Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ðời sống trong thiền viện

19/01/201107:13(Xem: 7697)
Ðời sống trong thiền viện

TỪ NỤ ĐẾN HOA

(FROM NOVICE TO MASTER
Thiền sư: Soko Morinaga - Biên dịch: Thuần Bạch Ngọc Bảo
Nhà Xuất Bản: Thanh Niên 2007


Phần hai: TU LUYỆN 

Ðời sống trong thiền viện 

Một ngày bình thường bắt đầu từ lúc 3 giờ sáng với tiếng chuông khua tay và tiếng gọi lớn “Kaijo!” (Thức dậy!) Các vị sư nhẩy ra khỏi giường, lấy một cái bình bằng tre đổ ba ngụm nước vào tay để xúc miệng và rửa mặt. Họ đi vệ sinh, mặc áo tràng lên, rồi vân tập đến thiền đường trong chánh điện. 

Tất cả hành động của mỗi người đều được làm chung với nhau như một nhóm. Khi tiếng chuông đại hồng trong chánh điện đánh lên gọi các vị tăng vân tập, người trưởng nhóm của thiền đường, nơi mà các vị tăng thực sự sống ở đó, rung chuông tay lên và mọi người lần lượt im lặng bước vào. Thời kinh sáng bắt đầu trong chánh điện, kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ. 

Buổi chiều lúc bốn giờ, trong ngày cuối cùng của năm, các vị sư đi một vòng quanh chùa tụng niệm, bắt đầu từ chánh điện và chấm dứt ở nhà bếp, nơi thờ Idaten I daten có thần thông bay vòng quanh trái đất như cái chớp, và vì thế được phong là vị thần đem lại thực phẩm cho những người tu. Nhiều năm trước, khi mới bắt đầu học kinh, tôi lần đầu tiên đã đi vòng cuối năm tụng niệm quanh chùa này. Khi vừa mới xong, Zuigan Roshi bỗng bất ngờ hỏi tôi rằng: “Ngươi dùng tâm gì để tụng kinh?” 

Tôi hoàn toàn sững sờ, không biết phải nói gì có thể làm vui lòng đại sư. Rồi, khi tôi vội vã trả lời một câu có vẻ rất Thiền rằng, “Con tụng kinh mà không dùng tâm nào cả,” tôi đã bị mắng ngay. 

“Ðồ ngu. Tại sao ngươi không tụng kinh trong sự biết ơn là: “Xin cảm tạ đã cho tôi một năm tu tập an lành?” 

Cũng có những lúc khác Lão sư đã quát với tôi là, “Giọng của ngươi run lên là vì ngươi cố làm sao tụng cho thật hay. Ngươi chỉ cần tụng kinh với hết sức mình là đủ rồi.” 

Tụng kinh là một hoạt động đã đưa đến cho tôi vô số lần đụng độ với những quan niệm sai lầm của mình. 

Sau thời kinh buổi sáng, các vị sư trở về thiền đường và khóa tọa thiền bắt đầu. Khi một tiếng chuông đặc biệt được đánh lên, họ bắt đầu đi vào “tham thiền”, tức là đến gặp gỡ riêng tư với thầy. Từng người một, họ lần lượt đi vào đối mặt với lão sư. Những gì xẩy ra ở đó không phải là một cuộc gặp mặt thân thiện giữa hai con người bình đẳng với nhau mà là một cuộc vấn đáp. Mỗi vị sư đều nhận một công án từ thầy của mình, và phải trả lời cho công án đó trong cuộc gặp mặt này. (Một công án là một “vấn đề” rút ra từ pháp ngữ cũng như những hành động của Ðức Thích Ca Mâu Ni Phật và những vị Tổ, có thể làm khai mở sự giác ngộ.) Vị sư phải quán triệt được ý nghĩa thực sự của công án qua công phu tọa thiền, chứ không chỉ qua suy nghĩ lý luận. 

Khi thời tham thiền chấm dứt là đến bữa ăn điểm tâm. Trong suốt bốn năm tôi ở thiền viện, thức ăn chúng tôi dùng chẳng có vẻ gì là thức ăn cả; dần dần những bữa ăn đó mới đổi thành có vẻ truyền thống hơn. Nhưng dù thế bữa cháo của chúng tôi cũng chỉ toàn là bằng những hạt lúa mạch lức tròn, chưa được chà vỏ, không phải là loại lúa mạch đã được hấp và xấy khô thường dùng trong các bữa ăn ở ngoài. Cháo là tiêu biểu cho bữa ăn điểm tâm trong thiền viện, đến nỗi chính chữ điểm tâm được đặt ra từ tên của món thực phẩm này. 

Không cần biết hạt lúa mạch lức này được đun lâu tới đâu, nước cháo cũng chẳng đặc được tí nào, thế nên cuối cùng là món cháo này chỉ lõng bõng toàn là nước muối với những hạt lúa mạch lặn ở dưới đáy. Ngoài món cháo này ra, trong suốt ba năm, chúng tôi không được ăn gì khác ngoài hai miếng dưa mặn chát mà chúng tôi gọi là “dưa bất tận”. Chúng tôi sẽ cẩn thận mút cái mặn ra khỏi hai miếng dưa ấy khi ăn, hay có thể gọi là uống, ba bát cháo ấy. 

Người ta thường nói rằng những vị thiền tăng ăn dưa muối mà không phát ra tiếng nào, nhưng thực sự là những miếng dưa chúng tôi ăn đó chẳng dòn gì cả. Cho dù có cố cẩn thận và dè dặt liếm miếng dưa đó thật lâu đến thế nào, miếng dưa cũng sẵn sàng tan ngay ra và trôi xuống cổ họng. 

Thật sự như vậy, không chỉ trong vấn đề ăn dưa muối, mà trong tất cả những hoạt động ở phòng ăn … dơ đũa lên xuống, cầm bát lên và đặt bát xuống, húp miếng cháo nóng bỏng … không có cái gì là gây ra tiếng động. Không thể nào có sự thì thầm nói chuyện, tất cả các hành động đều được làm trong những cử chỉ đã được định sẵn và theo tiếng đập của chiếc mõ gỗ. Phòng ăn, cùng với phòng tắm và cầu tiêu, được coi như là ba nơi im lặng, ở đó bắt buộc phải giữ yên lặng thật nghiêm nghặt. Dĩ nhiên, không cần phải nói là, thiền đường cũng luôn luôn thật là im lặng. 

Tất cả những học tăng mới chung sống với nhau hai mươi bốn tiếng mỗi ngày, mỗi người có chỗ chỉ định chỉ rộng khoảng một chiếu tatami, trong gian thiền đường rộng lớn trống trơn, không có một vách ngăn, cho nên không có chỗ nào hay lúc nào có thể riêng tư được. Do đó, cơ hội duy nhất để có thể hoàn toàn riêng tư một mình là ở trong cầu tiêu, và vì thế bắt các vị sư phải giữ im lặng ngay cả ở nơi chốn đó, cũng là một cách để thúc cho họ tiếp tục giữ chánh niệm không ngưng nghỉ. 

Ngày tắm rửa trong thiền viện là những ngày có số 4, hay 9 trong tháng. Các vị sư không chỉ tắm rửa mà còn giặt đồ, vá quần áo, và đi lo những công chuyện cần giải quyết. Tóm lại là họ chỉ tắm một lần mỗi năm ngày thôi. 

Dù có là ai đi chăng nữa, nếu một người phải dậy sớm tinh mơ và đi ngủ trễ, tọa thiền rồi đi lao tác mỗi ngày, thì bước vào trong bồn tắm là một cái thú thần tiên giống như là lên thiên đàng vậy. Tinh thần của ông ta sẽ lên cao độ mặc dù ông không muốn như vậy. Vì lý do đó, phòng tắm cũng là một trong ba nơi chốn phải im lặng. 

Nhưng chúng ta hãy trở lại với phòng ăn. Ðiều quan trọng phải giữ giới luật im lặng trong lúc ăn là bởi vì dù thức ăn có dở đến thế nào chăng nữa, tâm của một vị tăng cũng dễ đi lan man trong lúc đó. Thật vậy, tôi còn dám nói là thức ăn càng dở bao nhiêu, tâm lại càng dễ đi lang thang bấy nhiêu. 

Sau bữa điểm tâm, các vị sư lau dọn bên trong và bên ngoài thiền đường trước khi đi ra ngoài khất thực vào lúc quá bẩy giờ. Những ngày khất thực xen kẽ với những ngày giảng pháp của thầy, nên nếu thầy giảng vào ngày thứ hai, thứ năm, thứ bẩy và thứ mười trong tháng, thì ngày khất thực sẽ là ngày thứ nhất, thứ ba, thứ sáu và thứ tám. Vì ở Kyoto có đến bẩy thiền viện, nên chương trình được sắp xếp để các vị sư trong khu vực gần nhau không đi khất thực trùng một ngày. 

Quanh năm, các vị sư lê gót đi khất thực qua những nẻo đường của thành phố, đôi chân trần trụi bao trong những đôi dép rơm. Họ không được phép đứng ở ngưỡng cửa các nhà họ đi ngang qua, nhưng họ thường đi thành từng nhóm ba người và đi theo hàng một, cách nhau khoảng ba mươi mét, vừa đi vừa hô to lên “HO”. 

Những căn nhà ở Kyoto thường nhỏ hẹp, sâu vào trong và sát với nhau, trông giống như một hàng lươn. Tôi được một vị sư lớn tuổi hơn dạy là phải đi cách xa nhau đủ để bà chủ nhà nếu đang ở ngoài sân sau phơi quần áo có nghe tiếng “Ho!” đầu tiên của vị sư đi đầu sẽ có thì giờ để mà lau tay, đi kiếm ít tiền lẻ hay bới ít cơm ra cửa trước kịp lúc vị sư thứ ba đi sau cùng vừa mới tới nơi. 

Hiện tại chúng ta đang sống trong một thời đại dư thừa, một thời đại mà không có gì khó khăn khi nhận được tiền và đồ cúng dường của thí chủ. Nhưng trong thời kỳ vừa sau cuộc thua trận Thế Chiến của chúng tôi, hầu như tất cả các vị sư đều rất ngại ngùng khi phải làm việc này. Ngay chính tôi cũng cảm thấy thật khó khăn khi phải thản nhiên mà cúi đầu xuống nhận một ít tiền lẻ của thí chủ. 

Khu vực đèn đỏ -- còn được gọi một cách văn hoa là xóm hoa -- vẫn còn tồn tại trong những ngày ấy, và có một hôm, khi chúng tôi đang đi khất thực qua khu ấy, từ trên lầu hai, một cô gái làng chơi với khách của cô ta đã ném xuống vài đồng xu cho chúng tôi. Một vị sư trẻ vừa tốt nghiệp đại học và nhập chúng trong thiền viện đã bắt lấy mấy đồng xu ấy không suy nghĩ và dợm ném trả lại. Khi trở về chùa, ông ta bị sư huynh mắng một trận nên thân, và được nhắc nhở thật rành mạch về ý nghĩa hai mặt của sự đi khất thực. Một mặt, đó là sự tập luyện hạnh nhẫn nhục; một mặt khác, đi khất thực là để gieo duyên cho người khác xả đi cái tâm tham của họ. Thực hành khất thực đem lại lợi ích cho bản thân cũng như cho người khác, tự lợi và lợi tha, như hai bánh xe trong một cái xe, và vị sư trẻ đó đã được dạy cho rằng ông ta đã hoàn toàn hành động một cách không cẩn trọng. 

Tôi đã nghe được lúc vị sư này bị mắng, và những lời răn dạy ấy đã làm tôi xúc động sâu xa. Tôi chợt nghĩ ra rằng cái chữ “Ho!” mà chúng tôi kêu to lên ấy có nghĩa là “Pháp” và khi chúng tôi khất thực là đang đi trên một con đường truyền bá Pháp Phật cho khắp thế gian. Từ đó tôi sửa soạn đi khất thực trong tâm niệm là tôi đang làm khu vực đó được thanh tịnh với tiếng “Ho” của tôi vang xa, y như là tôi đang là một cái máy hút bụi khổng lồ vậy. Một ngày kia khi đến thăm thầy tôi, Ðại sư Zuigan, tôi chợt nói ra ý tưởng này, và nhận lãnh một trận quát tháo như sấm sét. 

“Ðồ ngu!” Ngài hét. “Ðừng có tự mê hoặc mình. Chữ “Ho!” mà người hô lên đó là tượng trưng cho bình bát ngươi mang để nhận đồ bố thí đó. Ðừng có thắc mắc ai đang làm gì, vì lý do gì hay là ai đang nhận gì, hay bất cứ một cái gì khác. Chỉ cứ đi ra khất thực mà không tìm kiếm gì cả, cũng như nước trôi đi vậy, hay là như đám mây bay theo gió vậy thôi.” 

Thế là lại thêm một ý tưởng ngu si của tôi đã bị dập tắt. Trong quãng đời tu tập đôi khi người ta dễ bị lạc hướng qua muôn ngõ ngách quanh co của những ấn tượng méo mó chủ quan. 

Khi những vị sư đi khất thực trở về rồi, khoảng sau 10 giờ sáng, là đến giờ ăn trưa. Bữa ăn trưa này gồm có cơm lúa mạch, súp miso với rau, và hai củ cải muối. Có thể nói một phần cơm là để độn vào với chín phần hạt lúa mạch lức. Sau khi hỗn hợp này được đun lên cho tới mức nhừ nhất có thể được, nó lại được nghiền thêm bằng một cái môi múc cơm để cho hột lúa mạch dẻo ra thêm một chút. Nếu không nghiền ra, lúa mạch sẽ vẫn cứng và rất khó ăn. Ðến bữa tối, đồ ăn dư từ bữa trưa còn lại được pha trộn vào nhau thành một món hổ lốn. Nếu các vị sư ăn cơm độn lúa mạch nhiều quá trong bữa trưa, nước sẽ được đổ thêm vào trong món hổ lốn này, làm thành một món hỗn hợp thật là lõng bõng. 

Sau bữa ăn trưa là phần lao động, được gọi là samu. Công việc phải làm là làm vườn rau, tỉa cây cảnh, nhổ cỏ dại, và chẻ củi. Công việc lao động được nhấn mạnh đặc biệt trong đời sống thiền viện, và những vị sư thường xuyên được cảnh cáo là không nên phán xét công việc đó trong những giá trị tương đối của chúng mà chỉ là buông bỏ hết mọi phân tích lý luận và lo làm công việc đó hết mình. 

Thiền sư Bá Trượng, thời xưa ở Trung Hoa từ năm 720-814, là người đã có công thiết lập tiêu chuẩn luật lệ phải theo trong những thiền viện. Ðại sư Bá Trượng vẫn tiếp tục làm việc dù cho ngài đã đến tuổi tám mươi. Khi các đệ tử của ngài, vì quan tâm đến sức khỏe của thầy, đã dấu những dụng cụ của ngài đi, Bá Trượng bắt buộc phải thôi làm việc. Nhưng cùng lúc ấy, ngài cũng thôi không ăn. Khi các đệ tử van xin ngài hãy ăn uống, ngài đã trả lời họ với những lời nói vẫn còn nổi tiếng cho đến ngày nay: “Ngày nào không làm là ngày ấy không ăn.” 

Có một lần, khi tôi kể lại chuyện này cho một đệ tử, anh ta đã nhận xét rằng, “À ra thế đấy. Người nào không làm việc thì không được ăn, có phải vậy không thầy?” 

Nếu xét hai câu nói này của Bá Trượng và của người đệ tử kia, thoạt nhìn thì có vẻ giống nhau, nhưng thực ra là khác hoàn toàn. Cái khác biệt giữa sự đối mặt với một người và ra lệnh rằng, “Người nào không làm là không được ăn,” với câu tự nói với chính mình, “Nếu tôi không làm, tôi sẽ không có ăn,” là khác biệt với nhau một trời một vực. Câu nói trước mang một vẻ khiêu khích và có tính cách tranh cãi, trong khi câu nói sau là một nhận định thật sâu sắc từ trong nội tâm mà ra. 

Sau thời lao tác và bữa ăn tối “có dược tính” của món hổ lốn (chữ bữa ăn chính đúng ra được viết theo chữ Nhật là “dược thạch”), các vị sư đi vào trong thiền đường và tọa thiền ở đó cho đến chín giờ tối. Trong khoảng thời gian này, họ cũng có một buổi tham thiền chính thức với thầy nữa. Ðến chín giờ tối, lại có một thời tụng kinh đặc biệt trước khi đến “giờ đi ngủ”, một chữ dùng có ý nghĩa là “hết áp dụng luật lệ (cho ngày hôm đó)”. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là khi thời tụng kinh đã chấm dứt và đèn đuốc đã tắt hết, mọi người đều đi ngủ ngay. Khi tiếng tụng kinh vừa xong, vị sư trưởng rung chuông lên rồi, các học tăng nhanh chóng cởi áo tràng ra, lấy chăn gối từ kệ xuống, rồi chui vào giường ngủ một cách trật tự, đó là, tạm thời thì có vẻ như vậy. 

Chắc bạn chưa bao giờ có dịp được thấy bên trong một thiền đường ra sao, nhưng bạn có thể tưởng tượng đó như là một trại lính vậy. Tôi đã từng nghe nói khi phái Thiền tông muốn xây dựng một thiền đường, họ trông vào trại lính làm gương mẫu. Dọc mỗi bên thiền đường là một hàng dài chiếu tatami, mỗi học tăng được chỉ định một chiếu để tọa thiền, ngủ, và sống ở trong đó. Ở giữa hai hàng chiếu là một lối đi lát gạch theo kiểu Trung Hoa. 

Chăn chiếu chỉ gồm có một cái nệm futon, được xếp làm hai và dùng vừa để nằm, vừa để đắp, còn được gọi là “nệm futon lá sồi”, vì vị tăng nằm gọn trong cái futon đó giống như một chiếc bánh nếp nhân đậu gói gọn lỏn trong một chiếc lá sồi. Vị tăng nào quen nằm với tấm nệm như vậy sẽ quấn mình trong đó thật khéo như một miếng cơm quấn rong biển, và sẽ thấy ấm áp vô cùng. Bất cứ lúc nào, dù mùa hè hay mùa đông, tấm nệm duy nhất này cũng được dùng làm chăn chiếu cho người học tăng. 

Vừa khi vị sư trưởng phụ trách thiền đường, với cây gậy trong tay gọi là keisaku đã đi kiểm soát xong xuôi những hàng người quấn mền như quấn rong biển, đèn sẽ tắt và vị sư trưởng sẽ rời khỏi thiền đường. Ngay lúc đó, mọi người đồng loạt chui ra khỏi giường và lại mặc áo tràng vào, tọa cụ ôm trong tay, đi ra ngoài tìm một chỗ trống dưới mái hiên chính điện hay trên bia một ngôi mộ nào đó, ai có chỗ nấy, và bắt đầu tọa thiền ban đêm. 

Tôi thường hay chọn một mộ bia nào có nền cao nhất để ngồi thiền ban đêm. Tôi đã thật sự tin tưởng một cách trẻ con rằng ngồi ngất ngưởng trên một tảng đá cao-- rõ ràng là một chỗ nguy hiểm nếu lỡ ngủ gục sẽ khiến cho tôi không dám ngủ gục. 

Cho đến chín giờ tối, tất cả mọi người đều ngồi thiền chung với nhau trong thiền đường. Rồi sau đó, khi luật lệ trong ngày chấm dứt, mọi người đều tự nguyện ngồi thiền riêng. Ðối với một học tăng mới đến trong thiền viện, những thông lệ này thật là quá cam go . Tuy nhiên, sau một thời gian, tôi bắt đầu nhận thấy rằng hành thiền ban đêm như vậy là thực sự có lợi ích. 

Cũng tựa như mỗi người đều có một nét mặt riêng biệt, hoàn cảnh của mỗi người cũng hoàn toàn đặc thù cho người ấy, cho nên trong thế gian này có vô lượng hoàn cảnh riêng biệt khác nhau. Cái tâm nguyên thủy mà mỗi người chúng ta đều sẵn có từ khi sinh ra là một điều vi diệu vô cùng, nhưng những ấn tượng huân tập từ các kinh nghiệm trong đời và kiến thức thâu thập đều khác nhau với mỗi người. Vì thế, sau khi những ngọn đèn đã tắt, để ra một thời gian cho mỗi người ngồi thiền riêng là sự cần thiết. 

Theo thứ tự thâm niên, những vị sư trở lại thiền đường đi ngủ, và điều đó có nghĩa là người nào mới nhất trong các vị sư thường chỉ đi ngủ khi đã tới nửa đêm. Và như thế, ngay cả trong những ngày bình thường, họ cũng chỉ có được ba tiếng đồng hồ để ngủ. Vốn sẵn yếu đuối, tôi luôn luôn cảm thấy như mình ngất đi hơn là ngủ đi. Hơn thế nữa, trong thời gian một tuần chuyên tu gọi là tiếp tâm (sesshin), giờ ngủ lại còn bị cắt xén thêm nữa. 

Miêu tả những thông lệ này trong thiền đường có lẽ sẽ vẽ lên một lối sống cực kỳ khắc khổ, nhưng trong thời kỳ mà con người còn đang tràn trề sức sống và năng lực, sẽ không thể nào đạt được sự định tâm trong tọa thiền nếu ta ngủ bất cứ lúc nào muốn ngủ và ăn bất cứ lúc nào muốn ăn. Cũng trong ý nghĩa đó, những thực phẩm chay lạt cũng giúp cho tâm được yên tịnh phần nào, và tôi tin rằng đó cũng là điều cần thiết. 

Trong đời sống thiền viện, sự sở hữu riêng tư được giới hạn nghiêm ngặt. Những vị sư sống trong sự giản tiện tối đa những đồ dùng cần thiết: chỉ có một tấm khố, áo trong bằng vải bông, khăn buộc bụng, và áo kimono một lớp. 

Ngay cả trong mùa đông, cũng không có áo kimono dầy hoặc hai lớp để mặc. Chính tôi cũng không bao giờ có được một cái áo lót cho đến khi tới trên ba mươi tuổi. Về mùa đông, áo ngoài mặc dầy hơn một chút, nhưng áo trong cũng vẫn mỏng, áo kimono cũng chỉ có một lớp, và rồi đến áo tràng, vì vậy chỗ duy nhất trên thân mình mà không bị gió trực tiếp thổi vào là khu vực ở giữa bụng được quấn khăn chặt . Chúng tôi gần như là trần trụi, với hầu hết thân thể tiếp xúc trực tiếp với không khí ở ngoài. Lúc cảm thấy buốt giá nhất là về buổi sáng tinh mơ khi bị dựng dậy khỏi giường, trong bóng đêm tê tái của mùa đông, khi đó người tăng sĩ vội vàng ướp lạnh thân mình … bởi vì khi toàn bộ thân mình đã lạnh hết rồi, thì không còn cảm thấy lạnh nữa. Tôi thấy rằng, tọa thiền trong mùa đông là thật sự biết đến cái không khí lạnh, cảm thấy nó đi vào qua cửa tay áo để được thân sưởi ấm một chút, xong lại truyền lên ngực, dâng lên tới cầm như một giòng lưu chuyển ấm áp dần. 

Bất kỳ mùa nào cũng vậy, những vị sư chỉ đi vớ trong những dịp lễ đặc biệt. Cái quai của đôi guốc gỗ làm bằng lát tre đan lại, cũng như những dây của đôi dép rơm mà họ đi đã cọ xát và làm cho da chân của họ dầy lên, vì thế da chân của một vị sư còn dầy hơn là gót chân của một người thường. 

Sống một cuộc đời thiếu thốn như vậy, buồn ngủ là một căn bệnh kinh niên, và dạ dầy cũng đói quanh năm suốt tháng. Ngay cả một người có lòng ham muốn thật nhiều cũng chỉ còn đơn giản một ước muốn thèm được ăn, và ngủ nhiều hơn. 

Những bà già thường đặc biệt cúi chào kính cẩn khi thấy chúng tôi chân trần đi những đôi dép rơm ra ngoài khất thực trong đường phố lạnh giá mùa đông. Tuy nhiên, phải nói rằng, sau thời gian chừng hơn một năm, hầu hết các vị tăng cũng quen với đời sống thiền viện, và những cực khổ vật chất không còn có ảnh hưởng mấy nữa. Thật ra phương diện khổ tâm nhất trong sự tu tập không phải là sự cực khổ thân xác mà là cái khổ tinh thần trong những lần đối đầu riêng tư với thầy. Cái khổ này chắc chắn là sau một năm cũng không biến đi đâu được. 

Trọng tâm của mỗi lần gập gỡ riêng với thầy là sự trình bầy kiến giải của người đệ tử về công án. Ðể thí dụ, tôi xin dùng một trong những công án nổi tiếng nhất, “Hãy chỉ cho tôi thấy bộ mặt bản lai trước khi cha mẹ anh sinh ra,” Nói cách khác, công án này hỏi là, “Cái gì là bản thể chân thật của anh trước khi được cha mẹ sinh ra?” 

Một vài người trong số các bạn sẽ cho những câu hỏi loại này là vô nghĩa, nhưng vị sư được giao cho công án này -- biết là thế nào ông ta cũng phải đưa ra một câu trả lời cho thầy sáng ngày hôm sau -- sẽ bắt buộc phải làm việc với công án đó như là chuyện sống chết vậy. Sự tham khán đến cùng cực công án ấy khiến điều đầu tiên ông ta nhận ra là, trong khi thân vật chất này được sinh ra từ cha mẹ, sự sống đang được tiếp tục một cách vô hạn định. Không đứa trẻ nào được sinh ra sau khi cha mẹ nó đã chết rồi. Bị mê hoặc với cái chết của thân xác, chúng ta phân biệt ra -- đời sống của cha mẹ, đời sống của đứa con, đời sống của tôi, đời sống của anh -- nhưng trên thực tế, dù cho chúng ta có đi trở ngược lại quá khứ không ngừng, đời sống mà chúng ta đang sống hiện tại là một sự tiếp diễn vô hạn, không thể định rõ được đâu là điểm khởi đầu của nó. Bằng sự lý luận, chúng ta cũng có thể hiểu được điều này. 

Nhưng hơn thế nữa, chức năng lớn của đời sống chính là chức năng của tâm. Nếu dùng lý trí thuần túy để nghĩ đến điều này, ta sẽ tự hỏi rằng: “đi vượt ra khỏi cái mà ta gọi là “cái ta”, cái gì là bản chất làm nên sự sống vô hạn định? Ði vượt ra khỏi cái ta mà chúng ta phân biệt dựa trên những sự khác nhau nhỏ nhặt như: khác nhau về nét mặt, về cá tính, khả năng … cái gì là cái ta nguyên thủy, thực sự thường hằng? Dần dần rồi tất cả mọi người, ít nhất, cũng nhận ra được đây chính là câu hỏi của công án. 

Nhưng dù người thiền sinh có biết được tới đó, ông ta vẫn còn phải gặp rất nhiều khó khăn trước khi có thể nói với lão sư rằng, “Ðây chính là bộ mặt bản lai của tôi.” Gần như bao giờ cũng vậy, ông ta sẽ bắt đầu bằng cách đưa ra đủ mọi lý luận trống rỗng. Vị thầy, lúc đầu, sẽ yên lặng lắng nghe xong rồi rung chuông lên, ám chỉ cuộc tham thiền đã chấm dứt và người kế tiếp phải đi vào. 

Dần dần, qua một thời gian, vị thầy sẽ quát lớn lên, “Ta không cần nghe giải thích gì cả! Bỏ hết những lý thuyết đó đi và chỉ cho ta bộ mặt bản lai của ngươi như thế nào!” Người học tăng rốt cuộc sẽ cảm thấy như muốn phát khùng. 

Những vị sư không tụ tập một chỗ đợi chờ đến phiên mình để trả lời câu hỏi về Thiền theo thứ tự nối tiếp nhau, “Rồi, bây giờ đến người kế tiếp”. Thực tế là, khi đến giờ tham thiền, vị tăng phụ trách sẽ đem một cái chuông nhỏ ra một nơi giữa chừng của thiền đường và phòng tham thiền của thầy rồi để ở đấy. Lão sư, cầm một cây gậy dầy gọi là “trúc bề” (shippei), đã chờ đợi sẵn sàng trong phòng. Khi chuông rung, những vị tăng đang ngồi tọa thiền sẽ phải bước ra ngoài thiền đường, sắp hàng trước cái chuông, và chờ đợi đến phiên của họ. Khi lão sư ra hiệu, những vị sư, lần lượt từng người một, sẽ đến rung chuông để báo trước họ sẽ bước vào phòng tham thiền. 

Một khi vào trong phòng lão sư rồi, thầy với trò hoàn toàn một mình trong đó, sẽ trao đổi một cuộc đối thoại Thiền. Không ai có thể nghe được cuộc đối thoại này. Khi lão sư quyết định chấm dứt buổi họp, ngài sẽ rung chuông tay lên và học tăng cúi đầu vái chào rồi lui ra, chạm trán trên đường đi với người kế tiếp đang vào gặp thầy. 

Sự gặp gỡ riêng tư nay với thầy diễn ra hai lần trong ngày, buổi sáng và buổi tối trong những ngày thường, và ba lần một ngày trong tuần lễ chuyên tu. Ngoài ra, có một khoảng thời gian tu tập đặc biệt gắt gao gọi là “tiếp tâm lạp bát” (Rohatsu O-sesshin), diễn ra một lần trong năm, từ ngày mồng một tháng chạp suốt cho đến rạng ngày 8 tháng chạp, khi gà bắt đầu gáy sáng mới chấm dứt. Tuần lễ huân tu ráo riết này để kỷ niệm ngày thành đạo của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc ngôi sao mai xuất hiện trong rạng sáng ngày mùng 8 tháng chạp. Trong tuần lễ này, không ai được nằm xuống ngủ, và thời tham thiền với thầy tăng lên bốn lần trong ngày. 

Bao nhiêu lý luận cũng không thể giúp người học tăng có thể thông qua công án được. Và khi không còn lý luận nào đem ra nữa, nghe tiếng chuông rung vào gặp thầy, ông ta sẽ cảm thấy không muốn rời khỏi thiền đường chút nào. Trong những ngày thường, học tăng có thể được phép bỏ bữa tham thiền đó và chí tâm tiếp tục tọa thiền. Nhưng trong tuần lễ chuyên tu, hai hay ba vị sư huynh tiền bối sẽ xuất hiện như những hung thần, lôi cổ người học tăng đó ra khỏi gối thiền và bắt phải đi gặp thầy. Học tăng không thể nào tránh vào gặp thầy chỉ bởi vì ông ta không có câu trả lời cho công án được. 

Nếu nhìn vào những cột nhà giữa thiền đường và phòng tham thiền, ta sẽ thấy vô số những vết trầy. Ðó là những dấu vết ấn chứng sự tuyệt vọng của những vị tăng không có câu trả lời cho công án đã cố bám vào cột khi họ bị những sư huynh lôi đi vào phòng tham thiền. Có nhiều khi, vị tăng nào kiên quyết bám dính vào cột sẽ bị gậy đánh vào tay. Sự đau đớn sẽ làm ông ta phải buông tay ra và bị kéo đi đến gặp thầy. 

Vị tăng nào đến gập thầy mà im lặng, không có câu trả lời, thế nào cũng nghe thầy quát lớn, “Ngươi làm gì ở đây nếu không có gì để nói?” và rồi sẽ bị đánh với cây gậy dầy của thầy. Bị tấn công từ mọi mặt, vị tăng biết rằng nếu ông có thoát được kỳ này, cũng sẽ có kỳ khác chỉ trong vài tiếng nữa thôi, vào buổi tối, hay buổi sáng tinh mơ hôm sau. Dù có lười biếng hay khôn lanh đến đâu, vị tăng cũng sẽ bị dồn vào thế kẹt mà ông sẽ không thể tìm cách thoát ra được bằng những cách vá víu tạm thời. (Sự tu luyện kiểu này đặc biệt được dùng trong các thiền viện Lâm Tế, đối nghịch với cách tu của thiền viện Tào Ðộng.) 

Kết quả của sự tu luyện này là, tôi thường mơ thấy mình được giác ngộ khi ở trong thiền đường. Tỉnh dậy, phần nhiều tôi hay thấy là kinh nghiệm giấc mơ ấy chẳng có gì đáng kể và không có ích lợi gì. Tuy nhiên, có những lần, kinh nghiệm giác ngộ trong mơ kéo dài ngay cả khi tôi đã tỉnh dậy. Có vài ba lần khi xẩy ra như vậy, tôi đã đi gặp thầy trong sự hứng khởi, và được thông qua công án. 

Hàng đêm, khi cuối cùng được quấn mình trong tấm mền lá sồi, thay vì ngủ, tôi thiếp đi trong một cơn mê mệt, để rồi một lúc sau đã bị đánh thức cho một ngày mới. Nhưng mỗi lần rơi vào trạng thái mê mệt này, công án vẫn là cái sau cùng còn lại trong ý thức của tôi. Tuy thân tôi ngủ, nhưng trong tiềm thức vẫn chờn vờn cái viễn tượng phải đối diện với thầy vào sáng sớm hôm sau, cảm giác bị tra hỏi vẫn tiếp tục tồn tại, và câu “Bộ mặt bản lai... bộ mặt bản lai...” vẫn vang vọng ngay cả trong giấc mơ. 

Rồi, mỗi buổi sáng khi vị tăng có nhiệm vụ đánh thức chạy ngang qua thiền đường, rung chuông lên và hô lớn, “Thức dậy! Thức dậy!”; nghe tiếng gọi đó, ngay cả khi còn chưa ra khỏi cơn ngái ngủ, cái cảm giác bị tra hỏi, “Bộ mặt bản lai” đã sẵn sàng ở đó rồi. Ý thức về câu hỏi nan giải trong tâm sẽ thức dậy trước, rồi mới đến ý thức chung. Nghe thì có vẻ khó tin, nhưng đó là kinh nghiệm tu tập của tôi ở chùa Ðại Ðức. 



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/01/2021(Xem: 6365)
Chúng ta đã quen với thể loại thơ Thiền sáng tác nhiều thế kỷ trước từ các ngài Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sỹ, Hương Hải… Hay gần đây như với thơ của các ngài Nhất Hạnh, Mãn Giác, Tuệ Sỹ, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Ni Trưởng Trí Hải… Đó là nói cho chặt chẽ. Nếu nói cho nới rộng hơn, thơ Thiền cũng là Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Trịnh Công Sơn… Mỗi thời đại đều có những nét riêng, mỗi tác giả cũng là một thế giới độc đáo. Mặt khác, thơ Thiền mỗi quốc độ cũng khác. Trong khi phần lớn thơ Thiền Nhật Bản cô đọng với thể haiku, thơ Thiền Trung Hoa có nhiều bài hùng mạnh như tiếng sư tử hống, như với Chứng Đạo Ca của ngài Huyền Giác, hay Tín Tâm Minh của ngài Tăng Xán. Không ngộ được tự tâm, sẽ không có văn phong đầy sức mạnh như thế. Nơi đây, chúng ta nêu câu hỏi: Làn gió Thiền Tông đã ảnh hưởng vào thơ Hoa Kỳ ra sao? Và sẽ giới thiệu về bốn nhà thơ.
28/01/2021(Xem: 6392)
Mọi người đều biết câu chuyện Xá Lợi Phất thăm Cấp Cô Độc khi bị bịnh nặng và giảng cho Cấp Cô Độc bài pháp về quán chiếu, khi thiền trong Tứ Niệm Xứ mà chữa bịnh cho Cấp Cô Độc. Quán về Phật pháp tăng, 18 giới gồm 6 căn 6 trần 6 thức, rồi quán về 7 đại: đất nước gió lửa không kiến thức, quán về thời gian không gian và cuối cùng là quán về 5 uẩn. Cấp Cô Độc nghe xong hết bịnh. Cũng câu chuyện như vậy, nhưng nó khác đi chi tiết là lúc về già sắp mất: Xá Lợi Phất khai thị Cấp Cô Độc chú trọng về 5 uẩn, hãy trả 5 uẩn về lại cho 5 uẩn khi duyên hội tụ đã hết. Hãy trả Pháp về lại cho Pháp. Và Cấp Cô Độc chết thành A la hán vì đã ngộ được đạo về cõi trời.
28/01/2021(Xem: 5534)
Chùa Thiếu Lâm Tự mở ra khóa ngồi thiền cho 18 vị tu thành A la Hán. Khoá tu này trong 30 ngày ngồi trong tịnh thất suốt ngày đêm. Vị chủ trì là Hòa thượng trụ trì của Thiếu Lâm Tự. Thời bấy giờ là mùa xuân, cảnh đẹp hoa nở và thời tiết ấm áp. Mọi thiền sinh miệt mài tập trung thiền định đạt được 30 ngày miên mật thì bỗng xảy ra tiếng nói vọng vào từ ngoài cửa. Giọng nói đầy êm dịu thanh thoát và trong trẻo của một cô gái. Mỗi tiếng phát âm đi sâu vào tim người nghe một cảm giác êm dịu nhẹ nhàng như vuốt ve trái tim của con người.
27/01/2021(Xem: 3864)
Kính thưa quý đọc giả, tôi đột nhiên thấy được quyển sách với nhan đề “Khéo Dùng Cái Tâm” do Hội Phật Học Bát Nhã biên soạn, liền mượn về ngay để nghiên cứu. Tôi sở dĩ nghiên cứu tác phẩm này là do chủ đề “Khéo Dùng Cái Tâm” lôi cuốn tư tưởng của tôi. Chủ đề rất hấp dẫn khiến tôi tò mò không biết nội dung trong đó nói gì đành phải bỏ hết thời gian để đọc cho xong. Toàn bộ quyển sách chỉ nói về Ma Nhập, nhưng quý đọc giả cần phải đọc qua để biết Ma Nhập quan hệ như thế nào đối với con người chúng ta, đồng thời cần phải tỏ tường để tránh né và đối trị.
27/01/2021(Xem: 3961)
Đức Phật ngồi thiền 49 ngày dưới cội Bồ Đề mới ngộ được đạo tìm được đường giải thoát cho chúng sinh khỏi sinh tử luân hồi. Từ đó đến nay trên 2000 năm biết bao nhiêu cách tọa thiền, đi thiền, nằm thiền, trà thiền, tất cả quá nhiều phương pháp đường lối. Từ Nguyên thủy đến Đại thừa, có rất nhiều đường lối thiền.
27/01/2021(Xem: 4736)
Khi Đức Phật cố gắng ra được bìa rừng với thân đói rét gầy xương do tu khổ hạnh lâu ngày. Ngài kiệt sức và được cô bé chăn bò Cát Tường cho uống bát sữa, Người mới bảo cùng 5 anh em Kiều Trần Như rằng tu khổ hạnh diệt thân này là sai lầm không thể đạt được giác ngộ. 5 anh em Kiều Trần Như có người chế nhạo Đức Phật là con vua hoàng tử sống sung sướng nên không chịu nổi tu khổ hạnh. Riêng người anh cả bảo không phải vậy. Đức Phật chia tay với 5 anh em Kiều Trần Như và hẹn khi nào đạt được giác ngộ sẽ giảng ưu tiên cho 5 anh em.
25/01/2021(Xem: 4748)
Phật Giáo có mặt ở Mỹ vào giữa thế kỷ thứ 19, qua giới trí thức văn nghệ sĩ và các di dân từ Trung Hoa và Nhật Bản. Nhưng phải đợi đến đầu thế kỷ 20, khi học giả và thiền sư người Nhật Daisetsu Teitaro Suzuki viết sách bằng tiếng Anh truyền bá Thiền Tông tại Mỹ thì mới làm cho Thiền Phật Giáo thành món ăn tinh thần đặc biệt và hấp dẫn không những với người Mỹ mà còn với cả thế giới Tây Phương.
25/01/2021(Xem: 5124)
Ngày nay, vấn đề kỳ thị chủng tộc, giai cấp, giới tính được con người quan tâm và tranh đấu quyết liệt hơn bao giờ hết. Có lẽ một phần là do sự văn minh tiến bộ của xã hội đã giúp mở rộng nhận thức và tâm thức con người đối với những vấn đề xã hội như thế. Trong đó không thể không nói đến nhiều đóng góp của các phong trào dân quyền, nhân quyền, bình quyền, nữ quyền, v.v… trên thế giới từ vài thế kỷ qua đã xây dựng những nền tảng về lý thuyết và thực hành cho công cuộc đấu tranh đòi quyền sống và bình đẳng cho từng cá nhân trong cộng đồng xã hội.
22/01/2021(Xem: 5268)
Ngày 11 tháng 11 năm 2020 là sinh nhật thứ 199 năm của nhà văn và triết gia người Nga Fyodor Dostoevsky [sinh ngày 11 tháng 11 năm 1821]. Các tác phẩm văn học của ông đã khám phá tâm lý con người trong bầu không khí chính trị, xã hội và tâm linh bất an của xã hội Nga vào thế kỷ thứ 19, và liên hệ tới nhiều chủ đề triết học và tôn giáo, theo www.en.wikipedia.org
22/01/2021(Xem: 6545)
Emily Elizabeth Dickison là nhà thơ lớn của Mỹ trong thế kỷ thứ 19. Bà sống phần lớn cuộc đời trong cô độc. Bà chưa bao giờ lập gia đình. Bà có sở thích mặc đồ trắng và rất hiếm khi tiếp khách, thậm chí bà còn không muốn ra khỏi giường ngủ. Bà đã để lại một di sản văn học đồ sộ với khoảng 1,800 bài thơ. Bà có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn học Mỹ và được xem là nhà thơ tiền hiện đại tiên phong, theo www.en.wikipedia.org.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]