Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tăng ly chúng Tăng tàn

31/03/201310:41(Xem: 8205)
Tăng ly chúng Tăng tàn

HT_Minh_Tam_11


TĂNG LY CHÚNG TĂNG TÀN

 

Một ngạn ngữ nhà Thiền vẫn thường được nhắc đến để sách tấn, khuyên răn Tăng Ni trong việc tùng chúng tu tập, giữ mình không rơi vào những sa ngã, kéo lôi của dòng thế tục, đó là câu: “Tăng ly chúng tăng tàn, hổ ly sơn hổ bại” (Tăng mà rời đại chúng thì tăng suy tàn; cọp mà xa rừng thì cọp thất bại).

Ở đây, chúng ta sẽ không qui cứ vào giới luật để bàn nói về ngạn ngữ nói trên mà chỉ dựa vào ý nghĩa then chốt để rút tỉa những bài học cần thiết.

Theo nghĩa đen, phải hiểu rằng hai chữ “tăng” trong câu chỉ cho cá nhân tăng sĩ; chữ “chúng” dùng để chỉ cho tập thể, số đông, tăng đoàn, theo qui định ít nhất là từ bốn tỳ-kheo trở lên (sangha).  Nhưng suy rộng ra, ở một số trường hợp, chữ “tăng” ở đây có thể là một nhóm nhỏ tăng sĩ, và “chúng” là tập thể tỳ-kheo to lớn hơn.

Như vậy, theo ý nghĩa ấy mà nói, khi một tăng sĩ hoặc một nhóm nhỏ tăng sĩ rời bỏ chúng tỳ kheo để sống riêng, hoặc tạo một dòng phái độc lập, có chủ trương và đường hướng riêng biệt không giống với sinh hoạt của đại chúng tỳ kheo, hậu quả thường xảy ra là cá nhân tăng sĩ hoặc nhóm nhỏ tăng sĩ ấy dễ sa ngã, đọa lạc, mất hướng, suy tàn, hoặc dễ rơi vào những tiêu cực, khiếm khuyết về phẩm hạnh, đạo đức.

Dù sao ngạn ngữ nào cũng chỉ đưa ra một kinh nghiệm, một bài học hoặc một lý lẽ tương đối, không thể áp dụng cho tất cả mọi người, mọi thời. Do đó, ngạn ngữ “Tăng ly chúng tăng tàn” trên mặt thực tế, có thể bị xem là mâu thuẫn đối với một số trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn đối với hạnh độc cư mà đức Phật thường ca tụng. Những tỳ kheo sống hạnh đầu đà, độc cư ở rừng xanh núi thẳm vẫn thường là hình ảnh đẹp được tán dương, qui kính trong kinh điển và văn học Phật giáo.  

“Ai đã nếm được

hương vị đời sống

ẩn dật thanh tịnh;

ai đã thấm đượm

hương vị đời sống

vui thỏa chân lý,

người ấy hết cả

ô nhiễm, lo âu.”

             (Pháp cú 205, Phẩm Yên Vui) 

Tâm thức viễn ly và hạnh sống độc cư không phải chỉ là điều mà đức Phật khuyến khích các tỳ kheo thực hành, mà chính ngài từng lịch nghiệm qua 6 năm khổ hạnh và thiền tọa một mình dưới cội bồ đề.

“Là bậc trọn vẹn

chuyên cần chỉ quán

cho nên đức Phật

thích thú sống trong

trạng huống thanh bình

của sự Viễn ly:

một bậc chánh giác

toàn hảo như vậy

chư thiên cũng phải

hết lòng ngưỡng mộ.”

            (Pháp cú 181, phẩm Đức Phật)

 

Một thời trong đời sống độc cư, không có bạn đồng hành, Đức Phật lấy sự chuyên tâm thiền định và trạng thái tịch diệt viễn ly để giữ mình và tiến thủ, thành tựu đạo nghiệp. Tỳ kheo theo lời Phật dạy, sống hạnh độc cư, không sinh hoạt cùng tăng đoàn thì lấy tịnh giới làm thầy. Nếu giữ được tịnh giới, có được tịnh hạnh, thì dù sống một mình cũng giống như sống giữa đại chúng. Tịnh hạnh chính là vô tham, vô sân, vô si, viễn ly mọi đối đãi thị phi, ngã kiến, chấp thủ. 

“Không sống hỗn tạp

với cả hai phía

thế tục, tu sĩ;

mà sống đơn độc

sống không ham muốn.

Ai sống như vậy

Như Lai mới gọi

là vị Tịnh hạnh.”

        (Pháp cú 404, Phẩm Tịnh hạnh) 

Suy từ thâm nghĩa, điều quan trọng không phải là sống độc cư hay sống quần tụ, mà chính là ở chỗ sống như thế nào, có giữ được tịnh giới và có sự thanh tịnh hòa hợp hay không.

Nói vậy có người lại cho rằng đã độc cư một mình nơi rừng sâu, núi thẳm, không tiếp xúc thế gian, thì có gì chướng ngại mà phải giữ tịnh giới, có tiếp xúc với ai mà cần giữ thanh tịnh hòa hợp! Câu hỏi này đưa chúng ta trở lại vấn đề đã nêu ở trước: cốt tủy của đời sống tịnh hạnh.

Tỳ kheo sống độc cư, hoặc một nhóm tỳ kheo nhỏ sống biệt lập tách rời tăng đoàn, tất phải nương tịnh giới làm thầy và lấy bản thể thanh tịnh hòa hợp của tăng làm nguồn cội. Nguyên tắc này, không chỉ áp dụng cho những tỳ kheo độc cư mà áp dụng cho tất cả. Dù sống độc cư hay quần tụ, ở thời gian không có Phật, tỳ kheo mọi xứ, mọi thời đại đều lấy tịnh giới làm thầy như lời huấn thị cuối cùng của đức Phật trước khi nhập diệt đã ghi lại trong Kinh Đại Bát Niết Bàn và Kinh Di Giáo. Khi đức Phật cho phép và khích lệ một tỳ kheo hoặc nhóm nhỏ tỳ kheo ẩn cư thiền định, ngài biết rằng những vị này có sự nỗ lực, quyết tâm thành tựu thánh đạo, và biết tự chế, tự kiểm trong sự bảo vệ của tịnh giới. Đã có những trường hợp tỳ kheo ẩn cư bị sa ngã khi có duy nhất một đệ tử thường lui tới cúng dường tứ sự. Đã có những trường hợp tỳ kheo không ẩn cư nhưng lại một mình dấn thân vào thế gian mà hành đạo, không bạn đồng hành nhắc nhở tương trợ, lâu dần trở thành lập dị, lạc hướng, tự mãn tự thị, không còn thích hợp hay liên hệ gì với tăng đoàn nữa. Và cũng không ít trường hợp tỳ kheo ẩn cư không làm chủ và điều hòa được thân tâm, khiến thành bệnh hoạn, hoặc rơi vào cực đoan, cũng chỉ vì không nương tịnh giới, không có bạn đồng hành mà cũng không qui thú được bản thể thanh tịnh hòa hợp của tăng đoàn. Cho nên, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, tỳ kheo cũng nương tịnh giới như nương thầy, và nương tăng đoàn như bạn lữ.

Thời nay, không có sự dẫn đạo trực tiếp của đức từ phụ, lại thiếu vắng những bậc cao tăng đắc đạo, việc sống độc cư hoặc sinh hoạt tách rời tăng đoàn là điều vạn bất đắc dĩ, ngoại trừ vì hoàn cảnh không thể làm khác hơn hoặc vì đã có tâm nguyện dấn thân với nội lực kiên cố. Nhưng lý tưởng hơn hết, tăng sĩ cần phải sống với tăng đoàn. Nói vậy không có nghĩa là kêu gọi tất cả Tăng Ni khép mình vào một tổ chức, môn phái hay giáo hội nào, vì đây là điều không tưởng.

Sống với tăng đoàn là sống với tịnh giới, là sống với bản thể thanh tịnh hòa hợp của tăng. Trong Kinh Di Giáo, đức Phật nói: “Giới luật là thọ mạng của chư Phật; giới luật còn, Phật Pháp còn.” Tăng sĩ có thể tham gia những môn phái, giáo hội, tổ chức Phật giáo khác nhau, và cư trú rải rác khắp nơi trong nước hay hải ngoại, nhưng đều cùng có chung một bậc đạo sư là đức Phật và tịnh giới, cho nên tuy sai biệt mà vẫn dung thông. Đây đã là điều thật lý tưởng, không thể đòi hỏi gì hơn thế.

Gần đây, xét thấy sinh hoạt tăng đoàn tại hải ngoại hơn ba thập niên dần dần đi vào chỗ suy yếu, tàn lụi mặc dầu số lượng Tăng Ni càng lúc càng gia tăng, một tổ chức với danh xưng “Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại” đã được hình thành bởi một số chư tôn đức nhiều thế hệ và nhiều quốc gia. Đây là nỗ lực quý báu nhằm vân tập và điều hợp sinh hoạt Tăng Ni tại hải ngoại sao cho thuận hợp với bản thể tăng-già.

Sự hình thành của tổ chức này chỉ mới trong bước khởi đầu, tất nhiên sẽ chưa đủ chín muồi để đông đảo Tăng Ni tại hải ngoại tham gia. Nhưng ít nhất đây là nhân duyên, là cơ hội tốt đẹp để Tăng Ni Việt Nam tại hải ngoại biểu hiện tinh thần hòa hợp của mình đúng theo ý nghĩa của tăng-già.

Tăng-già không thanh tịnh, không hòa hợp thì Phật Pháp sẽ suy tàn. Tăng Ni chúng ta không muốn nhìn thấy Phật Pháp suy tàn. Vì vậy, tất cả những nỗ lực nào nhằm làm hưng long Chánh Pháp, Tăng Ni đều nên tích cực tham gia. Biểu hiện của thanh tịnh và hòa hợp tăng chính là các sinh hoạt truyền thống giới luật, bố-tát, yết ma, tụng giới v.v… Mà những sinh hoạt này, Tăng Ni tại hải ngoại đã cố gắng duy trì từ nhiều năm qua, nhưng thiếu sự đồng bộ, và hầu như chỉ có vài tụ điểm trên toàn thế giới là có thể thực hiện được. Bổ túc chỗ thiếu sót này, chính là “Ngày Về Nguồn” – ngày mà Tăng Ni Việt Nam hải ngoại có thể tương phùng, hội ngộ, một mặt để biểu hiện sức mạnh hòa hợp của Tăng-già, mặt khác có thể khuyến tấn và nhắc nhở nhau, trao đổi và ghi lại nơi nhau đạo tình thắm thiết của những sứ giả Như Lai “đem chuông đi đánh xứ người”.

“Ngày Về Nguồn” là biểu tướng của bản thể thanh tịnh hòa hợp tăng. Trên ý nghĩa bề mặt, đó là ngày mà Tăng Ni cùng tụ về một trú xứ để tỏ lòng tri ân với đức Phật và lịch đại tổ sư; thâm sâu hơn, trở về nguồn cội chính là trở về với bản thể thanh tịnh hòa hợp của Tăng đoàn.

Trong ý nghĩa cao đẹp ấy, chúng ta có thể “về nguồn” bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu có sự hòa hợp và thanh tịnh của tập thể tăng. Nhưng để có một lần trong năm, cùng tụ hội để cất lên tiếng nói của sứ giả Như Lai, trao đổi và chia sẻ những ưu tư thao thức đối với tiền đồ Phật Pháp, chúng ta cần có một “Ngày Về Nguồn” tổ chức chung cho Tăng Ni Việt Nam khắp nơi.

“Tăng ly chúng tăng tàn”. Câu ngạn ngữ này tuy chúng ta được học từ thuở sơ đẳng, nhưng cho đến nay, vẫn mang giá trị vô cùng thiết thực đáng phải suy gẫm và ứng dụng. Muốn điều này không xảy ra, tăng sĩ tất phải tùng chúng, thuận hợp với tăng đoàn.

Cá nhân một tăng sĩ suy tàn, không thể nói là không ảnh hưởng đến tăng đoàn. Mỗi cá nhân tăng sĩ đều nương theo tịnh giới và dựa vào bản thể thanh tịnh của tăng đoàn để tu tập và hành đạo thì Phật Pháp chắc chắn sẽ trường tồn và hưng thịnh.

Với niềm tin sâu xa và kiên cố đối với bản thệ của Tăng già, xin cúi đầu đảnh lễ chư tôn thiền đức Tăng Ni khắp nơi với niệm quy y thành kính.

Nam mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát

 

 

Thích Tâm Hòa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/10/2012(Xem: 7891)
Buổi sinh hoạt đạo tràng hôm nay quý thầy sẽ cho quý Phật tử một bài tập để tu học, bài tập này có tựa là “Tập nghĩ tốt cho người”. Đây là một bài tập phải trui luyện suốt năm.
26/10/2012(Xem: 6190)
Hỏi:Trong năm nay, giáo sư đã đi giảng dạy ở hai mươi sáu quốc gia. Xin giáo sư chia sẻ sự quan sát của mình về việc đạo Phật đang lan truyền đến những vùng đất mới ra sao. Đáp:Phật giáo đang lan truyền một cách nhanh chóng khắp thế giới hiện nay. Có những trung tâm Phật pháp ở nhiều quốc gia Âu châu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Nam Phi, Úc, Á châu và v.v… Chúng ta thấy có các Phật tử tại Âu châu, không chỉ ở những nước tư bản Tây phương, mà còn ở những nước xã hội chủ nghĩa Đông phương nữa. Thí dụ như Ba Lan có khoảng năm nghìn Phật tử hoạt động tích cực. Đạo Phật rất có sức lôi cuốn đối với thế giới hiện đại, bởi vì nó hợp lý và dựa trên nền tảng khoa học. Đức Phật đã nói, “Đừng tin tưởng bất cứ điều gì ta nói chỉ vì lòng tôn kính đối với ta, mà hãy tự mình thử nghiệm nó, phân tích nó, giống như các con đang mua vàng.” Con người hiện đại ngày nay thích một sự tiếp cận không độc đoán như thế.
25/10/2012(Xem: 8602)
Phương pháp thiền Vipassana là một phương pháp đơn giản và thực tiễn để đạt được an lạc thực sự cho tâm hồn và đưa đến một cuộc sống hạnh phúc và có ích. Vipassana có nghĩa là “nhìn thấy sự việc đúng như thật”. Đây là một tiến trình hợp lý để thanh lọc tâm bằng cách tự quan sát. Phương pháp thiền cổ truyền này đã được Đức Phật Thích Ca truyền dạy hơn 2500 năm trước tại Ấn Độ như một phương thuốc chữa căn bệnh khổ chung cho tất cả, không mang tính tôn giáo hay tông phái.
25/10/2012(Xem: 8614)
Phương pháp thiền Vipassana là một phương pháp đơn giản và thực tiễn để đạt được an lạc thực sự cho tâm hồn và đưa đến một cuộc sống hạnh phúc và có ích. Vipassana có nghĩa là “nhìn thấy sự việc đúng như thật”. Đây là một tiến trình hợp lý để thanh lọc tâm bằng cách tự quan sát. Phương pháp thiền cổ truyền này đã được Đức Phật Thích Ca truyền dạy hơn 2500 năm trước tại Ấn Độ như một phương thuốc chữa căn bệnh khổ chung cho tất cả, không mang tính tôn giáo hay tông phái.
24/10/2012(Xem: 7085)
Buổi sinh hoạt đạo tràng hôm nay quý thầy sẽ cho quý Phật tử một bài tập để tu học, bài tập này có tựa là “Tập nghĩ tốt cho người”. Đây là một bài tập phải trui luyện suốt năm. Tại sao chúng ta phải tập nghĩ tốt cho người? Vì người ta thường có thói quen thấy cái xấu mà ít thấy cái tốt của người. Nhất là khi đã có thành kiến với ai thì lại càng cố nhìn những cái xấu của người nhiều hơn, và khi đã ghét ai thì đến cái cửa, cái cổng cũng ghét luôn, nên người biết tu rồi thì phải tập nghĩ đến cái tốt của người khác.
22/10/2012(Xem: 6780)
Sau khoá sám hối và toạ thiền buổi tối mùng 1 tháng 2 chùa Ba vàng trở nên tĩnh lặng. Bỗng xuất hiện một xe ô tô cấp cứu, trên xe là một chú bé có hình dạng mặt thật là ghê sợ, mặt chú lồi về phía trước như một quả bòng, 2 mắt cũng lồi lấm lét ở cuối đuôi mắt, gần 2 thái dương
21/10/2012(Xem: 5762)
Dường như người Nhật Bản rất thấm nhuần và áp dụng giáo lý đạo Phật trong cuộc sống hằng ngày, cho nên họ quí trọng xem con người đều bình đẳng vì cùng có Phật tánh như nhau, chứ không dựa vào dáng vẻ giàu nghèo bên ngoài, thường xuyên làm chuyện phải có lợi ích cho người khác, cũng như không dám trộm cắp, hại người, để được nghiệp quả tốt. Chuyện thứ nhất: Trung thực
18/10/2012(Xem: 8478)
Trong cuộc sống, hằng ngày mỗi buổi sáng khi thức dậy, chúng ta suy nghĩ làm sao có tiền, có tình, có địa vị, có thức ăn ngon, có ngủ nghỉ thỏa thích. Để được hưởng thụ những thứ đó, chúng ta phải tính toán, làm việc vất vả, thậm chí nhúng tay vào tội lỗi. Rồi một ngày nào đó theo định luật sinh, trụ, dị, diệt, chúng ta nhắm mắt tắt hơi, bỏ lại những thứ mình ham muốn, suốt đời khổ cực tìm cầu. Đến cõi đời này với hai bàn tay trắng, ra đi cũng hai bàn tay trắng, chỉ còn nghiệp theo mình, đưa mình đến một trong sáu đường: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A–tu–la, người và trời.
17/10/2012(Xem: 6585)
Có 3 loại nghiệp ảnh hưởng đến tương lai của chúng ta không chỉ ở đời này mà còn ở nhiều đời sau là: Thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Trong 3 loại nghiệp đó có lẽ khẩu nghiệp là dễ bị nhất vì hầu như không ai có thể tránh được giao tiếp với người xung quanh, từ gia đình cho đến xã hội. Trong các giới thì giới nữ lại càng dễ bị khẩu nghiệp nhất. Với bài viết này, chúng tôi mong quý Phật tử nữ (Ưu Bà Di) nên thận trọng hơn khi dùng lời nói của mình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]