Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Từ áo cà sa đến thập tự giá: một sự phá sản của tự do

08/04/201312:38(Xem: 10050)
Từ áo cà sa đến thập tự giá: một sự phá sản của tự do

TỪ ÁO CÀ SA ĐẾN THẬP TỰ GIÁ: MỘT SỰ PHÁ SẢN CỦA TỰ DO

Trần Kiêm Đoàn

Lạm dụng Tự Do để bôi bác hay xâm phạm Tự Do của kẻ khác là Một Sự Phá Sản của Tự Do.- Linh mục Aloysius Pieris


Đạo: Con Đường hay Đền Thờ?

Trong giới hạn lịch sử ngắn ngủi của loài người trên trái đất, theo nhà khảo cổ Pete Rainier, tính từ thời thượng cổ đến nay, có hơn 1000 tôn giáo đã xuất hiện. Trong đó, có chừng một trăm tôn giáo còn đứng vững cả trăm năm và một chục tôn giáo đứng vững cả ngàn năm. Trong thời đại chúng ta đang sống, những tôn giáo có tuổi cả ngàn năm cũng không nhiều, nhưng được loài người biết đến nhiều nhất vẫn là: Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, Ấn giáo.

Một tôn giáo đứng vững cả ngàn năm là một tôn giáo đã trải qua biết bao nhiêu thử thách: Thử thách của đức tin, thử thách trước những nỗ lực đả phá, thù hằn, mê cuồng và bôi bác. Nếu một tôn giáo xuất hiện mà chỉ có sự chiêm bái, tung hô và thờ phụng thì đó chẳng phải là một tôn giáo đích thực mà là một đền thờ, một nơi cung nghinh lễ bái để cho con người tới van xin và cầu nguyện! Nơi đó chỉ có chuyện kể, huyền thọai và lòng tin mà không cần đến hay không có kinh điển, triết lý, truyền thống, tu sĩ làm cơ sở. Bởi vậy, một ngôi chùa Phật giáo hay một nhà thờ của Thiên Chúa giáo hoàn toàn khác từ bản chất đến lễ nghi với đền Quan Thánh, lăng Tả Quân, Am Ông, Miếu Bà...

Nếu quan niệm tôn giáo không phải là một miếu thờ im lìm muôn năm dưới bóng cây đa đầu làng, mà là một sinh thể sống động thì phải đưa tôn giáo lên trên trục quay của cuộc sống con người. Trong lịch sử các tôn giáo ở Việt Nam, Phật giáo và Thiên Chúa giáo là hai tôn giáo lớn nhất. Và cũng vì ở vị thế nổi bật như thế, nên bên cạnh sự chiêm bái và thờ phụng xuôi chiều của tín đồ, vẫn thường xuyên có sự lên tiếng nghịch chiều từ phía bất đồng hay đối nghịch. Trong mắt nhìn của một cá nhân quan niệm tôn giáo là một con đường sinh động chứ không phải là một miếu thờ rêu mốc im lìm, tôi nghĩ rằng sự lên tiếng cho dù mang tính phê phán, nghịch chiều nhưng có phong cách thích hợp và không nhằm đả phá hay mạ lỵ một tôn giáo vẫn được coi như là một sinh hoạt tinh thần tích cực và lành mạnh. Tuy nhiên, khi luận bàn về tôn giáo, có hai điều cấm kỵ mà một tu sĩ Thiền Tông gốc người Anh, thượng tọa Biazhana đã viết trong sách Cẩm Nang của Người Tỵ Nạn rằng: "Sử dụng văn chương hý luận, lời lẽ ngạo mạn và trưng dẫn kiến thức nông cạn, lý luận chủ quan và cuồng tín khi nói về một tôn giáo sẽ không bao giờ có sức thuyết phục người đọc mà sẽ gây nên một sự phản tác dụng: Đó là người viết tự tố cáo bản chất thô bạo và sự nông nổi của chính mình"! (The Handbook for Refugees, Bataan 1982, tr. 145)

Trong một tinh thần cởi mở và đối thoại khi nói về tôn giáo như đã trình bày trên đây, tôi xin trình bày với quý bạn đọc một tập sách liên quan đến chuyện tôn giáo của Nguyễn Huệ Nhật.

Từ Áo Cà Sa đến Thập Tự Giá

Đây là tên của một tập sách tập sách dày 300 trang và in ấn cũng rõ ràng. Hình bìa chụp chân dung tác giả mặc áo cà sa vàng, đứng bên tường hoa giấy màu hồng leo quanh lưới trông lờ mờ như dây kẽm gai. Và phía góc chân trời nổi lên cây thập tự giá màu xám gắn trên một điểm tựa không có hình thù rõ rệt. Hình bìa sau là ảnh chụp của Huệ Nhật và thi sĩ Bùi Giáng.

Khi đọc và bàn một tác phẩm, nếu không phải là bạn thân, tôi rất ngại đề cập đến đời tư của tác giả. Trong trường hợp của Huệ Nhật thì lại khác. "Dữ kiện" làm nền tảng cho lý luận và chứng minh trong tập sách chính là cuộc đời và sự suy nghĩ của anh. Bởi vậy, "thân thế và sự nghiệp" của anh là linh hồn tác phẩm của Huệ Nhật. . Lối văn trong sách anh không phải là văn chương sáng tạo mà cũng chẳng phải là ngôn ngữ nghị luận mà tự luận hay tự sự thì đúng hơn. Nguyễn Huệ Nhật đã tự kể lể về cuộc đời của mình trong tập sách như sau.

Tác giả Huệ Nhật, theo tiểu sử ghi trên bìa sau của sách, cùng tuổi với tôi; nghĩa là cùng một thế hệ "chiến tranh Việt Nam" – một thế hệ mà niềm tin, tư tưởng, và ước vọng thường xuyên bị thử thách từ chân đến giả; chao đảo từ tả đến hữu; lung lay từ gốc đến ngọn theo đà ác liệt của cuộc chiến trên quê hương. Phải chăng vì thế mà tôi vừa chia sẻ nhưng cũng vừa "ngờ ngợ" khi nhận ra sự thiếu chân xác và thấy rõ nhiều điều không thật trong cái nhìn của Huệ Nhật về thực tiễn xã hội và thực trạng chính trị – mà thế hệ chúng tôi vừa là chứng nhân mà cũng vừa là nạn nhân – được thể hiện rõ nét hay bàng bạc từ đầu đến cuối tác phẩm.

Thật ra, trên tư thế của một độc giả, cuộc đời tư của tác giả có như thế nào chăng nữa cũng chẳng có gì quan trọng. Thế Lữ có tung bảo kiếm hay nằm bẹp hút thuốc phiện ở phố Khâm Thiên khi làm bài thơ "Hổ Nhớ Rừng" thì đâu có gì khác nhau khi đọc lên bài trưòng ca bi tráng bất hủ của ông. Hàn Mặc Tử có làm thơ trong cơn quằn quại đau đớn của bệnh tật thì thơ ông vẫn là những viên ngọc quý trong thi ca.

Trong phần tiểu sử và lời giải bày tâm sự, suốt một đời Huệ Nhật chưa được yên nghỉ. Như một đứa trẻ bơ vơ bị ném ra quá sớm giữa dòng đời xuôi ngược, anh đã vật vờ đi từ cực đoan nầy đến cực đoan khác. Tuổi trẻ anh vào chùa đi tu theo Phật Giáo. Sau đó anh bỏ tu lấy vợ, theo phong trào phản chiến "chống Mỹ cứu nước". Sau năm 1975, khi cộng sản vừa chân ướt chân ráo chiếm Sàigòn, anh liền lãnh đạo chương trình lo cho 1500 người hồi hương bị cộng sản nghi là CIA bỏ tù trong một thời gian ngắn (!?). Tiếp theo bị vợ bỏ, anh liền lấy vợ lần thứ hai, vợ bỏ, gia đình ruồng bỏ, anh em hất hủi, cháu chắt đánh đập, "xù Phật theo Chúa" và những sự đổi thay tương tự của anh về đời sống vật chất lẫn tinh thần.

Huệ Nhật liên tục đổi đạo, đổi đời, đổi vợ, đổi niềm tin, nên đức tin của anh cũng trôi nổi "thuận bên nào cào bên ấy", chẳng biết đâu là định hướng, bến bờ như lời nhận xét của người em ruột thịt.

"Từ một chú bé sáng trường làng, chiều chăn trâu, đã húi đầu hôm sớm kinh kệ, học hành đạo pháp, qua một thập niên lên đến chức đại đức. Thạo Phật pháp, biết rõ ngọn ngành rồi "xù" Phật. Đến cuối thập niên 70 bắt đầu biết đến kinh thánh, tin Chúa. ... Một ngày nào đó chắc anh xù Chúa của giáo phái Tin lành nhảy qua rao giảng đức tin với Mohamét." (Trang 16)

Và cũng theo dòng đối thọai giữa Huệ Nhật người em tên Thúc đó, anh đã diễn dịch ý của Thúc khi nói về hòan cảnh xuất thân của anh rằng:

"Riêng anh, nhờ cơm chùa mới có một kiến thức như ngày hôm nay. Cả gia đình anh đều là thứ lỗi đạo con khinh bố, vợ chưởi chồng. Câu văn của Thúc khá cụ thể khi diễn tả ý tưởng nầy khiến anh có cảm tưởng như em đã hàm ý cho rằng cha mẹ của anh cũng chẳng ra gì mới sinh ra một bầy con vô giáo dục như thế." (Trang 284)

Huệ Nhật còn có một người vợ thứ hai và một đứa con trai đang sống tại Mỹ. Theo Huệ Nhật thì người vợ đó nguyên là "Một đặc công trinh sát Việt Cộng và hiện đang hoạt động trong công tác kiều vận tôn giáo trong giới Tin lành tại Mỹ" (?). Cũng theo Huệ Nhật thì đứa con trai ở Mỹ đang coi Huệ Nhật "như một thằng cha khốn nạn"

Có đọc văn chương và ý tưởng của Huệ Nhật, mới thấy hoàn cảnh xuất thân của anh theo sự nhận xét của người em như trên đã góp phần chủ đạo hình thành con người và nhân cách của Huệ Nhật sau nầy.

Con người và phong cách của Huệ Nhật thể hiện qua tập sách

Tập sách "Từ áo cà sa đến thập tự giá" là một sự tập hợp tùy nghi, không có chương mục hay hệ thống rõ ràng. Đó là tập hợp những bức thư trả lời từng đọan một của Huệ Nhật cho một bức thư dài của người em tên Thúc ở Mỹ. Thư của Thúc với ngôn ngữ châm biếm, ca tụng Huệ Nhật lên tận mây xanh ở chỗ nầy; rồi mỉa mai đá anh lăn lóc ở chỗ khác. Người đọc không cần phải bận tâm đặt câu hỏi là có thật một bức thư như thế hay không? Vì dù có hay không thì đây cũng chỉ là một cách phỏng theo mô thức luận lý rất cổ điển như "Ngư Tiều Vấn Đáp" hay "Lục Súc Tranh Công" trong cổ văn Việt Nam hay kiểu "Myth" (Huyền thoại) và "Reality" (Thực chất) của Tây phương nhằm mục đích làm sáng tỏ một vấn đề còn mù mờ đang nằm trong vòng tranh cãi. "Vấn đề còn mù mờ ..." ở đây chính là cuộc đời và hành tung trình làng một cách bất nhất của Nguyễn Huệ Nhật.

Càng đi sâu vào nội dung của những điều Huệ Nhật đã viết ra, nhất là những trang anh viết về Phật giáo, tôi càng cảm thông hơn với những điều anh tự giới thiệu về thân thế và sự nghiệp của anh.

Đúng là Huệ Nhật không có "duyên" với đạo Phật thật!

Không rõ nguyên nhân là vì Huệ Nhật không được tu học và thụ giáo một cách nghiêm túc với các tu sĩ đi trước ở chùa, hay tại anh không có "căn cơ" học kinh điển nhà Phật một cách có hệ thống, nhưng rõ ràng là Huệ Nhật đã hết sức bối rối trước lý thuyết Phật học như lời anh thú nhận rằng:

"Ngày xưa đi tu trong Phật giáo, anh (Huệ Nhật) học những giáo lý sâu xa và phức tạp khiến cho sự tu hành có cái vẻ cao siêu, nhưng với anh thì rất mệt mỏi và gặp nhiều mâu thuẫn khó nói lắm." (Trang 22). Sự mệt mỏi và "mâu thuẫn khó nói" trong đức tin tôn giáo và trước những vấn nạn của triết học là bức tường lửa ngăn chận sự thâm nhập của kiến thức vào tri thức. Chính sự khẳng định nầy đã lý giải tại sao Huệ Nhật tu ở chùa trong bao nhiêu năm mà chẳng có chút "thiện duyên" nào để hiểu và hành Phật giáo.

Huệ Nhật tâm sự với người em rằng:"Anh gặp nhiều bạn bè, dù thân đến mấy họ cũng cho rằng Huệ Nhật là kẻ xù Phật hay phản đạo. Thế nhưng anh biết rất chắc là họ chưa hề thấy Phật là ai cả ngoài những trang kinh trên giấy và ảnh tượng trong chùa cộng với truyền thống tôn giáo lâu năm. Cũng có người đã cởi áo tu, ra đời sống sa đọa vẫn không bị ai nói người đó là phản đạo." (Trang 172) Có thật là Huệ Nhật không hiểu ý niệm "phản" trong đời sống văn hóa Việt Nam mang một ý nghĩa như thế nào chăng? "Phản" trong trường hợp phản quốc, phản chủ, phản đạo, phản thầy... không chỉ có nghĩa là chống lại mà còn có nghĩa là làm thương tổn, hãm hại. Chó phản chủ là chó cắn lại chủ; kẻ phản quốc là kẻ làm thương tổn đến quyền lợi và danh dự giống nòi; kẻ phản đạo là kẻ đã ra khỏi đạo rồi nhưng vẫn manh tâm bôi bác đạo. Người Việt mà đã mắng ai là "đồ phản" thì có nghĩa là kẻ đó đáng khinh khi và nguyền rũa.

Huệ Nhật chê nhiều người chưa hiểu ông Phật là ai. Riêng bản thân Huệ Nhật thì lại hiểu ông Phật như thế nầy: "Chưa ai thấy Phật bằng con mắt phàm được cả. Ông Phật thiệt bằng xác thịt cũng đã thành tro rải khắp thế giới nầy rồi. Ông Phật ý niệm là một ông Phật không phải ông Phật. Ông Phật tư tưởng lại càng không phải ông Phật. Ông Phật hình tượng lại bị giáo lý nhà Phật cho là tà đạo." (Trang 82 & 83).Nghe đến đây, có lẽ người ta thắc mắc về sự hiện hữu của ông Phật thì ít, mà thắc mắc về đầu óc của Huệ Nhật có tĩnh táo hay khôn.g thì nhiều vì không ai hiểu anh đang muốn nói lên điều gì: Là anh đang phản bác, phủ nhận hay là "tái định nghĩa" về bản chất của ông Phật?

Vì giới hạn của một bài báo, tôi sẽ không dừng lại để phân tích vô số những quan điểm và khái niệm lệch lạc – có chỗ ngây ngô và mâu thuẫn với thực tế – của Huệ Nhật trong tập sách nầy thuộc về nhiều lĩnh vực nhân sinh khác, mà chỉ xin phép dừng lại một đôi chỗ có liên quan đến Phật giáo Việt Nam thời cận đại.

NÓI VỀ TÔN GIÁO

Tưởng cũng cần nói thêm rằng, tôi là một người theo đạo Phật, nhưng lại thuộc vào hàng Phật tử không ngoan đạo. Nguyên nhân là vì tôi thường bị dị ứng với tín điều. Tôi không tin vào bất cứ điều gì vô điều kiện; dù đó là lời Phật dạy thì tôi vẫn cứ suy nghĩ quasự lý luận của đầu óc mình để xem thử điều đó có hợp lý hay không trước đã. Bởi vậy, tôi không tán đồng những phản ứng đầy cảm tính như một số Phật tử mới thọat nghe ai đả kích Phật giáo hay phê phán các thầy, các sư cô thì đã nhảy choi choi lên đòi "bảo vệ đạo pháp" rồi! Tôi quan niệm chùa là nơi để tu học chứ không phải là một đền thờ để đến đó sì sụp lạy cầu phước, cầu tài. Tôi thích lý thuyết nhà Phật không phải vì đó là tôn giáo tôi theo hay vì tam tạng kinh điển vẫn thường được các nhà học Phật đem làm núi Thái Sơn để thuyết phục người ta tin Phật, mà vì tôi có nhiều quyền tự do chọn lựa trong đạo Phật. Dù có đến chùa đảnh lễ thuần thành hay ở nhà chọn cách tu học nào cho hợp với hoàn cảnh và căn cơ của cá nhân mình thì vẫn mang ý nghĩa tích cực trong sinh hoạt Phật giáo. Con người trong đạo Phật nhìn nhau không kỳ thị sắc màu hay giả tướng vì trong mỗi ông vua hay trong từng người cùng khổ đều có Phật tánh bình đẳng như nhau. Và tinh thần vô ngã của Phật giáo làm cho người kiêu căng, khó tính nhất cũng cảm thấy nhẹ nhàng khi Phật cho rằng Tam tạng kinh điển cũng như chiếc bè dùng để qua sông mà thôi, khi qua đến bờ giác ngộ rồi thì chiếc bè cũng sẽ vất đi. Chánh pháp cũng chỉ là phương tiện dùng tạm thời, cuối cùng phải vất bỏ huống hồ là Tà pháp để bám vào đó mà cãi nhau.

Bởi vậy, mọi sự nhìn dưới nhãn quan Phật giáo đều chỉ có một giá trị biểu trưng và tương đối. Viên thuốc là ân nhân của con bệnh nhưng lại là kẻ thù của lũ vi trùng!

Tôi vẫn mến mộ một người đả kích Phật giáo có chứng lý minh bạch và luận điểm vững vàng vì họ có tâm thành và trí tuệ hơn là phải nghe một kẻ ca ngợi Phật giáo bâng quơ vì tâm mờ, trí cạn. Trong trường hợp của Huệ Nhật, vấn đề đặt ra ở đây không phải là anh đả kích hay ca ngợi Phật giáo, mà vấn đề then chốt chính là anh có đủ trình độ và kiến thức để nói về Phật giáo hay không và anh nói đến Phật giáo bằng cái tâm nào? Cái tâm của con bệnh, cái "tâm" của lũ vi trùng, hay cái tâm của một kẻ bàng quan trước viên thuốc có tên là "cứu khổ" của Phật giáo.

Bên cạnh học vấn, kiến thức và ý chí, còn phải cần đến một sức mạnh vô hình nhưng tối quan trọng để hiểu Phật giáo: Đó là cái Tâm. Ngày xưa, Lương Vũ Đế hỏi sư Tịnh Quang:

- Tam Tạng Kinh Điển của Đạo Phật bao la quá, đọc cả đời người không hết. Có cách nào rút ngắn được chăng?

Sư đáp:

- Tâu bệ hạ, ngắn bao nhiêu là vừa!

Vua hỏi:

- Chừng nào là ngắn nhất?

- Một chữ!

- Chữ gì mà nhiệm mầu đến thế?

- Chữ Tâm!...

Năng lực của Tâm trong đạo Phật cũng như nhịp đập của trái tim trong thân xác con người. Người không có trái tim là người máy. Học Phật mà vô tâm là dính mắc vào một "cuộc du hành tôn giáo" không có lối ra; là đang gối đầu lên biển trầm luân mà cứ ngỡ rằng mình đứng bên bờ giác ngộ.

Càng tìm hiểu về Phật giáo tôi lại càng ít ngạc nhiên hơn về "tà kiến" và "chánh kiến" thường xuyên tranh đấu và hiện diện trong mỗi con người. Bởi vậy, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có trường hợp như Huệ Nhật, một người đi tu và ăn cơm chùa mòn răng trong bao nhiêu năm mà vẫn chưa hiểu gì hay hiểu theo "tà kiến" của bản thân mình về đạo Phật, chỉ vì vắng bóng cái Tâm chân chính. Trong lúc cái tâm trung thực tự nó đâu cần phải vào chùa hay tụng kinh gõ mõ mới cóđược.

1. HUỆ NHẬT TU NHẬP VÀ TU XUẤT NHƯ THẾ NÀO?

Từ một làng nhỏ ở Quảng Trị, Nguyễn Đạo Ủy (tên thật của Huệ Nhật) cùng người anh ruột đã xin đi tu theo đạo Phật tại Huế. Sau đó các thầy ở Huế gởi anh vào học học tại Nha Trang. Ở Huế và Nha Trang, anh chỉ ham "lên thánh" bằng con đường tắt qua hành động tự thiêu nên bị đồng môn và quần chúng giễu cợt đặt tên là "Thánh Chuối!"

Huệ Nhật đã lập đi lập lại nhiều lần từ đầu đến cuối tập sách về cái gọi là "tự thiêu hụt" của anh. Đời này đã "hụt" rồi thì không tính. Trúng số hụt thì vẫn nghèo, tình hụt thì vẫn cô đơn. Tổng thống hụt thì vẫn là dân thường. Tự thiêu hụt thì vẫn sống như muôn ngàn người khác. Tuy nhiên, trong trường hợp Huệ Nhật, anh lại quan niệm khác: Đã không tìm được vinh quang trong cái "trúng" thì cũng ráng tìm hơi hưởng trong cái "hụt". Anh nhất quyết không chịu để tay trắng bàn tay mà cần phải nắm được một cái gì, dù vật đó có thể làm cho bàn tay anh vấy bẩn.

Lần thứ nhất, Huệ Nhật kể lại rằng, năm 1963, khi mới 18 tuổi, vừa mới đi tu theo Phật Giáo được 4 năm, anh đã tình nguyện tự thiêu 2 lần: Một lần tại Nha Trang, tháng 8/1963 và cả hai lần đều bị từ chối. Thế nhưng sau đó Huệ Nhật đã được giới tu sĩ Phật Giáo và Phật tử coi như một vị "thánh sống". Sau đó Huệ Nhật laị bay về Quảng Trị và tình nguyện tự thiêu tại Huế, tháng 10-1963 và cũng bị từ chối (Trang 246-254). Đâu là sự thật về "lịch sử tự thiêu" của Huệ Nhật?

Về mặt nguyên tắc: Trong năm 1963, đã có 7 tu sĩ Phật giáo tự thiêu, gồm 2 Hoà Thượng và 5 Đại đức (tuyệt nhiên không có một vì nào thấp hơn hàng đại đức hay ở lứa tuổi mới qua khỏi vị thành niên hoặc còn ở hàng sa-di như Huệ Nhật cả). Tự thiêu đối với Phật giáo là một sư hiến dâng nhục thể để cúng dường tam bảo, vì vậy hình thức cung hiến nầy mang một ý nghĩa rất thiêng liêng và cao cả. Huệ Nhật thuở đó mới 18 tuổi đời, vào ở chùa 4 năm, nếu chịu tu hành nghiêm túc cũng chỉ mới lên được hàng sa-di, nghĩa là một chú tiểu ở chùa, chưa được đứng vào hàng ngũ tham gia những sinh hoạt bên ngoài của giáo hội. Thế mà anh tự "phong thánh" cho mình với những sự việc bịa đặt có vẻ như đã được giáo hội chấp thuận trên nguyên tắc để đứng vào hàng "tu sĩ chuẩn bị tự thiêu".

Về mặt sự kiện: Tại Huế, có hai cuộc tự thiêu. Vụ đầu tiên là Hòa Thượng Thích Tiêu Diêu ngày 26-6-1963 và vụ thứ hai là Đại đức Thích Thanh Tuệ ngày 15-8-1963. Thời đó danh sách các tu sĩ tình nguyện lên tới 36 vị, nhưng giáo hội đã chấm dứt việc tự thiêu vào tháng 8-1963. Trong lúc đó Huệ Nhật lại xin tự thiêu vào tháng 10-1963. Oái oăm hơn nữa là địa điểm dự trù là Khách Sạn Thuận Hóa, trong lúc Khách Sạn Thuận Hóa lại nằm ẩn kín sau Morin, ít khi có bóng người lai vãng.

Tôi chỉ trình bày sự kiện, còn kết luận thì xin để dành cho bạn đọc.

Chính Huệ Nhật đã trả lời ngay trong tập sách của anh ta: "Khi còn nhỏ, anh mơ ước đi tìm chân lý như thái tử Tất Đạt Đa. Cạo đầu cầu đạo đi tu. Đang học đạo anh tình nguyện tự thiêu chống bất công tôn giáo ở miền Nam, vì lúc ấy anh tin rằng đó là cách tìm gặp chân lý mau nhất, nhưng suýt nữa mà anh bị Việt Cộng lợi dụng tổ chức cho cái chết của anh dưới danh nghĩa hy sinh cho Đạo Pháp" (Trang 73&74).

Huệ Nhật lại phạm thêm một lỗi lầm nghiêm trọng nữa là chụp mủ phong trào tranh đấu Phật giáo và các tăng ni tự thiêu là "Việt Cộng tổ chức cho cái chết...". Huệ Nhật lại lún sâu và sự suy diễn ngô nghê của anh bằng những chuyện "thiên hạ đồn rằng" không có một căn cứ nào để kiểm chứng. Như trường hợp anh minh họa thêm rằng một trong những nhà sư cầm đầu phong trào Phật giáo đòi quyền bình đẳng tôn giáo ở Huế là thượng tọa Trí Quang đích thị là cộng sản: "Ông Thiệu tạo thêm sự phân rẽ vốn đã sâu sắc trong hàng ngũ Phật Giáo bằng sắc luật 23/67 để đánh gục con sư tử tôn giáo chuyên môn tự thiêu tuyệt thực chống các chính quyền miền Nam một cách quá trớn. Hồi đó nếu ai nói rằng có bàn tay cộng sản đạo diễn trong hàng ngũ Phật Giáo thì bị nhiều người chống đối. Thế nhưng sau 30-4-1975, anh mới biết hòa thượng Trí Quang đã làm việc theo Việt cộng tới cỡ nào." (Trang 108).

So với những "chuyên gia chụp nón cối" khác thì Huệ Nhật bị lạc hậu gần hai thập niên. Chụp mũ là một hiện tượng tiêu cực và bế tắc hàng đầu của tri thức. Đó là sự lười biếng của lý luận và hiện tượng cùn nhụt của trí óc vì khi dùng con bài triệt "thân cộng" chận đường đối thoại rồi thì chẳng còn gì để nói ngoài tiếng vo ve của định kiến và hí lộng của hận thù.

Sau khi dùng một loai ngôn từ và lý luận mạt hạng nhất để nói đến các lọai chuột bẩn thỉu nhất, Huệ Nhật lại viết: "Có hai con chuột áo vàng nằm trong Mặt Trận GPMN là là hai hòa thượng đỏ Thích Thiện Hào và Thích Minh Nguyệt. Sau nầy người ta hai vị đại lão hòa thượng nầy là đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam. Họ có con, dâu, rể đùm đống đầy đàn... Cộng sản đã mặc áo cà sa cho đảng viên lên lãnh đạo tôn giáo." (Trang 109)Dù hư thật không rõ nhưng đây không phải là Phật giáo, mà đây hiện tượng cá nhân giống hệt như trường hợp Huệ Nhật bỏ tu ra đời lấy nhiều vợ. Tôn giáo nào cũng có trường hợp ngoại lệ tương tự. Hành động lấy ngoại lệ để làm điển hìnhnhằm bôi bác Phật giáo là một tiểu xảo bất lương của Huệ Nhật, nên tránh để đủ lớn làm người.

Lần thứ ba vào cuối năm 1964, tại Nha Trang Huệ Nhật lại xin tự thiêu, đã không được ai coi ra gì lại bị mang một tên mới là "Thánh Chuối" vì bị người dân thường và giới tu sĩ coi như một tên vô lại. Vì vậy, như Huệ Nhật đã ghi lại: "Khi nhìn biết một sự ganh ghét xấu xa, những hành vi gỉa hình của người tu sĩ thuộc bậc anh, bậc thầy của mình, anh có cảm giác gớm ghiếc, khinh bạc và nghĩ đến cái chết để được giải thoát. Anh cảm thấy cần một cái chết để giải quyết những hậu quả phiền toái về sự sống sót của anh." (Trang 258).Những trang tiếp theo, Huệ Nhật đã dùng đến những lời lẽ thô thiển theo kiểu của anh để thóa mạ hầu hết hàng hòa thượng, thượng tọa lãnh đạo cao cấp của Phật giáo còn tại thế hay đã viên tịch. (Xin xem từ trang 246 đến 273)

2. HUỆ NHẬT ĐÃ "XÙ PHẬT" NHƯ THẾ NÀO?

"Xù Phật", chỉ là một lối nói đầy dung tục của Huệ Nhật để chỉ hành động tu xuất của anh. Thật ra thì Huệ Nhật chưa đủ "nội lực" để biện minh và bảo vệ cho chính bản thân mình nên tới đâu cũng bị người đời đánh đập và ruồng bỏ như anh đã tự ý trình làng: Thầy đánh, bạn đánh, cháu chắt đánh, vợ đánh, người Việt tỵ nạn ở Đức đánh (Trang 74, 81, 130, 148, 251, 269...). Thế nhưng anh vẫn cố cãi chày cãi cối để biện minh cho hành động "xù Phật" đã hằn sâu mặc cảm xấu xa trong lòng anh. Phương pháp "biện giải" của Huệ Nhật là lối dùng hình thức so sánh và tương phản (contrast) trong luận lý học cổ điển. Anh đã dùng tiền đề phủ định để cố gắng phủ một lớp sơn u ám phát ra từ trong trí anh vào Phật giáo để cố giải thích vì sao anh quay lưng với đạo Phật.

Để giải thích cho hành động bỏ đạo Phật theo đạo Chúa của mình, Huệ nhật tự so sánh mình cũng giống như đức Phật Thích Ca và đức chúa Giê-Su: "Khi em nói tới chữ lừa thầy phản đạo là đã bày tỏ một tinh thần hẹp hòi, nông cạn, không hiểu gì về ý nghĩa của đạo. Anh phải nhắc lại một lần nữa là chính Đức Thích Ca cũng đã mang tiếng lừa thầy phản đạo sau khi rời bỏ con đường tu khổ hạnh với năm anh em Kiều Trần Như, Ác Bệ, Ác Đà... Một trong những lý do mà nhóm thầy tu Biệt Phái (Pha-ri-si) kết án chúa Jesus để đónh đinh Ngài cũng là vì họ cho rằng Chúa Jesus đã hủy bỏ truyền thống có sẵn trong đaọ Do Thái (phản đạo)!" (Trang 289).Sự so sánh khập khiểng của Huệ Nhật là một thái độ gàn bướng của kẻ cho rằng "Thánh nhân cũng như Thằng Cuội. Đều có cái đầu mà chẳng có cái đuôi!" Phật bỏ năm anh em Kiều Trần Như để tìm chánh pháp và khi tìm được rồi thì trở về hóa độ cho họ. Chúa không chấp nhận giáo luật Moses của Do Thái giáo để tìm đường cứu chuộc trong sự mặc khải của Thượng Đế: Đó là hành động của những bậc đại trí, đại dũng. Huệ Nhật không hiểu nổi Phật giáo lại bày ra trò "xù Phật" và nói xấu Phật giáo: Đó là hành động của kẻ đại cuồng, đại phản. Đem so sánh sự cứu nhân độ thế của bậc thánh nhân với hành động ích kỷ tự cứu mình của kẻ phàm phu là một sự xúc phạm sự tôn nghiêm cần thiết của một tinh thần lành mạnh khi bàn về tôn giáo. Huệ Nhật tuyệt nhiên không có tinh thần lành mạnh đó trong suốt tập sách hỗn độn của anh.

Rõ ràng là Huệ Nhật muốn xây dựng luận điểm rằng anh bỏ đạo Phật qua đạo Chúa vì đạo Phật không phải là chánh đạo: "Đối với những bậc thầy của Ngài như năm anh em Kiều Trần Như, Ác Bệ, Ác Đà... Ngài cũng lìa bỏ khi nhận ra rằng những người nầy không dạy cho mình chánh đạo." (Trang 288)Nhưng không rõ vì không thuộc bài hay quẩn trí vì cố biện minh cho cái tôi đã quá tả tơi của mình, anh "phang" luôn cả đạo Chúa: "Anh tin Chúa trong hoàn cảnh bị CS khủng bố, chứ không phải tin Chúa để kiếm mùng mền cơm gạo như nhiều người Việt Nam trong Chiến Tranh. Những người Việt Nam đã theo Chúa vì muốn có hàng viện trơ của Mỹ ngày xưa chẳng có phước hạnh gì hơn." (Trang 289).

Huệ Nhật đã lửng lơ mô tả hàng ngũ tu sĩ Phật Giáo cũng toàn là gống "độn căn" như anh khi còn ở chùa, rằng: "Cũng có những người ăn cơm chùa từ khi còn rất nhỏ, nhưng trí óc thuộc loại độn căn; học thêm một chữ là đã quên đi hai chữ, vì thế khi lớn lên chỉ ở trong chùa, dù rất muốn ra đời cũng không dám ra. Ngày nay những người ấy trở thành những bậc sa môn. Chễm chệ làm ông thầy. Chỉ ngồi niệm hai chữ Nam Mô là cả vạn người nghe theo dâng đầy tiền của. Tu lâu phải thành sư cụ. Anh bước ra khỏi chùa để sống thật với con người mình hơn." (Trang 288)

Huệ Nhật phản bác" giáo lý nhà Phật một cách hơi bất thường vì sự đơn giản và nông cạn như là: "Phật giáo rất rộng nên đúng và sai không có biên giới. Có khi bỏ Phật mà lại đúng hơn là cứ đường đường theo đạo Phật một cách hữu sắc vô hương. Phật Giáo là một tôn giáo có nhiều giáo lý mênh mông bát ngát đến nỗi người đi theo có khi đã đi lạc đường gần hết một đời mà vẫn không biết. Nhưng đức tin đi trong Chúa là đi trong Đường Hẹp, bước ra khỏi Kinh Thánh là thấy lạc đường ngay. Ngày nay có một số giáo hội vẫn thờ Chúa, nhưng không làm theo kinh Thánh. Nhiều tín đồ của họ không hiểu gì về Đấng mà họ thờ cả." (Trang 171) Huệ Nhật đã quên người xưa từng dạy: "Biển rộng mặc biển, thuyền chèo có ngăn". Không lẽ biển phải mang tiếng phụ bạc thuyền con chỉ vì biển quá rộng; hay Phật giáo sai chỉ vì lý thuyết đạo Phật quá mênh mông mà Huệ Nhật không đủ sức để lãnh hội?

Và Huệ Nhật đã lái (hay dựng đứng) chuyện bôi bác riêng tư của gia đình anh thành chuyện ô uế trong giới tu sĩ Phật Giáo:"Nghiệm thấy con đường đi tu không dễ gì tìm ra chân lý, anh cởi áo tu để mặc lại chiếc áo người phàm., chiếc quần người trần tục. Một năm sau khi cởi áo thôi tu. anh lập gia đình, nhưng bị một người bạn đang làm đại đức đến nhà ngủ ké với vợ mình." (Trang 74)

Huệ Nhật cũng liều lĩnh đưa ra một con số tưởng tượng mà anh ta tưởng là sẽ không còn ai kiểm chứng được:"Vì yêu các vị tu sĩ Phật Giáo mà anh rất lấy làm đau xót và tức giận khi được đọc hồ sơ của 240 vị sĩ quan tuyên úy Phật Giáo trong quân lực VNCH. Trong 240 vị đã có trên 225 vị bị lính viết thư tố cáo lên nha tuyên úy Phật giáo về việc thầy thích ăn chơi, cò hầu hết đều có dính vào những chuyện phù phiếm tào lao điên khùng khác." (Trang 209) Trong trường hợp nào và với tư cách gì mà Huệ Nhật lại đọc được toàn bộ hồ sơ mật của Nha Tuyên Úy Phật giáo?!

Nói tóm lại là Huệ Nhật đã chủ quan đánh giá người đọc quá thấp nên lẩn thẩn tung hỏa mù, dựng chuyện mà người đọc không có cơ sở kiểm chứng để bôi bác các nhà tu và Phật Giáo bất cứ lúc nào và chỗ nào có thể chen vào được để biện minh cho mặc cảm nặng nề về hành vi lừa thầy phản đạo (chữ của chính Huệ Nhật) của anh.

3. HUỆ NHẬT ĐÃ VIẾT VÀ LÁCH NHƯ THẾ NÀO?

Trong một tập sách giới hạn, Huệ Nhật đã cố gắng "bao sân". Anh viết nào là Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Trời, Phật, Chúa đến mọi khía cạnh khác như chính trị, quân sự, kinh tế, hoà bình, chiến tranh, quốc gia, cộng sản, tiền, tình, yêu, ghét, thơ, phú... đủ thứ! Huệ Nhật đã vận dụng được một mớ kiến thức hỗn hợp nhiều món. Một mớ kiến thức không phải lĩnh hội từ sự tham khảo, học hỏi, nghiên cứu có phương pháp hay từ sự suy tư nghiêm chỉnh mà chỉ là những mẩu chuyện vặt vảnh như lời "thiên hạ đồn rằng" hay qua những "mẩu chuyện quanh bàn nhậu".

Và cũng vì thiếu một căn bản học hỏi nghiêm túc như vậy nên Huệ Nhật không phân biệt được giữa sự kiện và tin đồn; giữa diễn dịch và thực tế. Vì vậy, anh đã lẫn lộn từ đầu chí cuối giữa thực chất và huyền thọai khi viết về tôn giáo; bối rối giữa quan điểm chủ quan và luận chứng khách quan khi lạm bàn đến chính trị và xã hội; hấp tấp nhìn sai lạc giữa điều anh muốn mà không xảy ra và điều đã xảy ra ngòai ý muốn của anh.

Người đọc có cảm tưởng là Huệ Nhật sống trong thế giới bị bưng bít ở quê nhà, thiếu thông tin về thế giới bên ngoài, nên anh đã đánh giá trình độ của người Việt ở Hải Ngoại quá thấp. Cái nhìn phiến diện nầy đã dẫn anh tới tình trạng chủ quan và tùy tiện nên anh mới có can đảm diễn thuyết vung vít, tha hồ múa gậy vườn hoang mà bất cần thiên hạ đến như thế.

Huệ Nhật lại càng tỏ ra quá hời hợt, không chịu tham khảo những dữ kiện lịch sử khi quay đầu nhìn lại dòng lịch sử cận đại. Vì vậy mà rất nhiều chỗ trong tập sách của anh, Huệ Nhật đã nói về những nhân vật chính trị, quân đội miền Nam một cách thiếu thận trọng. Chẳng hạn như khi nói về tổng thống Ngô Đình Diệm, anh viết:

"Không phải nhà truyền giáo nào cũng theo đế quốc như người ta nghĩ, cũng như tất cả những người Phật Tử đều theo Việt Cộng như gia đình tổng thống Ngô Đình Diệm nghĩ. Những nghi ngờ thiển cận ấy đã vô tình tạo ra nhiều tai họa phân rẽ trong dân tộc chúng ta..." (trang 28)

Hoặc là: "Tổng thống Diệm đã đầu tư vào sự tiêu diệt những người chống cộng như Phật giáo Hoà Hảo, và Hội Phật Học VN thay vì xây dựng tình đoàn kết với các tôn giáo ấy... Tổng thống Diệm chỉ bao thầu ý thức chống cộng trong hàng ngũ Công gíao thiểu số của miền Nam, và dựa vào số người Công giáo di cư chống cộng. Đó là sự thiển cận tai hại mà chúng ta phải học để tránh." (Trang 106)

Khi nói về Tin Lành là đạo mà Huệ Nhật mới theo sau này thì anh cũng gây nỗi hoang mang không biết đâu chân giả trong đạo nầy chỉ vì giận cô vợ bạc tình. Huệ Nhật lý sự nghe thú vị như chuyện phòng the:

"Cộng Sản đã phá tan tình chồng nghĩa vợ của gia đình anh, chúng xúi bà vợ "tài ba" của anh ăn cắp đứa con trốn ra nước ngoài làm công tác kiều vận trong giới Tin Lành. Bà ta trở nên một nhà giảng đạo thành công đến nỗi đã dạy cho con anh coi cha nó như một thằng khốn nạn." (Trang 75) Đến đây, Huệ Nhật lại một lần nữa tạo nên sự thắc mắc về sự liên hệ giữa nhân cách của anh và việc giảng đạo của vợ anh. Những nhân vật khốn nạn trong tôn giáo là những thành phần bội phản. Đừng nghi cho ai cả mà hãy tự mình soát xét lại chính mình.

Các mục sư Tin Lành không đáp ứng yêu cầu của Huệ Nhật thì anh cho rằng"...Vì họ đã bị bà ta chinh phục!"(Trang 236).

Sau đó Huệ Nhật lập đi lập lại nhiều lần về đức tin của mình đối với Thiên Chúa, quyết theo Chúa để tìm sự sống đời đời. Tiếp đến anh trình bày với người em về "đức tin" của mình đối với tiền.Anh viết: "Trong tình anh em, anh có thể nói rằng tôn giáo nào cũng có tiền và cũng có kinh doanh cả. Tôn giáo là một môi trường "kinh doanh" béo bở. Riêng tiền dâng hiến của hàng tỷ tín đồ cũng đã nhiều lắm rồi. ... Đối với anh, nghèo cũng là một sự phước hạnh, mặc dầu anh vẫn muốn mình giàu." (Trang 25)

Nhiều bạn đọc đã phát biểu là họ cảm thấy "ngượng" khi Huệ Nhật hò hét về "tình yêu Thiên Chúa" đã mặc khải trong anh. Bằng một lối diễn đạt văn chương phi nghệ thuật, Huệ Nhật đã làm cho hình tượng vốn thiêng liêng và cao cả của Chúa trở thành dung tục, tầm thường như một dụng cụ trong bàn tay vụng về và trong tâm hồn "rỗng" màkhông "lặng" của anh. Đúng như lời của thánh Thomas trong Đấng Tối Cao (The Oneness): "Sự tôn xưng đấng Thiêng Liêng bằng sự ồn ào, vội vàng, thô thiển và vô hồn là một cách nói khác của sự mạ lỵ đối với Người".

Trong Phân tâm học tôn giáo và chính trị, khi phân tích về tâm lý bất bình thường của những người bị lâm vào cảnh "mất chân đứng", nhà tâm lý học thời danh Erik Erikson, đã dùng một thuật ngữ là "Sham Enlightenment", xin tạm dịch là "Trá Ngộ" (phản nghĩa với Giác Ngộ). Theo Erikson, thì "Trá Ngộ" là sự biểu hiện một cách giả dối đầy kich tính của một kẻ man trá, làm trò xiếc để lấy lòng đối tượng mà anh ta chủ tâm lợi dụng. Thí dụ như trường hợp của một gã làm ra vẻ yêu đương da diết một người đàn bà mà anh ta chẳng thực lòng yêu thương, nhằm mục đích lợi dụng tống tiền và tống tình nạn nhân đáng thương đó; hoặc một người làm như hết mình tin kính và tuân phục tuyệt đối một ông vua, một lãnh tụ hay một vị giáo chủ... để có cơ hội tiến thân, thủ lợi trong vùng ảnh hưởng của nhân vật lãnh đạo nầy; hoặc đứng về phía nầy để lớn lối đả kích chống báng phía kia nhằm lấy lòng quần chúng xung quanh mình, đang ở thế đối lập với phía bên kia. Sự biểu hiện rất dễ quan sát của khuynh hướng "trá ngộ" nầy, theo Erikson, là sự thay đổi lập trường, đức tin, ngôn ngữ, phong cách... một cách đột ngột song song với lời lẽ, ngôn ngữ nói ra đầy vẻ tha thiết, nhiệt tình hay năng nỗ một cách bất thường... ( Sham Truth., Norton, NY. 1968)

Đọc tập sách của Huệ Nhật, theo dõi những "chiêu thức" của anh nói về Chúa và nói về Cộng sản, tôi bỗng cảm thấy phân vân không biết có bao nhiêu phần trăm Trá Ngộ và bao nhiêu phần trăm Giác Ngộ trong tận cùng ý thức của anh hay tất cả chỉ là một trò Trá Ngộ đen tối để mong kiếm một chỗ dung thân theo con đường "tỵ nạn"!

Nói về Cộng Sản, anh có thể dùng lời lẽ dao to búa lớn hay dùng bàn tay sắt bọc nhung. Nhưng nói về Chúa, về Phật thì xin hãy nói bằng cái đầu lương thiện và cái bụng chân thành. Sự hồ đồ và tiểu xảo của Huệ Nhật chắc chắn sẽ còn kéo dài và rất có khả năng đánh lừa được một số người cả tin vào những chuyện bịa đặt và những lý luận viễn mơ của Huệ Nhật. Sự bất lương tri thức của Huệ Nhật sẽ gây tác hại không nhỏ cho tinh thần học hỏi và sự đoàn kết giữa đạo Phật và đạo Chúa trong cộng đồng người Việt tại Hải Ngoại. Nhất là khi Huệ Nhật xảo quyệt khai thác triệt để tinh thần chống Cộng của quần chúng để mưu lợi cá nhân.

Khi thẳng thắn nhận diện và phân tích một nhân vật đòn phép, đầy trá ngụy từ trong ra tới ngài nước như Huệ Nhật, tôi hoàn toàn không có sự liên hệ hay tình cảm thương ghét gì với anh cả. Tôi chỉ muốn được làm một người tình nguyện quét lá sân chùa (và nếu cần cũng xin được quét lá sân nhà thờ) để làm cho những ý hướng về tôn giáo được nghiêm trang và trong sáng hơn. "Văn tức là người", tôi tiên liệu và chấp nhận một thái độ phản ứng từ phía Huệ Nhật cũng sẽ đầy dẫy những điều tồi tệ và bôi bác như chính văn phong, con người và tư cách của anh đã do anh kể ra trong sách anh viết.

Thời tiểu học, tôi theo học trường "Đạo". Đó là trường Phan Thiện ở Dương Sơn. Tôi đã làm quen với khung cảnh nhà thờ có tiếng chuông đổ dồn mỗi sớm, mỗi chiều từ tháp chuông cao vút. Làm sao tôi quên được Cha Huỳnh trong bộ áo chùng đen; Chị Hường, Chị Ngôn trong chiếc mũ cuốn và bộ áo dòng tu màu trắng trinh tuyền. Tuổi thơ nghe đến danh xưng của Chúa, của Trời thật êm đềm và dịu ngọt. Khi lớn lên, suốt 5 năm học ở Văn khoa và Sư phạm, tôi lại được học với các linh mục. Từ cha Thích đến cha Phương, cha Huynh, cha Lan, cha Nhã... mỗi cha có một cách nói riêng, nhưng khái niệm về Chúa, về Thượng Đế, về đức tin và sự cứu rỗi của Thiên Chúa giáo do các Chị, các Cha thuở đó nói ra sao mà gần gũi, ấm áp và thân tình đến thế. Trường "Đạo" đã làm phong phú tâm hồn và trí óc của tôi bên cạnh "vốn liếng" về Phật giáo đã un đúc từ thuở nhỏ. Hiện tại, tôi là giáo sư thỉnh giảng của PLU (Pacific Lutheran University) của Tin Lành. Tôi đã quen sống và suy nghĩ không hề có sự kỳ thị tôn giáo. Phải chăng vì thế mà khi đọc Huệ Nhật viết về Phật, về Chúa tôi lại không thể thản nhiên và cảm thấy như cả Chúa và Phật đều bị xúc phạm qua cách diễn đạt về yếu tính của tôn giáo và hình tượng của các đấng thiêng liêng vừa vụng, vừa thô, vừa gượng gạo của anh. Người đọc dù dễ tính đến đâu cũng cảm thấy được Huệ Nhật viết với một mảnh linh hồn thiếu chơn chất (tôi tránh dùng từ ba xạo). Anh ta như một kẻ bước đi trong cánh rừng (tư tưởng tôn giáo và triết học), lẩn quẩn vì những hệ lụy nhân sinh chồng chất không tìm được lối ra. Bị lạc đường, Huệ Nhật laị cho là "rừng lạc" chứ không phải mình lạc. Sở dĩ Huệ Nhật bị lạc đường là vì anh cứ loay hay đi tìm nhặt những cọng rác và những cành khô tầm thường đã bị thời gian hủy hoại trong cánh rừng thâm u và xanh thẳm mênh mông. Anh đã đi qua nhưng lạc mất lối về. Rồi anh ngồi lên trên đống rác để kêu gào rằng: "Than ôi! sao cánh rừng chỉ là một đống rác thế nầy!"Huệ Nhật mãi mê nói về con sâu trong nồi canh mà cứ ngỡ là đang nói về nồi canh; cũng như anh đã miệt mài nói về vài ba hiện tượng "xì căng đan" thường tình trong tôn giáo, lại tưởng lầm là đang nói về đạo Phật hay đạo Chúa.

Vừa thoát ra khỏi chiếc cũi sắt của guồng máy kiểm duyệt quá khắt khe, Huệ Nhật tung mình "phát huy quyền tự do" cho thỏa thích. Dù những điều Huệ Nhật sơn phết hay rao bán không trúng trật vào đâu thì cũng là chuyện đời thường. Tuy nhiên, hiện tượng mấy bác trong Hội Thơ Tà Tử Việt Nam Hải Ngoại tại Sacramento, thủ phủ xứ California đã gây ra một ấn tượng không thật, nhất làđã tạo cho Huệ Nhật một ảo tưởng "nổi tiếng" trong thị trường văn chương chữ nghĩa tiếng Việt chợ chiều ở Mỹ. Thế thì quả thật quý bác thi sĩ đã "Yêu nhau như rứa, bằng mười phụ nhau!" rồi đó.

Trong tinh thần văn nghệ và thân hữu, tôi muốn được thưa với bác Chủ Tịch Hội Thơ Tài Tử Như Hoa Lê Quang Sinh một đôi điều rất nhỏ.

4. VAI TRÒ CỦA NHÀ THƠ LÊ QUANG SINH

Như ở phần trên tôi đã có dịp trình bày, anh Lê Quang Sinh trên danh nghĩa đương kim chủ tịch Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại, có "bản doanh" đóng tại Sacramento đã đứng ra đảm nhiệm việc bảo trợ, giới thiệu, quảng cáo, và phát hành rộng rãi tập sách "Từ Áo Cà Sa đến Thập Tự Giá" của Nguyễn Huệ Nhật.

Vì nhận thấy nội dung của tập sách nầy là một hành động thiếu ngay thẳng nhằm bôi bác, triệt hạ uy tín và danh dự của Phật Giáo nói riêng và nhận định sai lạc về các tôn giáo khác cũng như các nhân vật lịch sử nói chung với khả năng và kỹ thuật hết sức vụng về và thô thiển, tôi cũng đã hai ba lần trực tiếp trình bày với anh Lê Quang Sinh về ảnh hưởng tác hại của nó trong tập thể người Việt. Tôi cũng đã nhấn mạnh với anh Sinh rằng, anh ở trong một vị thế rất tế nhị là trưởng một hội thơ được nhiều người biết đến, đặc biệt là đồng hương Việt Nam và anh chị em trong giới văn bút đã dành quá nhiều vinh dự, có khi còn vượt quá cả tài năng và thực lực của anh. Hơn thế nữa, anh Lê Quang Sinh là một tín đồ Thiên Chúa Giáo, nên việc anh đứng ra cổ xúy và phát hành một tập sách bôi bác Phật Giáo như thế sẽ vô hình chung rất dễ gây ra sự ngộ nhận rằng, anh đang làm kẻ nối giáo cho sự gây hận thù và chia rẽ tôn giáo. Tuy nhiên, anh Lê Quang Sinh chẳng những đã không để ý đến sự góp ý của những bạn bè xung quanh mà càng ngày anh càng hăng hái hơn, năng nỗ hơn trong việc quảng bá cho tập sách chống báng Phật Giáo nầy. Anh đã xuôi ngược bán hết cả nghìn cuốn trong đợt in lần thứ nhất và đã đổi bìa in lại lần thứ hai và càng tỏ ra hăng say hơn nữa trong việc đem tập sách nầy đi rao bán khắp nơi. Anh Sinh cũng đã gõ tất cả cửa nào có thể gõ được để xin anh chị em cầm bút viết bài giới thiệu quảng cáo cho tập sách của Huệ Nhật để đem in lên báo chí.

Lần đầu, để biện minh cho việc làm của mình, anh Lê Quang Sinh đã đem chiêu bài "quốc gia chống cộng" để gán cho tập sách. Lần đó tôi đã phân tích và thảo luận khá nhiệt tình và cặn kẽ với anh Sinh về sự mù mờ trong hành tung cũng như thực chất tinh thần "la hét chống cộng một cách bất thường" của Nguyễn Huệ Nhật trong sách. Xin được tóm tắt những điều liên quan đến Huệ Nhật và cái gọi là "tinh thần quốc gia" của anh Sinh gán cho Huệ Nhật mà tôi đã chân tình trao đổi với anh Sinh như sau:

  • Câu hỏi thứ nhất: Nguyễn Huệ Nhật là ai? Đây là sự mô tả của người em tên Thúc của chính tác giả:

"Trước năm 1975, đối lập với chế độ Sàigòn, chống Mỹ chống chế độ, đã theo Việt Cộng, theo phản chiến. Sau 75 ăn ở, ngủ ngáy lập gia đình vời Việt Cộng rồi sinh con đẻ cái, chắc bây giờ sau 20 năm nằm chung chăn giờ mới phát hiện có "rận". Quân đội Sàigòn trước 75 anh cho họ là một lũ đánh thuê bây giờ lại giở giọng "Bán máu dân lành cho Mốt Cu" (Trang 103) -Huệ Nhật đã để ra từ trang 103 đến trang 144 để trả lời cho người em tên Thúc và cũng là nhằm để biện minh cho mình. Tuy vậy, dù tôi đã ráng đọc kỹ nhiều lần, nhưng những lý luận nhằm để "gải cứu" cho anh vẫn không có một mảy may sức thuyết phục đối với ai cả.

  • Câu hỏi thứ hai: Cũng theo tác giả tự kể lại là ngay sau khi VC vừa chiếm Sàigòn, Huệ Nhật đã tự ý đứng ra bảo lãnh cho 1500 người hồi hương. Nhưng sau đó VC cho anh ta là CIA nên bỏ tù (?!) Ngay sau khi ra tù, Huệ Nhật lại cưới một cô "đặc công trinh sát VC" làm vơ.Xin nhớ: Cô đặc công trinh sát VC chứ không phải cô bán vé số ngài chợ). Về điểm này người đơn giản nhất cũng sẽ có cả hàng bao nhiêu câu hỏi là sự giải thích và sắp đặt sự kiện của Huệ Nhật quá ấu trĩ và thậm chí khôi hài để chứng minh cho tinh thần "quốc gia" của anh ta.
  • Câu hỏi thứ ba: Có ai là cựu tù CS mà lại đuợc tự do xuất bản sách liên tục tại Sàigòn như Huệ Nhật không? Theo phần liệt kê ghi sau bià Huệ Nhật đã xuất bản 6 cuốn sách về thơ văn tại Sàigòn trước khi qua Đức. Huệ Nhật ghi là phải đạp xích lô để kiếm sống mà lại có tiền tới 4, 5 nghìn đô la gửi qua cho vợ con ở Mỹ (Trang bìa sau và trang 233)
  • Câu hỏi thứ tư: Phải chăng viết sách bôi bác tôn giáo như Nguyễn Huệ Nhật và việc tiếp tay phổ biến những "Tá(t) phẩm" gây hận thù và chia rẽ tôn giáo như anh Lê Quang Sinh cũng là một cách thể hiện lập trường "quốc gia chống cộng"?

Khi nêu lên những câu hỏi nầy tôi hoàn toàn không có ý và cũng không có lý do chụp mũ – vốn là điều mà tôi rất có dị ứng và luôn luôn mạnh mẽ lên án– hay xếp loại Huệ Nhật là tả, là hữu hay là gì đó... mà tựu trung tôi chỉ muốn nói với anh Sinh một điều là "Đừng vội cho những gì trông có vẻ lóng lánh đều là vàng". Cũng vậy, khoan dễ dãi cho rằng Huệ Nhật là một người có lập trường quốc gia chống cộng để lờ đi cái đinh then chốt của vấn đề: Đó là trò ma mãnh đã quá lỗi thời và tác tệ đối với người Việt tỵ nạn. Không còn ai lạ gì trò nói huơu nói vượn kiểu Huệ Nhật để kiếm điểm, lấy lòng các cơ quan tôn giáo khác đang có chương trình đứng ra bảo lãnh một số di dân vào đất Mỹ.

Trước luồng dư luận xôn xao của quần chúng trong năm qua, là một người trong giới gần gũi với sách báo (và cũng là người từng quý mến và trân trọng viết lời giới thiệu cho tập thơ đầu tay của anh Như Hoa Lê Quang Sinh), dù không đồng y với anh nhưng tôi vẫn cố gắng đặt vấn đề một cách khách quan với hy vọng làm sáng tỏ một phần nào cho việc làm của anh Sinh trước quần chúng, nhất là với các vị tôi thường gặp ở chùa. Khi nói về "động cơ nào đã thúc đẩy anh Sinh năng nỗ hình thành và phổ biến một cách nhiệt tình tập sách đầy tính tiêu cực và chia rẽ của Huệ Nhật như vậy?",tôi đã nêu lên câu hỏi và cách lý giải mà tôi cho là tương đối hợp lý nhất với anh Sinh. Xin được tóm tắt như sau:

- Vì tình văn nghệ chăng? Có lý nào! Thử đọc một đoạn thơ "tức cảnh" của Huệ Nhật đăng ở trang 277, trong sách của anh:

Tôi làm nghề đạp xích lô

Đón người lỡ bước đón cô bạn hàng

Chở anh ngồi sát bên nàng

Chở bà bụng nghén giữa đàng kêu đau

Đi quanh ngõ trước đường sau

Đất bằng tôi đạp, dốc cầu đẩy lên...

Thi nhân ơi! Thơ thẩn mà đến nước nầy thì cho dù "Cụm Hoa Tình Yêu" của anh Lê Quang Sinh cũng không dám đăng chứ nói gì đến văn gừng văn nghệ. Đọc thơ của Huệ Nhật, người ta chợt nghĩ đến tấm hình chụp chung của anh và Bùi Giáng đăng ở bìa sách của anh, rồi tự hỏi không biết Huệ Nhật đã "lây" cái điên của Bùi Giáng hay "lan" hồn thơ thiên cổ của thi nhân tài hoa mà kỳ dị ấy?!

- Vì danh chăng? Chắc chắn là không! Bởi lẽ đã hơn một lần, tôi có trình bày thẳng thắn với anh Sinh rằng, anh càng dính vào tập sách này chừng nào là danh dự anh càng bị thương tổn chừng đó cụ thể là quần chúng Phật Tử và những người lương thiện khắp nơi đang phẫn nộ. Người ta phẫn nộ không phải vì mớ chữ nghĩa hỗn tạp của một gã vô danh đang nằm trong trại xuất khẩu lao động của chế độ Hà Nội tận bên Đức như Huệ Nhật, mà sự phẫn nộ đang dồn cả vào anh Lê Quang Sinh vì anh đã cho in ấn, phát hành, và quảng cáo tập sách đó. Thậm chí, tôi đã thuật lại cho anh Sinh nghe nguyên văn những lời mắng nhiếc đầy xúc phạm của các Phật Tử ở nhiều chùa khác nhau đối với kẻ bảo trợ cho tập sách. Tôi đã gặp những người quan tâm đến vấn đề này từ trong vùng như : Các chùa Diệu Quang, Kim Quang, Viên Chiếu, Kim Sơn, Pháp Duyên, Quang Nghiêm... khi họ biết anh Sinh là người bảo trợ việc in ấn và phát hành tập sách Từ Áo Cà Sa đến Thập Tự Giá của Huệ Nhật.

- Vì lợi chăng? Dù ai cũng biết rằng bán ra một đợt in sách cũng có thể kiếm được tiền lời trên chục nghìn đô la, nhưng với tuổi tác và vị thế của anh Lê Quang Sinh thì chút vật chất phù phiếm làm sao đổi được thanh danh to lớn của anh, nên chẳng có ai tin rằng anh Sinh lại "hy sinh" cái danh lớn cho cái lợi nhỏ cả. Hơn thế nữa, sách hay hoặc sách dở thì cũng là sản phẩm tinh thần và tim óc của người viết ra nó. Trong văn nghệ, bán trí óc của người khác để kiếm ăn là một việc làm rất bẩn mà đám văn nghệ sĩ đàn em nghèo rớt mồng tơi còn cố tránh, huống hồ là một vị đầu đàn chủ tịch Hội Thơ như anh Sinh thì không thể nào anh lại cam tâm làm điều sai trái đó được.

Anh Sinh đã khẳng định tài năng của Huệ Nhật trong Lời Bạt của anh đăng cuối tập sách của Huệ Nhật, rằng: "Với lý luận sắc bén và tự tin; với lối hành văn lôi cuốn , lời lẽ súc tích,tác giả đã làm cho người đọc say mê từ đầu đến cuối. Đọc xong, chúng ta mới hiểu nỗi lòng tác giả phải lựa chọn dứt khóat con đường hành đạo để đi..." Ở đây rõ ràng là có hai vế: (1) Tán và (2) Tụng. Tán là vế đàn dạo mở đầu nên dẫu có hứng chí ngó gà hóa cuốc thì cũng không sao. Nhưng đến vế chính, tụng, thì không ai hiểu anh Sinh đã "hiểu nỗi lòng" của Huệ Nhật như thế nào? Nghĩa là anh Sinh đã hiểu Phật giáo qua lăng kính "hành đạo" của Huệ Nhật? Nếu thế, thì quả thật là một đại họa cho Hội Thơ Tài Tử vì người lãnh đạo một hội thơ hội tụ nhiều khuynh hướng mà lại nhìn thế sự một cách hời hợt và vô tâm như vậy thì làm sao đủ bản lĩnh để đọc thơ, nhất là thơ Thiền của anh chị em?! Tôi vẫn chưa tin là anh Sinh đã nói hết suy nghĩ của riêng anh khi ngỏ lời cho Huệ Nhật.

Bởi vậy, vì kính mến anh Sinh nên người ta tin rằng, việc làm của Anh Lê Quang Sinh không phải là một việc làm "Mờ mắt vì tiền" hay "Vô ý thức" như một số người nổi giận nói quàng mà nhất định phải có những mục tiêu cao cả và sâu xa nào khác.

Riêng cá nhân tôi, vì vốn quý mến anh Sinh nên tôi cũng chân thành tin rằng, anh Sinh là một người đàn anh với tuổi đời trên 70, mọi việc làm của anh đều có sự tính toán cẩn trọng và suy nghĩ chín chắn. Ở vào giai đoạn "thất thập cổ lai hy" làm sao anh lại có thể tiếp tay cho một tập sách nhận định về Phật giáo một cách vụng về, thiển cận và bôi bác như thế được. Cũng như vừa là một tín đồ của đạo Chúa, cũng vừa là người làm công việc thi ca nghệ thuật thì làm sao anh Sinh có thể chấp nhận những lời ca tụng Chúa một cách sống sượng, nghèo nàn và vớ vẩn thiếu hẳn tính nghệ thuật của Huệ Nhật đầy dẫy trong tập sách. Và sau hết, là một chiến sĩ quốc gia chống Cộng thì làm sao anh Sinh có thể nghe lọt tai luận điệu chống Cộng ồn ào, rỗng tuếch, nông cạn và lối nói ngạo mạn, trịch thượng, lên lớp dạy người Việt chống Cộng của một kẻ thời cơ chủ nghĩa, theo gió phất cờ đang nằm trong món hàng xuất khẩu lao động của nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam vừa gửi qua Đức như Nguyễn Huệ Nhật được?!

Nói tóm lại là tôi đã đề nghị với những người mà tôi được biết là hãy nhìn kỹ, nhưng hãy khoan vội vàng phê phán hay kết luận về việc làm của anh Sinh.

Với những tình cảm nồng hậu và lòng kính trọng của đa số quần chúng cũng như của bản thân tôi đang dành cho anh Sinh, tôi tin rằng, nhất định anh Như Hoa Lê Quang Sinh sẽ không làm cho chúng ta thất vọng.

(cùng một tác giả)

----o0o---

Trình bày: Vĩnh Thoại

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/01/2025(Xem: 69)
CHIA SẺ PHẬT PHÁP: TẠO PHƯỚC BẰNG TẤM LÒNG và HỌC ĐỨC KHIÊM TỐN. Âm Đức và Dương Đức: Xin mời quý vị đọc những đoạn thơ bên dưới và cùng chúng tôi cố gắng thực tập:
26/01/2025(Xem: 27)
NGÀY XUÂN NHỚ VỀ KỶ NIỆM BÀI CA CỔ: “ LỜI NGUYỆN CẦU TRÊN ĐẤT NƯỚC VẠN XUÂN” Trong những ngày cả nước đang náo nức, rộng rã chuẩn bị đón mùa xuân mới, Xuân Ất Tỵ 2025 - Phật lịch 2568. Là một người con Phật, yêu Dân Tộc, yêu Đạo Pháp thiết tha từ những ngày ấu thơ và trưởng thành qua các đoàn thể thanh niên Pht giáo thuần túy, cho đến tận hôm nay; đóng góp cho thành quả chung qua khả năng chuyên môn, nhất định của mình. Do vậy trong long người viết cũng rộng ràng với mùa xuân không kém, đặc biệt với khía cạnh lịch sử Dân Tộc và Phật Giáo Việt Nam (PGVN) , điều đó càng trở nên sâu đậm, nhiều ý nghĩa hơn.
25/01/2025(Xem: 77)
Tôi sinh ra đời khi Thế chiến thứ hai bắt đầu bùng nổ tại Âu châu. Thế nhưng tại một tỉnh lỵ nhỏ bé tại miền Nam trên quê hương tôi, nơi tôi sinh ra đời, thì người dân vẫn sống yên lành. Thật ra gốc gác của gia đình tôi ở thật xa nơi này, tận miền Bắc. Cha tôi là một công chức trong chính quyền thuộc địa, được thuyên chuyển về cái tỉnh lỵ này một năm trước khi tôi ra đời. Tuy thế, khi lớn lên tôi vẫn cứ xem cái tỉnh lỵ bé tí xíu đó là cả một góc quê hương gần gũi và thân thiết nhất đối với tôi, nơi mà người ta chôn buồng nhau của mẹ tôi và cái cuống rốn của tôi.
25/01/2025(Xem: 625)
Xuân về, mong đời một cõi an nhiên! Ngày 25 tháng chạp, khi Trời còn nặng hơi sương, tôi thức dậy sớm để cùng gia đình chuẩn bị tảo mộ ông bà, một phong tục thiêng liêng của người Việt Nam. Buổi sáng, tôi theo dì đi chợ, chợ hôm nay đông hơn mọi ngày, không khí Tết đã về trên những nẻo đường, tấp nập và nhộn nhịp. Sau khi đi chợ về, cậu làm một mâm cơm để cúng, xin ông bà cho phép cháu con được động vào mồ mả, rồi tôi và người trong gia đình bắt đầu quét dọn, nhổ cỏ, lau mộ, những nén nhang trầm tỏa làn khói ấm làm cho không gian nơi yên nghỉ của ông bà tổ tiên càng trở nên linh thiêng, ấm cúng.
25/01/2025(Xem: 287)
Từ đâu có tham, sân, sợ hãi, niệm? Nguyên Giác Trong Thiền Tông thường nói rằng khi ngọn đèn sáng thắp lên, thì bóng tối của vô lượng kiếp sẽ biến mất. Hình ảnh đó còn được giải thích là, khi người tu thấy được ánh sáng của bản tâm, nơi không có gì được bám víu, thì vô lượng nghiệp xấu đều biến mất. Kinh điển giải thích điểm này thế nào?
22/01/2025(Xem: 536)
Vần Thơ Tiễn Biệt Bạn Hiền Phật tử Nguyễn Thị Truyên Pháp danh: Quảng Hoa (1957-2024)
22/01/2025(Xem: 322)
(Lời giới thiệu của Nguyên Giác: Phật Giáo chưa bao giờ biến mất khỏi Ấn Độ. Phật Giáo chỉ tàng hình, hội nhập vào văn hóa Ấn Độ. Bài viết nhan đề "Theory That Buddhism Vanished From Its Birthplace, India, Is Being Challenged" [Lý Thuyết Nói Rằng Phật Giáo Biến Mất Khỏi Nơi Xuất Phát, Ấn Độ, Đang Bị Thách Thức] là của P. K. Balachandran, một nhà báo Ấn Độ kỳ cựu làm việc tại Sri Lanka cho các cơ quan truyền thông địa phương và quốc tế và đã viết về các vấn đề Nam Á trong 21 năm qua. Bài này trên tạp chí Eurasia Review, nhận định về sách "Casting the Buddha: A Monumental History of Buddhism in India" [Đón Nhận Đức Phật: Một Lịch Sử Hùng Vĩ của Phật Giáo tại Ấn Độ) của tác giả Shashank Shekhar Sinha]. Sau đây là bản Việt dịch.)
21/01/2025(Xem: 323)
Khoa học hiện đại đã cho thấy là tình trạng sạch sẽ của răng và miệng (oral hygiene - tiếng Anh) có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ con người. Ca dao tục ngữ tiếng Việt cũng đề cao tính chất của hàm răng như ‘răng long đầu bạc; thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng; cái răng cái tóc là góc con người …’, qua đó ta có thể thấy được phần nào vẻ đẹp (ngoại hình) và sức khoẻ toàn diện con người. Trong truyền thống người Việt, chăm sóc răng không đòi hỏi gì nhiều: từ nhỏ thì dùng tăm, khi lớn thì dùng cau khô ...v.v...
21/01/2025(Xem: 334)
Khoa học hiện đại cho thấy là sức khoẻ con người tuỳ thuộc vào các vận động thường ngày, cụ thể như tập thể dục, đi bộ nhiều hay ít chẳng hạn. Tuy là một hoạt động nhỏ nhặt ít ai để ý đến, nhưng đi bộ lại đem đến cho ta những lợi ích to lớn không lường cho sức khoẻ con người. Điều này cũng được ghi nhận trong các tài liệu Phật giáo cổ đại, thí dụ như trong cuốn Nam Hải Kí Quy Nội Pháp Truyện của pháp sư Tịnh Nghĩa, soạn vào đầu thập niên 690. Bài này chú trọng đến điều 23 trong 40 điều[2] (hay chương) của tài liệu trên.
21/01/2025(Xem: 394)
Nam Mô Phật Nam Mô Bồ Tát Hiểu và Thương... Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Tết đến, là thời điểm người Việt tha hương thương nhớ quê nhà, tri ân Ông bà quốc tổ nhiều nhất trong năm, và để thể hiện niềm thương nhớ cùng tri ân đó không gì hơn là những món quà chia sẻ với quê hương gọi là:'' Của Ít Lòng Nhiều''.. Vào ngày 19 Jane 2025 Hội Từ thiện Trái Tim Bồ Đề (Bodhgaya Heart Foundation) chúng con, chúng tôi vừa thực hiện một buổi phát quà Tết dành tại Hội người Mù Phong Điền và những người dân nghèo miền Trung.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]