Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đi Tới Một Bình An Dưới Thế

13/12/201004:49(Xem: 9837)
Đi Tới Một Bình An Dưới Thế

ĐI TỚI MỘT BÌNH AN DƯỚI THẾ
Tâm Huy

Cách nay hơn 20 năm, qua giới thiệu của một người bạn làm ở chi nhánh địa phương của cơ quan từ thiện Thiên Chúa giáo Hoa Kỳ (thường gọi là hội USCC), vị linh mục tuyên úy xã hội giáo phận Richmond (tiểu bang Virginia) yêu cầu tôi viết một bài về Phật giáo để đăng trên số Xuân tờ báo tiếng Việt do ông chủ trương.

Lúc đó sinh hoạt Phật giáo mới bắt đầu trong cộng đồng người Việt tại địa phương nhờ nỗ lực của một nhóm nhỏ Phật tử, trong khi Thiên Chúa giáo và Tin Lành đã có những sinh hoạt đi vào nền nếp quy củ từ lâu. Vì vậy tôi coi việc đáp ứng lời yêu cầu trên như một cơ hội không thể nào bỏ qua để giới thiệu với đồng hương là Phật giáo hiện đang có mặt tại địa phương bên cạnh các tôn giáo khác.

Mặc dù vào lúc đó Phật giáo là đề tài viết lách hoàn toàn mới lạ với tôi, tôi cũng cố gắng hoàn tất khá nhanh ba bài viết đầu tiên về lãnh vực này, trong đó có bài tổng kết một năm sinh hoạt Phật giáo khá dài. Vốn không tin tưởng ở khả năng viết lách của mình về đề tài Phật giáo, tôi chỉ hy vọng vị linh mục sẽ chọn đăng một trong ba bài đó. Với tôi, như thế là đủ mãn nguyện. Vượt quá sự mong ước của tôi, cha Phạm Quang Thúy đã cho đăng nguyên văn cả ba bài. Cho tới nay, tôi vẫn coi đó là khích lệ lớn nhất tôi nhận được từ những bài viết.

Thực ra, cộng đồng Phật tử vùng Đông Nam tiểu bang Virginia đã đón nhận được nhiều khích lệ từ những thân hữu Thiên Chúa giáo. Năm 1985, khi một số Phật tử trẻ vận động thành lập Ban Liên Lạc Phật Tử để tổ chức các sinh hoạt Phật giáo có tính đại chúng tại địa phương, những khích lệ tinh thần đầu tiên họ nhận được đến từ vị linh mục tiên khởi của giáo xứ Thiên Chúa giáo người Việt tại địa phương (cha Trần Văn Huân) và những nhân sĩ theo đạo Chúa trong Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt. Trong buổi lễ Phật đầu tiên dành cho cộng đồng Phật tử địa phương (lễ Vu Lan tháng 9 năm 1987), vị lãnh đạo giáo xứ Công giáo (cha Trần Văn Tiên) và một số nhân sĩ trong giáo xứ là những người tham dự sớm nhất. Một số thân hữu Công giáo cũng đã góp phần công sức trong giai đoạn đầu xây dựng chùa Giác Hoa tại Chesapeake, khởi công từ giữa tháng 6/1990.

Chuyện một tờ báo do một linh mục chủ trương đăng bài viết về Phật giáo của một Phật tử không phải là điều hiếm hoi. Trường hợp nổi bật nhất là ở Đài Loan: nhà văn Lâm Thanh Huyền nhờ được tờ Khởi Hành, một tạp chí Thiên Chúa giáo, đăng liên tục tập truyện ký Phật giáo đầu tay “Như Ý Bồ Đề”, nên khi được xuất bản thành sách, nó đạt kỷ lục tái bản 7 lần trong vòng một tháng và in 30 lần trong năm đầu tiên. Phạm Huê đã dịch tác phẩm này ra tiếng Việt dưới nhan đề “Những Hạt Đậu Biết Nhảy”, Văn Nghệ xuất bản tại California, Hoa kỳ 1999.

Khi được Lâm Thanh Huyền hỏi lý do tại sao ông lại cho đăng các truyện Phật giáo trên tờ báo Thiên Chúa giáo, vị linh mục chủ nhiệm tạp chí Khởi Hành trả lời: Chúng tôi giảng đạo tại Trung Quốc mà nếu không hiểu về đạo Phật, Lão, Khổng chẳng hoá ra mò mẫm mà đi trong sương mù hay sao? Lại nữa đối với tôi thì tôn giáo nào cũng có những điều tốt lành và thánh thiện. Nếu những chuyện về Phật và Phật pháp đăng tải trên tờ báo Thiên Chúa Giáo của chúng tôi có thể giúp ích được cho mọi người thì đâu có hại gì cho ai. Đừng nghĩ một cách hạn hẹp là tôi đã làm một việc phản tuyên truyền cho Thiên Chúa giáo hay trái với chức năng truyền đạo của tôi. Lợi ích đầu tiên tôi nhận được là lời cám ơn của anh, và sau đó nhiều người khác nhìn vào hình thức của tờ báo mà cho rằng chúng tôi là những người rộng rãi, không có tỵ hiềm về tôn giáo. Thực tế mà nói thì mọi mưu cầu của anh hay của tôi đều có cùng mục đích: chúng ta muốn mọi người sẽ cùng gặp nhau ở chốn Thiên Đàng, Niết Bàn, thì tại sao bây giờ chúng ta không hợp tác để xây dựng con đường đi đến đó từ nơi chốn này? (Lâm Thanh Huyền, sđd, bản dịch của Phạm Huê).

Cái khoảng cách như huyễn như thực ngăn chia những người theo đạo Phật và đạo Chúa chẳng cần phải đợi tới khi sư ông Nhất Hạnh viết hai cuốn Living Buddha, Living Christ và Going Home, Buddha and Jesus As Brothers vào thập niên 1990 mới được hoá giải. Hơn 22 thế kỷ trước, vua Asoka đã chỉ dụ cho các phái đoàn tăng lữ Phật giáo Ấn Độ đầu tiên được ông gởi đi truyền giáo ở các nước ngoài: Bất kỳ ai tôn trọng tôn giáo của mình nhưng lại chỉ trích tôn giáo khác, nghĩ rằng “tôi sẽ làm rạng rỡ tôn giáo của tôi”. Nhưng thật là trái ngược, khi làm như vậy người đó đã làm tổn thương tôn giáo của mình một cách nghiêm trọng (a)

Trong quan hệ giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo trên đất nước ta, không thiếu những trường hợp thân thiện và hợp tác. Sau đây chỉ là một ghi nhận khái quát, cần được bổ sung rất nhiều.

Khi các đức cha Francois Pallu và Lambert de la Motte thụ phong giám mục tiên khởi ở Đàng Ngoài và Đàng Trong, ngày 10/11/1659, Thánh Bộ Truyền Giáo Vatican đã ban huấn dụ nhắn nhủ: các vị đừng tìm cách, tìm lý lẽ để thuyết phục các dân tộc thay đổi nghi thức, tập tục và phong hoá của họ, trừ khi tất cả các điều đó rõ ràng là trái ngược với tôn giáo và luân lý.

Trương Vĩnh Ký (1837-1898) học giả và nhà báo quốc ngữ tiền phong Thiên Chúa giáo nổi tiếng vào thời Pháp xâm chiếm Nam kỳ, đã nêu lên quan điểm: người An Nam đâu có thù ghét đạo Gia Tô. Họ chỉ bất bình và phản đối những hành vi quá mức của một số linh mục dựa vào sự che chở của quân đội và chánh quyền Pháp Lang Xa để tiếp tục thi hành những điều bạo ngược. Bởi vì, xét cho kỹ, Gia Tô giáo và Phật giáo chẳng khác gì nhau (Cao Thế Dung, Trương Vĩnh Ký – Thân thế và hành trạng, Nguyệt san Dân Chúa 1998)

Năm 1898 nhà sư Vương Quốc Chính lãnh đạo Hội Thượng Chí khởi nghĩa chống Pháp. Phong trào này lan rộng từ Nghệ An tới Bắc Ninh đã quy tụ được nhiều Tăng sĩ, hàng vạn Phật tử và một số không nhỏ con chiên đạo Chúa (b).

Chí sĩ Phan Bội Châu (1867-1940) trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông đã lưu tâm đặc biệt tới sự đoàn kết giữa Phật tử và con chiên của Chúa. Trong Phan Bội Châu Niên Biểu, ông viết: …Đoạn tôi từ biệt Tiểu La (nhà cách mạng Nguyễn Thành), lại chạy khắp nơi các địa phương thâm kết giáo đồ từ Quảng Bình đi Bắc. Cụ Thông ở Mộ Vinh, cụ Truyền ở Mỹ Dụ, cụ Thông ở Quỳnh Lưu, cụ Ngọc ở Ba Đồn đều thông tình tỏ hết. Cái đám mây mù nghi ngờ giữa Lương Giáo, quét một trận mà sạch bong, cũng là một việc thích lắm (c) Phan Bội Châu Niên Biểu bản dịch của Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa, tr. 36, Sài Gòn 1971. Chữ Cụ ở đây chỉ các tu sĩ Thiên Chúa giáo, theo cách gọi của dân chúng thời đó. Trong giai đoạn hoạt động cách mạng (1902-1925), cụ Phan Bội Châu đã được sự cộng tác tích cực của linh mục Mai Lão Bạng cùng các Hoà thượng Phi Lai Chí Thiền (từ năm 1861) ở Thất Sơn, Châu Đốc và Thiện Quảng (1861-1911) ở Thái Lan.

Một chí sĩ nổi tiếng khác của phong trào Duy Tân là Phan Chu Trinh, dù có quan điểm chính trị khác biệt với Phan Bội Châu, cũng tích cực đóng góp nhiều nỗ lực hòa giải mối tranh chấp xô sát giữa lương giáo xảy ra từ thời phong trào Cần Vương (sau 1885) tại nhiều nơi trong tỉnh Quảng Nam, đặc biệt tại các xứ đạo thuộc huyện Duy Xuyên như Trà Kiệu, Phước Kiều.

Nhà sư Thích Mật Thể khi biên soạn Việt Nam Phật Giáo Sử Lược năm 1942, đã bác bỏ quan điểm gây chia rẽ đạo Phật và đạo Chúa trong lời chú ở cuối chương 9: Có người bảo Phật giáo thời nay bị suy đồi là bởi thế lực truyền bá của đạo Thiên Chúa. Nhưng theo chúng tôi thì không phải; chỉ là tại nhân tâm của thời mạt pháp mà thôi, khiến cho trong Phật giáo thiếu những bậc tu hành chơn chánh đến nỗi đạo pháp phải suy vi.

Năm 1958 linh mục Trần Thái Đỉnh đã thuyết trình về đề tài Phật giáo tại trường đại học Huế (linh mục Cao văn Luận làm Viện trưởng). Bài thuyết trình của ông bị một số giáo phẩm Thiên Chúa giáo tại Huế than phiền là quảng cáo cho đạo Phật, nghe xong có thể cảm thấy là theo đạo Phật đủ rồi, không cần phải theo đạo khác. Bài này được đăng trên tạp chí Đại Học của Viện đại học Huế năm 1959. Chủ biên tạp chí này là giáo sư Nguyễn Văn Trung, một trí thức Công giáo. Sau đó tác giả bổ sung thêm và cho in trong sách triết học lớp đệ nhất Đạo Đức Học của linh mục Trần Đức Huynh.

Năm 1967, khi các đệ tử của Thầy Nhất Hạnh tìm cách xuất bản chui tập thơ Tiếng Đập Cánh Bầy Chim Lớn, không nhà xuất bản Phật giáo nào dám nhận in, mặc dù các đại đức Thanh Tuệ (giám đốc nhà xuất bản An Tiêm) và Từ Mẫn (giám đốc nhà xuất bản Lá Bối) từ lâu có nhiều quan hệ gắn bó với Nhất Hạnh. Chính linh mục Nguyễn Ngọc Lan đã nhận in tập thơ này mà không đòi hỏi trước một bảo đảm thanh toán tiền in.

Sau năm 1975 sư cô Trí Hải lập một tịnh xá tại Hố Nai (Biên Hoà) để thu nhận các Tăng ni không được chùa nào chứa vì sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính quyền cộng sản qua chế độ hộ khẩu. Bà đã được sự giúp đỡ ngấm ngầm của những người dân địa phương trong một vùng đại đa số dân chúng là con chiên ngoan đạo. Năm 1977 khi Hoà thượng Thích Đức Nhuận thành lập Lực Lương Dân Tộc Kháng Chiến Giải Cứu Việt Nam, tịnh xá ở Hố Nai trở thành một cơ sở quan trọng tiếp nhận nhiều người gia nhập, trong đó có những người Thiên Chúa giáo(d).

Liên tục từ nhiều năm trước ở Huế, hai nhân vật nổi tiếng về nỗ lực tranh đấu cho tự do tôn giáo tại Việt Nam là Thượng toạ Thích Thái Hoà và linh mục Nguyễn Văn Lý đã là bạn thơ văn khá thân thiết. Theo cha Tađêo Nguyễn Văn Lý: một tổ chức từ thiện Phật giáo tại Huế do cố cư sĩ Phạm Đăng Siêu thành lập là nhóm Hướng Thiện đã coi Tổng Giám Mục Huế - Nguyễn Kim Điền là vị bảo trợ tinh thần. Mỗi năm 4 lần vào dịp Giáng sinh, Tết, Phục sinh và ngày giỗ cụ Phạm Đăng Siêu, họ đều tới đảnh lễ Tổng Giám Mục, xin ngài cầu nguyện cho việc làm từ thiện của họ (lời chứng của LM Tađêo Nguyễn Văn Lý về đức TGM Nguyễn Kim Điền, Vietnam-on-line.com/anhduong tháng 6.2005).

Linh mục Giuse Hoàng Kim Toan thuộc nhà thờ Tân Định (Sài Gòn) trong một bài viết đã so sánh sự tương đồng giữa lễ Vu Lan của Phật giáo với lễ Linh Hồn của Thiên Chúa giáo (đ).

Cố Hoà thượng Thích Thiện Châu, trụ trì chùa Trúc Lâm Yên Tử ở Pháp, cho rằng hình ảnh Quán Thế Âm Bồ Tát gần gũi với hình ảnh Chúa Giê Su. Đó là hình ảnh đại từ, đại bi, luôn luôn sẵn sàng hiện ra cứu giúp những kẻ hoạn nạn và đã không chịu thành Phật chừng nào tất cả chúng hữu tình chưa đạt Niết Bàn. Do đó người tu theo đạo Phật phát triển (Đại Thừa) nhất là tông Tịnh Độ, có thể tôn kính Chúa Giê Su như một vị Bồ Tát (e).

Nhà văn Nguyên Giác Phan Tấn Hải, trong tác phẩm Cậu Bé Và Hoa Mai (Nhân Văn xuất bản, California 1986), gọi Chúa Giê Su là Vị Phật Có Tóc giữa những vị Phật Không Tóc. Xuất thân từ một dòng họ nhiều đời theo Phật giáo, thuở nhỏ ông học trường Tabert do các sư huynh dòng Lasan hướng dẫn. Lớn lên ông là đệ tử của Thiền sư Trạm Nhiên Tịch Chiếu (chùa Tây Tạng, Bình Dương) rồi trở thành nhà văn Phật giáo.

Trên trang web Người Cư Sĩ do một số đệ tử của HT Thích Thiện Châu tại Pháp chủ trương, cách đây 2 năm đã có một cuộc thảo luận lý thú về đề tài: mẹ Teresa có phải là một vị Bồ tát không? Cư sĩ Lại Như Bằng (người chủ trương trang web) và các Phật tử tham dự cuộc thảo luận đều đồng ý ở điểm: mẹ Teresa đích thực là một vị Bồ Tát qua những công hạnh đã thực hiện, vì Bồ tát là trình độ chứng ngộ, không phải là một ngạch trật giáo phẩm của giáo hội.

Linh mục Phêrô Phan Đình Cho, sáng lập viên Viện Triết Đạo, trong bài diễn văn nhậm chức Khoa trưởng Phân khoa Tư Tưởng Xã Hội Công Giáo tại đại học Georgetown ở phía bắc tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, ngày 3/3/2004: Đối thoại liên tôn là phải sống với những người của tôn giáo khác, học hỏi về tín ngưỡng của họ và phải chia xẻ với họ. Cần ngồi lại với các vị lãnh đạo tôn giáo khác: một thượng toạ, một rabbi, một guru Ấn Độ, một thầy Thiền … cùng ăn uống, cùng sống và cùng tìm hiểu đạo giáo của họ (g).

Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu, thụ phong linh mục tại Cần Thơ năm 1964, hiện nay là chánh xứ giáo phận Cái Răng (Cà Mâu) đã kể lại một câu chuyện lý thú. Năm 1965, ông được mời đi rửa tội cho một bà già 80 tuổi bị liệt. Sau khi chịu phép rửa tội xong, bà cụ ngước nhìn ông một cách thành khẩn, thưa: Cha ơi, tôi theo đạo Phật từ nhỏ, tôi thương đức Phật quá! Bây giờ tôi theo Chúa, Cha cho tôi giữ bàn thờ Phật nha!Linh mục Hậu cho biết: lúc đó ông mới 29 tuổi đời và 1 tuổi mục tử, ông thấy bối rối trước một yêu cầu như vậy. Bỗng ông nhớ tới vị thầy ông, linh mục Lucia Huy đã dạy: phải tôn trọng đạo Phật, phải kính trọng đức Phật. Ông cho biết chính thầy Lucia Huy cũng có một tượng Phật để trên bàn viết. Thế là cha Piô Ngô Phúc Hậu trả lời bà lão: Chúa thì để trong lồng kiếng, còn đức Phật là hiền nhân thì để kế bên Chúa. Bà cứ thương đức Phật đi. Tôi cũng thương Ngài nữa. Hôm sau ông lên toà giám mục báo cáo sự việc. Đức giám mục bảo: Được lắm, cha có sáng kiến hay! (h)

Nhà văn Công giáo Hoàng Ngọc Liên gọi Thượng toạ Thích Thanh Long, giám đốc tuyên úy Phật giáo, là “nhà sư của tôi”. Ông kể: tại trại tù cải tạo Thanh Phong (huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá), mỗi khi cha Nghiêu (phó giám đốc tuyên úy Công giáo) bị cán bộ cộng sản trực trại lên án là “nề mề trong nao động, gây ảnh hưởng xấu tới phong trào thi đua sản xuất vụ đông-xuân” thì người tù duy nhất hăng hái bênh vực cha Nghiêu chính là Thượng toạ Thanh Long. Trong trại tù Thanh Phong, thượng toạ Thanh Long được các tù cải tạo khác, kể cả các linh mục, gọi là “bố”, còn ông gọi các linh mục là “đức vua” (i); cả hai cách gọi sáng tạo như vậy đều không làm hài lòng các cán bộ cai tù chút nào.

Nhà văn Đoàn Dự cho biết: sau khi phổ biến truyện ngắn Xâu Chuỗi Ngọc, dịch từ The Necklace của nhà văn nữ Nhật Bản Katsura Morimura, ông chủ tịch Gia Đình Phật Tử chùa Khải Đoan (Ban Mê Thuột) đã xin ông cho phép in ra để phát cho Phật tử trong dịp lễ Vu Lan và linh mục phó xứ nhà thờ Thị Nghè cũng liên lạc với ông để được dùng nó giảng trong lễ Misa. Tại hải ngoại, truyện ngắn Xâu Chuỗi Ngọc được in trong tuần báo Thời Báo USA (mục Chuyện Bên Nhà) số 14 ngày 1 tháng 4/2005, phổ biến ở Toronto, Canada và miền Đông Hoa Kỳ.

Cũng xin giới thiệu loạt bài đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời các câu vấn đạo của một số linh mục phổ biến trên trang web VietCatholic.com cuối tháng 5/2005. Nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng từng được giải thưởng Nobel Hoà Bình luôn luôn chủ trương một quan điểm hoà hợp và cộng tác trong thân thiện giữa những tôn giáo.

Không phải chỉ có người Việt mới cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc của sự hoà hợp tôn giáo. Cố Hoà thượng Tuyên Hoá (Vạn Phật Thánh Thành ở San Francisco, Hoa Kỳ), vị pháp sư Phật giáo Trung Hoa được coi là hoằng pháp thành công nhất tại Mỹ trong nửa thế kỷ qua, đã tuyên bố đại ý: Phật giáo hoàn toàn không có tư tưởng bài xích tôn giáo.Không cần biết quý vị có tin Phật hay không, tôi xem quý vị như đệ tử của Phật, tuyệt đối không xem quý vị là người ngoài Phật giáo. Tất cả mọi người đều là một nhà, cùng chung một gia đình, không phân biệt người này kẻ nọ (k).

Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng, vị tu sĩ Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất ở phương Tây, thường khuyên các vị Lạt ma khi thuyết pháp ở các quốc gia khác: đừng quá nhấn mạnh đến Phật giáo mà chỉ nên chia xẻ kinh nghiệm sống của mình, mục đích thuyết pháp không phải là lôi kéo người ta bỏ niềm tin của họ mà là đóng góp vào sự an lạc của cá nhân (l).

Năm 1999, Hội Đồng Giáo Hoàng Về Đối Thoại Liên Tôn tổ chức Đại Hội Liên Tôn tại La Mã với 28 nhà lãnh đạo Phật giáo trong số 200 nhân vật từ nhiều quốc gia tham dự. Chủ đề của đại hội là Thiên niên kỷ thứ 3 sắp tới: Hợp tác giữa các tôn giáo khác nhau. Đại hội công bố sứ điệp kêu gọi các cộng đồng tôn giáo giáo dục tín đồ của mình để phát huy niềm thông cảm, hợp tác và tương kính và cống hiến một lối trình bày khách quan về các tôn giác khác nhau. Nhắc lại điều này khi gởi thư chúc mừng Phật đản năm 2001 tới các nhà lãnh đạo Phật giáo và các Phật tử, hồng y Francis Arinze (chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn) mời gọi mọi người thiện chí hợp tác xây dựng một nền văn minh của tình thương, theo tinh thần năm 2001 được Liên Hiệp Quốc chọn là Năm Quốc Tế Đối Thoại Giữa Các Nền Văn Minh.

Sau hết, xin kể một trường hợp lý thú ngay tại vùng Đông Nam Virginia, Hoa Kỳ. Liên tiếp trong nhiều năm, vào mỗi dịp Giáng Sinh, Adam Nguyen đều tặng mỗi học viên của ông một chi phiếu 25 dollas với một điều kiện dản dị: họ đem số tiền này tặng cho một hội từ thiện do chính họ lựa chọn. Adam Nguyen (Nguyễn Xuân Ngọc) là một Phật tử tích cực, huấn luyện viên Yoga tại một võ đường ở Virginia Beach. Ông biết rằng các học viên của ông đều không phải là người Việt, do đó có thể nghĩ rằng họ sẽ tặng các chi phiếu đó (khoảng 50 tới 80 chi phiếu mỗi năm) cho những hội từ thiện không phải của Phật giáo.

Những thí dụ trên hình dung một xu hướng tất yếu trong thời đại mới về quan hệ giữa những tôn giáo lớn trong cộng đồng nhân loại. Đạo Phật và đạo Chúa đều đóng góp những nỗ lực chính để đào tạo những con người chung nhau xây dựng một an lạc trần thế. Bởi vì như nhà thần học người Đức Karl Rahner (1904-1984) đã viết: Những tôn giáo khác với Ki Tô giáo không chỉ hợp pháp mà còn là phương tiện giúp người ta đón nhận ân sủng của Chúa (m).

TÂM HUY

===================

CHÚ THÍCH:

(a) Về các chỉ dụ của vua A Dục, xin xem trang web Thư Viện Hoa Sen (www.thuvienhoasen.org) và Quảng Đức (www.quangduc.com).

(b) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận tập 3 tr. 15, Lá Bối, Paris 1985.

(c) Phan Bội Châu, Phan Bội Châu Niên Biểu tr. 36, Nhóm Nghiên Cứu Sử Đia dịch và xuất bản, Sài Gòn 1971.

(d) theo Hoàng Hải Thủy và Lý Đại Nguyên. Nên lưu ý là có một đại lão hoà thượng Thích Đức Nhuận khác ở miền Bắc được suy tôn làm pháp chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam từ năm 1981.

(đ) theo Nguyễn Ngọc Chấn, bản tin về chuyến hành hương mùa Vu Lan, nhật báo Người Việt online, California ngày 1.9.2004

(e) dẫn theo giáo sư André Bareau, bài thuyết trình tại trung tâm Văn Hoá Tin Lành dòng Luther, Paris ngày 11.11.1984, bản dịch của Lại Như Bằng.

(g) theo bản tin của Việt báo online (www.vietbao.com) ngày 5 tháng 3.2004.

(h) Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu, Nhật Ký Truyền Giáo, tr. 37.

(i) Hoàng Ngọc Liên, Nhà Sư Của Tôi, Việt Nam Nhật Báo, California ngày 13 tháng 7.2000.

(k) Hoà thượng Tuyên Hoá, Khai Thị nhân lễ Tắm Phật, Bồ Đề Hải số 26, California tháng 5-6.1996.

(l) Tâm Hiền Tôn Thất Chiểu, Cầu Nguyện Cho Mọi Phật Tử Chúng Ta Có Thể Làm Sáng Toả Được Một Chút Hiền Hoà Phật Giáo, trang nhà Người Cư Sĩ (cusi.free.fr).

(m) David Chidestes, Christianity: A Global History, Harper, San Francisco 2000.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/10/2014(Xem: 7613)
Có những gì cần phải sửa trong Kinh Phật hay không? Có những gì cần phải cắt bớt khỏi Kinh Phật, hay cần phải bổ túc thêm cho Kinh Phật hay không? Câu trả lời tất nhiên không dễ. Vì người xưa đã nói, nếu chấp vào nghĩa từng chữ một, có thể sẽ hiểu nhầm ý của Phật; nhưng nếu rời kinh một chữ, lại hệt như lời ma nói. Nguyên văn: Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan; ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết.
26/10/2014(Xem: 9123)
Gió mùa thu năm nay, trở nên khô khốc, ảnh hưởng bởi nạn hạn hán trầm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua ở xứ này. Nhưng đâu đó trên hành tinh, mưa thu lất phất bay, và gió thu se sắt gợi buồn; cũng có nơi mưa ngập cả các con lộ chính của thành phố lớn để người và xe cộ phải lội bì bõm trong giòng nước ngầu đục. Và chỗ nọ, chỗ kia, làn gió dân chủ, hòa bình, khơi niềm hứng cảm cho sự vươn dậy của ý thức tự do, khai phóng.
24/10/2014(Xem: 14298)
Một kỷ nguyên mới canh tân kỹ thuật đang lan tràn khắp thế giới và đang tiến đến trưởng thành, đó là mạng lưới thông tin toàn cầu internet (world wide web), một hệ thống truyền thông và môi trường học có sức mạnh. Không nên xem Internet chỉ là một phương tiện mới để truyền bá Giáo Pháp với một hình thức mới, mà Internet còn có tiềm năng là một căn cứ cho một cộng đồng Phật Giáo trên mạng (online) cống hiến những giá trị xã hội và tâm linh cho mọi người.
24/10/2014(Xem: 8235)
Chuyện kinh Phật kể rằng, tự ngàn xửa ngàn xưa, hằng hà sa kiếp trước, có con thỏ ngọc nọ thấy bầy đàn đang lúc giá rét cuối đông, chẳng kiếm được chút rau cỏ gì cho nguôi cơn đói bụng ; thỏ nọ liền “hưng khởi đại bi tâm” nhảy vào đám lửa đang cháy rực hồng, tự biến thân mình thành thịt nướng cho bầy đàn ăn đỡ đói. Khi bầy đàn thỏ no nê thì cũng là khi thân thỏ nọ chỉ còn sót lại mấy miểng xương đen. Phật biết đại bi tâm của thỏ từ đầu, bèn nhặt xương thỏ đem về cung quảng, phục sinh và đặt tên cho thỏ là NGỌC THỐ - có nghĩa là Thỏ Ngọc, một sinh thể có đại bi tâm quý như ngọc; thứ ngọc Phật từng nói đến trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Bấy giờ, cuộc đời thỏ ngọc ngày đêm yên ả nơi cung trăng, tự thân sớm hôm trau dồi công dung ngôn hạnh khiến biết bao người chung quanh nâng niu, thương yêu chiều chuộng.
23/10/2014(Xem: 12879)
“Phật pháp trong đời sống” của cư sĩ Tâm Diệu là tuyển tập về mười hai chuyên đề Phật học gắn liền với đời sống của người tại gia. Tuyển tập các bài viết này gồm ba mục đích chính: (i) Xóa bỏ mê tín dị đoan và các tập tục hủ lậu, (ii) Giới thiệu Phật pháp căn bản, giúp người đọc hiểu rõ các giá trị thiết thực của đạo Phật, (iii) Đính chính các ngộ nhận về các khái niệm thầy tu, giải thoát, giá trị trị liệu của thiền và bản chất hạnh phúc trong hiện tại. Dầu được viết trong nhiều thời điểm khác nhau cho nhiều đối tượng độc giả, tác giả chú trọng đến việc giới thiệu về hình thái đạo Phật nguyên chất, xây dựng niềm tin bằng lý trí, giới thiệu đạo Phật từ góc độ ứng dụng trong đời sống, so sánh những điểm dị biệt và sự vượt trội của đạo Phật đối với các truyền thống và tín ngưỡng khác.
23/10/2014(Xem: 8509)
Bằng cách này hay cách khác, Đức Phật luôn gợi nhắc cho chúng ta rằng mỗi người chúng ta đều sở hữu các khả năng và phẩm chất tốt đẹp, cần phải biết vận dụng và phát huy để làm cho cuộc sống trở nên giàu sang hiền thiện, tránh mọi khổ đau và để thực nghiệm hạnh phúc an lạc. Trong bài kinh Nghèo khổ thuộc Tăng Chi Bộ, Ngài đơn cử câu chuyện một người nghèo túng về của cải vật chất nhưng không biết cách nỗ lực khắc phục tình trạng nghèo khó của mình nên phải liên tiếp rơi vào các cảnh ngộ khó khăn để nhắc nhở chúng ta về các tai họa khổ đau mà chúng ta sẽ phải đối diện, nếu không biết nỗ lực nuôi dưỡng và phát huy các phẩm chất đạo đức và trí tuệ của mình.
23/10/2014(Xem: 10078)
Tục lệ, hay những lễ nghi đã trở thành thói quen, là văn hóa được ước định của một dân tộc. Sự hình thành tục lệ thường chịu ảnh hưởng của phong tục tập quán trong dân gian, hoặc do sự thực hành các tín ngưỡng tôn giáo lâu ngày của một cộng đồng. Sau khi truyền vào Trung Quốc, Phật giáo không chỉ đi sâu vào dân gian, hòa nhập với đời sống, từng bước hình thành nên một bộ quy phạm lễ nghi về “hôn táng hỷ khánh” (dựng vợ gả chồng, chôn cất người chết, thể hiện niềm vui, bày tỏ việc mừng); mà còn có tác dụng thay đổi phong tục đối với các thói quen dân gian mang đậm màu sắc mê tín trong các việc như: tổ chức hôn lễ rườm rà; đoán số mệnh dựa trên bát tự(1); miễn cưỡng tổ chức việc vui trong lúc gia đạo đang gặp rắc rối với mong muốn giải trừ vận xui, tà khí, chuyển nguy thành an, gọi là xung hỷ; thực hành tục minh hôn(2); duy trì lối khóc mộ; xem phong thủy…
23/10/2014(Xem: 9397)
Từ Thiện chỉ là Tu Phước, đó là cành lá hoa trái, nhưng Tu Huệ là gốc rễ , có chăm sóc cội gốc thì cây Bồ-Đề mới xanh tươi, đó là Phước Huệ song tu, là Tâm Hạnh của một vị Bồ-Tát, Một vị Phật tương lai, hiện tại phải Hành Bồ-Tát Đạo, Phục vụ chúng sinh là cúng dường Chư Phật, Bồ-Tát Giới thì cũng có Xuất gia và Tại Gia, Người con Phật phải luôn tưởng nhớ đến Tánh Phật vốn sẵn nơi chính Thân Tâm Ngũ Uẩn nầy, Người Tu Phật phải luôn nhìn lại chính mình, nếu hiểu được chính Thân Tâm mình, thì sẽ hiểu được người khác, (Tức Quán một Pháp thông, thì tất cả các Pháp đều thông) Người Giác Ngộ đối với Thân Tâm này, chỉ thấy là như hạt bụi, rời hơi thở rồi thì thiêu đốt thành tro, Muốn giải thoát Luân Hồi Sanh Tử, thì sống chấp nhận trả Nghiệp quá khứ, mà không tạo thêm Nghiệp tương lai, Bằng cách, nếu có người phiền não Ta, hay tức giận Ta, thì liền xin lỗi, đó là chấp nhận trả Nghiệp cũ, mà không tạo thêm nghiệp mới,
22/10/2014(Xem: 8386)
Tôi thường đeo một xâu chuỗi nhỏ ở tay, cũng nhiều năm rồi, như một sở thích, như một thói quen. Nhiều người thấy lạ thường hỏi, mang xâu chuỗi chi vậy? Tu hả? Cầu xin gì hả? Thường thì tôi chỉ cười thay câu trả lời vì cũng hơi rắc rối để giải thích.
21/10/2014(Xem: 8765)
Tôi may mắn có mặt trong buổi tối quý giá mà đông đảo Phật tử và thanh niên Hà Nội đã được học hỏi từ Sư bà Thích Nữ Giác Liên, một vị ni sư có 2 dòng máu Ấn – Việt, và là tác giả của cuốn “Đường về xứ Ấn”, tại nhà sách Thái Hà (119 C5 phố Tô Hiệu, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Sư bà Thích Nữ Giác Liên sống ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ đã 7 năm, đã đi giảng Pháp tại nhiều nước trên thế giới. Sư bà cũng là tác giả của nhiều bản đạo ca nổi tiếng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]