Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

7. Quanh ta là những con người...

19/02/201106:49(Xem: 11807)
7. Quanh ta là những con người...

NHỮNG TÂM TÌNH CÔ ĐƠN
Nguyên Minh

Quanh ta là những con người...

Thử tưởng tượng có một ngày nào đó bạn trôi dạt đến một đảo hoang hoàn toàn không có bóng người. Điều gì sẽ là khủng khiếp nhất đối với bạn vào lúc ấy? Không tiện nghi đời sống? Thiếu ăn? Thiếu mặc? Không phương tiện giao thông liên lạc?...

Thật ra, tất cả mọi thứ trong cuộc sống thường ngày của chúng ta khi thiếu vắng đi đều sẽ làm cho ta cảm thấy khó khăn, bất ổn. Nhưng mọi khó khăn, bất ổn đều sẽ qua đi sau một thời gian, khi ta thích nghi được với hoàn cảnh mới. Chỉ có một điều duy nhất mà chúng ta sẽ không bao giờ thích nghi được, đó là sự thiếu vắng của những con người quanh ta. Vì thế, điều khủng khiếp nhất trong hoàn cảnh giả định của chúng ta chính là sự cô độc, không còn có bất cứ ai quanh mình!

Chúng ta sinh ra đời vốn dĩ đã luôn tồn tại theo cách phụ thuộc lẫn nhau. Không chỉ là vì những nhu cầu vật chất của mỗi người luôn được đáp ứng nhờ có những người khác, mà còn có một điều quan trọng hơn nữa là sự nuôi dưỡng và phát triển đời sống tinh thần. Mọi nhu cầu vật chất của chúng ta, nếu trong hoàn cảnh khó khăn bắt buộc vẫn có thể sẽ tự mình giải quyết được. Câu chuyện Robinson lạc trên hoang đảo tuy chỉ là hư cấu nhưng có thể nói lên ý nghĩa này: khả năng con người khi rơi vào hoàn cảnh cô độc vẫn có thể tự mình tồn tại.

Nhưng với sự phát triển tinh thần thì không như thế. Khi không có điều kiện tiếp xúc cùng người khác, chúng ta sẽ hoàn toàn không thể rèn luyện để phát triển nội tâm của chính mình. Ngay cả các bậc ẩn cư xưa kia cũng chỉ là chọn một giai đoạn thích hợp nhất định nào đó để sống cô độc, nhưng họ vẫn phải có phần lớn thời gian trong cuộc đời sống chung cùng người khác!

Mỗi người chúng ta đều mang trong lòng rất nhiều thói hư, tật xấu, những tâm niệm chẳng lành như tham lam, sân hận... Điều kiện để chúng ta dứt trừ những thói hư, tật xấu, những tâm niệm chẳng lành... lại chính là sự tiếp xúc cùng người khác. Khi bạn tránh né mọi người để sống một cách cô độc, bạn có thể tưởng chừng như mọi thói xấu đều biến mất. Không còn tham lam, sân hận, ghen ghét, đố kỵ... Nhưng thật ra thì tất cả chỉ là đang ngủ yên, chờ ngày thức giấc: chúng hoàn toàn không bị diệt mất.

Chỉ khi nào bạn có thể ngay trong điều kiện giao tiếp với mọi người chung quanh mà nhận ra và trừ bỏ dần được những thói hư tật xấu, những tâm niệm chẳng lành... thì đó mới thực sự là sự trưởng thành, phát triển nội tâm theo chiều hướng thiện.

Khả năng lớn nhất của con người xét cho cùng chính là khả năng giao tiếp cùng người khác, bởi vì chính qua khả năng này mà chúng ta có thể học hỏi được những điều chưa biết cũng như rèn luyện bản thân để đạt đến sự trưởng thành và hoàn thiện. Nếu không phát triển được khả năng giao tiếp hoặc không có điều kiện giao tiếp, cho dù bạn có sống đến trăm tuổi hay lâu hơn thế nữa cũng chẳng có sự trưởng thành!

Cùng chung sống với con người chúng ta trên hành tinh này có đến hơn 2 triệu loài động vật khác nhau đã được biết đến, nhưng theo những phân tích khoa học hiện nay thì khả năng giao tiếp với đồng loại của con người vẫn là cao nhất, thông qua bản năng tự nhiên cũng như thông qua những ngôn ngữ do chính con người sáng tạo. Chúng ta không chỉ có thể giao tiếp với những con người đồng thời, mà còn có khả năng tìm hiểu những thế hệ đã qua, truyền lại tri thức của mình cho những thế hệ sắp đến, bằng vào phương tiện ghi chép cũng như rất nhiều phương tiện khác như hội họa, âm nhạc, phim ảnh, băng ghi âm, ghi hình... Chính khả năng giao tiếp với những con người quanh ta là điều kiện quan trọng nhất giúp con người có thể đứng đầu trong muôn loài, kiểm soát và chi phối được đời sống của hết thảy mọi sinh vật khác trên hành tinh này.

Vì thế, chúng ta nên biết rằng được sống giữa những con người quanh ta là điều hết sức may mắn. Hơn thế nữa, mỗi một con người mà ta có cơ hội để làm quen đều là món quà vô cùng quý giá mà cuộc sống đã trao tặng cho ta, cần phải hết sức trân trọng. Trên hành tinh này hiện có hơn 6 tỷ rưỡi con người, những người quen biết của bạn liệu chiếm được bao nhiêu phần trong đó?

Hơn thế nữa, mỗi một tập thể mà chúng ta được tham gia cũng đều là nhờ vào những duyên may ít có, vì thông qua đó mà chúng ta mới có thể học hỏi để thực sự trưởng thành. Nếu chúng ta hiểu được điều này, môi trường sống và làm việc chung với những người khác sẽ trở nên dễ dàng và có nhiều thú vị hơn, thay vì khô khan và đầy những thử thách hoặc bất đồng. Sở dĩ như vậy là vì mọi việc sẽ luôn được chúng ta nhìn từ một góc độ tích cực xây dựng, loại trừ được tâm trạng bực dọc, bất mãn vốn luôn làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn.

Những người quanh ta bao giờ cũng là những tấm gương phản chiếu giúp ta soi rọi được nội tâm của chính mình theo nhiều cách khác nhau.

Trước hết, vì bản thân ta cũng là một con người, nên qua việc nhận biết những biểu hiện của người khác chúng ta cũng nhận biết được chính bản thân mình. Chẳng hạn, thật khó khăn để chúng ta có thể quan sát được biểu hiện giận dữ của chính bản thân mình, vì mỗi khi nổi giận thì hầu như ta không thể có đủ bình tĩnh và sáng suốt để làm được điều đó. Tuy nhiên, ta hoàn toàn có thể quan sát cơn giận của một người khác biểu lộ ra như thế nào và qua đó hiểu được cơn giận của chính bản thân mình. Tương tự như vậy, chúng ta có thể hiểu được những tình cảm yêu, ghét, giận, hờn, buồn, vui... được biểu lộ ra bên ngoài như thế nào, nhờ vào sự tiếp xúc, quan sát người khác.

Ngoài ra, việc giao tiếp với người khác giúp chúng ta có thể hiểu được chính bản thân mình thông qua những phản ứng của người khác. Vì phản ứng của người khác đối với ta như thế nào đều là do cung cách ứng xử của ta đối với họ, nên chúng ta có thể thông qua những phản ứng của người khác mà hiểu được bản thân mình như thế nào. Chỉ cần ta có thể sáng suốt và khách quan nhận định, thì mỗi một biểu hiện của người khác trong giao tiếp với ta đều có thể xem là sự phản ánh, là thước đo để đánh giá cung cách ứng xử của ta.

Mặt khác, có thể nói là hết thảy mọi tình cảm buồn, vui, mừng, giận... của chúng ta đều gắn bó với những người quanh ta. Họ không chỉ là đối tượng của những tình cảm đó, mà còn là điều kiện để phát sinh và nuôi dưỡng chúng. Hiểu được điều này thì có thể biết là hết thảy mọi quá trình tu dưỡng đều không thể thực hiện được nếu không có những con người quanh ta. Không có người khác là đối tượng thì chúng ta không thể nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp, không thể trừ bỏ những cảm xúc tiêu cực, cũng như hoàn toàn không thể đạt đến một đời sống an vui, hạnh phúc.

Chính trong ý nghĩa này mà Phật giáo Đại thừa luôn nêu cao ý nghĩa “hòa quang đồng trần”, không chấp nhận sự trốn tránh những phiền não, khổ đau trong đời sống, mà phải đối mặt để vượt qua ngay chính trong cuộc sống trần tục với những con người quanh ta. Vì thế mà hình tượng các vị Bồ Tát trong Phật giáo Đại thừa bao giờ cũng gần gũi với con người phàm tục, thậm chí có vị còn phát nguyện xả thân vào nơi địa ngục để cứu vớt hết thảy mọi chúng sinh trong đó. Kinh Duy-ma-cật nói: “Phiền não thị đạo trường” cũng không ngoài ý nghĩa này.

Cuộc sống trần tục với tất cả những con người và vô số thói hư tật xấu quanh ta chính là môi trường tôi luyện, là điều kiện tất yếu để chúng ta đạt đến một đời sống an vui hạnh phúc chân thật. Lìa khỏi những con người quanh ta, sẽ không có bất cứ đức tính nào có thể trau dồi, không có bất cứ hạnh phúc nào có thể đạt đến.

Vì thế, đời sống an vui hạnh phúc chỉ có thể đạt đến khi chúng ta biết sống vui hòa hợp với những con người quanh ta, mà không phải là sự tránh né những gì xấu xa để chạy theo những gì được gọi là thánh thiện, cao quý. Bởi vì ngay trong mỗi con người chúng ta đều đã sẵn có hết thảy mọi hạt giống tốt cũng như xấu, mà điều kiện để nuôi dưỡng hay trừ bỏ những hạt giống ấy lại chính là môi trường giao tiếp với những con người quanh ta.

Xuất phát từ những ý nghĩa này mà đời sống hạnh phúc chính là phải bắt đầu từ việc sống hòa hợp với mọi người quanh ta. Đây không phải là việc dễ dàng, nhưng lại là việc hoàn toàn có thể làm được. Hầu hết chúng ta sở dĩ không làm được điều này chẳng qua chỉ là vì chúng ta không thực sự hiểu hết được ý nghĩa của nó mà thôi. Một khi đã nhận hiểu được tầm quan trọng của việc “sống chung” cùng người khác, chắc chắn chúng ta sẽ có thể học được cách sống hòa hợp.

Khi Tôn giả Phú-lâu-na, một trong 10 vị đại đệ tử của Phật, xin đến xứ Du-na để giáo hóa, đức Phật hỏi: “Dân chúng nơi đó tánh tình hung bạo, chưa từng nghe biết đến đạo pháp. Ông không sợ nguy hiểm hay sao?”

Tôn giả đáp: “Bạch Thế Tôn! Ánh sáng Phật pháp cần được soi rọi khắp nơi, như vậy mới có thể chuyển hóa được sự mê muội, tà ác. Dù nguy hiểm đến đâu con cũng xin được đến đó truyền bá Phật pháp.”

Đức Phật hỏi: “Khi ông đến đó, nếu người dân ở đó mắng chửi ông thì sao?”

Tôn giả Phú-lâu-na đáp: “Con cho rằng như thế là tâm địa của họ vẫn còn tốt, vì họ chỉ mắng chửi mà không đánh đập con.”

Đức Phật lại hỏi: “Nếu như họ lại đánh đập ông thì sao?”

Tôn giả đáp: “Con cho rằng như thế là tâm địa của họ vẫn còn tốt, vì họ chỉ đánh đập mà không đâm chém con.”

Đức Phật hỏi: “Nếu như họ lại đâm chém ông thì sao?”

Tôn giả đáp: “Con cho rằng như thế là tâm địa của họ vẫn còn tốt, vì họ chỉ đâm chém mà không giết chết con.”

Đức Phật lại hỏi: “Nếu như họ lại giết chết ông thì sao?”

Tôn giả thưa: “Bạch Thế Tôn! Con sẽ rất biết ơn vì họ đã giải thoát cho con khỏi xác thân ô trược này.”

Qua những câu trả lời của Tôn giả Phú-lâu-na, đức Phật rất hài lòng và đồng ý cho Tôn giả đến giáo hóa tại xứ Du-na. Quả nhiên, mặc dù gặp phải không ít khó khăn trong bước đầu truyền bá Phật pháp, nhưng với tâm hạnh từ bi, nhẫn nhục và vị tha, Tôn giả đã thành tựu công việc hoằng pháp một cách nhanh chóng. Trong khoảng thời gian chưa được một năm, xứ này đã có đến 50 ngôi chùa và khoảng 500 người xuất gia theo Phật, gia nhập Tăng đoàn.

Quan điểm ứng xử của Tôn giả Phú-lâu-na là một khuôn mẫu quý giá đáng để chúng ta suy ngẫm và học hỏi. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngài vẫn không nghĩ xấu về đối tượng, cho dù bản thân mình bị tổn hại. Chính thái độ bao dung này đã có hiệu quả rất cao trong việc thuyết phục người khác đặt sự tin tưởng vào những lời thuyết dạy của mình.

Trong cuộc sống, hầu hết chúng ta thường có thái độ ngược lại khi ứng xử với người khác. Khi bị người khác mắng chửi, ta lập tức nghĩ rằng người ấy sắp đánh đập mình. Khi bị người khác đánh đập, ta lập tức cho rằng người ấy sắp đâm chém mình. Và khi bị người khác đâm chém, ta lập tức tin chắc rằng người ấy rồi sẽ giết chết mình...

Chính quan điểm ngược lại đó của chúng ta luôn có khuynh hướng làm cho vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn thay vì là lắng dịu đi. Bởi vì bất cứ hành vi nào xuất phát từ sự nóng giận cũng đều có khuynh hướng tự nhiên là dần dần lắng dịu đi khi không gặp phải sức phản kháng. Nếu chúng ta chấp nhận những thái độ thù nghịch, giận dữ bằng sự nhẫn nhục, bao dung, điều chắc chắn là những thái độ ấy sẽ không thể gia tăng mà chỉ có thể dần dần lắng dịu. Như lưỡi dao chém xuống mặt nước, lực chém chỉ có thể giảm dần đi chứ không thể tăng thêm, và cũng không gây ra được bất cứ sự tổn hại nào. Ngược lại, nếu gặp phải bất cứ vật cản nào, chắc chắn nó sẽ phát huy tác dụng hủy hoại của nó.

“Chồng giận thì vợ bớt lời.” Đó là một lời khuyên có giá trị rất sâu sắc xuất phát từ ý nghĩa trên. Bất cứ sự phản kháng nào, cho dù là rất hợp lý, trong một cơn nóng giận cũng đều là những vật cản, và do đó chắc chắn sẽ chỉ có thể làm cho cơn giận bùng lên một cách dữ dội hơn thay vì lắng dịu đi. Ngược lại, nếu chúng ta có thể cảm thông được tâm trạng giận dữ hay thù nghịch của đối tượng và đáp lại bằng sự nhẫn nhục, bao dung, thì sự giận dữ hay thù nghịch kia sẽ chỉ có thể dừng lại ở mức hiện có mà không có điều kiện để phát triển thêm, và sau đó chắc chắn sẽ phải lắng dịu đi theo khuynh hướng tự nhiên.

Sống chung hòa thuận giữa những người khác vừa là phương tiện vừa là mục đích của chúng ta trên con đường vươn đến một đời sống hạnh phúc. Bởi vì chúng ta không chỉ sống hòa thuận để có hạnh phúc, mà chính bản thân cuộc sống chung hòa thuận đó đã là hạnh phúc mà ta hướng đến.

Vì thế, đừng bao giờ nghĩ rằng bạn đang gìn giữ sự hòa thuận trong gia đình hay trong cộng đồng là vì người khác. Điều đó cũng đúng, nhưng lại là một ý nghĩa thứ yếu. Ý nghĩa quan trọng hơn là bạn đang làm điều đó vì hạnh phúc của chính bản thân mình. Tuy nhiên, xét cho cùng thì khi mỗi người đều được hạnh phúc, chắc chắn gia đình cũng phải có hạnh phúc, và toàn thể cộng đồng cũng sẽ được an vui, hạnh phúc.

Khi bạn hiểu được điều này, bạn mới thấy là những con người quanh ta có vai trò quan trọng như thế nào trong việc tìm kiếm một đời sống hạnh phúc cho chính bản thân mình. Và chính nhờ đó mà bạn bắt đầu có một cách nhìn khác hơn đối với người khác. Bạn biết rằng sự quan tâm giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với người khác chính là yếu tố cần thiết để giúp bản thân mình có được một đời sống hạnh phúc.

Trong sáu phương pháp hòa kính, “thân hòa cộng trú” không chỉ là một nguyên tắc sống hay một lời khuyên, mà còn phải xem là một điều kiện tất yếu để đạt được cuộc sống an vui và hạnh phúc giữa những con người quanh ta. Khi mọi hành vi ứng xử của bạn đều hướng đến việc giữ gìn cuộc sống chung hòa thuận với mọi người chung quanh, thì chính bản thân bạn sẽ trở thành một khuôn mẫu lý tưởng cho cuộc sống hạnh phúc của chính mình và người khác.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/10/2012(Xem: 5837)
Hỏi:Trong năm nay, giáo sư đã đi giảng dạy ở hai mươi sáu quốc gia. Xin giáo sư chia sẻ sự quan sát của mình về việc đạo Phật đang lan truyền đến những vùng đất mới ra sao. Đáp:Phật giáo đang lan truyền một cách nhanh chóng khắp thế giới hiện nay. Có những trung tâm Phật pháp ở nhiều quốc gia Âu châu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Nam Phi, Úc, Á châu và v.v… Chúng ta thấy có các Phật tử tại Âu châu, không chỉ ở những nước tư bản Tây phương, mà còn ở những nước xã hội chủ nghĩa Đông phương nữa. Thí dụ như Ba Lan có khoảng năm nghìn Phật tử hoạt động tích cực. Đạo Phật rất có sức lôi cuốn đối với thế giới hiện đại, bởi vì nó hợp lý và dựa trên nền tảng khoa học. Đức Phật đã nói, “Đừng tin tưởng bất cứ điều gì ta nói chỉ vì lòng tôn kính đối với ta, mà hãy tự mình thử nghiệm nó, phân tích nó, giống như các con đang mua vàng.” Con người hiện đại ngày nay thích một sự tiếp cận không độc đoán như thế.
25/10/2012(Xem: 8285)
Phương pháp thiền Vipassana là một phương pháp đơn giản và thực tiễn để đạt được an lạc thực sự cho tâm hồn và đưa đến một cuộc sống hạnh phúc và có ích. Vipassana có nghĩa là “nhìn thấy sự việc đúng như thật”. Đây là một tiến trình hợp lý để thanh lọc tâm bằng cách tự quan sát. Phương pháp thiền cổ truyền này đã được Đức Phật Thích Ca truyền dạy hơn 2500 năm trước tại Ấn Độ như một phương thuốc chữa căn bệnh khổ chung cho tất cả, không mang tính tôn giáo hay tông phái.
25/10/2012(Xem: 8291)
Phương pháp thiền Vipassana là một phương pháp đơn giản và thực tiễn để đạt được an lạc thực sự cho tâm hồn và đưa đến một cuộc sống hạnh phúc và có ích. Vipassana có nghĩa là “nhìn thấy sự việc đúng như thật”. Đây là một tiến trình hợp lý để thanh lọc tâm bằng cách tự quan sát. Phương pháp thiền cổ truyền này đã được Đức Phật Thích Ca truyền dạy hơn 2500 năm trước tại Ấn Độ như một phương thuốc chữa căn bệnh khổ chung cho tất cả, không mang tính tôn giáo hay tông phái.
24/10/2012(Xem: 6572)
Buổi sinh hoạt đạo tràng hôm nay quý thầy sẽ cho quý Phật tử một bài tập để tu học, bài tập này có tựa là “Tập nghĩ tốt cho người”. Đây là một bài tập phải trui luyện suốt năm. Tại sao chúng ta phải tập nghĩ tốt cho người? Vì người ta thường có thói quen thấy cái xấu mà ít thấy cái tốt của người. Nhất là khi đã có thành kiến với ai thì lại càng cố nhìn những cái xấu của người nhiều hơn, và khi đã ghét ai thì đến cái cửa, cái cổng cũng ghét luôn, nên người biết tu rồi thì phải tập nghĩ đến cái tốt của người khác.
22/10/2012(Xem: 6488)
Sau khoá sám hối và toạ thiền buổi tối mùng 1 tháng 2 chùa Ba vàng trở nên tĩnh lặng. Bỗng xuất hiện một xe ô tô cấp cứu, trên xe là một chú bé có hình dạng mặt thật là ghê sợ, mặt chú lồi về phía trước như một quả bòng, 2 mắt cũng lồi lấm lét ở cuối đuôi mắt, gần 2 thái dương
21/10/2012(Xem: 5463)
Dường như người Nhật Bản rất thấm nhuần và áp dụng giáo lý đạo Phật trong cuộc sống hằng ngày, cho nên họ quí trọng xem con người đều bình đẳng vì cùng có Phật tánh như nhau, chứ không dựa vào dáng vẻ giàu nghèo bên ngoài, thường xuyên làm chuyện phải có lợi ích cho người khác, cũng như không dám trộm cắp, hại người, để được nghiệp quả tốt. Chuyện thứ nhất: Trung thực
18/10/2012(Xem: 8138)
Trong cuộc sống, hằng ngày mỗi buổi sáng khi thức dậy, chúng ta suy nghĩ làm sao có tiền, có tình, có địa vị, có thức ăn ngon, có ngủ nghỉ thỏa thích. Để được hưởng thụ những thứ đó, chúng ta phải tính toán, làm việc vất vả, thậm chí nhúng tay vào tội lỗi. Rồi một ngày nào đó theo định luật sinh, trụ, dị, diệt, chúng ta nhắm mắt tắt hơi, bỏ lại những thứ mình ham muốn, suốt đời khổ cực tìm cầu. Đến cõi đời này với hai bàn tay trắng, ra đi cũng hai bàn tay trắng, chỉ còn nghiệp theo mình, đưa mình đến một trong sáu đường: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A–tu–la, người và trời.
17/10/2012(Xem: 6269)
Có 3 loại nghiệp ảnh hưởng đến tương lai của chúng ta không chỉ ở đời này mà còn ở nhiều đời sau là: Thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Trong 3 loại nghiệp đó có lẽ khẩu nghiệp là dễ bị nhất vì hầu như không ai có thể tránh được giao tiếp với người xung quanh, từ gia đình cho đến xã hội. Trong các giới thì giới nữ lại càng dễ bị khẩu nghiệp nhất. Với bài viết này, chúng tôi mong quý Phật tử nữ (Ưu Bà Di) nên thận trọng hơn khi dùng lời nói của mình.
17/10/2012(Xem: 8517)
ôi rất mongquý vị sẽ nắm bắt được thế nào là "cốt lõi của giáo huấn Phật Giáo".Trong buổi nói chuyện hôm nay, nếu tôi nêu lên câu hỏi: "Vậy cốt lõi củagiáo huấn Phật Giáo là gì?" thì nhất định tôi cũng sẽ nhận được vô số cáccâu trả lời trái ngược nhau, không câu nào giống với câu nào cả. Mỗi người trảlời tùy theo những gì mà họ được học hay được nghe, hoặc là do sự suy luậnriêng của mình. Chúng ta cứ thử nhìn vào những gì đang xảy ra trong thế giớingày nay xem sao. Trong thế giới của chúng ta còn có được mấy ai đủ sức để nhậnbiết đâu là cốt lõi của giáo huấn Phật Giáo? Và trong số đó có mấy ai đã mangra ứng dụng hiệu quả được cái cốt lõi đó?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]