng họ không biết rằng sự “ngủ quên” của họ hoàn toàn không thể giúp họ xóa bỏ tất cả những ác nghiệp đã tạo ra từ trước! Những kết quả mà họ đạt được trong việc tu tập, thay vì tạo đà để tiếp tục tinh tấn đi theo con đường giải thoát, thì lại trở thành một thứ thuốc an thần, ru ngủ họ trong “ngôi nhà đang cháy”. Vì thế, mặc dù vẫn có tâm hối cải nhưng chỉ vì thiếu chánh kiến mà họ đã vô tình để mình rơi vào chỗ trì trệ, lười nhác. Họ là những người rất đáng thương, đang để cho thời gian trôi qua đi mà vẫn an lòng sống trong một “ngôi nhà đang cháy”. Vì thế, họ không thể dựa vào đâu mà thoát ra khỏi đó.

Để tránh sai lầm này, chúng ta cần phải đồng thời thực hiện cả 8 phương pháp chân chánh nói trên. Bát chánh đạo phải được hiểu như là một con đường duy nhất mà để tiến bước trên đó chúng ta phải cùng lúc vận dụng cả 8 phương pháp. Đừng bao giờ cho rằng một trong số những phương pháp ấy là có thể đủ để đưa ta đến chỗ an lạc, giải thoát. Chúng ta có thể nhất thời sai lầm không nhận ra điều đó, nhưng thời gian sẽ chứng minh rằng chỉ có sự vận dụng đồng thời cả 8 phương pháp thì mới có thể giúp ta đạt được một sự giải thoát rốt ráo, mới có thể thoát ra khỏi “ngôi nhà đang cháy” này.

Khi nhận thức đúng về bản chất của thế giới này cũng như của tất cả những ai đang sống trong đó, chúng ta sẽ dễ dàng có được sự cảm thông với tất cả mọi người cũng như với chính bản thân mình. Chúng ta sẽ không tự trách mình về những lỗi lầm không đáng có. Thay vì vậy, ta chấp nhận bản thân mình như hiện có và luôn nỗ lực để vươn lên ngày càng hoàn thiện. Chúng ta cũng sẽ không oán giận những ai gây tổn hại cho ta, vì ta thấy biết rằng họ là những “phạm nhân không hối cải”, rằng nếu họ không sớm thay đổi thì cánh cửa “trại tù” này sẽ vĩnh viễn không bao giờ mở ra với họ. Chúng ta cũng sẽ không bao giờ hài lòng với những niềm vui tạm bợ, giả tạo mà vật chất mang lại trong cuộc sống, vì ta biết rằng chỉ khi nào thực sự xóa hết những ác nghiệp đã tạo ra thì chúng ta mới có thể có được sự an vui thanh thản thực sự.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/04/2020(Xem: 5399)
Tình hình Vũ Hán trong thời gian cực điểm, người dân thất vọng trước sống chết cận kề, kẻ nhảy lầu tự sát, người bung tiền xuống lầu khi thấy đồng tiền cả đời gom góp bằng công sức, giờ đây trở thành vô nghĩa khi sự sống không thể bảo về bằng đồng tiền.
02/04/2020(Xem: 5447)
Trong cuộc sống, cảm nhận buồn vui luôn vây quanh chúng ta; Buồn vui, tốt xấu, hên xui…đều là những hạt giống tiềm ẩn trong tạng thức, gặp thuận duyên chúng phát khởi.Cảm thọ đứng vị trí thứ bảy trong thuyết Mười hai nhân duyên, nó ở vị trí thứ hai trong năm uẩn tạo thành con người.
30/03/2020(Xem: 5383)
Thái độ của chúng ta đóng một vai trò quan trọng trong đời sống và có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta sau này. Bởi vì, cuộc sống của chúng ta được định hình bởi suy nghĩ, Đức Phật dạy rằng: Suy nghĩ kiến tạo nên đời sống, làm chủ khổ vui ở đời. Vậy thì, muốn làm chủ cuộc đời, làm chủ số phận, ta phải hết sức cẩn trọng với những ý nghĩ của mình, luôn quan sát và làm chủ chúng.
29/03/2020(Xem: 7442)
Kinh Pháp Cú nói đến “Luật Nhân Quả”. “Nhân” nghĩa là nguyên nhân, là hạt, tức hạt giống sinh ra một vật hữu hình hay là sức mạnh sinh ra một vật vô hình. “Quả” là kết quả, là trái, tức là kết quả hữu hình hoặc vô hình của một hạt đã gieo trồng. Nhân là năng lực phát động, quả là sự hình thành của năng lực phát động ấy. Nhân và quả là hai trạng thái tiếp nối nhau mà có. Nếu không có nhân thì không có quả, nếu không có quả thì không có nhân. Định luật hiển nhiên này mọi người đều nhận thấy. Định luật nhân quả liên tục kéo dài vô cùng tận, như những lượn sóng chập chùng trên mặt đại dương.
29/03/2020(Xem: 5383)
Afroza Khan Mita, giám đốc khu vực của Cục Khảo cổ học khu vực Khulna (DoA) cho biết, bố cục phế tích quần thể này bao gồm hai ngôi già lam tự viện Phật giáo và sân liền kề, với tổng cộng 18 phòng phức hợp bên trong, có thể là khu Tăng xá dành cho chư tôn đức tăng cư ngụ thời đó.
25/03/2020(Xem: 14092)
Trong thời Phật, khi dịch bệnh xảy ra, có một gia chủ trình thưa Đức Phật vì sao ngày nay làng mạc xơ xác, hạn hán, dịch bệnh, nhiều người mạng chung,... Đức Phật đã trả lời: "Này Bà-la-môn, ngày nay, các loài người bị tham ái phi pháp làm cho say đắm, và bị ác tham chinh phục, bị các tà kiến chi phối. Vì bị tham ái phi pháp làm cho say đắm, vì bị ác tham chinh phục, vì bị tà kiến chi phối, trời không mưa xuống đều đặn. Vì vậy, bữa ăn khó tìm, mùa màng hư mất, trắng xóa với côn trùng, chỉ còn lại cọng dẹp. Do vậy, nhiều người mạng chung. Đây là nhân, này Bà-la-môn, đây là duyên, vì sao ngày nay loài người bị tiêu diệt, bị giảm thiểu trông rõ như thế, các làng trở thành không phải làng, các thị trấn trở thành không phải thị trấn, các thành phố trở thành không phải thành phố, các quốc độ trở thành không phải quốc độ."
25/03/2020(Xem: 7385)
Vào năm 325 trước Công nguyên, Quốc vương của Macedonia, Alexandros Đại đế (Tại vị 336 - 323 TCN) đã chinh phục Đế chế Ba Tư, bao gồm cả Tiểu Á, Syria, Phoenicia, Gaza, Ai Cập, Bactria và Lưỡng Hà và mở rộng biên cương đế chế của ông đến xa tận Punjab thuộc Ấn Độ ngày nay, và thông tin về Phật giáo đã đến với phương Tây từ đó. Nhưng sự việc đã diễn ra trực tiếp giữa Phật giáo và triết học phương Tây và tư tưởng tôn giáo chủ yếu là ở Vương quốc Ashoka Maurya (274-236 TCN).
24/03/2020(Xem: 4687)
Ni sư Thích nữ Đại An (Dae An - 大安) Sinh năm Canh Tý (1960) tại Jeonju, và tu học tại một cái Am nhỏ tên là Gukil-am trong khu vực Tổ đình Hải Ấn (Haeinsa) và tốt nghiệp từ trường đại học Phật giáo Bongryeong. Hinh 1: Ni sư Thích nữ Đại An (Dae An Sunim) thể hiện các món ăn truyền thống của Hàn Quốc trong một bữa ăn theo chủ đề “Hoa Sen”, bao gồm cơm lá sen, bánh củ sen và salad với nước sốt hạt thông.
24/03/2020(Xem: 5405)
Ngày 10/08/2015, Cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc (Cục Văn vật) cho biết: “Quốc Bảo số 32 “Cao ly Đại Tạng kinh” Haeinsa (Hải Ấn Tự), còn được gọi là “Bát vạn Đại Tạng kinh” bởi số lượng bảng so với năm 1915 thì số lượng thống kê 81.258 tấm, hơn 94 bảng, tổng cộng là 81.352 bảng.
24/03/2020(Xem: 6012)
Theo báo cáo của một nhóm nhà Khảo cổ, cùng với sự hỗ trợ của Cục Chính trị và Quân đội Pakistan đã phát hiện tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan, có đến khoảng 110 địa điểm di tích có liên quan đến Phật giáo thời cổ đại. Khoảng 30.000 nghệ thuật chạm khắc cổ xưa và chữ khắc có thể biến mất mãi mãi do việc xây dựng đập Diamer-Basha.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]