Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Từ Bi (sách)

20/06/201107:54(Xem: 9629)
Từ Bi (sách)

quanambotat


TỪ BI


MINH CHIẾU

Mùa An Cư

PL. 2551 – 2007


Lời Nói Đầu

Đây không phải là một sáng tác. Tài liệu nhỏ này chỉ trích soạn những lời hay ý đẹp trong các bài giảng của chư Tôn Đức, sách báo của Phật giáo đã xuất bản từ trước đến nay, hệ thống lại thành một bài giảng chuyên đề.

Công việc của chúng tôi là lượm lặt những bông hoa thơm đẹp để kết thành một tràng hoa đẹp.

Phổ biến tập tài liệu này, ước mong nó sẽ cung cấp một vài kiến thức cần thiết cho quý vị “Tân Giảng sư”, cũng như sẽ là tài liệu nghiên cứu cho những người học Phật sơ cơ.

Kính mong quý vị cao minh chỉ giáo những điểm còn khiếm khuyết.

Cẩn Chí

Minh Chiếu

A. MỞ ĐỀ:

Những trận chiến tranh thế giới khốc liệt từ trước đến nay, giữa nước này với nước nọ, khu vực này với khu vực kia – do khác màu da, sắc tộc, tôn giáo, chính kiến, chủ nghĩa v.v… làm cho nhân loại đau thương tang tóc, mà nguồn gốc chính là do tâm thù hận độc ác, thiếu Từ Bi của con người gây nên.

Cho đến những sự bất hòa nho nhỏ trong gia đình, làm cho vợ chồng ly tán, anh em xa lìa, bạn bè tuyệt giao, cùng đều do thiếu Tình Thương, thiếu Tâm Từ Bi mà ra.

B. CHÁNH ĐỀ:

I. ĐỊNH NGHĨA:

Thế nào gọi là Từ Bi?

Từ là ban vui cho tất cả chúng sanh. Bi là cứu khổ cho tất cả muôn loài. Nguyên câu chữ Hán là “Từ năng dự nhứt thiết chúng sanh chi lạc, Bi năng bạt nhứt thiết chúng sanh chi khổ”. Chữ “Bạt” ở đây có nghĩa là nhổ tận gốc đau khổ.

Đối với một người nghèo khổ chúng ta phải khởi tình thương, giúp tiền gạo trong nhất thời chỉ gọi là Từ, tìm giải pháp giúp vốn liếng để họ làm ăn lâu dài, hoặc dạy cho họ nghề nghiệp để sống trọn đời thoát nghèo khổ, và hướng Thiện mới gọi là Bi.

Từ, Bi, Hỷ, Xả là Tứ vô lượng Tâm của đạo Phật.

Ở trong chữ Từ Bi đã bao gồm nghĩa: thương yêu, bao dung, tha thứ, nhẫn nhịn, hoan hỷ…

Sự giúp đỡ ở đây không chỉ hạn chế trong phạm vi vật chất, mà nhiều khi chỉ nhờ một lời khuyên giải mà kết quả con cái biết hiếu kính với Cha Mẹ, vợ chồng thương yêu hòa thuận, không có kình cãi, đánh mắng nhau.

Vậy Từ Bi là một lòng thương rộng lớn vô biên, nó hướng dẫn người ta vận dụng tất cả khả năng, tâm tư, phương tiện để làm cho mọi người, mọi vật thoát khổ được vui.


II. SO SÁNH TỪ BI VỚI BÁC ÁI:

Từ Bi với Bác Ái có khác nhau không?

Có!

Bác Ái là tình thương yêu rộng lớn.

Như thế thì Bác Ái và Từ Bi đều có một tánh chất giống nhau, chỉ khác nhau ở chỗ rộng hẹp, sâu cạn mà thôi.

Về phương diện không gian, Từ Bi bao gồm tất cả mọi loài. Về phương diện thời gian, Từ Bi bao gồm tất cả quá khứ, hiện tại và tương lai.

Còn Bác Ái thì chỉ chú trọng nhiều về loài người mà ít để ý đến sinh vật; và chỉ lo cứu khổ, cho vui trong hiện tại mà ít nghĩ đến cái quả trong tương lai.

Tôi xin kể một câu chuyện liên quan đến Bác Ái: Có một nữ Phật tử ở Sài Gòn, trước đây nhờ một tổ chức tôn giáo Bác Ái bảo trợ để xuất cảnh sang Hoa Kỳ. Sau khi qua bên ấy, tổ chức Bác Ái này đã ép buộc người này phải bỏ Phật giáo theo đạo Bác Ái, nếu không thì sẽ bị đuổi sở mất việc làm.

Thử nghĩ một người phụ nữ cô độc ở xứ lạ quê người, trong trường hợp này phải làm sao đây? Có cái đau khổ nào hơn! Công bằng mà nói sự giúp đỡ về đời sống vật chất của tổ chức Bác Ái kia có đủ bù đắp cái hậu quả đau khổ tinh thần triền miên của người phải bỏ Đạo cũ của mình!

Câu chuyện này cho chúng ta thấy sự hẹp hòi của Bác Ái – khi lòng Bác Ái ấy đã chứa sẵn một ý đồ.

Bác Ái, Từ Bi căn bản phải vô tư, công bằng. Đối tượng của sự cứu giúp phải là các nạn nhân, người nghèo thật sự.

Một phái đoàn đi cứu trợ nếu vì có tâm phân biệt mà chỉ phân phát phẩm vật cho các tín đồ của tôn giáo mình thì đâu còn đúng nghĩa Bác Ái hay Từ Bi.

III. TỪ BI, CỨU KHỔ CHO VUI NHƯ THẾ NÀO?

Trong khi so sánh Từ Bi với Bác Ái, chúng tôi đã nói về phương diện không gian, Từ Bi bao gồm tất cả mọi loài.

Thật thế, tình thương của đạo Phật vô cùng rộng lớn. Đức Phật dạy không được giết hại những con người mà cả muôn vật nữa, do đó đạo Phật được gọi là đạo Từ Bi, đạo Hòa Bình.

Người Phật tử chân chánh, triệt để tuân theo lời Phật dạy, không giết hại sinh vật để ăn, mà cũng không giết hại sinh vật trong các cuộc săn bắn hay câu cá để giải trí.

Riêng các vị xuất gia, từ sáng sớm trước khi bước chân xuống giường đã quan tâm đọc chú, cầu nguyện cho các loài côn trùng lánh xa để mình khỏi dẫm đạp.

Chính nhờ lòng Từ Bi ấy mà cuộc đời bớt khắc nghiệt, khổ đau, sự chém giết bớt tàn khốc, chiến trường được thu hẹp, người và vật không còn sát hại nhau, mà trái lại còn xem nhau như anh em.

Như chúng ta biết chợ Long Hoa tỉnh Tây Ninh, do ảnh hưởng của đạo Cao Đài, nên hằng tháng ngày Rằm và Mồng Một toàn bán đồ ăn chay, không sát sanh.

IV. PHƯƠNG PHÁP QUÁN TỪ BI:

Làm thế nào để chúng ta huân tập được lòng Từ Bi?

Phương pháp hiệu nghiệm để huân tập lòng Từ Bi là: Quán Từ Bi.

Quán Từ Bi có ba từng bậc thấp cao, tùy theo căn cơ của các bậc tu hành.

1. Các bậc Tiểu Thừa do quán sát cảnh khổ của chúng sanh luân hồi sanh tử trong lục đạo, họ đều là bà con quen thuộc của mình mà khởi lòng Từ Bi gọi là “Chúng sanh duyên từ”.

2. Các bậc Trung Thừa quán sát thấy tất cả chúng sanh, cùng mình đều đồng một “Pháp Tánh”, đồng một “Bản Thể”, nên chúng sanh đau khổ là mình đau khổ. Không còn phân biệt thân sơ, nam nữ. Như bà Mẹ nhận thức con là mình, nên con đau khổ là Mẹ đau khổ, tức là phát khởi lòng Từ Bi, gọi là “Pháp duyên từ”.

3. Loại Từ Bi thứ ba cao siêu đặc biệt của Đại Thừa là lòng Từ Bi không có tâm năng duyên và cảnh bị duyên, không còn dụng công, không còn quan sát, đối đãi giữa mình và người, mình và vật như hai thứ Từ Bi trước. Lòng Từ Bi này xứng theo thể tánh Chơn Tâm mà tự khởi ra bao la trùm khắp, không thiên lệch một nơi nào. Cũng như ánh sáng mặt trời chiếu khắp cả gần xa, không phân biệt cao thấp, không chú ý một nơi nào, chiếu soi tất cả một cách vô tư và không dụng công. Loại Từ Bi này gọi là “Vô duyên từ”.


V. LỢI ÍCH CỦA PHÁP QUÁN TỪ BI:

Có người lo rằng nếu ai cũng Từ Bi thì sẽ trở thành nhu nhược, dân tộc sẽ yếu hèn, và sự tham tàn bóc lột sẽ lừng lẫy v.v…

Lo như thế là quá lo xa mà thành ra không thực tế. Từ xưa đến nay, loài người không phải khổ sở vì quá Từ Bi, xã hội không phải yếu hèn, đảo điên vì tình thương quá rộng lớn. Trái lại, sự đau khổ của cá nhân cũng như của đoàn thể, một phần rất lớn là do lòng người còn độc ác.

Một nhận xét không ai có thể chối cãi được là một xã hội càng văn minh thì lòng độc ác càng bớt, tình thương càng tăng thêm; hay ngược lại, tình thương càng tăng, ác độc càng giảm, thì xã hội càng văn minh hạnh phúc.

Vì thế, đừng lo sợ Từ Bi làm cho con người mềm yếu, mà chỉ nên lo sợ, nếu sự thù hận độc ác không giảm, thì loài người chắc chắn sẽ bị tiêu diệt.

Quý vị thử tưởng tưởng trong tương lai một ngày nào đó, lòng hận thù độc ác của con người lên đến cực điểm, không còn một chút từ tâm, dùng khí giới nguyên tử, hạt nhân để thanh toán nhau, thì nhân loại sẽ đi về đâu?

VI. CA DAO, THƠ, DANH NGÔN VỀ TỪ BI:

“Mưa lâm râm ướt dầm lá hẹ,

Em thương người không Mẹ, không Cha.

Khi thương chẳng kể gần xa,

Khi thương chẳng phải ruột rà cũng thương…”.

“Thấy người hoạn nạn thì thương,

Thấy người tàn tật lại càng trông nom.

Thấy người già yếu ốm mòn,

Thuốc thang cứu giúp, cháo cơm đỡ đần”.

“Ngoài ta bao kẻ mồ côi,

Không Cha, không Mẹ, không người nào thương.

Ngày đi vơ vẩn trên đường,

Đêm thời gối đất, nằm sương đầu hè”.

GS-TS Nguyễn Chung Tú

“Trong đổ , nát ta góp bàn tay xây dựng

Trong hận thù ta xoa dịu bởi tình thương”.

“Ta nhập thế bằng tình yêu bát ngát,

Dù cuộc đời vẫn quằn quại đau thương”.

(Văn hào HG Wells 1866–1946)

“Chỗ lạnh nhất không phải là Nam cực hay Bắc cực mà chỗ lạnh nhất là nơi thiếu tình thương.”

“Tình thương sẽ thắng hận thù,

Chùa thiêng phải dựng, ngục tù phải tan”.

“Sau những trận chiến chấm dứt, hai bên đều mệt vì đánh nhau. Cuối cùng bắt tay hòa bình. Kết cuộc lại, dân chúng được gì?

Ôi chao! Thuế má, vợ góa, chân gỗ, nợ nần…”.

Francis Moore

“Không thể diệt – trường tồn và vĩnh cửu,

Đức Từ Bi – lẽ sống của quần sanh.

Dù lịch sử Việt Nam hoen máu Đạo 

Gốc Bồ Đề càng nẩy nhánh thêm xanh”.

(Không thể diệt – Chơn Đăng)

“Anh muốn vui sướng trong chốc lát, cứ trả thù; anh muốn yên vui mãi mãi, nên tha thứ”.

Lacordaire

“Cách báo thù hay hơn cả là đừng bao giờ làm giống kẻ thù”.

Marc Aurèle

“Khoa học hiện tại dự phần lớn vào đời sống của chúng ta, nhưng sự tiến bộ của khoa học chưa thể đem lại hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại, nếu những nhà khoa học còn ý tưởng đem khoa học, phụng sự tham vọng của một vài dân tộc ưu thế trên thế giới.

Kinh nghiệm đau đớn của trận đại chiến vừa qua, đã cho chúng ta và những nhà khoa học nhận thấy cần phải hướng về Đông phương, để học hỏi thêm những điều cao cả trong tinh thần TỪ BI, HỶ XẢ của đức Phật, phù hợp với những phát minh khoa học để phụng sự nhân loại trên con đường tiến hóa”.

William Butcher

(Giáo sư Thạc sĩ người Mỹ)

“Tất cả những khốn khổ của chúng ta: áp bức, nghèo túng, oán hờn xã hội, ám ảnh của chiến tranh cần thiết, đều do ở Âu Châu chúng ta quá ưa chuộng lý trí hơn lương tâm, lý trí hơn sự sống”.

Paul Masson Oursel

(Một nhà mô phạm tiếng tăm ở Pháp)

“Nguyên lý căn bản của đạo Phật là lòng TỪ BI vô biên. Tình thương yêu ấy rộng rãi đến nỗi không phân biệt người thân kẻ thù, người thiện kẻ ác, để riêng thương hạng nọ mà oán thù hạng kia.

Tình thương yêu ấy mênh mông cho đến nỗi, dám đem máu đào mình ra tưới tắt lửa khổ cho chúng sanh, và hễ đang còn một chúng sanh nào chưa tế độ thì xem nhiệm vụ mình chưa tròn.

Với tình thương bao la và bát ngát như thế, lẽ đương nhiên đức Phật nhìn đời với cặp mắt riêng, cặp mắt của đấng Cha lành sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi cho đàn con ngu dại lầm lạc.

Vì thế, ta không ngạc nhiên chút nào khi nghe Ngài bình thản trả lời cho một môn đồ hỏi: “Ngài sẽ làm gì nếu có kẻ vả vào mặt?”.

Đáp: “Ta sẽ không làm gì cả, vì ta có thấy có ai vả vào mặt ta đâu”.

“Luận về lòng tha thứ của đạo Phật

của GS Nghiêm Toản

“Khoa học đã mang lại cho nhân loại nhiều quyền lực đến nỗi họ có thể tự phá hủy đời sống của mình, cho nên có thể nói rằng, nếu không vun trồng cho mình những đức tánh Từ Bi, Bất Bạo Động, thì loài người sẽ hủy hoại tất cả. Hủy hoại hạnh phúc mình và chính bản thân mình”.

(Phó Tổng Thống Ấn Độ Radha Krishnan

trong cuộc mít tinh ngày 23/11/1956 tại Tân Đề Ly)

“Nếu quý vị thích chiến tranh thì tôi xin giới thiệu với quý vị đây là xe tăng, đây là tàu chiến, đây là phi cơ oanh tạc, đây là bom nguyên tử.

Nhưng nếu quý vị yêu chuộng hòa bình như quý vị thường nói thì tôi xin giới thiệu với quý vị một điều: đó là đạo Phật”.

Ông U Thant nguyên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc

(Diễn đàn LHQ cuối thập niên 60)

“Ngoài yêu thương ra thì cuộc đời còn lại là cái gì?”.

Victor Hugo

“Các lý tưởng nhân đạo và đạo đức cao thượng của đức Phật đã khai sanh một truyền thống tâm linh vẫn còn tiếp tục từ hơn 2500 năm qua, Thánh hóa đời sống của hàng triệu con người trên hành tinh này.

Hôm nay, người con Phật trên khắp thế giới hân hoan chia sẻ bức thông điệp về Tình thương, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau mà đức Phật đã dâng hiến cho nhân loại.

Trong thời đại không đảm bảo về an ninh toàn cầu hôm nay, tuệ nhãn của đức Phật về hòa bình và tiềm năng lớn nhất của con người trở nên thích ứng hơn bao giờ hết…”.

Lời chúc mừng của ông KOFI ANNAN

Tổng Thư Ký LHQ, nhân ngày Phật đản

“Ta chẳng nên dùng sức mạnh mà thắng kẻ nghịch, ấy là làm cho nó giận thêm. Ta phải dùng nhơn ái mà phục nó, ấy mới gọi là ta thắng”.

“Cuộc đời vốn đã nhiều đau thương tang tóc, nên mục đích của tôn giáo ra đời là để đem lại an vui hạnh phúc cho nhân loại. Như vậy, nếu tôn giáo chủ trương gây thù hận chết chóc cho nhân loại, thì thà rằng đừng có nó còn hơn! Vì bản thân nó đã là tội lỗi”.

“Sự vinh hạnh nhất của Phật tử chúng ta là: Đức Phật ra đời non ba ngàn năm, giáo lý của Ngài đã lan khắp thế giới, nhưng trên đường truyền đạo chưa hề làm rơi một giọt máu nào của nhân loại, mặc dù gặp rất nhiều trở ngại khó khăn”.

“Thế giới là tổ quốc tôi, nhân loại là đồng bào tôi và việc Thiện là tôn giáo của tôi”.

Thomas Paint


VII. LỜI PHẬT DẠY VỀ ĐỨC TÁNH TỪ BI:

“Lấy oán báo oán, oán oán chập chồng,

Lấy ân báo oán, oán ấy mới tiêu tan”.

“Hận thù không thể rửa sạch hận thù,

Chỉ có tình thương mới rửa sạch hận thù”.

“Hạnh phúc thay cho chúng ta,

Sống không hận thù giữa những người hận thù”.

“Nước Từ Bi tràn đến đâu, lửa hận thù chiến tranh sẽ dập tắt đến đấy”.

“Con ơi, hai ngày nay con bị giam cầm trong đôi tay âu yếm của ta. Tuy được ta nâng niu, nhưng làm sao sánh được cái thú nước mây ngoài trời cao rộng. Hôm nay, cánh con đã lành mạnh, và giữa bầu trời quang mây tạnh, gió lại thuận thổi về hướng Bắc, ta thả con ra, để con bay về giải Hy Ma cùng đoàn con sum họp.

Ta gởi theo con một tấm lòng thương mến và con hãy về mách lại với đoàn con rằng: “Ở đây có một người nguyện sẽ đem cả đời sống ra bênh vực, cứu giúp những kẻ yếu hèn”.

Thôi con hãy tung cánh lên đi!”.

Thái tử Tất Đạt Đa

“Chao ôi! Bao nhiêu mồ hôi và nước mắt đã đổ trong chén cơm của người đi cày. Bao nhiêu sức lực của đôi bò đã đem ra để đổi lấy một nắm cỏ! Và khốc liệt thay sự tương tàn giữa vạn vật”.

Thái tử Tất Đạt Đa

“Người tu hạnh Bồ Tát phải lấy Từ Bi làm gốc. Cây Bồ Đề lớn mạnh nhờ bám sâu gốc rễ trong đất; kẻ tu hành lấy Từ Bi lợi lạc hữu tình làm lẽ sống”.

“Ai cũng sợ gươm đao, ai cũng thích sống còn. Vậy hãy lấy lòng mình suy lòng người mà chớ giết, chớ bảo giết”.

Kinh Pháp Cú

“Hãy tưới tình thương và đức độ xuống hận thù. Đừng bao giờ dùng gươm giáo để trả lời gươm giáo. Hãy sống cuộc đời chư Phật: Hỷ Xả, Từ Bi”.

“Tình yêu của thế gian thì ích kỷ và bắt nguồn từ những ham muốn của dục vọng. Tình yêu của Tứ vô lượng Tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả) trái lại cho ra không điều kiện, vô giới hạn và không thay đổi. Tâm hồn con người được tiếp xúc với Tứ vô lượng Tâm sẽ vĩnh viễn trở nên siêu thoát”.

“Kẻ nào biết nuôi dưỡng tâm mình bằng pháp “Từ Bi”, kẻ ấy, khi thức cũng được an vui, sống cũng an vui, mà đến khi chết cũng được an vui”.

Kinh Bác Ái

“Thân hữu giữa những người thù nghịch,

Ôn hòa trong đám đông hung bạo,

Hỷ xả giữa những người cố chấp,

Như Lai gọi người ấy là Sa Môn”.

“Nhìn chúng sanh bằng đôi mắt Từ Bi”.

Kinh Phổ Môn

VIII. NHỮNG MẪU CHUYỆN VỀ TỪ BI:

Nắm Hạt Trai

Hôm nay theo thứ lớp khất thực, Đạo sĩ A La phải đặt chân vào một chiếc cổng cổ kính, nhưng không kém phần tráng lệ và mỹ thuật của một thương gia, có tiếng chuyên môn mua bán lớn về ngọc ngà và vàng bạc.

Đạo sĩ đưa chiếc gậy tre ấn nhẹ cánh cổng, rồi khoan thai bước vào. Người thong thả rảo bước theo hàng dậu, để lần đến một nếp nhà cao sang nằm chễm chệ giữa một khu vườn vuông vắn.

Chung quanh người hoa lá đang nhộn nhịp trong nắng sớm và trước mắt người cảnh giàu sang đang phô bày diễm lệ. Nhưng bình minh trong sạch như lòng, Đạo sĩ vẫn trầm tĩnh, nét mặt vẫn bình dị, đôi mắt người vẫn dịu hiền, và cả nụ cười không thay đổi ý nghĩa giải thoát của một nhà Đạo sĩ.

Xa xa, đàn ngỗng trắng đang đùa giỡn trên đám cỏ xanh mềm, bỗng chúng cất lên tiếng kêu vang, làm ngừng tay viên thương chủ, giữa lúc chàng mãi chọn lấy mấy hạt trai, để xâu lại thành chuỗi… Đạo sĩ khất thực!

Cả một hình dáng yên lành và thanh tịnh đang nhẹ tiến về phía chàng… sung sướng, chàng để luôn cả nắm hạt trai xuống đất, chắp tay vái chào Đạo sĩ, rồi vội vàng đi lấy cơm dâng cúng cho người.

Trong lúc ấy, đàn ngỗng đứng bên cạnh, trông thấy nắm hạt trai óng ả chúng lầm tưởng một món ăn ngon, quên cả sự có mặt của Đạo sĩ, một con lớn nhất trong đàn, lanh lẹ chạy đến và đớp đại mấy hạt trai… Đạo sĩ hoảng hốt đưa tay đuổi… nhưng muộn lắm rồi, cả nắm hạt trai, trong nháy mắt, đã dễ dàng trôi qua cổ họng con ngỗng khốn nạn. Trong trường hợp này, Đạo sĩ tự thấy lo ngại, nhưng người trầm tĩnh lại ngay và yên lặng chờ đợi.

Giữa lúc ấy, chàng thương chủ đã từ nhà đi ra, mang theo một bát cơm sốt dẻo. Chàng cung kính quỳ trước Đạo sĩ để dâng cúng cho người.

Nhưng chàng bỗng sửng sốt kinh lạ khi nhìn lại nơi chàng để nắm hạt trai. Một lần nữa chàng đưa mắt nhìn kỹ xung quanh, và nhìn lại nơi đã để hạt trai, rồi bỗng chàng đưa mắt lên nhìn Đạo sĩ, mà người đang yên lặng đứng trước mặt chàng.

Chàng đứng ngay dậy, tay chàng run lên, mắt chàng như nẩy lửa, và chàng cất tiếng mỉa mai: “Chắc Đạo sĩ không lạ gì trước cử chỉ thất lễ đột nhiên của tôi chứ? Mong người trả lại nắm hạt trai quý giá cho chúng tôi”.

Trước cử chỉ và lời lẽ của thương chủ, Đạo sĩ A La vẫn bình tĩnh không trả lời. Thái độ yên lặng và thản nhiên của Đạo sĩ, càng làm cho thương chủ tức giận sôi gan, chàng lớn tiếng mắng Đạo sĩ và gọi gia đinh bắt trói Đạo sĩ lại, đồng thời cho mời hương chức để tra hỏi.

Nhưng Đạo sĩ vẫn yên lặng chịu đựng, trước những lời lẽ đay nghiến chua chát của thương chủ; trước hình phạt tra tấn của hương chức. Nhưng sức người có hạn, Đạo sĩ không chịu đựng được nữa, người té xỉu và ngất lịm trên vũng máu.

Giữa lúc ấy, con ngỗng trắng khốn nạn kia, bỗng cất cánh bay lại bên Đạo sĩ, chìa mỏ hút lấy giòng máu. Sẵn cơn tức giận, thương chủ không một thương tâm tha thứ, chàng xách gậy chạy đến và đánh chết ngay con ngỗng… Đạo sĩ A La vừa hồi tỉnh, nghe động, đưa mắt nhìn sang, người hoảng hốt kêu cứu cho con ngỗng.

Nhưng làm sao kịp nữa, con ngỗng đáng thương của Đạo sĩ chỉ còn lại cái xác không hồn; động lòng Từ Bi, Đạo sĩ cố lần lại bên thi hài con ngỗng, người đưa tay vỗ về và lâm râm đọc kinh cầu nguyện…

Cử chỉ tự nhiên, thái độ chí thành của Đạo sĩ trong sự cầu nguyện đã làm cho thương chủ yên lặng quên cả sự đánh mắng.

Vài phút sau, Đạo sĩ A La chống gậy đứng dậy và chậm rãi nói với thương chủ: “Nắm hạt trai của ngươi chính con ngỗng này đã nuốt vào bụng nó, trong khi ngươi vắng mặt”.

Nghe xong, thương chủ vội bảo người nhà đem mổ bụng con ngỗng để chàng xem hư thật.

Quả như lời Đạo sĩ, nắm ngọc trai óng ả được đưa ra với nắm ruột khốn nạn của con ngỗng bạc phước.

Thương chủ vừa trông thấy, chàng liền sụp đầu sát chân Đạo sĩ, cầu xin người mở lượng TỪ BI cho chàng sám hối. Chàng phân phiền: “Sao Đạo sĩ không cho tôi biết trước, để tôi lầm lỗi thế này”.

Một câu nói ý nghĩa, đã vội nở trên đôi môi nhà Đạo sĩ: “Hỡi thương chủ! Lòng TỪ BI không giới hạn, ta đã nguyện mở rộng trước mọi đau khổ của chúng sanh. Vì thế, nếu ta đem chuyện con ngỗng lầm dại, nói ngay với ngươi từ trước, như vậy ta đã gián tiếp giết hại con ngỗng! Việc ấy ta không bao giờ làm. Vả lại không thể trái lời Phật dạy, manh tâm lưu hại cho chúng sanh, chỉ vì sự an lạc của chúng sanh nhỏ hẹp!”

Thương chủ như mở bừng đôi mắt; đến đây chàng mới nhận rõ cái cứ chỉ yên lặng từ trước của Đạo sĩ là một ý nghĩa cao quý, làm sống lại lời Phật dạy và tỏa rộng đạo TỪ BI.

Chàng tự than: “Nếu tất cả nhân loại chúng sanh, ai cũng biết sống theo đúng lời Phật dạy và thực hành theo hạnh TỪ BI như Đạo sĩ, thì còn đâu nữa mọi nỗi đau khổ của chúng sanh.

Hơn nữa, “nếu biết xem thường vật chất thì đến nỗi nào phải tối tăm và lỗi lầm như chàng đã lầm lỗi”.

Giờ phút này lòng chàng như cởi mở và rộng rãi bao la… Đưa mắt nhìn về dĩ vãng, chàng cảm thấy đời chàng như một căn phòng tối tăm, thấp thỏi.

Và có lẽ từ đây, chàng không thể sống lại một cuộc đời nhỏ hẹp, chỉ biết bo bo với vàng bạc ngọc ngà; chàng cũng không thể sống lại một cuộc đời nô lệ đầy tội lỗi chỉ biết tìm lạc thú để cung cấp cho tự thân… Một ý niệm trong đẹp nẩy nở trên tâm thức: “Chàng phải từ rãy tất cả để đền trả tội xưa; chàng phải từ rãy tất cả, để làm những gì mà lòng chàng ao ước hoài vọng”.

Đưa mắt nhìn lại ngôi nhà sang trọng của mình rồi chàng mạnh mẽ hướng về Đạo sĩ, chàng cúi đầu đảnh lễ, và cầu xin noi chí rộng rãi của người, chàng phát nguyện: “Chàng sẽ là một viên đá nhỏ, trong vô số viên đá khác, để chung góp xây đạo TỪ BI. Chàng sẽ là một tia sáng nhỏ, trong vô số tia sáng khác, để cùng nhau nêu cao lời Phật dạy, để đem lại hạnh phúc giải thoát và giác ngộ cùng khắp cho tất cả mọi loài”.

Thích Tâm Nguyên

Tình Thương và Thù Hận

Trường Thọ Vương ngước nhìn ra trời đêm mù mịt. Kinh thành Ba Diệp đang ngập trong bóng tối nặng nề. Ngoài xa, có le lói ánh lửa chắc quân thù đã hạ trại khi trời chiều, ở đồi bên kia.

Ngày mai!... Vâng, ngày mai nếu cứ tình trạng này thì cũng đến đánh nhau to. Không lẽ thành kia vấy máu, hồ kia ngập xác người, máu thấm đất cày đã hút nhiều mồ hôi lao động? Ai thích nghe chi những tiếng gầm gào say máu, tiếng khóc than trên trận địa?

Càng nghĩ Vương càng thấy ruột rối bời. Lời khuyên nhủ của vị trung thần còn văng vẳng: “Bệ hạ không lý do chậm trễ. Giờ phút hưng vong của nước nhà là đây. Chúng ta không thiếu người tài giỏi. Đội ngũ đã sẵn sàng, xin Ngài mau ra lệnh tiến binh”.

Vương thấy ngao ngán vô cùng. Suốt đời làm vua, Trường Thọ Vương không bao giờ dùng thanh gươm nhọn để trị nước. Bằng đức độ và tình thương, Vương đã đem đến cho nhân dân cuộc sống yên lành. Nhưng cũng vì thế mà binh không hùng, tướng không mạnh. Vương có bao giờ nghĩ đến việc chinh phạt ai? Nhược điểm đó đã bị Phiên Vương, một chư hầu nhòm ngó, rồi nảy ra ý tranh đoạt ngai vàng.

Bây giờ biết tính sao? Xuất binh ư? Chắc gì đã thắng. Mà nếu thắng thì cũng chỉ là giết người, có gì vui sướng. Gây chiến chinh thì làm sao tránh được cảnh mẹ già khóc con, vợ trẻ mỏi mắt chờ chồng và những em bé ngây thơ ôi chúng có tội tình gì đâu mà bắt chúng phải mồ côi, phải sống cuộc sống không tình thương và đói lạnh.

Mà để làm chi nếu không phải bảo vệ một ngai vàng vô nghĩa lý? Vương lắc đầu chán ngán: “Không thể được, ta không tham cái của phù hư đó. Các ngươi cứ việc giành nhau. Ta sẽ đi tìm một cái gì đó nhân bản hơn, đạo đức hơn”.

Vương đứng dậy, mắt sáng ngời quyết định. Ngài bước lần về phía hậu cung, phòng Thái tử vẫn còn ánh sáng. Qua những phòng cung nga, Vương khẽ thở dài khi nhìn họ đang mê mệt ngủ. Họ đâu biết ngày mai có sự “đổi chủ thay thầy”.

Đây là phòng Thái tử Trường Sanh – Thái tử gục đầu xuống bàn, một ngọn nến lập lòe bên cạnh. Đứa con nhỏ hiếu học ấy là nguồn hy vọng và vui sống độc nhất của nhà vua từ ngày Hoàng Hậu chết giữa tuổi xuân. Vương sờ nhẹ trán con bằng một cử chỉ vô cùng thương mến. Thái tử chợt tỉnh, ngỡ ngàng trong cái quỳ lạy đón chào. Vương nói với con:

Con ơi! Phiên Vương kéo quân đến cướp ngôi báu. Cha không muốn chỉ vì một ngôi vàng nhỏ mọn mà nhân dân hai nước phải khổ đau. Hãy nhượng ngai vàng cho họ, cha con ta lên rừng tìm Đạo.

Thái tử chợt hiểu. Đôi mắt xanh biếc bỗng xoe tròn hai hàng lệ ngọc. Chàng nắm lấy tay cha như tìm nguồn an ủi. Thôi từ nay vĩnh biệt hoàng cung!...

Đêm ấy, theo hướng sao đêm có hai người dắt nhau vào núi.

Thế rồi dưới gốc cây già, Trường Thọ Vương cùng con tu luyện. Ồn ào của nhân thế chỉ còn văng vẳng phía bên kia đồi. Bụi đời mờ mịt nhân gian đã lắng yên trong người tu ẩn. Thái tử thường vào rừng hái hoa quả cúng dường Cha.

Hôm ấy chàng đi vắng. Trường Thọ Vương thuyền định một mình. Bỗng Vương giật mình vì một tiếng reo vui: “A! Chính Vua đây rồi!...”. Một người ốm o hiện ra từ lùm dứa dại. Y nói:

Kinh thành đã bị chiếm. Một số trung thần tử tiết. Phần lớn trở về vui thú đoàn viên. Phiên Vương ra lệnh tầm nã Ngài rất dữ. Nhân dân rất nhọc nhằn không hiểu cái họa ấy đến bao giờ mới hết. Ngài thấy không, tôi đã đi khắp nơi trong nước, hôm nay tình cờ được gặp, còn chi vui sướng bằng.

Vương hỏi như rên lên vì đau đớn:

Vì ta trốn dân phải nhọc nhằn đày đọa?

Vâng, Phiên Vương đã đánh đập tra khảo biết bao nhiêu người vì họ chứa Ngài. Phiên Vương còn treo giải cho ai bắt được.

Y nắm lấy tay Trường Thọ:

Ngài hãy theo tôi về triều để tôi nạp lấy thưởng.

Vương rẫy mạnh tên tay sai của Phiên Vương gần ngã dụi. Nhưng Vương nghĩ: “Không lẽ ta để cho dân chúng phải đày đọa? Ta nguyện hy sinh tất cả để cứu đời. Mà thân mạng này rồi cũng có ngày tan rã. Phải cứu lấy nhân dân”. Vương đến để hai tay xuống vai người định bắt mình:

Người ạ, nếu ngươi bắt ta, nhân dân đỡ lo sợ, ngươi có thể sung sướng ta nào tiếc chi.

Nhớ đến con, Vương khắc lên thân cây già một dòng chữ: “Cha đã bị bắt đưa vào kinh đô. Con ở lại tiếp tục tìm Đạo”. Rồi nắm lấy tay y; Vương thúc giục: “Thôi ta đi”.

Hắn làm sao hiểu được tâm trạng của nhà Vua khi hắn chưa quan niệm nỗi những con người xả thân cứu thế. Những con chim rừng thường hót líu lo chúc tụng đời giác ngộ nay reo gọi não nề…

Trường Sanh ôm giỏ hoa quả trở về thì còn đâu Từ Phụ? Chàng tìm khắp nơi, gọi đến vang rừng cũng không một lời đáp lại. Tiếng tử quý buồn hiu hiu. Tình cờ đọc dòng chữ Cha để lại, chàng ôm mặt khóc. Ôi đời có thể tàn bạo đến thế kia ư? Dù ở rừng sâu núi thẳm con người vẫn không được sống yên lành?

Theo đường cũ chàng lần về Kinh thành Ba Diệp. Chính hôm đó, Trường Thọ Vương bị đưa lên giàn hỏa. Phiên Vương đã đoạn tình khi xử tử một đấng vua hiền. Dân chúng bao nghẹt lấy giàn hỏa, có những đôi mắt rơm rớm lệ. Họ đã khóc, thương một mạng sống lìa đời, tiếc một người cầm quyền đôn hậu.

Thái tử len lỏi đến tận giàn hỏa. Chàng lấy tay làm hiệu để Cha biết đang có mình ở đây. Vừa lúc ấy, lính châm lửa vào giàn.

Lửa bùng bùng bốc cháy. Những ngòi lửa đỏ lòm lập lòa liếm quanh người Trường Thọ Vương như đang còn nếm thử.

Thái tử bỗng giật mình: Phụ Vương đã thấy mặt con. Mắt Thái tử như đổ đồng tử. Những tia lửa trên giàn hỏa kia liệu có rực đỏ bằng những tia lửa căm hờn trong mắt chàng thiếu niên ấy?

Môi chàng mím lại, lúng búng một tiếng thét bị dằn vào trong: “Cha ơi! Con sẽ trả thù! Con phải trả thù! Trả thù cho Cha!”.

Lửa bắt đầu cháy mạnh. Trường Thọ Vương muốn nói với con đôi lời trăn trối. Người ngửa mặt lên trời để tránh sự nghi kỵ của đám tay sai Phiên Vương. Người kêu lớn:

Trường Sanh con! “Hãy tưới tình thương và đức độ xuống hận thù. Đừng bao giờ dùng gươm giáo để trả lời gươm giáo. Hãy sống cuộc đời chư Phật: Hỷ Xả, Từ Bi…”.

Giàn lửa rừng rực, rừng rực. Lửa như reo hát, múa men. Những lời cuối cùng ấy bị tiếng lửa át mất. Thái tử nhìn trân trối và đau đớn vô cùng.

Mắt Cha hiền nhìn chàng rồi nhắm lại. Mùi khét bắt đầu lan xa…

Thái tử ngất đi trong đau thương cùng tận. Chàng đã thổ huyết đến 5 lần. Tuổi mười bốn ấy sớm chứng kiến những đau thương của cuộc đời nên trở thành già dặn.

Chàng bỏ vào rừng để nguôi ngoai tâm sự. Nhưng cứ một bước đi, một cái nhìn hình ảnh Cha hiện trên giàn hỏa rừng rực cháy cứ hiện ra như thúc giục tăng trưởng ý chí phục thù. Chàng nghĩ:

Nó đã giết Cha ta. Nó đã cướp giang sơn ta. Phải lấy máu kẻ thù rửa hận. Giết! Giết!

Sương nắng của núi rừng rèn luyện thêm lòng chàng. Đói rét của cuộc đời lang thang thử thách con người chí khí. Thái tử đã quyết tâm phục thù. Chàng lại lần mò về Kinh thành Ba Diệp. Chàng tìm mọi cách để được gần Phiên Vương.

Một viên đại thần thấy chàng có sức lực nuôi và cho chàng trồng rau. Vốn bặt thiệp và thông minh, chàng lần hồi được mọi người mến phục. Những việc khó giải quyết trong nhà viên đại thần, chàng đều giải quyết được cả. Vì thế chàng trở thành kẻ tâm phúc của ông ta. Nhưng ông không hề biết đó là Trường Sanh Thái tử vì chàng cải trang rất khéo.

Một hôm, ông hỏi Thái tử:

Này nhà người có tài gì đặc sắc nữa không?

Thưa đại quan tôi có tài làm bếp.

Quả đúng như lời, Trường Sanh nấu ăn còn giỏi gấp mấy lần anh bếp trong nhà. Viên quan rất thích. Muốn khoe người bếp giỏi, ông ta mời Vua đến dự tiệc tại tư dinh.

Thái tử cố gắng nấu ăn thật ngon để thâu phục lòng ham thích của Phiên Vương. Quả nhiên, Phiên Vương nài nỉ viên đại thần trao cho mình người đầu bếp. Và Thái tử nghiễm nhiên trở thành người đầu bếp riêng của nhà Vua.

Chàng tìm cách mua chuộc lòng tin yêu của Vua và đã nhiều lần chàng tỏ rõ sự thông minh uyên bác của mình. Phiên Vương rất mến phục và cho làm kẻ hộ vệ tâm phúc của mình. Đi đâu, Vua cũng cho chàng đi theo.

Ngày mong đợi đã đến. Hôm ấy, chàng phò Vua đi săn. Mãi theo con mồi, Vua cùng chàng tiến sâu vào rừng thẳm. Kể ra thì Trường Sanh cũng biết lối ra nhưng chàng cố ý đưa Vua đi lạc.

Mặt trời đã lặn mà hai người còn lẩn quẩn trong rừng. Đoàn hầu cận không có một ai. Những tàn cây u ám giăng bóng tối che khuất ánh sao đêm leo lét phía chân trời. Vua buộc lòng phải ngủ dưới một gốc cây. Thái tử đeo gươm đứng hầu bên cạnh.

Cơ hội tốt đã đến. Trường Sanh cứ nhìn kẻ thù đang mê mệt dưới chân mình. Tâm tư chàng thúc giục: “Nó đã giết Cha mày, chiếm giang sơn của mày! Còn chờ chi nữa mà không ra tay?...”.

Chàng rút gươm ra khỏi vỏ. Bỗng nhiên như thấy đôi mắt dịu hiền của Trường Thọ Vương trên giàn hỏa. Tiếng nói của người như đang dội lại trong lòng chàng: “Con ơi! Hãy tưới tình thương và đức độ xuống hận thù. Đừng bao giờ dùng gươm giáo để trả lời gươm giáo. Hãy sống cuộc đời Chư Phật: Hỷ Xả, Từ Bi…”.

Ôi lời Cha còn đó, Thái tử có thể quên chăng? Chàng run tay, thanh gươm bén lại hiền lành chui vào vỏ.

Vừa lúc Phiên Vương thảng thốt thức dậy:

Này khanh! Trẫm vừa mơ thất một người muốn giết trẫm.

Muôn tâu bệ hạ, có lẽ hơi lạnh thấm vào người sinh ra mộng mị. Có hạ thần đứng đây thì ai mà dám bén mảng.

Phiên Vương yên tâm nằm xuống ngủ. Hình ảnh Cha mình bị thảm sát lại hiện lên trước mắt Thái tử. Tâm tư chàng lại thúc giục: “Còn chờ gì nữa mà không lấy máu kẻ thù mà tế cho linh hồn Cha?”.

Trường Sanh cương quyết tuốt gươm. Nhưng cũng vẫn đôi mắt dịu hiền, vẫn câu nói ngày xưa văng vẳng: “Hãy sống cuộc đời Chư Phật: Hỷ Xả, Từ Bi!...” trong tâm hồn Trường Sanh hai dòng nước ngược đang ào ạt chảy: một dòng hận cừu đổ máu, một dòng đức độ thơm ngọt sữa hiền. Giữa ngã ba đường ấy biết về đâu?

Đã ba lần, chàng rút gươm toan hạ thủ nhưng nghĩ đến lời Cha dặn, chàng lại thôi. Cuối cùng không chịu nỗi sự dày đạp của lòng chàng hét lên bực tức:

Hỡi kẻ thù tàn ác, vì danh giá nhà ta, vì lời dặn của Cha ta, ta sẵn lòng tha cho ngươi.

Từ Bi đã thắng hận thù. Thanh gươm bây giờ không còn chui ra khỏi vỏ. Phiên Vương tỉnh dậy ngơ ngẩn:

Khanh ơi! Trẫm vừa chiêm bao thấy con của tiên vương tha trẫm mà không trả thù. Khanh có biết là điềm gì không?

Trường Sanh trả lời trong nước mắt:

Thưa Ngài, con của vua nước này chính là tôi đây. Khi Cha tôi bị Ngài thiêu trên giàn hỏa có căn dặn tôi không nên buộc chặt oán thù, hãy noi gương Chư Phật sống cuộc đời Hỷ Xả, Từ Bi. Vì thế đã ba lần tôi rút gươm muốn giết Ngài nhưng lại thôi.

Phiên Vương vô cùng hối hận:

Thôi khanh hãy giết trẫm để phục thù, trẫm không muốn khanh phải khổ tâm hơn nữa.

Trường Sanh cảm xúc đáp:

Không, hạ thần xin chịu tội, bệ hạ hãy xử cho rồi!

Và cả hai im lặng. Đêm tối đã bắt đầu lui bóng. Phía chân trời ánh bình minh le lói như ánh sáng Từ Bi vừa lóe sáng trong lòng người.

Ôi Từ quang! Từ quang! Từ quang đã dập tắt hận thù, chiếu sáng tâm hồn người đọa lạc. Từ quang ôi! Hãy tuôn chảy như suối thác, như sông biển dạt dào xuống lòng nhân loại si mê.

Phiên Vương ôm đầu suy nghĩ. Vua thấy tội mình mới lớn làm sao. Gương sáng của Trường Thọ Vương làm Ngài thấy hổ thẹn. Một ý so sánh chợt đến trong óc Ngài. Vua nói:

Khanh ơi, đêm nay ta bắt gặp những gì cao đẹp nhất của đời. Chiến tranh và hận thù đều là tội lỗi. Không gì quý bằng tình thương.

Trời đã sáng hẳn, Thái tử dắt vua ra khỏi rừng. Các quan đang nóng lòng chờ đợi. Đêm rồi nào ai biết vua ở đâu? Vua hỏi hết bá quan:

Các khanh có biết Thái tử con vua cũ nước này ở đâu không?

Rồi không đợi, người nắm lấy tay Thái tử, cao giọng:

Đây là ân nhân của ta, Trường Sanh Thái tử con vua cũ, người đã vì hiếu quên thù. Này các khanh, không có gì cao cả cho bằng đức độ của Tiên Vương. Hãy nghe theo lời Người… “Tưới tình thương và đức độ xuống hận thù…”.

Ngày hôm sau, Phiên Vương trả nước lại cho Thái tử. Công đức Trường Thọ Vương được tán tụng khắp nơi. Thái tử nối chí Cha, gieo rắc từ bi trong lòng nhân loại. Cuộc đời vì thế bớt đau thương…

Huyền Thanh

(Đây là một chuyện tiền thân của Phật Thích Ca do chính Ngài kể lại. Trường Thọ Vương là Ngài, Trường Sanh Thái tử là A Nan đệ tử yêu quý của Phật, còn Phiên Vương là Đà Bà Đạt Đa).

Câu chuyện

Đức Phật luôn luôn từ bi hoan hỷ với Chúa Ma.

À ra là thế !

HT. Phi Lai

Có lần Chúa Ma đến thăm Phật để giải bày tâm sự. Ngài A Nan không thích Chúa Ma gặp Phật nên đã ngăn cản:

Ông không nhớ ngày xưa dưới cội Bồ Đề, ông đã bị đức Phật đánh bại rồi sao? Hôm nay Phật không tiếp ông đâu, ông là kẻ thù của Phật.

Chúa Ma cười ngất rồi nói:

Phật của ông cũng có kẻ thù sao? Điều này hơi lạ đấy. Tôi nghĩ rằng chính ông nói chứ Phật không nói thế bao giờ.

Ngài A Nan bị thất lý, lúng túng chưa kịp trả lời đức Phật đã tiến ra bắt tay Chúa Ma đưa vào trong thất thân mật thăm hỏi:

Lâu nay Ngài được khỏe chứ, mọi việc đều tốt đẹp như ý chứ?

Chúa Ma uể oải tâm sự:

Chẳng vui chút nào, thưa ngài Cù Đàm. Rất nhiều người bắt đầu xa lánh chúng tôi. Chúng tôi chán làm Ma lắm rồi, chúng tôi muốn đổi đời, chúng tôi muốn làm chuyện gì khác hơn. Ngài có thể giúp tôi được không? Như Ngài biết đó, làm Chúa Ma không dễ chút nào. Mỗi khi nói phải nói lời mập mờ tối nghĩa, lập lờ trắng đen làm rối loạn tâm trí người nghe. Khi làm việc gì phải quanh co quỷ quyệt, đôi khi phải thật hung ác, áp đảo người nghe, nói và làm mâu thuẫn, tà chánh lẫn lộn. Tôi thật sự chán nản lối hành xử như thế này. Nhưng điều làm tôi nhức đầu hơn cả là bọn thuộc hạ đệ tử của tôi, lại luôn không ngớt hô hào chấn hưng đạo đức, xóa bỏ bất công, đem lại tự do hạnh phúc. Tôi chán ngấy lối hô hào này, tôi muốn làm cái gì khác hơn. Nếu Ngài không từ chối, tôi xin giao hết đệ tử của tôi cho Ngài.

Sau phút trầm tư, đức Phật thân mật nói với Chúa Ma:

Tôi thật sự thông cảm những điều Ngài mới trình bày. Có lẽ Ngài nghĩ làm Phật như tôi sướng lắm. Ngài có mệt mỏi của Ngài, tôi có nhọc tâm của tôi. Vì lý do này lý do khác, đệ tử của tôi cũng đã nhân danh tôi nói nhiều lời tôi chưa hề nói, làm nhiều điều trái với những gì tôi đã giảng dạy. Họ đua đòi theo Pháp thế gian, ham danh trục lợi, chia bè kết phái. Họ mượn danh nghĩa tôi để tôn vinh tự ngã. Thay vì từ bi cứu giúp, họ lại tuỳ tiện bươi móc, thay vì vô ngã vị tha, họ lại sa ngã, tha góp cho đầy túi tham. Nếu phải ở vào vị trí của tôi, có lẽ Ngài không thích thú và chẳng muốn làm Phật đâu.

Nhân đây, đức Phật nói đoạn kinh cô đọng sâu sắc như sau:

Vì không có sỡ đắc, Bồ Tát an trú trong trí tuệ Bát Nhã, Tâm không chướng ngại. Do Tâm không chướng ngại, nên không có sợ hãi, xa lìa tà kiến điên đảo, rốt ráo tịch tịnh vắng lặng tức là Niết Bàn tối thượng.

Sư Phụ ơi! Con hiểu rồi, con thích đức Phật lắm. Ngài rất tử tế với mọi người dù là Ma hay là Quỷ. Thảo nào trời người, ai ai cũng tôn kính Ngài. Đã là Phật thì tất yếu phải như thế, phải không Sư Phụ? Chứ ai nào cứ nhân danh Phật mà chia bè chia phái, gây thù gây oán. Như thế đâu phải là con Phật.

Ngài A Nan mặc dù là đệ tử thượng túc của đức Phật, nhưng chưa chứng Thánh quả, chưa rũ sạch phiền não nên đã bị Chúa Ma chọc quê. Tu theo con đường của Phật mà Tâm chưa giải thoát, còn nhiều chướng ngại thì khó mà hành Đạo, chứ chưa nói lập nghiệp hóa độ. Chúng sanh đa nghiệp đa chướng, Phật dùng phương tiện quyền xảo để hàng phục hóa độ được giải thoát, chứ không phải tiêu diệt loại trừ như hạng phàm phu chúng ta. Chúa Ma mà còn không thích sống trong Ma cảnh, tìm đến Phật để giải bày tâm sự, thì quả là trong Ma có Phật. Phật Ma chỉ hơn nhau cái đầu. Khi Phật tánh hiện hữu thì phiền não ma chướng cúi đầu bái phục, nguyện đổi đời chuyển kiếp.

Trong phiền não có Bồ Đề, trong Ma có Phật. Ma Phật sống chung hòa bình, rồi cuối cùng Ma cũng được thành Phật.

À, ra là thế! Hay quá! Hay quá!

C. KẾT LUẬN:

Từ Bi là một phương thuốc trị tâm hận thù độc ác.

Tâm hận thù độc ác là đầu mối sát hại ghê gớm, là cái chìa khóa của tất cả kho tội lỗi.

Trừ được nó là trừ được sự giết hại và dập tắt được ngòi chiến tranh. Bao nhiêu súng đạn và nhất là bom nguyên tử sẽ trở thành vô dụng.

Trong nhân loại, không còn ai là thù địch, không còn có giai cấp bóc lột, đấu tranh.

Giữa người và người, giữa người và vật thương yêu đoàn kết mật thiết. Con người sẽ vô cùng sung sướng hạnh phúc khi thấy xung quanh mình đều là bà con quyến thuộc, bốn biển đều là anh em và cùng chan hòa Phật tánh.



Địa chỉ liên lạc:

Thầy MINH CHIẾU

Chùa PHẬT ÂN, Khu 14, Xã Long Đức,

Huyện Long Thành, Tỉnh Đồng Nai

ĐT: 0612.643334



Trang Nhà Quảng Đức chân thành cảm ơn Thầy Trung Đạo và Thầy Hiếu Niệm

đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này (Thích Nguyên Tạng, 17-10-2013)






Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/03/2016(Xem: 9603)
Các bài phát biểu trong Bàn tròn về :« Đạo Phật dấn thân » đã được tổ chức tại Trúc Lâm Thiền viện ngày 10/01/2016
03/03/2016(Xem: 10271)
Chỉ trong buổi sáng, 150 ổ bánh mì miễn phí trên vỉa hè ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đã hết sạch. Từ ngại ngần ban đầu, thùng mì dần trở nên quen thuộc với nhiều lao động nghèo.
29/02/2016(Xem: 10006)
Con quy y Phật, Pháp, Tăng - Cho đến ngày đạt được giác ngộ - Nhờ công đức của hạnh thí và các ba la mật khác, - Nguyện thành tựu Phật quả để phổ độ chúng sinh.
29/02/2016(Xem: 12941)
Trong quá khứ, con đã lang thang trên những con đường dài, đơn độc, Nhưng giờ đây, hỡi Đấng Bảo Hộ, nhờ tưởng nhớ đến ngài, Khi tia sáng đời con sắp tàn lụi, Nguyện cho chiếc móc bi mẫn của ngài giữ lấy tâm con.
29/02/2016(Xem: 8692)
"Để phát tâm bi đối với tất cả chúng sanh, chúng ta cần phải thấu hiểu mọi nỗi khổ của tất cả các loài chúng sanh trong luân hồi, và những nỗi khổ khác nhau của họ." Lama Zopa Rinpoche đã thuyết trong bài pháp "Không Có Một Khó Khăn Nào Khi Làm Việc Vì Chúng Sanh", ấn tống trong bản thư điện tử tháng Giêng 2016 của Lama Yeshe Wisdom Archives.
27/02/2016(Xem: 7239)
Không có ai sửa cho con! Ngày xưa, có một ông họa sĩ và ông muốn truyền nghề cho học trò của mình. Người học trò rất sung sướng nhận lời thầy.- Ông nói : - - Con hãy vẽ một bức tranh đẹp nhất mang đến đây . -
26/02/2016(Xem: 16129)
Gần đây một số báo chí ở Việt Nam có loan tin việc nhà Sư Nhật Bản kết hôn. Thật ra bản tin Sư Nhật Bản lấy vợ lập gia đình là tin rất cũ và chuyện này cũng rất cũ. Có thể lâu lâu báo chí ở Việt Nam làm tin mới lại cho hấp dẫn độc giả và có thể mang ẩn ý chê bai Phật Giáo Nhật Bản nói riêng và Phật Giáo nói chung. Xin quý cơ quan báo chí truyền thông Phật Giáo lưu tâm.
25/02/2016(Xem: 5865)
Được sự thương tưởng của quí vị thiện hữu, chúng tôi vừa thực hiện thêm một số giếng cần giục (Well hand-pump) cho những ngôi làng nghèo lân cận khu vực Bồ Đề Đạo Tràng & Nalanda tiểu bang Bihar India. Đây là Public Well Hand-pump nên cả làng có thể xài chung, bớt đi rất hiều nỗi nhọc nhằn trong mùa hạ vì phải đi lấy nước ngoài sông xa. Kính mời quí vị xem qua một vài hình ảnh tường trình.
23/02/2016(Xem: 9578)
Nghệ thuật Phật giáo là hiện tượng nghệ thuật, là sự phản ánh các khái niệm trong đạo Phật dưới các hình thức nghệ thuật khác nhau. Nghệ thuật Phật giáo được nảy sinh theo sau sự ra đời của Phật giáo, khởi nguồn từ thời kỳ vương triều Khổng Tước (S. Maurya) của vua A Dục (S. Aśoka, P. Asoka) ở Ấn Độ, từ năm 273 đến 232 trước Tây Lịch.
22/02/2016(Xem: 7278)
Tiếng chuông chùa ngân nga, văng vẳng trong không gian rồi tan loãng giữa xóm làng sau khi đã thâm nhập chốn dương trần và đưa nhân gian vào cõi tịch tĩnh hư không. Thời gian lắng đọng cùng hồn người. Cảnh vật như cộng hưởng cùng tiếng chuông. Tất cả đều trở nên lung linh trầm mặc. Tiếng chuông chùa thi vị và đầy sức cảm hóa làm nảy sinh ra biết bao cảm hứng về âm nhạc và thơ văn, chan chứa chất liệu cốt tủy của tinh thần Phật giáo cùng với mối sầu cảm ướp đầy tình tự quê hương. Tiếng chuông chùa quả thật có một năng lực hồi sinh rất lớn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]