Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 5: Xây Dựng Giáo Hội

06/02/201108:30(Xem: 8548)
Chương 5: Xây Dựng Giáo Hội

ÐẠO PHẬT ÁP DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
Cương lĩnh giáo lý nhập thế của Phật giáo Việt Nam hiện đại
Thích Huyền Quang và Thích Nhất Hạnh
Viện Hóa Ðạo xuất bản lần thứ nhất - 1973

Chương 5: Xây Dựng Giáo Hội

Ðạo Phật Phù Hợp Với Ðời Sống Mới

Ðạo Phật không thành lập trên những tín điều không thể kiểm chứng bằng thực nghiệm. Mỗi khi người ta hỏi Phật về những vấn đề siêu hình viển vông, ngài thường không trả lời họ mà chỉ khuyên họ trở về để tâm vào những vấn đề thực tiễn và thực nghiệm: Những khổ đau, những nguyên nhân tạo nên khổ đau và phương pháp diệt khổ tạo nên an lạc. Nhận thứ Duyên Khởi, Tứ Diệu Ðế và Bát Chính Ðạo của Phật Giáo rất phù hợp với nhận thức của khoa học thực nghiệm. Không những thế, các giáo lý trên lại phù hợp hoàn toàn với nguyên tắc DÂN CHỦ, BÌNH ÐẲNG và TỰ DO. Theo nguyên tắc duyên sinh, vạn loại nương vào nhau mà sinh thành, tồn tại và phát triển, không ai có thể làm chủ vận mệnh của ai; ai cũng có những quyền làm người làm dân: Tinh thần này là bản chất của đời sống dân chủ, tự do và bình đẳng. Ngày xưa Ðức Phật thâu nhận vào giáo đoàn ngài tất cả mọi người không phân biệt chủng tập và giai cấp. Một ông vua theo ngài thì cũng ngồi ngang hàng với một người cùng đinh theo ngài. Phương pháp phá chấp và nguyên tắc tôn trọng sự sống của đạo Phật chứng tỏ đạo Phật rất tự do. Vì giáo lý đạo Phật phù hợp tinh thần khoa học thực nghiệm và vì giáo lý ấy biểu lộ tinh thần dân chủ, bình đẳng và tự do nên đạo Phật KHÔNG LÂM VÀO TÌNH TRẠNG KHỦNG HOẢNG ÐỨC TIN như một vài tôn giáo khác. Ðạo Phật tuy rất cũ nhưng lại rất mới, phù hợp hoàn toàn với đời sống mới. Vì nhận thức như thế, nên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thấy mình có nhiệm vụ tiếp tục duy trì sự nghiệp của đạo Phật là xây dựng con người và xã hội Việt Nam. Ngôi chùa và giáo hội địa phương đối với xóm làng và khu phố cũng có trách vụ tương đương với giáo hội toàn quốc đối với đời sống quốc gia. Ðạo Phật không muốn trở thành độc tôn, đạo Phật tôn trọng sự có mặt của các tôn giáo và quyết duy trì tình thân hữu với mọi tôn giáo.

Mục Ðích Ði Chùa

Tới chùa, người Phật tử không những tới để lễ Phật, hộ niệm, cầu an và cầu siêu mà còn để học hỏi giáo lý và trao đổi kinh nghiệm áp dụng giáo lý vào đời sống. Cố nhiên sự học Phật phải nhắm đến hướng thực dụng: Người Phật tử không học Phật để nói ba hoa và khoe khoang về sự hiểu biết của mình. Nếu chùa, mà không cho cơ hội để học Phật, thì đó là một thiếu sót lớn. Ta phải làm thế nào để tại chùa có những lớp dạy về đạo Phật hàng tuần, cho người lớn, cho thanh niên và cho trẻ em. Ta phải làm sao để xin thầy trụ trì (viện chủ hay giám tự) mời được một vị giảng sư. Giảng giáo lý cho trẻ em thì chúng ta có thể nhờ những đạo hữu, những thanh niên hay những huynh trưởng Gia đình Phật tử nào đã hiểu khá về giáo lý phụ trách. Muốn đi đúng tinh thần thực dụng của đạo Phật, chúng ta nên có những buổi đàm luận tại chùa về vấn đề áp dụng đạo Phật trong đời sống hàng ngày. Trong những buổi gặp gỡ như thế ta có thể trao đổi với nhau những kinh nghiệm về sự áp dụng giáolý. Ta nên nhớ rằng giáo lý áp dụng được vào sự sống mới đích thực là giáo lý Phật giáo, còn giáo lý chỉ để đàm luận suông và không dính líu gì đến đời sống thì không phải thực sự là giáo lý đạo Phật. Một người học trường canh nong ra thì biết phép canh tác ruộng, một người học Phật chân chính thì biết áp dụng đạo Phật vào đời sống hàng ngày. Chùa phải tạo cho ta cơ hội để học Phật như thế.

Học Theo Ðại Bi, Ðại Trí, Ðại Nguyện

Trong không khí thanh tịnh của chùa, người Phật tử tìm về tự tâm, soi sáng tự tâm để đạt đến sức mạnh tinh thần, đức bình tĩnh và lòng thương yêu. Là học trò của Phật, ta tới chùa không phải chỉ để lạy lục và cầu xin mà chính là để học theo hạnh nguyện của Phật. Hãy nhìn đức bồ tát Văn Thù Sư Lợi: Ngài là một con người có trí tuệ lớn nhờ học hỏi và chiêm nghiệm không ngừng. Hãy nhìn đức bồ tát Quán Thế Âm: Ngài là một người có tình thương rộng lớn, luôn luôn lắng nghe tiếng kêu bi thương của người khổ đau để tìm tới cứu độ. Hãy nhìn đức bồ tát Ðịa Tạng Vương: Ngài là một con người có đạo nguyện sâu thẳm, quyết tâm lưu lại trong chốn khổ đau để cứu độ chúng sinh. Lạy Phật là để bày tỏ sự cung kính của đệ tử với một bực thầy; nhưng lạy Phật không đủ. Phải học theo trí tuệ, từ bi và đại nguyện của Phật.

Bảo Vệ Ngôi Chùa

Ðừng bao giờ đem sự tranh chấp lên chùa. Nếu có mầm mống nào của một sự tranh chấp tại chùa thì phải tìm cách loại bỏ ngay. Hãy bảo vệ chùa: Hãy duy trì không khí trang nghiêm và thanh tịnh của chùa. Như thế, chùa có thể trở nên một môi trường cởi mở và bao dung, nơi đó ta có thể tạo nên sự đoàn kết và hòa giải giữa mọi người. Hai người hàng xóm giận nhau có thể làm lành lại với nhau khi gặp nhau tại chùa, nhất là khi có một người thứ ba có ý muốn hòa giải giữa hai người. Cô ba Tý là một Phật tử hòa giải rất khéo. Bà hai Hạt và thím Tám Ngọ mà vui vẻ với nhau là nhờ cô Ba Tý. Cô rất ngọt ngào với cả hai người. Bữa đó lên chùa cúng rằm tháng bảy, cô gặp cả hai người và mời cả hai người vào bếp để phụ cô nấu cỗ chay. Thế rồi không biết họ chuyện trò và làm việc chung như thế nào mà sau đó đến giờ lễ Phật ba người cùng đứng một hàng và khi ăn cơm chay thì cả ba bà rủ nhau ngồi chung một bàn. Ðó, không khí của chùa là phải cởi mở dễ thương để tạo ra sự hiểu biết và hòa thuận.

Xây Dựng Ngôi Chùa

Ngôi chùa cần tượng trưng cho nền văn hóa tâm linh của đạo Phật. Chùa phải được kiến trúc trang nhã, không lòe loẹt và có vẻ thợ mã, diễn tả được tinh thần bi trí dũng và tinh thần dân tộc. Cố nhiên không phải ai trong chúng ta cũng là kiến trúc sư dựng chùa, nhưng chúng ta có thể nói ý kiến của chúng ta cho thầy trụ trì và kiến trúc sư nghe. Ngôi chùa của chúng ta phải có tính chất Việt Nam, ta không thể bắt chước và vá víu một chút kiến trúc Tàu, một chút kiến trúc Thái Lan, một chút kiến trúc La Mã. Những nét kiến trúc phải biểu lộ được đức điềm tĩnh, hiền hòa mà thanh thoát. Khi nào có một ngôi chùa sắp xây, ta nên tìm dịp nói lên ước nguyện của ta. Muốn cho chắc thì nên thỉnh ý Giáo Hội Trung Ương về bản đồ kiến trúc chùa bởi vì Giáo Hội Trung Ương có liên lạc với những kiến trúc sư biết rộng về kiến trúc Phật giáo. Chùa phải được giữ gìn sạch sẽ, trang nghiêm và thanh tịnh. Ngoài những ngày có đại lễ, hội họp, chùa phải là nơi thanh tịnh để làm nơi sinh hoạt tâm linh. Làm thế nào để mỗi khi tâm hồn xáo trộn bất an, ta lên chùa thì sẽ nhờ không khí trang nghiêm thanh tịnh ấy mà tìm lại được an vui và trầm tĩnh. Giữ gìn cho chùa cái không khí trang nghiêm thanh tịnh ấy không phải chỉ là bổn phận của thầy trụ trì mà còn là bổn phận của mỗi chúng ta nữa. Chú Bảy thường nói với các bà hay tới làm công quả cho chùa: “Quý cô bác đóng góp công của vào công việc Phật sự thì công đức không thể kể xiết. Nhưng nếu quí cô bác còn giữ được cho chùa không khí trang nghiêm thanh tịnh nữa thì công đức lại còn lớn lao hơn”. Ý của chú Bảy là quý cô bác thỉnh thoảng cứ đem chuyện tranh chấp dưới xóm ra nói và bình phẩm. Ðáng lý đến chùa, ta chỉ nên nói chuyện xây dựng mà thôi.

Ủng Hộ Phật Sự Của Chùa

Có nhiều Phật tử sốt sắng đóng góp công của cho chùa chỉ vì niềm vui được thấy chùa mình khang trang đẹp đẽ. Một ngôi chùa đẹp và có đủ tiện nghi cho sự tu học đã đành là một chuyện quý, nhưng nếu ta đóng góp công của vào những dự án học hỏi, tu tập và phụng sự do chùa tổ chức, thì đó mới là thực sự xây dựng cho chùa. Chúng ta ai cũng thấy chùa đất Phật vàng là quý hơn chùa vàng Phật đất: Một ngôi chùa tráng lệ mà bên trong không có những sinh hoạt học tập giáo lý, những ngày tĩnh tu, những buổi lễ sám, những cuộc hội thảo đàm luận về phương pháp áp dụng đạo Phật trong đời sống thường nhật… một ngôi chùa như thế thì chỉ là cái vỏ trống không. Ta phải bàn tính với nhau. Trong trường hợp tại chùa không có thầy lãnh đạo, ta phải biết hợp nhau mà liên lạc với giáo hội tỉnh hay giáo hội trung ương.

Phải Học Mới Thực Sự Biết Hành

Ông Tư ở xóm Thượng luôn luôn nói rằng theo đạo Phật, ông chỉ cần tu tâm, làm lành lánh dữ là đủ. Ông nói như vậy thì không ai cãi ông được bởi vì chính đức Phật đã dạy: “Ðừng làm các điều dữ, vâng làm các điều lành, gạn lọc tâm lý mình, là lời chư Phật dạy”. Nhưng ta cũng biết rằng ông Tư tuy nói đúng, nhưng điều ông Tư nói chính ông Tư cũng không hiểu. Làm lành lánh dữ, phải rồi, nhưng LÀM LÀNH là làm như thế nào, LÁNH DỮ như thế nào, nếu ta hỏi thì ông Tư không trả lời được. Lại còn TU TÂM nữa, ông Tư áp dụng phương pháp nào để tu tâm? Thật ra ông Tư chỉ nói để mà có nói chứ không thực sự biết con đường tu tâm, làm lành lánh dữ. Cũng vì lý do đó mà ông Tư cũng cần đi chùa học Phật như các bà con khác.

Ở chùa Long Thành, các Phật tử hội họp để đàm luận về việc tổ chức quỹ tương trợ để giúp đỡ những người rủi ro bị bệnh tật và mất mùa. Ðó là một cách LÀM LÀNH. Các Phật tử chùa Long Thành cũng bàn luận về việc bài trừ rượu chè cờ bạc trong xóm bằng cách tạo ra những môn giải trí lành mạnh. Ðó là một hình thức LÁNH DỮ. Bớt ích kỷ, biết lo lắng cho lợi ích chung, biết nghĩ tới người khổ cực, tập hỷ xả không giận hờn, không cố chấp… đó là TU TÂM. Tất cả những điều đó cần phải học hành và thực tập có phương pháp mới có thể thành công. Ðâu phải chỉ nói suông mà được. Chùa chính là trung tâm của sự học hành và thực tập giáo lý đạo Phật. Phật tử góp sức vào việc tổ chức những lớp giáo lý tại chùa cho mọi giới già cũng như trẻ. Phật tử lại tham dự vào những dự án nhằm áp dụng những điều đã học trong việc tu tĩnh tu tâm, cải tiến đời sống y tế, kinh tế, giáo dục và tổ chức của xóm làng hay khu phố.

Phụng Sự Chúng Sanh Là Cúng Dường Chư Phật

Có bao nhiêu là vấn đề trong thôn làng hay khu phố cần phải giải quyết. Nếu những vấn đề ấy đáng được xóm làng và khu phố giải quyết thì Phật tử nên tham dự góp công góp của vào những nỗ lực này. Nếu có những vấn đề giáo dục, vệ sinh, y tế và kinh tế cấp bách mà chưa ai nghĩ tới, chưa có cố gắng nào để giải quyết, thì Phật tử nên họp nhau tại chùa trong không khí thương yêu và trầm tĩnh để tìm ra những phương pháp và dự án giải quyết tốt đẹp trên tinh thần tự nguyện. Một khi chùa khởi xướng, một công tát cải tiến và phát triển dù trong lãnh vực kinh tế giáo dục hay y tế, tất cả mọi Phậtt tử trong vùng phải tham gia tích cực và đẩy mạnh công tác cho đến thành công. Ta hãy nhớ lời Phật dạy: “Phụng sự chúng sanh tức là cúng dường chư Phật”. Trong trường hợp của chúng ta, chúng sanh không phải là ai xa lạ mà là bà con, cô bác trong xóm, kể cả chính chúng ta và con cháu chúng ta nữa.

Chùa Linh Phong tổ chức nhà giữ trẻ trong xóm. Không những nhà giữ trẻ thu nhận trẻ em con nhà Phật tử mà là thu nhận trẻ em các gia đình theo tôn giáo khác nữa. Phật tử chùa Linh Phong như thế đã thực hành được lời dạy lục hòa và bình đẳng của Phật. Chùa còn dự tính tổ chức hợp tác xã rau cải, và quỹ tín dụng. Ðó, như thế ngôi chùa mới thực xứng đáng là nơi học tập và thực hành đạo Phật. Tuy nhiên các vị tăng sĩ và Phật tử không muốn đặt văn phòng làm việc tại chùa, sợ chùa trở thành nơi náo nhiệt. Họ đặt trường học, văn phòng, vựa chứa hàng hóa ở những trụ sở khác, dành cho chùa không khí thanh tịnh trang nghiêm rất cần thiết cho chùa. Tuy vậy, ai cũng biết chùa là trái tim của mọi công tác áp dụng đạo Phật.

Ủng Hộ Người Thực Hành Chánh Pháp

Trong ý nguyện thực hành những lời Phật dạy. Phật tử nên biết kính trọng và hổ trợ cho những vị tăng sĩ có can đảm làm theo chính pháp và đáp ứng được những nhu cầu chân thực của con người trong xã hội mới. Vị tăng sĩ nào cũng trải qua một thời gian ở tu viện hay Phật Học Viện, ở đó các vị tăng sĩ học Phật, và thực tập phương pháp tu dưỡng tâm linh. Khi một vị tăng sĩ rời tu viện đi hành đạo tại một địa phương, thì vị tăng sĩ đó chia thì giờ của mình làm hai phần: Một phần để tiếp tục công việc tu tâm thiền quán, một phần hướng dẫn Phật tử địa phương học Phật và áp dụng đạo Phật trong cuộc đời. Biết vậy ta nên kính trọng thì giờ tĩnh tu của vị tăng sĩ, bởi nhờ có thì giờ tĩnh tu đó mà vị tăng sĩ có khả năng lãnh đạo tinh thần cho địa phương. Nhưng công tác giảng dạy Phật pháp và hướng dẫn Phật tử địa phương học Phật và thực hành Phật giáo cũng quan trọng không kém. Có những vị tăng sĩ chỉ hướng dẫn Phật tử học Phật, tụng kinh, sám hối, cầu an và cầu siêu. Nhưng có những vị tăng sĩ lại tha thiết đến sự áp dụng đạo Phật trong đời sống hàng ngày ở gia đình, ở thôn làng và ngoài xã hội. Thỉnh thoảng ta gặp những vị tăng ni trẻ chuyên làm việc xã hội, biết tổ chức trường học, nhà giữ trẻ, lập hợp tác xã nông nghiệp vân vân… Giáo Hội Phật Giáo hiện đang chủ trương đem đạo Phật áp dụng vào cuộc đời để phát triển xã hội, nâng cao nhân phẩm và mức sống của người dân. Nếu ta thấy có những vị tăng ni biết thao thức thực hành đạo Phật vào xã hội, đó chính là vì họ đã học theo chủ trương tiến bộ của Giáo Hội. Chúng ta nên gần gũi và hỗ trợ họ. Trái lại có thể có một số tăng sĩ chỉ biết chiều đãi người cư sĩ mà không thể hiểu được tinh thần đạo Phật, xem đạo Phật như là một phương tiện sinh sống, ta không nên ủng hộ những vị này.

Trách Nhiệm Về Hội Ðồng Giáo Hội Trung Ương

Ta phải tìm hiểu đường lối và công việc của Hội Ðồng Lãnh Ðạo Giáo Hội Trung Ương. Theo hiến chương của Giáo Hội Phật Giáo, các cấp lãnh đạo Phật Giáo đều do Phật tử công cử Viện Tăng Thống do đức Tăng Thống lãnh đạo gồm có Hội Ðồng Trưởng Lão, gồm nhiều vị đạo đức cao trọng trong toàn quốc, đại diện cho đức độ và sự lãnh đạo tinh thần của Giáo Hội Viện Hóa Ðạo gồm có bảy tổng vụ, phụ trách các ngành tùng sự, cư sĩ giáo dục xã hội, thanh niên, văn hóa và tài chính kiến thiết. Ta nên tìm hiểu cơ cấu tổ chức của Giáo Hội và đường lối của Giáo Hội để ủng hộ và để góp ý. Nếu ta nhận thấy Giáo Hội không đi con đường mà ta mong ước, ta nên tự do nói lên ý nghĩ của ta và tìm cách ảnh hưởng tới đường hướng của Giáo Hội. Một trong những điểm của đạo Phật là tinh thần tự do: Mọi người Phật tử đều có trách nhiệm, bổn phận và quyền phát biểu và hành động. Bằng cách tham dự vào giáo hội địa phương, và đứng trên cương vị Giáo Hội địa phương, mọi người Phật tử đều có thể ảnh hưởng tới đường lối của Giáo Hội Trung Ương và do đó có thể thay đổi đường lối Giáo Hội Trung Ương. Sở dĩ ta có thể làm được như vậy chính là vì đạo Phật có tinh thần dân chủ và Giáo Hội đã được tổ chức như một cơ cấu dân chủ.

Ta nên tìm hiểu lập trường của Giáo Hội về hòa bình, về thống nhất, về xây dựng dân chủ và xã hội. Nếu đường hướng ấy chưa được rõ ràng với ta, ta sẽ yêu cầu các cấp Giáo Hội làm cho sáng tỏ hơn. Như vậy trong lúc tìm hiểu học tập, ta cũng xây dựng được cho Giáo Hội. Ta cũng cần đòi hỏi Giáo Hội những chương trình thực tiễn xây dựng về giáo dục cũng như về xã hội, về thanh niên cũng như về tăng sự, để chúng ta có thể ủng hộ và cộng tác.

11. Dung Hợp Hòa Đồng

Đạo Phật có nhiều pháp môn: Phật tử phải biết chấp nhận những quan điểm hành đạo khác với quan điểm hành đạo của mình. Phật giáo không những gồm có bắc tông nam tông mà còn được chia ra nhiều tông phái. Sự dị biệt đó là do những điều kiện tâm lý xã hội và kinh tế khác nhau. Tuy đạo Phật có nhiều phân phái, nhưng giữa các phái Phật giáo từ mấy ngàn năm nay từng có xung đột bao giờ. Đó là do ở tinh thần tự do và bao dung của đạo Phật. Áo vàng, áo nâu, nguyên thí, đại thừa, thiền tịnh độ, khất sĩ, trú trì, ẩn sĩ, tác viên… có nhiều hình thái tăng sĩ Phật giáo khác nhau, có nhiều đoàn thể Phật giáo khác nhau. Phật tử nên tìm hiểu để thấy được cái hay của mỗi truyền thống, mỗi tổ chức để thấy được cái hay của mỗi truyền thống, mỗi tổ chức. Nhờ vậy chúng ta học được cái hay của nhau. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất gồm có cả Phật Giáo Đại Thừa và Phật Giáo Nguyên Thỉ. Hai truyền thống này đã từng chứng tỏ có thể cộng tác với nhau mật thiết trong khi mỗi truyền thống vẫn giữ được cách hành đạo của mình. Cố nhiên trong đạo Phật có nhiều khuynh hướng hành đạo khác nhau: Khuynh hướng chuyên về nghi lễ, khuynh hướng chuyên về thuyết giảng, khuynh hướng chuyên về ẩn cư, khuynh hướng chuyên về xã hội, vân vân… Ta nên làm thế nào cho các khuynh hướng ấy bổ túc cho nhau và tránh mọi tranh chấp phê phán chỉ đem lại sự chia rẽ trong nội bộ Phật giáo.

12. Thái Độ Cởi Mở

Đối với những người không cùng tôn giáo. Phật tử cũng giữ thái độ cởi mở để tìm hiểu, đối thoại, thiết lập thông cảm và cộng tác với họ trong những chương trình phát triển ích nước lợi dân. Đạo Phật không phải là đạo hẹp hòi, cố chấp. Có nhiều người tự cho là Phật tử mà thật ra rất cố chấp, hẹp hòi còn hơn những người không theo đạo Phật. Điều đó cũng do thiếu sự học hỏi và thực hành giáo lý. Trong những dự án bài trừ mê tín, cờ bạc, rượu chè, trong những dự án trường học, nhà trẻ, hợp tác xã… ta nên trân trọng mời các bạn không cùng tôn giáo cộng tác. Nếu họ là người tốt và có khả năng ta có thể ủy cho họ những trách nhiệm lãnh đạo mà không cần ngần ngại gì.

Hôm ba mươi Tết các em thiếu niên Phật tử làng Cầu Kinh đi dán giấy hồng điều hình trái trám tại các nhà trong xóm. Những mãnh giấy hồng điều này có viết phước, lộc, thọ, đức, hòa, bi, trí... bằng chữ nho, ý là để làm tươi cửa nhà và chúc tết luôn. Nhà nào cũng được dán hai mảnh hồng điều hai bên cửa ra vào, và nhà nào cũng hoan hỷ. Nhưng khi tới nhà bác Lê, một gia đình Công Giáo, các em ngần ngại. Không phải là các em muốn kỳ thị tôn giáo: Các em chỉ ngại mình là Phật tử mà dán giấy hồng điều chúc Tết nhà Công Giáo theo kiểu Phật giáo thì có làm phật lòng những người bạn Công Giáo hay không. Nhưng các em cũng không dám bỏ đi, bởi vì như thế thì tỏ ra kỳ thị tôn giáo. Các em đứng ở trước cổng một hồi lâu. Bỗng có một em nảy ra ý kiến: “Chúng ta phải vào và lễ phép hỏi xem gia đình bác Lê có muốn dán giấy hồng điều chúc tụng không. Nếu muốn thì ta dán. Nếu không thì ta đi, như thế khỏi mang tiếng kỳ thị”. Kết quả là các em vào xin phép bác Lê và nói cho biết sự do dự của các em. Bác Lê rất thông cảm. Bác nói: “Các cháu khỏi phải dán, bác cảm ơn các cháu. Và tuy các cháu không dán, bác cũng thấy như các cháu đã dán rồi”. Thái độ của các em thiếu niên Phật tử ấy đã phản chiếu được tinh thần đạo Phật. Phật tử ấy đã phản chiếu được tinh thần đạo Phật.

Trong tình trạng xã hội ta, sự thông cảm và cộng tác giữa các tôn giáo rất cần thiết. Chúng ta hãy cố gắng phá vỡ thành kiến và sự sợ hãi giữa những người không cùng tôn giáo, và làm như thế ta phụng sự cho xã hội. Không những đối với những người không cùng tôn giáo mà đối với những người có nhận thức khác ta về cuộc đời cũng phải đối xử như vậy.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/08/2022(Xem: 5490)
Tâm mình rộng lớn khoảng bao nhiêu? Này bạn!! Hễ lòng mình chứa nổi gia đình thì cái tâm bằng gia đình, mình mến tất cả người trong thôn thì tâm mình lớn bằng cái thôn, quý hết mọi người trong làng thì tâm mình lớn bằng cái làng.
10/08/2022(Xem: 5193)
Có bạn nêu thắc mắc: người viết đã nhiều lần nhắc tới câu nói của Thiền Tông rằng “Ba cõi là tâm” – vậy thì, có liên hệ gì tới Duy Thức Học? Và tâm có phải là thức? Và tại sao Thiền sư Việt Nam thường nói “vô tâm thị đạo”? Trước tiên, xin chân thành trả lời ngắn gọn, rằng, “Không dám nói là biết chính xác. Cũng không dám nói ý riêng. Nơi đây sẽ đọc lại kinh để trả lời.” Bài này sẽ tìm cách trả lời khác đi, theo một cách thực dụng, để khảo sát về tâm, về ý, về thức, và về vài cách có thể tương ưng trên đường tu giải thoát.
10/08/2022(Xem: 7374)
Nam Mô Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát Kính gửi chư Tôn Đức, chư Pháp hữu & quý vị hảo tâm Từ thiện. Được sự thương tưởng và hỗ trợ của chư Tôn đức và quí vị thiện hữu hảo tâm, chúng con, chúng tôi vừa thực hiện xong 9 giếng cần giục (Well hand-pump) cho những ngôi làng nghèo lân cận vùng núi Khổ Hạnh Lâm & vùng Kê Túc Sơn tiểu bang Bihar India đang trong tình trang khan hiếm nguồn nước sạch giữa mà Hạ oi nồng..
04/08/2022(Xem: 5078)
Thoạt đọc qua, có vẻ như có gì hơi sai sai khi đặt nhan đề bài này là “Vô thường cũng là Niết bàn tịch diệt”… Bởi vì, vô thường được hiểu là sinh diệt tương tục, sinh diệt bất tận. Trong khi đó, tịch diệt là Niết bàn với thể tánh không tịch, vắng lặng – được hiểu như dường nghịch nhau, vì trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật đã dạy: “Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc” (sinh diệt diệt rồi, [Niết bàn] tịch diệt là vui). Bài viết này sẽ dò tìm một vài cách thực dụng để nhìn thẳng vào vô thường và nhận ra Niết Bàn. Với các sai sót có thể có, xin được trọn lòng sám hối.
14/07/2022(Xem: 3842)
Trong cuộc tranh quyền về một thung lũng màu mỡ hai lãnh chúa lân bang với nhau đồng ý không gây chiến tranh mà thay vào đó chỉ giải quyết vấn đề này bằng một cuộc đấu cá nhân. Mỗi vị chúa tể sẽ đưa kiếm sĩ giỏi nhất của mình ra để đấu với tay kiếm của vị chúa tể kia. Quyền làm chủ mảnh đất sẽ trao cho bên chiến thắng.
11/07/2022(Xem: 4687)
Thiền sư dẫn lớp học trong khóa an cư kiết hạ của thầy vào miền núi. Nhiều người trẻ từ thành thị hoặc các nông trại tới nên không có kinh nghiệm gì về chốn hoang dã. “Thưa trong những ngọn núi này có thú vật không?” một người hỏi. “Thưa phòng tắm ở chỗ nào?” một người khác hỏi. “Chúng ta tới đây để tiếp xúc cùng thiên nhiên và với chính chúng ta,” thầy hướng dẫn lên tiếng. Thầy giúp những chàng trẻ tuổi dựng lều trại và nhóm lên một đám lửa. Suốt đêm gió thổi mạnh dữ dội và một cơn mưa lạnh lẽo trút xuống đám người cắm trại không được vui thú chi.
20/06/2022(Xem: 10429)
Authors (Tác giả): Jing Yin, Ken Hudson & W.Y. Ho Illustrations (Minh họa): Yanfeng Liu Dharma for Youth Phật pháp cho Tuổi trẻ Biên soạn và chuyển ngữ:
19/06/2022(Xem: 4756)
Nam Mô Hiểu Và Thương Bồ Tát - Kính thưa chư Tôn đức, chư Thiện hữu & quí vị hảo tâm. Trong tâm niệm:''Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người vơi bớt khổ'', vào hôm qua (June 15 2022) hội từ thiện Trái tim Bồ Đề Đạo Tràng chúng con, chúng tôi đã tiếp tục thiện sự chia sẻ thực phẩm, y phục và tịnh tài cho những mảnh đời bất hạnh, những người dân nghèo khó nơi xứ Phật tại tiểu bang Bihar India. Xin mời quí vị hảo tâm xem qua một vài hình ảnh tường trình..
18/06/2022(Xem: 5560)
Xin tường trình cùng quý vị hình ảnh 10 giếng nước do quý vị phát tâm bố thí cho dân nghèo xứ Phật vừa được hoàn mãn hôm nay, hiện chúng tôi vẫn tiếp tục số giếng còn lại do quý vị Donated . - Như quý vị nhìn thấy trong hình, tiến trình khoan giếng của những người thợ Ấn Độ hoàn toàn bằng thủ công, không phải khoan bằng máy, khoan sâu đến 60, 90 chục mét mới có nước, vì vậy mà rất lâu mới hoàn tất được 1 giếng. Mong quý vị liễu trì và cảm thông cho nếu chúng tôi chậm trễ tường trình..
13/06/2022(Xem: 3379)
Duyên khởi bài viết này vì, mấy hôm đầu tháng 5/2022, được một người em họ từ Nebraska sang thăm, nghe vài chuyện Phật sự nơi miền Trung Tây Hoa Kỳ, lòng vui mừng được biết em mình vẫn tin sâu Tam Bảo cho dù đang ở một nơi rất vắng người Việt. Cũng không có nhiều thì giờ để nói chuyện tu học. Phần vì, người từ miền xa lần đầu tới Quận Cam, chỉ có vài ngày chủ yếu là để đi chơi, chụp hình lưu niệm. Do vậy, thư này được viết để trình bày một vài suy nghĩ về tu học và hộ trì Chánh pháp. Mặt khác, để tránh bầu không khí gia trưởng, và để bài viết thích hợp với nhiều bạn cư sĩ trẻ sơ cơ, bài này sẽ dùng cách xưng hô là “tôi” và “bạn” --- hy vọng có vài gợi ý khả dụng cho nhiều độc giả trẻ trong và ngoài nước. Bài viết sẽ trích dẫn kinh điển, tập trung về vai trò người cư sĩ, về khuyến tấn tu chứng quả Dự lưu để bảo đảm sẽ không bao giờ rơi về ác đạo nữa. Các sai sót nếu có, xin được sám hối cùng Tam Bảo.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]