Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 11: Lý Luận Đúng, Quyết Định Hay

27/11/201017:46(Xem: 6120)
Chương 11: Lý Luận Đúng, Quyết Định Hay

 

LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT
Về Sự Thành Tựu Trong Gia Đình, Nơi Công Sở, Ngoài Xã Hội

Tỳ Kheo Tiến Sĩ Basnagoda Rahula
Chuyển Ngữ sang tiếng Việt: Diệu Liên Lý Thu Linh & Diệu Ngộ Mỹ Thanh 2010

Chương 11

Lý Luận Đúng, Quyết Định Hay

Nếu biết hành động này là đúng,

Không gây tổn hại, mang niềm vui, ích lợi, đáng khen,

Hãy thực hành và làm theo điều đó.[1]

Tăng Chi Bộ Kinh

Loại bỏ các lý luận ngụy biện chỉ là bước đầu của việc quyết định dựa trên lý trí. Đức Phật dạy rằng sau đó chúng ta phải bắt đầu tiến trình để đạt tới quyết định thích hợp nhất. Để hiểu được tiến trình đó, trước hết chúng ta hãy nhìn vào trạng thái tâm của người đã từ bỏ các hình thức lý luận ngụy biện. Chúng ta sẽ thấy những gì được Đức Phật xem là tiến trình đánh giá đúng, chân chính, để đi đến các quyết định chính xác.

Điều quan trọng là khi giúp chúng ta loại trừ lý luận ngụy biện, Đức Phật cũng trang bị cho ta những gì cần thiết để có các quyết định hợp lý: đó là sự tự do nội tại. Chúng ta đã thấy các hình thức tranh luận sai lạc hạn chế khả năng tiếp thu và nhiễu loạn khả năng lý luận của ta như thế nào. Và khi chúng không còn ảnh hưởng đến việc quyết định thì ta sẽ thấy khả năng tư duy hợp lý và tự do tư tưởng của ta không còn bị giới hạn như thế nào.

Tuy nhiên, khi bàn đến khái niệm tự do nội tại, chúng ta cần phải hết sức cẩn trọng. Theo Đức Phật, loại bỏ lý luận ngụy biện, không có nghĩa là sau đó chúng ta có quyền làm bất cứ điều gì mình thích. Khi giúp chúng ta loại trừ lý luận ngụy biện, Đức Phật đã khai mở cho chúng ta con đường để vượt lên trên những ràng buộc của xã hội, văn hóa, tôn giáo và sách vở. Ngài khuyến khích chúng ta quán xét các yếu tố khác nhau trước khi quyết định và phải biếttại sao chúng ta lại quyết định, hoặc kiềm chế không quyết định một điều gì đó. Ở đây từ “Biết” là then chốt. Đức Phật ban cho chúng ta sự tự do vô giới hạn để quán xét và để biết tại sao quyết định này là đúng, quyết định kia là sai.

Đối với quyết định có tác ý của chúng ta, Đức Phật nhắc nhở rằng chính cái trí giúp ta có được quyết định đúng đắn. Trong khi các vị thầy cùng thời với Đức Phật trích dẫn tín ngưỡng, tập tục xã hội để biện minh cho quan điểm của họ, Đức Phật thường chất vấn, “Họ có biếtquan điểm của họ là đúng và quan điểm của kẻ khác là sai lầm?”[2]Giống như bao lần khác, ngay sau khi phủ nhận các phương thức khác nhau của lý luận ngụy biện, Đức Phật khuyến khích các đệ tử của Ngài hãy quyết định đúng đắn dựa trên trí tuệ.

“Hãy tự biết mình” là câu thể hiện rõ ràng quan điểm của Đức Phật.[3]Ngài khẳng định rằng việc chúng ta tiếp nhận hay bác bỏ các tư tưởng, nghi thức cần phải dựa trên chánh kiến. Được tự do tìm kiếm trí giải là phước báo lớn nhất mà chúng ta có thể có được sau khi bỏ qua lý luận sai lầm.

Mù quáng bởi lý luận sai lầm, nhiều người có thể coi sự giả định, giả thuyết, trực giác, hoặc ảo giác là tri kiến. Tuy nhiên, như Đức Phật đã nói một cách rõ ràng, cụ thể, tri kiến có nghĩa là sự cái biết đúng đắn, cụ thể. Cuộc đối thoại sau đây giữa Đức Phật và Bharadvaja chứng tỏ điều mà Đức Phật muốn nói về tri kiến:

Bharadvaja: Đối với thần chú cổ xưa được truyền khẩu và được lưu giữ trong kinh sách, nhiều người khẳng định, “Chỉ đây là chân lý, ngoài ra là sai lầm”. Vậy thưa Tôn giả nghĩ sao về điều [tranh luận] này?

Đức Phật: Này Bharadvaja, ông nghĩ sao về điều [câu hỏi] này? Trong các vị thầy này, có ít nhất một người nào có thể nói, “Tôi biết và tôi thấy các thần chú này là chân lý, ngoài ra là sai lầm”?[4]

Lại nữa, theo kinh Vasettha, khái niệm về Phạm Thiên (Brahma) tự nó đã chứng minh là sai vì không có ai cảm nghiệm được sự hiện hữu của Phạm Thiên.[5]Nói chung, tri kiến có nghĩa là bằng chứng hiển nhiên và xác thực, đặc biệt là bằng chứng có được từ kinh nghiệm trực tiếp. Để có được quyết định đúng đắn, chúng ta cần có sự hiểu biết về tất cả mọi thứ liên quan đến quyết định đó.

VỀ CHÁNH KIẾN

Kinh Kalama tóm tắt một trong những giáo lý dễ hiểu nhất của Đức Phật về chánh kiến. Sau khi nhận dạng các sai lầm trong tranh luận, kinh này triển khai về loại hiểu biết cần thiết cho để ta có thể có quyết định thích hợp nhất.

Như đã nói trong chương 1, các thành viên trong Tăng Đoàn của Đức Phật đã lưu giữ một bộ sưu tập kinh điển đồ sộ chỉ bằng trí nhớ. Trong quá trình này, các vị đã cô đọng lại các bài pháp dài của Đức Phật để dễ dàng lưu giữ. Kinh Kalama dường như là một trong những bài thuyết pháp được cô động xúc tích nhất. Đặc biệt có một phần nói về chánh tri kiến trong sự quyết định hẳn là đã được Đức Phật giải thích tường tận, nhưng giờ chỉ còn được hai đoạn văn. Tuy nhiên, dầu rất cô động, phần này trong kinh Kalamacũng hướng dẫn cho chúng ta rất tường tận việc tiến đến sự hiểu biết đúng đắn cần có cho những quyết định khôn ngoan. Cùng với các bài giảng khác, kinh này trình bày một hình ảnh rõ ràng về điều mà Đức Phật muốn nói đến với “sự hiểu biết đúng đắn” trong quyết định.

BỐN CÁCH ĐÁNH GIÁ CHÍNH XÁC

Kinh Kalamatrình bày bốn tiêu chuẩn đánh giá chính xác, tất cả đều dựa vào tri thức và tri kiến, để đưa ta tiến đến các quyết định đúng đắn. Chúng ta cần phải áp dụng tất cả bốn tiêu chuẩn này để đi đến duy nhất một quyết định khôn ngoan. Hãy xem xét từng tiêu chuẩn đánh giá để chúng ta có thể thảo luận một cách chi tiết.

Tiêu Chuẩn Đánh Giá Đúng -1 :

ĐỘNG CƠ BẤT THIỆN ĐƯA ĐẾN QUYẾT ĐỊNH SAI LẦM

Đức Phật dạy rằng khi bị thúc đẩy bởi một động cơ không chính đáng thì ta sẽ có quyết định sai lầm. Theo Đức Phật, ba động cơ không chính đáng này là: tham, sân, và si. Dĩ nhiên, ba động cơ này rất phổ biến với tất cả mọi người, nhưng như Đức Phật đã giải thích, chúng có thể dễ dàng làm sai lệch sự quyết định.

Trong chương trước, chúng ta đã nói si mê -động cơ thứ ba được nhắc đến ở đây- có khuynh hướng đưa ta đến quyết định sai lầm như thế nào. Chúng ta đã thấy các quan niệm mê muội giới hạn sự tự do nội tại và chế ngự sự suy nghĩ hợp lý của một cá nhân như thế nào. Trong phần này, chúng ta sẽ phân tích tham và sân, hai động cơ có chiều hướng ngăn trở sự quyết định sáng suốt.

Tham gây ảnh hưởng bất lợi cho sự quyết định như thế nào? Để làm rõ xem tham đưa đến quyết định thiếu sáng suốt như thế nào, trước hết chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa của tham.

Đức Phật đã sử dụng những từ khác nhau như lobha, raga, tanba, mahaiccha để nói về tham, động cơ bất thiện này. Lobhacó thể được định nghĩa là “lòng ham muốn vô độ về vật chất hay quyền lực”. Ragacăn bản nói về sự ham muốn được thỏa mãn nhục dục. Tanhacó nghĩa là “lòng ham muốn sở hữu của cải và thỏa mãn dục lạc”. Mahaicchaám chỉ sự suy nghĩ và ham muốn vượt trên nhu cầu cần thiết. Ở đây chúng ta sử dụng từ tham,để bao gồm tất cả các nghĩa nói trên. Các khía cạnh khác nhau về tham rõ ràng cản trở sự quyết định khôn ngoan.

Sự ham muốn không kiềm chế để thỏa mãn dục lạc chắc chắn sẽ đưa đến hành vi tai hại, ngông cuồng. Kết quả là những quyết định do lòng tham biểu hiện sự thiếu trí tuệ của người quyết định. Hành vi bất thiện, hay kamesu micchacara, là hành vi kế tiếp của người bị lòng tham chế ngự. Hành vi này gần như luôn đưa đến những hậu quả tai hại. Đức Phật đã có lần nhận xét, “Ta chẳng thấy gì khác ngoài lòng tham đã tạo ra nhiều hậu quả tai hại. Lòng tham rất tai hại”.[6]

Đức Phật đã liệt kê một số các hậu quả tiêu cực này, “Tanha tạo ra buồn rầu và đau khổ; tanha dung dưỡng sự sợ hãi”.[7]Bị che mờ bởi lòng ham muốn thỏa mãn ái dục do thân tâm nung nấu, người tham có thể cho điều sai là phải, rồi quyết định một cách thiếu trí tuệ. Họ không biết rằng khổ đau sẽ là kết quả tối hậu của việc quyết định bằng lòng tham. Để làm rõ giáo lý của Đức Phật, ngài Ananda, một vị đệ tử của Phật đã nhận xét rằng, do lòng tham, ta không phân biệt được đâu là lợi và đâu là hại.[8]Yếu điểm này của người tham làm cho các quyết định của họ trở nên hồ đồ.

Những hành động hung bạo, tàn nhẫn, phá hoại, được nhen nhúm bởi lòng khao khát quyền lực cho thấy tham có thể ảnh hưởng nặng nề hơn đến việc quyết định như thế nào. Đức Phật nói, “Tư tưởng tham lam, ‘Tôi sẽ trở nên mạnh mẽ; quyền lực rất quan trọng đối với tôi,’ tạo ra nhiều ảnh hưởng xấu ác. Khi bị lòng tham chế ngự và thiếu sự tự chủ, ta có thể gây đau khổ, bất công cho người khác bằng những hình thức như trừng phạt, giam cầm, hủy hoại tài sản, ám sát, và trục xuất”.[9]Chúng ta chỉ cần nhìn vào một số các nhà lãnh đạo trên thế giới trước đây – những kẻ đã thất bại nhục nhã – để nhận thấy sự thật trong câu nói này. Họ tàn phá các quốc gia, tiêu diệt bao thế hệ, và tạo ra đau khổ vô hạn cho con người vì họ tham lam tìm kiếm quyền lực. Các quyết định của họ được minh chứng là sai lầm không chỉ vì đường lối của họ bao gồm những lỗi lầm lớn mà còn vì họ chẳng bao giờ tìm thấy hạnh phúc mà họ chạy đuổi theo một cách vô vọng.

Hơn nữa, những hành động bất thiện, vô ích xuất phát từ lòng tham mù quáng càng minh chứng cho lời dạy của Đức Phật rằng một quyết định bị thúc đẩy bởi lòng tham không thể là quyết định khôn ngoan. Ngài Ananda đã nhận xét, “Lòng tham vô hạn khiến tâm mù quáng, che mờ tầm nhìn và làm cạn kiệt trí tuệ”. Do đó, người tham lam “tạo ra các hành động bất thiện qua ý nghĩ, lời nói, và việc làm”. Những hành động này tạo ra “ảnh hưởng tai hại cho bản thân, cho người hay cho cả hai”.[10]Những hậu quả tai hại do quyết định vì lòng tham khẳng định sự vắng mặt của trí tuệ trong khi quyết định.

Nói chung, Đức Phật đã giải thích rõ ràng lòng tham, khuynh hướng nội tại thiếu kiềm chế, thiếu kiểm soát, để thỏa mãn dục lạc và quyền lực, lôi kéo con người vào những quyết định dại dột như thế nào. Mù quáng bởi lòng ham muốn vô độ để thỏa mãn bản thân, và để tìm danh vọng trong xã hội, những người tham lam thường lấy sai làm đúng. Do đó, họ tự khiến bản thân có những quyết định thiếu lý trí. Sự thiếu hiệu quả và những mối đe dọa trong hành động của họ là chứng cứ của sự thiếu khôn ngoan trong quyết định của họ.

Sân làm cạn kiệt trí tuệ trong quyết định như thế nào? Đức Phật sử dụng những từ như dosa (căm thù, ác ý), kodha(giận dữ), upanaha (hận thù, ác ý, thù hằn), và aghata (sự gây hại) để nói về trạng thái tinh thần này. Tất cả các từ đều chỉ cho sự biểu hiện đa dạng của một bản tính duy nhất của con người: bản năng và nỗ lực để loại bỏ bất cứ điều gì đem lại sự thất vọng, bất như ý. Đức Phật đã giải thích việc quyết định dựa trên bản tính tai hại này sẽ không thể phản ảnh trí tuệ của ta như thế nào.

Đức Phật đã chỉ cho ta thấy sự liên quan chặt chẽ giữa tham và sân – cả hai có chiều hướng làm cho ta quyết định thiếu sáng suốt như nhau. Khi tâm tham khởi lên, thì sân cũng có mặt để làm suy giảm sự phán đoán sáng suốt của ta. Cả hai tham và sân đều khiến tâm trở nên mù quáng để nó không còn biết phân biệt lợi hại. Cả hai đều kích động ta có những hành động đem lại khổ đau. Cả hai cùng ngăn trở sự sáng suốt trong việc quyết định của ta.

Ngoài việc song hành với tham, sân cũng có những ảnh hưởng tai hại riêng đối với việc quyết định của ta dưới nhiều hình thức. Tư tương sân hận, hay ác ý thường gieo vào đầu ta những ý nghĩ sai lệch, khiến ta nghĩ rằng hành động trả đũa dựa trên lòng thù hận có thể giải quyết vấn đề và giải tỏa xung đột. Dựa trên nhận định sai lầm này, những người đối nghịch nhau tiếp tục tìm phương cách tốt nhất để gây tổn thương cho đối phương. Những hành động như thế chỉ làm cho chuyện đã xấu, còn xấu thêm.

Đức Phật dạy, “Hận thù không thể thắng hận thù”.[11]Để làm sáng tỏ chân lý này, Đức Phật đã kể câu chuyện ngụ ngôn, qua đó, Ngài chỉ cho ta thấy những cuộc xung đột thường tích tụ và gia tăng sự tàn phá khi ta giải quyết mâu thuẫn bằng những quyết định dựa trên lòng hận thù.[12]

Quan niệm của Đức Phật đối với chiến tranh đã cũng cố thêm sự khẳng định của Ngài rằng quyết định dựa trên lòng thù hận chỉ mang lại những ảnh hưởng xấu, do đó không chứa đựng bất cứ lý lẽ nào.[13]Các chiến binh thuộc hai vương quốc Sakiya và Koliya quyết định đánh nhau để giải quyết sự tranh cãi về nguồn nước uống. Đức Phật đã khuyên can hai thị tộc ngừng giao tranh. Đức Phật đã nói rõ rằng vấn đề không thể được giải quyết bằng giao tranh mà phải bằng cách chia sẻ nguồn nước để cả hai bên đều được hài lòng. Nói cách khác, Đức Phật cho rằng những ý nghĩ sân hận và thù hằn là động lực nội tại trực tiếp gây ra giao tranh, sẽ tạo khổ đau cho cả đôi bên, khiến họ mất phương hướng và không thể nào có những quyết định hợp lý.

Sự diễn tả đầy thi vị của Đức Phật về các phản ứng nơi thân và tâm của một người đang sân, là thí dụ tốt nhất để thấy rằng việc quyết định khi sân hận sẽ tác hại đến trí tuệ của ta như thế nào.

Ta nói cho những ai, khi đang sân hận, tạo ra

Những hành động bất công gây đau khổ.

Hãy lắng nghe!

Người đang sân, luôn khó chịu,

Sống trong bất hạnh hoàn toàn.

Được lợi ích, lại cho rằng vô ích;

Gây khổ đau qua lời nói, việc làm,

Cuối cùng tài sản cũng tiêu tan.

Bị nhiễm độc bởi lòng sân hận,

Hắn đáng hổ thẹn làm sao!

Thân quyến, bằng hữu, và đối tác

Tất cả đều xa lánh kẻ cuồng sân.

Sân làm mất mát; sân đốt tâm tư;

Người ngoài không biết, sợ hãi riêng mình.

Do sân, kẻ ấy không biết điều lợi ích;

Do sân, kẻ ấy tăm tối vô cùng.

Đắm chìm trong cái xấu, lại tưởng rằng là tốt

Rồi kẻ ấy sẽ khổ đau tựa chìm trong biển lửa.

Không biết hổ thẹn, không sợ làm điều ác;

Thì ai kính phục nữa bao giờ.

Khi sôi tràn lửa hận,

Thì còn gì an ổn bên trong.

Lòng sân hận, tạo tội giết mẹ cha;

Lòng sân hận, giết cả bậc thánh, kể gì ai khác.

Kẻ sân hận có thể giết mẹ cha,

Người ban cuộc sống và dưỡng nuôi kẻ ấy cả đời!

Bản thân ai cũng yêu mình nhất,

nhưng khi sân trào

Ta giết cả thân ta. [14]

Bài thơ này nhấn mạnh rằng sân hận có thể chế ngự lý trí, đưa ta đến những hành vi ngông cuồng. Do sân hận, ta dùng lời thô lỗ, tỏ ra không biết xấu hổ hoặc sợ hãi khi làm những điều càn quấy. Buồn thay, sân hận khiến ta rơi vào mù quáng, nó xui khiến ta tước đoạt mạng sống của người thân hoặc của tha nhân. Sân còn có thể khiến ta mù quáng đến độ tự kết liễu đời mình, vật sở hữu mà ta yêu quý nhất. Tóm lại, với sân không thể có sự sáng suốt khi quyết định, vì sức mạnh không thể chế ngự được của sân có thể biến một người bình thường trở thành một kẻ cuồng điên.

Rõ ràng, sân hận, ác ý, thù hằn, oán giận, vân vân, đều đưa ta đến sự quyết định thiếu sáng suốt. Sân đi kèm với tham, càng làm tăng thêm sự suy yếu của các quyết định. Tư tưởng sân hận tạo ra ảo tưởng rằng ta có thể giải quyết các vấn đề bằng bạo lực. Thêm nữa, trạng thái tinh thần mất quân bình này khiến ta hoang mang, lôi kéo ta vào một kết luận hoàn toàn phi lý. Trạng thái tinh thần hoang mang, lộn xộn này cho ta thấy rõ rằng sân có thể tiêu diệt sự sáng suốt trong quyết định.

Tiêu Chuẩn Đánh Giá Đúng -2:

KHÔNG CÓ ĐỘNG CƠ BẤT THIỆN THÌ QUYẾT ĐỊNH KHÔNG THỂ SAI LẦM

Đức Phật dạy rằng khi không có động cơ bất thiện thì ta dễ có quyết định đầy trí tuệ. Quy trình này bao gồm hai giai đoạn. Thứ nhất, trước khi quyết định, chúng ta phải nỗ lực giữ cho tâm không bị tham, sân, si chế ngự. Kế đến, chúng ta cần tự thuyết phục bản thân để thay thế các động cơ bất thiện bằng những ý nghĩ thiện. Trong chương trước, chúng ta đã bàn nhiều về si, nên ở đây chúng ta sẽ làm rõ hơn sự liên hệ giữa các quyết định sáng suốt và sự vắng mặt của tham và sân.

Làm thế nào vô tham có thể giúp ta quyết định đúng.Chúng ta đã thấy tham khiến ta quyết định sai lầm như thế nào. Với ham muốn thỏa mãn bản thân, tham khiến ta mù quáng và đi đến những kết luận phi lý, bất thiện. Ngược lại, vô tham giúp tâm trí trở nên sáng tỏ, dọn đường cho “vô số ảnh hưởng tốt đẹp”.[15]

Như ngài Ananda đã dạy, vô tham tạo cho tâm tĩnh lặng, gìn giữ giới đức cho cá nhân, và nâng cao khả năng phân biệt hành động tốt xấu.[16]Trong phạm vi này, tâm vô tham đã thiết lập một nền tảng cho những quyết định hợp lý.

Nhiều bản kinh đều nhấn mạnh rằng tâm tĩnh lặng là nền tảng cho trí tuệ. Trong khi tham và sân làm phát sinh thêm ham muốn, giống như lòng tham vô độ của một vị vua thích xâm chiếm nhiều lãnh thổ vượt bờ đại dương,[17]thì lòng tham được chế ngự đem lại tâm an bình. Trạng thái tâm vô tham là biểu hiện không thể nhầm lẫn của khả năng quyết định hợp lý.

Hai đặc tính của tâm vô tham, góp phần mang lại an lạc cho tâm. Trước hết, sự đau khổ nội tâm hoặc trạng thái tâm sân, bạn đồng hành của tâm tham ham muốn, không còn làm phiền não ta. Kế đến, sự chán nản, thất vọng, dấu hiệu của lòng ham muốn dục lạc một cách vô vọng, không còn tiếp tục làm tổn thương ta. Nhờ đó, an lạc trụ lại nơi tâm, làm cho khả năng quyết định điều gì có ích lợi cho bản thân và cho người khác được dễ dàng hơn.[18]

Đoạn trích dẫn từ giáo lý của Đức Phật dưới đây cho ta thấy một khía cạnh khác của trí tuệ đã được phát huy trong tâm vô tham. Một tâm thức như thế sẽ giúp ta sử dụng uy lực xã hội và chính trị một cách thích hợp:

Giải thoát khỏi tham, xa lìa tham, và không phiền não bởi tham, do vậy, kẻ có quyền lực sẽ không còn tạo ra khổ đau phi lý cho người khác bằng hình thức trừng phạt, giam cầm, phá hoại tài sản, cưỡng bức hoặc trục xuất.[19]

Những lời nói này chủ yếu mang thông điệp của sự giải thoát. Khi tâm tham bị chế ngự, lòng kính ngưỡng giới đức - dấu hiệu của trí tuệ - bắt đầu tỏa sáng trong nội tâm.

Tâm vô tham có thể mang đến cho ta khả năng phân biệt lợi hại là khả năng dễ nhận biết nhất. Tóm lại, “Với vô tham, ta biết điều gì có lợi cho bản thân, điều gì có lợi cho tha nhân, và điều gì có lợi cho cả đôi bên”.[20]

Làm thế nào tâm vô sân có thể giúp ta quyết định sáng suốt. Như đã nói trước đây, Đức Phật dạy rằng cả tham và sân liên kết với nhau để tạo ảnh hưởng xấu đến quyết định của ta. Chúng ráo riết đè nén lý trí của ta, do đó ngăn trở chúng ta hành động sáng suốt. Ngược lại, vô tham và vô si kết hợp sẽ góp phần mang lại những quyết định sáng suốt.

Đức Phật đã nhiều lần giải thích về vấn đề này. Giống như tâm vô tham, vô si cũng khiến tâm được sáng suốt và gieo trồng giới đức trong tâm. Tâm thức đó sẽ cải thiện khả năng quyết định hợp lý của ta. Theo định nghĩa của Đức Phật, tham và sân, là hai năng lực tiêu cực mạnh mẽ nhất trong tâm thức con người. Chúng che khuất tầm nhìn và nhiễu loạn sự phán đoán của ta. Khi hai năng lực này không còn chế ngự được tâm, ta sẽ lại có cái nhìn sáng suốt, và có thể suy nghĩ thấu tình đạt lý như xưa.

Theo Đức Phật, diệt trừ được tâm sân đích thực là một thành tựu to tát nhất của con người. Không bị ô nhiễm bởi sân, quyết định của ta sẽ hợp lý hơn, sáng suốt hơn. Tóm lại, những ý nghĩ tham lam và sân hận phác họa ra một hình ảnh lệch lạc về các ảnh hưởng có lợi hoặc có hại của sự quyết định.

Câu “sự vắng mặt của sân”, dĩ nhiên, không có nghĩa là chúng ta đòi hỏi tâm thức phải “trống rỗng” khi quyết định. Đúng hơn, câu này có nghĩa rằng sự có mặt của từ bi và tình thương là những điều kiện cần có cho một quyết định hợp lý. Sự vắng mặt của sân (thí dụ, giận dữ, thù hằn, oán hận) không có nghĩa là tâm trống vắng; thay vào đó, tâm để cho tình thương yêu, lòng bi mẫn được tràn đầy, lấp kín chỗ trống. Vì vậy, khi các ý nghĩ sân hận không còn, thì tình thương yêu sẽ thế chỗ để giúp ta đánh giá quyết định trước mắt.

Tình thương hỗ trợ mạnh mẽ cho những quyết định sáng suốt như thế nào? Không nên nghĩ là vì tình thương yêu mà ta phải quên lợi ích của bản thân và chỉ hết sức chú ý đến phúc lợi của người khác như là tiêu chuẩn để có những quyết định hợp lý.

Trái lại, Đức Phật khuyên ta không nên bỏ qua phúc lợi của mình: thật ra, thương yêu bản thân và có lòng tự trọng cũng là một phần quan trọng của tình thương yêu. Sự phát khởi của những tình cảm này trong tiến trình quyết định thể hiện một sự đánh giá công bình và hợp lý về những ích lợi mà một quyết định có thể mang đến cho bản thân và cho những người liên quan.

Tiêu Chuẩn Đánh Giá Đúng -3:

HẬU QUẢ CỦA QUYẾT ĐỊNH SẼ CHỨNG TỎ LÀ NÓ SAI HAY ĐÚNG

Đức Phật luôn nhấn mạnh rằng, trước khi xác định một quyết định là đúng hay sai, quyết định ấy cần phải được đánh giá trong giới hạn của những hậu quả có thể xảy ra. Điều quan trọng mà chúng ta cần lưu tâm ở đây là nếu chỉ có động cơ chính đáng thì chưa đủ để đảm bảo một quyết định hoàn toàn đúng. Ngoài việc đảm bảo ta có một động cơ trong sạch, ta còn phải cân nhắc đến những hậu quả có thể xảy ra của một quyết định.

Dĩ nhiên, việc làm giảm tham sân, và vung trồng tình thương sẽ là nền tảng cho sự phán đoán sáng suốt. Tuy nhiên, Đức Phật vẫn nhắc nhở rằng chúng ta cần phải tập thiết lập sự tranh luận có lý lẽ dựa trên nền tảng đó, để có thể đạt đến một kết luận hợp lý.

Một số kinh đã giải thích ý của Đức Phật khi nói, “đánh giá hành động dựa theo hậu quả của nó”. Để hoàn tất trọn vẹn sự đánh giá này, trước hết chúng ta cần trả lời ba câu hỏi sau đây một cách cẩn thận:

- Quyết định này có mang lợi ích đến cho bản thân không (atta samhita)?

- Quyết định này có mang lợi ích đến cho những người có liên quan không (parattha samhita)?

- Quyết định này có mang lợi ích đến cho bản thân và cho những người có liên quan không (ubhayattha samhita)?[21]

Trước đây chúng ta đã nói đến sự khẳng định của Đức Phật rằng ta không nên coi nhẹ lợi ích của bản thân. Khi khuyến khích các đệ tử của Ngài có những quyết định mang lại lợi ích cho bản thân, Đức Phật ngụ ý rằng ta cần phải quan tâm đến hạnh phúc và sự thành công của bản thân. Tuy nhiên, quyết định chỉ để mang lại lợi ích cho một bên thì không thể chấp nhận được. Theo Đức Phật, một quyết định không chỉ cần mang lại lợi ích cho người quyết định mà cả những người liên quan.

Chúng ta cũng thấy rằng một quyết định mang lại lợi ích không phải lúc nào cũng mang lại hạnh phúc. Tương tự, một quyết định mang lại hạnh phúc nhất thời có thể không lợi ích chút nào cả. Bởi thế, điều quan trọng là nên có sự cân nhắc, đánh giá giữa lợi ích và hạnh phúc mà một quyết định có thể mang lại. Vì dù Đức Phật xem lợi ích cá nhân như là một ảnh hưởng tích cực trong việc quyết định, Ngài không bao giờ chấp nhận nó là tiêu chuẩn duy nhất.

Những hình thức cực đoan của tính ích kỷ hay tính vị tha đều cản trở sự đánh giá sáng suốt. Trái lại, sự điều độ, cân bằng sẽ dọn đường cho trí tuệ.

Tiêu Chuẩn Đánh Giá Đúng -4:

HỌC HỎI CÁC QUAN ĐIỂM CỦA NGƯỜI TRÍ GIÚP TA CÓ QUYẾT ĐỊNH CHÍNH XÁC

Đức Phật cũng giải thích rằng sự khích lệ từ các vị thiện tri thức (vinnu-pasattha)và sự bác bỏ hoặc khiển trách từ các vị thánh thiện (vinnugarahita) là những công cụ quan trọng để ta đánh giá sự sáng suốt của một quyết định.[22]Đức Phật khẳng định rằng chúng ta cần áp dụng tiêu chuẩn này khi quyết định buông bỏ điều gì hoặc “chấp nhận và lãnh hậu quả.”

Câu hỏi quan trọng là, “Ai là người được coi là thiện tri thức?” Nói ngắn gọn là bất cứ ai có khả năng lý luận sáng suốt và chế ngự được tham và sân là các bậc thiện tri thức. Những người có tri thức chuyên ngành là những học giả. Tuy nhiên, điều quan trọng là nếu những người có học thức nhưng thiếu trí tuệ, thì việc nghe theo ý kiến của người ấy có thể khiến ta có những quyết định thiếu sáng suốt. Người xứng đáng để ta dựa vào khi quyết định, phải là người sở hữu kiến thức và trí tuệ.

TÓM TẮT

Nói chung, Đức Phật – sau khi bác bỏ sự tranh luận ngụy biện – đã hướng ta đến sự tự do để đánh giá một cách hợp lý khi quyết định. Việc đánh giá đúng về mục đích và hậu quả có thể xảy ra từ một quyết định, lót đường cho chúng ta tiến đến những quyết định có lý lẽ nhất. Quan tâm đến ý kiến của các bậc thiện tri thức cũng giúp ta dễ có quyết định chính xác.

Câu “chủ nghĩa nhân bản thực dụng”, nhắm đến sự lợi ích thiết thực của một quyết định đối với mọi người có liên quan, đã tổng két các quan điểm của Đức Phật trong việc quyết định. Khi đánh giá hiệu quả của một quyết định, chúng ta cần phải cân nhắc về lợi ích cá nhân cũng như lợi ích của những người liên quan. Suy cho cùng, ta(hay bất cứ ai) đều có quyền quyết định tối hậu; nhưng tacũng phải lãnh trách nhiệm về hậu quả của quyết định đó.



[1]Câu trích từ: Tăng Chi Bộ Kinh III: Phẩm Maha: Kinh Kalama

[2]Trường Bộ Kinh I: 13: Kinh Tevijja, 187-195

[3]Tăng Chi Bộ Kinh III: Phẩm Maha: Kinh Kalama

[4]Trường Bộ Kinh I: 13: Kinh Tevijja, 187-195

[5]Trung Bộ Kinh II: 98: Kinh Vasettha, 798-808

[6]Tương Ưng Bộ Kinh I: Phẩm Pamada : 5; 677-691

[7]Kinh Pháp Cú: Kệ 216

[8]Tương Ưng Bộ Kinh III: Phẩm Ananda : Kinh Ananda

[9]Tương Ưng Bộ Kinh III: Phẩm Maha : Kinh Akusalamula

[10]Tương Ưng Bộ Kinh III: Phẩm Ananda: Kinh Ananda

[11]Kinh Pháp Cú: Kệ 5

[12]Kinh Pháp Cú Chú Giải: 1.4: Kaliyakkhiniya Uppatti Vatthu

[13]Kinh Pháp Cú Chú Giải: 15.1: Kalahavupasamana Vatthu

[14]Tăng Chi Bộ Kinh VII: Phẩm Abyakata: Kinh Kodhana

[15]Tăng Chi Bộ Kinh III: Phẩm Maha : Kinh Akusalamula

[16]Tăng Chi Bộ Kinh III: Phẩm Ananda : Kinh Ananda

[17]Trung Bộ Kinh II: 82: Kinh Ratthapala, 677-691

[18]Tăng Chi Bộ Kinh III: Phẩm Ananda : Kinh Ananda

[19]Tăng Chi Bộ Kinh III: Phẩm Maha : Kinh Akusalamula

[20]Tăng Chi Bộ Kinh III: Phẩm Ananda : Kinh Ananda

[21]Trung Bộ Kinh II: 61: Kinh Ambalatthikarahulovada; 523-526

[22]Tăng Chi Bộ Kinh III: Phẩm Maha: Kinh Kalama

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/07/2018(Xem: 4710)
Vách tường được kết hợp từ hồ vữa, gạch, sơn... có vô tri vô giác, vô hồn vô cảm hay không thì không dám khẳng định, phán bừa nói ẩu. Chỉ dám nói chắc nịch một điều là nó cũng có... Duyên.
12/07/2018(Xem: 7464)
Điềm đạm chính là đức hạnh của người có tấm lòng thiện lương và cũng là chìa khóa của chân hạnh phúc. Người điềm đạm là người làm chủ được mọi cảm xúc, tâm lý tiêu cực cũng như tích cực.
11/07/2018(Xem: 6603)
Thầy, một vị tăng không chỉ tài mà là đa tài, đã không ngại đường xa trên mười cây số, từ bi hoan hỷ hạ cố đến nhà của Phật tử để thiết trí gian phòng thờ, bắt hào quang sau tượng đức Phật Thích Ca "niêm hoa vi tiếu", và bắt thêm cả dàn đèn led sắc màu lung linh huyền diệu thật tỉ mỉ công phu.
10/07/2018(Xem: 5997)
Đản sinh, là nói chuyện Đức Phật đản sinh. Đặc khu, là nói chuyện thị trấn Lumbini, nơi Đức Phật ra đời, và cũng là nơi một giáo sư Bắc Kinh bỗng nhiên “khám phá” rằng Lumbini thời xa xưa là một đặc khu của triều đình Thục Vương của Trung Hoa cổ thời. Nghĩa là, lịch sử Phật giáo sẽ bị một vài giáo sư TQ viết lại... Lo ngại là gần đây, báo Global Times của nhà nước TQ đã nói về một “nghiên cứu mới” rằng chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mang dòng máu người Hán, chớ không phải người Ấn Độ. Trong khi đó, cũng có thêm một nỗi lo khác cho Phật tử thế giới, là sức khỏe của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
09/07/2018(Xem: 6253)
Chúng ta đang ở vào năm thứ 18 của Thế Kỷ 21 và chỉ còn 82 năm nữa nhân loại sẽ bước vào Thế Kỷ 22. Có rất nhiều biến động của thế kỷ trước mà chúng ta đã quên mất rồi. Nhân dịp về hưu rảnh rỗi tôi lục lại cuốn Biên Niên Sử Thế Kỷ 20 (Chronicle of the 20th Century) để xem nhân loại phát minh ra những gì, chịu những thống khổ, những vui buồn như thế nào và có bao nhiêu cuộc chiến tranh giữa các đế quốc. Sự thực phũ phàng của 118 năm qua là, một quốc gia tuy nhỏ bé nhưng có vũ khí tối tân và bộ máy quân sự khổng lồ vẫn có thể bá chủ thế giới và biến các quốc gia to rộng gấp mười lần mình thành nô lệ. Do đó muốn tồn tại trong độc lập, ngoài phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, lúc nào cũng phải tăng cường binh bị, vũ khí cho kịp đà tiến triển của nhân loại. Sách lược ngoại giao cũng là một vũ khí nhưng sức mạnh quân sự của một quốc gia là loại vũ khí vững chắc nhất.
06/07/2018(Xem: 8393)
MC Lâm Ánh Ngọc về Phật Quang "Tung cánh yêu thương" PV: Trần Nga (PD Tâm Trụ) Hàng năm, khóa sinh tại khóa hè Thiền tôn Phật Quang thường được gặp gỡ những khách mời là nghệ sĩ nổi tiếng có đời sống lành mạnh, nhiều cống hiến cho xã hội. Năm nay, các em vừa có buổi giao lưu vui tươi cùng MC Lâm Ánh Ngọc, ca sĩ Đào Ngọc Sang, ca sĩ Thanh Long với chủ đề “Tung cánh yêu thương”. MC Lâm Ánh Ngọc chia sẻ, mong muốn của mình là giúp trẻ sống có trách nhiệm, từ bỏ thói quen xấu, dần hoàn thiện mình, trước là đền đáp công ơn cha mẹ, sau là góp sức dựng xây cuộc đời. Bản thân cô trước đây đã từng chông chênh trắc trở, nhưng rồi có duyên lành tham dự những khóa tu thế này, cô như chợt gặp được lẽ sống cho cuộc đời mình một hướng đi cao thượng hơn. Vì thế, cô mong muốn chia sẻ với các bạn trẻ để các em vững vàng niềm tin mà sống thiện, dù đời nhiều cay đắng, thử thách thế nào cũng phải kiên định không thay đổi. Như thế, rồi các em sẽ cảm nhận được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn.
05/07/2018(Xem: 10288)
Đối diện & quan sát cơn nóng giận Này bạn! Khi bạn tức giận, hãy nhìn thẳng cái tâm đó. Cái tâm đó như một đứa trẻ con, đừng đánh nó! “Kể cho tôi xem tại sao bạn tức giận thế?”.
04/07/2018(Xem: 11650)
Đừng hiểu lầm câu: ''Phật Tại Tâm'' Nhiều người lấy cái lí "Phật tại tâm" nên không bao giờ đi chùa, lễ Phật, tụng kinh hay tìm hiểu giáo lý. Thật sự thì đây chỉ là lí do cho sự lười tu chứ chả phải Phật tại tâm nào ở đây cả ! - Câu "Phật tại tâm" không sai, bản thân câu này đã nói lên toàn bộ giáo lý kinh điển của nhà Phật. Tâm chúng ta vốn dĩ đã có Phật rồi hay còn gọi là Phật tánh. Đức Bổn Sư Thích Ca từng nói "ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành" để chỉ cho việc mỗi người trong chúng ta đã là một vị Phật, chỉ cần tinh tấn tu hành rồi sẽ có ngày đạt đượ c Phật quả. Chính vì vậy nên thay vì đi tìm cầu một ông Phật bên ngoài thì hãy quay trở lại cái tâm của mình.
20/06/2018(Xem: 7295)
Chân lý không phải là điều cao xa mà nằm ngay trong đời thường, trong những điều giản đơn. Và chân lý giải thoát cũng vậy, cũng nằm ngay những hành động việc làm đời thường giản dị.
19/06/2018(Xem: 6319)
WESTMINSTER, Calif. (VB) – Một buổi sinh hoạt Có Mặt Cho Nhau đã thực hiện hôm Thứ Bảy ngày 2 tháng 6/2018 tại Viet Bao Gallery ở thành phố Westminster đã hoàn mãn với nhiều kết quả tốt đẹp. Buổi sinh hoạt với nhiều chủ đề -- “để chia sẻ, học hỏi, thảo luận một số đề tài liên quan đến công việc Hoằng pháp, Giáo dục, Văn học Nghệ thuật Phật Giáo, và Ra Mắt Sách chung” -- đã gợi ra nhiều suy nghĩ cho có thể là những hướng đi hoạt động tương lai của những người quan tâm về hoạt động Phật pháp.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]