TỪNG BƯỚC AN VUI
Thích Thông Phương
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo PL: 2549 - 2005
IV- THIỀN SƯ THỬ THÁCH
Kinh nghiệm biết rõ nó là chỗ chướng đạo, nên Thiền sư thường thử thách người tham học, đập thẳng vào TƯỚNG NGÃ này, cho nó xẹp xuống mới dễ vào đạo.
* THIỀN SƯ TỪ MINH VỚI HUỆ NAM
Thiền sư Huệ Nam lúc ở Phần Đàm được Thiền sư Hoài Trung chia phần tiếp độ chúng tăng. Sau, Sư đến chùa Phước Nghiêm được Thiền sư Hiền Cữ làm thư ký. Chợt Thiền sư Hiền Tịch, quận thú thỉnh Thiền sư Từ Minh đến trụ trì. Sư nghe Từ Minh luận nói, phần nhiều chê các nơi mỗi điều đều thuộc tà giải. Chính chỗ Sư được mật chỉ ở Phần Đàm cũng bị loại bỏ. Sư vào thất Từ Minh thưa hỏi:
- Huệ Nam do tối dốt, trông đạo mà chưa thấy, giờ tham thiền khi hôm nghe thầy dạy như người đi lạc đường xe chỉ nam. Cúi xin Hòa thượng đại từ bố thí pháp, khiến cho con dứt hết nghi ngờ.
Từ Minh cười bảo:
- Thư ký đã lãnh đồ chúng và đi du phương nổi tiếng khắp tùng lâm, nếu còn nghi ngờ chẳng cần khổ cầu như vậy, hãy ngồi mà thương lượng.
Từ Minh liền gọi thị giả đem ghế mời Sư ngồi. Sư vẫn từ chối và thành khẩn tha thiết cầu chỉ dạy.
Từ Minh bảo:
- Thư ký học Thiền Vân Môn ắt thông được yếu chỉ ấy. Như nói: “Tha Động Sơn ba gậy”, Động Sơn khi ấy nên đánh hay chẳng nên đánh ?
Sư thưa:
- Nên đánh.
Từ Minh nghiêm nghị bảo:
- Nghe tiếng ba gậy liền cho là nên ăn gậy, vậy ông từ sáng đến chiều nghe chim kêu, trống đánh, tiếng chuông, tiếng bảng v.v… cũng nên ăn gậy. Ăn gậy đến lúc nào mới thôi?
Sư chỉ nhìn sửng mà thôi.
Từ Minh lại bảo:
- Tôi lúc đầu nghi không thể làm thầy ông. Giờ đây đã đủ tư cách làm thầy ông. Ông hãy lễ bái đi!
Sư lễ bái xong đứng dậy.
Từ Minh nhắc lại lời trước:
- Nếu ông hội được ý chỉ Vân Môn thì, Triệu Châu thường nói: “Bà già ở Đài Sơn bị Ta khám phá, thử chỉ ra chỗ khám phá xem!”
Sư mặt nóng hực, mồ hôi xuất hạn không biết đáp thế nào, bị Từ Minh đuổi ra.
Hôm sau, Sư lại vào thất, bị Từ Minh mắng chửi. Sư hổ thẹn, nhìn những người hai bên nói:
- Chính vì chưa hiểu mới cầu quyết nghi, mắng chửi đâu phải qui củ từ bi thí pháp!
Từ Minh cười bảo:
- Đó là mắng chửi sao ?
Ngay câu này, Sư liền đại ngộ.
Trước người bị mắng chửi thì sao ? Nhất là một vị Thư ký đã từng có tiếng tăm rồi! Đây là khiến cho quên cái TA THƯ KÝ kia đi, vượt qua ngôn ngữ âm thanh tốt xấu: “Ông cho đó là mắng chửi sao?” theo đó là theo âm thanh rồi, là đáng bị mắng chửi rồi! Ngay đó, Sư liền sáng tỏ trở lại chính mình. Đó là cách khéo léo tiếp người của Thiền sư Từ Minh.
* THIỀN SƯ QUI TỈNH VỚI PHÁP DIỄN
Pháp Diễn, Nghĩa Hoài cùng hơn mười bảy người đồng đến tham học với Thiền sư Qui Tỉnh ở huyện Diệp. Qui Tỉnh vừa thấy liền trách mắng:
- Bọn ông là tăng dạo chơi châu huyện, đến đây làm gì? Ta đâu có cơm thừa nuôi dưỡng những kẻ nhàn như các ông ư ?
Sư bèn quát mắng đuổi đi. Mọi người không lay động. Sư lại lấy nước lạnh tạt, cả nhóm cũng không giải tán. Sư lấy tro rải lên người. Mọi người giận bỏ đi, chỉ có Hoài và Diễn vẫn ngồi ngay ngắn như cũ. Sư bảo:
- Họ đều bỏ đi hết cả rồi, hai người sao chẳng đi ?
Viễn thưa:
- Chúng con kính mộ đạo đức Hòa thượng đã lâu, chẳng ngại ngàn dặm xa xôi đến đây, há vì một gáo nước, một nắm tro mà vội liền bỏ đi sao ?
Sư bảo:
- Hai người đã thật vì pháp, trong đây còn thiếu điển tọa, ngươi hay làm được chăng ?
Viễn thưa:
- Đệ tử nguyện làm.
Hoài được vào tăng đường.
Một hôm, Sư đi ra ngoài. Thấy chúng ăn uống đạm bạc, Viễn nhân đó nấu bữa cháo ngon (cháo nêm, có gia vị) đãi chúng, cháo chín thì Sư về tới, cùng đến trai đường thọ xong, gọi Tri sự hỏi:
- Hôm nay có thí chủ cúng trai chăng?
Tri sự đáp:
- Dạ, không có.
Hỏi:
- Trong chùa có lễ trai ư?
Thưa:
- Dạ, cũng không có.
Hỏi:
- Như vậy thì cháo này từ đâu có?
Thưa:
- Xin Hòa thượng hỏi Điển tọa.
Lúc đó Pháp Diễn ra thú tội, thưa:
- Con thấy đại chúng sống khô khan, thật là con tự ý làm như thế.
Sư bảo:
- Ông có tâm tốt như thế, đợi sau này ra làm Trụ trì hãy làm chẳng muộn. Nay đâu thể riêng trộm của thường trụ để được nhân tình.
Sư bèn sai Tri sự bán Y của Viễn tính giá bao nhiêu thảy trả về cho thường trụ, rồi đuổi Viễn ra khỏi chúng.
Viễn cầu khẩn mấy phen không được, xoay qua nhờ các vị tôn túc xin hộ, lại bị quở:
- Ta bảo ông chẳng phải người tốt. Ông định đem ngôi vị, thế lực để lấn át ta ư ? Hãy đi nhanh !
Cuối cùng Pháp Viễn chỉ xin được đến dự nghe pháp. Sư chấp nhận.
Viễn đến ở tạm nơi hành lang ngôi chùa nhỏ dưới núi. Một hôm, Thiền sư Qui Tỉnh đi ra ngoài gặp Viễn, liền hỏi:
- Ông ở đây bao lâu rồi?
Viễn thưa:
- Đã nửa năm.
Qui Tỉnh bảo:
- Ông có thể trả tiền phòng của thường trụ chăng?
Viễn thưa:
- Dạ, không có.
Qui Tỉnh bảo:
- Đây là phòng của thường trụ, ông sao dám trộm ở? Hãy mau hoàn lại cho người đi! Chẳng vậy, ta sẽ đi báo quan.
Viễn bèn đi mộ hóa trả lại cho chùa, rồi đến ở trong thành. Mỗi khi thấy Qui Tỉnh, Viễn càng thêm kính trọng, không hề lộ vẻ khó chịu. Lúc đó, Qui Tỉnh về viện bảo trong chúng:
- Huyện Diệp có Cổ Phật, mọi người có biết chăng?
Chúng thưa:
- Cổ Phật là ai ?
Qui Tỉnh bảo:
- Như Viễn Công thật là Cổ Phật đấy!
Chúng bèn sắm hương hoa thỉnh Viễn trở về.
Đây là thử thách mạnh khiến quên cái TA PHÁP DIỄN này, mới tỏ sáng CỔ PHẬT kia, và mới kham được truyền pháp. Còn đem cái TA này mà truyền pháp cho nó thì nguy hiểm! Nó hơn thua, nó đố kỵ, nó tranh giành… Còn đâu là PHÁP ?
* THIỀN SƯ TUỆ HUÂN VỚI VĂN ĐẠO
Văn Đạo nghe tiếng Thiền sư Tuệ Huân bèn trèo non, lội suối tìm đến tham học với Sư nơi một hang động. Văn Đạo thưa:
- Văn Đạo con vốn ngưỡng mộ cao phong của Thầy, một bề đến đây gần gũi, xin Thầy từ bi chỉ dạy cho!
- Lúc đó trời đã tối, Sư nói: Ông hãy ngủ lại đây một đêm đi.
Sáng hôm sau, khi Văn Đạo thức dậy thì Thiền sư Tuệ Huân đã dậy trước, nấu cháo xong. Đến lúc ăn, trong đây không có vật gì khác đưa cho Văn Đạo dùng, thuận tay Sư lấy cái sọ khô múc đấy cháo đưa cho Văn Đạo. Văn Đạo do dự không biết nên nhận hay không. Sư liền bảo:
- Ông không có tâm đạo, chẳng phải vì pháp mà đến. Ông còn đem vọng tình NHƠ SẠCH và YÊU GHÉT mà tiếp vật, làm sao có thể đạt được đạo ? (Tinh Vân Thiền Thoại)