Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trà Đạo

20/09/201512:30(Xem: 8407)
Trà Đạo

tra dao

TRÀ ĐẠO

Tạ Thị Ngọc Thảo


Núi là núi, sông là sông

Thiền là một chén trà nồng trên tay

Sau khi thực hành nghi thức thưởng trà với người Nhật, trong ngôi nhà Nhật, trên đất Nhật, khách đinh ninh rằng: Nền tảng xã hội và nhân cách con người Nhật Bản được xây dựng trên bốn nguyên tắc hòa-kính-thanh-tịch (wa-kei-sei-jaku), giá trị cốt lõi của trà đạo.

Hôm nay là ngày rằm, từ sáng sớm bà chủ đã ngỏ lời: “Hây, tối nay kính mời khách thưởng trà ngắm trăng với chúng tôi trong vườn nhà”.

Khi ráng chiều vừa tắt, bà chủ đưa cho khách bộ Yukata (Kymono mặc mùa hè), một đôi tất trắng, một đôi guốc xỏ ngón và một cái hoa vải màu hồng nâu. Thấy khách lúng túng, hiểu ý, bà chủ ân cần hướng dẫn khách sử dụng từng loại. Bà chủ chia sẻ: “Mặc Yukata khó nhất và đẹp nhất là cái đai quanh thắt lưng”. Miệng nói, tay làm, bà giúp khách hoàn thiện cái đai này. Bà lại hồn hậu: “Búi tóc kiểu Nhật cũng không là việc dễ”, rồi đôi tay bà chủ thoăn thoắt, chỉ mươi phút mái tóc của khách đã được búi cao lại còn giắt thêm cái hoa vải màu hồng nâu sau gáy. Khách nghĩ, mình đã tươm tất lắm rồi, thì nghe bà chủ nhắc khéo: “Mặc Yukata đôi chân phụ nữ phải được bọc trong đôi vớ trắng và bước đi với đôi guốc xỏ ngón”. Nghe lời, khách mang vớ, mang guốc rồi thử bước đi; xong, khách thầm nhủ “mang đôi guốc này mà không té là điều kỳ diệuJ”.

 Tự thấy sự chuẩn bị quá kỳ công, khách thưa thốt:“Mỗi lần thưởng trà chúng ta đều thực hiện công đoạn này sao?”. Bà chủ tươi cười: “Hây, kính mình là kính người, kính  người là kính mình, thưa bà”. Câu trả lời của bà chủ,với khách, là bài học vỡ lòng trước khi trải nghiệm trà đạo.

Cùng dự thưởng trà ngắm trăng còn có ba người bạn của bà chủ, tất cả đều là thầy cô giáo, thường đến thưởng trà trong ngôi nhà này. Trà chủ và trà khách đều dung dị, uy nghi trong trang phục Yukata. Dù là bạn lâu năm, thế nhưng khi hai bên gặp nhau, tất cả đều đứng thẳng, đôi bàn tay khép chồng lên nhau rồi cúi đầu chào trang trọng. Khách lại thêm một bài học về chữ “Kính” trong giao tiếp.

Trăng vừa nhú lên khỏi bụi cây bà chủ mời trà khách rời ngôi nhà chính. Ngăn chia giữa nhà chính và khu vườn là một cái cổng nhỏ dựng bằng tre, không có vách. Con đường (roji) trong vườn được định hình bởi những phiến đá (nori-no-ishi) cao-thấp, lớn-nhỏ, tròn-méo, quanh co, bất chợt; khiến người bước phải tập trung, phải chánh niệm. Trong tâm trạng dõi theo bước chân của mình, vô tình, trà khách đã bỏ lại bụi trần bên ngoài cái cổng không vách. Trà khách tự hỏi: “Tại sao lại nhọc công dựng một cái cổng hững hờ không vách?”. Rồi tự trả lời: “Cái cổng không vách ấy là cánh cửa lòng ta, phiền não/an vui; hạnh phúc/bất hạnh; địa ngục/niết bàn,... đều từ đó đến, đi.”

Cây kiểng trong khu vườn cũng không tự nhiên mà xanh mướt chồi non, mà rễ dài chấm đất, mà xao xác lá vàng, mà khô héo tàn tạ. Cảnh vật ấy đang ngầm trao cho trà khách triết lý sanh, lão, bệnh, tử của muôn loài. Đã vậy, trong khu vườn lại có cái hồ. Đêm nay là rằm. Vầng trăng tròn vằng vặc vừa chễm chệ trên mặt nước hồ thu đã bị một cơn gió thổi qua, mặt nước xôn xao, trăng vỡ vụn; sự chễm chệ mới đó đã tan tành! Trà khách vỡ lẽ, không tự nhiên mà có buổi thưởng trà vào đêm trăng, gia chủ đã cố ý vay mượn vầng trăng để chuyển đến trà khách sự vô thường. Khi con người ta ngộ ra sự mong manh của cuộc sống thì, tham-sân-si và lòng kiêu hãnh nhẹ tợ mây trời.

Con đường đá quanh co trong khu vườn dẫn khách đến trà thất (chashitsu) nằm chơ vơ khuất dưới thân cây cổ thụ. Trước cái thất là một cái lu bằng đá (tsukubai) đặt gần sát mặt đất, bên trong chứa đầy nước trong veo. Như một nghi lễ quen thuộc, người trước kẻ sau khiêm cung quỳ xuống múc nước súc miệng, rửa tay- một cách làm sạch thân và tâm của mình trước khi thực hành trà đạo. Toàn bộ vật dụng cá nhân của trà khách đều phải gởi lại bên ngoài cửa trà thất, kể cả cái kiếm (nếu có) - vật bất ly thân của samurai! Quan sát những việc làm đó, khách nghiệm ra rằng: Khi không còn vật ngoài thân, không vướng sở hữu, con người ta tinh khôi như trẻ mới lọt lòng.

Trà thất rộng khoảng 8m2, được dựng lên bởi tranh, tre, nứa, lá; hòa hợp với cảnh sắc thiên nhiên. Điểm tô cho ngôi nhà là những cây đèn gốm đặt ẩn vào cây, vào vách; tạo ra vầng ánh sáng ấm cúng, trang nghiêm. Cái cửa vào trà thất được gia chủ cố ý làm thật thấp, trà khách phải khom lưng mới vào được bên trong. Động tác này, một lần nữa, giúp trà khách vứt bỏ cái tôi (và cái của tôi) để thân tâm được rỗng lặng hoàn toàn. Bên trong trà thất trên vách có một bức thư họa chữ “vô”, một bình hoa và một lư đất đang tỏa hương trầm. Trà khách trang trọng quỳ xuống cúi đầu sát chiếu trước chữ “vô”. Cảnh và vật nơi này đã gieo vào lòng trà khách sự cô tịch, thanh khiết. Phải chăng chén trà là con đò đưa khách về bến hòa-kính-thanh-tịch?

Gia chủ mời trà khách quỳ xuống chiếu, rồi cả chủ và khách đều đặt hai tay sát chiếu cúi đầu chào nhau. Nghi lễ trà đạo đầu tiên là tĩnh tâm theo tư thế thiền Nhật Bản. Tiếng gió vi vu, tiếng lá xào xạc, tiếng côn trùng rỉ rả, quyện với mùi hương trầm huyền hoặc khiến trà thất tôn nghiêm, khiến lòng người siêu thoát.

Gia chủ bắt đầu bày bộ trà cụ phục vụ khách thưởng trà, rồi ân cần đặt trước mặt khách đĩa bánh ngọt (wagashi) có hình thức xinh đẹp và màu sắc tươi thắm. Khi trao và nhận đĩa bánh, chủ và khách lại cúi chào nhau. Tiếp theo gia chủ đổ nước nóng vào trà cụ, vào chén uống trà (chawan) tráng ba vòng, rồi dùng khăn (chakin) lau khô. Khi bắt tay pha trà, gia chủ nghiêng đầu mời khách thưởng bánh. Gia chủ lấy thẻ tre (chashaku) múc bột trà xanh (matcha) từ hộp đựng trà (natsume) thả vào cái chén rồi cẩn thận giằm nhuyễn bột trà. Thể hiện tính tiết kiệm cố hữu của người Nhật bà đã khỏ nhẹ cái thẻ tre trên vành chén để bột trà không rớt ra ngoài rồi cầm cái gáo tre (hishaku) múc nước nóng trong ấm đổ vào chén chè xanh. Gia chủ dùng một dụng cụ bằng tre (chasen) - có hình dáng giống trái cầu lông- đánh trà theo chữ 川 (kawa) từ trên xuống, xong đánh nhanh tay cho đến khi chén trà dậy bọt, càng dậy bọt càng ngon. Quy trình đánh trà kết thúc bằng chữ の (no) - ký tự trong bộ chữ Hiragana. Khi gia chủ pha trà, khách cảm nhận được sự chánh định của từng thao tác trên đôi tay và sự an lạc trên sắc diện.

Cầm chén trà vừa hoàn thiện bằng hai tay, gia chủ xoay ba vòng và dừng lại khi phần đẹp nhất của chén trà hướng về phía khách. Trà khách cũng đón nhận chén trà bằng hai tay  xoay ba vòng để phần đẹp nhất xoay lại về gia chủ rồi, nâng chén trà lên ngang mày vái nhẹ. Sau khi miếng bánh ngọt cuối cùng vừa trôi trong miệng, khách nhận chén trà từ tay gia chủ uống liền ba hớp, hết chén trà. Khách tỉnh lặng thưởng thức vị đắng của trà hòa quyện vào vị ngọt của bánh vừa tan trong miệng, thật lâu, thật lâu. Cuối cùng trà khách dùng khăn tay của mình lau nhẹ vệt trà xanh in trên vành chén rồi trao chén trả về gia chủ; cả hai lại cúi đầu chào nhau. Khi khách thưởng trà, gia chủ nhận biết khách đang chánh niệm, đang sống trọn vẹn với chén trà tại đây và giờ phút này.

Để buổi thưởng trà được thăng hoa, gia chủ mời khách bàn luận một đề tài đã cùng nhau định trước. Chủ đề của buổi trà đạo hôm nay bàn về bốn chữ “nhất kỳ, nhất hội” (ichigo ichie), tạm diễn ý: “Cuộc gặp gỡ hôm nay, là cơ hội duy nhất của đời mình”. Và rằng, thế giới này nhỏ lắm, xoay người lại bạn không ngờ rồi mình sẽ gặp ai. Nhưng thế giới này cũng rất lớn, xoay lưng đi là sẽ chẳng còn gặp lại. “Nhất kỳ, nhất hội” còn ẩn chứa nghĩa rộng lớn của Thiền tông: Khó khăn lắm ta mới được làm người, hãy chuyên cần tu dưỡng để trở thành người cao quý, bậc giác ngộ.

...

Việt Nam là đất nước có nhiều cây Chè và người uống trà; Thừa Thiên Huế cũng vậy. Cảnh quan Thừa Thiên Huế đẹp như một bức tranh phong thủy hữu tình. Hơn nữa, Thừa Thiên Huế có nhiều mỏ đá, nhiều tranh, tre, nứa, lá và những con người khéo tay; điều kiện cần và đủ để thực hành nghi thức trà đạo. Hãy dành vài m2 trong khuôn viên vườn nhà dựng lên một trà thất. Một bộ trà cụ mộc mạc, một bức thư pháp, một chậu bonsai nhỏ, một cái lư xông trầm, vài thanh củi khô và một nắm chè xanh là người dân Thừa Thiên Huế đã có một sản phẩm du lịch thanh cao, độc đáo. Vừa mời gọi khách phương xa, vừa chiêu đãi bạn hiền. Nhưng, để đạt được triết lý của “đạo” trong thưởng trà thì, trước hết, gia chủ phải thực hành thường xuyên hòa-kính-thanh-tịch với mình, với gia đình và với những người chung quanh.

Là một vùng đất cố đô thấm đẫm tố chất văn hóa cung đình. Là con người của kinh đô Phật giáo tiềm tàng tánh thiện sẵn có, nếu Thừa Thiên Huế không khởi xướng hòa-kính-thanh-tịch để vun đắp và duy trì đạo đức xã hội cho mình và cho người thì vùng đất nào ở Việt Nam có thể bắt đầu?

Trà đạo Thừa Thiên Huế, tại sao không?

 

----------------------

Bài đã đăng báo Thừa Thiên Huế tháng 9/2015

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/10/2018(Xem: 8205)
Niềm vui vỡ òa với một tràng pháo tay lớn của hành khách, đã kết thúc chuyến bay. Cuối cùng chúng tôi cũng đáp xuống phi trường Boston, nhìn qua cửa sổ máy bay một không gian yên bình, Boston ngập tràn trong sắc màu xanh mát, có nhiều cây xanh và những con người thân thiện mang theo nụ cười với tấm lòng hiếu khách tặng cho người phương xa, tôi đã quên hết cái mệt sau một chuyến bay dài 6 giờ.
17/10/2018(Xem: 16181)
Tu Viện Quảng Đức Gây quỹ Xây Dựng Cư Xá Quảng Đức Hình ảnh Chương Trình Văn Nghệ Gây Quỹ “Đạo Tình và Quê Hương”, chung góp một bàn tay ủng hộ Xây Dựng Cư Xá Quảng Đức, khai mạc lúc 01 giờ trưa Chủ Nhật 28 tháng 10 năm 2018 tại Tu Viện Quảng Đức, số 105 Lynch Rd, Fawkner, với 2 tiếng hát đến từ Hoa Kỳ: Nam Ca sĩ Đan Nguyên, Nữ Ca Sĩ Lam Anh, cùng ca sĩ tại Úc như Đoàn Sơn, Thái Thanh. Ban Nhạc Viễn Phương, Âm thanh ánh sáng: Quảng Đức Productions.
15/10/2018(Xem: 11461)
Mỗi lần, khi chợt nghĩ đến Thầy, tâm con lại khởi ngay lên 2 tiếng “Thưa Thầy”. Tự nhiên như thế. Có lẽ, vì nghĩ đến Thầy nên con muốn thưa Thầy những điều con đang nghĩ chăng? Từ gần hai thập niên nay, con đã nhiều lần âm thầm “Thưa Thầy” như thế, kể cả thời gian mười năm trước đó, dù chưa được diện kiến Thầy nhưng nhờ được đọc sách Thầy viết mà con có niềm tin là khi con cần nương tựa, cần dìu dắt, con “thưa” thì thế nào Thầy cũng “nghe” thấy. Vì sao con có niềm tin này ư? Há chi phải biết vì sao! Cảm nhận được như vậy đã là quá đủ, quá hạnh phúc cho con! Thưa Thầy,
15/10/2018(Xem: 5550)
Từ thế tục cho đến Tôn giáo, thậm chí có những hội đoàn, quân đội…đều có màu sắc, dáng kích sắc phục khác nhau. Nhìn vào phân biệt ngay là đoàn thể, tổ chức hay Tôn giáo nào, ngay cả trong một Tôn giáo còn có nhiều sắc phục khác nhau cho mỗi hệ phái, dòng tu…Tăng bào còn gọi là pháp phục, pháp y của Tăng sĩ nhà Phật. Từ thời Đức Phật, gọi là y ca sa, người sau gọi là “áo giải thoát, còn gọi là Phước điền y”. Ca sa phát âm bời chữ kasaya, có nghĩa là màu sắc phai nhạt, hoại sắc, không phải là màu sắc chính thống rõ ràng, chứng tỏ sắc phục Tăng sĩ không sặc sở lòe loẹt của thế gian, mang tính đạm bạc giản dị, thanh thoát.
10/10/2018(Xem: 8976)
Mùa thu rong bước trên ngàn Đừng theo chân nhé, trần gian muộn phiền! Võng đong đưa một giấc thiền Xua mây xuống đậu ngoài hiên ta bà.
10/10/2018(Xem: 7841)
Trong bài “Phật giáo như là một triết học hay như là một tôn giáo”, chúng tôi đã định nghĩa về các cụm từ: siêu hình học, vũ trụ luận và bản thể luận. Nay tôi xin ghi lại các định nghĩa này trước khi tìm hiểu Vũ trụ luận của Phật giáo (Buddhist cosmology):
04/10/2018(Xem: 7158)
Bạn đã từng nghe Đức Phật rầy la bao giờ chưa? Ngay cả nếu bạn trong một kiếp tiền thân đã từng có duyên nhập chúng trong thời cận kề các bậc thánh “Thiện lai Tỷ khưu,” cũng chưa hẳn bạn đã được tận mắt thấy Đức Phật rầy la một ai. Hiếm hoi lắm, nhưng trong kinh điển có ghi lại một số trường hợp.
02/10/2018(Xem: 8974)
Chúng ta đều biết giận là không lành mạnh, không nên và không đẹp thế mà chúng ta lại thường nổi giận. Ông Bà ta có dạy, "No mất ngon, giận mất khôn" là thế. Sau đây là 5 phương pháp thực tập để xoa dịu cơn giận và tận hưởng thời gian quý báu, quan trọng của mình với nhau. Trong cuộc sống có những điều rất nhỏ mà cũng có thể làm ta nổi giận và sự giận dữ đó có thể đưa đến tan vỡ hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc gia đình. Thật ngạc nhiên là thông thường những điều nhỏ bé ấy có thể khiến chúng ta mất bình tỉnh hay nổi giận thiên đình. Mỗi khi sự giận dữ của bạn nổ tung, thật khó để kiểm soát hay lấy lại những gì mình đã nói và làm. Tức giận, cũng như những cảm xúc khác—vui buồn, thương ghét v.v...—không phải là một điều xấu. Đó là một cảm xúc cần thiết, nhưng nếu chúng ta không kiểm soát những cảm xúc, lời nói, hoặc hành động, nó sẽ đưa ta mất niềm vui, an lạc, hoặc tệ hơn là sự cải vả để rồi đưa đến bất hoà hay tan vỡ.
02/10/2018(Xem: 20972)
Commencing at 10:00 am on Saturday, 6th October 2018 Then every Saturday from 10:00 am to 11:30am Why do we practice meditation? Modern life is stressful and impermanent. Meditation is a way of calming the mind and help us to attain more awareness, compassion, happiness, and inner peace. Discover for yourself the inner peace and happiness that arise when your mind becomes still.
01/10/2018(Xem: 7266)
Trung Thu đã qua, không có nghĩa là Trung Thu đã hết. Hương vị Trung Thu vẫn còn vương vấn đâu đây, nhất là ở những nơi vùng sâu, vùng xa, với các bé có hoàn cảnh khó khăn, Trung Thu là một niềm hạnh phúc thật giản đơn. Sáng ngày 30/9/2018, ĐĐ. Thích Thiện Tuệ cùng nhóm Mây Lành tiếp tục hành trình vi vu trên những nẻo đường đến chùa Thiền Lâm để tổ chức chương trình tu tập - thiện nguyện Trung Thu tại chùa Thiền Lâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, do TT. Thích Thông Hoà thỉnh mời.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]