Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Điều Chỉnh Tâm Để Tạo Nên Một Giai Điệu Ngọt Ngào

30/09/201015:40(Xem: 8102)
Điều Chỉnh Tâm Để Tạo Nên Một Giai Điệu Ngọt Ngào



Tenzin Palmo-3
Ni Sư Tenzin Palmo là đối tượng của quyển sách “Trong Động Tuyết Sơn” của Vicki Mackenzie thuật lại tiểu sử của Ni Sư Palmo và mười hai năm trong ẩn thất cô tịch của bà. Năm ngoái, bà đã gặp gỡ những người tham dự khóa nhập thất Lamrim (1) của Tushita Dharamsala và những hành giả khác tại Tu viện Tashi Jong bên ngoài Dharamsala, Bắc Ấn Độ. Bài viết dưới đây thuật lại cuộc trò chuyện của họ.



TÔI HY VỌNG LÀ CÁC BẠN NHẬN RA ĐƯỢC RẰNG CÁC BẠN VINH DỰ BIẾT BAO và hẳn các bạn đã tạo nên một nghiệp phi thường trong quá khứ nên ngay trong đời này mới có cơ hội thọ nhận những giáo lý Lam-rim này. Các bạn từ những nơi rất xa tới đây do hội đủ những nhân duyên, vậy mà những người sống ở đây, đối với họ đây là một phần của nền văn hóa của họ, thì thậm chí chẳng bao giờ có nguyện ước thực hiện những gì các bạn đang làm, đó là thực hiện một cuộc nhập thất Lam-rim hai tháng.

Một vài người sau khi tham dự một khóa Lam-rim, đã kết thúc với cảm nghĩ như – “Whoa! Bất kỳ bạn làm điều gì thì các cõi địa ngục cũng hiện lờ mờ trước mặt bạn!” Nhưng không phải thế. Các bạn hết sức may mắn không chỉ vì có cơ hội thực hành Pháp, mà còn có nguyện ước thực hiện nó. Nếu các bạn không có một nguyện ước, thì cho dù Pháp có ở ngay trước mặt các bạn, các bạn cũng không vươn tay để lấy nó. Tự thân Giáo Pháp rất bao la, và khi người Tây Tạng thọ nhận nó trọn vẹn từ Ấn Độ, họ đã làm những sự tuyển chọn.

Thiên tài của người Tây Tạng chính là cách thức họ sử dụng những gì họ có và lập ra hệ thống Lam-rim này, và biến nó thành con đường hợp lý có thể thực hiện được. Giờ đây hệ thống này đã được sử dụng không thay đổi trong một ngàn năm. Nhưng điều quan trọng là phải cân nhắc rằng từ lúc ban đầu cấu trúc Lam-rim được người Tây Tạng thiết kế cho người Tây Tạng, vì thế không nhất thiết là mỗi mẩu Lam-rim đều phải được áp dụng một cách rộng rãi. Điều này nghe có vẻ giống dị giáo, nhưng vấn đề quan trọng là làm thế nào để Pháp - Lam-rim – chung sống với các bạn thật hiệu quả, để nó có thể chuyển hóa đời sống hàng ngày của chúng ta.

Tôi không nói điều này như một sự phê bình. Hệ thống Lam-rim này làm việc cho người Tây Tạng và - giống như một dây chuyền lắp ráp - họ đã sản sinh vô số những bậc giác ngộ. Thật đáng ngạc nhiên là một nền văn minh nhỏ bé như thế lại sản sinh ra rất nhiều bậc giác ngộ. Văn hóa Tây Tạng không có nhiều tác phẩm văn học thế tục – nó không có những tiểu thuyết, không có Shakespeare, không có thơ tình yêu mà chỉ nói về Pháp. Hiển nhiên là họ không có ra-đi-ô, không có máy truyền hình, không có các tạp chí, không có những tiểu thuyết hấp dẫn, không có gì hết, chỉ có Pháp.

Về cơ bản thì tâm con người Tây Tạng cũng hết sức trống trải, giống như môi trường bên ngoài của họ, vì thế họ làm tràn đầy nó bằng nhiều hệ thống và những cấp độ và những quán tưởng rắc rối, những triết học phức tạp, đó là bởi họ có rất nhiều không gian trống trải ở bên trong. Nếu các bạn suy nghĩ về xứ Tây Tạng, nó bao la, rộng lớn và tràn đầy không gian trống trải, thì bạn có thể hiểu được tại sao khi các bạn nhìn những thangka (tranh cuộn) của họ, chúng không có không gian! Mỗi một phân vuông đều được bao phủ bởi cái gì đó. Vì họ đang đối phó với không gian bao la ở bên ngoài đó, cho nên khi đến với sự thực hành thì họ phải làm đầy nó càng nhiều càng tốt.

Một vấn đề khác liên quan tới người Tây Tạng là khi suy nghĩ về nền văn hóa và môi trường của họ, các bạn phải đe dọa họ bằng những cõi địa ngục khủng khiếp và những hình phạt rùng rợn đối với những việc tầm thường nhất để họ phát triển lương tâm. Nhưng những người Tây phương, đặc biệt là những người Tây phương đến với Pháp, thì những cái sọ của họ rất mỏng manh. Chúng thường được chứa đầy sự tự-ghê tởm và tội lỗi. Nếu bạn đánh chúngï bằng một chiếc dùi cui, tất cả những gì bạn nhận được là chiếc sọ người vỡ tan, những khúc xương, máu và óc ở khắp nơi. Vì thế họ chấm dứt với cảm nghĩ: “Tôi quá đê tiện, tôi thật đáng sợ.” Họ kết thúc với ý thức về sự bất lực cực kỳ nặng nề này.

Vấn đề mà tôi đang nỗ lực nêu ra là đôi khi những điều có ích lợi cho tâm trí một người Tây Tạng lại không nhất thiết lợi lạc cho một người Tây phương. Chúng ta phải sáng suốt. Đức Phật luôn luôn nói rằng các bạn nên sử dụng Pháp và các bạn nên khảo sát nó. Điều đó đúng, nhưng các bạn không nên luôn luôn khảo sát nó khiến bạn có thể không còn đồng ý với những gì vị geshe (2) nói. Các bạn nên khảo sát nó – chỉ khảo sát nó. Đôi lúc khi tôi trình những mối nghi ngờ cho Khamtrul Rinpoche, bổn sư của tôi, ngài chỉ cười và nói: “Con không phải tin tất cả những gì con đọc trong sách,” hay “Mọi điều con đọc trong Kinh điển không đúng.” Đấy là Lạt ma của tôi! Chúng ta phải sáng suốt và ta phải nhìn xem điều gì ích lợi cho ta trong đời ta.

Những người Tây phương đến với Pháp với tâm thức đã chật cứng, hầu hết là với những điều vô nghĩa, và khi chúng ta cố gắng gieo trồng trên đó những hạt giống Pháp nhỏ bé của ta, những phiền não sẽ tiếp tục tồn tại ở đó. Hẳn là khôn ngoan nếu bắt đầu bằng cách quét sạch nó. Nói cách khác, nếu các bạn mua được một căn nhà đầy những đồ bỏ đi và không bao giờ được quét dọn, và các bạn đem vào mọi thangka, những hình tượng Phật khác thường cùng những gấm thêu kim tuyến và cố gắng treo chúng trên mọi thứ đồ bỏ đi, thì thậm chí trông chúng còn giống một đống đồ đồng nát hơn nữa. Điều đầu tiên ta cần là một căn nhà được quét dọn sạch sẽ – ta cần quét dọn và cọ rửa, và sau đó ta có thể treo những tấm thangka và hình ảnh của ta.

Đối với các thực hành chuẩn bị thì cũng thế, giống như những sự lễ lạy và cúng dường mạn đà la và v.v.. có quá nhiều điều để suy nghĩ và quán tưởng với những thực hành đó, nhưng tâm ta đã bị lèn quá đầy! Chúng ta cần mở những cánh cửa sổ và cửa ra vào – ta cần đơn giản hóa. Nếu không thì chúng ta xây dựng những triết học và thực hành lạ thường và chúng ta rất thông minh, nhưng bên trong thì không có gì bởi chúng ta không có thì giờ để mắt tới.

Người ta bắt đầu mọi thực hành cực kỳ phức tạp này, họ nhận những sự nhập môn và những hứa nguyện, và khi ấy thay vì Pháp là một ánh sáng trong tâm họ, nó trở thành một gánh nặng lớn hơn, giống như các bạn đang lê bước lên một ngọn đồi với một cái ba lô lớn đựng đầy đá này.

Hãy nhìn những hành giả Tây Tạng chân thực – họ thực sự hài lòng về mọi sự. Không phải là họ không tin những cõi địa ngục và những việc như thế, nhưng những điều đó thực sự không làm họ quá lo lắng. Họ biết rằng nếu họ thành tâm trong việc thực hành thì họ không có gì để lo lắng và họ nương tựa (quy y) nơi Tam Bảo. Nhưng đối với nhiều người Tây phương thì điều đó trở nên nặng nề và nó làm cho chúng ta trở nên hết sức giả tạo. 

Điều quan trọng là có một thực hành đầy ý nghĩa mà các bạn hoan hỉ khi thực hiện nó. Người ta có hai hay ba giờ thực hành mỗi ngày, và sau đó họ có gia đình, các công việc và đời sống xã hội, vì thế thực hành của họ trở thành gánh nặng mà họ phải làm cho xong. Họ lao qua nó để hoàn tất hứa nguyện để khỏi bị đi xuống địa ngục. Vấn đề không phải là như vậy!

Pháp được cho là chuyển hóa tâm ta và mang lại cho ta niềm vui, sự trong sáng và khả năng làm lợi lạc những người khác. Vì thế chúng ta phải xét xem những thực hành mà ta có thể làm có ích lợi cho ta hay không, đặc biệt là trong đời sống hàng ngày của ta. Nó hoàn toàn khác biệt nếu ta đang nhập thất. Ví dụ như những thực hành chuẩn bị được bắt đầu đối với những người không có việc gì khác để làm ngoại trừ những thực hành chuẩn bị. Các bạn có thể tự đằm mình trong thực hành là bởi đó là tất cả những gì bạn phải làm. Nhưng ở Tây phương là nơi người ta không có cơ hội để thực hiện những cuộc nhập thất dài hạn, nếu các bạn chỉ có thể lạy 100 lần mỗi ngày, thì sẽ phải mất bao lâu để thực hiện 120.000 lễ lạy?

LẠT MA CỦA TÔI LUÔN NÓI VỚI TÔI: “Chú ý, hãy giữ những thực hành của con ngắn thôi, nhưng hãy thực hiện chúng. Nếu con có những thực hành dài, thì vào lúc cuối chúng sẽ hoàn toàn trở thành một gánh nặng và con sẽ ngưng thực hành.” Vì thế tốt hơn là các bạn hãy thực hành các thời khoá ngắn nhưng hãy thực hiện chúng. Ngay cả tới bây giờ thực hành căn bản của tôi cũng không kéo dài quá một giờ. Tôi có thể kéo dài nó tới hai hay ba giờ, nhưng tôi không cần phải làm thế. Tôi không làm gãy bể bất kỳ giới hay hứa nguyện nào nếu tôi không kéo dài việc thực hành. Vì thế cho dù các bạn thực hành Quán Thế Âm 20 phút và làm việc đó với sự thành tâm, thì điều đó tốt hơn việc thực hiện hàng triệu thực hành Bổn Tôn Kim Cương thừa cao cấp giờ này sang giờ khác chỉ vì muốn đọc cho xong quyển sách cầu nguyện. Sẽ thực sự tốt hơn nhiều nếu bạn làm một thực hành thật đơn giản và thực hiện một cách chân thành từ trái tim các bạn thay vì tưởng tượng rằng mình là một yogi hay yogini vĩ đại của thời hiện đại và kết thúc trong khi bị đè nặng bởi tất cả những hứa nguyện này và khiếp hãi tới nín thở. 

Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là duy trì một sự thực hành ngắn, không quá một giờ – có thể là nửa giờ nếu các bạn không thể sắp xếp được một giờ. Bất kỳ số lượng công việc các bạn làm, điều then chốt là thực sự có thời gian đó. Nó không kéo dài tới nỗi phải tính đếm, nó không phải là cấp độ tantra cần quan tâm. Đó là việc các bạn đang hoàn toàn hiến mình cho sự thực hành trong quãng thời gian đó. Không có việc gì khác trong thế gian này quan trọng bằng việc thực hiện thực hành đó. Nó tẩy rửa tâm thức – tôi không thể nói cho các bạn biết là nó tẩy rửa tới mức độ nào. Nếu các bạn thực hành với một sự nhất tâm, một tâm thức rất thư thản và rộng lớn nhưng đồng thời rất tập trung và hợp nhất với sự thực hành, thì cho dù thực hành kéo dài bao lâu, khi kết thúc tâm các bạn sẽ cảm thấy như thể nó hoàn toàn được rửa sạch.

Lời khuyên của tôi đối với các bạn là hãy duy trì việc thực hành Pháp thật đơn giản, thật căn bản. Đừng trở nên giận dữ và nản chí. Hãy nhìn một đứa trẻ đang tập đi. Nó đứng dậy và bước đi từng chút một và ngã xuống. Sau đó nó đứng dậy và lại cố gắng và lại té ngã. Điều gì sẽ xảy ra nếu nó nói: “Ồ, việc bước đi này quả là một điều khó khăn, tôi sẽ chẳng bao giờ cố gắng bước đi một lần nữa.”

Nếu đối với các bạn Pháp chỉ có nghĩa là nhảy xổ vào các giảng khóa, nhảy xổ vào các cuộc nhập thất, đi tới các trung tâm Pháp và đọc sách Giáo Pháp, thì sẽ chẳng có điều gì thay đổi trong đời các bạn. Chúng ta phải nhận ra rằng mỗi hơi thở duy nhất mà ta sử dụng, nếu ta sử dụng chúng với sự tỉnh giác, đều là một sự thực hành Pháp. Mỗi người duy nhất mà ta gặp, nếu ta gặp họ với sự cởi mở, trong sáng, với tư tưởng này trong tâm: “Cầu mong bạn an lành và hạnh phúc,” thì đó là một thực hành Pháp. Tôi nhắc đi nhắc lại rằng Pháp không chỉ là sự thiền định, Pháp không chỉ là việc trì tụng các thần chú, Pháp không chỉ là việc lắng nghe những Kinh văn hay đọc những quyển sách đứng đắn.

Thực hành chính yếu khác trong Phật Giáo là sáu ba la mật (sáu sự toàn thiện):

BỐ THÍ: Ban tặng là sự bố thí – không chỉ những đồ vật, mà cả thời gian của các bạn, sự chú tâm, bố thí bản thân các bạn. Cho dù chúng ta ngu đần tới đâu, mê lầm hay sân hận tới đâu, bị dính mắc tới đâu, chúng ta vẫn có thể rộng lượng. Không chỉ cho đi những gì ta không thích, mà còn bố thí những sự vật ta ưa thích bởi ta thích chúng. Sự bố thí rất quan trọng.

TRÌ GIỚI: Giới luật được đặt nền trên việc không làm hại: không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không dùng các chất gây say là những chất làm mê mờ tâm thức, và không tà dâm. Nếu không có tư tưởng không làm tổn hại bản thân ta và những người khác này, chúng ta không có nền tảng cho Pháp trong đời sống của ta.

NHẪN NHỤC: Khi các bạn sống trong ẩn thất cô tịch, có ai ở đó để các bạn nhẫn nhục với? Những người làm hại ta, những người thực sự bấm vào những nụ mầm của ta, họ là những Pháp hữu thực sự của ta. Thật đấy! Khi người ta bấm vào những nụ mầm của ta, khi ấy ta thấy rằng ta có những nụ mầm. Những tình huống khó khăn, những con người khó chịu, thực sự là tờ giấy nhám làm chúng ta trở nên nhuần nhuyễn. Khi đó chúng ta có thể nhìn vào tâm mình. Vấn đề không nằm ở bên ngoài. Nó ở ngay đây.

Những nhà sư và ni cô Tây Tạng đã trải qua rất nhiều năm trong các ngục tù của người Trung Quốc, mặc dù một số trong đó bị chấn thương, nhiều người đã ra khỏi tù mà trông như từng nhập thất và họ chân thành biết ơn sự thực hành của họ và những kẻ hành hạ họ khi gìn giữ họ trên con đường Giáo Pháp. Sự nhẫn nhục của họ không còn là điều lý thuyết suông nữa. 

TINH TẤN: Tất cả những điều này cần tới sự tinh tấn. Lần đầu tiên khi ta gặp Pháp, ta nghĩ: “Ồ, nó quá hiển nhiên, tại sao trước đây ta không nghĩ tới nó?” Nó không phải là trí tuệ vĩ đại, bí mật, nhưng chúng ta không thực hành nó. Đó là một vấn đề để nghĩ tưởng tới, để hiểu nó một cách trí thức, và một vấn đề khác để kinh nghiệm. Để thực sự có nó như một bộ phận của bản thân ta, tự nhiên như hơi thở của ta, ta cần có sự kiên trì. Kiên trì và nhẫn nhục là hai thành phần quan trọng nhất.

THIỀN ĐỊNH: Điều quan trọng là các bạn phải có thì giờ để có thể đi sâu vào nội tâm. Tôi thành thật khuyên rằng ngoại trừ bất kỳ thực hành nào các bạn đang làm, như một phần của hứa nguyện của các bạn, đối với các bạn có những hứa nguyện, các bạn cũng dùng ít nhất 20 phút mỗi ngày để thực hành shamatha, thiền định tĩnh lặng, bởi nó rất quan trọng để có thể đạt được một sự an tĩnh sâu xa. Chúng ta có trung tâm này trong ta, nó như một cái hồ yên tĩnh. Nhưng thường thì ta không thể tiếp xúc với nó. Thiền định là cách thức để có thể tiếp xúc với trung tâm bên trong của ta.

TRÍ TUỆ: Trí tuệ là tâm không dính mắc. Tâm ta thường xuyên dính mắc với mọi người, với những đồ vật, với những hồi ức, những ý kiến, với nhân dạng của ta, với người mà ta cho rằng mình là. Có người nói với tôi rằng thị kiến mà anh ta có trong tâm anh là khắp nơi bị bao phủ bởi những chiếc ngạnh nhỏ xíu, hay những cái móc nhỏ, và khi chúng ta xoay tròn, mọi sự vướng vào các cái móc, vì thế ta mang tất cả chúng theo ta. Như thế điều bí mật là rút tất cả những cái móc ra. Chúng ta đang xúc chạm tất cả những điều này, nhưng tất cả đều trượt mất, không có gì bám vào ta. Các bạn thấy đấy, vấn đề không phải là các đối tượng. Đó là điều Đức Phật nói đi nói lại nhiều lần. Những sự việc hay con người không phải là vấn đề. Vấn đề là sự vướng mắc của ta. Chính sự vướng mắc của ta đã gây nên nỗi sợ hãi.

Sự từ bỏ không phải là vấn đề bỏ đi những vật ở bên ngoài, mặc dù điều đó có thể rất ích lợi. Nhưng sự từ bỏ thực sự là từ bỏ ở bên trong: trần trụi trong mọi lúc. Chúng ta thường xuyên khoác lên mình bộ y phục là những hồi tưởng và những ý niệm: “Ta là phụ nữ, ta là đàn ông, ta là một thầy giáo, ta là bác sĩ, ta là tài xế xe buýt, ta là một tu sĩ, ta là cư sĩ, ta đã lập gia đình, ta còn độc thân, ta là một con người tốt, ta là một người xấu.”

BẠN LÀ NGƯỜI TỐT HAY XẤU, ĐIỀU ĐÓ KHÔNG QUAN TRỌNG. Toàn bộ vấn đề là - cái tôi này là ai? Nó giống như một cái cây dần dần mất đi những chiếc lá của nó – từ từ, từ từ. Vấn đề chính là một sự thiền định thực sự. Trong Phật Pháp, các giáo lý lập đi lập lại về việc nhìn mọi sự như chúng là. Và Đức Phật đã nói về điều này rất nhiều bởi hầu như chúng ta không thể nhìn những sự việc một cách trong sáng. Chúng ta chỉ nhìn thấy cách diễn giải của riêng ta, cách hiểu của riêng ta, những phóng chiếu của riêng ta.

Ở một mức độ nào đó toàn bộ cuộc sống của Phật tử chỉ là vấn đề buông xuống những gánh nặng của ký ức, ý kiến, nhân dạng mà chúng ta mang đi đây đó như chiếc áo giáp nặng nề. Nhưng tại sao lại khoác áo giáp đi đây đó? Chúng ta cho rằng nó bảo vệ ta nhưng thật ra nó cách ly ta với những người khác cũng đang mặc áo giáp. Ta có thể tưởng tượng được hai hiệp sĩ trong bộ áo giáp đang cố gắng ôm chầm lấy nhau? Đây là điều chúng ta đang làm trong mọi lúc và khi đó chúng ta tự hỏi tại sao những mối quan hệ của ta không tiến triển. Khi đó Pháp trở thành một hình thức khác của áo giáp. Giáo Pháp phải là một cách thức mang lại cho ta sự xác tín sâu xa để bắt đầu việc buông bỏ xuống, để nhận ra rằng có một cái gì khác vượt lên nhân dạng bản ngã này, đó là chân tánh của ta, và việc từ bỏ mọi sự nhận dạng khác này là điều cần thiết.

Trong việc thực hành chúng ta nên có những khoảng thời gian và thậm chí những cuộc nhập thất là lúc ta tự dành cho mình một không gian để thực sự đặt ra câu hỏi: “Ta là ai?” Một trong những mục đích của thực hành Bổn Tôn, của việc coi bản thân các bạn là Bổn Tôn, là việc nó giúp ta đối phó với vấn đề ta là ai. Chẳng hạn như chúng ta đang ngồi đây và nghĩ: “Bây giờ tôi là Quán Thế Âm, tôi có màu trắng, rực rỡ, tôi có bốn tay,” và v.v.. Điều này hết sức quan trọng, nhưng chúng ta không thực sự tin nó. Chính bởi sự mê lầm nền tảng của ta mà ta ngồi ở đó và nghĩ rằng thực ra ta là Mary Smith, giả đò rằng ta là Quán Thế Âm – trong khi dĩ nhiên sự thật là ta là Quán Thế Âm giả bộ là Mary Smith.

Tôi nghĩ rằng trong mọi thiền định của ta, đặc biệt là trong những sự quán tưởng, điều quan trọng là đi vào trái tim để nó không chỉ trở thành một sự luyện tập trong tâm. Vì thế nó rất quan trọng, chẳng hạn như nếu nói rằng một người đang lễ lạy và họ đang quán tưởng toàn bộ Cây Quy y với hàng ngàn và hàng ngàn người và Bổn Tôn và tất cả những thứ này. Người ta hoàn toàn phát khùng khi cố gắng quán tưởng tất cả những điều này và lưu giữ tất cả chúng. Điều thực sự quan trọng là có sự xác tín rằng mặc dù các bạn không thể nhìn thấy các ngài, nhưng các ngài có ở đó – sự xác quyết tuyệt đối rằng do bởi vô minh, do những che chướng của tri giác bất tịnh của ta, vào lúc này ta không thể nhìn thấy tất cả chư Phật và Bồ Tát trước mặt ta, nhưng các ngài có ở đó và luôn luôn có mặt ở đó.

Việc các ngài thực sự có mặt ở đó là một sự cảm nhận, nhưng điều quan trọng là chớ quá lo lắng. Ở chính giữa là Dorje Chang (Đức Kim Cương Trì), và chính nhờ sự cảm nhận này mà tất cả những gì còn lại cũng hiện diện ở đó. Các bạn có hiểu không? Khi các bạn đang nhìn bản thân mình là một Bổn Tôn thì cũng thế, điều quan trọng là xác tín rằng các bạn là Bổn Tôn, là ý thức về điều các ngài gọi là sự tự hào linh thánh, sự tự hào của Bổn Tôn, cảm thức rằng mặc dù tôi không thực sự nhận ra linh thánh, sự tự hào của Bổn Tôn, ý thức rằng mặc dù tôi không thể nhận ra điều đó thật rõ ràng, nhưng tôi thực sự có cảm xúc đó, một cảm xúc chân thực. Các bạn cảm nhận toàn bộ xương sống của các bạn, toàn thân các bạn đảm nhận toàn bộ sự vật khác này như thể các bạn thực sự là Bổn Tôn.

Đó là toàn bộ vấn đề của tantra – mà chúng ta đang thực hiện những sự nhận dạng sai lầm toàn bộ con đường từ đầu tới cuối. Đó là sự mê lầm của ta. Đó là lý do tại sao trong tantra, nếu chúng ta thực hiện nó một cách đúng đắn, không chỉ trong khi chúng ta ngồi cầu nguyện một thời gian ngắn, mà trong suốt cả ngày chúng ta nhìn thấy tất cả chúng sinh là Quán Thế Âm. Nó không giống như chúng ta trở nên hoang tưởng và nói: “Ồ, may quá, ta là Quán Thế Âm và như thế tất cả đều là những kẻ khờ khạo nhỏ bé đáng thương.” Tất cả chúng sinh đều là Quán Thế Âm. Chúng ta tôn kính Phật tánh bẩm sinh của họ. Mọi âm thanh đều là Om mani padme hung. Mọi tư tưởng – những tư tưởng tốt, những tư tưởng xấu, những tư tưởng ngu si, những tư tưởng minh triết – đều là sự phô diễn của dharmakaya (Pháp Thân), trí tuệ của chư Phật. Nếu chúng ta có thể duy trì cái nhìn này suốt ngày, thì có lẽ điều gì đó sẽ xảy ra. Các bạn có hiểu không? Chúng ta phải làm điều này. Nhưng chúng ta không thực hiện nó một cách cứng nhắc, nhưng với một tâm thức thật bao la và đồng thời rất tập trung, thanh tịnh và với một trái tim thực sự rộng mở. Sự chuyển hóa xảy ra tận trong trái tim, nó không xảy ra trong cái đầu. Chẳng thành vấn đề gì cho dù ta có tài giỏi tới đâu hay chói sáng tới đâu khi ban những bài Pháp thoại, hay ta đã đọc bao nhiêu cuốn sách hoặc nghiên cứu sâu rộng tới đâu. Tất cả rồi cũng dẫn tới chỗ này. Điều gì đang xảy ra trong trái tim chúng ta? Tất cả những điều đó được kết toán vào lúc cuối cùng, khi chúng ta chết. Điều gì sẽ giúp đỡ ta? Ta có được bao nhiêu trong đầu ta? Tất cả không còn nữa.

Chúng ta phải sử dụng Pháp và hoàn toàn hòa nhập nó với đời sống hàng ngày của ta tới nỗi không có sự khác biệt nào giữa chúng. Chúng ta luôn luôn cầu nguyện rằng cầu mong cuộc đời tôi và Pháp có thể đồng nhất, cầu mong chúng là một. Mọi điều chúng ta làm, mọi hành vi chúng ta thực hiện, mọi người chúng ta gặp, mọi hơi thở ta sử dụng, nếu chúng ta tỉnh giác, nếu tâm ta ở trong trạng thái rộng lớn đó, sự tỉnh giác đó, với phẩm tính thấu suốt đó, thì mọi sự sẽ viên mãn. Đức Phật đã luôn luôn nói về Trung Đạo, trạng thái ở giữa sự thái quá khi lên dây đàn quá căng khiến chúng phát ra âm thanh chát chúa, hoặc lên dây đàn quá chùng khiến chúng chẳng phát ra âm thanh nào. Chúng ta cần lên dây thật chính xác khiến nó tạo nên một giai điệu hết sức ngọt ngào. Nếu chúng ta cố gắng thì cuộc đời chúng ta cũng có thể tươi đẹp, cũng có thể là là một giai điệu đẹp đẽ./.

Tenzin Palmo

Nguyên tác: “Tuning the Mind to Make a Sweet Melody” Mandala, 3/2001 
Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên

Chú thích:

1. Lamrim (Lam-rim): nghĩa đen: “những giai đoạn của con đường,” con đường tiệm thứ dẫn tới Giác ngộ. 
2. Geshe: Thiện tri thức. Thuật ngữ thường dùng cho một vị Thầy Kadampa. Về sau nó được dùng để chỉ một tiến sĩ triết học trong phái Gelugpa.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/09/2010(Xem: 8206)
Bài viết dưới đây tóm lược lại hai câu chuyện được ghi chép trong kinh sách, tả lại những cảnh ganh tị, hận thù, tham vọng,... đã xảy ra khi Đức Phật còn tại thế.
20/09/2010(Xem: 13576)
Phật pháp như thuốc hay, nhưng tùy theo căn bệnh. Có điều, không phải như thuốc Tây, được bào chế như thế nào thì đồng loạt các người bệnh dùng như vậy, chỉ hơi khác nhau về cân lượng tùy theo thể trọng của mỗi người. Phật pháp tuy cũng một pháp môn có thể được truyền dạy cho nhiều người như nhau, nhưng để cho sự thực hành có hiệu quả hơn, cũng cần phân biệt thành phần xã hội, trình độ nhận thức, và kinh nghiệm từng trải của mỗi người mà phương pháp thực hành có thể một vài sai khác.
20/09/2010(Xem: 6896)
Đứng về mặt ẩn dụ một đóa mai, thiền sư Mãn Giác nhằm trao cho những người đi sau đức vô úy trước việc sống-chết của đời người, và nói lên sự hiện hữu của cái "Bản lai diện mục"...
19/09/2010(Xem: 7218)
Nằm cách cách sân bay quốc tế Bangkok, Thái Lan, 16 km về phía Bắc, tu viện Wat Phra Dhammakaya là khu điện thờ khổng lồ nằm ở quận Khlong Luang. Hình dáng ngôi đại Già lam trông giống một con tàu vũ trụ hay sân vận động hơn là một ngôi chùa truyền thống ở Thái Lan nói riêng và thế giới Phật giáo nói chung.
19/09/2010(Xem: 9793)
Đức Thế Tôn đã cẩn trọng để lại cho chúng ta rất nhiều tiêu chuẩn thẩm định chánh pháp như Duyên khởi, Tứ y cứ, Nhị đế, Tam pháp ấn v.v… Trong đó, Tứ y cứ là một thước đo quan trọng nhưng ít được đem ra sử dụng một cách rộng rãi và triệt để, nếu không nói là bị lãng quên.
19/09/2010(Xem: 7534)
Khoa học càng phát triển, con người càng có cơ hội hiểu thêm nhiều điều Đức Phật dạy. Giới khoa học bắt đầu tìm cách giải thích những hiện tượng, những triết lý, tâm lý… được Đức Phật nói đến trong kinh điển, như họ đã từng nghiên cứu, lý giải về các hiện tượng trong thiên nhiên, trong vũ trụ và con người. Thế nhưng, khi bắt tay vào công việc đó, họ đã gặp không ít những khó khăn, trở ngại. Có những khó khăn đi đến bế tắc. Như chuyện về xá lợi chẳng hạn.
19/09/2010(Xem: 7204)
Do ảnh hưởng từ thảm họa kép năm 2011, Fukushima - Nhật Bản đến nay vẫn còn nhiều nơi bị xem như vùng đất chết vì lo ngại nhiễm xạ, chủ yếu chỉ còn các vật nuôi bị bỏ rơi và được một người đàn ông dũng cảm ở lại chăm sóc.
18/09/2010(Xem: 15479)
Phật giáo là một tôn giáo khiêm tốn,chú trọng vào tâm linh và trí tuệ, nhắm vào mục đích giải thoát con người khỏithế giới biến động và khổ đau. Phật giáo không chủ trương tranh giành uy quyền,củng cố thế lực hay bành trướng ảnh hưởng trong thế giới Vô thường này.
18/09/2010(Xem: 9067)
Nhiều người hỏi tôi, Phật tử nghĩ gì về hôn nhân đồng tính? Vâng, vấn đề này tùy thuộc vào đối tượng mà bạn nói đến. Cách đây vài năm, trong cuộc phỏng vấn với hãng CBC, đức Dalai Lama đã bác bỏ quan hệ đồng tính, khiến ngạc nhiều người cải đạo sang đạo Phật ngạc nhiên. Đôi khi, họ quá dễ dãi cho rằng đạo đức Phật giáo là phù hợp với quan điểm tiến bộ tiêu biểu của họ. Khi cuộc phỏng vấn của người Gia-nã-đại được lên mạng internet, vài người bị choáng và bị rối, nhưng quan điểm của đức Dalai Lama đưa ra không làm ngạc nhiên đối với bất cứ ai lưu tâm theo dõi vấn đề này. Rốt cuộc thì lập trường của ngài vẫn trước sau như một. Tại một hội nghị cách đây 12 năm, khi các lãnh đạo đồng tính gặp đức Dalai Lama ở San Francisco để thảo luận vấn đề cấm Phật tử Tây Tạng phản đối việc đồng tính luyến ái, ngài đã nhắc đi nhắc lại quan điểm truyền thống rằng đồng tính luyến ái là “tà hạnh”
18/09/2010(Xem: 14991)
Phật bảo sáng vô cùng Đã từng vô lượng kiếp thành công Đoan nghiêm thiền tọa giữa non sông Sáng rực đỉnh Linh Phong
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]