TỪNG BƯỚC AN VUI
Thích Thông Phương
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo PL: 2549 - 2005
III- THƯỜNG PHẢN CHIẾU LẠI MÌNH
Hiểu rõ lẽ thật đó rồi, điều quan trọng nhất là phải ứng dụng thực hành. Tức phải luôn luôn soi sáng lại mình, để thấy rõ mọi chỗ, mọi kẻ hở cái TA len lỏi vào và sống dậy. Phải khám phá trọn vẹn cái TA, không cho có bóng tối để nó ẩn núp. Mình lo chiếu người này, chiếu người nọ mà quên chiếu lại mình là nguy! Là chỉ thấy lỗi người mà quên mất lỗi mình. Nên nhớ mọi sự sai biệt ngăn cách trong cuộc sống này đều từ cái TA mà ra. Thường thấy lại mình để giải tỏa, là sống gần nhau hơn. Hai người ngồi bên nhau mà quên sự có mặt của nhau, là vì sao ? Vì mỗi người đang sống với một cái TA riêng trong đầu: Một người đang nghĩ Đông, một người đang nghĩ Tây. Rồi hai người nằm cạnh nhau, nhưng mỗi người ngó mặt qua một bên, là vì sao ? Vì cái TA che ngăn, không có Ta thì lấy gì chia cách ? Lấy gì mà không thông cảm, không hiểu nhau ?
Vì vậy, người học đạo phải thường soi lại mình, để thấy rõ tướng NGÃ mê lầm của mình mà giải trừ, bào mòn. Có soi lại mình mới thấy rõ chính mình, mới khám phá những điều mình còn dở, còn xấu để gạn lọc, tiến tu, không tự kiêu, ngã mạn.
Hòa thượng Châu Hoằng soạn quyển Truy Môn Sùng Hạnh Lục nêu bày mười hạnh lành của người xuất gia, có vị tăng đến nói với Sư:
- Trong pháp của tôi, một mảy bụi cũng chẳng lập, mười hạnh lành sẽ dùng vào đâu?
Sư bảo:
- Năm uẩn lăng xăng, bốn đại đầy dẫy, sao bảo là không mảy bụi?
Vị tăng nói:
- Nhưng bốn đại vốn không, năm uẩn chẳng phải có.
Sư liền tát cho ông một tát bảo:
- Kẻ học nói như mè, như thóc, chưa đúng, hãy nói lại!
Ông tăng lộ vẻ bực tức, đứng dậy. Sư cười bảo:
- Bụi bặm phủ đầy mặt rồi, sao ông chẳng phủi đi ?
Đây là một kinh nghiệm. Ông tăng này chỉ lo chiếu nơi người, hiểu biết trên chữ nghĩa bên ngoài, thiếu công phu thực tế bên trong, nên bị ngài Châu Hoằng điểm ngay một cái trúng ngay tướng NGÃ nó hiện ra. Lộ bày chỗ thiếu sót công phu tự tỉnh của mình. Đó là khoảng hở cho mình phải hổ thẹn!
Thiền sư Đảnh Châu cùng sa di đi kinh hành trong sân viện, bổng một trận gió nổi dậy, gió trên cậy rơi lả tả xuống đất. Sư khom lưng nhặt từng chiếc lá bỏ vào trong đãy. Sa di ở bên cạnh thưa:
- Bạch thầy! Khỏi phải nhặt, sáng sớm ngày mai chúng con sẽ quét hết.
Sư bảo:
- Chẳng thể nói như thế! Quét, có thể quyết chắc là sạch hết chăng ? Ta nhặt thêm một chiếc lá, là khiến trên đất sạch thêm một phần đó.
Sa di hỏi lại:
- Bạch thầy! Lá rơi nhiều như thế, thầy nhặt trước mặt, sau lưng lại rơi xuống, thầy làm sao nhặt cho xong ?
Sư vừa nhặt vừa bảo:
- Lá rơi không những trên mặt đất, mà còn có lá rơi ở trên đất Tâm ta, ta nhặt lá rơi trên đất Tâm ta, cuối cùng sẽ có lúc nhặt xong. (Tinh Vân Thiền Thoại)
Đây là nhắc nhở mình phải xoay lại nơi mình, để thấy rõ từng chiếc lá trong tâm niệm không sót, đó mới là công phu thiết thực, không phải nói lý suông. Nếu cứ nhằm bên ngoài mà quét, quét đến bao giờ mới hết?
Ngài Trúc Lâm Đại Đầu Đà (Trần Nhân Tông) từng khai thị cho người học: “Đâu chẳng nghe nói: “Ba ngàn pháp môn đồng về tấc vuông, hà sa diệu dụng đều ở nguồn tâm”. Nên nói: Cửa giới, cửa định, cửa tụê, ông không thiếu sót, cần phải phán quán nơi mình. Phàm những tiếng ho, tiếng tằng hắng, nhướng mày chớp mắt, tay cầm, chân đi, ấy là tánh gì? Biết được tánh này, ấy là tâm gì ? Các nhân giả! Ngày tháng dễ dàng qua, mạng người không chờ đợi, sao cam ăn cháo, ăn cơm mà chẳng rõ việc bát, việc muỗng?”.