Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mối liên hệ giữa thầy & trò trong đời sống thiền môn - Thích Nguyên Hiệp

04/04/201207:52(Xem: 6878)
Mối liên hệ giữa thầy & trò trong đời sống thiền môn - Thích Nguyên Hiệp





ngoi thien

Mối liên hệ giữa thầy & trò
trong đời sống thiền môn

Thích Nguyên Hiệp

Trong truyền thống Khổng giáo, quan hệ giữa thầy và trò được coi trọng hơn giữa cha mẹ và con cái, và người thầy được xếp vị trí chỉ sau nhà vua mà trên tất cả mọi hạng người trong xã hội. Khổng giáo đã nâng vai trò người thầy lên một tầm mức quan trọng, và qua lịch sử truyền thừa của mình, tinh thần đó đã được phản ánh một cách rõ nét. Phật giáo không phân cấp khinh trọng các mối quan hệ như Khổng giáo. Theo Phật giáo, mỗi mối quan hệ đều có tầm quan trọng riêng của nó, và một con người để hình thành nên nhân cách và tài năng hẳn có sự chi phối từ nhiều phía: cha mẹ, thầy giáo, môi trường xã hội và chính cả bản thân người đó.

Tuy nhiên, trong đời sống thiền môn, mối quan hệ giữa thầy và đệ tử là đặc biệt quan trọng và giữa họ luôn có sự tương tác lẫn nhau một cách sâu sắc. Người thầy giữ một vai trò vô cùng thiết yếu trong việc dẫn dắt những người bước đầu học đạo. Đối với một người mới xuất gia, giáo thuyết và những phương pháp tu tập đối với họ đôi khi khó hiểu và vì thế có thể dẫn đến việc hiểu và thực hành sai. Vì vậy, thầy là người có nhiệm vụ trong việc truyền trao sự hiểu biết đến đệ tử và hướng dẫn họ đi theo một đường hướng đúng đắn, từ nếp sống trong chùa cho đến việc thực hành lời dạy của Đức Phật. Nếu một người không có đủ khả năng (lẫn nhân cách) mà nhận hướng dẫn người khác thì tất yếu sẽ đưa đến kết quả tai hại. Trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, một người xuất gia tu học không thể thiếu một người thầy hướng dẫn, và người tu hành sẽ không bao giờ thành công, có khi trở thành điên dại, nếu không có được một người thầy chân chính. Những điều tương tự như vậy cũng thường được phản ánh trong kinh điển: Có những vị sau khi nhận đệ tử, đã không có phương pháp dạy đệ tử cho thích hợp, khiến đệ tử không phát triển được đời sống tâm linh, để rồi khiến họ trở nên chán nản và quay trở lại đời sống thế tục. Thậm chí có những vị trưởng lão thời Đức Phật, đôi khi vẫn không nhìn thấy rõ được căn cơ của đệ tử, đã trao cho họ pháp môn không thích hợp, dẫn đến việc họ thực hành không có kết quả.

Người xuất gia khi mới vào chùa phải trải qua một thời kỳ tập sự. Trong thời gian này, họ vừa học tập kinh điển và vừa làm những công việc chấp lao phục dịch trong chùa, và đây cũng là thời gian họ được thầy mình đặc biệt quan tâm chỉ dạy. Có những vị thầy đã chọn những người mới vào tu làm thị giả cho mình, để qua đó dễ dàng thấy được nhân cách và căn cơ của người này để từ đó có phương cách giáo dục thích hợp. Còn người đệ tử trong thời kỳ tập sự xuất gia, khi được gần gũi bên thầy sẽ giúp họ có nhiều cơ hội trong việc học hỏi lời thầy dạy cũng như noi theo lối sống của thầy mình (thân giáo). Vai trò của người thầy trong chốn thiền môn như vậy rất thiết yếu, có thể tác động rất lớn đến việc hình thành nên nhân cách cũng như việc phát triển tâm linh của người đệ tử. Đối với những người xuất gia tuổi còn nhỏ thì sự tác động đó càng lớn hơn. Người đệ tử xuất gia ở một ngôi chùa mà ở đó việc cúng đám được coi là công việc chính thì xu hướng của người đệ tử cũng ngả dần theo đó; còn một người xuất gia ở một ngôi chùa mà ở đó lấy việc tu tập làm trọng thì người đệ tử cũng sẽ có khuynh hướng đi theo con đường này. Nhưng mọi việc luôn có ngoại lệ, cũng có những đệ tử đã độc lập chọn lấy lối đi của mình mà không hoàn toàn bước theo dấu chân của thầy - bất kể lối đi đó có thể tốt hơn hay có thể xấu hơn!

Một điều rõ ràng rằng, trong một gia đình, những người con được nên người, thành danh phần lớn nhờ vào sự giáo dưỡng cũng như tình thương yêu của cha mẹ. Trong một ngôi chùa, người đệ tử, để hình thành nên một con người có đủ tài đức thì sự góp phần của người thầy cũng không nhỏ. Nhưng trong mối quan hệ hỗ tương, người đệ tử cũng có thể góp phần đem lại sự thành công cho thầy mình trong việc xiển dương Phật pháp. Một con người dù tài năng đến đâu, nếu không có được sự giúp sức của người khác thì vẫn gặp nhiều hạn chế trong công việc của mình. Bằng chứng dễ thấy là giữa Lục tổ Huệ Năng và ngài Thần Tú. Ngài Huệ Năng được biết đến như ngày hôm nay tất nhiên là do tư tưởng siêu xuất của ngài, nhưng cũng không thể phủ nhận sự góp công của những vị đệ tử về sau, mà cụ thể là Thần Hội. Pháp bảo đàn kinhsẽ không được hình thành nếu không có những vị đệ tử tài giỏi tiếp nối. Ngài Thần Tú xuất hiện trong Pháp bảo đànvới một hình ảnh khiêm tốn cũng chỉ vì đệ tử của ngài đã không làm gì nên nổi để xiển dương đường lối của thầy mình!

Ngay cả Đức Phật, giáo pháp của Ngài được truyền bá cũng phải cần đến những vị đệ tử xuất sắc tiếp nối Ngài như A Nan, Ca Diếp, Ưu Ba Ly… trong buổi đầu, và về sau là ngài Long Thọ, Nagasena (Na Tiên), Thế Thân, Buddhaghosa (Phật Âm), Huyền Trang… và ngay cả những đệ tử tại gia như Ashoka, Kanishka… Nhưng các vị ấy sở dĩ đã nhiệt tâm làm rạng danh thầy mình bởi vì họ đã nhận thấy được sự hữu ích trong những lời dạy của Đức Phật và kính phục đời sống phạm hạnh cao cả của Ngài.

Một người thầy tài giỏi không phải chỉ là người tìm cách thuyết giảng cho hay mà còn là người biết đào tạo nên được những đệ tử tốt. Những đệ tử xuất sắc, với tài năng và cách hành xử có đạo đức sẽ góp phần làm rạng danh thầy tổ và Phật giáo nói chung. Những ai đã từng đến nghe Đức Dalai Lama thuyết giảng hay thấy ngài ở các cuộc hội thảo sẽ nhận ra được điều này. Những vị đệ tử của ngài, cũng là những vị phụ tá, khi đứng bên cạnh ngài luôn tỏ một thái độ tôn kính hết mực và biểu lộ một thái độ khiêm cung đáng kính, dù họ đang là những viện trưởng của các học viện lớn của Tây Tạng, thông đạt nhiều vấn đề, thành thạo nhiều ngôn ngữ. Cách hành xử đó đã khiến cho những người chứng kiến vừa mến phục họ và vừa kính ngưỡng thầy của họ hơn.

Quan hệ thầy trò trong Phật giáo không chỉ là mối quan hệ trực tiếp giữa hai thế hệ kế tiếp mà còn là một chuỗi tiếp nối dài lâu, trải qua nhiều thế hệ. Điều này thể hiện rõ nét hơn nơi Phật giáo Trung Hoa, Nhật Bản và cả Việt Nam. Phật giáo Trung Hoa là sự kết hợp của nhiều tông phái, và sự truyền thừa của mỗi tông phái là một chuỗi nối tiếp chặt chẽ giữa thầy và trò. Trong Thiền tông, sự truyền thừa này có lẽ dễ thấy nhất. Ở đây sự truyền thừa không chỉ là sự tiếp nối mà còn là sự xiển dương tông phái của mình, làm cho lời dạy của người đi trước được rõ nghĩa và cũng làm thích ứng những lời dạy đó vào từng thời đại. Có những người thầy, có khi tên tuổi của họ được biết đến phải nhờ đến những người về sau.

Trong thời đại ngày nay (ở Việt Nam), sự ảnh hưởng của người thầy đối với đệ tử của mình ít nhiều không còn sâu sắc như ngày xưa, vì người đệ tử bây giờ hình như học tập ở thầy mình ít hơn học hỏi ở những người khác, và thời gian họ ở gần thầy cũng không còn được nhiều. Họ phải trải qua nhiều chương trình học, từ ngoại điển cho đến nội điển. Bên cạnh đó, có những người thầy nhiều khi nhận đệ tử nhưng thực sự đã không dạy được gì cho đệ tử. Đó là chưa nói đến những người nhận đệ tử trong khi tư cách làm thầy của mình không/chưa có. Như vậy, khoan nói đến việc đã dạy được gì cho đệ tử, những người thầy như thế đã tác động xấu đến họ trong buổi đầu xuất gia, hình thành trong tâm hồn trong sáng của họ một hình ảnh không mấy đẹp đẽ về người đi trước.

Người xuất gia khi rời xa cha mẹ và đời sống gia đình thì ngôi chùa trở thành nơi nương tựa của họ, và người thầy vừa là thầy nhưng cũng vừa là cha mẹ của họ. Mỗi khi ngôi chùa không thực hiện được chức năng tổ ấm tâm linh cho người xuất gia và người thầy không thể hiện được vai trò làm nơi nương tựa cho đệ tử vào buổi đầu thì tất yếu sẽ dẫn đến một hệ quả không mấy tốt đẹp. Nghĩ thế nào khi người đệ tử rời khỏi chùa của mình mà không chút quyến luyến, rời xa người thầy của mình mà cảm thấy vui mừng? Và không thể rằng, người đệ tử sau khi rời xa chùa đi học đã không muốn quay trở về khi khóa học kết thúc; cũng không thể rằng người đệ tử sống trong một ngôi chùa mà tâm hồn lúc nào cũng cảm thấy bất an, muốn tìm đến ở một nơi khác…

Chúng ta thường nghe nhắc nhiều đến lòng từ bi trong đạo Phật. Lòng từ bi nói một cách dễ hiểu là tình thương, một tình thương không tính toán, một tình thương không chỉ có nói mà còn phải thực hành. Cổ nhân thường khuyên rằng lời nói nên đi đôi với hành động, vì chỉ nói mà không hành động thì lời nói ấy chẳng có ích gì cả. Bảo rằng tôi thương yêu mọi người, thương tất cả mọi chúng sanh, trong khi không thương được những người thân cận, gần gũi bên mình thì lời nói ấy thật vô nghĩa. Tình thương, trong quan hệ giữa thầy và trò trong đạo Phật đóng một vai trò vô cùng ý nghĩa. Người xuất gia khi rời bỏ gia đình để vào chùa, đời sống của họ đã gửi gắm vào người thầy, ít nhất trong buổi đầu. Người thầy như vậy đã trở thành điểm nương tựa của người đệ tử. Nếu điểm tựa đó không vững vàng, không đủ ấm áp thì người đệ tử sẽ bị chao đảo và có khi sẽ rơi ngã.

Ngày hôm nay, khi mà đời sống của người xuất gia chịu sự chi phối và tác động lớn lao từ những điều kiện xã hội bên ngoài thì trách nhiệm của người thầy đối với đệ tử của mình càng lớn hơn. Người thầy nên chịu khó gần gũi đệ tử, chịu khó lắng nghe, và chịu khó giáo dục cho đệ tử có được một đời sống đạo đức căn bản trong bước đầu trước khi gửi họ đi học ở một nơi khác. Người thầy không chỉ hướng dẫn cho đệ tử học hai thời công phu, dăm ba bài tán… không thôi mà còn phải hướng dẫn cho đệ tử những chuẩn mực sống cơ bản. Người thầy không chỉ dạy đệ tử mỗi một việc “sự sư đệ nhị” là xong, mà phải thấy rõ trách nhiệm của mình đối với đệ tử, phải thấy được sứ mệnh của một người đi trước đối với người đi sau trong quan hệ hỗ tương truyền bá giáo pháp; phải thấy việc hướng dẫn, đào tạo đệ tử quan trọng hơn việc xây dựng chùa to Phật lớn, quan trọng hơn việc làm nhang, làm tương và bán đồ chay hàng tháng, quan trọng hơn việc cúng đám cầu siêu, cầu an… Hoặc nếu không xem việc đào tạo con người có ý nghĩa hơn những việc kia, thì ít ra cũng nghĩ rằng nó là việc cần phải để tâm đến, đừng xem việc nhận đệ tử là để cho có người rót trà, bưng cơm cho mình.

Nhiều vị thầy có thể bỏ ra hàng tỉ đồng để xây dựng chùa chiền, nhưng lại không thể bỏ ra một phần trăm trong đó để lo cho đệ tử học hành; có thể tổ chức làm từ thiện hàng tỉ đồng để kiếm lấy những mảnh giấy “người tốt việc tốt”, nhưng đệ tử đi học phải lây lất, hết xin tiền gia đình đến xin tiền Phật tử để trang trải cho việc học. Mọi việc làm tất nhiên đều cần thiết và có ý nghĩa riêng của nó, tuy nhiên cũng nên biết rằng mỗi khi việc giáo dục bị bỏ ngỏ, hay sự quan tâm đến giáo dục không được đầu tư đúng mức thì điều đó chẳng có gì hay ho. Việc giáo dục trong Phật giáo rõ ràng là quan trọng, nó không chỉ là việc đào tạo nên những con người có ích cho đời mà còn hình thành nên những con người biết gìn giữ và xiển dương giáo pháp của Đức Phật. Mỗi khi người thầy quan tâm và giáo dục đệ tử đúng mực, thì tất yếu người đệ tử sẽ tỏ lòng tôn kính và sẽ có những hành động tích cực đối với thầy của mình cũng như đối với đạo pháp nói chung (tất nhiên có ngoại lệ).

Tre già măng mọc. Câu nói quen thuộc ấy nói lên sự tiếp nối tự nhiên của vạn vật trong vũ trụ. Người lớn rồi sẽ nằm xuống và trẻ nhỏ sẽ lớn lên; thầy rồi sẽ nằm xuống và trò rồi sẽ lên làm thầy. Nhưng để cho trò khi lên làm thầy có đầy đủ những phẩm chất của một người thầy thì ngay bây giờ họ phải được quan tâm và được giáo dục đúng mức. Măng rồi sẽ thành tre, nhưng trở thành một cây tre cong queo, còi cọc thì giá trị của nó có lẽ chỉ dừng lại ở chỗ làm củi, mà không có thể làm gì khác hơn!




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/08/2018(Xem: 6837)
Chưa bao giờ mà quyền lực mềm mang tên nhà bếp tại đa số các chùa lại lên ngôi đến vậy. Nó dần trở thành điểm đen nhạy cảm nhất tại các chùa khi Phật tử luôn được cảnh báo trước về những bất cập cho những ai đang có ý định phát tâm ở lại công phu, công quả lâu dài.
03/08/2018(Xem: 11579)
Tiệc Chay Văn Nghệ Gây Quỹ Xây Dựng Tu Viện Từ Ân, Victoria, Úc Châu (Thứ Sáu, 28-9-2018) tại Nhà Hàng Maxim Sàigòn, Springvale, Victoria, Australia
30/07/2018(Xem: 7095)
Hôm nay, chúng tôi hẹn nhau đi ăn cơm chay vì đang là ngày 14 âm lịch. Nhưng cuối cùng, chúng tôi không vào các nhà hàng bán đồ chay trong vùng hay đi đâu xa mà cùng mang đồ ăn, trái cây đến thăm một người anh em huynh trưởng Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ đang lâm trọng bệnh: Huynh trưởng Quảng Quý Huỳnh Kim Lân (HKL). Tôi và anh Bạch Xuân Khỏe đến thăm anh Quảng Quý Huỳnh Kim Lân khi nghe tin bệnh tình anh đã đến giai đoạn cuối, khó lòng qua khỏi.
30/07/2018(Xem: 7477)
Trang Nghiêm Lễ Xuất Gia Của Đội Bóng Bị Mắc Kẹt Trong Hang Động Ở Thái Lan, Các chú bé vừa được cứu thoát khỏi hang động ở Thái Lan đầu tháng này, một sứ mệnh quốc tế thu hút cả thế giới đã xuất gia gieo duyên nhằm tưởng nhớ đến người thợ lặn tình nguyện đã chết trong thử thách đầy đau khổ giải cứu các chú.
30/07/2018(Xem: 8736)
Một vị cư sĩ hỏi vị Sư: - Bạch Thầy cho con hỏi vì sao có người tu thì an lạc, có người tu lại chẳng an lạc? Vị Sư không đáp mà thủng thẳng hỏi: Chẳng hay tâm của Đạo hữu đang an hay chẳng an? Cư sĩ: Bạch thầy tâm con vừa an, vừa bất an. Vị Sư: Cho tôi hỏi đôi điều, Đạo hữu nghĩ sao cứ thẳng thắn mà đáp. Khi nào Đạo hữu thấy an?
28/07/2018(Xem: 5668)
CHÙA NHỎ MIỀN QUÊ Tôi đứng lặng im trước bức thư pháp đề thơ lộng khung kính treo trên vách của ngôi điện im ắng. Thư pháp của chính Thầy trú trì. Thi phẩm bất hủ của Trương Kế, đã được truyền tụng nhiều đời, đưa tiếng chuông của một ngôi chùa ngân vọng giữa thinh không, rung động xuyên suốt cả không gian và thời gian, khiến cho nhân tâm đang lăng xăng phóng túng phải quay về với thinh thinh lắng đọng.
28/07/2018(Xem: 8818)
Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, còn gọi là Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, có khi còn gọi là Đức Phật Quan Âm, được Phật tử nhiều quốc gia Châu Á thờ phượng vì hạnh nguyện hóa hiện nhiều thân tướng để cứu độ chúng sanh. Riêng đối với Nhật Bản, nơi nhiều tông phái Tịnh Độ thịnh hành, hình tượng Đức Quan Âm hiện diện trong rất nhiều chùa, trong các tuyến hành hương, và trong văn học. Bạn chỉ cần đi vào bất kỳ ngôi chùa nào tại Nhật Bản, nhiều phần là bạn sẽ gặp tượng Đức Quan Âm, hoặc là nghìn tay nghìn mắt gọi là Senju Kannon (Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Âm), hoặc là một hóa thân của ngài là tượng Đức Chuẩn Đề 18 tay, nhưng thường gặp nhất là tượng Quan Âm Nam Hải trong bộ áo trắng. Chúng ta có thể đọc trong thơ của Basho (1644-1694) hình ảnh nhà thơ đứng nơi gác chuông Chùa Kannon (Quan Âm Tự) nhìn xuống núi, thấy mái ngói chùa trôi nổi trong các chùm mây hoa anh đào: Mái ngói Chùa Quan Âm trôi dạt xa trong mây của các chùm hoa anh đào.
27/07/2018(Xem: 6951)
Chúng tôi được Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch công ty sách Thái Hà thông báo về khóa tu tại chùa Cự Linh, tỉnh Hải Dương Thầy là khách mời của khóa tu trong buổi sáng và buổi chiều sẽ hướng dẫn thiền. Khóa tu có đến 600 bạn trẻ mà chủ yếu là học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tôi là một trong số các bạn may mắn nhất của CLB yêu sách Thái Hà được đi cùng thầy Hùng. Thầy Hùng lái xe đưa chúng tôi đến một chương trình quá đặc biệt làm tôi vô cùng ấn tượng. “Khóa tu mùa hè.” Tại sao lại là mùa hè nhỉ? Câu hỏi này luôn vấn vương trong đầu tôi. Tại sao bây giờ ở rất nhiều chùa, các quý thầy, quý sư cô đều tổ chức khóa tu cho các bạn học sinh, sinh viên nhỉ? Tôi được biết, riêng thầy Hùng đã có hơn chục khóa tu mùa hè mời đến chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình và hướng dẫn thiền cho các bạn tu sinh rồi. Tôi giật mình nghĩ rằng mùa hè là mùa có nhiều ánh sáng mặt trời nhất, là mùa mà bắt đầu có nhiều loại cây bắt đầu kết trái, bởi thế nó mang lại nhiều năng lượn
27/07/2018(Xem: 10288)
Người không hiểu đặt câu hỏi “Tại sao cá đã bắt lên rồi lại đem thả, như thế có giả tạo không?; “Sao không đem tiền cho người nghèo mà đi cứu mấy con cá?” Chúng tôi xin phép được giải thích rõ hơn cho hành động Phóng Sinh: Cũng có những người thiếu hiểu biết và rất tiêu cực còn chê người là ngu vì họ nghĩ nên dùng tiền mua cá để đem cho nhà mồ côi, viện dưỡng lão, trại phong cùi hay người nghèo Phi Châu thì thực tế hơn v.v. Ngư phủ đi bắt cá lên bờ để bán cho người mua về giết rồi ăn thịt chúng. Nhưng thực tế có bán và ăn hết những thuỷ sản bị bắt lên bờ không, hay là sẽ còn thừa bị chết vì bắt lên nhiều quá làm cho một phần thặng dư chúng sanh sống trong nước bị chết uổng phí và chẳng được đóng góp thân thể của chúng để nuôi cho loài người được sống hạnh phúc; Hay chúng bị thúi rữa rồi đem bỏ?
26/07/2018(Xem: 7534)
Sự sợ hãi là tập tính của con người khi mà những gì bất lợi xảy ra thì kéo theo sự sợ hãi bị ảnh hưởng liên lụy tác động đến mình. Nhưng sợ hãi có mặt tích cực của nó trong vấn đề tu tập hành trì đạo pháp mà không phải ai cũng biết, sợ hãi là nếp tốt là đạo hạnh của sự lương thiện trong tâm hồn cao thượng. Vậy sự sợ hãi trong tu tập hành đạo như thế nào?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]