Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tăng già và Lục Hòa

09/04/201308:13(Xem: 6674)
Tăng già và Lục Hòa


Thich Tam Hoa 2
Tăng Đoàn và Lục Hòa


          Theo cách nghĩ thông thường của người bên ngoài cửa chùa, Lục Hòa là một nguyên lý, một nguyên tắc hay qui tắc được áp dụng trong Tăng đoàn để có đời sống hòa hợp. Đơn giản mà nói, cách nghĩ ấy đúng. Nhưng dùng chữ “nguyên lý” hay “nguyên tắc” khiến người ta không khỏi có cảm nghĩ rằng để áp dụng Lục Hòa, tập thể xuất gia có vẻ như phải khép mình vào một thứ kỷ luật khắt khe, đầy khuôn khổ, phép tắc và thiếu tình cảm, giống như kỷ luật quân đội.
          Ở đây sẽ không căn cứ trên các văn bản của kinh, luật, luận để khai triển, phân tích về xuất xứ, lịch sử, nguyên do, định nghĩa hoặc chú giải về hai chữ Lục Hòa. Điều mà chúng ta có thể trao đổi là kinh nghiệm thực tế được ghi nhận và truyền-tiếp ngay trong sinh hoạt Tăng đoàn từ hơn hai nghìn năm trăm năm qua. Kinh nghiệm ấy, có thể rút tỉa từ sinh hoạt tăng-đoàn nguyên thủy (qua kinh sách để lại), cũng có thể qua những bài học sống động của cộng đồng Tăng già Việt Nam xưa và nay, hoặc có thể chỉ trong phạm vi nhỏ của một Phật học viện, một tu viện, hay một ngôi chùa nhỏ, ở thành phố, hay nơi miền quê hẻo lánh. 
          Qua kinh nghiệm áp dụng Lục Hòa, tăng sĩ mọi thời đại và trú xứ mặc nhiên cảm nhận rằng, đó không phải là một nguyên tắc khô khan cứng ngắt, mà là một lẽ sống, một lối sống đẹp, có tình có lý. Thiếu Lục Hòa, tăng đoàn thời Phật không thể nào ổn định trật tự và đi vào nề nếp một cách thuận hợp khi mà sự phân biệt giai cấp vốn là một thứ tập quán (hay định chế) trong xã hội Ấn-độ thời bấy giờ(kéo dài cho đến ngày nay).
          Nhưng Lục Hòa phải chăng là một lẽ sống có thể ứng dụng vào đời sống của bất cứ tập thể nào để mang lại trật tự và hòa hợp cho tập thể ấy ?  Đã có nhiều người cố gắng phân tích, biện giải, nhằm rút tỉa một phương thức hữu hiệu về sự ổn định và hài hòa để áp dụng cho tổ chức, đoàn thể, thậm chí đảng phái ngoài xã hội. Những cố gắng ấy, dù ca ngợi Lục Hòa là phương thức tối hảo cho sinh hoạt tập thể, cuối cùng vẫn chỉ là sự tối hảo trên lý thuyết, không thể áp dụng được trong thực tế. Bởi vì, họ quên rằng, từ khởi thủy, Lục Hòa do Phật chế định là để áp dụng trong đời sống Tăng đoàn, một tập thể “bình bát cơm ngàn nhà”, không có sở hữu tài sản, không có ngôi vị hay quyền bính; một tập thể cát ái ly gia, xem “tứ đại giai không”, chỉ vì một mục đích duy nhất là chứng ngộ giải thoát để “thệ độ nhất thiết nhân”.
          Đối với tăng đoàn, đức Phật hướng dẫn pháp Lục Hòa; còn đối với tại gia cư sĩ, ngài dạy Tứ Nhiếp Pháp. Từ khi Phật giáo phát triển, với tư tưởng thực tiễn dấn thân, tăng sĩ có thể áp dụng cả Lục Hòa và Tứ Nhiếp Pháp. Nhưng để áp dụng Lục Hòa một cách đúng mức vào các tổ chức thế tục, hầu như vẫn là điều bất khả. Có chăng sự thành công của một tập thể thế tục nào đó khi áp dụng Lục Hòa, cũng chỉ là “trên tinh thần” và một cách tương đối, trong một phạm vi nhỏ hẹp mà thôi.
          Tại sao Lục Hòa không thể áp dụng rộng rãi cho tất cả các đoàn thể không phải tăng sĩ ?  Chẳng phải là Pháp Phật như mưa rải xuống đời, cây cỏ lớn nhỏ đều tùy theo khả năng mà thấm đượm hay sao ? - Đồng ý là Pháp Phật như mưa, mỗi thứ cây cỏ đều hưởng dụng theo khả năng, nhưng đó là nói về mỗi cá thể. Một tập thể thì khác.
          Tập thể tăng-già là tập thể xuất gia, áp dụng được Lục Hòa không phải là do bị ép vào một cái khuôn với nội qui, kỷ luật và những lời kêu gọi hoặc đủ thứ phương châm dẫn dắt như các tập thể thế tục. Lục Hòa là một phương thức của tập thể tăng-già mà mỗi cá nhân, tăng hoặc ni, tự nguyện áp dụng để tạo sự hòa hợp trong đời sống chung. Sáu yếu tố được nêu ra trong Lục Hòa bao gồm cả ba nghiệp (thân, khẩu, ý), giới luật (qui tắc hành xử), kiến giải (tinh thần)và tài sản (vật chất). Sáu yếu tố này đối với đời sống tập thể, nếu có sự hòa và đồng, sẽ tạo nên trật tự, hài hòa, nhịp nhàng, không chõi với nhau. “Đồng” thì dễ, nhưng “hòa” thì rất khó. Tập thể thế tục nếu cố gắng, cũng có thể o ép mọi thành viên đi vào khuôn khổ của “đồng”. Còn muốn có “hòa” một cách nhẹ nhàng, nhu thuận, tự nhiên, hồn nhiên, tự tại, tất phải có tu tập và sự thực nghiệm thường xuyên về tính cách vô ngã, duyên sinh của mọi sự mọi vật. Mỗi cá thể phải quên đi cái ngã của mình thì mới hòa được với đời sống tập thể. Điều cốt lõi của Lục Hòa là phá ngã, vô chấp, dù đức Phật không công khai nói ra, nhưng người xuất gia hẳn phải cảm nhận được qua sinh hoạt tập thể từ hai ngàn năm trăm qua.
Vậy thì thử phân tích từng điểm của Lục Hòa để xem tại sao chỉ có tập thể xuất gia áp dụng được mà  tập thể thế tục thì không.
          1. Thân hòa đồng trú :  cùng sinh sống ở một nơi chốn - rộng thì nói trụ xứ, khu vực, cơ sở (tự viện, tu viện, phật-học viện, đại tùng lâm…) ;  hẹp thì là phòng ốc, chỗ ngủ, chỗ làm việc, nơi sinh hoạt chung (chánh điện, phòng họp). Người xuất gia sống đời đạm bạc – tam thường bất túc (ăn, mặc, ngủ) không để cho dư dật, thì đâu có thời giờ bận tâm chuyện chỗ ăn chỗ ở cho nên sẵn sàng và hoan hỷ nhường nhịn nhau. Còn như những tập thể đảng phái thế tục thiếu sự tu tập thì khác, dù có “đồng cảnh”, “đồng sàng”, “đồng nghiệp”, “đồng môn” gì đi nữa thì cũng không có được “thân hòa” vì còn có quá nhiều sở hữu.
          2. Khẩu hòa vô tránh :  nói với nhau một cách hòa nhã, lịch sự, nhẹ nhàng, từ tốn, khiêm cung, dù có điểm bất đồng cũng không dẫn đến tranh cãi, lớn tiếng. Người xuất gia rõ biết “họa tùng khẩu xuất”, lại biết âm thanh ngôn ngữ là vô thường, luôn giữ khẩu nghiệp thanh tịnh, niệm một câu Phật tốt hơn là buông một lời xằng bậy hoặc ngôn ngữ tổn hại đến người khác. Còn như những tập thể đảng phái thế tục thiếu sự tu tập thì khác, dù có “đồng thanh”, “đồng khẩu”, “đồng âm”, “đồng biểu quyết”, cũng khó giữ được hòa khí cho tập thể vì còn quá nặng nề chấp ngã..
          3. Ý hòa đồng duyệt :  luôn giữ tâm ý hòa hợp và cảm thông với nhau trong niềm vui chung. Đó là niềm vui cùng sống trong chánh pháp (pháp lạc), niềm vui có cùng lý tưởng hướng về giải thoát giác ngộ. Đây là niềm vui to lớn trùm lấp tất cả những dị biệt về thân phận, hoàn cảnh, danh, tướng, sở hữu, sở đắc. Với tâm vô ngã, người xuất gia trong giao tiếp, sinh hoạt tăng-đoàn, luôn hòa vui với đồng môn, pháp lữ, chia sẻ và lắng nghe tâm tình và hoàn cảnh của kẻ khác. Trong khi đó người thế tục đi vào tập thể, nếu không thực tập vô ngã thì có mặt ở đâu cũng chỉ mong vui mình bất kể người khác, chỉ muốn mọi người phải chìu lòng mình, tôn trọng và đối xử đặc biệt với mình. Cái ngã to tướng như vậy thì dù có “đồng tâm”, “đồng chí”, “nhất trí” chăng nữa cũng không thể tạo được “ý hòa”.
          4. Giới hòa đồng tu :  cùng tuân thủ, giữ gìn những giới luật và qui tắc sống chung một cách hòa hợp. Giới luật và qui tắc (oai nghi)của tập thể tăng-già là căn bản của giải thoát. Người xuất gia biết rằng giữ gìn giới luật là bảo vệ (phòng hộ) ba nghiệp cho thanh tịnh, là nền tảng để tiến dần đến giải thoát giác ngộ; vì biết như vậy, và vì luôn có thú hướng giải thoát giác ngộ, người xuất gia tự nguyện đặt mình trong giới luật. Giới luật và các qui tắc sống chung (oai nghi) là gia bảo, là mạng sống của người xuất gia.  Thế nên, không phải vì xuất thân thường dân mà giữ giới nhiều hơn, không phải vì bà con của Phật, của Tổ, của sư phụ danh tiếng mà không cần oai nghi tế hạnh. Vì sự nghiệp giải thoát giác ngộ, người xuất gia phát nguyện thọ trì giới cấm; vì vui hòa với đời sống tăng-đoàn và trang nghiêm thân tướng để làm biểu tượng tôn quí trong Tam Bảo, người xuất gia giữ gìn oai nghi tế hạnh và các qui tắc sống chung tập thể. Giới luật và qui tắc oai nghi vì vậy không phải là những kỷ luật sắt thép gò bó các cá nhân trong đời sống tập thể, mà chính là những thệ nguyện, những mặc ước tự nhiên giữa những kẻ xuất trần, vô ngã. Nhờ vô ngã, người xuất gia buông bỏ các danh, tướng, địa vị, giai tầng của xã hội lẫn trong tăng-đoàn để sống vui hòa với các tăng lữ khác trong các định chế có khả năng phòng hộ mình. Giới luật không phải là đẳng cấp, không phải là chỗ y cứ để phân biệt ngôi thứ, tôn ty trong tăng-đoàn. Trật tự và tôn ty trong tăng-đoàn y cứ nơi giới đức và hạ lạp. Thứ tôn ty trật tự ấy, được sắp xếp tự nhiên bằng sự khiêm cung, vô ngã của mỗi cá nhân tăng sĩ. Người thế tục trong đời sống kỷ luật của tập thể, nếu không thực hành vô ngã và nếu không thấy kỷ luật chính là mạng sống của tổ chức mình thì sẽ luôn huênh hoang về đẳng cấp, thâm niên, tuổi đoàn, tuổi đảng, tranh giành với nhau từng chỗ ngồi, địa vị. Muốn áp dụng Lục Hòa của Phật mà cá nhân mỗi người không biết quên mình đi thì sự tuân thủ kỷ luật chỉ là gượng ép, vô hồn, dù có “đồng” cũng không thể “hòa”.
          5. Kiến hòa đồng giải :  cùng chia sẻ, trao đổi với nhau một cách hòa hợp những hiểu biết và kinh nghiệm trong việc thực nghiệm chánh pháp. Hiểu biết và kinh nghiệm ấy không phải là vốn liếng riêng tư để bo bo gìn giữ mà kiếm sống như các nghề nghiệp chuyên môn của thế tục. Người xuất gia chỉ có kiến giải và kinh nghiệm tu tập hướng về mục tiêu giải thoát giác ngộ. Mục tiêu ấy chẳng phải là cõi trời hay thiên đàng nhỏ hẹp mà người đến trước giành chỗ tốt, người đến sau bị thiệt thòi. Điều gọi là “sở đắc”, hay là kiến giải độc sáng của một cá nhân, không có ý nghĩa gì trong tiến trình tu tập, giải thoát. Trí tuệ siêu việt chỉ có thể hiển hiện nơi một bậc đạt đến vô ngã hoàn toàn. Thế nên, trong tinh thần vô ngã, người xuất gia có sự hiểu biết hay kinh nghiệm nào trong việc tu học cũng hết lòng chia sẻ, bàn bạc, lắng nghe, trao đổi, hướng dẫn, khuyến khích đồng môn pháp lữ của mình với tinh thần hòa kính. Tâp thể thế tục muốn áp dụng “kiến hòa đồng giải” trước hết phải thực tập vô ngã, thấy rằng kiến thức và kinh nghiệm của thế gian đều là của chung, không giấu riêng cho mình một điều nhỏ nhặt hay bí hiểm nào để nuôi dưỡng, vinh danh một cái ngã huyễn vọng vô thường.
          6. Lợi hòa đồng quân :  chia sẻ nhau những quyền lợi vật chất một cách hợp lý, hài hòa, vui vẻ. Nói “quyền lợi” ở đây là nói một cách miễn cưỡng. Thực ra, theo sinh hoạt truyền thống của tăng-đoàn nguyên thủy thời Phật, tăng sĩ là những người từ bỏ gia đình, sống hạnh khất thực, ngoài ba y, bình bát, tọa cụ, ngọa cụ, kim chỉ, đãy lọc nước, không có vật sản tư hữu nào khác. Một đời sống phạm hạnh, đạm bạc và không thủ đắc như vậy không nên bàn và nghĩ đến chuyện quyền lợi hay lợi dưỡng như ở thế gian. Nhưng ở thời đại ngày nay, hạnh khất sĩ vô sản không còn thích hợp. Tăng sĩ bây giờ sống ở tự viện, tu viện, giao tiếp xã hội, cần có những vật sản và tiền bạc theo nhu cầu, nhưng tinh thần luôn luôn là tinh thần vô sản, có nghĩa là sẵn sàng buông xả, bố thí, cúng dường tất cả những gì mà cá nhân mình đang nắm giữ nếu việc buông xả này mang lại lợi ích lớn cho người đón nhận mà không tổn hại đến quyền lợi chung cũng như làm nặng trách nhiệm cho người khác trong tăng-đoàn, cũng như trong đàn na thí chủ. Ba cõi bốn đại vốn là không. Người xuất gia đến và đi ở cõi đời này một cách vô ngã, vô ngã sở, vô vị lợi, cho nên có thể chia sẻ, san sớt, ban phát, cho đi, một cách hòa ái, vui vẻ, không vướng bận, mắc mướu. Lợi hòa đồng quân có chỗ gọi là “đồng thí” – theo cách nói này, có thể hiểu tương giao của tập thể tăng là để cho đi những gì mình có, chứ không phải để thủ đắc lợi dưỡng. Đến với nhau là để cho, để tặng, để thực hành hạnh buông xả - cũng là một cách để bỏ dần ngã chấp. Cá nhân trong  những tập thể thế tục nếu không có tinh thần vô ngã, vị tha, sẽ không thể thực hành rốt ráo “lợi hòa đồng quân”.
          Điểm qua ý nghĩa thâm sâu của Lục Hòa như vậy, một mặt để tán dương phương thức kỳ diệu của đức Thế Tôn nhằm hướng dẫn một đời sống tập thể hòa hợp, lại vừa là một pháp môn tu cho mỗi cá nhân khi đi vào biển lớn của tăng-đoàn; mặt khác, cũng để khơi dậy niềm tin tưởng mãnh liệt về sức mạnh hòa hợp của Tăng-già. Sức mạnh ấy có thể hóa giải tất cả mọi dị biệt, chấp tranh, mâu thuẫn mà không một tập thể thế tục nào có thể làm nổi. Sức mạnh ấy, khởi động chỉ bằng một ý niệm thôi :  vô ngã. 
          Tóm lại, bản thể của tăng già là thanh tịnh và hòa hợp. Tổ chức tăng đoàn là một tổ chức phi tổ chức, nhưng không vì thế mà lỏng lẻo, rời rạc như cát trong sa mạc, mà nó như nước vậy. Nước luôn tự thích nghi với mọi hoàn cảnh. Nước khi vào bầu thì tròn, vào ống thì dài; nước không chảy vào chỗ cao mà luôn rót vào chỗ thấp, chỗ thiếu. Nước khi lạnh thì đóng băng, khi nóng thì bốc hơi, nhưng cuối cùng: nước vẫn trở về với nước.  
                Thích Tâm Hòa

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/06/2018(Xem: 6980)
Thông Báo: Tham Dự Khoá Tu "Returning Home" 2018 Dành Cho Giới Trẻ Tại Hoa Kỳ - Số lượng dự kiến: 150 bạn trẻ, học sinh, sinh viên. Khoá Tu "Returning Home" sẽ được diễn ra ngày 17/06/2018 tại Như Lai Thiền Tự (San Diego - California - Hoa Kỳ) dành cho các bạn trẻ người Mỹ gốc Việt.
05/06/2018(Xem: 8342)
Bức hình của về cụ bà đứng chắp tay khi đoàn rước Phật từ chùa Diệu Đế (TT-Huế) đi ngang đã lay động hàng triệu trái tim. Sau khi đăng hình ảnh này trong chùm ảnh Phật đản xứ Huế, mọi người đã chia sẻ rất nhanh.
03/06/2018(Xem: 6802)
Mùa đông gió bão năm 1973, Ôn về Phật học viện Hải Đức, trong hai tuần lễ làm Phật sự. Mấy lần lên hầu thăm Ôn, đều thấy Ôn bận chỉ vẽ cho mấy Thầy xây Non Bể Bản Đồ Việt Nam, tôi cũng giúp mấy Thầy tìm mua cho ra những ngôi chùa, cái tháp, cái cầu, tượng Phật, ông câu, voi, rùa, thỏ v.v...
03/06/2018(Xem: 6073)
Thật thú vị, và cũng thật hạnh phúc, khi được ngồi hầu dưới chân Mẹ, được Mẹ kể cho nghe những câu chuyện ngày xưa đẫm vị Đạo mà Mẹ vẫn còn nhớ như in, kể vanh vách, đọc lưu loát ở độ tuổi sắp thượng thọ bach tuế.
01/06/2018(Xem: 29989)
Nhằm tạo một cơ hội sinh hoạt chung để chia sẻ, học hỏi, thảo luận một số đề tài liên quan đến công việc Hoằng pháp, Giáo dục, Văn học Nghệ thuật Phật Giáo, và Ra Mắt Sách chung, một buổi sinh hoạt CÓ MẶT CHO NHAU sẽ được tổ chức tại Viet Bao Gallery, 14841 Moran St. Westminster, CA 92683, vào lúc 4:30--8:30 Chiều, Thứ Bảy, ngày 2 tháng 6, 2018.
31/05/2018(Xem: 7042)
Đã định trước, sáng nay, nhằm 12 tháng Tư âm lịch, tôi lên xe máy chạy ra hướng Bắc, “độc phi hành đại đạo” qua đường lộ phẳng phiu ven bãi biển thơ mộng, mang theo sách “Động cửa thiền” và Nội san Tâm Thị để cúng dường chư tăng chùa Phổ Minh, sau lần diện kiến ngẫu nhiên hai tháng trước. Trong giai phẩm Tâm Thị kính mừng Phật Đản 2642 kỳ này, có bài viết “Ngẫu hứng Lương Sơn” giới thiệu một số hình ảnh về chùa, nên chắc chắn quý thầy sẽ hoan hỷ đón nhận.
29/05/2018(Xem: 5367)
Trong suốt thời gian hơn một tháng trời thăm hỏi, tham khảo thông tin, chạy xe lòng vòng lên xuống ngày hai buổi tìm mua một căn nhà mới ở ngoại thành để “dời đô” về mà sống thanh thản an nhàn giữa khung cảnh thoáng rộng yên bình, không có ngày nào mà tôi không thắp hương khấn nguyện, cầu chư thiên hộ pháp gia hộ đưa đẩy nhân duyên cho mình được về ở gần một chốn già lam thanh tịnh, để hằng ngày thuận duyên nương tựa Tam Bảo, hướng cuộc sống gia đình đi về một ngày mai an vui với hành trang là Chánh Pháp của đức Như Lai…
28/05/2018(Xem: 14755)
Quý độc giả có thể mua tập sách “ Bát Cơm Hương Tích” này trên trang Amazon, họ sẽ gởi đến tận nhà cho quý vị: https://www.amazon.com/dp/1720339341/ref=sr_1_1?s=books&ie=UTF8&qid=1527489669&sr=1-1
23/05/2018(Xem: 19043)
Nam Mô A Di Đà Phật, Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni cùng quý Phật tử gần xa, Đây là hình ảnh Tượng Phật Nhập Niết Bàn đặt nằm chung lẫn lộn với các bức tượng lỏa thể đang được triển lãm tại Phòng Trưng Bày Nghệ Thuật Quốc Gia Úc tại tiểu bang Victoria ( National Gallery of Victoria, NGV), đây là hành động xúc phạm đối với tượng Phật và cộng đồng Phật Giáo tại Úc Châu. Mục đích của cuộc triển lãm này là họ muốn « mang các truyền thống văn hóa lại gần với nhau hơn », ý tưởng rất hay nhưng khi tạo dựng tác phẩm lại thiếu tính hiểu biết, phản cảm, phi nghệ thuật, nhất là không tôn trọng và xúc phạm đến Phật Giáo. Chúng con được biết, tại tiểu bang Victoria, một Giáo Hội Phật Giáo Úc (Buddhist Council of Victoria) đã gởi thư phản đối nhưng họ chỉ ghi nhận và không có bất cứ hành động nào, quả thật là rất buồn. Qua sư việc này, chúng ta thấy rằng tiếng nói của PG quá yếu, không đánh động được lương tâm của họ, nếu không muốn nói là họ quá xem thường cộng độ
22/05/2018(Xem: 8891)
Để thay vào những con số khảo sát khô khan, tôi xin đưa ra một trường hợp minh hoạ: Chiều thứ Bảy (19-5-2018), anh chị Hồ Đăng Định, tức nhà văn Quế Chi, tác giả Chuyện Ngày Xưa Nhớ Nhớ Quên Quên, Lê và tôi được chị Kim Anh, một phụ huynh thân hữu ở trong khu vực Little Saigon Sacramento mời dự tiệc Tốt Nghiệp của hai cháu út trai, và út gái của chị tốt nghiệp Y Khoa Bác Sĩ (Medical Doctor) từ UC Davis và Internship ở New York.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]