Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đại Học Oanh Vũ

19/10/201016:52(Xem: 8100)
Đại Học Oanh Vũ
Đại học Oanh Vũ
(Tường thuật khóa tu học kỳ 8 tại Hòa Lan)
* Trần Thị Nhật Hưng

Khi xe chúng tôi đến nơi, đồng hồ chỉ đúng 12 giờ khuya. Phòng ốc dành cho 300 giường đã không còn chỗ trống. Ban Tổ Chức đành trưng dụng phòng họp, phòng học - một cho phái nữ, một cho phái nam - với các tấm nệm lót dưới đất cho chúng tôi ngủ tạm. Giải quyết một lúc cho phái đoàn Thụy Sĩ 30 người - chưa kể các nước khác - đâu phải dễ. Vả lại đi chùa thì phải chấp nhận "ăn chay nằm đất". Nằm "đất" còn phải chịu, lựa là nằm "nệm", nên chúng tôi vui vẻ nhận lời, không than van gì cả. Mà than van nỗi gì được khi đã hiểu giáo lý (dù chút chút) của đạo Phật. Mọi sự phải do "duyên" mà có. Và "duyên" này khởi từ "nhân" chiều nay.

Thật sự xe chúng tôi đến Hòa Lan lúc 6 giờ chiều. Thay vì quẹo vào hội trường gần thành phố Hortegenbosch nơi khóa tu học, chúng tôi chạy thẳng viếng hải cảng của thành phố Rotterdam. Hải cảng không có gì đáng kể. Nơi nào cũng sông, nước, tàu, bè, đất, đá, gió, mây v.v..., nhưng con đường tiến vào hải cảng mới là điều đáng ghi nhớ. Xe chầm chậm lăn bánh trên bờ đê. Bờ đê rất đẹp, chỉ vừa đủ cho hai xe ngược chiều lách nhẹ và rất cẩn thận đi qua. Không cần cảnh sát dựng bảng cảnh cáo: Chỉ được phép chạy tối đa 60 cây số giờ, chả ai dám chạy nhanh nếu còn yêu đời muốn sống. Bờ đê không có rào chắn, chỉ một chút bất cẩn, lệch tay lái, xe có thể lao xuống hai con lạch dọc hai bên đường. Và đi trên con đê này, du khách không thể chạy nhanh bởi không nỡ thờ ơ trước vẻ đẹp xinh xắn, thơ mộng và vô cùng quyến rũ của cảnh sắc và nhất là những căn nhà nằm bên kia hai bờ lạch. Nhà chỉ trệt thôi. Lối kiến trúc như trăm ngàn những căn nhà đủ hình dạng kiểu villa cũng có và nhà thường cũng có, nhưng đặc biệt ở đây tất cả đều nhỏ. Có căn nhỏ đến độ diện tích chỉ chừng cho một chiếc xe hơi nhưng chắc chắn không phải ga-ra (garage) vì cửa sổ có rèm, cửa vào nhà chỉ vừa đủ một người đi qua. Tôi cứ thắc mắc mãi nhà như thế cho ai ở và ở như thế nào? Không lẽ đây là thế giới của Bạch Tuyết và Bảy chú Lùn? Tuy vậy, nếu tôi mơ ước, tôi sẽ mơ ước một trong những căn nhà nhỏ ở đây - nhưng không phải cái ga-ra vừa kể đâu nhé - với khóm hoa nho nhỏ, một vài cây ăn trái nho nhỏ tọa lạc trên một khoảnh sân cỏ khang trang cũng nho nhỏ - chỉ nhỏ thôi để đỡ quét dọn - dành thì giờ đó chiều chiều ra bờ lạch trước nhà dựa gốc cây vừa câu cá vừa đọc sách, hít thở không khí trong lành, thưởng thức nếp sống êm đềm nửa quê, nửa tỉnh có phải thú vị không? Tuyệt! ... Trời, đi chùa mà đầu óc tôi đầy sát khí. Không! Ôi, vô cùng tội lỗi, tội lỗi!

Bây giờ thì tôi nằm đây, trên tấm nệm đặt dưới đất với đầy tiếng ồn của người cùng phòng: Tiếng người lớn nói chuyện và tiếng con nít khóc. Chả có con cá nào, cũng chẳng nhà nhỏ nào. Hậu quả của việc đi tới trễ. Rõ là "nhân nào quả nấy". Nếu không, giờ này tôi đã thung dung trên chiếc giường nệm êm ái trong một căn phòng khang trang vừa ấm cúng vừa tiện nghi như người đến trước. Nhưng mà, thôi thì, mình đi chùa tu học chứ có phải đi nghỉ mát đâu mà so bì hơn thiệt. Tôi tự an ủi tôi như thế. Rồi tôi thăng, ngáy khò... khò...

Sáng hôm sau Ban Tổ Chức sắp xếp lại cho chúng tôi căn phòng tập thể ở lầu hai khá rộng, khang trang hơn. An vị xong đâu vào đó tôi lửng thửng xuống phòng ăn dùng sáng. Trời! Người ở đâu mà quá đông, không còn một ghế trống! Các anh em Gia Đình Phật Tử đành nhường chỗ cho các học viên (đa số lớn tuổi) và các em nhỏ Oanh Vũ của GĐPT. Năm nay số người tham dự tăng vọt. Ban Tổ Chức không ngờ trước sự tăng quá "đột xuất" này. Năm ngoái mới 300, nay con số đã lên tới 450. Biết làm sao đây? Không sao. Thầy Minh Tâm đã giải quyết một cách mau lẹ: anh em GĐPT phải đi chỗ khác chơi! Không, xin lỗi, từ nay ra ngoài sân cỏ... xơi! Thế là, vô tình chung, chúng tôi có những cuộc Picnic thú vị dưới nắng đẹp với những tàng cây êm ả. Những ngày mưa anh em lũ lượt kéo vào nhà, đứng dọc hành lang của ba tầng lầu, Đội nào theo Đội nấy dùng bữa trong tôn ti trật tự. Các em Oanh Vũ đặc biệt có phòng riêng tránh những hôm trở trời, gió, lạnh...

Trở lại chỗ điểm tâm đầu tiên, tôi đang đứng xớ rớ tìm một chỗ đứng thích hợp, gặp anh Lộc, người tôi quen trong khóa tu học trước. Thấy tôi, anh tươi cười:

- Chào chị, chị khỏe không?

- Gặp nhau đây tất nhiên phải khỏe rồi. Cám ơn anh.

- Năm nay anh em có giờ phát thanh cho Tiếng nói Gia Đình Phật Tử mời chị tham gia nhé.

Tôi hỏi:

- Làm gì trong... đài hở anh?

- Chị săn tin, viết bài rồi đọc.

- Săn tin... vịt được không anh?

Anh cười:

- Chùa đâu có vịt! Mình ăn chay mà!

Tôi cũng cười:

- Anh đã nói, tôi không từ chối. Nhưng tôi còn phải xem, có hợp khả năng không.

Vừa lúc đó anh Mai đi trờ tới. Anh Mai là "xếp" của GĐPT. Gặp xếp, ai nấy nghiêm chỉnh chào:

- Chào anh Mai. Anh khỏe chứ ạ?

- Cám ơn, cũng thường. Anh em cũng vậy chứ? Rồi anh nhìn sang tôi:

- Mời chị vào Ban Báo Chí viết cho bài phóng sự về sinh hoạt của anh em GĐPT nhé.

Tôi chưa kịp trả lời, có tiếng cất lên từ sau lưng, giọng nói quen thuộc của anh Hồng, người đồng quê ở Việt Nam và đồng nước tại Thụy Sĩ với tôi:

- Chị Tân thì phải lo cho Oanh Vũ thôi, để chị tập múa, hát cho các em.

Tôi quay lại nhìn anh Hồng:

- Tố nhau làm chi... dzậy hở bà con?!

Ra bộ làm reo vậy, cuối cùng tôi chọn Oanh Vũ là nơi tôi sinh hoạt, không hẳn vì múa hát. Văn nghệ theo tôi, chỉ là phương tiện hoặc như bông hoa tô điểm vào đời sống. Chính phương cách hướng dẫn như thế nào để thu hút và khiến các em chịu ghép mình vào khuôn khổ, vào kỷ luật mới là điều tôi cần học hỏi. Phát thanh, trước mắt chưa có... vịt để săn. Báo chí chưa có tin để viết. Con tằm cần ăn dâu mới nhả tơ được chứ. Chỉ tiếc là, qua sinh hoạt bên GĐPT tôi bị mất ba buổi giáo lý dành cho học viên (GĐPT chỉ học giáo lý một buổi trong ngày). Đứng trước sự lựa chọn, tôi lại đắn đo suy nghĩ rồi tự an ủi chính mình: Học lý thuyết cũng tốt nhưng nếu tôi không đem ra áp dụng ít nhất mang lợi ích cho mình chưa nói đến cho người thì có khác nào sắm bình hoa thật đẹp, thật nhiều đem về nhà chưng trong hầm tối! Nghĩ vậy, tôi không tiếc nuối nên vui vẻ học "thực hành" với Oanh Vũ.

Ngày tôi trình diện các em, bài học "thực hành" đầu tiên thật vô cùng đích đáng. Mặc dù tôi cố nói, cười, các em vẫn ngơ ngác nhìn tôi như nhìn bà mẹ... ghẻ! Khi tôi kể chuyện, chúng uể oải ngáp dài. Tôi "hát", chúng lí nhí... "đọc" theo. Nghĩ có nản không chứ? Nhưng rồi cuối cùng, chuyện đâu cũng vào đấy. Chỉ ngày hôm sau, các em đã thân thiện như anh em một nhà.

Nhân đấy, tôi cũng xin giới thiệu sơ lược về... "Đại Học Oanh Vũ", danh xưng ngộ nghĩnh do Thầy Minh Tâm, người sáng lập đặt ra. Trường có 7 "Giáo sư", trong đó có tôi (oai chưa?!) và 32 "sinh viên" tuổi từ 5 đến 14. Trường thành lập từ năm ngoái nhưng chính thức "treo bảng hiệu" và có cơ cấu tổ chức rõ ràng, bề thế kể từ khóa học lần này, tức kỳ 8 tại Hòa Lan. Số sinh viên chia ra làm 4 Đàn: Đàn Sen Nâu, Vàng, Xanh và Trắng với các tiếng reo của từng Đàn: vui, tươi, tiến và khỏe. Ngoài Giám đốc: anh Thuận; Viện trưởng: anh Con - "Con" là tên cuối cùng được lựa chọn sau các tên Michel Jackson, Ông Nội, Thằng Cu v.v... do các em đặt cho anh Thành để tránh sự trùng hợp với Thành giáo sư - còn có sự trợ lực tích cực từ vật chất lẫn tinh thần: Thứ nhất Giáo Hội qua quí Thầy đến các anh chị Huynh Trưởng thuộc Ban Hướng Dẫn GĐPT Trung Ương Âu Châu và đặc biệt nữa quí Cô, Bác học viên phụ huynh các em.

Người đời vẫn nói "Thờ Phật trong chùa được ăn oản": Qua đó, trông các em, chúng tôi - "giáo sư" - cũng được "ké" phần. Cái gì các em cũng được ưu tiên: Quà cáp, ăn uống, du ngoạn v.v... Có dư luận cho rằng khóa tu học kỳ 8 đông người quá, Ban Trai Soạn không dự liệu được phần ăn nên bụng ai nấy lưng lửng. Vậy mà Oanh Vũ có hay biết gì đâu. Ăn uống phứa phựa đến căng bụng luôn. Tội nghiệp anh Con quí trọng của ngọc thực không nỡ phí phạm, anh thanh toán tất cả phần dư thừa nguội lạnh từ dĩa các em. Tôi nhìn anh ăn thâm tâm vô cùng cảm kích. Nếu anh không có tâm Bồ Tát, chan chứa tình thương khó mà nuốt được phần thức ăn vừa nguội lạnh đó. Các bà mẹ đã từng ăn lại phần cơm thừa của con mình, "ngon" thế nào, hẳn quí vị biết rõ nhất.

Chương trình học, ngoài các buổi điểm tâm, cơm trưa và tối - Ăn tập thể do chính các "giáo sư" chăm sóc hướng dẫn trong kỷ luật, trong "chánh niệm": Trước và sau khi ăn các em phải niệm kinh, 5 phút yên lặng để tưởng nhớ công ơn khó nhọc của người nông dân làm ra gạo, cùng kẻ nấu, người bưng v.v... - Buổi sáng các em học giáo lý do quí Thầy đảm trách. Sau đó là giờ sinh hoạt thanh niên: Trò chơi, du ngoạn, thủ công, vẽ, văn nghệ, đố vui để học:

Em đi chùa có mục đích gì?

- Để cầu Phật xin mọc răng dài ra. Một em sáu tuổi, sún răng trả lời .

Hãy tả một vài vị Phật mà em biết?

- Ông Phật mập, bụng bự, hay cười.

Có râu dài không?

- Có!

Ăn chay nấu với thịt gì?

- Thịt bò

Ni Cô một năm đi uốn tóc mấy lần?

- Hai lần!

v.v. . . .

Những câu trả lời ngây ngô khiến chúng tôi muốn bò lăn.

Nhưng tiết mục sôi nổi nhất chính là mục thi đua đá banh giữa tuần, thứ tư: Oanh Vũ đấu với hai đội thanh và thiếu nữ. Với số lượng Oanh Vũ đông đảo, chúng tôi chia làm hai nhóm: Từ 6 đến 9 tuổi đấu với mấy chị Thanh trên 18 tuổi (biết chắc là thua, nhưng cũng không sao). Bù lại, quân thiện chiến (Oanh Vũ cồ: 10 đến 14 tuổi - Có vài em trai khỏe như voi) chắc chắn sẽ thắng mấy chị ngành Thiếu từ 14 tuổi trở lên. Nhưng mà, Oanh Vũ tính vẫn không bằng mấy chị tính: "Thua thì quê, mà thắng chả lấy gì hãnh diện" nên mấy chị chẳng nhận lời. Hay thực sự mấy chị "ngán" Oanh Vũ?!

Cuối cùng, Oanh Vũ quay về với Oanh Vũ.

Chúng tôi phải lại chia nhóm. "Thằn lằn, cắc ké" 6, 7 tuổi tay yếu chân mềm dồn hết vào đội "giáo sư". Phần còn lại giao cho các em định đoạt. Cuộc đấu bóng đá bắt đầu.

Tôi xưa nay không thích thể thao, càng không ưa bóng đá. Có mỗi trái banh xúm nhau giành giựt chi cho mệt, đôi khi còn "sứt càng gãy gọng" nữa. Thích banh, đến tôi, tôi phát mỗi người một trái rồi vui vẻ ra về, có khỏe hơn không?!

Tôi không hiểu luật chơi banh, nên tôi xin được thủ... thủ thành hay thủ kho gì mà đứng trước cửa lưới đó - Tôi chỉ hiểu lờ mờ một cách đơn giản: chận banh không cho vào lưới, tức là thắng. Tôi cũng nghe phong thanh, có chàng chận banh trúng ngực bể tim mà chết. Điều này đối với tôi không sao. Tim tôi đã chai cứng từ lâu rồi. Một trái banh nhằm nhò gì làm... nát tim tôi được?! Nhưng rồi nhiệm vụ tôi muốn chọn đã bị một tiểu thơ 6 tuổi giành mất. "Chị Tân, em muốn đứng đây giữ banh". Thế là tôi phải nhường. Bất đắc dĩ tôi trở thành cầu thủ chạy, đá lăng xăng tấn công vào phe địch tới tấp. Trái banh lăn tới, chạy lui. Tôi đuổi theo muốn đứt hơi vậy mà cuối cùng banh lọt vào lưới tôi hai quả. Tôi nhìn lại đàng sau giựt mình vỡ lẽ. Hỡi ôi, tiểu thơ giữ thành của tôi đang đứng dựa cột ngắm trời! Mắt nàng đang bắt đầu nhòe nhoẹt, miệng mếu máo: "Nãy giờ em không được đá gì cả!" Lời nói của nàng như một mệnh lệnh. Cuộc đấu tạm ngưng để anh Con đích thân ôm trái banh đặt dưới chân nàng mời nàng hất một cái. Trời! nụ cười của nàng nở ra rạng rỡ, tôi hình dung giống hết nụ cười Bao Tỷ thời U Vương!

Khi biết được lý do bị thua, tôi âm thần rút về thế thủ, chận banh trước khi banh vào lưới - (Tôi đã đỡ nhiều trái banh tấn công ác liệt à nha!) - Nhờ vậy, sau vài hiệp, hai phe huề nhau.

Để kết thúc cuộc bóng đá, hai bên bắt đầu vô "Bê-nan-ti", mọi người đề nghị mỗi bên chọn 5 đối thủ tương đương: Hễ công tử thủ thành thì tiểu thơ đá và ngược lại. Còn kỳ phùng địch thủ, thiếu niên thiện chiến thì đấu với tướng... già! "Lão tướng" anh Con nhà ta coi vậy cũng hùng dũng nhanh nhẹn lắm. "Lão" như con cọp dữ lăm le đón con mồi. Chỉ một cái lách mình, lão đưa... bàn tọa ra đỡ, trái banh đã văng thật xa. Phe ta hứng chí cười và vỗ tay đồm độp. Cuộc đấu lại huề nhau. Tôi đề nghị với Minh (đồng nghiệp):

- Minh ra đỡ banh đi, đấu với tiểu thơ Ngọc Anh (6 tuổi). Nhớ giả thua cho cô nàng thích chí.

Minh cười biểu đồng tình, rồi anh hăm hở đón banh. Trái banh vừa tới chân, anh lăn đùng như... ngất xỉu.

- Giả đò! Cô bé nguýt dài, lẳng lặng bỏ đi. Ban giáo sư chúng tôi đưa mắt nhìn theo tủm tỉm cười ý nhị.

Cuộc đấu kết thúc với tỷ số 8/7.

*

* *

Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Buổi họp mặt nào rồi cũng đến hồi chấm dứt. Đêm cuối cùng trước khi chia tay khó ai ngủ ngay được. Tôi cũng vậy. Giấc ngủ khó đến. Nằm trăn trở, tôi nghĩ nhiều về những ngày qua, ngày nay. Tất cả rồi sẽ đi vào kỷ niệm. Những kỷ niệm vụn vặt, tản mác dù chỉ xuất phát từ một cử chỉ, một ánh mắt, một nụ cười cũng làm tôi khó quên, đôi khi còn theo suốt cuộc đời. Bây giờ tôi nằm đây, tôi nhớ rõ mồn một nét mặt phụng phịu vùng vằng của một em Oanh Vũ không chịu theo chị về thu dọn hành lý. "Lúc đi năn nỉ muốn chết. Sao bây giờ không chịu về?!". Đó là lời người chị tâm sự cùng chúng tôi. Tại sao vậy? Phải chăng đã có một tình cảm thân thương gắn bó, nhen nhúm nảy nở ở lòng em khiến em quyến luyến không rời?!

Rồi nụ cười hóm hỉnh của Minh - cô bạn tôi quen từ khóa trước - nhìn tôi khi thấy tôi bước vào phòng thi (cuối khóa thường có cuộc thi trắc nghiệm giáo lý dành cho học viên).

- Không học mà thi thế mới tài! Minh nói với tôi như châm biếm.

Tôi cười:

- Tài... thầy bói!

Thật ra tôi vào thi, mục đích nhận được bài. Đọc những câu hỏi may ra mình cũng có khái niệm chút chút về giáo lý của Đức Phật rồi thử trắc nghiệm khả năng... thầy bói của tôi giỏi cỡ nào. Nếu "đoán mò mà mò trúng" trên 2/3 câu hỏi của bài thi, nhất định khóa tu học tới tôi sẽ lập bàn coi chỉ tay và tướng số. Tiếc rằng Trời đã phụ lòng (gian dối) của tôi, bài thi của tôi chỉ được nửa số điểm.

Có tiếng cục cựa trở mình của cô bạn nệm bên cạnh. Chắc cô cũng không ngủ được. Cô nghĩ gì, tôi không rõ. Còn tôi, hình ảnh Rồng Bay trong đêm lửa trại mới đây lại lòn vờn trong trí.

Rồng gợi cho tôi nhớ đến nhân vật Cao Biền, một danh tướng Trung Hoa, nhà chính trị lão luyện kiêm địa chất lừng anh. Ông chuyên xách gươm yểm long mạch để ém chí quật cường của nhân dân nơi đó. Ông đã thất bại nặng nề trước con rồng tinh khôn nước Việt ẩn mình né tránh tại Vịnh Hạ Long (một thắng cảnh nổi tiếng của nước ta) để đợi một ngày thuận lợi, đẹp trời, rồng tung bay về thành Đại La, nơi vua Lý Thái Tổ từ Hoa Lư dời đến. Từ đó thành Đại La được đổi tên thành Thăng Long tức Hà Nội ngày nay.

Theo đà Nam tiến, rồng theo chân dân tộc Việt bay về phương Nam, ghé Hàm Rồng ở Thanh Hóa, ghé Long Đầu Hí Thủy tại Quảng Ngãi rồi tiến về đồng bằng bát ngát tại sông Cửu Long.

Ngày hôm nay, rồng Việt Nam lại có cơ hội "xuất ngoại" bay đến trời Âu qua đại vũ khúc "Thiên Tình Sử Con Rồng Cháu Tiên"do anh em GĐPT Berlin đảm trách như nhắc nhở chúng ta hun đúc tinh thần bất khuất của giống Tiên Rồng: Rồng thể hiện sự hùng tráng của đấng mày râu và Tiên biểu tượng nét dịu dàng tha thướt trong trắng của phụ nữ Việt.

Vũ khúc thật công phu. Chưa biểu diễn, mới nghe qua lời giới thiệu bằng giọng Bắc trầm ấm. lúc êm ái nhẹ nhàng, lúc hùng hồn đanh thép của bác Gia trưởng GĐPT, lòng tôi đã rộn lên như có tiếng réo gọi thiết tha của hồn thiêng sông núi nửa nhắn nhủ, nửa thúc giục con dân Việt dù ở bất cứ nơi nào trên xứ người, đừng bao giờ quên quê hương, quên nòi giống mà hãy tự hào mình là giống Rồng Tiên.

Màn vũ bắt đầu, đưa mọi người về thời đại xa xưa, nơi tổ tiên cha ông đã có công dựng và giữ nước.

Chỉ với sáu đài sen gắn trên đầu gậy, một cách tài tình rất nghệ thuật, sáu vũ viên trong y trang "quân sĩ" cổ truyền, nối kết lại thành một con rồng thật lớn. Rồng uốn mình theo tiếng nhạc trầm lắng khoan thai với cả tiếng róc rách của nước chảy cho ta cảm tưởng rồng đang lướt trên biển Đông. Rồi bất ngờ tung mình phun lửa bay lên trời xanh. Bên cạnh đó, sáu nàng Tiên xinh đẹp, dịu dàng, thật lộng lẫy cùng y trang cổ truyền (tứ thân) uyển chuyển lượn lờ với những cánh quạt, những giải lụa thướt tha. Giữa không gian, Rồng quyện vào Tiên, Tiên nép bóng Rồng thật quả là "anh hùng tri ngộ thuyền quyên".

Màn vũ kết thúc với đồ hình cong chữ S, hình dạng bản đồ Việt Nam, tôi ngẩn ngơ luyến tiếc. Màn vũ dứt rồi, tôi như còn thoảng nghe âm thanh tuyệt vời của từng khúc nhạc công phu chọn lọc ghép thành những tiết điệu trầm bổng. Màu sắc trong màn vũ vàng ánh, đen, hồng, đỏ, xanh... của y trang rồng, quạt, lụa tuy tương phản nhưng nhìn một cách tổng quát lại rất hài hòa thành một bức tranh rực rỡ.

Một điều làm tôi hết sức ngạc nhiên, "vũ sư" của "Thiên Tình Sử Con Rồng Cháu Tiên" chỉ là một thanh niên 24, 25 tuổi cùng em gái khoảng 22 với sự trợ giúp đắc lực của anh em GĐPT.

Chương trình văn nghệ đêm lửa trại, bên cạnh nhiều tiết mục hát, kịch, đa số là vũ nói lên được tinh thần hăng say sốt sắng của mọi người, còn có một màn rất dễ thương của những con chim non Oanh Vũ, chân chưa cứng, cánh chưa mềm thậm chí mắt vẫn còn chưa mở vậy mà cũng cố ngọ nguậy cất tiếng líu lo đóng góp với đời qua vũ khúc "Tiếng Hát Mường Luông". Các em thật xinh xắn trong những bộ xà-rong, dáng vẽ của những cô sơn nữ tí hon ngây ngô, hồn nhiên vừa múa vừa... gãi thoải mái! Ôi, dễ thương vô cùng. Hình ảnh đó, giờ đây, theo tôi vào giấc ngủ. Có lẽ cũng khuya lắm rồi. Dễ chừng đã 1 giờ đêm. Tôi không rõ. Tôi khép mắt lại cố ru hồn vào những giấc mộng lành. Bỗng nhiên phòng bên cạnh, tôi chợt nghe có tiếng lạo xạo, rồi giọng nói quen thuộc của một người. Giọng anh Đống! (anh Đống tôi quen từ 2 khóa Lộc Uyển tổ chức tại Thụy Sĩ và Bỉ trước 2 khóa tu học):

- Đêm nay trước khi chia tay, anh chị muốn có một buổi họp mặt cuối cùng để các em có thể thổ lộ tâm tình về những suy nghĩ, nhận xét của các em trong khóa tu học này.

Lời nói động tính hiếu kỳ. Cho dù tôi không muốn nghe, những âm thanh bên kia phòng vẫn "xâm phạm" tai tôi dễ dàng qua tấm vách ván với nhiều khe hở. Một cuộc thảo luận. Hấp dẫn ấy chứ. Tôi tỉnh ngủ, lắng tai nghe tiếp:

- Thưa anh, theo nhận xét của em, khóa tu học đem lại cho em nhiều niềm vui, bổ ích. Tuy nhiên, có một vấn đề kỷ luật em cảm thấy có hơi khắt khe. Ở thời đại văn minh ngày nay đâu còn cảnh "nam nữ thọ thọ bất thân" vậy mà trong sinh hoạt còn phân biệt nam nữ phải sinh hoạt riêng, thậm chí nói chuyện với nhau khuya một chút cũng bị cấm.

Một vài tiếng cười lẻ tẻ sau câu nói của cô gái. Tôi ngạc nhiên. Không sinh hoạt bên ngành Thanh, tôi không ngờ các anh "khó" với các em dữ vậy sao?! "Kiện" là phải rồi!

- Các em nên hiểu, đây là khóa tu học. Đã gọi "tu" ít nhiều phải có sự gò bó, kỷ luật. Hơn nữa nơi đây còn rất nhiều quí cô, bác tham dự. Họ nhìn vào sẽ đánh giá đứng đắn về tổ chức của chúng ta. Giọng anh Lộc giải thích. Sau đó, tôi nghe giọng của một thanh nam:

- Thưa anh, theo em, không hẳn cứ tách nam nữ rời ra mới gọi là đứng đắn. Người ta có thể sinh hoạt chung mà vẫn đứng đắn như thường.

- Em nói có lý. Nhưng cũng có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Vì vậy các anh cần e dè, cẩn trọng.

- Anh nghĩ, chuyện đáng tiếc nào ngoài vấn đề trai gái quen nhau rồi yêu nhau. Một thanh nam Phật tử yêu một thanh nữ Phật tử rồi lấy nhau là điều đáng mừng, đáng khuyến khích còn hơn để lấy người khác đại rồi họ bắt mình theo đạo của họ và bỏ đạo của mình đi.

Câu nói khiến tôi giật mình. À thì ra, các chuyện dựa vào hôn nhân rồi "bắt" người theo đạo này bỏ đạo nọ ai cũng biết mà nạn nhân thường về phía Phật Giáo. Bấy lâu, có cơ hội đi nhiều nơi: Bỉ, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Na Uy v.v... tôi chứng kiến rất nhiều những chuyện đáng tiếc gia đình xào xáo, cha mẹ muốn từ con, cháu phải rời xa cô chú, anh em hiềm hè nhau và thậm chí đôi trẻ yêu nhau tha thiết đành ngậm ngùi chia tay vì bất đồng tôn giáo, vì không chấp nhận sự vô lý, sự ép buộc mà tôn giáo áp đặt trên bản thân, trên gia đình họ. "Phải theo đạo của tôi thì tôi mới gả con gái" hoặc "Em theo đạo của anh rồi mới làm lễ cưới, vì đó là luật". Nếu tôn giáo nào cũng đưa ra luật như vậy, thử hỏi nhân loại sẽ sống trong hòa bình không?! Những điều vô lý như thế hoàn toàn đi trái tinh thần tôn giáo. Vì mục đích của tôn giáo đúng ra là nên ở vai trò hướng dẫn tinh thần, phục vụ con người mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại hơn là bằng cách này cách khác thậm chí có những trường hợp đã dùng đến cả bạo lực để bành trướng làm mọi người trở thành tín đồ của tôn giáo mình. Kinh nghiệm đau thương trong lịch sử về những cuộc thánh chiến chưa đủ cho chúng ta tỉnh ngộ hay sao?! Đã đến lúc sự dị biệt tôn giáo cần có sự tương kính lẫn nhau, phát huy những điểm tương đồng và tôn trọng những điều khác biệt hơn là lấn lướt nhau vì điều đó sẽ đưa đến sự tị hiềm, đố kỵ, chia rẽ trong khi dân tộc ta đang cần sự đoàn kết để đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam và điều đó hoàn toàn không phù hợp với tinh thần dân chủ của thời đại văn minh ngày nay và những điều vô lý bất công đó trước sau trên thực tế không tránh khỏi luật nhân quả.

Còn những trường hợp có khả năng hướng dẫn được người chưa có niềm tin hoặc mất niềm tin chấp nhận một tôn giáo một lý tưởng để tự họ tìm cách cải thiện bản thân là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, chưa hẳn kẻ vô thần sống vô tư hồn nhiên không hiểu gì về tôn giáo hoặc ngay cả những người cho tôn giáo là một điều sai lầm, lánh xa tôn giáo chưa chắc là họ không tìm thấy hạnh phúc, an lạc từ quan điểm của riêng họ.

Nếu bảo rằng hôn nhân đồng giáo tốt hơn thì tại sao không đạo này mà cứ phải đạo nọ?! Thôi thì, để tránh những điều đáng tiếc kể trên tốt nhất trai gái yêu nhau nên tìm hiểu, kết hôn người cùng đạo. Còn nếu trường hợp đôi trẻ lỡ "sa" vào hôn nhân dị giáo sao không tìm cách sống hài hòa trong tinh thần tôn giáo, tôn trọng niềm tin của nhau. Vợ chồng đạo ai nấy giữ. Con cái sinh ra theo đạo của người cha, rồi khi đợi đứa trẻ trưởng thành, 18 tuổi, tự do lựa chọn niềm tin cho chính mình. Như thế không phù hợp với tinh thần dân chủ của thời đại văn minh này nay sao???

- Thưa anh chị, riêng em, cứ tạo điều kiện để Phật tử kết hôn với Phật tử, như vậy mình có thêm Oanh Vũ.

Câu nói đùa của anh bạn nào đó phòng bên cạnh lại vang lên nghe thật chí lý. Vâng, đúng rồi. Oanh Vũ ở đâu ra nếu không nhờ anh chị Phật tử "sản xuất"? Đại Học Oanh Vũ đã khai trương. Nhóm "giáo sư" chúng tôi sẵn sàng đón sinh viên mới. Tôi muốn vỗ tay hoan nghênh ý kiến anh bạn, nhưng nghĩ khuya rồi lại sợ phiền các bạn bên cạnh. Tôi chỉ mỉm cười rồi lắng tai nghe tiếp.

Cuộc thảo luận vẫn tiếp tục bàn cãi càng lúc càng sôi nổi. Nhưng tựu trung không ngoài mục đích các em thanh nam, thanh nữ "đấu tranh" cho được... sinh hoạt chung. Nghĩ cho cùng, các anh chị Huynh Trưởng Trung Ương sao cũng khó quá. Thôi thì, qua bài này, người viết xin yêu cầu các anh chị hãy thông cảm tuổi trẻ, xét lại cho các em nhờ. Hoan hô anh chị!!!

*

* *

Một cuộc du ngoạn bằng thuyền thật thú vị dọc dòng sông Amstel quanh thủ đô Amsterdam, Hòa Lan, do Ban Tổ Chức đài thọ sau cuối mỗi khóa học để lại trong tôi nhiều ấn tượng, trong đó nổi bật nhất căn nhà bề ngang một mét mốt (1m1), chiều sâu hơn 10 mét (do người hướng dẫn cho biết). Hòa Lan có những căn nhà ngồ ngộ. Không nhỏ tí teo như dành cho búp-bê như tôi đã tả trước đó, thì cũng "bất bình thường" 1m1 chắc cho người "mát, mát" ở. Vị Kiến trúc sư này khi sáng tạo căn nhà đó nếu không bị vợ vừa "la" thì chắc cũng đang cơn "nóng lạnh" vì lý do nào đó. Tôi rất muốn tò mò bước vào trong nhà quan sát nhưng mà phải đợi... kiếp sau tôi làm thám tử đã, tôi mới có quyền đó.

Và bên cạnh những chiếc tàu cũ từ thời đệ nhất thế chiến dọc mé sông làm nhà cho thuê, sừng sững một Building của hãng xăng Shell mặt tiền đúc bằng vàng lấp lánh phản chiếu xuống mặt sông thành một khối kim loại khổng lồ.

Sau Amsterdam, trước khi thật sự chia tay, đoàn du ngoạn ghé thăm cảng Volendam, chùa Hòa Lan rồi ai nấy ra về.

Trời chiều dần, những đoàn xe rẽ đi tứ phía. Tôi không còn bịn rịn như hồi năm rồi. Thời gian vẫn trôi, trái đất vẫn quay. Muốn gặp lại, chỉ một năm sau, chúng ta lại có cơ hội tương phùng.

Trần Thị Nhật Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/02/2021(Xem: 6079)
Hôm qua mình có giới thiệu cuốn sách Buddhism in America (Phật Giáo Mỹ) của Richard Hughes Seager. Có bạn hỏi thêm muốn tìm hiểu Phật Giáo Mỹ nên nhờ mình giới thiệu vài cuốn. Nghĩ rằng đây là câu hỏi hay nên mình xin viết giới thiệu 7 cuốn sách để nhiều người lợi lạc. 1. Cuốn The Faces of Buddhism in America (Diện Mạo của Phật Giáo ở Mỹ) do Charles Prebish 2. Buddhist Faith in America (Đức Tin Phật Giáo ở Mỹ) tác giả Michael Burgan 3. Buddhism in America của Richard Huges Seager (1999, tái bản 2012) 4. Buddhism in America của Scott Mitchell 5. Altered Traits: Science Reveals How Meditation Changes Your Mind, Brain, and Body, 2017 6. A Mindful Nation: How a Simple Practice Can Help Us Reduce Stress, Improve Performance, and Recapture the American Spirit, 2012, 7: American Dharma: Buddhism Beyond Modernity
01/02/2021(Xem: 4428)
Tại các nước nông nghiệp hình ảnh con trâu với đứa trẻ chăn trâu ngồi trên lưng trâu thổi sáo là một hình ảnh quen thuộc thường gắn liền với đời sống của người dân. Tại Việt Nam, từ lâu hình ảnh này đã đi vào tâm thức mọi người và không chỉ có giá trị trong đời sống lao động thực tiễn mà còn nghiễm nhiên đi vào lãnh vực văn học nghệ thuật nữa. Trong văn học Phật giáo nói chung và văn học Thiền tông nói riêng thời hình ảnh con trâu với trẻ mục đồng đã trở thành thi liệu, biểu tượng, thủ pháp nghệ thuật. Những hình ảnh này hiển hiện trong truyền thống kinh điển cũng như được đề cập đến nhiều lần trong những thời pháp của đức Phật khi Ngài còn tại thế.
01/02/2021(Xem: 9369)
Vào thời thái cổ, theo truyền thuyết Đế Minh là cháu bốn đời của vua Thần Nông đi tuần thú phương Nam đến núi Ngủ Lĩnh ( nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung quốc ). Vua Đế Minh đã dừng chân tại nơi nầy, ngài cưới Vu Tiên nữ con vua Động Đình Hồ làm vợ. Đế Minh sinh được một trai tư chất thông minh ngài đặt tên Lộc Tục. Vào năm 2879 trước tây lịch ( khoảng thế kỷ thứ 7 TCN ) Đế Minh phong cho con làm vua ở phương Nam. Lộc Tục lên ngôi xưng đế hiệu Kinh Dương Vương đặt tên nước là Xích Quỷ ngài đóng đô tại Phong châu.
01/02/2021(Xem: 5891)
Kinh Phật đầu tiên là kinh Hoa Nghiêm, kinh Phật cuối cùng là kinh Đại Bát Niết Bàn. Chúng ta học hai kinh nầy để nắm trọn lịch trình của đạo Phật. Kinh Đại Bát Niết Bàn thường gọi là Niết Bàn là kinh vừa kể lại lịch sử đức Phật trước khi nhập diệt vừa là kinh nói về lời giáo huấn cuối cùng của ngài. Vừa tâm lý tình cảm vừa là lời nhắn nhủ sau cùng của Phật cho đạo tràng như người cha trăn trối cho con tiếp tục theo đường đi của ngài. Đời thế gian của Đức Phật khi sinh ra vì bào thai to lớn quá phải giải phẩu bụng của mẹ ngài nên mất máu mà mất sớm, ngài sống qua sự nuôi dưỡng của người dì em của mẹ.
01/02/2021(Xem: 7235)
Phần này bàn về các danh từ gọi dụng cụ gắp cơm và đưa vào miệng (ăn cơm) như đũa hay trợ, khoái, giáp cùng các dạng âm cổ của chúng. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), TQ (Trung Quốc), ĐNA (Đông Nam Á), HT (hài thanh), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), VBL (tự điển Việt Bồ La/1651) ĐNQATV (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị/1895).
29/01/2021(Xem: 5886)
Ở đời không phải ai cũng chấp nhận sự chân thành của bạn. Những người quanh ta luôn công nhận việc tốt mà ta đã và đang làm, trở thành đương nhiên như thế… và đến một ngày kia bạn quá mệt mỏi liệu có ai bên cạnh bạn và cảm thông với bạn không? Vì trong suy nghĩ của họ bạn là người tự nguyện cho đi..., trong hoàn cảnh như thế liệu bạn có tiếp tục cho đi nữa hay không? Tất nhiên là có, chúng ta hãy tiếp tục sống tốt nhưng phải là người tốt thông minh. Hãy tin rằng không có nỗ lực nào là uổng phí, hãy có quan điểm và lý tưởng của chính mình, luật nhân quả luôn đền bù cho bạn xứng đáng. Nhà Phật dạy có Luân Hồi-Ngiệp Báo. Không ai phủ nhận rằng quan tâm chăm sóc người khác là tốt, nhường nhịn người khác đều là tốt, tuy nhiên quan tâm quá, họ sẽ làm khó ta vạn lần, nhiệt tình quá họ sẽ đâm ra nghi ngờ, thậm chí khiến bạn bị tổn thương …
28/01/2021(Xem: 6480)
Chúng ta đã quen với thể loại thơ Thiền sáng tác nhiều thế kỷ trước từ các ngài Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sỹ, Hương Hải… Hay gần đây như với thơ của các ngài Nhất Hạnh, Mãn Giác, Tuệ Sỹ, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Ni Trưởng Trí Hải… Đó là nói cho chặt chẽ. Nếu nói cho nới rộng hơn, thơ Thiền cũng là Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Trịnh Công Sơn… Mỗi thời đại đều có những nét riêng, mỗi tác giả cũng là một thế giới độc đáo. Mặt khác, thơ Thiền mỗi quốc độ cũng khác. Trong khi phần lớn thơ Thiền Nhật Bản cô đọng với thể haiku, thơ Thiền Trung Hoa có nhiều bài hùng mạnh như tiếng sư tử hống, như với Chứng Đạo Ca của ngài Huyền Giác, hay Tín Tâm Minh của ngài Tăng Xán. Không ngộ được tự tâm, sẽ không có văn phong đầy sức mạnh như thế. Nơi đây, chúng ta nêu câu hỏi: Làn gió Thiền Tông đã ảnh hưởng vào thơ Hoa Kỳ ra sao? Và sẽ giới thiệu về bốn nhà thơ.
28/01/2021(Xem: 6507)
Mọi người đều biết câu chuyện Xá Lợi Phất thăm Cấp Cô Độc khi bị bịnh nặng và giảng cho Cấp Cô Độc bài pháp về quán chiếu, khi thiền trong Tứ Niệm Xứ mà chữa bịnh cho Cấp Cô Độc. Quán về Phật pháp tăng, 18 giới gồm 6 căn 6 trần 6 thức, rồi quán về 7 đại: đất nước gió lửa không kiến thức, quán về thời gian không gian và cuối cùng là quán về 5 uẩn. Cấp Cô Độc nghe xong hết bịnh. Cũng câu chuyện như vậy, nhưng nó khác đi chi tiết là lúc về già sắp mất: Xá Lợi Phất khai thị Cấp Cô Độc chú trọng về 5 uẩn, hãy trả 5 uẩn về lại cho 5 uẩn khi duyên hội tụ đã hết. Hãy trả Pháp về lại cho Pháp. Và Cấp Cô Độc chết thành A la hán vì đã ngộ được đạo về cõi trời.
28/01/2021(Xem: 5636)
Chùa Thiếu Lâm Tự mở ra khóa ngồi thiền cho 18 vị tu thành A la Hán. Khoá tu này trong 30 ngày ngồi trong tịnh thất suốt ngày đêm. Vị chủ trì là Hòa thượng trụ trì của Thiếu Lâm Tự. Thời bấy giờ là mùa xuân, cảnh đẹp hoa nở và thời tiết ấm áp. Mọi thiền sinh miệt mài tập trung thiền định đạt được 30 ngày miên mật thì bỗng xảy ra tiếng nói vọng vào từ ngoài cửa. Giọng nói đầy êm dịu thanh thoát và trong trẻo của một cô gái. Mỗi tiếng phát âm đi sâu vào tim người nghe một cảm giác êm dịu nhẹ nhàng như vuốt ve trái tim của con người.
27/01/2021(Xem: 3974)
Kính thưa quý đọc giả, tôi đột nhiên thấy được quyển sách với nhan đề “Khéo Dùng Cái Tâm” do Hội Phật Học Bát Nhã biên soạn, liền mượn về ngay để nghiên cứu. Tôi sở dĩ nghiên cứu tác phẩm này là do chủ đề “Khéo Dùng Cái Tâm” lôi cuốn tư tưởng của tôi. Chủ đề rất hấp dẫn khiến tôi tò mò không biết nội dung trong đó nói gì đành phải bỏ hết thời gian để đọc cho xong. Toàn bộ quyển sách chỉ nói về Ma Nhập, nhưng quý đọc giả cần phải đọc qua để biết Ma Nhập quan hệ như thế nào đối với con người chúng ta, đồng thời cần phải tỏ tường để tránh né và đối trị.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]