WESTMINSTER (NV) – Hầu như ai đến phố Bolsa cũng từng thấy một khất sĩ mà nhiều người gọi là “ông sư ở Phước Lộc Thọ.” Ông mặc bộ áo cà sa vàng, khoảng 40 tuổi, tay ôm bình bát, mắt nhắm nghiền như đang thiền định. Ông đứng từ sáng đến chiều, ngày này qua ngày nọ bất kể thời tiết nóng hay lạnh. Phố Bolsa sáng sáng thường có các nhà sư đi khất thực bên ngoài những cửa tiệm, đặc biệt trong khu chợ ABC ở góc Bolsa và Magnolia. Họ xuất hiện trong vài ngày hoặc vài tuần, xong biến mất như đã hoàn tất một giai đoạn trên con đường tu tập.
Trường hợp của “ông sư đứng xin tiền” có những yếu tố bất thường khiến nhiều người thắc mắc. Ông đứng yên một chỗ, không đi tới đi lui như các khất sĩ khác. Theo truyền thống từ thời Đức Phật, một nhà sư không đi khất thực quá giờ ngọ – 12 giờ trưa, không từ chối bất cứ món cúng dường nào. “Ông sư đứng xin tiền” khất thực từ sáng cho đến chiều tối, chỉ nhận tiền mà thôi, xuất hiện trong nhiều năm.
Trong một buổi họp cuối năm của ban biên tập, tôi nhận công tác tìm hiểu một khất sĩ thường đứng bên ngoài thương xá Phước Lộc Thọ giữa khu phố Little Saigon. Lúc đó tôi không hề biết chỉ vì sự giơ tay tình nguyện một cách bốc đồng, trong một thời gian ngắn tôi trở thành một thám tử hạng tép riêu, có dịp xem hình riêng tư của người lạ, và cần viếng chùa để học hỏi thêm về đạo Phật.
Tôi thực hiện công tác viết phóng sự về “ông sư đứng xin tiền” ngay buổi chiều hôm ấy. Cũng từ phút đó, từ lúc tôi đeo túi xách trên vai mang theo máy chụp hình và bút giấy, đi bộ từ tòa soạn báo Người Việt đến khu Phước Lộc Thọ ở bên kia đường Bolsa, cuộc đời của tôi và của khất sĩ ấy bỗng gắn liền như có cơ duyên từ kiếp trước, như thể sự tình nguyện của tôi bắt nguồn từ trong tiềm thức.
Một đồng nghiệp của tôi cho biết ông từng gợi chuyện với khất sĩ mà chỉ nghe ông trả lời một, hai câu rất ngắn. Khất sĩ không cho biết tên, tu ở chùa nào, hoặc sống ở đâu. Lại có đồng nghiệp khác phỏng đoán nhà sư này giàu lắm, không chừng ông ấy đi xe Mercedes, sống ở Newport Beach, v.v…, những lời đoán không biết dựa trên cơ sở nào.
Với những thắc mắc đè nặng trên vai, tôi bước vào bãi đậu xe phía trước khu thương xá cao hai tầng, thấy ngay khất sĩ trong tầm mắt, giữa mặt tiền của thương xá, cách ba bức tượng Phước, Lộc, Thọ và tượng Phật Di Lặc chừng mười lăm thước. Nhà sư nhắm mắt, hai tay ôm bình bát, đứng chân trần trên nấc đầu tiên của một cái thang rất thấp màu trắng, có thể xếp lại để cầm trong tay, cao gần nửa thước, được đặt bên trên khoảng đất nằm giữa những ô đậu xe.
Trong hơn bốn tiếng đồng hồ, tôi lượn quanh nhà sư, có lúc gần có lúc xa, để chụp hình và nghe ngóng. Mỗi khi thấy ông hé mắt, tôi có cảm tưởng ông cũng đang theo dõi tôi. Ông đứng ở một vị trí rất tốt để nhận cúng dường. Hầu như ai đi ngang cũng dừng lại vài giây để quan sát. Có người bước đến thật gần để xem khất sĩ là thật hay giả vì ông đứng yên như một pho tượng.
Một bà khoảng trên 60 tuổi muốn đặt một túi xôi vào bình bát mà không được. Một ông ngồi gần đó, có lẽ thường có mặt ở đây, liền chạy đến giúp. Ông nói bà nên cho tiền thay vì cho xôi. Thấy bà bỏ được tiền vào bình bát, tôi đi theo bà vào trong thương xá để hỏi vài câu. Tôi được biết bà đến từ Boston. Bà không hiểu tại sao khất sĩ không mở nắp để nhận xôi như các nhà sư vẫn làm ở Việt Nam. Bà nghĩ khất sĩ là người ngoại quốc vì ông có làn da khá trắng, mũi cao và thanh.
Một người thường có mặt ở Phước Lộc Thọ là anh Kiểm, khoảng trên 30 tuổi, từng sống tại Long Khánh. Ngồi ở bàn sát khung kính ở bên trong thương xá và nhìn khất sĩ đứng ở bên ngoài, Kiểm nói, “Bỏ tiền cắc hoặc bỏ ít, ổng không lấy đâu.” Kiểm không biết khất sĩ từ đâu đến, chỉ biết ngày nào ông cũng có mặt tại Phước Lộc Thọ.
Buổi chiều Thứ Sáu cuối cùng của năm 2007 đã có nhiều người đến thương xá. Trung bình mười lăm phút có người bỏ tiền vào bình bát. Tôi không thể đoán mỗi người cho bao nhiêu tiền, vài đồng hay vài chục.
Nhà văn Huy Phương cũng đứng lại vài phút để quan sát khất sĩ trước khi bước vào bên trong với một xấp báo ở trong tay. Nhà văn chuyên viết tạp ghi này nói, “Tui cũng không biết ổng ở đâu. Chắc tu tại gia. Ngày trước thấy ở chợ ABC, một thời gian thấy ở phía sau Phước Lộc Thọ, nay đứng ở đây. Không biết ông tu theo trường phái nào.”
Nghe tôi thắc mắc về khất sĩ, một bà lão gần 70 tuổi vừa nói vừa cười, “Ông sư này có nhiều tiền, chắc xây chùa rồi. Cũng có thể làm chủ khu thương xá này không chừng.”
Chủ nhân của Asian Garden Mall – tên tiếng Anh của khu Phước Lộc Thọ – là công ty Bridgecreek. Tổng giám đốc của công ty là ông Frank Jao, tức ông Triệu Phát. Buổi chiều hôm ấy tôi thấy ông Triệu Phát thọc tay trong túi quần, đi vòng quanh thương xá vài lần với một thanh niên ăn mặc tươm tất. Có lúc ông đứng xem các nhân viên giăng dây bong bóng đỏ bên trên bãi đậu xe để đón Tết Dương Lịch. Không thấy ông nhìn về hướng khất sĩ.
Cũng có người chê bai nhà tu khất thực. Một ông đứng tuổi, đội nón lưỡi trai đã nói lớn sau lưng khất sĩ, “Đồ lười, không chịu làm việc. Mặc đồ rách rưới, hôi hám.” Tôi nhận ra ông đứng tuổi này vì ông thường đạp xe đi làm gần nhà tôi.
Trong thời gian quan sát khất sĩ, tôi phải bước vào bên trong thương xá vài lần để giữ ấm. Khí lạnh của một chiều mùa đông không cho tôi đứng được lâu hơn ba mươi phút mà môi và mặt không bị tái mét. Vì tầng dưới rất ồn ào huyên náo với tiếng người ăn uống và người ra vào, tôi tìm một khung kính trên tầng thứ nhì. Có lúc tôi gọi điện thoại cho vợ để báo cáo tôi đang làm phóng sự, cần theo dõi một khất sĩ để biết ông là ai, có lái xe Mercedes hay không.
Trong khi vợ lo lắng, tôi ngắm bóng chiều đổ trên lưng áo vàng của khất sĩ đang đứng yên trong một ngày lạnh lẽo. Một lần đến thật gần, tôi thấy bàn chân bên trái của ông bị sưng vù với hai khối ghẻ đang mưng mủ. Cơ thể ông đẫm ướt mồ hôi chảy từ trên đầu bóng láng xuống tận bàn chân.
Suốt chiều hôm ấy tôi không thấy ông ăn uống, đi vệ sinh, hoặc nói một lời, chỉ đứng yên như một pho tượng. Thế nhưng cũng có lúc tôi thấy ông cử động. Lúc đó bãi xe chỉ có tôi đứng cách khất sĩ chừng mười thước. Tôi thấy bàn tay trái di chuyển rất chậm trong lúc nắp bình bát được hé mở với bàn tay phải. Tay trái nắm một mớ tiền giấy, từ từ đưa tiền ra ngoài. Tiền biến mất trước khi tôi có thể nhìn thật gần để biết tiền được đưa vào bên trong lớp vải trên tay áo hay bên dưới bình bát.
Đến gần 6 giờ chiều, trong bóng đêm của mùa đông, khất sĩ từ từ nghiêng mình qua bên phải và bước xuống đất. Với những động tác rất khoan thai, ông xếp chiếc thang nhựa và cầm nó ở bên trong lớp vải cà sa. Thấy ông di chuyển, tôi liền chạy từ tầng thứ nhì xuống các bậc thang, nhìn theo bóng khất sĩ đang đi về hướng bên trái của bãi đậu xe.
Dọc theo hướng Nam trên Weststate Street, tôi thấy khất sĩ thường bước ra giữa đường, khiến xe phải lách qua một bên. Đến Bishop Place, ông rẽ phải, hướng về một trạm xe bus trên đường Magnolia. Có lúc ông dừng chân, nhìn nghiêng phía bên trái như biết có người đang đi theo.
Trong thời gian chờ xe, khất sĩ đứng trên bãi cỏ nấp đằng sau trạm. Cũng từ lúc đó, tôi chợt nhớ loáng thoáng về một nhà sư mà tôi từng thấy tại trạm xe này nhiều năm trước. Trên chuyến xe số 33 chạy về hướng Bắc rời thành phố Westminster, tôi biết khất sĩ không sống ở Newport Beach. Ông cũng không lái xe Mercedes với bàn chân sưng vù, dày và khô nứt. Đến một quãng xa Little Saigon, khất sĩ giật dây muốn ngừng xe. Ở góc đường đó chỉ có khất sĩ và tôi bước xuống. Ngoài xe cộ thỉnh thoảng qua lại, góc phố hoàn toàn vắng bóng người.
Tôi đi ngược hướng của ông. Đợi ông đi xa khoảng 100 thước, tôi mới quay gót và đi theo. Trên con đường vắng, tôi vừa sợ vừa buồn cười trong bụng về tài thám tử của mình mỗi lần nấp đằng sau một cột điện khi thấy khất sĩ quay đầu lại. Một lúc kia ông bất ngờ chạy băng qua một đại lộ, mất hút trong màn đêm tại một ngã ba. Đến lúc đó tôi vừa chạy vừa thầm nghĩ chắc nhà sư tưởng tôi là một tên cướp, muốn giật bình bát của ông.
Tại một ngã ba khác, ông thoăn thoắt quẹo phải. Rẽ vào con đường đó, một lần nữa tôi mất dấu khất sĩ. Đúng lúc không còn hy vọng biết ông ở đâu, tôi bỗng thấy tượng Phật Bà bên ngoài một căn nhà có nhiều bụi cây, không được chăm sóc so với những nhà ở chung quanh. Bước đến nhà đó, chưa kịp quan sát, tôi thấy một bóng người trong phòng khách. Người này đưa tay kéo màn như muốn xem ai đang đứng ở bên ngoài. Mặc dù nhanh chân rời xa, tôi biết người nào đó trong phòng khách đã thấy bóng tôi trên lề đường. Đợi thêm vài phút, tôi trở lại căn nhà. Nhìn vào phòng khách được vén màn, tôi thấy một tượng Phật vàng rất lớn, cao hơn một thước, tương tự như tượng Phật thường thấy ở nhiều ngôi chùa. Vậy là khất sĩ này lập chùa tại gia.
Tôi chắp tay xá một xá hướng về tượng Phật, xong quay gót tìm lối trở lại đại lộ. Trong bóng đêm, tôi lục tìm trong trí nhớ về một nhà sư và trạm xe bus mà tôi từng biết. Tuy không chụp hình chuyên nghiệp, tôi vẫn bấm máy mỗi khi thấy cảnh độc đáo. Một trong mấy bức hình mà tôi từng bấm là hình ảnh một khất sĩ đứng ở trạm xe. Hình ảnh đó mỗi lúc một rõ hơn trong lúc tôi đúng chờ vợ đến đón về. Sáng hôm sau tôi lục tìm trong những thùng đồ cất trong kho. Sau gần nửa tiếng đồng hồ bới tung, tôi tìm ra bức hình của một khất sĩ từng được đăng báo ở San Jose.
Khất sĩ mặc áo cam, đứng bên cạnh một tấm bảng quảng cáo hình một bàn chân che gần hết bảng. Hình chụp đầu mùa Xuân 1999. Nhìn kỹ nét mặt, tôi nhận ra khất sĩ đó đúng là người mà tôi vừa theo chân đến tận nhà, chỉ khác là trẻ hơn, sạch hơn. Chú thích mà tôi từng ghi dưới tấm ảnh cho thấy khất sĩ năm xưa được 28 tuổi, tu ở Vô Ưu Phổ Định Phật Tự.
Và pháp hiệu của khất sĩ là Thích Trí Định.
(Kỳ 2: Ký giả đón đường khất sĩ sau một buổi khất thực. Có phải đứng xin tiền ở Phước Lộc Thọ nằm trong “vô lượng pháp môn tu?”)
Hình chụp đầu năm 1999.
Kỳ 2: Ký giả đón đường khất sĩ sau một buổi khất thực. Có phải đứng xin tiền ở Phước Lộc Thọ nằm trong “vô lượng pháp môn tu?”
WESTMINSTER, CA (NV) - Tìm được bức hình và pháp hiệu của khất sĩ, tôi ngẫm nghĩ bước kế tiếp trong công tác điều tra “ông sư đứng xin tiền” trước thương xá Phước Lộc Thọ. Một buổi chiều Thứ Sáu tôi đã chụp hình nhà sư ở thương xá. Đến buổi tối tôi lên xe bus, bám sát theo ông về đến nhà. Nay tôi cần nói chuyện với nhà sư cho dù biết ông có thể không nói gì hết, hoặc nói rất ít như trong lần gặp gỡ ở một trạm xe gần chín năm trước. Lúc đó nhà sư từng nói tên ông là Thích Trí Định.
Đợi đến sau giờ làm việc, tôi đi bộ đến khu Phước Lộc Thọ. Vào chiều Thứ Bảy cuối cùng của năm Dương Lịch, người địa phương và du khách từ nơi xa đã lũ lượt kéo về Little Saigon. Tỳ kheo Thích Trí Định vẫn đứng đó trên bậc thang trắng giữa bãi đậu xe phía trước thương xá.
Ông nhắm mắt, đứng yên như pho tượng màu vàng, tay ôm bình bát chờ khách cúng dường. Tỳ kheo là danh từ dành cho nhà sư khất thực. Tuy trời lạnh, tỳ kheo không hề rùng mình một lần nào. Mồ hôi vẫn chảy nhễ nhại từ trên đầu thấm xuống cổ áo. Lưng của ông vẫn dán những miếng vải bay lửng lơ theo gió chiều.
Đến lúc trời tối hẳn, y như lần trước mà tôi từng thấy, khất sĩ từ từ nghiêng mình qua bên phải, chậm rãi xếp thang và luồn nó vào bên trong lớp áo cà sa. Ông cầm thang bằng tay phải, tay trái ôm bình bát.
Biết hướng đi của nhà sư, tôi đứng chờ gần góc đường Bolsa và Weststate. Nhằm bày tỏ thiện ý, tôi chắp tay chào “A di đà Phật” trước mặt tỳ kheo. “Chào thầy Thích Trí Định.” Tôi gọi ông là “thầy” cho dù chưa biết ông tu thật hay tu giả. Tôi cũng tin rằng bày tỏ sự tôn trọng sẽ dẹp bỏ bức tường cản giữa ông và tôi.
Khất sĩ dừng chân vài giây như suy nghĩ - sau này tôi khám phá ông thường im lặng một hồi lâu, có khi vài phút, trước khi trả lời - xong cúi đầu tiếp tục đi trên đường Weststate. Thấy tôi đi theo, ông bỗng quay hỏi, “Làm sao biết tên ta vậy?”
“Tôi từng gặp thầy mấy năm trước, từng chụp hình thầy tại một trạm xe,” tôi giải thích.
Nhà sư bỗng cắt ngang, “Hình như hôm qua... có theo ta mà phải không?”
“Đúng. Xin lỗi thầy về chuyện đó,” tôi nói, hy vọng lấy được lòng tin của ông.
“Ta biết chứ. Cái tâm chân thật của ta biết chứ,” tỳ kheo Trí Định nói nhỏ với giọng của người miền Trung, lơ lớ như người Khánh Hòa, quê của tôi.
“Tôi là một người viết, muốn biết sự khó khăn của một nhà tu. Không phải ai cũng có thể khất thực được như thầy. Xin thầy cho biết thầy tu theo môn phái nào?”, tôi vừa hỏi vừa đi bên cạnh nhà sư, ngửi được mùi mồ hôi toát rất mạnh trong khí lạnh từ một cơ thể rắn chắc, khỏe mạnh. Tôi và nhà sư cao bằng nhau, cỡ trung bình của một người đàn ông Việt Nam.
Sau một hồi dừng chân và im lặng, tỳ kheo nói êm đềm, giọng hơi nghèn nghẹt như bị cảm lạnh, “Đối với ta chỉ có mặt trời, mặt trăng, gió, đá, cây. Trong cái vô tịnh đó luôn luôn có trâu đất và trâu trắng, cứu cánh của đạo.”
Theo thiền tông, trâu đất hay trâu đen nói đến cái tâm chưa sạch. Trâu trắng là tâm không còn chướng ngại, không có tham và sân. Đen và trắng cũng ám chỉ ác và thiện. Trong những câu trả lời, khất sĩ thường nói rất mơ hồ pha trộn những ý tưởng của đạo.
“Ta nói rất là khó hiểu, cho nên ta nói lái, nói tréo mà không nói thẳng,” tỳ kheo giải thích.
Lúc đó một chiếc pickup cũ bỗng dừng lại, đậu phía trước chúng tôi, chờ đưa khất sĩ về nhà. Có lẽ vì bị tôi theo dõi đêm hôm trước, khất sĩ tránh dùng xe bus như mọi lần.
Khi nghe tôi hỏi về vấn đề không ăn uống hoặc dùng phòng vệ sinh trong suốt thời gian khất thực, nhà sư trả lời, “Sự việc rất đơn giản. Tất cả đều do kinh nghiệm của thói quen được kiểm soát.”
Một thượng tọa ở Gardena từng đến hỏi khất sĩ rằng làm sao khất sĩ có thể đứng suốt ngày mà không tiểu tiện, và khất sĩ trả lời ông mặc tã dành cho người lớn. Nhìn mấy lớp vải mặc chung quanh khất sĩ trong bóng tối, tôi không thể đoán ông có mặc tã hay không.
Nhìn hai khối ghẻ sưng vù trên bàn chân trái của khất sĩ, tôi hỏi ông có đau không. Ông trả lời, “Nếu ta nhìn lại quá khứ của người trước thì ta mới cảm giác được sự hy sinh của những vị để lại nhục thân trải qua một con đường tu luyện. Ta cảm được cái sức mạnh, cái ánh sáng, và sự hy sinh.”
Biết người ngồi trong chiếc pickup đang chờ, với lại nghe khất sĩ nói “A di đà Phật” lần thứ nhì như muốn từ giã, tôi để cho khất sĩ lên xe và ngỏ lời chào ông tài xế đứng tuổi - mấy ngày sau tôi được biết ông tên Hùng. Trên đường đi bộ về nhà đêm hôm đó, tôi thắc mắc về phương pháp tu của khất sĩ, không biết hướng đi của ông đúng hay sai.
Tại quận Cam, một trong các nhóm Phật Giáo thường tổ chức những buổi thuyết pháp là Hội Phật Học Đuốc Tuệ. Khi nghe về khất sĩ tại Phước Lộc Thọ, cư sĩ Mật Nghiêm của Hội Phật Học Đuốc Tuệ cho biết ông cũng từng đến gần và tìm hiểu về khất sĩ.
“Qui luật nhất định là không đứng quá buổi trưa,” cư sĩ Mật Nghiêm nói. “Đứng khất thực suốt ngày thì còn thời giờ nào để tu, để học, để làm Phật sự. Tối về là mệt rồi. Chúng ta phải hiểu đi khất thực là mang nợ, là vay nghiệp. Chúng sinh đưa tiền cho ông là để ông làm Phật sự. Theo luật của Phật, thứ nhất không được khất thực quá trưa, thứ hai không được lấy tiền. Dứt khoát là như vậy.”
Một nữ Phật tử với pháp danh Mỹ Ngọc, sống tại Westminster, cho biết, “Nếu ở một xứ Phật Giáo như Tích Lan hoặc Thái Lan, một nhà sư có đứng tu ở ngoài đường như vậy thì cũng chẳng sao, không là một vấn đề hệ trọng. Thế nhưng tại một xứ sở có nhiều tôn giáo như nước Mỹ, tôi e rằng đứng tu như khất sĩ bên ngoài Phước Lộc Thọ có thể tạo ấn tượng sai lầm hoặc đưa đến những nhận xét báng bổ Phật Giáo từ phía những người khác đạo.”
Khi nghe tôi trình bày về trường hợp của khất sĩ, Hòa Thượng Thích Hạnh Đạo tại chùa Phổ Đà, Santa Ana cho biết, “Trong Phật Giáo có một điều được gọi là vô lượng pháp môn tu, tức là có vô số cách để tu. Kiểu của ông ấy có thể là một trong các pháp môn mà mình không biết, nên không thể nói được.”
Cũng tại chùa Phổ Đà, một Phật tử với pháp danh Tâm Phú cho biết ông từng nghe về nhà sư đứng khất thực bên ngoài Phước Lộc Thọ. “Theo tôi nghĩ thì ông ấy không nên đứng ở đó,” cư sĩ Tâm Phú nói. “Cái hạnh tu thì ở chỗ nào cũng vậy thôi, nhưng mà không nên đứng đó. Người ta nói ra nói vào, không tốt. Chỗ đó là cái chợ mà.”
“Nhưng mà có thể ông làm như vậy để nhiều người nổi sân lên,” cư sĩ Tâm Phú nói tiếp. “Ở trong kinh Pháp Hoa, phẩm 20, có một vị bồ tát được gọi là Thường Bất Khinh Bồ Tát. Đi đâu Thường Bất Kinh Bồ Tát cũng nói với mọi người là ‘Anh sẽ thành Phật.’ Gặp ai ông cũng nói như vậy. Ông nói hoài làm người ta tức mình, người ta chửi, người ta đánh ông. Nhưng ông cứ nói miết câu đó. Hành động của ông cũng gieo cho người ta một cái duyên tốt. Những người chửi ông sau cũng thành Phật.”
Trong bộ Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn (xuất bản năm 1997 tại Việt Nam), một đoạn cho biết Thường Bất Khinh Bồ Tát vẫn đứng yên cho dù bị đánh hoặc bị chửi, và miệng luôn nói với người lạ, “Tôi chẳng dám khinh ngài, vì ngài sẽ thành Phật.” Vị bồ tát này sống trong thời Tượng Pháp, tức là khoảng thời gian từ 100 năm trước Công Nguyên đến thế kỷ thứ 10.
Vào sáng Thứ Hai và cũng là buổi sáng cuối cùng của năm 2007, trước khi đến tòa soạn Người Việt, tôi lái xe ghé nhà của tỳ kheo Trí Định. Thấy chiếc thang nhỏ màu trắng nằm dưới mái hiên, tôi biết khất sĩ chưa rời nhà. Một người đàn ông cao ốm bước ra ngoài. Ông mặc quần áo cũ, nói một câu tiếng Anh với người đứng ở bên trong. Tuy có mái tóc đen muối tiêu, ông ta không có vẻ là người Việt Nam. Vài giây sau khất sĩ bước ra. Thấy tôi không cầm theo túi xách hoặc máy ảnh, khất sĩ gật đầu chào “A di đà Phật,” xong cầm thang và bước đến gần tôi như người quen.
Lúc đứng bên tôi vài phút, khất sĩ nhìn một thân cây sát trước mặt, nói nhỏ như nói với cây. Tôi chỉ nghe được một đoạn. “Phương pháp tu của ta là tu ẩn, không giống những người khác,” khất sĩ nói. Đầu của ông được bôi trắng với kem chống nắng.
Nếu là “tu ẩn” thì tại sao lại xuất hiện giữa chợ? Khất sĩ không trả lời câu hỏi của tôi. Đúng lúc đó Vick - tên của người đàn ông tóc muối tiêu - thúc giục khất sĩ lên xe. Tôi nghe tỳ kheo Trí Định trả lời bằng tiếng Anh lưu loát với tài xế.
Ông Vick lái một chiếc xe màu đen hai cửa rất cũ, bừa bộn với sách vở, quần áo, tiền cắc vất tứ tung. Tôi mở cửa cho khất sĩ bước vào ghế trước, cẩn thận vén tà áo của ông vào bên trong cánh cửa. Tuy không lái theo chiếc xe cũ đó, tôi đoán khất sĩ sẽ ra đứng ở Phước Lộc Thọ như bữa trước.
Thầy Thích Hạnh Đạo tại chùa Phổ Đà cho biết, “Trong Phật Giáo có nói có tám vạn bốn ngàn cái phiền não, cho nên mới có tám vạn bốn ngàn pháp môn tu, mỗi pháp môn tu để diệt trừ mỗi cái phiền não.”
Tôi suy ngẫm về pháp môn “tu ẩn” của tỳ kheo Trí Định, không hiểu tỳ kheo muốn diệt cái phiền não nào.
Kỳ 3: Khất sĩ quyết định: ‘Thôi, chấm dứt kể từ đây, đủ rồi!’
Bài và hình: Hoàng Mai Đạt/Người Việt
WESTMINSTER, CA (NV) – Trong mấy ngày cuối năm 2007, tôi đã lên xe bus để theo dõi khất sĩ đến tận nhà, đón đường ông vào một cuối ngày khất thực, gặp lại ông ở trước sân, buổi gặp mặt kế tiếp giữa chúng tôi diễn ra bên trong căn nhà của “ông sư đứng xin tiền.” Sau hai lần nói chuyện, tuy ngắn, khất sĩ đã cho tôi một cơ hội được biết nhiều hơn về ông trong lần thứ ba, và cũng có thể là lần cuối cùng.
Tuy hôm ấy là ngày Mồng Một Tết Tây 2008, không phải đi làm, tôi vẫn lái xe ra đường lúc 9 giờ sáng, mong gặp khất sĩ trước khi ông ôm bình bát xuống phố Bolsa. Sau mấy dặm chạy lên hướng Bắc, tôi đến một căn nhà có tượng Phật Bà ở ngoài sân.
Căn nhà không được chăm sóc và cũ so với những căn khác trên cùng con đường. Cây cỏ mọc dại ở một bên, đồ đạc nằm ở sân sau, vài chiếc ghế sofa bám đầy bụi dưới mái hiên. Chiếc xe cũ của ông Vick đậu ở lề đường. Chiếc pickup từng chờ khất sĩ về nhà và một chiếc pickup khác, cũng cũ, đậu ở lối vào garage.
Thấy cửa mở, tôi nhìn vào đúng lúc tỳ kheo Thích Trí Định đang đứng ở bên trong. Một người đàn ông – sau tôi biết tên là Tuấn – mới ngủ dậy, lật đật rời ghế sofa đặt sát phòng bếp. Tuấn bước ra ngoài sân để cho tôi và khất sĩ được nói chuyện trong phòng khách mà cũng là chánh điện. Lúc đó đầu của khất sĩ đã được bôi kem trắng chống nắng, dây bình bát được đeo vào cổ như để chuẩn bị cho tám tiếng đồng hồ đứng trước thương xá Phước Lộc Thọ.
Lần này ông nói nhiều hơn tôi chờ đợi. Tuy vậy khất sĩ vẫn tránh né những câu hỏi có tính cách cá nhân. “Hên bữa nay gặp lại như có cơ duyên. Mấy lần trước thì giờ này đi rồi. Bữa nay chờ thêm hai chục phút thì lại gặp,” ông nói nhanh, không chậm rãi như trước.
Đang nói huyên thuyên, nhà sư bỗng ngần ngại khi thấy máy chụp hình trong túi xách của tôi. Để cho ông được yên tâm và cho buổi nói chuyện không bị chấm dứt, tôi mang túi xách đặt ở gần cửa ra vào.
Khi nhà sư và tôi đứng trước tượng Phật ở chánh điện, có lúc ông nắm nhẹ cánh tay tôi một cách thân thiện. “Có phải đây là cơ duyên để ta từ giã con đường này. Ta không sống ở đây lâu nữa,” ông mở đầu buổi nói chuyện. “Trên con đường luyện tập từ xưa đến nay, bây giờ có lẽ cơ duyên đã chín muồi, đến lúc ta phải từ giã để trở về cội nguồn, về thế giới của tâm linh, về cảnh giới của ta. Ý ta muốn nói là trở về núi rừng.”
Tôi đoán ý ông muốn nói ông sẽ không sống ở căn nhà này nữa, lần sau đừng tìm đến. Trong hơn một tiếng đồng hồ nói chuyện – hầu hết là ông nói và tôi chỉ lắng nghe – có những lúc tôi cảm thấy ông chỉ thật sự hiện hữu ở một cõi tâm linh nào khác chứ không phải ở thực tại này.
Không còn e dè như buổi ban đầu, ông nói mỗi lúc một sôi nổi, sống động hơn với bàn tay thường gồng lên, đưa vào khoảng trống trước mặt như muốn diễn tả những ý nghĩ ở trong đầu. Giống như trong hai lần trước, khất sĩ thường nói vào khoảng không ở trước mặt, thỉnh thoảng mới quay lại để hỏi “Có đúng không?” mà không cần nghe trả lời. Và cũng như lúc trước, khất sĩ nói rất mơ hồ, pha lẫn ý đạo, thường đệm hai chữ “giống như” để diễn ý.
Khi nghe tôi hỏi sự khất thực ở trước Phước Lộc Thọ có mang lợi ích gì cho chúng sanh và cho con đường tu tập của riêng cá nhân hay không, tỳ kheo Trí Định nhìn tôi. Lúc đó tôi mới có dịp nhìn kỹ đôi mắt màu nâu hổ phách rất trong sáng của ông.
“Đương nhiên có sự tiến triển trong sự tu tập. Đường tu của ta phải có hữu ích,” ông nói trong lúc nhìn vào khoảng không trước mặt, bàn tay co nắm trong sự sôi nổi.
“Nhất là trong xã hội này, nếu ta biết khôn, biết khéo, biết tận dụng, khai thác cái hữu ích của con đường Phật đã đi. Ta khai sống lại con đường thiền tông tại vì ta biết phối hợp tất cả các nguồn gốc, cốt tủy của Đức Phật đã thành đạo. Ta biết khai thác mọi thành phần. Cái lợi ích cho chúng sanh phải trả giá một thời gian rồi họ mới thấy cái thành quả.”
Đến lúc này tôi thấy ông rất linh động, đôi mắt sáng quắc, khác hẳn một pho tượng đứng yên và nhắm mắt ở trước Phước Lộc Thọ. Khất sĩ nói quyết liệt gần như hét, “Nếu không biết khai thác thì thiền tông sẽ chấm dứt ở thời đại này.”
Khất sĩ tránh trả lời những câu hỏi về quê quán, tên tuổi, quy y ở đâu, tu với thầy nào.
Trong một buổi thuyết pháp do Hội Phật Học Đuốc Tuệ tổ chức tại quận Cam vào năm ngoái, Thượng Tọa Thích Giác Như từ San Francisco từng nhấn mạnh người đi tu cần phải có thầy hướng dẫn vì đường tu rất mênh mông, hành giả có thể đi lạc trong mê hồn trận, bị tẩu hỏa nhập ma. Tôi nghĩ đến điều đó khi nghe tỳ kheo Thích Trí Định nói tiếp về thiền tông và cách tu luyện của ông.
Khi nghe tôi hỏi dùng phương pháp nào để có thể đứng hàng giờ mà không ăn uống hoặc đi vệ sinh, nhà sư cho biết, “Sức chịu đựng… Nếu mở miệng nói thì hơi ấm từ bên trong sẽ tung ra, giống như cái ấm nấu nước mà mở nắp thì hơi nóng nó ra, mà hơi nóng ra thì nó nguội. Nếu nói nhiều thì thân thể của ta thiếu sức ấm và sức lạnh nó nhập vào, ta bị di chuyển. Nhờ tịnh khẩu nên giữ được hơi ấm trong người, do nội tâm thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt nên cái lạnh không xâm nhập từ bên ngoài. Do đó không cần uống nước nhiều.
Còn nếu đứng ngoài nắng, không đi tiện là nhờ hơi nóng của mặt trời nó hút. Biết phối hợp vừa lạnh và vừa ấm với nhau giữ cơ thể được điều hòa như thời tiết. Tóm lại ta kiểm soát được.”
Nhờ đứng sát bên cạnh, tôi nhận ra ông mặc một lớp áo len màu vàng giữa những lớp vải vàng. Lúc đó tôi cũng nhận ra một đồng hồ treo phía bên phải của bình bát. Có lẽ nhờ đeo đồng hồ mà ông biết đến giờ ngưng khất thực để lên chuyến xe sau 6 giờ chiều.
Một lúc kia khất sĩ bỗng ngưng nói, xong đi vào một gian buồng ở bên trong. Lúc đó tôi mới có dịp đứng quan sát phòng khách và bếp. Chánh điện có đặt một tượng Phật lớn và nhiều tượng nhỏ. Trên tường chung quanh có treo cờ Phật Giáo, cờ Mỹ và cờ vàng ba sọc đỏ. Một máy truyền hình nhỏ, cũ nằm ở trong góc. Phòng treo quần áo có mền ngủ dành cho một người. Quầy bếp có những hộp thức ăn khô.
Tôi từng tìm hiểu mấy ngày trước, được biết nhà có hai phòng ngủ, một phòng tắm, và chủ nhân là một cặp vợ chồng Việt Nam. Tôi không thấy có dấu hiệu cặp vợ chồng trong căn nhà. Ngoài Tuấn và khất sĩ, ông Hùng cũng ở nhà này. Ông Hùng cỡ trên 50 tuổi là người từng lái chiếc pickup đưa khất sĩ về nhà trong buổi đầu tôi nói chuyện với nhà sư. Ông Hùng nói ông Vick không sống ở đây mặc dù tôi thấy chiếc xe cũ của ông Vick đậu ở bên lề.
Sau hơn năm phút tỳ kheo Trí Định mới trở lại phòng khách với một cuốn album mỏng. Lúc đó tôi mới thấy ông mỉm cười lần đầu tiên. Cuốn album chỉ có hơn một chục tấm hình, hầu hết được chụp tại một ngôi chùa lớn ở Việt Nam. Tỳ kheo đều có mặt trong mỗi bức hình, mặc áo nâu của nhà tu. Trong vài tấm ảnh, khất sĩ có đứng với một ông và một bà lớn tuổi như đứng với cha mẹ. Tuy ông không nói, tôi đoán hình được chụp vài năm gần đây. Tôi nhìn kỹ một bức hình, nhận ra bốn chữ “Long Hoa Thiên Bảo.” Hỏi hình chụp ở đâu thì ông nói Đầm Sen, Suối Tiên ở Sài Gòn.
Có lẽ đang vui trong lòng, khất sĩ bỗng đố tôi xem hình có gì lạ hay không. Tôi thấy có đôi điều đáng chú ý nhưng không nói ra để nghe ông giải thích. Ông chỉ cho tôi xem ông đứng ở đâu, trong lòng tòa sen hoặc trước tượng Phật trong mỗi bức hình. Ông luôn luôn đứng như pho tượng. Một tấm cho thấy ông đứng phía trước tượng Phật Di Lặc, tương tự như ở Phước Lộc Thọ.
Một tấm khác cho thấy ông đứng trên bậc thềm cao hơn mấy người chụp chung với ông, gợi hình ảnh ông đứng trên nấc thang trắng trong bãi đậu xe. Kẹp trong cuốn album là hai bức hình rất dài, không thể lộng vào trang giấy. Hai hình đều giống nhau, cho thấy một vùng rừng núi. Thấy tôi chú ý, ông nói ông ao ước xây một ngôi chùa trên núi đó vì núi chạy dài từ Việt Nam đến dãy Hy Mã Lạp Sơn.
Nhân cơ hội ông đang vui, tôi xin chụp ông một bức hình trong chánh điện. Nghe vậy khất sĩ bỗng lùi xa, nhìn tôi chằm chằm trong mấy phút. Đến khi tôi nói nếu ông không muốn chụp hình thì cũng không sao, khất sĩ bỗng nhìn lên bức tường giữa bếp và phòng khách. Bức tường có treo một bức tranh vẽ hình Bồ Đề Đạt Ma, tượng gỗ ba ông Phước Lộc Thọ, một bình bông giả và một tấm gương. Khất sĩ muốn chụp hình với Bồ Đề Đạt Ma, vị tổ Ấn Độ từng mang thiền tông đến Trung Hoa.
Trong lúc chờ tôi lấy máy, khất sĩ chỉ tay lên hình và nói rất thương Bồ Đề Đạt Ma, xong nhìn qua ba ông Phước Lộc Thọ và nói cũng thương ba ông này. Tôi mau chóng bấm mấy tấm trước khi khất sĩ đổi ý. Tôi chỉ cho ông xem một bức hình có cờ Phật Giáo phản chiếu trong tấm gương treo trên tường. Ông có vẻ hài lòng.
Khi nghe tôi đề nghị chở ông đến Phước Lộc Thọ, một lần nữa khất sĩ lùi bước, đứng suy nghĩ một hồi lâu. Ông bỗng nói nhỏ, “Ta đứng đó lâu rồi. Đây như là một cơ hội cho ta từ giã. Ta nguyện đi ở cảnh trước (Phước Lộc Thọ) hai năm, mà đã đi được một năm rồi. Nhưng bây giờ không cần thêm một năm nữa. Cơ duyên tới thì mình phải dứt khoát, phải chấm dứt, phải chuyển đổi, con đường mình đi phải có can đảm.”
Ông bỗng lên giọng, “Có người phá ta, nhưng ta có sức mạnh nhờ có trí tuệ, có tu luyện. Ta đã thành công, không ai có thể phá ta được. Họ thấy ta thực tế, có sự tự tin, tự do mà không ai có thể chà đạp, mỉa mai, khinh khi ta được nữa. Ý ta muốn nói là ta ở đằng sau (Phước Lộc Thọ) đã lâu, nhưng nổi tiếng trong vòng năm năm nay. Bây giờ ta đi thì hình ảnh đó vẫn còn.”
“Đây có phải là một cơ duyên tốt lành để rút lui hay không? Có phải họ nghĩ ta làm vì tiền? Họ phá, nói rằng ta đi quá giờ ngọ. Có đúng không?”, ông lặp lại mấy câu hỏi với vẻ khẩn trương như muốn tôi trả lời.
“Mình là người đời, họ rất thương mình vì mình cũng là một con người, cũng là một đứa em bé,” khất sĩ bỗng hạ giọng, nói với sự rung động nhẹ trong giọng nói. “Em bé nó mới trưởng thành, cho nên nó cần sự nhỏ nhẹ. Nó biết phân biệt, nó có cảm giác. Nếu không có cảm giác thì làm sao đưa món quà xấu dở nó biết. Nói nhỏ nhẹ nó biết, nhưng nó chưa viên mãn thành tựu như người lớn. Cũng như bồ tát chưa viên mãn giác ngộ so với Đức Phật.”
“Đây có phải cơ hội để từ giã không?” ông hỏi tôi một lần nữa.
“Ta phải rút lui. Nhưng mà tại sao ngoài đó vẫn còn những người hoạt động mà ta lại đi?” ông lại lên giọng, xong hạ xuống… nhưng vẫn quyết liệt với sự xúc động. “Theo ta thấy thì cơ duyên đã tới, không lúc này thì còn lúc nào? Đây là duyên lành đưa đẩy tới. Như sự sắp xếp xem ta có phải là người chân tu hay không. Hôm nay là một ngày tốt, dịp Tết Tây mà. Thôi, chấm dứt kể từ đây. Đúng không? Hôm nay chấm dứt, đủ rồi!”
“Sự ra đi của ta là thánh nguyện,” ông nói trong lúc xem bức ảnh núi rừng. “Đây là nơi ta sẽ đi.” Ông vẫn nhìn bức hình sơn lâm.
Ông bỗng quay qua tôi, môi mím lại, “Và Phước Lộc Thọ sẽ rơi nước mắt, ta biết.”
Tôi từ giã trong lúc khất sĩ bước về phòng riêng với cuốn album trong tay.
Trong mấy ngày đầu năm 2008 sau đó, mỗi ngày tôi đều ghé Phước Lộc Thọ để quan sát phía trước cũng như phía sau, đều không thấy khất sĩ Thích Trí Định. Tôi mong ông đã bước qua một giai đoạn mới trên con đường tu tập của ông. Riêng tôi, mặc dù chưa thấy ai rơi lệ, lòng khó quên hình ảnh một nhà sư đứng như pho tượng giữa chốn xô bồ. ================
Ý kiến về phóng sự “Ông sư ở Phước Lộc Thọ”
Nhật Báo Người Việt
Phóng sự nhiều kỳ về “Ông sư ở Phước Lộc Thọ” (báo Người Việt 8 Tháng Giêng 2008) đã thu hút nhiều ý kiến độc giả. Chúng tôi xin trích ra một số ở đây. _____________________________
Thời nay, sư giả rất nhiều. Thất nghiệp tràn trề, kiếm việc làm không phải dễ, cho nên làm sư giả có tiền dễ dàng hơn. Chúng ta nên thận trọng trước khi cho tiền cho các sư giả. Các vị sư thiệt đáng kính thì: không nói chuyện nhưng luôn luôn mở bình bát nếu có người cúng dường bất cứ món gì. Nếu đủ (1 miếng bánh mì, 1 củ khoai hay 1 trái chuối là đủ) thì sư quay gót trở về chùa khoảng 11 giờ trưa để đọc kinh trước khi thọ thực và phải ăn xong trước 12 giờ trưa.
Thuy (***@gmail.com; địa chỉ IP: Canada) _____________________________
Tôi biết nhà sư này từ khi mới 15 tuổi. Ông là một người rất tử tế. Ông sống trong một ngôi nhà/chùa gần góc Magnolia với Stanford hay Lampson. Hồi trước tôi chơi bóng rổ với ông mỗi ngày vào Mùa Hè tại trường tiểu học Stanford. Mọi người chơi bóng rổ chung đều gọi ông là “thầy” và ông cũng tự xưng là “thầy.” Ông không bao giờ mang giày, ngay cả khi chơi bóng rổ trên sân trường sần sùi dù trời có nóng đến 85 độ. Ông thật sự là một người rất đáng yêu. Ông luôn được con nít và cả người lớn ở đấy yêu mến...
Huy Nguyen (***@yahoo.com; địa chỉ IP: Hoa Kỳ)
_____________________________
Hoàng Mai Đạt vừa mới mở màn bài số 1 đã quá ư là xuất sắc. Hoan nghênh và ngưỡng mộ công khó và tinh thần ký giả của anh.
chung (***@yahoo.com; địa chỉ IP: Hoa Kỳ)
_____________________________
“Tôi không dám khinh quý Ngài, vì quý Ngài tương lai sẽ là vị Phật.”
Nam Mô Thường Bất Khinh Bồ Tát.
Thưa quý độc giả nhật báo Người Việt,
Đại Đức Thích Trí Định là một vị tu sĩ Mỹ trắng lai có duyên xuất gia đầu Phật mà tôi hân hạnh được biết. Quê Đại Đức ở Nha Trang. Tính tình ông rất dễ mến, thân thiện, có hạnh nhẫn nhục cao, và chí khí đại thừa hoằng pháp độ sanh bằng hình tướng thân giáo.
Với sức khỏe phi thường này, Đại Đức nếu đi làm kiếm tiền thì không thua gì những người Mễ Tây Cơ làm việc khỏe. Nhưng Đại Đức chọn hạnh tu này giữa xã hội vật chất bận rộn, thì người có duyên tiếp xúc mới hiểu thấu, thán phục, và đáng kính lễ cúng dường.
Tôi có duyên tiếp xúc với Đại Đức Trí Định từ khi lập Chùa Hộ Pháp tại 8752 Lampson Ave., Garden Grove năm 2002. Hai chúng tôi thường thăm viếng lẫn nhau đàm đạo mỗi lần sau khi Đại Đức đi khất thực từ khu Phước Lộc Thọ về khi hoàng hôn buông xuống.
Bây giờ, Chùa Hộ Pháp (ChuaHoPhap.org) đã dời về El Monte, nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng kính mến hình bóng của vị khất sĩ người Mỹ lai này đứng vững như bàn thạch trong những lúc thời tiết khắc nghiệt nhất với những cơn mưa, gió lạnh buốt Mùa Đông, nắng cháy Mùa Hè, và nhất là những áp lực của khó khăn ban đầu của Ban Quản Trị Thương Xá Phước Lộc Thọ, cảnh sát, v.v... và v.v...
Tôi phải kính lễ và không dám khinh Ngài vì quý Ngài đều sẽ thành Phật và chúng sanh là Phật sẽ thành.
Nam Mô A-Di-Đà Phật,
Thượng Tọa Thích Tuệ Uy,
Phương Trượng Tổ Đình Hộ Pháp Hải Ngoại
Trụ Trì E-Temple HoPhap.org (***@gmail.com; địa chỉ IP: Hoa Kỳ)
---------------
Mấy năm trước thỉnh thoảng đến Phước Lộc Thọ HT cũng gặp nhà sư này. Lúc đầu nhà sư đứng gần cửa ra vào phía sau nhưng sau đó thì ra đứng xa xa phía cổng trước. Có đôi lúc HT cũng đứng lại ít phút để quan sát nhà sư. Những lần đầu khi nhà sư mới đứng thì áo còn mới nhưng một thời gian sau thì rách và bạc đi nhiều.
Có thể HT không hiểu cách tu hành của nhà sư nhưng phải khâm phục sự chịu đựng của ông ta vì đứng yên giữa thời tiết thật nắng nóng hay gió lạnh cả nhiều giờ mỗi ngày phải có một quyết tâm rất cao.
Mỗi lần có Mẹ HT đi theo thì Mẹ HT cũng đến cúng tiền cho nhà sư. Nhưng lần nào Mẹ HT cũng gặp khó khăn khi mở nắp cái tráp của nhà sư vì ông ta giử rất chặt. Mà Mẹ HT xin mở ra thì nhà sư cứ như là không nghe gì cả. Thành ra có khi thì Mẹ HT cạy được cái nắp lên nhét tiền vào còn có lúc cạy không được thì phải nhét vào dưới ngón tay của nhà sư.
HT có đọc mấy bài báo về nhà sư mà anh QD đăng ở trên và đúng là ngay sau mấy bài báo này thì nhà sư biến mất. HT thật sự nhớ và nghĩ tới nhà sư này mỗi lần đến Phước Lộc Thọ.
Mong nhà sư này đạt được chánh quả.
Hoàng Thanh
--
Anh QD ơi,
Nhà Vy ở rất gần chổ của Vị sư nấy. Bây giờ, mọi người trong bài viết của nhà báo HMĐ vẫn còn ở đó, cả mấy chiếc xe cà rịch cà tang ấy cũng vẫn đậu trước nhà...
Mỗi chiều đi bộ ngang qua nơi nầy, Vy thường đứng lại cung kính trước tượng Phật Bà và cầu xin sự bình an.
Từ khi Vị Sư bỗng dưng biến mất, mỗi chiều nhìn về cuối đường Vy vẫn nhớ aó cà Sa màu vàng, hai bàn chân sưng vù và dáng đi nhanh nhẹn trở về của Vị Sư ...
VYVY
Năm ngoái khi về CA họp mặt mừng 50 Kỷ Niệm Ngày Thành Lập Sao Mai, biết MN có tìm hiểu về giáo lý nhà Phật, anh QD có hỏi ONX có biết ông sư trước khu Phước Lộc Thọ không? Giáo phái nào trong đạo Phật mà lạ quá cứ đứng sừng sửng cả ngày không ăn không uống, không nhục nhích gì cả. ONX có trả lời với anh QD là Thầy đang tu hạnh nhẫn nhục đó. Tu chùa thì dễ mà tu chợ mới nhiều thử thách. Lúc bấy giờ ONX nghĩ là Thầy tu cho chính bản thân Thầy. Hôm nay nhân được đọc những bài viết này ONX không khỏi xúc động khi hiểu ra là Sư Thích Trí Định giảng Pháp cho chúng sinh bằng hành động.
Chỉ có học 2 câu: "Nhẫn một tí, gió im sóng bặt, Lùi một bước, biển lặng trời trong (HTTH)" mà ONX cũng té lên té xuống không thực hành nổi ...cảm ơn anh QD đã post chủ đề này đã giúp cho ONX khởi tâm quyết chí ăn chay trường và nguyện kiên trì hơn để hành trì bài pháp hạnh nhẫn nhục. Từ nay ONX nguyện chọn đạo Phật cho đời sống tâm linh, ONX nguyện cố đạt cho được cái tâm không vui mừng trước lời khen, không buồn trước lời chê bai, quở mắng. Từ nay bất cứ ai cho rằng ONX làm sai này lỗi nọ, muốn ONX phải xin lỗi, không sao cả ONX cũng làm được không ngần ngại. Nguyện sẽ làm vừa lòng bạn miễn là đem lại được An Vui cho bạn và xin hồi hướng công đức về gia đình KTSM.
Trong khoảng không gian đó Sư Thích Trí Định vẫn còn đó, không một ai đã từng ghé đến khu chợ Phước Lộc Thọ mà có thể xoá được hình bóng của Sư trong tâm khảm. Sư không thuyết giảng bằng lời nhưng Sư đã để lại cho chúng sinh một bài Pháp qúy giá tu hạnh nhẫn nhục, diệt bản ngã, diệt tham sân si. Chắc chắn bài Pháp này đã in sâu vào tâm trí của nhiều người đã có cơ duyên chứng kiến nhưng hỏi mấy ai thực hành.
Xin tán thán công đức từ bi của Sư Thích Trí Định.
ONX
PS: Xin lỗi tất cả, ONX không có ý bàn về tôn giáo ở đây mà chỉ muốn nói về hạnh nhẫn nhục để đoạn trừ phiền não, đem lại an vui cho chính mình và cho người chung quanh ...
_________________ Nhẫn một tí, gió im sóng bặt, Lùi một bước, biển lặng trời trong (HTTH)
_____________________________
Tòa soạn trả lời: Xin cám ơn quý độc giả đã quan tâm. Vị sư ở Phước Lộc Thọ, tức Đại Đức Trí Định, là nhân vật gợi nhiều tò mò và, do sự im lặng của ông cũng như chủ trương khác với các vị sư khác trong việc khất thực, gây nhiều ý kiến trong cộng đồng.
Xin cám ơn quý độc giả đã cung cấp thêm chi tiết. Chúng tôi sẽ chuyển cho tác giả Hoàng Mai Đạt.
Nghi thức Kệ Chuông Đại Hồng Chung tại Tu Viện Quảng Đức, Văn chung thinh phiền não khinh,
Trí huệ trưởng, Bồ đề sanh,
Ly địa ngục, xuất hỏa khanh,
Nguyện thành Phật, độ chúng sanh (0).
Nghe chuông, phiền não nhẹ lâng lâng
Bồ đề thêm lớn, Tuệ sáng ngần
Xa rời Địa-ngục, qua hầm lửa
Nguyện thành như Phật, độ chúng sanh. (0).
Thiền, Tịnh, Mật được xem là ba pháp môn tu truyền thống của Phật giáo Việt Nam xưa nay. Thiền giáo xuất hiện từ thời Khương Tăng Hội, Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Các thế kỷ sau, kinh điển Đại thừa được truyền bá, theo đó tư tưởng Thiền, Tịnh và Mật được phổ biến tại nước ta. Từ lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam cho thấy, ba pháp môn tu đó có sự đóng góp tích cực cho con người và xã hội qua nhiều thời đại.
Trọng tâm của bài viết nầy nhằm tìm nguyên nhân tại sao người Phật tử bị cải đạo và đề nghị phương pháp ngăn ngừa, chứ không phải là so sánh giữa hai tôn giáo.
Tuy vậy, để có thể biết được nguyên nhân, nên một số tín điều và cách sống đạo, của tôn giáo, không thể không đề cập đến. Mong độc giả xem đó như là vài dẫn khởi cho việc truy tìm nguyên nhân Phật tử bị cải đạo và đề nghị giải pháp.
Dẫu theo lối tiếp cận nào, chúng tôi vẫn dựa trên những chứng tích lịch sử để luận bàn, chứ không bao giờ đề cập những điều vô căn cứ.
Một tôn giáo (hay một học thuyết) muốn đứng vững với thời và không gian thì tôn giáo ấy phải có ba tiêu chí cốt yếu: Nhân bản, Khoa học và Thực dụng.
Hàng ngày tôi có thói quen ngồi tọa thiền và sau đó đi kinh hành. Địa điểm đi kinh hành tuyệt vời và may mắn nhất tôi có được là công viên Nghĩa Đô gần nhà. Ngày thực hành 2 lần, sáng sớm và buổi tối. Thật tuyệt vời vô cùng.
Có một vị Phật tử rất thuần thành, mỗi ngày đều hái hoa trong vườn nhà mình mang đến
chùa dâng cúng Phật. Một hôm khi cô đang mang hoa tươi đến cúng Phật, tình cờ gặp thiền sư từ giảng đường đi ra. Thiền sư hoan hỷ nói:
Jimmy Phạm thừa nhận anh từng cảm thấy xấu hổ với nguồn gốc Việt của mình, và luôn khẳng định mình là người Úc khi ai đó hỏi anh đến từ đâu. Nhưng giờ đây, mặc cảm ấy biến mất, nhường chỗ cho sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp xã hội Koto, nơi đổi thay cuộc đời hơn 1000 trẻ bụi đời Việt Nam.
Đức Phật dạy chúng ta trí tuệ và yêu thương. Học là một chuyện còn ứng dụng lại là một chuyện khác. Có khi chúng ta đọc làu làu kinh Phật nhưng thực hành chưa được là bao.
Chuyện là chúng tôi có Vườn Yêu Thương. Triết lý cũng rất giản đơn và do thầy Hùng - người lập ra công ty sách Thái Hà của chúng tôi đưa ra: “Chút điều xấu cùng ngăn cùng giữ. Chút điều lành cùng thử cùng làm”.
Rohith Vemula không bao giờ có thể thoát ra khỏi những sự trói buộc của nhóm “sinh đẻ hạ cấp" của mình. Anh đã là một "Dalit" - một thuật ngữ dịch nôm na là giới "bị đổ vỡ, hư hỏng vứt đi" - một nhóm của những tầng lớp thấp nhất được gọi là "Hạ tiện". Những điều ghi chép trong nhật ký cá nhân và các cuộc phỏng vấn với bạn bè của anh ta đã mở ra cho thấy một cuộc sống đầy ngập những khó khăn của việc lớn lên trong sự nghèo khó, và những phấn đấu với một xã hội mà, đối với anh, dường như chống lại sự tiến bộ của một sinh viên như anh. Cái đòn sau cùng làm anh gục ngã là khi trường đại học Hyderabad Central University thu hồi lại học bổng rất khó khăn mới đạt được của anh sau khi có một nhóm những sinh viên khác, phần lớn thuộc đẳng cấp cao, báo cáo là anh đang tham dự trong những hoạt động "phản quốc" - - như trường hợp, biểu tình phản đối việc xử tử hình một tên khủng bố mà anh đã tin là bị xử oan .
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường, nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.
May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland, Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below, may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma, the Land of Ultimate Bliss.
Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600 Website: http://www.quangduc.com
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.