Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phương Cách Giải Quyết Các Vấn Đề

31/05/201320:41(Xem: 8365)
Phương Cách Giải Quyết Các Vấn Đề

PHƯƠNG CÁCH GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ
How To Overcome Your Difficulties
HT. Tiến Sĩ K.Sri Dhammananda
Chuyển Ngữ tiếng Việt: Diệu Liên Lý Thu Linh
Mùa Phật Đản - 2013
NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG
Ghi Nhận
Chúng tôi vô cùng biết ơn NXB, Tu Viện KONG MENG SAN PHOR KARK SEE đã hoan hỷ cho chúng tôi quyền được chuyển ngữ quyển sách Anh ngữ này qua Việt ngữ và được quyền phát hành sách dưới dạng sách ấn tống.

Sách Này Không Bán
Mọi hình thức sử dụng của bản dịch, xin liên lạc với người dịch tại [email protected]. Xin cảm ơn!
Copyrighted & Published by:
KONG MENG SAN PHOR KARK SEE MONASTERY
88 Bright Hill Road S (574117)
Tel: +65-6849-5342
Fax: +65-6452-8332
Email: [email protected]
www.kmspks.org

ACKNOWLEDGEMENTS
DIEU LIEN LTL gratefully acknowledges the permission kindly given by the publisher, KONG MENG SAN PHOR KARK SEE MONASTERY to translate and publish this book in Vietnamese for free distribution.
Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa.
Xin thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Ngài là bậc Ứng Cúng, là bậc Chánh Biến Tri!



Về Tác Giả

K_Sri_DhammanandaHòa thượng Tiến sĩ K. Sri Dhammananda, sinh năm 1919 tại miền nam Tích Lan (Ceylon).

Năm 12 tuổi, ngài xuất gia làm Sa-di, với pháp hiệu “Dhammananda”, có nghĩa là “người trải nghiệm được hạnh phúc nhờ nương tựa vào Pháp”. Ngài thọ đại giới vào năm 1940 và sau này được thọ các danh hiệu cao hơn năm 22 tuổi. Sau khi hoàn tất chương trình Cao học tại Ấn Độ, ngài đã trải qua bốn năm đi hoằng pháp. Năm 1952, trong số 400 vị Tỷ-kheo, ngài được chọn đi Mã Lai để hỗ trợ các nhu cầu về tôn giáo của các Phật tử người Sinhalese ở xứ này. Với hơn 50 năm kinh nghiệm trong việc truyền giáo, ngài đã hiến dâng cả cuộc đời vào việc kêu gọi hòa bình, hiểu biết và hòa hợp.

Nguyên là một vị lãnh đạo trong truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy ở Mã Lai và Singapore, ngài là một trong những vị Hòa thượng trưởng lão được kính trọng nhất trong cộng đồng Phật giáo, và cũng là tác giả của hơn 70 đầu sách về đạo Pháp, được dịch ra hơn 16 ngôn ngữ.

Là một Pháp sư nổi tiếng, ngài thường được mời đến giảng pháp tại Mỹ, Úc, Anh, Âu châu và nhiều quốc gia khác ở châu Á. Ngài đã an nhiên ra đi ở tuổi 87 vào ngày 31 tháng 8, 2006.

Bạn có đang lo lắng gì không? Hay khổ sở? Nếu thế bạn nên đọc quyển sách mỏng này để phát triển sự hiểu biết tốt hơn về các vấn đề của bạn. Quyển sách này dành cho bạn và cho những ai đang có vấn đề phải lo âu.

Sợ Hãi và Lo Âu

Sợ hãi và lo âu là sản phẩm tưởng tượng của tâm bị ảnh hưởng bởi những điều kiện ở thế giới bên ngoài. Chúng có gốc rễ từ tham và bám víu. Thực ra, cuộc sống giống như một cuốn phim đang diễn ra, trong đó mọi thứ đều luôn chuyển động và thay đổi. Không có gì trong cõi đời này là thường hằng hay bất biến. Những người trẻ tuổi, khỏe mạnh thì sợ chết yểu. Người già yếu thì lo âu phải kéo dài kiếp sống. Giữa hai nhóm người này là những kẻ ước muốn sống vui vẻ cả đời.

Những tham vọng đầy hào hứng về lạc thú thế gian dường như qua đi quá nhanh. Những ước đoán đầy sợ hãi về những điều bất an tạo nên sự lo âu thì dường như không bao giờ chấm dứt. Các cảm xúc đó cũng tự nhiên thôi. Những thăng trầm của cuộc sống đùa giỡn với ngã tưởng của ta, xem nó như một con rối trên sợi dây kéo, nhưng tâm ta thì bản chất của nó là siêu việt.

Sự rèn luyện tâm, còn được biết đến như là văn hóa tâm linh, là bước đầu tiên tiến đến việc huấn luyện tâm bất ổn định. Đức Phật đã dạy,

Ái sinh ra khổ
Ái sinh lo âu
Người không còn tham ái
Không còn khổ, nói chi đến lo âu.

Tất cả mọi hình thức bám víu đều kết thúc trong khổ đau. Nước mắt hay kéo dài sự chia ly cũng không thể chấm dứt sự phù du trong cuộc đời. Tất cả mọi pháp hữu vi đều vô thường.

Cả người già lẫn người trẻ đều khổ đau trong cuộc đời. Không ai được miễn trừ. Nhiều thanh thiếu niên đều đang lớn lên với nỗi khổ. Chưa trưởng thành, nên những người trẻ này dĩ nhiên chưa có kinh nghiệm trong việc tạo dựng những mối liên hệ bền vững với người khác phái. Họ cố phô diễn sự hấp dẫn của mình hầu gây ấn tượng với người khác phái. Những người này lại cảm thấy rất hãnh diện khi thấy bản thân được xem là đối tượng tình dục. Cả hai giới đều cố gắng hành xử, không phải như mình thực sự là, mà như những gì họ nghĩ là cách hành xử của người lớn. Họ sợ rằng nếu họ hành xử một cách tự nhiên, họ sẽ bị chế nhạo. Loại hành xử này có nhiều khả năng bị lợi dụng. Đó là nỗi sợ bị loại trừ, không được chấp nhận trong đám đông, cũng như lo âu về việc tự ái bị xúc phạm. Tình yêu không được đáp trả thường làm ‘tan nát’ bao trái tim của người trẻ vì họ cảm thấy là họ đã ‘biến mình thành kẻ ngu ngốc’. Một số còn muốn đi tự tử. Nhưng những bi kịch như thế có thể tránh được nếu chúng ta có thể nhìn cuộc đời như nó thực sự là. Thanh thiếu niên cần học cách tiếp cận với cuộc sống theo tinh thần Phật giáo, để họ có thể lớn lên và trưởng thành một cách đúng đắn.

Bất cứ ở đâu có sợ hãi phát khởi, nó chỉ phát khởi ở kẻ khờ, chứ không phải ở người trí”, Đức Phật nhận định.

Sợ hãi không là gì hơn là một trạng thái của tâm. Trạng thái tâm chịu ảnh hưởng của sự điều khiển, dẫn dắt -thí dụ, việc sử dụng tư tưởng một cách tiêu cực phát sinh ra sợ hãi, ngược lại sử dụng tư tưởng tích cực khiến cho hy vọng và lý tưởng của ta được thành hiện thực. Sự lựa chọn hoàn toàn tùy thuộc chúng ta. Tất cả mọi chúng sanh đều có khả năng làm chủ tâm mình. Tạo hóa đã ban tặng cho con người quyền điều khiển tuyệt đối đối với một thứ, đó là tư tưởng. Tất cả những gì nhân loại tạo dựng nên đều bắt đầu dưới hình thức của tư tưởng. Đó là chìa khóa để giúp ta hiểu được nguyên tắc làm chủ sự sợ hãi.

Một sinh viên có lần đã hỏi một bác sĩ giải phẫu nổi tiếng người Anh về cách chữa trị sợ hãi tốt nhất, và vị bác sĩ trả lời: “Hãy cố gắng giúp đỡ người khác”.

Người sinh viên khá kinh ngạc trước câu trả lời này, nên yêu cầu được giải thích thêm, do đó thầy anh đã nói, “Em không thể có hai luồng tư tưởng đối nghịch cùng lúc trong tâm”.Luồng tư tưởng này sẽ loại luồng tư tưởng kia ra khỏi tâm. Thí dụ, nếu tâm ta đang suy nghĩ về việc muốn giúp đỡ ai đó, hoàn toàn vị tha, thì cùng lúc ta không thể nghĩ đến sự sợ hãi, lo âu.

Lo âu làm khô máu con người còn nhanh hơn tuổi già”.Lo âu, sợ hãi trong chừng mực nào đó là những bản năng sinh tồn tự nhiên, nhưng luôn sợ hãi, bứt rứt và lo âu dai dẵng là kẻ thù tàn nhẫn đối với thân người. Chúng làm rối loạn các hoạt động bình thường của cơ thể.

Làm Chủ Tâm

Tâm ảnh hưởng nặng nề đến thân. Tâm có thể là thần dược mà cũng có thể là thuốc độc. Khi tâm khởi lên hung ác thì nó có thể giết người, nhưng khi nó tự tại, chịu thương chịu khó thì nó có thể đem lại lợi lộc cho người. Khi tâm hướng đến chánh tư duy, và được hỗ trợ bởi chánh tinh tấn và trí tuệ, thì nó sẽ ích lợi biết bao. Một tâm với những tư tưởng thuần khiết, thiện lành sẽ đem đến cho ta một cuộc sống lành mạnh, an vui.

Đức Phật đã dạy, “Không có kẻ thù nào có thể hại đến ta bằng chính tâm tham, tâm sân, tâm ganh tỵ, vân vân”.

Người không biết chuyển hóa tâm mình tùy theo hoàn cảnh, thì cũng gần giống như người chết. Hãy hướng tâm vào bên trong và cố gắng tìm niềm vui ở bên trong. Chỉ khi tâm đã được kiềm chế và dẫn dắt đúng hướng thì nó mới có ích cho chủ của nó và xã hội. Tâm phóng dật gây tai hại cho chủ nhân của nó lẫn tha nhân. Tất cả những tai họa xảy ra trên thế giới này là do con người không biết cách kiềm chế tâm, không biết an nhiên và tự tại.

Tự tại, trầm tĩnh không phải là yếu kém. Người luôn ứng xử với thái độ điềm tĩnh chứng tỏ mình là người có văn hóa. Lúc mọi chuyện đều ổn, thì không khó để ta giữ bình tĩnh, nhưng thật khó điềm tĩnh khi sự việc không diễn ra theo ý mình. Chính vì khó làm được điều đó, nên nó rất đáng cho ta bỏ công rèn luyện, vì khi tập luyện để được điềm tĩnh, tự tại như thế, ta cũng xây dựng được một cá tính mạnh mẽ.

Tiếng Gọi Của Thiên Nhiên

Con người sống trong xã hội hiện đại không lắng nghe tiếng gọi của thiên nhiên vì họ luôn bận rộn tìm kiếm, sở hữu của cải vật chất và khoái lạc. Họ quá chìm đắm trong dục lạc thế gian đến nỗi bỏ quên các nhu cầu tâm linh của mình. Các hành vi trái tự nhiên này của con người hiện đại lập tức mang đến kết quả là các quan điểm sai lầm về cuộc sống của nhân loại và mục đích cuối cùng của con người. Chúng là nguyên nhân của tất cả những căng thẳng, lo âu, bất an trong thời đại của chúng ta.

Nếu con người độc ác, vô tâm và sống trái với luật tự nhiên, luật vũ trụ, thì hành động, lời nói và suy nghĩ của người đó làm ô nhiễm tất cả môi trường. Tàn phá thiên nhiên thì con người không có phương tiện để kiếm sống; trái lại, xung đột, chiến tranh, bệnh dịch và thiên tai sẽ chờ đón họ ở phía trước.

Nếu con người sống biết tuân giữ luật thiên nhiên, thì người đó sẽ sống chân chính, thanh lọc hóa thế giới bằng công đức của giới hạnh và tỏa sáng lòng từ bi đến các chúng sanh khác.

Bạn có thể là người bận rộn, nhưng mỗi ngày nên bỏ ra ít nhất năm phút thiền hay đọc những sách có giá trị. Thói quen này sẽ giúp bạn khỏi lo âu và phát triển được tâm bạn. Tôn giáo đem lại lợi ích cho bạn. Vì thế, bổn phận của bạn là phải suy gẫm về tôn giáo. Hãy bỏ thời gian để dự các buổi họp mặt trong không khí tôn giáo. Ngay cả khi bạn chỉ dành một ít thời gian với những người cùng chí hướng tâm linh, điều đó cũng sẽ đem đến những kết quả tốt.

Sức khỏe tâm thần và khuynh hướng phạm tội

Sự tăng trưởng của đủ loại bệnh tâm thần là khuynh hướng đáng báo động về tất cả các loại bệnh trong thời hiện đại. Trên cả thế giới ngày càng có nhiều bệnh nhân tâm thần, nhất là trong những xứ sở phát triển.

Trong nhiều trường hợp, yếu tố phạm tội trong xã hội chúng ta được nhắc đến như là những bệnh tâm thần. Một kết quả tích cực và vượt bậc, phát xuất từ những công trình nghiên cứu của Freud, là sự nhìn nhận rằng tội phạm và thanh thiếu niên hư hỏng là những người bệnh tâm thần, họ cần được chữa trị hơn là trừng phạt. Quan điểm cởi mở đối với vấn đề này cần được xem là nền tảng cho tất cả những chuyển biến trong xã hội “tiến bộ” để thay thế sự trừng phạt đối với các tội phạm.

Hiểu rõ láng giềng của bạn

Khi bạn không biết người khác sống như thế nào, thì bạn khó thể học hỏi được từ những cách sống khác. Du lịch là hình thức giáo dục tốt nhất. Tiếp xúc với người có hoàn cảnh khác ta có thể khiến ta dễ đồng cảm với họ hơn. Sự không chịu đựng nỗi người khác thường phát xuất từ việc quay lưng lại với các nhu cầu và cách suy nghĩ của người khác.

Cái khổ của con người

Đức Phật dạy rằng tất cả những khổ đau của con người xuất phát từ những ham muốn ích kỷ để thỏa mãn các dục lạc mà tiền bạc có thể mua được, để được nhiều quyền lực hơn đối với người khác, và quan trọng hơn tất cả là ước muốn được hiện hữu mãi mãi, ngay cả sau khi chết! Lòng ham muốn đối với những thứ này làm cho con người trở nên ích kỷ. Họ chỉ nghĩ đến họ, chỉ tham muốn cho riêng mình, và không quan tâm đến những gì có thể xảy ra cho người khác. Khi các ước nguyện của họ không thành tựu, họ trở nên sân giận, bất mãn. Cách duy nhất để tránh sự tán loạn này là dẹp bỏ các ham muốn đã tạo ra nó. Điều này rất khó, nhưng khi đạt được nó ta sẽ cảm thấy rất hạnh phúc.

Thời gian sẽ chữa lành vết thương

Khi đau khổ đã qua, những gì đã khiến bạn rơi nước mắt chẳng bao lâu sẽ bị quên lãng. Có thể bạn sẽ nhớ rằng mình đã khóc nhưng không hiểu tại sao bạn làm như thế! Khi đã trưởng thành và đi qua cuộc sống, chúng ta thường ngạc nhiên tự hỏi, không hiểu sao mình lại thức suốt đêm suy gẫm về những chuyện đã làm mình bực bội trong ngày. Hay tại sao chúng ta lại nuôi dưỡng lòng thù hận đối với ai đó, bằng cách cứ nghĩ đến những toan tính trả thù? Chúng ta có thể đã nổi trận lôi đình ngay khi việc gì đó xảy ra, nhưng sau đó lại không biết điều gì khiến ta giận dữ như thế, và ngạc nhiên để nhận ra rằng thật là phí thời gian và năng lượng để hành động như thế. Tại sao ta cứ tiếp tục khiến mình khổ sở như thế khi ta có thể dừng lại và bắt đầu nghĩ về những điều thiện lành hơn.

Dầu vấn đề của bạn là gì, và bạn đã cảm thấy bực bội như thế nào, thời gian sẽ chữa lành tất cả mọi vết thương. Nhưng tốt hơn hết là phải làm điều gì đó để bảo vệ bản thân, để trước hết thương đau không xảy ra. Tại sao chúng ta lại để cho người khác hay vấn đề gì đó làm tiêu tán năng lượng của ta, làm cho ta đau khổ? Câu trả lời là chúng không thể làm điều đó. Chính chúng ta mới làm bản thân mình đau khổ.

Có thể bạn đang gặp vấn đề ở nơi sở làm nhưng bạn không nên để nó ảnh hưởng tới gia đình bằng bầu không khí khó chịu. Bạn cần nhận thức rằng, phải có kết thúc cho những vấn đề đó. Chúng ta có thể tìm ra giải pháp để giải thoát khỏi những ham muốn ích kỷ, đó là xóa bỏ tất cả mọi hình thức của si mê và lầm lẫn.

Bất cứ khi nào ta không thể tìm ra giải pháp cho một vấn đề, ta thường có khuynh hướng tìm người khác để đổ trút sự tức bực của mình. Chúng ta không sẵn sàng chấp nhận những thiếu sót của mình. Trách cứ người khác thì dễ hơn. Thực ra, có nhiều người còn thích thú khi làm điều đó. Đây là một thái độ hoàn toàn sai. Chúng ta không cần phải tỏ ra giận dữ đối với người khác. Chúng ta cần phải cố gắng hết sức mình một cách bình tĩnh, dầu có khó khăn, để giải quyết vấn đề của mình. Chúng ta cần phải chuẩn bị để đối mặt với bất cứ khó khăn gì mà chúng ta gặp phải.

Môi Trường Lành Mạnh

Các trò đùa, những lời nói khích bác không được lịch sự, có nhắm vào bạn thì cũng nên đón nhận chúng một cách vui vẻ. Đây là một cách để tránh tạo bất hòa với bất cứ ai. Khi đang tham dự một cuộc chơi mà đánh mất bình tĩnh sẽ khiến bạn nổi dóa. Bạn sẽ bị mất cơ hội chiến thắng. Điều đó cũng làm những người đang theo dõi cuộc chơi mất hứng thú.

Không có cách gì bạn có thể thay đổi ai đó trên thế giới này theo ý của bạn nghĩ. Đúng ra cũng không nên mong muốn như thế. Nếu tất cả mọi người đều đồng ý với bạn, thì chẳng bao lâu thế giới này sẽ cùn lụt, không ai còn có sáng kiến gì.

Có nhiều cách để sửa đổi lầm lỗi của người khác. Chỉ trích, trách mắng và la lối người đó ở nơi công cộng, là bạn xúc phạm người đó, chứ không phải là sửa đổi anh ta. Chỉ trích chỉ tạo thêm kẻ thù cho ta. Nếu bạn có thể bày tỏ sự quan tâm của mình bằng những lời tử tế, thì một ngày nào đó người ấy sẽ cảm ơn bạn.

Đừng bao giờ dùng những lời lẽ cộc cằn, khó nghe để bày tỏ quan điểm của bạn về vấn đề gì. Dịu dàng, bặt thiệp và lễ phép sẽ không làm ai phật lòng. Đúng hơn, cung cách đó sẽ giúp mở ra nhiều cánh cửa dẫn đến sự truyền thông, giao tiếp hữu hiệu hơn.

Đừng cảm thấy bị tấn công khi người ta chỉ ra lỗi của bạn. Lỗi của bạn là bản đồ hướng dẫn bạn tiến tới sự hoàn hảo. Nổi giận là sự che giấu tồi tệ cho những thiếu sót của ta. Khi mất bình tĩnh, ta sẽ tuôn ra những điều tốt hơn không nên nói ra. Đừng bao giờ tiết lộ những bí mật cá nhân của bạn cũ của mình, dầu hiện tại bạn có giận người đó đến đâu. Bạn sẽ tự hạ thấp mình nếu làm như thế, và người khác cũng sẽ chẳng bao giờ xem bạn là người chân thật nữa. Người khác sẽ nghĩ là bạn cũng sẽ làm thế với họ. Khi ta làm tổn thương bạn bè, không ai còn tin tưởng ta nữa.

Can Đảm Đối Diện Với Sự Phê Bình

Đồ ngọt khiến ta bệnh, trong khi cái đắng có thể chữa bệnh. Khen tặng là đồ ngọt, nhiều đồ ngọt quá sẽ làm ta bệnh; trong khi sự phê bình thì giống như một viên thuốc đắng có thể chữa bệnh. Chúng ta phải có can đảm đón nhận sự phê bình, chứ không sợ hãi nó.

Cái xấu chúng ta thấy ở người
Là sự phản chiếu chính bản chất của ta”.

Cuộc sống của một người, hoàn cảnh và thế giới bên ngoài phản chiếu chính những suy tư và niềm tin của chúng ta. Tất cả mọi chúng sanh là tấm gương của chính họ, phản chiếu bản chất tự nhiên của họ, kể cả những nỗi đau.

Hạnh Phúc và Vật Chất

Nhiều người tin rằng họ có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề bằng tiền. Tuy nhiên, họ không nhận thấy rằng tiền cũng có những vấn đề của nó. Tiền không thể giải quyết tất cả mọi vấn đề.

Nhiều người không bao giờ suy nghĩ chín chắn. Suốt cuộc đời, họ giống như những chú chó trong trường đua, chạy đuổi theo một con thỏ giả. Khi cuộc rượt đuổi chấm dứt, tất cả mọi hưng phấn cũng biến mất. Điều này rất giống với bản chất của dục lạc trong thế giới vật chất đầy cám dỗ. Ngay khi đã đạt được đối tượng ta ưa thích, hạnh phúc chấm dứt và tham muốn mới khởi lên. Chiếm hữu được đối tượng dường như không hào hứng bằng chính cuộc rượt đuổi.

Khi đánh mất điều gì, hãy nhớ đến những lời khuyên sau đây:

“Đừng nói cái này là của anh, cái kia là của tôi,
Hãy nói là cái này đã đến với anh, và cái kia đến với tôi,
Để chúng ta không tiếc nuối những hào quang đã mờ nhạt”.

Tài sản không phải là thứ gì mà bạn có thể tích lũy để thỏa mãn lòng tham. Mục đích của nó là để cho bạn được tiện lợi, để mang ích lợi cho người khác. Hãy cố gắng biến thế giới chung quanh bạn thành một nơi tốt hơn để sống. Hãy sử dụng tài sản của bạn một cách khôn ngoan để làm giảm bớt đau khổ cho người nghèo, người bệnh và người già. Hãy làm tròn bổn phận của bạn với dân tộc, quê hương và tín ngưỡng của bạn. Khi đến thời điểm bạn phải ra đi, bạn sẽ có được sự an tĩnh và bình lặng tuyệt vời khi bạn nhớ lại những hành động thiện lành, vị tha mà bạn đã làm trong quá khứ.

Muốn tạo được tài sản qua các trò cờ bạc thì cũng giống như mong rằng một đám mây bay qua đầu sẽ che chở chúng ta khỏi ánh nắng mặt trời. Trái lại, mong muốn được giàu sang bằng cách chăm chỉ làm ăn thì vững bền như là xây dựng một chổ ở vững chắc để che chở ta khỏi mưa nắng.

Tài sản không theo bạn khi bạn chết. Bạn bè và người thân chỉ đưa bạn đến mộ phần, chỉ có hành động tốt hay xấu mà bạn đã làm suốt cuộc đời (Karma) sẽ đi theo bạn xa hơn nấm mồ”.

Thành tựu được những giấc mơ làm giàu có vẻ là một phép mầu, nhưng nỗi sợ hãi và lo âu lúc nào cũng ở phía trước chờ đợi phép mầu đó biến mất. Một cuộc sống giàu sang cũng sẽ mang lại những xáo trộn tinh thần. Dầu có tài sản kết sù nhưng sử dụng sai, thì cũng không thể đạt được những điều đơn giản trong cuộc sống như là tình bạn, lòng tin, và sự tự tin, là những thứ được coi là hiển nhiên trong những điều kiện khó khăn hơn. Khi một cách sống bắt đầu tạo ra sự bất an, thì cần phải có trí tuệ để mang ta trở về con đường chân chính. Sự giàu sang cũng có những bất lợi của nó - niềm hạnh phúc được có chúng cũng giảm đi bởi nhiều nỗi sợ hãi, lo âu đánh mất chúng.

Để có được hạnh phúc cá nhân chúng ta cần phải tạo ra tài sản một cách chính đáng. Đức Phật đã dạy, “Lành thay những ai có thể kiếm sống mà không làm hại người khác”. Hạnh phúc của chúng ta không thể trường tồn và có ý nghĩa nếu tài sản vật chất mang lại sầu não và khổ đau cho ta và cho người. Tài sản mà xài phung phí mang lại sự ganh tị, nhưng tài sản được giữ gìn, được xài đúng chỗ thì đem lại sự kính trọng.

Tài sản có thể làm cho căn nhà của bạn được kiên cố, chứ không phải bản thân bạn. Chỉ có các đức hạnh của bạn mới có thể mang đến sự vững chải cho bạn. Quần áo có thể tô điểm thân thể của bạn chứ không phải bạn. Chỉ có những hành động thiện của bạn mới có thể làm như thế.

Cuối cùng, thật là may mắn để biết rằng “Hạnh phúc là hương thơm mà bạn có thể thoa xức cho người khác mà không làm dính trên mình”. Thế giới có thể không như bạn muốn nó là, nhưng bạn có thể hòa nhịp trái tim để tìm hạnh phúc bên trong. Có khi bạn làm điều tốt nhưng không được mang ơn, chỉ khi biết chấp nhận điều đó thì bạn mới có thể vượt lên trên người khác trong sự hiểu biết và hạnh phúc cá nhân.

Nếu muốn tìm được hạnh phúc, chúng ta hãy ngừng suy nghĩ về sự biết ơn hay vô ơn, và ban tặng vì niềm vui nội tại của việc ban tặng. Sự vô ơn thì tự nhiên - giống như cỏ dại, còn sự biết ơn thì giống như hoa hồng. Nó cần phải được vung trồng, tưới tẩm, chăm sóc, thương yêu và bảo vệ”. (Dale Carnegie)

Hãy hành động khôn ngoan

Chúng ta phải biết sử dụng tuổi trẻ, tài sản và trí tuệ của mình như thế nào, đúng thời, đúng nơi và đúng cách, vì lợi ích của bản thân, cũng như lợi ích của người khác. Nếu ta sử dụng sai các quyền lợi của mình, thì ta sẽ chỉ thất bại. “Chúng ta phải đủ mạnh để biết khi nào mình yếu đuối, đủ can đảm để đối mặt với sợ hãi, đủ tự chủ để chấp nhận thất bại, và đủ khiêm cung, từ tốn để đón nhận chiến thắng”.

Một số người may mắn có tài sản bất ngờ do ngẫu nhiên hay thừa kế, nhưng không có nhiều người được trang bị với trí tuệ để bảo vệ, giữ gìn hay sử dụng nó cho điều thiện. Bất cứ thứ gì mà không được tạo ra bằng những công việc đổ mồ hôi thì có khuynh hướng bị tiêu tán bởi sự sử dụng bừa bãi.

Tu Chỉnh Bản Thân

Phong tục và tập quán là những kênh quan trọng cho sự học hỏi và trao đổi kinh nghiệm sống trong bất cứ cộng đồng nào. Bi kịch mà chúng ta phải đối mặt trong một thế giới luôn thay đổi là có nên sống với hay quay lưng lại với quá khứ. Giữa thế hệ người già và trẻ sẽ luôn có “một khoảng cách thế hệ” vì các tư duy khác nhau về môi trường, điều kiện và giá trị đã thay đổi. Thế hệ người già sợ rằng bọn trẻ sẽ đánh mất truyền thống, trong khi người trẻ thì lo rằng quá khứ xa xưa có thể trở thành rào cản trong cuộc sống hiện đại. Các thay đổi cần phải được suy xét cẩn trọng.

Văn hóa thời thượng tạo ra những anh hùng giữa đời thường và các thần tượng nhất thời. Những người này phác họa nhiều hình ảnh của những cách sống trái ngược. Các phương tiện truyền thông giúp tô đậm chúng thêm và những tâm hồn non trẻ lại sẵn sàng chấp nhận tất cả những gì truyền thông quảng bá. Các phong trào như Hippie hay Yuppie tuy rằng cũng mang một thông điệp chính trị hay xã hội gì đó, nhưng điều quan trọng là người trẻ cũng phải cần đến trí tuệ của thế hệ cha ông để phân biệt giữa cái tốt và cái xấu. Các giá trị chân chính đã được thời gian thử nghiệm và xác tín thì không bao giờ thay đổi. Các giá trị như tiết kiệm, chân thật, độ lượng và siêng năng trong một cuộc sống nghiêm túc lúc nào cũng mới mẻ trong bất cứ cộng đồng nào.

Trong các nước châu Á, các phong tục và truyền thống liên quan đến việc cưới gả và ma chay là rất quan trọng. Điều đáng quan tâm là liệu chúng ta có nên tiêu tốn quá nhiều tiền bạc và thời gian để thực hiện chúng trong thế giới hiện đại. Chúng có thực sự cần thiết không? Không có lời khuyên nào tốt hơn những điều Đức Phật đã thuyết trong kinh Kalama:

“Khi bạn tự biết rằng các tư tưởng này không ích lợi, đáng bị người trí ngăn cấm, kết tội, và nếu chúng được đón nhận, đem ra áp dụng, chúng sẽ đưa đến tai hại và khổ đau, thì chúng ta cần phải bỏ chúng…. Khi bạn tự biết rằng những điều này là thiện, hoàn hảo, được người trí tán thán, và nếu chúng được đón nhận, đem ra áp dụng thì chúng sẽ tạo ra yên ổn, hạnh phúc, thì bạn cần phải thực hành chúng và tuân giữ chúng”.

Mỗi con người là một sáng tạo của vũ trụ. Chừng nào con người còn quan tâm đến việc làm cho xã hội thêm nhân bản, chuyển đổi thế giới cho tốt hơn, thì thời gian sẽ luôn nối liền khoảng cách giữa người già và người trẻ. Những lo âu, sợ hãi về đường hướng đổi thay sẽ không còn giá trị. Người già chỉ cần nhớ chính cha mẹ mình đã phản đối như thế nào một số cách sống được cho là mới mẻ lúc họ còn trẻ. Chấp nhận những khác biệt về một quan điểm là một đức tính. Thái độ cởi mở luôn mang đến cho ta hạnh phúc.

Hãy Lo Chuyện Của Mình

Thật là điều may mắn nếu bạn có thể lo chuyện riêng của mình mà không xen vào chuyện người khác. Dưới đây là một số lời dạy của Đức Phật về vấn đề này:

Đừng ai tìm lỗi của người; đừng ai quan tâm đến những thiếu sót hay thành tựu của người, nhưng hãy tự quán xét hành động của mình, đã làm hay chưa làm”.

“Người hay tìm lỗi của người để trách móc, chỉ làm tăng thêm uế nhiễm cho mình. Người ấy khó mà diệt trừ uế nhiễm của mình”.

“Lỗi người thì dễ thấy, nhưng lỗi mình khó biết. Ta sàng lỗi người như trấu; nhưng giấu lỗi mình như kẻ thợ săn khéo giấu mình”.

Không ai tránh khỏi bị đổ lỗi và chê trách. Đức Phật đã dạy những lời sau: “Người ta trách kẻ không nói. Trách người nói nhiều và những ai nói vừa phải. Do đó, không có ai trên thế gian này không bị chê trách”.

Khôngcó ai hoàn toàn đáng bị chê trách hay hoàn toàn đáng được khen ngợi, trong quá khứ, trong tương lai hay ngay trong hiện tại”.

Không phải tất cả những ai chê trách ta đều là kẻ thù của ta. Ta có thể sử dụng lời nhận xét của họ để tìm ra những yếu điểm nơi bản thân mà ta không nhìn thấy được.

Chúng ta không nên từ bỏ việc thiện của mình chỉ vì những lời phê phán. Nếu ta có thể nhìn nhận ra lỗi của mình, thì ta thực sự đã có được sức mạnh tinh thần để thành công.

“Hiền nhân không đi chệch chánh đạo, dầu điều gì có thể xảy ra. Họ cũng không còn chạy đuổi theo dục lạc thế gian. Người trí luôn giữ tâm bình lặng, như như, khi vui cũng như lúc buồn”.

Không Thành Kiến

Chúng ta không nên có những quyết định vội vàng trong bất cứ vấn đề gì khi đang trong trạng thái bất an hay bị khiêu khích. Bất cứ quyết định hay kết luận gì mà ta tạo ra trong lúc đó có thể là một vấn đề mà ta sẽ phải hối tiếc một ngày nào đó. Trước hết hãy để tâm ta lắng xuống và suy nghĩ. Lúc đó, sự phán đoán của ta mới không thành kiến.

Hãy vung trồng lòng khoan dung, vì khoan dung giúp ta thông cảm với những khổ đau của người. Hãy tránh những sự phê phán không cần thiết. Hãy cố gắng nhớ rằng ngay chính người hoàn hảo nhất cũng không phải không có lỗi lầm. Những yếu kém ta thấy ở người, cũng có thể hiện hữu trong ta. Có câu nói rằng bạn không nên ném đá kẻ khác khi đang sống trong ngôi nhà bằng kiếng.

Khiêm Hạ

Khiêm hạ là thước đo của người trí để biết sự khác biệt giữa thực tại và những gì chưa xảy ra. “Chính Đức Phật đã bắt đầu tôn giáo của mình bằng cách từ bỏ tất cả những đặc quyền của một vị hoàng tử như một cách để tự hạ mình. Đức Phật đạt giác ngộ ngay trong kiếp sống của mình, nhưng Ngài không bao giờ đánh mất bản chất khiêm hạ và không bao giờ tỏ ra là kẻ bề trên. Các bài thuyết giảng và những chuyện kể của Ngài không bao giờ khoe trương. Ngài dành thời gian ngay cho kẻ hạ tiện nhất. Ngài không bao giờ đánh mất tâm hoan hỷ của mình”.

Chớ Lãng Phí Thời Gian

Lãng phí thời gian hiện hữu của kiếp người để lo cho tương lai, tiếc nuối quá khứ, hay lơ là, phóng dật trong hiện tại, chứng tỏ rằng chúng ta không phù hợp được có mặt ở nơi cao quý này mà trong đó chúng ta là sinh vật hoàn hảo nhất. Do đó, ta sẽ tạo ra nghiệp xấu để đi đến nơi phù hợp với sự không xứng đáng của mình. Hãy nhớ điều đó và hành thiện khi đang còn sống trên cõi đời. Nếu lãng phí thời gian, chúng ta làm hại không chỉ bản thân mà còn hại kẻ khác nữa, vì thời gian là của bạn mà cũng là của người khác.

Kiên Nhẫn và Khoan Dung

Hãy kiên nhẫn với mọi người. Sân hận dẫn ta đi trên con đường mù quáng. Dầu sự sân giận của ta có thể khiến kẻ khác bực bội, oán hờn, nó cũng làm hại bản thân ta. Sân hận làm yếu đi thân vật lý và làm xáo trộn tâm. Một lời nói cay độc, giống như mũi tên đã được bắn đi khỏi cánh cung, sẽ không bao giờ có thể kéo lại dầu sau đó ta có đưa ra ngàn lời xin lỗi.

Một số sinh vật không thể thấy ban ngày, loại khác lại không thể thấy trong đêm, nhưng một người, bị dẫn dắt bởi lòng sân hận cao độ, không thể thấy điều gì, trong cả ban ngày hay ban đêm.

Khi giận dữ, là bạn đang dằn xé ai? Bạn đang chiến đấu với điều gì? Bạn đang chiến đấu với bản thân, vì chính bạn mới là kẻ thù nguy hiểm nhất của bản thân. Tâm là người bạn tốt nhất nhưng cũng có thể dễ dàng trở thành kẻ thù độc hại nhất của ta. Một số bệnh như tim mạch, rối loạn thần kinh khớp, và bệnh về da có thể được truy nguyên từ tâm luôn sân hận, thù ghét và ghen hờn. Những tình cảm tiêu cực đó đầu độc trái tim ta. Chúng thúc đẩy sự sinh khởi của các căn bệnh tiềm ẩn bằng cách giảm thiểu sức bảo vệ tự nhiên của thân chống lại các con vi trùng gây bệnh.

Lấy Ân Trả Oán

Nếu muốn hủy diệt kẻ thù của mình, trước hết ta phải ‘giết’ kẻ thù nguy hiểm nhất trong ta - đó là lòng sân hận. Nếu ta để kẻ thù làm rúng động, có nghĩa là ta đang làm thỏa mãn ước muốn của kẻ thù bằng việc bước vào bẫy rập của họ mà không hề hay biết.

Chúng ta không nên nghĩ rằng mình chỉ có thể học hỏi từ những người thường khen ngợi, giúp đỡ hay thân thiết với ta. Sự thực là chúng ta có thể học được rất nhiều điều từ kẻ thù. Bạn không nên nghĩ vì họ là kẻ thù của mình, nên tất cả những gì thuộc về họ đều sai trái. Chắc chắn là họ cũng có những đức tính khác.

Chúng ta không thể diệt trừ kẻ thù bằng cách lấy oán trả oán, làm thế chỉ tạo thêm kẻ thù. Cách tốt nhất để chế ngự kẻ thù là trải rộng lòng từ bi đến họ. Bạn có thể nghĩ không thể nào làm điều đó hay làm vậy quá vô lý, nhưng đó là cách hành xử hiệu nghiệm của người có văn hóa. Khi bạn biết có ai đó đang rất giận mình, trước hết bạn nên tìm hiểu lý do chính. Nếu đó là lỗi mình, bạn cần phải nhận lỗi và nhanh chóng xin lỗi người kia. Nếu đó là sự hiểu lầm giữa hai người, bạn cần phải có sự trao đổi thật lòng với người kia.

Nếu là vì ghen tỵ, hãy trải rộng lòng từ bi. Bạn có thể ảnh hưởng đến người kia bằng những làn sóng tâm linh của mình. Có thể bạn không hiểu điều đó xảy ra như thế nào nhưng kinh nghiệm của nhiều người đã chứng minh đó là cách hữu hiệu nhất, thông minh nhất để tạo tình thân hữu. Phương cách này luôn được đề cao trong Phật giáo. Dĩ nhiên để làm được điều này, bạn phải có kiên nhẫn và tự tin nơi bản thân. Bằng cách làm này, bạn sẽ khiến cho kẻ thù hiểu rằng họ đã sai khi sân hận. Ngoài ra, bạn cũng được nhiều lợi ích khi không chất chứa thù hằn trong tim mình.

Tâm Từ Bi

Khi nào chúng ta còn có thể an ủi ai đó bằng những lời tử tế, làm vui ai đó bằng sự có mặt của mình, giúp đỡ ai đó bằng của cải vật chất, dù hành động thiện đó có nhỏ nhặt tới đâu, thì ta cũng là một thành viên đáng quý trong xã hội loài người. Chúng ta không bao giờ nên nản lòng hay muộn phiền.

Cũng có nhiều lúc những người mà chúng ta thương yêu dường như không quan tâm đến ta, khiến ta muộn phiền, nhưng không có lý gì ta phải cảm thấy như bị hắt hủi. Có gì đáng quan tâm khi ta tự biết rằng mình đầy lòng từ bi đối với đồng loại? Ta không nên dựa vào người khác để tìm hạnh phúc. Kẻ mong tìm được hạnh phúc trong cuộc sống, mà dựa vào người khác thì còn tệ hơn kẻ hành khất phải quỳ gối, van xin miếng ăn hằng ngày.

Tác Hại Của Sự Lạm Dụng Ma Túy & Rượu

Rượu hay chất gây say đã được coi là một trong những nguyên nhân chính đưa đến thảm họa về thân và đạo lý của con người. Hiện nay, có một hình thức lạm dụng còn tai hại hơn, đó là việc sử dụng ma túy độc hại, nguy hiểm, nhất là heroin, đã tạo nên những vấn đề cho xã hội và con người nghiêm trọng hơn nhiều. Đây là vấn đề của toàn cầu. Hậu quả của việc lạm dụng ma túy còn nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng nhiều hơn là rượu. Trộm, cướp, các tội phạm liên quan đến mại dâm và lừa bịp những số tiền lớn đều xảy ra dưới ảnh hưởng nguy hại của sự lạm dụng ma túy.

Các tay trùm buôn ma túy, không chỉ là những kẻ buôn cái chết, mà họ còn cố gắng lèo lái các chính quyền yếu kém qua hình thức hối lộ, tham nhũng, đe dọa lật đổ và khủng bố. Vì an toàn chung, các chính quyền phải bảo vệ công dân họ khỏi ảnh hưởng của ma túy. Tuy nhiên, các tay trùm ma túy, với những mưu mô quỷ quyệt, đã đe dọa đến nền tảng xã hội - đó chính là phẩm giá con người. Những người dám đánh thức lương tâm con người luôn phải chịu nguy hiểm đến tánh mạng riêng và của gia đình vì họ dám đặt chân lên mảnh đất không có luật lệ của các tay trùm ma túy.

Không có sự hợp tác giữa các nước trên thế giới để dẹp tan điều ác này, thì sức sống và tương lai của nhiều nước sẽ thực sự u ám. Hằng bao nhiêu triệu những đồng tiền được kiếm bằng sức lao động chân chánh đã đổ đi khắp nơi trên thế giới để giúp bao con nghiện thoát khỏi thói quen độc hại này, nhưng sự ham mê điên cuồng này vẫn dai dẵng. Bổn phận của chúng ta là phải giúp đỡ bằng bất cứ phương tiện nào có thể, để xóa bỏ sự nguy hại khủng khiếp này và cương quyết ngăn cản không để con cái chúng ta đến gần với ma túy.

Cuộc sống của kẻ nghiện ma túy hay rượu là một cuộc sống địa ngục, đầy đau khổ trên thế gian, sẽ đưa nạn nhân của chúng đến cửa tử sớm nhất.

Say Xỉn

Say xỉn làm mất lý trí,
Dìm sâu ký ức,
Làm mất thể diện,
Sa sút sức khỏe,
Đốt cháy máu,
Gây ra những vết thương không thể chữa lành ở bên ngoài hay bên trong thân.
Nó là phù thủy của thân,
Là quỷ của tâm,
Kẻ cướp với ví tiền,
Là lời nguyền rủa của kẻ ăn xin,
Là nỗi thống khổ của vợ hiền,
Là nỗi muộn phiền của con trẻ,
Là hình ảnh của thú dữ,
Là kẻ tự giết mình.
Kẻ say uống để chúc tụng sức khỏe người khác,
Nhưng lại cướp đi sức khỏe của bản thân.

Là con người, chúng ta phải biết tự kiềm chế để phân biệt giữa điều tốt và xấu. Hãy xa lánh rượu và ma túy và giúp người khác cũng làm như thế. Đó là sự phụng sự to lớn nhất cho nhân loại.

Địa Ngục Hay Thiên Đàng Do Ta Tự Tạo

“Nếu ta muốn sống hạnh phúc và bình an trong thế giới này, hãy để người khác cũng được sống bình an và hạnh phúc như thế, đó là ta đã biến thế giới này thành một nơi đáng sống”. Trừ khi và cho đến khi ta có thể tu chỉnh bản thân để sống đúng theo các quy luật cao đẹp, thì ta không thể mong chờ hạnh phúc và bình an trên thế giới này. Ta cũng không thể mong chờ được hạnh phúc và bình an trên thiên đàng chỉ bằng cách cầu nguyện.

Nếu bạn sống đúng theo các quy luật đạo đức bằng cách nêu cao phẩm cách con người, thì bạn có thể tạo ra thiên đàng cho chính mình ngay trong thế giới này. Bạn cũng có thể tạo ra lửa địa ngục ngay trên trái đất này nếu bạn xâm phạm cuộc sống cao quý của con người. Nếu không biết cách sống theo định luật vũ trụ, thì chúng ta sẽ thường bị vấp ngã. Nếu con người cố gắng sống một cuộc đời cao đẹp, không làm hại ai, thì mọi người có thể tận hưởng sự bình an thực sự như trên thiên đàng, tốt hơn những gì mà một số người hy vọng sẽ có được sau khi chết.

Thật viễn vông khi tạo ra một thiên đàng ở đâu đó để tặng thưởng người đức hạnh, hay một địa ngục để phạt kẻ xấu ác. Dầu bạn tin vào tôn giáo nào, thì đức hạnh và tội lỗi cũng không thể tránh khỏi những hậu quả ngay trong thế giới này. Có lòng bi mẫn đối với tất cả mọi chúng sinh là cách duy nhất để tạo ra thiên đàng. Chúng ta có thể tạo ra một lý tưởng sáng chói, hấp dẫn vì lợi ích cho xã hội và con người, bằng cách vung trồng lòng khoan dung, bi mẫn và quan tâm đến sự tiến bộ và hạnh phúc của người. Loài người chúng ta đã tiến bộ đến mức độ này là nhờ các cá nhân lừng lẫy đã chỉ đường cho ta đi. Bằng cách giúp đỡ người khác sống đạo đức, là chúng ta cũng tự giúp mình, và bằng cách giúp bản thân sống đạo đức, là ta cũng giúp đỡ người khác.

Một Cuộc Sống Hôn Nhân Hạnh Phúc

Trong một cuộc hôn nhân thực sự, vợ và chồng phải quan tâm đến người phối ngẫu nhiều hơn là bản thân mình. Hôn nhân là chiếc xe đạp được chế tạo cho hai người điều khiển. Cảm giác an toàn và thỏa mãn chỉ có được do sự cố gắng của cả hai. Trong khi tánh không kiên nhẫn và không thông cảm lẫn nhau là nguồn gốc của hầu hết những vấn đề trong gia đình. Người vợ không phải là kẻ hầu của người chồng. Người vợ phải được đối xử công bằng. Dầu người chồng có bổn phận kiếm tiền cho gia đình, nhưng chia sẻ công việc nhà với vợ không làm giảm đi nam tính của người ấy. Tương tự một bà vợ hay cằn nhằn, quạu quọ sẽ không bù đắp được cho những thiếu sót trong bổn phận ở gia đình. Tánh hay nghi ngờ chồng cũng không giúp đem lại hạnh phúc gia đình. Nếu người chồng có lầm lỗi, thì chỉ có lòng khoan dung và những lời tử tế mới có thể giúp người chồng thấy được lẽ phải. Chánh kiến và giới hạnh là những tính chất cụ thể của trí tuệ.

Được có một mái gia đình là hạnh phúc, nhưng nhiều người biến cuộc sống lứa đôi thành địa ngục. Sự nghèo túng không phải là lý do chính của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Cả hai vợ chồng phải tập chia sẻ tất cả những niềm vui cũng như sự bất hạnh trong cuộc sống hằng ngày. Sự thông cảm lẫn nhau là bí quyết của một cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Chớ Lo Âu

Bí quyết của một cuộc sống hạnh phúc, thành công là chỉ làm những gì cần phải làm trong hiện tại, chứ không lo lắng về quá khứ hay tương lai. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, cũng không dự đoán được mọi thứ trong tương lai. Chỉ có một thời điểm mà ta có thể có chút ý thức kiểm soát, đó là hiện tại.

Nhiều người chỉ lo lắng cho tương lai. Họ phải tập điều chỉnh trở về lại với hoàn cảnh trước mắt. Dầu họ có đang xây lâu đài trên không trung, dầu họ đang mộng mơ gì, họ phải luôn nhớ là họ đang sống trong một thế giới đầy những đổi thay và xung đột.

“Không có ngôi sao nào đáng tin cậy,
Không có ngọn đèn dẫn đường nào,

Nhưng ta biết rằng ta phải SỐNG TỐT, SỐNG CHÂN CHÍNH, SỐNG ĐÚNG”.

Trụ Cột Của Thành Công

Thất bại chính là trụ cột của thành công. Học hỏi được từ những thất bại của mình là để đạt đến thành công. Không bao giờ thất bại thì chẳng bao giờ có thể thành công. Nếu ta chưa nếm trải qua những cay đắng của thất bại, thì làm sao biết tận hưởng vị ngọt của thành công. Nó sẽ chỉ là một sự kiện mà ta ít để tâm hay không màng tới. Thất bại không chỉ giúp ta thành công, nó còn cho ta thêm năng lượng, thêm phấn chấn và thêm giàu kinh nghiệm.

“Ta sống, làm việc và mộng mơ,
Ai cũng có giấc mơ nhỏ của mình,
Đôi khi ta cười,
Lắm khi ta khóc,
Và cứ thế ngày qua đi”.

Vẻ Đẹp Thực Sự

Sự xấu xí bên ngoài không phải là khiếm khuyết của một cá tính dễ thương. Nếu người có dung mạo xấu xí biết vung trồng đức tính của lòng bi mẫn, thì tình thương yêu đó sẽ biểu hiện qua nhiều phong cách đáng ngưỡng mộ - tĩnh lặng, vui vẻ, tỏa sáng và dịu dàng. Những nét quyến rũ này sẽ dễ dàng bù đắp cho bất cứ sự thiếu sót nào ở bên ngoài.

Ngược lại, một người dễ nhìn, nhưng vênh váo, tự cao, sẽ khiến người khác thấy khó ưa và khó chấp nhận. Vẻ đẹp nội tâm mới là vẻ đẹp thực sự. Nó quyến rũ và có tính chất đặc biệt.

Tại Sao Không Dễ Rời Bỏ Thế Giới Này?

Đối vớinhiều người, chết là một sự kiện không dễ chấp nhận. Do có quá nhiều ham muốn cần được thỏa mãn, nên người ta vẫn muốn sống dầu có phải chịu bao khổ đau. Họ cảm thấy thoải mái sống với ảo tưởng hạnh phúc hơn là thực tại của cái chết. Nếu họ có chút nghĩ ngợi gì về cái chết, thì điều đó cũng chỉ xảy ra ở tuổi xế chiều.

Quá bám víu vào cuộc sống thế gian sẽ khiến ta sợ chết, nhưng sự thật là cuộc sống không có gì hơn là những khổ đau. Chết là điều tự nhiên và không thể tránh. Chết không đáng sợ bằng việc nghĩ về cái chết. Tâm ta có khả năng tạo ra và tô vẽ những hình ảnh tưởng tượng đáng ghê sợ của cái chết. Lý do là vì tâm, nếu không được rèn luyện để nhìn cuộc đời với tất cả những điều vô thường, và khổ não, thì nó dễ bám víu vào ảo tưởng, giống như một người sắp chết đuối thì bám vào cả một cọng rơm.

Ngay cả đối với những người thiết tha cầu nguyện đến một đấng siêu hình trong tưởng tượng để cầu xin sự cứu rỗi và một chỗ trên thiên đàng, khi cuộc sống dường như vô vọng, họ cũng cảm thấy bất an. Dĩ nhiên, nỗi sợ chết cũng chỉ là một biểu hiện của bản năng sinh tồn, nhưng cũng có cách để chế ngự sự sợ hãi đó. Hãy làm công việc thiện nguyện vì lợi ích của người khác để đạt được lòng tự tin và hy vọng trong cuộc sống kế tiếp. Lòng vị tha hủy diệt tất cả mọi bám víu nhỏ nhen.

Tâm thanh tịnh và buông xả mọi vật chất thế gian chắc chắn sẽ giúp ta có một sự ra đi khỏi thế giới này một cách nhẹ nhàng. Luôn quán chiếu về cái chết để hiểu được lý vô thường trong cuộc sống, và trí tuệ để sửa chữa những cách sống sai trái, thì ta sẽ không còn phải sợ chết. Hãy rèn luyện tâm dũng mãnh để đối mặt với thực tại của cuộc sống. Hãy từ bỏ những tham vọng bất hợp lý, viễn vông. Hãy phát triển lòng tự tin. Được như thế thì ta sẽ bình thản hơn khi giải quyết những vấn đề trong cuộc sống.

Diệu Liên Lý Thu Linh

Mùa Phật Đản 2013



Phương Danh Quý Phật tử Hùn Phước Ấn Tống Sách
Phương cách Giải quyết Các Vấn đề
(How To Overcome Your Difficulties)
Tác giả: HT. Tiến Sĩ K. Sri Dhammananda

Bà Nguyễn T.Ngọc Sương- Chúc Minh, USA
Cathy Ly Chopinaud, France
Chơn Đăng Lý Thu Lan, TX USA
Du Lịch Lam Sơn, TP Mỹ Tho, Việt Nam
GD Anh Chị Quốc Súy & Thanh Nga Nguyễn, CA USA
GD Bà Hồng Thị Nhơn, Việt Nam
GD Bích Vân Amanda Phan, TX USA
Hứa Kim Hoa, TX USA
Huệ Phúc, TP Mỹ Tho, Việt Nam
Kathy Trần & Hùng Nguyễn, CA USA
Kim Ngân, CA USA
Lê Văn Lý, CA USA
Lý Kim Thanh, CA USA
Lý Nam Thanh & Thanh Tuyền, CA USA
Minh Giải Lê Văn Trí & Louis Umphenour
Nguyễn Bích Thủy, CA USA
Nguyễn Thị Mai, FL USA
Nguyễn Trung Hiếu, AZ USA
Paul Nguyễn-Thân Quang & Sandy Sy-Thân Hòa, OK USA
Phan Binh, Việt Nam
Phú Lâm & Thu Thuỷ Lê, TX USA
Trần Loan Anh và Gia Đình, Việt Nam
Võ Ngọc Thuận-An Tuệ, Việt Nam
Vũ Lâm Quế Anh -Thường Nhàn, Việt Nam
Vũ Minh Khôi - Nguyên Khánh, TX USA
Huỳnh Thị Phước -Diệu Phước, VA USA
Võ Thụy Chi, VA USA
Trần Thị Loan, VA USA
Nguyễn Thị Thu Hà- Diệu Hòa, VA USA
Diệu Liên Lý Thu Linh, Việt Nam

Phần phước báu cao thượng do sự Pháp thí này,
Xin hồi hướng đến tất cả, đệ tử & chúng sanh,
Đều Trọn thành Phật Đạo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/06/2017(Xem: 9383)
Theunis Botha (51 tuổi), một thợ săn chuyên nghiệp người Nam Phi đã mất mạng sau khi bị con voi đè lên người trong chuyến đi săn ở Gwai, Zimbabwe. Ngày 19-5, nhóm của Theunis Botha đang đi săn ở Gwai, Zimbabwe thì bắt gặp đàn voi 4 con, các thành viên trong đoàn đã nhanh chóng rút súng ra bắn. Tuy nhiên, hành động này đã khiến đàn voi nổi giận và chúng bắt đầu đuổi theo nhóm thợ săn. Sau khi Botha bắn vào 3 con voi, con thứ 4 trong đàn đã dùng vòi nhấc Botha lên cao. Đúng lúc đó, con voi này bị một thợ săn khác bắn chết, nhưng không ngờ thi thể của nó đổ sụp xuống người Botha, đè anh thiệt mạng. Được biết con voi thứ 4 là một con voi cái.
10/06/2017(Xem: 24889)
Trong cuộc sống chúng ta thường xuyên chứng kiến một số người nóng vội, bởi vì một chút việc nhỏ mà nổi trận lôi đình. Hoặc bởi vì một câu nói của người khác không hợp ý mình mà buông lời nhục mạ. Nhưng cũng có khi lại thấy một số người, mỗi ngày đều là dùng tâm thái bình tĩnh để xử lý vấn đề, không sợ hãi trước vinh nhục, đó là bởi họ giữ được “tâm tĩnh như nước”.
08/06/2017(Xem: 10197)
Mẹ tôi mỗi khi sinh con đều ghi lại rõ ràng ngày, giờ, tháng đẻ, năm sinh của từng đứa một và nhờ tướng số sủ quẻ cho từng người. Tám anh em chúng tôi chỉ có hai người là quẻ tốt, tôi và thầy Nhật Từ. Tôi thuộc hạng người thông minh và ma mãnh nên từ bé đã bon chen vào đời rất sớm. Trong quẻ nói tôi sau này sẽ làm v
08/06/2017(Xem: 11320)
Đứng trước dòng thác lũ cuộc đời với vô vàn cám dỗ như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều, chúng ta khó mà vượt qua những nhu cầu cần thiết đó vì nó có sức hấp dẫn lạ thường, hay lôi cuốn, chi phối con người vào chỗ đam mê, say đắm. Cho nên, lúc nào ta cũng sống với hai tâm trạng vui-buồn lẫn lộn bởi tốt-xấu, hơn-thua, nên-hư, thành-bại, được-mất trong cuộc đời mà đón nhận kết quả khổ đau hay hạnh phúc.
04/06/2017(Xem: 9205)
Có một bộ Kinh rất nổi tiếng mà các Phật tử đều biết là “Kinh Kim cương”. Tên tiếng Phạn của Kinh là Vajracchedika-prajñaparamita-sutra, trong đó Vajra có hai nghĩa là kim cương và sấm sét, còn Chedika có nghĩa là cắt đứt, đoạn diệt.
02/06/2017(Xem: 6322)
Đạo đức là chân lý sống, là tấm gương sáng để người lãnh đạo Phật giáo thể hiện tinh thần bao dung và hòa hợp trong các tông phái tu học của đạo Phật. Trách nhiệm Giáo hội trong thời hiện đại khoa học phát triển một cách nhanh chóng với những văn minh tiến bộ rõ nét. Ngày nay một tu sĩ thuần thành với vai trò lãnh đạo Giáo hội các cấp, ngoài việc tu học khép mình trong chốn thiền môn, mà còn là người mang nặng trọng trách của một nhà truyền đạo đức làm người đối với quý Phật tử gần xa và xã hội.
01/06/2017(Xem: 17731)
Trong cuộc sống, việc bất bình thường không phải ít; có khi bị thần kinh, có khi bị ảo giác, hay hoang tưởng, có khi bị chấn thương đưa đến bất thường, có lúc tu tập không có Minh sư hướng dẫn, hành giả không đọc kỹ kinh Lăng Nghiêm… Cũng có khi sở đắc một khía cạnh nào đó rồi cứ ngỡ là toàn giác.
31/05/2017(Xem: 8781)
Thế là đã nửa năm trôi qua kể từ ngày Tết Chay lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của 44 đơn vị uy tín trong lĩnh vực chay. Tết Chay được tổ chức tại Hà Nội nửa năm trước đã gây ra được tiếng vang lớn. Rất nhiều cơ quan, nhà chùa, doanh nghiệp liên tục liên lạc với Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm TGĐ công ty sách Thái Hà ,đề nghị tổ chức Tết Chay lần thứ 2, thứ 3,…
28/05/2017(Xem: 7313)
Từ vụ Đại Bùng nổ (Big Bang) đến kỷ nguyên gọi là “Bùng nổ Thông tin” (the Information Explosion) cách nhau khoảng 15 tỉ năm. Vũ trụ theo lý thuyết Big Bang đã theo thời gian giãn nở, bành trướng không cùng tận. Ngày nay chúng ta thấy sự bùng nổ thông tin cũng trong tiến trình khuếch trương, mở rộng, không giới hạn. Nhưng thế giới loài người trên hành tinh nầy, chỉ là một hạt bụi nhỏ trong hàng tỉ tỉ định tinh và hành tinh trong vô số thiên hà…
25/05/2017(Xem: 10234)
Hoặc đóng cửa khép kín với thế giới bên ngoài như Bắc Triều Tiên. Hoặc mở cửa sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế như Việt Nam. Bhutan lại chọn chiến lược, “Cánh cửa mở hé”!. “Mở hé” trong ngoại giao, kinh tế, văn hóa - giáo dục.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]