GIẢI THÍCH NGẮN VỀ VIỆC CÚNG DƯỜNG MẠN ĐÀ LA
ĐỂ THỈNH CẦU GIÁO PHÁP
Alexander Berzin
Morelia, Mexico, April 2004
Lozang Ngodrub dịch, Thanh Liên hiệu đính
Trước khi ta thọ nhận một giáo pháp, điều quan trọng là việc cúng dường một mạn đà la để thỉnh cầu giáo huấn từ đạo sư. Khi chúng ta thực hiện điều này, điều thiết yếu là ta hiểu được tầm quan trọng của những câu kệ mà ta tụng niệm cùng với sự cúng dường.
Với cúng dường dâng lên các cõi PhậtNền tảng này, tẩm đầy nước thơm, rải rắc nhiều bông hoa
Trang nghiêm với núi Tu Di, bốn lục địa, mặt trời và mặt trăng,
Nguyện tất cả chúng sanh lang thang trong luân hồi đều được đưa về tịnh độ,
Om idam guru ratna mandala-kam-nir-yatayami.
Con kính dâng mạn đà la này đến chư đạo sư tôn quý.
Trong đoạn kệ này, ta nghĩ tưởng đến một cõi Phật, một cõi tịnh độ, và cầu nguyện cho mọi chúng sanh được vui hưởng ở cõi này, thật hơi khó hiểu phải không? Trước tiên, ta cần hiểu cõi Phật hay cõi tịnh độ là gì. Đó là một nơi thuận lợi cho việc tu học và hành trì Pháp hai mươi bốn tiếng mỗi ngày. Bạn không phải làm việc; không phải ăn; không phải ngủ; không phải trả tiền thuê nhà; không phải đi nhà vệ sinh – bạn không phải làm gì khác ngoài việc tu học trong mọi lúc. Tịnh độ không phải là một nơi để bạn đến tắm mát ở hồ bơi và chơi bài suốt ngày.
Các cõi Phật tràn đầy các bồ tát thánh nhân, những vị bồ tát đã thực chứng được tánh Không vô khái niệm, và ở đó, các vị thọ nhận giáo huấn từ Báo thân của chư Phật, thân vật lý mà chư Phật hiển lộ để triển khai giáo pháp Đại thừa. Đây là những gì xảy ra ở cõi Phật, cõi tịnh độ. Tuy nhiên, ở mức độ sâu xa nhất, một cõi Phật đề cập đến tầng lớp thanh quang của tâm thức ta, tầng lớp tâm thức vi tế nhất mà một vị bồ tát thánh nhân thực chứng được. Thật sự thì nếu ta không phải làm điều gì khác ngoài việc học hỏi thêm và hành trì pháp, và nếu ta có được tâm trạng cùng hoàn cảnh thuận lợi nhất cho việc này thì tuyệt diệu biết bao.
Thế nên khi ta cúng dường mạn đà la, điều mà ta muốn hình dung ra rằng đây là hoàn cảnh thuận lợi mà ta có được, tâm ta đang ở trong trạng thái chín muồi nhất và ta mong ước rằng tất cả chúng sanh đều có thể cộng hưởng cảnh giới thuận lợi này để cùng nhau tu học. Ta sẽ thỉnh cầu giáo huấn từ đạo sư trong bối cảnh như thế này, trong lúc ta quán tưởng rằng mọi sự đều hoàn hảo và mọi việc đều thuận lợi. Trên thực tế, ta đang nói lên điều này, “Con đã chuẩn bị sẵn sàng và mở lòng để thọ nhận giáo huấn này, và nguyện cho tất cả chúng sanh cũng đều như thế.” Đó là tinh túy của sự cúng dường mạn đà la để thỉnh pháp.
Nếu trời quá nóng hay ta đang đói, v.v..., thì ta sẽ cố gắng không quan tâm tới những điều này với ước muốn mãnh liệt đế chấm dứt những chướng ngại này, để ta có thể thật sự lắng nghe giáo pháp một cách đúng đắn và không bị chi phối vì những chướng ngại nói trên. Trong lời kệ cúng dường mạn đà la, ta cúng dường núi Tu Di, bốn lục địa, v.v..., và những phẩm vật này tượng trưng cho thế giới và hoàn cảnh bình thường của chúng ta, tựa như khi nó qua nóng hay quá lạnh. Khi cúng dường những phẩm vật này, ta không chỉ bày tỏ sự sẵn sàng dâng cúng tất cả mọi thứ trên thế giới để thọ nhận giáo pháp, nhưng sâu sắc hơn, ta đang cúng dường cả thế giới bình thường cho chư Phật và cầu xin nó được chuyển hóa thành một cõi tịnh độ. Thế nên trên thực tế, việc cúng dường một mạn đà la thật sự là một hành trì tịnh hóa thái độ của chúng ta – chuyển hóa những hoàn cảnh tiêu cực thành tích cực. Bất cứ một hoàn cảnh khó khăn nào ta có thể gặp ở trung tâm Phật giáo, nơi thuyết pháp hay trong đời ta nói chung, ta sẽ chuyển hóa nó trong tâm mình. Ta quán tưởng rằng hiện tại ta đang an trú trong cõi Phật, một cõi tịnh độ, và ta sắp thọ nhận các giáo pháp: Trong bối cảnh này, một cõi Phật tịnh độ chính là một trạng thái của tâm. Ta không nghĩ về nó như một thiên đường nào đó ở một ngân hà khác.
Thế nên việc cúng dường mạn đà la để thỉnh cầu giáo huấn từ một vị thầy là một hành trì rất sâu sắc, không phải là một thực hành ta có thể xem thường. Mặc dù việc này có thể được thực hiện với một dĩa mạn đà la trang nghiêm, cùng với các vòng khoen v.v..., như đã đề cập trong những câu kệ ở trên, ta cũng có thể cúng dường bằng các thủ ấn thích hợp, hay ngay cả khi không có sự tượng trưng của núi Tu Di và bốn địa châu.
Tuy nhiên, dù ta cúng dường mạn đà la bằng cách nào đi nữa, điều quan trọng là ta nên dành một vài khoảnh khắc trước đó để cố gắng dẹp bỏ mọi vọng tưởng trong tâm ta và quán tưởng rằng mình đang an trú trong một cõi Phật tịnh độ. Thế rồi từ trong tâm trạng đó, ta sẽ cúng dường mạn đà la. Hãy nhớ rằng không phải ta chỉ ước mong cho một mình ta được an trú trong cõi Phật hay tâm thức thanh quang, hoặc ta đang thọ nhận giáo pháp riêng rẽ vì ta vô cùng quan trọng và đặc biệt, mà ta cúng dường với ước nguyện mãnh liệt rằng tất cả chúng sanh đều có mặt ở đó và thọ nhận giáo pháp này.
Nguyên tác: Short Explanation of the Mandala Offering of Request for a Teaching - Alexander Berzin
http://www.berzinarchives.com/web/en/archives/sutra/level1_getting_started/approaching_study_meditation/short_explanation_mandala_offering.html. Với sự đồng ý của www.berzinarchives.com