Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Phát triển trí tuệ

18/02/201111:50(Xem: 6383)
4. Phát triển trí tuệ

THẮP NGỌN ĐUỐC HỒNG
Tác giả: Nguyên Minh
NXB: Tổng hợp TP Hồ Chí Minh
Khổ sách: 13x19cm
Độ dày: 216 trang

Phát triển trí tuệ

Nhiều người trong chúng ta có thể sẽ thấy hơi mơ hồ khi phải phân biệt giữa hai khái niệm phát triển trí tuệ và phát triển tri thức. Thực ra, đây không phải là hai vấn đề đồng nhất như nhiều người vẫn tưởng.

Việc phát triển tri thức, như chúng ta đã bàn, là quá trình tiếp thu những kiến thức mới dưới mọi hình thức. Phát triển tri thức giúp chúng ta biết được những điều trước đây chưa biết, hiểu được những điều trước đây chưa hiểu, nên nói chung là nó giúp chúng ta trở thành người “học rộng biết nhiều”, có thể đi đến mức độ được người khác ca ngợi là uyên bác chẳng hạn.

Phát triển trí tuệ lại là một quá trình nhắm đến việc làm phát triển khả năng hoạt động có hiệu quả của trí óc. Trong tự nhiên, khả năng này khác nhau ở mỗi chúng ta, và khoa học ngày nay gọi đây là “chỉ số thông minh” (intelligence quotient, hay thường được viết tắt là IQ) của mỗi người. Nhưng cho dù không hiểu được “chỉ số thông minh” là gì, bạn vẫn có thể dễ dàng thấy được rằng khả năng suy luận, nhận hiểu và ứng phó với các vấn đề trong cuộc sống là khác nhau ở mỗi người.

Qua so sánh hai khái niệm, bạn có thể thấy ngay là việc “học rộng biết nhiều” không làm gia tăng “chỉ số thông minh”. Cùng một khối lượng kiến thức như nhau, người thông minh có thể học hiểu và tiếp thu nhanh hơn nhiều so với người kém thông minh. Mặc dù vậy, qua một thời gian nhất định thì người kém thông minh cũng vẫn có thể tiếp thu hết khối lượng kiến thức ấy, và khi đó thì tri thức của hai người có thể được tạm xem là bằng nhau. Nhưng cho dù có được tri thức bằng nhau, thì mức độ thông minh giữa hai người vẫn là khác nhau.

Như vậy, mức độ thông minh và trình độ học vấn, tri thức của một người là hai khía cạnh khác nhau. Hay nói cách khác, một người có học vị tiến sĩ chưa hẳn đã có mức độ thông minh hơn một người chưa từng học qua đại học. Bởi vì học vị ấy chỉ có ý nghĩa đo lường khối lượng kiến thức mà ông ta đã học được, chứ không liên quan đến cái gọi là “chỉ số thông minh” mà ta vừa đề cập.

Tất nhiên, không thể phủ nhận một thực tế là những người thông minh thường đạt đến các học vị cao. Đơn giản chỉ là vì họ có thể tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng, nhanh chóng hơn người khác. Nhưng vẫn có không ít những trường hợp mà chúng ta thường gọi nôm na là “cần cù bù thông minh”, trong đó những người tuy kém thông minh nhưng nhờ sự kiên nhẫn bền chí vẫn có thể vượt qua được hết những chương trình đại học hay thậm chí là sau đại học...

Nhiều người tin rằng chỉ số thông minh là vốn quý tự nhiên của “trời cho” và không thể thay đổi được. Tuy nhiên, cách nghĩ ấy không đúng, cho dù trong thực tế chúng ta vẫn thấy có những trường hợp thần đồng hay thiên tài hoàn toàn không thể do sự nỗ lực thông thường mà có thể đạt đến được.

Trước hết, những nghiên cứu khoa học ngày nay đã chỉ rõ là chỉ số thông minh của mỗi người tuy có khác nhau vào lúc sinh ra, nhưng hoàn toàn không phải là một chỉ số cố định, mà còn chịu ảnh hưởng rất nhiều trong suốt quá trình phát triển của não bộ, nhất là trong những năm đầu đời. Vì thế, ngày nay bạn có thể thấy rất nhiều loại sữa dùng cho trẻ em được quảng cáo là làm gia tăng chỉ số thông minh. Tôi không dám nói chắc với bạn về chất lượng và hiệu quả của từng loại sữa, nhưng những quảng cáo như thế là hoàn toàn có cơ sở khoa học chắc chắn, bởi vì bằng vào việc cung cấp dinh dưỡng thích hợp cho sự phát triển của não bộ trong những năm đầu đời của trẻ, bạn có thể giúp trẻ gia tăng đáng kể chỉ số thông minh vốn có.

Ngoài ra, những biến động tâm sinh lý cũng gây ảnh hưởng đáng kể trong thời gian trẻ đang phát triển. Một môi trường phát triển thuận lợi trong sự thương yêu và chăm sóc đầy đủ của gia đình sẽ mang lại kết quả hoàn toàn khác với một môi trường thiếu thốn tình cảm hoặc phải chịu đựng nhiều áp lực tâm lý, những nỗi lo sợ hoặc những ấn tượng đau buồn, kinh hãi... Vì thế, khoa học ngày nay đã xác định việc nuôi dạy trẻ cần phải dẹp bỏ mọi hình thức đe dọa hay trừng phạt có thể gây cho trẻ sự sợ hãi, vì những điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển trí tuệ.

Như vậy, có thể thấy là cả vật chất lẫn tinh thần đều có thể là những yếu tố góp phần tích cực để phát triển trí tuệ trong thời gian trẻ đang phát triển.

Mặt khác, hoạt động của não bộ cũng không khác mấy với hoạt động của các cơ quan khác, xét trong ý nghĩa là cần phải có sự rèn luyện mới có thể phát triển tốt. Nếu như bạn cần phải tập thể dục hằng ngày và chơi những môn thể thao thích hợp để phát triển thể lực, thì bạn không thể không có sự quan tâm đúng mức đến việc rèn luyện trí não. Vì thế, khoa học nuôi dạy trẻ ngày nay hết sức khuyến khích những trò chơi có tính chất sáng tạo và rèn luyện khả năng tư duy, phân tích của trẻ.

Chương trình giáo dục ở hầu hết các nước tiên tiến đều đòi hỏi các thầy cô giáo phải gia tăng việc gợi ý và khuyến khích trẻ tự nhận xét và phân tích bài học. Chương trình cải cách của chúng ta ngày nay cũng đang đi theo hướng này. Tính chất chủ động của học sinh được nâng cao hơn trong buổi học, trong khi các thầy cô giáo được nhấn mạnh hơn ở vai trò gợi ý và hướng dẫn mà không phải là giảng giải và truyền thụ kiến thức một cách trực tiếp như trước đây. Điều này chính là nhằm giúp cho học sinh phải nỗ lực tư duy, phân tích và nhận hiểu vấn đề, qua đó mới có thể phát triển được khả năng hoạt động có hiệu quả của trí óc.

Chúng ta có thể dễ dàng đồng ý về những điều vừa nói trên, bởi vì đã có đủ những kết quả nghiên cứu khoa học để chứng minh. Tuy nhiên, khi đề cập đến sự phát triển trí tuệ sau khi đã đến tuổi trưởng thành, sẽ có không ít những ý kiến khác nhau. Bởi vì người ta vẫn còn hoài nghi về việc liệu một người đã trưởng thành có còn khả năng tiếp tục phát triển trí thông minh hay không. Và nếu chỉ dựa vào những gì chúng ta rất thường gặp trong cuộc sống, thì có vẻ như sau độ tuổi trưởng thành, khả năng phát triển mức độ thông minh là rất khó nhận ra.

Nhưng vấn đề thực ra không hẳn là như vậy. Sự phát triển trí tuệ không dừng lại ở một độ tuổi nhất định giống như sự phát triển chiều cao của chúng ta. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển trí tuệ trong suốt cuộc đời, chúng ta cần phải có những sự thực hành và rèn luyện nhất định. Điều này đã được những bộ óc kiệt xuất của nhân loại từ Đông sang Tây nhận ra từ rất sớm, nhưng rất tiếc là nó hầu như rất ít được đa số chúng ta quan tâm.

Các nhà thông thái trong lịch sử văn minh nhân loại đều giống nhau ở một điểm là luôn chọn một nếp sống thanh đạm, giản dị ở những nơi yên tĩnh. Đây không phải vấn đề sở thích, mà là một trong những yếu tố phát triển trí tuệ mà chúng ta sẽ có dịp trở lại để bàn sâu hơn.

Có hai yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển trí tuệ của chúng ta. Thứ nhất là sự rèn luyện năng lực hoạt động trí tuệ, và thứ hai là môi trường thích hợp cho sự hoạt động và phát triển trí tuệ.

Về yếu tố thứ nhất, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra qua các trò chơi có tính chất trí tuệ như đánh cờ hoặc giải đáp các câu đố, ô chữ... Ngày xưa, giới văn nhân trí thức rất thích những cuộc xướng họa thơ văn, ra câu đối. Đó đều là những trò chơi buộc trí óc chúng ta phải hoạt động một cách tích cực, và hiệu quả nâng cao khả năng tư duy có thể được nhận thấy nếu chúng ta thực hành một cách thường xuyên.

Tuy nhiên, rèn luyện năng lực hoạt động trí tuệ qua các trò chơi trí tuệ như thế là chưa đủ. Chúng có thể là có ích, nhưng chưa đủ để đạt được những hiệu quả như mong muốn. Những bài tập rèn luyện thực sự có cường độ cao hơn nhiều, và do đó chắc chắn cũng mang lại hiệu quả tốt đẹp hơn.

Dân tộc Kogi ở Nam Mỹ gọi những vị trưởng lão trong bộ tộc của họ là “người khôn ngoan”, và những vị này có trách nhiệm giáo dục, đào luyện “sự khôn ngoan” cho thế hệ trẻ. Và họ đã đào luyện như thế nào? Khi một thanh niên bước vào độ tuổi hai mươi, anh ta được một trưởng lão đưa đến một hang đá vắng vẻ. Từ đó việc ăn uống, sinh hoạt hằng ngày của anh ta không rời xa khỏi hang đá ấy, và công việc chính trong ngày là ngồi quay mặt vào vách đá để suy ngẫm về những đề tài do vị trưởng lão đưa ra. Quá trình này kéo dài từ 7 cho đến 9 năm, và sau đó người thanh niên được bộ tộc công nhận là đã trưởng thành. Cũng cần nói thêm là tuổi thọ trung bình của người Kogi thường không dưới một trăm tuổi.

Phương thức giáo dục như trên của người Kogi có thể làm ta ngạc nhiên vì họ là một dân tộc vùng Nam Mỹ. Trong khi đó, với nền văn hóa Á Đông thì điều này có vẻ như quen thuộc hơn nhiều. Từ ngàn xưa, các nền văn minh lớn như Ấn Độ và Trung Hoa đều nhấn mạnh đến sự tĩnh tâm thiền định như một phương pháp hiệu quả nhất để rèn luyện và phát triển trí tuệ.

Nhưng có thể bạn sẽ cảm thấy hơi khó hiểu với những điều trên, và bạn cần một vài so sánh nhỏ với những gì thường gặp trong cuộc sống để có thể dễ hiểu hơn.

Có bao giờ bạn đã từng được đọc một chương sách rất lôi cuốn và tập trung tâm trí hoàn toàn vào đó? Nếu có, bạn sẽ dễ dàng nhận ra được sự sáng suốt của tâm trí trong một trạng thái tập trung như thế. Sự rèn luyện tinh thần của người xưa thực ra không gì khác hơn là thường xuyên tạo ra những trạng thái tập trung tâm trí.

Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là, ngoài sự sáng suốt có thể đạt đến trong lúc đang tập trung tâm trí, trạng thái này còn có khả năng nuôi dưỡng và làm gia tăng khả năng tư duy của chúng ta, hay nói khác hơn chính là phát triển trí tuệ, làm tăng thêm cái gọi là “chỉ số thông minh”.

Trạng thái tập trung tâm trí như trên còn được gọi bằng nhiều tên gọi khác như nhất tâm, định tâm, nhập định, hay thường gặp hơn nữa là tập trung tư tưởng. Trạng thái này có thể đạt đến bằng nhiều phương thức khác nhau, nhưng về mặt nguyên tắc phải luôn đảm bảo một số các yêu cầu cơ bản.

Trước hết, chúng ta phải có sự rèn luyện thường xuyên để đạt được khả năng loại bỏ những ý tưởng không hướng về mục tiêu tập trung của tâm trí. Khi bạn đang ôm đàn chơi một khúc nhạc, tâm trí bạn vẫn có thể nghĩ đến một buổi đi chơi ngày mai hay nhớ về một câu chuyện vừa trao đổi với ai đó ngày hôm qua. Sự duy trì những ý tưởng ấy là trở lực ngăn không cho bạn tập trung tâm trí vào khúc nhạc đang chơi trong hiện tại, và như thế bạn không thể chơi khúc nhạc ấy một cách thật hay theo đúng như khả năng của mình. Nếu bạn có thể loại trừ tất cả những ý tưởng khác để tập trung hoàn toàn tâm trí vào việc chơi đàn, bạn sẽ có thể chơi hết khả năng, và thậm chí còn có thể “xuất thần” để chơi hay hơn cả khả năng vốn có. Trường hợp này rất thường xảy ra với hầu hết các nghệ sĩ lớn, khi họ hoàn thành những tác phẩm kiệt xuất mà ngay chính bản thân họ cũng không ngờ trước.

Yêu cầu thứ hai để bạn có thể thực hành việc định tâm là một môi trường yên tĩnh. Yếu tố này có thể xem là thứ yếu đối với những ai đã từng luyện tập lâu ngày, nhưng lại là rất quan trọng với những ai vừa mới khởi sự luyện tập. Mặc dù vậy, trong những điều kiện quá ồn ào, huyên náo thì dù bất cứ ai cũng rất khó lòng đạt được sự định tâm. Đây là một trong những lý do giải thích việc vì sao các vị hiền triết xưa kia luôn ưa thích chọn những nơi ẩn cư yên tĩnh, vắng vẻ.

Khi đã đủ hai điều kiện nêu trên, bạn có thể chọn một trong các phương thức khác nhau để thực hành luyện tập việc định tâm. Sau đây, tôi sẽ giới thiệu với các bạn một phương pháp khá phổ biến và dễ hiểu, dễ thực hiện. Đó là phương pháp tập trung tư tưởng vào hơi thở.

Phần lớn các thiền sư thường dùng phương pháp này để hướng dẫn các thiền sinh vừa bắt đầu bước vào cửa thiền. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể dùng phương pháp này vào mục đích thực hành định tâm để rèn luyện trí tuệ mà không nhất thiết phải trở thành một thiền sư.

Để bắt đầu việc thực tập, bạn chọn một nơi yên tĩnh và ngồi xuống trong tư thế thật thoải mái. Tốt nhất là ngồi xếp bằng tréo hai chân, gọi là ngồi kết già. Nếu thấy khó khăn, bạn có thể ngồi theo cách đặt chân phải lên trên vế trái, gọi là ngồi bán già. Nếu không thực hiện được cả hai cách ngồi trên, bạn cũng có thể ngồi trên ghế buông thõng hai chân xuống. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong cả ba tư thế ngồi này là phải giữ lưng cho thật thẳng, không cúi về phía trước mà cũng không tựa ra phía sau. Chú ý không nên nhắm mắt lại vì có thể tạo cảm giác buồn ngủ và không sáng suốt. Chỉ hơi khép mắt lại và nhìn xuống, tập trung vào một điểm ở cách về phía trước một khoảng ngắn, cũng có thể nhìn xuống tập trung vào chóp mũi nếu thấy thuận tiện.

Sau khi đã ngồi yên, bạn bắt đầu chú ý vào hơi thở ra vào của mình. Khi hơi thở vào, bạn biết là mình đang thở vào. Khi hơi thở ra, bạn biết là mình đang thở ra. Trong lúc này, nếu có bất kỳ một dòng tư tưởng nào khác hơn việc theo dõi hơi thở đều cần phải buông bỏ.

Để buông bỏ một tư tưởng, bạn đừng khởi lên ý tưởng buông bỏ nó, vì điều này thường rất khó khăn và không bao giờ đạt được kết quả như mong muốn. Chỉ cần bạn quay lại chú ý vào hơi thở, thì dòng tư tưởng “chệch hướng” kia sẽ tự nhiên tan biến mất.

Đó là tất cả những gì bạn phải làm trong một buổi luyện tập, thường có thể kéo dài từ 15 phút cho đến nửa giờ hoặc một giờ. Sự thay đổi có thể nhận biết sau một thời gian thực hành là khả năng tập trung sự chú ý của bạn dần dần tăng cao hơn trước. Và kết quả kèm theo là khả năng tư duy, nhận thức sự việc của bạn cũng sẽ trở nên nhạy bén, sáng suốt hơn.

Việc thực hành định tâm để đạt được sự phát triển trí tuệ là một phương pháp đã được con người phát hiện và sử dụng từ hàng ngàn năm trước. Giáo lý nhà Phật đưa ra ba môn Vô lậu học là Giới học, Định học và Tuệ học, với mối tương quan được xác định là: Do nơi giới mà có định, do nơi định mà phát sinh trí tuệ. (Nhân giới sanh định, nhân định phát huệ.) Qua đó có thể thấy là việc thực hành định tâm giúp ta rèn luyện và phát triển trí tuệ.

Nhưng còn thế nào là “do nơi giới mà có định”? Giới ở đây chỉ giới luật của nhà Phật, là những khuôn thước nhất định mà người tu hành ở từng mức độ khác nhau phải tuân theo, không được vi phạm vào. Chẳng hạn như người tu tại gia thì có 5 giới (gọi là Ngũ giới), người mới xuất gia làm sa-di thì có 10 giới (gọi là Thập giới), người đã chính thức trở thành một vị tỳ-kheo thì có 250 giới (gọi là Đại giới hay Cụ túc giới).

Giữ theo các giới này chính là điều kiện tiên quyết để tạo ra môi trường thuận lợi cho việc định tâm. Như trên có nói, môi trường yên tĩnh là điều kiện cần thiết cho việc định tâm, nhưng đó chỉ mới là môi trường bên ngoài. Về mặt nội tâm, nếu chúng ta có quá nhiều ý tưởng lăng xăng, vọng động, thì khả năng đạt đến sự định tâm sẽ rất khó khăn. Bởi vậy, người tu hành phải nương nhờ vào giới để dễ dàng hơn trong việc đạt đến định tâm.

Khi hiểu được điều đó, chúng ta cũng có thể vận dụng vào điều kiện bản thân để hỗ trợ cho việc rèn luyện trí tuệ. Chẳng hạn, nếu bạn thực hành Ngũ giới, nếp sống của bạn sẽ trở nên tốt đẹp hơn, ít sôi động hơn, và do đó tâm trí bạn sẽ được an ổn, bình thản. Nhờ vậy mà có thể dễ dàng đạt đến sự định tâm hơn. Để thực hành Ngũ giới, bạn cần giữ không phạm vào 5 điều sau đây:

  1. Không sát sanh, nghĩa là không giết hại bất cứ sanh mạng nào, ngay cả các loài vật.
  2. Không trộm cắp, hay nói rộng hơn là bất cứ vật gì của người khác, nếu không cho mình thì không được tự ý lấy hoặc tìm cách chiếm đoạt.
  3. Không tà dâm, nghĩa là không có quan hệ như vợ chồng với những người không phải là vợ hoặc chồng mình.
  4. Không nói dối, nghĩa là chỉ nói ra những lời đúng sự thật.
  5. Không uống rượu, hay nói rộng ra là không dùng rượu, bia hay bất cứ chất gây say, gây nghiện nào khác. Để có một sự giải thích chi tiết hơn về Ngũ giới và những lợi ích sâu xa của việc thực hành Ngũ giới, bạn có thể tìm đọc trong sách “Về mái chùa xưa”, cùng một tác giả, đã được phát hành trước sách này.


Thực hành Ngũ giới là tạo ra một điều kiện nội tâm thích hợp để có thể dễ dàng đạt đến sự định tâm, và thực hành đều đặn việc định tâm – có thể ít nhất mỗi ngày một lần – là một phương pháp vô cùng hiệu quả để rèn luyện trí tuệ. Với khả năng tập trung tư tưởng cao hơn, bạn sẽ thấy rõ sự gia tăng hiệu quả trong học tập cũng như trong bất cứ công việc nào cần đến hoạt động trí óc.

Nhưng việc giữ theo Ngũ giới không chỉ giúp bạn dễ đạt đến sự định tâm, nghĩa là thực hành việc rèn luyện năng lực hoạt động trí tuệ. Một nếp sống duy trì theo Ngũ giới còn là môi trường thích hợp cho sự hoạt động và phát triển trí tuệ nữa. Bởi vì nó giúp bạn dần dần đạt đến một nội tâm an định, sáng suốt và bình thản, gạt bỏ được mọi sự ưu tư, lo nghĩ và phiền muộn. Đó là những điều kiện hết sức cần thiết để phát triển trí tuệ. Một vài điều kiện khác cũng có tác dụng hỗ tương, chẳng hạn như lòng thương yêu và sự tha thứ, chúng ta sẽ có dịp đề cập đến trong một chương sau nữa.

Mặt khác, sự thực hành định tâm sau một thời gian sẽ giúp bạn dễ dàng đạt đến tập trung sự chú ý. Thói quen suy nghĩ mông lung vẫn có từ trước sẽ dần dần mất đi. Vào giai đoạn này, bạn không chỉ thực hành việc chú ý vào hơi thở, mà bắt đầu luyện tập sự chú ý vào bất cứ điều gì đang làm. Khi đi, đứng, nằm, ngồi hoặc làm bất cứ việc gì, bạn luôn tỉnh thức nhận biết và tập trung sự chú ý vào giây phút hiện tại đó, không buông thả suy nghĩ của mình hướng về quá khứ hay tương lai, cũng không hướng đến bất kỳ việc gì khác ngoài công việc đang thực hiện trong hiện tại. Đạo Phật gọi trạng thái này là chánh niệm, và nó có công năng phát triển trí tuệ theo thời gian, bất kể là bạn đang ở độ tuổi nào. Người duy trì được chánh niệm đến mức độ thuần thục sẽ có thể đạt được trạng thái xuất thần một cách chủ động để thực hiện bất kỳ công việc nào một cách hoàn hảo nhất.

Trí tuệ là vốn quý vô giá của con người. Chính nhờ trí tuệ – chứ không phải sức mạnh – mà chúng ta vượt hơn muôn loài. Vì thế, quan tâm đúng mức đến việc rèn luyện, phát triển trí tuệ là phương cách hiệu quả nhất để nâng cao giá trị của mỗi con người chúng ta. Hơn thế nữa, chính nhờ phát triển trí tuệ mà chúng ta mới có điều kiện để thực hiện những hoài bão, ước mơ của mình.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/05/2016(Xem: 31027)
Nghi thức Kệ Chuông Đại Hồng Chung tại Tu Viện Quảng Đức, Văn chung thinh phiền não khinh, Trí huệ trưởng, Bồ đề sanh, Ly địa ngục, xuất hỏa khanh, Nguyện thành Phật, độ chúng sanh (0). Nghe chuông, phiền não nhẹ lâng lâng Bồ đề thêm lớn, Tuệ sáng ngần Xa rời Địa-ngục, qua hầm lửa Nguyện thành như Phật, độ chúng sanh. (0).
28/04/2016(Xem: 20274)
Thiền, Tịnh, Mật được xem là ba pháp môn tu truyền thống của Phật giáo Việt Nam xưa nay. Thiền giáo xuất hiện từ thời Khương Tăng Hội, Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Các thế kỷ sau, kinh điển Đại thừa được truyền bá, theo đó tư tưởng Thiền, Tịnh và Mật được phổ biến tại nước ta. Từ lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam cho thấy, ba pháp môn tu đó có sự đóng góp tích cực cho con người và xã hội qua nhiều thời đại.
27/04/2016(Xem: 10390)
Trọng tâm của bài viết nầy nhằm tìm nguyên nhân tại sao người Phật tử bị cải đạo và đề nghị phương pháp ngăn ngừa, chứ không phải là so sánh giữa hai tôn giáo. Tuy vậy, để có thể biết được nguyên nhân, nên một số tín điều và cách sống đạo, của tôn giáo, không thể không đề cập đến. Mong độc giả xem đó như là vài dẫn khởi cho việc truy tìm nguyên nhân Phật tử bị cải đạo và đề nghị giải pháp. Dẫu theo lối tiếp cận nào, chúng tôi vẫn dựa trên những chứng tích lịch sử để luận bàn, chứ không bao giờ đề cập những điều vô căn cứ. Một tôn giáo (hay một học thuyết) muốn đứng vững với thời và không gian thì tôn giáo ấy phải có ba tiêu chí cốt yếu: Nhân bản, Khoa học và Thực dụng.
23/04/2016(Xem: 6391)
Hàng ngày tôi có thói quen ngồi tọa thiền và sau đó đi kinh hành. Địa điểm đi kinh hành tuyệt vời và may mắn nhất tôi có được là công viên Nghĩa Đô gần nhà. Ngày thực hành 2 lần, sáng sớm và buổi tối. Thật tuyệt vời vô cùng.
23/04/2016(Xem: 13310)
Có một vị Phật tử rất thuần thành, mỗi ngày đều hái hoa trong vườn nhà mình mang đến chùa dâng cúng Phật. Một hôm khi cô đang mang hoa tươi đến cúng Phật, tình cờ gặp thiền sư từ giảng đường đi ra. Thiền sư hoan hỷ nói:
23/04/2016(Xem: 8111)
Bình bát cơm ngàn nhà Thân chơi muôn dặm xa Mắt xanh xem người thế Mây trắng hỏi đường qua
22/04/2016(Xem: 11296)
Jimmy Phạm thừa nhận anh từng cảm thấy xấu hổ với nguồn gốc Việt của mình, và luôn khẳng định mình là người Úc khi ai đó hỏi anh đến từ đâu. Nhưng giờ đây, mặc cảm ấy biến mất, nhường chỗ cho sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp xã hội Koto, nơi đổi thay cuộc đời hơn 1000 trẻ bụi đời Việt Nam.
18/04/2016(Xem: 6066)
Đức Phật dạy chúng ta trí tuệ và yêu thương. Học là một chuyện còn ứng dụng lại là một chuyện khác. Có khi chúng ta đọc làu làu kinh Phật nhưng thực hành chưa được là bao. Chuyện là chúng tôi có Vườn Yêu Thương. Triết lý cũng rất giản đơn và do thầy Hùng - người lập ra công ty sách Thái Hà của chúng tôi đưa ra: “Chút điều xấu cùng ngăn cùng giữ. Chút điều lành cùng thử cùng làm”.
16/04/2016(Xem: 8224)
Rohith Vemula không bao giờ có thể thoát ra khỏi những sự trói buộc của nhóm “sinh đẻ hạ cấp" của mình. Anh đã là một "Dalit" - một thuật ngữ dịch nôm na là giới "bị đổ vỡ, hư hỏng vứt đi" - một nhóm của những tầng lớp thấp nhất được gọi là "Hạ tiện". Những điều ghi chép trong nhật ký cá nhân và các cuộc phỏng vấn với bạn bè của anh ta đã mở ra cho thấy một cuộc sống đầy ngập những khó khăn của việc lớn lên trong sự nghèo khó, và những phấn đấu với một xã hội mà, đối với anh, dường như chống lại sự tiến bộ của một sinh viên như anh. Cái đòn sau cùng làm anh gục ngã là khi trường đại học Hyderabad Central University thu hồi lại học bổng rất khó khăn mới đạt được của anh sau khi có một nhóm những sinh viên khác, phần lớn thuộc đẳng cấp cao, báo cáo là anh đang tham dự trong những hoạt động "phản quốc" - - như trường hợp, biểu tình phản đối việc xử tử hình một tên khủng bố mà anh đã tin là bị xử oan .
07/04/2016(Xem: 7698)
Từ nhỏ tôi đã được gieo vào não câu nói “Một người làm quan - Cả họ được nhờ”. Nghe cũng có lý. Bởi bác A gần nhà tôi là một quan chức và bác ấy lôi vào nhà nước rất nhiều người họ hàng. Họ làm rất nhàn, toàn chơi, mà bổng lộc rất nhiều, tiền nong rủng rỉnh, đi đâu cũng khoe, tự hào ra mặt. Mẹ tôi bảo “Đấy con phải học đi, học thật giỏi vào để sau này cả họ được nhờ như nhà bác ấy”.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]