Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vài hiểu biết về chiếc áo cà sa

29/09/201016:00(Xem: 8858)
Vài hiểu biết về chiếc áo cà sa

Không khí trang nghiêm của những đạo tràng với những chiếc y màu vàng hoại sắc và những chiếc áo tràng màu lam dịu luôn luôn là những hình ảnh đẹp. Hình ảnh đó vừa trang nghiêm vừa thanh thoát, vừa như có vừa như không. Đó là sắc bắc cầu với không, hình tướng gieo mầm cho vô tướng
.

Tạo sự kết nối giữa hình nhi hạ với hình nhi thượng, hay thế giới thường tục với thế giới chân như, luôn luôn là mục đích trong các nghi lễ và nghệ thuật Phật giáo. Dĩ nhiên không phải chiếc áo, màu sắc hay âm thanh quyết định cho sự kết nối đó. Cái đẹp trong Phật giáo là cái đẹp của chân và thiện, mà chân và thiện thì vượt ngoài sắc tướng và âm thanh. Và chính cái đẹp chân thiện đó đóng vai trò kết nối trong nghi lễ, nghệ thuật Phật giáo.

casa.jpg

Với những phương tiện trong nghi lễ Phật giáo, cái đẹp chân thiện được biểu hiện để đem Tịnh độ vào thế gian, đem Niết bàn vào thực tại. Và người Phật tử tham dự trong các đạo tràng thanh tịnh đó có thể trải nghiệm được một phần nào tính chất thanh tịnh của Niết bàn, cảm nhận được giá trị của hạnh phúc chân thật, để có thể sống một đời sống thanh tịnh, an vui, lợi mình, lợi người.

Nói về y phục Phật giáo, ở Việt Nam, ngoài chiếc áo cà sa sẽ trình bày ở phần sau, hình ảnh những chiếc áo màu nâu, màu vàng hoại sắc, những chiếc áo màu lam dịu gợi lên trong chúng ta hình ảnh một đời sống đơn giản, khiêm cung, hòa ái, an lạc và thanh thoát. Những màu sắc đó cũng rất gần gũi với chúng ta. Đó là màu của đất, của khói hương, của lá, cây, củ, rễ, những thứ rất gần với đời sống của người Việt trong mấy ngàn năm. Và đặc biệt trong thế giới chạy đua với thời gian ngày nay, những màu sắc đó nhắc chúng ta rằng, vẫn còn có những nơi chốn mà thời gian không chạm đến, sự mâu thuẫn và tranh đua không len vào, nơi mà đất trời có thể được cảm nhận thật gần, hiện diện ngay trong đời sống này, là những chỗ chúng ta có thể dừng lại, trong chốc lát hay dài lâu, để tìm thấy sự nghỉ ngơi và tìm lại chính mình.

Do đó, hình thức không phải là cái gì dư thừa trong Phật giáo, nhất là Phật giáo Đại thừa, một tông phái Phật giáo không tách rời với đời sống xã hội.

Thế giới của các kinh điển Đại thừa, cũng như nghệ thuật Phật giáo, từ tranh tượng cho đến các lễ nghi, là một thế giới đầy màu sắc và âm thanh. Đời sống của chúng ta gắn liền mật thiết với sắc tướng và âm thanh. Với Phật giáo, dùng sắc tướng để mở cánh cửa vô tướng, dùng âm thanh để mở cánh cửa vô thanh. Đó là con đường phát hiện tánh thấy hay tánh nghe. Dừng lại trong tánh thấy hay tánh nghe đó là nắm được nền tảng của đời sống, là đặt được chân vào ngưỡng cửa của giáo pháp, là thấy tánh, là khởi sự cho niềm vui.

Tôn giáo, nhất là những tôn giáo có sự giao tiếp nhiều với xã hội như Phật giáo, vì vậy có những nguyên tắc ứng xử có tính cách xã hội qua những phương tiện sắc tướng, âm thanh. Trong lịch sử truyền bá và phát triển, Phật giáo đã triển khai nguyên tắc khế lý khế cơ để tạo nên một nền văn hóa Phật giáo phong phú. Và từ đó, nghệ thuật Phật giáo, một nền nghệ thuật có thể nói là phong phú nhất trên thế giới, phát sinh.

casa-1.jpg

Trang phục Phật giáo nói riêng và nghệ thuật Phật giáo nói chung có thể nói là những phương tiện để thể hiện đời sống giác ngộ. Vì là phương tiện nên trong quá trình truyền bá và phát triển, cũng giống như những phương tiện khác, y phục Phật giáo cũng tùy theo thời đại, địa phương mà thay đổi.

Nhưng dù bao nhiêu thay đổi, có một cái không bao giờ thay đổi. Đó là hình ảnh "đầu tròn áo vuông," cái mà dù đi đến đâu, ở bất cứ phương trời nào, những người tu sĩ Phật giáo vẫn nhận ra nhau khi gặp nhau. Áo vuông là chiếc áo cà sa đắp ngoài của các tu sĩ Phật giáo.

Theo kinh sách, chiếc y hay cà sa có lịch sử như sau:

Khi Đức Phật rời bỏ hoàng cung để tìm đạo, theo truyền thống, Ngài đổi bộ đồ sang quý của Ngài để nhận lấy bộ đồ của người khất sĩ. Theo kinh điển thì y phục của người khất sĩ thời bấy giờ được may bằng những mảnh vải vụn bị vứt bỏ, có thể là do lửa cháy, bị quào rách, hoặc là vải quấn thây người chết,… Những mảnh vải vụn đó được may lại thành một tấm hình vuông hay chữ nhật đủ để quấn thân, rồi được nhuộm bằng màu từ các loại thảo mộc, tạo nên một loại màu tạp, nhìn không được sạch sẽ. Đó là chiếc áo mà Đức Phật đã mặc trải qua nhiều năm tìm đạo trước khi Ngài chứng quả Phật.

Sau khi đức Phật thành đạo, tăng đoàn bắt đầu được thành lập, dù Đức Phật không còn chủ trương khổ hạnh mà đi theo con đường trung đạo, Ngài và các đệ tử của Ngài vẫn giữ lối ăn mặc của các khất sĩ đương thời, không có quy cách riêng về y phục cho Tăng đoàn. Điều này làm cho vua Tần Bà Sa La gặp khó khăn khi ông muốn cúng dường các vị tu sĩ Phật giáo. Do đó, ông đã thỉnh cầu Phật cho tu sĩ Phật giáo có được pháp phục riêng biệt. Lúc đó, Phật và ngài A Nan đang trên đường du hành phương Nam để thuyết pháp, nhìn những thửa ruộng ngăn nắp trên cánh đồng bên đường, Đức Phật bảo ngài A Nan theo hình ảnh đó làm mẫu pháp phục cho chư Tăng, Ni. Vì vậy chúng ta thường gọi cà sa là áo ruộng phước (phước điền). Ruộng phước ở đây không có ý chỉ sự giàu có vật chất, nhiều lúa gạo, của cải. Phước ở đây là phước của đời sống đức hạnh, khiêm cung, đạm bạc, giải thoát, phước cho những người biết tôn kính những bậc có đời sống đức hạnh, khiêm cung, đạm bạc, giải thoát.

Và chúng ta có thể hình dung sau đó là bóng dáng những đoàn người hay chỉ một người đơn độc, mình mặc cà sa, đầu cạo sạch ung dung bước đi trên những con đường phố, những con đường làng, ngồi tham thiền dưới những bóng cây của núi rừng, trong các hang động. Rồi đến một lúc, khi nhìn thấy một đoàn người mặc cà sa, người ta liên tưởng đến sự an nhiên vắng lặng của một người, nhìn thấy một người mặc cà sa, người ta liên tưởng đến một tăng đoàn vắng lặng và trang nghiêm. Hình ảnh một chiếc cà sa trở thành hình ảnh của tất cả cà sa, và tất cả cà sa ở trong hình ảnh một chiếc áo cà sa. Và người ta cảm nhận về một bản thể Tăng già. Màu cà sa giờ đây là màu của thanh tịnh và giải thoát, hòa hợp và kết nối, màu của Thánh chúng, suối nguồn của hạnh phúc.

Cà sa là chiếc áo đạm bạc, màu sắc đạm bạc, nói lên một đời sống khiêm tốn nhất, đơn sơ nhất. Và sự khiêm tốn, đơn sơ đến độ "không còn dùi để cắm" đó cũng chính là một đời sống cao quý và giá trị nhất.

Sau hơn 2.500 năm Phật giáo truyền bá trên khắp thế giới, do bối cảnh văn hóa và địa dư khác biệt đã tạo ra những sự khác biệt trong hình thức, nhưng như đã nói, hinh ảnh "đầu tròn áo vuông" là một hình ảnh bất biến và bao trùm.

Và hình ảnh "đầu tròn áo vuông" trong một mức độ nào đó còn nói lên tính chính thống của Tăng đoàn và giáo pháp. Hình ảnh đó rất cần thiết trong những thời kỳ mà sự mạo danh và lạm dụng phổ biến như ngày nay.

casa-2.jpg

Hơn bất cứ một biểu tượng nào của Phật giáo, hình ảnh chiếc cà sa được đặc biệt tán dương.

Theo truyền thống Trung Hoa, chiếc áo cà sa có mười hai tên gọi. Mười hai tên gọi đó cũng nói lên mười hai tính chất của cà sa và cũng là tính chất của người mặc cà sa. Đó là: 1. Cà sa: Áo có màu chết, màu đạm bạc, nói lên đức khiêm cung, đơn giản. 2. Đạo phục: Áo của người đi theo con đường chân chính, hợp lẽ. 3. Thế phục: Áo của người cắt đứt mọi ràng buộc thế gian, từ bỏ tham luyến. 4. Pháp y: Áo Chánh pháp, áo của người đi trên con đường chân chánh, hướng đến sự nghiệp giải thoát chân thật. 5. Ly trần tục: Áo xa lánh những bụi bặm, phiền não của thế gian, của người dấn bước trên con đường tịnh hóa thân tâm. 6. Tiêu sấu phục: Áo tiêu trừ phiền não, áo của người đi trên hành trình diệt trừ phiền não cho mình và cho người. 7. Liên hoa phục: Áo chứa đựng mọi tính chất của Phật giáo: trong sạch, không nhiễm, lan tỏa, kết nối,… 8. Gián sắc phục: Áo gồm các màu sắc lẫn lộn, màu không màu, nói lên tính chất rỗng không của các pháp, không có chỗ để nương. 9. Từ bi phục: Áo từ bi. 10. Phúc điền phục: Áo ruộng phước. 11. Ngọa cụ: Áo có thể dùng để lót nằm. 12. Phu cụ: Áo có thể dùng để làm chăn đắp. Hai tên sau cùng nói lên một đời sống lang thang, không cố định, không bám giữ.

Theo kinh điển Pali, y của Phật được truyền lại cho ngài Ma ha Ca Diếp trước khi Đức Phật nhập Niết bàn. Và chính ngài Ca Diếp là vị đã tổ chức kỳ kết tập lần đầu tiên để có sự nhứt quán về giáo pháp của đức Phật. Chúng ta có thể nghĩ rằng, việc trao y bát này là một hình thức trao thẩm quyền gìn giữ và lưu truyền giáo pháp. Và cũng theo kinh điển Nam Tông, khi sắp nhập diệt, ngài Ma ha Ca Diếp lên hang Tượng Đầu trên núi Kỳ Xà Quật, khoác lên người chiếc y của Phật, nguyện thân xác không hoại cho đến khi Đức Di Lặc ra đời.

Trong kinh Pháp Hoa, một trong ba hình ảnh tượng trưng cho những đức hạnh của vị Pháp sư Pháp Hoa là "mặc áo Như Lai." Mặc áo Như Lai theo kinh giải thích là sống trong hạnh nhu hòa, nhẫn nhục. Cà sa là biểu tượng của hạnh khiêm cung, nhu hòa, nhẫn nhục. Đức khiêm cung, nhu hòa, nhẫn nhục trong Phật giáo liên hệ mật thiết với tinh thần bình đẳng, tin chắc rằng mọi chúng sanh đều có Phật tánh và khả năng thành Phật. Đó là tâm từ, là hạnh thành Phật. Hình ảnh ngài Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoanói lên hạnh nhu hòa, nhẫn nhục đó.

Ngài Thường Bất Khinh là một vị Tăng sống trong thời kỳ Tượng pháp của Đức Phật Oai Âm Vương. Ngài không tụng đọc kinh sách, chỉ suốt đời thực hành một hạnh: khởi tâm bình đẳng và cung kính đến tất cả mọi người, tin rằng mọi người đều có tánh Phật. Mỗi khi gặp một vị Tăng, Ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ nào, Ngài đều cúi lạy, tán dương: "Tôi rất quý kính ngài, chẳng dám khinh mạn. Vì sao? Vì quý ngài đều tu hành đạo Bồ tát, sẽ đặng làm Phật".Dù bị ngược đãi, ngài Thường Bất Khinh không thối tâm trong việc thực hành hạnh Thường Bất Khinh đó. Và khi sắp lâm chung, ngài lãnh hội được toàn bộ giáo pháp Nhất thừa từ Đức Phật Oai Âm Vương.

Như vậy, cà sa là áo Phật, áo Như Lai, hạnh cà sa là hạnh Phật. Cà sa tượng trưng cho sự nhu hòa, nhẫn nhục, bình đẳng, khiêm cung. Đó cũng là những đức hạnh để phát triển tâm Từ.

Kinh Bi Hoa(Từ Bi Liên Hoa), đã mô tả năm công đức thánh thiện của áo cà sa. Năm công đức đó là kết quả của năm lời nguyện của Đức Phật khi Ngài tu hành đạo Bồ tát. Đức Phật nguyện khi Ngài chứng quả Chánh giác, cà sa của Ngài sẽ có năm đức như sau: 1. Người thế tục biết kính trọng cà sa sẽ được Tam thừa. 2. Trời, rồng, người, quỷ, thần biết kính trọng cà sa cũng sẽ được Tam Thừa. 3. Chúng sanh và quỷ thần chỉ cần bốn tấc cà sa sẽ được no đủ. 4. Chúng sanh thường nghĩ nhớ đến cà sa sẽ tăng trưởng lòng từ bi. 5. Người trong trận mạc nếu có một mảnh cà sa và kính trọng mảnh cà sa đó thì sẽ được vinh quang.

Kinh Đại thừa bổn sanh tâm địa quánđề cập đến mười lợi ích của việc mặc cà sa như sau:

"Một là, che thân mình, xa lìa được sự xấu hổ, đầy đủ đức biết hổ thẹn để tu hành thiện pháp. Hai là, xa lìa sự lạnh, nóng, ruồi, muỗi, thú dữ, trùng độc, để an ổn tu đạo. Ba là, hiện ra tướng mạo Sa môn xuất gia, người ta trông thấy sinh tâm vui vẻ, xa lìa được tâm tà vạy. Bốn là, cà sa tức là bóng dáng lá cờ báu của nhân, thiên, chúng sinh tôn trọng kính lễ được sinh Phạm thiên. Năm là, khi mặc cà sa tưởng tượng là lá cờ báu, diệt được mọi tội, sinh mọi phúc đức. Sáu là, bản chế cà sa nhuộm thành hoại sắc là để muốn xa lìa năm dục tưởng, không sinh tâm tham ái. Bảy là, cà sa là áo thanh tịnh của Phật, dứt hẳn được phiền não, tạo ra ruộng phúc tốt lành. Tám là, thân mặc cà sa, tội nghiệp tiêu trừ, phát sinh mười thiện nghiệp đạo, niệm niệm tăng trưởng. Chín là, cà sa cũng như ruộng tốt hay làm tăng trưởng Bồ tát đạo. Mười là, cà sa cũng như áo giáp, mũ trụ, tên độc phiền não không hại được." (KinhĐại thừa bản sinh tâm địa quán, HT.Thích Tâm Châu dịch).

Luận Thập trụ bà sađề cập đến 26 loại y và mười lợi ích của y. Kinh Hải Long Vươngđề cập đến việc Long Vương thoát khỏi móng vuốt của đại bàng nhờ sự che chở của cà sa của Phật.

Như vậy, theo kinh điển, công đức của cà sa là vô lượng.

Với Thiền Tông, chiếc áo cà sa cũng mang một ý nghĩa đặc biệt và rất được tôn quý. Chiếc cà sa được chư Tổ truyền nhau, là chiếc áo Chánh pháp và sự trao truyền đó mang ý nghĩa là trao truyền Chánh pháp. Chiếc áo đó đi theo dòng giác ngộ của Thiền, tức đi theo tâm ấn của Phật. Đối với Thiền, đó là chiếc áo tượng trưng hay chứa đựng toàn bộ kho tàng giác ngộ của chư Phật, chư Tổ và của tất cả chúng sanh.

Không những chiếc y truyền thừa theo dòng Tổ có giá trị siêu việt mà cà sa bình thường của các Thiền tăng cũng có một ý nghĩa và giá trị siêu việt. Trong tiểu luận The Merits of the Kasaya, ngài Uku viết:

"Cà sa là một vật rất quan trọng đối với người theo Phật. Nó không chỉ là pháp phục của Tăng, Ni, mà còn đại diện trọng tâm của thiền; mặc cà sa là mặc áo Phật và mặc áo Phật là toàn tâm toàn ý thực hành thiền. Cà sa là thân và tâm của Phật".

Trong Chánh pháp nhãn tạng, ngài Dogen (Đạo Nguyên) viết:

"Nên nhớ rằng cà sa là đối tượng tôn kính và thành tâm hướng về Đức Phật. Nó là thân của Phật và tâm của Phật. Chúng ta gọi nó là áo giải thoát, áo ruộng phước, áo vô tướng, áo tối thượng, áo nhẫn nhục, áo Như Lai, áo Đại từ, áo Đại bi, áo vinh quang, áo tam miệu tam bồ đề. Chúng ta nên nhận nó và duy trì nó như vậy, khiêm cung đội trên đầu. Vì nó là như vậy, chúng ta không bao giờ thay đổi nó theo ý chúng ta".

Chỗ khác Ngài viết:

"Khi chứng quả Phật, tất cả các Đức Phật đều mặc cà sa, điều đó cho thấy rõ mặc cà sa được coi như có công đức đáng kính và cao cả nhất." (Chánh pháp nhãn tạng).

Tóm lại, theo ngài Dogen, công đức của chiếc áo cà sa không thể suy lường. Đó là suối nguồn bất tận của thành tựu và phúc lạc. Nó vượt ngoài không gian và thời gian. Nó hiện diện ngay nơi đây bây giờ, mà cũng đang hiện diện khắp pháp giới trong mọi thời gian. Cà sa chính là Pháp thân của chư Phật.

"Chiếc áo cà sa không phải là một sáng tạo của con người, cũng không phải không là một sáng tạo của con người. Nó không dừng lại một nơi nào, nhưng không có chỗ nào nó không dừng lại. Và ý nghĩa chân thật của chiếc áo cà sa chỉ có chư Phật mới hiểu được. Những người đi trên con đường đạo, những lợi ích của chiếc áo cà sa mang đến cho họ thật là vô cùng tận". (Chánh pháp nhãn tạng).

Trở về với chúng ta, chúng ta đang hiện diện nơi đây đồng thời chúng ta cũng đang hiện diện trong pháp giới của chư Phật. Pháp giới đó từ ngàn xưa cho đến ngàn sau không hề thay đổi, và chúng ta vẫn thường hằng ở trong đó. Nhưng chúng ta đã u mê không nhìn thấy cho đến khi hình bóng chiếc cà sa xuất hiện để kết nối chúng ta với pháp, mở mắt cho chúng ta để chúng ta thấy được rằng, chúng ta vẫn đang ở trong pháp giới của chư Phật, có cùng pháp thân với chư Phật. Và từ đó đời sống của chúng bắt đầu thênh thang và có ý nghĩa.

Đời sống đó chẳng những đem đến sự an vui, hạnh phúc và ý nghĩa cho cá nhân, mà còn là tố chất làm thăng hoa tập thể, chất keo kết nối cộng đồng. Và như chúng ta thấy, khi những bóng cà sa từ những chiếc thuyền buôn ghé vào đất nước chúng ta trong hoàn cảnh khổ nhục của người dân mất nước, những chiếc cà sa đó đã xoa dịu niềm đau và làm thăng hoa, kết nối chúng ta, để khi hội đủ nhân duyên, những chiếc cà sa đó lại vạch đường cho một tương lai tươi đẹp của đất nước.

Đó là ý nghĩa của chiếc áo cà sa riêng đối với chúng ta, cũng như đối với lịch sử của chúng ta.

Thị Giới

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/04/2020(Xem: 8010)
Trong nếp sống cộng đồng của người Việt Nam nói riêng và một vài nước Á Đông nói chung, truyền thống thờ kính chư Phật, thánh thần và những người thân trong gia đình luôn được gìn giữ cũng như thể hiện một cách rất thành kính. Phật giáo ngay từ lúc du nhập đã nhanh chóng góp phần và nâng cao thêm ý nghĩa thờ lạy ấy mà không đánh mất đi giá trị chân lý của chính mình. Ngược lại, qua việc thờ lạy luôn giúp khắc sâu thêm đạo nghĩa Tứ Ân làm trọng của mỗi một con người. Do đó, những ai không biết thờ kính tổ tiên đều không là người của xứ sở, đất nước này. Thậm chí còn bị xem là thành phần mất gốc, phàn bội nòi giống tổ tiên, ông bà mình.
16/04/2020(Xem: 6980)
Trưởng Cư sĩ Richard Reoch là cựu Giám đốc Truyền thông của Tổ chức Ân xá Quốc tế và hoạt động trong Chiến dịch Toàn cầu chống Tra tấn. Ông đã hợp tác với nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên người Anh Sting (Gordon Matthew Thomas Sumner CBE) và nhiều tổ chức nhân đạo, thành lập Quỹ Rừng mưa nhiệt đới (Rainforest Foundation) để bảo vệ rừng mưa Amazon, bảo vệ các bộ lạc thiểu số tại khu vực Amazon. Ông là một trong những người quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, đặc biệt về sự biến mất quá nhanh của các khu rừng mưa trên thế giới.
15/04/2020(Xem: 6510)
Phản ứng của Bồ tát Đối với Đại dịch Viruscorona (The Bodhisattva Response to Coronavirus) Các bạn thân mến, Chúng ta có một sự lựa chọn. Như các dịch bệnh, động đất, lốc xoáy và lũ lụt, là một phần của chu kỳ sống trên hành tinh trái đất. Chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Với lòng tham lam, hận thù, sợ hãi và thiếu hiểu biết? Điều này chỉ mang lại nhiều khổ đau. Hay với sự hào phóng, trong sáng, kiên định và tình yêu thương? Đây là thời gian dành cho tình yêu thương.
15/04/2020(Xem: 5477)
Nguyên lý của cuộc sống luôn luôn là bến bờ của hạnh phúc mà trong đó mọi sinh vật đều hướng đến bình yên theo từng nhịp thở. Nếu bạn không thở đúng nhịp đập của nội tại, thì bạn đánh mất chính mình và giá trị tồn tại của thực hữu. Thực hữu, dôi lúc, người ta hiểu mơ hồ về nó. Họ cứ cho tồn tại chính là thực hữu, nhưng không phải thế, Tồn tại là hiện tượng biểu hiện một cách có hệ thống trên phương diện kết hợp đủ các yếu tố điều kiện, còn thực hữu chính là bản chất của tồn tại. Lắm lúc không nhìn nhận đích xác, một số người trong chúng ta lại đem khái niệm sai lầm để gán ghép cho thực hữu.
12/04/2020(Xem: 7052)
Nhiều người đổ lỗi cho “đại dịch Viruscorona” (the coronavirus epidemic:https://time.com/tag/covid-19/) trên toàn cầu hóa, và nói rằng cách duy nhất để ngăn chặn nhiều dịch bệnh như thế là trừ khử toàn cầu hóa thế giới. Cách ly, hạn chế đi lại, giảm thiểu buôn bán. Tuy nhiên trong khi kiểm dịch ngắn hạn là điều cần thiết để ngăn dịch bệnh, thì sự cô lập lâu dài sẽ dẫn đến nền kinh tế bị suy sụp, lại không cung cấp bất kỳ phương dược hiệu nghiệm nào để chữa lành các loại bệnh truyền nhiễm vô cùng độc hại. Chỉ là điều trái ngược. Thực sự thuốc giải độc dành cho dịch bệnh hiểm ác không phải là sự phân biệt, mà là sự hợp tác.
11/04/2020(Xem: 7422)
'' Trời kêu ai nấy dạ'' là một câu thành ngữ mà chúng ta vẫn thường nghe nhiều người dùng. Câu này được sử dụng khi nào ? Đó là khi một người nào đó cảm thấy cái chết của một số người khác hay của chính họ thật quá dễ dàng và đơn giản, và con người dường như nhỏ bé trước tiếng gọi của tử thần.
10/04/2020(Xem: 7019)
Nếu bình thường thì giờ nầy chúng tôi đang ở “hộp đêm” trong bụng máy bay Eva trên đường về Quê hương và đang vượt nửa sau Thái Bình Dương. Nhưng dòng sống là con nước Vô Thường biến tướng chẳng bao giờ ngừng nghỉ: Đang phẳng lặng; chợt gợn sóng, ba đào, cuồng lưu, rồi rỗng lặng… sự thay đổi ốn ào hay lặng lẽ cứ triền miên nối đuôi xuất hiện cách nhau cả nghìn năm hay bất ngờ trong từng nháy mắt.
10/04/2020(Xem: 6494)
Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Sri Lanka đã ban hành Quyết định dừng tổ chức Quốc lễ Vesak PL.2564 - DL. 2020, do tình hình nguy hiểm có khả năng lây nhiễm bởi đại dịch Covid-19.
10/04/2020(Xem: 6906)
Cảm ơn bạn đã hỏi thêm câu mình nói hôm trước: Thời buổi “Cô-Vi 19” hoành hành khắp thế giới này, thì với những người đã có “tuổi hơi cứng” như tụi mình nên thực hành các hạnh Độc Cư, Thiền Định, Kham Nhẫn, Tri Túc mà Phật đã dạy từ hơn hai ngàn sáu trăm năm trước để có một nếp sống An Lạc và Hạnh Phúc. Thực ra không chỉ với bọn mình mà cả những người bạn trẻ cũng nên học để có một cuốc sống an vui, mạnh khỏe, không mắc phải những thứ bệnh “thời đại” là những bệnh như S.A.D (Stress: căng thẳng; Anxiety: Lo âu, sợ hãi; Depression: Trầm cảm), hay “3 cao 1 thấp” (3 cao là Cao đường, Cao mỡ, Cao máu và 1 thấp là… Thấp khớp) cùng rất nhiều các thứ bệnh khác do hành vi lối sống gây ra…
09/04/2020(Xem: 6649)
“Xây chùa, tạo tượng, đúc chuông, ba công đức ấy thập phương nên làm”, xây dựng ngôi Tam bảo, bao gồm hình thức và nội dung của cơ sở Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường. Qua đó, Trụ trì mới có cơ sở hành đạo, thi hành Phật sự, hóa độ chúng sanh, báo Phật ân đức.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]