Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đại lễ Vu Lan tại Nhật Bản: Nguồn gốc, ý nghĩa và phương cách tổ chức

30/09/201008:31(Xem: 10251)
Đại lễ Vu Lan tại Nhật Bản: Nguồn gốc, ý nghĩa và phương cách tổ chức
Lễ VU LAN hay “BON MATSURI” (Bon: Bồn, Matsuri: LỄ), là một trong những ngày đại lễ Phật Giáo tại Nhật Bản. Ngay thời kỳ Phật giáo từ Trung Hoa mới truyền đến nước Nhật qua ngã Đại Hàn (Korea) vào năm 552 Tây Lịch, lễ Bon (Vu Lan) đã được tổ chức tại Nhật, nhưng ban đầu chỉ dành cho triều đình và các gia đình quý tộc; về sau nó mới được phổ biến cử hành trong dân chúng.
Chữ “BON” là rút ngắn của tiếng Nhật “URABON”. Urabon, hay “Vu Lan Bồn” là tiếng Hán dịch của chữ Phạn (Sanskrit) “ULLAMBANA”, có nghĩa là “Giải Đảo Huyền” hay “Cởi trói cho người bị treo ngược”. Người Nhật còn gọi Lễ Bon hay là ngày “LỄ LỒNG ĐÈN” (Festival of Lanterns), thường được tổ chức hằng năm vào các ngày 13,14 và 15 tháng 7, hoặc có nơi vào ngày 15 tháng 8 dương lịch. Ngày nay, lễ Bon đã trở thành một trong những ngày lễ lớn, phổ thông và vui nhất tại Nhật. Trong dịp này, ngoài việc đi thăm viếng nghĩa trang, cúng lễ cầu siêu cho ông bà cha mẹ ra, người ta còn tổ chức phóng đăng (lồng đèn), và hội hè, múa hát khắp nơi.

Tục lệ của ngày lễ và nhảy múa Bon (Bon Dance) tại Nhật, bắt nguồn từ sự tích của đức Mục Kiền Liên (tiếng Nhật Mokuren; Pali: Moggallana), là một trong những vị đại đệ tử của đức Phật. Theo kinh Vu Lan, Ngài Mục Kiền Liên vui mừng nhảy múa, sau khi dùng thần thông thấy mẹ (bà Thanh Đề) thoát khỏi cảnh giới địa ngục, nhờ phước đức Ngài vâng lời Phật dạy, đã cúng dường trai Tăng và cung thỉnh chư Thánh Tăng chú nguyện siêu độ cho mẹ.

Về phương cách tổ chức ngày lễ Bon (Vu Lan) tùy từng vùng và địa phương ở Nhật, chi tiết các buổi lễ và cuộc vui có phần sai khác, song đặc tánh chung căn bản của ngày lễ này thì khắp nơi vẫn giống nhau. Để chuẩn bị cho mùa lễ Bon, dân chúng Nhật trước hết lo dọn dẹp sạch sẽ, trang hoàng nhà cửa và nghĩa trang tại các chùa nơi tro cốt thân nhân ông bà, cha mẹ của họ được ký thờ. Sau đó, người ta đi chợ Bon hay Bon-Ichi (Bon: Vu Lan; Ichi: chợ) để mua sắm các thức ăn, lễ vật (bông hoa, trái cây) v..v..dùng trong các ngày lễ.

Đặc biệt tại nhiều nơi, trong đêm đầu của ngày lễ Bon, nhất là ở công viên nổi tiếng Ueno, nằm giữa thủ đô Đông Kinh (Nhật Bản), hàng trăm ngàn dân chúng khắp nơi đổ dồn về công viên để trang hoàng kết hoa, treo lồng đèn, thắp sáng cả công viên. Họ ở lại đây suốt đêm với thân nhân, bạn bè, tổ chức hội hè, ăn uống, múa hát, đàn ca tưng bừng để mừng đại lễ báo hiếu Vu Lan. Trong dịp này, hàng trăm quán hàng nhỏ được người ta tạm thời dựng lên khắp nơi trong công viên để bán cho khách thập phương đủ thứ, từ bông hoa, trái cây, rau cải, đến cây dương xỉ (ferns), những con cá đỏ (red fish), và nhiều loại dế (crickets) v..v..Đây đó, người ta cũng thấy có những vị thầy bói ngồi xem quẻ, coi tướng, đoán vận mạng tương lai, hoặc phát hành cho bà con thiên hạ, đủ các loại bùa, chú làm sẵn để cầu mua may bán đắt, nạn khỏi tai qua, hay tật bệnh tiêu trừ.

LỄ RƯỚC VONG LINH THÂN NHÂN QUÁ CỐ VỀ NHÀ

Lễ Bon bắt đầu vào ngày 13 tháng 7 dương lịch, được xem như khai điển mùa Vu Lan Báo Hiếu của con cháu đối với ông bà cha mẹ, theo truyền thống Phật giáo Nhật Bản. Vào buổi tối ngày này, hàng triệu gia đình dân chúng ở khắp toàn nước Nhật, trong tay với những chiếc lồng đèn giấy màu trắng thắp sáng, tấp nập đổ dồn kéo về viếng thăm các nghĩa trang được thiết lập tại hàng trăm ngàn ngôi chùa địa phương trong thành phố, quận huyện làng xã, mà người Phật tử Nhật tin tưởng rằng những chiếc lồng đèn ấy, có thể soi sáng dẫn rước cho những vong hồn của các thân nhân quá cố, ông bà cha mẹ của họ thấy rõ đường trở về nhà viếng thăm con cháu trong ba ngày lễ Vu Lan. Ánh sáng chập chờn, lung linh tỏa ra từ những chiếc lồng đèn được khách thập phương, trước khi ra về, để lại trên mộ phần thân nhân ở các nghĩa trang, hòa lẫn với khói hương nghi ngút quyện vào không gian trong đêm khuya tĩnh mịch ở chốn thiền môn, đã tạo nên cho mọi người Nhật cái ý nghĩ như được cảm thông, sống gần gũi trở lại trong giây phút của mùa Vu Lan, với các hương hồn của những bà con, bạn bè vừa mới qua đời hay đã mất từ lâu.

Tại các vùng thôn quê, nhất là ở miền núi, người ta cầm đuốc thay lồng đèn, đến viếng nghĩa trang các chùa, để hướng dẫn, rước các vong linh về nhà. Trước nhà nào cũng có treo lồng đèn để tiếp đón các hương hồn đó. Đôi lúc tại nhiều nơi, vị gia chủ đốt lửa và nói chuyện, qua ánh sáng chập chờn, với các vong hồn, xem họ như những người đang còn sống thực sự ở thế gian này.

LỄ CẦU SIÊU CHO ÔNG BÀ CHA MẸ ĐÃ QUA ĐỜI

Sau khi làm lễ rước vong hồn của các thân nhân, từ nghĩa trang ở các chùa về nhà, người Phật tử Nhật, cũng như tín đồ các nước Phật giáo Á Châu khác, trong mùa Vu Lan báo hiếu, thường có tập tục cúng lễ cầu siêu cho các hương linh tại nhà. Tại phòng chính trong nhà trước bàn thờ Phật (tiếng Nhật: Butsudan), người ta trải chiếu, thiết bày một chiếc bàn nhỏ, trên đó đặt một bài vị bằng gỗ (tiếng Nhật: Ihai), có ghi tên tuổi và pháp danh của những bà con trong gia đình đã quá vãng. Mâm cơm cúng cho các hương linh, ngoài những dĩa thức ăn đặc biệt cho người đã mất, gia chủ còn bày cúng thêm các thứ khác như khoai tây nấu với mè, một dĩa cà, bầu hay bí chiên, trái cây và bánh kẹo.

Mặc dù thuyết nhân quả của nhà Phật, kiếp sau con người sẽ chịu quả báo hạnh phúc hay đau khổ, tùy thuộc hành động thiện hay ác mà người đó đã tạo ra trong đời này; nhưng vì chịu ảnh hưởng sâu xa những lời đức Phật dạy cho Ngài Mục Kiền Liên qua kinh Vu Lan, mà dân chúng Nhật thường có tục lệ mời chư Tăng về nhà, và thỉnh cầu họ làm lễ cầu siêu cho hương linh thân nhân quá cố trong mùa lễ Bon. Phần đông Phật tử Nhật đều tin rằng nhờ sức chú nguyện tụng kinh của chư Tăng mà vong hồn ông bà cha mẹ của họ sẽ được thoát khỏi các cảnh giới khổ đau: ngã quỹ, địa ngục, súc sanh, để vãng sanh lên các thế giới an lành, hạnh phúc hơn. Trong dịp này, nhiều tín đồ thuộc các tông phái Phật giáo như Thiền (Zen), Tịnh độ (Jodo) hoặc Chân Ngôn (Shingon), thường tổ chức cúng thí thực cho loài Ngạ quỹ hay quỹ đói, tiếng Nhật gọi là “Segaki”, vì họ tin rằng thân nhân quá vãng của họ có thể đầu thai, đọa vào các cảnh giới đó. Sau buổi lễ cầu siêu, cúng thí thực, các bà con, bạn bè được gia chủ mời ở lại thọ trai.

LỄ PHÓNG ĐĂNG (LỒNG ĐÈN) ĐỂ CẦU SIÊU, TIỄN ĐƯA VONG HỒN VỀ THẾ GIỚI BÊN KIA

Vào ngày cuối cùng của Lễ Bon (Vu Lan), dân chúng Nhật tổ chức lễ tiễn đưa vong hồn ông bà cha mẹ đi về thế giới bên kia. Người ta làm những chiếc bánh bao tròn bằng bột gạo, tiếng Nhật gọi là “dango” dùng cúng trong buổi lễ, và đốt pháo trước nhà để liên hoan, cầu chúc các hương hồn vui vẻ ra đi. Phần quan trọng trong buổi lễ chia tay này, là dân chúng Nhật thường làm những chiếc thuyền lồng đèn nhỏ (lantern boats) bằng giấy, rồi thả chúng xuống ở các mặt hồ hoặc sông trong thành phố.

Đêm về, hàng trăm ngàn dân chúng ở khắp nơi trên đất Nhật, lũ lượt đi ra các bờ hồ, chen chúc nhau mua những chiếc lồng đèn nhỏ hình vuông bằng giấy, người ta làm sẵn để bán cho khách thập phương. Bên trong mỗi chiếc thuyền lồng đèn, có thắp một ngọn nến chiếu sáng dòng chữ Nhật in trên lồng đèn như sau: “Lễ tiễn đưa cácvong hồn về thế giới bên kia”. Nhiều người cẫn thận hơn, tự mình hoặc nhờ một nhà sư viết tên họ hương linh thân nhân quá cố của mình trên những chiếc lồng đèn ấy, trước khi thành kính thả chúng xuống trôi theo dòng nước tĩnh lặng trong đêm tối. Rồi không bao lâu, trên khắp các mặt hồ ngập đầy vô số những chiếc lồng đèn giấy nhấp nhô trên sóng nước, qua những ánh nến lung linh, chập chờn huyền ảo, để từ từ chúng biến mất, chìm dần cuốn trôi theo dòng nước.

Đặc biệt tại chùa Quan Âm (Kannon) ở Asakusa, trong thành phố Đông Kinh (Tokyo), vào ngày 15 tháng 8 dương lịch, lễ phóng đăng hay lồng đèn, tiếng Nhật gọi là “TORÒ-NAGASHI” được chùa tổ chức gần cầu Kototoi, bên cạnh sông Sumida để làm lễ cầu siêu cho các vong hồn các nạn nhân bị chết đuối hay những chiến sĩ trận vong trong quá khứ. Hàng trăm lồng đèn vuông bằng giấy thắp sáng, được nhiều Phật tử từ các nơi xa mang về dự lễ, thả xuống sông trôi theo dòng nước, trong khi chư Tăng Nhật tụng kinh cầu nguyện.

Tại thành phố Miyazu ở tỉnh Kyoto, dân chúng tin rằng các vong hồn đến từ biển cả, và sẽ trở về biển cả. Vì vậy, để giúp cho những hương linh được vãng sanh về thế giới cực lạc hạnh phúc hơn, vào đêm Vu Lan, 16 tháng 8 dương lịch, người ta làm lễ cầu siêu và phóng đăng (lồng đèn) tại bải biển trong vùng có chư Tăng chú nguyện. Vào dịp này, dân chúng địa phương cũng tổ chức đốt pháo bông trên một chiếc tàu thủy đậu gần bờ. Hơn một giờ sau, toàn bãi biển rực đỏ với hàng ngàn chiếc lồng đèn được đốt cháy sáng, giữa lúc thiên hạ lũ lượt kéo nhau ra về.

TỤC LỆ MÚA HÁT TRONG NGÀY LỄ VU LAN

Trong mùa lễ Bon (Vu Lan), ngoài việc lo cúng lễ cầu siêu cho hương linh thân nhân quá cố, trao đổi tặng quà giữa các bà con, bạn bè, nhân công, chủ tiệm hay khách hàng ra; dân chúng Nhật còn tổ chức hội hè, múa hát tưng bừng khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê, đồng bằng lên đến cao nguyên, đất liền cũng như hoang đảo. Tục lệ múa hát tập thể trong mùa Lễ Vu Lan, tiếng Nhật gọi là “BON-ODORI” (Bon: Vu Lan, Odori: nhảy múa). Tục lệ này bắt đầu có vào khoảng tiền bán thế kỷ thứ 17 (1624-1643) khi các vị lãnh chúa thời phong kiến Nhật thường hay tổ chức các cuộc múa hát công cộng nhằm mục đích duy trì sự đoàn kết, hòa hợp giữa hàng nông dân, thương gia và các tướng quân (Samurai). Về sau, nó dần dần bị ảnh hưởng của Phật giáo, bằng sự tin tưởng của dân chúng rằng, hằng năm vào dịp lễ Bon (Vu Lan), các oan hồn của những người chết thường hay trở về, hầu mong gặp lại, và chung vui trong vài ngày với bà con, bạn bè của họ đang còn sống ở thế gian. Do đó, người dân Nhật thích tổ chức múa hát để đón rước, chào mừng khi các vong hồn đó trở về thăm gia đình.

Ngày nay, tục lệ nhảy múa, ca hát trong ngày lễ Bon, đã trở thành quá phổ biến, và ngày vui nhất trong năm, đối với dân chúng Nhật ở thành thị cũng như thôn quê. Hơn nữa, tại Nhật, vào hai tháng 7 và 8 dương lịch, khí trời rất nóng, nên có dịp ra ngoài múa nhảy, tránh cái nóng bức ngồi trong phòng ở nhà, là điều thật vô cùng thích thú, nhất là đối với lớp người trẻ, thanh thiếu niên nam nữ. Những cuộc múa hát này tổ chức ở đâu? Nơi nào cũng được, phần nhiều tại khuôn viên các đền, chùa, hoặc ở ngoài đường, hay trong công viên của thành phố. Cũng có thể thực hiện nơi sân trường học, trong vườn sau nhà của mình, hay ngay cả bãi đậu xe công cộng.

Người ta chỉ cần dựng lên ở giữa khoảng đất trống một cái giàn gỗ nhỏ hình tứ giác, cao từ 3 đến 4 thước tây, và đặt trên nền của giàn đó một chiếc trống lớn để đánh hòa nhịp theo với những bản nhạc mở băng ghi âm, hoặc bằng nhạc sống. Trường hợp sàn gỗ của giàn này khá rộng, đủ chỗ cho một ban nhạc và ban vũ địa phương trình diễn trên đó để hướng dẫn quần chúng đứng xung quanh ở dưới nhảy hát theo thì càng tốt. Tham dự các cuộc nhảy múa trong ngày lễ Bon (Bon Dance), nữ giới, quý cô trẻ cũng như các bà, thường thích mặc y phục cổ truyền của Nhật Bản, đó là loại áo KIMONO dệt bằng vải mỏng, đặc biệt dùng cho mùa hè, trên áo có thêu bông hoa nhiều màu sắc rực rỡ.

Người nhảy, phải theo nhịp điệu của tiếng trống, giọng hát của ca sĩ, và âm nhạc gồm có ống sáo và đàn ba giây (tiếng Nhật gọi là Shamisen).Về cách nhảy, có khi người ta nhảy một mình, từng nhóm hay tập thể. Vừa nhảy, họ vừa hát, vỗ tay, dậm chân, khi mau khi chậm, tùy theo tiếng trống và âm nhạc; mọi thứ đều hòa điệu với nhau, nhịp nhàng, khiến cho người ngoài dự xem vô cùng thích thú, hào hứng, khó lòng đứng yên mà không nhảy vào nhập cuộc được. Những bài hát, nghệ sĩ thường dùng để hát trong các buổi vũ Bon (Vu Lan) này, phần lớn là những bài dân ca nổi tiếng. Quý Phật tử nào có dịp qua thăm Nhật Bản, gặp mùa Vu Lan, muốn đến tham dự để nhảy trong ngày lễ Bon với dân chúng địa phương cho biết, thì tốt nhất, theo ý chúng tôi, quý vị nên tìm tới viếng thăm các ngôi chùa danh tiếng ở trong hay ngoại ô các thành phố lớn tại Nhật như Tokyo (Đông Kinh), Kyoto, Osaka và Nara v..v..vì tại những nơi này, các cuộc vũ Bon, phần nhiều được tổ chức liên tiếp trong ba ngày, thu hút rất đông người đến tham dự, đa số là các giới trẻ. Cuộc vũ, nhiều nơi, có thể kéo dài suốt đêm. Dân chúng, khi vũ tập thể, thật quá vui, và hình như họ không còn biết mệt là gì, cứ nhảy múa theo hết bài dân ca này đến bài dân ca khác.

Tưởng nên biết thêm, phần lớn các vũ khúc phổ biến nhất mà dân chúng thích nhảy trong ngày hội lớn Bon, là những vũ điệu dân gian, pha lẩn tôn giáo, được các ban vũ danh tiếng Nhật Bản trình diễn vào dịp lễ Bon tại các thành phố như Kosi, tỉnh (Nagamo); Tokushima (tỉnh Tokushima) và ở đảo Sado thuộc tỉnh Niigata vào các ngày 14,15,16 tháng 8 dương lịch. Ngoài ra, các nơi khác có tổ chức múa hát trong ngày lễ Bon như tại thành phố Miyazu (tỉnh Kyoto) vào ngày 16 tháng 8 và ở đền Omiya tại thành phố Yamaca, (tỉnh Kumamoto) tổ chức vào các ngày từ 15 đến 17 tháng 8 dương lịch.

Nói tóm, ngày lễ Bon hay Vu Lan tại Nhật, là dịp nhắc nhở mọi người con Phật nghĩ đến việc lo báo hiếu, phụng dưỡng cha mẹ hiện còn sống, và cầu siêu cho cha mẹ đã qua đời. Ngoài ý nghĩa tôn giáo ra, ngày Hội lớn Bon còn thể hiện nếp sống văn hóa dồi dào phong phú của dân tộc Nhật. Thật vậy, ngày lễ Bon tại Nhật ngày nay, đã trở thành một ngày Đại Hội, ngày vui nhất trong năm của toàn thể dân chúng, chứ không riêng gì Phật tử; ngày của cha con, chồng vợ, anh em, bạn bè, chủ thợ, thầy trò v..v.. đều gặp mặt chung vui, sum vầy, qua những cuộc múa hát tập thể ngoài trời, tại đền chùa, đường phố, công viên, và khắp mọi nơi toàn nước Nhật.

Tài Liệu Tham Khảo:

1. A Guide to Buddhism (International Buddhist Exchange Center) Yokohama.

2. Japan: An Interpretation, by Lafcadio Hearn, Tokyo

3. Everyday Life in Traditional Japan, by Charles J. Dunn, Tokyo

4. Japan: An Anthropological Introduction, by Harumi Befu, Tokyo

5. A Hundred Things Japanese (The Japan Culture Institute), Tokyo

6. The Map of Japan, by Nitchi Map-Publishing Co., Tokyo

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/10/2010(Xem: 5958)
Khác hẳn với tất cả các hệ thống triết lý và tôn giáo trên thế giới, Đạo Phật – tự bản chất lẫn hiện tượng – vừa là một hệ thống triết lý mà cũng vừa là một hình trạng tôn giáo hoàn chỉnh với sự kết hợp hài hòa giữa tín điều và tín lý. Giữa cuộc đời, đức Phật là một vị Thầy hóa độ; trong đức tin, đức Phật là một đấng Giác Ngộ chứng tri. Người theo đạo Phật là những người luôn luôn tỉnh thức để làm chủ lấy mình , không giao trọn số phận của mình cho sự định đoạt của một đấng quyền năng tuyệt đối nào cả.
10/10/2010(Xem: 6845)
Trước hết, chúng ta đã ý thức được tầm cỡ có tính cách toàn cầu của một số vấn đề bức xúc đang đối mặt với chúng ta. Như vậy, chúng ta sẽ biết được làm thế nào để huy động trí tuệ và sức mạnh của nhân dân thế giới để giải quyết một cách tốt đẹp những vấn đề đó. Thí dụ các vấn đề chiến tranh và hòa bình, vấn đề xây dựng một nền trật tự kinh tế mới, một nền trật tự đạo đức mới cho thế giới, vấn đề bảo vệ môi trường của chúng ta.
10/10/2010(Xem: 4878)
Giữa cơn lốc biến động xã hội đầy kịch tính của cuối thế kỷ 20, trước sự sụp đổ của con người đối với các vấn đề khủng hoảng sinh thái tâm linh và môi trường, mùa Phật lại trở về như nguồn suối hạnh phúc chảy vào tâm thức mọi người.
10/10/2010(Xem: 7186)
Lẽ thường trong chúng ta, ai ai cũng đều có một cái “cái ngã”, hay “bản ngã”. Không những cái ngã của chính mình mà còn ôm đồm cái bản ngã của gia đình mình, của bằng hữu mình, của tập thể mình, của cộng đồng xã hội mình, của tôn giáo mình, của đất nước mình, và thậm chí cho đến cái bản ngã của chủ nghĩa mình; dù đó là chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa duy tâm, hay chủ nghĩa hiện sinh...
09/10/2010(Xem: 6958)
Sáutu sĩ khổ hạnh quấn trên người những chiếc áo bạc màu bụi đường cùng nhau "tiến sâu vào lãnh thổ của xứ Ma-kiệt-đà"(Magadha) trong thung lũng sông Hằng (PhổDiệu kinh - Lalitavistara). Họ đixuyên ngang các thôn xóm và những cánh đồng xanh mướt. Chung quanh cảnh vật êm ảvà lòng họ thật thanh thản. Họ là những người quyết tâm từ bỏ gia đình để chọnmột lối sống khắc khổ, không màng tiện nghi vật chất mà chỉ biết dồn tất cả nghịlực để đi tìm bản chất của thế gian này và nguyên nhân đưa đến sự hiện hữu củachính họ.
06/10/2010(Xem: 5131)
Sở dĩ tôi nói tới ăn uống ở hàng đầu vì có thể tới 90 phần trăm những bệnh của con người là do ăn uống mà ra. Cơ thể ta luôn luôn giữ một mức độ thăng bằng trước những biến đổi ngoại cảnh. Ngoại cảnh có nóng hay lạnh, cơ thể vẫn giữ ở một mức độ 30 độ bách phân. Ngoại cảnh có làm tim ta đập nhanh hay chậm một chút nhưng sau đó cơ thể vẫn giữ ở mức độ 70 tới 100 nhịp tim mỗi phút. Cũng như vậy đối với huyết áp, số lượng máu, nồng độ của các chất hữu cơ hoặc vô cơ trong cơ thể. Ăn uống chính là đưa các chất ngoại lai vào cơ thể. Nếu đưa vào cho đúng cách, cơ thể sẽ được bồi dưỡng đầy đủ, hoạt động tốt. Nếu không cho đúng cách, hoặc quá nhi
06/10/2010(Xem: 13734)
Ngày nay, khái niệm An cư kiết hạ không còn xa lạ với những người đệ tử Phật. Theo Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết ma (q.4) giải thích nghĩa lý an cư như sau: “Thân và tâm tĩnh lặng gọi là an. Quy định thời gian ở một chỗ gọi là cư”.
06/10/2010(Xem: 6531)
Ngày Đức Thế Tôn dạy: “ không bao lâu nữa Ta sẽ nhập Vô Dư Niết Bàn” Ngài A Nan lòng buồn vô hạn, với những nỗi lo hết sức chân tình, lo Phậtđi rồi lấy ai nương tựa, lo Phật không còn ai là người lèo lái con thuyền Phật Pháp, lo cho sự truyền thừa đạo mạch Phật Giáo mai sau.
05/10/2010(Xem: 5279)
Người tham muốn danh vọng, thì suốt đời giong ruổi theo quyền cao, chức trọng, danh thơm tiếng tốt. Họ bằng mọi thủ đoạn để lòn cúi hết chỗ này đến chỗ khác, cố mong được địa vị cao sang. Họ lao tâm, khổ trí, tìm đủ mọi cách để nắm giữ cho được cái danh vọng, hư ảo nhằm đạt được quyền lợi tối cao.
03/10/2010(Xem: 5461)
Người tham muốn ăn uống ngon hợp khẩu vị, thì suốt đời lân la bên cạnh những món ngon vật lạ, quanh quẩn bên những tiệc tùng, tìm khoái khẩu trong những rượu ngon, vị lạ nên phải giết hại nhiều các loài vật để bồi bổ cho mình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567